Sunday 22 January 2017

Phiếm luận về danh xưng với học vị, học hàm (Trần Hữu Dũng - Viet-Studies)

Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
Xuân Đinh Dậu (2017)

(http://www.viet-studies.net/THDung/THDung_GSTS.htm)

Phiếm luận về danh xưng với học vị, học hàm

Trần Hữu Dũng

Khi mới từ nước ngoài trở về Việt Nam, không ít người có cảm giác lạ lẫm khi đọc báo thấy những trí thức khoa bảng luôn được kèm theo danh hiệu Giáo Sư (GS), Phó Giáo Sư (PGS), Tiến Sĩ (TS), và nhất là khi những danh hiệu này đi kèm nhau: GS TS, PGS TS.[1]  Thậm chí, nhiều bạn đã có tiến sĩ, là giáo sư ở nước ngoài, cảm thấy ngượng ngùng, bối rối khi “được” gọi như vậy trên các phương tiện truyển thông đại chúng, không liên hệ gì đến học thuật, ở Việt Nam.  Hơi ngượng, khá bối rối, nhưng rồi lại không dám yêu cầu báo chí không gọi là tiến sĩ vì như thế lại e bị hiểu lầm là lập dị, là “kênh kiệu ngược” (reverse snobbery)

Thực ra, so với vô số đại sự của quốc gia thì chuyện danh xưng này quả là “nhỏ như con thỏ”, nhưng nhân dịp Tết nhứt, xin có đôi dòng phiếm luận để giải khuây cho bạn đọc.

Bằng tiến sĩ chứng tỏ điều gì và để làm gì?[2]

Ai đã lấy PhD ở Mỹ đều biết rằng bằng cấp này chỉ là một cái vé vào cửa để được phỏng vấn khi đi xin việc ở các đại học, các viện nghiên cứu ở nước ngoài. Thế thôi. Theo nhà kinh tế nổi tiếng Michael Spence (Nobel 2001) thì bằng cấp (do một đại học có uy tín cấp) cốt yếu là một tờ giấy chứng nhận cho những người không có cách nào khác để chứng tỏ khả năng (trong đó có sự kiên trì) của mình.  Spence giải thích: Một người có thực tài, ai nhìn cũng thấy ngay, thì không cần bằng cấp khi đi xin việc!  Nói theo thuật ngữ kinh tế: Bằng cấp là một “tín hiệu cho thị trường”.

Tiến sĩ là một bằng cấp tối hậu (terminal degree) của hệ thống giáo dục hiện đại, nhưng nó chỉ là một (trong nhiều) chỉ dấu của trí thức. Và ngay khi là chỉ dấu như thế, nó cũng không là chỉ đấu tột bực. Ở các nước có một nền học thuật lâu đời, bằng tiến sĩ chỉ là một tấm vé để bước chân vào ngưỡng cửa của cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học. Nó không phải là “vinh quang” tối hậu của một sự nghiệp học thuật.  Uy tín của một nhà nghiên cứu, của một giáo sư tùy thuộc hoàn toàn vào những thành tựu của người ấy sau khi đã có tiến sĩ (Einstein, chẳng hạn, không cần ai gọi mình là GS TS!). Thậm chí, một nhà khoa học xuất chúng, dù không có bằng tiến sĩ vẫn được xã hội nễ trọng hơn những người có tiến sĩ, nếu người ấy có một sự nghiệp học thuật tầm vóc.

Đi đâu cũng tự xưng, hay đòi người khác gọi mình là Giáo Sư Tiến Sĩ (dù là giáo sư tiến sĩ thật, không phải dỏm), không chỉ là làm dáng, phô trương, nhưng còn cho mình một cảm giác (thường) sai lầm về những thành tụu thật sự của bản thân, rằng mình hiện đã đạt đến tột đỉnh của học thuật, và khó tránh khỏi sự tự mãn đầy kiêu căng. Không gì “phản trí thức” hơn phong thái ấy.

Tự xưng và gọi nhau là GS TS thì có hại gì?

