Friday 5 July 2013

Thời tiếng lóng "xưa rồi Diễm" (Lê Văn Sâm - Người Đưa Tin)


Thời tiếng lóng "xưa rồi Diễm" (Lê Văn Sâm - Người Đưa Tin)

Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành một chùm tiếng lóng "sức mấy" để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến nỗi, một nhạc sĩ tên tuổi là Phạm Duy đã chọn làm tựa đề cho một bài hát: Sức mấy mà buồn.

Rồi một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ô tô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi ô tô 9 nốt "tính tính tè tè, tè ti tè ti té", tức "Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám" theo một câu hát trong bài Sức mấy mà buồn làm cho đường phố càng náo nhiệt hơn.
Cũng từ bài hát Diễm xưa của Trịnh Công Sơn mà sinh ra cụm từ tiếng lóng "xưa rồi Diễm", mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó, mà người nghe muốn gạt phăng đi. Thời các vũ trường mới có mặt ở Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng bóng "Cai gà", gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành "mã tà".
Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: "gác-dang" tức người làm bảo vệ. Do từ tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang. Cũng như nói "de cái đít" tức lùi xe-arriere. Tiền bồi dưỡng người phục vụ tiếng Pháp: pour-bois âm bồi gọi "tiền boa", sau này này nói nói gọn là "tiền bo".
Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi ngân hàng là nhà băng, thì còn hiểu, nói theo từ banque, nhưng sao gọi tem dán bao thư gọi là "con cò", còn nếu gọi "ông cò" là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi "thầy cò" tức là các ông chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur. Thời ấy gọi "cò mồi" là tay môi giới chạy việc, "ăn tiền cò" thì cũng giống như "tiền bo" nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới.
Thời kinh tế mới phát triển, cuối những năm năm mươi, sáu mươi thế kỷ trước, đi xe ôtô gọi là đi "xế hộp", đi xe ngựa gọi là đi "ôtô hí". Đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là "xế điếc", đi khiêu vũ gọi là "đi bum", đi tán tỉnh chị em gọi là đi "chim gái", đi ngắm chị em trên phố gọi là "đi nghễ", gọi chỉ vàng là "khoẻn", gọi quần là "quởn", gọi bộ quần áo mới là "đồ dzía" hay "đồ vía". Đi chơi bài tứ sắc các bà gọi là "đi xòe", đi đánh chắn gọi là "múa quạt", đi chơi bài mạt chược các ông gọi là "đi thoa". Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là "đi đầu dầu", tức các chàng trai ăn diện "đi nghễ" với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng coóng, dù trời nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là "hết sẩy", quê mùa chậm chạp gọi là "âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".
Tiền bạc gọi là "địa", có nhiều tiền gọi là "mập địa". Khách gọi là "khứa". Người khách lớn tuổi gọi "khứa lão"… Có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão mập địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền. Tống tiền nhẹ nhàng ai đó thì gọi là "bắt địa". Không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Nợ tiền không trả gọi là "xù tiền". Ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình. Nhóm tiếng lóng này còn có cụm từ "chà đồ nhôm" tức nói lái câu lóng chôm đồ nhà đem bán.
Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão". Có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu" có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được nhập biên chế gánh hát, đêm đêm họ cũng xách va ly trang phục phấn son đến ngồi café quán cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì "kép chầu" thay thế vào ngay. "Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để "đau đâu chữa đó". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một ở cạnh các rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi" tức uống café thiếu tiền ghi sổ nợ. Thường thì khách " à la ghi" hầu hết là kép hát và cánh phóng viên.
Lê Văn Sâm

Thursday 4 July 2013

Một nét bản sắc của văn hóa Việt Nam: Khả năng ứng biến (TRẦN QUỐC VƯỢNG - Văn Hóa Nghệ An)


Một nét bản sắc của văn hóa Việt Nam: Khả năng ứng biến

  •   TRẦN QUỐC VƯỢNG
  • Thứ năm, 16 Tháng 5 2013 19:40
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ

Bàn về bản lĩnh – bản sắc (Identité) của dân tộc và văn hóa Việt Nam, cố giáo sư Cao Xuân Huy khả kính đưa ra một hình ảnh – biểu tượng: Nước, đưa ra một khái quát về triết lý Việt Nam: triết lý nước hay là Nhu đạo.

