Wednesday 24 February 2016

Tiếng lóng trong Việt ngữ hiện đại (Phanxipăng - Chim Việt)

Tiếng lóng
trong Việt ngữ hiện đại
Phanxipăng
Tiếng lóng là một thực tế đầy sinh động mà hầu như bất kỳ ngôn ngữ nào trên trái đất đều có, dù muốn hay không. Văn hào Pháp Victor Hugo (1802 - 1885) từng chú ý sử dụng tiếng lóng trong tác phẩm Le dernier jour d'un condamné / Ngày cuối cùng của một tử tù (1828), thậm chí còn dành hẳn cả quyển VII trong phần thứ tư của bộ tiểu thuyết đồ sộ nổi tiếng Les Misérables / Những người khốn khổ (1861) để bàn luận về tiếng lóng. Victor Hugo nhận định: "Tiếng lóng là gì? Nó là quốc gia, đồng thời là quốc âm; đó là một đánh cắp dưới hai hình thức: nhân dân và ngôn ngữ. (...) Tiếng lóng vừa là một hiện tượng văn học, vừa là một kết quả xã hội. Tiếng lóng, căn bản, là gì? Tiếng lóng là ngôn ngữ của khốn cùng. (...) Mọi nghề, mọi nghiệp, có thể mọi ngẫu nhiên của hệ thống xã hội và hết thảy các hình thức của trí tuệ, đều có tiếng lóng của nó. Về phương diện thuần túy văn học, nghiên cứu tiếng lóng có thể là kỳ thú hơn nhiều khoa học khác." (Bản dịch của Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu - NXB Văn Học, Hà Nội, 1977).
Ngày nay, trong nhiều giáo trình ngôn ngữ học đại cương, tiếng lóng là nội dung chẳng thể thiếu ở chuyên đề từ vựng học. Trong các hội nghị, hội thảo khoa học, chẳng hạn hội nghị Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ được tổ chức quy mô vào tháng 10-1979, một số báo cáo về nghiên cứu tiếng lóng đã thu hút sự quan tâm của khá đông người. Cho đến nay, tồn tại lắm cách cắt nghĩa, phân loại và đánh giá khác nhau về tiếng lóng.
 

Sơ lược về tiếng lóng
Tiếng lóng ghi bằng chữ Anh, Ý, Đan Mạch, Na Uy, Tây Ban Nha là slang; Pháp - argot; Thổ Nhĩ Kỳ - argo; Bồ Đào Nha - gíria; Ba Lan - gwara; Hà Lan - straattaal; Séc - kolokvializmus; Đức - Umgangssprache; Nga - сленг; Hàn - 속어; Nhật - 俗語; Hoa - 俚語 / 俚语 mà Bính âm phát liyu và phát âm Hán Việt thành lý ngữ. Tiếng lóng được các từ điển định nghĩa ra sao? Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí (Sài Gòn, 1971) giải thích: "Thứ tiếng dùng riêng với nhau trong một bọn, một hạng người cùng nghề". Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Hà Nội, 1992) cắt nghĩa: "Cách nói một ngôn ngữ riêng trong một tầng lớp hoặc một nhóm người nào đó, nhằm chỉ để cho trong nội bộ hiểu được với nhau mà thôi". Từ điển Le Petit Larousse illustré (Paris, 1993) viết: "Từ vựng riêng biệt của một nhóm, một nghề, hoặc một giai tầng xã hội". Advanced learner's English dictionary (London, 1993) nêu: "Các từ, cụm từ rất thân mật, không nghi thức, thường dùng trong lời nói, nhất là những người cùng một nhóm xã hội, làm việc cùng nhau và không được xem là thích hợp cho những bối cảnh nghi thức, cũng như chẳng thể sử dụng lâu dài". Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1998) ghi: "Những phương ngôn thô tục hoặc lưu hành hạn hẹp".
Qua loạt định nghĩa vắn gọn và phổ thông ấy, một số yếu tố đặc trưng của tiếng lóng đã bộc lộ:
1. Là loại khẩu ngữ đặc thù, dùng để giao tiếp phi chính thức trong một phạm vi xã hội hạn chế.
2. Hoàn toàn thuộc lĩnh vực từ vựng và mang tính lâm thời, bất ổn định.
Tuy nhiên, loạt từ điển vừa dẫn không phân biệt tiếng lóng với biệt ngữ và tiếng nghề nghiệp.
Biên soạn Giáo trình Việt ngữ (Tập II: Từ hội học - NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1962), Đỗ Hữu Châu khẳng định: "Tiếng lóng (argot des déclassés) bao gồm một số từ bí hiểm để che dấu tư tưởng của người nói, không cho nhiều người ngoài tập đoàn xã hội của mình biết". Cũng giáo sư (GS) Đỗ Hữu Châu, với giáo trình Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1981), lại chỉ ra: "Tiếng lóng bao gồm các đơn vị từ vựng thuộc loại thứ hai trong biệt ngữ, tức là những tên gọi 'chồng lên' trên những tên gọi chính thức. Hiện tượng tiếng lóng là phổ biến đối với mọi tập thể xã hội. Hầu như tất cả các tập thể xã hội nào đã có cái gì chung về sinh hoạt hay về sản xuất, làm việc, thì đều có những tiếng lóng của riêng mình. (...) Do nhiều động lực khác nhau, như do ý muốn 'tự bộc lộ' cái vẻ riêng của tập thể mình, do muốn gây được những sự chú ý đặc biệt, muốn che dấu những điều mà những người ngoài tập thể không nên biết, muốn biểu thị thái độ một cách mạnh mẽ, mà hằng ngày hằng giờ trong các tập thể xã hội đều xuất hiện tiếng lóng. Những tiếng lóng này rất 'phù du', không hệ thống, lẻ tẻ, xuất hiện rồi mất ngay".
Một số nhà nghiên cứu như Lưu Vân Lăng và Hoàng Thị Châu liệt tiếng lóng vào loại không tốt đẹp vì phạm vi lưu hành "là trong đám người làm những nghề bất lương, bị xã hội ngăn cấm như bọn cờ bạc bịp, bọn ăn cắp, bọn buôn lậu". Sách Ngôn ngữ học: khuynh hướng - lĩnh vực - khái niệm của nhiều soạn giả (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994) còn cho rằng: "Khác biệt ngữ, tiếng lóng có nghĩa xấu".
Thực tế, ở một số trường hợp, khó phân lập rạch ròi ranh giới giữa tiếng lóng với biệt ngữ và tiếng nghề nghiệp. Do đó, năm 1996, nhà nghiên cứu 在召民  / Da Zhaomin / Tại Triệu Dân của Trung Hoa đề xuất lối gọi khác: ẩn ngữ / ám ngữ / hắc thoại. Tác giả này lại chia ra 2 loại lớn là "ẩn ngữ nghề nghiệp" và "ẩn ngữ giang hồ". Nếu thế thì cũng chưa rành mạch!
Một thực tế nữa: chưa hẳn tiếng lóng "chỉ thuộc bọn người xấu", càng không thể là "ngôn ngữ dưới đáy xã hội". GS Đỗ Hữu Châu từng nêu ví dụ về tiếng lóng của sinh viên một thời. Như mẹ Đốp trỏ nữ sinh đáo để, nhuận sắc là đẹp một cách tươi mát, ngỗng chỉ điểm 2, gậy - điểm 1, trứng - điểm 0.
Tùy quan niệm rộng hẹp mà có những cách nhìn nhận khác nhau về tiếng lóng đối với công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hiện nay.
 

Tiếng lóng với ngôn ngữ toàn dân
Từ đầu thế kỷ XX, tiếng lóng Việt Nam đã được bao học giả trong lẫn ngoài nước chú ý nghiên cứu. Một trong những công trình đầu tiên là của Jean Nicolas Arthur Chéon (1856 - 1928), mang tiêu đề L'argot annamite / Tiếng lóng Việt Nam đăng trên BEFEO (Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême-Orient: tập san trường Viễn Đông Bác Cổ) năm 1905. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) từng có khảo luận L'argot annamite de Hanoï / Tiếng lóng Việt Nam ở Hà Nội công bố năm 1925. Nhiều chuyên gia Việt ngữ học thời gian qua cũng dành công sức nghiền ngẫm tiếng lóng.
Đến nay, nhìn nhận hiện tượng ngôn ngữ đặc thù này, tồn tại 2 quan điểm trái ngược nhau.
Một quan điểm cho rằng tiếng lóng là hiện tượng không lành mạnh trong ngôn ngữ, chỉ tồn tại ở xã hội có giai cấp, vì vậy phải triệt để chống tiếng lóng và kiên quyết gạt tiếng lóng ra khỏi ngôn ngữ văn hóa. Đấy là ý kiến của Nguyễn Văn Tu và Nguyễn Kim Thản từng trình bày qua các ấn phẩm Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại (NXB Đại Học & Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1976), Tiếng Việt trên đường phát triển (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1982). Hai nhà nghiên cứu này bảo tiếng lóng "không có tác dụng tích cực, không làm giàu thêm ngôn ngữ toàn dân".
Quan điểm khác thì đề nghị chấp nhận tiếng lóng tốt, tích cực, nhằm bổ sung vào ngôn ngữ toàn dân. Đấy là ý kiến của Trịnh Liễn và Trần Viết Chánh phát biểu tại hội nghị khoa học Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ được tổ chức ở Hà Nội năm 1979. Đồng quan điểm ấy, Nguyễn Thiện Giáp soạn sách Từ vựng học tiếng Việt (NXB Đại Học & Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1985) đã đặt tiếng lóng trong mối quan hệ với toàn bộ lớp từ tiếng Việt, rồi cho rằng chỉ nên lên án những tiếng lóng thô tục; còn loạt tiếng lóng không thô tục là tên gọi có hình ảnh của sự vật hoặc hiện tượng nào đó thì đủ khả năng phổ biến và thâm nhập dần vào ngôn ngữ toàn dân. Sách này còn khẳng định tiếng lóng là một phương tiện được dùng để khắc họa tính cách và miêu tả hoàn cảnh sống của nhân vật trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Ấy cũng chính là điều mà nhiều nhà nghiên cứu về tu từ học (rhétorique / rhetoric) và phong cách học (stylistique / stylistics) cũng như nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo quan tâm tìm hiểu để khéo léo vận dụng.
Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) rất hữu lý khi nhận xét rằng đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, thấy một trong những đoạn hay nhất chính là lời thoại độc địa phát ra từ miệng Tú Bà lúc mụ nổi tam bành mụ lên trước giai nhân Thúy Kiều:
Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi!
Bảo rằng đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
Tuồng vô nghĩa ở bất nhân,
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi.
Màu hồ đã mất đi rồi,
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
Con kia đã bán cho ta,
Nhập gia phải cứ phép nhà tao đây.
Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe.
Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề lắm sao!
Rõ ngồn ngộn tiếng lóng của giới buôn phấn bán son ở Việt Nam thế kỷ XIX. Ví thay đi dạo, rước khách, buồn mình, màu hồ, bài bây, chịu tốt, ngứa nghề, chơi, văng bằng loạt từ ngữ "nghiêm chỉnh", ắt đoạn lục bát vừa dẫn không chỉ mất hay mà còn hỏng bét! Tương tự như thế, nếu thiếu tích lũy vốn tiếng lóng phong phú để sử dụng phù hợp, làm sao bao tiểu thuyết - phóng sự của Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939) cuốn hút độc giả. Từ tác phẩm Cạm bẫy người viết năm 1933, nhà báo kiêm nhà văn họ Vũ đã "đưa ra ánh sáng" cả lô tiếng lóng chính hiệu cờ bạc bịp thuở nọ: mòng, mẻng, bắt, viên đạn, hòn đạn, của, lộ tẩy, cản, quých, v.v. Đến các cuốn Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Số đỏ (1936), Làm đĩ (1936), Lục xì (1937) thì Thiên Hư Vũ Trọng Phụng trình thêm cả loạt "ẩn ngữ giang hồ" mà thiếu chú thích ắt công chúng bình thường khó hiểu nổi ý nghĩa: chạy làng, chánh, chúa, hoa đào, ngày phiên, trô, xé giấy, v.v. Cũng xuất bản giai đoạn đó, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng (1918 - 1982) là thiên tiểu thuyết đã chứa đựng một lượng lớn tiếng lóng - từ tiêu đề cho tới nội dung, thậm chí nhiều câu được vần vè khiến bạn đọc dễ nhớ:
Không vòm, không sộp, không te,
Niễng mũn không có, ai mê nỗi gì?
Bỉ vỏ là ả ăn cắp. Vòm là nhà. Sộp là giàu sang, hào phóng. Te là xinh đẹp. Niễng mũn là một trinh nhỏ, tức nửa xu. Trong số tiếng lóng từng lưu hành, giờ đây có bao nhiêu đơn vị từ vựng trở nên quen thuộc và đi vào ngôn ngữ phổ thông? Chắc chắn không ít. GS Đỗ Hữu Châu đã trưng dẫn cả loạt tiếng lóng được chấp nhận gia nhập vào vốn từ ngữ chung như ba hoa, lộ tẩy, nguội điện, cổ lỗ sĩ, gạo, phe phẩy. Tra cứu các từ điển tiếng Việt hiện đại, chẳng hạn Từ điển từ mới tiếng Việt do Chu Bích Thu chủ biên (NXB TP HCM, 2002), chúng ta thấy muôn tiếng lóng hiện hữu.
Tiếng Việt, cùng bao ngôn ngữ khác, luôn cần được cộng đồng sử dụng cố gắng bảo tồn đồng thời tích cực phát triển. Nói cách khác, phát triển vừa là nguyên nhân, vừa là mục đích của công cuộc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt. Với ngôn ngữ, theo quy luật chung, phát triển mạnh nhất luôn là từ vựng. Đóng góp vào khía cạnh này, rõ ràng có tiếng lóng. Sau một thời gian tồn tại phi chính thức, bất ổn định trong phạm vi xã hội hạn hẹp, biết bao tiếng lóng không còn là... tiếng lóng. Phần lớn biến mất. Phần còn lại trở thành những đơn vị từ ngữ của toàn dân, được mọi người sử dụng rộng rãi - không chỉ trong các tác phẩm báo chí, văn chương, màn nhung, màn bạc, mà còn xuất hiện ở nhiều văn bản hành chính. Chẳng hạn các từ nhí, quậy, xỉn, xịn, mánh mung, móc ngoặc, quay cóp, phớt lờ. Từ xì ke, xuất xứ bởi tiếng lóng scag của Hoa Kỳ, là ví dụ khác.
 

