Saturday 5 May 2012

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ CHỨC TỔNG ĐỐC QUA GHI CHÉP CỦA MỘT SỐ VĂN BẢN CHỨC QUAN TRIỀU NGUYỄN - Lê Thị Thu Hương

Lê Thị Thu Hương 40. Bước đầu tìm hiểu về chức Tổng đốc qua ghi chép của một số văn bản chức quan triều Nguyễn
Cập nhật lúc 11h59, ngày 11/08/2009


LÊ THỊ THU HƯƠNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Quan chế thời phong kiến là một bộ phận cấu thành của quốc gia phong kiến. Cũng như Trung Quốc, quan chức ở Việt Nam trải qua các thời đại có sự thay đổi khá phức tạp. Bộ máy quan lại luôn được cải tổ theo sự phát triển của xã hội, nhiều chức quan mới được đặt thêm trong lúc không ít những chức quan cũ bị bãi bỏ. Có những chức quan tồn tại rất nhiều đời nhưng địa vị, quyền hạn thì không ngừng thay đổi. Chính vì vậy việc tìm hiểu nguồn gốc, chức năng, quyền hạn, ban ngạch... của các chức quan là việc làm vô cùng cần thiết, đặc biệt là thông qua các tài liệu ghi chép về chức quan bằng chữ Hán, chữ Nôm.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin bước đầu tìm hiểu về chức quan Tổng đốc - một chức quan đứng đầu cấp tỉnh qua ghi chép của một số văn bản chức quan triều Nguyễn.
Phạm vi nghiên cứu: chúng tôi sử dụng các tài liệu quan chức bằng chữ Hán trong kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đối với mỗi văn bản thông thường có nhiều dị bản khác nhau, chúng tôi căn cứ trên thực tế tình hình văn bản để chọn ra cho mỗi tác phẩm một bản đầy đủ nhất, chuẩn xác nhất làm bản nền để giới thiệu.
1.KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ 欽定大南會典事例
Đây là bộ sách đầy đủ về tư liệu tổ chức và lề lối làm việc cùng các thể lệ cụ thể về mọi mặt công việc của bộ máy nhà nước từ Gia Long đến Tự Đức. Trong cuốn A.54/2 (Q.11) có ghi về chức quan Tổng đốc như sau:
Minh Mệnh 3 (1822)
[... : , 駐平, , , , , , , 駐南, , 西, 太總...] (Các tỉnh Đốc phủ: Nam Nghĩa Tổng đốc nhất, trú Quảng Nam Điện Bàn phủ; Bình Phú Tổng đốc nhất, trú Bình Định Hoài Nhân phủ; Bình Biên Tổng đốc nhất, trú Gia Định Tân Bình phủ; Long Tường Tổng đốc nhất, trú Vĩnh Long Định Viễn phủ; An Hà Tổng đốc nhất, trú An Giang Tuy Biên phủ; An Tĩnh Tổng đốc nhất, trú Nghệ An Anh Sơn phủ; Thanh Hóa Tổng đốc nhất, trú Thiệu Hóa phủ; Hà Ninh Tổng đốc nhất, trú Hà Nội Hoài Đức phủ; Định An Tổng đốc nhất, trú Nam Định Thiên Trường phủ; Hải An Tổng đốc nhất trú Hải Dương Bình Giang phủ; Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc nhất, trú Sơn Tây Quảng Oai phủ; Ninh Thái Tổng đốc nhất, trú Bắc Ninh Từ Sơn phủ..) [Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh: Tổng đốc Nam Nghĩa một viên, trụ sở tại phủ Điện Bàn - Quảng Nam; Tổng đốc Bình Phú một viên, trụ sở tại phủ Hoài Nhân- Bình Định; Tổng đốc Định Biên một viên, trụ sở tại phủ Bình Tân - Gia Định; Tổng đốc Long Tường một viên, trụ sở tại phủ Định Viễn- Vĩnh Long; Tổng đốc An Hà một viên, trụ sở tại phủ Tuy Biên- An Giang; Tổng đốc An Tĩnh một viên, trụ sở tại phủ Anh Sơn- Nghệ An; Tổng đốc Thanh Hóa một viên, trụ sở tại phủ Thiệu Hóa; Tổng đốc Hà Ninh một viên, trụ sở tại phủ Hoài Đức - Hà Nội; Tổng đốc Định Yên một viên, trụ sở tại phủ Thiên Trường - Nam Định; Tổng đốc Hải An một viên, trụ sở tại phủ Bình Giang - Hải Dương, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên một viên, trụ sở tại phủ Quảng Oai - Sơn Tây; Tổng đốc Ninh Thái 1 viên, trụ sở tại phủ Từ Sơn - Bắc Ninh].
2. KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ (Tục biên) 欽定大南會典事例續編
Hội điển triều Nguyễn, chép tiếp từ thời Tự Đức trở về sau, gồm các bài dụ, chỉ, nghị định về quan chế, nghi lễ, vật dụng, đồ thờ...và công việc của các phủ, viện, bộ... Trong cuốn VHv.2793/3 có ghi về chức Tổng đốc như sau:
[8a] : 年, ... (Các tỉnh Đốc phủ: Đồng Khánh nhị niên hựu tâu chuẩn Bình Thuận, Khánh Hòa nhị hạt hệ thị Trung Châu nguyên tiền thiết Tuần phủ nhất. Tư y nhị hạt hệ thị địa đầu quan yếu nghĩ cải thiết Thuận Khánh tổng đốc...)[Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh: niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887) lại tâu chuẩn: hai hạt Bình Thuận, Khánh Hòa thuộc vùng trung châu nguyên có đặt một Tuần phủ. Nay hai hạt đó là vùng địa đầu trọng yếu, nên sửa đổi đặt viên Tổng đốc Thuận Khánh...]
