Monday 4 June 2018

Tìm hiểu quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khái niệm nhân dân Việt Nam (Châu Thành - Đảng Cộng Sản Việt Nam)


Tìm hiểu quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khái niệm nhân dân Việt Nam

(ĐCSVN) - Việc hiểu đúng khái niệm "nhân dân", thường được sử dụng trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong công tác vận động nhân dân… góp phần thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Trong cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ít lần nêu ra quan niệm về nhân dân ta.

Có lúc Người nói rằng nhân dân ta gồm “gái trai già trẻ” của “năm lớp Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh”.

Có lúc Người chỉ rõ rằng: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước”. Người còn nhấn mạnh rằng bốn giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước “Đó là nền tảng của quốc dân”.

Như vậy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh thì nhân dân ta là bộ phận gồm đông đảo những người thuộc nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau và chủ yếu là những người lao động trong xã hội. Đó là tầng lớp trí thức (Sỹ); giai cấp nông dân – người sống bằng nghề làm ruộng (Nông); giai cấp công nhân – người lao động chân tay, làm việc cho chủ tư liệu sản xuất công nghiệp hoặc làm việc cho Nhà nước trong các cơ sở công nghiệp (Công);tầng lớp thương nhân hay tầng lớp những người buôn bán (Thương); những người làm việc trong Quân đội Nhân dân hay là quân nhân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Binh). Các tầng lớp, giai cấp nhân dân này “đoàn kết thành một khối” như “năm cánh ngôi sao vàng trên nền đỏ Quốc kỳ Việt Nam” và là “nền tảng của quốc dân Việt Nam”. Ngoài các tầng lớp, giai cấp lao động đó ra, theo Hồ Chí Minh, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “những người khác yêu nước”, cụ thể những nhân sỹ yêu nước (là người trí thức có danh vọng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, Luật sư Trịnh Đình Thảo) và những thân sỹ yêu nước (là người có học thức, thuộc tầng lớp trên của xã hội cũ như Cụ Phan Kế Toại) cũng trong địa vị nhân dân. Người dân Việt Nam nào trong địa vị nhân dân Việt Nam là người được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi của một công dân Việt Nam do luật pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quy định. 

Như vậy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh về nhân dân Việt Nam thì “quốc dân Việt Nam” hay “người dân trong nước Việt Nam” không đồng nghĩa với “nhân dân Việt Nam”. Bởi vì, trong quốc dân có người trong địa vị nhân dân và có cả những người dân Việt Nam không trong địa vị nhân dân. Những người dân Việt Nam không trong địa vị nhân dân này không được hưởng các quyền công dân như nhân dân; nói cách khác, những người dân Việt Nam mất quyền công dân Việt Nam thì không được trong địa vị nhân dân Việt Nam, nhưng họ vẫn là quốc dân Việt Nam.

Cũng theo Hồ Chí Minh, những người Việt Nam trước đây thuộc giai cấp thống trị, giai cấp bóc lột, buôn dân bán nước, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nếu họ chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, có quyền công dân thì họ là nhân dân; ngược lại những người Việt Nam trong địa vị nhân dân, nhưng vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và quyền lợi của toàn dân thì không thuộc nhân dân nữa. Chẳng hạn, Nguyễn Vĩnh Thụy hay Bảo Đại - ông vua bù nhìn cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, tay sai đế quốc Pháp, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, khi ông ta nộp ấn kiếm cho cách mạng, thề trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Chính phủ cách mạng, rồi làm Cố vấn tối cao của Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì lúc đó ông ta là nhân dân; nhưng sau đó ông ta lại theo giặc Pháp, cam tâm buôn dân bán nước, thì lúc này ông ta không trong địa vị nhân dân nữa.

Quan niệm về nhân dân ta như trên được Hồ Chí Minh nêu ra ngay từ những năm tháng đầu tiên của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và quan niệm đó hoàn toàn phù hợp với cách giải nghĩa từ “nhân dân” trong Đại từ điển Tiếng Việt xuất bản lần đầu vào giữa năm 1998.

Ngoài hai từ “nhân dân”, Hồ Chí Minh còn gọi nhân dân ta bằng những từ khác nhau. Có lúc Người gọi là “dân” hay “dân ta”; có lúc Người gọi là “dân chúng” (quần chúng nhân dân). Cách gọi nhân dân như vậy đã đúng, lại gần gũi, dễ hiểu.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về nhân dân Việt Nam còn có một nội dung khác nữa cũng rất quan trọng khi phân định mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ta. Nội dung đó là: Trong công tác hay trong cuộc sống hàng ngày, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể trong mối quan hệ cụ thểmà mỗi người, mỗi nhóm người, hay mỗi đơn vị hoặc tổ chức đoàn thể trong nội bộ nhân dân có vị trí cụ thể là nhân dân hay không là nhân dân.Chẳng hạn: Nói hoặc viết một cách bao quát là “nhân dân Việt Nam”, nói hoặc viết như vậy là trong nhân dân có cả Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân Việt Nam; nói hoặc viết “Đảng và nhân dân” – như vậy, trong nhân dân đó có cả cán bộ, đảng viên của Đảng; nói hoặc viết “Chính phủ và nhân dân” – như vậy trong nhân dân đó có cả công chức, viên chức của Chính phủ; cũng có thể hiểu tương tự như vậy, khi nói “cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”; khi nói “bộ đội và nhân dân”; “công an và nhân dân”...

Xin được nêu dẫn chứng sau đây: khi viết về “vấn đề cán bộ”, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Trong câu này của Hồ Chí Minh, trước dân chúng, thì cán bộ của Đảng và Chính phủ không trong “tập hợp nhân dân” nữa.

Một dẫn chứng nữa: khi viết về bệnh hẹp hòi của cán bộ, đảng viên của Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Có nhiều đồng chí tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng. Họ quên rằng: Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”. Trong lời dạy, Hồ Chí Minh muốn nói tới quan hệ giữa nhân dân và Đảng ta, giữa quần chúng nhân dân và đảng viên của Đảng. Trong các mối quan hệ cụ thể này, trước nhân dân Đảng không ở trong “tập hợp nhân dân”. Như vậy, một cán bộ hay một đảng viên của Đảng, tuỳ theo vị trí cụ thể của mình trong quan hệ công tác hay trong một việc cụ thể, có lúc là người dân, có lúc không trong “tập hợp nhân dân”./.

Châu Thành
(http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/doc-510720154575656.html)

Sunday 3 June 2018

Phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Mạch Quang Thắng - Quốc Phòng Toàn Dân)



QPTD -Thứ Hai, 19/06/2017, 07:59 (GMT+7)

“Làm báo” ở đây hiểu theo ba việc: 1. Sáng tác ra các bài báo, gồm cả viết báo và trả lời phỏng vấn cho phóng viên của tờ báo nào đấy rồi họ đăng lên báo; 2. Quản lý tờ báo; 3. Phần nào là đọc báo để vừa nhận thông tin vừa để nâng cao chất lượng tờ báo, bài báo. Hồ Chí Minh đã kinh qua ba việc đó. Phạm vi bài viết này đi sâu vào việc thứ nhất. Trong phong cách viết báo của Hồ Chí Minh, có ba điều cơ bản nổi bật nhất: 1. Viết ngắn gọn, súc tích; 2. Viết đủ những thông tin cơ bản cần thiết; 3. Viết hay (hấp dẫn người đọc).

