Sunday 20 October 2013

Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam (Trương Đức Duy)

Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam

QĐND - Thứ Sáu, 01/05/2009, 22:20 (GMT+7)
QĐND Online - Báo điện tử “Hoa Hạ kinh vĩ”(Trung Quốc), ngày 7-4-2007 truy nhập Hồi ức của ba tác giả: Trương Đức Duy, Nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Văn Trang, Nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt nam; Vương Đức Luân, Nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam công bố nhân dịp 50 năm (7/5/1954-7/5/2004) Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chúng tôi xin giới thiệu Hồi ức trên, qua bản dịch của Nhà báo-Dịch giả Vũ Phong Tạo từ nguyên bản Trung văn, để bạn đọc tham khảo.
Giao thời Xuân Hè năm 1954, địa danh “Điện Biên Phủ” này đã thu hút ánh mắt của nhân dân toàn thế giới.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch quy mô lớn nhất, mang ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Chiến dịch này kết thúc, cuối cùng quân đội nhân dân Việt Nam thắng lợi triệt để tiến công làm chủ Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ binh lực quân đội thực dân Pháp với trên 16.000 tên, đánh một dấu son viên mãn trong cuộc Chiến tranh chống Pháp 8 năm của nhân dân Việt Nam.
Nhớ lại năm xưa, năm nay đúng là Kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc Chiến tranh chống Pháp thắng lợi. Chúng tôi bỗng nhớ lại nội dung bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết bằng Hán văn nói:
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, là do nhân dân Việt Nam giành được, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ tiến hành cuộc Chiến tranh chống thực dân xâm lược Pháp. Thắng lợi này cũng là một thể hiện sinh động của tình hữu nghị chiến đấu của nhân dân hai nước Trung Việt.
Thủ trưởng của Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại mặt trận Điện Biên Phủ: (từ trái sang)Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm, La Quý Ba, Vi Quốc Thanh.Ảnh tư liệu
Năm ấy, chúng tôi vinh hạnh được cử vào Đoàn Cố vấn Trung Quốc, đã tham gia rất nhiều công tác cụ thể của Đoàn Cố vấn, cùng các đồng chí Việt Nam chiến đấu 5 năm dòng, đã kinh lịch vô số sự kiện xúc động lòng người, trực tiếp cảm thụ được tình cảm sâu đậm và chân thành của tình bạn chiến đấu Trung Việt, những hình ảnh ấy khiến suốt đời không thể nào quên.
Năm 1949, khi cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam bước vào giai đoạn cầm cự, cuộc đấu tranh ở vào thời khắc vô cùng gian khổ, nặng nề, cuộc Chiến tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc giành được thắng lợi mang tính toàn quốc, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tuyên bố thành lập. Sự kiện này tạo ra hoàn cảnh vô cùng có lợi cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam, cũng khiến cho Trung Quốc có khả năng ra sức chi viện cho cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Hai nước Trung Việt núi liền núi sông liền sông, sướng khổ có nhau. Bắt đầu từ thập niên 20 của thế kỷ trước, những người cách mạng hai nước đã ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ lần nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh và một loạt thanh niên tiến bộ Việt Nam trước sau đã tham gia cuộc Chiến tranh cách mạng và Chiến tranh kháng Nhật của Trung Quốc.
Khi nhận được tin vui nước Trung Quốc mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tức cử hai cán bộ đắc lực mang theo thư tay bằng Hán văn của Người, chia nhau đi theo hai con đường (đường bộ và đường biển) bí mật đến Bắc Kinh, thỉnh cầu Trung Quốc viện trợ.
Trong thư tay, chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng:
Ân ca, Dĩnh thư (Tức anh Chu Ân Lai và chị Đặng Dĩnh Siêu):