3.ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN TOÁT YẾU大南會典撮要
Nội dung tóm tắt Hội điển đời Minh Mệnh gồm các nguyên tắc tổ chức bộ máy cai trị Nhà nước, cơ cấu tổ chức của triều đình, của 6 bộ, của các phủ, viện, vệ, ti, doanh... Bộ máy cai trị ở các địa phương, quy chế về quan lại, quân đội, giáo dục, hành chính, hình pháp. Năm công bố phần nội dung chính của sách là năm Minh Mệnh thứ 14 (1833). Trong đó chức quan Tổng đốc được ghi chép trong cuốn A.1446 như sau:
151a [...宇,分,督,使司,使 ...] (Quốc gia thống nhất cương vũ, phân định hạt phận, thiết hữu Tổng đốc, Tuần phủ dĩ thống trị chi. Sở thuộc hữu Bố chánh sứ ty, Án sát sứ ty cập Lãnh binh quan. Lệ yên. Tổng đốc dĩ Đô thống Thượng thư, Thống chế bản hàm vi chi. Chưởng thống trị quân dân thống hạt thân biền, khảo khiếu quan lại, tu sức phong vực...) [Quốc gia thống nhất cương vực, phân định hạt phận, đặt chức Tổng đốc, Tuần phủ để cai quản một cách có hệ thống. Dưới quyền có Bố chánh sứ ty, Án sát sứ ty và quan Lãnh binh. Tổng đốc là người mang hàm Đô thống Thượng thư, Thống chế. Nắm quyền thống trị quân dân, thống lãnh quan văn, võ trong hạt, khảo xét quan lại, sửa sang bờ cõi...]
4. SỬ HỌC BỊ KHẢO史學備考
1. Khảo cứu về lịch sử địa lý Việt Nam: núi sông, đường sá, tỉnh, phủ, huyện... đổi thay qua các đời.
2. Quan chế Việt Nam qua các thời đại: phẩm trật thăng giáng, tước lộc...
Bộ máy hành chính từ trung ương đến các phủ, huyện, xã... Trong phần Quốc triều quan chế [ Quan chế khảo] bản A.1490 chép về chức quan Tổng đốc như sau:
靜,清化,河寧,定,太,宣,海安,平富,定邊,隆祥,安河。布焉。凡銜。所撫,其 ...(Tổng đốc thập nhị: An Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Ninh, Yên Định, Ninh Thái, Sơn Hưng Tuyên, Hải Yên, Bình Phú, Định Biên, Long Tường, An Hà. Bố án, Lãnh binh lệ yên. Phàm Tổng đốc giai đới Binh bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử hàm. Sở trị chi tỉnh bất thiết Tuần phủ, kỳ Thanh Hóa dụng Tôn thất quan) [ Tổng đốc 12 tỉnh: An Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Ninh, Yên Định, Ninh Thái, Sơn Hưng Tuyên, Hải Yên, Bình Phú, Định Biên, Long Tường, An Hà. Bố án, Lãnh binh đều thuộc [dưới quyền Tổng đốc]. Nhưng Tổng đốc đều theo hàm Binh bộ Thượng thư kiêm Hữu Đô ngự sử Đô sát viện. Tỉnh trực thuộc thì không đặt Tuần phủ. Còn như tỉnh Thanh Hóa chỉ dùng quan Tôn thất...]
5.ĐẠI NAM ĐIỂN LỆ TOÁT YẾU TÂN BIÊN大南典例撮要新編
Tóm tắt các điều lệ của bộ Quốc triều hội điển, có bổ sung các luật lệ mới. Trong đó bản VHv.1684/5 ghi về chức quan Tổng đốc như sau:
[12a] : ... (Lệ Thành Thái nguyên niên thất nguyệt nhật định Bắc Kỳ văn võ quan viên hiện ngạch. Đại tỉnh: Tổng đốc nhất, Bố chánh nhất (hậu đình thiết)... [Lệ ngày tháng Bảy niên hiệu Thành Thái thứ 1 (1889), định ngạch hiện thời về chức quan văn và võ ở Bắc Kỳ. Tỉnh lớn: một quan Tổng đốc, một quan Bố chánh (sau không đặt nữa)...]
...[14a] : ... (Đốc phủ, Bố án lệ Hàm Nghi nguyên niên Bắc kỳ các tỉnh Đốc phủ Bố Án hữu khuyết, thính do kinh lược hàm tuyển cử...)
[Về Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh và Án sát. Lệ niên hiệu Hàm Nghi thứ 1 (1885) quy định rằng các tỉnh ở Bắc Kỳ có khuyết chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh và Án sát thì cho Nha Kinh lược được chọn người mà đề cử]
6. QUỐC TRIỀU ĐIỂN LỆ QUAN CHẾ LƯỢC BIÊN國朝典例官制略編
Chế độ quan chức đời Minh Mệnh (1820 - 1840) gồm: quan tước, phẩm vật của các quan văn, võ... Trong đó bản A.1380 là bản đầy đủ nhất thì phẩm trật của Tổng đốc được ban hành năm Minh Mệnh thứ 8 (1827)ghi chép như sau:
[9a] [ . , 西, , ... ] (Chánh nhị phẩm: đồng niên bổng tiền nhị bách ngũ thập quán, mễ nhị bách phương, xuân phục ngũ thập quán, tuất tiền nhị bách quán. Lục bộ Thượng thư, Đô sát viện Tả hữu đô Ngự sử, chư tỉnh Tổng đốc, trấn Tây Tham tán đại thần, cáo thụ Tư thiện đại phu, Chính trị thượng khanh, thụy Trang Lượng mỗ tính hầu mệnh phụ phu nhân...)[Hàm Chánh nhị phẩm: tiền bổng cả năm 250 quan, 200 phương gạo, tiền trang phục mùa xuân là 50 quan, tiền tuất là 200 quan. Còn các quan Thượng thư lục bộ, Tả hữu đô Ngự sử ở Đô sát viện, Tổng đốc các tỉnh, Tham tán Đại thần trấn Tây được cáo thụ Tư thiện đại phu, Chính trị thượng khanh, thụy là Trang Lượng, họ... vợ xưng là phu nhân...]
