Thursday 9 August 2018

Mân Côi - Mai Khôi - Môi Khôi - Văn Côi (Nguyễn Long Thao - Công Giáo)


Mân Côi - Mai Khôi - Môi Khôi - Văn Côi

9/30/2011 10:46:09 PM 
(http://conggiao.info/man-coi---mai-khoi---moi-khoi---van-coi-d-2305) 
Tháng Mân Côi: Giải thích đặc ngữ Công Giáo: Mân Côi - Mai Khôi - Môi Khôi - Văn Côi
30-KinhManCoi.jpg  
Mỗi tôn giáo có những đặc ngữ riêng. Người thuộc tôn giáo này khó hiểu được những đặc ngữ của tôn giáo khác. Ví dụ đa số người người Công Giáo không hiểu rõ ý nghĩa các từ như Chánh Quả, Bát Nhã, Huệ, Tuệ của Phật Giáo. Người Phật Giáo cũng không hiểu rõ ý nghiã các từ như Mân Côi, Chầu Lượt, Mùa Át, Sinh Thì của Công Giáo. Ngoài ra, các tín hữu trong một tôn giáo cũng không hiểu hết các từ ngữ trong tôn giáo của mình, nhất là các từ về thần học..


Mỗi Đối với Công Giáo Việt Nam, một trong các từ khó hiểu và gây nhiều thắc mắc là Từ Mân Côi – Văn Côi – Mai Khôi – Môi Khôi. Người ta thường nói: Kinh Mân Côi, Tháng Mân Côi, Mầu Nhiệm Mân Côi, Chuỗi Môi Khôi, và ai cũng hiểu đại khái đó là kinh Kính Mừng và tháng Mân Côi là tháng 10 kính Đức Mẹ Maria. Nhưng nếu có hỏi: từ Mân Côi có ý nghĩa gì để được gọi là Kinh Kính Mừng thì không mấy ai trả lời được.

Ngoài ra, tại sao Mân Côi lại còn gọi là Văn Khôi, Mai Khôi, Môi Khôi.

Vấn nạn đặt ra như vậy, nên bài nghiên cứu sẽ đề cập đến các vấn đề:
(1) Kinh Mân Côi là gì.
(2) Tai sao gọi là Kinh Mân Côi.
(3) Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi từ nào đúng?

1. KINH MÂN CÔI LÀ GÌ:

Theo định nghiã của các từ điển thần học Công Giáo, Kinh Mân Côi, tiếng La Tinh gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán tự là
, phát âm là [méiguijing], giọng Hán Việt đọc là Mai Côi Kinh, là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm một kinh Lậy Cha,10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 Mầu Nhiệm chính mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa như Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng.

Mùa Vui suy tư sự kiện Chúa Giáng Sinh. Mùa Thương tưởng nhớ đến việc Chúa chịu chết trên Thập Giá. Mùa Mừng tưởng nhớ đến việc Chúa Phục Sinh. Mùa Sáng hay Mầu Nhiệm Sự Sáng mới có từ năm 2002 dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi Chúa lập phép bí tích Thánh Thể.

Theo tài liệu thì Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dậy cho thánh Đa Minh và Giáo Hội cho chính thức phổ biến từ năm 1214.

2. TẠI SAO GỌI LÀ KINH MÂN CÔI.

Như chúng tôi đã nói, kinh mà giáo dân Việt Nam gọi là Kinh Mân Côi thì La ngữ gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán ngữ là 玫 瑰 涇được phát âm là [méiguijing]. Tất cả những từ ngữ trên, dù La ngữ, Anh ngữ, Hán tự hay Hán Việt đều có nghĩa là Kinh Hoa Hồng.

Theo Công Giáo Báck Khoa Từ Điển, ấn bản Anh ngữ, sở dĩ gọi là Kinh Hoa Hồng là do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kinh Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình.

Corona, Chaplet, Garland trong tiếng Anh có nghĩa là Vòng Hoa Hồng hay Chuỗi Hạt, tương đương với ý nghĩa từ Rosarium của Latinh.

Trong tiếng Anh cổ, từ BEAD có nghiã là Hạt, Hột và cũng có nghĩa là Kinh (Prayers). Do vậy tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu được gọi là Tràng Mân Côi, Chuỗi Mân Côi, hay Chuỗi Môi Khôi.

Thần Học Từ Điển của người Công Giáo Tàu gọi kinh này là 玫 瑰 涇[méiguijing] tức Mai Côi Kinh, có nghĩa là Kinh Hoa Hồng.

Tóm lại, người Công Giáo Việt Nam dùng từ Mân Côi là do bắt chước người Tàu nhưng đọc theo giọng Hán Việt.

3. MÂN CÔI, MAI KHÔI, MÔI KHÔI, VĂN CÔI - TỪ NÀO ĐÚNG.

Trong số các từ Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi, người Công Giáo dùng nhiều nhất là từ Mân Côi. Như thế Mân Côi có phải là từ đúng nhất không? Chúng ta hãy xét các từ này qua từ điển của người không phải là Công Giáo và các từ điển hoặc sách vở của người Công Giáo.
3.1 Từ điển không phải của người Công Giáo:

3.1.1 - Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không có từ Mân Côi hay Mai Côi

3.1.2 - Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo xuất bản năm 1999 tại Hà Nội không có từ Mân Côi, Mai Côi, Văn Côi

3.1.3 - Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh định nghĩa: Mai Khôi 玫 瑰: Một thứ ngọc tốt và Mai Khôi Hoa 玫 瑰 花: hoa hồng. Ông không liệt kê từ Mân Côi hay Văn Côi.

3.1.4 - Hán Việt Từ Điển của cụ Thiều Chửu đinh nghiã Mai Côi 玫 瑰: (1) cây hoa Hồng. (2) thứ ngọc mầu đỏ.

3.1.5 - Từ Điển Hán Việt Hiện Đại của Tô Cẩm Duy do Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2006 viết 玫 瑰[méigui]: Hoa hồng, cây hoa hồng.

3.1.6 - Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghĩa Thục in năm 1999 định nghiã Mai Côi hay Mai Khôi 玫 瑰:
hoa hồng. Từ điển này không có từ Mân Côi hay Văn Côi.

Tóm lại các từ điển trên đây chỉ giải thích từ Mai Khôi là hoa hồng chứ không giải thích Mai Khôi là chục kinh Kính Mừng.

3. 2. Từ điển hay kinh sách của người Công Giáo:

3.2.1 Cuốn sách Giáo Lý Công Giáo đầu tiên của Việt Nam là Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông do nhà thừa sai Giêrônimo Mayorica soạn vào năm 1623 chưa biết tới từ Mân Côi hay Hay Tràng Hạt nên Ngài đã phiên âm tiếng Bồ Đào Nha Rô Sa Riô (Rosario)và Cô Rô Na (Corona) để chỉ kinh Mân Côi và tràng hạt

3.2.2. Tác phẩm Thánh Giáo Kinh Nguyện có kinh cầu Đức Bà bằng Hán Văn mà ta quen gọi là Kinh Cầu Chữ có 2 câu sau đây: (1) Huyền Nghiã Văn Côi. (2) Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu. Đến năm 1924, các giáo sĩ san định lại kinh sách Công Giáo và dịch hai câu trên ra việt ngữ như sau:

- Huyền Nghĩa Văn Côi: Đức Bà Như Hoa Hường Mầu Nhiệm Vậy
- Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu: Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi.

3.2.3 Dictionarium Anamitico Latinum của Đức Cha AJ. L. Taberd xuất bản năm 1838 không có từ Mân Côi, Văn Côi, Mai Khôi.

3. 2.4 Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896 có từ Môi Khôi và được định nghiã là (1) hoa hồng. (2) loài ngọc qúy. Ông ghi chú thêm phải đọc là Mai, không nên đọc là Môi. Tác giả là người Công Giáo nhưng không ghi thêm Môi Khôi hay Mai Côi là tên một kinh của Công Giáo.

3. 2.5 Thuật Ngữ Thần Học Anh Việt của Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2002 định nghĩa Rosary là Chuỗi Mân Côi do tiếng Latin Rosarium: tràng hoa hồng

3. 2.6 Từ Điển Công Giáo Anh Việt của Nguyễn Đình Diễn định nghiã Rosay là Kinh Mân Côi. Tác giả chú thích thêm trong Việt ngữ, nguyên tự tiếng Hán, chính xác là Môi Côi: Hoa hồng, sau bị đọc nhầm ra nhiều biến thái khác thành quen như Vân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi.

3. 2.7 Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lm Trần Văn Kiệm in năm 2007 định nghiã các từ Môi Khôi, Mân Côi, Môi Côi, Mai Khôi: Hoa Hồng.

3.3. Từ Nào Đúng?

3.3.1 Mai, Mân, Môi hay Văn từ nào đúng? Từ 玫trong Hán tự phát âm là [mei]: Hán Việt đọc là Mai hay Mân nhưng Mai là từ đúng nhất. Từ điển của Đào Duy Anh, của Ban Tu Thư Nghiã Thục, của Huình Tịnh Paulus Của đểu chỉ ghi từ Mai. Còn Mân hay Môi chỉ là cách phát âm khác, của Mai. Từ điển của LM Trần Văn Kiệm đều viết Mai hay Mân là 玫. Bô Khang Hy Tự Điển ghi Mai và Môi đồng âm. Ngoài ra theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì thì Mân Côi hay Văn Côi được viết như nhau 玫瑰. Có nghiã là hoa hồng và đá ngọc. Từ điển này cũng viết dùng Văn Côi để chỉ sợi vân của ngọc.

Tóm lại theo các từ điển, từ Mai Côi là đúng nhất, các từ khác Mân, Môi, Văn chỉ là âm khác của Mai.

3.3.2 Côi và Khôi từ nào đúng? Theo nhiều từ điển như Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghiã Thục, Từ Điển Văn Học của LM Trần Văn Kiệm từ 瑰
[gui] Hán Việt đọc là Côi có nghiã là ngọc, là đá qúy và Côi cũng được phát âm là Khôi
4. Kết Luận

Dựa trên các từ điển Hán Việt được trích dẫn trên, từ Mai Côi là đúng nhất. Các từ khác Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi hay Văn Khôi chỉ là âm khác của Mai và Côi. Như vậy không thể nói chỉ có một từ Môi Khôi là đúng, các từ khác là đọc nhầm. Kinh sách Công Giáo lấy từ Mai Côi hay Mân Côi có nghiã là hoa hồng, không phải là ngọc qúy, để chỉ chục kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh vì theo tích truyện nói ở trên, Đức Mẹ đã lấy những đoá hoa hồng trên miệng của một tu sĩ đang đọc kinh kính mừng kính Đức Me để kết thành tràng hoa hay triều thiên đội trên đầu. Sở dĩ ít người hiểu được từ Mân Côi vì không ai nói hoa hồng là hoa mân côi. Chỉ có người Công Giáo dùng từ Mân Côi hay tràng hoa Mân Côi với ý nghiã bóng là kinh kính Đức Mẹ.