Hồ Chí Minh là một nhà báo “chính danh”; là bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tuy rằng Hồ Chí Minh không hề có thẻ nhà báo, làm báo nhưng chưa qua bất kỳ trường lớp nào dạy viết báo. Hồ Chí Minh đồng thời là người: sáng lập, chủ nhiệm, chủ bút, viết báo, phát hành,… nghĩa là làm tất các công đoạn từ A đến Z trong nghề báo1. Hồ Chí Minh là Chủ bút báo Thanh niên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, từ năm 1925. Trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh đã cho đăng trên các báo ở cả trong nước và nước ngoài khoảng hơn 3.500 bài.

Nhiều người đã gọi Hồ Chí Minh bằng nhiều danh vị: nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ, v.v. Nhưng, Người chỉ nhận mình là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Trong danh vị nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp ấy, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc dùng báo chí làm công cụ tác nghiệp để đạt mục đích ba giải phóng: dân tộc - xã hội - con người. Tất cả các biểu hiện phong cách làm báo của Hồ Chí Minh chỉ đều nhằm mục đích đó, không có mục đích nào khác. Như vậy, phong cách làm báo của Hồ Chí Minh luôn mang tính hướng đích, như một véc-tơ lực hướng vào cái đích đó mà thôi. Điều này cắt nghĩa tại sao Hồ Chí Minh thường hay nhấn mạnh tới những luận đề: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?

1. Phong cách viết ngắn gọn, súc tích

Hồ Chí Minh viết báo với nội dung không cao siêu, không chung chung, mà đi thẳng vào lòng người. Đề tài mà Người chọn viết luôn nhằm vào mục tiêu đã định; chính vì vậy rất ngắn gọn, súc tích. Điển hình là, trong cuốn Đường kách mệnh2, Hồ Chí Minh viết: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”3. Có thể coi đây là một dạng “tuyên ngôn” về phong cách viết của Hồ Chí Minh cho suốt cả cuộc đời viết báo của Người sau này.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo và thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội chiều ngày 2-9-1945 chính là sự tinh chắt nguồn sinh khí của một dân tộc được hồi sinh và thăng hoa thông qua những lời văn súc tích. Bản Tuyên ngôn Độc lập chỉ vẻn vẹn 1.003 chữ, khi đề cập thời cơ, nguyên nhân do đâu hoặc hình thái mà nhân dân ta giành được chính quyền, lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh chỉ “gói” vào trong 9 chữ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”4. Bản Tuyên ngôn Độc lập ấy, hội đủ những căn cứ có giá trị pháp lý quốc tế, đồng thời khái quát quá trình diễn biến cho sự xuất hiện một chế độ chính trị mới; là tuyên ngôn về quyền chính đáng của một dân tộc và của cá nhân con người (quyền con người) trong độc lập, tự do và cho một thể chế chính trị bắt đầu bước lên khán đài chính trị thế giới bằng cái tên chưa bao giờ có trong lịch sử Việt Nam trước đó: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Phong cách viết ngắn gọn, súc tích của Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ khi Người viết: Chánh cương vắn tắt của Đảng, với 276 chữ; Sách lược vắn tắt của Đảng, 253 chữ; Chương trình tóm tắt của Đảng, 178 chữ; Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, 603 chữ, nhưng lại đáp ứng được đầy đủ tất cả các tiêu chí làm thành cương lĩnh của một đảng chính trị trong Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930. Ngay các diễn văn đọc tại những buổi lễ hoặc đón - tiễn các nguyên thủ quốc gia sang thăm Việt Nam cũng được Hồ Chí Minh viết ngắn gọn, súc tích như thế; không ít diễn văn còn xen vào mấy câu thơ, có khi đó là thơ lẩy Kiều. Đặc biệt, những lời kêu gọi đầy khí thế hào sảng, những bức thư, những bài báo viết cho đồng bào, chiến sĩ và các cháu thanh thiếu niên cả nước rất ngắn gọn, súc tích nhưng chứa chan bao nhiêu ân tình.

Hồ Chí Minh phản đối cách viết dài mà lại rỗng tuếch, nhưng không nhất thiết lúc nào và về cái gì cũng phải viết ngắn mới tốt. Dài, ở đây theo đề cập là một số người viết dài mà không gọn gàng, súc tích. Trong nhiều bài trả lời phỏng vấn báo chí, nhất là gặp phải những câu hỏi hóc búa, thì Người thường trả lời còn ngắn gọn hơn cả câu hỏi đặt ra.

2. Viết đủ những thông tin cơ bản cần thiết

Trong viết báo, Hồ Chí Minh rất chú trọng chuyển tải đúng và chuyển tải đủ những thông tin cơ bản cần thiết đến cho người đọc. Đây cũng là một phong cách ấn tượng của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người viết: “Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả,… Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!"5.

Hồ Chí Minh thường sử dụng các con số thống kê. Đó là những con số biết nói; chúng không khô khan, bởi chúng được kiểm tra. Sau này, khi giữ trọng trách Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, công việc hằng ngày rất bận, vậy mà hằng ngày Người vẫn thu thập tin tức (săn tin) từ các báo đài ở cả trong và ngoài nước, từ đọc sách, từ nghe và đọc các báo cáo của các cấp, các ngành. Bao giờ Hồ Chí Minh cũng thẩm tra lại những tin tức, những con số cho chính xác. Những bài báo của Hồ Chí Minh tuy ngắn, nhưng những câu viết hàm chứa những nhận định, thông tin có chiều sâu, đầy đủ, có nguồn tin cậy.

Rất tiếc trong thời đại của công nghệ thông tin hiện nay, không ít người viết đã dài mà lại không đủ thông tin, tệ hơn là không chính xác. Nguyên nhân có thể là cái tâm của người viết báo không lành, cái đức không tốt, không cao, kỹ năng viết báo kém cỏi và cuối cùng là nguồn tin thu thập được quá nghèo nàn. Không ít người dễ dãi trong nhận tin, tin không rõ cũng có, tin bị lừa cũng có. Phong cách viết báo của Hồ Chí Minh thể hiện rõ: điều gì chưa rõ thì chưa viết; điều gì chưa nên công bố thì chưa công bố; những gì cần thông tin cho người đọc biết thì thông tin đầy đủ, đúng sự thật.

