Thursday 26 April 2012

Vang Bóng là gì? - Nguyễn Tuấn Cường

"VANG BÓNG" là gì?

Ghi thêm của tác giả:
Bài viết này đã đăng tại Tạp chí Ngôn ngữ, số 6/2011, tr. 46-55.
Ban Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ đã sửa chữa cách dẫn nguồn tài liệu trong bài viết theo quy định củaTạp chí, đây cũng chính là quy định trích dẫn rất oái ăm của Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng cho Luận văn, Luận án. Trong bài này, tôi trích dẫn theo “kiểu Mĩ”, tức là dẫn “(tên tác giả, năm xuất bản, trang)”, ví dụ: (An Chi, 2005, tr. 81), nếu đã nói tên tác giả rồi thì chỉ dẫn năm xuất bản và số trang. Ban Biên tập sửa theo “kiểu Nga cũ”, tức là “[số thứ tự tài liệu, trang]”, ví dụ: [1, 81], mà cũng không sửa hết cho thống nhất, nên chỗ sửa chỗ không, dẫn đến tình trạng lộn xộn, “số” chú thích trong phần chính văn không tương ứng với “số” trong phần chú thích. Tác giả bài viết không được thông báo trước về sự sửa chữa này.
Trong bản đăng ở blog này, do có một số chữ Nôm có thể không hiển thị được trên nhiều máy tính không có font chữ, nên những đoạn có chữ Nôm sẽ được cắt ra dưới dạng ảnh, click vào ảnh để phóng to. Toàn bản PDF: http://www.mediafire.com/?zceomr9b1du9x79. Bản điện tử này là bản chính thức. 

Chân thành cảm ơn học giả An Chi và bạn Cao Việt Dũng đã đọc góp ý bản thảo bài viết! Dù cho một số quan điểm trong bài viết này mâu thuẫn với quan điểm của học giả An Chi, nhưng nếu không được gợi ý từ những bài viết của Ông, thì cũng không thể có bài viết này.

Hà Nội, 8/8/2011
NTC
-------------


TIẾNG VANG VÀ CÁI BÓNG:
KHẢO LUẬN NHAN ĐỀ “VANG BÓNG MỘT THỜI CỦA NGUYỄN TUÂN
(qua ngữ liệu chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ)[i]
ThS. Nguyễn Tuấn Cường
(GV. Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội)

I. Nhìn lại các quan điểm về “vang bóng”
Tác phẩm Vang bóng một thời (1940) của Nguyễn Tuân (1910-1987) khiến người ta phải chú ý từ cái nhan đề trở đi. Chẳng vậy mà đã có nhiều lời bàn đi luận lại lại về cách hiểu nhan đề này, tập trung chủ yếu vào giải nghĩa từ tổ “vang bóng”. Tựu trung có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: “vang bóng” là từ tổ danh từ ghép đẳng lập giữa hai danh từ “vang” (tiếng vang) và “bóng” (cái bóng). Nhiều độc giả của Nguyễn Tuân giữ quan điểm này, như trong các câu hỏi của độc giả cho mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tờ Kiến thức ngày nay (An Chi, 2005).
Xin lưu ý, ngoài trường hợp mà Nguyễn Tuân dùng “vang bóng” làm nhan đề tác phẩm, còn ít nhất ba trường hợp khác cũng dùng “vang, bóng” mà nhiều người đã chỉ ra: Nguyễn Tuân viết “vang và bóng ngày kí vãng” (Một chuyến đi, 1938); Vũ Ngọc Phan viết: “cái tiếng vang của thời đã qua, cái bóng của thời đã qua” (Nhà văn hiện đại, 1942-1945); Vương Trí Nhàn viết: “tìm lại vang và bóng” (Vang và bóng, biết tìm đâu, 1997)[ii]. Ba trường hợp trên đây đều sử dụng “vang” và “bóng” với tư cách danh từ, tất nhiên trong hai trường hợp dưới thì Vũ Ngọc Phan và Vương Trí Nhàn đều chịu ảnh hưởng của cách dùng từ của Nguyễn Tuân.
Quan điểm thứ hai: “vang bóng” là từ tổ vị từ (động từ) ghép chính phụ giữa một vị từ (vang) và một danh từ (bóng), về mặt thành phần cú pháp thì “vang bóng” cũng có cấu trúc giống hệt “nổi tiếng”. Học giả An Chi là người chủ trương quan điểm này một cách riết róng. Quan điểm của An Chi được đăng trên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của tờ Kiến thức ngày nay (rải rác các năm 1997-1998)[iii] trong tư thế tranh luận với các độc giả chủ trương quan điểm thứ nhất kể trên, sau đó cuộc tranh luận này được in lại trong cuốn Chuyện Đông chuyện Tây (tập III, NXB Trẻ, 2005)[iv]. Xin trích lược một số đoạn quan trọng trong các lập luận của An Chi:
- “Từ ‘vang’ chưa bao giờ là một danh từ”, “Vả lại khi nói đến ‘vang bóng’, người ta vẫn cảm nhận được rằng ‘vang’ là từ chính – và là một vị từ – còn ‘bóng’ là từ phụ thêm nghĩa cho nó để tạo ra một từ tổ vị từ, và rằng về mặt thành phần cú pháp thì vang bóng cũng có cấu trúc giống hệt nổi tiếng” (2005, tr. 62).
- “Nhưng như đã nói ở trên, ‘vang’ chưa bao giờ là danh từ, vì vậy mà tất nhiên trong ‘vang bóng’ nó cũng không thể là danh từ được. Do đó không thể xem ‘vang bóng’ là một từ tổ ghép đẳng lập” (2005, tr. 115).
- “Còn sự thật thì bóng dứt khoát là danh từ chứ không phải động từ, cũng như vang dứt khoát là động từ chứ không phải danh từ cho nên vang bóng chỉ có thể là một từ tổ động từ, nghĩa là một từ tổ vị từ mà thôi” (2005, tr. 115-116).
- “Dù biệt tài sử dụng từ ngữ của Nguyễn Tuân có cao siêu đến đâu, nhà văn này cũng không thể nào tạo ra một từ tổ ‘đẳng lập’ mà lại gồm có một vị từ (vang) và một danh từ (bóng), nghĩa là gồm có hai tiếng thuộc hai từ loại khác nhau vì hiện tượng này trái hẳn với quy tắc của tiếng Việt” (2005, tr. 81).
- “Vậy chẳng có lẽ Nguyễn Tuân lại không có quyền nói ‘vang bóng’ để dùng vị từ vang theo ẩn dụ mà chỉ sự diễn tiến kéo dài và lan rộng của sự việc này sự việc khác trong thời gian và trong không gian, nhất là khi mà ông lại là nhà văn nổi tiếng về cách dùng từ độc đáo” (2005, tr. 63).
- “Xin thưa rằng lỗi ở đây không tại người đọc mà tại chính nhà văn vì ông đã dùng từ ngữ không đúng với quy tắc của ngữ pháp”. “… chỉ xin nhấn mạnh rằng riêng trong trường hợp này[v] thì Nguyễn Tuân đã viết sai ngữ pháp còn Vũ Ngọc Phan thì lại bất chấp ngữ pháp khi diễn ý như trên[vi]” (2005, tr. 116).
- “Vậy vang bóng một thời là đã từng có một thời vàng son huy hoàng nay đã qua đi” (2005, tr. 117).
Phần trích dẫn trên có lẽ hơi dài dòng, nhưng mục đích là để nhấn mạnh tới những lập luận rành mạch và cả quyết của tác giả An Chi. Tóm lại, quan điểm của An Chi có thể lược thuật như sau:
- “Vang bóng” là sáng tạo của Nguyễn Tuân về cách dùng từ tiếng Việt. Đây thật ra là một quan điểm chung của nhiều người, chứ không riêng gì An Chi.
- “Vang bóng” là từ tổ vị từ + danh từ, “vang” chưa bao giờ là danh từ.
- “Vang bóng một thời” nghĩa là đã từng có một thời vàng son huy hoàng nay đã qua đi.
Hai bên tranh luận hầu như chỉ dựa vào cảm nhận ngôn ngữ của người ngày nay để luận giải nhan đề Vang bóng một thời, tác phẩm tính đến nay đã có 70 năm tuổi đời; thảng hoặc cũng có người trích được đôi ba văn cảnh của bản thân Nguyễn Tuân hay một vài người cùng hoặc sau thời ông (Vũ Ngọc Phan, Vương Trí Nhàn) có sử dụng “vang, bóng” nhưng dường như còn chưa đủ để giải nghĩa nhan đề này, bởi trong lập luận của họ, tính lịch sử của ngôn ngữ đã không được coi trọng đúng mức.
Bài viết này chủ trương khảo nguồn ngữ liệu tiếng Việt xưa nay có liên quan đến “vang bóng”, đặc biệt là nguồn ngữ liệu trước thời và cùng thời Nguyễn Tuân viết Vang bóng một thời (1940), để từ đó luận về những vấn đề sau:
- Về ngữ nguyên: có phải Nguyễn Tuân là người đầu tiên tạo ra từ tổ “vang bóng”?
- Về ngữ pháp: cấu tạo từ của “vang bóng” như thế nào?
- Về ngữ nghĩa: nghĩa của “vang bóng” và “vang bóng một thời” là gì?
II. Khảo cứu ngữ liệu chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ
Ngoài những ngữ liệu mà các bên tranh luận đã đưa ra như trên, bài viết này sẽ cung cấp thêm ngữ liệu hữu quan từ 9 văn bản, trong đó có 4 văn bản chữ Hán – Nôm niên đại từ khoảng thế kỉ XVI đến thế kỉ XX, và 5 văn bản chữ Quốc ngữ ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, tức là 9 văn bản này đều nằm trước và trong bối cảnh mà Nguyễn Tuân viết tác phẩm Vang bóng một thời (1940) nổi tiếng của mình. Riêng các tư liệu chữ Hán Nôm sẽ được chụp ảnh nguyên bản để minh họa.
1. Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú 傳奇漫錄增補解音集注
            Tư liệu đầu tiên là một bản dịch cổ từ Hán sang Nôm, cuốn Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chúmà giới nghiên cứu vẫn quen gọi là Truyền kì mạn lục giải âm. Văn bản chữ Hán Nôm mà tôi dựa theo là văn bản được in kèm cuối bản phiên âm Quốc ngữ của Nguyễn Quang Hồng (2001). Bản giải âm này có kí hiệu sách HN.257 và HN.258 tại Thư viện Viện Văn học (Hà Nội), ván khắc năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774), nhưng theo phỏng đoán của Nguyễn Quang Hồng thì bản dịch Nôm này có thể có niên đại sớm hơn, khoảng từ cuối thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XVII (2001, tr. 11), điều đó có nghĩa là ngôn ngữ được ghi lại bằng chữ Nôm trong văn bản này phản ánh tiếng Việt quãng thế kỉ XVI-XVII, tức là cách ngày nay trên dưới 400 năm. Theo sở kiến, đây là cứ liệu sớm nhất xuất hiện “bóng vang” (mà biến thể hoán vị của nó là vang bóng”, như sẽ chứng minh ở phần sau) trong tiếng Việt, nó được dùng để dịch từ tổ “ảnh hưởng” trong Hán văn. Ngoài ra, trong văn bản còn có 2 lần dịch từ “hưởng” thành “tiếng vang”:








5. Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị (tập 1), 1895,  tr. 14, cột 1:
Ảnh hưởng: Hình bóng, tiếng vang. Phiêu phiêu ảnh hưởng thì là không thấy tăm dạng”.
6. Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển1931, tr. 7, cột 2:
Ảnh hưởng: Chính nghĩa là vang bóng. Bởi câu: Ảnh tùy hình, hưởng ứng thanh: Bóng theo hình, vang thuận tiếng. Nghĩa bóng là nói cái gì vô hình mà chuyển động biến hóa đến cái khác: Người Việt Nam vẫn chịu cái ảnh hưởng văn minh của Tàu
7. Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ điển (quyển thượng), 1932, tr. 11, cột 1:
Ảnh hưởng: Bóng và tiếng vang. Hình sinh ra ảnh, thanh sinh ra hưởng – Nch Quan liên với nhau, cảm ứng với nhau – Không có thực tại, hư không. Vd. ảnh hưởng chi đàm”[vii].
8. Ngô Quang Châu, Phải bạo dùng tiếng Việt, 1946, tr. 20-24:
Ảnh hưởng. - Ảnh nghĩa là bóng, hình; Hưởng nghĩa là tiếng vang. Nói: ‘Ảnh hưởng của công cuộc cải cách xã hội’, nói vậy cũng tức như nói: ‘Vang bóng của công cuộc cải cách xã hội’”.
9. Hoàng Thúc Trâm, Hán Việt tân từ điển1951, tr. 22, cột 1:
Ảnh hưởng: (Ngch) Bóng và vang (bóng theo hình, vang theo tiếng. (Ngr) Việc dấy lên ở một chỗ, rồi ba cập đến cả xung quanh. Ảnh hưởng văn hóa Đông phương[viii].
III. Luận giải về “vang bóng”
Từ những ngữ liệu trưng dẫn trên, sau đây xin từng bước cắt nghĩa “vang bóng” từ các bình diện ngữ nguyên, ngữ pháp và ngữ nghĩa.
1. Về ngữ nguyên: Những ngữ liệu trên cho thấy một sự thực đã kéo dài trên dưới 400 năm qua trong tiếng Việt: từ tổ “bóng vang” (mà biến thể hoán vị là “vang bóng”) trong tiếng Việt được dùng để dịch từ “ảnh hưởng” () trong Hán văn. “Bóng vang” đã tồn tại liên tục trong tiếng Việt suốt từ thời Truyền kì mạn lục giải âm cho tới khoảng đầu thế kỉ XX. Đến năm 1931, tức 9 năm trước Vang bóng một thời (1940), trong từ điển của hội Khai Trí Tiến Đức chúng ta đã sớm thấy xuất hiện dạng hoán vị (thay đổi trật tự) của “bóng vang” là “vang bóng. Từ đó chẳng khó khăn gì cũng có thể suy ra: Nguyễn Tuân hoàn toàn không phải là người sáng tạo ra cách dùng “vang bóng” trong tiếng Việt, mà ông chỉ có công làm cho nó trở nên nổi tiếng qua việc dùng nó để định danh tác phẩm văn chương của mình.
Về mối quan hệ giữa “vang bóng” với “ảnh hưởng”, trước đây cũng đã có một độc giả của mục “Chuyện Đông chuyện Tây”[ix] phỏng đoán rằng: “Trong vốn từ chữ Hoa chúng ta tìm gặp từ ‘ảnh hưởng’, có nghĩa là ‘vang bóng’, nghĩa là sự vang dội làm cho mắt phải thấy, tai phải nghe; nó dùng để chỉ sự nổi tiếng, sự thành danh, có tiếng tăm… đã được nhiều người biết đến” (An Chi, 2005, tr. 79). Đằng sau sự phỏng đoán này có hai điều đáng tiếc: một là độc giả này không đưa ra được một ngữ liệu thực tế tiếng Việt nào cho thấy mối liên hệ giữa “vang bóng” với “ảnh hưởng”; hai là An Chi trong phần trả lời độc giả của mình lại không hề lưu tâm tới cái nguyên ngữ đó (An Chi, 2005, tr. 81).
2. Về ngữ pháp: Mặc dù học giả An Chi đã dồn rất nhiều tâm lực để chứng minh rằng: cấu tạo từ của “vang bóng” là từ tổ vị từ (động từ), tức là “vang” là vị từ còn “bóng” là danh từ; nhưng với những dẫn liệu trên, thiết nghĩ quan điểm của An Chi cần được xem xét lại. Cấu tạo từ của “ảnh hưởng” trong những văn cảnh của Truyền kì mạn lục giải âmĐại học giảng nghĩaPhải bạo dùng tiếng Việt (đã dẫn) đều là danh ngữ ghép đẳng lập, vậy không có cớ gì để ép chúng ta phải hiểu “vang bóng” (vốn được dịch từ “ảnh hưởng”) là từ tổ vị từ.
Chính cái khả năng linh động về trật tự từ giữa “bóng vang” với “vang bóng” cũng góp phần chứng tỏ “vang bóng” và tất nhiên là cả “bóng vang” không thể là từ tổ vị từ ghép chính phụ, mà chỉ có thể là từ tổ danh từ ghép đẳng lập, bởi theo nhiều nhà ngữ pháp học tiếng Việt, nếu là từ tổ vị từ ghép chính phụ thì không thể thay đổi trật tự từ, còn ghép đẳng lập thì nhiều trường hợp có thể thay đổi trật tự từ[x]. Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về hiện tượng hoán vị trong từ ghép đẳng lập: nhà cửa – cửa nhà, vàng bạc – bạc vàng, bạn bè – bè bạn, trời đất – đất trời, thề hẹn – hẹn thề, than thở – thở than, mắng nhiếc – nhiếc mắng, đấu tranh – tranh đấu, đón đưa – đưa đón, khờ dại – dại khờ, giản đơn – đơn giản, mạnh khỏe – khỏe mạnh… Những trường hợp này xét về bình diện thay đổi trật tự từ thì không khác gì vang bóng – bóng vang.
Cái kết luận của An Chi rằng “từ ‘vang’ chưa bao giờ là một danh từ” thật ra đã đúng… một nửa, bởi các ngữ liệu trong Truyền kì mạn lục giải âmĐại học giảng nghĩaPhải bạo dùng tiếng Việt đã chỉ ra một ngoại lệ của kết luận ấy: “vang” sẽ là danh từ nếu nó đi cùng với “bóng”! Còn bản thân người viết bài này cho đến nay cũng chưa tìm được trường hợp nào dùng “vang” (độc lập với “bóng”) mà lại có từ loại là danh từ, ngay cả những ngữ liệu trong Truyền kì mạn lục giải âm cũng dịch “hưởng” (khi dùng độc lập với “ảnh”) thành “tiếng vang” (đã dẫn) chứ không phải “vang”. Tuy nhiên, “vang bóng” nếu đi kèm với nhau thì luôn là từ tổ danh từ ghép đẳng lập giữa hai danh từ “vang” (tiếng vang) và “bóng” (cái bóng).
3. Về ngữ nghĩa: Ngôn ngữ có tính lịch sử của nó, và điều này cần được tôn trọng, nhất là khi hậu nhân đã có một độ lùi lịch sử đủ xa để có thể dễ dàng hiểu sai lệch cách dùng từ của tiền nhân. Đối với tiếng Việt, từ đầu thế kỉ XX đến đầu thế kỉ XXI mặc dù thời gian mới có khoảng 100 năm, nhưng mức độ thay đổi của ngôn ngữ thì không thể xem nhẹ. Nếu đọc toàn bộ tác phẩm Vang bóng một thời (1940) thì có thể thấy không chỉ chủ đề tác phẩm mà cả phạm vi ngôn ngữ của Nguyễn Tuân trong tác phẩm này cũng có thiên hướng “hoài cổ”, “ôn cố” hơn là “tri tân”, và cái nhan đề ấy cũng nằm trong phạm vi “ôn cố” này. Vậy thì để hiểu cái nhan đề ấy, việc cần làm là phải tìm cái gốc gác của “vang bóng” (tức là tìm nguyên ngữ của nó), và xem thời bấy giờ người ta hiểu “vang bóng” là gì.
Phần trình bày tư liệu trên đã chứng tỏ nguyên ngữ của “vang bóng” là từ “ảnh hưởng” trong Hán văn. Vậy muốn lí giải nghĩa của từ tổ “vang bóng” thì không có con đường nào tốt hơn là phải lí giải ý nghĩa của nguyên ngữ của nó là “ảnh hưởng”. “Ảnh” là cái bóng, “hưởng” là tiếng vang. “Vang bóng một thời” tức là “ảnh hưởng một thời”, lập luận như vậy cũng giống cái cách mà Ngô Quang Châu cho rằng “ảnh hưởng của công cuộc cải cách xã hội” cũng tức là “vang bóng của công cuộc cải cách xã hội” (đã dẫn). Vậy thì “ảnh hưởng” ở đây liệu có nên hiểu theo cách cắt nghĩa trong cuốn từ điển tiếng Việt hiện đại rất phổ biến hiện nay do Hoàng Phê chủ biên:
Ảnh hưởng. 1. Tác động có thể để lại kết quả ở sự vật hoặc người nào đó. Ảnh hưởng của khí hậu đối với cây cối. Ảnh hưởng của gia đình. Tranh giành ảnh hưởng. 2. Có ảnh hưởng đến. Sự giáo dục của gia đình ảnh hưởng tốt đến các em” (Hoàng Phê, 2002, tr. 7, cột 2).
hoặc theo cách giải nghĩa trong một cuốn từ điển sớm hơn một chút nhưng vẫn là từ điển tiếng Việt hiện đại do Văn Tân chủ biên:
Ảnh hưởng. 1. Tác dụng của vật nọ đối với vật kia làm cho vật thứ hai ít nhiều chịu sự chi phối của vật thứ nhất: Thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc có ảnh hưởng đến phong trào giải phóng ở châu Á. 2. Uy tín và thế lực: Ảnh hưởng các Đảng Cộng sản mỗi ngày một lớn. 3. Những quyền lợi kinh tế, chính trị và văn hóa của nước nọ ở nước kia: Đế quốc Mĩ đã mất hết ảnh hưởng ở Trung Quốc” (Văn Tân, 1967, tr. 18, cột 2).
Hai cuốn từ điển tiếng Việt hiện đại này đã cắt nghĩa “ảnh hưởng” theo kiểu mới, “hàn lâm” hơn, tách khỏi truyền thống lí giải xưa (ảnh = bóng, hưởng vang) như trong các tư liệu đã dẫn (Tam thiên tự giải âm, Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ, Huỳnh Tịnh Của, hội Khai Trí Tiến Đức, Đào Duy Anh, Ngô Quang Châu, Hoàng Thúc Trâm). Đây chính là nguyên nhân khiến cho độc giả ngày nay của Nguyễn Tuân khó mà tưởng tưởng ra mối liên hệ giữa “vang bóng” với “ảnh hưởng”, ngay cả hai nhóm chuyên gia biên soạn từ điển tiếng Việt hiện đại trên có thể cũng không chú ý đến mối quan liên giữa “ảnh hưởng” với “vang bóng” để dẫn giải trong từ điển của họ.
Tóm lại, về mặt ngữ nghĩa, để hiểu cách nói “vang bóng” của Nguyễn Tuân, thiết nghĩ cần phải căn cứ vào cách lí giải của những người cùng thời với ông, cùng sử dụng vốn từ chung như ông, cần xem họ cắt nghĩa “ảnh hưởng” hoặc “vang bóng” thế nào. Những người cùng thời ấy chính là Đào Duy Anh, Ngô Quang Châu, Hoàng Thúc Trâm và hội Khai Trí Tiến Đức (đã dẫn). Qua cách cắt nghĩa của họ, đặc biệt là của nhà từ điển học Đào Duy Anh, có thể hình dung rằng: từ tổ danh từ ghép đẳng lập “vang bóng” có nguyên ngữ Hán văn là “ảnh hưởng” (), “ảnh” nghĩa là cái bóng, “hưởng” nghĩa là tiếng vang. “Vang bóng một thời” tức là “ảnh hưởng một thời”, nghĩa đen là “tiếng vang và cái bóng của một thời”, nghĩa bóng là sự nối dài về cả thời gian (đặc điểm của vang) và không gian (đặc điểm của bóng), hay sự cảm ứng lan tỏa từ quá khứ tới hiện tại thể hiện qua những dấu ấn văn hóa của ngày xưa còn đọng lại với ngày nay như một niềm “hoài cổ” và “ôn cố” của một bậc thức giả sống trong thời kì văn hóa dân tộc đang chuyển hình từ cổ đại sang hiện đại(*).
Hà Nội, nóng tháng 6/2010
Nguyễn Tuấn Cường

