Monday 31 March 2014

Đèn Hoa Kỳ của Việt Nam! (Nguyễn Dư - Chim Việt Cành Nam)



1909-2009, bộ tranh Oger được 100 tuổiĐèn Hoa Kỳ của Việt Nam! 
___________

Nguyễn Dư
Ngày nay, hầu như khắp nước Việt Nam chỗ nào cũng dùng đèn điện. Nhớ lại, mới ngày nào...
- Chờ độ năm phút, Dung cũng ngồi dậy. Nàng sang phòng khách. Một tên người nhà ủ rũ ngồi ngủ gật trên một cái ghế tràng kỷ, dưới một ngọn đèn măng sông đã tối một nửa búp đa, vì cạn dầu. Qua phòng khách, Dung đẩy cửa vào buồng mẹ thì thấy mẹ đã ngủ kỹ. Nàng khêu nhỏ ngọn đèn dầu ở bàn rồi rón rén quay ra.
Dung tìm bao diêm ở ô kéo, đốt một cây đèn hoa kỳ lên, tắt phụt ngọn lửa ở đèn dầu xăng. Nhìn ra sân, thấy trời tối om, Dung bèn bỏ bao diêm vào túi (...). (Vỡ đê (1936), Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập 2, Văn Học, 1987, tr. 198).
Vũ Trọng Phụng kể tên nhiều kiểu đèn của những năm 1930. Đèn măng sông (manchon) thì rõ ràng là đèn của Pháp. Nhờ cái tên gọi. Còn đèn hoa kỳ? Hoa Kỳ... là Mỹ, vậy đèn Hoa Kỳ là đèn của Mỹ sao?
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa Đèn hoa kì là đèn dầu hoả nhỏ, có bấc tròn. Không cho biết lí lịch đèn hoa kỳ. Nó là con cái nhà ai, ở đâu chui ra mà lại mang cái tên như vậy?
Đèn Hoa Kỳ là đèn của bọn Mỹ sang ta buôn dầu hoả. Muốn bán được dầu hoả, nó phải làm đèn cho người mua dầu dùng (...). Dầu của Mỹ, viết tắt là Socony (Standard oil Company of New York), cạnh tranh với dầu của Anh viết tắt là Shell.
Bất cứ ở thành thị hay nông thôn, hễ có đại lý dầu Mỹ, là ở gần đó, có ngay đại lý dầu Anh. Và trái lại. Nhà bán dầu Mỹ có biển sơn màu vàng, nhà bán dầu Anh có biển sơn màu đỏ.
Những nơi bán dầu xăng ô tô, Anh Mỹ cũng cạnh tranh như vậy. Ở Hà Nội, còn có xe dầu đi bán ở phố, cũng sơn màu của hãng... Trụ sở của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật ở phố Trần Hưng Đạo, số 39, là trụ sở cũ của hãng dầu Shell của Anh, nên quét vôi màu đỏ. Ngày trước ta gọi là nhà dầu Shell (...).
(Nguyễn Công Hoan, Nhớ và ghi về Hà Nội, Trẻ, 2004, tr.149).
Nguyễn Công Hoan khẳng định đèn Hoa Kỳ là đèn của Mỹ ! Lạ nhỉ ! Cho đến năm 1954, mấy ông trưởng giả của Hà Nội hết mời nhau thuốc lá Mỹ, rượu Mỹ, lại quay ra khoe nhau bút máy Mỹ, đồng hồ Mỹ. Một vài đại gia vung tay " tiêu tiền như Mỹ ", dám tậu cả ô tô Mỹ uống xăng như uống nước lã. Cái gì cũng Mỹ, nhưng đến cái đèn thì lại là Hoa Kỳ ! Kị huý hay là có hiểu lầm ?    Ý kiến của Nguyễn Công Hoan cần được xét lại.
- Cuối thế kỷ XIX người Tây đem dầu lửa, cũng gọi dầu hôi, vào dùng và bán (...). Hãng bán dầu đã chế ra thứ đèn nhỏ, ngọn lửa vừa bằng ngọn đèn dầu chay, đèn được cho không kèm theo mỗi thùng dầu bán ra, để làm quảng cáo ; không rõ lúc ấy dầu lửa từ xứ nào nhập cảng, mà cái đèn kia được gọi là đèn Hoa-kỳ ; ngày nay tại nhiều nhà nó vẫn là bạn cố tri bên cạnh cái điếu thuốc lào.
(Nhất Thanh, Đất lề quê thói, 1968, Đại Nam tái bản, tr.258).
Nhất Thanh cho biết thêm là đèn Hoa Kỳ có từ cuối thế kỉ 19. Người Tây tặng đèn cho khách mua dầu lửa. Nhất Thanh thắc mắc về cái tên Hoa Kỳ. Thắc mắc là phải. Thông thường thì các mặt hàng của Mỹ đều được khoe là made in USA nhưng tại sao cái đèn Hoa Kỳ lại không thấy khoe quê quán của mình ?
Thế mới có chuyện để tán gẫu. Xin phép các cụ... Trẻ con đi chỗ khác chơi, để người lớn bàn chuyện đất đai, khủng hoảng kinh tế. Dạ, xin phép các cụ cho... bênh vực phe ta! Thế à, bênh vực phe ta thì cứ việc nói, khỏi cần phải bày vẽ xin phép. Xin bắt đầu bằng... từ đầu câu chuyện.
- Tên Hoa Kỳ ta dùng để gọi nước Mỹ (USA) có từ bao giờ, do ai xướng lên ?
Lục tìm trong đống sách cũ thì được biết năm 1920, Phan Châu Trinh sáng tác Giai nhân kỳ ngộ, lúc cụ sống tại Pháp (Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925, Đông Nam Á, 1983, tr.254). Năm 1926, Giai nhân kỳ ngộ được in lần thứ nhất tại Hà Nội, nhưng bị tịch thu và thiêu huỷ. Năm 1959, mới được xuất bản tại Sài Gòn.
Trong truyện có câu (252) :
Xem trong thế-giới xưa nay,
Cộng-hoà chỉ có một tay Hoa-kỳ
(Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ, Lê Văn Siêu bình giải và chú thích, Hướng Dương, 1959, tr.25).
Tên Hoa Kỳ chỉ được Phan Châu Trinh dùng một lần. Những lần khác, cụ gọi là nước Mỹ, người Mỹ, châu Mỹ.
Tại Việt Nam, tên Hoa Kỳ được Tản Đà dùng trong bài Thú ăn chơi :
Mán sừng cái bánh chưng xanh
Hoa Kỳ tiệc bánh Tin lành nhớ ai
Tản Đà chú : Ngày tôi làm việc báo Hữu Thanh có đến thăm một ông mục sư người Hoa Kỳ ở nhà Tin lành. Chủ nhân thết ăn bánh, toàn là thứ bánh Hoa Kỳ cũng long trọng.
Báo Hữu Thanh chỉ sống được vài tháng, năm 1920 (Xuân Diệu), hoặc 1921 (Nguyễn Công Hoan) hay 1924 ( Dương Quảng Hàm).
Đào Duy Anh (1931) gọi nước Mỹ là Hoa Kỳ quốc vì quốc kỳ nước Mỹ có 48 ngôi sao như 48 cái hoa. Gustave Hue (1937) cũng giải thích Hoa kỳ là drapeau à fleurs (cờ hoa), là États-Unis. Thiều Chửu (1942) gọi nước Mỹ là Mỹ lợi kiên.
Nói tóm lại, tên Hoa Kỳ được dùng tại nước ta từ khoảng năm 1920.
Nhà dầu Shell tại Hà Nội, nằm tại góc phố Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền ngày nay, được xây cất vào khoảng năm 1930. (René Parenteau, Luc Champagne, Conservation des quartiers historiques en Indochine, 1997, tr. 79).
Như vậy thì chuyện của Nguyễn Công Hoan kể về sự cạnh tranh bán dầu, bán xăng của Shell và Socony là chuyện xảy ra sau năm 1920.
Dân ta được dùng dầu Mỹ có sớm lắm thì cũng chỉ từ sau năm 1920. Còn trước đó thì sao ? Khi chưa có nhà dầu Shell của Anh, chưa có cạnh tranh của dầu Mỹ, thậm chí chưa có cả tên Hoa Kỳ, thì nước ta đã có... đèn Hoa Kỳ chưa ?
Có vài tài liệu giúp ta tìm câu trả lời.
1) Dumoutier (1850-1904) cho biết (dịch) :
- Nghề làm đồ bằng sắt tây (Ferblanterie) ở An Nam phát triển mạnh từ khi bị người Pháp chiếm đóng. Tại Hà Nội có cả một phố chuyên làm nghề này. Trước kia thợ sắt tây chỉ làm chóp nón, đĩa đèn, hộp đựng thuốc phiện và vài món đồ lặt vặt khác cho dân bản xứ dùng. Bây giờ họ làm tất cả những sản phẩm của kĩ nghệ phương tây như bình nước, đèn xe, đèn xách tay, đèn nhỏ (lanterne de poche), đủ loại hộp có hình dáng, kích thước khác nhau, giá cắm nến, thùng tưới, bình đựng dầu, ống hình trụ, bồn tắm, hoa sen (...). Họ lấy sắt tây từ những vỏ bọc các thùng hàng nhập cảng của Pháp, từ những thùng dầu hoả, hộp đồ ăn (...).
(G. Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, Imprimerie d'Etrême - Orient, 1908, tr. 74-75).
Dầu tây (còn gọi là dầu hoả, dầu lửa, dầu hôi) ta dùng hồi đầu thế kỉ 20 là dầu của Pháp. Dầu đựng trong thùng sắt tây, được bán trong hiệu hoặc được gánh đi bán rong ngoài phố như tấm tranh Oger (1909) Bán dầu tây minh hoạ. Cái thùng sắt tây được đóng thêm một thanh gỗ làm thùng gánh nước, hay được cắt ra làm đồ dùng, đồ chơi.
(Năm 1915, Léon Busy chụp ảnh một cửa hiệu bán đồ chơi Tết trung thu tại Hà Nội (Villages et villageois au Tonkin, Conseil Général des Hauts de Seine,1986, planche 24). Đồ chơi làm bằng gỗ và sắt tây, sơn màu sặc sỡ. Nhiều và đẹp không thua gì đồ chơi ngày nay).
2) Bộ tranh Oger (1909) giới thiệu kĩ thuật của người An Nam. Tranh vẽ nhiều kiểu đèn dầu, trong đó có Đèn sắt tây. Người vẽ tranh ghi rõ là đèn được làm bằng sắt tây và được đốt (thắp) bằng dầu tây. Đèn sắt tây của năm 1909 giống đèn Hoa Kỳ của Hà Nội dùng năm 1954.
Đoạn viết của Dumoutier và mấy tấm tranh Oger cho thấy thông tin của Nhất Thanh chính xác hơn thông tin của Nguyễn Công Hoan. Mặt khác, nói rằng đèn Hoa-Kỳ là đèn do Mỹ làm là vô tình gây hiểu lầm, đặt ngang hàng kĩ nghệ của Mỹ năm 1930 với thủ công của ta năm 1909! Thế mà thiên hạ cứ ca tụng nhặng xị nước Mỹ nào là làm được tàu hoả, tàu thuỷ, ô tô, máy bay, tàu ngầm, nào là xây nhà chọc trời v.v.
Tuy nhiên, nếu đèn Hoa Kỳ không phải là của Mỹ thì phải giải thích tại sao cái đèn sắt tây (Dumoutier gọi là lanterne de poche, đèn nhỏ để bàn) tự dưng lại " đổi quốc tịch " như vậy ? Thấy người sang bắt quàng làm họ à ? Dạ, không dám ạ. Chẳng cần phải bắt quàng làm họ làm quái gì. Hoa Kỳ chẳng phải... là Mỹ ! Ấy, ấy... lại loạn ngôn rồi !
3) Trong phần giới thiệu nghề khảm sà cừ ( Les Incrusteurs), Oger kết luận (dịch) :
- Hai trung tâm chính của nghề khảm sà cừ là Hanoi và Nam-Dinh. Các ông chủ của nghề này đều giàu sụ. Người làm ăn giỏi và khéo nhất là Hoa-Ky, ở phố Jules Ferry. Ông là người thông minh, đã biết tìm cách cải tiến một nghề truyền thống của dân tộc An Nam. (Henri Oger, Introduction générale à l'étude de la technique du peuple Annamite, Geuthner, tr. 28).
Ba cái tên Việt Nam không được đánh dấu. Hanoi là Hà Nội, Nam-Dinh là Nam Định. Hoa-Ky có nhiều khả năng là Hoa-Kỳ. Nếu đúng như vậy thì Hoa Kỳ là tên người hoặc tên một cửa hiệu nổi tiếng của Hà Nội chứ không phải là nước Mỹ.
Kết hợp các đoạn viết của Dumoutier và Oger, kèm thêm tranh minh hoạ, chúng ta rút ra được vài kết luận :
- Đầu thế kỉ 20 thợ Việt Nam đã làm được đèn sắt tây, thắp bằng dầu tây. Sắt và dầu là của Pháp.
- Hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) làm đồ khảm sà cừ và bán đèn sắt tây. Dân Hà Nội gọi đèn của hiệu Hoa Kỳ là đèn Hoa Kỳ.
- Hãng dầu của Pháp (đầu thế kỉ 20) và của Mỹ (khoảng 1930) mua đèn Hoa Kỳ tặng khách hàng mua dầu. Thương hiệu Hoa Kỳ bị hiểu lầm thành tên gọi nước Mỹ.
Rốt cuộc, đèn Hoa Kỳ là đèn Việt Nam, làm bằng sắt Pháp, được hãng dầu Mỹ mua tặng khách hàng Hà Nội. Lí lịch rất... trong sáng !
Từ nay trẻ con trong Nam ngoài Bắc có thể rủ cả người lớn cùng rước đèn, ca hát líu lo :