Nhiều người sẽ bảo, dù các cơ quan truyền thông có tâng bốc các giáo sư tiến sĩ, không bao giờ quên kèm theo học vị học hàm khi viết tên họ, thì có hại gì ai? Sao không xem đó như phản ảnh sự kính trọng “kẻ sĩ” của văn hóa Việt Nam? Vâng, nhìn từ một góc cạnh nhỏ hẹp thì quả việc này là không đáng kể so với những vấn đề trọng đại của đất nước.  Tuy nhiên, nó có thể liên hệ đến những hiện tượng khác làm suy giảm chất lượng đòi sống của chúng ta. Chẳng hạn như:

Bằng cách tung hô danh xưng GS, PGS, TS... các cơ quan truyền thông vô tình đơn điệu hóa thang trí thức học thuật, và từ đó, đến giá trị xã hội.  Bởi, như đã nói, những học hàm, học vị này là chức vụ trong lãnh vực giáo dục, là một chỉ dấu của khả năng nghiên cứu.  Chúng không nhất thiết có hàm ý nào về giá trị toàn diện của con người (mà phần chính, hiển nhiên, là đạo đức).  Gắn kết học vị học hàm, mà không một đặc điểm nào khác, với danh tính một người là mặc nhiên đưa nó lên vị trí hàng đầu.  Nói thẳng ra, theo ý người viết bài này, chính “thói quen” này của giới truyền thông đã giúp duy trì nạn “sính bằng cấp” trong xã hội Việt Nam.

Nạn sính bằng cấp, từ đó, sẽ có hậu quả dễ hiểu đến chất lượng tiến sĩ: Khi mà sự ham muốn bằng cấp không thể được thỏa mãn vì khả năng học tập và nghiên cứu của “đương sự” là “có hạn” thì tất nhiên sẽ sinh ra những tiến sĩ dỏm, những luận văn không đáng được gọi là luận văn. Báo chí đừng gọi họ là tiến sĩ nữa thì chất lượng tiến sĩ sẽ khá lên, vì lúc ấy chỉ những người thật sự có năng lực, có trí tuệ, đam mê nghiên cứu, giảng dạy... mới bỏ công dùi mài kinh sách trong một chương trình tiến sĩ, loại bỏ những “phần tử” “sinh ra không phải để theo đuổi học thuật” (mà trong một xã hội bình thường là hoàn toàn bình thường, không có gì để mặc cảm), chạy chọt lấy "tiến sĩ' chỉ vì hám danh.  Gạn lọc những phần tử “không thích hợp” này thì chất lượng tiền sĩ đương nhiên sẽ khá lên!

“Giải pháp”

Báo chí vô tình cũng là tòng phạm trong hiện tượng này.  Vì thói quen, hay để “tâng bốc” đương sự, báo chí ít khi quên gọi một giáo sư tiến sĩ là GS/PGS TS.  Bởi vậy, tôi nghĩ, các giáo sư tiến sĩ khi được phòng vấn, hãy nói thẳng với phóng viên là không cần để là GS TS trước tên ông/bà. 

Song, phải nhìn nhận, đây là một tập quán khó thay đổi.  Nếu một cá nhân muốn như thế và yêu cầu người phỏng vấn mình làm như thế thì cũng chưa chắc nhà báo sẽ nghe theo, vì nhà báo cũng muốn được hãnh diện là họ phỏng vấn một vị “giáo sư, tiến sĩ” chứ không phải “thường dân”!

Vậy, có vài đề nghị:

(1) Nếu người ấy có hiện giữ một chức vụ khác (Bộ trưởng, Chủ tịch...) thì chỉ nên dùng những chức vụ hiện tại, không cần phải thêm là GS TS gì cả.

(2) GS, hoặc TS là đủ, không cần gọi cả hai (GS TS).  Ở các quốc gia có những danh hiệu này lâu đời, hầu hết giáo sư đều có tiến sĩ, gọi GS TS là thừa.  Nên để ý rằng tiến sĩ có thể không là giáo sư (chẳng hạn như những nhà khoa học làm việc trong các viện nghiên cứu)

(3) Chỉ tự xưng là giáo sư hay tiến sĩ trong những hoàn cảnh mà danh hiệu ấy chuyển tải một thông tin có ich cho người đọc/nghe, và nếu người đối thoại không biết thông tin ấy.[3]  Theo tôi, chỉ nên gọi giáo sư (hoặc tiến sĩ, không cần cả hai) trong khuôn viên đại học, viện nghiên cứu, hoặc trong các hội nghị, hội thảo khoa hoc.