Đó là một ý tưởng độc đáo.
Nó đúng, với cái nhìn sinh thái – nhân văn. Một đặc điểm nổi bật của tự nhiên Việt Nam là tính chất bán đảo:nước Việt Nam nằm trong bán đảo Đông Dương, lại chiếm trọn phần đông của bán đảo ấy nên tính chất bán đảo càng nổi trội.
Tính biển hay là tính Mã – Lai, nói rộng ra là tính Dân chài, hòa với tính Thung lũng, hay là tính Tày-Thái, nói rộng ra là tính dân làm ruộng lúa nước, ngay từ rất sớm (“từ buổi bình minh của lịch sử”) đã ngấm đẫm vào nền văn hóa sơ sử Đông Sơn và trở thành một nhân tố hữu cơ của cơ cấu văn hóa Việt cổ.
Người anh hùng văn hóa (héros culturel) Việt cổ là từ nước, từ biển mà đi lên, từ Ngư tinh, Hồ tinh và Mộc tinh trên ba không gian văn hóa – xã hội Việt cổ: miền ven biển, miền châu thổ và miền núi. Đó là Lạc-Long-Quân.
Trên đất liền Việt Nam, miền “chân núi” của những dãy núi lớn Á châu là một mạng dày đặc sông, suối, đầm, hồ. Người ta đã tính ra rằng trung bình cứ 1km vuông đất đai có hơn 1km đường sông nước. Bởi vậy, nếu hiểu văn hóa là “cái môi trường được con người thích nghi và biến đổi (mam madenvironment), thì tính sông nước cần được xem là một đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Các di chỉ từ thời đạiđá mới,các bản làng từ đầu thời đại kim khí về sau đều phần lớn phân bổ ở bờ nước: bờ sông, bờ đầm hay bờ biển…
Làm ruộng, trồng lúa, thì mối bận tâm hàng đầu cũng là nước: thủy lợi là biện pháp kỹ thuật hàng đầu mà thủy tai (lũ lụt) cũng là cái hại hàng đầu. Bữa ăn hằng ngày là cơm+rau+thủy sản (cua cá, tôm tép, ếch lươn…). Món ăn đặc sắc, chân chất Việt Nam là món luộc (dùng nước đun sôi mà làm chín).
Giao thông vận tải cổ truyền quan trọng nhất là đường nước. Con thuyền các loại là một hình ảnh thân quen của cảnh quan địa lý – nhân văn Việt Nam, với dòng sông và bến nước.
Thế cho nên, người Việt từ thượng cổ đã nổi tiếng “lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền”.
Thế cho nên, tâm thức người Việt, từ rất sớm và hằng xuyên qua “thời gian của người”, không thể không bận lòng vì nước.
Thế cho nên, người Việt đã đồng nhất không gian xã hội, cộng đồng lãnh thổ, Tổ quốc của họ… với nước. Và phổ xã hội (spectre social) của họ được mở rộng dần, bắt đầu từ cái nhà – Nhà, qua họ hàng, xóm làng tới quốc gia –Nước…
Thế cho nên, người Việt không thể không học hỏi nơi nước nôi và với tấm lòng cởi mở, hồn nhiên, thô phác, nguyên sơ, họ đã tự đồng nhất mình với nước.
Nướclà một chất liệu lỏng, có đặc tính linh động và sinh động, không cố định cứng nhắc nơi một hình dạng nào.
Người thợ luyện kim có thể nói: Họ “giống nhau như đúc”. Nhưng bất cứ người dân thường Việt Nam nào cũng có thể nói: Họ “giống nhau như hai giọt nước”.
*
**
Nước không câu nệ nơi hình thức, nhưng không vì thế mà đánh mất bản chất nước của mình.
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”
Giảng giải cho tôi câu triết lý dân gian này, thầy Cao Xuân Huy bảo: Anh chớ nên xem đấy là một thế ứng xử cơ hội chủ nghĩa của người Việt Nam. Nếu có ai đó nghĩ như vậy thì quả là tầm thường… và sai lạc.
Trònhay dài chỉ là hình thức, đâu có ý nghĩa lớn lao gì, cái chính là nước vẫn giữ được bản chất của mình, nó đâu có bị “tha hoá” bị “vong thân” (aliéné) để trở thành chính cái bầu, chính vỏ quả bầu hay chính cái ống, chính ống bương hay ống tre…
Thì cứ xem, người Việt thượng cổ thời Đông Sơn đóng khố và mặc váy, người Việt trung cổ và cận cổ mặc cái “quần ta” mà chính ra là cái quần Tàu được thích nghi và cải biến, và người Việt hiện đại mặc “quần phăng”, quần Âu và thậm chí cả “quần bò” nữa… ấy thế mà, về cơ bản, người Việt có đánh mất cái bản chất “ta lại là ta” đâu, họ có vì sự thay đổi y phục (hình thức khoác ngoài thân xác) mà bị Hoa hóa, Pháp hóa hay là Mỹ hóa đâu. Quả có thật: “Người đẹp vì lụa…” song giá trị nhân văn Việt Nam vẫn là ở chỗ “cái nết đánh chết cái đẹp”.
Cái xác nhà Việt Nam cũng trải qua biết bao lần biến đổi, từ mái “nhà Đông Sơn” – nhà sàn mái võng cong hình thuyền được chạm khắc trên trống đồng đến nếp nhà tranh dựng trên nền đất bằng – mà mô hình đất nung của nó được tìm thấy nơi nhiều ngôi mộ cổ thời “Bắc thuộc” – đến những ngôi nhà caotầng, những dinh thự và biệt thực kiểu Âu – Mỹ trong các đô thị Việt Nam hiện đại…
Song tinh thần ngôn ngữ kiến trúc Việt Nam cổ truyền – như kiến trúc sư lão thành Nguyễn Cao Luyện đã vạch ra – vẫn là cái hướng nhà (“Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam”) và giá trị đạo đức hằng xuyên của người Việt Nam vẫn là “rộng nhà không bằng rộng bụng”, “ăn hết nhiều chứ ở hết mấy” và cái chính là “đường ăn nết ở”, cái thế ứng xử về ăn và về ở, với ta và với mọi người.
Nước, qua quá trình nghiệm sinh và nội tâm hóa (intériorisé) của người Việt Nam, có lòng đại lượng khoan dung(générosité). Nó thu nhận tất cả vào lòng nhưng đâu vì vậy mà nó trở thành “vô nguyên tắc”! ..
Tự mình, nước biết “gạn đục khơi trong” như là người Việt Nam vậy. Tiến sĩ H.R.Ferraye cho rằng nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam là tính cách “không chối từ” (non refus) của nó.
Thực ra nó chỉ có một chối từ: sự đồng hóa cưỡng bức. Còn lại nó tìm cách dung hòa và hội nhập mọi sở đắc văn hóa, của Hoa, của Ấn, của Nam Đảo, của Âu-Tây… cả ngôn từ và kỹ thuật, cả tôn giáo và nghệ thuật…
Thì đó trong từ vựng tiếng Việt, giới ngôn ngữ học có thể “lọc” ra những từ vựng cơ bản gốc Môn-Khơme, những từ liên quan đến nghề nông trồng lúa gốc Tày-Thái, những từ liên quan đến cá mú và biển khơi hải đảo gốc Mã-Lai, những từ gốc Tạng-Miến, biết bao từ vựng triết lý và đạo lý gốc Hoa, viết bao từ của Phật giáo gốc Ấn, biết bao từ kỹ thuật học hiện đại gốc Âu Tây. Nhưng tiếng Việt vẫn là tiếng Việt, duyên dáng và trong sáng!.
Thì đó, cây mít và cây nhài gốc Ấn, cây sầu riêng và cây măng cụt gốc Mã Lai, cây khoai tây gốc Mỹ, cây sứ,cây đại gốcThái – Lào, cây su su, súp lơ, su hào, hoa dơn… gốc Pháp.
Nhưng cơ cấu nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng nghề nông trồng lúa nước, gốc bản địa, tự lâu đời…
Tôi nghĩ đến cái triết lý chuẩn mực sống của người trí thức thời Trần “hòa quang đồng trần” (hòa ánh sáng và bụi bặm). Sống ở đời, không thể không dính chút bụi trần, thì có sao đâu nếu nội lực vẫn thâm hậu và luôn phát sáng.
