Wednesday 31 July 2013

300 năm địa danh Gia Định (hochiminhcity.gov.vn)

300 năm địa danh Gia Định

Địa danh Gia Định đã xuất hiện từ 300 năm qua, nhưng khi là phủ, là tỉnh, là toàn xứ Nam bộ, lại chỉ định những địa bàn hành chính to nhỏ rất khác nhau. Thật là phức tạp, chúng ta cần xem xét cho thấu đáo.
1- Phủ Gia Định từ 1698 đến 1802.
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, thấy nơi đây đất đã mở mang “hàng ngàn dặm và có dân trên 4 vạn hộ”. Để chấm dứt tình trạng lưu dân tự khẩn hoang lập ấp đó, Cảnh bèn lập phủ Gia Định để coi hai huyện: Phước Long (Biên Hòa) và Tân Bình (, từ sông  đến sông Vàm Cỏ Đông). Diện tích rộng khoảng 30.000 km2.
Năm 1708, Mạc Cửu xin cho trấn Hà Tiên thuộc quyền Chúa Nguyễn. Năm 1732, chúa Nguyễn cho lập châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ (sau là Vĩnh Long). Năm 1756, tổ chức cai trị đạo Trường Đồn (sau là Định Tường).
Năm 1757, chúa Nguyễn cho lập các đạo Đông Khẩu, Tân Châu, Châu Đốc. Từ đó toàn miền Nam thuộc về lãnh thổ và chính quyền Việt Nam.
Từ 1779, phủ Gia Định bao gồm cả:
Dinh Phiên trấn (Sài Gòn)
Dinh trấn Biên (Biên Hòa)
Dinh Trường Đồn (Định Tường)
Dinh Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang).
Trấn Hà Tiên.
Như vậy, diện tích phủ Gia Định là diện tích toàn Nam bộ rộng khoảng 64.743 km2.
Gia Định kinh từ 1790 đến 1802
Sau khi thâu hồi đất Gia Định, Nguyễn Ánh cho xây thành Bát Quái rộng lớn theo cách bố phòng Vauban, theo định hướng phong thổ Aá Đông, theo mỹ thuật dân tộc Việt Nam và mệnh danh là Gia Định kinh.
2- Gia Định trấn từ 1802 đến 1808.
Năm 1802, Nguyễn Ánh thâu phục kinh thành Phú Xuân rồi lên ngôi và lấy đế hiệu Gia Long. Gia Long bèn hạ cấp Gia Định kinh xuống làm Gia Định trấn thành. Cải tên phủ Gia Định làm trấn Gia Định và đặt “trấn quan” để cai quản cả ngũ trấn là: trấn Phiên An, trấn Biên Hòa, trấn Định Tường, trấn Vĩnh Long, trấn Hà Tiên.
3- Gia Định thành từ 1808 đến 1832
Gia Định thành thay cho Gia Định trấn. Gia Định thành là đơn vị hành chính lớn cũng như Bắc thành cai quản cả xứ Bắc gồm nhiều trấn. Có lẽ phải đổi tên Gia Định trấn ra Gia Định thành để khỏi lẫn với 5 trấn dưới quyền cai quản. Từ đó, thành cai quản trấn. Để dễ phân biệt. Khi Trịnh Hoài Đức viết Gia Định thành thông chí là có ý nghiên cứu toàn hạt 5 trấn đã kể trên.
4- Tỉnh Gia Định từ 1836 đến 1867.
Năm 1832, sau khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất, Minh Mạng liền cải ngũ trấn thành lục tỉnh là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Đổi thành Gia Định – nơi trú đóng của Tổng trấn – làm tỉnh thành Phiên An – nơi trị sở của Tổng đốc coi riêng Phiên An thôi., sau vụ Lê Văn Khôi, Minh Mạng cho phá thành Bát Quái và xây dựng Phụng thờ nhỏ, gọi là tỉnh thành Phiên An., cải tỉnh Phiên An ra tỉnh Gia Định. Tỉnh thành Phiên An cũng đổi ra tỉnh thành Gia Định. Tỉnh Gia Định đương thời rộng khoảng 11.560 km2., Pháp tới chiếm Sài Gòn và phá bình địa thành Gia Định (Pháp gọi là thành Sài Gòn).
Năm 1835
Năm 1936
Năm 1859
Sau Hòa ước 1862 mất đi ba tỉnh miền Đông, Pháp vẫn chia tỉnh Gia Định làm 3 phủ như cũ: Tân Bình, Tân An, Tây Ninh.
5- Hạt Gia Định từ 1885 đến 1889.
Từ năm 1867, Pháp bỏ tên tỉnh Gia Định mà gọi là tỉnh Sài Gòn. Tỉnh Sài Gòn cũng là địa bàn tỉnh Gia Định trước, song không chia ra phủ huyện, mà chia ra 7 hạt tham biện (inspection), trong đó có hạt Sài Gòn (không kể thành phố Sài Gòn). Hạt Sài Gòn gồm 2 huyện Bình Dương và Bình Long. Nhưng từ năm 1872, hạt Sài Gòn gồm thêm huyện Ngãi An (Thủ Đức) nguyên thuộc tỉnh Biên Hòa.
Năm 1885, đổi tên hạt Sài Gòn thành hạt Gia Định (có lẽ để phân biệt rõ với thành phố Sài Gòn).
6- Tỉnh Gia Định từ 1889 đến 1975.
Năm 1889, bỏ danh xưng hạt (arrondissement), lấy tên tỉnh cho thống nhất với toàn quốc Việt Nam. Tỉnh Gia Định là 1 trong 20 tỉnh của cả Nam Kỳ lục tỉnh cũ. Tỉnh Gia Định (thu hẹp) này chia ra 18 tổng với 200 xã thôn, rộng khoảng 1.840 km2.
Năm 1944, thiết lập tỉnh Tân Bình trên một phần đất của tỉnh Gia Định (bắc Sài Gòn như Phú Nhuận, Phú Thọ, Hạnh Thông, Tân Sơn Nhì…, vùng Thủ Thiêm và một phần Nhà Bè). Tỉnh này chỉ tồn tại đến cuộc Cách mạng 5-1945 rồi giải thể. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, một phần không nhỏ của địa phận tỉnh Gia Định đã là căn cứ Cách mạng kháng chiến.
Năm 1956, vùng Củ Chi được trích ra để lập thêm 2 tỉnh Hậu Nghĩa và Bình Dương, Hậu Nghĩa lấy phần đất phía tây vẫn gọi là quận Củ Chi. Bình Dương lấy phần đất phía đông gọi là quận Phú Hòa.
Sau vụ chia cắt, Củ Chi cho 2 tỉnh Hậu Nghĩa và Bình Dương, tỉnh Gia Định (1970) còn chia ra 8 quận với 74 xã, rộng 1.499 km2. Tình hình đó tồn tại đến ngày Giải phóng 1975.
Từ năm 1975 đến nay, địa danh Gia Định không còn dùng để chỉ bất cứ một đơn vị hành chính nào. Song nhân dân miền Nam vẫn nhớ tên đó với nhiều ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp, Sử sách Thành phố và toàn Nam Bộ luôn nói đến Gia Định từ suốt 300 năm qua để ghi dấu bao chiến công và thành tích phát triển vượt bậc của phần đất phía Nam của Tổ quốc.
(Nguồn: hochiminhcity.gov.vn)

Tuesday 30 July 2013

Từ ô tô xuất hiện lần đầu trong tiếng Việt khi nào?



Đầu thế kỷ 20 đã thấy ô tô xuất hiện trên báo chí:
Tầu hỏa Hải-phòng lên, Đồng-đăng xuống, Vân-nam về, kẻ quan, người lính, kẻ thân, người hào, kẻ đi học, người đi buôn, kẻ làm ruộng, người làm thợ, đi như nước chẩy, đông như đám hội, già từ chín mươi tuổi sắp xuống, trẻ từ bốn-năm tuổi sắp lên, sang từ những bậc đi ô-tô nhà, hèn từ những hạng gánh hàng-dong bán, vòng trong vòng ngoài, trông bộ ai cũng hết lòng mừng-rỡ, hết lòng cung-kính, hết lòng sốt-sắng mà tiếp rước một người. (Nam Phong Tạp Chí số 1 (1917:52, Tuyết-Huy)
Nhưng Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) không công nhận ô tô đủ tư cách của một từ tiếng Việt. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:650) chỉ công nhận xe hơi và gọi xe hơi là.... xe ô-tô: xe chạy bằng sức nổ của hơi, tức là xe ô-tô.

Xe hơi có lẽ được dịch sao phỏng từ氣  車 (khí xa) của tiếng Trung Quốc. Cùng thời với Việt Nam Tự Điển, quyển Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh (2005:794) có hai mục từ cùng nói về ô tô:
khí xa 氣  車  xe hơi (automobile à essence)
tự động xa 自動車 Xe có máy tự chạy được (automobile).
Tự động xa là âm Hán Việt của từ jidosha tiếng Nhật.

Ô tô được chính thức dùng trong các văn bản hành chính ở miền Bắc sau năm 1954:
Các xe ô tô, mô tô trước khi đỗ phải bóp còi báo hiệu.(Nghị định 348-NĐ năm 1955 của Bộ trưởng Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành luật đi đường bộ)
Có lẽ vì Bác Hồ không thấy ô-tô có vấn đề gì, mọi người cứ thế dùng theo không chút băn khoăn:
Các chủ ô tô thì niêm yết giá vé, và không chở quá nhiều khách. (Hồ Chí Minh, 2000-7:432)

Monday 29 July 2013

VŨ TRỌNG PHỤNG - TÀI HOA BẠC MỆNH (Đỗ Ngọc Thạch)


 Đỗ Ngọc Thạch




Văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 có ba người cùng trang lứa, cùng tài ba xuất chúng và cùng đoản mệnh. Đó là Vũ Trọng Phụng (1912-1939), Hàn Mặc Tử (*) (1912-1940) và Bích Khê (**(1916-1946). Hàn và Vũ có nhiều cái cùng: cùng năm sinh, cùng có tác phẩm để đời năm 1936, cùng chết vì bệnh khi chưa tới tuổi ba mươi, cả Bích Khê cũng chết vì bệnh phổi. Cả ba đều sáng tác sớm và đều ở vị trí mở đầu cho một xu hướng, một trào lưu … Nếu như họ Hàn sáng tạo ra một thế giới thơ kỳ dị, “vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh”, nếu như Bích Khê có “những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam: Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng / Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông” (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam) thì bốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng xuất liên tục trong năm 1936 như một đợt Sóng Thần làm người ta sửng sốt, ngỡ ngàng cho đến …tận hôm nay!

