Sunday 5 August 2018

Những ngày đầu tiên ở Saigon khi Thế chiến thứ 1 bùng nổ (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Những ngày đầu tiên ở Saigon khi Thế chiến thứ 1 bùng nổ

Nguyễn Đức Hiệp
Cách đây đúng 100 năm khi thế chiến thứ nhất khởi màn bắt đầu từ Âu châu ở mặt trận miền Tây vào đầu tháng 8 năm 1914, ở Saigon lúc này là thuộc địa của Pháp đã chứng kiến những sự kiện đặc trưng dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt xảy ra vào ngày 6 tháng 8 1914, giữa hai nước tham chiến Pháp và Đức mà ngày nay ta khó có thể tưởng tượng có thể xảy ra được. Sự thù hận dân tộc bộc lộ không kiềm chế với sự bất công mà nạn nhân là những kiều dân Đức vô tội. Họ là những nhà kỹ nghệ, kỹ sư, thương gia đã sống ở Saigon trong nhiều năm làm việc trong lãnh vực sản xuất, dịch vu thương mại hàng hải, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, etc..
Những sự kiện trong thời gian này mà lịch sử ít ai biết được mô tả lại trong bài này để ta nhớ lại là bất kỳ trong cuộc chiến tranh nào thì người dân ở hai chiến tuyến là những người gánh chịu thua thiệt nhất. Đó là chưa kể vài năm sau, rất nhiều người Việt không dính dáng gì đến cuộc chiến tranh đã bị chính quyền thuộc địa Pháp gởi qua Âu châu làm việc ở các nhà máy và tham gia những trận đánh khốc liệt ở mặt trận miền Tây.
Người Đức ở Saigon
Cộng đồng người Đức có mặt ở Saigon vào cuối thập niên 1860s không lâu sau khi người Pháp chiếm Saigon và các tỉnh Nam Kỳ. Vào đầu thế kỷ 20, cộng đồng người Đức khá đông đảo mà đa số là các doanh nhân chuyên về dịch vụ bảo hiểm, chuyên chở hàng hóa qua tàu biển. Người Đức có tiếng ở Saigon lúc này là ông F. W. Speidel. Ông Speidel là chủ công ty Speidel et Cie. Công ty Speidel buôn bán đèn dầu, dầu hỏa, bảo hiểm hàng hải, xay xát lúa, xuất nhập cảng và chuyên chở hàng hóa trên các tuyến đường biển ở Viễn Đông.
Công ty Speidel có hai nhà máy xay lúa lớn nhất ở Nam Kỳ, đó là nhà máy Orient et Progres và nhà máy Union. Hai nhà máy này nằm dọc theo kênh Tàu Hủ ở Saigon-Chợ Lớn, cạnh tranh với các nhà máy xay lúa khác trong khu vực kênh Tàu Hủ của người Hoa từ Chợ Lớn, Singapore, Malacca và Penang.
Công ty Speidel et Cie có các tàu chuyên chở hàng hóa, như Carl Diederichsen, Holstein, Koenigsberg,Triumph, Michael JebsenClara Jebsen làm ăn mật thiết với một công ty tàu biển Đức khác ở Viễn Đông, công ty Jebsen & Co (4).
Ngoài công ty Speidel trụ sở ở số 44 Quai de Belgique (Quai de l’Arroyo Chinois, tức bến Chương Dương), trên con đường này có nhiều cơ sở thương mại của các công ty của những người Đức khác như công ty bảo hiểm hàng hải Engler et Cịe (số 8) đại diện cho công ty bảo hiểm Baden marine insurance Company Mannheim, ông Hottinger giám đốc công ty bảo hiểm Diethelm et Cịe (số 23), công ty nhập bia, nước uống của ông Bierdermann và Waespé (số 30-37). Và rất nhiều kiều dân Đức và gia đình làm ăn sinh sống ở Saigon như các ông Sigfried Kahl, Schmith, Hoffmann, Rietmann, Kloss (5),..
Mặc dầu cạnh tranh với người Hoa trong lãnh vực xay xát lúa gạo nhưng công ty Speidel cũng hợp tác với người Hoa trong dịch vụ chuyên chở hàng hóa và lúa gạo của các thương gia gốc Hoa ở các thành phố cảng như Saigon, Hải Phòng, Singapore, Hong Kong trên các tuyến hàng hải mà các tàu thương mại của rất nhiều nước tham dự cạnh tranh khốc liệt ở Viễn Đông. Thương mại quốc tế qua tàu biển từ Singapore, Saigon, Phnom Penh, Hải Phòng, Hong Kong đến các cảng ở Trung Hoa như Bắc Hải, Hạ Môn, Thượng Hải và Nhật Bản như Yokohoma, Nagasaki rất phát đạt với các tàu buôn mang cờ của đủ các nước. Ông Vương Thái (Wang-Tai), một thương gia già và có thế lực ở Saigon, đã mướn và dùng tàu Triumph của công ty Speidel năm 1891 trên tuyến đường hàng hải Hải Phòng – Bắc Hải (cảng Beihai, Quảng Tây) (4).
Công ty Speidel et Cie được thiết lập bởi một người Đực, ông Theodore Speidel, vào năm 1868 ở Saigon. Đây là một trong những công ty nước ngoài đầu tiên thiết lập ở Việt Nam, chỉ vài năm sau khi người Pháp đánh chiếm Saigon và các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Công ty Speidel buôn bán đèn dầu và sau này dầu hỏa lấy hàng từ các công ty dầu hỏa đang phát triển mạnh mẽ như Standard Oil, Shell Transport & Trading Co. và Royal Dutch Company. Đặc biệt, có một người Hòa Lan, ông Jan George Mulder làm việc cho công ty Speidel, ở chi nhánh Hải Phòng bán đèn dầu và dầu hỏa. Trong lúc rãnh việc, ông say mê nghiên cứu nhiếp ảnh nổi (stereoscopic photographs) trên mảnh kính và đã chụp nhiều ảnh nổi sinh hoạt thường ngày ở Hải Phòng vào các năm 1904-1908 (8). Đây là những ảnh tư liệu quí giá về xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Ông Theodore Speidel hoạt động tích cực trong lãnh vực thương mại hơn 30 năm, và là hội viên của Phòng thương mại Saigon (1882). Ông mất ở Paris năm 1909 và được ông F.W Speidel thay thế điều hánh công ty. Cũng như Theodore Speidel trước đó, ông F.W. Speidel là đại diện về vấn đề lãnh sự của Đức ở Saigon. Ông F.W Speidel còn là đại diện lãnh sự cho hai nước Bỉ và Đan Mạch ở Saigon. Ông đến Saigon ít nhất là trước năm 1871 làm việc cho công ty bảo hiểm Engler et Cie cũng do một người Đức nổi tiếng ở Saigon thành lập là ông Albert Engler.
Ông F.W Speidel rất được kính nể trong cộng đồng thương mại ở Saigon. Ông giúp đỡ và có quan hệ tốt đẹp các thương gia người Việt, các kiều dân nước ngoài như Anh, Hòa Lan, Đan Mạch, Hoa Kỳ,Trung Hoa. Vì ông có kinh nghiệm thương mại hàng hải, ông đã giúp tàu chiến “Palas” của Hoa Kỳ và nhiều tàu khác cu/a các nước bị hư hại vào sửa chửa ở cảng Saigon. Theo ông Sewell, lãnh sự Hoa Kỳ ở Singapore thì ông Spediel là người lịch thiệp, rất được quí trong trong công đồng nguời Mỹ ở Saigon (9). Đã có lúc ông Sewell đề nghị với chính phủ Hoa Kỳ cho ông là đại diện lãnh sự của Hoa Kỳ ở Saigon.
Đặc biệt ông F.W.Speidel có quan hệ rộng rãi với các thương gia người Hoa ở Chợ Lớn, tham gia vào nhiều công tác xã hội và là hội viên hội đồng quản trị (conseil d’administration) của Hội y tế Nam Kỳ (Association Hospitalière de Cochinchine) ở Chợ Lớn (5).
Ngày thế chiến xảy ra ở mặt trận miền Tây
Sau khi Đức tuyên chiến với Nga ngày 1/8/1914 ở phía Đông; biên giới Pháp-Đức ở phía Tây căng thẳng và xích mích xảy ra ở Joncherey. Ngày 3/8/1914, Đức tuyên chiến với Pháp và đánh bọc Pháp qua Bỉ. Bỉ, một nước trung lập, bị xâm phạm và vì thế Anh tuyên chiến với Đức ngày 4/8/1914. Thế chiến thứ nhất thật sự bùng nổ ở mặt trận miền Tây vào lúc này.
Tin tức chiến tranh giữa đồng minh (Anh, Pháp, Nga) và Đức-Áo đến Saigon ngày 4/8/1914. Chiều ngày 6/8/1914, người Pháp ở Saigon hăng hái tụ tập biểu lộ cảm xúc tự hào dân tộc biểu tình gây không khí căng thẳng chống Đức. Báo “The Straits Time” ở Singapore ra ngày 19/8/1914 đã tổng hợp tin tức các báo tiếng Pháp xuất bản ở Nam Kỳ, kể lại chi tiết sự kiện xảy ra chiều ngày 6/8/1914 như sau (6)
“.Các báo tiếng Pháp nhận được ở Singapore từ Nam Kỳ tường trình chi tiết các cảnh náo loạn mất trật tự xảy ra ở đường phố Saigon tối ngày 6 tháng 8. Tin tức nhận được buổi sáng hôm ấy là Đức tấn công ở Alsace và dọc biên giới Bỉ và Pháp, đã khơi dậy ở một số người Pháp vô trách nhiệm trong thành phố, một cảm xúc hứng khởi dễ đưa đến cường độ nguy hiểm, mà lúc đầu chỉ là cuộc biểu tình bình thường vào buổi sáng trước tòa lãnh sự Đức và được biểu lộ qua sự kéo chính thức là cờ Đức đáng ghét xuống.
Tuy vậy vào buổi chiều tối, số người biểu tình kích động tụ tập lần nữa – dường như theo một kế hoạch đã được vạch sẵn – chung quanh tòa Bưu điện Saigon, ở nơi này một người Saigon rất quen thuộc, ông Carpentier diễn thuyết với một bài nói chuyện chống Đức hằn học, trong đó ông đã phá cái mà ông gọi là “sự khoan dung phi ái quốc” cho phép sự hiện diện của người Đức trong lòng xã hội và đòi hỏi sự trục xuất ngay lập tức tất cả công dân Đức ra khỏi thuộc địa.
Một cuộc tuần hành sau đó được thành hình vào khoảng 9 giờ tối, được dẫn đầu bởi ba người mang cờ tam tài tiến về tòa nhà lãnh sự Đức giữa những tiếng la, hét, huyết sáo, hành khúc ca hát các bài ca ái quốc không diễn tả được. Tại tòa lãnh sự Đức, các tiếng nổ từ súng được bắn ra và các tiếng la lớn dữ tợn “Trả thù”, “Khai tử nước Đức” phát ra từ đám đông. Tòa lãnh sự, tuy vậy dường như không có ai và hoàn toàn tối om. Những người biểu tình sau đó diễn hành đến tòa lãnh sự Bỉ và Nga. Tại đây các bài hát ái quốc lại được dấy lên, lãnh sự Bỉ và Nga được ca ngợi tiếp đón với nhưng tiếng vỗ tay hoan hô rần trời.