Phê bình một từ điển tiếng lóng
Tiếng lóng, như đã nêu, là một hiện tượng ngôn ngữ học xã hội có vai trò đáng kể đối với vốn từ vựng của toàn dân. Từ trước tới nay, nhiều chuyên gia Việt ngữ học quan tâm khảo sát tiếng lóng song chỉ mới trình bày vấn đề qua vài chương đoạn trong các công trình liên quan từ vựng học, tu từ học, phong cách học; hoặc dừng ở báo cáo khoa học; hoặc giới hạn trong khuôn khổ bài báo. Cũng có sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp đại học với đề tài tiếng lóng. Tuy nhiên, một ấn phẩm độc lập đề cập về tiếng lóng được ấn hành rộng rãi thì mãi gần đây mới xuất hiện. Đó là sách Tiếng lóng Việt Nam do Nguyễn Văn Khang biên soạn (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2001). Sách Tiếng lóng Việt Nam dày 236 trang kích cỡ 13 x 19cm, được chia làm 2 phần. Phần đầu là khảo luận Đặc điểm của tiếng lóng Việt Nam chiếm 39 trang. Phần còn lại là Từ điển từ ngữ lóng tiếng Việt. Xét dung lượng, sách chính là pho từ điển tiếng lóng Việt Nam - một công trình rất hữu ích cho nhiều người. Song le, lần giở cuốn sách công cụ này, hẳn bạn đọc liên tục phân vân.
Nguyễn Văn Khang bỏ sót một thao tác tuy đơn giản song bất kỳ nhà từ điển học nào cũng đều chú ý nêu bật trước tiên: thống kê số lượng mục từ trong từ điển. Kế tiếp, đây là từ điển tiếng lóng - mà soạn giả đã xác định rõ tính chất của nó là dạng ngôn ngữ "ký sinh" và "lâm thời" - thì cần thiết phải hạn định thời khoảng. Một đơn vị từ vựng hôm nay là tiếng lóng, song ngày mai hết còn là tiếng lóng. Ấy thế mà từ điển này thu thập tiếng lóng suốt thời gian dài, nhưng lại... ngắt quãng: tiếng lóng trong tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng (vào thập niên 1930), rồi tiếng lóng cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 liên quan nhóm xã hội "vượt biên - di tản"; đoạn tiếng lóng khoảng thập niên 1990. Kỳ thực, từ điển còn góp nhặt hàng loạt tiếng lóng dùng trong trại giam ở miền Bắc thập niên 1960 thông qua tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2000) nhưng lại không chua nguồn thư tịch.
Đi vào nội dung từ điển tiếng lóng Việt Nam của Nguyễn Văn Khang, bạn đọc có hiểu biết ít nhiều về lĩnh vực này chắc chắn khó tránh khỏi thất vọng vì cách biên soạn thiếu khoa học. Buồn cười nhất là quá nhiều tiếng lóng bị định nghĩa... sai! Ý kiến ngắn của Bùi Cát đăng trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật 24-6-2001 đã vạch 9 đơn vị từ vựng của từ điển này cắt nghĩa trật lất: khâu chẳng phải "cây vàng" (lượng / lạng vàng); nhạc sến chưa hẳn "nhạc buồn"; tài pán khác "chủ chứa"; mắt trừu nào phải "bao cao su tránh thai"; hết xí quách đâu chỉ "hết tiền"; ca ve (cavalière) không phải "gái mại dâm hoặc tiếp viên nhà hàng có hành nghề mại dâm"; mặt rô (ma cô / maquereau) chưa chắc là "dân giang hồ dao búa"; bà già không phải là mọi loại máy bay cánh quạt.
Có thể trưng thêm cả lô tiếng lóng bị Nguyễn Văn Khang giải thích thiếu sót, lắm phen nhầm lẫn tới mức... phi thực! Từ ái đâu chỉ là "con trai có tính cách, cử chỉ, điệu bộ rụt dè (sic!) như con gái". Thế con gái bị gọi ái thì sao? Chẳng qua, đó là rút gọn cụm từ ái nam ái nữ nhằm chỉ trường hợp lưỡng giới tính (bisexual), có khi còn được hiểu là đồng tính ái (homosexual). Tiếng lóng ái cũng đồng nghĩa gai / bóng / pê đê / bê đê (do chữ gay và pédérastre chỉ đồng tính ái nam); chứ bê đê không phải là "giật đồng hồ". Giới xã hội đen quen gọi hành động giật đồng hồ bằng các tiếng lóng thổi đổng / bốc hồ / múc hồ / tát hồ. Từ bắt dế đâu có nghĩa "chép tài liệu vào miếng giấy nhỏ quấn lại bằng con dế mang vào phòng thi" mà chỉ động tác nhặt tàn thuốc lá. Từ chặt hẻo không trỏ mọi hình thức "chơi bài ăn tiền" mà là cách gọi một lối chơi với bộ bài tây: tiến lên. Hẻo là biến âm của heo tức con bài 2 nút. Chứ bày bài tây mà đánh xì phé, binh xập xám, dẫu ăn tiền hay không, chẳng ai gọi chặt hẻo bao giờ. Hàng tiền đạo có nghĩa dãy răng cửa, chứ chẳng phải "hàm răng hơi bị vẩu". Kết mô đen không chỉ "quan hệ yêu đương" mà nói chung là thích, khoái, muốn. Mát xi mum đâu phải "nhậu hết cỡ" mà là bất kỳ điều gì đạt tới ngưỡng cực đại, do thuật ngữ Latinh maximum (đối lập với minimum). Mì dê vốn xuất xứ bởi chữ tickler, tiếng Hoa Kỳ trỏ một dụng cụ dành cho dân chơi, còn gọi mắt trừu, chứ chẳng phải "bao cao su tránh thai".
Nhiều từ ngữ bị từ điển của Nguyễn Văn Khang ghi sai chính tả, điều khó chấp nhận đối với loại sách dùng để tra cứu. Ví như rụt dè (rè), sui (xui / rủi) thấy mồ. Nhiều tiếng lóng bị ghi không đúng hình thức ngữ âm. Chẳng hạn bá chảy (cháy / chấy), chè nghim (ghim), đam (đâm) chuột. Từ chè ghim xuất hiện bởi nói lái chìm ghe. Từ đâm chuột được diễn dịch đâm tí rồi nói lái chệch thành đi tắm. Do thiếu tìm tòi về từ nguyên, đặc biệt là những tiếng lóng có nguồn gốc ngoại ngữ hoặc được cấu tạo bởi phương thức nói lái, nên Nguyễn Văn Khang chưa giải thích đúng, đủ, đảm bảo sức thuyết phục. Đó là loạt từ đai, mo, xuya, bứt cỏ, chà đồ nhôm, hạ cờ tây, v.v.
Lại thấy bao đơn vị từ vựng lâu nay thuộc ngôn ngữ toàn dân, ai cũng biết, cũng hiểu, cớ sao Nguyễn Văn Khang đùng đùng xếp vào kho tiếng lóng? Như các từ mây mưa gò bồng đảo vốn là các điển cố văn học mà bạn đọc quá quen thuộc qua thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Ngay cả loạt từ ngữ bình thường, chẳng mang ý nghĩa đặc biệt và bí hiểm gì - như ấm đầu, bà xã, bộ cánh, bộ đồ vía, của quý, gà mờ, ô dù, phê, đã, quỹ đen, sa lưới, sâu mọt, tồ, trồng cây si, viêm màng túi, vượt cạn, xe ôm - mà bị Nguyễn Văn Khang dán "mác" tiếng lóng e chưa thích đáng.
Trong Việt ngữ hiện đại, tiếng lóng ngày càng có xu hướng phát triển mạnh, nhất là với giới trẻ ở các đô thị. Điều đó tạo hiện tượng được các nhà nghiên cứu đặt tên là ngôn ngữ đường phố (langues de la rue / street languages). Hiểu biết và vận dụng tiếng lóng đạt mức độ cần thiết có thể tạo nên những tác phẩm văn chương lẫn báo chí giá trị, hấp dẫn. Jacques Prévert (1900 - 1977) ở Pháp là minh chứng sinh động: thơ của ông đầy rẫy tiếng lóng, có tập được xuất bản tới hàng triệu cuốn. Giữa thời nguyên tử, "cú bùng nổ thi ca" vô tiền khoáng hậu ấy khiến thiên hạ suy nghĩ quanh câu hỏi: tiếng lóng thu hút đông đảo bạn đọc vậy ư? Với việc dịch thuật, gặp những văn bản nhất định, cũng rất cần tiếng lóng. Tiểu thuyết The Godfather / Bố già lừng danh của nhà văn Mỹ gốc Ý Mario Puzo (1920 - 1999) đã được nhiều người dịch sang tiếng Việt, song bản chuyển ngữ của Ngọc Thứ Lang thành công nhất nhờ tìm được chuỗi tiếng lóng Mỹ - Việt tương ứng.
Không những các cây bút văn chương và báo chí, mà rất nhiều ngành hoạt động khác - như kịch nghệ, truyền hình, phim ảnh, du lịch, giáo dục, pháp lý, từ thiện xã hội, v.v. - có nhu cầu tra cứu từ điển tiếng lóng. Dĩ nhiên, đó phải là pho từ điển tiếng lóng được biên soạn cẩn trọng, đàng hoàng, khoa học. Cuốn sách công cụ cần thiết kia bao giờ mới được trình làng?
Phanxipăng Đã đăng trên tạp chí Tài Hoa Trẻ từ số 172 (15-6-2001) đến số 175 (5-9-2001)
Đăng lại trên tạp chí Thế Giới Mới 869 (18-1-2010) & 870 (25-1-2010)
(http://chimviet.free.fr/ngonngu/phanxipang/phanxipnn_tienglong.htm)