*
Trong tang lễ Vũ Trọng Phụng, thi sĩ Lưu Trọng Lư đọc những lời thống thiết: "Người vừa từ giã chúng ta là một văn tài lỗi lạc, mà than ôi,  là một người bình dị, một người cha đứng đắn, một người chồng đứng đắn hơn, một người con chí hiếu, người của khuôn phép, người của nền nếp… Con người ấy không giết qua một con muỗi, nhưng kỳ diệu! Văn chương người ấy đã làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh. Vì đâu có cái nguồn cảm mãnh liệt ấy, mà người ta tưởng như không tìm được ở anh. Vì đâu cái sức sáng tạo mầu nhiệm ấy, vì đâu cái sức mạnh ấy của tâm hồn? Vì đâu cái đanh thép ấy của giọng văn? Vì đâu? Thưa các ngài, đó chỉ là bí thuật của thiên tài. Và đó là sức mạnh của sự tin tưởng. Sức mạnh ấy là một động lực phản lại những cái gì đã bất công, đã đồi bại, đã mục nát, cái rởm cái xấu của những ông trưởng giả, cái xấu cái bần tiện cái đồi bại của một hạng người, của một thời đại... Anh đã thu của cuộc đời được những gì mà bắt anh hiến nhiều thế? Không! Tôi biết anh là một nhà văn, mà là một nhà văn sống trong sự bần bạc, chết trong sự bần bạc…".

Một thập kỷ sau ngày mất của Vũ Trọng Phụng, nhà văn Vũ Bằng đã viết: "Anh mất đi đến nay đã hơn mười năm rồi, nhưng nói đến anh, thiên hạ vẫn còn mến tiếc, nhất là từ khi anh mất, cái chỗ ngồi của anh trong làng văn và làng báo vẫn chưa có ai thay thế được… Một người mất đi mà trong mười năm trời chưa có người thay thế được, nhất định phải là người có giá… Không, một người như thế, quả là hiếm thật. Nhân tài cũng như mỹ nữ vẫn là khó kiếm, biết làm sao được?".

Vậy mà phải đến thời kỳ đổi mới (mở đầu là năm 1986), tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mới thực sự được in lại, với Tuyển tập Vũ Trọng Phụng do Nguyễn Đăng Mạnh soạn và viết bài giới thiệu, NXB Văn Học in năm 1987, và lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng (1939-1989) được tổ chức trọng thể tại Văn Miếu Hà Nội ngày 12-10-1989. Tuy nhiên, phải đến hai mươi năm sau, trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng (1939-2009), ta mới có thể nghe được những lời sảng khoái như thế này: “Ngày nay người ta không còn phải dè dặt khi gọi ông là một thiên tài: hai mươi bảy tuổi đời mà để lại một sự nghiệp đồ sộ, trong đó có những tác phẩm có thể gọi là không tiền khoáng hậu…Nhớ lại không khí căng thẳng của đời sống văn học những năm 60, 70 của thế kỷ trước, sau vụ Nhân văn - Giai phẩm, mà chưa hết ghê sợ. Người ta đổ lên đầu Vũ Trọng Phụng đủ mọi tội lỗi ghê gớm nhất: trốt-kít, chống cộng, đạo văn, đầu cơ chính trị, mật thám cho Tây, lưu manh, truỵ lạc, chỉ có độc cái tài xỏ xiên, văn chương thì dâm uế, tự nhiên chủ nghĩa, thuộc dòng văn học phục vụ giai cấp tư sản mục nát, v.v…(1). Người ta đã vùi Vũ Trọng Phụng xuống tận bùn đen, lại còn đổ lên trên hàng tấn rác rưởi bẩn thỉu nhất” (Nguyễn Đăng MạnhMấy suy nghĩ từ cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng – Bài phát biểu trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng).

Tai sao văn tài Vũ Trọng Phụng lại gặp phải sự bất hạnh, sự nghiệt ngã cả về cuộc đời và văn nghiệp như thế? Bài viết này xin góp một phần nhỏ vào việc tìm lời đáp cho câu hỏi thế kỷ này. Vì vấn đề khá phức tạp và đã kéo dài nên bài viết không trình bày một cách “bài bản” mà chỉ hướng sự chú ý vào một vài “khâu yếu” và có tính “ngẫu hứng” vụt hiện!
*
Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 tại Hà Nội, quê gốc ở Bần Yên Nhân (làng Hảo), huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó. Bảy tháng tuổi đã mồ côi cha. Sống với mẹ và bà nội ở Hà Nội. Vũ Trọng Phụng được mẹ là bà Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo nuôi con ăn học. Vì thế, đến tuổi đi học, ông được vào học ở trường Hàng Vôi. Ông có may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp Albert Sarraut đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học, và là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Học hết tiểu học ở trường Hàng Vôi, ông phải đi làm kiếm sống, khi mới 14 tuổi, cho các sở tư ở Hà Nội như nhà hàng Gôđa, nhà in IDEO (Viễn Đông). Sau hai năm làm thư ký ở Goda và ở nhà in IDEO, Vũ Trọng Phụng chuyển hẳn sang viết báo, viết văn chuyên nghiệp.Từ 1930 - 1939, Vũ Trọng Phụng đã viết cho nhiều báo: Hà Thành ngọ báo, Nhật Tân, Hải Phòng tuần báo, Hà Nội báo, Tương lai, Tiểu thuyết thứ năm, Sông Hương, Đông Dương tạp chí, Thời vụ, Tao Đàn tạp chí.

Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, nhà báo kiếm sống bằng nghề viết vào đầu thế kỷ 20 – thời kỳ mà mọi thứ chỉ mới ở sự khởi đầu, từ chữ Quốc ngữ, cơ sở vật chất, kỹ thuật của báo chí cho đến cơ chế vận hành của nghề viết báo, viết văn. Tuy bước vào nghề khi tuổi đời còn rất trẻ và mọi kiến thức trang bị cho nghề viết đều là tự học, thời gian cầm bút có  chín năm ngắn ngủi (tác phẩm đầu tiên là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo khi mới 18 tuổi - năm 1930), ông đã để lại một số lượng tác phẩm (2)đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa.

Cả đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù lao động cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ nuôi gia đình. Tuy viết về nhiều các tệ nạn, thói ăn chơi nhưng Vũ Trọng Phụng là một người đạo đức và sống rất kham khổ. Vì vậy mà ông mắc phải bệnh lao phổi. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông từng phải thốt lên với người bạn vănVũ Bằng :Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này!”. Thảm cảnh này của Vũ Trọng Phụng cũng là cảnh ngộ chung của “Nhà Văn An Nam” mà Nhà thơ Nguyễn Vỹ (3) đã mô tả trước đó trong bài thơ Gửi Trương Tửu đăng trênPhụ Nữ (1934):

“Thời thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An Nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút nói văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Ðã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!”
*

Thể loại văn xuôi nghệ thuật ở Việt Nam được viết theo kiểu hiện đại như hiện nay chỉ mới khởi đầu từ truyện ngắn Sống chết mặc bay! của Phạm Duy Tốn (4), in trên báo Nam Phongtháng 12 năm 1918. Tác phẩm được giới thiệu một cách ấn tượng: Dưới tiêu đề chữ to MỘT LỐI VĂN MỚI và lời dẫn đặc biệt của ông chủ báo Nam Phong Phạm Quỳnh (1892-1945), câu chuyện trải dài suốt ba cột báo.

Truyện ngắn đã thu hút ngay người đọc bởi sự đổi mới của nó không chỉ ở nội dung và các chi tiết miêu tả rất đắt, mà còn ở hình thức thể hiện mới mẻ: mở đầu với đoạn mô tả trực tiếp những gì đang diễn ra, như một lát cắt vào giữa câu chuyện, điển hình cho “một lối văn mới”: Gần một giờ đêm, trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng... thuộc phủ..., xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất....Và việc mô tả hai hình ảnh tương phản đối lập: những người nông dân vất vả, hoảng hốt và hoàn toàn tuyệt vọng trước thiên tai; còn viên quan sở tại an nhàn, hưởng thụ, mặc kệ số phận dân đen: Than ôi! Cứ như cách quan ngồi ung dung như vậy, mà hai bên tả hữu, nha lại nghiêm trang, lính hầu rầm rập thì đố ai bảo rằng: gần đó có sự nguy hiểm to, sắp sinh ra một cảnh nghìn sầu muôn thảm, trừ những kẻ lòng lang dạ thú, còn ai nghĩ đến mà chẳng động tâm, thương xót đồng bào huyết mạch...

 

Có người cho rằng Phạm Duy Tốn đã nhái lại truyện Le partie de billard (Ván bài bi-a) củaAlphonse Daudet (4*) xuất bản năm 1873. Tuy nhiên, người ta cũng không bắt bẻ nhiều vì truyện ngắn Sống chết mặc bay! được lấy cảm hứng từ chính những trải nghiệm của Phạm Duy Tốn với trận lũ lịch sử ở Bắc Kì mà ông đã mô tả trong bài báo nổi tiếng Hoạn nạn tương cứu! Vả lại, việc học hỏi, tiếp thu văn học Pháp lúc đó là một quy luật tất yếu của sự giao lưu văn hóa Đông-Tây (mà Hoài Thanh gọi là cuộc biến thiên vĩ đại), biểu hiện khá nhiều và rõ nét trong Kịch nói, -một thể loại mới toanh mà Vũ Đình Long (5) đã tự lĩnh ấn tiên phong với vở Chén thuốc độc viết năm 1921,- và Thơ của phong trào Thơ Mới tiếp sau đó… Nói thêm về vở kịch Chén thuốc độc vì nội dung mà nó phản ánh cũng là nội dung mà sau này Vũ Trọng Phụng quan tâm. Vở kịch Chén thuốc độc, 3 hồi, đăng trên tạp chí Hữu Thanh số 4, 5 vào tháng 9 năm 1921, được coi là tác phẩm đầu tiên của văn học kịch VN. Nội dung vở kịch có đề tài lấy từ xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, mô tả sinh hoạt trong gia đình thầy thông phán Thu. Chén thuốc độc phản ánh sự xung đột giữa dục vọng và lương tri, giữa tệ nạn xã hội và hạnh phúc gia đình, cũng như phê phán cách sống ăn chơi sa đọa của lớp người thành thị trung lưu, những người vợ các công chức vô công rồi nghề, lăn mình vào cuộc sống xa hoa, dẫn đến phá sản và tội lỗi. Vở kịch được công diễn ngay sau đó vào ngày 20-10-1921 tại Nhà hát lớn Hà Nội, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử sân khấu kịch nói VN. Còn với thể loạiTiểu thuyết thì Tố Tâm được in năm 1925 của Hoàng Ngọc Phách (6) là sự mở đầu (Tố Tâmlà tiểu thuyết duy nhất của Hoàng Ngọc Phách được viết xong năm 1922, in lần đầu năm 1925 tại NXB Châu Phương, Hà Nội).

 

Như thế, khi Vũ Trọng Phụng viết tác phẩm đầu tiên năm 1930 và nổi danh trên văn đàn năm 1936 thì ông vẫn thuộc trong số ít các nhà văn mở đầu cho văn xuôi nghệ thuật VN hiện đại. Một vấn đề quan trọng hàng đầu khi nói đến Văn xuôi nghệ thuật VN hiện đại đầu TK XX là phải nói đến sự ra đời và phát triển của Báo chí Tiếng Việt (***), bởi đó là “đất sống” của nó.
*
Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng.

Sau khi Trương Vĩnh Ký (7) trở về nước vào năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi đấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. Petrus Ký đã từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ. Và phải đến ngày 16 tháng 5 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của (8) làm chủ bút. Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt hoạt động. (Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nhắc lại một cứ liệu xác định Gia Định báo tồn tại đến ngày 31 tháng 12 năm 1909 (44 năm), và chính thức đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910).

Sau Gia Định báo, có một số báo tư nhân khác ở Nam Kỳ (9) thuộc địa như Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900),Lục tỉnh tân văn (1910),v.v...

Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân; còn phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa - xã hội... Sau khi Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Gia Định báo được thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa.

Điều đáng chú ý là nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ dễ dãi, như tiếng nói thường ngày, viết như nói, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng không dung tục như ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có văn hóa. Gia Định báo cũng có góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mớimở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí VN.

*

Tác phẩm gây sự chú ý của dư luận đương thời đối với Vũ Trọng Phụng là phóng sự đầu tay Cạm bẫy người  (ký bút danh Thiên Hư), đăng trên báo Nhật Tân, xuất bản tại Hà Nội, từ số 1 (2-8-1933) đến số 14 (1-11-1933). Trên Ngọ báo đã có ngay bài khen ngợi thành công của Vũ Trọng Phụng với phóng sự Cạm bẫy người: Đó là một tác phẩm “có giá trị về phương diện khảo chứng (documentation) cũng như về phương diện văn chương”. Cạm bẫy người được viết một cách có nghệ thuật, có “sức cám dỗ người đọc” với mục đích chính đáng là phê phán, “lật tẩy” hiện tượng xã hội xấu xa là cờ bạc bịp. Giọng trào phúng mát mẻ của Vũ Trọng Phụng được coi là thích hợp. Năm sau, cũng trên báo này, Vũ lại cóphóng sự thứ hai Kỹ nghệ lấy Tây (từ số 69 – 5-12-1934). Và chỉ với hai  phóng sự này, cùng cây bút đàn anh đi trước Tam Lang Vũ Đình Chí (10) và nhà văn đồng trang lứa Vũ Bằng,Vũ Trọng Phụng đã được Lê Tràng Kiều (11) xếp vào “Top” những “nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta”, “một tay thiện nghệ trong văn tả thực” (Lê Tràng Kiều - Văn học tạp chí, số 4-1935). Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm côLục xì đã khẳng định văn tài của Vũ Trọng Phụng ở thể loại Phóng sự và đã tạo nên danh hiệu “ông vua phóng sự Bắc Kì” cho Vũ Trọng Phụng.

 

Với thể loại Tiểu thuyết, năm 1934, Vũ Trọng Phụng có tiểu thuyết đầu tay Dứt tình (còn có tên khác là Bởi không duyên kiếp) đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo. Với tiểu thuyết này, Vũ Trọng Phụng được khen là “ngòi bút tả chân thực đã khéo léo”. Chỉ hai năm sau, sang năm1936, Làng Văn, Làng Báo ngỡ ngàng trước Bốn tiểu thuyết được lần lượt xuất hiện trên các báo: Giông tố (Hà Nội báo từ số 1/1-1-1936), Vỡ đê (Tương lai, từ số ngày 27-9-1936), Số đỏ (Hà Nội báo, từ số 40, 7-10-1936), Làm đĩ (đăng trên Sông Hương, Huế năm 1936). 

Về Tiểu thuyết của Vũ trọng Phụng, 
Phùng Tất Đắc (12) khen ngợi Vũ Trọng Phụng đã có “những công trình có thể vạch phương hướng cho văn nghệ... góp được tài liệu cho đời sau khảo sát về buổi này”. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến chê bai, phản bác Vũ Trọng Phụng về các tác phẩm nói trên, nhất là Giông tố và Làm đĩ chung quanh vấn đề “Dâm hay không Dâm” (Thái Phỉ, chủ bút báo Tin văn với bài “Văn chương dâm uế” đăng trên Hà Nội báo số 38 ngày 23-9-1936). Một năm sau những ý kiến tranh luận giữa Thái Phỉ và Vũ Trọng Phụng, cuộc bút chiến được đẩy lên đến đỉnh cao khi Nhất Chi Mai viết bài: Ý kiến một người đọc: Dâm hay không Dâm? (đăng trên báo Ngày nay, số 51 ra ngày 14-3-1937).

Vũ Trọng Phụng đã có gần chục bài báo bút chiến với Thái Phỉ, đáp lại bài của Nhất Chi Mai; bác lại ý kiến của báo Phong hóa, báo Ngày nay; trả lời phỏng vấn của Lê Thanh về 2 tiểu thuyết Giông tốLàm đĩ; bài Thay lời tựa cho tiểu thuyết Làm đĩ khi in thành sách. Bên cạnh những bài viết của mình,Vũ Trọng Phụng đã cho đăng những bài lược dịch ý kiến về vấn đế đang tranh luận của các nhà văn, nhà thơ nước ngoài như G. Maupassant (13), J. Richepin (14), v.v…

*

Bằng việc lược thuật ý kiến của các nhà văn hiện thực Pháp như G. Maupassant, J. Richepin, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện rõ xu hướng sáng tác của chủ nghĩa hiện thực mà ở ta thường gọi là văn học tả chân và tư cách nhà văn xã hội. Từ ý kiến của các nhà văn hiện thực này, Vũ Trọng Phụng tập trung nhấn mạnh các khía cạnh mà theo ông là chủ yếu đối với nhà văn tả chân: 

- “Chỉ tả sự thực, toàn một giống thực”. “Đó là những sự thực có ý vị, chớ chẳng cốt nêu cái thực hoàn toàn”, mà sau này các nhà lý luận văn học gọi là “điển hình hóa”. 

- Nhà văn tả chân phải từng trải cuộc đời, chú mục phơi bày những cảnh đời bình dị, những con người bình thường. Tác phẩm của họ cần phô diễn tính tình và hành động của các hạng người sao cho sinh động, thanh thoát, tự nhiên. Qua sự cảm nhận và kinh lịch của ḿnh, nhà văn tả chân giúp người đọc tỏ tường các mặt thực của đời, chiều sâu của đời sống xã hội, sự phồn tạp trong hoạt động tinh thần, tâm - sinh lý của các hạng người đời. Đó chính là việc mà sau này các nhà lý luận văn học gọi là “xây dựng những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”.

- Không thể kết án nhà văn tả chân khi họ miêu tả những thói xấu của xã hội, những cái đê tiện của người đời và gọi chúng bằng tên thật của nó. Nhà văn tả chân dũng cảm đối diện với sự thật, dù nó tàn nhẫn, khắc nghiệt, trái với sự mong đợi của mình. Nhà văn viết về cái xấu xa, nhơ bẩn, dâm uế để tố cáo, lên án nó, khơi dậy trong độc giả sự công phẫn, đối phó chống lại thực trạng và những kẻ thủ phạm gây ra những tệ nạn xã hội xấu xa ấy. Anh ta khi viết không đổi trắng ra đen, không che đậy hoặc huyễn hoặc lừa mình, dối người, cũng không làm hại đến luân lý, phong hóa cần được tôn trọng. Viết trung thực, tức là tôn trọng người đọc, nêu cao tinh thần khoa học, để có thể khám phá chân lý cuộc sống. Khuynh hướng tả chân như vậy là phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội, đáp ứng đòi hỏi của người đọc trong một thế giới văn minh, hiện đại. Đó chính là tính phê phán xã hội của chủ nghĩa hiện thực mà các nhà lý luận văn học gọi là chủ nghĩa hiện thực phê phán.

Về vấn đề “Cái dâm trong văn chương”, Vũ Trọng Phụng khẳng định: nhà văn tả chân có quyền và bổn phận tả những cảnh thuộc về đời sống tình dục tự nhiên của con người, về cái dâm thuộc về thiên tính - nhưng lúc nào cần tả, lúc nào không nên tả thì cần phải cân nhắc để văn chương không rơi vào khiêu dâm. Còn thứ dâm uế, dâm loạn - tức những hành vi xấu xa, cần lên án thì cần phải mô tả kỹ về nó, lôi nó ra dưới ánh sáng ban ngày, có vậy mới khiến người đọc bất bình, công phẫn, lên án nó. Vũ Trọng Phụng không tán thành lối viết nửa kín, nửa hở, che đậy bằng những câu văn bóng bẩy vì như vậy chỉ tổ làm cho người đọc tò mò mà thôi. Ông chủ trương lối viết thẳng thắn, nói toạc ra các khía cạnh của sự thật dù có tàn nhẫn, khó coi nhưng đó sẽ là sự thật cay nghiệt giống như liều thuốc đắng khó nuốt nhưng sẽ làm cho người bệnh mau khỏi. 

**
Về bài viết của Nhất Chi Mai, tác giả đã chỉ trích Vũ Trọng Phụng là một nhà văn xã hội kỳ quặc “nhìn thế giới qua cặp kính đen, có một bộ óc cũng đen và một nguồn văn càng đen nữa”. Theo Nhất Chi Mai, bức tranh xã hội và đời sống con người trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thuần một màu đen tối, như một địa ngục với những kẻ giết người, làm đĩ, ăn tục, nói càn. Qua đó, không hé ra cho người ta thấy một tư tưởng lạc quan nào, một tia hy vọng nào. Mà tệ hơn nữa, ông lại viết những câu văn sống sượng, trần truồng, mô tả những cảnh nhơ nhớp một cách khoái trá, thích thú chẳng khác nào khiêu dâm người đọc. Nhất Chi Mai chỉ trích loại văn nói trên không thể xem là “kiệt tác”, “đúng sự thực”, “can đảm” được, thực chất chỉ là một loại văn “dơ dáy, bẩn thỉu, nhơ nhớp” mà thôi - độc giả có lương tri không nên để mình bị lừa mị mà tin theo những lời rỗng tuếch, huênh hoang, tâng bốc nhau của họ. 

Sự công kích này của Nhất Chi Mai là có thể hiểu được, bởi sự xuất hiện và tồn tại của chủ nghĩa hiện thực trong văn học, nghệ thuật trên thế giới vào cuối TK19 trên thế giới (ở châu Âu) còn luôn có chủ nghĩa tự nhiên bên cạnh, luôn song hành. Cùng lấy đối tượng phản ánh là hiện thực cuộc sống, nhưng chủ nghĩa tự nhiên cố gắng tái hiện hiện thực một cách khách quan chủ nghĩa, với thái độ thản nhiên lạnh lùng, hoặc là sự sao phỏng hoặc miêu tả y nguyên những hiện tượng ngẫu nhiên, không điển hình, thường là hiện tương tiêu cực của thực tế xã hội, đôi khi là sự miêu tả lộ liễu 
mặt sinh lý của đời sống con người và số phận của nhân vật thường là rất nghiệt ngã, mà người ta nói là hiện thực tàn nhẫn, mà nhà văn Pháp Émile Zola (1840-1902) là người tiên phong. Có thể nói khoảng cách giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên rất mong manh. Chính vì vậy mà không riêng gì Nhất Chi Mai lúc này mà về sau, một số nhà lý luận, phê bình văn học đã đẩy Vũ Trọng Phụng về phía Chủ nghĩa tự nhiên (như đã dẫn ở chú thích (1) trong bài viết của GS Nguyễn Đăng Mạnh: Vũ Đức Phúc với bài “Vũ Trọng Phụng - nhà văn tự nhiên chủ nghĩa tiêu biểu”).

 

Hẳn là Vũ Trọng Phụng biết rõ khi nhà văn tả chân tới lằn ranh của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên thì “nguy hiểm” biết chừng nào! Cho nên ta hiểu rằng, lúc này Vũ Trọng Phụng không thể không lên tiếng một lần nữa. Ông viết một bài dài “Để đáp lại báo Ngày nay: Dâm hay là không Dâm?”, bác lại hoàn toàn ý kiến của Nhất Chi Mai. 