Cái gì be bé xinh xinh
Nhờ tay thợ khéo xe tình chúng ta?
Điếu reo, khói toả... Thế mà
Mơ màng chàng ngỡ em là... Cờ hoa !

Nguyễn Dư
(Lyon, 2/2009)

Sunday 30 March 2014

Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong bản tự khai thành tích của Hà Minh Trí (Mười Thương)?



Gần năm mươi năm sau phát súng trên cao nguyên (22-02-1957), Hà Minh Trí mới được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2005). So với anh Lê Đình Chinh bị côn đồ Trung Quốc đánh chết vừa năm ngày đã lên ngay anh hùng, anh Phạm Xuân Ẩn được phong anh hùng sau ngày hòa bình chưa đến một năm (1976), Hà Minh Trí với những thành tích đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước như ta biết qua báo chí dăm năm gần đây, quả thật đã chịu rất nhiều thiệt thòi. 

Hồ sơ của ông Phạm Ngọc Thảo bị ngâm đến năm 1987 với lý do là để bảo vệ vợ con của Thảo ở Mỹ.
Còn ông Mười Hương thì vừa nói đến Phạm Ngọc Thảo đã khóc như một đứa trẻ. Lần đầu gặp ông, khi chúng tôi hỏi vì sao Phạm Ngọc Thảo được công nhận liệt sĩ và phong anh hùng chậm như vậy, ông nức nở: “Phong anh hùng 10 lần cho Phạm Ngọc Thảo cũng xứng đáng, nhưng chưa thể được, vì vợ con Thảo đang ở Mỹ. Khi chiếu phim Ván bài lật ngửa, tôi gọi cho ông Trần Độ (lúc ấy làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ T.Ư - TN) bảo hãy cấm cái phim đó đi, đừng làm hại vợ con Phạm Ngọc Thảo”.
Hồ sơ của Hà Minh Trí cần phải che giấu điều gì cho ai mà bị ngâm gần nửa thế kỷ?

