Tuesday 28 January 2014

Ý nghĩa chữ Cochinchine (Nguyễn Lưu Viên)

B. S. Nguyễn Lưu Viên


Nam Kỳ,  Pháp gọi là  Cochinchine,  vậy danh từ Cochinchine có từ đâu ra ?
Theo sách “ Cochinchina : Reassessment of the Origin and Use of a Westernized Place Name “ by Dinh D. Vu, Ph.D. [Vietnamese translation by Dr. Hoang Xuan Chinh] Meadows Place Texas, 2000,  thì:
- Theo Ông Aurousseau (1924), cố Giám-đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ [École Francaise d’Extrême Orient],  thì nước Viet Nam  thời xưa không được người Bồ-đào-nha [Portugais] hoặc người Âu châu biết đến một cách trực tiếp trước năm 1515, do đó sự hiểu biết tên nước đó phải được người Arab giới thiệu với Tây Phương. Ông chứng minh rằng chữ Cochinchina là do chữ Bồ-đào-nha Quachymchyna , mà chữ này lại bắt nguồn từ chữ Arab “Kawci-min-cin”. Theo Ông thì “Kawci” là chữ Arab tương đương với chữ “Kiao-tche” là tiếng Tàu chỉ nước Việt Nam thời đó [Giao Chỉ]. Còn từ ngữ “min-cin” có nghĩa là thuộc Trung Hoa Nhưng Ông Aurousseau đã không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào về tên Cochin-china bắt nguồn từ chữ Giao-Chỉ. . Hơn nữa, Ông đã không có một bản đồ chính xác nào để hỗ trợ cho giả thuyết của Ông. [tr.2 v]
2 - Mọi người đều đồng ý là danh từ Cochinchina có hai phần là Cochin  và  China.
Chữ China thì không thành vấn đề vì nó được dùng để chỉ định một địa phương đã được biết rõ.  Còn chữ Cochin thì đã đưa đến nhiều giải thích khác nhau.
Vì có điểm giống nhau giữa cách đánh vần chữ Chanocochin và danh từ chỉ một nơi trên bờ biển Malabar Coast của Ân-độ, mà mgười Bồ-đào-nha đã biết đến vào thế kỷ thứ 15 như Colchi,  Cocym,  hay Cochin, ta có thể dự đoán là các nhà vẽ họa-đồ Tây Phương đã mượn những từ ngữ trên. Nhưng sự tiếp xúc trực tiếp giữa Tây phương và VN sau này đã dẫn đến sự thay đổi từ ngữ đó. Trên bản đồ của Ribeiro năm 1529,  người ta đã cố gắng chuyển tên Cửu Chân trong tiếng Việt sang ngôn ngữ Tây phương, Ông  gọi vinh Bắc kỳ [Golfe du Tonkin] là Cauchechina. Cửu Chân là một trong chín quận được thiết lập bởi vua Hiếu Vũ năm 111 B.C.  Danh từ này được đọc là Cẩu Chân theo tiếng Quảng Đông. Biên giới của Cửu Chân được thay đổi theo thời gian, nhưng tên gọi không thay đổi cho tới năm 1407 . Đó là tên độc nhất của một khu vực hành chánh lớn ở VN đã được biết đến suốt 15 thế kỷ. [tr.10 v]
Kể từ năm 1529 từ ngữ Cauchechina bắt đầu xuất hiện thường xuyên. Nó được thấy trên bản đồ của Gastaldi, Ortolio, Homen và Luis dưới dạng Gauchi,  Cauchy,  hay Cauchin. Cho tới năm 1565 ta thấy có dấu hiệu trở lại cách viết ban đầu khi Berteli dùng chữ Cochinchina cho bản đồ của Ông.  Trong nhiều thập niên hai tên kể trên xuất hiện thường xuyên , có khi đứng cạnh nhau cùng trên một bản đồ [hình 4]. Mãi tới thế kỷ thứ 17 thì từ ngữ Cochinchina mới vĩnh viễn thay thế địa danh Cauchinchina.[tr.11 v]
- Vậy, ta có thể dựa vào những bằng chứng nào để phủ nhận giả thuyết của Aurousseau cho rằng Cochin là từ Giao-Chỉ [Chiao-chih,  Kiao-tche] mà ra ?
Giao Chỉ không còn được xử dụng như một địa danh quan trọng ngay trong giai đọan đầu của lịch sử nước ta; Cửu Chân [Chiu-Chen] trái lại được dùng cho tới khi người Tây phương đến.  Hơn nữa cách đánh vần tên cho thấy có sự liên hệ giữa Cửu Chân và Cochin[Cochin/china][tr.11v]
Kết luận:  “Tóm lại, họa đồ và những kiến thức mới về sử địa của VN cho ta có một cái nhìn khác về nguồn gốc và sự xử dụng danh từ Cochinchina . Hình thức sớm nhất, Chanocochim, là sự phối hợp của hai tên: China và Cochin . Nó chỉ một vùng đất ở VN, giống như một miền ở bờ biển Malabar Coast, nhưng dân chúng ở Cochinchina đã có những đặc tính văn hóa giống như Trung Quốc.  Nhờ ở những cuộc tiếp xúc giữa Tây phương và VN sau này, tên Cửu Chân đã được dùng để chuyển dịch sang tiếng Tây phương . Sự dùng từ ngữ Cauchinchina [Cửu Chân của Trung Hoa] được tiếp tục cho tới phần đầu của thế kỷ XVII.  Sau đó nó được thay thế bởi từ Cochinchina, một tên mà các nhà truyền giáo thích hơn và sau cùng được chính quyền Pháp chính-thức-hóa để chỉ 20 tỉnh ở cực Nam của Việt Nam.” [tr. 12 v]
Nói thêm: 20 tỉnh của Nam Kỳ hồi xưa có tên và được sắp xếp theo thứ tự như sau [thành một bài mà học trò lớp Tiểu Học trong Nam phải thuộc lòng] :
Gia, Châu, Hà, Rạch,Trà,
Sa, Bền, Long, Tân, Sóc,
Tây, Biên, Chợ, Mỹ, Bà,
Gò, Thủ, Vĩnh,  Cần,  Bạc.     
Tức là:

  1: Gia Định;    2: Châu Đốc;         3: Hà Tiên;           4: Rạch Giá;     5 : TràVinh; 
  6Sa Đéc;      7: Bến Tre;            8: Long Xuyên;     9: Tân An;       10: Sóc Trăng;  
11: Tây Ninh;   12: BiênHòa;         13: Chợ Lớn;       14: Mỹ Tho;      15Bà Rịa; 
16: Gò Công;   17: Thủ Dầu Một;   18Vĩnh Long;     19: Cần Thơ      20: Bạc Liêu.

Tôi không biết tại sao có thứ tự đó; nhưng trong Nam sông lớn rạch nhỏ chằng chịt với nhau, nên hồi xưa dân thường hay dùng xuồng tam-bản, hay ghe thuyền, để di chuyển và chuyên chở. Người nào có ghe thì phải đóng thuế, nên phải lên tỉnh xin đăng bộ, thì tỉnh cho một cái thẻ có số bắt đầu bằng hai chữ HF [nghĩa là Hydrographie Fluviale] rồi số thứ tự kể trên của tỉnh [như tôi ở TràVinh thì là  HF5-] rồi mới tới số thứ tự trong sổ của tỉnh [thí dụ như: HF5-1357] thì chủ ghe phải vẽ số đó trên ghe của mình.
Làm như vậy còn giúp cho việc giữ gìn an ninh, vì trong làng ông Hương Quản [lo về an ninh] hay ở tỉnh Ông Cò [Chef de police Tây] nhìn thấy số sau chữ HF là biết ghe đó từ đâu đến [như bản xe hơi bên Mỹ] để rồi,  nếu thấy từ xa đến, thì kiểm soát kỹ lưỡng hơn.

Saturday 25 January 2014

TỪ MỘT “VỤ ÁN” ĐÃ SÁNG TỎ (Phạm Tôn)


TỪ MỘT “VỤ ÁN” ĐÃ SÁNG TỎ

(Bài này lên Blog PhamTon tuần 2 tháng 10 năm 2012, đến ngày 25/6/2013 đã được 9.886 lượt người truy cập)

                                                      Thủy Trường

Lời dẫn của Phạm Tôn: Trong những ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, chúng tôi cảm động nhận được bài của bạn Thủy Trường viết về một trong những con người đã một lòng trung với Nước, hiếu với Dân, nhưng có thời gian đã không được hiểu đúng, thậm chí còn bị nghi là phản dân hại nước, nhưng họ vẫn giữ vững một tấm lòng son với Dân với Nước, lặng lẽ chờ đợt sự phán xét công minh của Nhân dân, của Lịch sử. Có lẽ, đó cũng là một nét anh hùng của con người Việt Nam chúng ta…

—o0o—

Biết tôi có quen biết với gia đình anh Quang Đạm, nguyên ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, nhiều nhà báo, kể cả ở báo Nhân Dân, đôi ba thế hệ hỏi: “Tại sao ông Đạm, tri phủ Hà Trung (Thanh Hóa) thời chính phủ ngụy thân Nhật Trần Trọng Kim, “chui vào Đảng”, bị khai trừ, mà con lại “leo” lên được Uỷ viên Trung ương Đảng? Thế là Đảng mất cảnh giác à?”

Thật là những câu nói sai trái, thiếu hiểu biết, độc ác.

Và câu chuyện “mất cảnh giác” ấy hiện vẫn còn lưu hành đâu đó. Đã đến lúc cần làm sáng tỏ.

Những năm 1939-1949, tôi sống ở làng Vạn Hà, huyện lỵ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Là học trò của cô giáo Nguyễn Thị Sâm, tôi biết chồng cô là “Thầy lục sự” Tạ Quang Đệ (Lục sự là một chức danh chính quyền cũ, lo liệu việc văn thư, hành chính, giấy tờ, yêu cầu phải biết chữ quốc ngữ, Pháp văn, chữ Hán, chữ Nôm…). Nhà tôi ở cạnh nhà cô Sâm nên vẫn thường qua lại. Năm 1941, tôi vào “Xì cút” – Hướng Đạo sinh, đoàn Vạn Hà do thầy giáo Nguyễn Chương (sau này là vệ sĩ của Bác Hồ) và thầy Đệ phụ trách.

Trước Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, từ một đề nghị nào đó của “các anh” bên đoàn thể – có thể có ý kiến của Tạ Quang Bửu – anh ruột Tạ Quang Đệ (Tạ Quang Bửu là người được Đảng ta giữ liên lạc, yêu cầu lãnh đạo “Xì cút” đứng về phía Việt Minh), Tạ Quang Đệ được bổ nhiệm làm tri phủ Hà Trung, giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình.

Tại sao không làm quan đầu một huyện, phủ khác? Sau này, anh Đạm* mới cho biết là “ý của “các anh” đưa mình về Hà Trung là nơi có chiến khu Hòa – Ninh – Thanh (Hòa Bình – Ninh Bình – Thanh Hóa), rồi chiến khu Ngọc Trạo.”

Làm tri phủ “đệm”, nên trước ngày 19/8/1945, tri phủ Tạ Quang Đệ đã liên hệ với Việt Minh, bàn giao “triện”, sổ sách, vũ khí và ra Hà Nội sau đó mấy hôm, theo một “lệnh” nào đó.

Đến Thủ đô, Tạ Quang Đệ đi dạy học ở trường Thăng Long, rồi nhận công tác ở phòng Tham mưu do Hoàng Văn Thái (sau này là Đại tướng) làm trưởng phòng. Ngày 3/9/1945, Trưởng Ban Thông tin liên lạc của Phòng Tham mưu là Hoàng Đạo Thúy (bạn Hướng Đạo của Tạ Quang Bửu) chỉ định Tạ Quang Đệ làm Tổ trưởng Tổ Mật mã, có nhiệm vụ “biên soạn một luật mật mã mới về vô tuyến điện cho quân đội ta”.Tạ Quang Đệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được coi là “ông tổ mật mã của quân đội ta”. Công trình khoa học này, gần đây đã được nhà nước trao tặng giải thưởng Khoa học Quốc gia cho Tạ Quang Đệ cùng cộng sự.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo cơ quan lên Việt Bắc, Tạ Quang Đệ viết báo tường nội bộ. Bài báo của Tạ Quang Đệ đã “lọt vào mắt xanh” của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh. Sau đó, Tạ Quang Đệ được điều động về báo Sự thật với bút danh Quang Đạm, nổi tiếng với những bài xã luận, những bài tranh luận về pháp luật với Vũ Đình Hòe. Anh dịch tài liệu của Đảng Cộng Sản Pháp, Đảng Cộng Sản Liên Xô bằng chữ Pháp sang tiếng Việt, do một đài vô tuyến điện của ta được chính phủ Diến Điện (Miến Điện) cho đặt ở Rangun, thu rồi phát về Việt Nam. Anh còn dịch nhiều tài liệu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra tiếng Việt phục vụ Trung ương Đảng, Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh (như Trì cửu chiến – đánh lâu dài, Thực tiễn luận – bàn về thực tiễn). Anh là người duy nhất dịch được các chữ Hán cổ Bác Hồ viết theo lối tốc ký.

Năm 1954, về Hà Nội, Quang Đạm nhận nhiệm vụ ủy viên (thường trực) Ban Biên tập Báo Nhân Dân, là người về sau cùng của tòa soạn, sau khi báo đã xuống nhà in, cũng là người đến sớm nhất để thay mặt tòa soạn ghi nhận những ý kiến nhận xét của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh về tờ báo mới in xong. Là đại biểu Đảng Lao động Việt Nam dự Đại hội Đảng Xã Hội Thống Nhất Đức, anh đã đọc bài tham luận có tựa đề Đổi mới là sáng tạo, chân lý là cụ thể. Anh đã tham gia phái đoàn Hoàng Quốc Việt, sang thăm Triều Tiên khi Triều Tiên  đang “kháng Mỹ”.

Trong những năm cuối thập kỷ 60 thế kỷ trước, anh bị “người ta” cho là “đã dẫn nhà chức trách lùng bắt cộng sản ở Thiệu Hóa”. Theo lời anh kể cho tôi: “Có việc ấy, những đáng lẽ dẫn người đi thẳng đến thôn, nơi có cộng sản họp, anh lại cho ô tô bóp còi, đi vòng vèo để cộng sản biết mà chạy thoát”. Người có công, mang tội, anh bị chi bộ “khai trừ, lưu Đảng” – “bằng miệng”. Sự kiện được đưa lên Liên chi ủy báo Nhân Dân, Tổng Biên tập – Hoàng Tùng – Ủy viên Trung ương, thấy không phải việc nhỏ, nên đã cử người lên xin ý kiến đồng chí Trường Chinh, thay mặt Trung ương phụ trách mảng Tuyên huấn lúc bấy giờ.

Người được cử đi về nói lại rằng: “Theo anh Năm (bí danh đồng chí Trường Chinh) quyền là ở cơ sở, phải làm đúng thủ tục tổ chức Đảng. Đề nghị các anh lên xin ý kiến anh Ba (đồng chí Lê Duẩn)”. Người đi báo cáo với anh Ba về nói: “Đồng ý với đồng chí Trường Chinh. Tùy chi bộ”.

Tin đưa về đến tòa soạn thì Đảng viên Quang Đạm đã được nghỉ công tác, nghỉ sinh hoạt Đảng một thời gian rồi. Thế là việc khai trừ, lưu Đảng coi như đã xong.

Không có công tác, tiền lương bị hạ, không được sinh hoạt Đảng… anh Quang Đạm buồn lắm và rất đau khổ. Nhưng có lẽ người đau khổ nhất là vợ anh, cô giáo Sâm, cô kể cho tôi nghe: “Gia đình anh Bửu là nơi mà cô Liên, ông Cả (anh chị ruột Bác Hồ) thường đến nghỉ ngơi, trốn tránh khi có khó khăn. Mẹ anh Bửu, Đạm là nữ sĩ Sầm Phố, đã chăm nom cô Liên, ông Cả rất chu đáo. Có lần, trên Việt Bắc, Bác Hồ gặp anh (Quang Đạm) hỏi: “Bà cụ hồi này còn làm thơ nữa không? “Chắc là họ nhầm thôi”.

Có thể nói, “làm như vậy” là không được đúng, nên sau 1975, anh có được đi họp cuộc này, cuộc nọ, “mời dự các buổi thời sự” ghi rõ trong giấy là “dành cho cán bộ cao cấp”.

Cuốn sách Nho giáo, anh viết theo gợi ý của đồng chí Trường Chinh, mấy năm mới xong không được phép xuất bản vì Nho giáo là “hủ nho”, “phong kiến”, “phản động”. Sống thanh đạm, gia đình anh vẫn tin tưởng Đảng, không một lời kêu ca, oán trách.

Năm 1989, biết tôi là đồng đội với Đặng Xuân Kỳ – con trai đồng chí Trường Chinh, anh Đạm nhờ tôi gửi “Anh Năm” (đồng chí Trường Chinh) một thư viết tay trên một mảnh giấy nhỏ vài dòng. Tôi nhờ Đặng Xuân Kỳ chuyển, Đặng Xuân Kỳ nói:

- Hôm sau, cụ tới đây, anh cứ đưa trực tiếp thư của chú Đạm.

Hôm đồng chí Trường Chinh đến nhà Đặng Xuân Kỳ ở khu Giảng Võ, Kỳ kéo tôi ra cụ Năm:

- Đây là đồng chí bạn Lục quân của con, được chú Đạm nhờ chuyển bức thư.

Đồng chí Trường Chinh mở bức thư không dán, đọc ngay rồi bảo tôi:

- Đồng chí bảo Đạm cứ yên tâm. Đại hội (Đảng) xong tôi sẽ giải quyết dứt điểm cho Đạm. Tôi là một trong hai người giới thiệu Đạm vào Đảng, tôi có trách nhiệm.

Việc chưa xong thì đồng chí Trường Chinh đã “đi theo Bác”.

Tôi hỏi Tạ Quang Ngọc, con trai anh Đạm, bấy giờ đã là Thứ trưởng Bộ Thủy sản.

-          Ai là người thứ hai giới thiệu?

-          Chú Mười Hương

Nhân chuyến đi công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi xin đến gặp đồng chí Mười Hương, xin đồng chí cho biết một số việc và trình bày sự việc của anh Đạm.

Ngồi trầm ngâm một lát, “ông trùm tình báo Việt Cộng Mười Hương” nói:

-          Sắp tới tôi ra Hà Nội, sẽ làm rõ việc này.

Một ngày khoảng năm 2000-2001 gì đó, Tạ Quang Ngọc đón tôi đến khu nghỉ Hồ Tây gặp đồng chí Mười Hương, người Đảng viên lão thành nói giọng buồn rầu:

-          Hôm trước, tôi và đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến Ban Tổ chức Trung ương Đảng, lục tìm quyết định khai trừ cậu Đạm, bằng văn bản, nhưng không có, hoàn toàn không có. Quyết định miệng, không có văn bản, thủ tục khai trừ – chi bộ – liên chi bộ họp bao giờ, bao nhiêu đảng viên dự, ý kiến ra sao, tỷ lệ đồng ý, không đồng ý là bao nhiêu, chủ tịch, thư ký là ai ký vào… tất cả đều không có. Đã không có thì làm sao phục hồi được.

Tôi và Tạ Quang Ngọc ra về.

Ít lâu sau, Tạ Quang Ngọc được bầu vào Trung ương Đảng, rồi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Nhớ tới câu đồng chí Lê Đức Thọ nói với vợ một cán bộ cao cấp (B.C.T.) bị quy kết oan sai, rằng: “Đảng không thể ra văn bản sửa sai được, mà chỉ sửa bằng sự việc cụ thể thôi…”, tôi nghĩ trường hợp này của anh Đạm có thể cũng là như vậy. Tôi nhân đó cũng nói đôi lời với Tạ Quang Ngọc; Tạ Quang Ngọc nói: “Cậu mợ tôi, trước khi mất vẫn tin rằng mình không có gì sai, vẫn tin tưởng Đảng”.

Trường hợp này, khiến tôi liên tưởng đến “vụ án” Phạm Quỳnh.

Không có biên bản, tòa án, không rõ ai là chánh án, thẩm phán, thư ký tòa, có hay không có luật sư, hay là có biên bản nhưng đã “mất”, “thất lạc”… Dù ba tháng sau khi Phạm Quỳnh mất đã công bố trên báo chí, nhưng nay, nếu thấy là chưa phải, chưa đúng, cần “giải oan” cho người bị oan, cũng chẳng có cơ sở pháp lý gì để xem xét lại.

Cũng giống như các vụ “Nhân văn – Giai phẩm”, “Vụ chống Đảng” (có cả Lê Trọng Nghĩa – một trong những nhà lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội) đã được sửa sai: cho in thơ, tặng giải thưởng, cho phục hồi danh dự… nhưng chưa có (hay đã có mà công luận không biết) văn bản.

Bằng việc cho tái bản sách của Phạm Quỳnh, in sách về Phạm Quỳnh, chấp nhận “Phạm Quỳnh là nhà văn hóa lớn”, thiết nghĩ đó đã là “văn bản” trả lời vụ việc rồi. Chưa kể đến những động tác khác rất đáng hoan nghênh, “nhân nghĩa”, ân tình của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Và như vậy, “có thể” coi như vụ án Phạm Quỳnh đã khép lại. Thượng Chi ở dưới suối vàng đã “nhàn du tiên cảnh”. Con cháu Phạm Quỳnh theo lời Bác Hồ dặn, cũng đã “vững tâm đi theo cách mạng” vì “Cụ Phạm – lời Bác Hồ – là con người của lịch sử sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này” – họ đã cùng với các nhà khoa học, chính trị, lịch sử, văn hóa có thể thưa với Bác Hồ rằng: “Thưa Bác, theo lời Bác dặn, lịch sử đã đánh giá đúng Cụ Phạm, xin Bác vui lòng”.

T.T.