Vũ Trọng Phụng đã đề cập trực tiếp đến khái niệm 
Tính dục (thời đó gọi là Dâm) và phân định khá rõ nội dung cũng như ý nghĩa xã hội và giá trị nhân bản của khái niệm này. Thái độ chung của nhiều xã hội, Đông hay Tây trước đây, là né tránh mọi sự bàn luận công khai về tính dục, thậm chí về cơ thể con người. Trong những dòng đầu Lời tựa cuốn Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng đã nói rõ quan niệm của mình về Tính dục
 trong mối liên hệ của nó với đạo đức và sinh lý học:

“…Cái dâm tự nó không xấu, mà nó là cái điều cao thượng đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây. Tác giả xin để 
Freud (15)…
 cắt nghĩa cho các ngài nghe rằng sự dâm có điều bẩn thỉu không đáng nói đến chăng, tưởng là đã đủ. Vậy thì, thưa các ngài. Ôi! Hỡi người đọc ta, phường đạo đức giả mà giống hệt ta! Tại làm sao cái điều ấy, cái điều mà người ta tự cho mình là đúng đắn, đạo đức không dám nói ra miệng bao giờ, thì chính là cái điều mà bất cứ lúc nào người ấy cũng có thể phải nghĩ thầm trong bụng? Cái dâm thuộc về cái quyền sinh lý học, luân lý không kiềm chế nổi”.

 “Ở các nước văn minh, người ta không kiêng nói đến cái dâm. Trái lại, người ta còn đem cái dâm ra mà nghiên cứu, phân tích, để dạy cho nhau nên dâm như thế nào… Bao nhiêu công trình nghiên cứu, kinh nghiệm, học hành của những bác học đã bạc đầu chung quanh một vấn đề dâm để cho xã hội biết nâng nó lên một trình độ, tận thiện, tận mỹ! Những sách vở, những cuộc đăng đàn diễn thuyết đã cứu vớt khỏi vòng trụy lạc biết bao nam nữ thiếu niên…Vậy mà vấn đề giáo dục cái dâm quan trọng đến nỗi bao nhiêu giấy mực rồi cũng chưa đủ”. 

Vấn đề giáo dục cái dâm” mà Vũ Trọng Phụng nói đến lúc đó quả là rất “lạ tai”, nghe thấy mấy từ đó, người ta giãy nảy như “đỉa phải vôi”! Và ngày nay, vấn đế mà nhà văn họ Vũ nêu ra được các nhà khoa học giáo dục gọi là “Giáo dục giới tính” (16) và cũng chưa phải đã là “quen tai”! Hẳn là họ Vũ đã biết rằng hô hào “Giáo dục cái dâm
” lúc đó là húc đầu vào đá, là thách thức búa rìu dư luận cho nên ông đã phải viện dẫn nhiều ý kiến của các danh nhân trong và ngoài nước về vấn đề này. Trước tiên, tấn công vào thành trì kiên cố nhất là tư tưởng bảo thủ coi tình dục là điều cấm kỵ, là xấu xa, đáng hổ thẹn: 

“Vì sao người ta lại coi tình dục là không quan trọng, là điều nhơ bẩn? Sao người ta lại cam tâm ngu dốt như thế, lại đạo đức giả đến như thế? Sao lại không dám nói lên cái sự nó vẫn ám ảnh hết thảy mọi hạng người? Sao lại không dám vứt bỏ cái sự hổ thẹn vô lý để giảng dạy về những bộ phận sinh dục là những cái mà đấng Thượng đế dám ban cho nhân loại mà không hổ thẹn? Nói hay im, bảo nhau biết điều hòa cái dâm để tô điểm cuộc đời, hay là cứ mặc quách để cái dâm của loài người làm loạn loài người , ấy chỉ do đó mà ra sự hưng thịnh, suy của nòi giống?”(Kết thúc phần Thay lời tựa tiểu thuyết 
Làm đĩ).

 

Bốn trang Thay lời tựa trong cuốn Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng đã trình bày những lý do xã hội thúc đẩy ông viết và mục đích công việc của mình:“Xã hội Việt Nam này, thật vậy, đã bắt đầu loạn dâm. Sự làm giàu đùng đùng của các thầy lang chữa bệnh hoa liễu, sự phát đạt của những tiệm khiêu vũ, tăng số của bọn giang hồ, nạn hoang thai, những vụ án vì tình mà hàng ngày các báo đăng lên mục tin đặc biệt, sự chán đời đến tự tử của một số nam nữ thiếu niên, hiếp dâm, vân vân, đã đủ dẫn chứng cho lời than ấy. Đứng trước tình thế ấy mà chỉ khoanh tay kêu: Ôi phong hóa suy đồi, thì nào có ích gì cho ai? Tìm một nền luân lý cho sự dâm giáo hóa cho thiếu niên để biết rõ tình dục là những gì, đó là những việc phải làm ngay vậy…Nam nữ thiếu niên vào lúc dậy thì, vào lúc xác thịt rạo rực lên vì sự biến đổi âm thầm và sự phát triển của những cơ quan sinh dục, là rất dễ lầm lỗi, là rất dễ hư hỏng, nếu không được bậc cha mẹ chỉ bảo những điều cần biết và đề phòng mọi hoàn cảnh xấu xa hộ cho…”. “Vì những lẽ ấy mà truyện Làm đĩ ra đời”.Gần 300 trang, thông qua chủ đề về một cô gái sa ngã, Vũ Trọng Phụng đã đề cập đến nhiều vấn đề xã hội lớn vẫn còn nóng cho tới ngày nay: Trách nhiệm của người cầm bút, Nguyên nhân các tệ nạn xã hội và nhất là kêu gọi Giáo dục thanh thiếu niên (về mặt giới tính) như là một biện pháp hiệu quả nhất để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của tuổi trẻ.

 

Là một người thuộc văn phái tả chân, Vũ Trọng Phụng không ngần ngại nói rõ “Quan điểm thẩm mỹ” của mình: “Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời... Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì đúng sự thật, thành ra nguy hiểm, vì sự thật mất lòng”.  Vũ Trọng Phụng tiếp tục khẳng định mục đích cao đẹp của văn tả thực: cất tiếng nói phản kháng xã hội bất công, mục nát, xấu xa, phản tiến bộ, trong đó người lao động lương thiện bị bóc lột, đè nén, bị bần cùng và tha hóa, bên cạnh đó tầng lớp trên thì ăn chơi trác táng, xa hoa, phè phỡn, lố lăng. Ông cho rằng xã hội đương thời với những vết thương trầm trọng, thối rữa đến tận xương tủy như thế thì có gì phải dấu giếm? Phải vạch trần chân tướng xấu xa của nó, phanh phui những ung nhọt của nó, chỉ ra sự bất công và nỗi thống khổ đang tràn lan, dày vò con người, từ đó làm cho dân chúng căm hờn, phỉ nhổ vào những tệ nạn, bất công mà đấu tranh cho sự công bằng và những điều tốt đẹp! Đó há chẳng phải là sứ mệnh cao cả của văn chương tả thực xã hội hay sao? 
Liền ít ngày sau bài đáp lại Nhất Chi Mai, Vũ Trọng Phụng lại nhấn mạnh rõ thêm quan điểm của ông trong bài trả lời phỏng vấn Lê Thanh về những tiểu thuyết Giông tốLàm đĩ, trên báo Bắc Hà ngày 3-4-1937. 

Vũ Trọng Phụng xếp các tiểu thuyết của mình thuộc dòng tiểu thuyết tả chân xã hội, nó “phản ánh cái xã hội hiện thực”, chứ không phải là quay lưng lại hiện thực hoặc hư cấu, phóng túng, tùy tiện mà làm sai sự thực. Mà xã hội hiện thời sặc sụa những mùi mục nát, đầy rẫy những cái xấu xa, nhơ bẩn, không thể không thất vọng, bi quan về nó. Viết các tiểu thuyết nói trên, ông “có ý chụp ảnh lấy cái xã hội hiện thời” trong đó không thể không tả những cảnh dâm đãng. Tả như thế không có nghĩa là khiêu dâm, mà chỉ là tả những điều có thực, tuyệt không “khiêu cái lòng dâm dục của ta lên”. Trái lại, cách miêu tả này làm cho “người ta thấy ghê tởm, ghê tởm vì trông thấy nhãn tiền cái sự thật nó xấu xa... đến nỗi phải tức tối lên... quên mất cái dâm dục” đi. 
Vũ Trọng Phụng  thú nhận rằng ông viết tiểu thuyết là thực thi trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, dù có phải là người chịu hy sinh, thiệt thòi, bị hiểu nhầm đi nữa. Ông tập trung viết về cái dâm nhằm bài trừ những sự quá đáng trong sinh hoạt dục tình của người ta, để cảnh tỉnh, chế ngự những mặt trái của hiện tượng thuộc tâm - sinh lý có tính chất xã hội phổ biến này (xoay quanh 3 khía cạnh: tả những cái dâm đãng trong sự phú quý để phê phán sự ích kỷ, hưởng lạc; tả cái dâm ở tuổi dậy thì của người con gái và đề xuất cần phải giáo dục trẻ em về sự dâm để tránh hư hỏng về sau này; tả nạn mại dâm do nghèo đói, thống khổ mà có để khống chế nó...). 

Vũ Trọng Phụng tâm sự rằng ông đi ngược với phong trào Âu hóa của Tự lực văn đoàn, không có nghĩa là ông bảo thủ. Nhà văn thiết tha với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và tiến bộ xã hội, nhận rõ con người có nhu cầu thỏa mãn nguyện vọng cá nhân chính đáng, nhưng đồng thời nhà văn cũng có trách nhiệm bảo vệ gia đình với những kỷ cương của nó, đừng để sự mất quân bình, sự quá đáng chi phối. Theo ông, vấn đề phụ nữ và gia đình phải được đặt và giải quyết phù hợp với bối cảnh xã hội, với nghĩa vụ của mỗi hạng người và đạo đức truyền thống... 
Có thể nói những ý kiến Vũ Trọng Phụng trình bày trong cuộc tranh luận “Dâm hay không Dâm” qua các phóng sự, tiểu thuyết đã xuất bản của ông đã thể hiện khá rõ quan điểm thẩm mỹ của Vũ Trọng Phụng, chủ trương dùng bút pháp tả chân để phanh phui những sự thật, căn bệnh trầm kha của xã hội, những cảnh bất công, ngang trái, những cái mầm ung nhọt trong đó, nhằm cảnh báo người đời khiến họ ghê sợ mà tìm cách thoát ra khỏi thực trạng đen tối, đi tới những điều tốt đẹp, công bằng và sự lương thiện. 