Em đã xa anh, chị mười năm, luôn luôn nhớ nhung, và có rất nhiều việc mới muốn bàn với anh chị. Em xin thay mặt tệ điếm chúc mừng sự phát triển vĩ đại của quý Công ty. Tệ điếm (cửa hàng nhỏ của tôi) mấy năm qua kinh doanh khá tốt, ý muốn tranh thủ thời cơ, đánh thắng đối phương, xin cử hai người nhân viên thân tín, cấp tốc khẩn cầu anh chị giúp đỡ.
Đinh (Bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Tháng 10 (năm 1949), Mao Chủ tịch nói: “Cố vấn thì là cố vấn, trên thực tế chính là tham mưu…”
Tháng 1 năm 1950 sau đó, sau khi đã hoá trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh không từ gian khổ nguy hiểm, vượt núi băng sông, đi bộ tới Trung Quốc, lần lượt cùng với Chủ tịch Mao Trạch Đông và cá đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, v.v… thương nghị vấn đề Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam kháng chiến.
Mao Chủ tịch nói: Cách mạng Trung Quốc đã thắng lợi, có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân ViệtNam đang đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đáp ứng thỉnh cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Việt Nam, Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định ra sức chi viện cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, đồng thời lập tức cử đồng chí La Quý Ba, Chủ nhiệm Văn phòng Quân uỷ Trung ương làm Đại biểu liên lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc đi trước sang Khu giải phóng Việt Nam tìm hiểu tình hình, để cung cấp viện trợ.
Tiếp theo, lần lượt cử Đại tướng Trần Canh thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đoàn Cố vấn Quân sự do Thượng tướng Vi Quốc Thanh đứng đầu và Đoàn Cố vấn Chính trị do đồng chí La Quý Ba đứng đầu, sang Việt Nam giúp đỡ Việt Nam kháng chiến. Trong thời gian này, chúng tôi công tác tại Đoàn Cố vấn lần lượt nhiều lần lắng nghe lãnh đạo Đoàn truyền đạt chỉ thị và căn dặn của Mao Chủ tịch và của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, cho đến nay vẫn nhớ như mới rợi.
Đêm trước khi Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc lên đường sang Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Phó chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Tổng tư lệnh Chu Đức cùng tiếp kiến Cán bộ cấp Đoàn trở lên của Đoàn Cố vấn khi ấy đã đến Bắc Kinh.
Ba vị lãnh đạo đều có chỉ thị và căn dặn quan trọng, nhiều lần nhấn mạnh phải phát huy tinh thần quốc tế chủ nghĩa, thành tâm thành ý giúp đỡ các đồng chí Việt Nam, tôn trọng các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, thực hiện đoàn kết tốt, yêu quý nhân dân Việt Nam.
Mao Chủ tịch nói: “Lần này các đồng chí đi làm cố vấn, là một việc lớn, việc mới. Đảng và Nhà nước, quân đội chúng ta lần đầu tiên cử cố vấn ra nước ngoài. Việc này có ý nghĩa rất trọng đại, là niềm vẻ vang của chúng ta… Nhiệm vụ của các đồng chí đi Việt Nam, đầu tiên phải giúp đỡ đánh trận tốt. Hiện tại họ vẫn là chủ yếu đánh du kích chiến, chưa đánh qua những trận đánh tương đối lớn. Nhưng, chỉ đánh du kích chiến là không ổn, muốn giành được thắng lợi còn phải đánh những trận lớn hơn. Phải có thể đánh công kiên chiến, có thể đánh vận động chiến, mới có thể chuyển vào phản công, đánh bại quân Pháp”.
Về vấn đề làm cố vấn như thế nào, Mao Chủ tịch nói: “Cố vấn thì là cố vấn, nhưng trên thực tế chính là tham mưu, làm tham mưu tốt cho các đồng chí lãnh dạo của người ta. Tham mưu chính là đề xuất chủ trương, nghĩ biện pháp, hiệp tác giúp đỡ lãnh đạo. Cho nên không thể bao biện làm thay, càng không thể làm Thái Thượng hoàng, ra lệnh chỉ huy… Trước mặt quần chúng Việt Nam, không thể biểu hiện ra thái độ kiêu ngạo của chúng ta là người chiến thắng. Phải thực hiện tốt đoàn kết với các đồng chí Việt Nam, đặc biệt là phải thực hiện tốt đoàn kết với những người lãnh đạo Việt Nam. Phải yêu quý bảo vệ từng gốc cây từng ngọn cỏ, từng ngọn núi từng dòng sông ở nơi đó. Phải yêu quý bảo vệ nhân dân ở nơi đó. Phải tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân, tuân thủ ba kỷ luật lớn tám điều chú ý, giống như ở Trung Quốc”.