Những bài báo của Hồ Chí Minh đưa lại thông tin cho người đọc một cách hữu hiệu, vì luôn chú ý tuân thủ tính mục đích, cho nên Người đưa tin có trọng tâm, trọng điểm; tin gì viết kỹ, tin gì chỉ viết qua để tránh tình trạng thông tin chính không tập trung viết mà lại sa vào những tiểu tiết không quan trọng. Người đọc bao giờ cũng đứng trước sự lựa chọn để đọc bài báo phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của bản thân. Nhưng, dù với người đọc nào đi chăng nữa, thì luồng thông tin đầy đủ, chính xác trong bài báo cũng cần được tôn trọng. Có lẽ, để cho người đọc tránh được “định kiến”, Hồ Chí Minh thường lấy nhiều bút danh khác nhau để viết báo. Đây là việc độc đáo của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh.

3. Viết hay (hấp dẫn người đọc)

Người viết báo phải viết bằng trái tim đầy xúc cảm. Hồ Chí Minh chính là nhà báo như thế! Người viết báo là đi thẳng từ trái tim của mình đến bạn đọc. Ngòi bút và ngôn ngữ chỉ là phương tiện để nói hộ trái tim mình. Đối với Hồ Chí Minh, những bài báo “đặt hàng” chỉ là đặt hàng từ trái tim. Muốn hấp dẫn người đọc, Người thường căn dặn những nhà báo chú ý đến đối tượng người đọc. Bởi, mỗi một tờ báo đều có đối tượng riêng, khác nhau. Bài viết này là hay với đối tượng người đọc này nhưng chưa chắc đã hấp dẫn đối với đối tượng người đọc khác. Thông qua ngôn ngữ báo chí của mình, Hồ Chí Minh muốn biểu đạt tư tưởng của mình cho phù hợp với từng đối tượng người đọc. Hồ Chí Minh nói và viết bằng ngôn ngữ bình dân để tất cả mọi người, từ người bác học đến người dân bình thường đều hiểu được, tức là đề cập bốn vấn đề Người nói và viết phải xác định thật rõ: viết cái gì; viết cho ai; viết để làm gì; viết như thế nào. Không phải là tất cả, nhưng rất nhiều bài viết xong, trước khi công bố, Người thường đưa cho một số người xung quanh để mong nhận được góp ý sửa chữa, bổ sung. Khi nhận được góp ý thì Người đều quý trọng các ý kiến đó như nhau, không cho rằng ý của ông ủy viên Bộ Chính trị là quan trọng hơn ý kiến của anh chị em phục vụ.

Điều hấp dẫn của một bài báo không phải là dùng những từ ngữ cho “kêu”, cho “oai”, cho “bóng bẩy” mà là dùng những từ ngữ chính xác, lột tả được bản chất của vấn đề, có khi còn dùng cả lối chơi chữ (“Taylo thì chân cũng lo” - Taylo là tên của một người Mỹ); ẩn dụ, hóm hỉnh, trào lộng, dí dỏm làm cho người đọc dễ có ấn tượng. Trong những bài đả kích sâu cay, Hồ Chí Minh thể hiện phong cách vừa kiên quyết, vừa thâm trầm. Chẳng hạn, trong thời kỳ thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam, khi một số phóng viên báo chí nước ngoài moi móc, châm chọc, Người dùng cách viết “vừa xoa vừa đấm” rằng: tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi; nhưng với tờ giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương. Từ trước đến giờ, báo chí Pháp đều chỉ dùng giấy để viết những tối hậu thư nhiều hơn; bây giờ về sau, chúng ta phải dùng giấy để viết những bức thư thân ái. Không phải chúng tôi có cái không tưởng rằng, báo chí hai bên sẽ luôn gửi thư yêu thương cho nhau. Nhưng, sự việc nào đó mà cứ thêu dệt thêm lên, dùng những lời vô phép, thô bỉ, thì bên kia thấy vậy chưa biết phải, trái ra sao thì đã bất bình và không ngần ngại gì mà không đối phó lại cùng một cách.

Hồ Chí Minh hay phê bình những cán bộ, đảng viên có “bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài”, cứ nói và viết “tràng giang đại hải”, “giây cà ra giây muống”, “thao thao bất tuyệt”, dùng những ngôn từ không sát hợp đối tượng, nội dung không phù hợp, nghĩa là không chú ý tới người nghe, người xem, không quan tâm họ có hiểu hay không. Hồ Chí Minh nói tiếng nói của nhân dân, học tiếng nói của nhân dân, dùng ca dao, tục ngữ vào ngay cả những bài báo có tính chính luận; lạ thay, khi dùng như thế thì chúng lại mang tính triết lý đúc kết từ cuộc sống lâu đời truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác của dân tộc. Mà chúng ta biết rằng, ca dao, tục ngữ chính là biểu đạt và đúc kết từ sự thông thái của dân gian. Hồ Chí Minh diễn giải những vấn đề lý luận chính trị, về chủ nghĩa Mác – Lê-nin đến với mọi người một cách rõ ràng, đúng bản chất của vấn đề, dễ hiểu, không rườm rà, không kinh viện kiểu “tầm chương trích cú”. Những lời kêu gọi đăng báo toát lên hừng hực khí thế bao chứa quyết tâm chiến lược hành động của cả một dân tộc ở trong đó; lời chúc Tết của Người có xen bài thơ làm cho đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới thật thiêng liêng, chứa chan xúc cảm lòng người; những bài văn chính luận hào sảng; những bức thư gửi cho các ngành, các giới, các em học sinh, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng đầy tình cảm thân thương, kể cả “Thư” (gọi là Di chúc) trước lúc từ giã cõi đời gửi lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong nước và quốc tế, đã nói lên phong cách viết báo đầy tính hiệu quả của Người. Đó thực sự là phong cách toát lên tinh thần “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”.

4. Vài suy nghĩ về học tập, vận dụng phong cách viết báo của Hồ Chí Minh hiện nay

Phong cách là cái riêng của mỗi một người, không ai giống ai. Đành rằng là thế. Có học tập, vận dụng phong cách viết báo của Hồ Chí Minh được không? Câu trả lời là: Được. Trong cái riêng của Hồ Chí Minh, vẫn có những cái chung, mà nếu muốn quyết tâm học tập, vận dụng thì cũng được, tuy không hề đơn giản. Muốn học và vận dụng được, ít nhất phải có hai điều:

Thứ nhất, phải có tâm thế chủ động, tích cực. Tâm thế là toàn bộ thái độ, tâm lý của con người khi đứng trước một sự việc nào đó và nó có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến kết quả hành động của con người. Có thể nêu lên hai tâm thế đối lập nhau là: chủ động, tích cực và bị động, tiêu cực. Người nào có tâm thế chủ động, tích cực thì khi ứng xử (đối với người, đối với việc, đối với người - theo cách phân loại ứng xử của Hồ Chí Minh) sẽ đạt được kết quả tốt. Ngược lại, người nào mà có tâm thế bị động, thụ động, tiêu cực thì khó hoặc không đạt được kết quả tốt. Hồ Chí Minh viết một bài báo nào đó đều với tâm thế tích cực, chủ động, thanh thản, bình tâm. Đó là trạng thái tâm lý của người viết báo. Do vậy, học tập phong cách viết báo của Hồ Chí Minh, chúng ta rất cần một tâm thế như Người, nghĩa là chủ động, tích cực. Tự bản thân mình thấy rằng, học tập phong cách viết báo của Hồ Chí Minh là nhu cầu thiết thân hằng ngày - như con người cần có nước uống, cần có cơm ăn, cần có dưỡng khí để thở - nếu đạt được tâm thế như vậy thì mới thu được kết quả tốt. Tâm thế đó phải trở thành một trong những điều kiện tiên quyết làm nên thành công của một nhà báo cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Muốn đạt được tâm thế này, một vấn đề nữa cần đặt ra là nhà báo cần có một trí tuệ sung mãn và tư chất đạo đức công dân cũng như đạo đức nghề nghiệp tốt. Đó là năng lực và trí tuệ của chính nhà báo được học tập, tự giác rèn luyện hằng ngày, bất kể trong điều kiện nào. Đó cũng là yêu cầu về chiều sâu của trí tuệ, bề rộng và dày của văn hóa và sự lão luyện, tinh thông kỹ năng của nghề báo.

Thứ hai, vận dụng vào điều kiện hiện nay cho sát hợp. Muốn thế, cần phải hiểu rõ tình hình thực tế, hiểu rõ bản chất của vấn đề đang xẩy ra. Một món ăn tinh thần ngon lành, hấp dẫn người ăn là bởi vì nó hợp khẩu vị. Khẩu vị này hiện nay rất đa dạng, nhưng có những khẩu vị phổ biến “quốc hồn, quốc túy” mà làm nên văn hóa ẩm thực của con người Việt Nam nói chung. Chính vì thế, khi đọc lại những bài báo của Hồ Chí Minh, có khi đó là những bài đăng từ mấy chục năm nay rồi, hoàn cảnh hiện nay có thể đã khác xưa rồi, nhưng nhiều ý tứ mà Hồ Chí Minh viết vẫn còn hấp dẫn người đọc. Cuộc sống luôn biến đổi không ngừng. Cái còn lại mãi của một bài báo là ở sức sống từ bản chất vấn đề, chứ không nằm trong chi tiết nào đó. Bởi, chúng chỉ là cái cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, nó có thể phù hợp với lúc này mà không còn phù hợp ở lúc khác. Phong cách viết báo của Hồ Chí Minh giống như bản thân Người quan niệm trong hành động: phải phù hợp với từng lúc, từng nơi, là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đó cũng là biện chứng mác-xít mà chúng ta thấy rất rõ trong phong cách mà Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG

____________

1 - Khi Người làm ở báo Le Paria tại Pháp đầu những năm 20 của thế kỷ XX.

2 - Gồm những bài viết của Hồ Chí Minh cho các lớp huấn luyện thanh niên Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu - Trung Quốc được tập hợp lại in thành sách năm 1927.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 283.

4 - Sđd, Tập 4, tr. 3.

5 - Sđd, Tập 2, tr. 283.
(http://tapchiqptd.vn/vi/theo-guong-bac/phong-cach-lam-bao-cua-chu-tich-ho-chi-minh/10256.html)

Wednesday 30 May 2018

Tâm huyết với Đại Nam Thực lục (Tường Vy - Sài Gòn Giải Phóng)



Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh

Tâm huyết với Đại Nam Thực lục

Trong lĩnh vực dịch thuật, dịch các tài liệu lịch sử được coi là công việc gian nan nhất, không chỉ ở ngôn ngữ mà còn trong công tác nghiên cứu văn bản, đối chiếu dữ kiện, kiểm tra tư liệu… Là một trong những nhà nghiên cứu Hán Nôm hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (ảnh) đã có nhiều đóng góp trong việc phiên dịch và giới thiệu các tài liệu lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán. Báo SGGP đã có dịp trò chuyện với ông để tìm hiểu về các công trình phiên dịch tài liệu lịch sử mà ông đang thực hiện.

° PV: Được biết, ông đã hoàn tất việc phiên dịch bộ “Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên”. Ông có thể cho biết vai trò của bộ sách này trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam?
° Nhà nghiên cứu CAO TỰ THANH: Cho đến nay, các tác phẩm biên soạn về lịch sử Việt Nam trước thế kỷ XX được biết tới không nhiều. Các tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam thời Nguyễn thế kỷ XIX - XX hiện còn lưu giữ được nhiều nhất, vì nhiều lý do cũng chưa được giới thiệu bao nhiêu.
Thậm chí, ngay bộ chính sử bằng chữ Hán mang tính hệ liệt quan trọng nhất của chính nhà nước phong kiến triều Nguyễn viết về thời Nguyễn là Đại Nam Thực lục cũng còn hai bộ chưa được phiên dịch và công bố, trong đó có Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên viết về hai đời Thành Thái (1889 - 1907), Duy Tân (1907 - 1916). Việc dịch và giới thiệu phần còn lại của Đại Nam Thực lục do đó rất cần thiết cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam mà cụ thể là dưới thời Pháp thuộc.
° So với các bộ Đại Nam Thực lục khác, “Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên” có gì khác biệt?
° Bộ sử này khởi thảo từ cuối năm 1922, được hoàn thành muộn nhất trong khoảng 1941 - 1942, chưa được khắc in, hiện chỉ thấy có một bản chép tay duy nhất được lưu giữ ở Thư viện Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Paris. Bản dịch của tôi tiến hành trên cơ sở văn bản này.
Trong 9 bộ Đại Nam Thực lục của triều Nguyễn thì Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên tuy mang tên gọi “phụ biên” vẫn là một bộ sử độc lập. Về nội dung, bộ sử này ghi nhận các hiện tượng, lĩnh vực và quá trình xã hội chủ yếu trên địa bàn miền Trung và miền Bắc trong 28 năm từ 1889 đến 1916, trong đó nổi bật là sự giải thể quyền lực chính trị và hành chính của triều đình nhà Nguyễn bên cạnh các hoạt động của chính quyền thực dân nhằm áp đặt thiết chế thuộc địa để nô dịch và bóc lột nhân dân Việt Nam.
Trên phương diện sử liệu, tác phẩm này chứa đựng nhiều thông tin hay lạ có thể giúp những người đọc sách điều chỉnh nhận thức, giải tỏa thiên kiến trước nay về nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử. Đáng chú ý là lập trường chính thống trong bộ sử này khác hẳn với các bộ Đại Nam Thực lục viết về các chúa Nguyễn đàng trong hay 4 đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vì địa vị chính thống của triều Nguyễn ở đây được xác định trong một hoàn cảnh lịch sử khác hơn.
Bên cạnh đó, từ tiêu chuẩn ngôn ngữ sử học quan phương và quy phạm văn chương Việt Hán mà nhìn, Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên có khác với nhiều bộ trước nó, chẳng hạn dùng chữ Nôm ghi âm những từ nước ngoài không phải tên riêng như cát tốt - cartouche (viên đạn), ky ninh - quinine (thuốc ký ninh), ky lô miệt (kilomètre), đôn - tonne (tấn), tiên - cent (xu). Nhiều bài sách văn tiến tôn, truy tôn… chữ Hán trong bộ này rất tầm thường, thậm chí còn sáo rỗng với một số điển cố, từ ngữ và cả câu cú trùng lặp. Nhưng điều này cũng dễ hiểu, vì từ cuối thế kỷ XIX trở đi, đông đảo người Việt Nam đã nhìn thấy một hệ công cụ văn tự khác có nhiều ưu thế hơn nơi chữ quốc ngữ la tinh.
° Sau bộ sử này, ông có tiếp tục dịch bộ sử nào khác không?
° Đại Nam Thực lục còn bộ cuối cùng là Đại Nam Thực lục chính biên đệ thất kỷ viết về lịch sử Việt Nam dưới đời Khải Định (1916 - 1925). Tôi đang cố gắng hoàn tất công việc này trong năm tới, cũng hy vọng được góp phần kết thúc việc phiên dịch Đại Nam Thực lục ở Việt Nam (7 bộ trước đã được Viện Sử học dịch và công bố lần đầu từ 1962 đến 1978)
TƯỜNG VY (thực hiện)