Vào thời điểm xảy ra cuộc tranh luận, những ý kiến của Vũ Trọng Phụng về văn học tả chân qua tiểu thuyết, phóng sự, về việc mô tả cái dâm phải như thế nào để không sa vào khiêu dâm, khêu gợi bản năng tình dục tầm thường... ngoại trừ một số rất ít người phản bác, còn lại phần lớn Vũ Trọng Phụng nhận được sự hưởng ứng của văn nghệ sĩ tiến bộ. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là bằng chứng sinh động về việc ông đã thể hiện trung thực những quan điểm nghệ thuật về chủ nghĩa tả chân trong sáng tạo văn chương, mà sau này chúng ta gọi là Chủ nghĩa hiện thực

**Khi nói về những đặc sắc Nghệ thuật của Bút pháp Vũ Trọng Phụng, các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học của chúng ta thường chú ý đến tài năng trào phúng của Vũ Trọng Phụng, khá thống nhất khi đều khẳng định Vũ Trọng Phụng là cây bút số Một, một bậc thầy về nghệ thuật châm biếm hài hước. Chẳng hạn như nhà văn Nguyễn Khải coi Số đỏ là một cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học. Hoặc như một nhận định không hề bốc đồng mà rất chính xác sau của một Giáo sư Đại học có uy tín: “Thoạt xem tác phẩm này, ta tưởng như sự phóng đại của tác giả còn tuỳ tiện, phóng túng hơn cả Nguyễn Công Hoan: một thằng ma cà bong vô học mà trở thành đốc tờ bác sĩ, triết gia, thi sĩ, anh hùng cứu quốc; một mụ me Tây đại dâm ô mà được sắc ban “Tiết hạnh khả phong”, v.v… Nhưng hãy gấp quyển sách lại và nhìn ra cuộc đời thực mà xem: té ra không thiếu gì những thằng Xuân tóc đỏ có thực, không thiếu gì những mụ Phó đoan bằng xương bằng thịt… Hoá ra, Vũ Trọng Phụng chẳng nói oan nói ức cho thằng nào, con nào cả. Thiên tài của tác giả 
Số đỏ là ở chỗ ấy: cảm nhận được và dừng lại đúng cái ngưỡng tối ưu của sự phóng đại, để tạo ra những nhân vật rất chân thật, những điển hình hiện thực chủ nghĩa bất hủ” (Nguyễn Đăng Mạnh: bài đã dẫn).

Dẫn ra nhận định của nhà văn Nguyễn Khải và Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, chúng tôi muốn đưa ra một kết luận rằng: Khi tác phẩm đã được gọi là Kiệt tác, khi tác gỉa của nó đã được gọi là Thiên tài thì tác phẩm và cả tác giả không thể còn có những hạn chế, nhược điểm này nọ bởi tác phẩm là một chỉnh thể thẩm mỹ mà mọi thành phần của nó được kết dính với nhau bởi tài năng của nhà văn mà muốn tiếp nhận hết những giá trị của nó, người đọc phải có năng lực giải mã tác phẩm. Chính vì vậy mà trong bài điếu văn tại Lễ tang Vũ Trọng Phụng đã dẫn ở trên, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã gọi đó là Bí thuật của Thiên tài! Có lẽ đó là lý do tốt nhất để giải thích vì sao lại có những sự nhìn nhận, đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược hoàn toàn về Vũ Trọng Phụng cũng như tác phẩm của ông.

**
Những trang viết về “Vua phóng sự Bắc Kì” Vũ Trong Phụng của Vũ Bằng (17) có lẽ là bức chân dung sinh động và độc đáo nhất về Vũ Trọng Phụng, dường như cuộc đời Vũ Trọng Phụng dần dần hiện ra: “Phụng và tôi là bạn học từ lớp dự bị trường Hàng Vôi. Ở trường này ra, tôi theo học Lycée Albert Sarraut, còn Phụng lúc được mười tám, mười chín tuổi đã phải đi làm thư ký cho nhà in IDEO, kiếm mỗi tháng mười hai đồng bạc để về nuôi bà và nuôi mẹ. Vì không đủ sống một phần, mà cũng vì thích viết văn, đọc báo phần khác, đến tối về nhà, anh viết truyện ngắn để bán cho tờ “Ngọ Báo” của Bùi Xuân Học và “Nông Công Thương” của ông Phạm Chân Hưng (thân phụ Phạm Huy Thông, tác giả cuốn thơ bất hủ “Tiếng địch sông Ô”). Những truyện ngắn đầu tay của Vũ Trọng Phụng là những truyện “bực thầy”. Bây giờ nhắc đến anh, ai cũng nhớ đến Số đỏGiông tốTrúng số độc đắcDứt tình, hay những phóng sự như Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, mà ít có ai nhớ rằng Vũ Trọng Phụng nổi tiếng một thời là v́ những truyện ngắn như Chống nạng lên đườngCái răng vàng và nhiều truyện khác nữa mà tôi không nhớ tên đề, trong đó có một truyện đăng báo Nông Công Thương, thuộc về loại hiện thực, tả một gia đình ở Hàng Bạc có mấy ả cô con gái đứng trong mành mành nhìn trai ở ngoài đường và tối đến lại tụ họp gảy đàn xừ, xang, xê, líu, cộng”.

Vũ Bằng đã chỉ rõ khả năng hư cấu vô biênóc tưởng tượng mạnh mẽ phi thường của Vũ Trọng Phụng để có thể viết nên những thiên phóng sự độc nhất vô nhị: “Phụng có một cái tài đặc biệt là không hề biết đánh bạc là gì, mà tập phóng sự đầu tiên viết cho báo Nhựt Tân, anh dám đề cập đến vấn đề bạc bịp”…và “anh viết như một người đánh bạc thông thạo nhất”. “Cũng thế, đọc chuyện Số đỏ, ai cũng tưởng Phụng là một tay ăn chơi sành sỏi khét tiếng mà lại “đểu” là khác nữa, nhưng sự thật trái ngược hẳn: trong tất cả anh em quen biết, Phụng có lẽ là người “chân chỉ hạt bột” nhất. Tiêu pha hay chơi bời gì, anh tính toán từng đồng xu, không phải là vì kẹo, nhưng chính vì anh phải đứng mũi chịu sào lo cho cả nhà, trong đó có một bà nội góa và một bà mẹ góa, đồng thời lo sao để dành dụm được ít tiền lấy vợ, hầu có con nối dõi”.

Và những dòng tả chân Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết như thế nào quả là chưa từng có trên văn đàn: “Vũ Trọng Phụng không bao giờ có thời giờ để viết quá mười trang giấy. Cứ gần đến ngày phải nạp bài cho Hà Nội báo - tiểu thuyết Giông tố bắt đầu viết từng kỳ trên báo này - Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước Giông tố đã viết đến đoạn nào rồi không. Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc Giông tố hết. Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìmHà Nội báo để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sanh sống. Bây giờ Phụng đã ra người thiên cổ; nhắc đến anh, người ta thường kể lại một câu nói của anh: “Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bí-tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này!”.

Vũ Trọng Phụng sống nghèo khổ như vậy nhưng khi tiếp xúc với người  ngoài cuộc sống xã hội thì lại có dáng vẻ ung dung, khoan thai. Đây là đoạn nói về phong thái Vũ Trọng Phụng:

 “Về sau này, Vũ Trọng Phụng mòn mỏi đi, một phần lớn cũng là vì thức đêm thức hôm để viết cho nhiều báo như Tiểu thuyết thứ bảyTiểu thuyết thứ năm, Hà Nội tân văn, lấy tiền, nhưng cuộc sống của anh ở bên ngoài đối với những người lạ, không có vẻ gì vất vả; trái lại, anh lại ra cái dáng nhàn nhã, ung dung là khác. Dù bận rộn viết  lách đến mấy đi nữa, tuần nào anh cũng đọc hàng chục tờ báo Pháp để học thêm. Trong anh em, có thể nói anh là người hiểu rõ tinh thần của giọng văn “Canard  Enchainé” nhất, mà anh cũng am hiểu nhất chính trị ở nước Pháp và thế giới lúc bấy giờ”. Khái quát về con người - nhà văn Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng đã cho ta một nhà văn chuẩn mực, đa tài và tràn đầy nhân tính: “…Trong tất cả anh em, Phụng là người có thứ tự, phàm có tài liệu gì, hay, lạ thì cất đi, cho nên vào lúc một tuần báo ở Huế đả kích anh viết văn khiêu dâm, anh đã lên tiếng trả lời rất vững, kèm nhiều chứng cớ và tài liệu rất “búa”  làm cho một linh mục phải nhận là anh có lý…Phụng sống một cuộc đời kín đáo, khiêm nhường, coi việc gì cũng là thường và không bao giờ tỏ ra ngạc nhiên hay lo sợ quá trớn. Không có tiền thì không tiêu, anh không hỏi vay của ai bao giờ mà cũng ít phàn nàn với ai rằng mình khổ. Đó là một đức tính làm cho anh em kính nể, nhưng anh em thương Phụng nhất về điểm dù khổ đến thế nào, Phụng cũng thủy chung như nhất với anh em, cứ mỗi khi có báo dù biết trước là viết không có tiền, không nhiều thì ít, thế nào Phụng cũng có bài cộng tác với anh em, và lâu lâu Phụng lại đi hát với chúng tôi, nhậu nhẹt như ai và quấy cũng như ai!” …

Sài Gòn, tháng 8-2010
Đỗ Ngọc Thạch
 ----
Chú thích:
(*) Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí, (1912 -1940) là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại VN, là người khởi xướng Trường thơ Loạn.Quê ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình; trú ngụ ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định từ nhỏ. Vào Sài Gòn, phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận một thời gian. Ít lâu sau, ông mắc bệnh phong - một căn bệnh nan y thời đó, quay về Quy Nhơn vào nhà thương Quy Hòa (20 tháng 9 năm 1940), từ trần rạng sáng 11 tháng 11 năm 1940 tại nhà thương này.

Tác phẩm: Lệ Thanh thi tập (gồm toàn bộ các bài thơ Đường luật); Gái Quê (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản lúc tác giả còn sống);Thơ Điên (hay Đau Thương, thơ gồm ba tập: 1. Hương thơm2. Mật đắng3. Máu cuồng và hồn điên); Xuân như ý;Thượng Thanh Khí (thơ); Cẩm Châu DuyênDuyên kỳ ngộ (kịch thơ); Quần tiên hội (kịch thơ, viết dở dang);Chơi Giữa Mùa Trăng(tập thơ-văn xuôi).

(**) Bích Khê (1916 -1946): Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương,  quê xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thuở nhỏ, Bích Khê học tiểu học ở Phước Lộc và Đồng Hới, học trung học ở Huế rồi ra Hà Nội học ban tú tài nhưng nửa chừng bỏ dở. Từ 1931 đến 1936 viết Ca trù, Đường luật cho các báo Tiếng Dân, Tiểu thuyết Thứ Năm, Người Mới…Sống bằng nghề dạy học ở Phan Thiết, Huế. Mất đầu năm 1946 vì bệnh phổi.

Tác phẩm: Tinh Huyết (1939): tác phẩm duy nhất ra đời khi ông còn sống. Bốn tập thơ và một tập tự truyện chưa xuất bản, gồm: 1/Tinh Hoa (sáng tác từ 1938 đến 1944); 2/Đẹp (sáng tác năm 1939); 3/Ngũ Hành Sơn (chưa có thông tin); 4/Mấy dòng thơ cũ(tập hợp khoảng 100 bài thơ đường luật đã đăng trên các báo từ 1931-1936); 5/Lột truồng (tự truyện, chưa rõ năm sáng tác).Thơ Bích Khê (NXB Nghĩa Bình, 1988) và Bích khê tuyển tập (Hà Nội, 1988).