DANH MỤC TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1.        An Chi, Chuyện Đông chuyện Tây (tập III), NXB Trẻ, 2005.
2.        Đại học giảng nghĩa 大學講義 (sách chép tay không ghi niên đại, ước đoán cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX), kí hiệu sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm AB.277.
3.        Đái Xuân Ninh, Hoạt động của từ tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 1978.
4.        Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ điển (quyển thượng), Imprimerie TIENG DAN, Huế, 1932.
5.        Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2002 (in lần thứ 8, có sửa chữa, đợt 2).
6.        Hoàng Thúc Trâm, Hán Việt tân từ điển, Nhà sách Vĩnh Bảo Sài Gòn, 1951.
7.        Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Hanoi Imprimerie Trung Bac Tan Van, 1931.
8.        Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị (tập 1), Saigon Imprimerie REY, CURIOL & CIE, 1895.
9.        Ngô Quang Châu, Phải bạo dùng tiếng Việt, in trong tạp chí Tiên Phong (tạp chí của Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam), số 8 ra ngày 1/4/1946, tr. 20-24; dẫn lại theo: Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm,Sưu tập trọn bộ Tạp chí Tiên Phong (1945-1946), NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1996, tr. 348-352 (phần giải nghĩa mục từ ảnh hưởng tại trang 348, cột 2).
10.    Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004 (tái bản lần thứ 6, in lần đầu năm 1975).
11.    Tam thiên tự giải âm 三千字解音, Hoàng triều Tân Mão niên (1831), Phú Văn đường tàng bản, kí hiệu Thư viện Quốc gia R.468.
12.    Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ 三千字解譯國語, Duy Tân Kỉ Mão niên (1915), Liễu Văn đường tàng bản, kí hiệu Thư viện Quốc gia R.1667.
13.    Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú 傳奇漫錄增補解音集注, bản in tại Liễu Chàng năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774), kí hiệu Thư viện Viện Văn học HN.257 và HN.258; văn bản được in kèm trong: Nguyễn Quang Hồng (phiên âm và chú giải), Truyền kì mạn lục giải âm, NXB Khoa học Xã hội, 2001.
14.    Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 1983.
15.    Văn Tân (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 1967.





CHÚ THÍCH
[i] Bài viết nhân kỉ niệm 100 năm sinh Nguyễn Tuân và 70 năm ra đời Vang bóng một thời.
[ii] Cả ba trường hợp này đều dẫn theo: An Chi, 2005, tr. 114, 116, 118.
[iii] Kiến thức ngày nay số 247 (ra ngày 1/6/1997), số 251 (10/7/1997), số 258 (20/9/1997), số 273 (1/3/1998).
[iv] An Chi, Chuyện Đông chuyện Tây (tập III), NXB Trẻ, 2005, tr. 62-63, 79-83, 113-118, 198-204.
[v] Tức trường hợp Nguyễn Tuân viết “vang và bóng ngày kí vãng” trong Một chuyến đi, 1938.
[vi] Tức trường hợp Vũ Ngọc Phan viết “cái tiếng vang của thời đã qua, cái bóng của thời đã qua” trong Nhà văn hiện đại, 1942-1945.
[vii] Kí hiệu viết tắt theo nguyên bản: Nch = Như chữ, Vd = Ví dụ.
[viii] Kí hiệu viết tắt theo nguyên bản: Ngch = Nghĩa chính, Ngr = Nghĩa rộng.
[ix] Kiến thức ngày nay, số ra ngày 10/7/1997.
[x] Xin xem: Nguyễn Tài Cẩn, 2004, tr. 92-93; Đái Xuân Ninh, 1978, tr. 167, 171-172; Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, 1983, tr. 57, 59. Trong các tài liệu này, ghép “đẳng lập” còn được gọi là ghép “song song” hoặc ghép “láy nghĩa”; ghép “chính phụ” còn được gọi là ghép “phụ nghĩa”.
(*) Bài viết này được hoàn thành với sự tài trợ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam (NAFOSTED).