Sunday 27 May 2018

Trúc mây (Đông A)

Trúc mây

Photobucket

ひとりひっそり竹の子竹になる 
hitori hissori takenoko take ni naru
Santoka

Đơn độc và lặng lẽ
măng trúc
trở thành trúc

Cây trúc mây có tên khoa học là Rhapis excelsa. Tuy gọi là trúc nhưng cây lại không chung họ với các  tre trúc, mà lại cùng họ với cau, cọ, mây..., bởi vậy mà hoa trúc mây giống hoa cau, cọ hơn là giống hoa tre trúc. Người Trung Quốc gọi cây là "tông trúc" ("tông" có nghĩa là cọ), đôi khi còn gọi là "Quan Âm trúc". Người Nhật cũng gọi là "Quan Âm trúc". Theo một nghiên cứu khoa học, cây trúc mây có tác dụng lọc ammonia tốt nhất và lọc formaldehyde chỉ sau thiết mộc lan. Nhà tôi buồng tắm nhỏ nên chưa thử nghiệm đem một chậu cây trúc mây vào xem không khí có trong lành và tinh khiết hơn không.

Wednesday 18 April 2018

70 người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học trong nước lên tiếng về vụ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không công nhận luận văn và thu hồi bằng thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (tức nhà văn Nhã Thuyên) (Diễn Đàn)




Phản đối và yêu cầu



Những người muốn tham gia ký tên vào Bản phản đối và yêu cầu dưới đây, nhằm bày tỏ thái độ trước quyết định vô lý và vi phạm các quy định hiện hành của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong việc hủy bằng và phủ quyết luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan, nhằm bày tỏ tinh thần tương ái đối với đồng nghiệp bị đối xử bất công, và nhằm bảo vệ tương lai nghề nghiệp của chính mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm, danh dự và tư cách của cộng đồng giáo dục và nghiên cứu Việt Nam, xin gửi thư điện tử về địa chỉ :

Do đặc thù của vụ việc và nội dung của Bản phản đối và yêu cầunên xin phép chỉ chấp nhận chữ ký của những người đảm bảo các điều kiện sau:

- Đã và đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, tại Việt Nam.
- Ghi đầy đủ các thông tin : Họ tên, học hàm học vị (nếu có), lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, Bộ môn/ Khoa (đối với các trường Phổ thông và Đại học), Phòng/Ban (đối với các Viện nghiên cứu), cơ quan công tác, địa chỉ nơi ở.
(Riêng thông tin về cơ quan công tác, sẽ không công bố nếu người ký tên nêu yêu cầu này trong thư. Nơi ở sẽ chỉ công bố tên của tỉnh/thành phố, không công bố địa chỉ cụ thể.)
- Nhận chữ ký đến 12h ngày 25/4/2014.

Bản phản đối và yêu cầu cùng tất cả các chữ ký thu thập được sẽ được gửi tới Ông Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào ngày 26/4/2014.
Những người ký tên ở văn bản dưới đây xin chân thành cảm ơn quý đồng nghiệp sẽ tham gia đồng hành cùng chúng tôi.


BẢN PHẢN ĐỐI VÀ YÊU CẦU


Kính gửi : PGS. TS. Nguyễn Văn Minh,
Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Chúng tôi, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, gửi đến Ông văn bản này để bày tỏ những điều sau đây :

1. Chúng tôi phản đối và yêu cầu Ông hủy Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11 tháng Ba năm 2014 và Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14 tháng Ba năm 2014, do trường Đại học Sư phạm Hà Nội ban hành, về việc không công nhận luận văn và thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan, bởi hai văn bản này là phi pháp và phi lý, vì các lý do :

1.1. Theo Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 28 tháng Hai năm 2011, không có cơ sở pháp lý cho việc được gọi là “thẩm định” đối với bất cứ luận văn thạc sĩ nào.
Quy chế này chỉ quy định thẩm quyền về việc thẩm định kết quả tuyển sinh (Điều 19), chứ không quy định thẩm quyền về việc thẩm định kết quả chấm luận văn hay thẩm định hội đồng chấm luận văn. Điều 26 của Quy chế đã bao hàm toàn bộ quy trình đánh giá một luận văn, trong đó có các vấn đề về thành lập hội đồng đánh giá luận văn, nhóm họp hội đồng, và tiêu chí về kết quả của luận văn, mà hoàn toàn không có khoản nào cho phép lập hội đồng thẩm định để đánh giá lại một luận văn đã có kết quả đánh giá.

1.2. Việc đơn phương ban hành hai quyết định trên mà không đưa ra các văn bản làm chứng lý theo quy trình chuyên môn phải có (quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, quyết định họp Hội đồng, bản đánh giá của từng thành viên Hội đồng, biên bản họp Hội đồng…), cũng như việc Hội đồng này không họp công khai, là vi phạm hết sức nghiêm trọng Khoản 1 Điều 26 của Quy chế nói trên.

1.3. Khoản 1 Điều 22 Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo QĐ số: 33/2007/QĐ-BGDĐT, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 26 tháng Sáu năm.2007 đã quy định cụ thể năm trường hợp bị thu hồi hay huỷ bỏ văn bằng: a) Có hành vi gian lận trong học tập, trong thi cử, tuyển sinh hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ cấp văn bằng, chứng chỉ ; b) Cấp cho người không đủ điều kiện ; c) Do người không có thẩm quyền cấp ; d) Bị tẩy xóa, sửa chữa ; đ) Để cho người khác sử dụng.

Đỗ Thị Thoan không thuộc trường hợp nào trên đây, do đó thu hồi văn bằng của Bà là trái với Quy chế này.

2. Chúng tôi yêu cầu Ông minh bạch hóa toàn bộ quá trình đi đến hai quyết định nêu trên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trên tinh thần tuân thủ các quy định có hiệu lực pháp lý.