———————–

(*) Tên thường gọi là Tạ Quang Đệ. Khi lên Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp, Tạ Quang Đệ công tác ở báo Sự Thật với đồng chí Trường Chinh. Một lần bài đưa đến nhà in, bị mưa xóa nhòa tên tác giả, biết là bài của anh Đệ, là em anh Tạ Quang Bửu, tòa soạn đặt luôn tên tác giả là Quang Đạm. Đạm là chữ có từ cách “nói lái” các chữ Lam (tên con gái), Ngọc (tên con trai) và Đệ (tên bố). Từ Lam Ngọc Đệ thành Lê Ngọc Đạm.

Wednesday 22 January 2014

ĐỊA DANH – NHỮNG TẤM BIA LỊCH SỬ - Lê Trung Hoa


PGS.TS. Lê Trung Hoa
Bộ môn Văn hoá học
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh

Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành văn hóa học” do Bộ môn Văn hóa học tổ chức tháng 1-2006

Địa danh
Như chúng ta đã biết, địa danh ra đời trong những điều kiện lịch sử, địa lý nhất định. Do đó, phần lớn địa danh mang dấu ấn của môi trường, thời đại mà nó chào đời. Có người cho rằng địa danh giống như “ vật hoá thạch” [5: 6]; người khác lại cho rằng đấy là những “đài kỷ niệm”  Như vậy, qua địa danh, ta có thể biết một vùng đất, một quốc gia về các mặt địa lý, xã hội, các công trình xây đựng, lịch sử và văn hoá. Địa danh Việt Nam cũng thế.

1. Địa danh phản ảnh điều kiện tự nhiên:

Ra đời trong môi trường nào, địa danh phản ảnh hoàn cảnh địa lý ở đó. Đó là điều tất yếu vì địa danh là sản phẩm của tư duy mà tư duy luôn phản ảnh hiện thực mà nó tiếp nhận. Hiện thực đi vào địa danh có thể chia làm ba phần lớn. Đó là địa hình, thực vật và động vật.

1.1. Địa hình có thể chia làm hai dạng: địa hình cao và địa hình thấp. Địa hình cao gồm: núi, đồi, gò, đống,…Địa hình thấp gồm: sông, biển, hồ, đầm,…Tên địa hình đi vào địa danh trước hết qua các danh từ chung được dùng làm tên gọi các tiểu loại địa danh như núi, gò, sông, rạch,…:núi Tản Viên, gò Cẩm Đệm, sông Đà, rạch Cát,…Nhưng quan trọng hơn là các danh từ chung chỉ tên địa hình đã biến thành một yếu tố của địa danh: tỉnh Sông Bé, huyện Giồng Trôm, cầu Kinh, hồ Ba Bể, huyện Đầm Dơi, xóm Cù Lao, sông Ba Ngòi, vùng Bãi Bằng, bến Phà Rừng, vùng Thác Đài,…

Bên cạnh những từ thuần Việt (hay đã được Việt hoá gần như thuần Việt) chỉ địa hình, còn có nhiều yếu tố Hán Việt cũng chỉ địa hình đã nhập hệ như: sơn (núi), lâm (rừng), cốc (hang), khê (khe), xuyên (sông), chử (bãi biển, bến sông), dương, hải (biển), đàm (đầm),…Các yếu tố này chưa trở thành từ trong tiếng Việt nên không làm tiền từ mà làm thành tố chính đứng cuối địa danh: Trường Sơn, Tiền Giang, Gia Lâm, thôn Sài Đàm, An Khê, Long Xuyên, thôn Phương Chử, Hải Dương,…

Đồng thời, nhiều từ chỉ địa hình thiên nhiên trong các ngôn ngữ thiểu số ở Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng đã đi vào địa danh: rạch (prêk: sông nhỏ), vàm (piêm: ngã ba sông, rạch), đa, đak, ia (nước, sông), chư, ngok, pu/pù (núi), khuổi (suối),… Hầu hết các từ này vừa làm tiền từ vừa làm yếu tố chính đứng trước địa danh: rạch – Rạch Giá; vàm – Vàm Cống; đa, đà, đạ – Đa Nhim, Đà Lạt, Đạ Đờng; đăk – Đăk Lăk; gia – Gia Sô; chư – Chư Sê; ngok – Ngọc Linh; khuổi – Khuổi Cọ; pu – Pu Sam Sao.

1.2. Hình ảnh cây cỏ cũng “ đập” vào giác quan của người Việt như địa hình. Ở TP. Hồ Chí Minh có 273/6.000 địa danh (4,5%) mang tên các loại cây. Tên cây thông thường thì nơi nào cũng đi vào địa danh: cầu Gò Dưa, huyện Gò Dầu, cầu Dừa, Đầm Sen, phường Cây Sung, mương Bần, huyện Giồng Trôm, Hóc Môn, vùng Bồ Đề,…

Ở TP. Hồ Chí Minh, hàng chục tên cây vốn là đặc sản của Nam Bộ đã biến thành địa danh: Củ Chi, ấp Cây Sộp, rạch Cây Bướm, rạch Bông Xeo, rạch Thai Thai (loại bắp ngắn ngày), ấp Thiền Liền (tên một loại ngải),…

Số yếu tố Hán Việt vốn là tên cây cũng đi vào địa danh Việt Nam, nhưng không nhiều: liên (sen), trúc (tre), hoè (cây hoè), ngô đồng (một loại vông). Có lẽ do từ thuần Việt và tên cây thuần Việt dễ hiểu hơn: Liên Chiểu, thôn Trúc Khê, đường Hoè Nhai, xã Ngô Đồng.

Số từ chỉ cây cối trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số gia nhập địa danh Việt Nam nhiều hơn: huyện Cần Giuộc, huyện Thốt Nốt, ấp Cà Săng (Khmer), Nã Cà (cà: cỏ tranh), Co Bây (cây trám đen), Pò Co (co: cây dẻ), Bó Đảy (đảy: cây nứa tép), Lủng Lầu (lầu: cây lau), Nà Thoong (thoong: cây trúc), Cốc Rầy (rầy: cây si), Kơ Lá (cây tre), Tea Plôi (plôi: bầu, bí), Váng Pró (pró: dây tiêu), sông Nậm Rốm (rốm: cây gỗ lát),…

1.3. Tên cầm thú cũng đi vào địa danh khá nhiều. Ở TP. Hồ Chí Minh co,ù153/ 6.000 địa danh (2,5 %).Tên các con vật phổ biến đi vào địa danh ở khắp nơi:rạch Bến Nghé, giồng Chồn, rạch Cá Trê, cù lao Con Cò, rạch Muỗi, rạch Ốc, rỏng Lươn, tắt Quạ, mũi Gành Rái,…Đặc biệt, có những con vật nay không còn sinh hoạt trên địa bàn: tỉnh Đồng Nai, rạch Hóc Hươu, Hố Bò (bò rừng), ngã ba Chó Tru (chó sói), vịnh Sấu, rạch Voi, đèo Cọp,…

Số lượng các từ chỉ cầm thú trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trở thành yếu tố của địa danh cũng khá phong phú: Cần Đước (rùa), Cần Thay (giống rùa quí), Cần Thơ (cá sặt rằn), rạch Cá Tra (pra), Ktlá (cọp), Kơtéam (cua), Mat (muỗi), Mơngéang (con kiến), Réng (rắn mối), Rơmi (tê giác), Tơkén (kiến đỏ) – địa danh ở Tây Nguyên; Ná Ca (ca: quạ), Pò Chạng (chạng: voi), Khau Mạ (mạ: ngựa), Pác Luồng (luồng: rồng), Dộc Nạn (nạn: con hươu), Lũng Vài (vài: trâu), Lậu Pất (pất: vịt), Nà Quang (quang: nai) – những địa danh ở Việt Bắc và Tây Bắc.

Qua hàng loạt địa danh ở trên, ta có thể nói hầu hết các địa hình, cây cỏ, cầm thú đều hoá thân thành địa danh. Nguồn ngữ liệu phong phú và tiện dụng này giúp cho việc sáng tạo địa danh dễ dàng và bất tận.

Tuesday 21 January 2014

“THÀNH NGỮ CÁCH NGÔN GỐC HÁN”- CUỐN SÁCH DÙNG TRONG NHÀ TRƯỜNG CÓ NHIỀU SAI SÓT (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Năm, ngày 05 tháng 9 năm 2013

“THÀNH NGỮ CÁCH NGÔN GỐC HÁN”- CUỐN SÁCH DÙNG TRONG NHÀ TRƯỜNG CÓ NHIỀU SAI SÓT



Trong một nhà sách tự chọn ở Thành phố Thanh Hoá, tôi tìm thấy cuốn “Thành ngữ cách ngôn gốc Hán” của Nguyễn Văn Bảo-Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội-1999. Sách tập hợp 725 câu thành ngữ cách ngôn thường dùng, với nhiều tên tuổi, học vị đáng nể xuất hiện trong phần giới thiệu, hiệu đính. Tuy nhiên, khi về nhà, có thời gian xem lại, tôi ngạc nhiên bởi cuốn sách có quá nhiều sai sót, non kém. Việc giải thích nhiều câu thành ngữ chứng tỏ tác giả chỉ hiểu lờ mờ, nên dịch sai, dùng sai...Thậm chí tôi có cảm tưởng chính tác giả cũng không hiểu thành ngữ nói gì nhưng vẫn giải thích bừa. Xin liệt kê sự sai sót làm mấy loại:
1.Dịch sai, hiểu sai nguyên văn chữ Hán:
-Câu “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Chữ “tứ mã” Nguyễn Văn Bảo dịch là: “ngựa tứ” là chưa chính xác. Bởi chỉ có “ngựa kỳ”, “ngựa ký” và chữ “tứ” là cỗ xe bốn ngựa chứ không có giống ngựa nào là “ngựa tứ”. “Tứ mã” ở đây là  cỗ xe bốn ngựa, chỉ sức mạnh, nhanh của bốn ngựa hợp lại. Lời đã nói ra thì sức mạnh của 4 con ngựa cũng không thể kéo lại, đuổi theo được.
 -Câu “Vong dương bổ lao”, phần giải tích từng từ, tác giả viết “Dương: con bò”. Điều đó sai hoàn toàn. Chúng ta đều biết, “dương” nghĩa là con dê. “Vong dương bổ lao”  nghĩa là “Mất dê mới làm chuồng”. Đây là câu thành ngữ gốc Hán. Trung Quốc ở về xứ lạnh, do đó, xưa kia con bò không phải là vật nuôi phổ biến ( bởi loài bò không chịu được giá rét). Con dê mới là vật nuôi đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá của họ(1). Người Trung Quốc không có chữ riêng để chỉ con bò mà mượn chữ “hoàng ngưu”= con trâu (lông) vàngđể chỉ con bò, thuỷ ngưu để chỉ con trâu (loài vật thích đầm mình dưới nước). Không thấy tài liệu hay từ điển nào lấy chữ “dương” = con dê để chỉ con bò. Mặc dù mượn văn tự Hán, nhưng người Việt không gọi con bò là “hoàng ngưu”, mà sáng tạo ra chữ “lao”  (để chỉ con bò.(2)Câu thành ngữ gốc Hán“Vong dương bổ lao” (Mất dê mới làm chuồng) được Việt hoá thành “Mất bò mới lo làm chuồng” cho phù hợp. Bởi vì con bò là vật nuôi phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá  của làng quê Việt Nam.
-Khi giải thích tứ đức: “Công dung ngôn hạnh” Nguyễn Văn Bảo cho rằng “công” ở đây có nghĩa là “công việc làm ăn” (!). Thực ra “công” trong “Công, dung, ngôn hạnh” nghĩa là sự khéo léo của người con gái. Có lẽ ông Bảo hiểu lầm và cho rằng tiêu chuẩn của người con gái, người vợ là phải có “công việc làm ăn” ổn định (!) ?
-Câu “Hiếu tử sự thân”, phần giải nghĩa từng từ, ông Bảo cho rằng “sự” ở đây có nghĩa “sự việc” là sai. Bởi, chữ “sự” trong câu “hiếu tử sự thân” nghĩa là thờ phụng (Con có hiếu phải thờ phụng cha mẹ).
-Câu “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”, phần giải nghĩa từng từ, ông Nguyễn Văn Bảo viết “Tương trì: con trai (nhuyễn thể)”. Sai! Hai chữ “tương trì” có nghĩa là níu kéo, nắm giữ lấy nhau, chỉ việc con cò mổ vào ruột con trai, con trai khép vỏ lại, ông lão bắt cá dễ dàng chộp được cả hai.
-Câu “Bàng nhược vô nhân”. (Coi như không có ai ở bên mình) Chữ “bàng” có nghĩa là ở bên, bên cạnh. Nhưng phần giải nghĩa từng từ, (thật không thể hiểu nổi) ông N.V.B lại viết “Bàng” là “bàng quang”-một bộ phận trong hệ bài tiết của động vật có vú (!)
2.Giải thích sai ý nghĩa câu thành ngữ:
-Câu “Nhất tiếu thiên kim” (Nụ cười đáng nghìn vàng), xuất phát từ tích U Vương vì muốn có được nụ cười của nàng Bao Tự mà tìm đủ mọi cách như đem hết vải vóc trong kho ra để hàng ngày xé cho Bao Tự nghe, rồi đốt lửa làm hiệu lệnh giả như có giặc đến để các nước chư hầu đến ứng giúp, cuối cùng Bao Tự đã mỉm cười. Đến khi có giặc thật, U Vương đốt lửa gióng trống nhưng không một nước nào tới cứu viện. U Vương phải bỏ mạng vì đơn thương độc mã. Câu thành ngữ ý nói việc phải trả giá quá đắt cho một hành động điên rồ của kẻ hiếu sắc, đồng thời cũng nói lên cái sức mạnh ghê gớm của sắc đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” có thể làm hỏng cả cơ đồ, sự nghiệp. Nhưng ông N.V.B lại cho rằng “Nhất tiếu thiên kim” là một lời khen đối với người phụ nữ đẹp và ông giải thích: “Khi đã khen người phụ nữ là “Nhất tiếu thiên kim” thì người ta cũng coi cái đẹp của người đó chỉ là mua bán”.(?) (!)
- Câu “Nhất tự đáo công môn, thiên ngưu khiên bất  xuất”.Có nghĩa: một chữ đã đưa đến cửa quan thì sức ngàn con trâu kéo cũng không ra. Ý nói, khi đã trót đệ đơn kiện lên quan, thì không có cách gì có thể rút lại được, dù chỉ một chữ. Bởi vì quan lại tham lam, thường vin vào các đơn kiện để bắt bẻ từng chữ nhằm đòi ăn của đút, không của nguyên đơn thì bị đơn (thành ngữ Việt Nam có câu “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”). Câu thành ngữ trên nhắc nhở người ta nên thận trọng khi đệ đơn lên quan, bởi kiện tụng chỉ thêm khốn đốn. (Cho nên người Việt Nam thường nhắc nhau: “Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc”). Thật khó hiểu, ông N.V.B lại đưa ra cách giải thích rất xa lạ và hoàn toàn không có cơ sở: “Đơn từ khiếu kiện của người dân, khi đã gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết thì không có trở lực gì làm cho tác dụng của những đơn từ ấy thành vô dụng”(?!) Và ông lấy ví dụ : “Bác đã gửi đơn khiếu nại lên cấp trên rồi thì rất yên tâm,nhất tự đáo công môn, thiên ngưu khiên bất xuất. Sớm muộn gì cũng được giải quyết” (?!)
- Câu Kim thị tạc phi” nghĩa là ngày hôm nay là đúng, ngày hôm qua là sai. Ý nói phải có sự linh hoạt trong việc nhìn nhận, đánh giá sự vật hiện tượng. Ví như có những giá trị đạo đức, hay quan niệm, lối sống, sự việc, luật lệ,v.v... luôn thay đổi theo hoàn cảnh, thời cuộc, ngày hôm nay cho là đúng, nhưng ngày hôm trước lại quan niệm là sai. Rất kỳ lạ, ông NVB lại giải thích: “Hiện nay là đúng, những ngày qua là sai. Hàm ý hối tiếc.” Không hiểu ý tác giả nói “hối tiếc” cái gì?
- Câu “Khẩu tụng tâm duy” (miệng đọc, lòng suy nghĩ). Chữ “tụng” có nghĩa là đọc thuộc. Ý nói người đọc không chỉ thuộc làu làu, đọc một cách vô thức, mà thành tâm, vừa đọc vừa suy nghĩ về ý nghĩa, đạo lý của điều mình đang đọc (như tụng kinh, niệm Phật). Thật bất ngờ và khó hiểu, ông NVB lại giải thích “Khẩu tụng tâm duy” là “Không thực lòng” và lấy ví dụ: “Đã là người khẩu tụng tâm duy thì không nên trở thành bạn hữu”. Không hiểu câu ví dụ này ông lấy ở đâu hay tự mình nghĩ ra rồi nói bừa lấy được?
-Câu “Sở quốc vong viên, hoạ diên lâm mộc”. (nước Sở mất con vượn mà hoạ lây đến cả cây rừng) Do tích: Vua nước Sở mất con vượn quý, tìm mãi không thấy, liền ra lệnh chặt trụi hết rừng cây để vượn không có chỗ trú sẽ trở lại với vua. Ý nói đến những tai hoạ khôn lường, tai bay vạ gió, những kẻ tưởng chừng không liên quan gì cũng phải hứng chịu (hoạ diên lâm mộc=hoạ lây đến cây rừng). Thành ngữ cũng hàm ý về quyền uy quá lớn của một con người sẵn sàng làm tất cả, để đạt được ý muốn cá nhân. Không hiểu sao, ông NVB lại giải thích rằng: “Báo cho mọi nơi không ai chứa chấp. Đói không nơi nương tựa rồi sẽ phải về”.(?!)
-Câu “Duy ngã độc tôn”. Ông Nguyễn Văn Bảo đã đúng khi dịch là “Chỉ có ta là tôn quý”. Tuy nhiên ông đã sai lầm khi giải thích đó “là lời nói của Phật Thích Ca “thái độ duy kỷ, chỉ biết tôn trọng mình mình”. Lẽ nào ông không biết câu chuyện Phật Thích Ca khi mới sinh ra, bước đi 7 bước và nói như sư tử gầm: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là tôn quý) ? Câu nói như lời “tự sấm” báo hiệu trên thế gian sẽ xuất hiện một nhân vật siêu quần. Câu “Duy ngã độc tôn” không phải nguyên văn lời Đức Phật, và được dùng với cách hiểu hoàn toàn khác. Do đó không thể chú giải là lời Phật Thích Ca được. Nếu theo cách giải thích của ông Bảo, hoá ra, chính Phật Thích Ca tự lên án “thái độ duy kỷ, chỉ biết tôn trọng mình mình” của Đức Phật hay sao?
3.Giải thích không rõ ý, tiền hậu bất nhất:
-Câu “Lão sinh thường đàm” sau khi giải nghĩa hai từ “lão sinh” là “người học trò già”, ông N.V.B lại giải thích cả câu“Lão sinh thường đàm”  là: “Chuyện tầm phào của người già”. Và rồi ông lấy một ví dụ sử dụng câu thành ngữ này cũng rất mâu thuẫn, khó hiểu: “Phải hết sức lắng nghe các cụ vì lão sinh thường đàm”. Như thế, ta cần phải hết sức lắng nghe những “câu chuyện tầm phào” của các cụ hay sao? Theo “Từ điển thành ngữ, điển cố Trung Quốc” thì “Tam quốc chí: Nguỵ thư: Quản Lộ truyện viết: “Thử lão sinh chi thường đàm”. Lão sinh là chỉ thư sinh già. Đời sau dùng “lão sinh thường đàm” biểu thị những lời bình thường cứ nhai đi nhai lại mãi, không có ý gì mới”(3)
-Câu Khu ngư vi uyên khu tước vi tùng”. Ông Bảo không sai khi dịch: “Đuổi cá xuống vực, xua chim về rừng”. Nhưng, câu này nói về một việc làm phản tác dụng, bởi vì nước sâu và cây rừng đều là môi trường sống lý tưởng của cá và chim. Khi xua đuổi chúng về chốn này khác nào làm cho kẻ bị mình đánh đuổi trở nên mạnh thêm (giống như câu “Thả hổ về rừng”). Lạ thay, NVB lại giải thích câu thành ngữ này là “Không biết tập hợp lực lượng quần chúng, thậm chí lại làm cho tan rã ra”(!)
-Câu “Tích cốc, phòng cơ” (Có nghĩa là để dành thóc lúa phòng khi đói) ông N.V.B lại dịch: “Ăn khi no, lo khi đói”. Tại sao lại đem chuyện “ăn khi no” ví với câu “Tích cốc” ? Thật tối nghĩa ! Thậm chí vô nghĩa !
-Câu “Nhân bất thông cổ kim ngưu mã nhi khâm cư”Thành ngữ này không có phần nguyên văn chữ Hán như những câu khác. Do đó, rất khó kiểm chứng khi ông Bảo dịch chữ “khâm” là “vải bọc thây”, chữ “cư” là “vạt của áo”; sau đó ông giải thích: “Người không thông hiểu việc xưa nay thì cũng như trâu ngựa được mặc áo quần”. Chẳng biết có phải do kiến văn hẹp hòi, nông cạn hay không, nhưng tôi chưa bao giờ nghe câu thành ngữ được xếp vào loại “thường gặp” này. Liệu ở trên thế gian, những kẻ thông hiểu việc xưa nay được mấy người? Và không thông hiểu việc “cổ kim” phải đâu là tội lỗi hoặc điều xấu xa, sao lại xem những người đó giống như “trâu ngựa được mặc áo quần”?
4. Biên soạn thiếu thống nhất, khoa học:
Cuốn sách tập hợp 725 câu thành ngữ cách ngôn “thường gặp”, lại được dùng trong nhà trường, nhưng nhiều câu rất “mù mờ”, không hiểu nguồn gốc ở đâu, “thường gặp” trong văn cảnh nào, cách dùng ra sao, tác giả, sách nào đã từng dùng ? Phần lớn những ví dụ, dẫn chứng về cách sử dụng các thành ngữ, cách ngôn đều do ông N.V.B tự đặt ra một cách chung chung, vô căn cứ và rất khó hiểu. Sách nói “được giải nghĩa và phiên âm tiếng Trung văn, chú thích chữ Hán” để “qua phần phiên âm và chú giải Hán tự, bạn đọc sẽ tiện lợi hơn trong việc tra cứu, tham khảo và sử dụng” nhưng soạn giả rất tuỳ tiện. Nhiều câu không có phần nguyên văn chữ Hán. Ví dụ các câu: “Bỉ sắc tư phong, Khuyển mã chí tình, Khu ngư vi uyên khu tước vi tùng, Khởi (cải) tử hồi (hoàn) sinh, Nhân bất thông cổ kim ngưu mã nhi khâm cư”,v.v...khiến cho người cần tìm hiểu nguyên văn chữ Hán để đối chiếu không biết đâu mà lần !
Như vậy, chỉ mới dừng ở mức “Cưỡi ngựa xem hoa” thôi nhưng có thể thấy, những sai sót trong cuốn “Thành ngữ cách ngôn gốc Hán” của Nguyễn Văn Bảo là khá nghiêm trọng. Điều đáng nói, đây là “sách dùng trong nhà trường”, nhằm “giới thiệu rộng rãi với bạn đọc, với thầy cô giáo và nhất là với các em học sinh” một cuốn “Sổ tay sử dụng những từ gốc Hán” (như lời soạn giả). Sách đã tái bản lần thứ hai, đủ thời gian, cơ hội để chỉnh lý, bổ sung, hiệu đính, nhưng soạn giả vẫn để nguyên tình trạng “dĩ hư truyền hư”.  Sách lại được PTS Đỗ Thị Hảo-Viện nghiên cứu Hán Nôm-Uỷ viên ban chấp hành hội văn nghệ Dân gian Việt Nam” giới thiệu(4). Và theo “lời tác giả”, sách cũng được bà Đỗ Thị Hảo, phó tiến sĩ Hán Nôm, ông Đinh Văn Minh, Chuyên viên Hán Nôm, đặc biệt là nhà Hán học Lê Bầu “hiệu đính toàn bộ nội dung và phần chú giải chữ Hán”. Bản thân tác giả (phần tự giới thiệu “cùng tác giả”) cho biết từng biên soạn những cuốn như “Từ và ngữ Hán Việt trong sách văn phổ thông” (NXB Văn học-1992) “Mở rộng vốn từ Hán Việt” (Đồng tác giả NXB Đại học Quốc gia Hà Nội-1997). Cuối cùng, sách ra đời từ một địa chỉ có uy tín: Nhà xuất bản đại học Quốc gia Hà Nội. Lẽ nào ngần ấy những tên tuổi, học vị, thương hiệu, vẫn không đủ để đảm bảo cuốn sách tránh được những sai sót đáng tiếc nói trên?  Liệu đã có bao nhiêu thầy giáo, học sinh dạy nhầm, học nhầm, hậu quả là tiền mất, tật mang ?
 Năm 2008, tôi đã có bài viết góp ý những sai sót của cuốn “Thành ngữ cách ngôn gốc Hán” trên tạp chí Nguồn Sáng (Hội văn nghệ dân gian Việt Nam”. Tuy nhiên năm 2010, trong chuyên mục “Gõ cửa ngày mới” của Đài TH Việt Nam, lại thấy ông NVB xuất hiện với tư cách Nhà giáo khách mời và tiếp tục “quảng cáo” cho cuốn “Thành ngữ cách ngôn  gốc Hán”, coi đây là đóng góp quan trọng trong cuộc đời soạn giả !


