Monday 26 May 2014

Vụ Hà Thúc Ký mưu sát Ngô Đình Diệm năm 1957 (Nhân Hưng - An Ninh Thế Giới)

Trang nhất > An Ninh Thế Giới > Hồ sơ mật

Vụ Hà Thúc Ký mưu sát Ngô Đình Diệm năm 1957
11:00, 29/01/2007


Ông Hà Thúc Ký.

Ông Hà Thúc Ký nguyên là đảng viên của đảng Đại Việt. Nhận thấy anh em họ Ngô tàn bạo, độc đoán không thực thi dân chủ nên ông đã âm mưu cho đặt chất nổ ở chỗ qua cầu Công Lý để hạ sát Ngô Đình Diệm, để nhóm Đại Việt lên nắm quyền.
Chuyện đã bất thành và Hà Thúc Ký bị bắt giam. Sau khi bị bắt thì cảnh sát đã tới nhà khám xét và phát hiện một hầm chứa vũ khí và chất nổ.
Trong hai tháng đến nước Mỹ, tôi đã có dịp gặp một số nhân vật trước đây làm việc cho chế độ họ Ngô. Những vị này, nay tuổi cũng đã vào tuổi gần đất xa trời rồi nhưng họ vẫn còn nhớ rõ và kể cho tôi một số chuyện cũ.
Và tôi cũng đã tìm đọc được một số tư liệu về chế độ họ Ngô do một số tác giả ghi được. Những tư liệu trên, tôi thấy có phần nào đúng sự thật. Xin lược ghi lại để bạn đọc tìm hiểu và biết rõ hơn về chế độ họ Ngô trong 9 năm tồn tại ở miền Nam Việt Nam.
Diễn tiến vụ Hà Thúc Ký bị bắt
Ông Hà Thúc Ký ngụ ở đường Nguyễn Văn Trỗi (trước kia là đường Cách mạng, quận Phú Nhuận – gần cổng xe lửa số 7). Ông Hà Thúc Ký và nhóm Đại Việt nhận thấy anh em họ Ngô tàn bạo, độc đoán không thực thi dân chủ nên đã âm mưu cho đặt chất nổ ở chỗ qua cầu Công Lý để hạ sát Ngô Đình Diệm, để nhóm Đại Việt lên nắm quyền.
Chuyện đã bất thành và Hà Thúc Ký bị bắt giam. Sau khi bị bắt thì cảnh sát đã tới nhà khám xét và phát hiện một hầm chứa vũ khí và chất nổ.
Ông Hà Thúc Ký hiện vẫn còn sống, trên 80 tuổi và cư ngụ tại Mỹ. Ông Ký kể lại diễn tiến chuyện bị bắt là do có sự phản bội của một đảng viên và một người là sĩ quan cấp tá trong quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Viên sĩ quan cấp tá này là người thân cận với ông Ký, nhưng ông này có tật say sưa tối ngày và cứ hễ rượu vào thì... lời ra. Có một bữa viên sĩ quan này (chúng tôi không nhớ tên là gì?) gặp ông Ký rồi lại gặp một người tên Xuân cũng là đệ tử của ông Ký.
Những người liên quan đến vụ ông Hà Thúc Ký bị dẫn giải ra toà.