3. Trên cơ sở pháp lý vừa nêu, trên chuẩn mực và thông lệ học thuật, việc thẩm định Luận văn Vị trí của kẻ bên lề : thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa đã xâm phạm thẩm quyền và quyền lợi của Hội đồng Đánh giá luận văn, của Người Hướng dẫn và Tác giả luận văn, bởi họ không hề được biết và không hề được tham gia vào quá trình thẩm định.

Chúng tôi yêu cầu Ông tôn trọng thẩm quyền khoa học và danh dự khoa học của Hội đồng Đánh giá luận văn, của Người Hướng dẫn luận văn và Tác giả luận văn khi có bất kỳ hành động hay quyết định nào liên quan đến Luận văn. Họ phải được tham gia vào mọi hoạt động và quyết định liên quan đến Luận văn, đúng như các quyền mà họ được hưởng theo quy định.
Chúng tôi mong nhận phản hồi từ Ông.
Trân trọng,

Những người ký tên
  1. Bùi Thanh Truyền, TS Văn học Việt Nam, Giảng viên Khoa Ngữ Văn, ĐH Sư Phạm TPHCM, HCM
  2. Bùi Trân Phượng, TS Lịch Sử, Giảng viên Đại học, TP HCM.
  3. Châu Minh Hùng, TS Lý luận văn học, Đại học Quy Nhơn, Tp Quy Nhơn, Bình Định
  4. Chu Hảo, TS Vật lý, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, Hà Nội.
  5. Chu Văn Sơn, TS Văn học, Giảng viên khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội
  6. Đặng Thị Hảo, TS Ngữ văn, Hà Nội
  7. Đào Tiến Thi, ThS Văn học, Nghiên cứu Văn học, Ngôn ngữ, Giáo dục; Uỷ viên BCH Hội ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
  8. Đỗ Thị Hoàng Anh, ThS Ngữ Văn, Giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội.
  9. Đỗ Hải Ninh, TS Văn học Việt Nam, Viện Văn học, Hà Nội.
  10. Đỗ Ngọc Thống, PGS, TS Văn học, Chuyên nghiên cứu lí luận và phương pháp dạy học Ngữ Văn, Hà Nội.
  11. Đỗ Xuân Khôi, TS, Giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà Nội.
  12. Đoàn Ánh Dương, ThS Văn học, Nghiên cứu viên Lý luận và văn học Việt Nam hiện đại, Viện văn học, Hà Nội.
  13. Hà Sĩ Phu, TS Sinh học, nguyên giảng viên đại học, Đà Lạt.
  14. Hà Thúc Huy, PGS, TS Hoá học, giảng viên đại học, TP Hồ Chí Minh.
  15. Hồ Thị Hoà, ThS Truyền thông, giảng viên đại học, TP Hồ Chí Minh.
  16. Hồ Tú Bảo, Giáo sư tin học, Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia – TP HCM
  17. Hoàng Dũng, PGS, TS Văn học, Đại học Sư phạm TPHCM, TPHCM.
  18. Hoàng Hưng, Nghiên cứu thơ hiện đại VN và thế giới, TP HCM.
  19. Hoàng Phong Tuấn, Ths Văn học, Giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM, TPHCM
  20. Hoàng Tố Mai, TS Văn học, Nghiên cứu viên Văn học nước ngoài, Hà Nội.
  21. Huỳnh Ngọc Chênh, cử nhân hoá học, cựu giáo viên trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, TP HCM
  22. Lê Minh Hà, PGS, TS, Khoa Toán-Cơ-Tin học, Đại học khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
  23. Lê Thanh Loan, Ths Ngữ Văn, Giáo viên THPT Chu Văn AN, Hà Nội
  24. Lê Thu Phương Quỳnh, Ths Văn hoá Văn học Châu ÂU, Room to Read Vietnam, TP HCM.
  25. Lê Tuấn Huy, TS triết học, TP HCM.
  26. Mai Thái Lĩnh, phụ giảng Ban triết học tại trường đại học Văn khoa, Viện Đại học Đà Lạt (1970-1971), Phó hiệu trưởng trường PTTH Thăng Long (Hà Nội, 75-88), Đà Lạt.
  27. Ngô Thị Ngọc Diệp, TS Văn học Việt Nam hiện đại, giảng viên trường Cao Đẳng Sư Phạm Gia Lai, Gia Lai
  28. Ngô Văn Giá, PGS TS Lý luận Văn học, Chủ nhiệm khoa Viết văn-Báo chí, Đại học Văn hoá Hà Nội, Hà Nội.
  29. Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, Hà Nội.
  30. Nguyễn Đăng Hưng, GS TS KH, Cố vấn học thuật Đại học Việt Đức, TP HCM.
  31. Nguyễn Đăng Quang, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Lý luận Ban Tư tưởng Văn hóa Trung Ương từ 1991 đến 1996, Hà Nội.
  32. Nguyễn Đình Cống, GS TS, Đại học Xây dựng, Hà Nội
  33. Nguyễn Đông Yên, GS, TS KH, nghiên cứu và giảng dạy toán học, Hà Nội.
  34. Nguyễn Đức Hiệp, cựu giáo viên vật lý trung học phổ thông, đã nghỉ hưu, TP HCM
  35. Nguyễn Hoài Anh, Ths Ngữ Văn, giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội.
  36. Nguyễn Hoàng Ánh, PGS.TS, giảng viên trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội.
  37. Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ, Ths Văn học, cựu sinh viên khoa Ngữ Văn, ĐH SP Hà Nội, Hà Nội.
  38. Nguyễn Huệ Chi, GS Văn học, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Văn học, Hà Nội.
  39. Nguyễn Hữu Việt Hưng, GS, TS KH, Khoa Toán, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội.
  40. Nguyễn Mạnh Tiến, Ths Văn học, Dân tộc học, Nghiên cứu văn học, dân tộc học, Hà Nội.
  41. Nguyễn Nam Hải, ThS Công nghệ thông tin, nguyên giảng viên ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
  42. Nguyễn Phương Chi, nguyên Phó phòng TC Nghiên cứu Văn học, Viện văn học, Hà Nội.
  43. Nguyễn Quang A, TSKH, nguyên GS Đại học Kĩ thuật Budapest, nguyên Trưởng khoa CNTT, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
  44. Nguyễn Thế Hùng, GS TS, phó chủ tịch Hội Cơ học Thuỷ khí Việt Nam, Đà Nẵng
  45. Nguyễn Thị Bình, PGS, TS Văn học, nguyên trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ Văn, ĐH Sư Phạm Hà Nội, Hà Nội.
  46. Nguyễn Thị Hương Thuỷ, Ths Ngữ Văn, Giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội.
  47. Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên văn hoá, TPHCM.
  48. Nguyễn Thị Từ Huy, TS Văn học, cựu giảng viên khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, TP HCM.
  49. Nguyễn Văn Long, PGS, Nhà giáo nhân dân, Nguyên chủ nhiệm Bộ môn VH Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
  50. Nguyễn Xuân Diện, TS Ngữ văn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  51. Phạm Toàn, nghiên cứu giáo dục, sáng lập viên nhóm Cánh Buồm, Hà Nội.
  52. Phạm Minh Gia, TS Kinh tế, Hà Nội.
  53. Phạm Quốc Lộc, TS Văn học So sánh, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá, ĐH Hoa sen, TP HCM
  54. Phạm Thị Ly, TS Ngữ văn, Viện đào tạo quốc tế, ĐHQG TP HCM, TP HCM
  55. Phạm Thị Phương, PGS TS Ngữ văn, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm TP HCM, TP HCM
  56. Phạm Xuân Nguyên, Trưởng phòng Nghiên cứu Văn học So sánh, Viện Văn học, Hà Nội.
  57. Phan Hồng Hạnh, ThS Ngữ Văn, Giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội.
  58. Phan Thị Hà Dương, PGS TS Toán học, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội.
  59. Phan Thị Hoàng Oanh, TS Hoá học, Giảng viên Đại học, TP HCM, TP HCM.
  60. Phùng Hoài Ngọc, ThS Văn học, Nguyên giảng viên Đại học An Giang, An Giang.
  61. Trần Đình Sử, GS TS Văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
  62. Trần Đức Anh Sơn, TS Lịch Sử, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT XH Đà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Phát triển kinh tế -xã hội Đà Nẵng, Đà Nẵng.
  63. Trần Hữu Tá, GS Văn học, Tp HCM.
  64. Trần Ngọc Vương, GS TS Văn học, Hà Nội.
  65. Trần Ngọc Hiếu, TS Văn học, Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
  66. Trần Quang Đức, Nghiên cứu văn học, lịch sử, Phòng Văn học So Sánh, Viện Văn học, Hà Nội.
  67. Trịnh Thu Tuyết, TS Văn học, Chuyên ngành văn học Hiện đại, Hà Nội.
  68. Tương Lai, Gs Văn học, Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP HCM.
  69. Vũ Thế Khôi, TS, Nguyên Trưởng khoa tiếng Nga, ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội, Hà Nội.
  70. Vũ Thị Phương Anh, TS Giáo dục, Nguyên giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM, TP HCM.