Những lời căn dặn của Mao Chủ tịch và của các đồng chí lãnh đạo Trung ương như vậy, luôn luôn là tư tưởng chỉ đạo mà chúng tôi thường xuyên tuân theo trong nhiều năm công tác ở Việt Nam.
Chiến dịch Biên Giới: Chiến dịch Biên Giới lần đầu tiên Trung Việt hợp tác, tạo cơ sở vững chắc cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1950, nhằm khiến cho vũ khí trang bị và các loại vật tư do Trung Quốc viện trợ có thể thuận lợi tiến vào Việt Nam, khai thông tuyến giao thông biên giới Trung Việt bèn trở thành nhiệm vụ vô cùng trọng yếu. Vì vậy, khi ấy Trung ương hai đảng Việt Trung thương thảo quyết định mở một chiến dịch tại vùng biên giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn đồng chí Trần Canh mà Người đã quen thân trên 20 năm trước sang Việt Nam hiệp tác giúp đỡ đánh tốt trận này.
Trung tuần tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đồng chí Trần Canh làm đại biểu sang Việt Nam, giúp đỡ tổ chức thực thi chiến dịch Biên Giới.
Sau khi đến Việt Nam, đồng chí Trần Canh lập tức hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo cáo với Hồ Chủ tịch ý tưởng tác chiến tại biên giới đã suy nghĩ suốt dọc đường, đồng thời lập tức bôn tập ra tiền tuyến cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt nam trù hoạch tỷ mỷ kế hoạc tác chiến.
Kế hoạch tác chiến do Bộ Tổng quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng trước là đầu tiên tấn công Cao Bằng. Kinh qua nghiên cứu tỷ mỷ, đồng chí Trần Canh cho rằng tình hình binh lực, công sự, địa hình của quân Pháp đồn trú ở Cao Bằng, dễ thủ khó công, cộng thêm xem xét về sức chiến đấu của quân đội Việt Nam khi ấy khó nắm chắc giành thắng lợi. Qua bàn bạc với đồng chí Võ Nguyên Giáp, quyết định đầu tiên không đánh Cao Bằng, chuyển sang đánh Đông Khê, điều động quân địch ở Thất Khê, Cao Bằng ra chi viện, để tiêu diệt quân địch tại dã chiến ngoài công sự. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tán thành và căn cứ theo hướng đó đã điều chỉnh lại sự bố trí.
Thượng tướng Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Điện Biên Phủ.Ảnh internet
Khi ấy, Đoàn Cố vấn quân sự do đồng chí Vi Quốc Thanh lãnh đạo cũng đã đến tiền tuyến. Trong toàn bộ quá trình chiến dịch Biên Giới, cố vấn Trung Quốc cùng hợp tác mật thiết với cán bộ chỉ quy quân đội ViệtNam, cùng ra tuyến đầu. Quân đội nhân dân không quản mệt nhọc, liên tục tác chiến, giành toàn thắng to lớn.
Kết quả chiến đấu lớn hơn nhiều so với dự kiến. Từ đó, sự phong toả của quân Pháp đối với biên giới Việt Trung bị đập tan triệt để, đường giao thông biên giới giữa hai nước thông thoáng không còn trở ngại, trang bị và vật tư do Trung Quốc viên trợ được ùn ùn vận chuyển liên tục vào Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam cũng giành được kinh nghiệm quý báu về đánh vận động chiến.
Trong mấy năm sau đó, làm những công tác phiên dịch, thư ký, chúng tôi lại hiểu sâu sắc rằng, Trung ương hai Đảng Trung Việt thường xuyên giữ liên hệ vô cùng mật thiết, gặp phải những vấn đề trọng đại vẫn thường trao đổi ý kiến qua lại, do Trung ương Đảng Việt Nam ra quyết định cuối cùng. Quan hệ hợp tác giữa các đồng chí lãnh đạo của Đảng, chính quyền, quân đội của Việt Nam với Đoàn Cố vấn vô cùng ăn ý, có thể nói là quan hệ rất thân mật, rất tín nhiệm lẫn nhau. Tất cả những điều kiện ấy đã chuẩn bị rất tốt cho tổ chức chiến dịch Điện Biên Phủ với quy mô to lớn hơn nhiều.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch động viên toàn dân, là một chiến dịch quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam.
