Sunday 10 June 2018

Hoa ngọc trâm Trung Quốc (Đông A)

Hoa ngọc trâm (Trung Quốc)

Photobucket

Yến bãi Dao Trì A Mẫu gia 
Nộn quỳnh phi thượng tử vân xa 
Ngọc trâm lạc địa vô nhân thập 
Hóa tác Giang Nam đệ nhất hoa
Hoàng Đình Kiên 

Tàn tiệc Tây Vương Mẫu tại nhà
Quỳnh thơ xe tía cưỡi mây xa
Ngọc trâm rớt đất không người nhặt
Hóa tại Giang Nam đệ nhất hoa

Đây là hoa ngọc trâm trong văn hóa của người Trung Quốc. Hoa có tên khoa học là Hosta plantaginea, hoàn toàn khác hoa ngọc trâm của người Việt. Hoa ngọc trâm của Trung Quốc có một số truyền thuyết về nguồn gốc của hoa. Một trong những truyền thuyết đó là tiên nữ của Tây Vương Mẫu sau một buổi yến tiệc làm rớt cây trâm ngọc cài đầu xuống địa giới và hóa thành hoa ngọc trâm. Hoa ngọc trâm của Việt Nam không thấy có truyền thuyết nào. Tôi thấy hoa ngọc trâm của Trung Quốc giống cây trâm cài đầu hơn hoa ngọc trâm của Việt Nam, bởi vì đài hoa ngọc trâm Việt Nam cong veo, không thẳng. Hoa ngọc trâm của Trung Quốc có hương thơm, còn hoa ngọc trâm của Việt Nam lại hắc.

宴罷瑤池阿母家
嫩瓊飛上紫雲車
玉簪落地無人拾
化作江南第一花
黃庭堅

Hoa bát thủ (Đông A)

Hoa bát thủ

Photobucket

立つ人に因りて八手の花もよし
Tatsu hito ni yorite yatsude no hana mo yoshi 
Kyoshi

Tùy theo người đứng
hoa bát thủ vẫn đẹp

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa bát thủ ở Lục nghĩa viên. Lúc đấy chưa biết hoa tên là gì. Sau sang Ngự uyển mới biết hoa có tên là bát thủ. Cây hoa có tên khoa học là Fatsia japonica, một loài cây bản địa của Nhật Bản. Sở dĩ cây hoa có tên là "bát thủ" được cho là do lá của cây tạo thành nhiều múi như những ngón tay. Nhưng thật sự số múi của lá cây luôn là số lẻ, 7 hay 9 múi. Có lẽ "bát" không phải chỉ số 8, mà mang ý nghĩa như "kép" hay "nhiều", kiểu giống như "bát trùng" có nghĩa là cánh kép.

Cây bát thủ thường được dịch ra tiếng Việt rất sai thành cây dây leo. Ví dụ bản dịch tiếng Việt của Ngô Quý Giang tiểu thuyết Tiếng rền của núi đã dịch thành: "Ngày chủ nhật ở nhà Singo dùng cưa cắt bụi dây leo quấn chặt lấy gốc cây anh đào ngoài vườn". Cây bát thủ đâu phải là loại dây leo. Đó là một loại cây bụi. Bản dịch tiếng Anh của Seidensticker là: "On Sunday morning, Shingo sawed down the yatsude at the foot of the cherry".

Thu hải đường (Đông A)

Thu hải đường

Photobucket

秋海棠その葉は何を片思い
Shukaido sono ha wa nani o kata-omoi
Hiroshige

Thu hải đường:
những chiếc lá
tương tư gì

Cây hoa này ở Hà Nội được gọi là trúc Pháp. Tôi thấy tên gọi kỳ dị quá, và hỏi cô hàng bán hoa sao lại có tên như vậy. Cô hàng bán hoa nói rằng lá cây giống lá trúc nên có tên gọi như vậy. Tôi nhìn vẫn không thấy lá giống lá trúc, tuy chúng có hơi dài và phía đầu lá hơi nhọn. Tôi thấy cây hoa đích thị là một loài thu hải đường, có tên khoa học là Begonia sp. Nhưng giờ đây làm sao có thể chỉnh về đúng tên gọi của nó là thu hải đường khi mọi người cứ gọi nó là trúc Pháp? Chúng ta luôn luôn bất lực trước những truyền thống và chẳng còn cách nào khác là đành phải buông xuôi.  