Tên Xuân trước kia có theo Việt Minh, nhưng sau đầu hàng, về theo Đại Việt, và theo nhóm Dương Văn Hiếu, Thái “đen” đặc vụ miền Trung của Ngô Đình Cẩn. Xuân phục rượu cho viên thiếu tá uống say khướt rồi khai thác.
- Thiếu tá lâu nay có gặp ông Hà Thúc Ký không?
Viên thiếu tá đã ngay thật nói:
- Tôi có gặp và hẹn mấy ngày nữa sẽ gặp ông Hà Thúc Ký để bàn vài việc chính trị quan trọng.
Viên thiếu tá này còn tiết lộ cho tên Xuân biết là sẽ hẹn gặp ông Ký ở góc ngã ba đường Cao Thắng – Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần hiện nay) cùng ngày, giờ... Sau đó tên Xuân đã về báo cho Dương Văn Hiếu biết. Đến khi Hiếu giăng lưới bắt ông Ký ở địa điểm trên thì lại có mặt tên Xuân, và chính tên Xuân đã cầm súng lục chĩa vào ông Ký.
Ông Ký cũng kể lại khi bị bắt không bị đánh đập tra tấn. Ông Ký nghi chắc Ngô Đình Diệm sẽ cho thủ tiêu mình ngay, vì ông đã có ý định lật đổ chế độ họ Ngô.
Ông Hà Thúc Ký bị giam ở Bến Vân Đồn ba tháng, và đại diện chính quyền họ Ngô không thẩm vấn hay hỏi han gì. Một hôm, viên trung sĩ Bảo an ngồi canh gác đã đưa cho ông Ký tờ báo Sài Gòn Mới do bà Bút Trà làm chủ nhiệm.
Tờ báo này có loan tin vợ con ông Ký đã bị bắt giam. Lý do vợ con ông bị bắt là sau ngày ông Ký bị bắt thì người nhà sợ khám nhà nên đã cho người mang cái máy phát tuyến vứt ra bãi đất đồng Ông Cộ để phi tang nhưng chẳng may bị lính Bảo an bắt.
Theo ông Ký kể thì có lẽ Dương Văn Hiếu cố tình cho viên trung sĩ Bảo an đưa tờ báo Sài Gòn Mới cho ông đọc để ông biết tin gia đình bị bắt, từ đó dò xét xem phản ứng của ông thế nào?
Rồi sau đó ông Ký bị đem về giam ở trại giam đường Lê Văn Duyệt (trong Quân khu Thủ đô – nay là sân quần vợt Lan Anh). Trại giam này trước kia quân đội Pháp dùng để giam những quân nhân đào ngũ nên kín cổng cao tường.
Tường nhà giam đúc bằng bêtông cốt sắt, cửa sắt khóa kiên cố. Ông Ký bị biệt giam tại đây một vài tháng thì có thêm một người nữa bị bắt được đưa vào nhốt chung với ông là ông Trình Quốc Khánh tức Nguyễn Hữu Lễ, là Bí thư Dân xã đảng.
Trong thời gian ông Ký bị giam ở trại Lê Văn Duyệt thì Dương Văn Hiếu có đưa bác sĩ Trần Kim Tuyến tới thăm. Và bác sĩ Tuyến có hỏi:
- Ông Ký có biết ông trung tá Sang không?
- Ông Sang chỉ huy Tiểu đoàn Mặt Cọp của Pháp phải không?
- Đúng. Ông Sang có chân trong Đại Việt không?
- Ông hỏi gì lạ vậy? Ai mà khai ra đảng viên làm gì. Có hay không thì ông biết đấy!
Đến khi chế độ họ Ngô bị lật đổ, tướng Trần Thiện Khiêm đã cho người vào nhà thương Chợ Quán để trả tự do cho ông Ký, vì tướng Khiêm cũng có liên quan ít nhiều với nhóm Đại Việt, bởi Khiêm là người do CIA điều khiển. Ông Ký bị giam ở nhà thương Chợ quán vì ông bị phù thũng bởi bị cùm xích nhiều năm tháng.
Còn vụ vợ con ông Ký bị bắt lại không liên can gì đến vụ ông Ký bị bắt. Lý do chính là bà Ký đã cho người nhà đem vứt cái máy phát tuyến. Khi bị bắt ông bà Ký có 6 người con. Khi bà Ký bị bắt thì người nhà ở Huế vào đã đem 5 người con ra Huế để nuôi – đứa lớn nhất khi đó mới 9 tuổi, còn đứa nhỏ nhất mới có 3 tháng nên phải vào tù theo mẹ để bú sữa.
Mẹ con bà Ký bị giam ở P.42 trong Sở thú, nhưng được đối đãi đàng hoàng và không bị tra tấn gì cả. Mỗi ngày được phát 50 đồng bạc để tự mua đồ nấu ăn ngay trong phòng giam do lính Bảo an mua giúp. Bà Hà Thúc Ký thì vẫn bị giam giữ.
Theo  BBC qua lời kể của Trần Kim Tuyến: “Đó là thời gian khoảng năm 1958, vào dịp tết Nguyên đán. Tên đàn em của ông Hà Thúc Ký ở trong đảng Đại Việt là Nguyễn Văn Xuân, vì ham tiền nên phản đảng và thông báo tin tức về đường đi nước bước của ông Ký.
Khi đó đang có tin là ông Ký định ám sát Tổng thống Diệm. Tên Xuân báo cho Tiểu đoàn Phòng vệ phủ Tổng thống chứ không báo cho Sở Nghiên cứu chính trị. Nơi này liền chuyển cho bác sĩ Tuyến. Ông Tuyến nhờ bên Cảnh sát kiểm chứng lại xem những chi tiết đó có đúng hay không.
Cảnh sát cho biết tất cả những chi tiết tên Xuân cung cấp đều đúng. Vì vào đúng dịp tết nên anh em ông Diệm về Huế, không có mặt ở Sài Gòn. Bởi vậy ông Tuyến gọi điện thoại ra Huế báo cáo với Tổng thống Diệm và được lệnh bủa lưới bắt ông Hà Thúc Ký.
Vì Sở Nghiên cứu chính trị Phủ Tổng thống không có lực lượng, nên bác sĩ Tuyến phải nhờ bên Cảnh sát. Thời đó Tổng giám đốc Cảnh sát là tướng Nguyễn Ngọc Lễ, nhưng những nhân viên đi bắt ông Ký lại là tay chân đàn em của Phan Ngọc Các, một bộ hạ của Ngô Đình Cẩn từ ngoài miền Trung gửi vào hoạt động trong Sài Gòn, thành ra chính tướng Nguyễn Ngọc Lễ cũng không biết chuyện gì xảy ra.
Khi bắt được ông Ký, họ tạm giam lại để chờ Tổng thống Diệm về sẽ quyết định. Đến khi ông Diệm về tới Sài Gòn, cho gọi bác sĩ Tuyến lên báo cáo mọi chuyện. Lúc đó đã nửa đêm. Ông Tuyến vừa bước vào, Ngô Đình Diệm hỏi ngay:
- Chuyện Hà Thúc Ký ra sao rồi?
- Thưa Tổng thống, bên Cảnh sát bắt, hiện còn đang giữ trong Sở thú để chờ Tổng thống quyết định.
Ông Diệm đỏ bừng mặt:
- Đem mà thủ tiêu nó đi! Anh bảo bên đó chỗ nào đem thủ tiêu nó đi!
Còn ông Tuyến thì kể lại: “Nghe lệnh của Tổng thống Diệm vào lúc nửa đêm, nên ông Tuyến không muốn đánh thức ông Tổng giám đốc Cảnh sát thức dậy để chuyển cái lệnh “thủ tiêu người” trong lúc nóng giận của Tổng thống.
Vì thế ông Tuyến đã nghĩ “để đến sáng mai chuyển lệnh trên cũng chẳng muộn gì”.
Như vậy, cái số của ông Hà Thúc Ký chưa bị chết ngay đêm hôm đó. Sáng sớm hôm sau, Ngô Đình Diệm lại cho gọi điện thoại bảo Tuyến vào dinh gấp.
Tuyến lo sợ, và nghĩ: Chắc ông Diệm gọi vào gấp để hỏi xem lệnh thủ tiêu Hà Thúc Ký đã hoàn tất chưa? Khi vào tới dinh trông thấy Tổng thống Diệm đang ngồi ở bàn giấy, và mặt lạnh hỏi:
- Chuyện Hà Thúc Ký ra sao rồi?
Nghe Diệm hỏi như vậy, Tuyến lo sợ, vì chưa thi hành.
- Thưa Tổng thống, vẫn còn giam đấy. Để tôi liên lạc với tướng Lễ xem thi hành “thủ tiêu” bằng cách nào?
Nghe Tuyến trình bày như vậy, Diệm nói:
- Mình tức giận, nổi nóng ra lệnh như vậy. Nhưng thôi, tìm cách giúp đỡ gia đình ông Ký. Bảo bên Cảnh sát đối xử đàng hoàng với ông ấy.
Từ đó, trong tù ông Ký  không bị ngược đãi và bị tra tấn gì cả.
Vì vậy, sau năm 1975 ông Ký định cư ở Hoa Kỳ, và có mấy lần sang Anh có ghé thăm ông Tuyến. Vì hàm ơn  bởi ông Tuyến chần chừ lệnh của Diệm qua một đêm nên ông Ký thoát đi “mò tôm”. Ông Tuyến cũng còn kể, về ông Nhu thì không thấy ông ta nhắc gì đến ông Ký lúc đó.
Hà Thúc Ký bị bắt và thoát bị thủ tiêu nhờ đâu?
Ông Hà Thúc Ký lại có họ hàng với vợ Ngô Đình Nhu là Trần Lệ Xuân. Thân mẫu của Hà Thúc Ký và thân mẫu của Trần Lệ Xuân (vợ luật sư Trần Văn Chương, là chị em cô cậu ruột).
Vì vậy Trần Lệ Xuân là em họ ông bà Ký. Hà Thúc Ký cũng có họ hàng với tướng Tôn Thất Đính và Đính kêu ông Ký là chú họ... Giữa Ngô Đình Diệm với Hà Thúc Ký cũng là chỗ thân tình khi xưa, trước năm 1945.
Thời gian Ngô Đình Diệm rời chủ Quản đạo Kontum để xuống trị nhậm Phan Rang thì thân sinh của ông đã tới bàn giao. Thời kỳ Ngô Đình Diệm rời chức quản đạo Phan Rang đi trị nhậm Tuần vũ ở Phan Thiết thì thân phụ ông Ký tới tri nhậm quản đạo Phan Rang. Vì vậy, khi Hà Thúc Ký bị bắt, Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho bác sĩ Trần Kim Tuyến trợ giúp cho gia đình Hà Thúc Ký.
Những ngày trước khi Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng thì Ngô Đình Nhu cho thành lập phong trào Đại đoàn kết Hòa bình để Ngô Đình Diệm về cầm quyền. Ngô Đình Nhu làm Chủ tịch, còn Hà Thúc Ký làm Phó Chủ tịch phong trào trên. Họ thường tới họp bàn ở nhà Ngô Đình Cẩn.
Nhưng đến khi Ngô Đình Diệm nắm trọn quyền cai trị miền Nam, thì anh em họ Ngô đã loại những thành phần đảng phái từng ủng hộ Diệm trước đây ra khỏi chính quyền. Điển hình là vụ Ngô Đình Diệm cho quân tới triệt hạ chiến khu Ba Lòng tại Quảng Trị của Đại Việt do Hà Thúc Ký lãnh đạo.
Về phía Đại Việt thời đó có hai ba phái. Như Hà Thúc Ký thì lập ra Đại Việt Cách mạng thành phần đa số là người miền Trung. Còn ông Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Tôn Hoàn thì lập ra đảng Tân Đại Việt thành phần là người miền Bắc và Nam Trung Bộ.
Ở ngoài đời nhiều người vẫn gọi nhóm Đại Việt là Đại Việt quan lại, vì đa số đảng viên Đại Việt đều làm quan của chế độ Bảo Đại xưa kia, trong số này, bác sĩ Phan Huy Quát bị mang tiếng là thủ lĩnh Đại Việt quan lại. Sự thực ông Quát không có chân trong Đại Việt nào cả mà chỉ chơi thân với nhóm Đại Việt thôi.
Ông Hà Thúc Ký cùng một số người đối lập chế độ họ Ngô bị bắt giam cho tới ngày 1/11/1963 nhóm quân nhân đảo chính lật đổ được chế độ họ Ngô. Ngày 5/11/1963, Trần Thiện Khiêm ra lệnh trả tự do cho những người đối lập chế độ họ Ngô và ông Hà Thúc Ký cũng được thả trong đợt này.
Ba tháng sau ngày đảo chính Ngô Đình Diệm thành công, thì ngày 30/1/1964 Nguyễn Khánh lại làm đảo chính lật đổ nhóm Dương Văn Minh. Nguyễn Khánh tự phong làm Thủ tướng, còn Dương Văn Minh ngồi ghế Quốc trưởng “bù nhìn”.
Mọi quyền hành đều nằm trong tay tướng Nguyễn Khánh. Tướng Khánh lập nội các chính phủ và ông Hà Thúc Ký được mời giữ chức Tổng trưởng Nội vụ.
Khi chế độ họ Ngô bị đảo chính thì em trai của Trần Lệ Xuân là luật sư Trần Văn Khiêm bị bắt giam. Bà Chương, mẹ của Khiêm ở Hoa Kỳ nghe tin con trai bị bắt nên tức tốc trở về Việt Nam để lo cho Khiêm ra tù.
Ngày 8/2/1964, ông Hà Thúc Ký chính thức nhận chức Tổng trưởng Nội vụ nên bà  Chương đã đến xin gặp ông Hà Thúc Ký để xin bảo lãnh cho con trai.
Bà Chương với ông Ký có liên hệ họ hàng và ông Ký gọi bà là dì. Nhưng khi gặp ông Ký, bà Chương nói:
- Thưa ông Tổng trưởng, gia đình chúng tôi vô phước sinh ra con không ra gì, nó hại cả gia đình (ý nói Trần Lệ Xuân, vợ Nhu).
Ông Hà Thúc Ký nhã nhặn nói:
- Tôi không đồng ý với bà điểm đó. Nhờ cô ấy mà gia đình bà mới có chức có quyền và sung sướng. Không có cô ấy thì làm sao ông bà lại được giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, và bà làm quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc. Tại sao bây giờ bà lại trách cứ cô ấy?
Bà Chương trả lời:
- Nhưng thằng con tôi, là thằng Khiêm nó có tội tình chi mà bắt nó? Cho nó vô tù?
Ông Ký:
-Đã có biết bao người không có tội tình chi mà cũng bị tù. Còn hắn cũng dính vào chế độ họ Ngô, dựa vào quyền thế hống hách trước đây mà ai cũng biết. Bà phải nhớ cho rằng người tù của chế độ họ Ngô cũng đang ngồi trước mặt bà đây.
Chúng tôi trước đây ở tù chế độ họ Ngô không có quần áo mặc và phải nằm trên nền ximăng lạnh buốt và muỗi đốt. Còn nay  con bà, tôi đã cho phép có người đến thăm nuôi và còn được tiếp bạn gái. Hàng tuần có những cô gái đến thăm con bà và được tự do yêu đương. Như vậy là sướng hơn chế độ nhà tù của nhà Ngô.
Nhưng được ít lâu, Trần Văn Khiêm cũng được trả tự do sau đó ra nước ngoài
  Nhân Hưng