Cuối năm 1953, kinh qua trao đổi ý kiến sâu sắc giữa lãnh đạo cao cấp của hai đảng, hai quân đội Việt Trung, Trung ương Đảng Việt Nam ra quyết định trọng đại tiến hành đòn quyết chiến chiến lược với quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Thời gian trôi qua, chiến dịch này tuy cách hôm nay đã tròn 50 năm (Bài viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2004) - ND), song ngày hôm nay hồi tưởng lại vẫn hiện ra rõ mồn một trước mắt.
Trong quá trình chuẩn bị và thực thi chiến dịch, khối lượng nhân lực vật lực mà phía ViệtNam động viên khổng lồ chưa từng có. Quân chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam tập trung đến chung quanh Điện Biên Phủ, đã hình thành thế bao vây lớn đối với quân Pháp.
Sự điều động tập kết vú khí đạn dược, sự bố trí cao độ hoả lực thì khỏi phải nói, sự động viên dân công phục vụ tiền tuyến càng có quy mô chưa từng có từ khi Việt Nam chống Pháp.
Trên con đường hiểm trở quanh co, gập ghềnh đến Điện Biên Phủ, chúng tôi nhìn thấy nam nữ dân công kết thành đoàn đội, từ các khu vực xuất phát, như những dòng sông đổ ra tiến tuyến. Họ có người gồng gánh, có người gùi thồ trên vai, có người đội trên đầu, cứ vậy bằng nhiều cách vận chuyển khối lượng vật tư khổng lồ chi viện cho mặt trận.
Sự hấp dẫn nhất đập vào mắt mọi người là những đội vận tải lương thực bằng xe đạp. Những đội viên xe đạp thồ mỗi người đẩy một chiếc xe đạp đã qua cải tạo để tăng trọng tải, mỗi xe đều thồ được từ 200 đến 300 ki-lô-gam lương thực, hoạt động trên con đường dài mấy trăm cây số, rồng rồng rắn rắn lũ lượt không dứt! Đây là một cảnh tượng của cuộc kháng chiến toàn dân của Việt Nam đặc sắc biết nhường nào!
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận công kiên chiến quy mô lớn. Trang bị vũ khí, bổ cấp đạn dược, tổ chức hoả lực, cung ứng hậu cần, v.v… số lượng đều cực kỳ khổng lồ. Phía Trung Quốc quyết định toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất.
Nhằm đối phó với ưu thế trên không và pháo hoả mãnh liệt của quân Pháp, Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mệnh lệnh cho Quân giải phóng nhân dân điều động tập kết 24 khẩu lựu pháo 105 tốt nhất, cao xạ pháo và hàng trăm loại hoả pháo, cấp tốc vận chuyển đưa vào Việt Nam. Sườn núi chung quanh Điện Biên Phủ dốc đứng hiểm trở, pháo lớn muốn tiến vào ẩn náu trong trận địa chỉ có thể dựa vào sức người tay kéo vai vác. Chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam quen tác chiến trong điều kiện khó khăn gian khổ, một lần nữa thể hiện rõ tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, kiên cường lao động. Một khẩu lựu pháo nặng mấy tấn, đương nhiên do hàng trăm chiến sĩ dùng mấy dây thừng to lớn buộc vào kéo như trò chơi kéo co, hò dô theo từng đợt nhịp nhàng, chuyển bánh từng bước một, tiến vào trận địa đã được chuẩn bị sẵn. Thực sự khiến mọi người thán phục!
Sự hợp tác thân mật của tình bạn chiến đấu Việt Trung đã được thể hiện đầy đủ nhất trong chiến dịch này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Vi Quốc Thanh là Tổng cố vấn quân sự. Cố vấn quân sự các cấp của phía Trung Quốc ra tiền tuyến dốc toàn lực hiệp tác giúp đỡ.
Sự hợp tác giữa hai bên vô cùng ăn ý, cùng tiến hành nghiên cứu bố trí tác chiến, phương pháp tác chiến, vận dụng chiến thuật, kế hoạch rất chu toàn bí mật.
Đứng trước tình hình quân địch bố phòng nghiêm mật, công sự kiên cố, hoả lực mãnh liệt, cố vấn Trung Quốc đã giới thiệu cách đánh gần, đào giao thông hào sát địch, còn cử những chuyên gia đào hào của Quân chí nguyện từ Triều Tiên về nước sang Điện Biên Phủ, giúp đỡ chỉ đạo thực thi tác chiến hầm hào, thu được hiệu quả rất tốt.