Wednesday 25 April 2012

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHỮ NGHĨA - Nguyễn Đăng Na


TB

Bình Ngô đại cáo là tác phẩm văn học chức năng hành chính quan trọng không chỉ đối với lịch sử dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển văn học sử Việt Nam. Trong tác phẩm này, tác giả đã kết hợp một cách uyển chuyển giữa tính chân xác lịch sử với chất sử thi anh hùng ca qua lối văn biền ngẫu mẫu mực của một ngọn bút tài hoa uyên thâm Hán học. Chính vì thế, Bình Ngô đại cáo đã trở thành tác phẩm cổ điển sớm đi vào sách giáo khoa từ trung học cơ sở đến phổ thông trung học và được giảng dạy ở tất cả các trường cao đẳng, đại học ngành khoa học xã hội - nhân văn. Với vị trí như vậy, Bình Ngô đại cáo (BNĐC) cần được nghiên cứu một cách thấu đáo từ văn bản, dịch bản đến chú giải. Mặc dù suốt thế kỉ XX các nhà nghiên cứu đã đổ khá nhiều công sức vào nghiên cứu BNĐC, nhưng tới nay, không phải chẳng còn gì để bàn. Trong hai bài trước(1), chúng tôi đã giải quyết ba vấn đề:
1- Bài Bình Ngô đại cáo trong Bản kỉ thực lục sách Đại Việt sử kí toàn thư(2) là văn bản có độ tin cậy nhất. Tại văn bản này, không có câu “Đại Thiên Hành Hóa hoàng thượng nhược vân”. Câu “Đại Thiên... nhược vân” là lời mào đầu của viên hoạn quan, nói trước khi truyền chỉ.
2- Bốn chữ “Đại Thiên Hành Hóa” [代 天 行 化 ] là hiệu của Lê Lợi do các tướng sĩ tôn xưng ngài sau chiến thắng Tân Bình - Thuận Hóa năm Ất Tị 1425. Theo Toàn thư , tôn hiệu trên được dùng cho tới tháng 12 năm Đinh Mùi 1427 khi quân ta đại thắng giặc Minh. Sau đấy, Lê Lợi lên ngôi, không dùng tôn hiệu đó nữa, mà thay bằng niên hiệu Thuận Thiên [ 順 天 ].
3- Bản mà lâu nay các sách như Tổng tập văn học Việt Nam, Tuyển tập văn học Việt Nam, sách giáo khoa Văn học 9, Văn học 10... vẫn ghi là Bùi Kỉ dịch, thực ra không phải. Đấy là bản Trần Trọng Kim dịch, in trong Việt Nam sử lược từ năm 1919. Nguyên nhân có sự nhầm lẫn này là, Dương Quảng Hàm hiểu lầm ghi chú của Bùi Kỉ in trong Quốc văn cụ thể (3) năm 1932.
Trên cơ sở hai bài viết trước, ở bài này chúng tôi sẽ đề cập tới vấn đề khác: một số chữ nghĩa trong BNĐC. Về chữ nghĩa bài BNĐC quả là còn nhiều việc phải làm. Trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi chỉ đề cập tới cách hiểu nhan đề bài cáo và cụm từ máu chảy trôi chày. Những chữ còn lại, xin để dịp khác.
1/ Cách hiểu nhan đề Bình Ngô đại cáo
BNĐC là tác phẩm văn học chức năng hành chính. Một quy tắc tuy không thành văn nhưng người cầm bút nào cũng phải tuân thủ là, ngay trong nhan đề phải ghi rõ loại hình thể loại của chúng. Nguyên tắc này dường như bất di bất dịch đối với tất cả tác phẩm văn học chức năng (hành chính và lễ nghi). Ta có thể lấy một số tên tác phẩm văn học chức năng hành chính Việt Nam thế kỉ X - XIV làm ví dụ. Chẳng hạn các tác phẩm Thiên đô chiếu của Lí Công Uẩn, Dụ chư tì tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn, Thất trảm sớ của Chu An... Những chữ đứng cuối tác phẩm đã chỉ cho người đọc biết thể loại của chúng, như: ‘chiếu’ [ 詔 ], ‘hịch văn’ [ 檄 文 ], ‘sớ’ [疏]... Nhan đề bài Bình Ngô đại cáo cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Cho nên, hai chữ “đại cáo” sẽ là thể loại tác phẩm của Nguyễn Trãi
Vậy “đại cáo” là gì ?
Các nhà biên soạn sách giáo khoa hiện hành(4) có hai cách giải thích khác nhau. Soạn giả Văn học 10 cho rằng, Bình Ngô đại cáo “dịch cho sát nghĩa là: tuyên cáo rộng rãi về việc dẹp yên giặc Ngô”; rồi bổ sung thêm: “bài này viết theo thể cáo”(5). Cách giải thích trên cho thấy, “đại cáo” là một cụm từ, trong đó ‘đại’ là “rộng rãi”, còn ‘cáo’ là “tuyên cáo” - nó vừa là động từ, vừa là danh từ chỉ thể loại tác phẩm. Soạn giả Văn học 9 thì giải thích khác: “ Bình Ngô đại cáo là bài cáo có quy mô lớn, nói việc dẹp yên giặc Ngô”(6). Như vậy, “đại cáo” vẫn là một cụm từ, ở đó, ‘cáo’ là danh từ chỉ thể loại, ‘đại’ phản ánh “quy mô” tác phẩm: lớn.
Thế thì, “đại cáo” trong BNĐC thực chất là cụm từ hay một từ ? Nếu là cụm từ, chúng thuộc cụm danh từ hay cụm động từ ? Và, ‘đại’ dùng để nói về tính phổ biến “rộng rãi” hay “quy mô” tác phẩm?
Trong Hán ngữ có hai chữ ‘cáo’: một chữ không bộ ngôn [告] và một chữ có bộ ngôn [ 誥 ]
Chữ ‘cáo’ không bộ ngôn [告] dùng cho kẻ dưới trình lên bề trên và thường làm động từ; chữ ‘cáo’ có bộ ngôn [誥] dùng để bề trên ban xuống kẻ dưới và thường làm danh từ. Tuy nhiên, không phải lúc nào người viết cũng phân biệt rạch ròi như vậy, trừ những văn bản văn học chức năng hành chính hoặc lễ nghi. Hơn nữa, cả hai chữ ‘cáo’ nói trên đều có thể đứng sau chữ ‘đại’ để thành “đại cáo”. Chẳng hạn, thiên Vũ Thành trong Kinh Thư có đoạn: “Việt tam nhật Canh Tuất, Sài Vọng, đại cáo [大 告] vũ thành” - “sau ba ngày là ngày Canh Tuất, làm lễ Sài, lễ Vọng, kính cáo (đại cáo) việc võ đã thành công”(7). Hai chữ “đại cáo” ở câu trên, Thẩm Quỳnh dịch là “kính cáo”(7), còn Nhượng Tống dịch là “cả tâu.”(8) Trong trường hợp này, hai ông đều hiểu ‘cáo’ [告] là động từ, ‘đại’ [大]làm trạng ngữ.
Chữ ‘cáo’ có bộ ngôn [ 誥 ] thường dùng để chỉ thể loại văn học, khi kết hợp với ‘đại’ sẽ thành “đại cáo” [ 大 誥 ]. Nguyễn Trãi dùng hai chữ đại cáo [大 誥] này để chỉ thể loại tác phẩm của mình. Các sách Toàn thư, Hoàng Việt văn tuyển(9)... đều xác nhận như vậy và ghi : 平 吳 大 誥 (Bình Ngô đại cáo).
Vậy “đại cáo” [大 誥] là thể loại gì và ý nghĩa của nó ?
Hán ngữ đại từ điển giải thích: “đại cáo [ 大 誥 ] là tên một thiên trong sách Thượng Thư. Lời tựa thiên Đại cáo có đoạn: ‘Vũ vương mất, Tam Giám cùng Hoài di làm phản. Chu Công giúp Thành Vương trừ bỏ nhà Ân, viết Đại cáo’. Khổng truyện rằng, ‘Trình bày đại đạo [大 道] để cáo [誥] với thiên hạ (trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ), nên lấy làm tên thiên’, sau dùng để phiếm xưng những bài văn có tính chất điển cáo [典 誥 ].”(10) Như vậy, ban đầu, “đại cáo” [大 誥] do hai chữ mang ý nghĩa quan trọng nhất trong mệnh ”trần ‘đại’ đạo dĩ ‘cáo’ thiên hạ” ghép lại, dùng để gọi tên một thiên trong Kinh Thư, rồi thành từ cố định chỉ loại đặc biệt của thể cáo.
Đấy là nghĩa thứ nhất gắn với thời Tây Chu của Trung Hoa cổ đại.
“Đại cáo” còn có nghĩa thứ hai gắn với đương đại thời Minh. Nghĩa này cũng không kém phần quan trọng: “Văn kiện pháp luật ban bố năm Hồng Vũ thứ 18 thời Minh”(11) gọi là Đại cáo. Hồng Vũ [ 洪 武 ] là niên hiệu Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương [ 朱 元 璋 ] - người khai sáng ra nhà Minh, làm Hoàng đế Trung Hoa những năm 1368 - 1398.
Dựa vào hai nghĩa mà Hán ngữ đại từ điển đã nêu ra, chúng ta hãy xem, Nguyễn Trãi dùng hai chữ “đại cáo” đặt trong nhan đề tác phẩm của mình nhằm mục đích gì và có ý nghĩa như thế nào?
Thứ nhất, chiến thắng giặc Minh là sự kiện quan trọng, là bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó không chỉ đánh dấu sự thất bại thảm hại của các thế lực hung tàn và cường bạo, mà còn khẳng định sự tất thắng của một dân tộc biết lấy đại nghĩa và chí nhân làm nền tảng tư tưởng. Vì thế, Nguyễn Trãi muốn nhân dịp này, bày tỏ để nhân loại thấy cái, “đại đạo” [大 道] - đạo lí lớn nhất của Việt Nam là, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, đúng như lời ghi trong Khổng truyện: “trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ”. Đây vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, vừa là mục đích mà thiên Đại cáo ở sách Thượng Thư - một trong năm bộ “kinh” ( Ngũ Kinh) của Trung Hoa cổ đại hằng dương cao. Xa rời mục đích ấy, ta không thể hiểu thấu đáo tư tưởng chủ đạo bài cáo của Nguyễn Trãi. Khi đi đánh Vũ Canh, Chu Thành Vương truyền Đại cáo; bình xong giặc Ngô, Lê Lợi cũng tuyên Đại cáo. Tác giả muốn sánh Lê Lợi với Chu Thành Vương, quân sư của Lê Lợi với Chu Công Đán và muốn bài cáo bình Ngô của thời đại ông mang ý nghĩa ngang tầm với thiên Đại cáo đánh Vũ Canh thời Tây Chu của Trung Hoa cổ đại.
Vì sao Chu Thành Vương phải đánh Vũ Canh ? Bởi, y là tên phản chủ, kẻ phản phúc ! Sách Kinh Thư kể rằng, sau khi diệt xong Thương Vương Trụ tàn bạo, Chu Vũ Vương - cha của Chu Thành Vương vẫn thương tình, phong cho con trai Trụ Vương là Vũ Canh làm vua nước Ân. Khi Vũ Vương qua đời, con nối ngôi là Chu Thành Vương còn nhỏ. Trước hoàn cảnh đó, Tam giám gồm, Quản Thúc, Thái Thúc và Hoắc Thúc nổi loạn. Vũ Canh bèn liên kết với các tộc Di ở phía đông, hùa theo Tam Giám, đem quân đánh Thành Vương, phản lại nhà Chu. Cuộc bình Ngô của Lê Lợi cũng mang ý nghĩa như việc Thành Vương diệt Vũ Canh. Đấy là ý thứ nhất của hai chữ “đại cáo” mà Nguyễn Trãi dùng cho bài bình Ngô ở thời đại ông.
Thứ hai, Nguyễn Trãi viết bài Cáo bình Ngô khoảng cuối năm 1427 - đầu 1428, sau văn kiện pháp luật mà Minh Thái Tổ ban bố năm Hồng Vũ 18 (1365) tới hơn bốn mươi năm. Điều đó cho thấy, khi viết bài cáo, Nguyễn Trãi hoàn toàn biết có sự kiện Chu Nguyên Chương ban bố Đại cáo. Minh sử ghi: “Minh Thái Tổ đã định xong ‘luật lệnh’, các quan hữu ti tuân thủ thi hành. Nhưng những kẻ phạm pháp ngày càng nhiều, bèn lệnh cho thu thập các sai phạm của quan và dân, chia ra từng điều, làm thành Đại cáo, gồm 10 mục. Tháng 10 năm Hồng Vũ thứ 18, Đại cáo hoàn thành, gồm 74 điều. Lệnh ban xuống cho các trường học phải đem ra để dạy sĩ tử; còn ở làng quê thì đặt các trường tư, thuê thầy dạy”. Không những vậy, Chu Nguyên Chương còn khuyến khích mọi người đọc, học Đại cáo bằng lệnh: “Những ai đang bị tù đày mà đọc được Đại cáo thì sẽ giảm tội”. Năm sau - 1386, Chu Nguyên Chương lại ban Đại cáo tục biên, gồm 87 điều, Đại cáo tam biên 43 điều. Như vậy là, trong hai năm liền, Minh Thái Tổ đã liên tiếp ba lần ban Đại cáo, tổng cộng 204 điều. Tiếp theo, năm sau - Hồng Vũ thứ 20 (1387), Minh Thái Tổ lại ban Đại cáo vũ thần. Xem thế đủ biết, “Đại cáo” chính biên, tục biên, tam biên vũ thần của ông Thái Tổ nhà Minh cực kì quan trọng thật! Ông bắt tất cả mọi người, từ thành thị tới nông thôn, từ quan đến dân, từ văn đến võ, từ sĩ tử tới “phó thường dân”..., ai ai cũng phải đọc, phải học, phải thấm nhuần và quán triệt tinh thần của Đại cáo. Lớp học Đại cáo mở tới tận làng quê, thậm chí, biết đọc Đại cáo là tiêu chuẩn xét giảm án và ân xá cho các phạm nhân. Thế mà, nay Nguyễn Trãi gọi bài “bình Ngô” do mình soạn thảo là “Đại cáo”! Rõ ràng, ông muốn người đọc thấy rằng, bài cáo mà mình thay mặt dân tộc viết ra, chính là một văn kiện mang tính pháp luật, có ý nghĩa trọng đại, ngang với văn kiện pháp luật mà Minh Thái Tổ ban bố ròng rã suốt ba năm: Hồng Vũ 18, Hồng Vũ 19, Hồng Vũ 20. Đặt pháp luật Đại cáo để thống nhất đất nước, để cai trị nhân dân, để diệt trừ tội ác... Lẽ ra, văn kiện pháp luật Đại cáo của người sáng lập nhà Minh phải tượng trưng cho uy quyền và là công cụ bảo vệ nhà Minh. Nhưng, ở Việt Nam, ngược lại, nó dùng để “bình Ngô”!
Ngô là ai ? Dụng ý của Nguyễn Trãi khi dùng hai chữ “bình Ngô” ?
Không nên hiểu ‘Ngô’ theo hai cách như soạn giả Văn học 10 đã nêu ra(12). Ngô là nước Ngô, người Ngô, giặc Ngô! Vâng ! Nhưng nguồn gốc của chữ ‘Ngô’ từ đâu ra ?
Chu Nguyên Chương gốc người Hào Châu [ 濠 州 ](13) mà, Hào Châu xưa, thuộc đất Ngô. Vì thế, ‘Ngô’ chính là quê cha đất tổ của người sáng lập ra nhà Đại Minh: Thái Tổ Chu Nguyên Chương ! Hơn nữa, khi sự nghiệp đang trên đà thắng lợi (chiếm xong lộ Tập Khánh), năm 1356, Chu Nguyên Chương xưng Ngô Quốc công [ 吳 國 公 ], ý muốn nhắc tới nguồn gốc của mình: người đất Ngô. Tám năm sau, khi sự nghiệp sắp thành công, ông cải xưng là Ngô Vương [ 吳 王 ], ý muốn hồi cố và ước mơ sự nghiệp của mình sánh với nước Ngô thời cực thịnh dưới quyền Ngô Vương Hạp Lư đánh tan nước Sở hùng mạnh, truyền ngôi cho con là Ngô Vương Phù Sai; Phù Sai lại diệt nước Việt, cầm tù Việt Vương Câu Tiễn...
Bởi vậy, Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Minh Thái Tổ khi chưa lên ngôi: Ngô Quốc công, Ngô Vương; vừa là nguồn gốc, quê cha đất tổ của người khai sáng ra nhà Đại Minh: Chu Nguyên Chương! “Bình Ngô” là “bình” tận gốc rễ họ Chu - Thái Tổ nhà Minh. Ba đời vua Minh xâm lược nước ta là, Thành Tổ Chu Đệ, Nhân Tông Chu Cao Xí, Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ Tuyên Đức. Nếu kể từ thái Tổ Chu Nguyên Chương, Tuyên Đức là đời vua Minh thứ năm. Hai chữ “Đại cáo” nói riêng, nhan đề Bình Ngô đại cáo [平 吳 大 誥] nói chung, mang ý nghĩa thâm thúy và sâu sắc như vậy. Nắm được ý nghĩa nhan đề BNĐC là nắm được tư tưởng cốt lõi của tác phẩm.
2/ Máu chảy trôi chày
Tôi còn nhớ, khoảng trên dưới mười năm về trước có cuộc thảo luận khá sôi nổi và kéo dài về cách hiểu bốn chữ “máu chảy trôi chày”. Mọi người dường như thống nhất với nhau rằng, ‘chày’ được dịch từ chữ ‘chử’. Trong Hán ngữ, về cơ bản, ‘chử’ [杵] có nghĩa là cái chày. Nhưng là cái chày gì, dùng để giã gạo, hay cái chày nói chung như, chày đập vải, chày giã thuốc, giã trầu, hoặc một loại vũ khí thời xưa giống hình cái chày..., thì quả thực, mọi người chưa hoàn toàn nhất chí. Ngay cả khi đã là cái chày rồi, cuộc thảo luận vẫn chưa chấm dứt bởi, người thì bảo nó là cái chày giã gạo bằng chân; người lại nói, là cái chày giã gạo bằng nước ở miền núi... Cuối cùng, khi làm sách giáo khoa, soạn giả Văn 10 chú giải cho học sinh như sau: Máu chảy trôi chày là, “máu đổ ra nhiều quá thành suối khiến cái chày (giã gạo) nổi lên trôi đi”(14). Có đúng như thế không? Để hiểu đầy đủ vấn đề, chúng tôi thiết nghĩ, trước hết phải đọc lại văn bản BNĐC, đặng từ đó, bám vào chữ nghĩa của Nguyễn Trãi mà bàn, mà phân tích !
Đoạn có cụm từ được dịch là ‘máu chảy trôi chày’ của BNĐC trong Toàn thư Hoàng Việt văn tuyển đều thống nhất ghi:

“Lãnh Câu chi huyết chử phiêu, giang thủy vị chi ô yết;
Đan Xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng(15).”
Hai vế đối nhau chỉnh chệ. Năm 1919 trong Việt Nam sử lược, quyển Thượng, Trần Trọng Kim dịch là:

Suối máu Lãnh Câu, nước sông rền rĩ
Thành xương Đan Xá, cỏ nội đầm đìa(16).
Khi đem BNĐC in lại vào sách Quốc văn cụ thể(17) năm 1932, Bùi Kỉ vẫn giữ nguyên lời dịch của ông Trần. Đến lượt mình, lúc sử dụng lại bản dịch của Trần Trọng Kim in ở sách của Bùi Kỉ, năm 1943 trong Việt Nam văn học sử yếu(18), Dương Quảng Hàm cũng không đổi thay gì hết. Vậy là, bản dịch của ông Trần được các thế hệ sau dùng tới hơn 40 năm kể từ ngày nó ra đời năm 1919 cho tới những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ XX. Có lẽ, vì muốn giữ theo cấu trúc thể tứ lục, khi dịch, ông Trần đã lược mỗi vế mất hai chữ “vị chi” và dịch thoát ý các chữ “chử phiêu”, “sơn tích”. Phải chăng vì nhận thấy lời văn dịch của ông Trần chưa thật sự lột tả hết ý của Nguyễn Trãi, nên năm 1962 khi Nhà xuất bản Văn Hóa cho ra mắt độc giả bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập II: Văn học Việt Nam thế kỉ X - XVII, các soạn giả đã chỉnh lí lại thành:

Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen (19).
Rồi chú: “máu chảy trôi chày”: do chữ “huyết lưu phiêu chử” ở Kinh Thư. Ý nói giặc bị chết nhiều” (20). Từ đó, câu có cụm từ “máu chảy trôi chày” được thay thế lời dịch của ông Trần và thản nhiên bước vào sách giáo khoa trong nhà trường. Rồi cứ thế, một số người đã bám vào bốn chữ “máu chảy trôi chày” trong bản dịch và lời chú “huyết lưu phiêu chử” mà trao đổi, mà tranh luận một cách hùng hồn, sôi nổi, hào hứng và kéo dài, chẳng cần biết Nguyễn Trãi đã viết như thế nào nữa. Bây giờ nhìn lại, tôi thực sự lấy làm ngạc nhiên. Đúng là, một thời đã qua !
Như trên đã trình bày, Nguyễn Trãi chỉ viết “Lãnh Câu chi huyết chử phiêu”, chứ đâu có viết “huyết lưu phiêu chử” mà bỗng dưng thành “máu chảy trôi chày” để tranh luận, để trao đổi ? Mà, giả sử, nguyên văn chữ Hán, cụ viết “huyết lưu phiêu chử”, cũng chẳng thể dịch là “máu chảy trôi chày” được! Soạn giả Hợp tuyển chỉ đúng khi cho biết xuất xứ cụm từ “huyết lưu phiêu chử” từ Kinh Thư mà thôi. Nguyên văn đoạn có “huyết lưu phiêu chử” trong Kinh Thư như sau, xin dẫn ra để bạn đọc tham khảo: “Giáp Tí muội sảng, Thụ xuất kì lữ nhược lâm, hội vu Mục Dã, võng hữu địch vu ngã sư; tiền đồ đảo qua công vu hậu dĩ bắc, huyết lưu phiêu chử”. Nghĩa là, “ngày Giáp Tí, lúc rạng đông, vua Thụ kéo quân đông như rừng, họp ở cánh đồng Mục Dã. Các binh sĩ không ai chống lại quân ta, toán tiền phong ngược cả dáo lại đánh toán quân đi sau rồi chạy(21), ‘huyết lưu phiêu chử’.” Ta thử hình dung xem, quân của Thụ (Trụ) dù bị giết nhiều vô vàn đi chăng nữa (vì chúng đông “như rừng”), nhưng làm sao máu đổ ra có thể “thành suối” để đến đỗi, “khiến cái chày (giã gạo) nổi lên trôi đi”, dù diễn đạt theo kiểu tu từ ? Thật không thể hình dung nổi ! Vậy, mấu chốt vấn đề ở chỗ nào? Có hai việc cần giải quyết.
Thứ nhất, cách hiểu chữ ‘chử’.
Trong Hán ngữ, ‘chử’ [杵] có 6 nghĩa. Ngoài nghĩa thông dụng là “cái chày” dùng để giã đập các vật, ‘chử’ còn thông nghĩa với ‘lỗ’ [櫓]. Hán ngữ đại từ điển giải thích, ‘chử’ thông nghĩa với ‘lỗ’ và: ‘lỗ’ [櫓], cổ đại vũ khí trung đích thuẫn [ 古 代 武 器 中 的 盾 ]”(22) - ‘lỗ’ là cái ‘mộc’, loại vũ khí thời xưa. Một thú vị nữa là, chính các soạn giả từ điển lại lấy ngay Kinh Thư, nơi có cụm từ “huyết lưu phiêu chử” để minh họa cho cách cắt nghĩa của mình. Các soạn giả viết: “Thư, Vũ Thành: ‘Thụ xuất kì lữ nhược lâm, hội ư Mục Dã... huyết lưu phiêu chử’”. Rồi, các soạn giả dùng sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, mục “bộ ‘mộc’ [木]” để giải nghĩa: “ ‘lỗ’, đại thuẫn dã [ 櫓,大 盾 也 ]. Thanh, Đoàn Ngọc Tài chú: ‘lỗ’, hoặc giả ‘chử’ vi chi; ‘huyết lưu phiêu chử’, tức ‘huyết lưu phiêu lỗ’ dã”(22). Đoạn văn trên cho biết, ‘lỗ’ [櫓] là cái mộc lớn. Ông Đoàn Ngọc Tài thời Thanh chú rằng, ‘lỗ’ do mượn chữ ‘chử’; ‘huyết lưu phiêu chử’ là ‘huyết lưu phiêu lỗ’.
Thế là đã rõ! Mộc - một loại vũ khí thời xưa, dùng để đỡ dáo đâm hoặc tên bắn. Mộc thì nhẹ, được làm bằng gỗ hoặc da thú, có hình tròn, hình bầu dục, hình lưỡi mác hoặc hình chữ nhật..., mặt quay ra phía ngoài để đỡ gươm đao, đỡ tên bắn có cấu tạo cong như mặt đáy chảo. Với chất liệu nhẹ và cấu tạo như vậy, ‘lỗ’ có thể nổi trôi theo dòng nước trong đó có máu của đối phương bị giết chảy ra. Điều này dễ hiểu và phù hợp với thực tế.
Thứ hai, Nguyễn Trãi viết:

Lãnh Câu chi huyết chử phiêu, giang thủy vị chi ô yết;
Đan Xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng.
Hai vế đối nhau từng chữ rất chỉnh. Mỗi vế gồm 12 âm tiết, chia thành hai: nửa đầu (6 âm tiết) chỉ nguyên nhân, nửa sau (cũng 6 âm tiết) chỉ kết quả. Ta có thể diễn giải như sau: Bởi “Lãnh Câu chi huyết chử phiêu” khiến “giang thủy vị chi ô yết”; do “Đan Xá chi thi sơn tích” khiến “dã thảo vị chi ân hồng”. Nửa đầu của mỗi vế (6 âm tiết) lại theo cấu trúc 4 - 2: bốn âm tiết đầu làm chủ ngữ, hai âm tiết sau làm vị ngữ. Chủ ngữ của‘chử phiêu’ là ‘Lãnh Câu chi huyết’; chủ ngữ của‘sơn tích’ là ‘Đan Xá chi thi’. Lại nữa, trong ‘Lãnh Câu chi huyết’ thì, ‘huyết’ là trung tâm ngữ; cũng như vậy, ‘thi’ làm trung tâm ngữ cho ‘Đan Xá chi thi’. Nên lưu ý, “Lãnh Câu chi huyết” là máu (giặc Minh) trong dòng nước Lãnh Câu; “Đan Xá chi thi” là xác (giặc Minh chết) ở Đan Xá. ‘Sơn tích’ [山 積] là, tích lại như núi; ‘chử phiêu’ [杵 漂] là làm trôi cái ‘chử’. Xác giặc ở Đan Xá chất lại như núi; máu giặc đổ xuống Lãnh Câu làm cho trôi cái ‘chử’. Điều lạ là, ý tứ câu văn của Nguyễn Trãi rõ ràng, nhưng lời dịch đọc lên nghe mâu thuẫn. Xin đọc: “ Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc”. Vậy, Lãnh Câu là suối hay sông ? Đã đành rằng, ‘câu’ [ 溝 ] là suối, nhưng ở đây nó là địa danh! Vả chăng, Nguyễn Trãi cũng nói rõ ‘giang thủy’ [ 江 水 ] - nước sông, chứ đâu phải ‘câu thủy’ [ 溝 水 ] - nước suối. Hai âm ‘giang’ [江] và ‘câu’ [溝] đều thanh bằng, do đó không phải vì thanh điệu mà Nguyễn Trãi phải thay ‘câu’ bằng ‘giang’; hơn nữa, chúng lại không nằm ở vị trí gieo vần, nên càng không phải vì ép vần hoặc ép thanh mà đổi ‘câu’ (suối) thành ‘giang’ (sông). Trong một mệnh đề thôi, lúc thì ‘suối’, lúc lại ‘sông’, thế mà, ta cứ thản nhiên nhồi vào đầu bao thế hệ học sinh từ 1962 đến giờ. Thật tội nghiệp! Vế sau cũng thế: “ Thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen”. Làm gì có ‘thành’ nào ở đây ? Xác chết ở Đan Xá tích lại thành núi, vì việc đó mà cỏ ở ngoài đồng - dã thảo [野草] bị thẫm đỏ. Các chữ ‘Xá’ và ‘dã’ cũng tương tự trường hợp ‘câu’và ‘giang’ đã trình bày trên kia. Thì ra, đây là hai trận chiến: một ở sông (giang) Lãnh Câu, một ở đồng (dã) Đan Xá, hoặc một trận chiến phối hợp thủy lục: sông Lãnh Câu, đồng Đan Xá.
Vì sao xẩy ra hiện tượng dịch như vậy ? Có lẽ vì soạn giả Hợp tuyển hiểu lầm văn của ông Trần ? Ông dịch: “Suối máu Lãnh Câu” và “Thành xương Đan Xá”, thật là tuyệt vời. Phải chăng bởi nhận thấy dịch ‘chử phiêu’ là ‘trôi chày’ hoặc ‘chày trôi’ chưa thật thỏa đáng, nên ông Trần muốn lẩn đi, dịch thoát, cốt giữ ý: ‘Suối máu Lãnh Câu’. ‘Suối máu Lãnh Câu’ là máu ở Lãnh Câu nhiều tựa suối. Như vậy, Lãnh Câu đâu phải suối ! ‘Thành xương Đan Xá’ là xương giặc nhiều, chất lại tựa thành ở Đan Xá. Như vậy, Đan Xá đâu phải thành. Có điều, ông đã thay chữ ‘thi’ (xác chết) bằng chữ ‘xương’. Do dịch thoát ý, hai chữ ‘suối’ và ‘thành’ của ông Trần bị soạn giả Hợp tuyển hiểu nhầm, biến thành “ suối Lãnh Câu”, “ thành Đan Xá”, khiến câu văn vừa sai lạc ý nghĩa của Nguyễn Trãi và vừa mâu thuẫn. Bây giờ đến chữ ‘ô yết’ và ‘ân hồng’.
Dịch ‘Ô yết’ là ‘rền rĩ’ hoặc ‘nghẹn ngào’ đều được. Song, ‘Ô yết’ [ 嗚 咽 ] có hai nghĩa: một, chỉ tiếng khóc buồn đau; hai, chỉ âm thanh bi thương trầm lắng. Nếu dịch ‘ô yết’ là ‘nghẹn ngào tiếng khóc’ thì hơi quá vì đã gộp cả nghĩa một và hai của chúng lại. Trong văn cảnh, Nguyễn Trãi chủ yếu miêu tả nước chảy làm cho những cái mộc bị trôi nổi va đập vào nhau phát ra âm thanh trầm lắng, nghe thấy bi thương. “Ân hồng” dịch là “đầm đìa” thì chưa rõ, nhưng dịch thành “Đầm đìa máu đen” lại hơi quá. Ân hồng [殷 紅] dùng để chỉ màu đỏ thẫm, trong màu đỏ có pha sắc đen. ‘Ô yết’ và ‘ân hồng’ đối nhau: một từ chỉ âm thanh, một từ chỉ màu sắc, tạo nên khung cảnh thảm đạm của giặc Minh. Hơn nữa, nếu dịch “giang thủy vị chi ô yết” và “dã thảo vị chi ân hồng” là “nước sông nghẹn ngào tiếng khóc” và “cỏ nội đầm đìa máu đen” thì không những thái quá như chúng tôi đã phân tích, mà mỗi vế bị bỏ mất hai chữ rất quan trọng: “vị chi” [為之] - vì việc đó mà... Chữ ‘chi’ [之] là đại từ thay cho cả mệnh đề sáu chữ đứng trước: “Lãnh Câu chi huyết chử phiêu”, “Đan Xá chi thi sơn tích”. Chúng là những nguyên nhân khiến cho nước sông ‘ô yết’, cỏ đồng ‘ân hồng’. Dĩ nhiên, dịch vừa sát nghĩa, vừa bảo đảm âm luật của thể loại là một việc cực kì khó. Chúng tôi luôn biết rằng, nói bao giờ cũng dễ hơn làm rất nhiều, nhưng chẳng phải vì vậy mà lặng im.
Khi viết BNĐC, Nguyễn Trãi dựa vào hiện thực cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Ông có thể sử dụng nhiều mẫu chất liệu có sẵn trong nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, nhưng ông chỉ dùng những gì diễn tả đúng nhất với hiện thực cuộc kháng chiến lúc bấy giờ. “Lãnh Câu chi huyết chử phiêu” không phải là “suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày”, càng chẳng phải máu “đổ ra nhiều quá thành suối khiến cái chày (giã gạo) nổi lên trôi đi” và ‘chử’ là cái ‘mộc’. Chỉ có những cái mộc bị trôi, chẳng có cái chày giã gạo nào “nổi lên trôi đi” cả ! Thế mới biết, hiểu cho thấu đáo một câu văn của cổ nhân khó thật !
Trên đây, chúng tôi mới nêu hai trường hợp: nhan đề “Bình Ngô đại cáo” và cụm từ “máu chảy trôi chày” mà đã có bấy nhiêu chuyện, huống cả bài Cáo thì, còn biết bao vấn đề nữa để bàn. Chỉ mong rằng, các nhà đang biên soạn sách giáo khoa mới, làm sao có được một bài BNĐC chuẩn xác từ văn bản đến chú thích, xứng đáng với tầm vóc bản “thiên cổ hùng văn” và thế hệ trẻ không phải học những điều chẳng có trong văn bản như ở thế kỉ trước !