Nghĩ về nước tôi nghĩ đến hai triều đại quân chủ Việt Nam có gốc gác dân chài: triều Trần và triều Mạc. Cả hai đều có tư duy phóng khoáng, cởi mở, không câu nệ và bảo thủ, không độc đoán và hẹp hòi… Nó dung hòa hay thậm chí làm vật đối trọng của cái căn tính nông dân – địa chủ khá thâm căn cố đế của một nhà Lý ở Đình Bảng xứ Bắc, của một nhà Lê ở xứ Thanh…
*
* *
Ngắm nhìn dòng chảy, người Việt Nam thấy không gì mềm mại như nước, nó vấp phải bao nhiêu vật cản, vật rắn… song nó vẫn tự tìm lấy đường đi về biển… “chúng thủy triều Đông”.
… Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông…
(Thơ ức Trai).
Như Việt Nam trên dặm dài lịch sử “hoạn nạn mới gây nổi nước, lo phiền mới đúc nên tài”, “gian nan nhiều, tư lự sâu”, biết bao tên đế chế, thực dân, đế quốc, siêu cường… muốn cản ngăn sự phát triển Việt Nam. Bọn chúng đều dương cương, đều rắn đầu, đều sắt đá… Làm sao để thắng chúng mà tiến lên?
Thì đây:
Nước chảy đá mòn
Nhu có thể thắng cương, yếu có thể chống mạnh, ít có thể địch nhiều… chính đó là bản sắc Việt Nam, Chính đó là triết lý Việt Nam của cha mẹ tổ tiên ta qua nghiệm sinh mà rút đúc được: Cần ứng biến.
Giữa cơn cớ vận nước nghìn cân treo sợi tóc đầu năm 1946, cụ Hồ đi Tây trao lại cụ Huỳnh tờ cẩm nang: “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cụ Hồ giàu chữ nghĩa mà vẫn rất dân gian. Dân gian suy ngẫm: Nước chảy là đá mòn. Yếu tố cốt tử là con người, là tấm lòng trung trinh bất biến:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào – khê nước chảy vẫn còn trơ trơ!
*
* *
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, luận về bản sắc văn hóa Việt Nam, một học giả Mỹ ví Việt Nam như một cây gậy nhìn bề ngoài thấy phủ một lớp sơn tây (sơn dầu) mỏng: cạo lớp sơn ấy đi, vẫn thấy phủ một lớp sơn (sơn then, sơn mài) có phần dày hơn; song cạo tiếp lớp sơn tàu ấy nữa, thì lộ ra cốt lõi gậy tre đực Việt Nam! Một ví von hay, hơn là một luân lý đúng. Song cây tre và gậy tre thì quả là một biểu tượng của Việt Nam cổ truyền. Từ cây gậy tre thời Phù Đổng Thiên Vương đến cây gậy tầm vông thời đại Hồ Chí Minh đền nợ nước, trả thù nhà:
Thù này ghi nhớ còn sâu
Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què.
Nhưng tre có thể uốn, hun làm gậy cứng, mà cũng có thể chẻ tre đan nón ba tầm, chẻ tre làm lạt. Mà: Lạt mềm buộc chặt.
Lại một khía cạnh triết lý nữa về cương – nhu, về nhu đạo thắng cương cường…
Người ta bảo: Văn hóa là một hệ chuẩn mực, mật mã, giá trị, biểu tượng. Con người – chính vì nó là người – không chỉ có một “thế giới thực” (monde réel) mà còn sáng tạo ra một “thế giới các biểu tượng” (monde de représentations) mô phỏng rồi dẫn dắt trở lại hiện thực.
Một biểu tượng kỳ vĩ đặc sắc của dân tộc và văn hóa Việt Nam, chẳng biết rõ xuất hiện từ bao giờ nhưng chậm lắm là từ thế kỷ X, là con rồng.
Rồng là biểu tượng của cội nguồn dân tộc: Con Rồng cháu Tiên, con Hồng cháu Lạc, con của mẹ tiên Âu và bố rồng Lạc.
Kinh thành Đại Việt thời phục hồi dân tộc phục hưng văn hóa (Lý – Trần) được mang một cái tên độc đáo không hề có ở Trung Hoa hay bất cứ nơi đâu khác: Thành phố rồng bay (Thăng Long). Và văn hóa Đại Việt thời đó cũng được mệnh danh là văn hóa Thăng Long với hình tượng con rồng độc đáo mà cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã dày công nghiên cứu để vạch ra cái bản sắc của nó, khác xa con long mã của Trung Hoa, gốc từ 1 loài thú bốn chân.
Rồng Thăng Long Đại Việt là loại Rồng – Rắn, mình tròn trịa và thanh tú, với nhiều khúc uốn lượn nhịp nhàng, là loại có vẩy, ở nước và cũng tượng trưng cho nước, cho mây mưa, cái nhân tố bận tâm hàng đầu của người dân trong lúa nước…
Rồng, cũng như nước, có đặc trưng nổi bật là khả năng ứng biến (Resiliance, Redressement), như người Việt Nam vậy. Nó có nhiều trạng thái, hay đúng hơn, thích nghi với nhiều trạng thái: ở dưới nước (tiềm long vu thuỷ), nó giữ bầu nước của thiên hạ (Long Vương). Nó có thể xuất hiện ở trên đất, trên đầm lầy (hiện long vu điền, vu đại trạch) như một “điềm báo” mà Lý Thái Tổ khi dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, coi là điểm rồng vàng báo điều tốt đẹp. Nó có thể bay cao trên trời (phi long tại thiên) vùng vẫy trong mây (Long vân khánh hội) gây mưa tưới nhuần đồng ruộng. Đây là lúc anh tài đua nở.
Rồng mây gặp hội anh hào ta tay…
Nói theo ngôn từ của Đạo học phương Đông, cái thể (bản chất) và cái dụng (chức năng) của rồng có thể là âm(dưới nước) mà cũng có thể là dương (trên trời).
Rồng là loại giỏi thích nghi (mieux adapté), rất huyền thoại (trong cơ cấu) mà cũng rất chi là thực (trong từng chi tiết: vẩy, sừng, móng, râu…) Con Rồng cháu Tiên cũng là một dân tộc giỏi thích nghi, trải những thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước. Luôn luôn cố gắng thích nghi tối ưu và tối đa vớitự nhiên trong làm ăn (thời vụ: tuỳ thời mà làm mùa: tuỳ thế đất và chất đất mà bố trí cơ cấu cây trồng…). Tìm cách thích nghi với hoàn cảnh khiđánh giặc: Tiến công Ung, Khâm, Liêm. Phòng ngự bến Như Nguyệt (Lý). Ba lần tạm bỏ Thăng Long lui về Thiên Trường, Thanh Hóa, tiến công nơi Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng (Trần) biêt tự chủ thật sự (indépendaneréelle) mà cũng biết thần phục giả vờ, (vassalité fictive) đối với nước lớn phương bắc trong trận cờ thế giới trung đại (mọi triều đại từ Khúc, Đinh đến Nguyên Tây – Sơn)… Thắng lớn mà biết nhún mình cho biện sĩ qua sông bàn hòa (Lý Thường Kiệt).
Gặp khó khăn ở Chí Linh, biết nhún mình cầu hòa (viết “Hàng thư” 1424) để một năm sau tiến quân vào xứ Nghệ thắng Trà Lâm như trúc chẻ tro bay rồi qua xứ Thanh ra Bắc làm nên chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, rồi Chi LăngXương Giang, 1427 (Lê Lợi – Nguyễn Trãi)…
Ví dụ lịch sử biết mấy cho vừa!
Tôi gọi cái bản lĩnh – bản sắc biết nhu, biết cương, biết công, biết thủ, biết “trông trời trông đất trông mây…” rồi tuỳ thời mà làm ăn theo chuẩn mực “nhất thì nhì thục”… ấy, là khả năng ứng biến của người Việt Nam, của lối sống Việt Nam, của văn hóa Việt Nam!
Ngày mồng 1 tháng 7 năm 1987.
*Nguồn: Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, nhà xuất bản Văn học, 2003.