Tổng thống, đại tướng, đại tá, bí thư... gì cũng khuất núi lâu rồi. Tất cả những người có vinh dự được ông nhắc tên (có lẽ trừ Phan Trung Chánh) đều không thể lên tiếng xác nhận lời ông nói, việc ông làm. Cả những việc rất tào lao của người khác (như mật lệnh giao cho đại úy Huỳnh Minh Đường đánh bom tàu HQ-401) cũng không có cách nào kiểm chứng. Có thật Nguyễn Chữ đã chào ông là đồng chí cộng sản núp bóng Cao Đài không? Nguyễn Chữ đã bị biệt động tiêu diệt từ lâu rồi (năm 1966), nghe ông nói là theo đề xuất của ông.

Vẫn theo lời ông thì còn nhiều người khác gán cho ông tội làm cộng sản:
Vui miệng, Phan Trung Chánh kể: “Sở dĩ sau khi Diệm – Nhu đã bị giết mà anh vẫn còn bị giam, là do tụi Cần Lao Nhân Vị của Ngô Đình Nhu còn lại trong bộ máy cảnh sát, chung ém hồ sơ của anh lại, tuyên truyền anh là cộng sản và tính chuyện thủ tiêu anh”.
Như vậy sao có thể nhận định rằng ông đã thành công trong việc lừa địch?

Báo chí khen rằng loạt đạn thứ hai của Hà Minh Trí (những lời khai của ông sau khi bị bắt) làm điên đảo chính trường Sài Gòn, thay đổi lịch sử... Trên thực tế tác dụng của loạt đạn đó chậm đến mức khó hiểu.

Mai Hữu Xuân, với tư cách là người chỉ huy nha an ninh quân đội, để cho phát súng trên cao nguyên nổ ra là đủ mất đầu rồi, không cần phải đợi ai trưng ra bằng chứng cho thấy ông ta tổ chức hay dính líu với những người tổ chức vụ mưu sát. Đổ tội cho Mai Hữu Xuân là thừa. Thế nhưng đến đầu năm 1958, tức là gần một năm sau đó, Mai Hữu Xuân mới phải giao nha an ninh quân đội cho Đỗ Mậu. Ngay khi nghe Hà Minh Trí khai, Ngô Đình Nhu đã tái mặt rồi, nhưng phải cả năm sau mới cách chức Mai Hữu Xuân, phản ứng chậm chạp đến mức ngớ ngẩn.

Luật sư Nguyễn Hữu Châu, nhờ vợ là Trần Lệ Chi mật báo nguy hiểm, đã rời bỏ chức vụ Bộ trưởng trốn sang Campuchia, rồi qua Pháp. Vì sao bộ trưởng phủ tổng thống Nguyễn Hữu Châu vẫn yên tâm công tác cả năm trời sau phát súng trên cao nguyên rồi mới gặp nguy hiểm? Tài liệu dưới đây hơi dài nhưng nói có sách, mách có chứng, cho thấy Nguyễn Hữu Châu không trúng miểng đạn nào của Hà Minh Trí:
Nguyễn Hữu Châu (1920-)
 Sinh ngày 5/8/1920. 1942: Luật sư. Lấy con gái Trần Văn Chương, Lệ Chi (chị của Lệ Xuân). 6/3/1956: Ðắc cử dân biểu quận I Sài Gòn. 5/1957: Bộ trưởng Phủ Tổng Thống, Bộ trưởng Nội Vụ; tháp tùng Diệm qua Mỹ.
12/1957: Trần Thị Lệ Xuân đề xướng Luật Gia Ðình (1/59), mà có người cho là chỉ có mục đích ngăn cản cuộc ly dị của chị gái Xuân, Trần Thị Lệ Chi, ngoại tình với một người Pháp [Etienne Oggeri] nhưng vẫn ham muốn gia tài của nhà chồng, tức Luật sư Nguyễn Hữu Châu.
 25/2/1958: Nguyễn Hữu Châu gặp Ðại sứ  Durbrow, cho biết chiều đó  đã xin Diệm cho từ chức Bộ trưởng Nội vụ. Diệm cử Lâm Lễ Trinh lên thay. Lý do từ chức của Châu:
   - Cá nhân: Ly dị vợ  và rắc rối về Luật Gia Ðình.
   - Diệm đang mất dần sự  ủng hộ của dân chúng (FRUS, 1958-1960, I:15-16).
 29/3/1958: Nguyễn Hữu Châu chính thức xin từ  chức. Theo XLTV Ðại sứ Mỹ, Howard Elting, có 3 lý do khiến Châu từ chức: âm mưu trả thù việc Châu quyết định xin ly dị Lệ Chi (đang ngoại tình); âm mưu trả thù của Ðảng Cần Lao; và, phản đối một chế độ ngày thêm độc tài. (FRUS, 1958-1960, I:30) Sau đó, vượt biên qua Miên, rồi lưu vong tại Pháp.
 22/12/1958: Châu gặp nhân viên sứ quán Mỹ  tại Paris lần thứ hai.
 Khẳng định không hề là “vòng bên trong”  của gia đình họ Ngô. Anh em họ  Ngô là những người được chim bẻ ná. [once you’ve shot the bird, there no more need for the slingshot]. Từ giữa năm 1957, bắt đầu bị thất sủng. Từ tháng 7/1957, sau khi Châu muốn ly dị vợ, trở thành mục tiêu hạ nhục của Ðảng Cần Lao. Từ đầu năm 1958, mất hết quyền lực, chỉ còn là một công chức. Nguyễn Công Viên, hiện là Ðại sứ tại Ðài Bắc, bị mất chức vì chống lại việc cấp giấy phép khai thác lâm sản dài theo lộ 20, đụng chạm với tay chân Ngô Ðình Thục. Năm 1956, Hoàng Hưng, cho Châu xem văn khế mua một ngôi villa gần Sở Thú mà PTCMQG tặng cho Ngô Ðình Diệm. giá 6 triệu MK. Theo đề nghị của Châu, villa này sau đứng tên Ngô Ðình Thục. Ðể che dấu sự thực, Châu dàn xếp cho một người mang tiền từ Huế vào trả cho chủ villa người Pháp. [115] PTCMQG cũng mua tặng vợ chồng Nhu một villa trên đường Miche. Việc tu sửa nghĩa trang gia đình và dinh thự ở Huế cũng nhờ những quà tặng kiểu này. Không biết Nguyễn Văn Bửu. Theo Châu, Diệm cho phép thuộc hạ làm những điều trái đạo đức. Các đảng viên Cần Lao phải làm lễ tuyên hứa trung thành với Diệm và Nhu. Ðảng viên hành xử như do thám tại các tòa Ðại sứ, như Trung tá Trần Văn Tung ở Pháp, hay một viên chức trẻ ở Oat-shinh-tân. Tại Sài Gòn, những người có nhiệm vụ tiếp xúc với Mỹ bị bí mật theo dõi. Vì thế Châu không bao giờ dám mời Tướng Williams đến nhà. Cẩn và Nhu là những người dám móc nối CS để duy trì quyền lực. Châu không hiểu tại sao Mỹ tiếp tục đổ viện trợ vào một xứ đã sử dụng viện trợ một cách bê bối như Nam Việt Nam. (FRUS, 1958-1960, I:114-117). 
Những dòng trên đây chưa hẳn đã đúng sự thật, nhưng người viết dẫu sao cũng cố tạo ra một dáng dấp khả tín với những sự kiện có ngày tháng, tên tuổi, địa chỉ văn khố để người đọc có thể kiểm tra. Cách làm này rất khác với kiểu khai thành tích của Hà Minh Trí.