7.ĐẠI NĂM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN, Quốc sử quán triều Nguyễn, Tập 10, tr.364. Nxb. Sử học, H. 1964.
Trong mục Quy tắc làm việc, khi mới phân chia tỉnh:
“Tổng đốc, Tuần phủ hay các viên thự lý Tuần phủ ấn vụ, công việc cũng giống như nhau. Phàm trong hạt sự việc gì nên tâu báo đều được làm chuyên tập tâu lên. Duy Tuần phủ (ở tỉnh có Tổng đốc) kiêm hạt, khi có chính sự lớn lao về hưng lợi, trừ tệ thì cùng với Tổng đốc bàn bạc rồi ký tên tâu chung 1 giấy. Nếu ý kiến khác nhau thì làm tờ tấu riêng”.
8. QUỐC TRIỀU THỂ LỆ 國朝體例
Thể lệ của 6 Bộ (Lại, Hộ, Binh, Công, Hình, Lễ) triều Nguyễn, từ Gia Long (1802 - 1819) đến Thành Thái (1889 - 1907): chế độ đối với các quan chức, phong tặng, điều động tuyển dụng các quan... bản VHv.1768 ghi về chức quan Tổng đốc như sau:
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831)
[93a-93b] 北圻西 ... (Đình nghị phàm Bắc kỳ phân thiết sự nghi nội tăng thiết Hà Tĩnh xứ, Hưng Yên xứ tính Sơn Tây cải vi Hà Nội xứ. Nội phân Nghệ An xứ cải vi Hà Tĩnh xứ. Dĩ Khoái Châu phủ tính Tiên Hưng tam huyện vi Hưng Yên xứ. Nội Bình Trị Tổng đốc, An Tĩnh tổng đốc, Định An Tổng đốc, Hải An Tổng đốc, Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc, Thái Ninh Tổng đốc các nhất nội...) [Triều đình nghị bàn: về việc phân chia lại Bắc Kỳ, trong đó đặt thêm các xứ Hà Tĩnh, Hưng Yên, còn Sơn Tây đổi thành xứ Hà Nội. Lấy một phần xứ Nghệ An đổi thành xứ Hà Tĩnh. Lấy phủ Khoái Châu cùng ba huyện Tiên Hưng đổi thành xứ Hưng Yên. Mỗi xứ cử một Tổng đốc: Tổng đốc Bình Trị, Tổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Định An, Tổng đốc Hải An, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, Tổng đốc Ninh Thái...]
[93b] 督職: 紳,考吏,...] (Tổng đốc chức chưởng: tổng trị binh dân thống hạt biền thân khảo hạch quan lại, tu sức phong vực...)[Chức năng của Tổng đốcnắm giữ tất cả mọi việc quân dân kiêm việc thống lĩnh các quan văn võ trong hạt; khảo hạch quan lại, soạn sức lệnh xây dựng biên cương...]
[93b] 詳總督上同,及制,
[94a] 府縣奏。調派。 ...] (Nội Tổng đốc, Tuần phủ phàm tư tấu thỉnh sự nghi thự họa chuyển tập cụ tấu. Kỳ Bố chánh, Án sát nhất thiết tư tấu thỉnh chư sự kiện tượng Tổng đốc, Thượng ty chiếu biện. Duy sự quan sinh dân lợi bệnh nhi ý kiến dị đồng, cập vi Thượng ty phi lễ ức chế, phương tàm trực đạt. [94a] Nội phủ huyện kết đệ cập án tra biện chư sự kiện chuyển tường Đốc phủ) [Tổng đốc, Tuần phủ phàm khi dâng biểu tư tấu trình công việc, phải cùng ký tên trong tờ tâu rồi tâu trình đầy đủ. Còn Bố chánh, Án sát, mọi tờ tư tấu xin thi hành công việc, phải trình bày rõ lên quan trên, Tổng đốc xem xét. Duy chỉ những việc liên quan tới cái lợi hại trong đời sống của dân chúng mà có ý kiến khác nhau, và bị cấp trên cho là trái với lễ, thì mới cho phép trình bày trực tiếp lên cấp trên.
Mọi công việc trong phủ, huyện giải quyết xong thì dâng trình lên trên, và quan Án sát khi xem xét các sự kiện, tấu trình lên quan Tổng đốc, Tuần phủ phê duyệt. Nếu Án sát xét việc có chỗ chưa thỏa đáng, giao cho Tổng đốc, Tuần phủ trình bày, khiển trách các viên chức ở ty Bố chính rồi họp bàn với người đứng đầu phủ, huyện để điều tra, xem xét, không được ủy lại cho quan viên ty Án sát.
Nha môn của Tuần phủ nếu như có việc khẩn cấp, một mặt tư báo cho Tổng đốc, một mặt gửi hịch nhanh chóng điều động binh lính trong hạt. Nếu Tổng đốc không sai người thi hành lệnh khẩn cấp, dẫn đến hỏng việc, thì phải chịu tội ngang nhau....]
Minh Mệnh thứ 15 (1834)
[102b]凡事調兵轉... (Phàm sự quan binh cơ vụ bổ đạo, tiễu phỉ, điều binh, chuyển hưởng kỳ kiêm hạt chi Tổng đốc tu gia tâm đẳng biện. Nhược sở thuộc chi tỉnh bất khẳng quan bạch, kiêm hạt chi Tổng đốc bất vi đẳng biện chuẩn danh tham tấu...) [Phàm việc liên quan đến quân cơ biên giới, như bắt cướp, dẹp phỉ, điều binh, chuyển lương, viên Tổng đốc kiêm hạt phải chú tâm lo liệu, nếu các sảnh sở thuộc nào không chịu trình báo, viên Tổng đốc kiêm hạt không thể lo liệu được, thì cho phép hặc tấu tất cả].