Tôn vinh những người có đạo đức, thực tâm, thực tài là một điều xã hội nên làm.  Nhưng để tôn vinh những người xứng đáng, và với sự trân quý thật lòng, xã hội không nên dừng lại ở danh hiệu tiến sĩ mà phải chịu khó tìm biết xem người ấy có những công trình nghiên cứu, những đóng góp khoa học nào, dạy ở trường nào, bao nhiêu năm... và thể hiện sự nễ trọng (nếu thấy họ xứng đáng) bằng cách nghiêm túc lắng nghe ý kiến của họ, đọc những gì họ viết.   Dù rằng việc kiểm chứng ấy sẽ không dễ đối với đa số không quen thuộc với môi trường học thuật (nhưng lắm khi Google vài phút là biết ngay!), song đó cũng là một cách nâng cao kiến thức của mọi người.  Một trí thức đích thực sẽ vô cùng cảm kích khi đối thoại với một người quan tâm đến nghiên cứu của mình, được nghe những câu hỏi phản ảnh một sự hiểu biết về công việc và những thành tựu của trí thức ấy.  Đó là cách tốt nhất để tôn vinh “tiến sĩ”!

Trần Hữu Dũng
15/12/2016


 


[1] Nhiều quốc gia khác, như Nga, Đức, cũng có phong tục này, nhưng tôi không biết nhiều về bối cảnh xã hội và truyền thống lịch sử của họ nên chỉ xin nói về trường hợp Việt Nam.  Đèn nhà ai nấy sáng!
[2] Xin nói rõ, đây là nói về bằng tiến sĩ “thật”.  Dường như vấn nạn tiến sĩ dỏm, tiến sĩ kém chất lượng, cũng rất trầm trọng ở Việt Nam, nhưng đó là một vấn đề khác.
[3] Ví dụ,  nếu trên máy bay có một hành khách ngả bệnh, và nếu bạn là bác sĩ, thì bạn có quyền (đúng ra là bổn phận!) hô lớn: Tôi là bác sĩ!  Nhưng bạn không cần phô trương học hàm học vị của bạn với người bán cà phê chẳng hạn!

Saturday 21 January 2017

Bán nguyên âm là gì?




Âm lâm. Chữ là chữ. Trẻ con bên Tây Úc học phân biệt nguyên âm và bán nguyên âm như sau:



 Các nhà ngữ học có sợ không?

Ông bà ta có câu Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Nhưng dường như với một số người, muốn tìm được một cái cột để mà dựa cũng là chuyện vượt quá giới hạn của năng lực.

Thursday 19 January 2017

Mỗi khi chửi tục người Việt phải cúi đầu bao nhiêu lần?




Sách Tiếng Việt Đơn Giản (2013) của trường Việt Ngữ Tây Úc mô tả thanh điệu trong tiếng Việt như sau:




Theo cách mô tả này, tất cả những ai chửi đ.m. đầu phải cúi gầm (sic) xuống hai lần. Nếu chửi con c., chmột lần lđủ. Nhưng nếu khen vợ đẹp, đầu lại phải cúi hai lần!

Tác giả khoe sách được meritus professor Bửu Khải hướng dẫn, nhưng ông giáo sư này không chđược cho học trò của mình biết gầm vgằm khác nhau thế nào. 

Wednesday 18 January 2017

Vôi ve sao lại màu vàng?





Bài “Bảo quản di tích không thể như quét vôi nhà” (báo Tiền Phong, Toan Toan, 06:35 ngày 18/01/2017) có đoạn như sau:
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội trả lời báo chí việc quét vôi Đoan Môn dựa theo gốc của lần tu bổ năm 1998, rằng màu vôi ve chỉ có sắc vàng như thế. Điều đó có đúng không thưa ông?
Ve (gốc Pháp vert) là màu xanh. Nguyễn Kim Thản et al. (2005:1783) giảng là tựa như màu lá mạ. Từ này cũng có mặt trong nhiều từ điển khác (Nguyễn Quảng Tuân et al. (1992:450), Lê Ngọc Trụ (1993:805), Nguyễn Như Ý et al. (1999:1806), Lê Phương Thanh (2001:1336), Hoàng Phê et al. (2006:1109) ...). Không ai hiểu ve có sắc vàng như thế. Nhưng dường như người làm nhà, xây nhà, sửa nhà bây giờ đều hiểu vôivôi trắng còn ve  vôi màu.