Loạt đạn thứ hai của Hà Minh Trí còn bay chậm hơn, thậm chí bắn ngược dòng thời gian trong trường hợp Dương Văn Minh. Ông Minh đã giữ chức tổng thư ký thường trực bộ quốc phòng từ năm 1956 (trước khi Hà Minh Trí bắn loạt đạn thứ nhất) đến năm 1958 (giao lại cho Dương Văn Đức), không cần đợi loạt đạn thứ hai của Trí bắn ông văng sang chức vụ đó. Trước phát súng trên cao nguyên của Hà Minh trí chưa đầy một tháng, Dương Văn Minh lại được thăng trung tướng. Tại sao Cao Đài phải bắt tay với Dương Văn Minh để mưu sát người vừa gắn thêm sao cho Dương Văn Minh?  Sau phát súng trên cao nguyên tướng Minh còn được giao bộ tư lệnh hành quân (tháng 7 năm 1957). Đến tháng 12 năm 1962 bộ tư lệnh này bị giải thể, tướng Minh lãnh chức cố vấn quân sự phủ Tổng thống. Đây mới là chức vụ ngồi chơi xơi nước. Hóa ra loạt đạn thứ hai của Hà Minh Trí lại tranh công với cục địch vận của ta:
Dương Văn Minh được ta vận động từ năm 1962, ngoài binh vận, các cánh tình báo và trí vận Sài Gòn cũng có người quan hệ. Cục Địch vận - Tổng cục Chính trị đào tạo người em ruột của Dương Văn Minh là ông Dương Thanh Nhựt (Mười Ty).
Ông Nhựt được Thường vụ Trung ương Cục, trực tiếp là Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh và Thường vụ Trung ương Cục Trần Nam Trung (bí danh Hai Hậu, Năm Nga) chỉ đạo tiếp cận Dương Văn Minh nhiều lần ở Sài Gòn và ở nước ngoài. 
Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chẳng ai buồn lôi Hà Minh Trí ra hỏi lại một câu về loạt đạn thứ hai. Thế là thế nào? Vì đó chẳng qua chỉ là một loạt đạn vu vơ. Cả những người ra lệnh cho ông bắn thêm loạt đạn đó cũng thừa biết nó vu vơ, ngây ngô, ngớ ngẩn. Lẽ ra nó không ngớ ngẩn đến thế nếu Hà Minh Trí làm đúng lời dặn của Mai Chí Thọ, tạm cho là lời dặn này có thật, là chỉ đổ tội cho một mình Mai Hữu Xuân. Nhưng ông lại khai tuốt luốt nhiều cái tên khác thành ra ai cũng lạ về chuyện một sát thủ 22 tuổi, gần như thất học lại biết nhiều đến thế. Đợi đến nửa thế kỷ sau, bằng cách tráo đầu lộn đuôi các ngày tháng, sự kiện, nhân vật... các tướng lĩnh công an của ta như Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm,  Trần Quốc Hương bỗng tạo ra sức công phá mãnh liệt cho loạt đạn thứ hai. Lúc đó đương nhiên phải phong anh hùng cho Hà Minh Trí.

Không có những thành tích vẽ vời cho loạt đạn thứ hai, hành động của Hà Minh Trí có giá trị gì không? Vẫn có.

Phiên bản chính thức hiện nay của huyền thoại Hà Minh Trí kể rằng ông nhận lệnh trực tiếp từ Mai Chí Thọ. Trên nữa là ai chúng ta chưa được biết / biết được mặc dù ta có thể thả trí tưởng tượng bay bổng đến tận xứ ủy Nam Bộ hay xa hơn nữa. Việc để Mai Chí Thọ đứng ra nhận trách nhiệm (dù hơi muộn màng) vừa để phủ nhận sạch trơn sự can dự của các thành phần khác (Cao Đài chẳng hạn) vào phát súng trên cao nguyên, vừa khéo léo nâng cao uy tín của ông Mai Chí Thọ (và những người ủng hộ ông), đã lách được lệnh cấm của trung ương, không vi phạm kỷ luật của đảng mà vẫn đấu súng được với kẻ địch. Nếu cộng sản (chưa biết là tỉnh ủy Tây Ninh hay xứ ủy Nam Bộ) có dính líu (ít nhiều khoan bàn) vào vụ mưu sát, chỉ thị bắn loạt đạn thứ hai là cần thiết và tác dụng của loạt đạn đó hoàn toàn không phải là ly gián nội bộ địch mà chỉ là bảo vệ tổ chức của ta và quan trọng hơn nữa là bảo vệ cấp trên của ta khỏi bị cấp trên nữa thi hành kỷ luật.

Nhưng muốn quy công hoàn toàn cho tổ chức của ta không phải là dễ. Ta tạm tin ông Hà Minh Trí là người rất can đảm, chịu đựng tra tấn, giữ an toàn cho cơ sở, nhưng ta không thể hiểu tại sao một người can đảm như vậy lại khai ra Mai Hữu Xuân, Dương Văn Minh và một lô một lốc các cớm kẹ khác trong khi không đưa ra bằng chứng nào về việc họ giao súng đạn cho ông, dẫn ông vào hội chợ. Chúng ta ngày nay và kẻ địch khi xưa không biết ai đưa ông vào hội chợ với một khẩu tiểu liên, mấy chục viên đạn nặng hơn 4kg và bằng cách nào. 

Ông nói mình chun lỗ chó:
Anh đi lòng vòng xung quanh tường rào hội chợ thì phát hiện một cái lỗ vừa đủ một người chui lọt nằm ngay sát trụ sở của trung đoàn 60 nên cảnh sát chủ quan không canh gác, cái lỗ này là chỗ bí mật của bọn trẻ con bán cà rem thường chui. Trí chui theo những đứa trẻ bán cà rem kia vào tới nơi thì cũng là lúc đoàn xe tháp tùng Ngô Tổng thống vào tới cổng.

Chuyện anh Trí kể hoàn toàn có thể xảy ra nhưng hình ảnh một thương gia ăn mặc bảnh bao chui lỗ chó theo bọn trẻ bán cà rem mà không gây chút nghi ngờ gì cho ai thì lực lượng bảo vệ của địch quả là rất kém. Có điều nếu ngày hôm đó Trời Phật không phù hộ Hà Minh Trí tìm ra cái lỗ đó thì tráng sĩ Kinh Kha ra về tay không à? Để cho kế hoạch có chút khả năng tối thiểu, ông phải tìm cho ra một cái lỗ như vậy, thậm chí là hai, ba cái trong quá trình chuẩn bị mục tiêu, như ta có thể đọc được ở một lần kể chuyện khác:
Quá trình điều tra, nắm tình hình, ông phát hiện khu vực hàng rào hội chợ giáp với Trung đoàn 60 có 2 lỗ hở có thể chui vào được. 
Ai đã trổ sẵn (những) cái lỗ đó? Hay (những) cái lỗ đó chỉ tình cờ được phát hiện năm mươi năm sau để khỏi phải trả công cho (những) người đã đưa sát thủ và súng đạn vào tận nơi, đứng ngay trước mặt tổng thống, đàng hoàng ngắm bắn? Hai trung sĩ trung đoàn 60 từng quen biết với ông hồi ở lính Cao Đài đâu rồi? Họ tên gì?

Có chỗ thì Hà Minh Trí (tức Đinh Dũng) kể:
Một thuận lợi là Trung đoàn 60 bảo vệ Diệm vòng ngoài trong đó có rất nhiều lính Cao Đài sáp nhập vào. Chính nhờ những cơ sở này mà Đinh Dũng đã mang được súng vào tận vòng trong.
Chỗ khác lại kể:
Nhờ một người quen từng là lính Cao Đài tham gia Trung đoàn 60 bảo vệ hội chợ, Đinh Dũng đã nắm khá đầy đủ các chi tiết liên quan tới hội chợ, kể cả kế hoạch bảo vệ Ngô Đình Diệm và các quan chức trong lễ khai mạc. Cũng nhờ người quen này, Đinh Dũng đã mang được súng vào tận sân lễ, mặc dù ban tổ chức chỉ cho phép các quan chức, chính quyền sở tại cùng một ít thương gia tham dự lễ khai mạc, sau đó hội chợ mới chính thức mở cửa cho dân vào tham quan.