Nghị quyết của Bộ Chính trị số 39-NQ/TW, ngày 20 tháng 1 năm 1962, về việc tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà


Vǎn kiện Đảng toàn tập Tập 23 (1962) Nghị quyết của Bộ Chính trị số 39-NQ/TW, ngày 20 tháng 1 năm 1962, về việc tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà

Cập nhật lúc 14h13  -  Ngày 15/10/2015
share facebookgửi emailin bài này
I- Nhận định tình hình và âm mưu của địch
đối với miền Bắc nước ta
1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc nước ta đang ra sức lao động quên mình để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, xây dựng miền Bắc vững mạnh làm cơ sở cho cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà. Quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước sau vẫn là một cuộc đấu tranh giai cấp phức tạp, gay go, quyết liệt, lâu dài giữa lực lượng xã hội chủ nghĩa với các lực lượng chống đối lại chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình đấu tranh đó, ngoài những phần tử phản cách mạng từ trước vẫn làm tay sai cho bọn địch chống lại kháng chiến, nay lại xuất hiện những phần tử chống đối cách mạng xã hội chủ nghĩa do chỗ quyền lợi giai cấp của chúng bị đụng chạm.
Trong điều kiện cụ thể của miền bắc nước ta, nội dung cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lại có những đặc điểm riêng của nó. Do tính chất của xã hội Việt Nam trước đây, do kết quả của cuộc đấu tranh cách mạng trong mấy chục năm nay, do nước ta còn tạm bị chia làm hai miền và kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay của nhân dân ta là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, cho nên tính chất gay go, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp ở miền Bắc trước hết biểu hiện ở mặt đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và bè lũ phản cách mạng tay sai của chúng là bọn gián điệp, biệt kích, phỉ, bọn phản động phá hoại hiện hành, v.v.. Cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng ở nước ta không những mang tính chất đấu tranh của các giai cấp lao động chống lại các tầng lớp bóc lột phản động, mà còn sẵn có tính chất đấu tranh dân tộc chống bọn đế quốc và bè lũ tay sai.
Từ ngày hoà bình lập lại, bọn Mỹ - Diệm đang thống trị ở miền Nam nước ta vẫn ra sức tăng cường hoạt động gián điệp phá hoại miền Bắc và ráo riết chuẩn bị gây chiến tranh xâm lược hòng thôn tính miền Bắc và tiêu diệt chế độ dân chủ nhân dân của ta. Đó là âm mưu thâm độc lâu dài có tính chất chiến lược của chúng. Thêm vào đó, các nước đế quốc, tư bản có quyền lợi ở khu vực Đông Nam á đều không muốn cách mạng Việt Nam tiến lên, vì vậy cũng không ngừng hoạt động tình báo phá hoại miền Bắc nước ta.
2. Nhìn chung âm mưu cụ thể của kẻ địch đối với miền Bắc nước ta bao gồm mấy mặt như sau:
a) Điều tra tình báo để phục vụ cho âm mưu phá hoại trước mắt chống chế độ ta, đồng thời để đánh giá lực lượng miền Bắc, hiểu nội bộ xã hội miền Bắc, phục vụ cho âm mưu lâu dài gây chiến tranh xâm lược miền Bắc. Hướng điều tra
của chúng trước hết nhằm tìm hiểu lực lượng quân sự, kế hoạch quốc phòng, tình hình chính trị và tình hình xây dựng kinh tế ở miền Bắc.
b) Phá hoại về các mặt, cả về tinh thần và vật chất, bằng những hoạt động như: tiến hành "chiến tranh tâm lý", phao đồn tin nhảm, xuyên tạc sự thật, phản tuyên truyền hòng gây tâm lý hoang mang, không ổn định; phá hoại việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, phá hoại sản xuất, phá hoại việc cải thiện đời sống của nhân dân, phá hoại công cuộc củng cố quốc phòng, hòng làm chậm bước tiến của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
c) Gây cơ sở bí mật ở miền Bắc, tổ chức bọn tay sai của chúng được cài lại, thúc đẩy và hướng dẫn bọn này hoạt động, và ra sức tung thêm nhiều gián điệp, biệt kích để tổ chức lực lượng phỉ vũ trang hòng lập những khu căn cứ để hoạt động phá hoại, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng và nhằm phối hợp trong ngoài khi có chiến tranh nổ ra.
Đối với các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị vũ trang, nhất là đối với các cơ quan đầu não và các cơ sở quan trọng, kẻ địch rất chú trọng lôi kéo, mua chuộc những người lập trường không vững để dùng làm tay sai cho chúng và tìm mọi cách cho bọn tay sai chui vào nội bộ; đồng thời đối với các trường đại học, trường chuyên nghiệp, chúng tìm cách cho người vào học và cố gắng để được cử đi học nước ngoài, hòng leo cao, đi sâu và phá ta lâu dài.
3. Các lực lượng thù địch ở miền Bắc nước ta bao gồm bọn gián điệp các nước đế quốc và tư bản, và các thế lực phản cách mạng khác.
- Trong các loại gián điệp thì bọn gián điệp của Mỹ - Diệm là kẻ thù nguy hiểm nhất đối với miền Bắc nước ta. Bọn gián điệp Mỹ là bọn gián điệp rất xảo quyệt, thâm độc, có nhiều thủ đoạn nguy hiểm, nhiều phương tiện kỹ thuật hoạt động. Bọn gián điệp Pháp cũng không kém phần nguy hiểm đối với chúng ta.
- Ngoài bọn gián điệp của Mỹ - Diệm và của các nước đế quốc, tư bản khác, còn có những lực lượng phản cách mạng khác ở miền Bắc nước ta. Trong số này phải đặc biệt chú ý bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa. Bọn này trước kia cũng như hiện nay vẫn là những tay sai đắc lực và nguy hiểm của chủ nghĩa đế quốc ở nước ta. Cũng phải rất chú ý bọn phản động trong số những người trước kia là tề nguỵ, phỉ hoặc đã tham gia đảng phái phản động cũ, trong các giai cấp bóc lột cũ, do quyền lợi của chúng gắn liền với quyền lợi của bọn đế quốc, do ý thức chống đối nhân dân trước đây, cho nên chúng căm thù sâu sắc chủ nghĩa cộng sản và hoạt động chống lại cách mạng.
Trong những bọn phản động này, hiện nay có bọn đã liên hệ chặt chẽ với đế quốc, nhưng có nhiều tên hiện nay chưa có liên lạc với đế quốc. Quy luật chung là bọn gián điệp đế quốc ra sức tìm hiểu, tập hợp, lợi dụng các lực lượng chống đối chủ nghĩa xã hội trong nước để làm tay sai thực hiện âm mưu phá hoại của chúng; ngược lại, những bọn phản động này cũng tìm cách bắt liên lạc với bọn Mỹ và bọn đế quốc khác, liên lạc với bọn Ngô Đình Diệm để có chỗ dựa, có nguồn tiếp tế tiền tài, vũ khí, phương tiện. Bọn gián điệp đế quốc rất nguy hiểm, nhưng bọn phản động trong nước cũng là những lực lượng có thể gây cho ta những thiệt hại to lớn.
4. Trong tình hình hiện nay trước đà lớn mạnh của phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc và của phong trào cách mạng ở các nước tư bản chủ nghĩa, đế quốc Mỹ một mặt tăng cường chuẩn bị chiến tranh hạt nhân, chiến tranh cục bộ và chiến tranh chống du kích, nhằm đàn áp phong trào cách mạng ở các nước; mặt khác cho tay sai thâm nhập lãnh thổ các nước xã hội chủ nghĩa để tiến hành quấy rối, phá hoại.
Ở nước ta, trước đà tiến mạnh của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trước tình hình phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam chống Mỹ - Diệm lên cao, trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, đế quốc Mỹ ra sức "viện trợ" cho bọn Diệm về quân sự, kinh tế, v,v.. Chúng đưa thêm cố vấn và nhân viên quân sự, đưa cả một bộ phận không quân vào hoạt động ở miền Nam và chuẩn bị dư luận để đưa quân đội vào trực tiếp đàn áp phong trào cách mạng miềnnam. Sau khi Giônxơn, Stalây, Taylo, v.v. sang miền Nam Việt Nam thì kế hoạch can thiệp của đế quốc Mỹ đối với miền Nam Việt Nam cũng toàn diện hơn và tích cực hơn. Một bộ phận quan trọng trong kế hoạch đó là bọn Mỹ - Diệm càng ra sức tăng cường hoạt động để phá hoại miền Bắc một cách tích cực hơn và táo bạo hơn,chúng càng cố gắng tung nhiều tên gián điệp, biệt kích ra miền Bắc (thậm chí chúng có thể hành động liều lĩnh điên cuồng, dù chúng không hy vọng đạt được thắng lợi, dù chúng chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết), gây các cuộc khiêu khích ở biên giới, giới tuyến và bờ biển, nhằm kích động các lực lượng phản cách mạng ở miền Bắc thực hiện âm mưu phá hoại miền Bắc để hòng gây khó khăn cho ta và gây tình hình căng thẳng ở Đông Nam á. Do đó, một mặt chúng ta phải rất bình tĩnh, nhưng mặt khác phải rất cảnh giác, kiên quyết, khẩn trương đối phó với âm mưu phá hoại của kẻ địch.
5. Âm mưu của địch tuy to lớn và thâm độc, nhưng phi chính nghĩa. Cho nên, trong điều kiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày càng thu được thắng lợi, chính quyền của chúng ta ở miền Bắc ngày càng vững mạnh, nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng, thì kẻ địch không thể dễ dàng thực hiện được những âm mưu đen tối của chúng.
Vấn đề kẻ địch có thể thực hiện được âm mưu của chúng đến mức nào tuỳ thuộc ở địch thì ít mà tuỳ thuộc ở ta thì nhiều.
Trong thời gian tới, nếu chúng ta kiên quyết động viên quần chúng, tích cực bảo vệ nội bộ chặt chẽ, kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, thì chúng ta có thể đánh bại mọi âm mưu phá hoại của chúng. Nhưng nếu sự cố gắng của ta không đầy đủ thì kẻ địch vẫn có thể gây được một số lực lượng phỉ, gây được bạo động ở một số khu vực, tập hợp và kích động được một số quần chúng lạc hậu gây rối trị an, xây dựng được cơ sở bí mật, tiếp tục tiến hành phá hoại trên các mặt, thậm chí có thể gây cho ta nhiều tổn thất nghiêm trọng.