(http://donga01.blogspot.com.au/2012/04/thu-hai-uong.html)

Lan chu đinh (Đông A)

Lan chu đinh

Photobucket

蘭の香や蝶の翅に薫物す
Ran no ka ya cho no tsubasa ni takimono su
Basho

Hương lan
nơi cánh bướm
ngát thơm

Lan chu đinh là một loại địa lan, có tên khoa học là Spathoglottis plicata. Loài lan này tương đối dễ trồng, không phải chăm bón cầu kỳ. Không nhầm lẫn lan chu đinh với chu lan (hay châu lan) mà Ngô Thì Nhậm từng nói tới trong bài đề tựa cho tập Hoa trình học bộ: "Ta thường nghĩ những người thường có bốn điều không thể biết, đó là chơi hoa châu lan không biết thơm, uống trà long tỉnh không biết ngon, nghe khúc điệu cung đình không biết vui, đọc thơ Cầm sắt không biết hay. Bởi vì bốn cái ấy thanh cao quá, không thích hợp với người thường vậy. Tuy thế, đó là nói chưa biết mà thôi, còn khi đã biết rồi, thì ở dưới trời này, những cái được gọi là hoa, là trà, là khúc, là thơ, có cái gì lại cao siêu tuyệt diệu hơn được những cái ấy..."  Châu lan chính là loài hoa sói, có tên khoa học là Chloranthus spicatus.

Nhà tôi có một chậu lan chu đinh, thường để mặc không chăm bón và vẫn ra hoa. Tôi đi vắng về nhà chậu lan đã không còn. Hỏi người nhà mới biết chậu lan đã chết. Giở những tập ảnh tôi chụp vẫn còn thấy những bông hoa của nó.


Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên
Lý Thương Ẩn

Mai đỏ (Đông A)

Mai đỏ

Photobucket

紅梅や見ぬ恋作る玉簾
koobai ya minu koi tsukuru tamasudare
Basho

Mai đỏ
không nhìn thấy tình yêu tác thành
rèm ngọc

Rèm ngọc là hình ảnh của người con gái khuê các. Mai đỏ là vẻ đẹp. Bài haiku thể hiện có một người con gái khuê các xinh đẹp làm xiêu lòng người nhưng lại không nhìn thấy được.

Cây hoa trong ảnh không phải là hoa mai chính tông. Những cái tên như mai đỏ, nhất chi mai là tên thậm xưng, kiểu như hoa mai vàng. Cây hoa có tên khoa học là Jatropha integerrima thuộc chi dầu mè.

Monday 4 June 2018

Tìm hiểu quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khái niệm nhân dân Việt Nam (Châu Thành - Đảng Cộng Sản Việt Nam)


Tìm hiểu quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khái niệm nhân dân Việt Nam

(ĐCSVN) - Việc hiểu đúng khái niệm "nhân dân", thường được sử dụng trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong công tác vận động nhân dân… góp phần thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Trong cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ít lần nêu ra quan niệm về nhân dân ta.

Có lúc Người nói rằng nhân dân ta gồm “gái trai già trẻ” của “năm lớp Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh”.

Có lúc Người chỉ rõ rằng: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước”. Người còn nhấn mạnh rằng bốn giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước “Đó là nền tảng của quốc dân”.