Đoạn này lại càng khác biệt rõ rệt với chuyện cái lỗ và bọn trẻ bán cà rem:
Người quen là lính Trung đoàn 60 bảo vệ hội chợ đã đón Hà Minh Trí tại cổng hội chợ và người thương gia Tây Ninh đã không mấy khó khăn qua được vòng bảo vệ bên ngoài, rồi vòng bảo vệ bên trong, có mặt tại sân lễ bên cạnh những quan chức, giới thương gia và dày đặc lực lượng quân cảnh bảo vệ.

Chuyện cái lỗ và bọn trẻ bán cà rem lại mâu thuẫn với việc cấp trên không cho ông dùng lựu đạn:
Khi lập kế hoạch, ông đã đề xuất sử dụng lựu đạn nhưng cấp trên kiên quyết không đồng ý vì sợ sát thương người dân vô tội, mặc dù, ông khẳng định rằng, khi khai mạc hội chợ, người dân chưa được phép vào sân lễ mà chỉ có lực lượng cán bộ của chính quyền Diệm. Rất lâu sau này, ông Mười Thương mới hiểu lý do cấp trên không cho sử dụng lựu đạn, vì thời điểm ấy, lúc nào bên cạnh Diệm cũng có một sĩ quan tham  mưu Biệt bộ Phủ tổng thống kè sát. Đó là ông Phạm Ngọc Thảo, một tình báo của ta cấy vào hàng ngũ địch. Nếu sử dụng lựu đạn thì Diệm chết chắc nhưng ông Phạm Ngọc Thảo cũng sẽ hy sinh.

Câu chuyện này thật thà, ngây ngô, hoàn toàn bất lợi cho hình ảnh của cách mạng. Mạng của dân quý hơn hay mạng của ông Thảo quý hơn? Mạng của ông Trí không quý bằng mạng của ông Thảo ư? Tại sao ta sẵn sàng thí mạng ông Trí mà không chấp nhận được việc ông Thảo hy sinh? Đổi thêm một mạng nữa để giết được một kẻ thù như ông Diệm không phải là lãi to sao? Mạng của ông Thảo (và mạng của dân) quý thế, tại sao mấy năm sau (ngày 26/11/1961) tỉnh ủy Kiến Hòa lại thảy lựu đạn toan giết ông (có cả dân thường ở đó)?
Vậy thật ra ai là người đáng được bảo toàn mạng sống trong ngày 22-02-1957 đó? Vợ con của lính Cao Đài ? Bản thân những người lính Cao Đài có mặt trong buổi lễ đó không? Trong số quan chức tháp tùng Ngô Đình Diệm, còn ai (không kể Phạm Ngọc Thảo) ăn ở hai lòng?

Kế hoạch ám sát tưởng như không hoàn hảo (vì khả năng tiêu diệt mục tiêu gần như bằng không) quả thật là một kế hoạch không hoàn hảo chút nào (vì mục tiêu không bị diệt, sát thủ bị bắt, có nguy cơ làm lộ tổ chức), nói trắng ra là thất bại. Nếu những người cộng sản ở miền Nam có dự phần trong kế hoạch này, ta gần như có thể chắc chắn rằng họ không nắm được / được nắm toàn bộ các khâu chủ trương, thiết kế, tổ chức và thi hành kế hoạch. Suốt một thời gian dài họ chẳng mặn mà gì với ý tưởng nhận trách nhiệm hoàn toàn về vụ ám sát đó, để cho Cao Đài gánh mọi điều tiếng. Cho đến một ngày:

Nhận định về giá trị của phát súng và lời khai đó đối với lịch sử của đất nước, năm 1992, tại TP HCM, Viện Khoa học Lịch sử Bộ Công an và một số tướng lĩnh nguyên lãnh đạo Ban Địch tình Xứ ủy như đồng chí Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Trần Quốc Hương, Ngô Quang Nghĩa, Nguyễn Thành Dương đã tổ chức kết luận: "Viên đạn nóng diệt Diệm tại Ban Mê Thuột tuy không trúng Diệm nhưng có tác dụng làm phát pháo kích thích phong trào quần chúng đấu tranh chống Mỹ - Diệm sau một thời gian trầm lắng. Tác dụng của lời khai đã tạo thành kết quả, dẫn đến nội bộ địch mâu thuẫn kéo dài tạo cơ hội nổ ra cuộc đảo chính và Diệm - Nhu bị giết chết, đầu não của ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam bị khủng hoảng tạo lợi thế cho phong trào cách mạng, góp phần dẫn đến thắng lợi 1975, thống nhất đất nước"

Sau đó huyền thoại Mười Thương / Hà Minh Trí được cấp tốcdựng lên cho phù hợp với nhận định trên. Các nhà khoa học lịch sử công an vội đến nỗi không kịp đọc lại những gì họ viết.

SỰ NGHIỆP KHOA HỌC CỦA GIÁO SƯ TRƯƠNG TỬU (Phong Lê - Văn Hóa Nghệ An)