Sunday 25 May 2014

Cách mạng Tháng Tám với các Giám mục người Việt (Phạm Huy Thông - Ban Tôn Giáo Chính Phủ)


Cách mạng Tháng Tám với các Giám mục người Việt
Trong lịch sử cách mạng nước ta, có lẽ không có biến cố nào gây ra ảnh hưởng to lớn với người Công giáo Việt Nam như cuộc cách mạng Tháng 8-1945.
Truyền thống yêu nước cùng với nỗi tủi nhục của người tín hữu dưới ách thống trị của thực dân Pháp cũng như sự cai quản bất bình đẳng của các giáo sĩ nước ngoài đã làm cho đa số người Công giáo Việt Nam nhất tề đứng lên theo cách mạng. Nhà báo người Pháp Jean R. Clementin nhận xét: “Điều làm cho các giáo sĩ ngạc nhiên và lo lắng chính là sự mất lòng tin, nếu như không muốn nói là sự căm thù của nhân dân Việt Nam với Pháp mà các giáo sĩ đều cảm thấy. Tiếp đó, điều làm cho hàng giáo phẩm xao xuyến hơn cả là đám con chiên Việt Nam, đứng đầu là các linh mục, tu sĩ đã chuyển sang phía cách mạng1. Nhưng không chỉ có giáo dân, linh mục, tu sĩ mà ngay cả những giám mục đầu tiên là người Việt cũng có tinh thần ủng hộ độc lập dân tộc.
Chúng ta đều biết rằng, sau 400 năm truyền giáo ở Việt Nam, mãi đến năm 1933 mới có người Việt đầu tiên là linh mục Nguyễn Bá Tòng được nâng lên hàng giám mục. Đến ngày Việt Nam tuyên bố độc lập (2-9-1945), ở nước ta có 5 giám mục người Việt nhưng Giám mục Phan Đình Phùng đã mất năm 1940 nên chỉ còn lại 4 là Giám mục Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ. Cũng còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ trong cuộc đời của các vị giám mục này nhưng có thể khẳng định: các vị giám mục người Việt tiên khởi này đều có tinh thần dân tộc, tha thiết với độc lập tự do của dân tộc ngay từ những ngày đầu cách mạng.

Minh chứng đầu tiên là, ngay sau khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam mới đứng trước nguy cơ đe dọa của bao thế lực trong, ngoài. Lúc này, nền độc lập non trẻ của nước nhà rất cần sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Các giám mục Việt Nam đã có sáng kiến cùng ký tên vào hai bức điện văn gửi Toà thánh Vatican và cộng đồng Công giáo thế giới đề nghị ủng hộ và công nhận Chính phủ Việt Nam do Hồ Chí Minh đứng đầu. Lời văn rất cảm động và tràn đầy tinh thần dân tộc:

Nhân dân Việt Nam yêu quý của chúng con muốn nhờ trung gian 4 vị giám mục của họ, dâng lên Đức Thánh cha lòng tôn kính sâu xa và xin Đức Thánh cha ban phúc lành, tỏ lòng rộng lượng và cầu nguyện cho nền độc lập mà nhân dân chúng con mới giành được và quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá. Chính phủ chúng con cũng đã ra một nghị quyết tốt đẹp và nhân ái chọn ngày Quốc khánh cho cả nước trùng với lễ kính các vị tử đạo Việt Nam mà Toà thánh mới cho phép mừng vào chủ nhật đầu tháng 9. Toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo mừng lễ này với một tinh thần yêu nước chân thành và nồng nhiệt chưa từng có, với những cuộc biểu tình to lớn và náo nức tỏ ra cho thấy toàn dân quyết tâm bảo vệ chính quyền của mình, dẫu có phải đổ máu…

Đứng trước những biến cố hết sức xúc động như thế này và bản thân chúng con cảm động tận đáy lòng, vì ý thức bổn phận thiêng liêng với Tổ quốc chúng con, các giám mục người Việt Nam, chúng con nài xin Đức Thánh cha, Toà thánh Roma, các Đức Hồng y, các Đức Tổng giám mục, giám mục và toàn thể anh chị em Công giáo khắp thế giới và đặc biệt là Công giáo Pháp hãy hỗ trợ cho việc quyết định của Tổ quốc yêu quý của chúng con2.

Bức điện văn gửi cộng đồng Công giáo thế giới cũng đầy tâm tư, nhiệt huyết: “Trong lúc hoà bình đã được vãn hồi trên toàn thế giới, lẽ ra chúng tôi cũng phải được cùng bao dân tộc khác hàn gắn các đổ nát do chiến tranh tàn phá gây ra, thay vì tiếp tục dồn thêm đổ nát. Chúng tôi phải chịu ảnh hưởng không sao tránh khỏi của cuộc chiến tranh vừa qua, đã tàn phá và xáo trộn tất cả. Chúng tôi phải chịu một nạn đói khủng khiếp làm chết đi nhiều đồng bào và một nạn đói mới có thể còn khủng khiếp hơn nạn trước xảy ra.

Hỡi anh chị em Công giáo thế giới, hãy đến trợ giúp cho các miền giáo phận phồn thịnh đức tin của Việt Nam. Hãy đến viện trợ cho Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đã từng cống hiến cho anh chị em 90.000 vị chứng nhân đạo thánh và còn hứa hẹn nhiều mùa gặt to lớn hơn. Hỡi nhân dân các nước Anh và nước Mỹ, hãy cho chúng tôi sự can thiệp có ích lợi, khiến chúng tôi thoát khỏi cảnh rùng rợn của chiến tranh, trong khi tất cả thế giới đã được hưởng thái bình3.

Các điện văn trên có tiếng vang lớn trên trường quốc tế bấy giờ và là sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử của Giáo hội Công giáoViệt Nam. Nó đã góp một đòn chí mạng làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp hòng đưa một cựu tu sĩ dòng là Thierr D’Argenlieu sang làm Cao uỷ Pháp ở Đông Dương để lôi kéo người Công giáo rời xa kháng chiến.

Người có sáng kiến khởi thảo hai điện văn nói trên chính là Giám mục Phát Diệm Nguyễn Bá Tòng. Vị Giám mục tiên khởi này khi còn ở chủng viện Vĩnh Long cũng đã luôn có khao khát “làm rạng danh con cháu Lạc Hồng”:
“Phước trùng nghinh cháu Lạc con Hồng
Ứng ánh hoà quang chiếu Viễn Đông
Triệu ứng tiên khai đà vững chắc
Thì cơ hội tấn ắt nên công…

Cũng vì bài phú có tinh thần dân tộc này mà thày Tòng đã bị phạt lùi việc lên chức linh mục đến 5 năm.