Saturday 31 December 2016

CẤU TẠO VÀ NGUỒN GỐC CỦA CHỮ NÔM CHỮ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM - Tomita Kenji


TB

LTS: Gần đây, chữ Nôm Việt Nam được nhiều người nước ngoài đặc biệt quan tâm nghiên cứu. Trong số những công trình đáng chú ý có chuyên luận "Cấu tạo và nguồn gốc của chữ Nôm - chữ của dân tộc Việt Nam" của Giáo sư Kenji Tomita đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 6/1979 của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Tokyo. Chuyên luận bao quát khá nhiều vấn đề về chữ Nôm: khái niệm, ý nghĩa và vị trí của chữ Nôm; cấu tạo và nguồn gốc của chữ Nôm, v.v.. Dưới đây, chúng tôi trích đăng phần đầu của chuyên luận, qua bản dịch của Lã Minh Hằng, để bạn đọc tham khảo.
I. Lời nói đầu
Điều rất thú vị khi xem xét lịch sử văn tự của một dân tộc nào đó là ở chỗ nó lưu lại đậm nét các dấu vết đã qua của dân tộc đó. Văn tự phản ánh một cách nhạy bén lịch sử của dân tộc.
Có thể nói, chữ viết tiêu chuẩn của tiếng Nhật, một loại ngôn ngữ có cấu tạo phức tạp nhất trong các ngôn ngữ trên thế giới, cũng khắc sâu các vết tích lịch sử lâu dài của dân tộc Nhật từ khi hình thành dân tộc Nhật tới nay. Nổi bật là việc người Nhật Bản vốn vẫn bị người nước ngoài chê "Dân tộc Nhật không sáng tạo" đã biết sử dụng năng lực chế biến, tiếp thu triệt để nền văn hóa Trung Hoa để khéo léo tạo ra một thứ văn tự cho mình lấy chữ Hán làm môi giới văn hóa. Điều đó có thể chứng minh bằng thực tế đại bộ phận lịch sử của dân tộc Nhật là lịch sử các cuộc đấu tranh với nền văn hóa Trung Quốc. Không cần chú ý đến chữ viết tiêu chuẩn hiện đại, họ đã vận dụng một cách giản đơn phương pháp ghi âm bằng cách lợi dụng cách đọc On, Kun ở chữ Hán(1), sử dụng hệ thống tư mẫu Hiragana bằng cách đơn giản hóa chữ Hán để dùng trong các bộ phận ghép vào, sử dụng Kata kana được tạo thành bằng cách mượn nguyên một bộ phận chữ Hán và giản lược đi để dùng trong các trường hợp đọc tiếng nước ngoài và các từ ngoại lai. Tuy nhiên, quá trình mà hệ thống phức tạp như vậy được hình thành chính là rất đơn giản như đã nói trên.
Nếu để ý đến Triều Tiên - Một nước cùng nằm trong vành đai văn hóa Hán, (vành đai văn hóa Trung Quốc) thì khác hẳn. Với Nhật Bản, Nhật Bản về mặt địa lý nằm trên cái đệm ở biển đối diện với Trung Quốc, do đó khả năng tiếp thu nền văn hóa Trung Quốc chậm chạp, Triều Tiên đối diện trực tiếp với Trung Quốc trên lục địa cho nên ảnh hưởng về chính trị và văn hóa không thể như nhau.
Xét về lịch sử của ngôn ngữ, người Nhật đã lợi dụng một cách triệt để các dạng thích hợp hoàn toàn với tiếng Nhật như "Manyogana" "Kakki kudashbun" đã được mượn hoàn toàn từ tiếng Hán. Trái lại, tuy cấu tạo ngôn ngữ rất giống tiếng Nhật, nhưng tiếng Triều rất hạn chế việc kiểm tra đối chiếu như trên. Rất nhiều trường hợp nó tiếp thu ở tiếng Trung Quốc một cách nguyên vẹn những dạng thuần túy. Và khuynh hướng này thay đổi việc bảo hộ đối với ngôn ngữ dân tộc. Phải bắt đầu từ năm 1443 với việc sáng tạo ra Hangurn (loại văn tự lớn). Kiểm tra đối chiếu loại văn tự này như đã biết, nó hoàn toàn khác với chữ Kana Nhật, mặc dù được hình thành trên cơ sở âm vận Hán ngữ, nhưng có thể nói nó là sự sáng tạo hoàn toàn, nó là sáng tác khéo léo của dân tộc Triều Tiên. Sau này, giống như tiếng Nhật, thời kỳ sử dụng chữ Hán kéo dài, đến 1949 mới hoàn toàn bị loại bỏ chữ Hán ở Bắc Triều Tiên, xác lập thành công thể chữ viết tiêu chuẩn theo nghĩa đen. Có thể nói, lịch sử văn tự của dân tộc Triều Tiên cũng in sâu vết tích lịch sử các cuộc đấu tranh với văn hóa Trung Quốc.