 (***) Báo chí Tiếng Việt:  Ở nước ta, tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ (Tiếng Việt, theo kiểu báo chí phương Tây) là Gia Định báo, ra đời ở Sài Gòn ngày 15-4-1865.
 Báo Tương lai Bắc Kỳ, bằng tiếng Pháp, ra số đầu tiên tại Hà Nội ngày 13-12-1884.Tờ báo Đại Nam Đồng văn Nhật báo, bằng chữ Hán, ra đời ở Hà Nội năm 1893. Giám đốc là người Pháp - Shenneider. Chủ bút là Tiến sỹ Đào Nguyên Phổ (***1).

Ngày 21-5-1905, tờ Đại Việt tân báo ra mắt bạn đọc, người chủ trương là E.Babut còn chủ bút là Hàn Thái Dương (?).Báo này mỗi trang được chia hai theo chiều dọc, một bên chữ Hán và bên kia chữ Quốc ngữ.Năm 1908, do bênh vực Phan Chu Trinh nên Đại Việt tân báo phải đóng cửa. Đến nay, người ta chỉ biết đến tờ báo này qua sách giới thiệu song vẫn có thể khẳng địnhĐại Việt tân báo là tờ báo chữ Quốc ngữ (Tiếng Việt) đầu tiên ở Hà Nội.

Năm 1907, tờ Đại Nam đồng văn nhật báo có thêm phần chữ quốc ngữ và thêm tên bằng quốc ngữ là Đại Nam đăng cổ tùng báo. Lời phi lộ cho biết: “Kể từ số 793 ra ngày 28-3-1907 tờ báo được chia làm hai phần: Phần Hán văn do Cụ Đào Nguyên Phổ phụ trách, còn phần Quốc Ngữ do Cụ nguyễn Văn Vĩnh biên tập”, để rồi từ một tờ báo chỉ nói về bọn quan lại, tiến lên thành báo nghị luận ra hàng tuần. Số báo đổi mới đầu tiên này mặt ngoài có vẽ hai con rồng (Lưỡng  long chầu nguyệt) in toàn bằng chữ Hán và đặt một cái khung ở giữa trong có hai hàng chữ, mỗi hàng ba chữ, để viết sáu chữ Đại Nam đồng văn nhật báo bằng Hán tự. Mặt trong in toàn bằng chữ Quốc ngữ và tựa đề là: Đại Nam đăng cổ tùng báo. Tờ báo đổi mới này đăng những bài có tính chất xã hội, kèm theo một chút thời sự trong nước, cũng như ở nước ngoài, cộng với một số bài xã thuyết.
Đến những năm 20 của thế kỷ XX, Hà Nội có khoảng 17 báo và tạp chí, trong đó có 5 tờ báo ngày gồm: Thực nghiệp Dân báo, Khai hóa Nhật báo, Hà thành Ngọ báo, Đông Pháp và Nông - Công - Thương. Tính đến tháng 6-1936, số lượng báo và tạp chí xuất bản ở Hà Nội đã tăng lên con số 84. Trong đó có cả những tờ dành riêng cho phụ nữ, thanh niên, thiếu niên. Các báo và tạp chí phản ánh đa dạng đời sống người dân Hà Nội và toàn cõi Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Tuy việc cấp phép khá dễ dàng song chế độ kiểm duyệt của chính quyền Pháp rất gắt gao, họ cắt bỏ những đoạn phê phán chính quyền ngay cả khi tờ báo chuẩn bị in. Báo chí Hà Nội giai đoạn này góp phần vào làm cho từ ngữ sáng rõ hơn, phong phú hơn qua việc thay các từ có âm Hán bằng các từ thuần Việt, sử dụng dấu câu hợp lý hơn... 

Khi Mặt trận Nhân dân Pháp thắng thế, Chính phủ Pháp do Thủ tướng L.Blum nắm quyền đã có những chính sách mới. Ngày 1-1-1935, Thống sứ Bắc Kỳ là Tholance đã công bố bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí. Tuy nhiên, thay vì bãi bỏ chế độ kiểm duyệt, chính quyền Pháp lại rất ngặt nghèo trong cấp phép và đọc rất kỹ các tờ báo đã xuất bản, nếu thấy động chạm đến chính quyền là tờ báo bị đóng cửa vô thời hạn. Thời kỳ Pháp tạm chiếm, báo chí ở Hà Nội như nấm sau mưa. Có tờ vừa ra vài số phải đóng cửa vì không có bạn đọc hoặc chủ báo không đủ tiền để duy trì…

 (***1Đào Nguyên Phổ (1861-1907): là Danh sĩ cận đại, quê xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Thái BìnhTên cũ là Đào Văn Mại, ông đỗ cử nhân năm 1884. Năm Mậu Tuất 1898, ông đỗ Đình nguyên (hoàng giáp), thụ chức Hàn lâm thừa chỉ. Làm quan mới một năm, năm 1899, ông từ chức, rồi ra làm báo Đăng cổ tùng báo ở Hà Nội. Đây là tờ báo viết chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Hà Nội. Năm Ất Tỵ 1905, ông làm chủ bút tạp chí Đại Việt tân báo. Đào Nguyên Phổ là một nhà nho tiếp thu tư tưởng tư sản dân quyền đầu tiên ở VN khi ông làm quan tại Huế. Nhà ông là nơi có nhiều sách tân học nhất ở Việt Nam thời ấy. Đào Nguyên Phổ là nhà báo đầu tiên viết chữ Quốc ngữ khởi sắc nhất của Việt Nam ở miền Bắc vào thời đó. Tờ Đăng Cổ Tùng Báoxuất bản ở Hà Nội, ra mắt số đầu vào tháng 3-1907, vốn là sự nối tiếp của tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo. Nhưng nét đặc sắc của Đăng Cổ tùng báo là có thêm phần quốc ngữ bên cạnh phần chữ Hán của tờ Đại Nam. Trong lịch sử báo chí quốc ngữ VN,Đăng Cổ tùng báo được coi là tờ báo đầu tiên ở miền Bắc.

(1) Xem Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta: Trần Hữu Tá biên soạn - Nxb TP Hồ Chí Minh. 1999. Đọc các bài của Nguyễn Đình Thi (Nhà văn với quần chúng lao động); Hoàng Văn Hoan (Một vài ý kiến về tác phẩm Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam); Vũ Đức Phúc (Vũ Trọng Phụng - nhà văn tự nhiên chủ nghĩa tiêu biểu).

(2) Số lượng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng:
Kịch: 1.Không một tiếng vang (1931); 2.Tài tử (1934); 3.Chín đầu một lúc (1934); 4.Cái chết bí mật của người trúng số độc đắc(1937); 5.Hội nghị đùa nhả (1938); 6.Phân bua (1939); 7.Tết cụ Cố (Di cảo - đăng sau khi tác giả qua đời, trên Tiểu thuyết thứ bảy số 295, ngày 3 -2 -1940).

Dịch thuật: Giết mẹ (1936) - nguyên bản Lucrèce Borgia của Victor Hugo.
Phóng sự: 1.Đời cạo giấy (1932); 2.Cạm bẫy người (1933); 3.Kĩ nghệ lấy Tây (1934); 4.Hải Phòng 1934 (1934); 5.Dân biểu và dân biểu (1936); 6.Cơm thầy cơm cô (1936); 7.Vẽ nhọ bôi hề (1936); 8.Lục xì (1937); 9.Một huyện ăn Tết (1938)
Tiểu thuyết: 1.Dứt tình (1934); 2.Giông tố (1936), khi đăng trên Hà Nội báo có tên Thị Mịch.; 3.Vỡ đê (1936) - Báo Tương Lai;4.Số đỏ (1936) - Hà Nội báo5.Làm đĩ (Tạp chí Sông Hương -1936), (NXB Văn học in lại năm 1994); 6.Lấy nhau vì tình (1937);7.Trúng số độc đắc (1938); 8.Quý phái (1937, đăng dang dở trên Đông Dương tạp chí - bộ mới); 9.Người tù được tha (Di cảo).

Truyện ngắn: Chống nạng lên đường (1930); Một cái chết (1931); Bà lão lòa (1931); Con người điêu trá (1932); Quyền làm bố (1933); Cuộc vui ít có (1933); Hai hộp xì gà (1933); Cái hàng rào (1934); Tình là dây oan (1934); Duyên không đi lại (1934); Thầy lang bất hủ (1934); Ông đừng lầm (1934); Sao mày không vỡ, nắp ơi? (1934); Sư cụ triết lý (1935); Rửa hờn (1935); Bộ răng vàng (1936); Hồ sê líu hồ líu sê sàng (1936); Mơ ngày Tết (1936); Tết ăn mày (1936); Lỡ lời (1936); Người có quyền (1937); Cái ghen đàn ông (1937); Lòng tự ái (1937); Đi săn khỉ (1937); Máu mê (1937); Tự do (1937); Lấy vợ xấu (1937); Một con chó hay chim chuột (1937); Một đồng bạc (1939); Đời là một cuộc chiến đấu (1939); Bắt vích (1939); Ăn mừng (1939); Gương tống tiền (không rõ năm viết); Đoạn tuyệt (không rõ năm viết);Từ lý thuyết đến thực hành (năm viết?)

Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã được xuất bản thành Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (Văn học. H. 1987), Toàn tập Vũ Trọng Phụng (NXB Hội Nhà văn. H. 1998).
 (3) Nguyễn Vỹ: Xin xem:  Nguyễn Vỹ - Đỗ Ngọc Thạch : vanchuongviet.org
(4) Phạm Duy Tốn (1881 - năm 1924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà báo, ông từng là thông ngôn ở toà Thống sứ Bắc Kỳ. Truyện ngắn Sống chết mặc bay! của ông được coi là truyện ngắn đầu tiên theo lối tây phương của văn học Việt Nam.

(4*)  Alphonse Daudet (đọc là Anphôngxơ Đôđê) là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng.

(1840-1897):là một văn sĩ Pháp vào thế kỷ thứ 19. Ông bắt đầu viết từ năm 14 tuổi. Ðộc giả Pháp đặc biệt yêu mến Daudet qua tiểu thuyết Thằng Nhóc Con (Le Petit Chose), gần như là thiên hồi ký của thời niên thiếu đau khổ của chính mình…Văn phong của Daudet giản dị, nhưng lưu lại cho độc giả những cảm giác nhẹ nhàng, lắng sâu với những câu chuyện kể như chuyện cổ tích, với các nhân vật mà độc giả cảm thấy rất gần gũi. Các tác phẩm đầu đời của ông được liệt vào khuynh hướng thiên nhiên, còn các tác phẩm sau thuộc vào trường phái hiện thực.

 (5) Vũ Đình Long (1896 - 1960) là nhà viết kịch, chủ nhà in, nhà xuất bản Tân Dân và nhiều tờ báo như Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Tao Đàn... Vở kịch Chén thuốc độc (1921) của ông được coi là tác phẩm khai phá của nghệ thuật sân khấu kịch VN. Năm 2009, bà Natalia Kraevskaya, con dâu người Nga của Vũ Đình Long tập hợp tám vở kịch của ông in thành Tuyển tập kịch Vũ Đình Long (NXB Hội Nhà Văn).