Giám mục Hồ Ngọc Cẩn là một học giả xuất sắc trên nhiều lĩnh vực như văn chương, thần học, giáo huấn, báo chí và nhất là lòng yêu nước. Một cử chỉ của vị Giám mục này được nhiều người xúc động nhắc lại với lời phát biểu trong lễ mít tinh của Tuần lễ vàng, quyên tiền ủng hộ Chính phủ kháng chiến: “Tôi có mấy nhời thay mặt cả hàng giáo sĩ cảm ơn Uỷ ban đã có lời mời chúng tôi đến dự Tuần lễ vàng này. Thật như bài diễn văn chúng tôi ai nấy vừa nghe. Ai là người có vàng lúc này không nên ẩn giấu, phải đưa ra để chung nhau đắp nền độc lập cho Tổ quốc…Phần tôi khi thụ phong giám mục, có một đấng biếu tôi Thánh giá này và dây đeo thực là vàng. Nhưng tôi nghĩ, người đời trên có giời che, dưới có đất chở. Trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới cũng không quên Tổ quốc. Vậy trong lúc này, tôi cũng vui lòng chia của quý này làm hai. Thánh giá tôi giữ lấy để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi để phụng sự quốc gia4.

Nhiều người dự lễ tấn phong giám mục Phát Diệm ngày 28/10/1945 vẫn còn nhớ bài diễn văn ngẫu hứng nhưng tràn đầy tinh thần dân tộc của vị giám mục Bùi Chu: “Cho tới nay, nước Việt Nam đã có 4 người được phong giám mục. Điều lý thú là mỗi người đều mang họ một anh hùng dân tộc. Đức cha Nguyễn Bá Tòng mang họ vị anh hùng Nguyễn Huệ. Kế đến Đức cha Ngô Đình Thục mang họ Ngô Quyền. Hôm nay Đức cha Lê Hữu Từ mang họ Lê Lợi. Còn tôi mang họ …Chủ tịch Hồ Chí Minh5.

Cảm kích trước tấm lòng của vị giám mục này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời giám mục ra làm cố vấn cho Chính phủ năm 1945 và khi giám mục qua đời ngày 27/11/1948, dù rất bận công việc kháng chiến, Hồ Chủ tịch vẫn gửi điện văn cho giáo phận Bùi Chu: “Tôi rất lấy làm đau đớn được tin Đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã từ trần. Tiếc rằng vì chiến sự, tôi không thể về dự đám tang của Đức giám mục, tôi nhờ Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III thay mặt tôi đến dự lễ và chia buồn cùng đồng bào Công giáo địa phận Bùi Chu6.

Giám mục Lê Hữu Từ cũng có tinh thần dân tộc. Bởi không lẽ, Hồ Chí Minh lại mời vị giám mục này làm cố vấn cho mình từ ngày 20/01/1946 và nhiều lần gọi là “người bạn thân thiết”, “người bạn quý mến”… chỉ vì vấn đề sách lược? Chúng ta biết trong lễ tấn phong, vị Giám mục này chỉ mời các Giám mục là người Việt Nam. Khi Giám mục Ngô Đình Thục bị kẹt do mật thám Pháp cản trở không ra để làm phụ phong được. Giám mục người Tây Ban Nha là F. Gomez đang coi sóc Hải Phòng xin được thay thế, nhưng vị tân Giám mục này đã từ chối. Trong khi chấp nhận sự hiện diện của phái đoàn Chính phủ Việt Minh được Hồ Chí Minh cử đến là các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và cựu hoàng đế Bảo Đại. Một thời gian dài, vị Giám mục này thường thư từ qua lại và hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần. Ông cũng cộng tác với Chính phủ cử một linh mục đi uý lạo đồng bào miền Nam Trung Bộ đầu năm 1949 hay huy động giáo dân phá cầu Trì Chính để ngăn bước tiến của quân Pháp năm 1949. Trong Thư chung ngày 23/3/1947, vị Giám mục này kêu gọi giáo dân cảnh giác và đoàn kết chống Pháp: “Các cha biết rằng, một vài người cộng tác của chúng ta và nhiều giáo dân đã bị bắt và giam giữ nhiều ngày, vì họ bị nghi ngờ là đảng viên của các đảng phái chống chính phủ. Nhiều người bị bắt do ông Huệ, một thày giảng của địa phận Thanh Hoá ẩn núp trong địa phận chúng ta, tung ra những tin đồn lung tung và thậm chí mạo danh tôi để đánh lừa dân chúng. Các cha đừng để nó tự do qua lại trong các họ đạo của mình và nếu phát hiện thì hãy bắt và nạp giải cho tôi. Kẻ nào tiếp tục liên hệ với ông ấy, hoặc che giấu nó, thì đừng phân bua rằng mình vô tội khi bị cảnh sát làm khó dễ. Hơn bao giờ hết, toàn dân phải một lòng đoàn kết, chiến đấu chống lại bọn xâm lược. Hãy để vấn đề đảng phái sang một bên, đừng bận tâm tới. Tôi đã nói đi nói lại nhiều lần với các cha, lần này nữa, tôi xin các cha hãy nghe lời tôi”7.

Trong thư đề ngày 25/01/1949, Giám mục Lê Hữu Từ cũng lên án tội ác của thực dân Pháp: “Quân lính Pháp, với một sự dã man tột độ, đã phá huỷ tất cả, không trừ một thứ gì, kể cả nhà thờ. Trong vòng một năm, gần 300 nhà thờ đã bị bom đánh phá8. Vì vậy Giám mục này đã bị Pháp xếp vào loại “có đầu óc quốc gia hơn hết” và là “ linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp” (âme de l’opsition à la France)9. Thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn như tung tin chia rẽ vị Giám mục này với kháng chiến. Trong Thư chung ngày 20/10/1949, Giám mục này viết: “Theo hãng thông tấn AFP, cuộc hành quân của Pháp được tiến hành vì có lời yêu cầu của tôi gửi cho chính phủ Bảo Đại, lời yêu cầu có lý do: một đàng bởi những rắc rối tôi đã gặp nơi Chính phủ Hồ Chí Minh và đàng khác bởi sắc lệnh mới của Vatican nói về cộng sản. Điều đó hoàn toàn trái sự thật. Tôi không bao giờ có ý nghĩ xin bọn lính Pháp can thiệp để cứu chúng tôi khỏi một sự khó khăn bất kỳ nào. Tôi chưa hề có quan hệ với Chính phủ Bảo Đại…Vì vậy, tôi khẳng định với anh em một lần nữa: trước mặt Thiên Chúa, tôi chưa bao giờ nói hoặc làm một việc gì có thể coi như kêu gọi sự can thiệp của Pháp. Tất cả những thứ đó hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi10.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trao đổi những điều cơ mật của kháng chiến với vị Giám mục này và cùng đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những vụ việc rắc rối nảy sinh. Ví dụ bức thư ngày 23/3/1947, Hồ Chủ tịch viết: “Một đàng, chúng ta phải giải thích cho người Công giáo hiểu rõ chủ trương, chính sách của Chính phủ như Đức cha đang làm. Đàng khác cần giáo dục cán bộ của Chính phủ như bản thân tôi đang làm. Như vậy bọn gây rối sẽ không còn có thể chia rẽ chúng ta và sự đoàn kết toàn dân sẽ được thực hiện11.

Bối cảnh lịch sử lúc đó rất phức tạp và chuyện trăn trở của người Công giáo trước một sự lựa chọn khắc nghiệt: theo kháng chiến thì bỏ đạo và theo đạo thì chống lại dân tộc. Giám mục Bùi Tuần đã nói rõ tâm tư này: “Một đàng độc lập và hoà hợp dân tộc luôn là lý tưởng tôi khao khát. Một đàng chống cộng lại là mệnh lệnh của Bề trên trong đạo mà tôi phải vâng. Khó khăn lớn nhất là ở chỗ: thời điểm giành độc lập và xây dựng đoàn kết chống ngoại xâm lại do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Có những lúc lương tâm tôi cảm thấy diễn ra xung đột gay gắt. Xung đột có chiều sâu thăm thẳm và chiều rộng mênh mông. Xung đột lại kéo dài từ năm này qua năm khác. Vì thế xin thú thật là quá khứ của tôi trong quá khứ dân tộc có nhiều nỗi đau nặng nề và đau đớn riêng khó t” 12.

Cho nên sự chuyển hướng của Giám mục Lê Hữu Từ xa rời cuộc kháng chiến là kết quả của quá trình diễn biến phức tạp. Nó là sự đối đầu loại trừ nhau của vấn đề ý thức hệ mà cả đạo và đời lúc này chưa dễ vượt qua và thực dân Pháp đã tích cực khai thác mâu thuẫn này. Có thể thấy rõ qua câu nói của vị Giám mục này với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gặp nhau ở Phát Diệm đầu năm 1946: “Tôi và dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ Cụ trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập tự do cho Tổ quốc nhưng nếu Cụ  là cộng sản thì tôi chống Cụ  từ giờ phút này13.