Tiếp tục hành trình bất kham vô trật tự, đoàn người kéo đến khách sạn Hotel de la Rotonde(1) nơi mà lãnh sự Anh, ông Gorton vừa đến ở . Tại đây sự hồ hởi của đám đông lên đến cao độ hơn hết, với hàng loạt tiếng Anh hoan hô kiểu “hip, hip, hip, hurrah !” xen lẫn với các tiếng hô to “Vive l’Angleterre !” (“Nước Anh muôn năm!”, “Vive la France!” (“Nước Pháp muôn năm!”), “Vive la Reine Mary!” (“Muôn năm nũ hoàng Mary!”).
Cho đến thời điểm này, đoàn biểu tình tương đối không nguy hại, nhưng tiếc thay đám đông ban đầu lúc này được gia nhập nhiều hơn bởi các phần tử quá khích gồm một số thanh niên nữa cuồng điên bởi sự hứng khởi do tin tức nhận được hồi sáng, và rất có thể là những thành phần này chịu trách nhiệm chính cho các cảnh tàn phá và bạo động xảy ra sau đó.
Câu lạc bộ Đức bị cướp phá
Rời lãnh sự Anh, đám đông đi đả phá trụ sở của các ông trong công ty Speidel and Co.trên đại lộ Charner (2). Tại đây các cánh cửa ra vào cu/a tòa nhà đã bị phá sập và nhiều phát súng được bắn ra, tuy vậy đám đông không đi vào tòa nhà, vì ai đó đã đề nghị là đi tấn công Câu lạc bộ Đức ở đường Rue Lefevre (3). Đề nghị này được đám đông hăng say tán thành và thi hành ngay lập tức.
Chính tại câu lạc bộ Đức mà những sự kiện nghiêm trọng nhất đã xảy ra tối hôm đó. Khi các cửa của câu lạc bộ đang bị phá mở thì một sự kiện đáng buồn đã xảy ra. Một trong những người biểu tình – một thanh niên tên là Charles Castagné, con của một nghị viên hội đồng thành phố Saigon – đã bị trọng thương bởi một viên đạn lạc bắn từ một khẩu súng của một nhóm phá phách khác. Không hiểu sao đám đông xung quanh lại tưởng người thanh niên bị thương đó là một người Đức bị bắt ra từ câu lạc bộ. Với một sự khó khăn tột cùng người ta mới có thể mang ông Castagné ra khỏi đám đông vây quanh. Sự cướp phá câu lạc bộ sau đó được tiến hành, và chỉ trong vùng 15 phút, bàn ghế, đồ trang trí, tranh, sách etc. không còn gì khác hơn là một đám đồ vụn.
Không hài lòng với sự tàn phá này, đám đông sau đó kéo đến văn phòng công ty Speidel et Cie. ở góc đường MacMahon và Quai de l’Arroyo-Chinois (Bến Chương Dương), lúc đó đã được đóng cửa từ lúc sáng. Các cửa ra vào và cửa sổ nhanh chóng bị nện phá và đập bằng một cột cờ lớn, cột cờ này đã được nhổ lấy từ câu lạc bộ Đức. Tiếp theo là một sự say sưa tàn phá\, Bàn, ghế, bàn văn phòng bị đập bể, các mảnh bị quăng đây đó khắp nơi, các máy đánh chữ Adler bị quăng qua cửa sổ ra giữa đường, và chúng bị đập nát thành mãnh vụn, các hộp thuốc hút cigar và thuốc lá được mang đi làm chiến lợi phẩm và hoàn toàn không còn gì có giá trị được để nguyên trong văn phòng của công ty. Cuộc tàn phá có vẽ như đã làm thỏa mãn ngay chính các người cực đoan nhất của đám biểu tình, và đám đông từ đó dần dần tản biến mất.
Cơn giận dữ của đám biểu tình làm ngạc nhiên cảnh sát Pháp, những cảnh binh đang làm nhiệm vụ tối hôm đó hoàn toàn bất lực khi đối diện với một đám đông lớn rất cương quyết đập phá. Người thanh niên kém may mắn bi thương kể trên được đưa ngay vào bệnh viện quân đội và được giải phẩu; tính mạng của anh ta được xem như là hết nguy kịch. Sắc lệnh trục xuất các công dân Đức thật sự đã được ban hành ngay tối hôm có cuộc biểu tình xảy ra và một chiếc tàu Na Uy, mà các người Đức vội vã đi lên, rời cảng Saigon lúc 3 giờ sáng hôm sau.
Một tuyên bố sôi nổi gây xúc động
Tuyên bố sôi nổi sau đây được công bố bởi Tổng thư ký chính phủ Đông Dương, ông J. Van Vollenhoven:
“Công dân Pháp! Chiến tranh được tuyên bố. Nước Pháp trung thành với truyền thống của mình, một lần nữa cầm gươm phục vụ tự do và tranh đấu cho sự quân bằng quyền lực ở Âu châu, đang bị hăm dọa bởi tham vọng của nước Đức. Cộng hòa Pháp gan dạ bước vào cuộc đấu tranh này, mà Pháp đã làm đủ mọi cách để tránh,.Chưa bao giờ quân đội của Pháp lại đáng gờm như lúc bày, chưa bao giờ mà đồng minh lại vững chải như lúc này. Cả nước, tức bực rất chính đáng bởi những hành động gây hấn liên tục, đều nhiệt tình đứng lên dưới ngọn cờ. Chiến tranh sẽ đi đến thắng lợi bởi vì cả nước đều tham gia.
“Người Pháp ở Đông Dương !. Hiện chưa có lệnh giao cho chúng ta là phải hiệp lực các nổ lực của chúng ta với công việc của anh em chúng ta ở Pháp và phải sẵn sàng vinh quang hy sinh cho đất nước, nhưng một nghĩa vụ thiêng liêng đã đặt ra cho chúng ta   Chúng ta sẽ duy trì nguyên vẹn ảnh hưởng của nước Pháp ở Viễn Đông. Chúng ta là những cảnh vệ cho nước Pháp ở Đông Dương. Chúng ta chắc chắn về công lý của mục đích của chúng ta. Chúng ta sẽ khẳng định bằng thái độ cương quyết và phẩm cách, bằng bình tỉnh, niềm tin sâu đậm của chúng ta vào sự chiến thắng của quân đội và tương lai của đất nước.
“Đồng bào thân mến! Tôi kêu gọi với cùng trái tim và tình anh em đến tất cả. Chúng ta sẽ cùng nhau đứng đoàn kết quanh ngọn cờ. Trái tim cùng nhịp đập của chúng ta sẽ cho ta một kỷ luật mạnh đến nổi nó sẽ được tất cả tự nguyện chấp nhận. Nước Pháp muôn năm!”.
Bài báo trên cho thấy chính quyền Pháp ở Saigon đã không có biện pháp gì để bảo vệ kiều dân Đức và muốn trục xuất họ và tịch thu tài sản, cơ sở thương mại của họ một cách nhanh chóng.
Đối với kiều dân Đức bị trục xuất khỏi Saigon thì đây là tình cảnh của họ do họ thuật lại cho một phóng viên của tờ báo ở Batavia và được viết lại bởi phóng viên từ Singapore của tờ báo Straits Times ở Java, nơi những người Đức bị trục xuất đến trú ngụ (7). Bài này được đăng khoảng một tuần (vào ngày 25/8/2914) sau khi bài ở trên đăng về cuộc biểu tình ngày 6/8/1914 ở Saigon. Bài này cho thấy có sự khác biệt về sự việc xảy ra và tình cảnh thê thảm của kiều dân Đức với nhiều người bị trục xuất trong vài tiếng đồng hồ ra đi khỏi nơi họ đã sống và làm việc bao năm hầu như trắng tay không mang đi được gì.
Người Đức ở Saigon – Một câu chuyện nữa về số phận phiêu lưu của họ
(viết bởi một phóng viên ở Java) 20 tháng 8 1914
Những nhân viên người Đức của công ty Speidel ở Saigon vừa đến đây cách đây vài ngày, và thông tin trong bài sau đây là do họ tường thuật lại cho một đại diện một tờ báo ở Batavia. Những thông tin này nên được chú ý, bởi vì nó khác về nhiều khía cạnh với bài báo đã đăng vừa rồi trên Straits Times được gạn lọc từ các tờ báo Pháp từ Saigon.
Theo họ kể thì cảm giác chống Đức rất cao độ thấy rõ khắp Saigon ngay khi nơi này nhận được tin bắt đầu chiến tranh giữa hai nước Đức và Pháp ngày 4 tháng 8. Lãnh sự Đức ở Saigon, ông Reinsdorff, được chính thức thông báo vào ngày 5 tháng 8 là ông ta phải giao công việc lãnh sự cho đại diện một nước trung lập, và ngay sau đó ông phải rời khỏi Đông Dương. Những kiều dân Đức khác cũng buộc phải ra đi khỏi sứ. Ông Reinsdorff do đó đã giao nhiệm vụ lãnh sự của mình ông lãnh sự Hoa Kỳ, lúc đó là đại diện thương mại cho công ty Standard Oil Co. Sau sự việc này, một thông tư chính phủ được thông truyền cho nhau thông báo là tất cả người Đức phải rời Saigon trước bình minh, trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Mọi cố gắng bởi các đại diện người Đức cũng như lãnh sự Hoa Kỳ để được kéo dài thời gian ra đi này, nhưng không thành công, và hệ quả là không một người Đức nào có đủ thì giờ để sắp xếp công việc cá nhân riêng tư và thương mại của mình. Không một người Đức nào đã nghĩ đến sự đối xử như vậy, nhất là sự đối xử này đã không xảy ra trong chiến tranh năm 1870. Dường như chính quyền Pháp sợ rằng cảm giác của dân chúng sẽ lên cao độ nếu có tin tức là Pháp thất thế trong cuộc chiến và do đó người Đức được cảnh báo là đừng để đèn trong nhà của họ và không nên xuất hiện ngoài đường phố.
Các cuộc biểu tình hiếu chiến
Vào ngày 6 tháng 8, cao ủy cảnh sát thành phố ra lệnh tất cả người Đức đóng cửa các cơ sở thương mại của họ vì dân chúng có thể biểu tình bất cứ lúc nào. Người Đức vì thế buộc phải rời thành phố trên tàu Solveig cu/a Na Uy vào sáng sớm ngày 7 tháng 8, và một hội thảo giữa lãnh sự Đức và các đại diện chính quyền đi đến quyết định là ông lãnh sự Đức được hứa là tất cả người Đức sẽ được bảo vệ cho đến khi họ lên tàu hơi nước Solveig.
Vào lúc 9 giờ tối ngày 6 tháng 8, một cuộc biểu tình dự đoán sẽ xảy ra, đã bộc phát. Năm trăm hay hơn người Pháp, trong đó có một số công chức chính phủ, tuần hành qua các đường phố đến các tòa nhà chính phủ đòi hỏi gay gắt là chính phủ phải công bố tất cả tin tức nhận được liên qua đến cuộc chiến, mà không kiểm duyệt. Họ cũng tố cáo là chính phủ không công bố một số điện tín đã nhận được.
Sau đó, họ tuần hành đến lãnh sự Đức biểu tình rất hiếu chiến, và tiến đến tòa nhà Câu lạc bộ quốc tế (International Club), Họ xông vào câu lạc bộ, phá tan hoang những gi vào tay họ. Đèn bị đập vỡ, cửa sổ bị phá và các bàn billard trở thành gỗ vụn. Ly, chén, chai, ghế và tất cả những gì ở đó thành nát vụn, đến khi họ biết quá trễ là nơi mà họ tưởng là cơ sở của người Đức – bởi tên nơi này “Kegel club Saigon” – thật ra là Câu lạc bộ quốc tế.Sự việc này không hề làm họ trầm tỉnh lại và họ tiếp tục tiến đến văn phòng của các ông trong công ty Speidel and Co., những nhà thương mại lúa gạo.