II. Định nghĩa về chữ Nôm
Có thể nói, chiếm một góc trong vành đai văn hóa Hán nói trên là Việt Nam. Một mặt, Việt Nam ở vào vị trí giữa của vành đai văn hóa Đông Á, có hoàn cảnh rất giống Nhật Bản ở chỗ cùng là điểm mà nhiều dân tộc dừng chân lại. Mặt khác, trong điều kiện địa lý tiếp giáp với Trung Quốc rất chặt chẽ, trên lục địa, Việt Nam cũng có điểm khá giống với Triều Tiên. Một điều hiển nhiên nữa là Việt Nam cũng giống Triều Tiên, cả hai nước cùng chịu sự thống trị lâu dài về chính trị của Trung Quốc, và cùng nảy nở nền văn hóa độc lập. Nói về mặt ngôn ngữ, tiếng Nhật và tiếng Triều, khác với tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ mang tính đơn lập cao, chúng thuộc loại hình ngôn ngữ chắp dính (ngôn ngữ Altai). Cả hai ngôn ngữ này đều khó tiếp thu sự đồng hoá ngôn ngữ một cách triệt để. Trong khi đó, tiếng Việt cùng loại hình ngôn ngữ với tiếng Trung Quốc, nguy cơ đồng hoá ngày có nét khác hơn. Lịch sử văn tự này có nét rất đặc trưng. Nó chịu sự chi phối của Trung Quốc vào năm 111 trước CN, trong vòng 840 năm, kể từ khi chữ Hán trở thành văn tự chính thức bắt đầu từ lúc có chế độ khoa cử (1075), cho đến khi không còn chế độ khoa cử vào năm 1915 (miền Trung 1918), chữ Hán với tư cách là văn tự chính thức, Hán văn trở thành văn chương chính thức ở nước này. Tức là đối với trí thức Việt Nam, việc thông hiểu Hán văn (tiếng Trung Quốc) là điều kiện không thể thiếu được. Có thể nói đó là việc quan trọng hơn việc thông thạo tiếng mẹ đẻ. Và thế là biết chữ thực tế không có gì khác là biết chữ Hán.
Nhu cầu ghi lại tiếng nói dân tộc: Cũng giống như người Nhật, người Triều Tiên, trong một bộ phận tầng lớp trí thức này sinh nhu cầu muốn ghi lại tiếng nói dân tộc. Lúc này, người Việt cũng giống như người Nhật nảy sinh ý nghĩ thử ghi lại tiếng nói dân tộc bằng cách dùng chữ Hán vốn đã có bên cạnh mình và gia công thêm một chút. Đó là việc nảy sinh văn tự gọi là chữ Nôm.
Chữ có nghĩa là văn tự, Nôm có nghĩa là lời nói hay là Nam (đối lập với Trung Quốc) cả từ này có nghĩa là văn tự của lời nói hay văn tự của nước Nam, nó đối lập với văn tự chính thống "chữ Nho" với ý nghĩa là văn tự của nhà nho.
Nhưng, việc đó không thành công như tiếng Nhật. Tiếng Nhật là ngôn ngữ đa âm tiết. Bằng phương pháp Manyogana gắn chữ Hán mang hình, âm giống với từng âm tiết cần ghi, hình thành một quy ước nhất định giữa chữ và âm, đồng thời giản lược hóa và tự mẫu hóa những chữ Hán ấy đi. Đối với người sử dụng, nếu ghi nhớ một số lượng chữ Hán nhất định, hay là ghi nhớ Hiragana (chữ Hán đã được giản lược hóa) là hoàn toàn có thể ghi lại từng âm tiết của tiếng mẹ đẻ mà không cần phải biết âm và nghĩa của chữ Hán. Nhưng tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập đơn âm tiết như tiếng Trung Quốc. Nó hoàn toàn giống tiếng Trung Quốc là mang tính chất văn tự biểu ngữ, cần có văn tự định sẵn cho từng tiếng một. Tức là, nếu nói về mặt lý thuyết, nó cần có từng văn tự cho từng âm tiết, từng từ, cho dù là đồng âm nhưng ý nghĩa khác nhau. Vả lại, vừa ghi bằng Kanamaziribun như ở tiếng Nhật, lại vừa ghi nguyên dạng những từ mượn từ tiếng Trung Quốc thì khó phân biệt đâu vốn là chữ Hán, đâu là chữ Nôm. Lại nữa, bộ phận biểu âm và bộ phận biểu ý của chữ Nôm phần lớn dựa vào âm và nghĩa của chữ Hán, nếu không am hiểu chữ Hán thì không được. Một số chuyên gia nói rằng do bọn thống trị ngăn cấm sử dụng văn tự dân tộc và đốt phá nền văn hiến này nên sự phát triển của loại văn tự này bị dừng lại và cuối cùng cũng không có được đặc tính phổ cập trong nhân dân. Nhưng thực tế không đúng như vậy. Chữ Nôm chẳng qua là một công cụ đặc biệt nằm trong một thể thống nhất với chữ Hán - một công cụ thống trị của giai cấp thống trị. Tuy nó rất có ích với tư cách là phương thức biểu hiện của chủ nghĩa lãng mạn dân tộc của tầng lớp tri thức tinh thông chữ Hán; nhưng phải thừa nhận một cách thẳng thắn rằng nó không có tính phổ biến mà chỉ tựa như "cái bánh vẽ" đối với người dân bình thường không có dịp được biết đến chữ Hán, văn Hán. Nếu vứt bỏ chữ Hán, cái tạo thành vỏ ngoài, thì đương nhiên cũng không còn lý do tồn tại chữ Nôm được. Nghĩa là, không thể nhìn thấy cái bên trong (cái nội dung) được biểu hiện ra bên ngoài. Thế nhưng, đối với trí thức Việt Nam trong điều kiện song ngữ thì chữ Nôm vẫn cứ là văn tự của dân tộc, nó có lý do tồn tại và có tác dụng hữu hiệu trong việc thể hiện tính dân tộc.
Trong lịch sử Việt Nam còn ghi lại một số người tích cực sử dụng chữ viết của dân tộc này với tư cách là văn tự chính thức như: vào khoảng năm 1400 khi triều Trần bị sụp đổ (1225-1339) có Hồ Quý Ly người dựng lên triều nhà Hồ; có Quang Trung Nguyễn Huệ (cuối TK XVIII) người ra đời từ phong trào Tây Sơn; Có Nguyễn Trường Tộ (1827-1871) học giả dưới triều Tự Đức đã tích cực kiến nghị với nhà vua về vấn đề này; đặc biệt có một số người đã khuyến khích phong trào sáng tác bằng chữ Nôm và tự mình cũng cầm bút viết như Lê Thánh Tông (1442-1497), Trịnh Kiểm (giữa TK XVI), Lê Quý Đôn (1726-1784)... Nhưng nỗ lực của họ không đi đến đâu mà lý do đương nhiên như đã nói ở trên. Thay vào đó là dùng hình thức văn tự có tính chất dễ phổ biến (tức chữ Latinh) để khích lệ tinh thần dân tộc. Dạng văn tự này, cũng giống Hiragana của Nhật Bản, chỉ cần biết một số quy ước nhất định giữa âm và chữ thì ai cũng có thể sử dụng được. Nó thâm nhập vào trong dân chúng một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong việc xóa bỏ nạn mù chữ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, nó chiếm vị trí là một dạng văn tự tiêu chuẩn. Và thế là, người ta đã không tiếc việc thay thế chữ Nôm bằng dạng văn tự chính thức là chữ Latinh, cái tên gọi được dùng là chữ Quốc ngữ.
III. Ý nghĩa của chữ Nôm
Chữ Nôm, như trên đã nói, chẳng qua là một nhánh của chữ Hán, là thứ văn tự mà bản thân nó không có sự thú vị nào. Nhưng việc nghiên cứu văn tự này sở dĩ có tầm quan trọng là vì dạng văn tự này chiếm một phần không nhỏ trong lịch sử Việt Nam. Nếu bỏ qua việc nghiên cứu văn tự này, bỏ qua việc nghiên cứu thấu đáo nền văn hiến được ghi lại bằng thứ văn tự này, thì ở mặt nào đó, việc nghiên cứu về Việt Nam sẽ không đem lại kết quả trọn vẹn. Nói như vậy không phải là quá lời, bởi vì dạng văn tự này không ghi lại tiếng Trung Quốc - Hán văn, mà nó chính là phương thức duy nhất ghi lại tiếng Việt - ngôn ngữ của dân tộc.