Như vậy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh thì nhân dân ta là bộ phận gồm đông đảo những người thuộc nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau và chủ yếu là những người lao động trong xã hội. Đó là tầng lớp trí thức (Sỹ); giai cấp nông dân – người sống bằng nghề làm ruộng (Nông); giai cấp công nhân – người lao động chân tay, làm việc cho chủ tư liệu sản xuất công nghiệp hoặc làm việc cho Nhà nước trong các cơ sở công nghiệp (Công);tầng lớp thương nhân hay tầng lớp những người buôn bán (Thương); những người làm việc trong Quân đội Nhân dân hay là quân nhân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Binh). Các tầng lớp, giai cấp nhân dân này “đoàn kết thành một khối” như “năm cánh ngôi sao vàng trên nền đỏ Quốc kỳ Việt Nam” và là “nền tảng của quốc dân Việt Nam”. Ngoài các tầng lớp, giai cấp lao động đó ra, theo Hồ Chí Minh, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “những người khác yêu nước”, cụ thể những nhân sỹ yêu nước (là người trí thức có danh vọng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, Luật sư Trịnh Đình Thảo) và những thân sỹ yêu nước (là người có học thức, thuộc tầng lớp trên của xã hội cũ như Cụ Phan Kế Toại) cũng trong địa vị nhân dân. Người dân Việt Nam nào trong địa vị nhân dân Việt Nam là người được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi của một công dân Việt Nam do luật pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quy định. 

Như vậy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh về nhân dân Việt Nam thì “quốc dân Việt Nam” hay “người dân trong nước Việt Nam” không đồng nghĩa với “nhân dân Việt Nam”. Bởi vì, trong quốc dân có người trong địa vị nhân dân và có cả những người dân Việt Nam không trong địa vị nhân dân. Những người dân Việt Nam không trong địa vị nhân dân này không được hưởng các quyền công dân như nhân dân; nói cách khác, những người dân Việt Nam mất quyền công dân Việt Nam thì không được trong địa vị nhân dân Việt Nam, nhưng họ vẫn là quốc dân Việt Nam.

Cũng theo Hồ Chí Minh, những người Việt Nam trước đây thuộc giai cấp thống trị, giai cấp bóc lột, buôn dân bán nước, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nếu họ chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, có quyền công dân thì họ là nhân dân; ngược lại những người Việt Nam trong địa vị nhân dân, nhưng vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và quyền lợi của toàn dân thì không thuộc nhân dân nữa. Chẳng hạn, Nguyễn Vĩnh Thụy hay Bảo Đại - ông vua bù nhìn cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, tay sai đế quốc Pháp, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, khi ông ta nộp ấn kiếm cho cách mạng, thề trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Chính phủ cách mạng, rồi làm Cố vấn tối cao của Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì lúc đó ông ta là nhân dân; nhưng sau đó ông ta lại theo giặc Pháp, cam tâm buôn dân bán nước, thì lúc này ông ta không trong địa vị nhân dân nữa.

Quan niệm về nhân dân ta như trên được Hồ Chí Minh nêu ra ngay từ những năm tháng đầu tiên của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và quan niệm đó hoàn toàn phù hợp với cách giải nghĩa từ “nhân dân” trong Đại từ điển Tiếng Việt xuất bản lần đầu vào giữa năm 1998.

Ngoài hai từ “nhân dân”, Hồ Chí Minh còn gọi nhân dân ta bằng những từ khác nhau. Có lúc Người gọi là “dân” hay “dân ta”; có lúc Người gọi là “dân chúng” (quần chúng nhân dân). Cách gọi nhân dân như vậy đã đúng, lại gần gũi, dễ hiểu.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về nhân dân Việt Nam còn có một nội dung khác nữa cũng rất quan trọng khi phân định mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ta. Nội dung đó là: Trong công tác hay trong cuộc sống hàng ngày, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể trong mối quan hệ cụ thểmà mỗi người, mỗi nhóm người, hay mỗi đơn vị hoặc tổ chức đoàn thể trong nội bộ nhân dân có vị trí cụ thể là nhân dân hay không là nhân dân.Chẳng hạn: Nói hoặc viết một cách bao quát là “nhân dân Việt Nam”, nói hoặc viết như vậy là trong nhân dân có cả Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân Việt Nam; nói hoặc viết “Đảng và nhân dân” – như vậy, trong nhân dân đó có cả cán bộ, đảng viên của Đảng; nói hoặc viết “Chính phủ và nhân dân” – như vậy trong nhân dân đó có cả công chức, viên chức của Chính phủ; cũng có thể hiểu tương tự như vậy, khi nói “cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”; khi nói “bộ đội và nhân dân”; “công an và nhân dân”...