N.Đ.N
CHÚ THÍCH:
(1) Xem Nguyễn Đăng Na:
a. Bình Ngô đại cáo: một số vấn đề về văn bản, Tạp chí Hán Nôm số 4/ 2002.
b. Bình Ngô đại cáo: vấn đề dịch giả và dịch bản, Tạp chí Hán Nôm số 5/ 2002.
(2) Từ đây gọi tắt là Toàn thư.
(3) Năm 1919 trong Việt Nam sử lược , trước bản dịch, Trần Trọng Kim cho in nguyên văn chữ Hán BNĐC và giới thiệu: “Tờ BNĐC này... theo nguyên văn ở trong tập Hoàng Việt văn tuyển ...” (tr.204). Khi in lại bản dịch của ông Trần vào Quốc văn cụ thể (Tân Việt Nam thư xã) năm 1932, Bùi Kỉ nhắc lại lời ông Trần: “Bài này dịch theo bài chữ nho ở bộ Hoàng Việt văn tuyển. ” (tr.96). Đọc lời ghi chú đó, Dương Quảng Hàm lại ngỡ Bùi Kỉ bảo mình dịch, nên lúc tuyển BNĐC vào Việt Nam văn học sử yếu năm 1943, Dương Quảng Hàm chua: “Bùi Kỉ dịch, Quốc văn cụ thể, Tân Việt Nam thư xã Hà Nội” (tr.262). Từ đấy, mọi người đều ghi theo lời chua của ông Dương.
(4) Trong bài này, chúng tôi chưa đề cập tới sách giáo khoa thí điểm.
(5) Văn học 10, sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000, Tập một, Nxb. Giáo dục, tr.117.
(6) Văn học 9, Tập một, tái bản lần thứ 11, Nxb. Giáo dục, 2001, tr.21.
(7) Kinh Thư, Trung tâm học liệu, in lần thứ hai, Sài Gòn, 1973, tr.217.
(8) Thượng Thư, Văn Học, H. 2001, tr.112.
(9) Bùi Huy Bích: Hoàng Việt văn tuyển, Hi Văn Đường, Minh Mệnh 6 (1825). Tồn Am gia tàng bản.
(10) Hán ngữ đại từ điển, tập 2, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, in lần thứ 3, 1988, tr.1388.
(11) Hán ngữ đại từ điển, tập 2, Sđd, tr.1388.
(12) Soạn giả Văn học 10 viết: “Có hai cách hiểu chữ Ngô: các vua nhà Minh quê ở đất Ngô; đời Ngô (thời Tam Quốc), bọn người sang cai trị nước ta đều rất tàn ác, từ đó, dân ta gọi người phương Bắc là người Ngô với ý khinh ghét”. Sđd, tr.124.
(13) Hào Châu [ 濠 州 ] thuộc đất Ngô thời Xuân Thu, bao gồm các huyện An Huy, Hoài Viễn, Định Viễn, Phượng Dương, Gia Sơn ngày nay; lị sở là Chung Li thuộc đất phía đông Phượng Dương.
(14) Văn học 10, Sđd, tr.126.
(15) Hoàng Việt văn tuyển, Sđd; ĐVSKTT, tập IV, KHXH, H. 1993, tờ 51 a, b.
(16) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, quyển Thượng, H. in lần thứ hai, 1928, tr.212.
(17) Bùi Kỉ: Quốc văn cụ thể, Tân Việt Nam thư xã, H. 1932, tr.100.
(18) Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, Nha học chính Đông Pháp, H. 1943, tr.261.
(19) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập II, Nxb. Văn Hóa, H. 1962, tr.257. Từ đây gọi tắt là Hợp tuyển.
(20) Hợp tuyển, tập II, Sđd, tr.260.
(21) Kinh Thư, Sđd, tr.215. Trong bản này, Thẩm Quỳnh dịch “huyết lưu phiêu chử” là “Máu người chảy trôi cả cái chày giã gạo”.
(22) Hán ngữ đại từ điển, tập 4, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, in lần thứ tư, 1994, tr.855./.

Tuesday 24 April 2012

Hai tiếng thổ mộ trong xe thổ mộ do đâu mà ra? (An Chi - Bách Khoa Tri Thức)



An Chi: Có ý kiến cho rằng thổ mộ là do tiếng Pháp tombereau mà ra. Ý kiến này không đúng vì người Pháp ở Sài Gòn và Nam kỳ trước đây chỉ gọi xe thổ mộ là boîte d’allumettes (= hộp quẹt) hoặc tac-à-tac, “có lẽ vì khi chạy, vó ngựa chạm mặt đường trải đá nghe (...) “tắc tắc” (tách tách)”, như Vương Hồng Sến đã cho biết trong Tự vị tiếng Việt miền Nam (Nxb Văn hóa, 1993). Họ không bao giờ gọi xe thổ mộ là “tombereau”.
Lại có ý kiến cho rằng thổ mộ là do thảo mã mà ra vì đây là xe chở cỏ cho ngựa ăn (ở đồn Tây) thời trước. Ý kiến này cũng lạ: người ta khó mà biết được tại sao thảo mã lại có thể trở thành “thổ mộ”. Huống chi, bản thân hai tiếng thảo mã đã là tiếng Việt, dù là đọc theo âm Hán Việt. Hay là người đề xướng cách giải thích này muốn liên hệ đến âm Quảng Đông của hai tiếng thảo mã là tshổu mạ chăng? Thổ mộ quả có na ná với tshổu mạ trong tiếng Quảng Đông nhưng dân Quảng Đông thì có liên quan gì với sự hoạt động ở các đồn Tây thời trước? Huống chi tshổu mạ (- thảo mã) chỉ có nghĩa là con ngựa bằng cỏ hoặc con “ngựa cỏ” tức ngựa hoang (?) chứ đâu phải là “xe chở cỏ cho ngựa ăn”.
Chỉ có cách hiểu thổ mộ là ngôi mộ bằng đất thì mới thật sự phù hợp để giải thích nguồn gốc của hai tiếng thổ mộ trong xe thổ mộ mà thôi: cái thùng xe thổ mộ với cái mui khum khum của nó rất giống với hình một nấm mộ bằng đất.

Chuyện tào lao về (xe) thổ mộ - An Chi (Huệ Thiên)


An Chi Chúng tôi không biết “t’ủ mỏ” là cái thứ tiếng gì nhưng chắc chắn đó không phải là âm Quảng Đông của hai chữ   độc mã, mà chữ Hán là 獨馬 Âm Quảng Đông của hai chữ này là:
– dug6 ma5 (Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên, Quảng Châu âm tự điển, Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, in lần thứ 26, 1997, tr.232 & 260);
        – duk ͵ma (Hoàng Tích Lăng, Việt âm vận vựng [A Chinese Syllabary Pronounced According to the Dialect of Canton], Trung Hoa thư cục, trùng bản, 1973, tr.1 & 49);
        – tục mạ (Hà Thủ Văn, Việt Quảng ngữ đối chiếu, Chin-Hoa, Chợ Lớn, 1965, tr.53 & 105).