Trước khi tiến công Điện Biên Phủ, bước vào chiến dịch “Véc-đoong ở Đông Nam Á”, quân Pháp còn đầy tự tin. Viên chỉ huy cao nhất quân Pháp tại Điện Biên Phủ - Thiếu tướng Đờ Cát vô cùng kiêu căng ngạo mạn cho máy bay thả truyền đơn thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói: “Tôi biết bộ đội của Ngài đã bao vây Điện Biên Phủ, song vì sao không tiến công? Chúng tôi đã không còn kiên nhẫn chờ đợi được nữa rồi. Nếu Ngài có gan, dám phát động tiến công, thì bắt đầu ngay đi! Tôi đang chờ đón sự khiêu chiến của Ngài, quyết sống mái một phen với ngài!”.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mỉa mai nói: “Đồ nhãi ranh, hãy đợi đấy!”.
Đồng chí Vi Quốc Thanh cũng nói: “Tên Đờ Cát thật ngông cuồng! Sau khi chiến dịch mở màn, có lúc nó sẽ phải khóc!”.
Giai đoạn thứ nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu chiến đấu từ ngày 13 tháng 3 năm 1954. Trước khi bộ binh công kích, cuộc đấu pháo của hai bên xé nát bầu trời đêm, ngẫu nhiên còn có đạn pháo bay lên chọi nhau trên không, ánh lửa khói đạn mù trời; mặt đất rung lên tiếng pháo bốn phía, tiếng hô xung phong giết giặc của quân đội nhân dân Việt Nam vang động rừng hoang núi vắng chung quanh.
Trong cuộc chiến đấu này, quân đội nhân dân Việt Nam vô cùng anh hùng dũng cảm, lần lượt công phá ba cụm cứ điểm phòng ngự ở phía bắc Điện Biên Phủ, tiêu diệt gọn 3 tiểu đoàn đủ quân Pháp và nguỵ quân, giành chiến thắng đầu tiên.
Khi giai đoạn thứ hai tiến công khu Trung tâm, hai bên tranh giành vô cùng quyết liệt, trên chiến trường ở vào trạng thái giằng co.
Đứng trước tình hình mới xuất hiện, những người bạn chiến đấu Việt Trung cùng nhau nghiên cứu tiếp tục áp dụng cách đánh đào chiến hào ngang dọc, đánh dũi đánh lấn, chia cắt bao vây, tiêu diệt từng lô cốt quân địch, khi đó gọi cách đánh này là chiến thuật “Bóc măng tre”.
Thế là, các cụm cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ cuối cùng đã bị bóc đi dần từng mảng từng lớp một.
Trải qua trên 50 ngày đêm chiến đấu anh hùng dũng cảm, quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hành tổng công kích vào ngày 7 tháng 5, tấn công tiêu diệt toàn bộ Điện Biên Phủ, giành thắng lợi hoàn toàn.
Lúc một tổ mũi nhọn của quân đội nhân dân xung phong vào Sở chỉ huy quân Pháp, Đờ Cát và nhân viên tham mưu của y kinh hoàng giơ cao hai tay, mặ tái mét, cúi đầu bước ra khỏi hầm cố thủ của chúng. Vẻ ngạo mạn ngông cuồng trước đó đã mất hết sạch sành sanh!
Trong Bộ Tổng chỉ huy của quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng cố vấn Vi Quốc Thanh phấn khởi nắm chặt hai tay, những người bạn chiến đấu Việt Trung xúc động ôm chặt lấy nhau, khắp phòng tràn đầy không khí hân hoan chiến thắng.
Sau khi chiến đấu làm chủ Điện Biên Phủ, một số đồng chí trong Đoàn Cố vấn chúng tôi tiến vào pháo đài “Véc-đoong ở Đông Nam Á” này. Nhướng mắt quan sát bốn phía, trên mặt đất nóng bỏng lửa đạn vừa trải qua cuộc chiến đấu quyết liệt, khói đạn đã tan dần, những tàn tích của chiến tranh vẫn còn nguyên đó: Xác mấy chiếc máy bay, những khẩu lựu pháo 155 chưa bị phá huỷ hoàn toàn và những khẩu súng máy, những mảnh dù loang lổ màu sắc phủ kín mặt đất rộng lớn. Nơi đây chỉ cách hôm nay ít lâu còn được coi là pháo đài vững như bàn thạch, nay đã trở thành những lô cốt nham nhở vết đạn pháo thảm hại ê chề.
Hồi tưởng lại giai đoạn lịch sử khó quên này, chúng tôi càng cảm thụ sâu sắc thêm tình bạn chiến đấu của nhân dân hai nước Trung Việt là do thế hệ lãnh đạo tiền bối Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dầy công vun đắp, kinh qua những người bạn chiến đấu hai nước chi viện lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng được củng cố và tăng cường. Đúng như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thâm tình miêu tả:
Mối tình hữu nghị Việt Hoa,
Vừa là đồng chí, vừa là anh em.
VŨ PHONG TẠO dịch theo Hồi ức của Trương Đức Duy, Văn Trang, Vương Đức Luân (Trung Quốc)