                                                                                      H.T.C
Chú thích:
(1)-Con dê là một trong “lục súc” (6 loài vật nuôi trong nhà ) và là con vật quý dùng để tế thần của người Trung Quốc.
 (2)-Chữ “lao” nghĩa gốc là chuồng nuôi súc vật, chuồng nhốt con vật trước khi đem giết để tế thần (gồm bộ miên là nhà, dưới là bộ ngưu). Người Việt Nam đã mượn chữ “lao” này để chỉ con bò. Tôi còn giữ được một văn tự bán bò niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3, chủ bò là Lê Văn Vi-người thôn Văn Đoài, tổng Văn Trinh, huyện Quảng Xương – Thanh Hoá, trong đó có câu: “gia hữu tẫn hoàng lao nhất đầu niên phương nhị tuế” ( nghĩa là: nhà có một con bò cái lông vàng tròn hai năm tuổi). Núi Đồng Cổ thờ thần Đồng Cổ (thuộc huyện Yên Định-Thanh Hoá) vốn tên là núi Khả Lao. Chữ “lao” là con bò. Dân gian trước kia cũng gọi là núi Con Bò.
(3)- “Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc”-Nhà xuất bản Khoa học xã hội-2001
(4)-Uỷ viên ban chấp hành Hội văn nghệ dân gian Việt Nam không phải là chức vụ kh oa học.

Friday 17 January 2014

Phản bác những luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Tây Sa ( Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Biển Đông (Nguyễn Nhã)


Phản bác những luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Tây Sa ( Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Biển Đông