(6) Hoàng Ngọc Phách, (1896 - 1973) là tác giả tiểu thuyết Tố Tâm (1925), được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm đã được giáo sư Michele Sullivan và Emmanuel Lê Ốc Mạch dịch sang tiếng Pháp.NXB Gallimard - nổi tiếng với bộ sách “Tìm hiểu phương Đông”, chuyên dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học nổi tiếng ở các nước Ảrập, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam - đã ấn hành cuốn sách này với tên gọi Một trái tim trong sáng.

(7) Trương Vĩnh Ký (1837 -1898) khi mới sinh có tên là Trương Chánh Ký, tự Sĩ Tải, theo đạo Công giáo nên có tên thánh:Jean - Baptiste Pétrus, nên còn gọi tắt là Pétrus Ký. Ông là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn và là nhà bác học Việt Nam, thông thạo 26 ngôn ngữ, được ghi trong Bách khoa Tự điển Larousse và là một trong 18 văn hào thế giới của thế kỷ 19.

Trương Vĩnh Ký thiết tha với nền văn học Quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí Quốc ngữ Việt Nam. Ông sáng lập, là tổng biên tập những tờ báo quốc ngữ đầu tiên (Gia Định báo), cũng là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác.

(8) Huỳnh Tịnh Của hay Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) hay còn gọi là Paulus Của, hiệu Tịnh Trai, quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), là một nhà văn hóa học và ngôn ngữ học có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu, đặc biệt là ở Nam bộ.

(9) Báo tư nhân ở Nam Kỳ:  Tờ Gia Định báo được coi là tờ báo thủy tổ của báo chí nước ta. Sau tờ Gia Định báo, là các tờPhan Yên báo (1868) của Diệp Văn Cương, Nam Kỳ Nhựt trình (Le Journal de Cochinchine) (1885), MISCELLANÉES ou LECTURES INSTRUCTIVES POUR LES ELÈVES DES ÉCOLES PRIMAIRES, COMMUNALES ET CANTONALES (Thông - loại khóa trình) (1888), Nông cổ mín đàm (1900), có nghĩa bằng Pháp văn là “Causeries sur l’agriculture et le commerce” mà chủ bút là Cụ Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, LE MONITEUR DES PROVINCES (Nhật báo Tỉnh) (1905), Lục Tỉnh tân văn (1907) mà chủ nhiệm là Cụ Nguyễn văn Của, Chủ bút là Cụ Lê Hoằng Mưu, Nam Kỳ địa phận tiếng Pháp là “Semaine religieuse” (1909), Nam Trung nhật báo của Nguyễn Tử Thức, Công luận báo (1916) một tuần ra 2 kỳ vào thứ ba và thứ sáu, An Hà báo in ở Cần Thơ năm 1917, tuần báo ra ngày thứ năm, Nam Kỳ kinh tế báo (1920) tiếng Pháp là “L’Information économique de Cochinchine”,Nhật Tân báo (L’Ere nouvelle) (1922) chủ nhiệm là Cao Hải Để, Đông Pháp thời báo (Le Courrier Indochinois (1923), Trung lập báo (Edition annamite de l’Impartial) (1924), Pháp Việt nhứt gia (1927), Đuốc nhà Nam (1928) của Cụ Nguyễn Phan Long, Kỳ Lân báo của Bùi Ngọc Thự cũng vào năm 1928, Phụ Nữ tân văn (1929) tuần báo ra ngày thứ năm của bà Nguyễn Đức Nhuận,Thần Chung (1929) của Diệp Văn Kỳ, Long Giang tiếng Pháp là Le Mékong (1930), Đàn bà mới (1934) của Bà Băng Dương tức Thụy An, Đông Thinh tên tây là “La voix de l’Orient” (1935), tuần báo của Diệp Văn Kỳ, Zân (1935) của Nguyễn Văn Nhựt, Mai(1935) của Đào Trinh Nhất, Nữ lưu (1936) của Tô Thị Để, Văn Lang (1939) của Hồ Văn Nhựt, Hồ Tá Khanh, Nam Kỳ tuần báo(1942) của Hồ văn Trung tức Hồ Biểu Chánh, Đại Việt tạp chí (1942) Hồ Văn Kỳ Trân làm quản lý, BULLETIN DE LA SOCIÉTÉ D’ENSEIGNEMENT MUTUEL DE LA COCHINCHINE (Kỷ Yếu của Hội Khuyến Học Nam Kỳ) (1942), Tiến (1945) của Mai Văn Bộ. Trên đây là một số trong những tờ báo ra hàng tháng, hàng tuần hoặc là nhật báo ở Miền Nam.
 (10) Tam LangVũ Đình Chí: sinh năm 1900 tại Hà Nội. Đã học trường Sư phạm rồi bỏ dở, chuyển sang viết báo viết văn. Phóng sự Tôi kéo xe (1935) với bút danh Tam Lang nổi đình đám làng báo Hà Nội. Ông viết cho hầu hết các báo xuất bản tại Hà Nội. Năm 1954 vào Nam sống tại Sài Gòn, làm chủ nhiệm báo Tự do, thư ký tòa soạn tờ Cách mạng Quốc gia. Năm 1958, thôi làm báo, chuyển sang soạn kịch bản chèo…

(11) Lê Tràng Kiều (1912-1977) tên thật là Lê Tài Phúng, quê Nam Định. Năm 1918 thì gia đình ông chuyển cư lên Hà Nội. Từ năm 1930, 1931, Lê Tràng Kiều đã viết cho tờ Văn học tạp chí. Ông sớm bộc lộ thiên hướng làm phê bình văn học và làm báo, chủ chương Hà Nội báo,  Tiểu thuyết Thứ Năm, Lá Lúa, Dân quyền. Lê Tràng Kiều là người đầu tiên có bài viết biểu dương tài năng Vũ Trọng Phụng và nhiều tác giả của “Phong trào Thơ Mới” trên Hà Nội báo từ 1936  (tới 1941, Hoài Thanh mới “Tổng kết” Thơ Mới trong cuốn Thi Nhân Việt Nam).

(12) Phùng Tất Đắc (1907-2008), bút hiệu Lãng NhânCố Nhi Tân và Tị Tân, là một nhà báo nhà văn nổi tiếng đầu TK19. Ông học Trường Bưởi, thông thạo chữ Hán cũng như tiếng Pháp và từng đóng góp cho các báo chí Hà Nội như Cri de Hanoi, Ngọ báo. Ông cũng là người đứng ra lập báo Duy tân và Đông Tây Thời báo với Hoàng Tích Chu. Sau năm 1954, ông di cư vào Nam, được bổ làm giám đốc Kim Lai ấn quán, hậu thân của cơ sở IFOM (Imprimerie Francaise d'Outremer) thời Pháp thuộc. Ông cũng là người chủ trương NXB "Nam Chi Tùng thư". Năm 1975 ông sang sống tại Cambridge.
 Tác phẩm: Trước đèn - 1939; Chuyện vô lý - 1942; Chơi chữ -1960; Giai thoại làng nho - 1963; Hán văn tinh túy - 1965; Thơ Pháp tuyển dịch - 1968; Chuyện cà kê - 1968; Khổng Tử - 1968; Tư Mã Quang, Vương An Thạch - 1968; Nguyễn Thái Học - 1969; Tôn Thất Thuyết -1969; Nghiêm Phục - 1970; Hương sắc quê mìnhNhớ nơi kỳ ngộ…
(13) Maupassant Guyde (1850-1893) là nhà văn hiện thực Pháp. Nổi tiếng ngay với truyện ngắn đầu tay Viên mỡ bò (Boule de suif - 1880) mà nhân vật nữ là một ả gái điếm. Truyện Viên mỡ bò được E. Zola (13*) in chung trong một tập cùng với một số nhà văn theo Chủ nghĩa tự nhiên (13**). Từ đó Maupassant chuyên viết truyện ngắn cho nhiều tạp chí, kiếm nhiều tiền, sống một cuộc đời ăn chơi, sức khoẻ xuống dần, cuối đời chết trong khi bị điên. Maupassant viết khoảng 300 truyện ngắn, được coi làbậc thầy của thể loại này trên thế giới. Maupassant miêu tả một cách sâu sắc những nét cơ bản của xã hội Pháp thối nát sau 1870.

(13*) Émile Édouard Charles Antoine Zola (1840 - 1902), thường được biết đến với tên Émile Zola, là một nhà văn nổi tiếng của văn học Pháp trong thế kỉ 19, người được coi là nhà văn tiên phong của chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) (13**).

(13**) Chủ nghĩa tự nhiên:
1. khuynh hướng văn học - nghệ thuật cuối thế kỉ XIX ở châu Âu mà người khởi xướng là nhà văn Pháp Émile Zola (1840-1902), cố gắng tái hiện hiện thực một cách khách quan chủ nghĩa, với thái độ thản nhiên; 2. sự sao phỏng hoặc miêu tả y nguyên những hiện tượng ngẫu nhiên, không điển hình, thường là hiện tượng tiêu cực của thực tế xã hội, đôi khi là sự miêu tả lộ liễu mặt sinh lí của đời sống con người.

Gerhart Johann Robert Hauptmann (1862-1946): Nhà viết kịch, tiểu thuyết Đức.Giải Nobel văn học 1912 vì đóng góp đa dạng, hiệu quả cho nền sân khấu Đức và thế giới. Ông là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa tự nhiên Đức, vở kịch Trước lúc mặt trời mọc đã gây chấn động bởi tính hiện thực tàn nhẫn và ngôn ngữ bình dân sống động. Nhân vật nổi bật trong tác phẩm của ông có những số phận khắc nghiệt và thường phải gục ngã vì nó.

(14) Jean Richepin (1849 -1926) : tiểu thuyết gia người Pháp.
Gustave Flaubert (1821 - 1880): là một tiểu thuyết gia người Pháp, được coi là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của phương Tây.

 (15) Sigmund Freud (tên đầy đủ là Sigmund Schlomo Freud; 1856 –1939) nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học. Cho đến ngày nay mặc dù lý thuyết về phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi và người ta còn đang so sánh hiệu quả của các phương pháp phân tâm học của ông với các phương pháp điều trị khác, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20.

(16) Giáo dục giới tính: đến năm 1988, thông qua dự án VIE/88/P09, môn Giáo dục giới tính (GDGT) mới được giảng dạy thử nghiệm ở 17 tỉnh, thành phố và sau đó được hoàn chỉnh trong chu kỳ 1994/1996 thông qua dự án VIE/94/P01, chú ý tới GDGT và phần nào tới giáo dục Sức khỏe sinh sản (SKSS), còn Giáo dục tính dục (GDTD) vẫn chưa được thể hiện một cách rõ nét.

Việc gọi tên môn học như thế nào, hiện nay cũng còn lúng túng vì vẫn chưa có sự thống nhất giữa những người có trách nhiệm soạn thảo chương trình về những khái niệm Giới tínhTính dục, Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục. Vấn đề đáng quan tâm nhất là xác định mục đích của môn học và đối tượng chủ yếu của nó. Và về vấn đề này, hầu như đã có sự thống nhất: Đó là xây dựng nhân cách, xây dựng mối quan hệ lành mạnh, có văn hóa, có trách nhiệm cho thanh thiếu niên nam nữ. Dù với tên gọi gì thì môn học vẫn đặc biệt quan tâm đến khía cạnh đạo lý, tâm lý, văn hóa chứ không chỉ là hành vi sinh sản và tình dục.