Sự tàn phá ở Câu lạc bộ quốc tế được lập lại với cường độ mạnh hơn và không vật gì được nguyên vẹn. Súng được xử dụng với hệ quả là một trong những người trú ngụ trong tòa nhà, con của một bác sĩ Pháp, bị trọng thương và chết vào đêm ấy. Sau khi thõa mãn phá phách ở cơ sở Speidel, họ đi đến văn phòng công ty Engler and Co., nhưng tại đây họ gặp một hàng rào cảnh binh giữ họ ra xa khỏi một khoảng cách.
Trong khi đó một toán cảnh binh đến văn phòng công ty Speidel và người quản lý công ty đã lấy đi được tiền và hồ sơ trong tòa nhà và giao cho nhà băng Chartered Bank. Giận dữ vì không thể hiện được sự tức giận của họ ở văn phòng công ty Engler, đám đông đi đến Chợ Lớn, một khoảng ngắn cách Saigon, và tại đây họ đốt cháy một vài nhà máy xay xát lúa.
Trốn chạy buổi sáng sớm
Các người quản lý các cơ sở thương mại người Đức không có thời gian xếp đặt công việc hay giao lại cho những đại diện tin cậy. Tất cả người Đức đều chạy ngược chạy xuôi và chỉ có một ý tưởng trong đầu họ là cố gắng làm sao đi đến được tàu Solveig an toàn. Những sĩ quan và thủy thủ tàu Đức, Arnfels đang đậu ở cảng Saigon, bị đánh thức dậy và bắt buộc phải rời khỏi tàu Arnfels, không mang theo được đồ gì của mình để lên tàu Solveig đi ra khỏi Saigon. Các đám đông biểu tình vẫn còn ở ngoài đường và nhiều người Đức lo sợ rằng họ không thể đến được tàu Solveig. Ngay cả những người giúp việc và nhân viên bản sứ của các cơ sở thương mại Đức cũng bị hăm dọa bởi các đám biểu tình, trong đó nhiều trường hợp bị đối xử thô bạo.
Sự thoát chạy của người Đức bắt đầu vào 2 giờ sáng. Trong những xe kéo che kín, với nón đội được kéo xuống tận đôi mắt và cổ áo khoát dựng lên, họ đi đến một chổ hẹn, đó là nhà của một nhân viên người Hoa bốc dở hàng hóa, ở trên bờ sông. Một vài người Đức sống ở Chợ Lớn đi đến chổ hẹn bằng xe hơi đã vài lần bị cảnh binh chận nhưng được phép tiếp tục đi vì có sự đòi hỏi của các người Anh đi theo bảo hộ những người Đức di tản.
Vào lúc 3 giờ sáng, 33 người Đức, đàn ông lẫn đàn bà, không một người nào có trên tay đồ đạc cá nhân gì hết, đứng trên bong tàu Soveign sửa soạn rời Saigon nơi mà họ đã sống bao nhiêu năm. Tàu Soveign ra khỏi cảng Saigon lúc khoảng từ 6 giờ đến 7 giờ sang nhưng không bao lâu sao đó một chiếc tàu cu/a chính quyền rượt theo bắt tàu trở về cảng. Không có gì xảy ra sau đó và sau một thời gian dài bị đình trệ, tàu Solveign rời cảng lần thứ hai đi Batavia.
Đây là câu chuyện đau lòng của những người Đức sống ở Saigon, được những người Đức di tản thuật lại ở Batavia. Họ sẽ ở lại Batavia cho đến khi hết chiến tranh bởi vì họ không nghĩ là họ có thể trở về Đức trong lúc này.
“    
Báo Sydney Morning Herald (Australia) ngày 11 tháng 11 1914 có ghi lúc này ở Saigon, người Pháp rất phấn khởi trong không khí chiến tranh. Tại nhà hàng Café de la Terrace (vị trí khách sạn Caravelle ngày nay, góc đường Đồng Khởi và đại lộ Lê Lợi), buổi tối ban nhạc trước khi bắt đầu chương trình đều đánh các bài quốc ca của các nước đồng minh.
Ngoài kiều dân và các công ty thương mại Đức bị đối xử bất công, ngay cả người Hòa Lan cũng bị phân biệt kỳ thị. Hòa Lan mặt dầu trung lập nhưng vì có những quan hệ thương mại và văn hóa khá gần với Đức trong lịch sử ở Âu châu và Viễn Đông nên sự nghi ngờ của các chính quyền thuộc đia và dân chúng của các nước Đồng Minh (Anh và Pháp) ở Viễn Đông rất cao. Thí dụ như ông Theodore Speidel trước đó cũng là đại diện lãnh sự Hòa Lan ở Saigon.
Qua báo chí ở Singapore, ho cho là Hòa Lan bí mật giúp người Đức ở Viễn Đông mặc dầu thật sự chính quyền ở Batavia qua lãnh sự Hòa Lan ở Singapore đã cải chính và đòi hỏi chính quyền Anh ở Singapore phải phủ nhận những tin như vậy (2). Nhưng những việc làm như vậy đã không có hiệu quả, dân chúng ở Singapore và Saigon đã đòi hỏi chính quyền ngưng xuất khẩu hàng đến thuộc địa Hòa Lan ở Viễn Đông, kể cả lúa gạo. Một người Hòa Lan đã bị đuổi việc trong một công ty lớn của Pháp ở Saigon (2).
Đoạn kết
Ông Speidel sau khi buộc phải rời bỏ Saigon đi Batavia, ông đến Sukabumi, Java thuộc Hòa Lan và trú ngụ ở đó chờ đợi cho đến khi thế chiến chấm dứt. Không có tư liệu nào để lại cho biết số phận của ông ra sao. Công ty Speidel et Cịe hiện diện gần nữa thế kỷ từ năm 1868 cho đến 1914, đã đóng góp và phát triển nền kinh tế Nam Kỳ và Đông Dương nhất là trong lãnh vực lúa gạo, dịch vụ chuyên chở đường biển và bảo hiểm và chỉ trong một ngày vào tháng 8 năm 1914, nó đã tiêu tan biến mất. Ông rời Saigon với hai bàn tay trắng, chắc hẳn ông rất đau buồn vì hầu như cả cuộc đời của ông sống và làm việc ở đó.
Hai nhà máy xay xát lúa của ông, nhà máy Union et Progres và nhà máy Orient, bị chính quyền tịch thu và sau đó đã được đem ra bán đấu giá ở Saigon vào ngày 20 tháng 8 1915. Hai nhà máy này đã được hai người Hoa từ Khu cư trú eo biển (Straits Settlements, gồm Singapore, Penang, Malacca) mua lại. Nhà máy Union et Progres bán cho ông Lim Kim với giá $570,000 (dollars Khu cư trú eo biển) và nhà máy Orient được ông Ly Cho Chung mua với giá $785,000 (3). Người Hoa từ đó hoàn toàn nắm hết thị trường xay xát và buôn bán lúa gạo ở Nam Kỳ.
Các cơ sở khác của công ty Speidel trong lãnh vực buôn bán đèn dầu và dầu hỏa ở khắp Đông Dương đã được công ty dầu hỏa Hoa Kỳ Standard Oil đứng ra thay thế (4).
Ông Jacob Jebsen, người cùng thành lập công ty Jebsen & Cọ ở Hong Kong với ông Heinrich Jessen, đã bị quản thúc ở Australia và đến năm 1917 khi Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức, các tàu biển của ông và của công ty Speidel đã bị giữ lại ở Philippines. Sau chiến tranh ông tiếp tục trở lại nghề thương mại hàng hải và mất vào năm 1941. Con ông là Michael Jebsen tiếp tục kế thừa điều hành công ty. Công ty hàng hải Jebsen & Cọ hiện nay vẫn còn hoạt động (4).
Sau thế chiến thứ 1 với hòa ước Versailles, Đức mất nhượng địa Giao Châu Loan (ở nam bán đảo Sơn Đông) và thành phố Thanh Đảo ở Trung Hoa cho Nhật vì Nhật là một trong các nước Đồng Minh tuyên chiến với Đức ở Viễn Đông. Thuộc địa Đức ở Papua New Guinea được giao cho Australia quản lý và các đảo khác ở Thái Bình Dương mất cho Nhật.
Hầu như tất cả các cơ sở và hoạt động thương mại của của các công ty Đức ở Viễn Đông không còn. Hiện nay ở thành phố Thanh Hải, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vẫn còn sản xuất bia Tsingtao (Thanh Đảo) nổi tiếng có thị trường rất lớn ở Trung Quốc, từ nhà máy bia Tsingtao Brewery (青島啤酒廠, Thanh Đảo ti tửu xưởng. Bia Tsingtao do người Đức chế ra vào năm 1903 từ công ty bia Germania-Brauere, sau này là công ty Tsingtao Brewery.
.Chú thích:
  • Hotel de la Rotonde ở đầu đường Catinat (Đồng Khởi), đối diện với bến Bạch Đằng
  • Tòa nhà công ty Speidel et Cie.ở số 3-5 đầu Boulevard Charner (Đại lộ Nguyễn Huệ) gần bến Bạch Đằng
  • Người Pháp gọi Câu lạc bộ Đức (Cercle Allemand) ở số 144 Rue Lefebvre (Nguyễn Công Trứ ngày nay). Thật ra tên của câu lạc bộ là ‘Kegel-Klub Saigon” (Bowling club Saigon) và hội viên không nhất thiết là người Đức, ai cũng có thể là hội viên. Trong niên giám Đông Dương 1912 có ghi ông Bezold là chủ tịch, Kraft (phó chủ tịch), Francke (thư ký), Distel (thủ quỷ), Meng (quản thủ thư viện), Brooke (hội viên), Brunner (hội viên), Danzeisen (hội viên), Woellwarth (hội viên).
(4)      Công ty Speidel et Cie.buôn bán đèn và dầu từ cuối thế kỷ 19. Công ty Speidel bán dầu của cả hai công ty Shell (Anh) và Standard Oil (Mỹ) sản xuất. Công ty Standard Oil của Mỹ chắc phải có quan hệ tốt với công ty Speidel và cộng đồng người Đức trước năm 1914, nên Standard Oil mới đứng ra thay thế các chi nhánh và đại lý của công ty Speidel sau năm 1914. Đại diện thương mại của Standard Oil ở Saigon năm 1914 cũng là đại diện lãnh sự Mỹ và được lãnh sự Đức trao quyền lãnh sự thay Đức ở Saigon. Theo Robert Hopkins (9) thì lãnh sự Mỹ ở Singapore năm 1871 đã đề nghị với Bộ ngoại giao Mỹ nên bổ nhiệm ông F.W Speidel lúc đó đang làm cho Engler & Co. quyền lãnh sự Mỹ ở Saigon. Đèn dầu mà sau này người Việt gọi là “Đèn Hoa Kỳ” rất có thể là do công ty Standard Oil phổ thông hóa trong thập niên 1920s qua hệ thống bán đèn và dầu của công ty Speidel đã lập từ cuối thế kỷ 19 cho đến 1914 chứ không phải do công ty Shell như có giả thuyết về nguồn gốc từ “Đèn Hoa Kỳ” cho là như vậy.
Tham khảo
(9)  Robert Hopkins, The United States and Vietnam, 1787-1941, national Defense University Press, 1990.