Minh Mệnh thứ 19 (1838)
[70b]方三 (Phàm địa phương tam tứ phẩm quan như hữu can cữu kinh phái phụng vãng tuyên dụ tất ná giao Đốc phủ tra biện) [Phàm các quan địa phương tam, tứ phẩm nếu mắc lỗi, quan ở kinh được phái đi tuyên dụ xong, thì bắt giao cho quan Tổng đốc và Tuần phủ kiểm tra xử lý].
Năm Tự Đức thứ 9 (1856)
[50b定在外省例﹕者,名... (Nghị định tại ngoại tỉnh huyện châu dưỡng liêm hầu lệ: Tổng đốc đệ niên dưỡng liêm tiền bát thập quan, Tuần phủ thất thập quan... đẳng. Như kỳ gian hữu giáng cách lưu dụng cập quyền lãnh quyền nhiếp giả, danh chiếu hiện lãnh hiện nhiếp chức hàm chi lãnh dưỡng liêm lệ tiền hữu sai) [Nghị định về điều lệ dưỡng liêm(1) ở các phủ, huyện, châu ngoại tỉnh: Tiền dưỡng liêm hàng năm của Tổng đốc là 80 quan; Tuần phủ là 75 quan, Bố chính là 70 quan; Án sát là 65 quan.... Các quan chức kể trên nếu bị giáng cách lưu dụng hoặc quyền lãnh, quyền nhiếp, đều chiếu theo chức hàm hiện tạm giữ, tạm quyền để chi lãnh tiền dưỡng liêm có khác nhau].
Minh Mệnh thứ 15 (1814)
[71b] ... ... (Phàm nghĩ định chư địa phương quan thuộc số binh Bắc kỳ, Tổng đốc tam thập danh, Tuần phủ nhị thập danh... Nam kỳ Tổng đốc thập ngũ danh, Tuần phủ thập danh) [Phàm nghĩ định số thuộc quân của quan địa phương. Ở Bắc kỳ, chỗ quan Tổng đốc là 30 lính, Tuần phủ 20 lính... Ở Nam kỳ, chỗ quan Tổng đốc là 15 lính, Tuần phủ 10 lính]...
Tự Đức thứ 3 (1850)
[95b] ... ...(Phàm nghĩ định nội ngoại chức quan các cấp phiêu tòng lệ... địa phương quan Tổng đốc lục thập danh) [Phàm nghĩ định lệ cấp lính theo hầu cho các chức quan trong Kinh ngoài tỉnh: ... Quan địa phương: Tổng đốc được 60 tên...]
Tóm lại:
Theo ghi chép trong các sách nêu trên chúng tôi nhận thấy:
1. Triều đình nhà Nguyễn giai đoạn từ năm 1831 trở đi bắt đầu đặt chức Tổng đốc. Đó là: Tổng đốc Nam Nghĩa, Bình Phú, Định Biên, Long Tường, An Hà, An Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Ninh, Định Yên, Hải An, Sơn Hưng Tuyên, Ninh Thái.
2. Chức năng: Tổng đốc là chức quan đứng đầu liên tỉnh. Nắm giữ tất cả mọi việc quân dân từ việc thống lĩnh các quan văn võ trong hạt kiêm việc khảo hạch quan lại, soạn sức lệnh xây dựng biên cương.
Trong một số sách còn ghi cụ thể hơn, như:
- Mọi tờ tư tấu xin thi hành công việc của Bố chánh, Án sát phải trình bày lên quan Tổng đốc. Duy chỉ những việc liên quan tới cái lợi hại trong đời sống của dân chúng mà có ý kiến khác nhau, và bị cấp trên cho là trái với lễ, thì mới cho phép trình bày trực tiếp lên cấp trên.
- Phàm các quan địa phương tam, tứ phẩm nếu mắc lỗi, quan ở kinh được phái đi tuyên dụ xong thì bắt giao cho quan Tổng đốc kiểm tra xử lý.
- Phàm việc liên quan đến quân cơ biên giới, như bắt cướp, dẹp phỉ, điều binh, chuyển lương, viên Tổng đốc kiêm hạt phải chú tâm lo liệu, nếu các sảnh sở thuộc nào không chịu trình báo, viên Tổng đốc kiêm hạt không thể lo liệu được, thì cho phép hặc tấu tất cả.
3. Để giữ chức Tổng đốc viên quan phải mang hàm Thượng thư Bộ Binh kiêm hàm Hữu Đô Ngự sử Đô sát viện, hưởng trật thì thuộc hàm Chánh nhị phẩm (tiền cả năm 250 quan, 200 phương gạo, tiền xuân phục là 50 quan, tiền tuất là 200 quan. Được cáo thụ Tư thiện đại phu, Chính trị thượng khanh, thụy là Trang Lượng, vợ xưng là phu nhân.) Tiền dưỡng liêm hàng năm của Tổng đốc là 80 quan; số thuộc quân của Tổng đốc Bắc kỳ là 30 lính, Nam kỳ là 60 lính.
Chú thích:
(1)Dưỡng liêm là tiền cấp thêm ngoài lương bổng để quan lại giữ được thanh liêm.
Tài liệu tham khảo:
1.Đỗ Văn Ninh: Từ điển chức quan Việt Nam. Nxb. Thanh niên, H. 2002.
2.Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Tục biên). Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb. Giáo dục.
3.Quan chức đời Minh Mệnh qua văn bản Đại Nam hội điển toát yếu. Ngô Thế Long - La.112.
4.Quan chức đời Minh Mệnh qua tư liệu Quốc triều điển lệ quan chế lược biên. Lê Như Duy. Đề tài tập sự 2005./.