II- Nhận xét về công tác đấu tranh chống
bọn phản cách mạng trong mấy năm qua
Trong mấy năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác trấn áp phản cách mạng đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Về mặt đấu tranh chống bọn gián điệp, chúng ta đã khám phá và trừng trị nhiều vụ gián điệp, biệt kích, hạn chế, ngăn chặn các hoạt động phá hoại của chúng. Đối với bọn phản động trong nước, chúng ta đã khám phá và trừng trị nhiều tổ chức phản động, ngăn chặn được một số vụ gây rối loạn, phá hoại trật tự an ninh. Việc tìm hiểu tình hình địch trong mấy năm qua cũng đã có nhiều tiến bộ. Công tác bảo vệ nội bộ có nhiều cố gắng. Chúng ta đã bắt đầu chú ý giáo dục cán bộ và quần chúng nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng và tích cực tham gia đấu tranh chống các hoạt động phá hoại và tham gia vào việc cải tạo những người trước kia là tề nguỵ, v.v.. Phong trào bảo vệ trị an có tính chất quần chúng đã được phát động trên toàn miền Bắc. Kết quả chủ yếu của các mặt công tác nói trên chính là ở chỗ đã góp phần làm cho tình hình trật tự, trị an được giữ vững ở toàn miền Bắc (ngay trong những lúc tình hình chung có gặp những khó khăn) và làm cho tình hình ngày càng ổn định hơn.
Công tác đánh địch đạt được những thành tích nói trên, chủ yếu là nhờ ở nhiệt tình yêu nước, giác ngộ chính trị của cán bộ và nhân dân ta, nhờ ở sự lãnh đạo của Đảng ta, nhờ ở sự cố gắng của các công cụ chuyên chính của Đảng và của Nhà nước.
Nhưng nhìn chung, công tác đánh địch vẫn còn nhiều nhược điểm và thiếu sót.
Hiện tượng phá hoại còn xảy ra nhiều, mà ta tìm ra thủ phạm còn ít; nhiều vụ nghi phá hoại mà chưa kết luận được. Một số tổ chức phản động đã có khả năng phát triển. Việc trừng trị những bọn phản cách mạng vẫn còn yếu, không kịp thời, thiếu sắc bén. Việc chỉ đạo công tác đánh địch ở thủ đô và ở các địa bàn xung yếu chưa được thật chặt chẽ. Việc tập trung lao động cải tạo đối với các phần tử nguy hiểm tiến hành chậm chạp, thiếu khẩn trương. Việc cải tạo các tầng lớp tề nguỵ cũ chưa được chú ý thường xuyên và đúng mức.
Việc bảo vệ nội bộ còn nhiều sơ hở. Việc chấp hành các chỉ thị của Trung ương về bảo vệ nội bộ chưa được nghiêm chỉnh. Nội quy ra vào cơ quan, bảo quản tài liệu, giữ gìn bí mật nhà nước chưa được chấp hành nghiêm ngặt. Tình trạng mất mát tài liệu còn xảy ra nhiều. Việc tuyển dụng người mới vào cơ quan, xí nghiệp chưa thật chặt chẽ. Việc quản lý nội bộ còn lỏng lẻo. Các tổ chức bảo vệ cơ quan, bảo vệ xí nghiệp chưa được tăng cường đúng mức.
Việc nắm tình hình địch và tình hình nội bộ chưa vững và sâu.
Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tính cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng chưa được các cấp uỷ đảng thường xuyên chú ý. Trong chương trình học tập của trường Đảng và chương trình chính trị các trường đại học và chuyên nghiệp cũng chưa có môn giáo dục về nhà nước chuyên chính dân chủ nhân dân, về tính cảnh giác cách mạng. Việc phát động quần chúng tích cực đấu tranh chống bọn phản cách mạng còn chưa sâu sắc và thường xuyên, liên tục.
Khi có những trường hợp đột xuất xảy ra, chúng ta vẫn còn lúng túng, bị động. Các lực lượng bảo vệ và đánh địch của ta chưa thật mạnh và sắc bén. Các công cụ chuyên chính, nhất là cơ quan công an, chưa được tăng cường đúng mức. Sự phối hợp và sử dụng lực lượng giữa các công cụ chuyên chính chưa được chặt chẽ.
Do chỗ công tác đối phó của ta còn nhiều nhược điểm như trên, cho nên đứng trước âm mưu phá hoại của kẻ địch hiện nay, chúng ta chưa thật hoàn toàn an tâm.
Sở dĩ công tác đánh địch của chúng ta còn chưa được mạnh và sắc bén, chủ yếu là do những nguyên nhân sau đây:
a) Nhận thức trong toàn Đảng về chức năng chuyên chính của chính quyền nhân dân đối với bọn phản cách mạng chưa thực sâu sắc, vững vàng. ý thức quan tâm tiêu diệt địch, nhiệt tình bảo vệ thành quả cách mạng trong cán bộ, kể cả cán bộ các cơ quan chuyên chính, còn chưa sâu sắc. Vì vậy, còn bộc lộ rất nhiều biểu hiện tê liệt cảnh giác, rụt rè, hữu khuynh.
b) Các luật lệ hiện hành chưa được bổ sung một cách đầy đủ và kịp thời để đáp ứng yêu cầu công tác đánh địch một cách sắc bén. Pháp quyền của ta còn nhiều chỗ sơ hở, khiến cho kẻ địch có thể lợi dụng được.
c) Các công cụ chuyên chính chưa được tăng cường đúng mức, chưa bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cuộc đấu tranh (kể cả về mặt tư tưởng, tổ chức và về phương tiện hoạt động).
d) Công tác đánh địch chưa thật quán triệt đường lối "Đảng lãnh đạo, dựa vào quần chúng, kết hợp tính tích cực của quần chúng với công tác nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn". Công tác đấu tranh chống phản cách mạng hiện nay còn có phần bị cô độc.
III- Nhiệm vụ và đường lối trấn áp
phản cách mạng trong thời gian tới
1. Nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng
Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng như sau:
"Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên cơ sở liên minh công nông và được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân, phải thực hành chuyên chính với bọn phản cách mạng, nghiêm trị những kẻ chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Phải kiện toàn cơ quan công an nhân dân, toà án nhân dân, cơ quan kiểm sát nhân dân, giáo dục nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng; động viên và tổ chức quần chúng tích cực tham gia giữ gìn trật tự trị an, đấu tranh nhằm trừng trị bọn phản cách mạng và cải tạo những phần tử lạc hậu".
Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội, trong thời gian sắp tới, chúng ta cần phải mạnh bạo động viên toàn Đảng, toàn dân tiến hành trấn áp phản cách mạng một cách kiên quyết, chủ động, khẩn trương, tích cực hơn, kịp thời đập tan mọi âm mưu gây bạo động, phá hoại hoặc khiêu khích của kẻ địch, giữ vững trật tự, an ninh ở miền Bắc, bảo vệ nội bộ cho thật chặt chẽ, góp phần củng cố quốc phòng, tích cực bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Hiện nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành cuộc trấn áp phản cách mạng được tốt: công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành được thắng lợi có tính chất quyết định; ta đã thu thập được tài liệu về tình hình địch trong một phạm vi nhất định; ta cũng đã tích luỹ được một số kinh nghiệm đấu tranh trấn áp phản cách mạng qua mấy năm trước đây; do đó, việc phân biệt địch ta được dễ dàng hơn.
Công tác đấu tranh chống phản cách mạng phải theo đúng nguyên tắc cơ bản chung "tích cực bảo vệ mình, chủ động tiêu diệt địch". Có tích cực bảo vệ mình, mới tránh được sơ hở, ngăn chặn không cho kẻ địch có điều kiện để phá hoại và mới dễ phát hiện và tiêu diệt được kẻ địch. Ngược lại, có chủ động tiêu diệt địch, mới bảo vệ được mình một cách chắc chắn.
Để bảo vệ nội bộ cho tốt, cần phải tiến hành thẩm tra nội bộ, xây dựng chế độ, nội quy, pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội, xây dựng các tổ chức chuyên trách công tác bảo vệ ở những cơ quan, xí nghiệp quan trọng, giáo dục cán bộ, công nhân nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ, nội quy bảo vệ đã ban hành.
Để chủ động tiêu diệt kẻ địch, một mặt, cần phải quét bọn phản cách mạng đầu sỏ, cốt cán (trừng trị kịp thời bọn phản cách mạng hoạt động hiện hành, tập trung giáo dục cải tạo những phần tử phản động đầu sỏ, cốt cán nguy hiểm); mặt khác, phải thường xuyên tiến hành giáo dục, cải tạo những người trước kia là tề nguỵ và phỉ, những phần tử đã tham gia các tổ chức phản động cũ và các cơ sở xã hội khác mà kẻ địch dễ dàng lợi dụng. Hai mặt nói trên liên quan mật thiết với nhau và đều nhằm mục đích làm tê liệt mọi hoạt động phá hoại và cuối cùng nhằm triệt để quét sạch bọn phản cách mạng.
2. Đối tượng trấn áp và địa bàn trọng điểm
Cần phải nhận rõ thế nào là phần tử phản cách mạng. Nói chung kẻ nào hoặc tổ chức nào căm thù cách mạng, hoạt động phá hoại sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội hay là hoạt động phá hoại chính quyền dân chủ nhân dân, hay là hoạt động chống lại sự nghiệp đấu tranh nhằm hoà bình thống nhất nước nhà thì đều coi là phản cách mạng.
Cụ thể, những phần tử sau đây đều coi là phần tử phản cách mạng hiện hành cần phải trừng trị:
a) những phần tử gián điệp hiện hành;
b) những phần tử phản động lợi dụng đạo Thiên chúa đang hoạt động chống lại chính quyền cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc;
c) những phần tử trước kia là tề nguỵ, phỉ, gián điệp, biệt kích hoặc đã từng tham gia các tổ chức phản động cũ, nay vẫn có thái độ ngoan cố, không chịu cải tạo và vẫn hoạt động chống lại chính quyền cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc;
d) những phần tử phản động ngoan cố không chịu cải tạo trong các giai cấp bóc lột cũ, đang hoạt động chống lại chính quyền cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc;