Nguyễn Long Thao

Wednesday 8 August 2018

Thương xá Tax – khởi đầu và kết thúc (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Thương xá Tax – khởi đầu và kết thúc

Câu chuyện về ba thương xá – Galeries Lafayette (Paris), Maison Godard (Hà Nội) và Grands Magasins Charner (Saigon)
Cuối thế kỷ 19, các cửa hàng bách hóa (Grands Magasins, Department Stores) ở Paris xuất hiện nhiều sau sự thành công từ nhiều năm trước của các thương xá Bon Marché, La SamaritaineGrands Magasins Dufayel, đặc biệt là các cửa hàng sang trọng như Galeries LafayettePrintemps. Sự phát triển của các cửa hàng bách hóa là do sự thay đổi trong cuộc sống ở nhiều tầng lớp xã hội và số lượng lớn của hàng hóa sản xuất càng đa dạng từ các kỹ nghệ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong xã hội ngày càng phong phú, giàu có hơn ở Anh và Pháp.
Ảnh hưởng của phong cách thương mại mới này lan ra nhiều nơi ở Viễn Đông và đặt nền móng cho các cửa hàng bách hóa xuất hiện đầu tiên ở Đông Dương: Hà Nội và Saigon đầu thế kỷ 20.
Trong diễn văn khánh thành Grands Magasins Charner (Thương xá Tax) ở Saigon của ông Ripube, đại diện công ty “Société colonial des Grands Magasins” ngày 26/11/1924 có đề cập đến kinh nghiệm của phong cách thương mại này ở Galeries LafayetteGrands Magasins Prinntemps ở Paris
“…
Cạnh tranh thực sự là linh hồn của thương mại, như các nhà hiền triết các nước đã nói, và không bao giờ qui luật phổ biến này đã tìm thấy được một bằng chứng nổi bật hơn trong các mối quan hệ đã được hình thành ở Pháp, chủ yếu là ở Paris, giữa sự cạnh tranh của các cửa hàng bách hóa lớn và các cửa tiệm nhỏ đặc chuyên..
Tôi có bằng cớ để chứng minh sự khẳng định của tôi, ví dụ nổi bật là một khu vực của Paris mà ai ai cũng biết đến: đó là khu trãi rộng phía sau Nhà hát lớn trên đại lộ Haussman, các tòa nhà từ Galeries Lafayette cho đến những cửa hàng quanh tòa nhà bách hóa Printemps (Grands Magasins du Printemps) trên đại lộ đó không có cửa hàng nào hiện diện hơn hai mươi năm, nghĩa là khi công nghiệp cửa hàng bách hóa mở rộng như quí vị biết. Ngày hôm nay thì quá thay đổi! Chúng ta hãy thực sự nhìn lại trong suy tưởng, ở cùng một đại lộ này, và chúng ta thấy một thế giới của các cửa hàng nhỏ, xếp cạnh san sát lẫn nhauc, với giá thuê được đo theo trọng lượng bằng vàng, bởi vì tất cả những cửa hàng đặc chuyên này phát triển lớn mạnh phần lớn dựa vào sự trỗi dậy của hai tòa nhà kinh doanh lớn nhất của thủ đô. Họ hưởng lợi duy nhất là do số lượng khách hàng chen chúc đông như kiến bị thu hút vào trong khu phố trong suốt những giờ bán hàng của các cửa hàng bách hóa lớn này.