Giám mục Ngô Đình Thục coi sóc địa phận Vĩnh Long - nơi có phong trào Việt Minh hoạt động mạnh nên cũng bị Pháp liệt vào hàng ngũ “thân cộng”. Vị Giám mục này cũng công khai nói lên nguyện vọng của mình: “Như tất cả đồng bào, tôi muốn cho quê hương độc lập nhưng bằng những phương tiện hoà bình. Tôi tiếc là đã có những cuộc đổ máu và những cuộc tàn sát như đã xảy ra hôm qua ở Biên Hoà khi có một quả lựu đạn nổ. Người Anh đã bắn không phân biệt vào chợ làm 40 người chết trong đó có nhiều phụ nữ. Tôi biết là nếu có 10 người Pháp bị giết thì sẽ có 10.000 người Việt là nạn nhân14. Mật thám Pháp cũng coi Giám mục Thục thuộc nhóm chống đối như linh mục - liệt sĩ Nguyễn Bá Luật. Cuối năm 1945, khi ông định ra dự lễ tấn phong giám mục Phát Diệm thì bị bí mật cầm chân ở Chợ Lớn theo lệnh của Cao uỷ Pháp ở Đông Dương. Ông tìm cách trốn về Vĩnh Long, an ninh Pháp rất tức giận nói: “Thái độ của Đức cha Thục thật tồi tệ, sau khi đã bỏ Biên Hoà về Chợ Lớn, lấy tàu đi Mỹ Tho và từ đó lén lút về Cái Nhum, trụ sở của một chủng viện, một tu viện và một họ đạo của tỉnh Vĩnh Long, cách họ đạo Cái Mơn (Bến Tre) chỉ có mấy cây số…Vị giám mục này hình như có ý định ở lại Cái Mơn, một họ đạo xem ra bị đe dọa bởi những quá đáng của Việt Minh, để chia sẻ số phận với các giáo hữu của mình15.

Thực dân Pháp đã dùng bộ máy tuyên truyền khổng lồ để chia rẽ người Công giáo và kháng chiến. Chúng nói rằng, Việt Minh là cộng sản và cộng sản thì vô thần nên sẽ tiêu diệt mọi tôn giáo trong đó có Công giáo nhưng Giám mục Hoàng Văn Đoàn ở Bắc Ninh đã quả quyết: “Tôi tin tưởng rằng không có chuyện cấm đạo và không phải chết vì tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh quảng đại, sáng suốt và chính phủ nhân dân biết nhìn xa trông rộng, hiểu rõ ràng: người Công giáo chân chính vốn yêu Tổ quốc và vâng phục chính quyền, nên việc cấm đạo chỉ là những chuyện của nhà cầm quyền cạn xét, nông suy, không biết đạo là chi. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố quyền tự do tín ngưỡng của người công dân Việt Nam16.

Tóm lại, chính ngọn lửa của cách mạng Tháng Tám đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của người Công giáo Việt Nam trong đó có cả những Giám mục người Việt và lôi cuốn họ đi với dân tộc. Không phải tất cả mọi người đều đồng hành hết chặng đường với đất nước nhưng nó đã khởi đầu cho một trang sử mới của người Công giáo Việt Nam được xác định qua tuyên ngôn của các Giám mục Việt Nam cách đây đúng 31 năm (tháng 5-1980) là: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cuả đồng bào”.

TS. Phạm Huy Thông
                          
Chú thích:
1- Vấn đề phong thánh tử đạo và lịch sử dân tộc Việt Nam, Nxb T.P HCM 1988, tr.244.
2, 4, 5, 6, 11,16-Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo (Huy Thông tuyển chọn và giới thiệu), Nxb CTQG, Hà Nội 2004, tr.346, tr. 295, tr. 297, tr.109, tr.81 và tr.308 - 309.
3, 7, 8- Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ, T.P HCM 1988, tr.63, tr 75-76, tr 84.
9, 14, 15- Huy Thông: Con dường đồng hành cùng dân tộc cần được đắp xây bằng sự chung tay của cả cộng đồng, Nguyệt san Công giáo và dân tộc số 122 năm 2005, tr.10, tr.9, tr.9
11- Nguyễn Thế Thoại: Giáo hội đi trong nhân loại, lưu hành nội bộ , 1995, tr.387
12- GM Bùi Tuần: Vài vấn đề trong mục vụ tại Việt Nam hôm nay, Báo công giáo và dân tộc số 1534 ngày 24-11-2005.

Saturday 24 May 2014

Trung đội thứ sáu làm gì ở Điện Biên Phủ?





Ngoài việc tăng cường cho Điện Biên Phủ về sinh lực, vật lực, thực dân Pháp còn xây dựng ở đây một trung tâm tổ chức và chỉ huy hoạt động tình báo, gián điệp, do thám, biệt kích và chiến tranh tâm lý. Pháp đã tăng cường một số sĩ quan, nhân viên tình báo để xây dựng một bộ phận do thám tình báo khá mạnh ở khu vực này. Trong đó gồm ba hệ thống: một hệ thống phòng nhì (2B), hai trung đội thứ sáu và lực lượng biệt kích GCMA, do các sĩ quan tình báo có kinh nghiệm chỉ huy. Đây là một trong những vấn đề tác động lớn đến công tác giữ bí mật, phòng gian của các đơn vị tham gia chiến dịch, đồng thời cũng là một khó khăn, thách thức lớn đối với cơ quan bảo vệ chiến dịch.
Đỗ Thanh Dũng , “Công tác bảo vệ-an ninh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi theo lời kể của đồng chí Thiếu tướng Trần Kinh Chi, Đại tá Lưu Công Tiền, Thiếu tá Nguyễn Bảo Đối, Đại tá Vũ Ước-nguyên cán bộ bảo vệ, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, 10:55 | 31/03/2004


Trung đội thứ sáu là cách các cán bộ bảo vệ - an ninh quân đội của ta thời 1953-1954 dịch section 6 của tiếng Pháp, sau đó được các nhà sử học quân sự lưu truyền qua sách vở (Lịch sử cục bảo vệ - an ninh quân đội nhân dân Việt Nam 1950-2000).

Từ section có nhiều nghĩa. Trong quân sự là trung đội bộ binh. Trong hình học đó là mặt cắt / thiết diện. Trong một tổ chức nào đó nó có thể là một ban hay một tiểu ban. Trong trường hợp đang xét, đó là ban 6 của SDECE (cơ quan tình báo đối ngoại và phản gián của Pháp). Ban này chiêu mộ người Mèo làm công việc do thám cho Pháp. Ở Điện Biên Phủ có một toán như vậy:
The French used Hmong extensively for intelligence gathering. There was a detachment of Hmong at Dien Bien Phu who worked for the French equivalent of the CIA – called section 6.
(Gary Cook, 1980, Thesis, Dissertations, Professional Papers, Paper 3626, p.20)

Đoạn văn của Đỗ Thanh Dũng (chép lại từ sách Lịch sử cục bảo vệ - an ninh quân đội nhân dân Việt Nam 1950-2000) phải diễn đạt lại như sau cho chính xác:
Trong đó gồm hai hệ thống: một hệ thống phòng nhì (2B), hai là ban 6 và lực lượng biệt kích GCMA, do các sĩ quan tình báo có kinh nghiệm chỉ huy.

Ban 2 / phòng nhì nằm trong cơ quan tham mưu quân đội ; ban 6 và GCMA thuộc quyền cơ quan tình báo đối ngoại và phản gián. Đó là hai hệ thống khác nhau.

Friday 23 May 2014

Chính quyền thành phố Sài Gòn thời Pháp thuộc đã thu lợi từ các nhà thổ như thế nào?



Ngân sách thu từ các nhà thổ gồm ba khoản: thuế kinh doanh, phí khám bệnh, phí làm thẻ chụp ảnh. Dưới đây là số tiền thu về cho ngân sách thành phố (làm tròn đến hàng đơn vị) trong các năm 1929-1931:

Năm 1929 dự thu 10.000 đồng, thực thu 10.965 đồng (Ville de Saigon, 1930 , Compte administratif du maire pour l'exercice 1929, p.p. 18-19).

Năm 1930 dự thu 35.000 đồng, thực thu 18.278 đồng. Chú thích: số thu giảm là do ngành mại dâm được giảm thuế  (Ville de Saigon, 1931, Compte administratif du maire pour l'exercice 1930, p.p. 34-35).

Năm 1931 dự thu  25.000 đồng, thực thu 26.116 đồng. Chú thích: số thu tăng nhờ số khám sức khỏe (Ville de Saigon, 1932, Compte administratif du maire pour l'exercice 1931, p.p. 14-15).

Thursday 22 May 2014

Từ ngữ có gì giống với cục pin?