e) những phần tử khác căm thù cách mạng đang hoạt động phá hoại chống lại chính quyền cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc.
Mũi nhọn đấu tranh trong công tác trấn áp phản cách mạng phải nhằm chĩa trước hết vàobọn tay sai của Mỹ - Diệm. Trong khi trấn áp bọnhoạt động phá hoại lộ liễu phải rất chú trọng phát hiện và kiên quyết trừng trị bọn hoạt động bí mật, ẩn nấp lâu dài, điều tra tình báo và gây cơ sở bí mật ở miền Bắc.
Các cấp lãnh đạo ở trung ương, khu, thành, tỉnh phải nắm chặt chỉ đạo công tác đánh địch và bảo vệ nội bộ, trước hết đối với các địa bàn sau đây:
1. Các cơ quan đầu não ở trung ương, các cơ quan xí nghiệp quan trọng ở các cấp và lực lượng vũ trang thường trực.
2. Thủ đô và các thành phố quan trọng, các hải cảng và cửa khẩu.
3. Các khu vực quan trọng về quốc phòng, kinh tế, chính trị và các đường giao thông chiến lược.
3. Yêu cầu cụ thể của công tác trấn áp phản cách mạng trong hai năm 1962 - 1963
a) Hết năm 1962 sang nửa đầu năm 1963, bảo đảm làm cho các cơ quan đầu não, các cơ quan, xí nghiệp quan trọng, các đơn vị vũ trang thường trực được thuần khiết và được bảo vệ một cách nghiêm mật. Yêu cầu cụ thể đối với các nơi này là:
- Chế độ, nội quy bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài liệu được quy định cụ thể, đầy đủ và được chấp hành nghiêm ngặt.
- Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên được lựa chọn chặt chẽ, được phát động tư tưởng và có ý thức cảnh giác cao, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy.
- Đối với những phần tử hiềm nghi và các phần tử chống đối, phải điều chuyển đi nơi khác không quan trọng. Với một số người nếu vì điều kiện nào đó mà chưa điều chuyển được, thì phải tăng cường giáo dục, đồng thời khéo sử dụng, hạn chế hiểu biết về bí mật nhà nước và phải giám sát chặt chẽ.
- Bộ phận chuyên trách công tác bảo vệ được củng cố và tăng cường đúng mức.
- Chi bộ và thủ trưởng lãnh đạo chặt chẽ công tác bảo vệ nội bộ.
b) Cuối năm 1962, sang nửa năm 1963, bảo đảm làm cho tình hình trật tự, trị an ở Hà Nội, Hải Phòng và những khu vực quan trọng về quốc phòng, kinh tế, chính trị khác được ổn định thật sự.
Yêu cầu cụ thể đối với các nơi này là:
- Nắm vững tình hình địch, phát hiện kịp thời các phần tử có nghi vấn chính trị.
- Quần chúng được phát động, có ý thức cảnh giác cao, tích cực đấu tranh chống mọi hoạt động phá hoại của kẻ địch, tích cực tham gia cuộc vận động giữ gìn trật tự, trị an.
- Điều chuyển những phần tử hiềm nghi và các phần tử chống đối khác đi các nơi khác không quan trọng. Đối với một số tên, nếu vì điều kiện nào đó mà chưa điều chuyển được thì phải giám sát chặt chẽ.
- Đảng bộ lãnh đạo chặt chẽ công tác nắm tình hình địch và công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng.
c) Sau hai năm, căn bản quét được các lực lượng phản cách mạng bộc lộ và tương đối bộc lộ ở miền Bắc. Vì đấu tranh chống bọn phản cách mạng, nhất là chống bọn gián điệp, là một cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, cho nên không thể đặt yêu cầu tuyệt đối và không thể định mức thời gian một cách cứng nhắc. Nhưng căn cứ vào tình hình các lực lượng phản cách mạng hiện nay, cần đặt yêu cầu trong một thời gian nhất định quét xong được những bọn phản cách mạng đầu sỏ, cốt cán hoạt động bộc lộ và tương đối bộc lộ. Còn đối với bọn gián điệp ẩn nấp, hoạt động bí mật, lâu dài là những bọn nguy hiểm nhất đối với ta, thì cần tích cực đi sâu phát hiện để trừng trị kịp thời. Với những tên, vì điều kiện nào đó chưa quét được thì phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ.
d) Bảo đảm loại trừ khả năng gây bạo loạn của kẻ địch. Bảo đảm ngăn chặn kịp thời và tiêu diệt nhanh chóng mọi âm mưu gây rối trật tự, gây bạo động, hoặc gây khiêu khích của địch bất kỳ ở đâu.
e) Bảo đảm căn bản nắm được tình hình địch ẩn nấp ở trong nội bộ và ở ngoài xã hội, nhất là ở những địa bàn trọng điểm kể trên. Vì đấu tranh chống gián điệp là một cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, cho nên việc nắm vững tình hình địch ẩn nấp cũng không thể đặt yêu cầu tuyệt đối, nhưng nhất định phải đạt tới mức nắm vững tình hình chính trị phức tạp và phát hiện kịp thời kẻ địch.
4. Phương châm công tác
Trong công tác đấu tranh chống phản cách mạng, chúng ta phải thấu suốt tinh thần "kiên quyết và thận trọng" trong phương châm "nâng cao cảnh giác, không để lọt một kẻ địch; đề phòng lệch lạc, không được làm oan một người ngay".
Vì đấu tranh chống phản cách mạng là một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, cho nên phải không ngừng nâng cao cảnh giác cho cán bộ và quần chúng, kiên quyết phát hiện và trừng trị mọi phần tử phản cách mạng, không để lọt một kẻ địch. Nhưng lại vì cuộc đấu tranh đó rất phức tạp, cho nên cần phải rất thận trọng và tỉnh táo, đề phòng lệch lạc trấn áp nhầm phải người vô tội. Trong quá trình lãnh đạo, tuỳ nơi và tuỳ lúc, phải luôn luôn chú ý đấu tranh thích đáng trên hai mặt: chống hữu (phê phán, khắc phục bệnh tê liệt cảnh giác, biểu hiện rụt rè, sợ rung động, v.v. ) và chống "tả" (phê phán, khắc phục thiên hướng bắt bừa bãi, mở diện đấu tranh quá rộng, v.v.).
5. Chính sách và sách lược
Chính sách căn bản của Đảng trong công tác trấn áp phản cách mạng là "trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo". Cụ thể tức là: "nghiêm trị bọn chủ mưu, thủ ác, khoan hồng với những kẻ bị ép buộc, lầm đường và những kẻ hối cải; giảm tội hoặc miễn tội cho kẻ lập công, thưởng cho kẻ lập công lớn".
Phải nắm vững yêu cầu chủ yếu của việc thực hiện chính sách là đánh cho đúng, đánh cho vững, đánh cho mạnh.
Trong khi tiến hành trừng trị những phần tử phản cách mạng đang hoạt động và tập trung giáo dục cải tạo những phần tử nguy hiểm, cần phải nhằm đạt mục đích là quét được bọn phản cách mạng đầu sỏ và cốt cán, để làm tê liệt hoạt động phá hoại của chúng. Việc trừng trị phải tiến hành kịp thời, để có tác dụng đánh xẹp khí thế của bọn phản cách mạng và nâng cao khí thế cách mạng của quần chúng. Việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử nguy hiểm phải làm theo từng đợt, nhanh, gọn và trước hết nhằm vào bọn nguy hiểm nhất.
Đối với những bọn can phạm bị giam trong trại giam và những bọn nguy hiểm đã bị tập trung, cần tăng cường công tác giáo dục về chính trị kết hợp với việc bắt buộc chúng phải lao động sản xuất, nhằm cải tạo phần lớn bọn chúng trở thành những người lao động lương thiện. Đối với bọn hết hạn tù, hoặc hết hạn bị tập trung và được tha về các địa phương, cũng cần tiếp tục giáo dục cải tạo và giúp đỡ cho chúng có nghề nghiệp lao động để sinh sống.
Trong khi tiến hành cải tạo những người trước kia là tề nguỵ, phỉ và những phần tử đã tham gia các tổ chức phản động cũ ở ngoài xã hội, cần nắm vững tinh thần "tích cực và kiên trì giáo dục cải tạo" để giáo dục họ trở thành những người lao động tốt. Cần thông qua các cuộc giải thích thời sự và chính sách của Đảng và Chính phủ mà giáo dục họ; không nên có thái độ mỉa mai, đả kích, gạt bỏ họ, đẩy họ trở lại bất mãn và gây thêm khó khăn cho ta. Chỉ đối với một số rất ít, qua nhiều lần giáo dục mà vẫn còn có những lời nói hoặc hành động chống đối và chưa đáng tội bắt, thì có thể dùng hình thức kiểm thảo trước quần chúng hoặc quản chế tại địa phương, nhưng diện này không nên rộng.
Đối với những người trong gia đình bọn phản cách mạng và gia đình những bọn bị tập trung, cần chú ý giáo dục chính sách cho họ, tranh thủ sự đồng tình của họ đối với các biện pháp của ta, và khuyên họ góp phần vào việc giáo dục kẻ phạm tội. Các cấp cần chú ý không nên có thái độ thành kiến, đả kích đối với họ. Đối với những người gặp nhiều khó khăn trong đời sống, địa phương cần chú ý giúp đỡ họ có điều kiện lao động sản xuất.
6. Đường lối công tác
Trong việc trấn áp phản cách mạng, phải thấu suốt đường lối công tác cơ bản là: "Đảng lãnh đạo, dựa vào quần chúng, kết hợp tính tích cực của quần chúng với công tác nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn". Phải thật sự động viên toàn Đảng, phải mạnh bạo và kiên quyết phát động quần chúng đứng dậy đấu tranh chống bọn phản cách mạng. Trong khi thực hành đường lối quần chúng, phải chú ý nắm vững lãnh đạo và phải kết hợp tính tích cực của quần chúng với công tác nghiệp vụ của các ngành chuyên môn. Trong công tác bảo vệ nội bộ phải thực hành đúng nguyên tắc: "Đảng lãnh đạo, thủ trưởng phụ trách, công an hướng dẫn về nghiệp vụ".
Phải thấu suốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo chặt chẽ. Các cấp uỷ phải định kỳ tập thể nghiên cứu tình hình địch, nghiên cứu công tác đánh địch và công tác bảo vệ trong phạm vi mình phụ trách và quyết định những công tác lớn phải tiến hành. Chi bộ phải lãnh đạo công tác này trong từng xã, từng khu phố, cũng như trong từng cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, v.v..