Xin được nêu dẫn chứng sau đây: khi viết về “vấn đề cán bộ”, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Trong câu này của Hồ Chí Minh, trước dân chúng, thì cán bộ của Đảng và Chính phủ không trong “tập hợp nhân dân” nữa.

Một dẫn chứng nữa: khi viết về bệnh hẹp hòi của cán bộ, đảng viên của Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Có nhiều đồng chí tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng. Họ quên rằng: Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”. Trong lời dạy, Hồ Chí Minh muốn nói tới quan hệ giữa nhân dân và Đảng ta, giữa quần chúng nhân dân và đảng viên của Đảng. Trong các mối quan hệ cụ thể này, trước nhân dân Đảng không ở trong “tập hợp nhân dân”. Như vậy, một cán bộ hay một đảng viên của Đảng, tuỳ theo vị trí cụ thể của mình trong quan hệ công tác hay trong một việc cụ thể, có lúc là người dân, có lúc không trong “tập hợp nhân dân”./.

Châu Thành
(http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/doc-510720154575656.html)

Sunday 3 June 2018

Phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Mạch Quang Thắng - Quốc Phòng Toàn Dân)



QPTD -Thứ Hai, 19/06/2017, 07:59 (GMT+7)

“Làm báo” ở đây hiểu theo ba việc: 1. Sáng tác ra các bài báo, gồm cả viết báo và trả lời phỏng vấn cho phóng viên của tờ báo nào đấy rồi họ đăng lên báo; 2. Quản lý tờ báo; 3. Phần nào là đọc báo để vừa nhận thông tin vừa để nâng cao chất lượng tờ báo, bài báo. Hồ Chí Minh đã kinh qua ba việc đó. Phạm vi bài viết này đi sâu vào việc thứ nhất. Trong phong cách viết báo của Hồ Chí Minh, có ba điều cơ bản nổi bật nhất: 1. Viết ngắn gọn, súc tích; 2. Viết đủ những thông tin cơ bản cần thiết; 3. Viết hay (hấp dẫn người đọc).

Hồ Chí Minh là một nhà báo “chính danh”; là bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tuy rằng Hồ Chí Minh không hề có thẻ nhà báo, làm báo nhưng chưa qua bất kỳ trường lớp nào dạy viết báo. Hồ Chí Minh đồng thời là người: sáng lập, chủ nhiệm, chủ bút, viết báo, phát hành,… nghĩa là làm tất các công đoạn từ A đến Z trong nghề báo1. Hồ Chí Minh là Chủ bút báo Thanh niên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, từ năm 1925. Trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh đã cho đăng trên các báo ở cả trong nước và nước ngoài khoảng hơn 3.500 bài.

Nhiều người đã gọi Hồ Chí Minh bằng nhiều danh vị: nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ, v.v. Nhưng, Người chỉ nhận mình là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Trong danh vị nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp ấy, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc dùng báo chí làm công cụ tác nghiệp để đạt mục đích ba giải phóng: dân tộc - xã hội - con người. Tất cả các biểu hiện phong cách làm báo của Hồ Chí Minh chỉ đều nhằm mục đích đó, không có mục đích nào khác. Như vậy, phong cách làm báo của Hồ Chí Minh luôn mang tính hướng đích, như một véc-tơ lực hướng vào cái đích đó mà thôi. Điều này cắt nghĩa tại sao Hồ Chí Minh thường hay nhấn mạnh tới những luận đề: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?