Trước tiên, hãy xem xét tầm quan trọng của nó từ góc độ nghiên cứu lịch sử. Dạng văn tự này rất tự nhiên không sử dụng để ghi lại chính sử, nhưng các tác phẩm tự sự trường thiên lịch sử được ngâm và được ghi lại dưới dạng thơ bằng tiếng Việt có rất nhiều, nó tạo thành một thể đối lập với chính sử được biên soạn theo lệnh của nhà vua và viết bằng chữ Hán. Tuy có thể nói nó thiếu giá trị của một tư liệu lịch sử, nhưng nó thể hiện đầy đủ thế giới quan lịch sử của bản thân người Việt. Những tác phẩm tiêu biểu.
- Đại Nam quốc sử diễn ca: do Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái soạn năm Tự Đức 23 (1870).
- Thiên Nam ngữ lục: chưa rõ tác giả. Sách ra đời vào cuối thế kỷ XVII.
Nhưng không chỉ có vậy. Chúng ta không nên quên rằng từng một thời gian dài có rất nhiều tác phẩm ghi lại bằng chữ Nôm như chiếu sắc, công văn, thư từ thông tin thương nghiệp... Nếu xem xét một sự thật là hồi đầu thế kỷ này, Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu (1867-1940) người kêu gọi đồng bào chống Pháp mở đầu cho phong trào Đông du của hội Duy Tân, được dịch ra tiếng Việt dưới dạng thơ lục bát và ghi lại bằng chữ Nôm có xen chữ Quốc ngữ, đã làm rung động trái tim của thanh niên, thì ta hoàn toàn có thể thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa thứ văn tự này và tiếng Việt Nam với lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thành tựu trong văn học: đóng góp của bộ phận chữ Nôm trong văn học là rất lớn. Tiếng Việt cũng giống như tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ rất thích hợp với văn vần. Hơn nữa, người Việt Nam vốn quen thuộc với thơ chữ Hán trong một thời gian dài, việc họ sáng tác thơ nhiều hơn với các hình thái văn học khác cũng không có gì là lạ. Nói cách khác, Hán Việt văn học(2) trên cơ sở được luyện tốt về thơ chữ Hán, cho dù bề ngoài là Hán văn, nhưng ngay bên trong, một thế giới mang tính chất dân tộc độc đáo lập tức được hình thành. Có thể nghĩ rằng nền tảng thơ bằng ngôn ngữ dân tộc được hình thành một cách nhanh chóng và đầy đủ dưới một kích thích nào đó. Thể thơ Hàn luật vốn cải biến từ thơ Đường luật và mang đậm nét tính chất Việt Nam. Trên cơ sở đó hoàn chỉnh thể thơ lục bát và song thất lục bát độc đáo, sáng tạo nên thế giới của thơ Quốc ngữ, thơ Quốc âm. Như vậy, cái duy trì và nuôi dưỡng nó, hiểu theo đúng nghĩa đen, đó chính là chữ Nôm.
Người Việt Nam khởi sáng ra thơ Quốc ngữ, phải kể là Hàn (Nguyễn) Thuyên (cuối TK XIII). Điều này căn cứ vào các đoạn ghi chép dưới đây ở sử sách:
1. Nhâm Nhọ Thiệu Bảo tứ niên (1282), mùa thu, tháng 8, có cá sấu đến Sông Lô, vua (Trần Nhân Tông) sai Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên làm văn ném xuống sông, cá tự bỏ đi. Vua thấy việc đó giống Hàn Dũ, bèn ban cho Nguyễn Thuyên họ Hàn" (Đại Việt Sử ký toàn thư Q.5,57).
2. "Nguyễn Thuyên, người Thanh Lâm, Hải Dương, giỏi làm thơ phú Quốc ngữ, nhiều người bắt chước theo. Về sau, gọi thơ Quốc âm là Hàn luật là từ đó" (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q.7,26a).
3. "Văn tự nước ta dùng nhiều Quốc ngữ từ thời Hàn Thuyên" (Hải đông chí lược A.103,38).
Trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú còn ghi lại tên cuốn Phi Sa tập, tập thơ Quốc ngữ của Hàn Thuyên. Đáng tiếc là tập thơ này không còn nữa.