Các thủ trưởng các ngành các cấp, các ban, các đảng đoàn, có trách nhiệm thi hành các mặt công tác bảo vệ, đánh địch trong toàn ngành mình phụ trách và phải chịu trách nhiệm chính đối với cấp uỷ đảng và đối với cấp trên.
Công an là cơ quan giúp việc đắc lực cho cấp uỷ, có nhiệm vụ hướng dẫn các ngành, các cấp dưới về mặt nghiệp vụ.
Phải tăng cường và phối hợp chặt chẽ các công cụ chuyên chính. Cần có kế hoạch và nguyên tắc phối hợp tốt các lực lượng công an, quân đội và dân quân du kích, để bảo đảm ngăn chặn kịp thời và tiêu diệt nhanh chóng mọi cuộc bạo động, gây rối trị an, hoặc hành động khiêu khích của kẻ địch bất kể xảy ra ở đâu và lúc nào. Phải tăng cường các công cụ chuyên chính: công an, kiểm sát, toà án (về các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và phương tiện làm việc, v.v.), và các ngành này phải phối hợp chặt chẽ để phát huy đầy đủ chức năng chuyên chính mạnh mẽ đối với kẻ địch.
7. Hình thức vận động
Rút kinh nghiệm đấu tranh chống phản cách mạng trong mấy năm vừa qua, trong tình hình chính trị của nước ta hiện nay, không cần thiết phải mở một phong trào vận động quần chúng trấn áp phản cách mạng một cách rầm rộ cùng một thời gian trong toàn miền Bắc mà cuộc đấu tranh chống phản cách mạng ở miền Bắc sẽ tiến hành dưới nhiều hình thức linh hoạt, nhằm đạt được yêu cầu phát động mạnh mẽ khí thế cách mạng của quần chúng và đấu tranh kiên quyết chống mọi hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng.
Hiện nay,hình thức thích hợp nhất và phổ biến nhất ở khắp nơi là tiến hành tuyên truyền giáo dục sâu rộng về tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng, để phát huy khí thế cách mạng của quần chúng, động viên quần chúng tích cực tham gia công tác đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ sản xuất, bảo vệ bí mật nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, thể lệ, nội quy đã ban hành. Trong nội bộcác cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội, thì gọi là cuộc vận động "bảo mật phòng gian", còn ở ngoài xã hội thì gọi là cuộc vận động "bảo vệ trị an", theo cách ta đã làm ở xã Yên Phong, huyện Yên mô, tỉnh Ninh Bình (đã nêu trong Chỉ thị số 13 ngày 1-3-1961 của Ban Bí thư).
- Đối với những nơi xảy ra nhiều hoạt động phá hoại của bọn phản động cách mạng, cần tập trung lực lượng, tập trung chỉ đạo, chọn đúng thời cơ, mở cuộc vận động quần chúng đấu tranh với bọn phản cách mạng, kết hợp với việc đẩy mạnh các mặt công tác khác ở địa phương.
- Phải thông qua phong trào bảo vệ trị an có tính chất quần chúng để thường xuyên tiến hành giáo dục cải tạo những người trước kia là tề nguỵ, phỉ, những phần tử đã tham gia các tổ chức phản động cũ và các cơ sở xã hội khác mà địch dễ dàng lợi dụng ở ngoài xã hội.
Trên cơ sở giác ngộ chính trị của cán bộ và quần chúng được nâng cao, khuyến khích cán bộ và quần chúng báo cáo riêng với công an hoặc với cán bộ lãnh đạo những trường hợp nghi vấn về chính trị. Đối với những tài liệu do quần chúng tố cáo thì các cơ quan lãnh đạokhông được vội vàng kết luận mà phải tiến hành xác minh một cách thận trọng để tìm rõ sự thực.
IV- Mấy công tác lớn
1. Phải quy định chức trách và có kế hoạch cụ thể đối với từng cấp để tiến hành điều tra, nghiên cứu, nắm vững tình hình địch và tình hình chính trị phức tạp của từng địa phương, của từng đơn vị, cơ quan, xí nghiệp.
2. Khẩn trương tiến hành công tác tập trung cải tạo đối với các phần tử nguy hiểm. Bảo đảm duyệt đúng đối tượng, tiến hành tốt công tác giáo dục, cải tạo những phần tử bị tập trung và làm tốt công tác chính trị trong quần chúng và đối với gia đình họ, tránh gây thêm phức tạp.
3. Tích cực phát hiện, truy lùng và trừng trị kịp thời những bọn gián điệp được địch cài lại hoặc mới phái đến miền Bắc và những bọn phá hoại hiện hành khác.
4. Có kế hoạch cụ thể để tiến hành lần lượt trong từng khu vực trong từng huyện, tích cực đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an để phát huy mạnh mẽ khí thế cách mạng của quần chúng trong cuộc đấu tranh bảo vệ trật tự, trị an trong thôn, xã, chống mọi hoạt động phá hoại. Phổ biến rộng rãi kinh nghiệm xã Yên Phong, Ninh Bình.
Thông qua phong trào bảo vệ trị an mà tiến hành tốt công tác giáo dục cải tạo những người trước kia là tề nguỵ, phỉ và những phần tử đã tham gia các tổ chức phản động cũ ở ngoài xã hội.
5. Có kế hoạch từng bước thẩm tra nội bộ để hiểu kỹ lịch sử từng người cán bộ, nhân viên và thẩm tra kỹ vấn đề phát triển đảng viên mới (trước hết phải tiến hành thẩm tra ở các cơ quan đầu não và các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị vũ trang trọng yếu).
ở các cơ quan xí nghiệp, phải thường xuyên động viên giáo dục cán bộ và quần chúng nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật nhà nước, bảo vệ sản xuất, phát hiện và tiến hành đấu tranh chống mọi hành vi phá hoại, xây dựng và bổ sung các chế độ, nội quy bảo vệ và đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành tốt các chế độ, nội quy đó, kiện toàn tổ chức bảo vệ của cơ quan, xí nghiệp.
6. Quy định rõ ràng những khu vực xung yếu về quốc phòng và những cơ quan, xí nghiệp quan trọng và có kế hoạch cụ thể lần lượt làm trong sạch những khu vực và cơ quan, xí nghiệp quan trọng đótheo những yêu cầu cụ thể nói trên.
7. Có kế hoạch sẵn sàng bảo đảm phối hợp nhanh chóng các lực lượng để ngăn chặn kịp thời, tiêu diệt nhanh chóng mọi âm mưu và hành động gây rối trật tự, bạo động, khiêu khích ở biên giới, giới tuyến để bảo đảm tốt trật tự, an ninh bất kể trong tình hình nào.
8. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nâng cao tính cảnh giác cách mạng và ý thức giai cấp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động, làm cho mọi người đều đồng tình và tích cực tham gia công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng. Các ngành tuyên, văn, giáo, huấn phải thường xuyên giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tính cảnh giác cách mạng, lòng căm thù kẻ địch và đường lối, chính sách trấn áp phản cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
V- Tổ chức thực hiện nghị quyết
1. Các cấp uỷ đảng ở khu, thành, tỉnh, các ban, các đảng đoàn phải tổ chức tập thể nghiên cứu để thấu suốt tinh thần nghị quyết này, liên hệ với tình hình chính trị của địa phương hoặc ngành mình và đặt kế hoạch toàn diện thi hành Nghị quyết này trong phạm vi phụ trách của mình.
2. Ít nhất ba tháng một kỳ, các cấp uỷ phải kiểm điểm tình hình thực hiện công tác này, tổ chức kiểm tra thường xuyên tận cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh công tác với một tinh thần khẩn trương, vững vàng, và kịp thời uốn nắn những lệch lạc xảy ra.
3. Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm cùng với Đảng đoàn Bộ Công an, Ban Kiểm tra của Đảng, Đảng đoàn Ban Thanh tra Chính phủ, nghiên cứu và đề nghị với Ban Bí thư kế hoạch tiến hành thẩm tra chính trị nội bộ.
4. Ba tháng một kỳ, Đảng đoàn Bộ Công an có trách nhiệm nghiên cứu để nắm vững tình hình địch, theo dõi tình hình chấp hành nghị quyết này để báo cáo tổng hợp và đề nghị các vấn đề cần thiết lên Trung ương.
Vì vậy các cấp uỷ khu, thành, tỉnh, các ban, các đảng đoàn chung quanh Trung ương khi gửi báo cáo công tác thi hành Nghị quyết này lên Ban Bí thư, cần sao gửi một bản cho Đảng đoàn Bộ Công an theo dõi.
5. Đảng đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và đảng đoàn Toà án nhân dân tối cao cần theo dõi tình hình chấp hành Nghị quyết này trong phạm vi phụ trách của mình.
6. Cần tổ chức nghiên cứu toàn văn bản Nghị quyết này đến các huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ các cơ quan ở trung ương và các cấp bộ tương đương. Sau khi nghiên cứu, các đơn vị phải có kế hoạch công tác cụ thể để chấp hành nghị quyết này trong phạm vi mình phụ trách.
Đối với chi bộ và đảng viên thì Đảng đoàn Bộ Công an cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương soạn một tài liệu để tổ chức học tập trong nội bộ.
*
* *
Đấu tranh chống phản cách mạng để bảo vệ thành quả cách mạng là một vấn đề thuộc về nguyên tắc của chính quyền chuyên chính dân chủ nhân dân, thực chất là chuyên chính vô sản. đó là một trong những quy luật phổ biến của cách mạng xã hội chủ nghĩa và của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở bất cứ nước nào. Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã tổng kết cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng trong những năm trước đây, và đã đề ra đường lối, phương hướng chung chỉ đạo cho cuộc đấu tranh trấn áp phản cách mạng từ nay về sau.
Trung ương tin rằng, được Nghị quyết của Đại hội lần thứ III của Đảng soi sáng và dựa vào nhiệt tình cách mạng của toàn thể cán bộ và nhân dân, nhất định chúng ta sẽ giành được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng để bảo vệ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và phục vụ tốt cho sự nghiệp đấu tranh nhằm hoà bình thống nhất nước nhà.
Nghị quyết này chỉ phổ biến đến huyện uỷ.
T/M Bộ Chính trị