1. Phong cách viết ngắn gọn, súc tích

Hồ Chí Minh viết báo với nội dung không cao siêu, không chung chung, mà đi thẳng vào lòng người. Đề tài mà Người chọn viết luôn nhằm vào mục tiêu đã định; chính vì vậy rất ngắn gọn, súc tích. Điển hình là, trong cuốn Đường kách mệnh2, Hồ Chí Minh viết: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”3. Có thể coi đây là một dạng “tuyên ngôn” về phong cách viết của Hồ Chí Minh cho suốt cả cuộc đời viết báo của Người sau này.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo và thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội chiều ngày 2-9-1945 chính là sự tinh chắt nguồn sinh khí của một dân tộc được hồi sinh và thăng hoa thông qua những lời văn súc tích. Bản Tuyên ngôn Độc lập chỉ vẻn vẹn 1.003 chữ, khi đề cập thời cơ, nguyên nhân do đâu hoặc hình thái mà nhân dân ta giành được chính quyền, lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh chỉ “gói” vào trong 9 chữ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”4. Bản Tuyên ngôn Độc lập ấy, hội đủ những căn cứ có giá trị pháp lý quốc tế, đồng thời khái quát quá trình diễn biến cho sự xuất hiện một chế độ chính trị mới; là tuyên ngôn về quyền chính đáng của một dân tộc và của cá nhân con người (quyền con người) trong độc lập, tự do và cho một thể chế chính trị bắt đầu bước lên khán đài chính trị thế giới bằng cái tên chưa bao giờ có trong lịch sử Việt Nam trước đó: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Phong cách viết ngắn gọn, súc tích của Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ khi Người viết: Chánh cương vắn tắt của Đảng, với 276 chữ; Sách lược vắn tắt của Đảng, 253 chữ; Chương trình tóm tắt của Đảng, 178 chữ; Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, 603 chữ, nhưng lại đáp ứng được đầy đủ tất cả các tiêu chí làm thành cương lĩnh của một đảng chính trị trong Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930. Ngay các diễn văn đọc tại những buổi lễ hoặc đón - tiễn các nguyên thủ quốc gia sang thăm Việt Nam cũng được Hồ Chí Minh viết ngắn gọn, súc tích như thế; không ít diễn văn còn xen vào mấy câu thơ, có khi đó là thơ lẩy Kiều. Đặc biệt, những lời kêu gọi đầy khí thế hào sảng, những bức thư, những bài báo viết cho đồng bào, chiến sĩ và các cháu thanh thiếu niên cả nước rất ngắn gọn, súc tích nhưng chứa chan bao nhiêu ân tình.

Hồ Chí Minh phản đối cách viết dài mà lại rỗng tuếch, nhưng không nhất thiết lúc nào và về cái gì cũng phải viết ngắn mới tốt. Dài, ở đây theo đề cập là một số người viết dài mà không gọn gàng, súc tích. Trong nhiều bài trả lời phỏng vấn báo chí, nhất là gặp phải những câu hỏi hóc búa, thì Người thường trả lời còn ngắn gọn hơn cả câu hỏi đặt ra.

2. Viết đủ những thông tin cơ bản cần thiết

Trong viết báo, Hồ Chí Minh rất chú trọng chuyển tải đúng và chuyển tải đủ những thông tin cơ bản cần thiết đến cho người đọc. Đây cũng là một phong cách ấn tượng của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người viết: “Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả,… Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!"5.