Thursday 2 August 2018

Phòng Từ vựng học (Viện Ngôn Ngữ Học)

Cập nhật: 10/5/2013 - 5:53:44 AM
                Như đã biết,Viện Ngôn ngữ học thành lập chính thức từ năm 5/1968. Viện được thành lập trên cơ sở của "Tổ Ngôn ngữ học" thuộc Viện Văn học và "Tổ Thuật ngữ khoa học" thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Người phụ trách đầu tiên của Tổ thuật ngữ này là cố giáo sư Lê Khả Kế.
Như vậy, có thể dựa vào nguồn thông tin trên mà suy ra rằng, sự ra đời của Phòng từ vựng học bắt nguồn từ Tổ Thuật ngữ khoa học như đã nói ở trên (bởi vì, thuật ngữ vốn là một lớp từ đặc biệt thuộc về hệ thống từ vựng của ngôn ngữ). Thật ra, đó cũng chỉ là một cách nói. Còn trên thực tế, sự ra đời của Phòng Từ vựng học đã trải qua nhiều bước rất thăng trầm.
Đầu tiên,Viện Ngôn ngữ học chưa có phòng nghiên cứu từ vựng độc lập. Cơ cấu tổ chức của các phòng nghiên cứu khoa học lúc đầu mới chỉ có Phòng Việt ngữ học, Phòng nghiên cứu các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Phòng Từ điển học, Phòng nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội, Phòng nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử và phương ngữ học. Nhiệm vụ nghiên cứu từ vựng tiếng Việt hồi ấy thuộc về Phòng Việt ngữ học.
Mãi cho đến những năm 1973 - 1974, một nhóm nghiên cứu từ vựng tiếng Việt mới được thành lập và gọi là Ban Từ vựng. Ban này do TS. Nguyễn Văn Thạc phụ trách gồm một số thành viên ban đầu như: Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Đức Tồn, Bùi Duy Khánh, Nguyễn Phương Chi, Nguyễn Thị Hồng Vân,...
Từ đó đến nay, Ban Từ vựng này còn phải trải qua vài lần thay đổi nữa mới có được một Phòng Từ vựng học tương đối "yên vị" như bây giờ.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Nhân kỉ niệm 45 năm ngày thành lập Viện Ngôn ngữ học( 1968- 2013), thay mặt cho Phòng Từ vựng học, tôi xin cảm ơn các nhà Ngôn ngữ học đi trước đã có công xây dựng nên Phòng Từ vựng học hôm nay, đặc biệt là các vị Trưởng phòng qua các thời kì như: cố TS. Nguyễn Văn Thạc, cố GS.TS. Đỗ Hữu Châu, TS.Vũ Thế Thạch và PGS.TS. Hà Quang Năng.
Và cũng nhân dịp này, tôi xin giới thiệu một số thông tin khái quát có liên quan đến Phòng Từ vựng học hiện tại như sau:
1. Trong quá khứ, Phòng Từ vựng học đã từng là ngôi nhà chung của nhiều nhà khoa học đã thành danh như: GS .TS. Hoàng Văn Hành, TS. Nguyễn Văn Thạc, GS.TS. Nguyễn Đức Tồn, PGS.TS. Hà Quang Năng, TS.Trần Đại Nghĩa, TS.Vũ Thế Thạch, TS.Nguyễn Phương Chi, TS. Nguyễn Thị Trung Thành,... Đặc biệt là, trong số các nhà khoa học đó, có hai vị đã từng là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học qua các thời kì, đó là cố GS .TS. Hoàng Văn Hành và GS.TS. Nguyễn Đức Tồn.
2. Hiện nay, Phòng có 5 thành viên, trong đó một PGS, 2 Thạc sĩ, một NCS và một học viên cao học đang trong giai đoạn chuẩn bị bảo vệ. Trừ vị Trưởng phòng đã đến tuổi nghỉ hưu, tất cả các thành viên khác đều còn rất trẻ, có năng lực nghiên cứu và trình độ tiếng Anh khá tốt.
3. Nhiệm vụ chủ yếu của Phòng Từ vựng học là nghiên cứu từ và các đơn vị tương đương với từ trong tiếng Việt. Vì thế, trong lịch sử cũng như hiện nay, nhiều nhà khoa học của Phòng đã có nhiều cống hiến trong việc làm rõ bản chất ngôn ngữ của các đơn vị từ vựng tiếng Việt như: từ, thành ngữ, từ địa phương, từ nghề nghiệp, thuật ngữ, tên riêng và các biểu hiện khác nhau của từ vay mượn trong tiếng Việt. Bên cạnh hướng nghiên cứu về cấu trúc, các cán bộ của Phòng còn tham gia miêu tả các đơn vị từ vựng tiếng Việt trong hoạt động giao tiếp như: giao tiếp hành chính, giao tiếp trong nhà trường, ngôn ngữ báo chí,... thậm chí có người còn vận dụng lí thuyết từ vựng học vào việc nghiên cứu ngôn ngữ tác phẩm - tác giả. Nhiều người đã trở thành chuyên gia hoặc có trình độ chuyên môn cao về một số lĩnh vực của từ vựng học tiếng Việt. Chẳng hạn, thành ngữ với Hoàng Văn Hành, từ đồng nghĩa với Nguyễn Đức Tồn, thuật ngữ với Hà Quang Năng, tên riêng với Phạm Tất Thắng,...
4.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Từ vựng học là rất rộng. Có thể nói, không một ai, thậm chí không một nhóm tác giả nào có thể tiếp cận hết hoặc gần hết những vấn đề rộng lớn và còn nhiều nan giải của lĩnh vực nghiên cứu từ vựng của ngôn ngữ. Vì thế, nhiệm vụ hiện tại và cả trong tương lai của Phòng Từ vựng học là tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu những vấn đề thuộc về Ngữ nghĩa học tiếng Việt cả trên phương diện ngữ nghĩa học từ vựng và ngữ nghĩa học tri nhận. Đây là mảng đề tài tuy khó, nhưng lại hấp dẫn giới chuyên môn ở mức độ biểu hiện đa dạng của các tín hiệu ngôn ngữ gắn liền với văn hóa, với tư duy của cộng đồng ngôn ngữ. Đây cũng là mảng đề tài phù hợp với định hướng nghiên cứu lâu dài của Viện và phù hợp với xu hướng nghiên cứu hiện nay của Ngôn ngữ học thế giới. Rất tiếc là, lực lượng nghiên cứu hiện nay của Phòng còn khá “ mỏng” cả về số lượng người lẫn kinh nghiệm nghiên cứu. Tuy nhiên, họ đều là những người trẻ, thông minh, được đào tạo đúng chuyên ngành và có trình độ ngoại ngữ khá tốt, nên Thời gian sẽ ủng hộ họ.
Tôi vốn là một quân nhân chuyển ngành về Viện từ năm 1985. Trong thời gian khá dài công tác tại Viện, tôi đã từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong quá trình biến đổi và phát triển của Viện ta. Tôi cũng đã vinh dự được tham gia lễ Kỉ niệm lần thứ 35 năm ngày thành lập Viện tại 20 - Lí Thái Tổ. Và sắp tới đây, tôi lại được mừng Sinh nhật Viện lần thứ 45 tại số 9 - Kim Mã Thượng. Tôi rất hồi hộp và chờ đợi đến ngày đó, tôi sẽ được nhìn lại tất cả những gương mặt thân yêu đã cùng tôi làm việc trong những tháng ngày vất vả dưới mái nhà chung là Viện Ngôn ngữ học.
Nhân ngày lễ trọng đại này và để mừng cho Viện ta, Ngành ta ngày càng phát triển, tôi chúc cho tất cả mọi người Hạnh phúc!
                                                                       PGS.TS. Phạm Tất Thắng