 (17) Vũ Bằng (1913 -1984), tên thật là Vũ Đăng Bằng. Sinh tại Hà Nội và lớn lên trong một gia đình Nho học, quê gốc ở đất Ngọc Cục, huyện Lương Ngọc, nay là Bình Giang, tỉnh Hải Dương.. Ông là người có sở trường về viết truyện ngắn, tùy bút, bút kí,... Ông vào Sài Gòn sau 1954 để làm báo và hoạt động Cách mạng. Ngày 13- 2- 2007, Vũ Bằng đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tác phẩm chínhMiếng ngon Hà Nội (bút ký, 1960); Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969); Mê chữ (tập truyện, 1970); Thương nhớ mười hai (bút ký, 1972); Tuyển tập Vũ Bằng (3 tập, NXB Văn học, 2000); Vũ Bằng toàn tập(4 tập, NXB Văn học, 2006).

Đoạn trích nói về Vũ Trọng Phụng của Vũ Bằng rút từ Bốn mươi năm nói láo. Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng và cụ Đầu Xứ Tố có thời gian dài cùng nhau viết cho tờ Công Dân và tờ Tương Lai. Đoạn viết về Vũ Trọng Phụng của cụ Tố trích  dưới đây sẽ bổ sung cho bức chân dung Vũ Trọng Phụng của Vũ Bằng ở ngòi bút chân thành và cảm động của nhà báo- nhà Nho:

Hình như riêng ở phương Đông, cái nghèo cũng là cái trường đúc nên văn sĩ. Đào Tiềm, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, mấy tay văn thơ có tiếng ở Tầu ngày xưa đều ở “trường nghèo” mà ra. Nghèo nhất thì là Đỗ Phủ, Đào Tiềm... Đào đã có lúc phải đi ăn xin, Đỗ đã bị một đứa con trai chết đói.

Ở ta cũng vậy. Trong hồi gần đây, ông Trần Tế Xương, “một tuồng rách rưới con như bố”, ông Nghiêm Phúc Đồng “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”. Ông Nguyễn Khắc Hiếu tuy có xã hội giúp đỡ, trước khi nhắm mắt, một số đồ đạc cũng bị tịch thu vì thiếu tiền nhà. Thì ra trong cái non nước Đông Phương, những người giàu có, không ai lọt vào cổng làng văn. Hoặc có, cũng là một số hú họa. Cái đó không có chi lạ. Giàu thì cơm no, cật ấm, ruột gan lú lấp, người ta còn chứa học vấn, tư tưởng vào đâu? Vậy là riêng ở phương Đông đã có đạo nhất định: Phú quý thì không thể làm nhà văn. Đã làm nhà văn thì đừng mong gì phú quý. Đạo luật đó cũng giống câu Dương Hóa nói trong Mạnh Tử: “Vi phú bất nhân, vị nhân bất phú”.

Thế cũng phải. Cái người đã có tư tưởng học vấn để làm thỏa mãn tinh thần của mình, nếu lại giàu về tiền tài, chẳng là chiếm hết hạnh phúc của nhân loại! Trong đạo thừa trừ của tạo vật, không thể có sự bất công như thế. Bởi vì chắc có luật ấy nên tôi không hề phàn nàn điều gì về thân thế ông Vũ Trọng Phụng.

Trong các nhân vật làng văn hiện thời, ông Phụng là người nghèo lắm. Khắc hẳn những ông Trần Tế Xương và Nghiêm Phúc Đồng, cái nghèo của ông Phụng lại là thể “nghèo gia truyền”, không phải “nghèo lỏi”. Nhưng người hiếu danh thường hay giấu giếm, gia thế, nếu như tiền nhân nhà họ không có người nào hiển đạt. Ông Phụng không có óc ấy, chính ông kể cho tôi biết tổ phụ ông chỉ làm lý trưởng, thân phụ ông chỉ là một người thường dân và đã tạ thế từ khi ông mới bảy tháng, tổ phụ ông mới ngoài sáu mươi. Ở nơi quê quán, ông không có lấy một tấc đất cắm dùi ….

“Tư tưởng xã hội của tôi nó đã kết lại từ trong mạch máu”. Có lần ông nói với tôi như thế. Người khác nghe những chuyện đó, có lẽ sẽ cho là ông xấu số. Nhưng tôi, tôi nhận thấy chính là cái may của ông.

Thật vậy. Nếu được sinh trưởng vào nhà phú quý, hay được học hành thi đỗ, có một việc làm cao lương, thì ông cũng đến làm một cậu ấm phá của, hay một ông chủ xe hơi nhà lầu, xã hội ai còn biết ông là ai, tôi đâu có bạn với ông?

Nhờ về trong máu sẵn có tư tưởng xã hội, ông mới nên một nhà văn xã hội, để sản xuất cho người đời một số tác phẩm đáng khóc và đáng cười. Thế là cái nghèo gia truyền của ông có thể kể là một hòn đá tảng trong nền văn học sử của nước nhà vậy. Tôi biết ông mới từ hồi làm báo Công dân, cách đây độ bốn, năm năm chi đó. Hồi ấy có lẽ là hồi quẫn bách nhất trong đời ông, vì rằng, ngoài báo Công dân ông không có chỗ làm nào khác, mà báo Công dân thì lại chỉ là cõ quan của một bọn anh em nhà vãn nghèo dúm rau, dúm bếp làm với nhau, ít khi trả tiền in rồi, trong két ðýợc có tiền thừa mà trả cho ngýời cầm bút. Thế nhýng, ông cũng không tỏ ra mình cần tiền. Mỗi khi ở Gia Lâm sang nhà báo, ông cứ cặm cụi cuốc bộ đi, lại cuốc bộ về, hôm nào mỏi lắm mới lấy năm xu đi xe.

Một điều quan trọng hơn nữa là đời ông luôn luôn thấy sự túng thiếu, nhưng không lúc nào ông tự đem sự túng thiếu của mình mà làm phiền lụy người nào, dù khi túng thiếu cực điểm cũng vậy. Từ bữa nghe ông tạ thế, chẳng riêng gì các bè bạn, phần nhiều độc giả các sách của ông đều lấy làm thương tiếc. Ngoài sự ái ngại cho cái gia đình thảm đạm của ông, người ta còn ái ngại cho cái số mệnh ngắn ngủi của ông là khác. Đành rằng vậy. Trong một thế giới lắm người bảy tám, chín mươi, mà ông chỉ được có hai mươi tám tuổi, kể cũng thiệt thòi nhiều lắm. Tuy vậy, vị tất ông đã chết non.

Đối với vũ trụ vô cùng vô tận, hai mươi tám tuổi với tám chín mươi tuổi không thể kể là ít với nhiều. Vì vậy, Trang Tử mới bảo Bành Tổ là yểu mà đứa trẻ con chết đẹn là thọ. Thọ hay yểu, không quan hệ với với cái sống nhiều sống ít, nó quan hệ ở chỗ có gì để cho đời sau hay không. Xã hội chỉ thiếu những người làm nên công nghiệp, không thiếu những ông ăn nước thịt ép và bú sữa người. Ngoảnh lại mà xem, những ông bú sữa người và ăn nước thịt ép ngày xưa, đến nay còn có gì là di tích?

Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ.

Nhớ ông, thương ông, tôi cũng như các bạn của ông, nhưng không kể ông là người không thọ. Cái mà tôi lấy làm ân hận chỉ có một câu trả lời khi ông nằm trên giường bệnh.
Ông đau từ mấy năm trước. Trước khi chết độ sáu, bảy tháng, đã có một đêm nguy kịch. Sáng sớm hôm sau, ông cho gọi tôi lên nhà thăm bệnh và nói cho tôi biết rằng: Chiều hôm trước một viên bác sĩ chữa bệnh cho ông đã khuyên ông đi nhà thương. Trong đêm vừa rồi, ông đã làm sẵn mấy bản chúc thư. Ông bị đau phổi, vẫn sốt hâm hấp, ho ra đờm đặc. Từ mấy bữa trước, không thể gượng ngồi dậy được mà chỉ nằm được một bên sườn. Ho cũng đau, nói cũng đau, hễ hơi trở mình thì trong sườn nghe có tiếng nước óc ách. Bấy giờ người ông tuy đã tiêu nước, nhưng, mạch hai tay vẫn còn có lực. Sau khi coi mạch và hỏi các chứng, tôi kê cho ông bài “nhị trần thang” hợp bài “nung thang” gia một lạng ý dĩ và dặn ông uống một ngày hai thang.

Sáng mai, tôi lại lên thăm, ông khoe với tôi bệnh đã bớt nhiều, có lẽ không chết. Từ đó ông cứ uống mãi đơn ấy, tuy thỉnh thoảng cũng thay đổi ít nhiều, những đại thể vẫn không ngoài hai phương thuốc trước. Một tháng sau, ông dậy được, đã đến thăm tôi ở báo Thời vụ. Đau ngực, đau sườn, tiếng nước óc ách, khỏi cả, chỉ có cái sốt hâm hấp không khỏi và sắc mặt ông vẫn xanh như người hết máu. Rồi ông nói cho tôi biết trong vài bữa nữa, ông sẽ lên nghỉ Tam Đảo, để tránh cái không khí tù hãm của đất Hà Nội. Lúc ấy tôi có khuyên ông đừng đi, bởi vì ở đó không khí ẩm thấp, không lợi cho người đau phổi. Nhưng ông không nghe.

Lên Tam Đảo được tám ngày, thì ông phải về, vì ho nhiều và hai ống chân bị bại. Bấy giờ ông mới chịu tôi nói đúng và lại bảo tôi kê đơn. Nghĩ không còn cách gì hơn, tôi lại thêm bớt hai bài thuốc cũ để ông uống xen với bài “nhân sâm dưỡng vinh” bỏ quế và kỳ. Lần này không có công hiệu, uống năm thang thuốc, bệnh tuy không tăng, nhưng cũng không giảm, hai chân vẫn bại không đứng dậy được. Vì muốn trút trách nhiệm cho người khác, tôi cố khuyên ông hãy dùng thuốc tây. Hình như ông cũng nhận thấy ý tôi, nên mới hỏi rằng: “Bác tưởng tôi có chết không?”.Câu hỏi của ông làm cho tôi buồn vô hạn, nhưng tôi vẫn bình tĩnh mà đáp lại rằng: “- Chết làm sao được!”.Tôi nói dối ông. Thực ra, bệnh trạng của ông, còn ai dám chắc rằng sống! Tôi đã nhiều lần than với bè bạn rằng ông khó mà qua được đến mùa rét.

Nhưng ông tin tôi, cho nên trong hai tháng trời thôi thuốc ta uống thuốc tây, ông vẫn cho lời tôi nói có lý. Nghe nói mấy bữa trước ngày lâm chung, ông mong tôi lắm. Không biết mong để làm gì, hay để trách tôi nói dối. Nếu quả thế, tôi đành phụ ông. Nhưng vì không muốn để ông trước khi từ giã cuộc đời, ngoài cái lo nghèo, lại thêm một cái lo chết. Cho nên tôi phải nói thế. Nói thế vị tất đã là nói dối. Bởi vì một chồng tác phẩm của ông còn kia. (Gia thế ông Vũ Trọng Phụng – Ngô Tất Tố).


Phongdiep.net