Saturday 19 October 2013

Lính ta-bo là lính gì?



Ta-bo là từ người Việt gọi một loại bộ binh nhẹ người Ma-rốc thuộc đạo quân châu Phi (Armée d’Afrique). Gốc tiếng Pháp là tabor, chỉ đơn vị cấp tiểu đoàn của thứ lính này.

Mỗi tabor có ba goum tác chiến (tương đương đại đội bộ binh) và một goum chỉ huy – trợ chiến. Mỗi goum tác chiến có 181 quân, trong đó có 2 sĩ quan và 10 hạ sĩ quan. Cán bộ các cấp đều là người Pháp.

Về mặt hành chính, tabor là đơn vị thường trực cấp cao nhất. Tùy theo nhu cầu của chiến trường, một số tabor được ghép lại thành liên đoàn (binh đoàn) mang danh G.T.M. (groupement de tabors marocains).  Tuy nhiên, về mặt tổ chức, goum mới là hạt nhân tạo nên bản sắc của đơn vị:

Trong tiếng Ả Rập Ma-grếp, gum vốn có nghĩa là bộ lạc, sau đó được dùng để chỉ những đội kỵ binh mà bộ lạc đóng góp cho quân đội của nhà vua. Pháp chiếm Ma-rốc, dùng từ goum để gọi các đội quân phụ lực người bản xứ được chiêu mộ theo kiểu này. Vì vậy người Pháp gọi lính ta-bo là goumier (lính của goum). Từ goumier cũng được phổ biến trong tiếng Anh (goumier unit, goumier battalion...) trong khi người Việt chỉ chú ý đến đặc điểm hành chính (đơn vị quân ta-bo, tiểu đoàn ta-bo...).

Như thế là sau bảy ngày chiến đấu ròng rã trên chặng đường số 4, từ Đông Khê đến Thất Khê, quân ta tiêu diệt hoàn toàn đạo quân Lơ Pagiơ, gồm có tiểu đoàn Tabo thứ nhất (1er Tabor), tiểu đoàn Tabo thứ mười một (11ème Tabor), một tiểu đoàn lính Marốc trong trung đoàn Marốc thứ tám và một tiểu đoàn quân nhảy dù lê dương (BEP), bắt sống tên quan nǎm Lơ Pagiơ và Bộ tham mưu của hắn ở gần Đông Khê. Làm xong nhiệm vụ quân ta quay lại bao vây và tiêu diệt đạo quân Sáctông gồm có ba tiểu đoàn tinh nhuệ: tiểu đoàn Tabo thứ ba (3ème Tabor), tiểu đoàn thứ ba của trung đoàn lê dương thứ ba và một tiểu đoàn ngụy binh, bắt sống quan nǎm Sáctông và Bộ tham mưu của hắn.




Cùng là bộ binh nhẹ người Ma-rốc nhưng goumier, tức lính ta-bo, sang Đông Dương chiến đấu theo hợp đồng, khác với tirailleur (marocain) là lính quân dịch. Do nguồn gốc xuất thân,  lính ta-bo chiến đấu rất giỏi ở địa hình rừng núi. Có người căn cứ vào đặc điểm này để gọi chúng là lính sơn cước Ma-rốc:


Trung tá Le Page, tư lệnh Chiến đoàn Tabor (Groupement des Tabors Marocains G.T.M) bao gồm các tiểu đoàn sơn cước Ma-rốc: 1er Tabor, 3ème Tabor, 8ème Tabor, 10ème Tabor, 11ème Tabor.
...
Trung tá Charton, tư lệnh phó Trung đoàn 3 Lê Dương (3ème REI), quân trấn trưởng Cao Bằng, tư lệnh Chiến đoàn Charton bao gồm các tiểu đoàn 3 Lê Dương (III/3 REI), tiểu đoàn 3 sơn cước Ma-rốc (3ème Tabor), tiểu đoàn phụ lực quân nhẹ (Bataillon Léger de Supplétifs Militaires B.L.S.M) và pháo đội 105 ly.


Lính Ta-bo nổi tiếng từ Tây sang Đông vì lì lợm khi xung trận, đặc biệt là vô kỷ luật số một và đi đến đâu hiếp dâm đến đó.  Chuyện lính ta-bo cướp bóc, cưỡng hiếp phụ nữ Ý và Đức cuối chiến tranh thế giới thứ hai đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ (tiểu thuyết La Ciociara của Alberto Moravia và bộ phim cùng tên năm 1960,  tiểu thuyết Point of Honor của Mortimer R. Kadish...). Vì lý do đó, phần lớn các đơn vị ta-bo bị giải tán sau năm 1945, từ 4 liên đoàn chỉ còn lại 3 tiểu đoàn (tabor) và 50 đại đội (goum). Khi bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương liên tục xin tăng viện bằng quân ta-bo, bên chính quốc cương quyết từ chối. Mãi đến mùa thu năm 1948 yêu cầu này mới được đáp ứng (Michel Bodin, 2000:20). Từ 1948 đến 1954 có 9 tiểu đoàn ta-bo được gửi sang chiến đấu ở Đông Dương (Michel Bodin, 2000:26).

Ghê như lính Ta-bo của Pháp, ác hơn hổ mà lạc rừng đói lả, ta chỉ cơm nguội nhử cũng ra hàng. 

Friday 18 October 2013

Lính sơn đá là lính gì?



Sơn đá là lính (soldat) của các đơn vị chính quy người Pháp hồi họ mới đến Việt Nam.