Từ ngữ mang nghĩa như cục pin mang điện. Nghĩa tích (tiếng Pháp: charge sémantique) của từ ngữ giống điện tích (tiếng Pháp: charge électrique) của cục pin. Pin mới thì điện mạnh cũng như từ ngữ mới mẻ có thể gây cảm xúc mãnh liệt, lôi cuốn người đọc, người nghe. Pin dùng lâu ngày, điện yếu dần; từ ngữ dùng tới dùng lui mọi lúc, mọi nơi thành ra sáo mòn, không khác gì những cục pin cũ. Pin cũ rồi đem sạc lại vẫn không thể mạnh như pin mới; sạc nhiều lần quá thì bị chai, không còn khả năng tích điện nữa, phải thải. Từ ngữ cũng thế: khi tần số sử dụng vượt quá một giới hạn nào đó, sẽ xảy ra hiện tượng mất nghĩa, tức là nghĩa tích xuống đến tận cùng bằng không và ở đó luôn, không nhúc nhích, bất chấp mọi cố gắng định nghĩa lại, lý giải lại.

Khi theo dõi các diễn ngôn chính trị hiện nay, ta thấy rất khó nhận ra sự khác biệt giữa các phe nhóm. Một chiến lược ngôn từ được tất cả các bên đồng loạt triển khai là tận dụng, thâm dụng, tái sử dụng triệt để vốn từ ngữ giúp phe mình giành lấy vị thế chính thống. Người đứng ra phản đối luật biểu tình bảo rằng nhân dân không muốn biểu tình; người ủng hộ luật biểu tình cũng dựa vào nhân dân để đập lại phe kia. Rồi họ xoay nhau bắt bẻ định nghĩa của từ ngữ, nội hàm của khái niệm... như thể là việc sạc lại nội dung cho cục pin từ ngữ vẫn còn có tác dụng. Vì vậy mới có anh bộ trưởng nọ dụ dân như dỗ con nít ăn kẹo “Đóng thêm nhiều phí là yêu nước”. Mấy chục nghìn tỷ đồng của dân bốc hơi, anh Tư gọi là “sai phạm”, anh Ba chống chế là “khuyết điểm”, chung quy vẫn là những từ ngữ giữ cho các anh yên ổn giương cao ngọn cờ chính nghĩa.
Chiến lược tái sử dụng pin cũ cho thấy bản chất của diễn ngôn chính trị hiện nay là (họ, những người nắm giữ quyền lực) “nói cho nhau nghe”. Không phe nhóm hay cá nhân nào có ý định tìm kiếm sự ủng hộ từ phía những người đứng ngoài hệ thống quyền lực nên không cần phải dụng công tìm kiếm những từ ngữ mới mẻ, đủ sức lôi cuốn những người thấp cổ bé họng. Anh bộ trưởng kêu gọi dân đóng thêm phí là thể hiện lòng yêu nước, không dè là người dân đã quá mệt mỏi qua nhiều năm dài với rừng khẩu hiệu huy động sức dân: Thi đua là yêu nước / Mua công trái là yêu nước / Đóng thuế là yêu nước... Đồng tiền dính liền khúc ruột.  Người móc tiền ra nộp cần biết đồng tiền đó đi đâu, về đâu. Nhưng vốn từ của bộ trưởng quanh đi quẩn lại chỉ có thế thôi, không nói khác được. Chẳng riêng gì anh, anh nào cũng thế.

Wednesday 21 May 2014

Cha tôi, Lê Duẩn và kỷ niệm với Trung Quốc (Lê Kiên Thành)


Cha tôi, Lê Duẩn và kỷ niệm với Trung Quốc

Khampha.vn - 07/04/2013 09:30 5 tin đăng lại

Nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng tôi trao đổi với ông Lê Kiên Thành về chủ đề không mới nhưng vẫn còn nguyên giá trị khoa học thời sự: Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và những kỷ niệm với Trung Quốc.


Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Qua những lần xuất hiện trên báo chí để nói về cha mình, cũng như qua những lời chúng tôi ghi lại dưới đây, ông Lê Kiên Thành, người con trai thứ của cố Tổng bí thư Lê Duẩn giúp độc giả hôm nay hiểu hơn về bản lĩnh của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn đầy thử thách và oanh liệt của lịch sử dân tộc (1958 -1986).
... Năm 1957, đang là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, cha tôi được Bác Hồ gọi ra Bắc. Khi ấy, ông đã chọn một hành trình rất ngoạn mục là đi qua Nam Vang (Phnôm Pênh), Hồng Công tới Quảng Châu về Gia Lâm với sự giúp đỡ nhiệt thành của những người bạn Trung Quốc.
Mẹ tôi, các chị tôi và tôi cũng từng có thời gian học tập ở Trung Quốc. Đặc biệt, mẹ tôi trong cuốn nhật ký của mình từng có những trang viết ghi lại những kỷ niệm sâu sắc trong quãng thời gian bà vừa học vừa nuôi con tại Trung Quốc. Trong đó, bà cũng đã ghi nhận sự quan tâm của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, cố Thủ tướng Chu Ân Lai.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Trong ban lãnh đạo Trung Quốc, cha tôi cũng có những người bạn rất thân thiết như Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh. Khi Chu Ân Lai ốm, cha tôi sang thăm TQ và vào bệnh viện thăm Chu Ân Lai, nói: “Mong đồng chí chóng khỏe”. Ông Chu Ân Lai nói: “Chúng nó không để tôi sống đâu” (ý chỉ bè lũ 4 tên). Chu Ân Lai vốn là người rất kín đáo và chừng mực. Phải là tình bạn sâu sắc thì ông mới có thể chia sẻ như vậy với cha tôi.
Thế nhưng, vào những thời khắc quan trọng, cha tôi cũng đã thể hiện với Chu Ân Lai sự quyết liệt đến mức cao nhất của mình vì độc lập dân tộc.
Cha tôi kể, có lần, một đồng chí nói với ông: Trung Quốc có đề nghị giúp ta mấy trăm xe tải từ Bắc vào Nam với điều kiện phải để người của họ lái. Cha tôi nói: “Tôi không nhận cái xe nào cả”. Sau đó có đồng chí hỏi lại: “Anh Duẩn, sao ta không nhận một vài cái cho bạn vui?”. Ông nói: “Chúng ta không bao giờ được để cho bất kỳ ai có thể có suy nghĩ có thể cướp được đất nước này, kể cả anh em ‘môi hở, răng lạnh’”.
Độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia là nguyên tắc bất di, bất dịch. Vào thời điểm chúng ta còn nhờ rất nhiều vào Trung Quốc những thứ rất thiết yếu như lương thực và vũ khí, nhưng khi họ mời NiXon sang thăm để đàm phán và lấy cuộc chiến tranh VN để mua bán lợi ích của họ, thì trên báo Nhân dân đã viết một câu: “Chúng ta đang sống ở một thời đại mà không phải các nước lớn có thể làm mưa làm gió, hoặc định đoạt số phận của nước nhỏ”. Đó là bản lĩnh của chúng ta, là ý chí của chúng ta.
Trong thời kỳ mình đánh nhau với Mỹ, Trung Quốc cũng rất khó khăn. Dân họ cũng đói. Nhưng họ đã giúp đỡ Việt Nam nhiều thứ, kể cả tiền. Việt Nam từng cảm kích với điều đó. Nhưng không vì thế mà có thể quên được sự toàn vẹn lãnh thổ, cái gì là nguyên tắc thì phải kiên quyết giữ.
TBT Lê Duẩn gặp PTS. Lâm Ngọc Thiềm và các sinh viên ĐH Tổng hợp Hà Nội - những người rời giảng đường đến chiến hào vào tháng 5/1972 (Ảnh tư liệu)
… Năm 1972 là một năm đầy thử thách với tiến trình thống nhất đất nước của Việt Nam. Trong cuốn nhật ký của cha tôi có ghi lại vài dòng nhưng đủ để tôi nhớ và hình dung lại những gì diễn ra trong năm đó liên quan đến câu chuyện mà cha tôi kể lại. Ở đó, bản lĩnh người lãnh đạo tối cao của đất nước đã thể hiện bản lĩnh của một dân tộc… Và đủ để tôi cảm nhận sự khắc khoải, đau đớn về những gì trải qua trong cái năm đầy cam go, thử thách ấy và quyết tâm dữ dội của ông về hai chữ độc lập, tự do của dân tộc.
Trước khi Nixon có cuộc đàm đạo với lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sang Việt Nam, gặp cha tôi ở Gia Lâm (Hà Nội). Thủ tướng Chu Ân Lai nói với cha tôi rằng Trung Quốc và Nixon sẽ có cuộc bàn thảo về vấn đề Việt Nam.
Cha tôi kể rằng lúc đó ông đã lập tức nổi nóng: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam, không ai có thể quyết định được vận mệnh của dân tộc này thay chúng tôi. Nếu Mỹ muốn bàn về Việt Nam thì sang Việt Nam mà bàn với chúng tôi, tại sao bàn với các đồng chí và tại Trung Quốc? Đồng chí có biết, năm 1954, khi cảm nhận được rằng, Việt Nam đã bị ép ký hiệp định Genève, tôi đã khóc ròng trên đường từ miền Bắc quay trở lại miền Nam vì biết rất rõ rằng, rồi đây máu của đồng bào tôi sẽ đổ hàng chục năm trời? Và sau đó thì các đồng chí đã thấy đó, sau hai năm theo như thỏa thuận là “hòa bình sẽ được lập lại”, máu của đồng bào tôi đã đổ cho tới bây giờ…”.
Cha tôi kể, khi ấy, Thủ Tướng Chu Ân Lai đã tỏ thái độ xin lỗi.
Sau khi gặp Nixon, Thủ tướng Chu Ân Lai có sang Việt Nam thông báo tình hình rồi sẽ thế này, thế khác. Sau khi nghe xong, cha tôi nói: “Tôi chỉ biết trước một điều là sau khi Nixon gặp các đồng chí, Mỹ sẽ đánh chúng tôi gấp 10 lần…”.
Dự đoán đó đã đúng. Sau đó, Mỹ đã rải bom khắp các thành phố lớn và làng mạc miền Bắc…
Cha tôi không ngăn được điều này nhưng ông đã thể hiện bản lĩnh và ý chí của cả dân tộc lúc đó và tâm nguyện lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do”.
Nếu sợ những thế lực bên ngoài và sợ cả chính mình thì tức là giặc chưa đến mà phải thua. Sự kiện 30/4/1975 đã thể hiện bản lĩnh của những nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có cha tôi.
Nhìn lại sự kiện chiến tranh biên giới 1979, cũng từng có một số người đặt vấn đề: Vì ông Duẩn găng với Trung Quốc, vì ông Duẩn chủ trương đánh Campuchia. Đó là quãng thời gian tôi đã trưởng thành và là một người lính, với tất cả những gì đã chứng kiến, tôi hiểu rằng, ở thời điểm đó, những nhà lãnh đạo Việt Nam, mà cha tôi là người đứng đầu, đã không thể có sự lựa chọn khác.
Với Campuchia, Việt Nam đã thay mặt nhân loại cứu một dân tộc khỏi họa diệt chủng mặc dù cả mình mẩy chúng ta còn đầy thương tích sau hai cuộc chiến tranh. Và cũng là để cứu chính mình. Nếu không làm việc đó, có thể khẳng định rằng sau đó Việt Nam phải chịu một cuộc chiến tranh từ hai đầu biên giới.
Với cuộc chiến 1979, đó không phải là sự lựa chọn của chúng ta. Mà quả thực, nếu không có chuyện Trung Quốc bất ngờ tiến quân vào 6 tỉnh biên giới thì có lẽ đến sau này, cũng sẽ vẫn có người nói: Chuyện nói Trung Quốc muốn đánh Việt Nam là do cha tôi tự nghĩ ra.
Thời đó, không ít người không thể tin được rằng, Trung Quốc có thể đánh Việt Nam. Xin trích lại một đoạn trong bài viết mới đây của ông ông Dương Danh Di, nguyên là Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu thời đó để các bạn có thể hiểu thêm rằng: Họ tiến hành cuộc chiến đó là vì điều gì?
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân xâm lược Trung Quốc tại Lạng Sơn năm 1979 (Ảnh tư liệu)
“... Cuối tháng 1 năm 1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, được Tổng thống Carter đón tiếp với nghi lễ rất cao, hai nước quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao, và không biết còn bàn bạc gì nữa? Trên đường về nước Đặng Tiểu Bình ghé qua Nhật Bản. Trước những tình hình trên, một số anh em nghiên cứu chúng tôi đã khẳng định khá sớm: hai nước anh em thân thiết như răng với môi này không đánh nhau một trận không xong!
Lý trí mách bảo như vậy, thậm chí còn mách bảo hơn nữa: Trung Quốc đã từng gây cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và nhất là với Liên Xô và cả hai lần họ đều bất ngờ ra tay trước.
Thế nhưng về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung đã từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được.
Trong bối cảnh trên, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc - mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình, phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới...”.
Tất nhiên, cha tôi là người không hề bất ngờ vì ông và Đảng cũng đã có sự tiên liệu và chuẩn bị trước.
Khi lòng yêu nước ăn sâu vào trong máu thịt, thì dù trong hoàn cảnh nào, người ta cũng có sự cảnh giác chính xác để có thể phản ứng đúng để bảo vệ Tổ quốc, bằng cách này hay cách khác.
Vì thế khi gần đây nghe về những vụ như sách của trẻ em in cờ Trung Quốc, nho Việt Nam bán trong siêu thị Big C có dán cờ Trung Quốc, tôi thấy buồn. Chẳng phải vì người Trung Quốc bây giờ quá giỏi mà vì người Việt Nam bây giờ quá chủ quan. Những việc làm đó thực ra cũng chỉ thể hiện sự cẩu thả của một số người cụ thể có liên quan. Nhưng qua đó cũng cho thấy: Ở họ không thường trực lòng yêu nước đủ để không phạm phải những chuyện không cho phép phạm phải. Khi một người yêu nước nồng nàn, yêu nước một cách không vụ lợi thì bất kỳ có điều gì xảy ra có ảnh hưởng tới đất nước thì sẽ có phản ứng tức thời ngay.
Tôi từng đến cửa Hữu nghị quan sau ngày 17/2/1979. Hồi đó, ở chỗ Trung Quốc trưng bày những kỷ vật về mối quan hệ của hai nước, có tất cả những tấm ảnh lãnh đạo Việt Nam qua nhiều thế hệ, trừ cha tôi. Trong sâu thẳm, tôi tự hào vì điều đó: Cha tôi, Tổng Bí thư Lê Duẩn là người quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất ở đây.

Tuesday 20 May 2014

Những địa danh Việt Nam bị thay đổi và sai lệch (Lê Trung Hoa - Hồn Việt Quốc Học)

Những địa danh Việt Nam bị thay đổi và sai lệch

PGS.TS LÊ TRUNG HOA

Hình ảnh của Những địa danh Việt Nam bị thay đổi và sai lệch
Ở Việt Nam, có hàng trăm địa danh bị thay đổi hay sai lệch về ngữ âm và chữ viết. Tìm hiểu những nguyên nhân gây ra sự biến đổi này, chúng ta sẽ hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của các địa danh.