Wednesday 3 July 2013

Từ Ngàn năm áo mũ, nghĩ về chiếc áo bà ba (Phạm Hoàng Quân - Tuổi Trẻ)


30/06/2013 16:29

Từ Ngàn năm áo mũ, nghĩ về chiếc áo bà ba

TTCT - Ngàn năm áo mũ (1) xuất hiện và được chào đón nồng nhiệt giữa lúc việc viết sử, học sử, nghiên cứu sử bị kêu ca chưa từng thấy. Điều này không chỉ là sự ghi nhận đối với một công trình nghiên cứu có giá trị mà còn là dấu hiệu cho thấy sự mong mỏi chờ đón những nghiên cứu thiết thực, gần gũi với cuộc sống.

Áo bà ba (miền Bắc thường gọi là áo cánh) là loại trang phục thường ngày của người dân nhiều vùng miền. Trong ảnh: Người dân dọn dẹp đổ nát sau trận đánh bom tại Gia Lâm, Hà Nội, năm 1965 - Ảnh: tư liệu TTXVN

Áo bà ba của người Nam bộ xưa - Ảnh: tư liệu TTXVN
Trong một phát biểu gần đây, GS Đỗ Thanh Bình (ĐH Sư phạm Hà Nội) nói rằng: "Ta chưa có một chuẩn quốc gia về kiến thức, kỹ năng. Không có chuẩn, người viết sách (giáo khoa lịch sử) không có điểm tựa" (2). Giá trị của Ngàn năm áo mũ có thể liệt vào loại "chuẩn kiến thức" mà GS Bình cho là đang thiếu, một khi người ta cần tra cứu tham khảo ở góc độ chuyên môn.
Cũng có thể nói rằng Ngàn năm áo mũ có dáng vóc của một "điểm tựa" khi người ta cần giải quyết những rắc rối chập chùng khi bàn về trang phục cung đình trong lịch sử Việt Nam. Khối tư liệu nhiều và đa dạng suốt ngàn năm ở rải rác nhiều nơi được tác giả thu thập và xử lý có hệ thống, dịch giải cẩn thận công phu, đối chiếu rõ ràng... là những ưu điểm nổi bật, khẳng định tính khoa học của công trình và sự nghiêm túc của tác giả.
Ngàn năm áo mũ phân khảo về trang phục năm triều đại: Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Trong mỗi triều đại khảo luận về ba loại hình trang phục: cung đình, quân đội và dân gian.
Tuy nội dung được phân kỳ theo lịch đại (lần lượt các triều đại) - vốn là cách làm phổ biến trong biên soạn/nghiên cứu lịch sử chính trị - nhưng vài điểm mốc quan trọng liên quan đến sự biến đổi trang phục được nêu khá rõ, như cuộc cải cách quan phục năm 1396 thời Hồ Quý Ly, cuộc cải cách y phục Đàng Trong năm 1744, đánh dấu sự ra đời của áo dài năm thân.
Mảng trang phục bình dân
Tiếc là phần viết về chiếc áo bà ba cho người đọc cảm giác hụt hẫng. Chiếc áo này được định nghĩa trong phần "Tiểu từ điển trang phục Việt Nam" như sau: "Áo bà ba: loại áo vạt ngắn không bâu, xẻ giữa, cài bằng cúc, phổ biến ở Nam bộ" (tr.381). Trong một khảo cứu chuyên sâu về y phục, định nghĩa này so với từ điển ngôn ngữ thông dụng có lẽ không khá hơn.
Trong chương V, sau phần mô tả quần áo dân gian miền Bắc, tác giả viết và dẫn: "Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng vào đầu thế kỷ 19, trong giới phong lưu nho nhã đã sử dụng loại áo bà ba, loại áo có nguồn gốc từ đảo Penang ở Malaysia, nơi có tộc người Bà Ba sinh sống".
Tác giả chú nguồn thông tin này từ bài Diện áo bà ba đón khách Tây trong tạp chí Hồn Việt (số 3, tháng 6-2006) và viết tiếp: "Dựa vào một số bức họa trong An Nam quốc giang phiêu lưu phong tục tả sinh đồ do người Nhật Bản vẽ vào năm 1794 tại vùng Đàng Trong, có thể thấy ngay từ cuối thế kỷ 18, loại áo vạt ngắn không bâu, xẻ giữa, cài bằng cúc đã xuất hiện tại vùng Đàng Trong Việt Nam, nhiều khả năng đây chính là tiền thân của loại áo bà ba.
Tuy nhiên, nguồn gốc của loại áo này có phải xuất phát từ đảo Penang (Malaysia) hay không hiện chưa có tư liệu nào có thể kiểm chứng được" (tr.351). Các trích dẫn trên là toàn bộ phần khảo về áo bà ba trong Ngàn năm áo mũ, không có hình ảnh nào minh họa về chiếc áo/bộ đồ này.
Chúng tôi thấy trong Văn minh miệt vườn (1970) (3), nhà văn Sơn Nam nói đến bộ đồ bà ba ít nhất ở ba đoạn, trích hai đoạn như sau:
"Sự liên lạc giữa Cái Mơn và Mã Lai đem cho miệt vườn nhiều loại cây mới: măng cụt, bòn bon, chôm chôm. Poulo Penang, nơi ông Trương Vĩnh Ký du học, là nơi có nhóm người Bà Ba lập rẫy mía. Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa (chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba)" (tr.43)
"Ở miệt vườn, ở miệt Hậu Giang thời Pháp thuộc, cái áo dài đàn ông không được thông dụng cho lắm. Kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhứt, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu... Áo bà ba gọn gàng, cởi ra mặc vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai, ít câu thúc" (tr.201)
Sơn Nam viết khá dài, chúng tôi không thể dẫn toàn văn, càng không phải dựa vào đó mà xác định vấn đề niên đại hay nguồn gốc bộ đồ bà ba. Vấn đề ở đây muốn nói đến là cách xác định giá trị những tư liệu hiện diện, những hình vẽ do người Nhật thực hiện năm 1794 mà Trần Quang Đức được Tô Lan cung cấp quả thật rất quý và độc đáo, chúng cho thấy một phần quá trình diễn biến của mẫu y phục đặc trưng của miền Nam, và Trần Quang Đức đã kết nối chúng một cách thật là "vừa khéo" (4).
Lời kể không rõ nguồn cơn của nhà văn Sơn Nam lại có giá trị ở chỗ chứa nhiều thông tin, kích thích những ai có nhu cầu tìm kiếm.
Trong một nghiên cứu gần đây của Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp về sách Vãng An Nam nhật ký (1890) của một người Mã Lai gốc Hoa là Trần Cung Tam, nội dung ghi chép cho biết rằng ông Trần đến Sài Gòn và nói đến sự có mặt của cộng đồng người Babas, họ sống thành nhóm ở cùng một con đường và người xung quanh gọi hẳn con đường ấy là "đường Babas" (/ Ba Ba nhai) (5).
Theo Li Tana, người Babas là người gốc Hoa sinh trưởng tại vùng eo biển Malaca (Straits born Chinese) (6), nguồn tin này khác với Sơn Nam một tí, cho thấy địa bàn cư trú của người Babas rộng hơn và về huyết thống thì có thể lai hoặc không lai. Khá lý thú là trong một nghiên cứu về Thiên Địa Hội ở Đông Dương, Nola Cooke đã dẫn một bức ảnh từ nguồn Nguyễn Tấn Lộc, trong ảnh là ba thương gia người Hoa trong phòng khách ở ngôi nhà trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), cả ba người đều mặc áo bà ba màu trắng, theo ghi chú thì bức ảnh được chụp vào những năm 1890 (7).
Cho dù đến từ con đường nào và còn nhiều nghi vấn về năm tháng xuất hiện và diễn biến kiểu mẫu, áo bà ba hay nói đúng và đủ là bộ đồ bà ba đã trở thành loại trang phục biểu trưng cho người Việt mọi tầng lớp suốt dãy Trung và Nam bộ đã hơn 100 năm và vẫn tồn tại.
Nguồn tư liệu liên đới về nó không thể coi là hiếm, liệu có mối quan hệ nào khác và xa xưa hơn về kiểu áo này trước khi nó mang tên áo bà ba, tức là trường hợp người Hoa sinh trưởng ở vùng eo biển Malaca đã bị ảnh hưởng bởi người bản địa, đã sử dụng áo này do sự tiện dụng, do phù hợp với phong thổ, khí hậu... và người Việt qua tiếp xúc đã lấy một cái tên nhánh là bà ba, thay vì một tên gốc khác của người Mã Lai.
Quan sát y phục một số dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo ở Việt Nam như Chu Ru hoặc Raglai, chúng ta thấy những phụ nữ lớn tuổi vẫn mặc áo giống hệt kiểu áo bà ba. Ngay trong sách Ngàn năm áo mũ, tại bức hình ở trang 148 được chú thích là: "Cụ bà tại làng cổ Đường Lâm vấn khăn trắng", tuy Trần Quang Đức đang nói về màu sắc cái khăn, nhưng nếu nhìn cái áo sẽ thấy chiếc áo bà cụ mặc không khác áo bà ba.
Người làng Đường Lâm mặc áo kiểu này từ lúc nào, có phổ biến không và liệu nó có liên hệ gì với áo bà ba hoặc khăn áo của người Mường?
Áo bà ba thời nay - Ảnh: Minh Đức
Cần lấp khoảng hở về tiếp biến văn hóa
Những điều vòng vo về bộ đồ bà ba buộc chúng ta phải nghĩ đến mấy thuật ngữ mà học giới gọi là dân tộc học, xã hội học, nói cách khác, phong tục tập quán, tín ngưỡng, điều kiện địa lý, khí hậu, điều kiện kinh tế, tình hình mua bán, giao thông, sự tiếp xúc... đều có thể tác động đến trang phục, đặc biệt là trang phục dân gian.
Đặc trưng của đồ bà ba ở chỗ dù chiếc áo may bằng vải ú màu đen của người nghèo hay bộ đồ may bằng satanh trắng hoặc gấm lụa thêu hoa của người giàu đều mang một tên chung là đồ bà ba. Và những chiếc áo cùng kiểu mẫu của người Nam Đảo hay người Babas không có hẳn một bộ vận bà ba gồm các món áo bà ba tay dài (có hai túi hoặc không túi), áo trong (tay lỡ hoặc ngắn, luôn có hai túi), quần đáy nem cột dây hoặc luồn thun, khăn vuông trùm đầu, nón lá, khăn rằn.
Đối với trang phục đặc trưng có lịch sử gần - mà áo bà ba là một thí dụ, hình như Ngàn năm áo mũ đã vô tình để hở một khiếm khuyết, sự tiếp biến và giao thoa giữa các nền văn hóa trên đất Việt chưa được khảo xét một cách cân đối...
PHẠM HOÀNG QUÂN
____________