Phong trào thương mại cửa hàng bách hóa (Grands Magasins, Department Stores) vào Đông Dương trước nhất là ở Hà Nôi qua cửa hàng bách hóa Maison Godard ở rue Paul Bert (phố Tràng Tiền ngày nay) và sau đó vào Saigon qua Thương xá Tax.
Sự thành hình của 3 thương xá Galeries Lafayette, Maison Godard (Grands Magasins Réunis, Tràng Tiền Plaza) và Grands Magasins Charner (Thương xá Tax) có nhiều điểm giống nhau nhưng số phận của cả ba đều khác hẳn.
Tòa nhà Galeries Lafayete được xây dựng và hoàn thành vào năm 1912.Ngày nay Galleries Lafayette là một thương xá, hầu như không du khách nào mà không biết, gồm nhiều cửa tiệm sang trọng ở Paris. Tòa nhà Galleries Lafayette cao như thương xá Tax và ở vị trí gần nhà hát thành phố Opera Garnier và trạm xe lửa ngầm Metro, gần ngay trung tâm Paris không xa quảng trường La Concorde. Tôi đến Galleries Lafayette một ngày hè 2014 và thấy người mua sắm đông đảo sầm uất mà đông nhất là các du khách từ Á châu như Trung Quốc, Nhật, Bắc Mỹ và các nước cận đông
IMG_2083
Thương xá Galleries La Fayette, Paris (Ảnh tác giả)
Không ai có thể tưởng tượng là tòa nhà Galleries La Fayette một ngày nào đó sẽ bị san bằng để xây một nhà cao tầng hiện đại. Trung tâm Paris vẫn cổ kính và không có tòa nhà cao tầng hiện đại nào\. Khu thương mại có các tòa nhà hiện đại cao tầng nơi đặt trụ sở văn phòng của các công ty lớn là khu La Defense, được thiết lập thời tổng thống Mitterand cách đây khoảng 30 năm, nằm phía bên kia sông Seine, không xa trung tâm Paris. Khu lịch sử cổ kính có kiến trúc xưa đặc trưng của thành phố Paris vẫn được giữ và cũng là lý do chính Paris là thành phố thu hút nhiều du khách nhất thế giới.
Quay trở lại gần Saigon hơn, ở Việt Nam, kiến trúc của tòa nhà Grands Magasins Charner (GMC) trên đại lộ Charner (Nguyễn Huệ ngày nay) từ thập niên 1920 đến 1930, tiền thân của thương xá Tax rất giống như kiến trúc của tòa nhà nổi tiếng ở Hà Nội cùng thời, Grands Magasins Reunis (GMR), ngay trung tâm Hà Nội trên đường Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay), tiền thân của tòa nhà mà ngày nay được gọi là Cửa hàng bách hóa tổng hợp.
Tòa nhà GMC và GMR cùng thuộc sở hữu của một công ty, “Société Coloniale des Grands Magasins” được thành lập với số vốn 12 triệu francs từ công ty mẹ “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine”. Cả hai ở góc đường, cao như nhau, có chóp là quả cầu và đồng hồ. Nếu nhìn từ phong cách kiến trúc từ ngoài và thiết kế bên trong, ta có thể cho rằng cả hai được thiết kế từ một kiến trúc sư. Bên trong hai tòa nhà, trần vòm qua quả cầu cho ta có cảm tưởng thoáng rộng mên mông, vươn lên trời cao và ánh sáng mặt trời thiên nhiên tỏa vào trong sáng.
IMG_2086
Vòm trần trong Galeries La Fayette nhìn từ lầu ban công (Ảnh tác giả)
Thật ra tòa nhà Grands Magasins Réunis (GMR) ở Hà Nội đã có trước ít nhất là từ năm 1900, lúc đó được gọi là “Maison Godard”, trong khi tòa nhà Grands Magasins Charner chỉ khai trương vào năm 1924. Sébastien Godard, sinh năm 1839, là thương gia người Pháp làm ăn ở Hong Kong cho đến năm 1885, sau đó dời đến Hà Nội. Cũng như hai anh em Ernest Schneider và Francois-Henri Schneider hoạt động trong kỹ nghệ in ấn xuất bản báo chí, sách trong đó có sự hợp tác với các tác giả Việt Nam xuất bản sách, báo chí quốc ngữ, Godard là một nhà doanh nhân xuất nhập khẩu hàng hóa được kính nể ở Bắc Kỳ, hội viên và có lúc là hội trưởng Phòng Thương Mại Hà Nội. Hai vợ chồng ông sống gần cả đời ở Viễn Đông, thiết lập nhiều cơ sở thương mại khắp Bắc Kỳ mướn nhiều công nhân viên Việt Nam
Vào cuối thế kỷ 19, Godard xây dựng ỏ góc đường rue Paul Bert (Tràng Tiền), Boulevard Dong Khanh (phố Hàng Bài) gần Boulevard Rollandes (phố Hai Bà Trưng) một thương xá lớn nhất Hà Nội với mục đích tiếp cận hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho mọi giới tiêu thụ. Ở đây, khách hàng có thể đến yêu cầu thiết kế và cung cấp thiết bị như phòng tắm, văn phòng làm việc theo ý muốn. Theo W. Logan (1) thì thương xá này, Magasins Godard, dựa theo kiến trúc của các thương xá ở Paris, Galeris la Fayette và La Samaritaine với vòm trần cao, cầu thang lớn ở sảnh chính dẫn lên các lầu ban công (balcony floors).
Thưng xá đầu tiên ở Đông Dương – Maison Godard ở Hà Nội (nguồn https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/with/5010749092/)
Theo thông tin từ các bài vỡ và báo chí gần đây thì lịch sử tòa nhà thương xá Tax là có từ năm 1880 tức là cách đây 134 năm. Thông tin này các bài đều lập lại lẫn nhau. Nhưng thật ra tư liệu từ nguồn tiếng Pháp tìm được ở Thư viện quốc gia Pháp cho biết là tòa nhà Grands Magasins Charner chỉ có từ năm 1924 sau khi khánh thành ngày 26/11/1924. Anh Tim Doling, nhà nghiên cứu về lịch sử Saigon-Chơ Lớn, cho biết thông tin sai lầm này là do công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” sở hữu GMC không biết rõ quá khứ và không giữ các hồ sơ của mình đã sai lầm đưa ra thông tin là tòa nhà thương xá GMC, ở số 135 Boulevard Charner, đã có từ năm 1880.
Theo niên giám Đông Dương 1910 (và các năm trước đó) thì số 135 Boulevard Charner là nơi của công ty Bresset et Cie. của ông Bresset và bên cạnh số 137 của ông Muet buôn bán xe đạp và xe hơi. Chỉ vào năm 1914, công ty “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine” (sau này là chủ đầu tư công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” xây tòa nhà GMC) mới có mặt ở nơi đây.
Tòa nhà Grands Magasins Charner bắt đầu được xây từ năm 1921 sau khi công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” được thành lập, mua lại tòa nhà “Maison Godard” ở Hà Nôi và đổi tên là Grands Magasins Réunis với biển tên mới trước tòa nhà và sửa sang xây thêm trần vòm quả cầu và đồng hồ trên nóc. Tòa nhà Grands Magasins Charner ở Saigon được xây theo kiến trúc tương tự như tòa nhà mới Grands Magasins Réunis ở Hà Nội và hoàn thành vào năm 1924.
Thương xá Grands Magasins Réunis ở Hà Nội và thương xá Grands Magasins Charner ở Saigon (nguồn https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/with/5010749092/)
Khởi đầu
Sau gần ba năm xây cất, ngày khai trương tòa nhà thương xá GMC, báo chí có tường thuật về sự kiện này. Tờ “Écho Annamite” (Tiếng vọng An Nam) do ông Nguyễn Phan Long làm chủ bút đã tường thuật lại như sau trên số báo ngày 27/11/1924
“Tối hôm qua, khi màn đêm xuống, một đám đông khổng lồ, chen lấn chung quanh những cửa hàng lịch lãm Magasins Charner, long lanh dưới ánh sáng điện mà kiến trúc đồ sộ ở một góc rất đắc địa của thành phố Saigon Hòn ngọc, giống như một góc của thành phố Ánh sáng (1) xuất hiện nhảy từ dưới đất lên dưới chiếc đủa thần của nàng tiên Pháp: Société Coloniale des Grands Magasins.
Những người hiếu kỳ, lớn nhỏ, đủ mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc, mọi tầng lớp, tụ tập trên các tầng lầu dưới mái vòm khổng lồ bằng bê tong, trước các cửa kính lung linh ánh sáng, nơi trưng bày rất nghệ thuật các hàng đủ loại, sản phẩm đáng hảnh diện của kỹ nghệ Pháp.
Nhưng chúng ta hãy bước vào nào, bởi vì ban tổ chức ưu đãi đối với báo chí nên chúng tôi có giá hơn với đám đông và được cho vào nhóm ưu đãi đặc biệt cho buổi khai trương hôm nay.
Rất nhiều các ông, ăn mặc chỉnh tề không chê được, sang trọng bộ smoking, đón các khách ngay cửa với phong cách thật lịch sự của các nhà kinh doanh trong khi đó đằng sau cửa kính, một đứa bé da đen người máy tự động, mặc áo đỏ – với vạch vàng ở khoan tay áo có chữ S.V.P.L – cười chào mọi người khoe hai hàng rang trắng xóa, tương phản một cách lạ lùng với thân hình bằng gỗ đen của nó. Đứa bé da đen không nói gì ngay cả nó là đứa bé da đen !. Nhưng với một cây gậy nhỏ bằng gỗ mây mà đứa bé đen gõ không ngừng vào mặt kiếng trước mặt nó để gây chú ý: nó nháy mắt, cuối đầu và ngẫng đầu lên, chỉ chỏ từ các ngón tay những tia sáng mầu nhiệm của cửa hàng, ngắn gọn, cử chỉ của nó thật quá hay khiến mọi người đều hiểu hoàn toàn các diễn tả của nó ”Vào đi, vào đi ! nó có vẽ nói với bộ điệu mời gọi câm lặng, nhưng cứ vào đi, các ông và các bà ! Ở đây có tất cả mọi thứ ! Có tất cả mọi thứ cho mọi thị hiếu !”
Quả thật, có tất cả mọi thứ trong các cửa hàng và cái đáng phục là giá rất phải chăng. Công chúng chỉ lúng túng trong sự lựa chọn mà thôi. Thí dụ như dưới tia óng ánh của nữ trang, người ta cứ tưởng như lạc ở một trong những xứ trong giấc mơ mà tuyện Ngàn lẽ một đêm có kể. Và kia là, hầu như không chuyển tiếp, bạn được chở tới một lãnh vực kém phù phiếm về kiến thức và tư tưởng: đó là ánh sáng của tiệm sách.
Xa hơn chút, những người sành ăn uống nhìn một cách thích thú, trong lúc nhép liếm đôi môi, những chai rượu champage với các nhản hiệu nổi tiếng nhất, rượu vang loại tốt phô trương hảnh diện nhản hiệu của mình và xếp thẳng hàng như các binh sĩ trong buổi duyệt binh, trong khi đó những hộp bít qui (biscuit) và mứt xếp chồng lên, nhìn từ trên giống như kim tự tháp tương tự như những Kim tự tháp nổi tiếng ở Ai Cập mà các chiến sĩ công phá binh của Napopleon chiêm ngưỡng.
Tôi quyết định từ bỏ diễn tả mọi thứ trước hết là vì tôi không thể và sau đó là có quá nhiều thứ để nói trong khuôn khổ khiêm tốn của một bài báo\.
Ánh sáng của cửa hàng đồ chơi tuy vậy đặc biệt đáng được đề cập đến\. Những người mẹ và các con của họ sẽ hài long trong mùa Noel và tết sắp đến !. Đồ chơi, chúng có quá nhiều ở thương xá Magasins Charner. Những con búp bê ngủ khi vừa đặt xuống hay nói “ba, mẹ”; những con rối gù chơi chum chọe khi người ta bấm vào bụng chúng; những con múa rối tay cho anh cảnh binh hay ông cò một trận đòn; những con gấu hay con chó oai vệ tự nhiên đứng dây dung hai chân sau khi ấn vào quả bóp bằng cao su ơ/ cuối dây dắt buộc cổ chúng; bộ đồ chơi cơ học đường xe lửa; xe hơi lò xo đàn hồi với các bánh xe cao su etc. etc. Chúng tôi để ý đặc biệt có đồ chơi nhà máy phát điện với máy phát điện nhỏ xíu.
Tôi yên lặng đi qua các hàng gia dụng, hàng thể thao, săn bắn, du lịch, nước hoa, hàng ngũ kim, giường tủ… và còn nhiều hàng khác nữa\. Không phải vì chúng kém hay ho, nhưng tôi chấm dứt tham quan vì có quá nhiều để nói và có lý do khác.