Sơn-đá (soldat) chỗ thành bộ binh,
Ba từng lầu cất phân minh vững bền.
(Nguyễn Liên Phong,1909:32)

Sơn đá là một trong khoảng 100 từ gốc Pháp đầu tiên trong vốn từ tiếng Việt:
Thử xem tiếng Tây là một tiếng rất khác với tiếng ta, tây thì có nhiều vần (polysyllabe, ta thì một vần (monosyllabe), mà trong năm sáu mươi năm nay còn có trên tám mươi tiếng Tây thành tiếng Annam thay! Tỉ như: “xấp-lê” (siffler), nhà “ga” (gare), xà-lúp (chaloupe), xà-lang (chaland), “sơn-đá” (soldat), áo “bành-tô” (paletot), vân vân..., huống chi Tàu với ta nói năng một cách.
(Đông-thành Võ Thanh-Tân, Nam Phong Tạp Chí số 27, 1919:263)

Từ sơn đá có các biến thể là san đá, săn đá, săng đá, sang đá...

Thursday 17 October 2013

Trung đoàn hành quân hay trung đoàn tân lập?


Sách Bí mật đội quân Lê Dương Pháp của Đào Ngọc Ninh (nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2007) nhiều lần nhắc đến các trung đoàn hành quân của quân Lê Dương Pháp:
Tháng 10/1915, sư đoàn Ma-rốc rời khỏi tuyến một do bị thiệt hại nặng và do thiếu lính bổ sung, toàn bộ lính Lê dương còn lại được tổ chức thành trung đoàn hành quân Lê dương (Regiment de la March de la Legion Etrangere-RMLE) do trung tá Cot chỉ huy. Trung đoàn RMLE gồm 71 sĩ quan và 3115 binh lính.
...
Các đơn vị Lê dương được cải tổ lại thành các đơn vị chiến đấu hiện đại. Lực lượng chính gồm trung đoàn hành quân Lê dương RMLE (lấy lại phiên hiệu của trung đoàn RMLE thời Đại chiến thế giới thứ nhất) và thành lập lại các trung đoàn 2, 3, 4 và 6 Lê dương tại Si di bel Abbes tháng 7/1943.

RMLE - Régiment de Marche de la Légion Étrangère nguyên thủy là phiên hiệu của một đơn vị tạm lập ngày 11 tháng 11 năm 1915 từ tàn quân của hai trung đoàn lê dương. Bản thân hai trung đoàn này cũng là những dơn vị có tính cách lâm thời. Đó là:
- Phần lớn số 38 sĩ quan và 1233 quân còn lại từ 2e régiment de marche du 1er régiment étranger. Đơn vị này được tổ chức bằng cách lấy quân (2 bán tiểu đoàn, mỗi bán tiểu đoàn có 2 đại đội) từ trung đoàn lê dương số 1 cộng với quân mới tuyển để tạm lập ra một trung đoàn khác mang số 2 (gồm 2 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 4 đại đội). Trung đoàn mẹ (số 1) còn đẻ ra thêm hai đơn vị tạm thời khác mang số 3 và 4. Cả ba đơn vị con đều chỉ tồn tại trong thời gian trên dưới một năm (1914-1915).
- Phần lớn số quân còn lại (39 sĩ quan và 1910 binh lính) của 2e régiment de marche du 2e régiment étranger. Đơn vị này là đứa con thứ hai của trung đoàn lê dương số 1 (lấy 782 quân, hai tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gồm hai đại đội, khi đến mặt trận được bổ sung quân số thành 1947 người).. Đơn vị này chỉ tồn tại khoảng một năm (1914-1915).  Đứa con mang số 1 của trung đoàn 1 là 1er régiment de marche  thọ hơn (1907-1918).
RMLE khi mới thành lập có đủ 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 4 đại đội, khoảng 3000 người. Chỉ sau năm ngày chiến đấu trên sông Somme (4-9/7/1916) đã mất 1368 người. Trận Aubérive (tháng 4/1917) lại mất thêm phân nửa số còn lại. Tháng 9/1918 RMLE được bổ sung quân gần như đầy đủ trở lại (48 sĩ quan và 2540 quân). Sau chiến tranh, phiên hiệu RMLE bị xóa bỏ và được thay bằng 3e régiment étranger, trung đoàn lê dương số 3 (ngày 20/9/1920).