Ngoài ra, trong sử sách, còn ghi tên những người giỏi thơ Quốc âm như Nguyễn Sĩ Cố (cuối TK XIII đầu TK XIV), làm quan Nội thị học sĩ dưới triều Trần Thánh Tông; Chu An (TK 14), Quốc tử giám Tư nghiệp dưới triều Trần Minh Tông; Hồ Quý Ly (cuối TK XIV đầu TK XV) người đã nói ở mục trước. Nhưng tác phẩm của họ không được truyền lại. Thơ Quốc âm dưới triều Trần mà họ đang sống thực tế đã được xác lập hay chưa; chưa đủ chứng cớ. Nhưng nếu thử xem xét: Sách Gia huấn ca(3) của Nguyễn Trãi (1380-1442) mà H. Maspéro đưa ra với tư cách là một tác phẩm Nôm cổ nhất hiện còn, các tác phẩm trong Quốc âm thi tập của ông Nguyễn Trãi hay các ghi chép trong sử sách nói rằng ông sưu tầm nhiều sắc lệnh và nhiều bài thơ viết bằng chữ Nôm của Hồ Quý Ly và dâng cho Lê Thái Tổ - người lãnh đạo của ông, thì có thể nghĩ rằng thơ Quốc âm được xác lập đầy đủ vào thời nhà Trần là hoàn toàn thỏa đáng (Đại Việt Sử ký toàn thư Q11.38a).
Mọi người đều biết rằng văn học chữ Nôm có lẽ đã nảy sinh và tồn tại liên tục từ đời nhà Trần (đầu TK XIII- cuối TK XIV). Cho đến đầu thế kỷ này và tiếp đó được đọc rộng rãi cũng như được phiên âm ra chữ Quốc ngữ - dạng chữ viết tiêu chuẩn hiện đại. Có thể nói đóng góp của chữ Nôm trong lịch sử văn học Việt Nam, trên thực tế còn có những điều không thể kể hết được, mặt khác nếu xem xét dạng văn tự này từ góc độ ngôn ngữ học, thì dẫu thế nào đi chăng nữa, loại văn tự này cũng là quan trọng ở chỗ nó là cách thức duy nhất ghi lại tiếng Việt. Có không ít các vấn đề hấp dẫn gắn liền với dạng văn tự này, như sự thay đổi trên lĩnh vực âm vận, sự thay thế của các nghĩa từ, sự biến đổi trên lĩnh vực ngữ pháp. Chẳng hạn ở vấn đề biến đổi âm vận, cần có những nhận thức tối thiểu dưới đây:
Thứ nhất: Ở loại văn tự này không thể đóng khung về mặt thời gian. Nó không phải bỗng dưng hình thành ở một thời điểm nhất định nào đó, mà nó được ra trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm qua hàng nghìn năm. Và như đã biết, văn tự này mang đặc tính cố hữu đó là tính kế thừa rất mạnh mẽ. Với tư cách là văn tự ở một thời đại nhất định, thì công việc truy tìm âm vận tiếng Việt đứng đằng sau nó là cực kỳ vất vả.
Thứ hai: Không thể hạn định về mặt không gian (địa lý). Nói cách khác, những lối viết cá nhân từ các địa phương chứ không chỉ giới hạn ở thành phố, những sở thích cá nhân đó có thể được đưa vào rất nhiều. Đó là lý do hạn chế tính hệ thống của chữ Nôm.
Thứ ba: Điểm hạn chế về mặt đặc điểm của loại văn tự này là nó còn dựa rất nhiều vào tính chất biểu ý hay là tính chất biểu ngữ giống như ở chữ Hán; còn yếu tố biểu âm tương đối nhỏ. Tức là âm có ở đằng sau chữ chỉ là ám chỉ, việc đọc chính xác những chữ đó rất khó khăn. Hơn nữa, chữ Nôm dựa hoàn toàn vào âm đọc chữ Hán, tức âm đọc tiếng Trung Quốc. Phải nói rằng chúng ta vẫn gặp những khó khăn về thời gian và không gian như trên khi phiên âm, giải thích chữ Nôm.
Những điều nhận thức trên đây không thể thiếu được khi nghiên cứu chữ Nôm, khi phiên âm giải thích các tác phẩm Nôm...(4)

Lã Minh Hằng (sưu tầm và dịch)
CHÚ THÍCH
(1). ON và KUN là 2 cách đọc chữ Hán ở Nhật Bản. Cách đọc này xuất phát từ khi đọc các kinh Phật trong hệ thống Ngô âm thời Heian.
(2). Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân: Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu TK XVIII, tập I, NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978, tr.220.
(3). Về tác giả Gia huấn ca vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Xem Hoàng Văn Lâu: "Ai viết Gia huấn ca", Nghiên cứu Hán Nôm, 1984.
(4). Xin chân thành cảm ơn Ô.Takao Yao - thực tập sinh Nhật Bản và GS.TS Nguyễn Quang H
ồng đã xem hộ bản dịch trước khi đưa in – LMH./.