Wednesday 1 August 2018

Đại lộ Charner cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 – Phần 3 – (Nguyễn Đức Hiệp - Lê Quý Đôn Khung Trời Kỷ Niệm)

http://thaolqd.blogspot.com/2015/09/ai-lo-charner-cuoi-ky-19-au-ky-20-phan_19.html)

Đại lộ Charner cuối thế kỷ 19
đầu thế kỷ 20
– Phần 3 –


Nguyễn Đức Hiệp



Số 115 Charner là Tòa nhà Hòa giải (Palais Justice de la Paix), trước đó là nhà thờ St Marie Immaculée. Cạnh bên tòa nhà hòa giải ở số 117 là nhà của ông bà Georges Garros, luật sư biện hộ cho tòa Hòa giải; và cũng là trụ sở của báo Moniteur des provinces (Nhật Báo tỉnh).
Tờ Moniteur des provinces được chính quyền cho ông Georges Garros, luật sư, có phép xuất bản ngày 25 tháng 10 1904 (Écho annamite, 1924/09/03 (A5, N86)). Tờ Moniteur des provinces chủ yếu là một tờ công báo mà ông Phạm Quỳnh cho biết là “dịch những nghị định công văn của Nhà nước, đăng những tin thuyên chuyển trong quan lại ”. Phiên bản tiếng Pháp dịch ra tiếng Việt (quốc ngữ) được gọi là Nhật báo tỉnh mà chủ nhiệm là ông Nguyễn Văn Của, và chủ bút là Lê Hoằng Mưu. Tờ báo này thành lập năm 1905 chỉ ra sau tờ Nông Cổ Mín Đàm 4 năm. Nguyễn Văn Của cũng là chủ nhà in nổi tiếngImprimerie de l’Union có cơ sở in ấn trên đường Catinat và đường Taberd. Nhật báo tỉnh có các bài viết của ông Gilbert Trần Chánh Chiếu kêu gọi canh tân xã hội Việt Nam.
Ông bà luật sư Georges và Clara Garros là người Pháp sanh trưởng ở đảo Réunion. Gia đình ông bà Garros đến Saigon lập nghiệp năm 1892. Ông bà có người con trai tên là Roland Garros, lúc đó mới 4 tuổi, sau này Roland là phi công nổi tiếng và là người anh hùng của Pháp trong thế chiến thứ nhất. Roland Garros được nhiều người biết qua giải quần vợt mở rộng của Pháp tại sân quần vợt ở Paris có tên là Roland Garros nhưng hầu như ít tai biết là ông Roland Garros đã trải qua thời niên thiếu ở Saigon trên con đường Charner ở số 117.
Roland khi còn nhỏ ở Saigon đã đi theo cha, giao thiệp nhiều, học và biết nói tiếng Việt. Tuổi trẻ của Roland ở Saigon trên con đường Charner và cạnh tòa nhà hòa giải, nơi cha ông làm việc đã mở mang cái nhìn của Roland rộng hơn về thế giới bên ngoài. Tờ tuần báo “Le Nouvelliste d'Indochine”, xuất bản ở Saigon ra ngày chủ nhật 9 tháng 10.1938 có viết một bài về Roland Garros tựa đề "Une belle figure saigonnaise, Roland Garros" của tác giả Jacques Baroche. Dưới tựa đề bài có ghi chú của một người biên tập ký tên L.N cho biết là Roland Garros học tiểu học và năm đầu trung học ở trường Lycée Chasseloup-Laubat và rất nhiều người Saigon cũ vẫn còn nhớ đã thấy Roland đùa giỡn với người chị gái trước văn phòng của ông George Garros trên đường Charner. Ở Saigon, gia đình ông bà Garros thấy chương trình tiểu học chưa đủ tiêu chuẩn nên bà Clara Garros đã dạy Roland thêm ở nhà theo chương trình cao hơn.
Ông George Garros là một người biết nhiều về xã hội Á Đông, ông viết quyển sách “Les Usages de Cochinchine” xuất bản ở Saigon năm 1915 hướng dẫn người Pháp tìm hiểu về phong tục xã hội ở Nam Kỳ, quyển “Forceries humaines; l'Indochine litigieuse. Esquisse d'une entente franco-annamite” (nxb A. Delpeuch, Paris, 1926) viết về kinh nghiệm, hiểu biết và tư tưởng cấp tiến của ông lúc làm luật sư biện hộ ở Saigon. Ông cũng viết nhiều bài trong sách tham khảo về Đông Dương “L' Indochine 1906” mà ông là đồng tác giả. George Garros là người thành lập báo “Le Courier Saigonnais” và chủ trương tờ báo cấp tiến bảo vệ quyền lợi người bản xứ, “Jeune d'Asie”, cho độc giả cấp tiến Pháp và người Việt đọc được tiếng Pháp và Quốc ngữ. Thuộc thành phần cấp tiến người Pháp ở Nam Kỳ, như Paul Monin và Dejean de la Bâtie, ông ủng hộ chính sách cởi mở của toàn quyền Sarraut và là bạn của nhiều người Việt trong đó có Bùi Quang Chiêu, Lê Hoằng Mưu, Trần Chánh Chiếu. Ông gia nhập làm hội viên Hội tam điểm (franc-maçon), chi nhánh “Le Réveil de l'Orient” ở Saigon (27).
Nhà ông Garros số 117 đường Charner là trụ sở báo Moniteur des provincesNhật tỉnh báo và sau này cũng là trụ sở báo “La Jeune d'Asie”. Ông Garros là một trí thức Pháp sinh đẻ ở thuộc địa nên ông hiểu nhiều về tình cảnh dân thuộc địa so với những người ở chính quốc. Ông có liên hệ và giúp đỡ các ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Văn Của, Lê Hoằng Mưu lập ra tờ báo Moniteur des provinces hay Nhật báo tỉnh có mục đích giúp đỡ người Việt bản xứ biết, tìm hiểu hệ thống hành chánh và tham gia vào công quyền quản lý ở Nam Kỳ. Ngoài ra tờ báo cũng phổ biến chữ quốc ngữ trong đầu thế kỷ 20 tới các tầng lớp trong xã hội Việt Nam.
Năm 1900, ông bà Garros gởi cậu con trai Roland qua Pháp học. Ở Pháp, Roland cũng là tay đua xe đạp đoạt giải vô địch ở Paris năm 1906. Sau khi học xong trung học, Roland đam mê máy bay và hàng không, lúc đó bắt đầu phát triển. Ông tham dự các cuộc đua máy bay qua biển Manche và Tây Ban Nha, và đi qua Mỹ để tìm hiểu thêm về hàng không ở Mỹ. Ông là người đầu tiên bay máy bay băng qua Địa Trung Hải vào năm 1913. Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, phi cơ trở thành công cụ chiến tranh và mang bom do chính phi công cầm tay thả xuống trận địa,
Roland vào quân đội, tham gia ngành không quân mới chớm nở. Ông tham dự nhiều trận không chiến và bắn hạ ít nhất 4 phi cơ Đức. Năm 1915, trong một phi vụ bỏ bom ở Bỉ, phi cơ ông bị bắn rơi, bị bắt tù binh chiến tranh và bị mang về Đức cầm tù. Trong tù để không nhàm chán và có sức khỏe, ông hay chơi quần vợt tennis. Tháng 2 năm 1918, ông trốn khỏi được ngục tù ở thành phố Magdebourg, chạy thoát được đến Hòa Lan, đi tàu qua Anh rồi trở về Pháp. Chuyến vượt ngục tù này của Roland Garros đã gây tiếng vang nhiều nơi trên thế giới và ông trở thành càng nổi tiếng ở Pháp.
Trung úy phi công Roland Garros thi hành phi vụ cuối cùng ngày 5 tháng 10 1918, một ngày trước sinh nhật 30 tuổi của ông và hơn một tháng trước ngày đình chiến chấm dứt chiến tranh, máy bay ông bị bắn rơi trong một trận không chiến. Nước Pháp nhớ ơn ông với nhiều tượng đài và năm 1928 đặt tên sân quần vợt nổi tiếng ở Paris, nơi giải mở rộng được tổ chức, với tên là sân quần vợt Roland Garros. Bạn học ông thời trung học là Émile Lesieur khi là chủ tịch “Stade français”, năm 1928 đã đặt tên sân tennis sắp xây để tổ chức giải “Davis Cup” mà Pháp thắng kỳ tranh giải trước đó, là tên người phi công và lực sĩ tài hoa.
Ở đảo Réunion nơi ông sinh thành, con đường gia đình ông xưa kia ở trở thành đường Roland Garros và phi trường chính ở đảo Réunion hiện mang tên Roland Garros. Ở Saigon thời Pháp, nơi ông trải qua thời niên thiếu, năm 1919 đường Némésis được đổi tên là rue d’aviateur Roland Garros (nay là Thủ Khoa Huân).