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, một lần nữa các đơn vị đã có tổ chức ổn định lại bị chia tách để thành lập nhiều đơn vị mới. Ngày 15/12/1942, trung đoàn 3 góp hai tiểu đoàn (I/3e REI, III/3e REI), cộng với một tiểu đoàn trộn quân của trung đoàn 3 và trung đoàn 2 để lập ra một trung đoàn mới lấy phiên hiệu 3e REIM (3e régiment étranger d'infanterie de marche). Ngày 1 tháng 7 năm 1943, trung đoàn 3 (mới) 3e REIM sau khi được bổ sung quân số và tái chỉnh trang bằng vũ khí Mỹ, được đổi tên thành trung đoàn lê dương (mới) – RMLE. Phiên hiệu (mới) này đã từng được (tạm) sử dụng gần hai mươi năm trước. Sau chiến tranh, phiên hiệu tạm bị xóa bỏ và trung đoàn lấy lại phiên hiệu chính thức là trung đoàn 3 -3e REI (1/7/1945).

Nếu bây giờ lại có chiến tranh...

Wednesday 16 October 2013

Đừng chỉ nhìn Đại tướng chỉ là một vị tướng... (Ng. Phong - Thanh Niên)

Tuesday 15 October 2013

Ai ngẩng đầu tạ ơn bao giờ?

Tạ ân  là dùng lời nói hoặc việc làm để đáp lại cái ơn mà người khác làm cho mình (Thiều Chửu). Có thể tạ ơn hay tạ lỗi đều được miễn là bày tỏ điều đó một cách trân trọng (Hoàng Phê, 2006:882). Khi đi phúng viếng, ta phải nghiêng mình, cúi đầu, thậm chí phải quỳ lạy vì đó là những cách thể hiện sự kính trọng với người đã khuất. Thân nhân người đã khuất cũng phải lạy tạ (chứ không ngẩng đầu tạ ơn) người đi viếng. Không có lý do gì để tạ ơn tổ tiên mà lại ngẩng đầu. Có thể ngẩng (cao, rất cao) đầu khi tự hào, kiêu hãnh. Nhưng tự hào ở đâu, khi nào chẳng được mà đến trước mặt tổ tiên lại không thể nhún mình xuống một chút? Dù trước khi ngẩng đầu tạ ơn đã xin phép cẩn thận, chắc gì tổ tiên đã cho? Khi xin phép phải ngẩng đầu, ngóc đầu, hất mặt hay cúi đầu đây?

Monday 14 October 2013

Vợ đi đâu rồi?


Đoạn văn sau được sách Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, Đặng Việt Thủy(chủ biên), nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, 2008, trang 142 dịch từ Alfred Schreiner, Abrégé de I’histoire D’ Annam, 2è Éd. Sài Gòn, 1906.
Đồn Rạch Giá bị tấn công lúc 4 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868. Trung úy hải quân kiêm thanh tra địa phương, người ở đây gọi là Chánh Phèn, vì bộ râu vàng hoe, là một trong những người bị giết trước tiên. Trung úy Sauterne chỉ huy đồn lính bị giết chết sau một chập chống trả mãnh liệt. Đồn này gồm 30 người, ngủ say cạnh những khẩu súng của họ đều bị hạ sát. Khoảng 12 người họp lại mở vòng vây chạy tản mác vào làng. Vì lạ người lạ cảnh, họ bị giết lần lượt bằng chĩa ba, chỉ trừ Duplessis, tên này chạy trốn trong lùm bụi và được một ông lão và một người đàn bà Việt Nam cho ăn. Một viên chủ của sở thâu thuế tự vệ một lúc lâu bằng súng, cuối cùng cũng bị hạ sát với đứa con gái và đứa con trai nhỏ. Mấy tên thông ngôn và viên chức Việt nam làm việc cho người Pháp bị bắt và bị giết vừa lúc quân Pháp vừa lúc quân Pháp trở lại (phản công). Lúc Pháp tái chiếm Rạch Giá, những người Cao Miên quanh vùng dẫn tên Duplessis cho Thiếu tá Ausart và bắt đầu lục soát tìm bắt nghĩa quân.
.

Câu Một viên chủ của sở thâu thuế tự vệ một lúc lâu bằng súng, cuối cùng cũng bị hạ sát với đứa con gái và đứa con trai nhỏ ứng với câu sau trong nguyên bản
Un préposé de la régie se défendit longtemps à coupd de fusil, il finit aussi par être tué avec sa con-gái et son petit enfant (Alfred Shreiner, 1868:297)
Nhưng Tây không gọi đứa con gái của mình là con-gái. Con-gái là từ mà bọn thực dân sang nước ta dùng để gọi những người đàn bà con gái Việt Nam chịu đi lại với chúng. Tên nào cặp được với con-gái thì được gọi là être encongaїé.  Alfred Shreiner (1906:297) chỉ nói rằng gã nhân viên thương chính kia bị giết cùng với người “vợ” Việt và (một) đứa con nhỏ. Chỉ một đứa con thôi.