Ở lầu hai, phía cuối, có một phòng trà (salon de thé) sang trọng. Trà, đó là một cách nói, bởi vì tôi thấy ở đó họ cũng phục vụ rượu champagne, biscuit, bánh ngọt và bánh mì sandwich ngon miệng nữa. Tối nay người ta thấy ở đó đông đảo nhóm người chọn lọc, chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của ông Entrope, đại diện cho toàn quyền lúc này đang ở Hà Nội, và rất nhiều nhân vật được biết ở Nam Kỳ. Những người được mời trong buổi khánh thành thưởng thức rượu champagne và bánh ngọt, ngồi chung quanh các bàn nhỏ. Các bà trong môi trường đông đảo này được nhận rõ qua các trang phục trang nhã và vui tươi. Trong sự vui hoạt này, người ta nói chuyện, nói huyên thuyên, cười đùa, và không phải chỉ là các bà nhiều chuyện hơn như chúng ta tưởng.
Lúc này, yên lặng bắt đầu khi ông Ripube, đại biểu của công ty “Société des Grands Magasins” cho một bài diễn văn như sau mà sau khi kết thúc đã được đón chào bởi tràng vỗ tay vang động
“Kính thưa ông toàn quyền,
Quí ông, quí bà và các bạn hữu
Đại diện cho công ty “Société Coloniale des Grands Magasins”, thuộc L.U.C.I.A (l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine) mà tôi được vinh dự làm đại biểu. Tôi thành thật cám ơn tất cả quí vị đã ân cần đáp lại giấy mời của chúng tôi, và rất nhiều chức sắc có tiếng ở thành phố, các ông và các bà mà tôi tụ họp được ở đây chung quanh chúng ta chứng tỏ cho tôi thấy là chúng tôi đã thành công, trước khi mở cửa cho công chúng, đạt được cảm tình của đại đa số dân chúng.
Điều này, thưa quý ông, tôi đảm bảo với quí ông đối với tôi là vô cùng có giá trị bởi vì nó mang lại cho tôi hy vọng về tương lai của công ty còn non trẻ của chúng tôi. Nó chứng minh cho tôi thực sự trước hết những điều tôi đã thấy lúc trước là đúng cách đây gần ba năm, khi tôi đã đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng cơ sở to lớn này mà chúng tôi khánh thành ngày hôm nay, và chúng tôi sẽ làm cho bạn vinh dự trong chốc lát.
Việc thành lập một cửa hàng bách hóa, như chúng tôi cung cấp cho thành phố Sài Gòn, đã trở thành một điều cần thiết cho xã hội, bởi vì loại hình thức thương mại này đáp ứng khẩn thiết các nhu cầu của cuộc sống hiện đại của một thành phố lớn và nó sẽ chiếm ưu thế một cách nhanh chóng và đi sâu vào phong tục địa phương đến nổi đối với quý vị trong một vài tháng kể từ bây giờ, có vẻ như cửa hàng bách hóa Cnarner đã tồn tại từ lâu rồi và chúng tôi không thể không xây dựng cung điện vĩ đại này của thương mại Pháp.
Tuy nhiên, thưa quý vị, tôi có hai điều xin lỗi vì chỉ chút nữa là các bạn đi tham quan cơ sở của chúng tôi, trước nhất là trình bày một tòa nhà trong lúc mà quản lý chưa hoàn toàn kết thúc, và thứ hai, nghiêm trọng hơn trong mắt của chúng tôi, là chưa thể trình bày các gian hàng sao cho đồng nhất trong đủ loại hàng hóa và vì thể có thể làm khó khăn hơn trong sự lựa chọn thật hài lòng.
Xin thứ lỗi cho chúng tôi, và đặc biệt là không nghiêm khắc với chúng tôi, bởi vì chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể trong những tháng tiếp theo, để chúng tôi đạt đến gần sự hoàn hảo về thương mại trong sự lựa chọn đủ loại hàng mà chúng tôi muốn cung cấp.
Tôi cũng biết rằng bạn đã hiểu, ngay cả trước khi mà tôi gây sự chú ý của bạn ở thời điểm này, một công trình quan trọng của chúng tôi đòi hỏi một nỗ lực đáng kể, “cần nhiều tháng sửa soạn trước khi có thể gần như đặt được toàn bộ các thiết bị cho bộ máy vận hành lớn của chúng tôi trong hàng ngàn chi tiết của nó”. Việc quản lý một cửa hàng bách hóa và trước khi xây dựng, thật ra đã là những thứ rất phức tạp ở Pháp, và các bạn có thể nghi ngờ dễ dang những khó khăn mà chúng tôi đã phải vượt qua ở thuộc địa, để có được những gì mà chúng tôi có ngày hôm nay. Nó đòi hỏi tất cả các người cộng tác, nhân viên của chúng tôi làm việc thật mệt mỏi nặng nhọc, hơn rất nhiều trong cùng công trình tương tự ở Pháp, và tôi vui mừng cám ơn họ trước tất cả quý vị ở đây, ông Gosselin và phụ tá cho nỗ lực hoàn thành đồng thời tất cả các nhà thầu tham gia xây dựng công trình xinh đẹp này: các ông ở công ty Lamorte et Cie., các ông Lautier và Boursier, các giám đốc dễ mến của công ty Société des Eaux et Electricité, công ty l’Entreprise Denkwitz, vv, vv ..
Tuy nhiên. Thưa các quý ông, tôi biết, tôi lặp lại lần nữa là công việc của chúng tôi vẫn chưa hoàn hảo, nhưng tôi muốn đảm bảo với tất cả rằng chúng tôi sẽ để hết sức của chúng tôi vào chăm lo cải thiện tỉ mỉ cửa hàng này, và tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể trình bày giới thiệu cho mọi người không lâui nữa một tòa nhà thương mại hoàn thiện kiểu mẫu được tất cả mọi người ở Viễn Đông sẽ bàn tán, và sẽ trở thành một trong những điểm tham quan của Sài Gòn của người nước ngoài khi qua sẽ đến thăm như một bảo tàng kỳ diệu.
Quá khứ của chúng tôi thật ra là người bảo lãnh trong tương lai của chúng tôi, và sự thành công luôn lớn mạnh của cửa hàng bách hóa chúng tôi, Grands Magasins d’Hanoii, mà hầu hết các quý vị cũng biết, cho phép tôi tin chắc chắn về thành công hoàn hảo tương tự như vậy ở Sài Gòn.
Chúng tôi sẽ thành công, thưa quý ông, quý ông có thể tin chắc chắn điều này vì nhiều lý do: thứ nhất bởi vì chúng tôi có một công cụ để làm việc cùng với các cơ sở tuyệt vời đượctrình bày trước mắt bạn, và chúng tôi là những nhân viên tốt cho cơ sở này, hoàn toàn thích hợp cho thuộc địa, những cải tiến mới nhất thực hiện cho các hoạt động thiết thực và hiệu quả của một cửa hàng bách hóa. Thứ hai, bởi vì đối với phần kỹ thuật, tôi nhận biết là mua và cung cấp nói chung rất quan trọng, Công ty chúng tôi là công ty kết hợp với một trong những công ty hoàn hảo nhất về cửa hàng bách hóa hiện có Pháp, đó là công ty Société Française des Nouvelles Galeries, công ty mà không ai không nói tới trong giới thương mại, và tôi vui mừng [trong cơ hộI mà tôi có ngày hôm nay, khi khánh thành ngôi nhà mới của chúng tôi] để gửi một món quà kỷ niệm thân thiện đến Chủ tịch và Hội đồng quản trị của công ty quan trọng này, hội đồng vừa mới bỏ vốn 105 000 000 franc cho cuộc thi sáng suốt mà tôi lúc nào cũng biết sau các thành viên.
Cuối cùng, chúng tôi đặc biệt sẽ thành công, thưa quý ông, bởi vì chúng tôi trước hết là các thương nhân lương tâm và trung thực và chúng tôi muốn cung cấp cho khách hàng của chúng tôi mỗi lần, với sự đảm bảo và tiện lợi tối đa. “Lòng trung thành là sức mạnh của chúng tôi, là phương châm chúng tôi áp dụng và chúng tôi sẽ cố gắng để chứng minh, cả hai cho khách hàng và cổ đông của chúng tôi, chúng tôi cũng là một hạt nhân quan trọng trong của thuộc địa, hạt nhân chắc chắn sẽ tăng dần một khi Công ty của chúng tôi cần bổ sung vốn mới để tiếp tục chương trình tạo ra chi nhánh mới không chỉ tại các trung tâm chính của thuộc địa, mà còn ở các thành phố lớn ở vùng Viễn Đông, nơi mà ảnh hưởng thương mại Pháp không ngừng phát triển và quyết đoán hơn
Cuối cùng thưa quí vị, tôi muốn nói với quí vị là ngày hôm nay, khi khánh thành Cửa hàng Charner của chúng tôi, thì ngành công nghiệp cửa hàng bách hóa lúc này là cực kỳ thành công trên toàn thế giới, chưa bao giờ và không hề chút nào công nghiệp này phá hủy thương mại xung quanh nó. Thay vì giết chết các doanh nghiệp nhỏ, như nó đã thường bị buộc tội nhiều lần, giờ mọi người có thể thấy ngược lại là những cửa tiệm nhỏ đặc chuyên không những sống được bên cạnh cửa hàng bách hóa lớn (Grands Magasins) mà càng ngày chúng mở rộng và phát triển trù phú thêm hơn.
Cạnh tranh thực sự là linh hồn của thương mại, như các nhà hiền triết ở các nước đều nói, và không bao giờ qui luật phổ biến này đã tìm thấy được một bằng chứng nổi bật hơn trong các mối quan hệ đã được hình thành ở Pháp, chủ yếu là ở Paris, giữa sự cạnh tranh của các cửa hàng bách hóa lớn và các cửa tiệm nhỏ đặc chuyên..
Tôi có bằng cớ để chứng minh sự khẳng định của tôi, ví dụ nổi bật là một khu vực của Paris mà ai ai cũng biết đến: đó là khu trãi rộng phía sau Nhà hát lớn trên đại lộ Haussman, các tòa nhà từ Galeries Lafayette cho đến những cửa hàng quanh tòa nhà bách hóa Printemps (Grands Magasins du Printemps), trên đại lộ đó không có cửa hàng nào hiện diện hơn hai mươi năm, nghĩa là khi công nghiệp cửa hàng bách hóa mở rộng như quí vị biết. Ngày hôm nay thì quá thay đổi! Chúng ta hãy thực sự nhìn lại trong suy tưởng, ở cùng một đại lộ này, chúng ta thấy một thế giới của các cửa hàng nhỏ, xếp cạnh san sát lẫn nhau, với giá thuê được đo theo trọng lượng bằng vàng, bởi vì tất cả những cửa hàng đặc chuyên này phát triển lớn mạnh phần lớn dựa vào sự trỗi dậy của hai tòa nhà kinh doanh lớn nhất của thủ đô. Họ hưởng lợi duy nhất là do số lượng khách hàng chen chúc đông như kiến bị thu hút vào trong khu phố trong suốt những giờ bán hàng của các cửa hàng bách hóa lớn này.
Vâng, thưa quý vị, không có nghi ngờ là cùng nguyên nhân sinh ra những hệ quả như nhau, và chúng ta cũng có tham vọng chính đáng, trước khi để quá lâu, là thay đổi đại lộ Charner, mà các thực dân đinh cư cũ biết là con đường buồn và vắng người,thành một đường phố cực kỳ sôi động và nhộn nhịp, xung quanh con đường này chúng ta sẽ vui mừng khi thấy nhiều nhà kinh doanh mở tiệm dủ loại hưởng lợi từ thương mại đám đông khổng lồ kéo đến mà chúng tôi sẽ tạo ra ngay trong lòng Sài Gòn.
Vì vậy cửa hàng bách hóa, tôi không thể nói quá, là bằng chứng của sự sống và tác phẩm của tiến bộ, hoàn toàn cần thiết cho việc mở rộng quốc gia của một nước lớn như Pháp và chúng tôi rất tự hào là người đầu tiên mang công nghiệp mới này vào Đông Dương. Hôm nay tôi đánh dấu một cột mốc quan trọng, ngày vui này cho phép tôi , các bạn quí mến của tôi, được yêu cầu các bạn cạn ly cùng với tôi, một ly sâm banh cho sự thành công của cửa hàng bách hóa Charner (GMC) và cho sự thịnh vượng ngày càng tăng của công ty “Société Coloniale des Grands Magasins”, và cho Đông Dương thuộc Pháp của chúng ta.