(1): Trần Quang Ðức, Ngàn năm áo mũ- Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945, NXB Thế Giới, 2013
(2): TTCT, 9/6/2013, tr.19
(3): Sơn Nam, 
Văn minh miệt vườn, NXB Văn Hóa, 1992
(4): chữ của Trần Quang Ðức dùng trong bản dịch 
Trường An loạn
(5): Claudine Salmon and Tạ Trọng Hiệp, Wang Annan riji: A Hokkien Literatus Visits Saigon (1890), Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010. (tr.74-88)
(6): Li Tana, 
In Search of Chinese Rice Merchants in French Cochinchina, Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010. (tr.189-201)
(7): Nola Cooke, 
The Heaven and Earth Society Upsurge in Early 1880s French Cochinchina, Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010. (tr.42-73)

Tuesday 2 July 2013

Chính tả Việt, nhìn từ bản ngữ: Trường hợp ghi tên riêng nước ngoài bằng chữ Việt (Đinh Văn Đức)


Chính tả Việt, nhìn từ bản ngữ:
                                        
                                                                                                                                 Đinh Văn Đức
                                                                                                                         GS Khoa Ngôn ngữ học 
             1. Chính tả là vấn đề thuộc phạm văn tự quốc gia trong sử dụng chữ viết. Chuẩn mực chính tả phải được giải quyết trên phương diện vĩ mô ( do nhà nước quản lý), trước hết cần có luật ngôn ngữ làm nền tảng. Khi chưa có luật ngôn ngữ với những nguyên tắc căn bản thì chưa thể có chính tả thống nhất. Nước ta hiện đang trong tình trạng đó và bế tắc cũng là ở chỗ đó. Bài này là một phát ngôn trên cơ sở lý luận ngôn ngữ học.
         Chữ Quốc ngữ có được cương vị thật sự chỉ từ sau Cách mạng Tháng Tám. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước (cấp Quốc gia) công nhận đó là Quốc tự. Ngay cả tiếng Việt cũng chưa được ghi nhận trong hiến pháp là ngôn ngữ quốc gia ( hay chí ít là tiếng phổ thông). Do vậy, tính tự phát phổ biến trong sử dụng ngôn ngữ và chữ viết ở ta hiện nay là một tất yếu khi vắng bóng hành lang pháp lý và những chế tài điều chỉnh các hành vi.
          2. Trên phương diện chuyên môn: Nguyên tắc tôn trọng tuyệt đối bản ngữ (tiếng mẹ đẻ) chưa được thừa nhận. Cương vị của người bản ngữ trong dụng ngôn chưa được tôn trọng ( Người bản ngữ xưa nay luôn luôn đúng).
          Một trong những ví dụ điển hình về chính tả tiếng Việt là hai chuyện: a/ Cuộc tranh cãi bất phân trong việc ghi tên riêng nước ngoài ( nhân danh, địa danh) trong tiếng Việt: Phiên âm hay để nguyên dạng? và b/ Cần viết hoa ( nhân danh, địa danh) những chữ nào?
                Ở đây chỉ xin chỉ đề cập đến chuyện thứ nhất là việc ghi tên riêng tiếng nước ngoài, trước hết là trên các văn bản báo chí và truyền thông của ta hiện nay.
                3. Từ nhiều năm nay, nhất là từ khi có công cuộc Đổi mới mà một nội dung quan trọng là hội nhập quốc tế thì vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ cũng trở nên tất yếu và có tính thời sự, liên quan đến đời sống giao tiếp hàng ngày của chúng ta. Gần tám trăm tờ báo, hàng chục kênh truyền hình và phát thanh liên tục đưa các loại hình thông tin đến khán giả và bạn đọc. Trong tình huống ấy, một khi nước ta chưa có luật ngôn ngữ, thì mỗi chủ thể truyền thông đều tự tung, tự tác theo ý chí riêng của mình, bất có sự can thiệp nào. Diện mạo tên riêng nước ngoài trong báo chí truyền thông tiếng Việt hiện nay, cũng theo đó, mà tha hồ tự phát chỉ cần ông Tổng biên tập ” OK “là được. Nội một tên riêng nước ngoài cũng đã có mấy cách đọc, cách viết. Mươi năm gần đây nổi lên khuynh hướng cứ để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong tiếng Việt ( được hiểu là không phiên âm, cũng không chuyển tự) mà hướng này lại có mặt trên nhiều tờ báo có đông bạn đọc. Tự nhiên xu hướng này dần lấn át và cứ như đã giành được lẽ phải trong hướng dẫn xã hội: Không cần phiên chuyển sang tiếng Việt, phiên chuyển là vô ích, vô bổ, vô duyên (!). Lý do chính thường được dẫn ra biện minh cho việc để nguyên dạng các tên riêng ( mà chủ yếu là tiếng Anh ) đại loại là:
a)     Tiếng Anh nay là ngoại ngữ phổ dụng quốc tế, nước ta nay có nhiều người biết tiếng Anh rồi, và sẽ còn nhiều người biết nữa. Để nguyên dạng tên riêng thì đọc mới gần với nguyên ngữ, mới dễ hiểu nhau, mới thuận lợi cho hội nhập quốc tế được. Vả lại, đọc theo nguyên ngữ ( nhờ để nguyên dạng) nay cũng đã hình thành thói quen xã hội.
b)    Phiên chuyển (đọc, viết tên riêng nước ngoài theo lối ta) vừa xa lạ, vừa quê mùa vừa cổ hủ, không thể quay lại thời đã qua trong quá khứ. Việc một số tờ báo chính thống nay vẫn kiên trì theo đuổi lối phiên chuyển là đại diện cho tư duy bảo thủ và lạc hậu (!).
c)     Để nguyên dạng còn tiết kiệm cho xử lý kỹ thuật, đỡ tốn thì giờ, tiền bạc, giấy bút,…
               Còn có thể kể ra những lối biện luận khác nữa cho việc để nguyên dạng, không phiên chuyển sang tiếng Việt.