SỰ NGHIỆP KHOA HỌC CỦA GIÁO SƯ TRƯƠNG TỬU

  •   PHONG LÊ
  • Thứ năm, 21 Tháng 11 2013 19:35
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Sự nghiệp khoa học của giáo sư Trương Tửu
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Trương Tửu qua tiểu thuyết Một chiến sĩ (1938), và công trình nghiên cứu Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1943)(1). Cuốn tiểu thuyết tôi không thích lắm vì quá nhiều lý sự và văn hơi khô. Tôi thích cuốn sau hơn. Cách thức gắn trực tiếp văn học với xã hội học và triết học duy vật quả đã đem lại nhiều kết luận mới mẻ, khác lạ, khiến cho Trương Tửu (dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa) trở thành đại diện cho một khuynh hướng mới trong nghiên cứu- phê bình văn học lúc đương thời; và về sau sẽ có người tổng kết và nâng lên thành một khuynh hướng - đó làkhuynh hướng khoa học.
Tiếp đó, đọc Nguyễn Du và “Truyện Kiều” (1943), và Văn chương “Truyện Kiều” (1944) thì có phần bị “sốc” bởi, với Nguyễn Bách Khoa, lần đầu tiên tôi được nghe những kết luận về Nguyễn Du và Truyện Kiều khác với những gì tôi đã được nghe, và tự mình cảm nhận: “Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh” (tr.236) (...) “Bằng Truyện Kiều, với tất cả cái hay và cái hỏng của nó, với tất cả cái chân thực và cái bất luận lý của nó, Nguyễn Du đã đánh dấu được cá tính mình, thân thế mình, đẳng cấp mình, thời đại mình, về cả ba phương diện: sinh hoạt, tư tưởng và tâm lý.
Đó là một sinh hoạt cằn cỗi và sáo loạn, một tư tưởng nhát hèn và uỷ mị, một tâm lý tuỳ thời và ích kỷ. Truyện Kiều là kết tinh của ba yếu tố suy đồi ấy” (tr.339). “Truyện Kiều chỉ là kết tinh của những cái suy nhược trong cốt tính Việt Nam. Đầu tiên là cái uỷ mị (...) Sau cái uỷ mị là cái hèn (...) Sau cái hèn là cái trốn tránh” (tr.340-341). “Truyện Kiều là một thứ văn chương đã ở một vị trí phản tiến hoá lúc đương thời của Nguyễn Du. Nó chứa chan một chất tàn héo, tiêu ma (chất thơ). Nó là kết tinh tinh thần của một chặng đường suy đồi nhất trên tràng kỳ tiến hoá của cá tính Việt Nam. Cái đẹp của Truyện Kiều ngày nay chỉ những tâm hồn muốn thụt lùi mới có thể thưởng ngoạn được...” (tr.416). Những kết luận như thế, và còn nhiều nữa trong phân tích, bình luận Nguyễn Du ở hai công trình viết trước 1945, theo tác giả là kết quả của “những cố gắng áp dụng óc khoa học trong công việc nghiên cứu”, là do “đã làm hết nghĩa vụ một nhà phê bình vẫn tôn thờ khoa học” (tr.340).
Tất nhiên sẽ có nhiều người không đồng tình, thậm chí phản ứng gay gắt với nội dung phê bình của Trương Tửu, như Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đinh Gia Trinh... Nhưng vấn đề rồi sẽ trở nên trầm trọng hơn, và vượt ra khỏi giới hạn của phê bình văn chương, khi Trương Tửu (trong bút danh mới là Nguyễn Bách Khoa) sáng lập và chủ trì các hoạt động của Nhà xuất bản Hàn Thuyên từ 1941 đến 1946, không kể trước đó khi ông là chủ bút báo Quốc gia. Một nhà xuất bản tuy có in Đặng Thai Mai, Nguyễn Đổng Chi... nhưng chủ yếu là địa chỉ hoạt động của một số người thuộc nhóm Tơrôtxkit như Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tế Mỹ, Lương Đức Thiệp... chủ trương cách mạng thường trực theo đường lối tả khuynh của Tơrôtxky, chống lại Đệ tam quốc tế của Stalin. Và như vậy là họ đi khác, đi ngược với đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh: về chính trị là chủ trương đoàn kết toàn dân và tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ; và về văn hoá là thực hiện ba phương châm: Dân tộc hoá, Đại chúng hoá, Khoa học hoá như được nêu trongĐề cương về văn hoá Việt Nam, năm 1943.
Tất cả những nhận thức này, phải về sau, khi vào Đại học, rồi vào nghề ở Viện Văn học tôi mới được tiếp cận. Điều đáng lưu ý: sự phê phán đối với nhóm Hàn Thuyên là rất gay gắt, và được phát ra từ chính Đảng Cộng sản Đông Dương và những người thay mặt Đảng. Xin dẫn một vài đoạn. Trong Đề cương về văn hoá Việt Nam - 1943: “... phải kịch liệt chống những xu hướng văn hoá bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hoá quá trớn của bọn Tơrôtxkit”. Tiếp đó, trong bài Mấy nguyên tắc của cuộc vận động văn hoá mới Việt Nam lúc này của Trường Chinh, nhằm giải thích Đề cương: “Gần đây các sách báo công khai năng đả động đến vấn đề văn hoá Việt Nam. Nhà Hàn Thuyên xuất bản loại sách “Tân văn hoá” và Tạp chí Văn mới - nghị luận để cổ động phong trào “tân văn hoá” một cách hăm hở. Tiếng “tân văn hoá” đã gần thành “mốt!” (...) “Nhóm Tân văn hoá Hàn Thuyên (tiểu tư sản) nhận là trọng khoa học, nhưng đã phản duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tức phản khoa học. Họ chẳng đem học thuyết duy vật tầm thường, duy vật máy móc thay cho duy vật biện chứng đó sao? Họ không đội lốt duy vật lịch sử để dễ xuyên tạc học thuyết duy vật lịch sử của Mác đó sao? (...) Họ coi thường khẩu hiệu dân tộc hoá đến nỗi dám gắn chiêu bài “duy vật sử quan” để xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam và do đó bôi nhọ học thuyết “duy vật sử quan” (coi cuốn Hai Bà Trưng khởi nghĩacủa Nguyễn Tế Mỹ, Hàn Thuyên xuất bản, 1941). Đáng lẽ phải tập trung mọi lực lượng văn hoá Việt Nam thành một mặt trận văn hoá đặng chống lại văn hoá ngu dân, văn hoá thoái hoá và trung cổ của bọn phát xít, chống thủ đoạn xâm lấn nguy hiểm của văn hoá Nhật thì họ lại chia rẽ mặt trận văn hoá của dân tộc ta và bởi thế họ đã vô tình hay cố ý làm lợi cho lũ giặc nước. Thật thế, tại sao họ lại chĩa ngọn lửa đấu tranh văn hoá vào các người văn hoá dân dân tộc (Tri tân, Thanh nghị) trong khi quyền lợi sinh tử của dân tộc bắt phải liên minh thân thiện với các người văn hoá ấy đặng chĩa ngọn lửa đấu tranh văn hoá vào phát xít Nhật-Pháp? Cái chiêu bài “Tân văn hoá” của nhà Hàn Thuyên ở đó một số Tơrôtxkit đang hoành hành chẳng đáng ngờ lắm sao?”(1).
Vấn đề càng tiếp tục tính chất nghiêm trọng của nó, khi Trương Tửu đề xuất chủ trương Tân văn hoá, và công bốTương lai văn nghệ Việt Nam(2) ngay sau khi cách mạng thành công, với một quan niệm và một chương trình hành động bị chính những người thay mặt Đảng và thay mặt Hội văn hoá cứu quốc phê phán kịch liệt. Với Trương Tửu, tương lai văn nghệ Việt Nam phải được xây dựng trên 4 yếu tố. Đó là: Cách mạng - Quần chúng - Xã hội chủ nghĩa - Khoa học. Bốn yếu tố dường như là để tạo đối trọng với Ba phương châm: Dân tộc - Đại chúng - Khoa học của Đề cương về văn hoá Việt Nam - 1943. Với Đề cương..., phương châm Dân tộc hoá được đặt ở vị trí số 1 để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nhằm giành cho được mục tiêu cuối cùng, là độc lập dân tộc. Trong khi đó, 4 yếu tố của Tương lai văn nghệ Việt Nam, không có yếu tố dân tộc; vị trí của dân tộc được thay bằng cách mạng; với sự bổ sung: yếu tố xã hội chủ nghĩa; còn quần chúng (hoặc đại chúng) và khoa học thì có cùng tên gọi nhưng cách giải thích là khác nhau. Và như vậy, sự lảng tránh dân tộc hoá, và sự cổ động cho cách mạng, không phải cách mạng dân tộc dân chủ mà là cách mạng xã hội chủ nghĩa, ở thời điểm 1945, là khớp với chủ trương giải phóng giai cấp và cách mạng thường trực của nhóm Tơrôtxkit có lịch sử hoạt động từ hồi đầu Mặt trận Dân chủ Đông Dương; còn việc Trương Tửu có là đồng chí với các thành viên Tơrôtxkit trong nhóm Hàn Thuyên hay không là điều tôi không được rõ.