Thứ hai - 13/05/2013 08:54
Phản bác những luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Tây Sa ( Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Biển Đông
Phản bác những luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Tây Sa ( Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Biển Đông
Sự thật lịch sử sẽ được thấy rõ khi chỉ cần nhấn mạnh vào năm 1909, Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Chính Quyền Quảng Đông đưa ra luận điểm Paracel là đất vô chủ (res-nullius, tác giả nhấn mạnh), bắt đầu tổ chức chiếm hữu theo cách của Phương Tây như cho tàu chiến bắn 21 phát súng, cắm cờ, cắm cột mốc chủ quyền tại các đảo ở Paracel và đặt tên là Tây Sa. Trong khi ấy, Tổng lãnh sự Pháp Bauvais ở Quảng Châu khuyến cáo Bộ ngoại giao Pháp vì lợi ích của Pháp không nên lên tiếng phản đối[12].
Khi ấy Việt Nam đã có  quá nhiều chứng cứ từ văn bản nhà nước như Châu bản của triều đình Nguyễn đến các văn bản chính quyền đia phương cũng như chính sử, địa chí, bản đồ  cho đến các tài liệu, bản đồ của Phương Tây cũng như chính tài liệu, bản đồ của Trung Quốc minh chứng Paracel không phải của Trung quốc ; Paracel chính là Cát Vàng tức Hoàng Sa.
Việt Nam đã chiếm hữu thật sự mang tính nhà nước liên tục và hòa bình qua các thời đại từ đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đi khai thác sản vật tại Hoàng Sa & Trường Sa từ đầu thế kỷ XVII  đến thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền từ năm 1816 đến 1836 trở thành lệ hàng năm [17].
Khi Chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền của “Annam” tại Paracel  khi Chính quyền Nam Trung Quốc quyết định sát nhập Tây Sa vào Hải Nam vào năm 1921, đã phản bác lại rằng việc chưa phản đối ngay không vì thế mà “An Nam” mất chủ quyền và một chính quyền địa phương như tỉnh Quảng Đông không có giá trị về pháp lý quốc tế. Tuy mất chủ quyền về ngoại giao, năm 1925 khi được hỏi, Thương thư Bộ Binh Thân Trọng Huề triều đình Huế đã tuyên bố rằng Hoàng Sa (Paracel) vốn thuộc chủ quyền của  nước Nam từ lâu,  không có gì để  tranh cãi nữa.
Chinh quyền Pháp thuộc địa ở Đông Dương  đến cuối thập niên 20 thế kỷ XX, với áp lực của dư luận báo chí Pháp, nhất là tờ báo Éveil Économique năm 1929, đã quyết định phối hợp với triều đình Huế tổ chức thiết lập trại lính và dựng bia chủ quyền tại Paracel( Hoàng Sa)  vào đầu những năm 1930 và sáp nhập  Spratly( Trường Sa) vào tình Bà Rịa tại Nam Kỳ  thuộc nước Pháp cùng đưa ra các tài liệu chính sử, sách địa chí của “AnNam” đủ thuyết phục chủ quyền thuộc An Nam từ lâu.Trung Quốc lại đưa ra lập luận rằng Pháp dùng vũ lực chiếm Tây Sa và Nam Sa của họ.
Năm 1946, lợi dụng nhiệm vụ giải gíáp quân đội Nhật, tháng 12 năm 1946, quân đội Tưởng Giới Thạch chiếm đóng Paracel và Spratly song hành với quân đội Pháp và Quốc Gia Việt Nam thân Pháp. Đến năm 1950 quân Trung Hoa Quốc Gia  đã rút về Đài Loan. Chính việc chiếm đóng này của quân Tưởng mới là bất hợp pháp dù chỉ trong một thời gian ngắn.
Tháng 4 năm 1956 lợi dụng quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, Đài Loan chiếm đảo lớn nhất là Itu Aba tức đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc mới đặt tên Thái Bình kỷ niệm tàu Thái Bình chiếm đóng cuồi năm 1946; Trung Quốc chiếm đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa xen  kẽ với quân đội VNCH  và lợi dụng quan hệ mới với Mỹ sau Tuyên bố chung Thượng Hải năm 1972, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974.
So với trước năm 1949, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm hơn đến luận điểm  cho rằng chủ quyền về Hoàng Sa của Trung Quốc đã có từ lâu đời, với nhiều luận cứ, luận chứng phi lịch sử.  Sau khi dùng vũ lực một cách bất hợp pháp  cưỡng chiếm Hoàng Sa vào trung tuần tháng giêng năm 1974, Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm tài liệu để cố gán ghép bằng cách cắt xén, nếu cần thì  xuyên tạc với sự đóng góp của các nhà học giả như Sử Lệ Tổ đưa ra luận điểm cho rằng “các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc”, do nhân dân Trung Quốc “phát hiện sớm nhất”, “kinh doanh sớm nhất”, do chính phủ các triều đại Trung Quốc “quản hạt sớm nhất” và viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử mang tính suy diễn để dẫn chứng (Quang Minh nhật báo, 24 tháng 11 năm 1975).
Sau đó như đã nói trên, ngày 30 tháng 1 năm 1980, Bộ Ngoại Giao Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa  đã công bố văn kiện ngoại giao, chính thức hoá những luận điểm đã đưa ra trong bài báo nói trên và năm 1988, đã xuất bản bộ tư liệu đồ sộ của Nhóm Hàn Chấn Hoa song lại hết sức vu vơ không có gì là xác thực; hầu hết những  tài liệu cổ màTrung Quốc dẫn chứng lại đều là sách viết về nước ngoài  “chư phiên”, tức không phải chép việc của Trung Quốc như “Nam Châu Dị Vật Chí”  của Dương Phù, “Chư Phiên chí”  của Triệu Nhữ Quát .
Do sự thật không có trong lịch sử và ngay không có bản đồ ngay của Trung quốc  hay Phương Tây vẽ mà chính sự kiện chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất  vô chủ, nên sự phản bác những ngụy tạo, suy diễn các luận điểm cùng các luận cứ, luận chứng của Trung Quốc quá dễ dàng, nhất là dựa vào pháp lý quốc tế cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX phải là chiếm hữu thật sự , mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình.
Trung Quốc lại phản bác lại rằng các bằng chứng của Việt Nam đã có sau khi Trung Quốc Trung Quốc phát hiện Paracel rất sớm khi thì thời Minh, khi thời Nguyên khi thời Tống, khi thời Hán. Nói thế thì vô cùng, quan trọng là phải kể thời điểm bắt đầu tranh chấp, năm 1909 khi chính quyền Quảng Động cho Paracel là đất vô chủ ( tác giả nhấn mạnh).
Lợi dụng một vài chi tiết có tài liệu như Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư chép sai một ngày rưỡi hay nửa ngày từ cửa biển Sa Kỳ   ra Hoàng Sa trong khi các tài liệu khác của Việt chép đúng là ba ngày ba, bốn đêm. Hoặc các bản đồ cồ Việt Nam không vẽ tọa đồ, Trung quốc nói bừa Hoàng Sa của Việt Nam chỉ là những hòn đảo ven bờ biển. Song chỉ cần đưa một số tài liệu như Gutzlaff  năm 1849 hay bản đồ của Phương Tây vẽ chính xác tọa độ “Paracel seu Cát vàng” như An Nam Đại quốc Họa dồ của Taberd phụ bản của cuốn từ điển Latinh – Annam thì dễ dàng phản bác Trung quốc bịa đặt.
Hay chỉ cần lấy Hiệp Định Genève qui định Paracel và Spratly nằm dưới vĩ  tuyến 17 thuộc quyền quản lý của chính quyền Phía Nam Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam bị chia cắt thì mọi tuyên bố dù của VNDCCH cũng không quan hệ đển việc từ bỏ chủ quyền mà chí là tuyên bố đối sách chính trị trong thời kỳ đối đầu cũng như chiến tranh. Đến khi hiệp thương thống nhất đất nước thì chính quyền Việt Nam thống nhất đã khẳng định ngay Việt Nam có chủ quyền tại Hoàng Sa  và Trường Sa.
 Riêng phản bác luận điểm của Trung Quốc về Tuyên bố Đường Lưỡi Bò năm 2009 thì chỉ cần dựa vào Công Ước Luật Biển LHQ  1982, phản bác lại  quá dễ dàng, nhất là Trung Quốc dựa vào kế thừa lịch sử năm 1947 và những luận điểm, luận chứng vu vơ, không ai có thể chấp nhận được.
Truyền thống chép sử xưa của Trung Quốc như Thái Sử Bá thà bị cbết chém, chứ không thể chép sai sự thật hình như không còn nữa.
Hiện nay người ta ở Trung Quốc  hầu như lờ đi sự kiện năm 1909 chính quyền Quảng Đông cho Paracel là « đất vô chủ », mà hầu như ai cũng nói giáo đầu như Ngụy Chí Giang- Phan Vương Nguyệt*khi đề cập đến chủ quyền tại các đảo ở Nam Hải :  « Các hòn đảo ở Nam Hải từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc, nếu đi sâu nghiên cứu các sách cổ Trung Quốc thì đây là điều hiển  nhiên, không có gì phải nghi ngờ ».Hay Trương Văn Lâm( giảng viên Học Viện Pháp Luật trường Đại Học Nhân Dân Trung Quốc) :  « Từ xưa đến nay quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Người dân Trung quốc đã phát hiện, chiếm hữu, khai thác, phát triển quần đảo Nam Sa sớm hơn cả và các chính phủ của Trung Quốc liên tục thực hiện quản hạt đối với quần đảo này, điều này chứng tỏ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa đã được xác định từ rất sớm và không thể tranh cãi ». Cứ như thế mà tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, khiến người dân ai nấy đều tin như vậy !Còn đi sâu nghiên cứu sách cổ thì chẳng có gì cả, cô` suy diễn hàm hồ như thời Tống thì tổ chức đi tuần tiễu quanh quần đảo Tây Sa mà thực chỉ quanh đảo Nam Hải từ Tây qua Đông. Hay đời Minh Trịnh Hòa với 7 lần xuống Tây Dương có vẽ bản đồ tất có cà Tây Sa & Nam Sa ! Hoặc cố đưa một vài bằng chứng cụ thể trong sách cổ có ai viết kể cả sách viết về nước ngoài, « Chư phiên » về một địa danh nào đó trên biển là vội nói đá là Tây Sa hay Nam Sa. Song ngay cái tên Tây Sa, Nam Sa lại mới chỉ xuất hiện từ năm 1909 và riêng Nam Sa đến 1947 mới chỉ Spratly còn trước đó lại chỉ Trung Sa.
Có lẽ cơ sở  cụ thể tương đối  vững mạnh nhất chính là Trung Quốc tố cáo  chính quyền VNDCCH đã lật lọng, trước khi thống nhất trong thời gian chia cắt đã công nhận Tây Sa, Nam Sa thuộc Trung Quốc. Hay thời Hán, thời Tống, thời Minh xứ Giao Chỉ , An Nam vốn là thuộc quốc như học giả Vương Hàn Lĩnh từng tuyên bố trước năm 1885 Việt  Nam là thuộc quốc của Trung quốc mà quên đi một điều cụ thể rằng tuy các vua Việt Nam có cầu phong, nộp cống song lúc nào cũng tự xưng là hoàng đế, quốc hiệu là Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam…
 Những phản bác vắt tắt trên xin  được phân tich kỹ càng, minh họa rõ ràng  dưới đây:
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA SỰ XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN VIỆT NAM TẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
1.1. Cơ sở pháp lý quốc tế về sự thiết lập chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo.
Từ thế kỷ XV tới đầu thế kỷ XVI, theo quan niệm pháp lý quốc tế của Phương Tây, chủ quyền lãnh thổ được xác định theo các sắc lệnh của Giáo Hoàng. Sắc lệnh ngày 4 tháng 5 năm 1493 do Giáo Hoàng Alexandre VI  ký xác định nguyên tắc phân chia các vùng lãnh thổ mới phát hiện ngoài Châu Au giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo sắc lệnh này, tất cả các vùng lãnh thổ bao gồm “tất cả các đảo và đất liền  đã tìm thấy và sẽ tìm thấy, đã phát hiện và sẽ phát hiện ở phía Đông  một đường tưởng tượng chạy từ địa cực này sang địa cực khác qua phía Tây đảo Cap Vert  100 hải lý”  là thuộc Bồ Đào Nha . Còn các vùng lãnh thổ ở phía Tây đường đó là thuộc Tây Ban Nha. Theo hiệp ước Tordesillas  do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ký kết với nhau ngày 7 tháng 6 năm 1494 và được Giáo hoàng Jules II xác nhận năm 1506 thì con đường tưởng tượng được dịch về phía Tây 170 hải lý.
Trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, các nước Hà Lan, Anh, Pháp cũng phát triển dần trở thành cường quốc, bị đụng chạm quyền lợi, không chịu chấp hành sắc lệnh nói trên. Từ thực tế này, các nước đã tìm ra nguyên tắc mới về thiết lập chủ quyền trên những vùng lãnh thổ mà họ phát hiện.  Đó là thuyết "quyền ưu tiên chiếm hữu" một vùng lãnh thổ thuộc về quốc gia nào đã phát hiện ra vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Đó chính là thuyết "quyền phát hiện" .
Theo thuyết này thì chỉ cần các nhà hàng hải của một quốc gia cắm một lá cờ lên một hòn đảo, thậm chí một thuyền trưởng của một nước nhìn thấy một vùng đất mới, quốc gia đó có quyền ưu tiên chiếm hữu.
Trên thực tế, việc phát hiện như trên chưa bao giờ tự nó đem lại cho quốc gia phát hiện chủ quyền lãnh thổ vì rất khó xác định chính xác thế nào là phát hiện, xác nhận việc phát hiện và xác định giá trị pháp lý của việc phát hiện ra một vùng lãnh thổ. Vì thế  việc phát hiện  đã mau chóng  được bổ sung bằng  việc chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh  thổ  phải để lại dấu vếttrên vùng lãnh thổ mà họ phát hiện. Quốc gia nào có  một bia hay một mốc chủ quyền hay một dấu hiệu quốc gia có giá trị hợp lệ mới có chủ quyền lãnh thổ. Thuyết quyền phát hiện đã được thay thế bằng  thuyết chiếm hữu về danh nghĩa đã được các quốc gia  áp dụng từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX.
Song thuyết chiếm hữu về danh nghĩa càng ngày càng bộc lộ những nhược điểm, xảy ra tình trạng có những nước vô tình hay cố ý lại “phát hiện” và đặt dấu hiệu như cắm cờ, cột mốc, bia về chủ quyền lên những lãnh thổ mà các quốc gia khác đã xác nhận. Do đó mà nảy sinh ra nhiều vụ tranh chấp.
Các luật gia càng ngày càng thấy việc phát hiện, kể cả việc phát hiện có để lại dấu vết chỉ đem lại cho quốc gia phát hiện vùng lãnh thổ một danh nghĩa phôi thai, chưa hoàn chỉnh, cốt để chỉ xí phần. Danh nghĩa này có thể bị mất đi nếu như nó không được củng cố bằng những hành động thực tế tích cực. Chủ quyền muốn được xác lập thì phải  là thật sự, có hiệu quả, tức là đòi hỏi sự có mặt thực tế của quốc gia  chiếm hữu trên vùng lãnh thổ đó.
Sau  hội nghị Berlin về châu Phi năm 1885 của 13 nước  Châu Âu và Hoa Kỳ  và sau khoá họp của Viện Pháp Luật Quốc Tế  ở Lausanne ( Thụy Si) năm 1888, nguyên tắc chiếm hữu thật sự  trở thành quan điểm chiếm ưu thế trên thế giới.     Điều 3, điều 34 và 35 của Định Uớc Berlin ký ngày 26 tháng 6 năm 1885 xác định nội dung của  nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu thật sự  như sau :
  • “Phải có sự thông báo về việc chiếm hữu cho các nước ký định ước trên".
  • "Phải duy trì trên những vùng lãnh thổ mà nước ấy chiếm hữu sự tồn tại của một quyền lực đủ để khiến cho các quyền mà nước ấy đã giành, được tôn trọng…”
Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh “mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên một danh nghĩa sở hưũ độc quyền … thì phải là thật sự tức là thực tế,  không phải là danh nghĩa”.
Chính tuyên bố trên của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne đã khiến cho nguyên tắc chiếm hữu thật sự của định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế chứ không chỉ có giá trị với các nước ký định ước trên.
Nội dung chính của nguyên tắc chiếm hữu thật sự là :
1.Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do nhà nước tiến hành. Tư nhân không có quyền thiết lập chủ quyền lãnh thổ vì tư nhân không có tư cách pháp nhân quốc tế, vì quan hệ quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia.
2. Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hoà bình trên một vùng lãnh thổ thật sự là vô chủ (res nullius) hoặc là đã được quốc gia làm chủ chủ động từ bỏ (derelicto). Dùng võ lực để chiếm  một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp.
3. Quốc gia chiếm hữu  trên thực tế phải thực hiện những hành động chủ quyền ở mức độ tối thiểu phù hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.
4. Việc thực hiện chủ quyền phải liên tục trên vùng lãnh thổ đó.
Ngày 10 tháng 9 năm 1919, công ước Saint Germain đã được các cường quốc lúc bấy giờ ký tuyên bố hủy bỏ định ước Berlin năm 1885 với lý do là trên thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa và như thế nguyên tắc chiếm hữu thật sự không còn giá trị pháp lý nữa.
Song do tính hợp lý của nguyên tắc này, các luật gia trên thế giới vẫn vận dụng nó khi phải giải quyết các vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo. Như phán quyết của toà án trọng tài thường trực quốc tế La Haye tháng 4 năm 1928 về vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, phán quyết  của toà án quốc tế của Liên Hợp Quốc tháng 11 năm 1953 về vụ tranh chấp các đảo Minquiers và Écrehous  giữa Anh và Pháp.
Như thế trước khi bị các nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tức đầu thế kỷ XX trở về thế kỷ XVII, theo pháp lý quốc tế theo kiểu Phương Tây lúc bây giờ, sự xác lập chủ quyền Việt Nam một cách thật sự, liên tục, hoà bình là cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Đến khi chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm, vào thời đểm 1909, pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888.
Đã hết thời kỳ « cá lớn nuốt cá bé » như thời Hán, thời Tống,  thời Minh , như Việt Nam từng bị các triều đại phong kiến Phương Bắc xâm lược, thống trị. Thế giới thời hiện đại phải có luật pháp quốc tế, nên kể từ năm 1909 Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền ở Paracel thì phải theo trật tự quốc tế đã được nhiều nước công nhận trở thành nguyên tắc hợp lý nhất để bảo đảm ổn định hòa bình thế giới. Sau này có tổ chức quốc tế mới như Hội Quốc Liên, Liên Hiệp Quốc với Hiến chương, nghị quyết, luật Biển…buộc các thành viên phải tuân thủ.Với tinh thần đó, chính quyền Quảng Đông năm 1909 đã cho rằng Paracel là đất vô chủ nên mới dám cò hành động xác lập chủ quyền ; đến khi Pháp thay mặt Annam hành động thì chính quyền Quảng Đông bào chữa sao không phản đối ngay.
Còn hiện nay Trung Quốc cứ nói bừa không thừa nhận nguyên tắc chiếm hữu thật sự, liên tục và hòa bình cũng như miệng nói, song thực tế ngược lại không tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc, theo luật rừng của riêng mình, có những hành động hung dữ, đã dùng cả vũ lực bắt các nước khác phải theo thì hết sức nguy hiểm cho trật tự hòa bình thế giới, sẽ đưa tới bi kịch Châu Á như đã xảy ra bi kịch Chấu Âu hồi Thế kỷ XX như các học giả quốc tế đã e ngại trong các hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội cũng như tại TP.Hồ Chí Minh  năm 2012 và trước đó. Nếu thảm hỏa xảy ra thì Trung Quốc sẽ mang tiếng xấu muôn đời bị cả lòai người lên án ! Đó là điều chắc chắn.
1.2. Cơ sở pháp lý quốc tế  buộc các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc và Công Ước Luật Biển phải tôn trọng
1.21. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc cấm các  thành viên sử dụng vũ lực trong  các tranh chấp về chủ quyền.
Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó điều 2 khoản 4 quy định định rõ cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước đều phải tuân thủ.
Nguyên tắc này được phát triển và ghi nhận cụ thể hơn trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”. Nghị quyết đó cũng quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
1.2.2 . Công  Ước Về Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc năm 1982 qui định các thành viên có quyền đơn phương đưa ra Tòa án Luật Biển quốc gia nào vi phạm luật biển.
Công  Ước Về Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc năm 1982 qui định :
  • Mỗi quốc gia được phép thiết lập lãnh hải không quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở  ( Điều 3).
  • "Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có  một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được dùng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (điều 7).
  • Quốc gia ven biển không được cản trở việc đi qua không gây hại của các tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải, ngoài những trường hợp mà Công ước đã trù định ( điều 24).
  • Quốc gia ven biển có thể lập một vùng giáp lãnh hải, không rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở  dùng để tính chiều rộng của lãnh hải ( điều 33).
  • Một quốc gia quần đảo có thể kẻ những đường thẳng  để xác định phạm vi lãnh hải,  vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế ( EEZ ) và thềm lục địa với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất kể cả vành đai san hô, phải "ở" giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Chiều dài của các đường cơ sở này không được vượt quá 100 hải lý, có thể có tối đa là 3% tổng số các đường cơ sở bao quanh một quần đảo nào đó có một chiều dài lớn hơn nhưng cũng không quá 125 hải lý  (điều 47 và 48).
  • Chủ quyền của quốc gia quần đảo mở rộng ra vùng nước ở phía  trong đường cơ sở quần đảo được vạch ra theo đúng điều 47  được gọi là vùng nước quần đảo, bất kể chiều sâu và khoảng cách xa bờ của vùng nước đó như thế nào (điều 49) .
  • Quốc  gia có bờ biển được phép có vùng đặc quyền “Vùng đặc quyền về kinh tế không mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”  ( điều 57)
  • Vấn đề thềm lục địa, theo công ước 1982 đã chấp thuận cách định nghĩa mới và xác định giới hạn 200 hải lý thay cho tiêu chuẩn 200 m độ sâu. Hiện nay , qui mô của thềm lục địa tương đương với qui mô của EEZ.  Người ta qui định rằng thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền  của nước này cho đến mép ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn  ( điều 76.1)
  • Nếu rìa ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, công ước qui định rằng có hai cách  giới hạn phạm vi của thềm lục địa. Một là mở rộng đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng vùng lãnh hải. Hai là mở rộng không quá 100 hải lý tính từ đẳng sâu (150 bath) 2500 mét, là đường nối liền các điểm có chiều sâu 2500 mét (điều 76.5)
  • Công ước cũng cho phép các đảo có quyền có lãnh  hải,  vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng  đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giống như lãnh thổ trên đất liền. Tuy phủ nhận quyền có thềm lục địa và EEZ đối với những  đá không thể nuôi sống con người hoặc không có cuộc sống kinh tế riêng, song rõ ràng công ước đã làm cho sự tranh chấp trở nên phức tạp khi xảy ra đầy rẫy những yêu sách chồng lấn về quyền tài phán quốc gia  trong phạm vi cách nhau 400 hải lý.
  • Việt Nam cùng các nước khác trong vùng cũng đã công bố những đường cơ sở của bờ biển cũng như thềm lục địa và EEZ . Chắc chắn sẽ xảy ra những vùng chồng lấn tranh chấp chỉ với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc ở rất xa không hề có hiện tượng chồng lấn ở Trường Sa, nếu có chỉ có thể ở Hoàng Sa mà thôi.
II. PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỂM CỦA TRUNG QUỐC BIỆN MINH CHO SỰ XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI BIỂN ĐÔNG
2.1. Phản bác các luận điểm của Trung Quốc biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
2.1.1. Phản bác các luận  điểm của Trung Quốc cho rằng chủ quyền của Trung Quốc tại Tây Sa ( Paracel) và Nam Sa ( Spratly) là bất khả tranh nghị
Kể từ năm 1909 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi về luận điểm, luận cứ, luận chứng để biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. So với hồi đầu, sự bất nhất về luận điểm, luận cứ, luận chứng cũng như bất nhất về tên gọi khi thì Nam Sa khi chỉ Macclesfield, khi chỉ Spratley, tự bản thân nó đã bộc lộ sự không có thật trong lịch sử.
Những văn kiện ngoại giao của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa sau Cách Mạng thành công năm 1949 đến nay luôn luôn đưa ra luận điệu: “ Chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa (Hoàng  Sa của Việt Nam) và quần đảo Nam Sa (Trường  Sa của Việt Nam) là  “bất khả tranh nghị” . Mãi đến ngày 30 tháng 1 năm 1980, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa lần đầu tiên đưa ra văn kiện có hệ thống đầy đủ của Bộ Ngoại Giao: “Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa là không thể tranh cãi được”. Tiếp theo, một bộ tư liệu đồ sộ:Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên của nhóm Hoàn Chấn Hoa, Lâm Kim Chi, Ngô Phượng Bân (dày 795 trang) được bắt đầu biên soạn từ năm 1985, đến năm 1988 hoàn thành và được nhà xuất bản Phương Đông (Bắc Kinh) xuất bản , minh hoạ cho nội dung văn kiện Bộ Ngoại Giao nói trên.
Đọc kỹ và phân tích văn kiện ngoại giao và bộ tư liệu kể trên cũng như một số các học giả Trung Quốc, người ta thấy rất rõ những thủ thuật cắt xén, hoặc suy diễn chủ quan, thiếu cơ sở khoa học để minh chứng chủ quyền của Trung quốc hoặc với quan niệm “phi lịch sử” dể khẳng định chủ quyền của Trung Quốc hay để phản bác các tài liệu lịch sử của Việt Nam.
  • Trước hết với Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam)
Luận điểm đầu tiên của chính quyền tỉnh Quảng Đông khi công khai khảo sát Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa vào năm 1909, là cho  rằng quần đảo "Tây Sa" là đất vô chủ ( res  nullius). Bản thân hành động  của hải quân tỉnh Quảng Đông cắm cờ trên đảo và bắn 21 phát súng đại bác tại một số đảo ở Hoàng Sa năm 1909, đã nói lên chủ ý hành động của Trung Quốc  lúc  này  cho  Hoàng Sa là đất vô chủ. Đã tuyên bố là vô chủ đương nhiên sẽ phản bác những luận điểm cho rằng Trung Quốc  có chủ tại Paracel tức Hoàng Sa hay Tây Sa trước năm 1909. Mọi bằng chứng từ sách cổ đưa ra đều không có thật. Đó là chưa kể năm 1898 khi Công sứ Anh ở Bắc Kinh và Lãnh sự Anh ở Hải Khẩu can thiệp với chính quyền Hải Nam đã tịch thu số đồng từ tàu bị đắm bị dân Hải Nam hôi của đem đi bán, tàu Đức Bellona năm 1895 và tàu Nhật Unofi-Maru ( hoặc Inogu-Maru hoặc Umegu-Maru hoặc Hunoji-Maru hoặc Imezi-Maru) năm 1896, thì chính quyền Hải Nam đã tuyên bố Paracel là vô chủ, không thuộc chủ quyền của Trung Quốc[12].
Sau đó để phản bác  những bằng chứng mà chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam nêu lên, Trung Quốc lại đưa ra những luận điểm như :
  1. “Chính phủ đời Thanh năm 1909 đã cử tới đây một đơn vị hải quân để nghiên cứu các điều kiện của các đảo và thực hiện hành vi chiếm hữu thật sự đối với các quốc gia khác trên thế giới, cờ Trung quốc đã được kéo lên và được chào mừng bởi các loạt sứng đại bác trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm). Chính phủ Pháp cùng vào thời kỳ đó đã không phản ứng gì”
  2.  “Trăm năm trước đây Đông Dương vẫn dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, nên các đảo Paracels đã là lãnh thổ của Trung Quốc, Đông Dương không có quyền gì thực hiện những hành động chiếm đóng đất đai của tôn chủ họ”
  1. Theo “Điều 3 Công Ước Trung Quốc ký kết với Pháp ngày 26-6-1887 hoạch định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ, Paracels ở về phía Đông kinh độ qui định 108o2 Đ đương nhiên thuộc về Trung Quốc” [8  ]
Việc chính phủ Pháp vào thời kỳ ấy chưa phản ứng ngay hành động xâm phạm của chính quyền địa phương Quảng Đông, theo luật pháp quốc tế thời ấy không vì thế mà Việt Nam mất chủ quyền, nhất là chính quyền một tỉnh khơng có giá trị pháp lý quốc tế.
Không thể coi  Việt Nam như nước chư hầu thời phong kiến châu Âu để mà nói  “lãnh thổ Việt Nam hay các đảo Paracels đương nhiên thuộc Trung Quốc” như Vương Hồng Lĩnh từng tuyn bố rằng trước năm 1885 Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc.Tuy cầu phong, nộp cống song các vua Việt Nam luôn tự xưng là hoàng đế, quốc hiệu luộn gọi là Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam. Càng không thể nói: “Việt Nam đã xin thần phục “Thiên Triều Trung Quốc” lại dám xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc suốt ba thế kỷ”. Chẳng khi nào xảy ra các đảo Paracels đã là lãnh thổ Trung Quốc mà các thành viên đội  Hoàng Sa làm nhiệm vụ, gặp bão, trôi dạt vào cảng Thanh Lan năm 1754, được chính quyền Hải Nam tra xét thực hư lm cơng tc ở Hồng Sa, lại chu cấp cho trở về Việt Nam một cách dễ dàng và được Chúa Nguyễn Phúc Khoát gửi  thư cám ơn như Phủ Biên Tạp Lục  cũng như  Đại Nam Thực Lục Tiền Biên  đã ghi rành rành như thế!
Công ước Trung – Pháp năm 1887 chỉ quy định biên giới ở “ Vịnh Bắc Kỳ” mà Hoàng Sa ở ngoài vịnh Bắc Kỳ, từ vĩ tuyến 17 trở xuống nên dẫn Công Ước 1887 là không đúng.
Đến cuối thập niên 40 thế kỷ XX, sau chiến tranh thế giới thứ hai, Bản Trích Lục Báo Cáo Những Vấn Đề Nghiên Cứu Quần Đảo Tây Sado Ủy Ban Thu Thập Biên Soạn Về Tây Sa, Nam Sa của chính phủ Quảng Đông vào năm 1947   đề xuất những luận điểm dưới đây:
  • Một là Tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn vào năm Quang Tự thứ 33, đã phái người ra điều tra Đông Sa rồi cả Tây Sa. Năm Tuyên Thống thứ nhất, phó thủy sư đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 2 quân hạm Phục Ba, Thấm Hàng, xuất phát từ  cảng Du Lâm đã qua 14 đảo  Tây sa, đảo nào cũng đặt tên, khắc đá, cắm cờ, bắn pháo, công bố trong ngoài đã tốn phí hơn 40 vạn lạng quốc tệ, có 1 quyển sách ghi chép về tuần biển, đồng thời có đo đạc, vẽ bản đồ còn cất giữ. Nếu quần  đảo này thuộc về nước Pháp, tại sao bấy giờ chưa nghe thấy có sự phản đối.
  • Hai là năm Tuyên Thống thứ 1, tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn kiến nghị mở mang quần đảo Tây sa, sai người điều tra, lấy phân chim và phân bón san hô do đảo sản xuất và quặng lân Đông Sa đem trưng bày ở Nam Dương,  Nam Kinh.
  • Ba là đầu thời Dân Quốc, thương nhân kinh doanh phân chim quần đảo Tây Sa, qua sự phê chuẩn của nhà đương cục Quảng Đông trước sau 5 lần…
  • Bốn là trường Đại Học Trung Sơn cùng cơ quan Thiên Hậu khu Nam Quảng Đông ra điều tra về mỏ lân  ở Tây Sa.
  • Năm là Tư lệnh hải quân Pháp ở Sàigòn đã trả lời cho Công ty thực phẩm Nam Hương của Nhật Bản ngày 20 tháng 9 năm 1920 yêu cầu cho biết Tây Sa có phải lãnh địa của nước Pháp không? Viên sĩ quan này đã trả lời rằng “Hồ sơ lưu trữ của hải quân Pháp tuyệt không có tài liệu liên quan đến quần đảo Tây Sa”.
Đến năm Dân Quốc thứ 27, Pháp thông báo cho Anh biết việc chiếm Tây Sa, lấy lý do cũng chỉ vì Nhật chiếm đảo Hải Nam uy hiếp An Nam mà chiếm chứ không phải là vì chủ quyền của quần đảo này.
  • Sáu là căn cứ vào kiến nghị của đài trưởng đài quan sát khí tượng An Nam.
  • Bảy là người Trung Quốc thời Tống, Nguyên đã phát hiện Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, căn cứ vào sách Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ  Thích (Quát) đời Nam Tống có chép rằng “Năm Trinh Nguyên thứ 5, lấy Quỳnh Châu làm đốc phủ. Đến Cát Dương là nơi cùng cực của biển quên về theo đường bộ, bên ngoài có chăng gọi là Ô Lý, là Tô Cát Lãng, phía đối diện với Chiêm Thành, Tây nhìn sang Chân Lạp, Đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường xa rộng, mờ mịt, không bờ bến, trời nước một mầu”.
“Thuyền bè qua lại chỉ lấy kim chỉ nam làm chuẩn, ngày đêm coi giữ cẩn thận, mảy may sai lại quan hệ đến sống chết”.
Sau đó, Trung Quốc còn viện dẫn  lời  Uông Đại Uyên đời Nguyên  trong sách “Đảo Di Chí Lược” (phụ lục 3.24 )viết: “Trên sợ Thất Châu, dưới sợ Côn Lôn” (Thượng phạ Thất Châu, Hạ phạ Côn Lôn) và việc Trịnh Hoà bảy lần xuống Tây Dương, thế tất phải  qua quần đảo Tây Sa cũng như việc ông Phí Tín, Mã Hoan viết lộ trình từ Phúc Kiến đi về hướng Tây Nam đến Chiêm Thành xuôi gió 10 ngày, thì hẳn phảiqua Tây Sa. Trung Quốc còn viện dẫn phát hiện đồng tiền Vĩnh Lạc Thông Bảo ở Tây Sa năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 9.
Cũng từ đó các viên chức ngoại giao Trung Quốc luôn khẳng định rằng chủ quyền của Trung Quốc  đối với Tây Sa là không thể tranh cãi được.
Hầu hết các luận điểm trên đến nay không còn giá trị và chính Trung Quốc ít nhắc tới nữa, bởi những bằng chứng về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam không thể chối cãi là những phản bác hùng hồn tất cả những luận điểm trên của Trung Quốc. Trung Quốc có kể hàng trăm hành động từ năm 1909 thì cũng vô ích vì đó chỉ là những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Không thể vì việc lên tiếng phản đối chậm trễ của Pháp như đã trình bày trên theo luật pháp quốc tế thời bấy giờ, mà Việt Nam mất chủ quyền.
Còn việc hỏi Tư Lệnh Hải quân Pháp ở Sài gòn thì đúng là đã không hỏi đúng địa chỉ, nếu hỏi viên Khâm Sứ Pháp ở Trung Kỳ như Khâm Sứ LeFol hay hỏi Nam Triều về chủ quyền Hoàng Sa thì chắc chắn sẽ có câu trả lời rõ ràng, xác thực như lời khẳng định “chủ quyền của Việt Nam không có gì để tranh cãi ở Hoàng Sa” của thượng thư Thân Trọng Huề vào năm 1925.
Đến khi Cách Mạng Trung Quốc thành công năm 1949, tài liệu đầu tiên của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đưa ra những luận điểm về vấn đề chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bài báo nhan đề “Notes on the Namwei and Sisha Islands” (không ký tên)  đăng trong bán nguyệt san “People’s China” (Nhân Dân Trung Quốc) do nhà xuất bản Ngoại Văn (Foreign Language Press) xuất bản tại Bắc Kinh ngày 1-9-1951.
Như thế,so với trước năm 1949, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm hơn đến luận điểm  cho rằng chủ quyền về Hoàng Sa của Trung Quốc đã có từ lâu đời, với nhiều luận cứ, luận chứng, còn công việc “chiếm hữu theo cung cách Phương Tây” như cắm cờ, bắn 21 phát súng đại bác vào năm 1909 chỉ là thứ yếu. Như thế Trung Quốc cơ bản đã thay đổi luận điểm, thay vì cho rằng vào thời điểm năm 1909, quần đảo Tây Sa là vô chủ và Trung Quốc đã có “hành động chiếm hữu”, nay lại cho rằng quần đảo Tây Sa đã thuộc về Trung Quốc từ lâu đời.
Sau khi dùng vũ lực một cách bất hợp pháp  cưỡng chiếm Hoàng Sa vào trung tuần tháng giêng năm 1974, Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm tài liệu để cố gán ghép bằng cách cắt xén, nếu cần thì  xuyên tạc với sự đóng góp của các nhà học giả như Sử Lệ Tổ đưa ra luận điểm cho rằng “các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc”, do nhân dân Trung Quốc “phát hiện sớm nhất”, “kinh doanh sớm nhất”, do chính phủ các triều đại Trung Quốc “quản hạt sớm nhất” và viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử mang tính suy diễn để dẫn chứng (Quang Minh nhật báo, 24 tháng 11 năm 1975).
Sau đó như đã nói trên, ngày 30 tháng 1 năm 1980, Bộ Ngoại Giao Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa  đã công bố văn kiện ngoại giao[5], chính thức hoá những luận điểm đã đưa ra trong bài báo nói trên và năm 1988, đã xuất bản bộ tư liệu đồ sộ của Nhóm Hàn Chấn Hoa như đã nêu trên đây.
Nói gì thì nói, cho dù Trung Quốc  tìm kiếm được bằng chứng phát hiện  thật sớm hơn đời Hán, chứ không phải chỉ  đời Tống như hồi ban đầu, thì người Hán cũng chỉ vượt qua sông Dương Tử xuống đất Bách Việt, rồi tới Hải Nam và Biển Đông rất chậm sau những cư dân bản địa, Bách Việt trong đó có Lạc Việt hay người Lê ở Hải Nam cũng có ở Thanh Hoá Việt Nam và cũng phải đến sau những cư dân dọc miền Trung Việt Nam trong đó có người Chăm, một thành phần của cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay. Người Chăm lại là những người rất giỏi đi biển. Các vua Chămpa đã nhiều lần đi biển và có vua đã bị chết trên Biển Đông. Đó là chưa kể hầu hết những  tài liệu Trung Quốc dẫn chứng đều là sách viết về nước ngoài  “chư phiên”, tức không phải chép việc của Trung Quốc như “Nam Châu Dị Vật Chí” của Dương Phù, “Chư Phiên chí”  của Triệu Nhữ Quát .
Vả lại với cơ sở pháp lý  quốc tế từ đầu thế kỷ  XX đến nay, việc chiếm hữu thật sự, hoà bình cùng sự thực thi  liên tục mới có giá trị, nên điều đáng quan tâm  trong các luận điểm mới của Trung Quốc là những bằng chứng giả tạo về sự quản hạt sớm nhất của Trung Quốc được ghi trong các tài liệu nghiên cứu của nhóm Hàn Chấn Hoa cũng như trong tản mát các tài liệu khác cũng như trong văn kiện ngoại giao sách trắng năm 1980 của Trung Quốc.
Trung Quốc đã cố gắng tìm ra địa danh có trong lịch sử  Trung Quốc để cố gán ghép cho  quần đảo Tây Sa như Cửu Nhũ Loa Châu, vốn là  một hòn đảo ven biển Trung Quốc. Vả lại ngay  như tài liệu Trung Quốc viện dẫn, chính Cửu Nhũ Loa Châu lại ở phía Đông của Nhai Châu của đảo Hải Nam như tấm bản đồ Quảng Đông Dương Đồ trong sách Dương Phòng Tập Yếu hoặc Thất Châu Dương chép trong một số sách như Tuyền Châu Phủ Chí (đời Thanh) hoặc trong sách Độc Sử Phương Dư Kỷ Yếu, vốn chỉ cách huyện Văn Xương của Hải Nam  về phía Đông 100 dặm. Trong khi đó, phía Đông của đảo Hải Nam lại không  phải là quần đảo Tây Sa.
Để minh chứng cho sự xác lập chủ quyền của mình ở Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại cũng đưa ra những luận điểm được coi là vững mạnh “nhất” như sau:
  • Một là Trung Quốc khẳng định các đảo Nam Hải đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc từ năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường năm 789.
Đúng sử sách Trung Quốc như sách Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát có chép những thay đổi về qui chế hành chính từ đời Hán đến đời Tống, trong đó có việc Quỳnh Sơn, một quận của  đảo Hải Nam thời đó ( xin nhấn mạnh) (nay  thuộc thành phố Hải Khẩu)  được đặt thành “phủ đô đốc” vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường tức năm 789.
Nhưng qua các sách Đường Thư, Thái Bình Hoàn Vũ Ký, Dư Địa Kỷ Thăng (1221), Quảng Đông Thông Chí (1842) thì vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên  đời Đường tại đảo Hải nam, chỉ thấy có chuyện kể viên đô đốc nhà Đường là Lý Phục mang quân sang lấy lại đảo Hải Nam sau hơn 100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo và xin vua Đường đặt phủ đô đốc ở quận Quỳnh Sơn, không hề có chuyện “sáp nhập bất kỳ đảo ở biển Nam Trung Hoa vào đảo Hải Nam”.           
  • Hai là việc Trung Quốc phái thủy quân đi “tuần tiễu”, Trung Quốc đã viện dẫn các sự kiện để chứng minh.
Đó là việc triều đình Bắc Tống “đặt định thủy quân tuần tiễu” ở Quảng Châu, chép trong Vũ Kinh Tổng Yếu của Tăng Công Lượng đời Tống (960-1279, việc viên tướng nhà Nguyên đi qua “Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường” trên đường đi đánh Java năm 1293 , chép trong Nguyên Sử, hay việc chính quyền Quảng Đông phái binh thuyền ra biển phòng ngự, chép trong Quảng Đông Thông Chí của Vương Tá, đời Minh (1368-1644); việc viên phó tướng Quảng Đông Ngô Thăng đi tuần từ Quỳnh Nhai đến Tứ Canh Sa khoảng năm 1700-1712, chép trong Tuyền Châu Phủ Chí của Hoàng Nhiệm, đời Thanh (1616-1911).
Trước hết về luận cứ "phái thủy quân tuần tiễu cương giới biển", luận chứng của
Nhóm Hàn Chấn Hoa cũng như các học giả khác nói theo, chỉ dựa vào một đoạn trong sách Vũ Kinh Tổng Yếu, với nội dung như sau:
"Quận Nam Hải thuộc Quảng Châu là đất Bách Việt xưa đều là nơi người Man, người Đản cư trú. Từ đời Hán về sau đặt thành quận huyện. Đời Đường đặt làm Thanh Hải quân tiết độ. Bản Triều dẹp Lưu Xương, lại đặt phương trấn, làm một nơi  đô hội, nắm binh giáp, giặc giã mười sáu châu, người Phiên, người Hán ở lẫn lộn.
Sai quân nhà vua ra trấn giữ, đặt dinh lũy thủy quân tuần biển ở hai cửa biển Đông và Tây, rộng 280 trượng cách đồn Môn Sơn 200 dặm. Đóng tàu chiến kiểu đao ngư. Nơi đó (nơi đặt dinh lũy thủy quân) phía Đông Nam đến biển cả 40 dặm, phía Đông đến Huệ Châu 420 dặm, phía Tây đến Đoan Châu 240 dặm, phía Nam đến An Châu 750 dặm, phía Bắc đến Thiều Châu 250 dặm. Đường biển về phía Đông Nam 400 dặm. Đến đồn Môn Sơn 20 dặm, ngày có thể đi 50 dặm, cộng là 200 dặm… 
Từ Đồn Môn Sơn dùng gió Đông đi về phía Tây Nam bảy ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn (thuộc địa giới nước Hoàn Châu - nguyên chú thích của tác giả), lại đi ba ngày nữa về phía Nam đến phía Đông Lăng Sơn (có nước ngọt - nguyên chú thích của tác giả) . Đi nữa về phía Tây Nam là các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc không tính được hành trình" 
Những đoạn văn này hoàn toàn không chứng minh được lập luận "Trung Quốc phái thủy quân tuần tiễu quần đảo Tây Sa  bắt đầu đời Tống”.
Trước hết nhóm Hàn Chấn Hoa đã cố gán ghép hai đoạn văn vào với nhau gồm đoạn văn nói về lộ trình "Từ đồn Môn Sơn đến các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc tiếp liền vào đoạn văn đầu viết về  "đặt dinh lũy thủy quân tuần tiễu ở hai cửa biển Đông và Tây. Điều này không đúng với nguyên bản Vũ Kinh Tổng Yếu . Đây chỉ là sự cố gán ghép "đầu Ngô mình Sở" để cố minh chứng việc tuần tiễu thủy quân đời Tống qua đất "Cửu Nhũ Loa Châu" mà nhóm này cho là Tây Sa. Song ngay địa danh Cửu Nhũ Loa Châu cũng không có bằng chứng nào chắc chắn là Tây Sa, trong khi có nhiều bằng chứng như đã trình bày chỉ là nhóm hòn đảo ven bờ biển Trung Quốc.  Vả lại, không chỉ có Cửu Nhũ Loa Châu mà còn có những nơi  khác cũng được đề cập trong lộ trình đến các nước Đại Thực, Thiên Trúc… chẳng lẽ lại cũng thuộc về lãnh thổ Trung Quốc hay sao? Đây là điều thật phi lý.
Về sự kiện tướng nhà Nguyên đi đánh Java năm 1293 thì khỏi phải bàn vì đây rõ ràng là cuộc xâm lược! Vả lại cũng thật hồ đồ, sao có thể chắc chắn đoàn quân xâm lược ấy lại phải đi qua Tây Sa, Nam Sa! Biển Đông vốn rộng mênh mông!
Về việc chính quyền Quảng Đông đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự, nhóm Hàn Chấn Hoa dẫn sách Quảng Đông Thông Chí của Hoàng Tá đời Minh có đoạn viết rằng :"Đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự …  Từ cửa Nam Đình,(thuộc  huyện Đông Hoàn) ra khơi  đến ba biển Ô Chư, Độc Chư, Thất Châu lấy kim la bàn (hướng) Khôn Mùi đến Ngoại La” . Để từ đó nói rằng từ đời Minh, Thanh trở đi, vùng biển quần đảo Tây Sa, Nam Sa vẫn được đặt vào phạm vi tuần tiễu của thủy quân (Trung Quốc) .
Xem đoạn văn trích dẫn trên, người ta thấy nội dung tới từ hai sách khác nhau.
Trong Quảng Đông thông chí, người ta chỉ thấy một đoạn như sau :"Cướp biển có ba đường, đặt quân quan chống Ủy (Nhật Bản) để phòng thủ, cuối Xuân đầu Hạ, khi gió thổi đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự. Đường giữa từ Nam đầu Thành, huyện Đông Hoàn, ra cửa Phật Đường, cửa Chữ Thập, Lãnh Thủy Giác, các vùng biển" . Tác giả chép việc tuần phòng vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Đông để chống nạn cướp biển Nhật Bản.
 Còn trong Hải Ngữ  của Hoàng Trung (1563) thì chép:
"Nước Xiêm La ở trong Biển Nam. Từ cửa Nam Đình (thuộc huyện) Đông Hoàn ra khơi, đi về phía nam đến Ô Chư, Độc Chư, Thất Châu (chú giải của tác giả : tên ba biển), kim la bàn (hướng) Khôn - Mùi đến Ngoại La (Cù Lao Ré), kim Khôn-Thân, 45 trình đến cảng cũ Chiêm Thành (Qui Nhơn ngày nay), qua Đại Phật Linh Sơn (Mũi Đại Lãnh), trên có đài đốt lửa là thuộc Giao Chỉ, kim Mùi đến Côn Lôn Sơn (Côn Đảo ngày nay), lại kim Khôn-Mùi đến Đồi Mồi Châu, đồi mồi ở Qui Sơn, kim Dậu vào cảng Xiêm La" .  Tác giả chép đường biển từ cửa Nam Đình (cửa sông Châu Giang) đến Xiêm La, tức Thái Lan ngày nay. Như thế, các tác giả Bộ sưu tập  đã cắt xén và ghép lời văn của hai tác phẩm khác nhau   trên đây  thành  lời  văn  của  Quảng  Đông  thông chí  theo dụng ý   của   mình :  Bằng cách gán ghép câu chữ như thế, bản thân tài liệu đã mất đi giá trị chưa nói gì   đến cái gọi là bằng chứng chứng minh chủ quyền.
Qua ghi chép ở hai cuốn sách trên,thấy rõ cuộc tuần tra biển của thủy quân Trung Quốc lúc đó chỉ là "phòng ngự" nhằm chống cướp biển đến từ nước Nhật (Uy)  mà thôi, không hề có chuyện tuần tiễu quần đảo Tây Sa, Nam Sa.  
Còn việc tuần tiễu của Ngô Thăng, trước hết tìm hiểu vị trí các địa danh trên chúng ta được biết Quỳnh Nhai là thủ phủ Quỳnh Châu ở phía Bắc đảo Hải Nam, Đồng Cổ là quả núi cao  339m ở phía Đông Bắc đảo Hải Nam, Thất Châu Dương là phía Đông đảo Hải Nam, Tư Canh Sa là bãi cát phía Tây đảo Hải Nam.  Đây chỉ là cuộc tuần tiễu của Ngô Thăng  quanh đảo Hải Nam, chứ không đến Tây Sa nên nhớ rằng Thất Châu Dương  ở phía Đông đảo Hải Nam nên không hề là Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, vốn cách Hải Nam hơn 350 hải lý   về phía Đông Nam .
  • Ba là việc đo đạc thiên văn của Quách Thủ Kính năm 1279. “Nguyên Sử” chỉ chép rằng "Quách Thủ Kính tiến hành đo đạc thiên văn " bốn biển" năm 1279 theo lệnh của vua Nguyên (quyển 48, tờ 7a -7b) để tìm hiểu vận động của vũ trụ (mặt trời, mặt trăng, các vì sao) để làm lịch mới (quyển 164, tờ 4b - 5a) và tiến hành đo đạc ở 27 nơi trong đó có cả Cao Ly, Thiết Lặc ( thuộc Sibia), Bắc Hải  và Nam Hải. Ở Nam Hải, Quách Thủ Kính đo ở 15 0 Bắc cực (tương đương với vĩ độ  14 047 B .
Chúng tôi cũng xin dẫn thêm các chính sử  của Việt Nam như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã trích  thiên Nghiêu Điển trong Kinh Thư mà Khổng Tử đã san định, chép rằng: “Vua Nghiêu lại sai Hy Thúc đến ở Nam Giao (Giao Chỉ tại phương Nam), sắp đặt việc làm ruộng theo thời tiết ở phương Nam, kính cẩn ghi bóng mặt trời ngày hạ chí là ngày dài nhất và xem sao Đại Hoả ở phương Nam để định cho đúng tiết trọng hạ, lúc đó dân cư tản mác." (Quốc Sử Quán nhà Nguyễn ( bài dịch),Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tiền biên, quyển nhất, Sài gòn, Bộ Văn Hoá Giáo Dục, 1965, tr 27) 
Sự kiện trên đây nếu theo cách lý luận của các nhà nghiên cứu Trung Quốc chẳng lẽ lại giúp cho Trung Quốc khẳng định cương vực Trung Quốc đã bao gồm cả  đất Giao Chỉ tự đời Đường Nghiêu (bao gồm cả Tây Sa) chứ không phải chỉ sau này đời Tần, đời Hán! Vì thế, việc đo đạc thiên văn không thể lấy làm cơ sở để xác lập chủ quyền. Điều quan trọng là nhiều tài liệu, trong đó các bản đồ của Trung Quốc xuất bản trước năm 1909 đều xác định cực Nam của Trung Quốc ở đảo Hải Nam ( xem các tài liệu dẫn ở dưới đây).
  • Bốn  là các đảo Nam Hải đã được vẽ vào bản đồ Trung Quốc. Các tác giả bộ sưu tập do Hàn Chấn Hoa chủ biên cũng rất công phu đưa ra 13 bản đồ và chia làm hai loại. Một loại là bản đồ Trung Quốc thời Minh Thanh có vẽ các đảo Nam Hải. Một loại khác là bản đồ Trung Quốc thời Minh Thanh và các nước Phiên  thuộc, cũng có vẽ các đảo Nam Hải.
Nghiên cứu kỹ các bản đồ mà Trung Quốc viện dẫn, người ta thấy ngay các bản đồ  loại 1 trên tức bản đồ Trung Quốc đời Nguyên, Minh, Thanh  có vẽ các hải đảo như bản đồ  Trực tỉnh hải dương tổng đồ trong  Dương Phòng Tập Yếu  không những có tên Vạn lý Trường Sa , lại còn vẽ các địa danh khác như Tiểu Lưu Cầu, Đại Lưu Cầu (nay là quần đảo Ryu – Kyu của Nhật), Đối Mã (đảo Tsuma của Nhật) …Chẳng lẽ những đảo trên của Nhật Bản có trên bản đồ Trực Tỉnh Hải Dương Tổng Đồ cũng thuộc lãnh thổ Trung Quốc như Vạn lý Trường Sa mà Trung Quốc đã gán ghép hay sao? Hoặc như bản đồ Quảng Đông Dương Đồ cũng trong Dương Phòng Tập Yếu cũng ghi tên Cửu Nhũ Loa Châu của hình núi cao  (3 chóp non) và nằm cạnh Lê Đầu Sơn, Nam Bành, hai địa danh này người ta lại thấy trên bản đồ phòng thủ biển trong Quảng Đông Thống Chí Ngũ Nguyên ( 1822) chính lại là tên những đảo ven bờ. Cửu Nhũ Loa Châu chính lại  là địa danh của hòn đảo gần bờ biển Trung Quốc, không phải là tên  quần đảo Tây Sa Trung Quốc mới đặt sau năm 1907.
Đối với loại bản đồ thứ hai là "loại bản đồ Trung Quốc đời Minh Thanh và các nước phiên thuộc" lại càng khó chứng minh bằng bản đồ, đảo nào thuộc Trung Quốc !
Trong khi ấy tất cả những loại bản đồ cũng như các sách địa dư do nhà nước biên soạn từ đời Tống (960 – 1279) đến đời Thanh (1616 – 1911) lại không hề vẽ và ghi các đảo ở biển Nam Hải. Ngược lại có rất nhiều bản đồ chính thức của Trung Quốc từ đời Nguyên, Minh đến Thanh trong đó có bản đồ ấn bản gần thời điểm có tranh chấp như bản đồ  Đại Thanh Đế Quốc  trong  Đại Thanh Đế Quốc toàn đồ, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ 4 năm 1910 đã vẽ cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không  vẽ bất cứ hải đảo nào khác ở Biển Đông và bản đồ Hoàng Triều Nhất Thống dư địa tổng đồ  trong cuốn  Hoàng Thanh Nhất Thống dư địa toàn đồ  xuất bản năm Quang Tự 20 (1894) đã ghi rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông ở 18độ 30phút Bắc, trong khi Tây Sa hay Hoàng Sa được Trung Quốc  đặt tên, có đảo ở vị trí cao nhất là 17độ 5phút. Ngoài ra còn rất nhiều bản đồ của Trung Quốc  khác, vẽ trước năm 1909 đều xác định điểm cực Nam Trung Quốc là đảo Nam Hải. (Xem các bản đồ của Trung Quốc trong phần hình ảnh) . Điều này chứng tỏ Tây Sa hay Hoàng Sa  chưa hề là lãnh thổ của Trung Quốc.
  • Năm là vào năm 1883, người Đức tiến hành điều tra quần đảo Tây Sa. Chính phủ Trung Quốc kháng nghị, người Đức  đã ngừng công việc này.
 Đây là luận điểm cũng rất tiêu  biểu về sự mơ hồ của Trung Quốc, chẳng có bằng chứng cụ thể về sự kiện này cả. Trong khi có rất nhiều bằng chứng cho biết việc người Đức điều tra đo đạc từ năm 1881 đến 1884 ở hấu hết các vùng biển từ Hải Nam đến Bắc Hải, Vi Châu đến tận Hạ Môn, Phúc Châu không có gì trở ngại, có kết quả tốt mà Sở Thủy đạc hải quân (Pháp) đã sử dụng vẽ bản đồ Mer de Chine  Méridionale - Archipel des Paracels, xuất bản năm 1885, mang mã số 4104, ghi rất rõ là"d'après les levés Allemands" (1881-1883) .
Trên đây là những luận cứ, luận chứng được “coi mạnh nhất” của Trung Quốc để dẫn chứng cho việc xác lập chủ quyền của  Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Không cần nói nhiều đến những luận cứ rất yếu như chính quyền địa phương Trung Quốc đã cứu giúp tàu thuyền nước ngoài lâm nạn, viện dẫn 2 vụ việc thuyền nước ngoài bị đắm ở Cửu Châu Dương (thuộc Vạn Châu) và ở Thất Châu Dương xảy ra vào đời Càn Long thứ 20 (1755) và năm thứ 29 (1762), chính phủ nhà Thanh lệnh cho quan chức địa phương chu cấp cho người sống sót về nước. Những vụ đắm tàu lâm nạn trên cũng được chép cách sau rất lâu vụ đắm tàu của những người lính Hoàng Sa được chúa Nguyễn sai đi làm  nhiệm vụ của đội Hoàng Sa, chẳng may gặp bão dạt vào cảng Thanh Lan được chính quyền Quỳnh Nhai thuộc đảo Hải Nam tra xét đúng sự thực đã chu cấp tử tế và đã được chúa Nguyễn Phúc Khoát viết thư cám ơn (như Phủ Biên Tạp Lục  của Lê Qúi Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên  ghi rất rõ).
Luật gia Monique Chemillier- Gendreau trong cuốn La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, sau khi phân tích những luận điểm , luận chứng của Trung  Quốc và Việt Nam đã kết luận: “Các quyền của Việt Nam lâu đời hơn và vững chắc hơn mặc dù các đòi hỏi của Trung Quốc đã được cụ thể hóa nhờ việc chiếm đóng bằng vũ lực cách đây 39 năm đối với một bộ phận quần đảo và các đây  21 năm đối với bộ phận kia” [12, 128]....” Chỉ còn lại lợi thế của họ[TQ}, đó là sự chiếm đóng bằng vũ lực năm 1956 và sau đó năm 1974. Nhưng có hai lý do tạo ra trở ngại cho việc chuyển hóa sự chiếm đóng đó thành một danh nghĩa.. Lý do thư nhất nằm trong quy phạm hiện đại có tính mệnh lệnh về việc cấm sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Lý do thứ hai nằm trong các tuyên bố nhắc đi nhắc lại của Việt Nam phản kháng sự chiếm đóng bất hợp pháp đó, bảo tồn các quyền của họ có từ xưa, bởi vì “việc sở hữu một lãnh thổ không chấm dứt chỉ do việc mất đi sự chiếm giữ vật chất, cần phải kèm theo việc mất đi đó ý định từ bỏ lãnh thổ (Theo Paul Fauchille, “ Le conflit de limites entre le Brésil et la Grande Bretagne”[ Revue généralede droit international public, 1904, p138][12, 129].
Quả đúng qua các thời kỳ từ thời Pháp thuộc đến thời chiến tranh trước 1975 đến sau khi thống nhất Việt Nam đến nay, lúc nào các chính quyền có trách nhiệm quản lý  Hoàng Sa ( tác giả nhấn mạnh chính quyền có trách nhiệm quản lý) chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa cả, lúc nào cũng khẳng định chủ quyền và lên tiếng phản đối mọi sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
  *Đối với Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam)         
Khác với quần đảo Hoàng Sa hiện chỉ có Trung Quốc xâm phạm,  chủ quyền quần đảo  Trường Sa hiện có nhiều nước xâm phạm: Trung Quốc (gồm cả Đài Loan), Philippines, Malaysia, Brunei . Sự xâm phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa thật sự xảy ra chậm hơn, chỉ bắt đầu từ chiến tranh thế giới thứ 2 mà lại sau cả Nhật Bản. Nước này, vì nhu cầu chiến tranh cần chiếm các vị trí quân sự chiến lược  để kiểm soát Biển Đông. Vào năm 1939, Nhật chiếm đảo lớn nhất  Itu Aba mà Việt Nam gọi là Ba Bình, song tại Hội nghị San Francisco năm 1951, Nhật đã từ bỏ sự tranh chấp này.
Hiện Đài Loan đã chiếm đảo lớn nhất Ba Bình (Itu Aba), còn Trung Quốc chỉ mới chiếm bằng vũ lực gồm 9 đá  ngầm từ năm 1988 , Philippines chiếm 9 đảo và đá ngầm (4 đảo) ở phía Đông quần đảo; Malaysia chiếm 5 đá ngầm ở phía Nam. Brunei đòi chủ quyền vùng biển sát họ. Indonésia và Việt Nam đã đàm phán nhiều lần về phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo Công Ước Biển 1982. Indonésia không có một tham vọng nào về chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam đang trấn giữ 22 đảo, bãi đá ngầm (6 đảo)
Vào năm 1909, Trung Quốc chỉ mới đặt vấn đề và có hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Tây Sa tức Hoàng Sa, chưa đề cập đến Nam Sa tức Trường Sa của Việt Nam. Từ năm 1935, để phản ứng hành động của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam, Trung Quốc mới bắt đầu dịch hết các tên hải đảo ở Biển Đông và gọi Nam Sa là quần đảo Macclessfield. Đến năm 1947, Trung Quốc mới gọi Nam Sa để chỉ Trường Sa của Việt Nam tức quần đảo Spratly.
Như thế, từ thập niên 30 đến 70, ban đầu Trung Quốc chỉ đưa ra luận điểm “Nam Sa  thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ lâu đời bất khả tranh nghị”, sau đó, cũng như quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc mới đưa ra luận điểm “Trung Quốc là nước phát hiện sớm nhất”, “kinh doanh sớm nhất” và “quản hạt sớm nhất”! Thời gian thì lại bất nhất. Khi thì vào đời Minh, khi vào đời Tống, khi thì vào đời Hán.
 Từ thập kỷ 80 trở đi, trong văn kiện Bộ Ngoại Giao ngày 30-1-1980, cũng như trong Bộ Tư Liệu của Nhóm Hàn Chấn Hoa cũng như các học giả khác, Trung Quốc bắt đầu đưa những tài liệu lịch sử để minh chứng những luận điểm, luận cứ của họ.
Văn kiện ngoại giao ngày 30-1-1980  đã dẫn cuốn "Nam Châu Dị Vật Chí" của Vạn Chấn và cuốn "Phù Nam truyện" của Khang Thái đời Tam Quốc.
Nghiên cứu nội dung của Nam Châu Dị Vật Chí  của Vạn Chấn và Phù Nam truyện của Khang Thái đời Tam quốc, chúng ta không thấy có bằng chứng nào về sự phát hiện quần đảo Nam Sa cũng như Tây Sa.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc như nhóm Hàn Chấn Hoa đã tìm kiếm trong sách sử những địa danh như Từ Thạch, Trường Thạch, Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, Trường Sa, Thạch Đường, … là những đảo san hô hay cát ven biển hoặc vùng biển ven bờ biển Trung quốc để chú giải, gán ghép cho Nam Sa mà chính địa danh Nam Sa này cũng chỉ mới đặt ra và lại di chuyển như đã nêu trên, từ đảo Macclesfield (năm 1935) đến vùng Spratly  (năm 1947),  một khoảng cách xa hơn 500 cây số  về phía Nam. Sự tùy tiện gán ghép của các nhà nghiên cứu Trung Quốc được thể hiện rất rõ khi thì Vạn Lý Thạch Đường chỉ Tây Sa, Trung Sa, lúc thì chỉ Nam Sa.
Văn kiện ngoại giao ngày 30-1-1980 còn dẫn các sách “Mộng Lương Lục” đời Tống, “Đảo Di Chí Lược” đời Nguyên, “Đông Tây Dương Khảo” và “Thuận Phong Tương Tống” đời Minh, “Chỉ Nam Chinh Pháp” và nhất là  “Hải Quốc Văn Kiến Lục” Trần Luân Quýnh  đời Thanh, cho rằng những sách đó không những đã lần lượt đặt cho 2 quần đảo Tây Sa và Nam Sa những tên “Cửu Nhũ Loa Châu”, “Thạch Đường”, “Thiên Lý Thạch Đường”, “Vạn Lý Thạch Đường”, “Trường Sa”, “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” v.v… mà còn đặt cho các đảo đá ngầm và  bãi cát thuộc 2 quần đảo này nhiều tên gọi hình tượng linh động …
Chúng ta thử lật từng trang các sách dẫn trên hoặc coi những đoạn trích mà các nhà nghiên cứu như nhóm Hàn Chấn Hoa đã dẫn ra để chứng minh cho chủ quyền của Trung Quốc. Sách Mộng Lương Lục của Ngô Tự Thu viết năm 1275 không viết gì  ngoài việc đề cập đến địa danh Thất Châu và Thất Châu Dương Côn Lôn, trong một đoạn văn như sau : “Nếu dùng thuyền đi vòng ra nước ngoài buôn bán, thì ra biển từ Tuyền Châu, đi liên tiếp qua Thất Châu Dương, ở thuyền dò nước sâu hơn 70 trượng… Từ xưa người đi thuyền đã nói : “Đi  sợ Thất Châu, về  sợ Côn Lôn” cũng sâu hơn 50 trượng. Nếu người buôn chỉ đến Đài Ôn, Tuyền Phúc buôn bán, không phải qua biển lớn Thất Châu Dương  và Côn Lôn. Nếu có ra biển tất phải từ cảng Tuyền Châu, đến cửa Đại Dũ mới có thể ra biển đi rộng ra nước ngoài.”Thế mà nhóm biên tập Hàn Chấn Hoa ghi chú rằng Thất Châu ở đây là quần đảo Nam Sa, còn Thất Châu Dương chỉ vùng biển một dải quần đảo Tây Sa và hàm ý minh chứng chủ quyền thuộc Trung Quốc.
Sách Đảo Di Chí Lược của Uông Đại Uyên đời Nguyên cũng chỉ đề cập đến Côn Lôn, Thạch Đường, Vạn Lý Thạch Đường và cho  rằng “ngày xưa núi Côn Lôn còn gọi là quần đồn sơn. Núi cao mà vuông, bệ chân núi mấy trăm dặm rành rành giữa biển cả đứng thành thế chân vạc với Chiêm Thành và núi Tây Trúc, dưới có biển Côn Lôn, nhân đó mà có tên ấy. Thuyền buôn đi Tây Dương phải qua (biển đó) cho nhanh, thuận gió thì 7 ngày đêm có thể vượt qua được. Ngạn ngữ nói “Trên có Thất Châu, dưới có Côn Lôn”. Sách Đảo Di Chí Lược còn chép rằng vỉa đá (xương) Thạch Đường sinh ra  từ Thiều Châu  liên tiếp như con rắn dài, nằm ngang kéo dài trong biển. Các nước vượt biển có câu: “Vạn Lý Thạch Đường – Thuyền từ cửa Đại Dũ treo 4 buồm, cưỡi gió rẽ sóng trên biển như bay đến Tây Dương, có thể mất hơn 100 ngày, lấy số dặm đi được trong một  ngày đêm mà tính thì vạn dặm cũng chưa đủ. Một mạch đến Qua Da (30), một mạch đến Bột Nê (31) đến Cổ Lý (địa muộn), một mạch đến đất Côn Lôn xa xôi của Tây Dương cho nên Tử Dương Chu Tử nói rằng đất hải ngoại cùng mạch đất Trung Nguyên liên tiếp nhau có phải thế không? Xem biển cả mênh mông không bờ bến, trong ẩn dấu  Thạch Đường, ai mà rõ được? 
Thế mà nhóm Hàn Chấn Hoa ghi chú núi Côn Lôn là quần đảo Nam Sa và biển Côn Lôn cũng chỉ quần đảo Nam Sa và hàm ý minh chứng chủ quyền thuộc Trung Quốc!.
Nhóm Hàn Chấn Hoa ghi chú rằng “Đăng Điền Phong Bát cho rằng Vạn Lý Thạch Đường là quần đảo Trung Sa. Chúng tôi (nhóm Hàn Chấn Hoa) cho rằng: “Thạch Đường đã phân bố tại các khu vực từ Triều Châu đến Java đến Bột Nê (Calimanlan), Cổ Lý địa muôn (đảo Đế Uẩn) và Côn Lôn. Như vậy Vạn Lý Thạch Đường rõ ràng bao gồm các đảo Nam Hải trong đó có các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa”. [ 8 ]
Đông Tây Dương Khảo của Chương Tiếp (đời Minh)  quyển 9, Châu Sư Khảo, Tây Dương Châm Lộ, bản có lời tựa  năm Mậu Ngọ Vạn Lịch đời Minh (1618)  cũng vậy, có đoạn chép rõ vị trí của Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường như sau: “Ở Chư Sơn … dùng kim la bàn đến thành Tây Nam, đến khoảng  
13 canh đến Thất Châu Sơn, Thất Châu Dương (Quỳnh Châu)",và chỉ nói rằng:
"Trong biển phía Đông huyện Văn Xương 100 hải lý có núi, nhô liền 7 ngọn, trong có suối, nước ngọt ăn được là nơi quân của Lưu Thân nhà Nguyên đánh đuổi Tống Đoạn Tông bắt được người thân của vua Tống là Du Diên Khuê".
“Tục truyền xưa đây là  Thất Châu, chìm xuống thành biển, thuyền qua dùng sinh (Lòng trâu hoặc dê), cháo tế vua đi tuần biển nếu không hung thần làm ác, thuyền qua đó rất nguy hiểm. Hơi lấn sang phía Đông là Vạn Lý Thạch Đường tức là cái mà Quỳnh Chi gọi là Thạch Đường Hải. Thuyền phạm vào Thạch Đường , ít cái thoát được.  Thất Châu Dương  đo độ sâu nước 130 sải".
“… Thuyền đến  Thất Châu Dương và Ngoại La gặp mấy ngày này cần nhắc thân thuyền, không được lệch về Tây, Tây không có nước, cần trệch về phía Đông. Phàm đi thuyền, phải xem nước phía Tây sắc xanh, thấy nhiều “bãi lãng ngư” (là lạng sóng), lấn về Đông tất mầu nước đen; mầu xanh, có cây gỗ mục trôi và chim vịt kêu, tiếng như chim trắng đuôi mang đen ấy là hướng đúng (chính chân). Nếu ngại vào mà cho thuyền  chạy lệch  về phía Đông, chạy trong 7 canh là Vạn Lý Thạch Đường  trong có 1  núi đá đỏ không cao. Nếu thân thuyền cạn lại thấy đá phải đề phòng cẩn thận!”[ 8  ].
Đến đây, nhóm Hàn Chấn Hoa ghi chú Thất Châu Dương là Tây Sa, Thất Châu, Vạn Lý Thạch Đường …  chỉ chung các đảo Nam Hải.
Sách Thuận Phong Tương Tống chép: “Ngày xưa các bậc tiên hiền Thượng Cổ đi trên biển, đều sử dụng phổ biến la bàn 24 vị  (ngôi). Đường chính đi Thất Châu Dương  trên không rời Cấn (Đông Bắc đến Đông) dưới không rời Khôn (Tây Nam đến Tây)”[8 ].
Hải Đạo Chân Kinh là hợp biên 2 sách Thuận Phong Tương Tống và Chỉ Nam Chính Pháp (cuối Khang Hy nhà Thanh) có đoạn chép:“Thất Châu Dương nước sâu 120 thác (sải tay). Khi đi và khi về, tế cô (những cô hồn) bằng tam sinh (lợn, trâu, dê) rượu ngọt, cháo. Thuyền lấn sang Đông chim nhiều, lấn sang Tây cá nhiều" .
“Giao Chỉ Dương thấp phía Tây, có đảo cỏ, nước chảy xiết, có lau sậy nhiều củi, các cá bay, lấn sangTây có bái phong ngư. Đo độ sâu của nước được 45 sải. Lấn sang phía Đông đi thuyền 7 canh có Vạn Lý Thạch Đường” .
Sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh  cũng chép vị trí của Vạn Lý Trường Sa: "Phía Nam ngấn cát nối tiếp đến Việt Hải là Vạn Lý Trường Sa. Phía Nam cách một biển gọi là Trường Sa Môn. Lại từ đầu phía nam cũng sinh ngấn cát đến Vạn Châu ở Quỳnh Hải gọi là Vạn Lý Trường Sa. Phía nam bãi cát ấy lại mọc đá rạng đến biển Thất Châu, gọi là Thiên Lý Thạch Đường. Trường Sa Môn ấy với Nam Ao ở phía tây bắc và với đảo Đại Tinh ở Bình Hải đứng đối nhau như ba chân vạc. Trường Sa Môn từ nam đến bắc rộng ước 5 canh đường. Những thuyền Phiên, tàu Tây qua lại với các nước Nam Dương, Lữ Tông, Văn Lai, Tô Lộc đều do Trường Sa Môn mà ra. Gió bấc thì lấy Nam Ao làm chuẩn, gió nồm thì lấy Đại Tinh làm chuẩn. Duy từ các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến đi sang Đông Nam Dương thì qua Sa Mã Ki Đầu Môn ở Đài Loan mà đến các nước Lữ Tống. Thuyền Tây Dương đi phía Đông biển Côn Lôn Thất Châu ở phía ngoài Vạn Lý Trường Sa, qua Sa Mã Kì Đầu Môn mà đến Phúc Kiến và Chiết Giang. Thuyền Nhật Bản thì lấy thẳng đường dây cung mà đến Trung Quốc, đến Nam Dương thì đi phía ngoài Vạn Lý Trường Sa, mênh mông không lấy gì làm chuẩn được, đều từ Việt dương trong khoảng các đảo ấy mà đến Thất Châu”.
Đến đây sách Hải Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (đời Nhà Thanh) đã bắt đầu viết rõ về vị trí của Vạn Lý Trường Sa song không có cơ sở để nói rằng Vạn Lý Trường Sa chỉ Nam Sa hay Trường Sa của Việt Nam. Càng không thể là bằng chứng về sự  xác lập chủ quyền của Trung Quốc trên quan điểm này. Thật rối mù và tùy tiện! Khi thì các học giả Trung Quốc cho Vạn Lý Thạch Đường chỉ  quần đảo Trung Sa (32), có khi là Vạn Lý Thạch Đường lại là quần đảo Tây Sa (đảo “Đá Đỏ” Hồng Thạch Dữ), lúc là “Thạch đảo” (đảo đá)  trong cụm đảo Thượng Thất Đảo thuộc quần đảo Nam Sa, khi Thạch Đường chỉ quần đảo Đông Sa. Đông Sa đã di chuyển đầu tiên từ chỗ gần bờ biển Quảng Đông tới vị trí hiện nay. Khi  “Thiên Lý Thạch Đường” chỉ quần đảo Nam Sa. Trong phần chú của Hải Quốc Văn Kiến Lục, khi ghi chú Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường chỉ chung các đảo Nam Hải. Trong phần chú các sử sách đời Thanh  như trong dẫn chứng Tổng Đồ vẽ phủ châu huyện sách đời Thanh năm 1800, trong Thanh Hội Phủ Châu Huyện sách Tổng đồ do Hiền Phong vẽ năm 1800, lại chỉ Thất Châu Dương là quần đảo Tây Sa. Có chỗ ghi  Vạn Lý Thạch Đường  chỉ quần đảo Trung Sa và Nam Sa như ghi chú Đại Thanh Trung Ngoại Thiên Hạ Toàn Đồ năm 1709 hay Thanh Trực Tỉnh Phân Đồ năm 1724, Hoàng Thanh Các Trực Tỉnh Phân Đồ trước 1755, hoặc Trường Sa chỉ quần đảo Tây Sa, Nam Sa trong ghi chú Đông Nam Hải Di đồ trong sách Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi năm 1621 và nhiều bản đồ khác!
Như chúng ta đã biết, với những dẫn chứng rất mơ hồ và rối mù trên, các nhà học giả Trung Quốc cố gán ghép tùy tiện cho Tây Sa hay Nam Sa. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ thì những sự kiện xảy ra chỉ loanh quanh ở vùng biển gần Phúc Kiến, Quảng Đông, không xa về phía Nam, rồi dần dần sau 1907 các địa danh Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa mới bắt đầu xuất hiện. Chính Nam Sa cũng thay đổi di chuyển từ Trung Sa hiện giờ xuống Nam Sa hiện nay cách hơn 500, 600 km!
Côn Lôn được người Trung Quốc sử dụng từ xưa trước Công Nguyên để chỉ một quả núi mà truyền thuyết cho rằng Mục Thiên Tử nước Tần đã đến đây để thăm
Tây Vương Mẫu. Sau đó người Trung Quốc đã dùng chữ ấy để chỉ nhiều ngọn
núi cao, cuối cùng chỉ cả núi Himalaya. Từ thế kỷ 17, người Trung Quốc lại dùng chữ Côn Lôn để chỉ một số đảo quốc ở miền Nam Hải. Khi ấy Côn Lôn hiện nay của Việt Nam chưa có tên ấy. Theo ông Pelliot cho rằng Côn Lôn của Việt Nam hiện nay do phiên âm tiếng Mã Lai gọi đảo này là Pulau (Cù Lao) Kunder hay là đảo Bí, người phương Tây gọi là Poulo Condor .
Việc tùy tiện gán ghép địa danh Tây Sa cũng như Nam Sa như trên càng quá rõ ràng khi chúng ta phát hiện tài liệu của Trung Quốc được sưu tầm trong “Bộ sưu tập sử liệu" của nhóm Hàn Chấn Hoa, đã xác định rõ ràng vị trí của Vạn Lý Trường Sa  như sách Quảng Đông Đồ Chí của Mao Hồng Tân chép Vạn Lý Trường Sa thuộc Việt Hải (ở ngoài biển có huyện Quỳnh Châu…) càng chia ra nhiều đảo nhánh, đảo lớn nhỏ lô nhô, có nhiều bãi ngầm, đá ngầm, càng hiểm trở  đó là Vạn Lý Trường Sa. Đây là những tên cửa biển Việt (Quảng Đông) từ Đông Vạn Châu đến tận Nam Ao ( Sách Quảng Đông Đồ Chí, khắc bản Đồng Trị 5 (1860), quyển 67, phủ Quỳnh Châu , tr 3)
Sách Quỳnh Châu Phủ Chí  của Minh Nghi, sách Nhai Châu Chí của Chung Nguyên Đệ, sách Cảm Ân Huyện Chí của Chu Văn Hải  cũng ghi Thiên Lý Thạch Đường, Vạn Lý Trường Sa  thuộc Quỳnh Dương, Việt Hải là biển Đông của Quảng Đông, xứ Bách Việt xưa, Quỳnh Dương là biển Đông cùa Quỳnh Châu thuộc đảo Hải Nam đều thuộc vị trí kế cận tỉnh Quảng Đông, không thể xuống tận Nam Sa hiện nay được.
Rất nhiều sách của Trung Quốc tả lộ trình đi biển đều nói rất rõ về Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đương, không thể nào ở xa như vị trí “Nam Sa” hiện nay. Sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh mô tả đường đi  từ  Hạ Nam đến xứ Quảng Nam khi thấy Ngoại La Sơn (Cù lao Ré) của xứ Quỳnh , nếu chệch về Đông thì phạm vào Vạn Lý Trường Sa , Thiên Lý Thạch Đường mà chệch về Tây sợ rằng thuyền chạy vào vịnh Quảng Nam.
Như thế cho tới giữa thế kỷ 19 và mãi cho tới năm 1947, Vạn Lý Trường Sa chưa bao giờ  được Trung Quốc chỉ Nam Sa hay Spratley hay Trường Sa của Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với thực tế, cho tới năm 1909, chưa  bao giờ  nhà cầm quyền Trung Quốc quan tâm đến việc chiếm hữu các quần đảo ở Biển Đông. Riêng quần đảo Nam Sa mà Trung Quốc gọi là Đoàn Sa  năm 1935 và đổi tên là Nam Sa từ năm 1947, còn bị chậm  hơn Tây Sa ít ra gần ba chục năm. Khi chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam làm thủ tục chiếm hữu  theo truyền thống Phương Tây vào những năm 1930 đến 1933 thì Trung Quốc mới thực sự quan tâm và có ý đồ xâm phạm chủ quyền ở quần đảo này với thực dân Pháp đang bảo hộ Việt Nam  về mặt ngoại giao.
Tên “Nam Sa” cũng không có nhiều bằng chứng dù là giả tạo như Tây Sa mà Trung Quốc viện dẫn về sự phát hiện. Không có gì giá trị vì đại loại cũng giống như những viện dẫn về Tây Sa mà chúng ta đã biết ở trên đây.
Văn kiện Ngoại Giao Trung Quốc năm 1980 cũng như Bộ Sưu Tầm Tư Liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa hay các tư liệu khác cũng nêu tư liệu văn vật khảo cổ hay tư liệu Canh Lộ Bạ của các ngư dân ở đảo Hải Nam. Thật uổng công, bởi dù có tìm thấy nhiều cổ vật Trung Quốc hay đồng tiền cổ (như tiền Vĩnh Lạc) thì cũng giống như các nhà khảo cổ Pháp tìm thấy nhiều đồng tiền La Mã và cổ vật của thời La Mã cổ đại ở di chỉ Oc Eo (Nam Bộ Việt Nam). Không thể kết luận người La Mã đã phát hiện hay có chủ quyền đối với Việt Nam. Điều tai hại trong tư liệu văn vật khảo cổ mà Trung Quốc dẫn chứng ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée) lại ghi rõ có “Hoàng Sa Tự” là bằng chứng chủ quyền của Việt Nam như đã trình bày. Cũng thế Canh Lộ Bạ của ngư dân đảo Hải Nam lại ghi Đông Hải mà Đông Hải là biển phía Đông. Phía Đông của đảo Hải Nam hay của nước Trung Hoa thì ở đâu ai cũng đều biết. Vị trí của Hoàng Sa, Đoàn Sa đều ở phía Nam của đảo Hải Nam hay Trung Quốc!
Ngay cả ghi chép đúng các địa danh của bất cứ du ký nào cũng không thể lấy đó là bằng chứng về chủ quyền, bởi nếu vậy không biết bao  các du ký Phương Tây hay các du ký của chính Trung Quốc thời cổ đại đến hiện đại rất nhiều các địa danh trong đất liền cũng như tại ngoài Biển nhiều nơi khác cũng như tại vùng Trường Sa  mà hải đồ quốc tế còn dùng tên họ đặt ra nữa thì các nước Phương Tây cũng như Trung Quốc tha hồ có nhiều đất đai hải đảo khác nữa mà tranh chấp chủ quyền!. Thế giới thật là loạn lên rồi còn gì nữa!
Luật gia Monique Chemillier- Gendreau cũng trong cuốn La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys nhận định rằng :..thật đơn giản nhận thấy yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo Trường Sa không có cơ sở Pháp lý và chỉ là một yếu tố của một chính sách bành trướng trên biển.[12, 131].
2.1.2. Phản bác các luận điểm của Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa & Trường Sa của Việt Nam trong lịch sử đã chiếm hữu chỉ lả các đảo ven bờ
Với những luận cứ, luận chứng phi lý, mơ hồ, thiếu xác thực như trên, văn kiện Bộ Ngoại Giao Trung Quốc năm 1980 lại phê phán lập luận trong sách trắng Việt Nam năm 1979 rằng “phần đầu những tư liệu đó một ngón chỉ hươu nói là ngựa, còn phần sau thì hoàn toàn không thể đứng vững được và cũng là không có giá trị luật pháp”.
Văn kiện trên cho rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vốn hoàn toàn không phải là quần đảo Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc, mà chỉ có thể là những đảo và cồn cát ở ven biển  miền Trung Việt Nam, mà nhóm Hàn Chấn Hoa còn nói bừa rằng Hoàng Sa chính là Cù Lao Ré hay Cù Lao Chàm. Trong khi chính ngay Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, tài liệu mà Trung Quốc viện dẫn lại có nhiều đoạn ghi rất rõ Bãi Hoàng Sa ở gần địa phận Phủ Liêm Châu thuộc Hải Nam hay sự kiện hai lính Hoàng Sa trong khi đi công tác bị giạt vào cảng Thanh Lan (Hải Nam) vào năm Càn Long thứ 18 (1754).
Nhất là các bản đồ Phương Tây vẽ có tọa đổ không như các bản đồ cổ Việt Nam như An Nam Đại Quốc Họa Đồ  của giám  mục Taberd  phụ bản của cuốn Từ diển Latinh-Annam vẽ năm 1838 , có tọa độ như hiên nay và ghi rõ Paracel seu Cá Vàng( seu tiếng Latinh =hay là, cát vàng tức Hoàng Sa, theo quan niệm hồi đó của Việt Nam Paracel là dải dài dọc theo bờ biển Miền Trung, chưa phân biệt Trường Sa do đội Bắc Hải khai thác do đội Hoàng Sa kiêm quản)
Văn kiện ngoại giao Trung Quốc năm 1980 viết rằng cuốn sách trắng của Việt Nam  1979 không tìm ra được bất cứ một tài liệu lịch sử nào có giá trị công nhận Trường Sa  tức là  quần đảo Nam Sa của Trung Quốc. Điều này là đương nhiên vì Nam Sa của Trung Quốc không có thật, bất nhất:  năm 1935 Nam Sa ở bãi đá ngầm Macclesfield, đến năm 1947 Nam Sa lại chuyển xuống phía Nam như đã nhắc đến nhiều lần. Rồi đây Nam Sa có ngừng ở vị trí 4 độ Bắc hay còn di chuyển thêm nữa?  Sách Phủ Biên Tạp Lục đã xác định rõ Đại Trường Sa hay Trường Sa của Việt Nam cũng ở xứ Bắc Hải mà xứ Bắc Hải lại ở phía Nam Biển Đông, tiếp tới đảo Côn Lôn.  Như vậy là đủ rồi !
Description: 1838 An Nam dai quoc hoa do
  1. Phản bác các luận điểm của Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã lật lọng vì trước đây Việt Nam Dn Chủ Cộng Hòa đã từng công nhận Tây Sa & Nam Sa là của Trung Quốc
Văn kiện ngoại giao Trung Quốc năm 1980 còn rêu rao rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã lật lọng:
Giờ đây, nhà cầm quyền Việt Nam lại tráo trở lật lọng, nuốt trôi những lời họ đã nói, hoàn toàn làm sai trái với lập trường trước đây của họ công nhận quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là điều luật pháp quốc tế quyết không cho phép được”. 
Trước hết, nếu nói đến luật pháp quốc tế có giá trị cho tất cả các nước (trong đó có cả Trung Quốc) đã ký hiệp định Genève năm 1954, thì Miền Nam Việt Nam  ở từ vĩ tuyến 17 trở xuống trong đó bao gồm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa do quân đội viễn chinh Pháp sau năm 1956 giao lại cho chính quyền ở Miền Nam Việt Nam quản lý.
Chính quyền Sài Gòn và sau đó chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam mới có trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Chưa bao giờ hai chính quyền Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam cũng như Việt Nam Cộng Hoà đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền này cả.  Bất cứ chính phủ nào, kể cả chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, không phải các chính quyền ở Nam Việt Nam, theo hiệp định Genève lúc bấy giờ không trực tiếp quản lý lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, dù tuyên bố như thế nào cũng chỉ có giá trị về chính trị thời bấy giờ, không ảnh hưởng  gì  đến  chủ  quyền   của   Việt  Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa!
Chính khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam đã từng tuyên bố rằng vấn đề này là vấn đề lịch sử để lại, cần giải quyết bằng giải pháp hoà bình
Vì thế, bất cứ lời tuyên bố của bất cứ chính quyền nào kể cả chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cũng không có giá trị pháp lý quốc tế  về chủ quyền tại hai quần đảo này.
Lập trường của chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam đối với sự kiện Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1 năm 1974 đã phản ảnh trung thực đường lối của Cách Mạng Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Còn bất cứ điều gì khác chỉ phản ánh những hành động cùng nhau đấu tranh chống kẻ thù chung. Ngoài ra Trung Quốc đã xuyên tạc lời tuyên bố của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng chỉ tán thành bản tuyên bố quyết định  về hải phận  của Trung Quốc, của chính phủ Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa mà thôi.
Trong thực tế, Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc không phải là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chỉ là sự gán ghép, suy diễn, không hề có sự chiếm hữu  trong lịch sử của Trung Quốc trước năm 1909 đối với Tây Sa và trước 1935 đối với Nam Sa.
Văn Kiện Bộ Ngoại Giao cũng như Bộ Sưu Tập Tư Liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa cũng đã tốn công quá nhiều để dẫn chứng nhiều nước trên thế giới thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Sa và Nam Sa. Đồng minh thì thời nào, nuớc nào cũng có,  sẵn sàng ủng hộ chủ trương ngoại giao của một nước nào . Cũng như tại Hội Nghị San Francisco năm 1951, Trung Quốc cũng được Liên Xô đề nghị Hội Nghị chấp nhận là chủ các quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Song Hội Nghị San Francisco 1951 cũng như sau này chưa hề có một hội nghị quốc tế nào thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo này. Chỉ thấy Trung Quốc có hành động vũ lực năm 1974 đối với Hoàng Sa và năm 1988 đối với một số đảo ở Trường Sa, vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc mà thôi !
Sau văn kiện ngoại giao ngày 31 tháng 1 năm 1980, Trung Quốc còn công bố bị vong lục năm 1988 đồng thời có nhiều công trình nghiên cứu như "bộ sưu tập sử liệu" của nhóm Hàn Chấn Hoa đã dẫn chứng hay của nhiều học giả Trung Quốc.  Tuy có cố gắng sưu tầm nhiều hơn song luận điểm không có điều gì mới mẻ đáng kể, cũng cho rằng người Trung Quốc phát hiện sớm như kinh doanh, sản xuất sớm nhất và quản hạt sớm nhất. Song vì không có thật nên dù có công phu đến bao nhiêu cũng chỉ là công trình xây lâu đài trên bãi cát và uổng công “dã tràng xe cát biển Đông”. Và vì thế trong văn kiện ngoại giao của Trung Quốc có đưa ra nhiều bằng chứng về sự bảo vệ chủ quyền cũng như những nước ủng hộ chủ quyền của Trung  Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đều không đáng quan tâm vì những luận cứ và luận chứng về sự chiếm hữu thật sự của Trung Quốc đã không đứng vững, không có cơ sở khoa học, không có tính thuyết phục.
 