               4. Là người làm lý luận ngôn ngữ học và Việt ngữ, chúng tôi tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng thấy chủ trương để nguyên dạng là không hợp lý, cần thiết trở về gốc của vấn đề cả trên hai bình diện cả ngôn ngữ và văn hóa.  Xin có đôi lời bàn lạm bàn:
               Xuất phát điểm nhận thức ngôn ngữ học của chúng tôi là:
a)     Tôn trọng cương vị tuyệt đối của người bản ngữ,
b)    Tôn trọng thuộc tính cơ bản của bản ngữ Việt : Ngôn ngữ đơn lập, phân tiết tiết tính.
            5. Về khía cạnh thứ nhất: Ai cũng biết ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của người ta. Ngôn ngữ là công cụ, chưa bao giờ là mục đích. Ngôn ngữ ra đời theo nhu cầu của xã hội, nó phụng sự các lợi ích xã hội, cũng là đông lực phát triển xã hội và của chính bản thân nó. Đã là công cụ thì phải sắc bén, tiện dụng và khéo léo. Xã hội đối với ngôn ngữ là ai? Là những cộng đồng cụ thể sử dụng nó theo những lợi ích cũng rất cụ thể. Một dân tộc, một bộ tộc, một lĩnh vực, một địa hạt,… theo tính chất cộng đồng. Nền tảng của nó là văn hóa.
                Đã từ lâu, những người nghiên cứu ngôn ngữ nhận thấy độ bền vững to lớn của văn hóa và độ kết dính chặt chẽ của nó trong cộng đồng bản ngữ. Văn hóa bản địa và bản ngữ có quan hệ chặt tới mức cái này là tiền đề của cái kia. Humboldt, Sapir, Saussure đã nói ra những chân lý trong vấn đề này.
                Với ngôn ngữ, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến quan niệm của F. De Saussure về cương vị của bản ngữ và người bản ngữ như là cái gì đó tuyệt đối trong các tương tác xã hội. Ông nói: “ Ngôn ngữ học đồng đại chỉ chấp nhận một quan điểm duy nhất: Quan điểm của người bản ngữ*”. Người bản ngữ, như ta biết, sở hữu văn hóa bản địa và cả cái thực tế xã hội của họ, biết cách tư duy và diễn đạt tư duy ấy bằng ngôn ngữ của họ. Vậy thì, trong khi làm chủ bản thân (chủ thể) họ sẵn sang tiếp thụ và tìm cách “ nội địa hóa” những gì từ bên ngoài mà họ có được qua các tiếp xúc. Dân gian ta có câu:” Nhập gia tùy tục”, ngôn ngữ cũng đúng như vậy. Tất cả những gì từ ngoại ngữ đến đều được chọn lọc,”xay giã”, làm mới cho phù hợp với lợi ích của người bản ngữ. “ Người bản ngữ luôn luôn đúng”,” Người bản ngữ luôn hành động theo lợi ích của mình”, “ Trong tiếp xúc ngôn ngữ, người bản ngữ không bài ngoại, không bắt chước mà luôn tận dụng cơ hội cho mình”.
             Thực tế ngôn ngữ cho thấy những nhận xét trên đây là có cơ sở Người bản ngữ Việt đã sớm hình thành cách đọc Hán Việt. Âm Hán Việt là sản phẩm lịch sử của quá trình “nội địa hóa” cách đọc bắt đầu từ Đường âm ( và trước đó là cổ Hán Việt). Từ khi có tiếp xúc với các ngôn ngữ châu Âu, người Việt luôn tìm cách đọc thuận lợi nhất cho mình trong các tiếp nhận. Vốn từ gốc Âu là kết quả của lối phát âm Âu-Việt, trong đó các âm vị, âm tố châu Âu lần lượt được điều tiết theo hệ ngữ âm Việt ( Việt hóa trong cách đọc).
              Việc để nguyên dạng thức văn tự tên riêng (chủ yếu là các nhân danh, địa danh tiếng châu Âu viết theo chữ Roman, đặc biệt là tiếng Anh hiện nay) chính là ngược lại xu hướng đó, là trái với nguyên lý: Bản ngữ trên hết và trước hết.
              6. Lập luận Tiếng Anh nay là ngoại ngữ phổ dụng quốc tế, để nguyên dạng tên riêng thì mới gần với cách đọc nguyên ngữ, mới dễ hiểu nhau, mới thuận lợi cho tiếp xúc quốc tế. Đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc về hội nhập. Để hội nhập thì cần tăng cường ngoại ngữ, khi dùng ngoại ngữ thì phải cố gắng tối đa phát âm theo bản ngữ của người ta. Còn khi ta nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt mà lại ưu tiên cho việc nhất nhất phải giống người ta là hy sinh tiếng mẹ đẻ và lợi ích của người bản ngữ. Người bản ngữ không bao giờ hy sinh lợi ích này. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây ban nha đều có chung tự mấu Roman (Latin), nhưng không có ngôn ngữ nào để nguyên dạng tên riêng của tiếng khác ( Hãy so sánh California và Californie, Genève và Geneva,…). Trường hợp Canada là một ví dụ sinh động khác: Cộng đồng tiếng Pháp và cộng đồng tiếng Anh ở nước này bảo lưu không nhân nhượng nhau bất cứ phát âm và ghi chép tên riêng nào tuy trong cùng một quốc gia, một lãnh thổ)
               7. Lập luận để nguyên dạng tên riêng nước ngoài vì nay nó đã thành thói quen xã hội trong văn hoá đọc (!) cũng không có cơ sở. Thói quen xã hội của ngôn ngữ phải được hiểu là thói quen của toàn thể  cộng đồng trong dụng ngôn. Cộng đồng Việt ngữ nay có gần chín chục triệu người. Số người biết ngoại ngữ tuy đã có tăng lên nhưng so với toàn dân thì vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ giới hạn trong một bộ phận giới lao động trí óc, thanh thiếu niên và cư dân đô thị ( cả thảy hơn 20% dân số),… ngay cả những người biết chút ít ngoại ngữ thì việc để nguyên dạng cũng mới chỉ giúp người ta nhận dạng bằng mắt cứ chưa hẳn phát âm đúng được.