Trở lại thời kỳ đầu sau Cách mạng tháng Tám của Trương Tửu, với chủ trương Tân văn hoá và với việc công bốTương lai văn nghệ Việt Nam. Gần như ngay lập tức Hội văn hoá cứu quốc có bài phê phán Trương Tửu, trong đó có sức nặng nhất là bài của Thanh Bình (tức Đặng Thai Mai) đăng trên 3 kỳ Tiên phong(1). Thanh Bình bác bỏ sự viển vông, không thực tế trên cả hai phương diện lý thuyết và chương trình hành động của Trương Tửu; đồng thời đi sâu phê bình một số quan niệm cụ thể của Trương Tửu về văn nghệ mà theo ông là mông lung, xa rời thực tế và có hại cho cách mạng như: “Văn nghệ là gì, nếu không phải là sự phản kháng thường xuyên đối với thực tại và hiện tại”; là phải “gieo rắc vào tâm trí mọi người chất men bất phục tùng và phản kháng” - để mượn lại ý của Anđrê Gít; là yêu cầu “văn nghệ phải đứng ra ngoài chính trị”, “sự hợp tác” giữa văn nghệ với chính trị “chỉ có thể xẩy ra một cách hãn hữu”...
Đọc lại những cuộc bàn thảo hồi này vào thời điểm ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong không khí chính trị cực kỳ căng thẳng trước mọi loại thù trong giặc ngoài và đời sống văn hoá, văn nghệ còn ngổn ngang bao nhiêu khuynh hướng, hoặc còn đang trong phân vân, chọn lựa... thì mới thấy những phê phán đối với Hàn Thuyên vào lúc này là cần thiết và kịp thời. Bởi đó là những vấn đề không còn giới hạn trong hoạt động của giới văn nghệ mà còn liên quan đến đời sống chính trị, nó là thành bại của cách mạng, là tồn vong của đất nước.
Cho đến 1948, trong Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam, Trường Chinh vẫn tiếp tục sự phê phán: “Những sách của nhà Hàn Thuyên trình bày tư tưởng xã hội dài dòng và duy vật  máy móc, xuyên tạc học thuyết Mác, đã được in ra và được thực dân Pháp lợi dụng đặng chế bớt sức mạnh tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân chủ của Việt Minh”.
Trở lại với lịch sử, và trở về Trương Tửu, bên cạnh tư chất người phê bình đại diện cho khuynh hướng khoa học - như ông tự nhận, còn có tư chất một nhà hoạt động văn hoá, và có thể, cả chính trị, khi ông chủ trương Tân văn hoá và viết Tương lai văn nghệ Việt Nam. Tức là một người có mẫn cảm về chính trị. Nhưng ở vào thời điểm căng thẳng của dân tộc sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã thiếu sáng suốt về chính trị, nên đã có lầm lạc. Việc ông phải chịu sự phê bình gay gắt trong giới nghề nghiệp và giới chính trị cũng là điều tự nhiên. Có điều, sau các vụ, việc đó, không đưa tới một xử lý nặng  nề như một số nhân vật tên tuổi khác vào lúc ấy. Đó là điều cũng nên lưu ý.
Kháng chiến chống Pháp Trương Tửu lại có tiếp một thời kỳ sôi nổi mới. Ông tham gia trong các hoạt động của Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu IV; trong Hội văn hoá và văn nghệ Việt Nam; giảng dạy ở các lớp văn hoá kháng chiến ở Thanh Hoá. Ông còn là thầy của Trường Thiếu sinh quân và của lớp Dự bị Đại học Cao cấp sư phạm - tiền thân của hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp sau này mà ông cùng với một số đồng nghiệp khác rồi sẽ được phong làm Giáo sư.
Trong kháng chiến chống Pháp, Trương Tửu viết Văn nghệ bình dân Việt Nam (1951), khảo sát văn chương trong mối quan hệ tương tác và đối lập giữa quý tộc và bình dân. Lúc này ở hậu phương Khu Bốn đang triển khai cuộc đấu tranh Giảm tô và chuẩn bị Cải cách ruộng đất, nên sự vận dụng quan điểm giai cấp ở Trương Tửu càng triệt để hơn. Theo Trương Tửu, giai cấp bình dân là gồm 7 hạng: phú nông, trung nông, bần nông, cố nông, cùng dân, thợ thủ công, buôn bán... Và phong kiến thống trị là gồm: quý tộc, quan liêu, sỹ phiệt, cường hào, phú hộ. Mỗi hạng như thế đều có tiếng nói và tìm được sự phản ánh trong văn học Bình dân. Điều này cho thấy cách nhìn của Trương Tửu lúc nào cũng thật là rành rõ và riết róng về giai cấp, hoặc giai cấp tính - theo cách ông nói.
Sau 1954, ở Trường Đại học, Trương Tửu viết tiếp hai công trình quan trọng. Đó là Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (Nxb. Xây dựng; 1956) vốn là đề tài ông theo đuổi rất say mê từ trước 1945. Và một khởi thảo, nghiêng về lý luận và phương pháp luận cho việc viết lịch sử văn học trong Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (Nxb. Xây dựng; 1958).
Đứng ở thời điểm sau 1954 khi nền giáo dục Đại học mới bắt đầu được khởi động thì hai tác phẩm trên là có những đóng góp tích cực. Khỏi phải nói, Nguyễn Du và Truyện Kiều thì bất cứ lúc nào cũng có thể là mối quan tâm của nhiều lớp người; còn lịch sử văn học thì đây chính là lúc cần một bộ sử chính thức, trước hết để cho thầy trò ở bậc Đại học dạy và học; và đã được triển khai ở hai nhóm - Nhóm Lê Quý Đôn với Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam 3 tập (1957); và Nhóm Văn Sử Địa với Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 5 tập (1957-1960); Đọc Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, thấy tri thức lịch sử văn học dân tộc của Trương Tửu là rất đáng nể trọng. Đó là sự khẳng định: bộ phận văn học viết bằng chữ Hán của cha ông vẫn nằm trong văn mạch dân tộc. Là chủ trương đưa văn học dân gian thành một  khu vực riêng để nhận diện khi viết văn học sử. Là việc xác định nội dungcổ điển cho văn học trung đại với các mốc thời gian cụ thể để có thêm tiền cổ điển và hậu cổ điển. Là cách phân kỳ văn học cho thời cận đại và hiện đại...
Còn về Truyện Kiều, sau hơn 10 năm cho sự nghiền ngẫm, ở chuyên khảo mới mang tên Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Trương Tửu có chủ ý sửa chữa và điều chỉnh những quan niệm và ý kiến một thời từng bị phê bình. Trong Lời nói đầu của sách, ông viết: “Hơn mười năm trước đây tôi đã viết và cho xuất bản cuốn Nguyễn Du và “Truyện Kiều” (1943) và cuốn Văn chương “Truyện Kiều” (1944) - ký tên Nguyễn Bách Khoa. Trong hai tập tiểu luận văn học này, tôi đã cố gắng phân tích và phê phán Truyện Kiều theo quan điểm đấu tranh giai cấp. Nhưng vì hồi ấy trình độ lý luận còn ấu trĩ, lập trường chính trị còn lệch lạc, tôi đã áp dụng phương pháp phê bình văn học mác xít một cách phiến diện, gò ép, máy móc, nên đã có những nhận định sai lầm căn bản khi tìm hiểu và phê phán tác phẩm của Nguyễn Du”.
Có được bước chuyển này, theo ông, như được viết trong Lời nói đầu sách “Truyện Kiều” và thời đại Nguyễn Dulà do “sau Cách mạng tháng Tám - 1945 (ông) được học tập thêm lý luận văn nghệ Mác - Lênin - Mao Trạch Đông”. Ngay trong câu mở đầu của Lời nói đầu ông đã dẫn một ý kiến của Mao Trạch Đông trong tư cách một “nhà lý luận văn nghệ thiên tài”. Ông còn nói rõ thêm cái nguyên cớ cụ thể, trực tiếp cho việc viết cuốn sách này là một gợi ý (hoặc một câu hỏi) của đồng chí Trường Chinh đặt ra trong một cuộc toạ đàm thân mật về Truyện Kiều mà ông được dự. Đó là, vì sao “từ bao nhiêu lâu nay nông dân Việt Nam vẫn rất thích Truyện Kiều?”. Và câu trả lời cho nó - đó chính là nội dung thâu tóm của cuốn sách, đã được ông đúc kết trong một đoạn văn in chữ đậm: “Tác giả Truyện Kiều, đứng về phía các tầng lớp nhân dân chống phong kiến ở đương thời, đã phản ánh trung thành và ca tụng nhiệt liệt một cuộc khởi nghĩa vĩ đại nhất của nông dân Việt Nam trong lịch sử - cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với tất cả những ưu và nhược điểm của nó”.