Tuy cách phiên âm của mỗi sách một khác nhưng âm được phiên thì hoàn toàn thống nhất : tục mạ, theo cách dễ đọc nhất cho người bình thường của Hà Thủ Văn trong Việt Quảng ngữ đối chiếu. Và cứ như trên thì người kia đã sai ở ba điểm căn bản : – một, phụ âm đầu của chữ 獨 là [t] (viết bằng “t”) chứ không phải [t’] (viết bằng “th”); – hai, cách đọc thành “t’ủ” của người đó không có âm cuối vần trong khi chữ 獨 có âm cuối vần là [k]; – và ba, nguyên âm chính của chữ 馬 là [a], một nguyên âm không tròn môi chứ không phải “o”, là một nguyên âm tròn môi.
Cứ theo ba điểm hoàn toàn chắc chắn trên đây thì ta có thể  dứt khoát khẳng định : – “t’ủ mỏ” không phải là âm Quảng Đông của hai chữ độc mã 獨馬; – do đó, thổ mộ tuyệt đối chẳng có dây mơ rễ má gì về mặt từ nguyên vói hai chữ mà âm Quảng Đông đã bị “chế biến” như trên. Huống chi có phải chỉ có xe thổ mộ mới do một con ngựa kéo đâu! Bởi vậy tác giả Cao Tự Thanh mới nói rằng thứ từ nguyên dân gian ấy dùng để tào lao thì được chứ nếu tưởng là học vấn thì chỉ làm cho con cháu ngu đi mà thôi.



Monday 23 April 2012

Từ đầu cánh đến ngầu pín _ An Chi (RCMCN cho số 75, 25-6-2010)

Trong quyển 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm (Nxb Văn nghệ, 2009), tác giả Lê Gia đã cách cái mạng của  câu Nhất phao câu, nhì đầu cánh thành Nhất phao câu, nhì gầu cánh. Ông giải thích:
        “ Gầu, cũng nói là ngầu, thí dụ ngầu pín, tiếng Quảng Đông. Do chữ ngẫu là thịt gân, thịt xương ở đầu cánh tay. Phở tái gầu: Món phở thịt bò tái mà có thêm thịt gân. Nghĩa câu: Ăn thịt gà ngon nhất là miếng phao câu, nơi có mỡ béo và xương mềm; thứ nhì là thịt chỗ khớp xương cánh nối vào thân mình, nơi đây vừa béo vừa có xương sụn mềm.”
        Quả là tác giả Lê Gia đã trình làng một cách giải thích tân kỳ. Nhưng với tính cách là một từ của tiếng Việt, gầu không bao giờ nói thành ngầu, mà cũng không hề có nghĩa là “thịt gân, thịt xương ở đầu cánh tay”, như ông đã “phát hiện”, nên tất nhiên cũng chẳng dính dáng gì đến chữ ngẫu do ông đưa ra.
        Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên (ấn bản 2003) giảng gầu là “thịt có lẫn mỡ ở ngực bò”. Làm thế nào mà từ cái nghĩa “thịt có lẫn mỡ ở ngực bò”, gầu lại có thể nhảy phốc sang cái nghĩa “thịt gân, thịt xương ở đầu cánh tay” của ông Lê Gia? Rồi lại còn có thể nói thành ngầu! Nhưng táo bạo và thú vị nhất là ông Lê Gia lại còn gắn từ gầu, cũng nói ngầu của ông với từ ngầutrong ngầu pín của tiếng Quảng Đông, cứ ngỡ rằng trong thứ tiếng này thì ngầu là một bộ phận trong cơ thể của động vật. Thưa rằng ông đã nhầm to vì ngầu 牛 (âm Hán Việt là ngưu) ở đây có nghĩa là bò. Còn pín 鞭 ( âm Hán Việt là tiên) mới là bộ phận cơ thể, mà lại là một bộ phận đặc biệt. Quảng Châu thoại phương ngôn từ điển của Nhiêu Bỉnh Tài, Âu Dương Giác Á và Chu Vô Kỵ (Thương vụ ấn thư quán, Hong Kong, 2001) giảng pín 鞭 là “hùng tính động vật đích sinh thực khí (uyển từ)” nghĩa là “bộ phận sinh dục của động vật giống đực (uyển ngữ)”. Rồi quyển từ điển này cho hai thí dụ: 牛鞭 (ngầu pín) và 三鞭酒 (xám pín chẩu). Xám pín chẩu là một loại rượu (chẩu = rượu) đặc sản của Trung Quốc, bào chế với nhiều nguyên liệu cao cấp như nhân sâm, lộc nhung, v.v., trong đó có ba thứ dương vật (xám = ba; pín = dương vật) không thể thiếu là: của hươu, của hải cẩu và của ... chó; còn ngầu pín là dương vật của bò , dĩ nhiên là bò đực. Phở ngầu pín là món phở mà người Quảng Đông chế biến với dương vật bò (đực). Vậy biến đầu cánh thành “gầu cánh” rồi đánh đồng nó với dương vật của bò thì chẳng tội nghiệp cho cái món số hai truyền thống của các cụ nhà ta lắm sao?
      Vậy xin trả lại cái mạng cũ cho câu tục ngữ đang xét mà tiếp tục đọc nó là Nhất phao câu, nhì đầu cánh. Nhưng đầu cánh là gì?  Tác giả Nguyễn Dư khẳng định:“ Đầu cánh là cái đầu và cái cánh chứ không phải là cái đầu (ngọn) của cái cánh. Để tránh hiểu lầm, nên thêm dấu phẩy giữa chữ đầu và chữcánh.” Tác giả này dựa vào bài “ Nghệ thuật băm thịt gà” của Ngô Tất Tố mà giải thích như sau:
        “ Thứ nhất phao câu nghĩa là chiếc phao câu được dành cho chiếu thứ nhất. Làng nào có tiên chỉ thì ông tiên chỉ, một mình một cỗ, được hưởng cả cái phao câu. Không có tiên chỉ thì những người được ngồi chiếu nhất cùng hưởng. Làng thằng Mới có bốn người ngồi chiếu nhất nên chiếc phao câu được chia làm bốn phần. Thứ nhì đầu cánh nghĩa là chiếu thứ nhì chia nhau cái đầu gà. Làng nào có nhiều người ngồi chiếu nhì thì hết đầu gà có thể dùng thêm cánh gà bù vào.”
Xin thưa rằng cách giải thích trên đây hoàn toàn sai với đặc trưng hình thức - ngôn từ của câu tục ngữ. Văn học dân gian Việt Nam có hàng chục, hàng chục câu tục ngữ có cấu trúc “ Nhất (...), nhì(...), v. v.” hoặc “Thứ nhất (...), thứ nhì (...), thứ ba (...), v. v.”, mà nội dung là một sự sắp xếp  thứ hạng về chất lượng, về vai trò, v. v.. Trong tất cả các câu đó, các từ chỉ thứ tự nhấtnhìba, v. v., luôn luôn trực tiếp đánh giá cái chủ thể được biểu hiện bằng từ/ngữ đi liền ngay sau nó, chứ dứt khoát không phải bất cứ một/những đối tượng nào không được nói đến trong câu tục ngữ. Vì vậy nên chiếu trên, chiếu dưới, chiếu nhất, chiếu nhì, v.v., là những thứ tuyệt đối chẳng liên quan gì đến câu tục ngữ của chúng ta. Câu này chỉ trực tiếp nói đến hai bộ phận trên thân thể con gà mà thôi. Thứ nhất là phao câu thì đã rõ nhưng thứ nhì, đầu cánh thì đích xác là chỗ nào?
        Xin quan sát hai mặt của cái cánh gà trong H.1. Nó cũng có ba phần như tay người: cánh tay, bắp tay, bàn tay. Tương đương với cánh tay là phần cánh gà tính từ chỗ đầu xương giáp với vai cho đến khuỷu cánh thứ nhất tính từ trong ra. Phần này của cánh, tiếng Anh gọi là drumette, tiếng Pháp làmanchon còn tiếng Hoa là chìtuǐ 翅腿 (âm Hán Việt là xí thối ), nghĩa là đùi cánh. Đùi cánh chính là cái bộ phận được tô màu vàng trong H.2, cũng là cả cái bộ phận mà ta thấy trong H.3.  Có người gọi nó làbầu cánh. Nó giống với cái đùi nhưng nếu nhìn theo tỷ lệ toàn thể thì nó thô hơn, ngắn hơn. Chỗ đầy thịt no tròn của đùi cánh, nơi nó dính vào vai, chính là đầu cánh, đối với phần nhọn phía ngoài cùng là cái chót cánh (Xin x. lại H.1).
        Vì ngon vào hàng nhất nhì trong cả con gà nên đùi cánh có một vị thế quan trọng trong việc chế biến thức ăn. Nó có thể được để nguyên để chiên (rán), quay, v. v., như có thể thấy trong H.4. Nhưng nó cũng có thể được chế biến cầu kỳ hơn bằng cách lóc bỏ da thịt của phần giáp với khuỷu cánh mà làm cho cái đùi cánh trở thành một khối thịt tròn, để lộ ra một khúc xương, như một cái que để cầm (H.5). Trong trường hợp này cái đùi cánh trông giống như một quả chuỳ. Vì vậy nên tiếng Pháp mới gọi nó là pilonnet hoặc pilonnette (chày nhỏ); còn tiếng Anh thì ví với hình dạng của cây kẹo mút mà gọi nó là chicken lollipop.
        Tóm lại, đầu cánh chính là cái phần đầy thịt no tròn của đùi cánh, đối với phần ngoài cùng là cái chót cánh. Trong H.3, đầu cánh chính là cái phần no tròn đã xẻ ra (trên) hoặc còn nguyên (dưới);  phần  còn lại sẽ trở thành cái que cầm cho chicken lollipop. Thịt đầu cánh rất ngon; có người cho rằng nó còn ngon hơn cả thịt đùi nữa.










Hình 1
Hình 2
Hình 3
Hình 4
Hình 5