 Trường Chinh

http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/van-kien-dang-toan-tap/doc-5101520152500356.html

Thursday 18 February 2016

Nguồn gốc của phở (Vương Trung Hiếu - Văn Chương Việt)

 

Nguồn Gốc Của Phở Vương Trung Hiếu

 
Nhân đọc bài Phở Việt Nam trên Văn chương Việt, chúng tôi thử đi tìm cội nguồn của món ăn này trên Internet. Thật bất ngờ, khi gõ từ khóa nguồn gốc của phở vào ô tìm kiếm Google chúng tôi thấy hàng trăm bài viết về vấn đề này và nhận ra rằng… người ta đã nói quá nhiều về phở, nhưng chưa thống nhất quan điểm về nguồn gốc. Vì thế, chúng tôi xin phép tham gia “cuộc tọa đàm”này, hy vọng rằng có thể làm sáng tỏ đôi điều...
 
Phở ra đời từ năm nào?
 
Có thể khẳng định rằng tính đến năm 1838, từ “phở” chưa xuất hiện trong từ điển, bởi vì trong năm này, quyển Dictionarium Anamitico Latinum của AJ.L Taberd (còn gọi là Từ điển Taberd) được xuất bản lần đầu, nhưng trong đó không có từ “phở”. Theo nhà nghiên cứu Đinh Trọng Hiếu, chữ phở lở xuất hiện trong từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của (1896) với nghĩa là “nổi tiếng tăm”(trang 200). Năm 1898, phở có mặt trong Dictionnaire Annamite-Français của  J.F.M. Génibrel với nghĩa là “ồn ào” (trang 614). Trong bài Essai sur les Tonkinois (Khảo luận về người Bắc Kỳ) đăng trên Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương) ngày 15-9-1907, Georges Dumonutier đã giới thiệu nhiều thức ăn uống phổ biến ở miền Bắc vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nhưng không hề nhắc tới món phở. Đến năm 1931, từ phở có nghĩa là một món ăn mới bắt đầu xuất hiện, ít nhất là trong quyển Việt Nam Tự Điển của Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến Đức (NXB Mặc Lâm): phở “do chữ phấn mà ra. Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò: Phở xào, phở tái” (trang 443) (1). Một khi từ phở đã xuất hiện trong từ điển thì ta có quyền tin rằng món ăn này đã phổ biến. Thật vậy, trong tác phẩm Nhớ và ghi về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Công Hoan viết: “1913... trọ số 8 hàng Hài... thỉnh thoảng, tối được ăn phở (hàng phở rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3 xu,5 xu)”(2). Từ yếu tố này ta có thể khẳng định phở đã ra đời từ đầu thế kỷ 20.
 
Nguồn gốc của phở
 
Hiện nay, có ba quan điểm chính, cho thấy sự khác nhau về nguồn gốc của phở, đó là : phở xuất phát từ món pot-au-feu của Pháp, từ  món ngưu nhục phấn của Trung Quốc và cuối cùng là món xáo trâu của Việt Nam. Chúng ta sẽ lần lượt tham khảo từng quan điểm để xem phở thật sự có nguồn gốc từ đâu.
 
Gốc Pháp
 
Có giả thuyết cho rằng phở bắt nguồn từ món pot-au-feu của Pháp. Phở là  cách nói tắt của pot-au-feu (nói trại âm tiết feu). Quan điểm này được củng cố bằng quyển Dictionnaire Annamite-Chinois-Français của Gustave Hue (1937) với định nghĩa: “Cháo phở: pot-au-feu” (trang 745).
Món pot-au-feu (ảnh: Wikipedia)
 
Chúng tôi thật sự không hiểu: pot-au-feu là món thịt bò hầm của Pháp, nước có thể làm súp, chế biến nước sốt, nấu rau hay mì ống, tại sao lại có thể ghép món này với cháo phở của Việt Nam, cho dù trong giai đoạn ấy, do ảnh hưởng người Pháp, người Việt đã bắt đầu làm quen với việc ăn thịt bò và đã biết nấu món cháo thịt bò. Trên thực tế, xét về nguyên liệu, cách chế biến và cả cách ăn  thì phở và pot-au-feu là hai món hoàn toàn khác nhau,. Theo Wikipedia, pot-au-feu là  món thịt bò hầm với cà rốt, củ cải, tỏi tây, cần tây, hành tây; kết hợp với rau thơm, muối, tiêu đen và đinh hương… Thịt bò sử dụng cho món này thường dầy và to (chưa kể đuôi, xương sườn, sụn, cổ chân…), trong khi đó thịt bò trong phở lại mỏng và nhỏ; mặt khác, những thứ như cà rốt, củ cải, tỏi tây… không phải là nguyên liệu để làm phở, mùi vị pot-au-feu cũng không giống như phở. Người Pháp ăn món này với bánh mì, khoai tây, dùng muối thô, mù tạt Dijon, đôi khi cũng ăn với dưa chuột ri ngâm giấm chứ không ăn với bánh phở. Do đó, thật sai lầm khi cho rằng phở có nguồn gốc từ món pot-au-feu.
 
Gốc Trung Quốc
 
 
Đây là giả thuyết mà nhiều người đồng ý nhất. Người ta cho rằng phở có nguồn gốc từ món Ngưu nhục phấn 牛肉粉 của Trung Quốc, một món làm từ bún và thịt bò (ngưu牛: bò; nhục 肉: thịt và phấn 粉: bún, bột gạo dạng sợi). Món này đọc theo tiếng Quảng Đông là Ngầu- yụk -phẳn. Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Trung Quốc đã bán món Ngưu nhục phấn tại Hà Nội. Ban đêm họ đi rao hàng “ngầu.. yụk..phẳn ..a” rồi dần dần hô tắt còn “yụk …phẳn…a” rồi “phẳn…a” và cuối cùng hô trại thành “phở”. Quan điểm này giống như ghi nhận trong quyển Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (đã nêu trên): phở “do chữ phấn mà ra”.
 
Củng cố thêm là định nghĩa về phở trong quyển Dictionnaire Annamite-Chinois-Français (Từ điển An Nam-Trung Hoa –Pháp) của Gustave Hue (1937), trong đó có đoạn: “Abréviation de “lục phở: phở xào: beignet farci et sauté” nghĩa là “viết tắt của từ “lục phở”: phở xào: thứ bánh có nhân và được chiên”. Nhiều người thắc mắc, không biết “lục phở” là cái gì. Theo chúng tôi đây là từ có thật. Tương truyền rằng ngày xưa, các cụ đồ làng Mịn (xã Văn môn, Yên phong, Bắc Ninh) có sáng tác một bài thơ nói về chợ Đồng Xuân, để các cô đi chợ ngâm nga giải trí trên đường đi, trong đó có câu liên quan tới “lục phở”, xin trích đoạn sau:
----
Cổng chợ có chị bán hoa
Có chú đổi bạc đi ra đi vào
Có hàng lục phở bán rao
Kẹo cao, kẹo đoạn, miến sào, bún bung
Lại thêm bánh rán, kẹo vừng
Trước mặt hàng trả, sau lưng hàng giò
……
Trong quyển Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais của Eugèn Gouin (Saigon, 1957) có một đoạn viết về từ “lục phở”: “abréviation de "lục phở": bouilli - cháo - pot au feu”…, “Lục phở: prononciation cantonaise des caractères chinois: (ngưu) nhục phấn" bouilli de boeuf. Vậy, “phở” là từ rút ngắn của " lục phở", còn "lục phở" là từ phát âm của "(ngưu) nhục phấn" trong tiếng Trung Hoa.
 
Đến năm 1970, Nhà sách Khai Trí ( Sài-gòn) xuất bản quyển Việt Nam Tự-điển, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính thì quan điểm này càng thêm phần vững chắc hơn, trong đó định nghĩa “phở” như sau: “Món ăn bằng bột gạo tráng mỏng hấp chín xắt thành sợi nấu với thịt bò (do tiếng Tàu “Ngầu-dục-phảnh” tức “Ngưu-nhục-phấn” mà ra: Ăn phở, bán phở”, trang 1169, tập 2).
 
Thật ra, những quan điểm trên chỉ cho thấy chữ “phở” có nguồn gốc từ tên Ngưu nhục phấn, nhưng đáng tiếc là  nhiều người lại nghĩ rằng phở là Ngưu nhục phấn, hoặc “cách tân” từ  món Ngưu nhục phấn, chế biến cho hợp với khẩu vị của người Việt. Một số người lại dựa theo bài “Phở, phởn, phịa…” của Nguyễn Dư, dẫn chứng quyển Technique du peuple annamite (Kỹ thuật của người An Nam, 1908 - 1909) của Henri Oger (3) để củng cố quan điểm này. Họ giới thiệu hai bức tranh khắc, bức đầu tiên (mang số 26 trong tập tranh 4577 bức) miêu tả một người đàn ông với gánh hàng rong, kèm theo chú thích “Chinois vendeur ambulant à la tombée de la nuit” (Người Tàu bán hàng trong buổi tối - Trần Đình Bình dịch). Nhưng họ không thể khẳng định người đàn ông ấy bán cái gì, chỉ bảo rằng gánh hàng trông giống như gánh phở ở Hà Nội ngày xưa); bức còn lại là hình vẽ một thùng chứa có dòng chữ hàng nhục phấn  行肉粉, họ cho rằng giống như thùng của gánh hàng trong bức đầu tiên. Thế là họ vội khẳng định dòng chữ ấy nói về món Ngưu nhục phấn 牛肉粉, và bán Ngưu nhục phấn có nghĩa là bán phở, hay nói cách khác, phở chính là Ngưu nhục phấn (!). Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ bức tranh thứ nhất ta sẽ thấy rằng người bán hàng có tóc đuôi sam, vậy người đó là Hoa kiều, bán món nhục phấn 肉粉 ở Hà Nội chứ không phải người Việt Nam bán phở. Rất tiếc là không ai miêu tả gánh hàng Ngưu nhục phấn ra làm sao để đối chiếu với gánh phở. Có khả năng gánh “nhục phấn” giống gánh “phở” chăng?  
 
Theo chúng tôi, ngưu nhục phấnphở là hai món ăn khác nhau. Từ điển bách khoa Baike của Trung Quốc cho biết, tùy theo địa phương, nguyên liệu và cách chế biến ngưu nhục phấn có thay đổi đôi chút, song nhìn chung, nguyên liệu gồm có: thịt bò, nước súp, bánh bột sợi, củ cải chua, dưa cải bắp, bơ, hành, tiêu, hồi, dâu tây, rau thì là, quế, muối, gừng, hạt tiêu đỏ sấy khô, rau mùi tây, ớt khô, bột ngọt, tinh dầu hạt cải…Trong khi đó, thành phần chính của phở gồm có sợi phở, nước dùng (ninh từ xương ống lợn/bò và một số gia vị khác), thịt bò bắp (để làm thịt chín), thịt thăn mềm (để làm thịt tái), con sá sùng, tôm nõn, hành khô, gừng, dứa, hạt nêm, thảo quả nướng, hành tây, hành hoa, húng bạc hà, chanh, ớt, rau thơm…
 
Xét về nguyên liệu, ngưu nhục phấn sử dụng củ cải chua, dưa cải bắp, bơ, tinh dầu hạt cải…những thứ không dùng để chế biến phở; ngược lại phở sử dụng con sá sùng (có thể thay bằng bột ngọt), tôm nõn, dứa, chanh, ớt, rau thơm…những thứ không thấy khi làm món ngưu nhục phấn.
 
Cách chế biến hai món này cũng khác nhau, do khá dài dòng nên chúng tôi không trình bày ở đây, mời bạn đọc tìm hiểu thêm từ những clip giới thiệu cách làm ngưu nhục phấn và phở trên YouTube. Còn khi nhìn hình dưới đây (bên trái) bạn sẽ thấy nước phở trong, bánh phở nhỏ; còn hình bên phải là món ngưu nhục phấn 牛肉粉,  có nước sẫm màu, cọng to như bún, nhìn trông giống món bún bò Việt Nam.  
 