Những kiểu thay đổi và sai lệch cụ thể như sau:
1- Do hiện tượng đồng hóa: Hai âm tố khác nhau nhưng đứng gần nhau, âm tố này làm cho âm tố kia giống với nó. Có hai địa danh thuộc kiểu này:
Pha Đin là đèo trên Quốc lộ 6, từ huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đi huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, dài 36km, cao 1.050m. Cũng gọi là Cổng Trời. Chữ Pha Đin từ gốc Tày - Nùng Phạ Đin, nghĩa là “trời đất”, vì đèo quá cao, như chỗ gặp nhau giữa trời và đất. Ở đây có hiện tượng đồng hóa thanh điệu: thanh ngang của Đin đồng hóa thanh nặng của Phạ thành Pha.
Tam Thương là bến trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Tam Thương vốn là từ Hán Việt, dạng gốc là Tạm Thương, nghĩa là “kho tạm”, nằm gần bến. Ở đây thanh ngang của Thương đồng hóa thanh nặng của Tạm thành Tam Thương.
2- Do hiện tượng dị hóa: Hai âm tố giống nhau nhưng đứng gần nhau, âm tố này làm cho âm tố kia khác với nó. Có ba địa danh thuộc kiểu này:
Bà Bèo là kinh nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, chảy qua các huyện Cai Lậy, Tân Phước (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An), dài 25km. Vương Hồng Sển cho biết âm gốc của địa danh này là Bàu Bèo. Người Khmer cũng gọi kinh Bà Bèo là Cumnik Prêk Cak tức “kinh rạch bèo”.
Bà Hói là rạch ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh. Trên bản đồ thời Pháp thuộc ghi rạch này là Bàu Hói: “rạch ở giữa có chỗ phình rộng”.
Bà Môn là rạch ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Nguyễn Văn Trấn, người địa phương, cho biết âm gốc của địa danh này là Bàu Môn, tức “cái bàu có trồng môn nước”.
Dạng gốc của ba địa danh này (Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn) đều là hai âm tiết có vần tròn môi cho nên khó phát âm. Vì vậy, chúng cần dị hóa cho dễ phát âm. Từ đó, chúng tôi nghĩ rằng dạng gốc của các địa danh Bà Hom, Bà Quẹo (TP.HCM) có thể là Bàu Hom (bàu ngâm hom tre), Bàu Quẹo (bàu nằm ở chỗ quẹo của đường Trường Chinh). Ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có cống Quẹo; ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM) có vùng Lộ Quẹo.
3. Do kiêng húy: Dưới chế độ phong kiến, khi các địa danh có một yếu tố đồng âm với tên húy (tên kiêng gọi), phải đọc và viết chệch yếu tố đó hoặc thay bằng yếu tố khác. Có hàng trăm trường hợp loại này, chỉ xin nêu vài địa danh tiêu biểu:
Đông Ba là chợ ở thành phố Huế; huyện Mộ Đức thuộc tỉnh Quảng Ngãi; cầu Bông ở giữa quận 1 và quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ba tên này mới đổi sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi (1841). Âm gốc của ba địa danh này là Đông Hoa, cầu Hoa, Mộ Hoa. Vì kiêng húy bà Hồ Thị Hoa – mẹ vua – nên phải đổi bằng cách nói chệch (Hoa –> Ba), thay bằng từ đồng nghĩa (Hoa –> Bông), thay bằng từ tương đương (Hoa –> Đức).
4. Do hiện tượng nhập âm: Những địa danh có hai, ba âm tiết nhập lại, bị giảm đi một âm tiết. Đó là những địa danh:
Vũng Rô là địa điểm ở tỉnh Phú Yên, gần đèo Cả. Vốn là vũng Ô Rô, nhập âm thành Vũng Rô. Ô rô là loại cây nhỏ, lá cứng, dài, mép lượn sóng có gai nhọn, thường mọc ở các bãi nước lợ.
Bến Dược là vùng đất ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM. Bến Dược do bến Bà Dược (tại đây có xóm Bà Dược) rút gọn mà thành.
Cái Nước là rạch bên tả ngạn sông Bồ Đề ở tỉnh Cà Mau và là huyện của tỉnh. Cái Nước do Cái Dừa Nước rút gọn lại vì hai bên rạch có rất nhiều dừa nước.
5. Do hiện tượng rút gọn: Một số địa danh có nhiều âm tiết nhưng người ta chỉ gọi một âm tiết. Âm tiết được rút gọn thường đứng sau, ít đứng đầu.
Chỉ gọi âm tiết đầu: cửa Vạn Phần –> cửa Vạn (Nghệ An); cửa Hội Thống –> cửa Hội (Hà Tĩnh); Vĩnh Doanh –> (thành phố) Vĩnh (Nghệ An, sau biến âm thành Vinh)…
Chỉ gọi âm tiết sau: cửa Tứ Hội –> cửa Hội (Hà Tĩnh).
 
6. Do hiện tượng biến âm: Biến âm chủ yếu do ngữ âm địa phương. Chẳng hạn, vì không phân biệt các âm đầu ch - tr, s - x, v - d - gi, một số âm chính o -ô, ă - â, một số vần tận cùng bằng t - c, n - ng, hai thanh hỏi - ngã, nên nhiều địa danh bị sai lệch ở âm đầu, vần, thanh điệu hoặc hai, ba bộ phận trên.
- Biến âm ở phụ âm đầu:
Hàng Sanh –> Hàng Xanh (TP.HCM); Vồng Trôm –> Giồng Trôm (Bến Tre)…
- Biến âm ở vần:
Các Bà –> (đảo) Cát Bà (TP. Hải Phòng); (Thuận) Hóa –> Huế; rạch (cây) Gằm –> Gầm (Tiền Giang); huyện Xương Mộc –> Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu); rạch Ong –> Ông; rạch Chun –> Chung; sông Tắt –> Tắc; Các Lái –> Cát Lái (TP. HCM); Hùng Ngự –> Hồng Ngự ; Câu Lãnh –> Cao Lãnh (Đồng Tháp)…
- Biến âm ở thanh điệu:
Thôn Vi Dã –> Vĩ Dạ (TP. Huế); kinh Tẽ –> Tẻ; lũy Trảo Trảo –> (cầu) Trao Trảo; Thạnh Đa –> Thanh Đa; (sông) Lôi Giáng –> Lôi Giang (TP. HCM)…
- Biến âm ở hai yếu tố:
Khu công nghiệp Vũng Quít –> Dung Quất (Quảng Ngãi); khu Mả Loạn –> Mã Lạng (Phan Thiết); sông Giằng Xay –> Dần Xây (TP. HCM)…
7. Do hiện tượng mượn âm: Khi du nhập một địa danh bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt có âm na ná tiếng Việt, địa danh đó phải mang “chiếc áo” tiếng Việt để dễ dùng và dễ phổ cập. Xin nêu mấy trường hợp tiêu biểu:
Bò Đái là khe trong núi ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Còn có tên Ồ Ồ, vì tiếng nước chảy, ở xa đến 10km vẫn nghe. Bò Đái gốc Tày – Nùng là Bó Đảy, nghĩa là “nguồn nước có nhiều cây nứa tép”.
Hà Lan là đèo ở huyện Krông Búc, tỉnh Đắc Lắc. Hà Lan gốc Ê Đê, nguyên dạng là Hlang, nghĩa là “cỏ tranh”. Hlang đã mượn âm Hà Lan, tên một quốc gia ở châu Âu.
Cù Lao là đảo nhỏ ngoài khơi TP. Nha Trang. Cù Lao gốc Mã Lai Pulaw, là “hòn đảo”. Trong tiếng Việt đã có sẵn từ cù lao (“công lao khó nhọc của cha mẹ khi nuôi con”) có âm na ná pulaw nên pulaw mang vỏ ngữ âm của cù lao. Người Chăm cũng gọi tương tự người Mã Lai: palao là “hòn đảo”.
Bái Tử Long là vũng biển trong vịnh Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Bái Tử Long là từ Hán Việt. Có người cho rằng vì vịnh đẹp như vịnh Tulon ở Pháp nên người Pháp gọi là Baie Tulon, sau người Việt chuyển hóa thành Bái Tử Long. Thật ra, ở Pháp không có địa danh Tulon, mà chỉ có Toulon (đọc là “tu - lông”), tỉnh lỵ tỉnh Var, nằm bên bờ Địa Trung Hải. Vậy dạng gốc là Baie Toulon. Việc giải thích này có lý, vì có hiện tượng mượn âm trong tiếng Việt.
8. Do Việt hóa: Những địa danh Việt cổ hoặc bằng các ngôn ngữ dân tộc anh em, để dễ sử dụng, người Việt đã Việt hóa hoàn toàn.
Klu là địa danh cổ cần biến thành dạng hiện đại - Cổ Loa - cho mọi người dùng được.
Blao (Lâm Đồng) là tiếng dân tộc thiểu số phải biến thành Bảo Lộc mới thông dụng.
(Hồ) Lak biến thành Lạc Thiện (Đắc Lắc).
Cam Ly là thác nước ở TP Đà Lạt. Cam Ly gốc Cơ Ho Kamlê, vốn là tên người.
9. Do “Tây hoá”: Khi người phương Tây đến nước ta, họ đã nói và viết theo ngữ âm và chữ viết tiếng mẹ đẻ, làm nhiều địa danh Việt Nam bị sai lệch.
Làng Cò –> Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế); Hoài Phố –> Faifo (Quảng Nam); Mỹ Lại –> Mỹ Lai (Quảng Ngãi); (đảo) Nam Dự –> Nam Du (Kiên Giang); Ba Làng An (An Chuẩn, Hải An và Vân An) –> Batangan (Quảng Ngãi); Đất Hộ –> Đa Kao, Chí Hòa –> Kí Hòa, Kỳ Hòa (TP.HCM)…
10. Do in ấn:
Sông Cửu Long có tên hai cửa in sai: (Cửa) Trấn Di bị in sai lạc thành Trần ĐềTranh Đề (Sóc Trăng); (cửa) Cồn Ngao thành Cung Hầu (Bến Tre).
Qua các phần trình bày trên, ta thấy ít nhất có đến 10 nguyên nhân trong cũng như ngoài ngôn ngữ làm ảnh hưởng đến cấu trúc của địa danh. Và việc biến đổi này có tính liên tục và đa dạng. Vì thế, chúng ta phải lưu ý khi đi tìm từ nguyên của địa danh. Biết được dạng gốc, ta càng yêu những địa danh của quê hương, đất nước mình.