Hình 20: Roland Garros trên phi cơ Morane-Saulnier

*

Số 125 là cửa tiệm bán bánh mì nổi tiếng của ông Louis-Roux. Bánh mì của ông Roux ngon nổi tiếng Saigon và ông còn có nhiều cửa tiệm bán khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Trên tờ Nông Cổ Mín Đàm (như số báo ngày 26/12/1901) có quảng cáo như sau (giữ nguyên chính tả của câu văn thời đầu thế kỷ 20 như trong báo)

Phố bánh mì thiệt thợ Langsa làm
(của ông Roux)
Nội Saigon có một phố hàng này mà thôi ở tại đường Charner (tục danh đường Kinh Lấp) số 125. Xin anh em chớ lộn.
Có tiệm ngánh trước nhà thờ Tân Định (Cầu-kiệu)
Tiệm ngánh tại Chợ Lớn đường Marins.
Mỗi bữa sớm mai và chiều đều có bánh mới sốt dẻo và bánh sừng-bò chẩy beurre (bánh mặn).
Ngày chủ nhật, thứ ba và thứ năm có bánh tròn mặn, bánh bò chế mật.
Tại tỉnh Mỹ Tho
Tiệm ngánh ở đường mé sông chợ số 10. – Mỗi bữa đều có bánh mì mới.
Bán đủ đồ vật thực đựng hộp nhứt hảo hạng. – Có rượu chát, rượu bìere, limonades.
Có trữ nước đá.
Đủ thuộc y-dược tây
Nội hạt ai mua vật gì thì xin gởi mau mắn và tử tế hết sức.
Còn ở các hạt Tân-an, Bến-tre, Cái-bè, Cần-thơ, Hà-tiên, Sốc-trăng, Vĩnh-long và Sa-đéc, an hem ai muốn mua vật chi thì xin gởi thơ cho tôi, tên Roux tại Mỷtho.
Tại Cap Saint Jacques
(Vũng Tàu)
Có tiệm và lò bánh mì tại đường Lanessan. Lảnh nạp bánh cho các cơ binh. – Có gởi bánh mì qua bán tại Bà-rịa.
Tỉnh Biên-Hòa
Có đễ bánh mì bán tại phố Châu-trân-Lang, là nhà hàng bán dồ phẩm thực.
Ai muốn mua bánh đễ lâu đặng đi đường, hay là đi rừng di rú thì cũng có bán.

(chú thích: langsa tức người Pháp, phiên âm từ chữ Français)
Bánh mì của ông Roux đã phổ thông hóa đến khắp tầng lớp người Việt ở Nam kỳ lục tỉnh và trở thành món ăn của người Việt thường dùng, với một số cải biến ở nhiều vùng. Số 131 bán thuyền ca nô (canot) và xe hơi của ông Ippolito. Số 133 là văn phòng và nhà của thương gia, ông Guillaud và số 135 là văn phòng và tư gia của ông bà Paris, luật sư biện hộ ở tòa án. Sau này nơi đây là trụ sở công ty Société des Garages Charner, bán và sửa xe hơi. Ngày nay địa điểm này là Khách sạn Kim Đô. Cạnh bên ở số 135bis là tư gia của ông chủ tiệm bánh mì (boulangerie française), ông Louis-Roux mà như ta đã đề cập bên trên ở ngay góc đường Charner và Bonnard.

*

Sau này số 135 và 135bis là cửa tiệm của công ty Bresset et Cie (số 135) và cửa tiệm bán xe đạp và xe hơi của ông Muet (số 137). Đến đầu thập niên 1920 tại đây, sau khi mua lại các căn phố ở góc đường Charner và Bonard, công ty Société colonial des Grands Magasins vào năm 1924 đã xây và khánh thành cửa hàng to lớn Grand Magasins Charner (GMC) tức Thương xá Tax ngày nay. Qua bên kia đường Bonnard là số 141 Charner nơi ông bà Milanta, làm nghề tiếp đón dẫn khách, cư ngụ mà sau này được phá đi và xây lại to lớn hơn thành salon bán xe hơi của ông Bainier.


(a)

(b)
Hình 21: (a) Tòa nhà Établissement Bainier bán xe hơi của ông Émile Bainier, địa điểm này ngày nay là Khách sạn Rex (b) Garage Charnersố 131 đại lộ Charner và trụ sở công ty Société des Garages Charner ở số 131-133 cạnh bên Grand Magasin Charner (GMC).

Garage Charner là đại lý độc quyền bán các xe hơi Delage, Renault, Panhard, Monet-Goyou. Ngoài ra còn có các loại xe Lavassor, Rochet, Schneider, Benjamin, vỏ xe hơi Dunlop Cord. Đặc biệt Garage Charner là đại lý của công ty sản xuất xe hơi Renault cạnh tranh với công ty Établissement Bainier(cũng trên đường Charner) đại lý cho công ty sản xuất xe hơi Citroen. Ngoài ra, Garage Charner còn bán các động cơ kỹ nghệ và động cơ tàu trên sông và biển. Garage Charner là do công ty Société des Garages Charner điều hành, một công ty con của công ty Compagnie de Commerce et de Navigation d’Extrême-Orient (cơ sở ở tòa nhà mà nhà nhiếp ảnh Planté có văn phòng, số 10 Charner). Cuối tháng 6 năm 1929, nơi đây có xảy ra một trận hỏa hoạn lớn phá hủy tất cả bên trong garage, thiệt hại ước lượng từ 60000 đến 80000 piastres. Hỏa hoạn này tuy vậy không ảnh hưởng đến tòa nhà GMC bên cạnh. Trong tờ tạp chí “Bulletin du Syndicat des planteurs de caoutchouc de l'Indochine” ngày 12/12/1923 có đăng quảng cáo như sau:


Automobilists !
Avant de fixer votre choix, visitez les grand magasins d’exposition de la
Société des Garages Charner
131-133 Boulevard Charner 131-133
Saigon
Agence exclusive pour l’Indochine des plus grandes marques française automobiles
Panhard-Levasor-Rochet-Schneider-Delage-Benjamin
Demandez-nous le catalogue & renseignements
Ateliers modernes de reparations
Stock de pièces de rechange – Stock pneumatiques Dunlop Cord

Ở góc đường Charner và Bonnard là auto-hall và garage của Établissement Bainier d'Indochine (É. Bainier) của ông Bainier. Sau nầy E. Bainier đổi qua đối diện bùng binh đường Charner và Bonnard ở số 141 Charner (vị trí khách sạn Rex ngày nay). E Bainier d'Indochine có cơ sở và garage khắp Đông Dương: Saigon, Hanoi, Phnom Penh, và ở các tỉnh như Bạc Lieu, Battanbang, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Kampot. E. Bainier là đại lý bán các xe của hãng Citroen.
Ông Émile Bainier đến lập nghiệp ở Saigon vào khoảng năm 1908 (15). Là một người có đầu óc kinh doanh, ông tiên phong đi vào thị trường mới, thị trường buôn bán xe hơi. Lúc nầy xe hơi bắt đầu phổ thông trên thế giới. Ở Đông Dương thị trường này con rất sơ khai. Đa số người Saigon di chuyển bằng hệ thống giao thông công cộng, xe lửa, xe tramway, hay cá nhân qua xe ngựa, xe kéo. Năm 1909 chính ông đã lái xe buýt giới thiệu phương tiện chuyên chở công cộng dùng xe buýt cho nhiều quan chức và nhân viên chính quyền trên đường phố Saigòn. Không lâu sau ông thiết lập auto-hall, cửa hàng bán xe hơi, trên góc đường Bonnard (21 Bonnard) và Charner (100-102 Charner) bán các loại xe DarracqUnicDodge BrothersCitroën (15).
Không lâu, công ty của ông (E. Bainier) thành công trong thương trường và ông xây thêm cửa hàng auto-hall ở đối diện chéo với bùng binh Chaner và Bonnard (tiền thân của khách sạn Rex ngày nay) vào năm 1927 chỉ vài năm sau khi thương xá Tax (GMC) khai trường vào năm 1924. Nơi đây được coi như là auto-hall lớn nhất Viễn Đông vào lúc bây giờ. Vua Cam Bốt năm 1928 khi viếng Saigon đã đến xem các xe trong auto-hall của ông Bainier. Khủng hoảng kinh tế bắt đầu năm 1929 đã làm công ty Établissements Bainier lỗ lã trong gần suốt thập niên 1930s nhưng sau này ông đã khôi phục lại,Établissements Bainier thua lỗ lớn nhất là vào các năm 1932, 1933 và 1934. Theo thông tin từ các buổi họp thường niên cổ động đăng trên tờl'Infornation d'indochine (14). Năm 1935 số vốn của công ty là 666000 piastres, đến năm 1936-1940 số vốn chỉ còn lại là 264000 piastres.
Ông Bainier là một nhà kinh doanh có chí, kiên nhẫn và rộng lượng, theo tờ Echo Annamite (Tiếng vọng An Nam) ngày 22/1/1927, thì ông Bainier đã cho phép trụ sở mới vừa xây của công ty ngay góc đường Charner và Bonnard được dùng làm nơi hội họp của một ủy ban tổ chức lễ hội (foire) lấy tiền cứu trợ nạn lụt ở Bắc Kỳ (16). Ông Emile Bainier mất vào năm 1941 ở Saigon. Vợ và con ông tiếp tục cơ sở kinh doanh xe hơi của ông cho đến năm 1953 thì họ trở về Pháp. Vợ chồng hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Thi, Nguyễn Thị Nguyệt Nga mua lại tòa nhà Bainier và phá đi để xây lên khách sạn Rex, rạp chiếu phim và các cửa hàng mà cho đến ngày nay vẫn còn hầu như nguyên vẹn.
Số 145 Charner là Café Américain của bà Nault. Số 145 là cửa hàng bán quần áo thời trang của bà Clérian và số 149, là cửa tiệm của ông Gauthier cho thuê xe kéo (pousse-pousse). Nếu đầu đường Charner gần chợ Cũ là các cửa tiệm của người Hoa thì từ số 151 đến cuối đường bên dãy số lẻ đa số là các cửa tiệm may mặc của người Ấn (Abdoulcader, 151, Goulamecader 157, Abdoul-Hakime 161, Mouhamat-Mastam 163).