  1. Phản bác các luận điểm của Trung Quốc về việc phổ biến Đường Lưỡi Bò( Đường Chín Khúc) tại Biển Đông năm 2009  kèm theo Công hàm phản đối Việt Nam đăng ký với Ủy ban ranh giới thềm lục địa LHQ
2.2.1.Đường lưỡi bò từ đâu mà ra
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ tại New York, "đại diện Chính phủ Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc Biển Đông".
Cũng tại phiên họp được tổ chức trong hai ngày 27/08 và 28/08/2009, đại diện Việt Nam và Malaysia còn trình bày Báo cáo chung Việt Nam-Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Việt Nam và Malaysia đã gửi các hồ sơ đăng ký riêng và chung hồi đầu tháng Năm, trước thời hạn mà LHQ đặt ra.
Một ngày sau khi Việt Nam nạp đơn, đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm tới cho Tổng thư ký Ban Ki-moon yêu cầu "không xem xét".Tuy Trung Quốc không gửi báo cáo đăng ký, nhưng kèm công hàm tới LHQ là bản đồ của Trung Quốc, mà Việt Nam tuyên bố là đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông ".
Theo một số học giả cả ở Trung Quốc và ở Đài Loan([1]) thì năm 1935, để đối phó với yêu sách của Pháp đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, Cộng hòa Trung Hoa đã cho xuất bản một bản đồ chính thức đầu tiên là Zhongguo Nanhai gedao yu tu (Bản đồ các đảo trên Nam Hải), bản đồ này chưa thể hiện “đường lưỡi bò”. Tháng 2 năm 1947, Bộ nội vụ  đã tiếp tục cho xuất bản Bảng tài liệu tra cứu tên cũ của các đảo biển ở biển Đông, trong đó liệt kê 159 đảo, đá.  Sau đó, tháng 1 năm 1948,  Bộ Nội Vụ nước Cộng Hòa Trung Hoa chính thức công bố một bản đồ có tên Nanhai zhudao weizhi tu (Bản đồ các đảo trên Nam Hải), tháng 2 năm 1948 bản đồ này được xuất bản chính thức,  trên bản đồ này có xuất hiện một đường mà Trung Hoa gọi là đường hình chữ “U”, một số học giả gọi nó là “đường lưỡi bò” bởi nó nhìn giống một cái lưỡi bò liếm xuống biển Đông([2]), đường này được thể hiện trên bản đồ lúc này là một đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn. Trong bản đồ đó đường chữ “U” hay “đường lưỡi bò” này được thể hiện bao trùm xung  quanh cả bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông, đó là các quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và bãi cạn Macclesfield (Trung quốc gọi là Trung Sa).
“Đường lưỡi bò” này xuất phát từ biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, chạy xuống phía Nam tương tự như hình dáng của bờ biển Đông và Đông Nam Việt Nam tới cực Nam của bãi đá san hô Scaborough Shoal (Tăng Mẫu) và sau đó quay ngược lên phía Bắc theo hướng đi song song với đường bờ biển phía Tây Sabah của Malaysia và Palawan của Philippines và quần đảo Luzon, kết thúc tại khoảng giữa eo Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines. Đường này được vẽ tùy tiện và không có tọa độ xác định chính xác[3].
Năm 1988, sau cuộc đụng độ giữa hải quân của Trung Quốc và Việt Nam, một nhóm học giả của Đài Loan đã được tập trung lại để nghiên cứu về vấn đề “vùng nước lịch sử” và bản chất pháp lý của “đường lưỡi bò”.
Một học giả của Đài Loan là Tống Yến Huy (Yann Huei Song) sau khi tổng kết các quan điểm của các học giả Đài Loan trong nhóm nghiên cứu cho biết có hai nhóm ý kiến  về vấn đề này: Một nhóm cho rằng vùng nước được bao bọc trong “đường lưỡi bò” được coi như là “vùng nước lịch sử” của Cộng Hòa Trung Hoa. Lập luận này được chứng tỏ bởi hai lý do, thứ nhất, khi bản đồ được xuất bản vào năm 1948, không có sự phản đối cũng như không có phản ứng nào được đưa ra, thứ
Hai, việc yêu sách các vùng nước bị bao bọc như là vùng nước lịch sử đã không vi phạm Điều 4(1) của UNCLOS (Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982). Nhóm thứ hai thì chống lại quan điểm này, họ cho rằng yêu sách vùng nước lịch sử của Cộng Hòa Trung Hoa khó có thể biện minh được: đó là “đường lưỡi bò” được vạch ra một cách tùy tiện, không thể định vị đường này trên biển vì thiếu hệ thống tọa độ cũng như khái niệm về vùng nước lịch sử đã trở nên lỗi thời, khó có thể sử dụng để trợ giúp cho yêu sách của chính quyền Đài Loan.
Tuy nhiên, cuối cùng Ủy ban nghiên cứu về vấn đề này của Đài Loan đã chấp thuận với quan điểm của nhóm đầu tiên.
2.2.2.Yêu sách về đường lưỡi bò của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa
Trung quốc đưa ra những yêu sách về “đường lưỡi bò” dựa theo quan điểm của bản đồ xuất hiện đường lưỡi bò đầu tiên của Cộng Hòa Trung Hoa năm 1948 mà có học giả Trung quốc là kế thừa lịch sử.
Năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, quốc gia này sau đó thay thế  Cộng Hòa Trung Hoa trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Năm 1949, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như trên bản đồ trước đó gồm 11 đoạn.
Tuy nhiên, đến năm 1953, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn. Trong suốt một thời gian dài, mặc dù cho xuất bản bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” như trên, nhưng cả Chính phủ Cộng Hòa Trung Hoa lẫn Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về “đường lưỡi bò” đó cả và như trình bày ở trên Trung Quốc cũng chưa chính thức đăng ký về ranh giới thềm lục địa.