Đến lúc đã trễ rồi, những khách mời rời Grands Magasins rất hài lòng và đều hứa sẽ trở lại mua hàng. Chúng tôi chúng hướng đi cu/a thương xá này sẽ thành công xứng đáng với những cố gắng đáng khen của họ và những hy sinh mà thương xá đã chịu đựng để mang lại cho thành phố chúng ta một tnhà xứng đáng với tầm của thành phố.
Tác giả bài này chắc phải là ông chủ bút Nguyễn Phan Long vì giấy mời cho buổi ra mắt quan trọng gởi báo chí thì phần lớn là chủ bút đi dự. Bài báo này cho ta một hình ảnh về thương mại, quảng cáo, phong cách tiếp thị buôn bán ở thương xá Tax cách đây gần một thế kỷ.
Kết thúc
Nếu tòa nhà Bách hóa tổng hợp (nhà Godard) ở phố Tràng Tiền được đề nghị phá đi để xây một tòa nhà cao tầng hiện đại làm lợi nhuận cho một công ty hay một nhóm lợi ích thì chắc là sẽ không được sự đồng thuận của người Hà Nội. Ngày nay tòa nhà bách hóa tổng hợp ở Hà Nội là Thương xá Tràng Tiền (Trang Tien Plaza) đã được trùng tu và xây thêm vài tầng lầu và ít nhất vẫn giữ được phong thái kiến trúc cũ.
Trước khi bị phá bỏ để xây cao ốc 43 tầng, tháng 9 2014 là tháng cuối cùng mà khác hàng có thể đến mua hàng ở thương xá Tax, nơi vẫn còn những thiết kế bên trong còn lại của tòa nhà GMC lúc khánh thành 90 năm về trước, nơi mà bao thế hệ người Saigon đã có kỹ niệm nào đó. Ký ức thương xa Tax đã nằm trong lịch sử thành phố Saigon.
IMG_2578
Một người Saigon với kỷ niệm thương xá Tax bên cạnh cầu thang xưa gần 1 thế kỷ (Ảnh tác giả)
Họ đổ xô về mua hàng bán hạ giá và cũng để chia tay một mảnh lịch sử thành phố. Nhiều người chụp hình trong thương xá để ghi lại chút gì kỷ niệm với thương xá Tax hay làm tư liệu sau này. Nhưng tôi nhận thấy qua nhiều bài viết, phỏng vấn trên báo chí, truyền thanh còn có một cái gì bức xúc, ngoài nối tiếc có cảm giác bất lực nhìn những gì đã được quyết định và thực hiện mà lợi ích cộng đồng không biết có được đặt cao trong quá trình tham vấn hay không. Một số người nước ngoài, Pháp, Anh và Úc sống nhiều năm ở Saigon và họ là những người yêu thành phố Saigon, mà tôi quen biết đã có nói với tôi là chúng ta đã coi trọng lợi nhuận trước mắt mà phá đi cái di sản đặc thù hay tổng thể quí giá.
(1) Thành phố ánh sáng tức Paris
Tham khảo
  • William Stewart Logan, Hanoi: Biography of a city, University of NSW Press, 2000.
  • Écho Annamite, trang 4 số ngày 27/11/1924 (A5,N145).
(3)   Michel My, Tonkin pittoresque, souvenirs et impressions de voyage 1921-1922, Impr. J. Viet, Saigon, 1925

Tuesday 7 August 2018

Thương xá Tax: Chuyện bây giờ mới kể (Nguyễn Đức Hiệp - Saigon Times)

Thương xá Tax: Chuyện bây giờ mới kể
Chủ Nhật,  24/8/2014, 12:53 


Nguyễn Đức Hiệp
(TBKTSG Online) LTS: Thương xá Tax - nơi sắp được thay thế bằng một công trình phức hợp hiện đại, để lại nhiều tiếc nuối - đã được sinh ra và gắn với những thăng trầm lịch sử của vùng đất này ra sao?  
230 tiểu thương đang kinh doanh tại thương xá Tax sẽ di dời trước ngày 30-9-2014. Tiểu thương xả hàng, bán giảm giá để chuyển sang nơi kinh doanh mới. Ảnh: Vũ Yến.
Thương xá Tax nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm Sài Gòn. Vì thế ta không ngạc nhiên khi nhiều người chú ý đến công trình này không phải chỉ vì vị trí thương mại có giá tuyệt vời mà là nơi chứng kiến sự thăng trầm lịch sử thương mại của thành phố thương cảng Sài Gòn, ghi một dấu ấn sâu đậm trong ký ức người Sài Gòn. 
Địa điểm tòa nhà Grands Magasins Charner de Saigon lúc đầu là cơ sở thương mại mở cửa vào năm 1914, đến năm 1921 công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” được thành lập với số vốn 12 triệu francs từ công ty  mẹ “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine” mua lại và quản lý cửa hàng GMC.
Phòng Thương mại Sài Gòn (Chambre de Commerce de Saigon) trong kế hoạch phát triển cảng Saigon đã khuyến khích sự thành lập công ty “Société Coloniale” và phát cổ phiếu ở Đông Dương thay vì ở chính quốc Pháp để người dân ở Đông Dương (Việt, Hoa, Pháp) có cơ hội đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển ở Nam Kỳ (4).
Theo kế hoạch này của Phòng thương mại Sài Gòn thì các công ty mới được thành lập ở Sài Gòn phải phát cổ phiếu đầu tư với vốn ít nhất là 50% từ Đông Dương. Sở dĩ có kế hoạch này là do kinh nghiệm đúc rút từ những hoạt động thương mại và kỹ nghệ ở cảng Sài Gòn vốn phụ thuộc quá nhiều vào tiền đầu tư của các nhà tư bản ở Pháp và nước ngoài trong khi những người này không hề biết gì về Sài Gòn và các xứ sở ở Đông Dương.
Ngoài công ty “Société Coloniale”, các công ty kỹ nghệ hóa học “Société Industrielle de Chimie” (1922) và công ty tín dụng “Crédit foncier d’ Extrême-Orient” phát hành cổ phiếu lấy vốn địa phương cũng rất thành công.
Từ năm 1921, cửa hàng GMC ở Sài Gòn buôn bán rất phát đạt và cho đến cuối quý 3, tức 30-9-1922, lợi nhuận là 6% cho mỗi cổ phiếu và giá cổ phiếu tăng từ 500 francs lúc đầu lên 614 francs (4). Công ty vì thế bán thêm nhiều cổ phiếu để có thêm vốn đầu tư từ  những nhà đầu tư ở Sài Gòn-Chợ Lớn, lúc này với tổng dân số là 300.000,  cải tiến xây dựng lại phát triển cửa hàng phong phú hơn. Đây là một kế hoạch khôn ngoan vì nếu không thì số vốn ở Sài Gòn-Chợ Lớn cũng sẽ chảy ra nước ngoài.
Với vốn mới, công ty xây lại tòa nhà GMC và khánh thành trang trọng vào ngày 26-11-1924 với sự tham dự của ông Eutrope, đại diện cho toàn quyền Nam Kỳ. Từ đó cửa hàng GMC được nhiều người  biết đến. Năm 1925, cảng Saigon có đăt trên nóc tòa nhà GMC một kèn để báo hiệu khi có tàu từ Pháp mang thư từ và hành khách đến cập cảng Sài Gòn.
Công ty  “Société Coloniale” cũng điều hành cửa tiệm nổi tiếng ở Hà Nội là “Grands Magasins Réunis de Hanoi” (còn gọi là nhà Godard, sau này là cửa hàng Bách hóa tổng hợp). Kiến trúc của hai cửa hàng “Grands Magasins Réunis de Hanoi” và “Grands Magasins Charner de Saigon” rất giống nhau.
Cửa hàng GMC trở thành nơi mua sắm của giới sành điệu thượng lưu Pháp-Việt-Hoa có tiền. Hầu như tất cả hàng của các cửa hiệu lớn ở Paris cũng có mặt ở đây. Tháng 12 năm 1925, khi toàn quyền Alexandre Varenne đến Sài Gòn, vợ của ông là bà Varenne sau đó có đến cửa hàng Grands Magasins Charner để mua sắm, một người bạn ông giám đốc GMC đã giới thiệu ông với bà Varenne. Trong cuộc trò chuyện với bà Varenne, ông giám đốc GMC đã đoan chắc với bà rằng cửa hàng GMC đón tiếp tất cả các phụ nữ An Nam bất kể giai cấp xã hội của họ (5).
Địa chỉ của GMC theo Niên giám địa chỉ thương mại, kỹ nghệ toàn Đông Dương (2) vào năm 1933 cho biết công ty sở hữu là “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine”:  Grands Magasins Charner (GMC) (l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine), Société anonyme au capital de 42.000.000 de Frs, R.C Saigon no. 243, Boulevards Charner et Bonard, Add. Tél. : “MAGCHARNER”, Téléphone nos. 140 et 543, Boite Postale 528.
Như vậy trong vòng khoảng 10 năm số vốn vào cửa hàng GMC của công ty “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine”  đã tăng hơn gấp 3 lần.
Quảng cáo các tiệm trong cửa hàng GMC được đăng trên các báo ở Sài Gòn như trên tờ “Echo Annamite” (Tiếng gọi An Nam). Trong đó có những cửa hàng bán các mặt hàng như đồng hồ, kính đeo mắt, rượu, thuốc lá, thuốc tây, nước hoa, dịch vụ du lịch, Salon de Thé, Bar Américain, Salon de Manucure v.v…. Sau này còn có súng đạn đi săn.