*

Bây giờ ta đến trước tòa nhà cuối cùng nằm trước mặt đường Charner, ở đường rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn). Đó là tòa thị sảnh thành phố, Hôtel de Ville, (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố). Gần nửa thế kỷ sau khi Pháp chiếm Saigon, tòa thị sảnh thành phố Saigon mới thật sự hiện diện. Sau nhiều năm tranh cãi, cuối cùng địa điểm và đề án xây tòa thị sảnh thành phố được Hội đồng quản hạt chấp thuận. Tòa thị sảnh được xây từ năm 1901 đến 1908 trên một vùng đất cao ở cuối đường Charner (Nguyễn Huệ ngày nay), nhìn xuống tận đầu đường ở gần sông Saigon. Tháng 2 năm 1909, đúng 50 năm sau khi Pháp chiếm thành Saigon, tòa thị sảnh thành phố được khánh thành dưới sự hiện diện của toàn quyền Đông Dương (9).
Tòa thị sảnh được xây bởi kiến trúc sư Paul Gardès và được trang trí kiến trúc bên ngoài bởi nhà điêu khắc trẻ tuổi có tài, ông Louis-Lucien Ruffier. Tư liệu về tiểu sử ông L. Ruffier ít có, chúng ta chỉ được biết qua các tài liệu chính thức xuất bản ở Saigon. Ông Ruffier sinh ngày 26/5/1861, năm Pháp chiếm Saigon, và ông đến Saigon năm 1882 vào lúc mới 21 tuổi. Có thể ông theo cha là một người quản lý tàu Mouhot của hãng chuyên chởMessageries Fluviales de Cochinchine, người này tên là Ruffier (commisaire), sau đó gia nhập sở tư pháp năm 1894. Cũng khoảng thời gian này (1893), Charles Ruffier (em Louis-Lucien Ruffier ?) cũng vào sở tư pháp (24).
Năm 1882, ở Nam Kỳ có bệnh dịch tả cấp tính lan khắp các tỉnh thành ảnh hưởng đến tất cả dân số từ người Việt, Hoa đến Âu. Lúc này chưa có thuốc chủng và nghiên cứu nguyên do bệnh từ đâu. Chỉ từ ngày 1/6/1882 đến 15/10/1882, bệnh dịch tả đã làm 19162 người Việt tử vong. Ở Nam Kỳ, tỉ lệ chết là 1.26 % dân số. Trong khi ở Saigon, cứ 100 trường hợp bệnh thì 73.6 ca là tử vong, một bệnh làm dân chúng vô cùng sợ hãi. Louis Ruffier vừa đến Saigon thì mắc phải bệnh dịch tả, một trong 18 người Pháp mắc phải bệnh. Chỉ 10 người sống sót sau đó trong đó có Louis Ruffier (19).
Sau khi thoát chết, trở lại cuộc sống ở Saigon, Ruffier có khiếu điêu khắc và năng khiếu của ông được biểu lộ khi ông tạc bức tượng Buste de la Republique. Lúc này Saigon có nhiều công trình xây dựng các tòa nhà, công sở dưới sự điều hành bởi thống đốc dân sự đầu tiên Le Myre de Vilier và do đó có nhiều nhu cầu điêu khắc trang trí các nơi ở thành phố, và chỉ trong một thời gian cho đến cuối thế kỷ 19 Saigon đã mang sắc thái của một đô thị Pháp với các kiến trúc tiêu biểu, nhà thờ, dinh thống đốc, tòa án, dinh phó thống đốc,.. Năm 1883, ông Ruffier có đề nghị Hội đồng Quản hạt mua bức tượng Buste de la Republique để trang trí ở các công trường công cộng mà ông đã bỏ công làm. Hội đồng Quản hạt đã gởi các ông Fabre, Jourdan và Schroeder đến Palais de la Justice (Tòa án) nơi bức tượng của ông Ruffier được trưng bày. Mặc dầu tượng đẹp và có nghệ thuật, ông Schroeder đã đề nghị với Hội đồng Quản hạt không mua bức tượng (20).
Tuy vậy chỉ hai năm sau, các công trình điêu khắc của nhà điêu khắc trẻ Louis Ruffier sau khi được trưng bày ở các lễ hội như ngày 14/7/1885 đã làm thay đổi ý kiến của nhiều người trong Hội đồng Quản hạt trong đó có ông Schroeder. Trong phiên họp ngày 16/12/1885, các ông Blanchy, Garcerie, Schroeder, Jame, Jouvet, Branzell đã đề nghị Hội đồng Quản hạt cấp 10700 franc để Ruffier hoàn thành bức tượng tượng trưng cho nước Pháp trang hoàng cho thành phố mà trong dịp lễ vừa qua, ông Ruffier đã trưng bày một số các tượng được dân chúng tán thưởng. Sau khi tượng hoàn thành, có thể sẽ làm luôn tượng đồng với kinh phí tối đa là 25000 francs (21). Nhưng ông Carabelli lên tiếng nói là giá quá cao và cho rằng tượng của Louis Ruffier chưa đạt được tiêu chuẩn. Carabelli đề nghị gởi nhà kiến trúc điêu khắc trẻ Ruffier học thêm 2 hay 3 năm ở Trường Mỹ thuật. Ông Schroeder bảo vệ Ruffier cho rằng mặc dầu còn trẻ nhưng rất tài năng, Ruffier chưa đạt được như nhà điêu khắc nổi tiếng Falguière (1) nhưng công trình của Ruffier xứng đáng được dựng ở thành phố. Hội đồng Quản hạt đã thông qua đề nghị cấp tài chánh cho ông Ruffier để làm tượng với đa số phiếu.
Bắt đầu từ đây, sự nghiệp của Louis Ruffier càng đi lên. Ngày 3/4/1888 ông được có chức danh chính thức là điêu khắc gia và được bổ nhiệm ăn lương vào làm chức điêu khắc gia thành phố ngày 27/10/1888 (22). Năm 1898, Ruffier được chính quyền cấp 1000 francs cho một công trình để triễn lãm ở Hội chợ thế giới 1900 ở Paris (23).
Công trình lớn nhất của ông là điêu khắc các tượng, phù điêu trên Hôtel de Ville của Saigon. Ngày nay khi ta nhìn các tượng điêu khắc trên tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố, ta không thể khen thầm sự uy nghi và đầy mỹ thuật ấn tượng của công trình của ông.
Cuộc đời của Louis-Lucien Ruffier đến giây phút chót này cũng có nhiều gay cấn. Sau khi hoàn thành Hôtel de Ville, ông đã có xích mích với chính quyền về các hợp đồng của ông với chính quyền thành phố trong lúc thực hiện xây dựng điêu khắc tòa nhà Hôtel de Ville. Ngày 23/6/1912, ông đã đưa đơn lên Hội đồng Quốc gia (Conseil d’État) ở Paris, cơ quan có thẩm quyền tối cao nhất, yêu cầu hủy bỏ sắc lệnh ngày 14/9/1908 của Hội đồng quản lý (Conseil d’Administration de Cochinchine) vì sắc lệnh này đã bác sự đòi hỏi bồi thường ông 20000 francs vì thành phố không làm đúng hợp đồng điêu khắc các tượng trên Hôtel de ville trị giá 100000 francs ký năm 1898. Theo đó thành phố đã xây trễ và do đó ông không có việc trong hai năm. Sắc lệnh của hội đồng quản lý Nam kỳ cũng đòi ông lại 60000 francs vì ông đã không làm giai đoạn hai của điêu khắc trang trí Hôtel de ville. Kết cuộc là Hội đồng Quốc gia ở Pháp đã bác đơn kiện của Louis Ruffier.

Hình 22: Lễ hội (có lẽ là 14/7) trên đường Charner. Theo dấu trên con tem và chữ ký thì carte này gởi đi vào tháng 12 năm 1907. Carte của nhà nhiếp ảnh George Planté biên tập. Planté mất tại Saigon năm 1921. Văn phòng nhiếp ảnh của ông ở đại lộ Charner nơi ông dọn đến vào năm 1905


Hình 23: Lễ hội rước rồng (festival de dragon) trong ngày lễ tết Đoan Ngọ của người Hoa trên đường Charner, trước Hôtel de Ville.