Hồ Chí Minh thường sử dụng các con số thống kê. Đó là những con số biết nói; chúng không khô khan, bởi chúng được kiểm tra. Sau này, khi giữ trọng trách Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, công việc hằng ngày rất bận, vậy mà hằng ngày Người vẫn thu thập tin tức (săn tin) từ các báo đài ở cả trong và ngoài nước, từ đọc sách, từ nghe và đọc các báo cáo của các cấp, các ngành. Bao giờ Hồ Chí Minh cũng thẩm tra lại những tin tức, những con số cho chính xác. Những bài báo của Hồ Chí Minh tuy ngắn, nhưng những câu viết hàm chứa những nhận định, thông tin có chiều sâu, đầy đủ, có nguồn tin cậy.

Rất tiếc trong thời đại của công nghệ thông tin hiện nay, không ít người viết đã dài mà lại không đủ thông tin, tệ hơn là không chính xác. Nguyên nhân có thể là cái tâm của người viết báo không lành, cái đức không tốt, không cao, kỹ năng viết báo kém cỏi và cuối cùng là nguồn tin thu thập được quá nghèo nàn. Không ít người dễ dãi trong nhận tin, tin không rõ cũng có, tin bị lừa cũng có. Phong cách viết báo của Hồ Chí Minh thể hiện rõ: điều gì chưa rõ thì chưa viết; điều gì chưa nên công bố thì chưa công bố; những gì cần thông tin cho người đọc biết thì thông tin đầy đủ, đúng sự thật.

Những bài báo của Hồ Chí Minh đưa lại thông tin cho người đọc một cách hữu hiệu, vì luôn chú ý tuân thủ tính mục đích, cho nên Người đưa tin có trọng tâm, trọng điểm; tin gì viết kỹ, tin gì chỉ viết qua để tránh tình trạng thông tin chính không tập trung viết mà lại sa vào những tiểu tiết không quan trọng. Người đọc bao giờ cũng đứng trước sự lựa chọn để đọc bài báo phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của bản thân. Nhưng, dù với người đọc nào đi chăng nữa, thì luồng thông tin đầy đủ, chính xác trong bài báo cũng cần được tôn trọng. Có lẽ, để cho người đọc tránh được “định kiến”, Hồ Chí Minh thường lấy nhiều bút danh khác nhau để viết báo. Đây là việc độc đáo của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh.

3. Viết hay (hấp dẫn người đọc)

Người viết báo phải viết bằng trái tim đầy xúc cảm. Hồ Chí Minh chính là nhà báo như thế! Người viết báo là đi thẳng từ trái tim của mình đến bạn đọc. Ngòi bút và ngôn ngữ chỉ là phương tiện để nói hộ trái tim mình. Đối với Hồ Chí Minh, những bài báo “đặt hàng” chỉ là đặt hàng từ trái tim. Muốn hấp dẫn người đọc, Người thường căn dặn những nhà báo chú ý đến đối tượng người đọc. Bởi, mỗi một tờ báo đều có đối tượng riêng, khác nhau. Bài viết này là hay với đối tượng người đọc này nhưng chưa chắc đã hấp dẫn đối với đối tượng người đọc khác. Thông qua ngôn ngữ báo chí của mình, Hồ Chí Minh muốn biểu đạt tư tưởng của mình cho phù hợp với từng đối tượng người đọc. Hồ Chí Minh nói và viết bằng ngôn ngữ bình dân để tất cả mọi người, từ người bác học đến người dân bình thường đều hiểu được, tức là đề cập bốn vấn đề Người nói và viết phải xác định thật rõ: viết cái gì; viết cho ai; viết để làm gì; viết như thế nào. Không phải là tất cả, nhưng rất nhiều bài viết xong, trước khi công bố, Người thường đưa cho một số người xung quanh để mong nhận được góp ý sửa chữa, bổ sung. Khi nhận được góp ý thì Người đều quý trọng các ý kiến đó như nhau, không cho rằng ý của ông ủy viên Bộ Chính trị là quan trọng hơn ý kiến của anh chị em phục vụ.