Thursday 3 May 2012

Rút cục thì ông ấy tên gì?

Viên tướng chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ là Christian de La Croix de Castries. De Castries là một dòng họ quý tộc lâu đời ở Pháp. Người Việt phiên âm khi là Đờ-cát-xtơ-ri, khí là Đờ-cát
Có vẻ như Đờ-cátĐờ-cát-xtơ-ri rút gọn. Thực ra không phải như vậy: chữ i trong De Castries không có phát âm, tức là phải đọc như De Castres. Những người phiên De Castries thành Đờ-cát-xtơ-ri căn cứ vào mặt chữ mà nghĩ là cái họ ấy phải phát âm như thế chứ không biết thực tế nó được phát âm như thế nào.

Tuesday 1 May 2012

Từ Nguyên 1 (Cao Tự Thanh)

Từ nguyên 1


Năm 1998 có lần viết một bài về mảng từ Việt Hán trong tiếng Việt trên báo Tuổi trẻ, nêu ra sự khác biệt giữa các từ cô lập – độc lập và bất nghĩa – phi nghĩa – vô nghĩa, có một vị cán bộ hưu trí ở Hà Nội gửi thư căn vặn là giải thích các từ cô lập – độc lập theo từ điển nào, lại làm khó hỏi hai từ phi chính phủ và vô chính phủ khác nhau thế nào về từ pháp. Ban Biên tập chuyển thư tới, vừa bực mình vừa buồn cười nhưng cũng vội trả lời, trong nói “Cách giải thích độc lập và cô lập trong bài viết đối với tôi cũng đơn giản, nên tôi chưa cần tra cứu từ điển hay tài liệu nào cả. Mong ông thông cảm, những người đọc báo hay dựa vào từ điển chứ tôi là người đọc sách, lòng tin vào từ điển cũng có mức độ, vả lại làm khoa học thì phải tìm ra những cái mới và đúng, những cái mà các từ điển chưa có hay có mà sai. Về hai từ phi chính phủ và vô chính phủ mà ông nêu ra để kiểm tra học vấn của tôi thì xin thưa lại thế này: hai từ này có từ pháp giống nhau nhưng ngữ nghĩa của các yếu tố cấu thành đều khác nhau. Phi chính phủ là “không phải chính quyền” (tiếng Anh là non-government) còn vô chính phủ là “không có cấm lệnh” (tiếng Anh là anarchy), chỉ tình trạng hỗn loạn không có trật tự hay thái độ ngang ngạnh bất chấp pháp luật. Còn trong các ví dụ tôi nêu thì có vấn đề từ pháp. Phi trong phi nghĩa là một tính từ có nghĩa là sai trái tà ác, nên phi nghĩa được dùng như một phạm trù đối lập với chính nghĩa, còn bất trong bất nghĩa là một phó từ. Ngoài ra nghĩa trong bất nghĩa chỉ các chuẩn mực lối sống, còn nghĩa trong phi nghĩa chỉ đạo đức chính trị, có nội hàm khác nhau”. Hôm nay giở lại các bài viết thư từ cũ trong máy để tìm vài tư liệu tình cờ nhìn thấy lá thư, nghĩ nhiều người không có thời gian đọc sách tra cứu chắc khó biết rõ về từ nguyên của nhiều từ Việt Hán, lại nhân đang soạn một bảng tra về từ Hoa Hán và từ Việt Hán nên nghĩ trích post lên vài ba mươi từ cũng có thể vửa giúp mọi người có cái giải trí vừa được các bậc thức giả chỉ giáo thêm cho.