Hội đồng thành phố (Conseil municipale) được bầu năm năm 1882 bởi cử tri Pháp và cử trí An Nam có 11 đại biểu Pháp (trong đó có ông Foulhoux, Lacaze, Cazeau, Vienot, Reynaud, Coste, Niobey, Cardi, Houdinet, Cornu, Peré) và 4 đại biểu An Nam (Trương Minh Ký, Lê Văn Vân, Lê Văn Thông, Nguyễn Văn Bình), với nhiệm kỳ 6 năm trong đó phần nửa sẽ được bầu lại sau 3 năm. Hội đồng thành phố họp lần đầu tiên vào năm 1882 để bầu ra thị trưởng. Ông Cornu được bầu làm thị trưởng. Trước đó thì từ năm 1877 thị trưởng do thống đốc chỉ định từ các đại biểu trong Hội đồng thành phố. Các đại biểu Pháp được cử tri có quốc tịch Pháp bầu, hai đại biểu An Nam (Petrus Truong Vĩnh Ký và Paulus Của), 1 đại biểu người Âu ngoại quốc và 1 đại biểu người Á ngoại quốc (người Hoa) là do thống đốc chỉ định (17).
Ông Paul Blanchy là chủ tịch Hội đồng Quản Hạt và sau này cũng là thị trưởng đầu tiên (1895-1901) được bầu trực tiếp từ từ các cử tri. Ông đến Nam Kỳ năm 1871, ông có vợ người Việt và trở nên giàu có qua gia đình vợ đầu tư trồng trọt và sản xuất tiêu ở Nam Kỳ. Ông chú ý đến quyền lợi người Pháp ở thuộc địa và những người bản xứ giàu có. Ông ưu đãi người Ấn từ Pondicherry có quốc tịch Pháp và nhờ đó có được sự hậu thuẫn của họ trong những lần bầu cử. Ông là một chính trị gia khôn ngoan có thế lực ở Saigon, đặt người của mình vào các vị trí trong công quyền, và vì thế có sự xích mích về chánh sách với toàn quyền Paul Doumer.
Ông Paul Doumer cho rằng ông Paul Blanchy không có đầu óc tổ chức, vô chính phủ (anarchique) và thiếu kỷ luật về quản lý điều hành. Sau khi bị thất thế trong chính trường, Paul Blanchy mất ở Saigon năm 1901, thọ 64 tuổi. Paul Doumer trong hồi ký có viết rằng "một người có quyền bính và để tâm phụng sự cho công chúng chắc chắn sẽ là rác rưởi nếu không gạt ra được ông Blanchy" (12).
Nơi đây tại Tòa thị sảnh thành phố, lần đầu tiên, vào các năm 1933, 1935 và 1937 các ứng cử viên trong Sổ lao động ("liste ouvrière" mà báo tiếng Pháp gọi nôm na là "liste communist") của báo "La Lutte" (Tranh Đấu) trúng cử đại biểu vào Hội đồng thành phố là các ông Tạ Thu Thâu (1935, 1937), Nguyễn Văn Tạo (1933, 1935, 1937), Dương Bạch Mai (1935, 1937), Trần Văn Thạch (1933, 1935) hơn hẳn số phiếu của các ứng cử viên của Sổ lập hiến ("liste constitutionalist", báo Pháp gọi "liste bourgoise") như Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiêu, Michel My, Huỳnh Văn Đông, Huỳnh xuân Cảnh, Trần Văn Kha (Le Nouvelliste d'Indochine, 01/05/1937, A2, N34)
Năm 1939, các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch thuộc nhóm Troskit đệ tứ quốc tế cũng trúng cử vào Hội đồng Quản hạt (Conseil Colonial) với số phiếu như sau
Tạ-thu-Thâu 1.355
Phan-văn Hùm 1.186
Trần Văn Thạch 1.121
còn các ông Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai và Nguyễn Phan Long thuộc nhóm Cộng sản đệ tam quốc tế và nhóm Lập hiến đều thất cử. Nhưng cũng như một số lần trước ông Thâu đã bị nhà cầm quyền làm khó dễ như bãi nhiệm, bắt giam ông qua các lý do như lập hội kín năm 1933 (Le Nouvelliste d'Indochine, 7/5/1939, 6/3/1937, 11/7/1937).
Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, ngày 16/8/1945 chính quyền ở Saigon được Nhật giao trả cho chính phủ Trần Trọng Kim, ông Khá Văn Cân trở thành thị trưởng Saigon - Chợ Lớn.
Chỉ vài ngày sau đó là cách mạng tháng 8 bùng nổ, các cơ sở công quyền hầu hết vào tay Việt Minh, Ủy Ban Nhân Dân Nam bộ, Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ được thành lập. Ngày 10/9/1945, Ủy ban Nhân dân dọn về Tòa Đô Chánh (Hôtel de Ville) sau khi giao Dinh toàn quyền (Dinh Thống Nhất ngày nay) cho quân Đồng Minh vào Saigon giải giới quân đội Nhật.
Nhưng không bao lâu quân Pháp trở lại và Tòa thị sảnh thành phố Hôtel de ville từ cuối năm 1945 cho đến năm 1975 là trụ sở của hội đồng thành phố và thị trưởng thành phố Saigon - Chợ Lớn. Sau năm 1975, nơi đây là trụ sở của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Tổng luận


Đại lộ Charner, Nguyễn Huệ là con đường chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn lao trong lịch sử thành hình đô thị trung tâm Saigon, từ khởi thủy là một con kinh di chuyển theo đường sông, sau khi bị lấp có đường hỏa xa, tramway rồi đến xe hơi đường bộ đầu thế kỷ 20. Cũng trên con đường này các nhân vật lịch sử, kinh tế tài chính đã để lại dấu vết, từ Wang-Tai (Trương Bội Lâm), Émile Gsel, George Planté, Pun Lun (Tân Luân), Phan Chu Trinh, Nguyễn An Khương, Hoàng tử Miến Điện Myingun, Roland Garros, Speidel đến Cường Để, Phạm Quỳnh, Bainier, Blanchy, Ruffier…
Ngày nay đường Nguyễn Huệ chứng kiến một sự thay đổi lớn lao hầu như toàn diện. Các tòa nhà cổ nhất Saigon đang được phá dỡ, các cây xanh bị triệt hạ, cảnh quan thay đổi và thay vào đó sẽ là các tòa nhà, cửa hàng văn minh hiện đại sang trọng không kém các cửa hàng ở New York, và đường sẽ trở thành một quảng trường đi bộ và một phần xe chạy. Nhưng như thế có phải là tốt hơn không về cảnh quan, đặc thù văn hóa xã hội, hay ngay cả về phương diện kinh tế? Với vốn đầu tư trong dự án cải tạo đường Nguyễn Huệ khoảng 430 tỉ đồng, đường Nguyễn Huệ sẽ trở thành đường hiện đại nhất nước như các báo đã đăng tin (Người Lao Động , Báo Mới, 30/3/2015). Với một dự án đồ sộ như vậy, thay đổi cảnh quan một đại lộ trung tâm, nhưng hầu như thành phố không có tham khảo hay có một diễn đàn công luận hay một phương cách nào mà trong đó có sự tham gia ý kiến của các hội đoàn, tầng lớp trong xã hội dân sự bị ảnh hưởng hay có liên hệ trực tiếp, gián tiếp đến sự thay đổi này.

Hình 24 – Đường Nguyễn Huệ, tháng 2.2015 (Ảnh của Tim Doling). Dãy nhà cạnh Sun Wah tower có độ tuổi từ cuối thế kỷ 19 (xem hình 5 và 6 mà nhà nhiếp ảnh Émile Gsel chụp ở thế kỷ 19).
Để có một sắc thái riêng và cảnh quan gắn liền với quá khứ, lịch sử trong đó ký ức đô thị và linh hồn của một thành phố được có đất dung dưỡng thì chúng ta phải có một qui hoạch bảo tồn những công trình có giá trị lịch sử văn hóa đặc trưng cho thành phố. Thành phố Saigon - Chợ Lớn và con người Saigon tượng trưng cho sự hòa hợp hài hòa của các nền văn hóa, một vùng đất mở, cửa ngõ ra thế giới bên ngoài, du nhập và gìn giữ những cái đẹp, mỹ thuật của các nền văn minh. Cải tạo hiện đại nhưng cũng không quên quá khứ lịch sử văn hóa trong một qui hoạch phát triển hài hòa trong đó tiếng nói dân sự phải có chỗ đứng trong quá trình qui hoạch và thực thi các đề án phát triển đô thị. Được sự đồng thuận của cả chính quyền và xã hội thì kết quả của dự án phát triển đô thị sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn là có nhiều bất trắc, bất an và thiếu hiệu quả.

Nguyễn Đức Hiệp



Chú thích:


(1) Alexandre Falguière (1831-1900) là một nhà điêu khắc nổi tiếng ở Pháp. Các tượng của ông như Jeanne d’ArcDianeEveTriomphe de la Revolution(xe ngựa chiến thắng dựng trên Khải hòa môn), General de la FayetteAlphonse de Lamartine là những công trình có tiếng được biết nhiều. Ngoài ra bức tượng La danseuse mô phỏng theo vũ công Cléo de Mérode đã gây nhiều xôi động, tựợng này hiện ở bảo tàng Musée d’Orsay


Tham Khảo


  1. Saigon Republicain, 10/11/1888, A1, N53.
  2. Les Tablettes coloniales. Organe des possessions françaises d'outre-mer, No. 45, 19/12/1888
  3. Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp, De Batavia à Saigon: notes de voyage d’un marchand chinois (1890), Archipel, 1994, Vol. 47, pp. 155-191.
  4. Nola Cooke, King Norodom’s Revenue Farming System in Later-Nineteenth-Century Cambodia and his Chinese Revenue Farmers (1860-1891), Chinese Southern Diaspora Studies, Volume One, 2007.
    (http://csds.anu.edu.au/volume_1_2007/Cooke.pdf).
  5. Nguyễn Đức Hiệp, Singapore – Saigon – Hong Kong: Quan hệ thương mại người Hoa từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20,http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-dong-nam-a/1957-singapore--saigon--hong-kong-quan-he-thuong-mai.html
  6. Charles Lemire, Cochinchine française et royaume de Cambodge, avec l'itinéraire de Paris à Saïgon et à la capitale cambodgienne, Challamel aîné (Paris), 1869
  7. Le Monde Illustré 29/7/1865, A9, T17,N433
  8. Le Monde Illustré 24/12/1864, A8, T15,N402
  9. Nguyễn Đức Hiệp, Saigon đầu thế kỷ 20 đến 1945 : Việt Nam thức tỉnh, http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/saigon-111au-the-ky-20-111en-1945-viet-nam-thuc-tinh
  10. Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.
  11. Cochinchine françaises, Procès-verbaux du Conseil colonial, Session ordinarie 1884-1885, Imprimerie du gouvernement, Saigon 1885.
  12. Oscar Chapuis, The last emperors of Vietnam: From Tu Duc tớ Bảo Đại, Greenwood Press, Connecticut, 2000.
  13. Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières... : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934, éditeurs L. Lacroix-Sommé, R. J. Dickson et A. J. Burtschy, impr. A. Portail (Saigon), 1933.
  14. L'Information d'Indochine. économique et financière, Saigon, 1935, 1936, 1940.
  15. Tim Doling, Icons Of Old Saigon: Établissements Bainier Auto Hall, http://saigoneer.com/saigon-buildings/3697-icons-of-old-saigon-etablissements-bainier-auto-hall
  16. Écho Annamite, 22/1/1927, A8, No. 787
  17. Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saigon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. để l'Union (Saigon), 1917
  18. Annuaire général de l'Indo-Chine française, 1901, Part 2, 1905, 1906, 1908.
  19. Excursions et reconnaissances, 1882, N14, pp. 372, Imprimerie du Gouvernement, 1882, Paris, Challamel, 5 rue Jacob.
  20. Procès-verbaux du Conseil Colonial, Imprimerie du Gouvernement, Saigon 1883.
  21. Procès-verbaux du Conseil Colonial, Session ordinaire 1885-1886, Imprimerie du Gouvernement, Saigon 1886.
  22. Annuaire de l'Indo-Chine, 1890, T1, pp. 198-199, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1890.
  23. Annuaire de l'Indo-Chine, 1897, T1, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1897.
  24. Bulletin official de l’Indochine française, N1, P1, 1898.
  25. Recueil du Conseil d’État, 1913, T82, S2.
  26. Nguyễn Thị Minh, “Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi”, Nxb Trẻ, 2005.
  27. Phillipe Peycam, The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930, 2012, Columbia University Press.
  28. Le Nouvelliste d'Indochine, 6/3/1937, 1/5/1937, 11/7/1937, 7/5/1939.
  29. Annuaire de la Cochinchine française pour l’année 1870, Imprimerie du Governemnt, Saigon 1869.