               Những báo nào để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong những bài viết thực ra người ta mới chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ của bộ phận tối thiểu đã quên đi lợi ích tối đa. Bà con cô bác của chúng ta ( 75 % dân số là ít nhất) rất khó khăn khi đọc những tờ báo để nguyên dạng, nhất là những tờ báo cực đoan: Để nguyên dạng tên các cuốn phim, tên bài hát, tên các sự kiện văn hóa thể thao, âm nhạc không thèm dịch ra tiếng Việt.
             8. Lập luận của những người chê bai chủ trương phiên chuyển cho rằng đó là làm như vậy ( phiên âm) là đọc theo lối ta vừa xa lạ, vừa méo mó, vừa quê mùa, vừa cổ hủ, đó chỉ là chuyện trong quá khứ. Theo đó, lập luận cũng cho rằng một số tờ báo chính thống ở ta nay vẫn theo đuổi lối phiên chuyển là đại diện cho tư duy bảo thủ này. Cách hiểu này vừa không có cơ sở khoa học, vừa lệch chuẩn văn hóa. Ngôn ngữ là những thói quen được xã hội cố định hóa thành thiết chế theo nguyên tắc “ người ta đi mãi thì thành đường thôi” ( Lỗ Tấn), con đường dụng ngôn là do cộng đồng ( đa số) tạo ra theo nhu cầu và cách thức của người bản ngữ ( trước lạ, sau quen). Một thời, các tên riêng ở ta được phiên âm qua Hán Việt, sau đó là phiên âm theo tiếng Pháp, rồi nay thì phiên âm ưu tiên theo nguyên ngữ ( nguyên gốc). Lúc đầu chưa quen, khí xa lạ, dần rồi thấy ổn ( Si li/ Chi lê, Brê din/ Bra xin, Ác giăng tin/ Ác hen ti na,…). Việc cho rằng để nguyên dạng là sang trọng, hiện đại,… là biểu hiện tâm lý thiếu tự tin, sùng ngoại, thích thể hiện chính là một biểu hiện của lệch chuẩn văn hóa.
               Chủ trương để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong lối ghi chép ngôn ngữ mẹ đẻ ( bản ngữ) dường như nay chỉ thấy ở nước ta chứ chưa thấy có ở tiếng nào khác ( ngay cả các nước dùng chữ Roman). Tiếng  ta không thể là một ngoại lệ khi hội nhập với thế giới.
            10.  Khía cạnh thứ hai: Cơ sở ngôn ngữ học nào cho việc việc phiên chuyển sang tiếng Việt ?
               Khi nói người bản ngữ là tuyệt đối đúng trong dụng ngôn thì cũng cần xem trên phương diện ngôn ngữ cái gì đã có ảnh hưởng quyết định tới họ. Chúng tôi muốn nói tới chất liệu ngôn ngữ, tức tính chất loại hình. Sở dĩ có vấn đề khó khăn hơn với người Việt khi để nguyên ngữ, không phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài ( nhất là tiếng Châu Âu) chính là vấn đề này. Các ngôn ngữ châu Âu tuyệt đại bộ phận thuộc về ngôn ngữ biến tố đa tổng hợp. Từ là đơn vị trung tâm, cho sẵn thường do một tập hợp âm tiết liên kết chặt tạo thành nguyên khối. Đường dây bắt chéo giữa các hình vị và âm tiết tạo ra nguyên khối này. Người Việt rất khó phát âm cả cái nguyên khối đó một cách tự nhiên và hầu như không có cơ hội “ nội địa hóa cả cục” được trong khi họ nói một thứ tiếng rất khác: Ngôn ngữ đơn lập phân tiết tính. Cái ngôn ngữ học nói hàng ngày này khác hẳn với ngôn ngữ biến tố: thói quen tách rời từng âm tiết theo mỗi thanh điệu làm cho ranh giới của từ bị nhòe đi và thay thế vào đó là sự tách bạch của các âm tiết trong cái đơn vị lưỡng diện gọi là “ tiếng”. Vấn đề cương vị ngôn ngữ học của tiếng trong tiếng Việt đã được Đông phương học và các nhà Việt ngữ học trứ danh như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo,… nói tới, ở đây xin không nhắc lại. Chỉ có điều, do đặc điểm vô cùng quan trọng trên mà người bản ngữ tiếng Việt, trong khi nội địa hóa các từ nước ngoài đã tự động đập vỡ cái nguyên khối ( từ) thành các tiếng đơn và “từ hóa” chúng. Một minh chứng là người ta không những chỉ đọc rời từng âm tiết mà còn tìm cách biến đổi cấu trúc từ nữa, ví như rút gọn ( nhất là song tiết, ví dụ: Ca li, Bác xa,… hay đơn tiết, ví dụ: Len, Mát, Bun, Hung,…). Lối phát âm tách rời và cũng tách trên chữ viết gây cảm giác là không còn gần nguyên ngữ nưã, khiến cho người ta ngộ nhận là làm méo mó nguyên ngữ khi phiên âm và theo đó, dùng theo lối phiên âm sẽ như là có tính chất quê mùa, dân dã, thậm chí…ít học. Tâm lý đó vào thời kỳ chuyển đổi, ngoại ngữ lên ngôi không phải là không có ảnh hưởng tới đám đông công chúng. Tuy nhiên, nhìn một cách bình tĩnh trong hệ thống thì hệ thống phiên âm theo bản ngữ là đúng đắn nhất với tư duy người bản ngữ và cách dụng ngôn của họ với cái nhìn của toàn cộng đồng.
                11. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc phiên chuyển sang tiếng Việt nay là một vấn đề rất nhiêu khê, khó thống nhất trong cách làm và đa giải pháp. Bức tranh phiên âm hiện thời làm rối lòng người, gây khó cho việc đào tạo và sử dụng tiếng Việt. Thực tế là rất nan giải và đáng nản (!) Bày này chỉ xin bàn về cái gốc, về xuất phát điểm. Giải pháp nào là hợp lý cho phiên âm? Tình hình phiên âm hiện nay khá phức tạp và đa dạng còn phải có rất nhiều tiếng nói để đi đến thống nhất. Trên phương diện vĩ mô, nay rất cần một luật về ngôn ngữ và một cơ quan đầu mối cho chuyện này.
      Chúng tôi sẽ xin phát biểu về một giải pháp phiên âm vào một dịp khác.
                   Bài tham luận này chỉ xin coi là một đối thoại.
                                                                             Hà Nội, Đông năm Nhâm Thìn 2012