Quảng cáo GMC trong "guide practique, Saigon" (3)
Tuy vậy trong khoảng giữa và cuối thập niên 1920 vào thời kỳ trước và trong lúc khủng hoảng kinh tế thế giới, đã có những khó khăn và thay đổi quan trọng. Theo tuần báo “L'Eveil économique de l'Indochine" (Thức tỉnh kinh tế Đông Dương) ra ngày 8-8-1926 cho biết vì sự khủng hoảng mất giá của đồng francs, nên hàng hóa đã ngưng bán theo tiền francs và dùng tiền piastre Đông Dương bắt đầu từ ngày 26-7-1926 . Các hàng vẫn còn để giá tiền francs sẽ được đổi ra tiền piasters Đông Dương theo tỉ suất 20 francs là 1 đồng piastre. (1)
Và bắt đầu từ đấy cửa hàng GMC dùng tiền Đông Dương.
Khoảng thập niên 1960, cửa hàng GMC được đổi tên là Thương xá Tax, và vẫn là trung tâm thương mại với các cửa hàng thanh lịch sang trọng. Sau năm 1975, cũng như Grands Magasins Réunis ở Hà Nội lúc trước, thương xá Tax đã trở thành cửa hàng bách hóa tổng hợp.
Ngày hôm nay, thương xá Tax lại thay đổi lần nữa với sự trùng tu lớn lao hơn các thay đổi lúc trước. Nếu mặt tiền vẫn giữ được nét xưa thì tòa nhà mới này cũng vẫn sẽ là một biểu tượng của Sài Gòn, mặc dầu có sự tiếc nuối của một tòa nhà cũ nhiều kỷ niệm trong lòng người Sài Gòn.
Tham khảo:
(1) L'Eveil économique de l'Indochine ["puis" (Eveil économique de l'Indochine)] ; Bulletin hebdomadaire, 1926/08/08 (A10,N478)
(2) Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières : Indochine adresses, 1ère année 1933-1934 , éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy,  impr. Albert Portail (Saigon), 1933.
(3) Guide pratique, renseignements et adresses. Saigon, Éditeur : J. Aspar (Saigon).
(4) L'Eveil économique de l'Indochine ["puis" (Eveil économique de l'Indochine)] ; Bulletin hebdomadaire, 1923/11/04 (A7,N334).
(5) L'Eveil économique de l'Indochine ["puis" (Eveil économique de l'Indochine)] ; Bulletin hebdomadaire,1925/12/06 (A9,N443).
(6) L'Echo annamite , 1925/09/28 (A6,N393)

(http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/119229)

Monday 6 August 2018

Thương xá “Grands Magasins Charner” thời Pháp thuộc (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Thương xá “Grands Magasins Charner” thời Pháp thuộc




Hình thành
Thương xá Tax nằm ở vị trí tốt đẹp nhất ngay trung tâm Saigon. Vì thế ta không ngạc nhiên khi nơi đây nhiều người chú ý không phải chỉ là vị trí thương mại có giá tuyệt vời mà là nơi chứng kiến sự thăng trầm lịch sử thương mại của thành phố thương cảng Saigon, ghi vào ký ức một dấu ấn sâu đậm trong người Saigon.
Địa điểm tòa nhà Grands Magasins Charner de Saigon lúc đầu là cơ sở thương mại mở cửa vào năm 1914, đến năm 1921 công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” được thành lập với số vốn 12 triệu francs từ công ty mẹ “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine” mua lại và quản lý cửa hàng GMC. Phòng Thương mại Saigon (Chambre de Commerce de Saigon) trong kế hoạch phát triển cảng Saigon đã khuyến khích sự thành lập công ty “Société Coloniale” và phát cổ phiếu ở Đông Dương thay vì ở chính quốc Pháp để người dân ở Đông Dương (Việt, Hoa, Pháp) có cơ hội đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển ở Nam Kỳ (4).
Theo kế hoạch này của Phòng thương mại Saigon thì các công ty mới được thành lập ở Saigon phải phát cổ phiếu đầu tư với vốn ít nhất là 50% từ Đông Dương. Sở dĩ có kế hoạch này là do kinh nghiệm qua đó những hoạt động thương mại và kỹ nghệ ở cảng Saigon tùy thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư của các nhà tư bản ở Pháp và nước ngoài và những người này không hề biết gì về Saigon và các xứ sở ở Đông Dương. Ngoài công ty “Société Coloniale”, các công ty kỹ nghệ hóa học “Société Industrielle de Chimie” (1922) và công ty tín dụng “Crédit foncier d’ Extrême-Orient” phát hành cổ phiếu lấy vốn địa phương rất thành công.
Từ năm 1921, cửa hàng GMC ở Saigon buôn bán rất phát đạt và cho đến quý cuối tháng 30/9/1922, lợi nhuận là 6% cho mỗi cổ phiếu và giá cổ phiếu tăng từ 500 francs lúc đầu lên 614 francs (4). Công ty vì thế bán thêm nhiều cổ phiếu để có thêm vốn đầu tư từ những nhà đầu tư ở Saigon-Chợ Lớn, lúc này với tổng dân số là 300,000, cải tiến xây dựng lại phát triển cửa hàng phong phú hơn. Đây là một kế hoạch khôn ngoan vì nếu không thì số vốn ở Saigon-Chợ Lớn cũng sẽ chảy ra nước ngoài.
Với vốn mới, công ty xây lại tòa nhà GMC và khánh thành trang trọng vào ngày 26/11/1924 với sự tham dự của ông Eutrope, đại diện cho toàn quyền Nam Kỳ. Từ đó cửa hàng GMC được nhiều người biết đến. Năm 1925, cảng Saigon có đăt trên nóc tòa nhà GMC một kèn để báo hiệu khi có tàu từ Pháp mang thư từ và hành khách đến cập bến Saigon.
Công ty “Société Coloniale” cũng điều hành cửa tiệm nổi tiếng ở Hà Nội là “Grands Magasins Réunis de Hanoi” (còn gọi là nhà Godard, sau này là cửa hàng Bách hóa tổng hợp). Kiến trúc của hai cửa hàng “Grands Magasins Réunis de Hanoi” “Grands Magamisns Charner de Saigon” rất giống nhau.
Cửa hàng GMC trở thành nơi mua sắm của giới sành điệu thượng lưu Pháp-Việt-Hoa có tiền. Hầu như tất cả hang của các cửa hiệu lớn ở Paris cũng có mặt ở đây. Tháng 12 năm 1925, khi toàn quyền Alexandre Varenne đến Saigon, vợ của ông là bà Varenne sau đó có đến cửa hàng Grands Magasins Charner để mua sắm, một người bạn ông giám đốc GMC đã giới thiệu ông với bà Varenne. Bà rất là de6~ chịu tiếp xúc với ông và ông đã bảo đảm chắc với bà là cửa hàng GMC đều đón tiếp phụ nữ An Nam bất kể giai cấp xã hội của họ (5).
Địa chỉ của GMC theo Niên giám địa chỉ thương mại, kỹ nghệ toàn Đông Dương (2) vào năm 1933 cho biết công ty sở hữu là “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine”: Grands Magasins Charner (GMC) (l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine), Société anonyme au capital de 42.000.000 de Frs, R.C Saigon no. 243, Boulevards Charner et Bonard, Add. Tél. : “MAGCHARNER”, Téléphone nos. 140 et 543, Boite Postale 528.
Như vậy trong vòng khoảng 10 năm số vốn vào cửa hàng GMC của công ty “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine” đã tăng hơn gấp 3 lần.
Quảng cáo các tiệm trong cửa hàng GMC được đăng trên các báo ở Saigon như trên tờ “Echo Annamite” (Tiếng gọi An Nam). Trong đó có những cửa hàng bán các hàng như đồng hồ, kính đeo, rượu, thuốc lá, thuốc tây, nước hoa, dịch vụ du lịch, Salon de Thé, Bar Américain, Salon de Manucure v.v…. Sau này còn có súng đạn đi săn.
thuongxatax
Hình 1 – Quảng cáo GMC trong “Guide pratique, Saigon” (3).
Tuy vậy trong khoảng giữa và cuối thập niên 1920 vào thời kỳ trước và trong lúc khủng hoảng kinh tế thế giới, đã có những khó khan và thay đổi quan trọng. Theo tuần báo “L’Eveil économique de l’Indochine” (Thức tỉnh kinh tế Đông Dương) ra ngày 8 tháng 8 năm 1926 cho biết vì sự khủng hoảng mất giá của đồng francs, đã ngưng bán hang theo tiền francs và dùng tiền piastre Đông Dương bắt đầu từ ngày 26/7/1926 . Các hang vẫn còn để giá tiền francs sẽ được đổi ra tiền piasters Đông Dương theo tỉ suất 20 francs là 1 đồng piastre. (1)
“La crise des changes oblige les Grands Magasins Charner à adopter la vente en piastres — La Direction des Grands Magasins Charner nous communique ce qui suit: La dévaluation du franc français, ayant pour cause profonde l’instabilité des prix, nous oblige, au moins provisoirement, à cesser nos ventes en francs.
En conséquence, nos prix, à dater de Lundi 26 Juillet 1926, seront fixe’s en piasters indochinoises.
Toutefois, la marque en piastres de toutes nos marchandisese exigeant un temps trop long pour y recourir sans fermer nos Magasins – et pour éviter cel inconvenient à notre estimée Clientè – nous l’informons qu’elle devra, pour ses achats, convertir en piasters sur la base de 20 francs à la piaster, ceux de nos prix encore exprimés en francs francais, et palate et palata… “
Và bắt đầu từ đấy cửa hàng GMC dùng tiền Đông Dương.
Khoảng thập niên 1960, cửa hàng GMC được đổi tên là Thương xá Tax, và vẫn là nơi thương mai với các cửa hàng thanh lịch sang trọng. Sau năm 1975, cũng như Grands Magasins Réunis ở Hà Nội lúc trước, thương xá Tax đã trở thành cửa hàng bách hóa tổng hợp. Ngày hôm nay, thương xá Tax lại thay đổi lần nữa với sự trùng tu lớn lao hơn các thay đổi lúc trước. Nếu mặt tiền vẫn giữ được nét xưa thì tòa nhà mới này cũng vẫn sẽ là một biểu tượng của Saigon, mặc dầu có sự tiếc nuối của một tòa nhà cũ nhiều kỷ niệm trong người Saigon.
Tham khảo:
  • L’Eveil économique de l’Indochine [“puis” (Eveil économique de l’Indochine)] ; Bulletin hebdomadaire, 1926/08/08 (A10,N478)
  • Annuaire complet (européen et indigène) de toute l’Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières : Indochine adresses, 1ère année 1933-1934 , éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy, Albert Portail (Saigon), 1933.
  • Guide pratique, renseignements et adresses. Saigon, Éditeur : J. Aspar (Saigon).
  • L’Eveil économique de l’Indochine [“puis” (Eveil économique de l’Indochine)] ; Bulletin hebdomadaire, 1923/11/04 (A7,N334).
  • L’Eveil économique de l’Indochine [“puis” (Eveil économique de l’Indochine)] ; Bulletin hebdomadaire,1925/12/06 (A9,N443).
(6)    L’Echo annamite , 1925/09/28 (A6,N393)