Monday 16 April 2018

CHỮ NÔM VỚI NGỮ ÂM ĐỊA PHƯƠNG NAM BỘ - Nguyễn Thị Lâm - Tạp Chí Hán Nôm số 2/1993


TB

Có một hiện tượng mà những người làm công tác nghiên cứu các văn bản Nôm địa phương không thể không xét đến. Đó là sự phản ánh ngữ âm của từng vùng vào chữ viết, tuy nhiên mỗi vùng lại có những sắc thái riêng. Điều này được quy định bởi nhiều nguyên nhân như điều kiện lịch sử, địa lý, sự giao lưu văn hóa… kết quả là tạo nên một số nét khác biệt so với ngôn ngữ toàn dân. Gần đây, trong khi tiếp xúc với một số tác phẩm Nôm xuất xứ ở Nam Bộ(1) chúng tôi thấy có những đặc điểm cần lưu ý như sau:
1. Về âm đầu:
Âm đầu hay thanh mẫu là một thành tố kết hợp với âm đệm, vần và thanh điệu để tạo thành từ, đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Nếu so sánh với hệ thống phụ âm đầu ở Bắc Bộ và Trung Bộ thì Nam Bộ không có âm /v/ mà âm /v/ được thay thế bằng /z/, (chính tả ghi các phụ âm này là d và gi). Chúng ta cũng có thể thấy rõ điều này qua chữ Nôm, chẳng hạn dùng chữ “dã” 也 ghi “vả”, dùng “giới” 界 ghi “vái”:
“Vả” chăng đường còn xa, sao ông không đi mà ông ngồi xuống đó a ông Địa ?”

Vái phật trời chứng Địa người ngay” v.v…
(Địa Nàng(2), tr.6b và tr.10b)
Như vậy ở đây không còn sự phân biệt giữa ba phụ âm v, gi, d. Ngay cả ở những tác giả lớn như Nguyễn Đình Chiểu cũng có hiện tượng như vậy, chẳng hạn dùng chữ “dòng” 匇(Nôm, yếu tố Hán Việt biểu âm: dụng) để ghi âm “vòng”:

“Bĩ bàn trà rượu vừa xong,
Bốn người ngồi lại một vòng làm thơ”
(Lục Vân Tiên, tr.13a).
Những chữ Nôm thuộc loại này có khoảng 2%. Ngoài ra, việc dùng chữ “giả” 者 ghi “trả”, dùng “dầu” 油 ghi “giàu” lại thể hiện dấu vết của cách phát âm không phân biệt tr và gi hoặc giữa gi với d:

“Dốc lòng trả nợ áo cơm,
Sống mà trọn nghĩa thác thơm danh hiền”.
“Mệnh Kim lại ở cung Càn,
Tuổi này là tuổi giàu sang trên đời”
(Lục Vân Tiên, tr.20a và 23a).
Một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cũng đã viết:
“Phương ngữ nam Trung Bộ - Nam Bộ phản ánh sự tranh chấp giữa hai biến thể tr và gi”(3). Tình hình này có phần như ở Bắc Bộ, chẳng hạn có thể dùng song song cả hai cách phát âm: trầu - giầu, trăng - giăng, trời - giời… Hai phụ âm d và gi cũng hầu như nhập làm một /z/ cho nên trong chính tả có người viết “déo dắt” có người lại viết “giéo giắt”… Theo điều tra ngôn ngữ học thì hiện nay chỉ có một vài địa phương lẻ tẻ phía bắc Bình Trị Thiên là còn phát âm phân biệt d, gi mà thôi(4).
2. Về âm cuối.
Âm cuối kết hợp với yếu tố đứng trước nó là nguyên âm để tạo thành vần. Một đặc điểm nổi bật của ngữ âm địa phương Nam Bộ là hầu như toàn bộ những vần có phụ âm cuối [-n,-t] đều biến thành [-ng,-k]. Hiện tượng này khá phổ biến trong chữ Nôm:
-n thành -ng: chẳng hạn dùng chữ “thang” 湯 để ghi âm “than”, dùng “dạng” 樣 ghi “dạn”:
“Ghét đời U Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần”
(Lục Vân Tiên, tr.14a).
“Hổ bì mặt dày mày dạn, tiếc thay mình ngọc vóc ngà” v.v.
(Kim Thạch kỳ duyên, tr. 30b).
-t thành -k: chẳng hạn dùng “các” 各 ghi “cát”, dùng 得 “đắc” ghi “đắt”:
“Xuống sông có rắn mãng xà, doi cát trường sa đi về lục động”
(Địa Nàng, tr.6a).
“Kiệm rằng; nàng nói sai rồi,
Ai từng bán đắt, mà ngồi chợ trưa” v.v…
(Lục Vân Tiên, tr.40a).
Bởi những chữ như “than” và “thang” đều thành “thang”, “đắt” và “đắc” đều thành “đăk” nên tần số xuất hiện của loại này cũng tăng lên gấp đôi, với tỉ lệ khoảng 6%. ở đây đã có sự biến đổi của cặp phụ âm đầu lưỡi thành phụ âm gốc lưỡi. Cách phát âm này bao trùm một vùng rộng lớn từ phía Bắc Thừa Thiên - Huế vào đến tận Minh Hải. Có ý kiến cho rằng sở dĩ có sự phát âm không phân biệt -n, -ng, -t, -k ở Nam Bộ là do ảnh hưởng của tiếng Triều Châu. Người Triều Châu chiếm một số lượng đáng kể trong số người Hoa di cư sang miền Nam nước ta và trong tiếng nói của họ cũng chỉ có hai cặp phụ âm cuối [-m, -p] và [-ng, -k] (5). Lý do này cũng có cơ sở bởi vì: “Chúng ta không thể phủ nhận những mối quan hệ họ hàng và ảnh hưởng qua lại, sự vay mượn lẫn nhau giữa tiếng nói của các dân tộc định cư và sống trong một vùng, trên một lục địa”(6). Trong thực tế, tiếng địa phương Nam Bộ ngoài việc giao lưu với tiếng Khơ me, tiếng Chàm là những ngôn ngữ bản địa, còn có sự tiếp xúc với tiếng Hán của những người Hoa di cư sang, nên không thể không có những mặt ảnh hưởng nhất định.
3. Về thanh điệu.
Trong tiếng Việt, thanh điệu là một đặc điểm chủ yếu giúp cho việc phân biệt tiếng nói giữa người vùng nọ với người vùng kia. Song mỗi vùng lại có một hệ thống thanh điệu riêng: Bắc Bộ nhìn chung có sáu thanh (không, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc Trung Bộ phát âm không phân biệt thanh ngã với thanh nặng. Còn Thanh Hóa và các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào Nam phát âm không phân biệt thanh hỏi với thanh ngã. Người đọc cũng dễ nhận ra điều này khi tiếp xúc với các tác phẩm Nôm Nam Bộ, như dùng chữ 解 “giải” ghi “dãi”, dùng 保 “bảo” ghi “bão”
“Quản bao thân trẻ dãi dầu,
Mang đai Tử Lộ, quảy bầu Nhan Uyên”
(Lục Vân Tiên, tr.3b)
Bão tháng chín tháng mười, chớ bão đâu tháng hai tháng ba mà bão” v.v…
(Địa Nàng, tr.1a).
Loại này có khoảng 1,5%.
Khi gặp những chữ Nôm thuộc các trường hợp trên đây, nếu người đọc không chú ý đến xuất xứ của tác phẩm, thì cũng dễ cho là tác giả viết cẩu thả hoặc khắc in sai. Những chữ như “đắt” được ghi bằng “đắc”, “với” được ghi bằng “giới” hoặc “vả” được ghi bằng “dã”… thực khó có thể tìm thấy ở trong bất kỳ một cuốn tự điển, từ điển chữ Nôm nào. Nhưng đích thực đó là sự phản ánh của ngữ âm địa phương vào chữ viết. Hiện trạng này lại có thể nảy sinh ra nhiều cách viết khác nhau. Thậm chí có những chữ người vùng này sáng tạo ra thì người vùng kia không hiểu được. Nhưng xét từ các đặc điểm của ngữ âm địa phương thì không thể cho đó là những chữ viết sai. Bởi vậy, chúng ta cần có những tri thức nhất định về phương ngữ học thì mới có thể đọc và lý giải được những ví dụ tương tự như chúng tôi vừa nêu.
Nhưng như vậy không có nghĩa là bất kỳ một đặc điểm nào của ngữ âm địa phương cũng ghi nhận ở trong chữ Nôm. Chúng ta biết rằng cặp phụ âm cuối [-nh, -ch] thường đứng sau các nguyên âm ngắn (i, ê). Nhưng trong cách phát âm của người Nam Bộ không có hai phụ âm cuối đó, chúng chuyển thành [-n, -t], nghĩa là ở đây có sự biến đổi của cặp phụ âm mặt lưỡi thành phụ âm đầu lưỡi. Song dù có phát âm “anh, ách” thành “ăn, ắt”, “khanh, khách” thành “khăn, khắt” thì chữ Nôm vẫn cứ ghi là 英 厄 , 卿 客 phải chăng đây là một thứ chữ đã được sử dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước. Và các nhà thơ, nhà văn của ta ngay từ thời trước cũng đã có ý thức viết thế nào cho toàn dân dễ hiểu. Dù họ là người trong Nam hay ngoài Bắc, cái ngôn ngữ mà họ sử dụng trên đại thể vẫn là dựa trên nền tảng của ngôn ngữ toàn dân. Nguyễn Du là người Nghệ Tĩnh, vậy mà trong Truyện Kiều bất hủ của ông người ta chỉ đếm được có bảy từ địa phương mà thôi(7).
Trên đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Muốn hiểu biết một cách đầy đủ, chúng ta cần cố gắng đi sâu vào nhiều tác giả, tác phẩm hơn nữa. Tuy nhiên, sự phản ánh của ngữ âm địa phương vào trong chữ Nôm vẫn là một vấn đề mang tính chất khách quan. Những cách phát âm đó không phải đã đi vào quá khứ mà vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Nếu biết nhìn nhận một cách đúng mức vấn đề này thì nhất định chúng ta sẽ tiến hành công tác phiên âm, chú thích văn bản một cách có hiệu quả hơn.
CHÚ THÍCH
1. Ví dụ: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu (Nguyễn Đình Chiểu); Kim Thạch kỳ duyên (Bùi Hữu Nghĩa), Địa Nàng (khuyết danh), Phan Lương Khê lịch sử tập (có Nôm, Diệp Bá Ngự sao chép) v.v.
2. Xem Huỳnh Ngọc Trảng: Địa Nàng (Nxb. Tp. HCM. 1992). Đây là một tiết mục diễn xướng dân gian Nam Bộ có kết hợp với nghệ thuật tuồng. Những dẫn chứng trong tác phẩm này chúng tôi ghi theo bản phiên âm của Cao Tự Thanh (Sđd).
3. Hoàng Thị Châu: Tiếng Việt trên các miền đất nước Nxb. KHXH, 1989, tr.71.
4. Nguyễn Tri Niên - Nguyễn Phan Cảnh: Sơ lược về tình hình phát âm phân biệt d và gi hiện nay - Nghiên cứu Văn học 8-1961.
5. Hoàng Thị Châu, Sđd, tr.227.
6. Nguyễn Khánh Toàn: Về lịch sử tiếng Việt - Ngôn ngữ số 4 - 1978.
7. Hoàng Dũng - Nguyễn Tiến Mậu - Đinh Văn Thiện: Một số ý kiến về vấn đề sắc thái ngôn ngữ địa phương và văn bản Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngôn ngữ số 4-1982./.