英 雄 Anh hùng: anh là tinh hoa của loài cây, hùng là tinh hoa của loài thú, nên anh hùng dùng chỉ kẻ hơn người. Cũng có lối giải thích Kẻ biết được mình là anh, kẻ thắng được mình là hùng (Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng), tóm lại anh hùng đều chỉ kẻ có tài thức, tố chất hơn người.

  Ảnh hường: ảnh là cái bóng của vật, hưởng là âm vang của tiếng, chỉ kết quả tất yếu và khách quan của một sự kiện hay quá trình, về sau còn được dùng như động từ, chỉ sự tác động của một hoặc nhiều sự vật tới một hoặc nhiều sự vật khác.

不- 非 – 無 Bất, phi, vô: bất là không, phi là không phải, vô là không có, như Bất nghĩa là không đúng đạo nghĩa, Phi nghĩa là trái với chính nghĩa, Vô nghĩa là không có ý nghĩa, Bất thường là không được bình thường, Phi thường là không phải tầm thường, Vô thường là không có thường hằng vân vân. Ở đây còn có vấn đề từ pháp, chẳng hạn Vô tội là không có tội, nhưng Bất tội trong thành ngữ “Bất tri giả bất tội” mà một số dịch giả truyện võ hiệp ở miền Nam trước tháng 4. 1975 đã sơ suất dịch sai thành (Kẻ không biết thì) không có tội thì phải dịch là không bắt tội. Từ tội ở đây được dùng theo lối ý động pháp trong Hán ngữ, tức Dĩ chi vi tội (lấy đó làm tội), nên bất ở đây là một phó từ.

騈 偶
Biền ngẫu: biền là hai con ngựa được thắng vào một chiếc xe, ngẫu là số chẵn, biền ngẫu là bằng vai sóng đôi với nhau. Loại văn chương có hai vế đối nhau vì thế được gọi chung là biền văn hoặc văn biền ngẫu.
 腳 Căn cước: căn là gót chân, cước là bàn chân. Khi đi người ta đặt gót chân xuống trước, nên căn đây chỉ gốc rễ, lai lịch, khi bước người ta nhấn bàn chân xuống trước, nên cước đây chỉ hoạt động, hành trạng. Căn cước vì thế được dùng chỉ quê quán lai lịch, tiểu sử hành trạng của một người. Trước 1975 chính quyền miền Nam gọi giấy chứng minh nhân dân là thẻ căn cước là theo ý nghĩa này.

孤 立 – 獨 立
Cô lập – Độc lập: cô là lẻ loi, độc là một mình, lập là đứng, nghĩa bóng là tồn tại. Cô và lập có ý nghĩa tương đồng nhưng cô lập khác độc lập là vì từ pháp, tức cô trong cô lập là động từ còn độc trong độc lập là tính từ. Động từ cô lập này cũng có hai thể chủ động (làm cho kẻ khác bị lẻ loi) và bị động (bị kẻ khác làm cho thành lẻ loi).

固 執 – 堅 持 Cố chấp – Kiên trì: cố là chắc, chấp là cầm, kiên là bền, trì là giữ, đều có ý nghĩa cầm chắc giữ bền, nhưng qua thực tế sử dụng của người Việt thì chúng đã được gán cho những sắc thái tình cảm – tâm lý khác nhau, ví dụ kiên trì thường được dùng trong trường hợp có thiện
cảm còn cố chấp thì trong trường hợp có phản cảm, tương tự cặp từ kiên cường – ngoan cố, ví dụ quân ta thì kiên cường đánh trả chứ quân địch thì nhất định phải là ngoan cố chống cự vân vân.

斟 酌
Châm chước: đều là rót chất lỏng như trà rượu, nói chung phải ước lượng vật đựng lớn nhỏ cạn sâu thế nào để không bị đổ bị tràn, nên châm chước chỉ việc đắn đo tính toán kỹ càng trước khi làm. Tuy nhiên từ này còn có một ý nghĩa khác vì châm và chước có những nét nghĩa khác nhau. Châm là rót rượu vào bầu hay rót nước vào bình pha trà, chước là rót rượu từ bầu hay rót trà từ bình ra chén (chữ chước có một biến âm là chuốc tức rót mời, như chuốc trà chuốc rượu), tóm lại càng rót thì lượng rượu trà càng ít đi, nên từ này còn được dùng với nghĩa làm cho bớt đi, ví dụ từ kỷ luật hạ xuống cảnh cáo rồi từ cảnh cáo hạ xuống khiển trách vân vân đều là nhờ châm chước, ý nghĩa này đặc biệt thịnh hành trong quan trường Việt Nam hiện nay.