Sunday 5 August 2018

Những ngày đầu tiên ở Saigon khi Thế chiến thứ 1 bùng nổ (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Những ngày đầu tiên ở Saigon khi Thế chiến thứ 1 bùng nổ

Nguyễn Đức Hiệp
Cách đây đúng 100 năm khi thế chiến thứ nhất khởi màn bắt đầu từ Âu châu ở mặt trận miền Tây vào đầu tháng 8 năm 1914, ở Saigon lúc này là thuộc địa của Pháp đã chứng kiến những sự kiện đặc trưng dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt xảy ra vào ngày 6 tháng 8 1914, giữa hai nước tham chiến Pháp và Đức mà ngày nay ta khó có thể tưởng tượng có thể xảy ra được. Sự thù hận dân tộc bộc lộ không kiềm chế với sự bất công mà nạn nhân là những kiều dân Đức vô tội. Họ là những nhà kỹ nghệ, kỹ sư, thương gia đã sống ở Saigon trong nhiều năm làm việc trong lãnh vực sản xuất, dịch vu thương mại hàng hải, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, etc..
Những sự kiện trong thời gian này mà lịch sử ít ai biết được mô tả lại trong bài này để ta nhớ lại là bất kỳ trong cuộc chiến tranh nào thì người dân ở hai chiến tuyến là những người gánh chịu thua thiệt nhất. Đó là chưa kể vài năm sau, rất nhiều người Việt không dính dáng gì đến cuộc chiến tranh đã bị chính quyền thuộc địa Pháp gởi qua Âu châu làm việc ở các nhà máy và tham gia những trận đánh khốc liệt ở mặt trận miền Tây.
Người Đức ở Saigon
Cộng đồng người Đức có mặt ở Saigon vào cuối thập niên 1860s không lâu sau khi người Pháp chiếm Saigon và các tỉnh Nam Kỳ. Vào đầu thế kỷ 20, cộng đồng người Đức khá đông đảo mà đa số là các doanh nhân chuyên về dịch vụ bảo hiểm, chuyên chở hàng hóa qua tàu biển. Người Đức có tiếng ở Saigon lúc này là ông F. W. Speidel. Ông Speidel là chủ công ty Speidel et Cie. Công ty Speidel buôn bán đèn dầu, dầu hỏa, bảo hiểm hàng hải, xay xát lúa, xuất nhập cảng và chuyên chở hàng hóa trên các tuyến đường biển ở Viễn Đông.
Công ty Speidel có hai nhà máy xay lúa lớn nhất ở Nam Kỳ, đó là nhà máy Orient et Progres và nhà máy Union. Hai nhà máy này nằm dọc theo kênh Tàu Hủ ở Saigon-Chợ Lớn, cạnh tranh với các nhà máy xay lúa khác trong khu vực kênh Tàu Hủ của người Hoa từ Chợ Lớn, Singapore, Malacca và Penang.
Công ty Speidel et Cie có các tàu chuyên chở hàng hóa, như Carl Diederichsen, Holstein, Koenigsberg,Triumph, Michael JebsenClara Jebsen làm ăn mật thiết với một công ty tàu biển Đức khác ở Viễn Đông, công ty Jebsen & Co (4).
Ngoài công ty Speidel trụ sở ở số 44 Quai de Belgique (Quai de l’Arroyo Chinois, tức bến Chương Dương), trên con đường này có nhiều cơ sở thương mại của các công ty của những người Đức khác như công ty bảo hiểm hàng hải Engler et Cịe (số 8) đại diện cho công ty bảo hiểm Baden marine insurance Company Mannheim, ông Hottinger giám đốc công ty bảo hiểm Diethelm et Cịe (số 23), công ty nhập bia, nước uống của ông Bierdermann và Waespé (số 30-37). Và rất nhiều kiều dân Đức và gia đình làm ăn sinh sống ở Saigon như các ông Sigfried Kahl, Schmith, Hoffmann, Rietmann, Kloss (5),..
Mặc dầu cạnh tranh với người Hoa trong lãnh vực xay xát lúa gạo nhưng công ty Speidel cũng hợp tác với người Hoa trong dịch vụ chuyên chở hàng hóa và lúa gạo của các thương gia gốc Hoa ở các thành phố cảng như Saigon, Hải Phòng, Singapore, Hong Kong trên các tuyến hàng hải mà các tàu thương mại của rất nhiều nước tham dự cạnh tranh khốc liệt ở Viễn Đông. Thương mại quốc tế qua tàu biển từ Singapore, Saigon, Phnom Penh, Hải Phòng, Hong Kong đến các cảng ở Trung Hoa như Bắc Hải, Hạ Môn, Thượng Hải và Nhật Bản như Yokohoma, Nagasaki rất phát đạt với các tàu buôn mang cờ của đủ các nước. Ông Vương Thái (Wang-Tai), một thương gia già và có thế lực ở Saigon, đã mướn và dùng tàu Triumph của công ty Speidel năm 1891 trên tuyến đường hàng hải Hải Phòng – Bắc Hải (cảng Beihai, Quảng Tây) (4).
Công ty Speidel et Cie được thiết lập bởi một người Đực, ông Theodore Speidel, vào năm 1868 ở Saigon. Đây là một trong những công ty nước ngoài đầu tiên thiết lập ở Việt Nam, chỉ vài năm sau khi người Pháp đánh chiếm Saigon và các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Công ty Speidel buôn bán đèn dầu và sau này dầu hỏa lấy hàng từ các công ty dầu hỏa đang phát triển mạnh mẽ như Standard Oil, Shell Transport & Trading Co. và Royal Dutch Company. Đặc biệt, có một người Hòa Lan, ông Jan George Mulder làm việc cho công ty Speidel, ở chi nhánh Hải Phòng bán đèn dầu và dầu hỏa. Trong lúc rãnh việc, ông say mê nghiên cứu nhiếp ảnh nổi (stereoscopic photographs) trên mảnh kính và đã chụp nhiều ảnh nổi sinh hoạt thường ngày ở Hải Phòng vào các năm 1904-1908 (8). Đây là những ảnh tư liệu quí giá về xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Ông Theodore Speidel hoạt động tích cực trong lãnh vực thương mại hơn 30 năm, và là hội viên của Phòng thương mại Saigon (1882). Ông mất ở Paris năm 1909 và được ông F.W Speidel thay thế điều hánh công ty. Cũng như Theodore Speidel trước đó, ông F.W. Speidel là đại diện về vấn đề lãnh sự của Đức ở Saigon. Ông F.W Speidel còn là đại diện lãnh sự cho hai nước Bỉ và Đan Mạch ở Saigon. Ông đến Saigon ít nhất là trước năm 1871 làm việc cho công ty bảo hiểm Engler et Cie cũng do một người Đức nổi tiếng ở Saigon thành lập là ông Albert Engler.
Ông F.W Speidel rất được kính nể trong cộng đồng thương mại ở Saigon. Ông giúp đỡ và có quan hệ tốt đẹp các thương gia người Việt, các kiều dân nước ngoài như Anh, Hòa Lan, Đan Mạch, Hoa Kỳ,Trung Hoa. Vì ông có kinh nghiệm thương mại hàng hải, ông đã giúp tàu chiến “Palas” của Hoa Kỳ và nhiều tàu khác cu/a các nước bị hư hại vào sửa chửa ở cảng Saigon. Theo ông Sewell, lãnh sự Hoa Kỳ ở Singapore thì ông Spediel là người lịch thiệp, rất được quí trong trong công đồng nguời Mỹ ở Saigon (9). Đã có lúc ông Sewell đề nghị với chính phủ Hoa Kỳ cho ông là đại diện lãnh sự của Hoa Kỳ ở Saigon.
Đặc biệt ông F.W.Speidel có quan hệ rộng rãi với các thương gia người Hoa ở Chợ Lớn, tham gia vào nhiều công tác xã hội và là hội viên hội đồng quản trị (conseil d’administration) của Hội y tế Nam Kỳ (Association Hospitalière de Cochinchine) ở Chợ Lớn (5).
Ngày thế chiến xảy ra ở mặt trận miền Tây
Sau khi Đức tuyên chiến với Nga ngày 1/8/1914 ở phía Đông; biên giới Pháp-Đức ở phía Tây căng thẳng và xích mích xảy ra ở Joncherey. Ngày 3/8/1914, Đức tuyên chiến với Pháp và đánh bọc Pháp qua Bỉ. Bỉ, một nước trung lập, bị xâm phạm và vì thế Anh tuyên chiến với Đức ngày 4/8/1914. Thế chiến thứ nhất thật sự bùng nổ ở mặt trận miền Tây vào lúc này.
Tin tức chiến tranh giữa đồng minh (Anh, Pháp, Nga) và Đức-Áo đến Saigon ngày 4/8/1914. Chiều ngày 6/8/1914, người Pháp ở Saigon hăng hái tụ tập biểu lộ cảm xúc tự hào dân tộc biểu tình gây không khí căng thẳng chống Đức. Báo “The Straits Time” ở Singapore ra ngày 19/8/1914 đã tổng hợp tin tức các báo tiếng Pháp xuất bản ở Nam Kỳ, kể lại chi tiết sự kiện xảy ra chiều ngày 6/8/1914 như sau (6)
“.Các báo tiếng Pháp nhận được ở Singapore từ Nam Kỳ tường trình chi tiết các cảnh náo loạn mất trật tự xảy ra ở đường phố Saigon tối ngày 6 tháng 8. Tin tức nhận được buổi sáng hôm ấy là Đức tấn công ở Alsace và dọc biên giới Bỉ và Pháp, đã khơi dậy ở một số người Pháp vô trách nhiệm trong thành phố, một cảm xúc hứng khởi dễ đưa đến cường độ nguy hiểm, mà lúc đầu chỉ là cuộc biểu tình bình thường vào buổi sáng trước tòa lãnh sự Đức và được biểu lộ qua sự kéo chính thức là cờ Đức đáng ghét xuống.
Tuy vậy vào buổi chiều tối, số người biểu tình kích động tụ tập lần nữa – dường như theo một kế hoạch đã được vạch sẵn – chung quanh tòa Bưu điện Saigon, ở nơi này một người Saigon rất quen thuộc, ông Carpentier diễn thuyết với một bài nói chuyện chống Đức hằn học, trong đó ông đã phá cái mà ông gọi là “sự khoan dung phi ái quốc” cho phép sự hiện diện của người Đức trong lòng xã hội và đòi hỏi sự trục xuất ngay lập tức tất cả công dân Đức ra khỏi thuộc địa.
Một cuộc tuần hành sau đó được thành hình vào khoảng 9 giờ tối, được dẫn đầu bởi ba người mang cờ tam tài tiến về tòa nhà lãnh sự Đức giữa những tiếng la, hét, huyết sáo, hành khúc ca hát các bài ca ái quốc không diễn tả được. Tại tòa lãnh sự Đức, các tiếng nổ từ súng được bắn ra và các tiếng la lớn dữ tợn “Trả thù”, “Khai tử nước Đức” phát ra từ đám đông. Tòa lãnh sự, tuy vậy dường như không có ai và hoàn toàn tối om. Những người biểu tình sau đó diễn hành đến tòa lãnh sự Bỉ và Nga. Tại đây các bài hát ái quốc lại được dấy lên, lãnh sự Bỉ và Nga được ca ngợi tiếp đón với nhưng tiếng vỗ tay hoan hô rần trời.
Tiếp tục hành trình bất kham vô trật tự, đoàn người kéo đến khách sạn Hotel de la Rotonde(1) nơi mà lãnh sự Anh, ông Gorton vừa đến ở . Tại đây sự hồ hởi của đám đông lên đến cao độ hơn hết, với hàng loạt tiếng Anh hoan hô kiểu “hip, hip, hip, hurrah !” xen lẫn với các tiếng hô to “Vive l’Angleterre !” (“Nước Anh muôn năm!”, “Vive la France!” (“Nước Pháp muôn năm!”), “Vive la Reine Mary!” (“Muôn năm nũ hoàng Mary!”).
Cho đến thời điểm này, đoàn biểu tình tương đối không nguy hại, nhưng tiếc thay đám đông ban đầu lúc này được gia nhập nhiều hơn bởi các phần tử quá khích gồm một số thanh niên nữa cuồng điên bởi sự hứng khởi do tin tức nhận được hồi sáng, và rất có thể là những thành phần này chịu trách nhiệm chính cho các cảnh tàn phá và bạo động xảy ra sau đó.
Câu lạc bộ Đức bị cướp phá
Rời lãnh sự Anh, đám đông đi đả phá trụ sở của các ông trong công ty Speidel and Co.trên đại lộ Charner (2). Tại đây các cánh cửa ra vào cu/a tòa nhà đã bị phá sập và nhiều phát súng được bắn ra, tuy vậy đám đông không đi vào tòa nhà, vì ai đó đã đề nghị là đi tấn công Câu lạc bộ Đức ở đường Rue Lefevre (3). Đề nghị này được đám đông hăng say tán thành và thi hành ngay lập tức.
Chính tại câu lạc bộ Đức mà những sự kiện nghiêm trọng nhất đã xảy ra tối hôm đó. Khi các cửa của câu lạc bộ đang bị phá mở thì một sự kiện đáng buồn đã xảy ra. Một trong những người biểu tình – một thanh niên tên là Charles Castagné, con của một nghị viên hội đồng thành phố Saigon – đã bị trọng thương bởi một viên đạn lạc bắn từ một khẩu súng của một nhóm phá phách khác. Không hiểu sao đám đông xung quanh lại tưởng người thanh niên bị thương đó là một người Đức bị bắt ra từ câu lạc bộ. Với một sự khó khăn tột cùng người ta mới có thể mang ông Castagné ra khỏi đám đông vây quanh. Sự cướp phá câu lạc bộ sau đó được tiến hành, và chỉ trong vùng 15 phút, bàn ghế, đồ trang trí, tranh, sách etc. không còn gì khác hơn là một đám đồ vụn.
Không hài lòng với sự tàn phá này, đám đông sau đó kéo đến văn phòng công ty Speidel et Cie. ở góc đường MacMahon và Quai de l’Arroyo-Chinois (Bến Chương Dương), lúc đó đã được đóng cửa từ lúc sáng. Các cửa ra vào và cửa sổ nhanh chóng bị nện phá và đập bằng một cột cờ lớn, cột cờ này đã được nhổ lấy từ câu lạc bộ Đức. Tiếp theo là một sự say sưa tàn phá\, Bàn, ghế, bàn văn phòng bị đập bể, các mảnh bị quăng đây đó khắp nơi, các máy đánh chữ Adler bị quăng qua cửa sổ ra giữa đường, và chúng bị đập nát thành mãnh vụn, các hộp thuốc hút cigar và thuốc lá được mang đi làm chiến lợi phẩm và hoàn toàn không còn gì có giá trị được để nguyên trong văn phòng của công ty. Cuộc tàn phá có vẽ như đã làm thỏa mãn ngay chính các người cực đoan nhất của đám biểu tình, và đám đông từ đó dần dần tản biến mất.
Cơn giận dữ của đám biểu tình làm ngạc nhiên cảnh sát Pháp, những cảnh binh đang làm nhiệm vụ tối hôm đó hoàn toàn bất lực khi đối diện với một đám đông lớn rất cương quyết đập phá. Người thanh niên kém may mắn bi thương kể trên được đưa ngay vào bệnh viện quân đội và được giải phẩu; tính mạng của anh ta được xem như là hết nguy kịch. Sắc lệnh trục xuất các công dân Đức thật sự đã được ban hành ngay tối hôm có cuộc biểu tình xảy ra và một chiếc tàu Na Uy, mà các người Đức vội vã đi lên, rời cảng Saigon lúc 3 giờ sáng hôm sau.
Một tuyên bố sôi nổi gây xúc động
Tuyên bố sôi nổi sau đây được công bố bởi Tổng thư ký chính phủ Đông Dương, ông J. Van Vollenhoven:
“Công dân Pháp! Chiến tranh được tuyên bố. Nước Pháp trung thành với truyền thống của mình, một lần nữa cầm gươm phục vụ tự do và tranh đấu cho sự quân bằng quyền lực ở Âu châu, đang bị hăm dọa bởi tham vọng của nước Đức. Cộng hòa Pháp gan dạ bước vào cuộc đấu tranh này, mà Pháp đã làm đủ mọi cách để tránh,.Chưa bao giờ quân đội của Pháp lại đáng gờm như lúc bày, chưa bao giờ mà đồng minh lại vững chải như lúc này. Cả nước, tức bực rất chính đáng bởi những hành động gây hấn liên tục, đều nhiệt tình đứng lên dưới ngọn cờ. Chiến tranh sẽ đi đến thắng lợi bởi vì cả nước đều tham gia.
“Người Pháp ở Đông Dương !. Hiện chưa có lệnh giao cho chúng ta là phải hiệp lực các nổ lực của chúng ta với công việc của anh em chúng ta ở Pháp và phải sẵn sàng vinh quang hy sinh cho đất nước, nhưng một nghĩa vụ thiêng liêng đã đặt ra cho chúng ta   Chúng ta sẽ duy trì nguyên vẹn ảnh hưởng của nước Pháp ở Viễn Đông. Chúng ta là những cảnh vệ cho nước Pháp ở Đông Dương. Chúng ta chắc chắn về công lý của mục đích của chúng ta. Chúng ta sẽ khẳng định bằng thái độ cương quyết và phẩm cách, bằng bình tỉnh, niềm tin sâu đậm của chúng ta vào sự chiến thắng của quân đội và tương lai của đất nước.