Gốc Việt Nam
 
Trước hết, xin phép nhắc lại đôi điều về chữ Nôm để nhằm khẳng định món phở là của Việt Nam. Song song với việc sử dụng chữ Hán, chữ Nôm dần dần trở thành văn tự chính của nước ta đến cuối thế kỷ 19. Sang đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp quyết định giải thể việc thi cữ bằng chữ Nho (năm 1915 ở Bắc Kỳ và 1919 ở Trung Kỳ). Họ dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Nôm để làm văn tự chính thức ở nước ta từ năm 1908. May mắn thay, cái từ phở viết bằng chữ Nôm đã kịp thời xuất hiện để chúng ta thấy rằng phở chẳng liên quan gì tới phấn 粉 trong Ngưu nhục phấn  牛肉粉. Nhìn chung, có một số cách cấu tạo chữ Nôm, ở đây chúng tôi nêu một cách tạo ra chữ phở để bạn đọc đối chiếu với từ phấn:
 
- Thứ nhất, cách vay mượn nguyên xi một chữ Hán để tạo ra một chữ Nôm có cách đọc và nghĩa khác với chữ Hán đó. Thí dụ: mượn chữ biệt 別(cách biệt, khác biệt) để tạo chữ Nôm biết 別(hiểu biết); mược chữ đế 帝 (vua chúa) để tạo ra chữ Nôm đấy 帝 (tại đấy, xem đấy…).
- Thứ hai, cách ghép hai chữ Hán với nhau để tạo ra một chữ Nôm. Chữ thứ nhất là thành tố biểu ý, chữ thứ hai là thành tố biểu âm. Thí dụ: mượn chữ nguyệt 月 (biểu ý) + thượng 尚 (biểu âm) để tạo chữ Nôm tháng; mượn chữ thượng 上 (biểu ý) +  thiên 天 (biểu âm) để tạo chữ Nôm trời.
 
Vậy có bao nhiêu chữ Nôm đọc là phở?
 
Theo những tự điển mà chúng tôi đã tham khảo, từ phở xuất hiện trong phở lở gồm có ba chữ (𡂄 và 㗞, đều thuộc bộ khẩu; 頗, thuộc bộ hiệt); còn từ phở trong bánh phở có một chữ (普, thuộc bộ Nhật, âm Hán Việt là phổ); riêng từ phở với nghĩa là món phở thì gồm hai chữ Hán ghép lại: mễ 米+ phả .
 
Những thí dụ trên cho thấy hai chi tiết đáng chú ý sau:
 
1. Bánh phở bò: trong Từ điển nhật dụng thường đàm, mục Thực phẩm (食 品 門 Thực phẩm môn) có đoạn giải thích về “bánh phở bò” bằng chữ Nôm. Chúng tôi sắp xếp lại cho dễ đọc: “Chữ Hán: 玉 酥 餅 (âm Hán Việt: ngọc tô bính) giải thích bằng chữ Nôm: 羅 普 (là 羅 bánhphở 普 bò); tiếng Anh : rice noodle. Ta thấy gì?
 
普 là một chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt là phổ. Người Việt xưa đã mượn nguyên xi chữ này để tạo ra chữ Nôm đọc là phở.  Tuy nhiên, cách giải thích của Từ điển nhật dụng thường đàm khiến chúng tôi rất phân vân, bởi vì từ tiếng Anh rice noodle có nghĩa là phở, tức món phở mà ta đang bàn, song chữ Hán玉 酥 餅 (ngọc tô bính) lại nói về một loại bánh khác, vì trong đó 酥 có nghĩa là món ăn làm bằng bột nhào với dầu. Thí dụ: hồng đậu ngọc tô bính 红豆玉酥 (bánh ngọt nhân đậu đỏ), hạch đào tô ( bánh bột trái đào). Vậy từ phở 普 ở đây dùng để chỉ món phở hay bánh bột? Đây là điều cần phải xem lại.
 
2. Theo Từ điển chữ Nôm của Hội bảo tồn di sản chữ Nôm (VNPF), hai chữ Hán: mễ 米 (biểu ý) kết hợp với phả (biểu âm) tạo thành một chữ Nôm có nghĩa là phở(trong cơm phở). Đây là cách ghép từ rất đáng chú ý, vì mễ 米 có nghĩa là gạo, biểu ý cho món ăn chế biến từ gạo (bánh phở); còn phả đọc theo tiếng Hoa là “pho” hoặc “phỏ”, dùng làm từ biểu âm để tạo ra chữ phở là rất hợp lý.
 
Bây giờ, xét về ngôn ngữ, chúng ta xem thử những chữ Nôm phở (𡂄, 㗞, 頗, 普) có liên quan gì với chữ Hán phấn 粉 trong ngưu nhục phấn 牛肉粉 không, đặc biệt là chữ phở  trong món phở? Xin thưa, chẳng có liên quan gì cả. Nếu thật sự phở là từ đọc trại từ chữ phấn 粉, tại sao người Việt xưa không mượn nguyên xi chữ này để tạo ra chữ Nôm đọc là phở ? Vì điều này tiện hơn là mượn một chữ khác?  Nói rộng hơn, chữ Nôm 𤙭 trong phở bò cũng chẳng có liên quan gì tới chữ ngưu 牛 trong tiếng Hán.
 
Tóm lại, chữ Nôm phở hay phở bò  𤙭 cho thấy rằng người Việt xưa rất chủ động trong cách dùng từ, mục đích nhằm khẳng định rằng “phở” là một món ăn hoàn toàn Việt Nam, chẳng dính dáng gì tới ngưu nhục phấn 牛肉粉 của Trung Quốc.
 
Vậy phở có nguồn gốc từ đâu?
 
Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng phở có nguồn gốc từ món xáo trâu rất phổ biến ở miền bắc, đặc biệt là ở Hà Nội vào đầu thế kỷ 20. Để làm món này người ta chuẩn bị nguyên liệu : thịt trâu thái mỏng (ướp gia vị cho thấm), hành lá, hành ta (tím), tỏi, mỡ, rau răm cắt dài 1 đốt ngón tay, khế chua cắt ngang…Sau đó họ xáo (xào) thịt trong chảo khoảng 30 giây rồi đổ ra bát riêng, kế tiếp bỏ khế vào, đảo đều tới lúc khế chuyển sang màu trắng; rồi cho thịt, rau răm và hành vào, đảo cho tới lúc tỏa mùi thơm (khoảng một phút) ; cuối cùng họ chế nước vào, để lửa liu riu. Khi ăn, họ lấy bún cho vào bát, sau đó gắp vài miếng thịt trâu bày trên mặt bún rồi chan nước xáo thịt vào.
 
Nhìn chung, xáo trâu là món ăn thông thường ở các chợ nông thôn, xóm bình dân của Hà Nội ngày xưa. Trước năm 1884, việc nuôi bò ở miền bắc chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp, người Việt chưa có thói quen ăn thịt bò, nhưng ít nhiều gì người Hà Nội cũng đã từng ăn món Ngưu nhục phấn do Hoa kiều bán rong trên đường phố.
 
Có nhà nghiên cứu cho rằng vào thời đó, thịt bò bị chê là nóng và gây nên chẳng mấy người mua, giá bán rất rẻ, chỉ có người Pháp mới ăn thịt bò. Và chính vì thế một số người bán xáo trâu mới chuyển sang bán xáo bò. Thật ra không phải vậy. Thịt bò thời đó khan hiếm và đắt tiền. Theo nhà nghiên cứu Vũ Thế Long, trước năm 1885 “các quan chức Tây còn không có đủ thịt bò mà ăn nói chi đến người Việt. Ngay cả đến những năm 40-50 của thế kỉ trước, khi phở đã khá thịnh hành và thành món ăn “gây nghiện” cho một tầng lớp người khá giả ở Hà Nội thì việc cung cấp thịt bò ở Hà Nội cũng không phải dư giả cho lắm. Trong bài Phở Gà, Nhà văn vũ Bằng đã phải thốt lên: “Ở Hà nội có hai ngày trong tuần mà những người “chuyên môn ăn phở” bực mình: thứ sáu và thứ hai. Hai ngày đó là hai ngày không có thịt bò. Anh nào nghiện thịt bò, nhớ thịt bò hai hôm ấy như gái nhớ trai, như trai nhớ gái”…”.
 
Nhìn chung, từ khi người Pháp vào nước ta, người Việt đã chịu ảnh hưởng phần nào thói quen ăn uống của người Pháp. Dân ta đã bắt đầu ăn khoai tây, súp lơ, su hào, cà rốt, bánh mì, bơ, phó mát…, đặc biệt là thịt bò. Những món ăn mới có thịt bò dần dần xuất hiện, đó là cháo bò và xáo bò... Xáo bò là một món “biến tấu” từ xáo trâu. Tuy nhiên, do thịt bò ăn với bún không hợp lắm nên người ta mới nghĩ ra cách ăn với những loại bánh khác, trong đó có loại bánh cuốn chay mỏng phổ biến ở Hà Nội rồi cuối cùng “sánh duyên” lâu dài với bánh phở. Phải chăng, để phân biệt với món xáo bò, người ta đã nghĩ ra từ phở bò, xuất phát từ việc ăn bánh phở với thịt bò ? Nếu bánh phở  là từ xuất hiện trước món phở thì ta có quyền tin vào giả thuyết này. Và nếu đúng vậy thì phở là từ nằm trong bánh phở  chứ không phải do đọc trại  chữ phẳn 粉 theo giọng Quảng Đông.
 
Phần viết thêm
 
Trong từ điển Wikipedia bản tiếng Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đều có mục riêng viết về phở và gọi đích danh là “ Phở”, chứ không gọi bằng tên món ăn nào đó của Pháp hay Trung Quốc. Điều này cho thấy thế giới công nhận “phở” là một món ăn của Việt Nam. Riêng bản Trung văn, mục viết về phở có tựa đề là 越南粉 (Việt Nam phấn), cũng cho thấy rằng người Trung Quốc công nhận “phở” là món ăn Việt Nam. Do đặc điểm về ngôn ngữ, trong phần nói về nguồn gốc của từ phở, họ chú thích hình ảnh tô phở là 越 南牛肉粉 (Việt Nam ngưu nhục phấn), có thể dịch là “phở bò Việt Nam”. Viết như thế thì chấp nhận được. Nhưng có những website dạy tiếng Trung Quốc lại ngang nhiên giảng phở bò Ngưu nhục phấn  牛肉粉 thì thật đáng báo động (!).

(1) Nguồn gốc và sự ra đời của phở của Vũ Thế Long.

(2) Nguyễn Công Hoan. Nhớ và ghi về Hà Nội, NXB Trẻ 2004.
(3) “Kỹ thuật của người An Nam” (tựa tiếng Pháp: “Technique du peuple Annamite”, tựa tiếng Anh: “Mechanics and crafts of the Annamites”) là một công trình nghiên cứu văn minh vật chất ở An Nam khoảng 100 năm về trước, chủ yếu phản ánh cuộc sống của người Hà Nội. Quyển này tập hợp 4577 bức tranh khắc, do Monsier Henri Oger (người Pháp) và những nghệ nhân người Việt Nam thực hiện trong hai năm (1908 – 1909), phát hành với số lượng hạn chế (60 bản). (theo Wikipedia tiếng Việt).
 
 
Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 5568
Ngày đăng: 17.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18940