Vẫn để làm rõ thêm ý tưởng này, Trương Từu còn dẫn ra một nhận định của Lênin về L. Tonxtôi, để vận vào Nguyễn Du: “Xét rằng: toàn bộ đời sống ý thức của Nguyễn Du hình thành song song với toàn bộ quá trình thành bại của phong trào Tây Sơn; lại xét rằng: Nguyễn Du quả là một nghệ sĩ thực sự vĩ đại; vậy không có lý gì Nguyễn Du lại không phản ánh được trong tác phẩm một vài cục diện cốt yếu của phong trào Tây Sơn, mặc dầu thi sĩ đã quay lưng lại nó. Theo tôi nghĩ, nếu không nghiên cứu Nguyễn Du như một hiện tượng tâm lý phản ánh phong trào Tây Sơn thì sự thành công bền bỉ của Truyện Kiều trong nông dân Việt Nam là một điều bí ẩn không sao giải thích được”(1).
Vậy là trong công trình mới này, Trương Tửu vẫn tiếp tục vận dụng và càng quán triệt hơn sự phân tích giai cấp và quan điểm duy vật lịch sử trong tìm hiểu giá trị tác phẩm.
Lý thuyết duy vật về mối quan hệ giữa ý thức và vất chất, về thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở; về tính giai cấp như là sợi chỉ đỏ giúp ta nhận thức mọi hiện tượng của đời sống xã hội, trong đó có văn học chính là cơ sở lý luận được trình bày khá dài, trong phần Mở đầu sách Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Đối với những người đang nhập môn chủ nghĩa Mác-Lênin, đang bước đầu đi vào con đường nghiên cứu học thuật, theo phương pháp luận mácxít, lêninnít như chúng tôi - đám sinh viên hồi ấy, thì việc đọc Trương Tửu lúc này quả có phần khó nhọc, nhưng cũng thu hoạch được những điều bổ ích.
Có điều cũng cần lưu ý, trong chuyên khảo mới này về Truyện Kiều, ở Chương Lịch sử vấn đề “Truyện Kiều”, Trương Tửu lần lượt trình bày 5 loại ý kiến mà ông gọi là quan điểm. Đó là:
1. Quan điểm của phe phong kiến thống trị.
2. Quan điểm của phe nhà Nho bất mãn.
3. Quan điểm của Phạm Quỳnh và bè lũ.
4. Quan điểm của Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng.
5. Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Nguyễn Bách Khoa.
Ở loại quan điểm cuối cùng này, ông vẫn có sự khẳng định trở lại những điểm khả thủ và đắc ý trong tìm kiếm của mình qua so sánh với Hoài Thanh và Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường... Đó là “quan điểm đấu tranh giai cấp” với tất cả các khía cạnh liên quan đến nó, và với các thành tựu và ưu thế của nó; tuy vậy vẫn còn nhược điểm là: “chưa có hệ thống”, “chưa nắm chắc được quan điểm ấy, vẫn còn vướng mắc trong thuyết di truyền huyết thống tư sản và còn chịu ảnh hưởng nhiều của nhà phân tâm học Freud”(1).
Để kết luận về “cuộc xung đột ý kiến” giữa Nguyễn Bách Khoa, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường (trong đó Nguyễn bách Khoa đứng về một phía và 3 người sau đứng về một phía), tác giả cho thấy đó là “biểu hiện xu hướng phân hoá của các tầng lớp tư sản và tiểu tư sản đứng trước cuộc vận động cách mạng quyết liệt của quảng đại quần chúng cần lao (1937-1939) và của nhân dân cách mạng (1941-1945). Một bộ phận cố gắng đi theo ý thức hệ giai cấp công nhân; một bộ phận níu chặt lấy ý thức hệ của giai cấp tư sản đang khủng hoảng”(2).
Khỏi cần phải nói thêm: Nguyễn Bách Khoa là đại diện cho ý thức hệ công nhân; và những người còn lại là đại diện cho ý thức hệ của giai cấp tư sản đang khủng hoảng.
Như vậy có thể nghĩ: quan điểm giai cấp, lý luận và phương pháp luận duy vật lịch sử mà Trương Tửu mong muốn vận dụng (còn thành công hay không, và đến đâu, lại là chuyện khác) là một cái gì rất bền vững, ít có thay đổi suốt hành trình nghiên cứu của mình, mà chỉ có điều chỉnh chút ít theo biến động của thời cuộc, cho đến khi ông ngừng công việc nghiên cứu, ở tuổi ngoài 40 vào cuối thập niên 1950. Không biết, nếu ông còn tiếp tục công việc nghiên cứu thì quan điểm và phương pháp của ông có thay đổi gì không? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn, hồi kháng chiến chống Pháp, khi giảng Truyện Kiều “thầy hầu như vẫn trình bày nguyên si các luận điểm cũ của thầy Nguyễn Bách Khoa. Để cung cấp cho học sinh một cách hiểu khác, ban Giám đốc trường đã mời Thiếu tướng Nguyễn Sơn đến nói chuyện ngoại khóa về Truyện Kiều. Cuộc nói chuyện đã được tổ chức tại đình làng Sim, huyện Nông Cống, và theo thói quen của người nói, đã diễn ra suốt một ngày! Nguyễn Sơn đã điểm lại các ý kiến bình luận Truyện Kiều của Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Hoài Thanh và đã phê phán mạnh mẽ quan điểm của Nguyễn Bách Khoa. Sau cuộc nói chuyện đó, có dư luận cho là thầy Trương Tửu sẽ thôi giảng dạy ở trường, nhưng việc đó đã không xẩy ra”(2).
*
*    *
Tôi không có may  mắn được học với Giáo sư Trương Tửu dẫu từ mùa hè 1956 đã được là sinh viên năm thứ nhất Khóa I - Đại học Tổng hợp Hà Nội; đã được quen với không gian các giảng đường và Đại giảng đường 21 Lê Thánh Tông. Thậm chí còn chưa được thấy ông. Mà chỉ là được nghe, được truyền tụng và được đọc một tiểu thuyết và các công trình nghiên cứu ông viết trước và sau 1945.
Thiếu đi những kỷ niệm sống động về người, thế nhưng ấn tượng về những gì đã được đọc là rất sâu. Đọc những gì ông viết và những gì người khác viết về ông. Rồi nhớ mãi. Bởi cách viết và phương pháp viết của ông, gồm cách nghĩ, cách lập luận, cách kết luận trong từng công trình; và cách điều chỉnh, bổ sung hoặc tước bỏ trong cả hệ thống công trình, để cuối cùng vẫn là trung thành, là nhất quán với bản thân, trên hơn 25 năm sự nghiệp viết của mình. Tiếc là với sức nghĩ ấy, ông dừng lại hơi sớm, và ngừng là ngừng hẳn. Điều này có lý do trong bối cảnh thời cuộc khiến ông không thể khác; và có lẽ còn là bởi ở một quan niệm, một chủ kiến, hoặc một phương pháp luận nhất quán, ít thay đổi nơi ông. Nhưng đối với một người viết, đời nghề nghiệp ngắn hay dài không phải là điều quan trọng nhất. Với người đọc là chúng ta, và hậu thế, Giáo sư Trương Tửu vẫn đủ để lại một gương mặt trí thức rất ấn tượng trong hành trình của những tìm kiếm không ngừng nghỉ, và thực sự là không dễ dàng trong thế kỷ XX./.
Tháng 11 – 2013


(*) 18-11-1913 – 16-12-1999.
(1) Các công trình nghiên cứu của Trương Tửu dẫn trong bài này được in trong Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu phê bình; Nguyễn Hữu Sơn - Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn; Nxb. Lao động và Trung tâm văn hoá Đông Tây ấn hành; H.; 2007. Các đoạn trích ý kiến có ghi kèm số trang đều rút từ sách này.
(1) Viết ngày 23-9-1944; đăng trên Tiên phong số 2; 1-12-1945.
(2) Viết tháng 7-1945; in trong Tập san Văn mới- nghị luận số 56; 16-9-1945.
(1) Các số: 2 (1-12-1945), 3 (16-12-1945) và 6 (16-2-1946).
(1) Các trích dẫn ở trên rút từ Lời nói đầu “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du; Sách Trương Tửu Tuyển tập; các tr.419-420.
(1) Sách trên; tr.437, phần chú thích.
(2) Sách trên; tr.439.
(2) Kỷ niệm về Thầy Trương Tửu; Sách trên; tr.1074. Tham khảo thêm sách Trăm năm Nguyễn Sơn; Nxb. Lao động; H.; 2008; các trang 59-75.