猶 豫 – 狐 疑 
Do dự, hồ nghi: dự là chuẩn bị, do là một loài thú giống khỉ, leo cây rất giỏi nhưng nhút nhát, ở trong núi nghe có tiếng động là sợ người ta tới bắt, vội vàng leo lên cây, hồi lâu mới dám xuống nhưng lại leo lên, cứ thế mấy lần, lúc nào cũng nơm nớp chuẩn bị, nên gọi là do dự. Lại có thuyết nói tục vùng Lũng Tây Trung Quốc gọi chó là do, chó theo chủ ra ngoài thường chạy lên trước rồi dừng lại chờ, nếu lâu không thấy chủ tới lại quay lại đón, cứ thế đi đi lại lại, nên người ta gọi việc ngần ngừ không quyết bề nào là do dự, người Việt Nam thường dùng từ do dự theo nghĩa này. Hồ là con cáo, tính cáo hay nghi ngờ nên người ta gọi kẻ đa nghi là hồ nghi. Tóm lại Do dự hồ nghi là Lo lắng như do (hoặc Phân vân như chó), đa nghi như cáo.

特 別
Đặc biệt: đặc là một con bò, trong nghi lễ thời vua Thuấn có một lễ tế chỉ giết một con bò, gọi là lễ Đặc. Biệt là riêng biệt, tách ra. Đặc biệt lúc đầu dùng chỉ những hiện tượng, sự vật đơn nhất, độc đáo không thuộc hệ thống nào, về sau được mở rộng ý nghĩa, dùng để nhấn mạnh một hiện tượng, sự vật nào đó.

嫁 娶 
Giá thú: giá là gả chồng, thú là cưới vợ. Giá thú được dùng chỉ việc cưới vợ gả chồng nói chung. Trước 1975 chính quyền miền Nam gọi giấy đăng ký kết hôn là giấy giá thú là theo ý nghĩa này.
欣喜 
Hân hỷ: vui vè mừng rỡ, có lẽ thông qua một trung gian âm đọc Hoa Hán nào đó rồi biến âm thành hớn hở trong tiếng Việt. Có thể chính từ này đã đảo ngược thành hỷ hân rồi biến âm thành hí hửng.

歡喜 
Hoan hỷ: hoan là cười nói vui vẻ, hỷ là có điều vui mừng trong lòng hiện ra ngoài mặt, tóm lại hoan chỉ mới là thái độ vui vẻ bề ngoài. Điểm khác biệt tinh tế này thể hiện qua việc tạo từ, chẳng hạn buông thả chơi bời gọi là truy hoan, họp mặt bạn bè đồng sự ăn uống vui chơi gọi là liên hoan chứ không ai gọi là truy hỷ, liên hỷ, nhưng tới dự đám cưới thì nhất định phải chúc mừng song hỷ mới êm, chứ nếu chúc cô dâu chú rể song hoan thì đúng là cầm bằng chửi cha hai họ.
康 莊 Khang trang: khang là chỗ ngã năm, trang là chỗ ngã sáu trên đường đi, nói chung đều phải to lớn rộng rãi, nên khang trang về sau được dùng rộng ra để chỉ cả những kiến trúc dân dụng như nhà cửa cung điện to lớn rộng rãi.

領 袖
Lãnh tụ: lãnh là cổ áo, tụ là ống tay áo. Đây là hai bộ phận đầu tiên mà khi mặc áo người ta phải nắm lấy, nên sau dùng ví với người đứng đầu, người quan trọng nhất của một tổ chức hay phong trào.

潤 筆 
Nhuận bút: làm ướt ngòi bút. Ngày xưa người ta viết bằng bút lông, nếu lâu ngày ngòi bút không được thấm ướt lông sẽ khô giòn gãy rụng (câu “Trúc se ngọn thỏ…” trong Truyện Kiều là chĩ chuyện này), nên kẻ xin văn xin chữ người ta rồi thù lao bằng tiền thì nói nhã là tiền nhuận bút. Về sau các nhà xuất bản, tòa báo trả tiền sách tiền bài cho tác giả cũng dùng từ này, dù rằng hàng trăm năm nay đại đa số người viết đã không dùng bút lông nữa. Cái lạ là khi trả tiền cho ảnh đăng báo người ta lại gọi là nhuận ảnh (làm ướt ảnh hay máy ảnh?)… Riêng chữ nhuận này còn biến âm thành từ nhuần trong tiếng Việt như nhuần thấm, nhuần nhã (chỉ dáng vẻ sáng sủa tươi tắn), nhuần nhị (chỉ dáng vẻ mềm mại mịn màng). 
宂 擾 
Nhũng nhiễu: quấy rầy không cho yên, dường như chính từ này đã biến âm thành nhõng nhẽo.

風 雅
Phong nhã: tên hai phần trong Kinh Thi của Trung Quốc, Phong chỉ thơ ca dân gian các nước chư hầu, Nhã gồm Đại nhã và Tiểu nhã tức lời các bài hát trong những dịp lễ nghi yến tiệc của triều đình thời Chu. Sau khi được coi là một trong những kinh điển cơ bản của Nho gia, Kinh Thi thường được người học trích dẫn, vận dụng thậm chí cả trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, vì thế Phong nhã dần dần trở thành từ chỉ chung người có học vấn, văn chương.

鋪 
Phố. Chữ này có khi viết là kim + phủ, có khi viết là xá + phủ, nghĩa là cửa hàng buôn bán, thật ra cũng không có gì đáng nói. Chỉ là trong tiếng Việt có hiện tượng một số phụ âm đầu Việt Hán như ph, k (c), tr chuyển thành b, g, ch làm hình thành một cách đọc chữ Hán của người Việt thời cổ mà Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn gọi là cách đọc Cổ Hán Việt như phi => bay, phòng => buồng, phụ => bố, phủ => búa, kê => gà, cận => gần, ký => ghi, cưỡng => gượng, trà => chè, trản => chén, trì => chầy, trình => chiềng. Chữ búa trong từ chợ búa chính là chữ phố này biến âm theo quy luật ngữ âm nói trên.

Cần nói thêm là Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê, Nxb. Khoa học xã hội, 1988 chỉ định nghĩa Chợ búa là “chợ (nói khái quát)”, không nêu được ý nghĩa của từ búa. Cũng có người tìm cách giải thích ý nghĩa từ này, nhưng lại suy diễn theo kiểu cảm tính nên đã kết luận búa tức bến nói chệch đi, rồi dẫn câu Trên bến dưới thuyền để minh họa. Khoảng cuối 1996 có lần cố Giáo sư Trần Quốc Vượng vào Sài Gòn nhờ anh Đặng Văn Thắng hiện là giảng viên Khoa Sử Đại học Tổng hợp thành phố chở tới nhà tôi chơi, uống rượu nói chuyện chữ nghĩa một hồi anh Vượng cao hứng cũng nói thế, lúc ấy tôi bực mình lại đã ngà ngà bèn lớn tiếng “Anh không biết thì im đi, đừng suy diễn bậy bạ, quy luật ngữ âm nào cho phép bến chuyển thành búa chứ”, rồi giải thích như trên, lại nói thêm chợ là nơi mua bán không có xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểu như các chợ quê trước kia, còn búa tức phố là nơi mua bán có xây dựng cửa hiệu kho hàng vân vân, tóm lại là đã bước vào môi trường và kiểu thức kinh doanh ở đô thị. Lúc đầu có lẽ anh Vượng hơi giận nên không nói gì, nhưng kế đó thì gật gù. Cũng vì chữ búa này mà có lần tôi đụng Giáo sư Nguyễn Đức Dân ngay tại nhà y, hôm ấy y nói chữ búa ấy có thể là trong tiếng Mường rồi toan lấy từ điển Việt Mường gì đó ra tra. Tôi cười nhạt nói anh không cần tra đâu, nếu người Mường có phố thì họ thành người Kinh trước người Việt rồi, y hơi quê bèn thôi. Tôi kể lại những chuyện này không phải để khoe, mà để mọi người thấy rằng muốn tìm hiểu ngôn ngữ thì phải có kiến thức toàn diện không những về ngôn ngữ mà còn cả về lịch sử, văn hóa và xã hội, chứ không thể suy diễn theo cảm tính chủ quan mà tìm được kết luận chính xác hay hợp lý đâu. 

複 雜 Phức tạp: phức là áo nhiều lớp, tạp là nhiều sự vật xen lẫn với nhau. Phức tạp dùng chỉ trạng thái hay hiện tượng nhiều sự vật khác nhau trộn lẫn đan xen với nhau, khó nhận dạng và phân biệt rạch ròi.

 
Thặng, thừa. Chữ này có hai âm, đọc là thặng là danh từ, nghĩa là cỗ xe bốn ngựa kéo, đọc là thừa là động từ, nghĩa là cưỡi xe. Phật giáo có hai đường lối tu hành được ví với cỗ xe, một chủ trương con người phải từng bước giác ngộ (tiệm ngộ) gọi là Tiểu thặng (cỗ xe nhỏ), một chủ trương con người có thể đột nhiên giác ngộ (đốn ngộ) gọi là Đại thặng (cỗ xe lớn), nhưng nhiều người vẫn gọi lầm là Tiểu thừa, Đại thừa. Theo một số nhà nghiên cứu, sự lầm lẫn này chủ yếu xuất phát từ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh trước 1945. 

切 磋 Thiết tha: thiết là cắt, tha là mài, chữ trong Kinh Thi, Vệ phong, Kỷ úc “Như thiết như tha… Chung bất khả huyên hề” (Như cắt như mài… Không thể quên được chừ), thật ra ca ngợi Vệ Vũ công là người quân tử biết trau dồi tài đức nên được nhân dân yêu mến nhớ nhung. Nhưng trong mảng từ Việt Hán từ này lại có nét nghĩa khác với ở Trung Quốc, chỉ việc yêu mến nhớ nhung tới mức thấy trong lòng như bị cắt bị mài, nhiều khi đảo ngược thành Tha thiết. Trong phương ngữ Bắc cổ từ này biến âm thành Se sắt, về sau lại biến âm thành Da diết, kế lại có một biến âm mang ý vị trào lộng là Ra rít.