“Đồng bào thân mến! Tôi kêu gọi với cùng trái tim và tình anh em đến tất cả. Chúng ta sẽ cùng nhau đứng đoàn kết quanh ngọn cờ. Trái tim cùng nhịp đập của chúng ta sẽ cho ta một kỷ luật mạnh đến nổi nó sẽ được tất cả tự nguyện chấp nhận. Nước Pháp muôn năm!”.
Bài báo trên cho thấy chính quyền Pháp ở Saigon đã không có biện pháp gì để bảo vệ kiều dân Đức và muốn trục xuất họ và tịch thu tài sản, cơ sở thương mại của họ một cách nhanh chóng.
Đối với kiều dân Đức bị trục xuất khỏi Saigon thì đây là tình cảnh của họ do họ thuật lại cho một phóng viên của tờ báo ở Batavia và được viết lại bởi phóng viên từ Singapore của tờ báo Straits Times ở Java, nơi những người Đức bị trục xuất đến trú ngụ (7). Bài này được đăng khoảng một tuần (vào ngày 25/8/2914) sau khi bài ở trên đăng về cuộc biểu tình ngày 6/8/1914 ở Saigon. Bài này cho thấy có sự khác biệt về sự việc xảy ra và tình cảnh thê thảm của kiều dân Đức với nhiều người bị trục xuất trong vài tiếng đồng hồ ra đi khỏi nơi họ đã sống và làm việc bao năm hầu như trắng tay không mang đi được gì.
Người Đức ở Saigon – Một câu chuyện nữa về số phận phiêu lưu của họ
(viết bởi một phóng viên ở Java) 20 tháng 8 1914
Những nhân viên người Đức của công ty Speidel ở Saigon vừa đến đây cách đây vài ngày, và thông tin trong bài sau đây là do họ tường thuật lại cho một đại diện một tờ báo ở Batavia. Những thông tin này nên được chú ý, bởi vì nó khác về nhiều khía cạnh với bài báo đã đăng vừa rồi trên Straits Times được gạn lọc từ các tờ báo Pháp từ Saigon.
Theo họ kể thì cảm giác chống Đức rất cao độ thấy rõ khắp Saigon ngay khi nơi này nhận được tin bắt đầu chiến tranh giữa hai nước Đức và Pháp ngày 4 tháng 8. Lãnh sự Đức ở Saigon, ông Reinsdorff, được chính thức thông báo vào ngày 5 tháng 8 là ông ta phải giao công việc lãnh sự cho đại diện một nước trung lập, và ngay sau đó ông phải rời khỏi Đông Dương. Những kiều dân Đức khác cũng buộc phải ra đi khỏi sứ. Ông Reinsdorff do đó đã giao nhiệm vụ lãnh sự của mình ông lãnh sự Hoa Kỳ, lúc đó là đại diện thương mại cho công ty Standard Oil Co. Sau sự việc này, một thông tư chính phủ được thông truyền cho nhau thông báo là tất cả người Đức phải rời Saigon trước bình minh, trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Mọi cố gắng bởi các đại diện người Đức cũng như lãnh sự Hoa Kỳ để được kéo dài thời gian ra đi này, nhưng không thành công, và hệ quả là không một người Đức nào có đủ thì giờ để sắp xếp công việc cá nhân riêng tư và thương mại của mình. Không một người Đức nào đã nghĩ đến sự đối xử như vậy, nhất là sự đối xử này đã không xảy ra trong chiến tranh năm 1870. Dường như chính quyền Pháp sợ rằng cảm giác của dân chúng sẽ lên cao độ nếu có tin tức là Pháp thất thế trong cuộc chiến và do đó người Đức được cảnh báo là đừng để đèn trong nhà của họ và không nên xuất hiện ngoài đường phố.
Các cuộc biểu tình hiếu chiến
Vào ngày 6 tháng 8, cao ủy cảnh sát thành phố ra lệnh tất cả người Đức đóng cửa các cơ sở thương mại của họ vì dân chúng có thể biểu tình bất cứ lúc nào. Người Đức vì thế buộc phải rời thành phố trên tàu Solveig cu/a Na Uy vào sáng sớm ngày 7 tháng 8, và một hội thảo giữa lãnh sự Đức và các đại diện chính quyền đi đến quyết định là ông lãnh sự Đức được hứa là tất cả người Đức sẽ được bảo vệ cho đến khi họ lên tàu hơi nước Solveig.
Vào lúc 9 giờ tối ngày 6 tháng 8, một cuộc biểu tình dự đoán sẽ xảy ra, đã bộc phát. Năm trăm hay hơn người Pháp, trong đó có một số công chức chính phủ, tuần hành qua các đường phố đến các tòa nhà chính phủ đòi hỏi gay gắt là chính phủ phải công bố tất cả tin tức nhận được liên qua đến cuộc chiến, mà không kiểm duyệt. Họ cũng tố cáo là chính phủ không công bố một số điện tín đã nhận được.
Sau đó, họ tuần hành đến lãnh sự Đức biểu tình rất hiếu chiến, và tiến đến tòa nhà Câu lạc bộ quốc tế (International Club), Họ xông vào câu lạc bộ, phá tan hoang những gi vào tay họ. Đèn bị đập vỡ, cửa sổ bị phá và các bàn billard trở thành gỗ vụn. Ly, chén, chai, ghế và tất cả những gì ở đó thành nát vụn, đến khi họ biết quá trễ là nơi mà họ tưởng là cơ sở của người Đức – bởi tên nơi này “Kegel club Saigon” – thật ra là Câu lạc bộ quốc tế.Sự việc này không hề làm họ trầm tỉnh lại và họ tiếp tục tiến đến văn phòng của các ông trong công ty Speidel and Co., những nhà thương mại lúa gạo.
Sự tàn phá ở Câu lạc bộ quốc tế được lập lại với cường độ mạnh hơn và không vật gì được nguyên vẹn. Súng được xử dụng với hệ quả là một trong những người trú ngụ trong tòa nhà, con của một bác sĩ Pháp, bị trọng thương và chết vào đêm ấy. Sau khi thõa mãn phá phách ở cơ sở Speidel, họ đi đến văn phòng công ty Engler and Co., nhưng tại đây họ gặp một hàng rào cảnh binh giữ họ ra xa khỏi một khoảng cách.
Trong khi đó một toán cảnh binh đến văn phòng công ty Speidel và người quản lý công ty đã lấy đi được tiền và hồ sơ trong tòa nhà và giao cho nhà băng Chartered Bank. Giận dữ vì không thể hiện được sự tức giận của họ ở văn phòng công ty Engler, đám đông đi đến Chợ Lớn, một khoảng ngắn cách Saigon, và tại đây họ đốt cháy một vài nhà máy xay xát lúa.
Trốn chạy buổi sáng sớm
Các người quản lý các cơ sở thương mại người Đức không có thời gian xếp đặt công việc hay giao lại cho những đại diện tin cậy. Tất cả người Đức đều chạy ngược chạy xuôi và chỉ có một ý tưởng trong đầu họ là cố gắng làm sao đi đến được tàu Solveig an toàn. Những sĩ quan và thủy thủ tàu Đức, Arnfels đang đậu ở cảng Saigon, bị đánh thức dậy và bắt buộc phải rời khỏi tàu Arnfels, không mang theo được đồ gì của mình để lên tàu Solveig đi ra khỏi Saigon. Các đám đông biểu tình vẫn còn ở ngoài đường và nhiều người Đức lo sợ rằng họ không thể đến được tàu Solveig. Ngay cả những người giúp việc và nhân viên bản sứ của các cơ sở thương mại Đức cũng bị hăm dọa bởi các đám biểu tình, trong đó nhiều trường hợp bị đối xử thô bạo.
Sự thoát chạy của người Đức bắt đầu vào 2 giờ sáng. Trong những xe kéo che kín, với nón đội được kéo xuống tận đôi mắt và cổ áo khoát dựng lên, họ đi đến một chổ hẹn, đó là nhà của một nhân viên người Hoa bốc dở hàng hóa, ở trên bờ sông. Một vài người Đức sống ở Chợ Lớn đi đến chổ hẹn bằng xe hơi đã vài lần bị cảnh binh chận nhưng được phép tiếp tục đi vì có sự đòi hỏi của các người Anh đi theo bảo hộ những người Đức di tản.
Vào lúc 3 giờ sáng, 33 người Đức, đàn ông lẫn đàn bà, không một người nào có trên tay đồ đạc cá nhân gì hết, đứng trên bong tàu Soveign sửa soạn rời Saigon nơi mà họ đã sống bao nhiêu năm. Tàu Soveign ra khỏi cảng Saigon lúc khoảng từ 6 giờ đến 7 giờ sang nhưng không bao lâu sao đó một chiếc tàu cu/a chính quyền rượt theo bắt tàu trở về cảng. Không có gì xảy ra sau đó và sau một thời gian dài bị đình trệ, tàu Solveign rời cảng lần thứ hai đi Batavia.
Đây là câu chuyện đau lòng của những người Đức sống ở Saigon, được những người Đức di tản thuật lại ở Batavia. Họ sẽ ở lại Batavia cho đến khi hết chiến tranh bởi vì họ không nghĩ là họ có thể trở về Đức trong lúc này.
“    
Báo Sydney Morning Herald (Australia) ngày 11 tháng 11 1914 có ghi lúc này ở Saigon, người Pháp rất phấn khởi trong không khí chiến tranh. Tại nhà hàng Café de la Terrace (vị trí khách sạn Caravelle ngày nay, góc đường Đồng Khởi và đại lộ Lê Lợi), buổi tối ban nhạc trước khi bắt đầu chương trình đều đánh các bài quốc ca của các nước đồng minh.
Ngoài kiều dân và các công ty thương mại Đức bị đối xử bất công, ngay cả người Hòa Lan cũng bị phân biệt kỳ thị. Hòa Lan mặt dầu trung lập nhưng vì có những quan hệ thương mại và văn hóa khá gần với Đức trong lịch sử ở Âu châu và Viễn Đông nên sự nghi ngờ của các chính quyền thuộc đia và dân chúng của các nước Đồng Minh (Anh và Pháp) ở Viễn Đông rất cao. Thí dụ như ông Theodore Speidel trước đó cũng là đại diện lãnh sự Hòa Lan ở Saigon.
Qua báo chí ở Singapore, ho cho là Hòa Lan bí mật giúp người Đức ở Viễn Đông mặc dầu thật sự chính quyền ở Batavia qua lãnh sự Hòa Lan ở Singapore đã cải chính và đòi hỏi chính quyền Anh ở Singapore phải phủ nhận những tin như vậy (2). Nhưng những việc làm như vậy đã không có hiệu quả, dân chúng ở Singapore và Saigon đã đòi hỏi chính quyền ngưng xuất khẩu hàng đến thuộc địa Hòa Lan ở Viễn Đông, kể cả lúa gạo. Một người Hòa Lan đã bị đuổi việc trong một công ty lớn của Pháp ở Saigon (2).
Đoạn kết
Ông Speidel sau khi buộc phải rời bỏ Saigon đi Batavia, ông đến Sukabumi, Java thuộc Hòa Lan và trú ngụ ở đó chờ đợi cho đến khi thế chiến chấm dứt. Không có tư liệu nào để lại cho biết số phận của ông ra sao. Công ty Speidel et Cịe hiện diện gần nữa thế kỷ từ năm 1868 cho đến 1914, đã đóng góp và phát triển nền kinh tế Nam Kỳ và Đông Dương nhất là trong lãnh vực lúa gạo, dịch vụ chuyên chở đường biển và bảo hiểm và chỉ trong một ngày vào tháng 8 năm 1914, nó đã tiêu tan biến mất. Ông rời Saigon với hai bàn tay trắng, chắc hẳn ông rất đau buồn vì hầu như cả cuộc đời của ông sống và làm việc ở đó.
Hai nhà máy xay xát lúa của ông, nhà máy Union et Progres và nhà máy Orient, bị chính quyền tịch thu và sau đó đã được đem ra bán đấu giá ở Saigon vào ngày 20 tháng 8 1915. Hai nhà máy này đã được hai người Hoa từ Khu cư trú eo biển (Straits Settlements, gồm Singapore, Penang, Malacca) mua lại. Nhà máy Union et Progres bán cho ông Lim Kim với giá $570,000 (dollars Khu cư trú eo biển) và nhà máy Orient được ông Ly Cho Chung mua với giá $785,000 (3). Người Hoa từ đó hoàn toàn nắm hết thị trường xay xát và buôn bán lúa gạo ở Nam Kỳ.
Các cơ sở khác của công ty Speidel trong lãnh vực buôn bán đèn dầu và dầu hỏa ở khắp Đông Dương đã được công ty dầu hỏa Hoa Kỳ Standard Oil đứng ra thay thế (4).
Ông Jacob Jebsen, người cùng thành lập công ty Jebsen & Cọ ở Hong Kong với ông Heinrich Jessen, đã bị quản thúc ở Australia và đến năm 1917 khi Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức, các tàu biển của ông và của công ty Speidel đã bị giữ lại ở Philippines. Sau chiến tranh ông tiếp tục trở lại nghề thương mại hàng hải và mất vào năm 1941. Con ông là Michael Jebsen tiếp tục kế thừa điều hành công ty. Công ty hàng hải Jebsen & Cọ hiện nay vẫn còn hoạt động (4).
Sau thế chiến thứ 1 với hòa ước Versailles, Đức mất nhượng địa Giao Châu Loan (ở nam bán đảo Sơn Đông) và thành phố Thanh Đảo ở Trung Hoa cho Nhật vì Nhật là một trong các nước Đồng Minh tuyên chiến với Đức ở Viễn Đông. Thuộc địa Đức ở Papua New Guinea được giao cho Australia quản lý và các đảo khác ở Thái Bình Dương mất cho Nhật.
Hầu như tất cả các cơ sở và hoạt động thương mại của của các công ty Đức ở Viễn Đông không còn. Hiện nay ở thành phố Thanh Hải, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vẫn còn sản xuất bia Tsingtao (Thanh Đảo) nổi tiếng có thị trường rất lớn ở Trung Quốc, từ nhà máy bia Tsingtao Brewery (青島啤酒廠, Thanh Đảo ti tửu xưởng. Bia Tsingtao do người Đức chế ra vào năm 1903 từ công ty bia Germania-Brauere, sau này là công ty Tsingtao Brewery.
.Chú thích:
  • Hotel de la Rotonde ở đầu đường Catinat (Đồng Khởi), đối diện với bến Bạch Đằng
  • Tòa nhà công ty Speidel et Cie.ở số 3-5 đầu Boulevard Charner (Đại lộ Nguyễn Huệ) gần bến Bạch Đằng
  • Người Pháp gọi Câu lạc bộ Đức (Cercle Allemand) ở số 144 Rue Lefebvre (Nguyễn Công Trứ ngày nay). Thật ra tên của câu lạc bộ là ‘Kegel-Klub Saigon” (Bowling club Saigon) và hội viên không nhất thiết là người Đức, ai cũng có thể là hội viên. Trong niên giám Đông Dương 1912 có ghi ông Bezold là chủ tịch, Kraft (phó chủ tịch), Francke (thư ký), Distel (thủ quỷ), Meng (quản thủ thư viện), Brooke (hội viên), Brunner (hội viên), Danzeisen (hội viên), Woellwarth (hội viên).
(4)      Công ty Speidel et Cie.buôn bán đèn và dầu từ cuối thế kỷ 19. Công ty Speidel bán dầu của cả hai công ty Shell (Anh) và Standard Oil (Mỹ) sản xuất. Công ty Standard Oil của Mỹ chắc phải có quan hệ tốt với công ty Speidel và cộng đồng người Đức trước năm 1914, nên Standard Oil mới đứng ra thay thế các chi nhánh và đại lý của công ty Speidel sau năm 1914. Đại diện thương mại của Standard Oil ở Saigon năm 1914 cũng là đại diện lãnh sự Mỹ và được lãnh sự Đức trao quyền lãnh sự thay Đức ở Saigon. Theo Robert Hopkins (9) thì lãnh sự Mỹ ở Singapore năm 1871 đã đề nghị với Bộ ngoại giao Mỹ nên bổ nhiệm ông F.W Speidel lúc đó đang làm cho Engler & Co. quyền lãnh sự Mỹ ở Saigon. Đèn dầu mà sau này người Việt gọi là “Đèn Hoa Kỳ” rất có thể là do công ty Standard Oil phổ thông hóa trong thập niên 1920s qua hệ thống bán đèn và dầu của công ty Speidel đã lập từ cuối thế kỷ 19 cho đến 1914 chứ không phải do công ty Shell như có giả thuyết về nguồn gốc từ “Đèn Hoa Kỳ” cho là như vậy.
Tham khảo
(9)  Robert Hopkins, The United States and Vietnam, 1787-1941, national Defense University Press, 1990.