Điều hấp dẫn của một bài báo không phải là dùng những từ ngữ cho “kêu”, cho “oai”, cho “bóng bẩy” mà là dùng những từ ngữ chính xác, lột tả được bản chất của vấn đề, có khi còn dùng cả lối chơi chữ (“Taylo thì chân cũng lo” - Taylo là tên của một người Mỹ); ẩn dụ, hóm hỉnh, trào lộng, dí dỏm làm cho người đọc dễ có ấn tượng. Trong những bài đả kích sâu cay, Hồ Chí Minh thể hiện phong cách vừa kiên quyết, vừa thâm trầm. Chẳng hạn, trong thời kỳ thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam, khi một số phóng viên báo chí nước ngoài moi móc, châm chọc, Người dùng cách viết “vừa xoa vừa đấm” rằng: tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi; nhưng với tờ giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương. Từ trước đến giờ, báo chí Pháp đều chỉ dùng giấy để viết những tối hậu thư nhiều hơn; bây giờ về sau, chúng ta phải dùng giấy để viết những bức thư thân ái. Không phải chúng tôi có cái không tưởng rằng, báo chí hai bên sẽ luôn gửi thư yêu thương cho nhau. Nhưng, sự việc nào đó mà cứ thêu dệt thêm lên, dùng những lời vô phép, thô bỉ, thì bên kia thấy vậy chưa biết phải, trái ra sao thì đã bất bình và không ngần ngại gì mà không đối phó lại cùng một cách.

Hồ Chí Minh hay phê bình những cán bộ, đảng viên có “bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài”, cứ nói và viết “tràng giang đại hải”, “giây cà ra giây muống”, “thao thao bất tuyệt”, dùng những ngôn từ không sát hợp đối tượng, nội dung không phù hợp, nghĩa là không chú ý tới người nghe, người xem, không quan tâm họ có hiểu hay không. Hồ Chí Minh nói tiếng nói của nhân dân, học tiếng nói của nhân dân, dùng ca dao, tục ngữ vào ngay cả những bài báo có tính chính luận; lạ thay, khi dùng như thế thì chúng lại mang tính triết lý đúc kết từ cuộc sống lâu đời truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác của dân tộc. Mà chúng ta biết rằng, ca dao, tục ngữ chính là biểu đạt và đúc kết từ sự thông thái của dân gian. Hồ Chí Minh diễn giải những vấn đề lý luận chính trị, về chủ nghĩa Mác – Lê-nin đến với mọi người một cách rõ ràng, đúng bản chất của vấn đề, dễ hiểu, không rườm rà, không kinh viện kiểu “tầm chương trích cú”. Những lời kêu gọi đăng báo toát lên hừng hực khí thế bao chứa quyết tâm chiến lược hành động của cả một dân tộc ở trong đó; lời chúc Tết của Người có xen bài thơ làm cho đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới thật thiêng liêng, chứa chan xúc cảm lòng người; những bài văn chính luận hào sảng; những bức thư gửi cho các ngành, các giới, các em học sinh, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng đầy tình cảm thân thương, kể cả “Thư” (gọi là Di chúc) trước lúc từ giã cõi đời gửi lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong nước và quốc tế, đã nói lên phong cách viết báo đầy tính hiệu quả của Người. Đó thực sự là phong cách toát lên tinh thần “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”.

4. Vài suy nghĩ về học tập, vận dụng phong cách viết báo của Hồ Chí Minh hiện nay

Phong cách là cái riêng của mỗi một người, không ai giống ai. Đành rằng là thế. Có học tập, vận dụng phong cách viết báo của Hồ Chí Minh được không? Câu trả lời là: Được. Trong cái riêng của Hồ Chí Minh, vẫn có những cái chung, mà nếu muốn quyết tâm học tập, vận dụng thì cũng được, tuy không hề đơn giản. Muốn học và vận dụng được, ít nhất phải có hai điều:

Thứ nhất, phải có tâm thế chủ động, tích cực. Tâm thế là toàn bộ thái độ, tâm lý của con người khi đứng trước một sự việc nào đó và nó có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến kết quả hành động của con người. Có thể nêu lên hai tâm thế đối lập nhau là: chủ động, tích cực và bị động, tiêu cực. Người nào có tâm thế chủ động, tích cực thì khi ứng xử (đối với người, đối với việc, đối với người - theo cách phân loại ứng xử của Hồ Chí Minh) sẽ đạt được kết quả tốt. Ngược lại, người nào mà có tâm thế bị động, thụ động, tiêu cực thì khó hoặc không đạt được kết quả tốt. Hồ Chí Minh viết một bài báo nào đó đều với tâm thế tích cực, chủ động, thanh thản, bình tâm. Đó là trạng thái tâm lý của người viết báo. Do vậy, học tập phong cách viết báo của Hồ Chí Minh, chúng ta rất cần một tâm thế như Người, nghĩa là chủ động, tích cực. Tự bản thân mình thấy rằng, học tập phong cách viết báo của Hồ Chí Minh là nhu cầu thiết thân hằng ngày - như con người cần có nước uống, cần có cơm ăn, cần có dưỡng khí để thở - nếu đạt được tâm thế như vậy thì mới thu được kết quả tốt. Tâm thế đó phải trở thành một trong những điều kiện tiên quyết làm nên thành công của một nhà báo cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Muốn đạt được tâm thế này, một vấn đề nữa cần đặt ra là nhà báo cần có một trí tuệ sung mãn và tư chất đạo đức công dân cũng như đạo đức nghề nghiệp tốt. Đó là năng lực và trí tuệ của chính nhà báo được học tập, tự giác rèn luyện hằng ngày, bất kể trong điều kiện nào. Đó cũng là yêu cầu về chiều sâu của trí tuệ, bề rộng và dày của văn hóa và sự lão luyện, tinh thông kỹ năng của nghề báo.

Thứ hai, vận dụng vào điều kiện hiện nay cho sát hợp. Muốn thế, cần phải hiểu rõ tình hình thực tế, hiểu rõ bản chất của vấn đề đang xẩy ra. Một món ăn tinh thần ngon lành, hấp dẫn người ăn là bởi vì nó hợp khẩu vị. Khẩu vị này hiện nay rất đa dạng, nhưng có những khẩu vị phổ biến “quốc hồn, quốc túy” mà làm nên văn hóa ẩm thực của con người Việt Nam nói chung. Chính vì thế, khi đọc lại những bài báo của Hồ Chí Minh, có khi đó là những bài đăng từ mấy chục năm nay rồi, hoàn cảnh hiện nay có thể đã khác xưa rồi, nhưng nhiều ý tứ mà Hồ Chí Minh viết vẫn còn hấp dẫn người đọc. Cuộc sống luôn biến đổi không ngừng. Cái còn lại mãi của một bài báo là ở sức sống từ bản chất vấn đề, chứ không nằm trong chi tiết nào đó. Bởi, chúng chỉ là cái cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, nó có thể phù hợp với lúc này mà không còn phù hợp ở lúc khác. Phong cách viết báo của Hồ Chí Minh giống như bản thân Người quan niệm trong hành động: phải phù hợp với từng lúc, từng nơi, là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đó cũng là biện chứng mác-xít mà chúng ta thấy rất rõ trong phong cách mà Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG

____________

1 - Khi Người làm ở báo Le Paria tại Pháp đầu những năm 20 của thế kỷ XX.

2 - Gồm những bài viết của Hồ Chí Minh cho các lớp huấn luyện thanh niên Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu - Trung Quốc được tập hợp lại in thành sách năm 1927.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 283.

4 - Sđd, Tập 4, tr. 3.

5 - Sđd, Tập 2, tr. 283.
(http://tapchiqptd.vn/vi/theo-guong-bac/phong-cach-lam-bao-cua-chu-tich-ho-chi-minh/10256.html)