Tháng 7 năm 1996, nhà xuất bản Thông tin kinh tế Hồng Kông cho xuất bản cuốn “The petropolitics of the Nansa islands – China’s indisputable  legal case” của Phan Thạch Anh (Pan Shi Ying), theo lời của ông ta thì “chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thông qua việc ấn bản các bản đồ này muốn gửi ba thông điệp tới cộng đồng quốc tế:
  1. Khu vực nằm trong đường biên giới này là các đảo, đá và các vùng nước kế cận của chúng đã thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong lịch sử.
  2. Phù hợp với các công ước quốc tế, vị trí và hướng đi của con đường đứt khúc 11 đoạn này (sau thay bằng 9 đoạn) đã được vạch ra theo cách gần như là đường cách đều giữa rìa ngoài của bốn quần đảo trong biển Nam Trung Hoa và đường bờ biển của các quốc gia kế cận. Điều này đã và đang là hợp pháp vào thời gian đó của chiếm cứ, chiếm hữu và quản lý.
3.Thực tiễn sử dụng các đường đứt khúc hơn là một đường liên tục để đánhdấu một số các khu vựcchủ chốtđể chỉ ra thực chất của việc “chưa dứt điểm” để lại những khả năng đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong tương lai.
Nói cách khác vùng nước do con đường này bao bọc là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của Trung Quốc. Con đường này chỉ là hình thức, còn danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc trên vùng biển này mới là nội dung.
Năm 2003, Li Jin Ming và Li De Xia của trường đại học Hạ Môn (Trung Quốc) đã công bố một bài viết đăng trên tạp chí Ocean Development & International Law, tiếp tục trình bày và làm rõ về lập luận đối với “đường lưỡi bò” này. Hai học giả này đã tổng kết một số quan điểm của các học giả Trung Quốc, trong đó hầu hết là khẳng định về chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và các vùng nước xung quanh các đảo đó nằm trong “đường lưỡi bò”. Các học giả Trung Quốc này được hai học giả trích dẫn đã đưa ra quan điểm là “đường lưỡi bò”bao trùm 80% biển Đông này thể hiện “danh nghĩa lịch sử” của Trung Quốc, và vùng nước bên trong, do con đường này bao bọc xung quanh là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của Trung Quốc. Mặc dù “Trung Quốc chưa bao giờ yêu sách toàn bộ các cột nước của vùng biển Đông”, nhưng “tất cả các đảo và vùng nước kế cận trong đường biên giới này phải thuộc quyền tài phán và kiểm soát của Trung Quốc”.
Như vậy, lập luận về chủ quyền đối với các đảo, đá, bãi nằm trong “đường lưỡi bò” cũng như bản chất pháp lý của “đường lưỡi bò” của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa cũng có nhiều điểm tương tự và bắt nguồn từ bản đồ đầu tiên thể hiện đường này của Cộng Hòa Trung Hoa trước đó.
22.3. Phân tích các yêu sách về “đường lưỡi bò”theo luật quốc tế
2.2.3.1. Yêu sách của Cộng hòa Trung Hoa( Trung Hoa Quốc Gia)
Khái niệm “vịnh lịch sử” hay “vùng nước lịch sử” mà ở đó một quốc gia thực hiện quyền lực thuộc chủ quyền của mình đã được luật pháp quốc tế chấp nhận trong một số hoàn cảnh hạn chế. Điều 10 (6) của UNCLOS thừa nhận sự tồn tại của một vùng nước như vậy, và một số các vịnh biển mà không đáp ứng được các tiêu chuẩn chính thức của một “vịnh” theo Điều 10 đã được trao cho quy chế này theo thời gian. Tuy vậy, các cường quốc trên biển, đặc biệt là Mỹ, đã nỗ lực giữ cho khái niệm này không được chấp nhận rộng rãi nhằm duy trì sự tự do hàng hải.
Khái niệm về yêu sách lịch sử được chấp nhận vào năm 1951 bởi Tòa án quốc tế (ICJ) khi phán xét về yêu sách của Na uy về vùng nước nằm tiếp liền bờ biển của nước này. Những yêu sách về chủ quyền lịch sử cũng được chấp nhận trong những
hoàn cảnh thích hợp tại Công ước 1958 về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải. Gần đây, trong vụ án Vịnh Fonseca, Tòa án quốc tế đã chấp nhận vịnh Fonseca là một vịnh lịch sử và vùng nước của nó là vùng nước lịch sử.
Năm 1962, Ủy ban pháp luật quốc tế đã thực hiện một  nghiên cứu với tựa đề: “Quy chế pháp lý của vùng nước lịch sử, bao gồm cả vịnh lịch sử”, trong nghiên cứu này đã có những câu trả lời cho câu hỏi những tiêu chuẩn nào sẽ được áp dụng để xác định tính hợp pháp của một yêu sách chủ quyền lịch sử.
Theo đó thì một vịnh hay một vùng nước được coi là lịch sử, căn cứ theo tập quán quốc tế và các phán quyết của tòa án phải thỏa mãn ít nhất hai điều kiện sau:
 1) Quốc gia ven biển thực thi chủ quyền của mình đối với vùng được yêu sách;
 2) Sự liên tục của việc thực thi quyền lực đó theo thời gian;
 3) Quan điểm của các quốc gia khác với yêu sách đó. Ngoài ra, một quốc gia yêu sách danh nghĩa lịch sử phải có trách nhiệm dưa ra bằng bchu71ng đối với các vùng nước có vấn đề đang tranh cãi này.
Bất cứ chính quyền nào yêu sách vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò” là vùng nước lịch sử thì quy chế pháp lý đối với vùng nước này như thế nào, nếu các vùng nước này được yêu sách như vùng nội thủy thì các chính quyền yêu sách đó phải chứng minh được là họ đã thực thi chủ quyền một cách liên tục đối với các vùng nước bao bọc trong “đường lưỡi bò” qua một thời gian tương đối giống như đã thực thi chủ quyền đối với các vùng nội thủy khác. Nếu các vùng nước này được yêu sách như lãnh hải thì quốc gia yêu sách phải chỉ ra được rằng họ đã thực thi chủ quyền một cách liên tục đối với các vùng nước bị bao bọc này trong một thời gian dài như họ đã thực thi chủ quyền đối với các vùng lãnh hải khác. Cũng tương tự như vậy nếu họ muốn nếu họ muốn yêu sách các vùng nước bị bao bọc như là vùng nước lịch sử.
  • Đối với yêu sách như các vùng nội thủy:
Theo chế độ pháp lý của các vùng nội thủy, một quốc gia ven biển thực thi chủ quyền đầy đủ đối với vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, tàu nước ngoài không có quyền đi qua không gây hại trong vùng nội thủy của quốc gia ven biển, trừ khi được sự đồng ý của quốc gia đó.
Vậy vùng nước bị bao bọc bởi “đường lưỡi bò”có thể được coi là vùng nội thủy không? Câu trả lời đến ngay từ một học giả Đài Loan là không[4], bởi những lý do sau đây: thứ nhất, chính quyền Cộng hòa Trung Hoa chưa bao giờ yêu sách vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” như là vùng nội thủy. Thứ hai, tàu nước ngoài, trong đó có cả tàu chiến vẫn thực hiện quyền đi lại trên vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò” này từ khi “đường lưỡi bò” này xuất hiện trên bản đồ do Cộng Hòa Trung Hoa xuất bản năm 1948, và chính quyền Cộng Hòa Trung Hoa đã không có một hành động nào ngăn cản các tàu nước ngoài qua lại vùng này.
  • Đối với yêu sách như “lãnh hải”:
Theo quy định tại Điều 3 Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS) thì: “Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước”. Mọi quốc gia có quyền thực thi chủ quyền đối với vùng lãnh hải của mình. Tàu thuyền nước ngoài chỉ được hưởng quyền đi qua không gây hại cho trong vùng lãnh hải của các quốc gia ven biển, trừ khi có các điều khoản, điều ước chuyên môn khác. Đối với vùng trời phía trên lãnh hải, các máy bay nước ngoài được quyền bay qua không gây hại.
Vậy thì câu hỏi tiếp theo là các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” có thể được coi là lãnh hải của Trung Quốc không? Câu trả lời của Yann Huei Song cũng là không. Máy bay nước ngoài đã bay qua vùng trời phía trên của vùng nước này từ năm 1948 khi bản đồ được xuất bản. Như đã trình bày ở trên, máy bay của nước ngoài không được phép bay qua không gây hại trên vùng trời phía trên của lãnh  hải quốc gia ven biển.
  • Đối với yêu sách như các vùng nước quần đảo.
Khái niệm về các vùng nước quần đảo là một khái niệm mới trong luật biển quốc tế, được đưa ra trong Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật biển lần III (UNCLOS III), theo đó, các vùng nước nằm bên trong đường cơ sở thẳng của quần đảo là vùng nước quần đảo, nó không phải là nội thủy, cũng không phải là lãnh hải. Một quốc gia quần đảo có quyền thực thi chủ quyền đối với vùng nước quần đảo của mình.
. Chủ quyền quốc gia “được mở rộng đến vùng trời phía trên của vùng nước quần đảo cũng như đến đáy của vùng nước đó và lòng đất tương ứng và đến các nguồn tài nguyên ở đó”. Tàu nước ngoài được quyền đi qua không gây hại tại vùng nước quần đảo, tàu biển và máy bay nước ngoài được quyền có đường hàng hải, đường hàng không đi qua vùng nước quần đảo.
Do chế độ pháp lý của “các vùng nước quần đảo” được phát triển trong giai đoạn hội nghị lần thứ III của UNCLOS (từ năm 1973 – 1982) và bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” xuất bản lần đầu năm 1948, nên khó có thể chứng minh được vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” đó có được quy chế pháp lý của các vùng nước quần đảo, Cộng Hòa Trung Hoa đã không thực thi chủ quyền và quyền tài phán của mình đối toàn bộ các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” này, tàu và máy bay nước ngoài vẫn tiếp tục được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng nước nằm trong đường này, thay cho quyền đi qua không gây hại và quyền được qua lại các tuyến hàng hải và hàng không đã được ấn định của vùng nước quần đảo. Vì thế, có thể kết luận là toàn bộ các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” không thể được xem là các vùng nước quần đảo của Cộng hòa Trung Hoa.
2.2.3.2. Yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Với công hàm ngày 7/5/2009 có kèm bản đồ đường chữ U, có vẻ Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của đường lưỡi bò, coi Biển Đông như một vịnh lịch sử”. Đường này sẽ được ngộ nhận là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc. Họ cũng rất khéo kết hợp con đường này với các khái niệm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố dưới dạng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Nam Sa (Trường Sa theo tên Việt Nam). Như vậy toàn bộ Biển Đông sẽ trở thành ao hồ của Trung Quốc.
Theo các tiêu chí để thỏa mãn một vùng nước được coi là vùng nước lịch sử, thì Trung Quốc cũng phải chứng minh được họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng nước trong đường lưỡi bò này một cách thật sự và liên tục trong một thời gian dài. Điều này thật không đơn giản, bởi vì: Các văn kiện chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc, như Đại Nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh Nhất thống chí (1461), Đại Thanh Nhất thống chí (1842), trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”. Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người nước ngoài cùng thời cũng vẽ và giải thích phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc công ty Đông ấn - Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ:“nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc đến vĩ độ 42 độ[i]Trung Quốc chỉ thực sự bước chân lên quần đảo Hoàng Sa năm 1909 khi quần đảo này đã thuộc Việt Nam, không còn là đất vô chủ. Về Trường Sa, cho tới tận năm 1932, công hàm ngày 29/9/1932 của Phái đoàn ngoại giao Trung Hoa Dân quốc tại Paris vẫn còn khẳng định các nhóm đảo “Amphitrite” (Lưỡi Liềm) và “Croissant” (An Vĩnh) của quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) “tạo thành phần lãnh thổ Trung Quốc nằm tận cùng ở phía Nam”. 
- Trung Quốc đã không đưa ra được các bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hòa bình từ thời xa xưa. Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận các hoạt động của dân đánh cá và dân buôn ả Rập, ấn Độ, Malay,  Việt, và vùng Vịnh trong vùng biển này[ii], không có một bằng chứng nào cho thấy Biển Đông hoàn toàn là “ao hồ Trung Quốc”. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc cũng không thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể loại bỏ hoạt động khai thác của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều Nguyễn. Ngược lại còn có những hành động thừa nhận tính hợp pháp của các hoạt động đó như trường hợp năm 1754: quan huyện Văn Xương giúp đội viên đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Quốc.
Đường lưỡi bò không phải là con đường có tính ổn định và xác định. Từ 11 đoạn, năm 1953, Trung Quốc đã phải bỏ đi hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý. Tính chất không liên tục của con đường này được các tác giả Trung Quốc giải thích là để cho “những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”. Đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là sự ổn định và dứt khoát [5]. “Đường lưỡi bò” không thể hiện được đặc tính đó, thêm nữa, vị trí của nó lại không được xác định tọa độ rõ ràng, vì thế khó mà biểu thị là một đường biên giới được.
Vấn đề thứ hai theo Yann Huei Song thì mặc dù “đường lưỡi bò” đã xuất hiện trên các bản đồ xuất bản ở Trung Hoa lục địa từ năm 1949, nhưng chưa bao giờ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa yêu sách chính thức các vùng nước nằm trong đường này như các vùng nước lịch sử. Đại diện của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã không tuyên bố như vậy trong Hội nghị Công ước Luật biển lần III[6]. Theo luật pháp quốc tế, các hành vi mà quốc gia thể hiện phải mang tính công khai ý chí thực thi chủ quyền trên lãnh thổ đó. Những hành vi bí mật không thể tạo nên cơ sở cho quyền lịch sử, ít nhất các quốc gia khác phải có cơ hội được biết những gì đang diễn ra.
Như vậy, kể cả Cộng Hòa Trung Hoa lẫn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đều chưa bao giờ công bố chính thức yêu sách về vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” đó.
Đặc biệt, Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng:
“Chiều rộng lãnh hải nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”[7].
Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải là vùng nước lịch sử. Chẳng lẽ lại tồn tại vùng biển cả nằm trong nội thủy của Trung Quốc? Không thể có điều vô lý đó. Do vậy, Tuyên bố và các đạo luật của các nhà chức trách Trung Quốc, đặc biệt Tuyên bố năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là không phù hợp với yêu sách lịch sử được phân định bởi “đường lưỡi bò”[8].
Tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc ngày 15/5/1996 càng làm cho sự mập mờ này của họ tăng lên bởi họ yêu sách một đường cơ sở nối cả Hoàng Sa nhưng lại không đề cập gì đến Trường Sa.
Hơn nữa, tại hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa[9], và thực tế tranh chấp về chủ quyền trên Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hay tranh chấp chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Malaysia, Philippines và Trung Quốc cho thấy không thể nói là “đường lưỡi bò” được các quốc gia khác công nhận. Như vậy, có thể nói là yêu sách này chưa bao giờ có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế.
Yêu sách về “đường lưỡi bò” bắt đầu từ một bản đồ của Cộng Hòa Trung Hoa xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948. Sau này, cả Đài Loan và Bắc Kinh đều đã dựa vào bản đồ đó để biện minh cho yêu sách về vùng biển này trên biển Đông.
Bản chất thực sự của yêu sách này vẫn đang bị bao phủ bởi sự bí ẩn, cả Trung Quốc và Đài Loan đều mập mờ với các tuyên bố không rõ ràng. Tuy nhiên, những hoạt động của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc thực tế đang yêu sách tất cả các vùng nước và tài nguyên nằm trong vùng biển này.
Những phân tích về yêu sách này theo luật pháp quốc tế cho thấy vì cơ sở pháp lý thiếu thuyết phục cho nên “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không đưa ra những yêu sách lịch sử của mình với các tọa độ rõ ràng, và giữ im lặng về bản chất của đường lưỡi bò và chế độ pháp lý của vùng biển được bao bọc bởi đường đó”. Ngay cả các học giả Trung Quốc cũng không nhất trí được với nhau về chế độ pháp lý của vùng biển bị bao bọc bởi đường lưỡi bò này[10].
Các học giả Trung Quốc đã nỗ lực tìm mọi luận cứ biện minh cho yêu sách này của họ, còn các học giả nước ngoài thì đưa lại những ý kiến khách quan hơn. Nhóm Mark J Valencia cho rằng: “ một yêu sách của Trung Quốc coi biển Nam Trung Hoa là một vùng nước lịch sử không thể đứng vững được dưới góc độ pháp luật quốc tế hiện đại”[11].
Xa hơn nữa, Hamzah cho rằng: “ Một số nước yêu sách toàn bộ biển Nam Trung Hoa như là của riêng họ dựa trên cơ sở lịch sử. Các yêu sách như vậy chẳng có gì là lạ và chẳng đáng đề cập đến… Yêu sách đơn phương đối với toàn bộ biển Nam Trung Hoa của một quốc gia sẽ chẳng có gì chú ý đến.. Dù suy diễn như thế nào chăng nữa cũng không thể coi biển Nam Trung Hoa như là vùng nội thủy hoặc hồ lịch sử để làm cơ sở khẳng định yêu sách. Vì vậy, khu vực yêu sách này là phù phiếm, không có căn cứ và không hợp lý…Tôi cố gắng thuyết phục tất cả các quốc gia bác bỏ các yêu sách đối với toàn bộ biển Nam Trung Hoa (hay đòi hỏi một khu vực có liên quan) vì không có cơ sở nào trong luật cũng như trong lịch sử”[12].
Dựa trên pháp luật quốc tế hiện đại, chúng ta có thể kết luận về yêu sách về “đường lưỡi bò”này của Trung quốc “không có cơ sở yêu sách nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó[13]”, “yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử và quyền đối với hầu hết biển Đông và/hoặc đối với đáy biển và lòng đất của nó là trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề pháp luật nghiêm chỉnh”[14].
 