Monday 1 July 2013

Chế độ quân hàm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (Vũ Phong Tạo - Quân Đội Nhân Dân)

Chế độ quân hàm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc

QĐND - Thứ Năm, 16/02/2012, 15:24 (GMT+7)
QĐND - Trước khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã hai lần dự định thực hành chế độ quân hàm. Nhưng do hoàn cảnh, hai lần dự định ấy đều không thể thực hiện.
Sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhằm tăng cường xây dựng quân đội Trung Quốc chính quy hóa, hiện đại hóa, mùa đông năm 1952, quân đội Trung Quốc đã bắt tay nghiên cứu chế độ quân hàm.
Ngày 26-11-1952, trong báo cáo với Chủ tịch Mao Trạch Đông và Quân ủy Trung ương, Cục Cán bộ Tổng bộ Chính trị đã sơ bộ đệ trình kế hoạch và những vấn đề chuẩn bị thực hành chế độ quân hàm.
Lễ tấn phong quân hàm Nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, năm 1955. Chủ tịch Mao Trạch Đông trao quân hàm cho Nguyên soái Chu Đức.
Năm 1955, quân đội Trung Quốc chính thức thực hiện chế độ quân hàm.
Xây dựng cấp bậc của chế độ quân hàm lần này được dựa trên cơ sở của hệ thống cấp bậc quân hàm truyền thống của Trung Quốc, đồng thời có tham khảo theo chế độ quân hàm của các nước Liên Xô, Triều Tiên.
Chế độ quân hàm đặt 4 cấp 14 bậc, tức Đại nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Đại nguyên soái thực tế không thụ phong); Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng; Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá; Đại úy, Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy.
Ngày 27-9-1955, Hội nghị lần thứ 22 Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết thụ phong quân hàm Nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thụ phong quân hàm Nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho 10 vị: Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vĩnh Hằng, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh.
Thủ tướng Quốc vụ viện Chu ân Lai đọc mệnh lệnh và thụ phong quân hàm Đại tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho 10 người: Túc Dụ, Hoàng Khắc Thành, Đàm Chính, Tiêu Kinh Quang, Vương Thụ Thanh, Trần Canh, La Thụy Khanh, Hứa Quang Đạt, Từ Hải Đông, Trương Vân Dật; Thụ phong quân hàm Thượng tướng cho 55 người; Thụ phong quân hàm Trung tướng cho 175 người; Thụ phong quân hàm Thiếu tướng cho 801 người (trong đó có đồng chí Hồng Thủy -Nguyễn Sơn, người Việt Nam, người nước ngoài duy nhất được phong hàm cấp tướng của Trung Quốc).
Về sau, trong thời gian từ năm 1956 đến năm 1964, lại tiếp tục tấn phong một loạt tướng quân. Đến năm 1965, tổng cộng đã thụ phong quân hàm cấp tướng cho 1.614 người.
Ngày 22-5-1965, Hội nghị Thường vụ lần thứ 9 Quốc hội Trung Quốc khóa 3 đã thông qua “Quyết định về thủ tiêu chế độ quân hàm Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”, bắt đầu thi hành từ ngày 1-6-1965.
Tháng 3-1980, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình đề xuất cần thực hiện lại chế độ quân hàm.
 “Luật Binh dịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” do Hội nghị Thường vụ lần thứ 2 Quốc hội Trung Quốc khóa 6 họp ngày 31-5-1984 thông qua, đã quy định: “Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thực hành chế độ quân hàm”.
Tháng 6-1985, Quân ủy Trung ương triệu tập Hội nghị mở rộng, kiên quyết đề xuất cắt đứt thể chế quân hàm đã thực hành từ năm 1965 về trước, “thực hành chế độ quân hàm mới”.
Ngày 1- 7-1988, Hội nghị Thường vụ lần thứ 2 Quốc hội Trung Quốc khóa 7 đã thông qua “Điều lệ Quân hàm Sĩ quan Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”.
Chế độ quân hàm của hạ sĩ quan, chiến sĩ đồng thời được lập. Chế độ quân hàm mới công bố không lập cấp Nguyên soái, Đại tướng và Đại úy, coi cấp Thượng tướng là quân hàm cao nhất.
Quân hàm sĩ quan thiết lập 3 cấp 11 bậc, tức là Cấp tướng gồm Thượng tướng cấp 1, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng; Cấp tá gồm Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá; Cấp úy gồm Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy.
Sĩ quan hải quân, không quân quân hàm thêm từ “Hải quân”, “Không quân”.
Sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, trong quân hàm thêm từ “Chuyên môn kỹ thuật”.
Lãnh đạo Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình, Dương Thượng Côn chủ động đề xuất bản thân mình không nhận quân hàm, vì thế, bậc Thượng tướng cấp 1 bỏ trống.
Ngày 12-5-1994, Hội nghị Thường vụ lần thứ 7 Quốc hội Trung Quốc khóa 8 thông qua Quyết định về sửa đổi “Điều lệ Quân hàm Sĩ quan Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”.
Điều lệ Quân hàm sau khi sửa đổi thiết lập 3 cấp 10 bậc, tức Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng; Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá; Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy.
Ngày 10-9-1995, ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 8 thông qua “Luật Sĩ quan dự bị nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, quy định quân hàm sĩ quan dự bị thiết lập 3 cấp 8 bậc, tức Thiếu tướng; Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá; Thượng úy, Trung úy, Thiếu úy.
 “Luật Binh dịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” công bố tháng 12-1998 quy định: Thời gian làm nghĩa vụ quân sự là 2 năm, và không kéo dài thời hạn làm nghĩa vụ nữa. Theo luật này, từ năm 1999 về sau, bỏ quân hàm Hạ sĩ quan và Quân nhân chuyên nghiệp.
Lễ Tấn phong quân hàm Thượng tướng cho 6 sĩ quan cao cấp QGPNDTQ, ngày 23-7-2011. Ảnh tư liệu
Quân hàm biên chế của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, về cơ bản thực hành chế độ một chức vụ biên chế hai bậc quân hàm, “Điều lệnh quân hàm sĩ quan…” sửa đổi do ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua năm 1994, quy định: Các chức vụ Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị biên chế quân hàm là Thượng tướng. Không thụ phong quân hàm Thượng tướng cho Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Biên chế quân hàm cho các chức vụ khác như sau:
Chức Trưởng Đại quân khu: Trung tướng, Thượng tướng;
Chức Phó Đại quân khu: Thiếu tướng, Trung tướng;
Chức Trưởng Quân khu: Thiếu tướng, Trung tướng;
Chức Trưởng Sư đoàn: Đại tá, Thiếu tướng;
Chức Phó Sư đoàn (chức Trưởng Lữ đoàn): Thượng tá, Đại tá;
Chức Trưởng Trung đoàn (Chức Phó Lữ đoàn): Trung tá, Thượng tá;
Chức Phó Trung đoàn: Thiếu tá, Trung tá;
Chức Trưởng Tiểu đoàn: Thượng úy, Thiếu tá;
Chức Phó Tiểu đoàn: Thượng úy, Thiếu tá;
Chức Trưởng Đại đội: Trung úy, Thượng úy;
Chức Phó Đại đội: Trung úy, Thượng úy;
Chức Trung đội: Thiếu úy, Trung úy.
Ngày 23-7-2011, Quân ủy Trung ương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã tổ chức Lễ tấn phong quân hàm Thượng tướng cho 6 sĩ quan cao cấp là Tôn Kiến Quốc, Hầu Thụ Sâm, Phó tổng tham mưu trưởng; Giả Bình An, Phó chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị; Lưu Hiểu Giang, Chính ủy Hải quân; Trương Hựu Hiệp, Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương; Lý Trường Tài, Chính ủy Quân khu Lan Châu.
Tính đến ngày 23-7-2011, Quân Giải phóng nhân dân và Bộ đội cảnh sát vũ trang của Trung Quốc đã có 191 sĩ quan cao cấp được phong quân hàm Thượng tướng, quân hàm cao nhất ở Trung Quốc hiện nay.
Vũ Phong Tạo