Description: Taiwan%27s%20Nine-dash%20Line%20Map%20of%20the%20South%20China%20Sea
Hình 1: Bản đồ vẽ đường lưỡi bò của Đài Loan năm 1988
Nguồn:http://www.southchinasea.org/maps/Taiwan%27s%20Nine-dash%20Line%20Map%20of%20the%20South%20China%20Sea.jpg
Description: map_small

Hình 2: Bản đồ vẽ đường lưỡi bò của Trung Quốc năm 1999
Nguồn: http://www.southchinasea.org/9-dotted%20map/map_small.gif
Như thế năm 1909 Trung Quốc với tính cách một chính quyền một tỉnh bắt đầu tranh chấp chủ quyền và mới đặt tên là Tây Sa và Đoàn Sa rồi Nam Sa khi ấy Việt bị Pháp đô hộ, mất quyền tự chủ ngoại giao. Đến năm 1921, chính quyền phía Nam Trung Quốc quyết định sáp nhập Tây Sa , Nam Sa vào Hải Nam , dù có chậm, chính quyền thuộc địa Pháp mới bắt đầu quan tâm, mới nhân danh nước “Annam”  có những hành động cụ thể như tổ chức thám sát hải dương rồi đến đầu thập niên 30 , cho binh lính đồn trú, dựng bia chủ quyền, lập trạm khí trượng thủy văn tại quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa, thiết lập đơn vị hành chánh, sáp nhập vào tỉnh Thừa Thiên và Bà Rịa. Năm 1938-1939, Nhật chiếm Hoàng Sa & Trường Sa để làm bàn đạp chiếm Đông Dương. Năm 1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Trung Hoa Quốc Gia,Tưởng Giới Thạch lợi dụng nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật và Pháp đang lo chiến tranh với Việt Nam đã đến đóng chiếm Hoàng Sa  và Trường Sa và đặt tên cho toàn bộ các đảo, đá của hai quần đảo. Pháp phản đối cho quân đội Pháp với quân quốc gia của chính phủ thân Pháp đến đóng đan xen với quân Tưởng ở Hoàng Sa . Đến 1950 quân Tưởng rút về Đài Loan. Năm 1956 , quân  Pháp rút khỏi Đông Dương, lợi dụng quân VNCH còn non yếu, Trung Quốc đã chiếm đảo lớn nhất Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa và Đài Loan chiếm đảo Ba Bình, lớn nhất quần đảo Trường Sa. Được Mỹ bật đèn xanh, Trung quốc dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ VNCH lên tiếng phản đối , công bố sách trắng năm 1975.
Ngay sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc trả lại Hoàng Sa & Trường Sa cho Việt Nam mà Trung Quốc  cho Việt Nam đã lật lọng.
Trong một buổi nói chuyện về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa tại Hội Kỹ Thuật, Kinh Tế Biển TPHCM, tôi đã được các hạm trưởng từng giái phóng các đảo ở Trường Sa do quân đội VNCH đóng giữ cho biết chỉ hai ngày sau, tàu Trung Quốc đã có mặt. Và sau khi Trung Quốc dùng vũ lục chiếm đóng Hoàng Sa bất hợp pháp, tại Hải Nam có đoàn quân đội nhân dân VNDCCH đã được Trung Quốc mời tham dự Lễ Liên hoan chào mừng chiến thăng Hoàng Sa, Đoàn Việt Nam  thông báo với cấp trên sẽ không dự  và đã trả lới cấp trên lý do không dự vì không muốn vỗ tay; người Việt là như thế đó cho dù hoàn cảnh chính trị như thế nào đi nữa.
Lịch sử đã đem lại nhiều bài học quí giá. Không còn mơ hồ gì nữa, Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam hùng mạnh, luôn luôn muốn Việt Nam là thuộc quốc. Thấy tình hình phát triển thông nhất Việt Nam không cần theo Trung Quốc, Trung Quốc đã lập tức dùng Pôn Pốt chiếm đảo Thổ Chu và tiếp tục gây hấn Mặt Trận Tây Nam, tiến tới cuộc chiến năm 1979 ở Biên giới Phía Bắc, dạy cho Việt Nam một bài học.  Tiếp tục năm 1988 và các năm kế tiếp, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp 9 đá ở quần đào Trường Sa, những nơi quân đội Việt Nam trấn giữ.
 Năm 1990 trước tình hình biến chuyển lớn, Liên Sô và khối Đông Âu sụp đổ khiến Việt Nam phải ký với Trung Quốc thỏa hiệp tại Hội Nghị Thành Đô, Trùng Khánh. Trung Quốc cứ tưởng Việt Nam sẽ  trở lại vòng tay của Trung Quốc, song thất vọng Trung Quốc cho  Việt Nam nói một đàng làm một nẻo, trong khi chính Trung Quốc lại làm như thế, luôn nói “những chữ vàng hữu hảo” giữa hai nước,  song càng ngày tiếp tục hung dữ ở Biển Đông.
Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không chối cãi tại Hoàng Sa & Trường Sa và  nỗ lực ngoại giao quốc tế hóa Biển Đông và ngoại giao liên kết với các nước trong khu vực cùng Nhật Bản  và Ấn Độ.
Như nhà cựu ngoại giao , nguyên bí thư thứ nhất Tòa Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh , nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu đã từng truyên bố trong buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại Học Ngoại Thương năm 2011 rằng Việt Nam đã từng bị Trung Quốc lừa rất nhiều lần rồi. Cũng như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Việt Nam rất biết ơn nhân dân Trung Quốc, song Trung Quốc giúp Việt Nam cũng do lợi ích của Trung Quốc và cũng nhắc lại câu nói Lãnh đạo Trung Quốc từng nói rằng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn  cũng như chẳng có đồng minh vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia là lâu dài thôi. Trung Quốc đã từng là đồng minh, đồng chí với Việt Nam song cũng đã từng có chiến tranh với Việt Nam là gì !
Theo tôi, hiện nay không còn mơ hồ gì nữa, Bỉển Đông đang nổi sóng, bị Trung Quốc hung dữ xử ép, xâm lấn; Hoàng Sa là nạn nhân của thời cuộc quốc tế, người Việt Nam phải bừng tỉnh, muốn lấy lại Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực và giữ những gì còn lại ở Trường Sa thì người Việt Nam phải đoàn kết, mỗi người phải có kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực hùng cường, phải đại hòa xây dựng Việt Nam thành cường quốc biển, đối xử cùng thắng “win-win” với mọi đối tượng trong đó có Trung Quốc mới mong không còn bị xử ép, làm nhục ở Biển Đông như hiện nay nữa!
Và nếu cần kiên nhẫn chờ đến 1000 năm như trước đây đã từng làm thì lịch sử cho biết Việt Nam vẫn quyết tâm kiên nhẫn. Song GS Trần Văn Giàu cho rằng thời đại điện tử có khác, nhanh chứ không chậm như trước đâu. Song tôi với tính cách một người nghiên cứu lịch sử, cũng từng nói rằng bất cứ ai làm cho đất nước suy hèn đều có tội với Tổ tông và Dân tộc và đã tứng có thời chú vua hay đến vua theo giặc , song lịch sử vẫn cho hay rằng  Việt Nam vẫn tồn tại và ngày càng phát triển càng lớn mạnh dần lên..
Việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974  là trái với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc  và nghị quyết của Liên Hiệp quốc, và cũng như dùng vũ lực chiếm 9 đá ở quần đảo Trường Sa là  vi phạm Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Với sự kiên định đấu tranh lâu dài, khi có thời cơ, Hoàng Sa và các đá , đảo của Trường Sa sẽ trở về với Việt Nam.
Cái gì của César phải trở về với César.

                      

 TÀI LIỆU THAM KHẢO CHỦ YẾU
1. Lướt Sóng ( Tiếng Nói Hải quân Việt Nam), Chiến  thắng Hoàng Sa, 1974, 112 trang.
2. Bà & Ô. Trần Đăng Đại, “Các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa từ thời Pháp thuộc tới nay”, TậpSan Sử Địa, số 29 ( tháng 1-3-1975), 274-294.
3. Ministry of Foreign Affairs, Republic of Viet Nam, White Paper on The Hoang Sa ( Paracel) and Truong Sa ( Spratly} Islands , Saigon, 1975, 103 trang.
4. Chủ quyền của Việt Nam  đối  với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường  Sa- Tuyên Bố của Bộ Ngoại Giao nước CHXHCNVN về hai quần đảo Hoàng Sa va Trường Sa ngày 7-8-1979 ( Vụ Thông Tin và báo Chí Bộ Ngoại Giao Nước  Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Hà nội, 1979, 31trang đánh máy).
5.  Chủ quyền của Trung Quốc đối  với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là không thể tranh cãi Văn kiện Bộ Ngoại Giao  nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, 30-1-1980, 15 trang đánh máy( Bản dịch của BBGCP).
6. Ministry of Foreign Affairs, Socialist Republic of Viet Nam, The Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes Vietnamese territories , Ha Noi,, 1981, 43 p.
7. Bộ Ngoại Giao nước CHXHCNVN , Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường  Sa: Lãnh thổ Việt Nam.Hà nội, NXB Khoa Học Xã Hội,1984,
8. Hàn Chấn Hoa chủ biên, Lâm Kim Chi, Ngô Phượng Bân biên tập, Ngã quốc Nam hải chư đảo lịch sử hội biên, Bắc Kinh, NXB Phương Đông, 1888,796 trang đánh máy( Bản dịch của BBGCP).
9. Phạm Kim Hùng, chủ nhiệm Đề tài, Chương Trình Biển Đông Hải đảo, Đề tài BĐ-HĐ 01-02B: Nghiên cứu, Phản Bác Cuốn Sách Ngã quốc Nam hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên, do Hàn Chấn Hoa chủ biên , Hà Nội, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, thãng, 1998. 367 trang đánh máy không kể phụ lục.
10. Yann-huei Song, Vấn đề các vùng nước lịch sử trongbtranh chấp lãnh thổ trên biển nam Trung Hoa, , Hội nghị Biển Nam trung Hoangày 7-9-9-1994, Washington DC,  Viện hợp tác nghiên cứu Mỹ, 12 trang  đánh máy ( bản dịch của BBGCP).
11. Lưu Văn Lợi, Le Differend Vietnamo- Chinois sur les Archipels Hoàng Sa et Trường Sa, Hà Nội, Editions Thế Giới, 1996, 140p.
12. .Monique Chemillier- Gendreau, La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, Paris, L’Harmattan, 1996, 306p.
13, Hoàng Thịnh Chương, « Chứng cớ lịch sử về các đảo Nam Hải xưa nay vốn thuộc lãnh thổ Trung quốc », Nam kinh, Nam Văn Hóa, tháng 4-1996, tr.81-89, 22 trang đánh máy( bản dịch của BBGCP).
14. Chen Hurng-Yu,” Bình luận về những yêu sách của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, Nhật báo nghiên cứu Trung Quốc và Ngoại Giao Quốc tế, Tập 35, số 4( tháng 7-8-1999), Đài Bắc, Học Viện quan hệ quốc tế, 30 trang đánh máy ( bản dịch của BBGCP).
15.Ngụy Chí Giang, Phan Vương Nguyệt, Nghiên cứu biên luận sử liệu về quần đảo Nam Sa trong sách cổ Trung quốc và Bình luận một số quan điểm sai lầm của Lưu Văn Lợi- Việt Nam về vấn đề chủ quyền Biển Nam, 18 trang đánh máy, Bản dịch của BBGCP.
16. Du Khoan Tứ, tiến sĩ luật, Tính pháp lý, vị trí Đường ranh giới hình chữ U ( Lưỡi Bò) và vùng nước trong đường ranh giới ở Nam Hải nước ta, Đại Học Quốc Lập, Đài Loan, 12 trang  đánh máy ( bản dịch của BBGCP).
17. Nguyễn Nhã, Quá trình xác lập Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn TP.HCM, 2003, Luấn án tiến sĩ sử học.


([1]) Xem Li Jin Ming và Li De Xia The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note , Ocean Development &International Law, 34:287–295, 2003, p 289; Yann Huei Songchina's "historic waters"in the south china sea:an analysis from taiwan, American Asian Review Vol. 12, N.. 4, Winter, 1994 (pp. 83-101)
 
[2] Chi Kin Lo, China’s policy towards territorial disputes, p 43.
[3] Yann Huei Song, đã dẫn, xem chú thích 1
[4] Yann Huei Song, đã dẫn, xem chú thích 1
[5] Tuyển tập các phán quyết , sắc lệnh của Tòa án công lý quốc tế (ICJ), 1962, vụ đền Preáh Viheár,Tài liệu dịch của Ban Biên giới chính phủ, tr. 34
[6] Yann huei Song, đã dẫn
[7] Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute:Who's On First? International Boundaries Research Unit, Volume 2 Number 1, p. 14
[8] Daniel J. Dzurek, đã dẫn, p. 15
[9] Monique Chemillier- Gendreau, Sovereignty over Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, 208, p. 41
[10] Daniel Dzurek, đã dẫn,p.13
[11] Mark J. Valencia, John M. Van Dyke,  and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, University of Hawaii’s Press, 1997, 278, p. 28
[12] Yann Huei Song, đã dẫn.
[13] Yann Huei Song,đã dẫn.
[14] Brice M. Claget, Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chínhh và Thanh Long trong biển Đông, nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1996, tr. 99


Tác giả bài viết: Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học
Nguồn tin: Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam