Sunday 2 December 2018

Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 2 (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 2

Ông Nguyễn Liên Phong đã tả một góc cạnh của đường Catinat vào đầu thế kỷ 20 trong quyển “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca(9)đúng như các cơ sở kinh doanh Hoa, Ấn lúc ấy ở khu đầu đường Catinat như sau:
Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh

Máy may mấy chỗ quá nhiều,
Các tiệm tủ ghế dập dều phô trương
Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương [đan]
Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi

Nhà in, nhà thuộc, nhà chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son
Tuy vậy cũng có một số cửa tiệm của người Việt trên đường Catinat. Và trên đại lộ Bonnard có cửa tiệm may của ông Nguyễn An Khương ở số 49 đại lộ Charner mà trong niên giám 1910 ghi là: “49. Nguyen-An-khuong, tailleur” (10). Ông Nguyễn An Khương chính là thân phụ của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Nhà may này về sau là khách sạn Chiêu Nam Lầu, trở thành một cơ sở tham dự trong phong trào Minh Tân do ông Gilbert Trần Chánh Chiếu lãnh đạo. Chiêu Nam Lầu đón nhận những người An-Nam (Việt) ăn ở trú ngụ, khuyến khích người Việt kinh doanh, canh tân đất nước. Cũng chính tại số 49 Charner là nơi ông Phan Chu Trinh mất năm 1926, sau khi ông từ Pháp trở về Việt Nam và trú ngụ tại Chiêu Nam Lầu.
Đi qua các cửa hàng cửa người Hoa và Việt là đến tiệm thuốc tây của ông Holbé ở số 22 Catinat. Đây là tiệm đầu tiên của ông Holbé, sau này ông chuyển đến tiệm thuốc tây Solirène ở số 171 Catinat (góc Catinat và Bonnard). Nhà riêng của ông Holbé ở số 2, place du Chateau d’Eaux (quảng trường tháp nước, nay là Hồ Con Rùa), nơi tụ tập của nhiều nhân sĩ và trí thức Pháp, Việt ở Saigon.
Đến đây ta đến ngã ba Catinat và rue Turc (nay là Hồ Huấn Nghiệp, ông Turc là thị trưởng đầu tiên của thành phố Saigon). Ở bên kia đường Turc là cửa hàng bách hóa “Mottet et Cie.” Bắt đầu từ đây lên ta sẽ thấy tiệm và phố người Pháp nhiều hơn và chiếm đa số cho đến cuối đường Catinat ở quảng trường nhà thờ (ngày nay gọi là quảng trường Công xã Paris).
hinh-6
Hình 6: Magasins genereaux Mottet et Cie, 1908. Cửa hàng bách hóa công ty Mottet. Góc đường Catinat và đường Turc. “Carte postale” này là do chính công ty Mottet sản xuất.
Công ty Mottet có cửa hàng trên đường Catinat (số 24-30 Catinat và 1-2-3 Café hôtel de la maison Mottet, góc rue Catinat và rue Turc, tức góc Đồng Khởi và Hồ Huấn Nghiệp ngày nay. Niên giám Đông Dương 1908 ghi “Mottet et Cie. (approvisionnement général)”. Cửa hàng “Mottet et Cie.” là một trong hai cửa hàng bách hóa đầu tiên ở Saigon. “Mottet et Cie.” bán nữ trang, rượu (sỉ và lẻ), nước khoáng (eaux minérales), xe đạp (11), đăng ký gởi tàu biển, bán máy giặt. Niên giám 1908 có ghi “MM. Mottet et Ogliastro” (12) bán máy giặt chạy bằng hơi nước (Blanchisserie à vapeur), giày, nón, đại diện cho công ty đường sông (Compagnie de messageries fluviales) ở Cần Thơ… Công ty cũng in các “carte postales” hình ảnh về Saigon và nhiều nơi khác. Công ty Mottet et Cie. bắt đầu xuất hiện trong niên giám Đông Dương vào năm 1906 bán nữ trang. Trong niên giám 1908 có ghi M.-S. Mottet là nhà thương mại và niên giám 1907 cho biết ông Mottet là lãnh sự đại diện cho nước Nga hoàng (imperial Russie).
Niên giám năm 1911 ghi ông Hauff (“maison Mottet”) là đại diện lãnh sự Nga và ông Novella (“maison Ogliastro”) đại diện lãnh sự Ý. Cũng trong niên giám năm 1911 có ghi ông Blanc ở nhà số 23 rue Bangkok là chủ“maison Mottet et Cie” và là người kế nhiệm của công ty “Mottet et Cie.” ở đường Catinat bán rượu sỉ và lẻ. Như vậy có thể nói năm 1911, hai ông Blanc và Hauff đã kế nhiệm ông Mottet điều hành công ty Mottet et Cie. Và đúng như vậy, niên giám Đông Dương năm 1915 chính thức ghi hai ông H. Blanc và P. Hauff là “successeurs Mottet et Cie.” ở các cơ sở công ty trên đường Catinat, đường Turc và đường Vannier
Hai ông Blanc và Hauff cũng là chủ khách sạn “Hôtel de l’Univers” ở đường Turc. Nếu ở góc đường Catinat và đường Turc, ta quẹo phải vào đường Turc và đi đến hết đường thì sẽ thấy “Hôtel de l’Univers” ở bên phải, số 3 rue Turc, cạnh quảng trường Rigault de Genouilly (quảng trường Mê Linh). Quang cảnh ở quảng trường này đầu thế kỷ 20 như trong hình sau (hình 7)
hinh-7
Hình 7: Carte postale trong bộ sưu tập của nhà thương mại Poujade de Ladevèze – Tượng kim tự tháp tưởng niệm Douard de Lagrée và tượng Rigault de Genouilly nhìn từ đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng). Trong hình, nếu ở đường Paul Blanchy ta quẹo phải khoảng 30m thì sẽ đến khách sạn “Hôtel de l’Univers” trên góc đường Turc và Vannier và cơ sở thương mại của ông Poujade de Ladevèze ở đầu đường Vannier (7 rue Vannier, niên giám 1909) cạnh khách sạn.
Hai nhà thương mại xuất nhập khẩu Henri Blanc và P. Hauff cũng biên tập và in các “carte postale” ký hiệu “en nuage” in các hình ảnh chụp trên khắp Đông Dương, và các hình ảnh chụp ở Trung Hoa: phần lớn các ảnh này nằm trong bộ sưu tập “Collection Phénix” (vers 1907), số còn lại trong bộ sưu tập “Collection Sylvia” (xem phụ lục 3 về các nhà nhiếp ảnh ở Saigon). Sau này vào thập niên 1930, số 24 đường Catinat là tiệm ông J. Aspar, người in quyển sách chỉ dẫn về đường phố, sinh hoạt ở Saigon, quyển “Guide pratiques” in năm 1934.
Bây giờ từ ngã ba Catinat và rue Turc nơi cửa hàng bách hóa “Motte et Cie”, chúng ta đi lên về hướng nhà hát thành phố, sẽ gặp tiệm nữ trang, bán súng đạn đi săn (bijoutier, Noel, armurier) của ông Cafford ở số 32-36 Catinat (theo niên giám 1910, 1911) mà trước đó (1909) là tiệm nữ trang (bijoutier) của ông bà Fernand Michel. Sau này vào thập niên 1950-1960, tiệm bán nữ trang, súng đạn Cafford chuyển về ở góc đường Tự Do và Nguyễn Thiệp, đối diện với quán café Brodard.
Kế tiệm nữ trang Cafford là tiệm thịt nổi tiếng và lâu đời nhất ở đường Catinat: tiệm thịt “Boucher, charcutier A. Guyonnet” số 38-40 Rue Catinat.
hinh-8
Hình 8: Rue Catinat vào năm 1950 (café Brodard nằm ở góc Nguyễn Thiệp và Đồng Khởi ngày nay). Tiệm bán thịt A. Guyonnet ở số 121 rue Catinat, gần Brodard (131 Đồng Khởi).
Tiệm của ông Guyonnet trước kia ở số 48 Catinat (theo niên giám 1908 và 1916, ông Guyonnet hành nghề “boulangerie, charcuterie, boucherie, fruits primeurs”). Sau đó tiệm chuyển đến số 38-40 rue Catinat (niên giám 1925 và niên giám 1933-1934 đề tựa “Frigorifique de l’alimentation, alimentation générale, R.C Saigon no. 501”). Và cuối cùng ở thập niên 1950 th́ì chuyển đến số 121 rue Catinat. Ông Alban Guyonnet (cùng thời với công ty tiệm cầm đồ Ogliastro-Hui Bon Hoa) là hội viên Phòng thương mại (niên giám 1933-34).
Tiếp tục đi, ta sẽ đến tiệm sách lớn “Librairie des Écoles” cho học sinh của ông bà Léon Rousseau ở số 64-72 Catinat (1910, 1918).
Đi lên một chút nữa ta sẽ đến một ngã tư thứ hai: đó là ngã tư rue Catinat và rue d’Ormay (13) (Mạc Thị Bưởi ngày nay). Ngay ở góc đường Catinat và rue d’Ormay là nhà in “Imprimerie commerciale”: địa chỉ “74-86 Catinat, M. Rey (Marcelin) imprimerie commerciale”“60-64 d’Ormay, Rey Imprimerie commerciale dépôt”. Nhà sách và nhà in của ông Marcelin Rey in đủ các loại sách, các quảng cáo thương mại kể cả các sách viết bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Khmer.
Nếu ta quẹo trái đi vào đường d’Ormay về hướng đại lộ Charner, gần góc đường d’Ormay và đại lộ Charner, số 63 rue d’Ormay là tòa nhà cơ sở điện ảnh (cinématographe) của công ty điện ảnh “Pathé frères” do ông Lebreton làm giám đốc (niên giám 1910). Sau này ở nơi đây, ông Louvet (nhà quay phim, cinematographe) làm nơi chiếu phim. Một nơi giải trí rất được ưa chuộng vào ban đêm, trước khi có rạp Eden (đường Catinat) và rạp Casino (đường Bonnard) sau này.
Qua đường d’Ormay, theo niên giám 1909, 1910, 1911 thì số 88 Catinat là tiệm thịt (charcutier) của ông J. Martinon, và từ số 90 đến 94 Catinat là tiệm tạp hóa, trái cây, kim, chỉ, nút quần áo (épicerie-mercerie) của ông A-Koune (người Hoa còn có tên là Huynh-Can theo niên giám 1890). Năm 1912 thì ông J. Martinon dời tiệm thịt đến số 116 Catinat. Quay đầu về hướng ta đã đi qua, ta sẽ thấy phía bên kia đường là tòa nhà góc đường Catinat và d’Ormay ở số 25-27 Catinat của ông Lacaze (3) như trong hình dưới đây (hình 9).
hinh-9
Hình 9: Đường Catinat, bên phải có lẽ là văn phòng nhà in báo Impartial (14). Bên phải là đường d’Ormay. Hình chụp về phía bến Bạch Đằng, khoảng thời gian cuối thập niên 1920 hay đầu 1930s. Đây là hình trong bộ sưu tập của nhà nhiếp ảnh F. Nadal. Để ý hai cột đèn nối nhau ở giữa đường. Điện thắp sáng Saigon bắt đầu từ năm 1896, từ nhà máy phát điện đầu tiên ở vị trí sau Nhà hát thành phố trên đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng ngày nay). Sau đó đầu thập niên 1910 thì nhà máy điện nhà đèn Chợ Quán được xây và đưa vào hoạt động cung cấp cho toàn Saigon và Chợ Lớn. Nhà máy phát điện cũ, sau nhà hát thành phố, trở thành trạm phụ (sub-station) biến thế cung cấp từ nhà đèn Chợ Quán.
Đi lên nữa, ta sẽ đến ngã ba đường Catinat và đường Amiral Dupré (15) (góc Đồng Khởi và Đông Du ngày nay). Theo niên giám 1909, số 49-55 đường Amiral Dupré là tiệm làm bánh mì (boulangerie) của bà Soundan, sau này trở thành nhà hàng (1910, 1911, 1912). Đây chính là quán café, hộp đêm và vũ trường “Croix du Sud” hay Tự Do sau này ở thập niên 1950-1970.
Bên kia đường Amiral Dupré là cửa hàng bách hóa Courtinat, cửa hàng bách hóa đầu tiên ở Saigon thành lập ít nhất từ năm 1890 (theo niên giám Đông Dương 1890). Công ty “A. Courtenat et Cie” hay Bazar Saigonnais (niên giám 1911). Địa chỉ số 96 đến 106 rue Catinat, và số 95 Rue Catinat (magasins de nouveautés).
hinh-10
Hình 10: Bộ sưu tập Nadal – Cửa hàng bách hóa A. Courtenat số 96-106 rue Catinat và 48 Amiral Dupré (bên phải hình). Trên tòa nhà phía đường Dupré có đề chữ “A. Courtenat Cie, nouveauté” (bazar). Công ty có văn phòng ở Lyon, buôn bán cửa hàng dầu thơm, nước hoa, máy may, cung cấp dụng cụ điện và dịch vụ gắn điện… Ngoài ra công ty Courtenat còn có cửa hàng ở Rue Amiral Dupré (nay là đường Đông Du) số 19, 21, 23 etc. (Loueurs en garni), và số 48 Amiral Dupré (bazar de nouveautés)
Ông Auguste Courtinat bắt đầu buôn bán ở Saigon it nhất là từ năm 1890 khi ông có tên trong niên giám Đông Dương (“Annuaire générale de l’Indochine”). Trong niên giám năm 1900 ông là hội viên Phòng thương mại Saigon (“Chambre commerce de Saigon”). Ông là người cùng thời với ông Paul Blanchy (thị trưởng Saigon 1895-1901), và ông Holbé (dược sĩ và nhà sưu tầm khảo cổ học).
Ngoài ra công ty “Courtenat et Cie” còn có đất canh tác ở Vị Thủy (Rạch Giá) (theo niên giám 1917).
Bên kia đường, số 89 Catinat là tiệm thuốc tây của ông Molinier (1905, 1906, 1907-1911). Theo niên giám 1912, số 95 là trụ sở của Hội Âm thanh Viễn Đông (Société phonique d’Extrême-Orient), mà các năm trước đó là tiệm đổi tiền của người Ấn. Theo niên giám Đông Dương từ 1906 đến 1910, thì ông F. Coudurier và Montégout là chủ nhà sách và nhà in (imprimeurs libraires) ở số 119 đến 129 Catinat. Trước đó vào năm 1905, thì cơ sở in và nhà sách này vẫn còn là của công ty của ông Claude (“Claude et Cie.”). Năm 1906, nhà in “Coudurier et Montégout” in cuốn sách hướng dẫn về Saigon “Saïgon-Souvenir “ của L. I. (8). Cuốn sách này rất có ích cho những ai muốn tìm hiểu về sinh hoạt Saigon đầu thế kỷ 20. Sau đó, theo niên giám 1912, thì ông Portail thay thế ông F. Coudurier và ông Montégout (“ancienne maison Coudurier et Montégout”). Đến năm 1924 thì ông A. Portail dời đến số 171-173-175 rue Catinat. Đây chính là tiền thân của nhà sách Xuân Thu ngày nay. Nhà in của ông Portail đã in nhiều sách của các tác giả sống ở Saigon, như quyển tiểu thuyết “L’Âme de Cochinchine” của Albert Viviès, và các Niên giám Đông Dương như niên giám các năm 1933, 1934.
hinh-11
Hình 11: Bộ sưu tập Nadal – Pharmacie Normale 123 rue Catinat (theo Guide pratiques, 1934). Khoảng thập niên 1920 (theo sư hiện diện của các xe hơi trong hình). Theo niên giám 1922, L. Sarreau (pharmacien) có tiệm thuốc ở số 119 rue Catinat (ancienne maison Bérenguier, Molinier, de Mari). Hình chụp từ trước tòa nhà Courtenay et Cie. hướng về quảng trường nhà hát thành phố. Góc đường giữa hình gần 2 xe đậu song nhau là đường Carabelli (Nguyễn Thiệp sau này). Xem bức hình này với hình chụp năm 1950 (hình 8) trong đó có cửa tiệm A. Guyonnet ở số 121 rue Catinat, thì ta thấy tòa nhà “Pharmacie Normale” gần như không thay đổi (16).
Kế cửa hàng bách hóa “Courtenat et Cie.” là tiệm đồng hồ, nữ trang, in khắc (horloger, bijoutier, graveur) của ông Reynault Monnier ở số 108-110. Đi lên nữa về hướng Nhà hát thành phố, ta sẽ gặp tiệm nón và giày (chapellerie et chaussures) của ông Canavaggio ở số 118-120 Catinat. Chính nơi này đầu thập niên 1920 là nơi nhà nhiếp ảnh Ả Rập Fernand Nadal có tiệm nhiếp ảnh và buôn bán dụng cụ nhiếp ảnh. Ông Nadal đã để lại các hình ảnh và các bộ sưu tập quý giá về Saigon.
Nam Kỳ nhơn vật diễn ca” (1906) đã tả cảnh khu giữa gần nhà hát thành phố đường Catinat nơi có nhiều cửa hàng người Pháp như sau:
..Những đồ Đại Pháp, Huê Kỳ
Ăng-lê, Nhựt Bổn món gì cũng sang
Hàng Tây các sấp nhẩy tràn
Xiêm, Miên, Bắc thảo đồ đoàn bố vi
Số 128 là tiệm của bà Wirth ở (1907, 1908, 1909), một nhà buôn bán tạp hóa. Tiệm tạp hóa của bà Wirth trước đó ở số 120 Catinat (1905, 1906). Ngoài bán hàng, bà Wirth còn sản xuất và thương mại các ảnh “cartes postales” từ cuối thế kỷ 19 với các ảnh xưa ở Saigon, quí hiếm trong giai đoạn đó cho đến đầu thế kỷ 20. Tiệm bà Wirth cạnh ngay khách sạn và quán “Café de la Terrasse” nổi tiếng của ông Bénard (1909, 1910, 1912) ở địa chỉ 130 Catinat, ngay góc đường Catinat và quảng trường Francis Garnier. Sau này số 128 Catinat là tiệm nữ trang “Bijouterie Parisienne” (1910, 1911) và năm 1912 do Guintoli và Bardotti làm sở hữu chủ, thì tiệm nữ trang dời tới địa chỉ 130 Catinat, ngay ở địa điểm của quán “Café de la Terrasse”.
Bây giờ trước khi đi đến quảng trường Francis Garnier, ta hãy nhìn lại đoạn đường vừa đi qua. Ta sẽ thấy cảnh quang giống như hình dưới đây (hình 12)
hinh-12
Hình 12: Bộ sưu tập Nadal – Đường bên phải là Carabelli chứ không phải Garabaldy như trong hình (Carabelli là tên của ông thị trưởng người gốc Corse của thành phố Saigon vào cuối thế kỷ 19, rue Carabelli là đường Nguyễn Thiệp ngày nay). Tòa nhà ngay góc đường, 141-143 Catinat và 2 Carabelli, là quán “Café de l’Union” của bà Aymés. Cũng tại quán Café này là trụ sở “Amicale Bretonne” (Hội ái hữu Bretonne). Sau này là tiệm café Brodard, Gloria Jeans (131 Đồng Khởi). Cạnh “Café de l’Union”, số 131 đến 139 Catinat là tòa nhà của ông Lorin (1912), Flarin (1910), O. Sammarcelli (1909), với hai tiệm đổi tiền của hai người Ấn (Theo niên giám 1909, 1910, 1912, Va. Mougamadoucharif số 131 và Mougamadoumeinedine số 139, hai người Ấn này có thể mướn hai địa chỉ này). Trên đường Carabelli, thì số 1 Carabelli là hội “Amicale Corse”, nơi những người gốc Corse hội họp. Ảnh chụp về hướng bến Bạch Đằng. Để ý cạnh tòa nhà số 131-139 và 141-143, là tòa nhà “Pharmacie Normale”.
Từ “Café de l’Union” đi qua đường Carabelli là tiệm thuốc tây của ông Trombetta ở số 145-147. Đi lên chút nữa, 149-151, là tiệm tóc “Lavatory Saigonnais” của ông Hombert và khách sạn “Hôtel de France” như hình dưới đây (hình 13).
hinh-13
Hình 13: Hình này trong bộ album hình sưu tập của P. Dieulefils (hình chụp khoảng trước năm 1900). Bên trái hình là khách sạn “Grand Hôtel de France” (157 rue Catinat theo niên giám 1905-1906 do bà Dabène làm chủ, 159bis rue Catinat theo niên giám 1907-1911, 157bis 1er étage theo niên giám 1912). Tòa nhà bên phải là “Café de la Terrasse” và khách sạn (ngày nay là khách sạn Caravelle). Hình chụp vào đầu thế kỷ 20 (đầu thập niên 1900). Bức hình này tương tự như ảnh carte postale trong collection Poujade de Ladeveze. Hình chụp về phía quảng trường Nhà hát thành phố (“Place Francis Garnier” hay “Place du Théâtre”) và nhà thờ Đức Bà. Trên đường chưa có xe hơi, như vậy là hình chụp trước ít nhất khoảng năm 1910. Hình chụp cho thấy khách sạn “Grand Hôtel de France” chưa đổi đến góc đường ở số 159bis, như vậy hình chụp khoảng năm 1905-1906 hay trước đó.
Góc đường Catinat và đại lộ Bonnard, số 159bis cũng là địa chỉ của công ty “Compagnie Générale exportation” (1907-1912), nơi nhà thương gia Edouard Tréfaut và kế toán Gaston Phélyzon trú ngụ. Số 159 là tiệm đổi tiền của người Ấn, Condassamy (1907-1911). kế bên ở số 157bis là tiệm tạp hóa và quần áo (epicerie et mercerie) của Hoa kiều có tên Soa-a-Pan, Sina et Cie (niên giám 1907-1912). Cùng địa chỉ 157bis năm 1910 là tiệm mứt kẹo (confiseur) của ông Marius Rousseng và tiệm đổi tiền của N. Labigang (niên giám 1910-1912). Đến năm 1922, theo niên giám Đông Dương, thì 157bis vẫn là của N. Labigang (“Maison Rousseng, Pâtisseur – Confiseur – Chocolatier”).
Số 157 là tiệm đổi tiền của người Ấn (1907-1912), tòa nhà trước đó là khách sạn “Hôtel de France” (1905-1906). Sau này vào năm 1922, số 157 Catinat (theo niên giám 1922) là “Imprimerie Librairie de l’Union” của ông Nguyễn Văn Của mà ông G. Durrwell, một nhà nghiên cứu văn hóa, là người có trách nhiệm về luật pháp (fondé de pouvoir). Theo Vương Hồng Sển (10) nhà in này trước đó là của ông Đinh Thái Sơn, sau chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Của vào năm 1918. Ông Durrwell cũng là chủ tịch “Hội Nghiên cứu Đông Dương” (“Société des Etudes Indochinoises”). Nhà in của ông Của đã có in các tập san nghiên cứu của hội Nghiên cứu Đông Dương.
Ngoài ra nhà in “Imprimerie de l”Union” (157 Catinat) đã in các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Lề Hoàng Mưu và các quyển sách nghiên cứu có giá trị như “Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saïgon” năm 1917 về lịch sử thành phố Saigon, và nguồn gốc các tên đường dưới sự hướng dẫn của thư ký tòa thị sảnh thành phố (9), quyển “Recueil de Morale Annamite par Yên Sa Diệp Văn Cương” năm 1917, quyển “Monographie de la province de Bac Lieu, par Louis Girerd” in năm 1925, quyển “La pagode des clochetons et la pagode Barbé, contribution à l’histoire Saigon-Cholon par P. Midan” in năm 1934 ở nhà in “Imprimerie de l’Union” (57 rue Lucien Mossard).
Bây giờ ta đứng ở tiệm “Café de la Terrasse” mà trên lầu là khách sạn. Đây là giao điểm của đường Catinat với quảng trường Francis Garnier (hay quảng trường nhà hát thành phố), “Café de la Terrasse” ngày nay là khách sạn Caravelle (đặt theo tên một loại máy bay của hãng hàng không Air France, hảng này có văn phòng ở tầng trệt của khách sạn). Nhìn về phía tay phải của quảng trường, ta sẽ thấy nhà hát thành phố, được xây vào cuối thế kỷ 19 và hoàn thành vào năm 1900, năm đầu của thế kỷ 20.

Nguyễn Đức Hiệp

Chú thích:

(9) Nguyễn Liên Phong tác giả “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” xuất bản tại Sài Gòn năm 1909, sách mô tả cuộc sống ở Lục tỉnh và các nhân vật tiếng tăm (đa số thân Pháp) vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Sách có nhiều tư liệu có giá trị về sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở khắp lục tỉnh Nam Kỳ.
(10) Theo Vương Hồng Sển thì tầng dưới cửa tiệm là do em gái của Nguyễn An Khương (tức cô của Nguyễn An Ninh) trông coi cửa hàng may mặc trong khi trên lầu là khách sạn có các phòng cho mướn. Cũng tương tự như nhà in “Imprimerie de l’Union” của Nguyễn Văn Của, dưới làm nhà sách, trên lầu là cho người mướn ở.
(11) Xem phụ lục 4 về quảng cáo tiệm “Viên An” bán xe đạp có đề cập đến tiệm Mottet, trên báo “L’Ère Nouvelle”.
(12) Ông Louis Ogliastro, người Pháp gốc Corse, là một trong những doanh nhân có thế lực ở Saigon trong những năm đầu người Pháp hiện diện ở Nam Kỳ. Cũng như các doanh nhân người Hoa như Vạn-Hòa (Ban-hap), Vương Thái (Wangtai), ông là hội viên của Phòng Thương mại (Chambre de Commerce) Saigon như trong niên giám Nam Kỳ 1885, 1887 cho biết (18). Lúc đầu, ông có cơ sở thương mại trồng tiêu ở Hà Tiên (1876). Ông là đại diện lãnh sự Ý ở Saigon từ năm 1887, giám đốc công ty “Société Générale de Tramways à vapeur” và chủ công ty cầm đồ (mont-de-piété) “Ogliastro et Cie.” ở số “50 Quai de l’Arroyo Chinois” (“quai de Belgique”, Bến Chương Dương ngày nay). Sau này trong thập niên 1930, công ty cầm đồ “Ogliastro et Cie.” hợp tác với công ty cầm đồ của ông Hui Bon-Hoa (chú Hỏa) thành công ty “Ogliastro, Hui Bon Hoa et Cie.” có trụ sở ở số 66 rue d’Alsace Lorraine (Phó Đức Chính ngày nay).
(13) Ormay là tên một bác sĩ quân y người Pháp sống ở Saigon vào cuối thế kỷ 19. Ông thường khuyên các bệnh nhân nên theo sự chỉ dẫn điều trị của ông, nếu không (như ông nói đùa) là sẽ bị chuyển xuống “Jardin d’Ormay” (tức là nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi, nay là công viên Lê Văn Tám) sớm.
(14) Địa chỉ các tờ báo ở Saigon thay đổi rất nhiều tùy qua sự thay đổi sở hữu chủ của tờ báo. Theo “Guide pratiques” (1934), địa chỉ các báo là: “L’Impartial” 64 rue Catinat, “La Dépêche” 25 rue Catinat, “L’Opinion” 146 rue Pellerin, “La Tribune indochinoise” 72 Lagrandière, “L’Alerte” 201 rue Fr. Louis, “La Presse indochinoise” 16 rue Colombert, “Le Populaire d’Indochine” 100 rue Lagrandière, “L’Annam” 73 rue Mac-Mahon.
Niên giám 1908 cho các thông tin và các địa chỉ báo chí ở Saigon: “Luc Tinh Tan Van, hebdomadiare 6 rue Krantz – Pierre Jeantet redacteur en chef”, “Nông Cổ Mín Đàm, hebdomadaire. G. Chieu redacteur en chef”, “Moniteur des provinces, hebdomadaire, langue Annamite, G. Garros directeur”, “L’Opinion, quotient independant 12e année (ancienne Semaine colonial), 13 et 15 rue Catinat”.
Sau này theo niên giám 1922, báo “l’Opinion” ở địa chỉ 146 rue Pellerin với “Lucien Héloury propietaire-directeur politique, Pierre Jeantet redacteur en chef, Albert Oudot administrateur, M. Agier, I. Isidore redacteurs”, “Courrier Saigonnais” 19e année (ancient “Courrier de Saigon”): “paraissant les lundi, mercredi, vendredi et samedi; J Ferriere Directeur, G. Moullet secretaire de redaction”.
Niên giám 1925: “L’Impartial” 25-27 Catinat (theo niên giám 1909, 1910, 1911, 1912 thì số 17-25 Catinat là cơ sở buôn bán của ông Lacaze, và theo niên giám 1909, 1910, 1911 thì số 29 Catinat là tiệm in và đóng sách (imprimerie-reliure ) của Hoa kiều Ki-Cheong, và niên giám 1912 thì nơi này trở thành cơ sở in ấn và đóng sách “Nam-Tai imprimerie-reliure”). Báo “L’Impartial” hiện diện bắt đầu từ năm 1917 cho đến năm 1934 (19). Tờ báo “L’Opinion”“Cong Luan Bao” ở số 146 rue Pellerin (nay là đường Pasteur) và số 71 Catinat (theo niên giám 1909, 1910 thì số 65-77 Catinat là của ông Felix Delost, “maison Graf-Jacques et Cie”, một công ty nhập khẩu các đồ kim loại và có cơ xưởng cơ khí kim loại ở “quai de Khanh Hoi”, tức bến Vân Đồn ngày nay).
Nhà in người Việt đầu tiên là của ông Đinh Thái Sơn, tự Phát Toán hay Nguyễn Văn Toán, ở số 55-57 rue d’Ormay. Niên giám Đông Dương 1909 ghi “55-57. Nguyen-van-Toan, relieur” và niên giám năm 1910 ghi “55 et 57. Phat-Toan, imprimeur”. Ông Đinh Thái Sơn là người công giáo, trước đó đã làm phụ in các sách quốc ngữ tại nhà in giáo sứ Tân Định. Nhà in Phát Toán số 55-57 đường Ormay in, bán sách và bán xe máy (xe đạp). Nhà in Phát Toán đã in quyển “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của Nguyễn Liên Phong vào năm 1909.
(15) Amiral Dupré là đề đốc Pháp, làm Thống đốc Nam Kỳ từ 1871-1874, kế nhiệm thống đốc Nam Kỳ Amiral de La Grandière, sau hai thống đốc tạm thời là Amiral Ohier và Amiral Cornulier-Lucinière. Thống đốc Dupré là người bắt đầu sự can thiệp của Pháp vào Bắc kỳ, mà cao điểm là gởi Francis Garnier, một sĩ quan trẻ, phiêu lưu mạo hiểm đánh thành Hà Nội. Đề đốc hải quân cuối cùng làm thống đốc Nam Kỳ là Amiral Lafont (1877-1879). Sau đề đốc Lafont là thống đốc dân sự đầu tiên, ông Le Myre de Villers, chính thức chấm dứt thời đại ”amiraux gouverneurs” (đề đốc làm thống đốc) của Hải quân Pháp, chủ lực trong quân đoàn viễn chinh Pháp ở Việt Nam vào thế kỷ 19.
(16) Ngoài “Pharmacie Normale” còn có các tiệm thuốc tây “Pharmacie Solirène” 169 rue Catinat, “Pharmacie Centrale” 197 rue Catinat, “Pharmacie de l’Indochine” 134 rue d’Espagne. Theo niên giám Đông Dương 1908, 1909, 1910, “Pharmacie Holbé” (của ông Holbé mà sau này cũng là chủ “Pharmacie Solirène”) ở số 20-22 rue Catinat, tức là ở gần công ty “Mottet et Cie.” số 24-30 rue Catinat (bên kia đường Turc) và “Grande Pharmacie Indochinoise” của ông Trombetta ở số 143-147 rue Catinat.

Tham khảo

(1) Annuaire général de l’Indo-Chine française [“puis” de l’Indochine], Publisher: F.-H. Schneider (Hanoi) 1906, 1907, 1908, 1909, 1910, 1911, 1912, 1914, 1922, 1925
(2) L. Lacroix-Sommé, R. J. Dickson et A. J. Burtschy, Annuaire complet (européen et indigène) de toute l’Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières…: Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934, A. Portail (Saigon), 1933
(3) Guide pratique, renseignements et adresses. Saïgon, J. Aspar (24 rue Catinat Saïgon), 1934.
(4) Huỳnh Ngọc Tráng, Trương Ngọc Tường, Phạm Thiếu Hương, Nguyễn Đại Phúc, Đỗ Văn Anh, Saigon-Gia Định xưa, Tư liệu & Hình Ảnh, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1996.
(5) Annuaire de Cochinchine Française pour l’ année 1887, Saigon, Imprimerie Coloniale 1887.
(6) L’Ère Nouvelle, 28/8/1926, 11/01/1927, 28/2/1928
(7) Arthur Delteil, Un an de séjour en Cochinchine: guide du voyageur à Saïgon, Challamel aîné (Paris), 1887.
(8) L. I., Saïgon-Souvenir, petit guide saigonnais à l’usage des passagers des débutants dans la colonie, Coudurier et Montégout (Saïgon), 1906.
(9) Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saïgon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. de l’Union (Saïgon), 1917
(10) Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, 1992, Nxb Trẻ.
(11) Các hình ảnh từ belleindochine.free.fr, http://www.delcampe.nethttp://www.flickr.com/photos/13476480@N07/sets/
(12) Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ nhơn vật diễn ca, quyển 1: www.archive.org/details/NamKyPhongTucNhonVatDienCa và quyển 2: http://www.archive.org/details/NamKyPhongTucNhonVatDienCa2
(13) Christopher Goscha, ‘The modern barbarian’: Nguyen Van Vinh and the complexity of colonial modernity in Vietnam, European J. of East Asian Studies, 2004, Vol. 3, no. 1, pp. 135-169.
(14) Joseph Ferrière, Georges Garros, Alfred Meynard, Alfred Raquez, L’ Indo-Chine 1906, publíé sous les auspices du Gouvernement général de l’Indo-Chine, 1906.
(15) Annuaire de l’Indo-Chine française, première partie: Cochinchine, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1897.
(16) Emile Jottrand, Saigon et Cholen, opinions et souvenirs, La Vie coloniale: revue de la colonisation, du commerce et de l’industrie, No. 78 1/3/1909, pp. 47-48, No. 79, 1/4/1909 pp. 65-66.
(17) Louise Bourbonnaud , Les Indes et l’Extrême-Orient, impressions de voyage d’une Parisienne, Paris, 1889, http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5684832m/f178.tableDesMatieres
(18) Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1876 (1879, 1880, 1881, 1885, 1887), Imprimerie du Gouvernement (Coloniale), Saigon, 1876 (1879, 1880, 1881, 1885, 1887).
(19) Xavier Guillaume, La Terre du Dragon Tome 1, Publibook, Paris, 2004.
(20) Antoine Brébion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine française, publié après la mort de l’auteur par Antoine Cabaton, 1935.
(21) Vương Hồng Sển, Saigon Tạp Pín Lù, Nxb Văn Hóa-Thông Tin, 1997.
(22) Horace Fabiani, Souvenirs d’Algérie et d’Orient, E. Dentu (Paris), 1878.
(23) Christina Firpo, personal communication.

Saturday 1 December 2018

Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 1 (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 1

Bài biên khảo này có mục đích trình bày cảnh quan, kiến trúc, sinh hoạt thương mại trên con đường Catinat trong bối cảnh đời sống chính trị, văn hóa của thành phố Saigon vào đầu thế kỷ 20. Phân tích các nét văn hóa, kinh tế đặc thù của một con đường trong một địa phương cho ta một cái nhìn vi mô, liên quan đến các cá thể địa phương, ít nhiều không được biết đến trong bối cảnh tổng quan của một nước. Tuy vậy, mặc dầu chỉ là một “tiểu tự sự” (petit recit) nhưng nó sẽ cho ta thấy sự đậm chất của môi trường văn hóa qua đấy con người hay quá trình lịch sử ít nhiều bị ảnh hưởng.
Đường Đồng Khởi thời Pháp thuộc được gọi là rue Catinat (1), tức đường Tự Do trong thời Việt Nam Cộng Hòa và sau 1975 là đường Đồng Khởi. Con đường này là con đường xưa nhất và nổi tiếng nhất Saigon. Đây là một trong những con đường được thiết lập đầu tiên khi Pháp qui hoạch lại thành phố sau khi chiếm được và phá thành Saigon. Còn được gọi là “Rue no. 16” lúc ban đầu cho đến khi là con đường được tráng nhựa đầu tiên, đường Catinat nhanh chóng trở thành trung tâm sinh hoạt thương mại của thành phố.
Sau các công trình xây dựng các cơ sở hạ tầng (đường xá, xe lửa), các kiến trúc công sở, cơ quan hành chánh và thương mại được thống đốc dân sự Le Myre de Vilers (1879-1883) năng động khởi công hay thúc đẩy hoàn thành thì thành phố Saigon cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 sau hơn 35 năm bị Pháp chiếm đã trở thành một thành phố có cảnh quan qui hoạch và kiến trúc với nét chính ở trung tâm giống như một thành phố Âu châu.
Đầu thập niên 1910, xe hơi bắt đầu phổ biến ở thành phố Saigon và dịch vụ du lịch về các cảnh quan địa điểm, đời sống, sinh hoạt xã hội ở Saigon và Nam Kỳ được biết đến và giới thiệu qua các ảnh “cartes postales” từ những người Âu viếng hay ở Saigon gởi cho bạn bè, thân nhân ở các nước. Kỹ thuật nhiếp ảnh cũng tiến triển nhanh, và bắt đầu phổ biến rộng rãi và từ đó nhiều người đã sống được với nghề nhiếp ảnh hay trở thành nhiếp ảnh gia. Các du khách từ Âu châu và Viễn đông đã có cảm nhận chung Saigon là “Perle de l’Orient” đối với người Pháp hay “Paris of the East” đối với các du khách từ các nước hay thuộc địa nói tiếng Anh trong vùng Viễn Đông.
Trong số các nhà nhiếp ảnh sống với nghề mới này ở Saigon có rất nhiều người Việt. Họ có cửa tiệm ở nhiều nơi trong thành phố, nhưng hiện nay hầu như tất cả các hình ảnh của họ không tìm lại được hay đã bị mất. Chỉ có một số các hình ảnh của các nhà nhiếp ảnh Pháp sống ở Saigon ở đầu thế kỷ 20 là còn để lại hay tìm lại được mà đa số là các ảnh “cartes postales” đã được các các cơ sở hay nhà kinh doanh in lại để bán cho các du khách hay người dân ở Saigon có nhu cầu gởi cho bạn bè hay người thân ở nước ngoài.
Đầu thế kỷ 20 cũng là thời điểm mà người Việt bắt đầu thay đổi qua sự đối diện chạm trán với một nền văn hóa mới xa lạ và một tư duy phát triển xã hội, kinh tế và chính trị hoàn toàn khác trong một môi trường họ sinh sống đã hơn 35 năm từ khi người Pháp hiện diện ở Nam kỳ. Phong trào Minh Tân, do Trần Chánh Chiếu phát động, cổ vũ canh tân đất nước con người qua sự phát triển kinh tế, công nghệ. Qua báo “Nông Cổ Mín Đàm” (và sau này “Lục Tỉnh Tân Văn”), các nhà canh tân khuyến khích người nước Nam tham gia (“biển cải Nam nhân”) mở các cơ sở thương mại, sản xuất để cạnh tranh ở khắp Saigon và Lục tỉnh với người Pháp, Hoa và Ấn. Người Pháp, Hoa và Ấn lúc đó đang hầu như thống lĩnh hoàn toàn các hoạt động kinh tế ở Nam Kỳ.
Trung tâm Saigon trên đường Catinat và các đường chung quanh từ năm 1904 đã bắt đầu xuất hiện các cửa hàng thương mại kinh doanh của người Việt như cửa hàng nhiếp ảnh của Jean-Pierre Trọng, nhà in của Nguyễn Văn Toán (Đinh Thái Sơn hay Phát Toán), nhà in Lê Phát Tân, cửa hàng bán xe đạp, làm bánh mì của nhà nhiếp ảnh Lê Văn Ba … Trong số các cửa hàng này có một số tham gia trong phong trào Minh Tân như cơ sở thương mại của Nguyễn An Khương, Trần Chánh Chiếu. Cho đến thập niên 1920 ngay cả sau khi phong trào Minh Tân tan rã (Trần Chánh Chiếu bị bắt và quản thúc năm 1908) thì rất nhiều cơ sở thương mại và dịch vụ của người Việt đã xuất hiện gia nhập tân trào ở khắp nơi (2).
Bài này trình bày sinh hoạt xã hội, kinh tế ở đường Catinat (Đồng Khởi) Saigon đầu thế kỷ 20 qua các hình ảnh, hồi ký của các du khách và các tư liệu địa lý kinh tế đã được ghi lại khá đầy đủ và chi tiết trong Niên giám Đông Dương trong thập niên 1910 và 1920. Qua đó ta sẽ thấy sự thay đổi cảnh quan, kiến trúc, thiết kế đô thị từ đầu thế kỷ 20 đến ngày nay một phần lớn là nhờ những hình ảnh mà các nhà nhiếp ảnh ở Saigon đã chụp trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã để lại. Sở dĩ đường Catinat được chọn là tiêu biểu của đề tài này vì số lượng các hình ảnh chụp từ đầu thế kỷ 20 về đường Catinat là còn lại nhiều nhất so với các đường khác ở Saigon. Rất nhiều ảnh chụp trước kia đã được các nhà kinh doanh in ra làm “cartes postales” và vì thế chúng không bị mất hay thất lạc nhiều (3).
Đặc biệt Niên giám Đông Dương trong Thư viện quốc gia Pháp (Bibliotheque National de France, BNF) từ năm 1905 đến 1912 đã có ghi đầy đủ tên và địa chỉ của các cơ sở kinh doanh, chủ hay người ở tại mỗi nhà trên các con đường ở Saigon. Sau đó từ năm 1914 trở đi thì Niên giám chỉ còn ghi lại, theo thứ tự chữ cái, các cơ sở kinh doanh, kỹ nghệ hay các doanh nhân mà thôi, không cho ta biết đầy đủ và chi tiết như các niên giám trước. Các tư liệu này đã được số hóa (digitized) trên mạng BNF và vì thế giúp cho người nghiên cứu tra khảo được dễ dàng các dữ liệu mà họ cần, qua sự tìm kiếm các từ chính (keywords).
Ngoài những bức ảnh có ghi thời gian chụp, làm sao chúng ta có thể ước đoán được thời điểm các bức ảnh được chụp và vị trí của các tòa nhà hay cảnh quan trong hình để đặt chúng vào đúng chỗ trên con đường?. Để trả lời câu hỏi này, ta có thể dùng một số chi tiết biết được như sau.
  1. Nếu biết được tác giả bức ảnh hay nằm trong bộ sưu tập của họ hay các nhà kinh doanh “cartes postales” và theo các dấu ấn bưu điện ta có thể ước định khoảng thời gian ảnh được chụp.
  2. Dấu ấn của cảnh quan thí dụ như xe hơi chỉ có ở Saigon sau năm 1910, nếu chỉ có xe kéo thì bức ảnh chắc là trước 1910. Tòa nhà trong hình không có hay chỉ được xây sau này ở một thời điểm đã biết, sẽ giúp ta ước định thời điểm của bức ảnh. Vị thế của đường, các giao điểm (ngã ba, ngã tư) và các tòa nhà so với bản đồ, tên đường cũng là những mốc mà ta có thể phỏng đoán thời gian (thí dụ, bến Bạch Đằng có nhiều tên như “quai du Donnai”, “quai Napoleon”, “quai du Commerce” (từ 1870), “quai Francis Garnier” (từ 1896), “quai Le Myre de Vilers” (từ 1920), tùy thời điểm khi tên bến được đổi) (4).
  3. Ký hiệu của vật hay bảng hiệu các cửa tiệm nếu có sẽ được kiểm trong niên giám Đông Dương ở các năm phù hợp.
  4. Những chi tiết khác như chất lượng của ảnh, màu sắc, kỹ thuật, series ảnh cũng giúp ta xác định được tác giả hay khoảng thời gian của kỹ thuật chụp và rửa ảnh.
Vì đặt trở lại thời gian đầu thế kỷ 20, nên bắt đầu từ đây trong bài này, tên gọi các con đường được đề cập đến sẽ được dùng như lúc đã được dùng trong thời điểm đó với chú thích tên tương đương với tên đường được dùng hiện nay..

Đường Catinat (Đồng Khởi) – sinh hoạt kinh tế xã hội đầu thế kỷ 20


Trong suốt thế kỷ 18 đến gần cuối thế kỷ 19, trung tâm buôn bán thương mại ở Saigon là dọc kinh Chợ Vải, tụ tập chung quanh chợ (vị trí chợ Cũ ngày nay) ở gần góc kinh và sông Saigon. Kinh Chợ Vải chảy từ sông Saigon từ đầu đường Nguyễn Huệ ngày nay đến tận cửa thành Saigon cũ (cửa Căn Nguyên hay Gia Định Môn của thành Quy hay thành Phiên An dưới thời Gia Long) (4) mà vị trí hiện nay là Ủy ban Nhân dân Thành phố.
Đến thời Pháp thuộc từ năm 1861, trước khi kinh Chợ Vải (Kinh Lớn) bị lấp vào năm 1889 (khởi công lấp năm 1887), gộp chung hai đuờng Charner và Rigault de Genouilly ở hai bên bờ kinh thành Đại lộ Charner (Nguyễn Huệ ngày nay), thì đường Catinat và Route National (sau 1901 là đường Paul Blanchy, và Hai Bà Trưng ngày nay) là hai đường chính của thành phố Saigon. Nơi đây tập trung nhiều cơ sở kinh doanh Pháp, Hoa, Ấn và Việt với các dịch vụ cao cấp mà người dân (chủ yếu là người Pháp) đòi hỏi như ngân hàng, in sách, thuốc tây, máy móc (như máy đánh chữ Remington, Underwood), máy ảnh, rượu, dụng cụ âm nhạc, nữ trang, súng đạn săn bắn hay các đồ nhập từ nước ngoài.
Đối với đa số người dân thường thì khu vực Chợ Cũ, nơi ghe tàu chở hàng hóa và những sản phẩm như gạo, cá, trái cây, vải… cập bến hai bên bờ các kênh, rạch, là nơi họ cần nhất. Đây cũng là nơi mà người Pháp, các cơ quan chính quyền, trại lính, tu viện… đến để mua thức ăn trong cuộc sống thường ngày.
Chợ Cũ nằm giữa kênh Chợ Vải và rạch Cầu Sấu (đường Hàm Nghi ngày nay). Theo bản đồ “Plan du Port de Saigon (1863)” vẽ theo lệnh của đề đốc de La Grandière (4) thì kênh Chợ Vải chảy từ sông Saigon, mà hai bờ kênh là đường Charner và đường Rigault de Genouilly, lên đến đường Bonnard (Lê Lợi) và đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn). Khi đến đường Bonnard, kênh rẽ ra bên phải đến tận khu vực mà sau này là nhà hát thành phố và bên trái đến đường Pellerin (Pasteur). Khúc kênh trên đường Bonnard còn gọi là kênh Coffyn (do Đại tá Coffyn thực hiện đào kênh). Khi kênh chảy đến đường Pellerin thì nó bắt đầu quay ngược lại đổ ra rạch Bến Nghé, để đi vào kênh Tàu Hủ vào Chợ Lớn. Và trước khi đổ ra rạch Bến Nghé, nó cũng rẽ trái thành một nhánh nối với rạch Cầu Sấu để đi ra lại cửa rạch Cầu Sấu và kênh Chợ Vải ở sông Saigon. Ta có thể dễ dàng nhận thấy vị trí Chợ Cũ là nằm ở trung tâm vận chuyển đường thủy qua kinh rạch ở thế kỷ 19. Vì thế khu vực Chợ Cũ và khu vực chung quanh là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở buôn bán của người Hoa, Việt và Ấn ở trung tâm thành phố Saigon.
Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhất là bắt đầu từ thập niên 1910, là lúc vai trò vận tải của đường thủy dần nhường chỗ cho hệ thống vận chuyển đường bộ và đường sắt. Các kinh rạch trong thành phố bị lấp dần để trở thành các lộ xá như kênh Coffyn trở thành đại lộ Bonnard, rạch Cầu Sấu thành đại lộ “Boulevard de la Somme” (Hàm Nghi), Kinh Lớn (Chợ Vải) thành đại lộ Charner. Vai trò thương mại của Chợ Cũ gần sông Saigon trong nền kinh tế giảm sút lần, cho đến khi Chợ Mới (5) (chợ Bến Thành ngày nay) được thành lập năm 1914 gần bến xe và nhà ga xe lửa nối với Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây thì Chợ Cũ hầu như hoàn toàn không còn được nhắc đến. Cũng vậy sau khi kênh Chợ Vải bị lấp thì đại lộ Charner trở thành đường lớn song song với đường Catinat ở Saigon. Vị trí thương mại của đường Catinat tuy có yếu đi, nhưng nó vẫn còn được coi là trung tâm kinh tế và văn hóa ở Saigon.
Theo ông Jottrand, cố vấn người Pháp về luật pháp cho vua Siam (Thái Lan), khi viếng Saigon đầu thập niên 1900 nhận xét là Saigon và toàn Đông Dương có thương mại và kỹ nghệ yếu kém so với các nước và thành phố trong vùng là vì thuế nhập khẩu hàng hàng nước ngoài quá cao, không khuyến khích được sự cạnh tranh và phát triển (16).
Theo ông Jottrand đó là hệ quả của chính sách của những người có “tinh thần nhỏ bé” (petit esprit), bị áp lực của các thiểu số giàu có, của các nhà buôn, nhà sản xuất vải bông ở Elbeuf, hàng lụa của Lyon bảo vệ quyền lợi và thị trường của họ bằng hàng rào quan thuế cao. Mà dầu được đã bảo vệ như vậy họ cũng không cạnh tranh lại được với các sản phẩm của người Đức và các nước khác. Về thương mại, trong số khoảng 2500 người Pháp ở Saigon thì khoảng 2000 người là công chức và gia đình họ, chỉ có khoảng 150 nhà thương mại mà trong đó đa số phục vụ cho các công chức trên. Trừ thành phố Chợ Lớn, thì kỹ nghệ, thương mại rất yếu không so sánh được với các thành phố trong vùng.
Đó là tình hình chung của thành phố Saigon đầu thế kỷ 20. Trở lại chuyện nhỏ, “tiểu tự sự” (“petit recit”), về con đường Catinat. Bắt đầu từ bến Bạch Đằng (“quai Francis Garnier”), chúng ta thử trở lại thời gian ở thập niên 1900 đầu thế kỷ 20, cách đây khoảng 100 năm và đi dạo từ đầu đường cho đến cuối đường chấm dứt ngay quảng trường Nhà thờ Đức Bà để quan sát hoạt động thương mại và đời sống của người xưa ở con đường nổi tiếng này của thành phố Saigon.
Từ đầu đường ở bờ sông lên đến cuối đường có dốc lên thoai thoải đến Nhà thờ Đức bà (xưa kia vị trí này là trung tâm của thành Phiên An, tức thành Quy, thời vua Gia Long) là điểm cuối không còn dốc, từ đó ta sẽ nhìn lại con đường Catinat này.
hinh -1
Hình 1: Hình này là của nhà nhiếp ảnh Ludovic Crespin (có cửa tiệm “Photo Studio” ở số 136 đường Catinat). Bên phải là khách sạn “La Rotonde” (trên lầu là văn phòng của công ty tàu biển “Chargeurs Reunis” mà Nguyễn Tất Thành đến xin làm phụ bếp tàu đi qua Pháp). Theo Niên giám Đông Dương năm 1910 thì văn phòng Chargeurs Reunis là do ông Saravane quản lý. Bên trái hình là hai tiệm đổi tiền của ba người Ấn (mà người Pháp gọi là “malabar”), số 1 đường Catinat của ông Mougamadou Abdoullah (1909), ông Mougamadou Oussaine (1910) và số 1bis của ông Mougamade Abdoullah (3) (theo niên giám Đông Dương 1909, 1910). Cho đến 1912 số 1 vẫn là nơi đổi tiền của người Ấn. Hình này có lẽ chụp vào khoảng cuối thập niên 1910 và đầu 1920.
hinh-2
Hình 2: Đường Catinat và các con đường chung quanh. Mũi tên chỉ các ảnh trong bài này được các nhà nhiếp ảnh cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 chụp theo hướng chỉ của mũi tên trong hình.
hinh-3
Hình 3: Cũng vị trí đầu đường Catinat, bên trái là Khách sạn “Hôtel d’Annam” (Nam Việt khách lầu) của ông Huỳnh Huệ Ký. Hình chụp vào khoảng giữa hay cuối thập niên 1920. Theo quảng cáo trên báo “L’Ère nouvelle” tháng 9/1926 thì ông Ký có 2 khách sạn “Nam Việt khách lầu”, một ở số 72-80 đường Kinh Lấp (Charner) và khách sạn thứ hai ở số 15 đường Carabelli. Niên giám Đông Dương (1908, 1909, 1910, 1912, 1914, 1915, 1924, 1925) không thấy ghi địa chỉ này ở góc Catinat và “quai le Myre de Vilers” (năm 1920 đổi tên “quai Francis Garnier” thành “quai Le Myre de Vilers”).
Trong trang quảng cáo trên báo “l’Ère Nouvelle” (Premiere année, numéro 4, Samedi 28 Aout 1926, trụ sở 112 rue d’Espagne) có đăng như sau về “Nam Việt khách lầu” (trích nguyên văn, chính tả giữ nguyên như in trong báo)
“Hotel d’Annam Nam Việt Khách lầu, Đường Kinh-lấp Bd. Charner No 72 à 80 và đường Carabelli No. 15 Saigon
Kính cùng quí khách rỏ, tôi dọn phòng rộng mát và sạch sẻ, lại cũng có phòng ở dưới đất, được cận tiện cho quí khách. Xin quí khách có đi Saigon thì đến tiệm tôi mà ở lấy làm thong thả lắm. Huỳnh Huệ Ký, Cẩm khái
Từ đầu đường bắt đầu bên phải là số chẵn và bên trái là số lẻ Đi vào đường Catina phía tay phải, sau “Hôtel de la Rotonde” (số 2 Catinat) là văn phòng công ty “Denis Frères” ở số 4 Catinat. Công ty này đã hiện diện từ lâu đời ở Nam Kỳ, từ những năm của thập niên 1880 khi Pháp bắt đầu củng cố các tỉnh Nam Kỳ vừa chiếm được. Trụ sở công ty “Denis Frères” chiếm nguyên góc đường Catinat và đường Vannier (6) (số 4 Catinat và 5 rue Vannier).
Công ty “Denis Frères” chuyên xuất nhập khẩu rượu, bảo hiểm tàu biển, đại lý cho nhiều công ty nước ngoài, và là đại diện lãnh sự cho hai nước Đan Mạch và Siam (Thái Lan) từ những năm 1880 cho đến thập niên 1920. Từ đây và bên kia đường đi lên là các cửa tiệm may, tiệm vải, sửa giày, nữ trang, tạp hóa của người Hoa, Ấn và Việt, đa số là của người Hoa.

hinh-4
Hình 4: Đây là tòa nhà ngay góc đường Catinat và Vannier (bên kia đường Vannier là trụ sở công ty Dennis Frères, số 4 Catinat). Theo niên giám 1907, 1908, 1909 thì số 6 Catinat là tiệm bán café của ông Lương Trung, số 8 là tiệm may (tailleur) “Lương Tich” (trước cửa là 1 người đang đứng cầm dù), số 10 tiệm may “Dương Kim”, số 12 tiệm sửa giày (cordonnier) “Thai Thieu”, số 14 tiệm may-sửa giày “Ly Nhu”, số 16 tiệm may “Tran-On” (trước cửa là các người Hoa đang đứng ở giữa hình) và số 18 tiệm may “Lương-Can”. Kế bên tòa nhà này, phía trái hình là tiệm thuốc tây, số 20-22 Catinat, của ông Holbé. Trong Niên giám 1910 thì tiệm may “Lương Tich” không còn, do đó ta có thể kết luận là bức hình này chụp năm 1909 hay trước đó. Niên giám 1906 cho biết số 6 là tiệm may và tiệm sửa giày “Ngo-Thoai” và số 12 là tiệm may “Ly-Nhu”. Trong hình, tiệm số 12 có bảng hiệu (chữ mờ đọc không rõ nhưng có lẽ là Thai-Thieu). Như vậy là hình được chụp vào khoảng 1907-1909. Tiệm “café Luong-Trung” sau này là tiệm “café Alger” (số 6 Catinat)
Tại ngã tư đầu tiên của đường Catinat, ngã tư Catinat và rue Vannier (ngày nay là đường Ngô Đức Kế), khi đi qua bên kia đường ta sẽ thấy các cửa tiệm may, sửa giày của người Hoa và Việt từ số 8 đến 16 rue Catinat (xem hình 4). Như đã nói trên, các cửa tiệm của người Hoa rất nhiều trên đường Vannier từ đại lộ Charner (Nguyễn Huệ ngày nay) cho đến quảng trường Rigault de Genouilly (quảng trường Mê Linh ngày nay).
Tại đây từ số 8 đến 16 Catinat, góc đường Catinat và đường Vannier sau này, vào nãm 1930, Henry Edouard Charigny de Lachevrotière, mở một quán rượu, và năm 1932 ông Patrice Luciani kế vị. Nãm 1937 trở thành khách sạn “Saigon Palace” với quán rượu ở dưới. Một khách sạn thanh lịch ở Saigon và ngày nay là khách sạn “Grand Hotel”. Ông Lachevrotière sau này là chủ bút tờ “La Dépêche”. Ông là một người bảo thủ, đứng về phía quyền lợi Pháp chống lại sự thăng tiến độc lập của người Việt. Ông đã từng bút chiến với các nhân sĩ trên báo chí ở Saigon.
Cũng trên đường Catinat phía bên kia, gần bến Bạch Đằng là các nhà in và tiệm bán sách “Imprimerie Librairie Saigonnaise” (15-17-19 rue Catinat, directeur Pointillon), “Imprimerie Nam-Tay” (51 và 53 rue Catinat). Trước nhà in Nam-Tay, ở số 35-41 rue Catinat là nhà in “Imprimerie Saigonnaise” của ông Lê Phát Tân (niên giám 1909), số 39-41 “Imprimerie Saigonnaise” của L. Roger (niên giám 1910) và số 29 “Imprimerie-reliure” của Ki-Cheong (có lẽ là người Hoa từ Singapore hay Malacca).
Địa chỉ 29-31 sau này là trụ sở của công ty “Société Cochinchinoise d’ importation et d’exportation “Thuan-Hoa”” (niên giám 1922) do ông Nguyễn Phú Khai quản lý. Ông Nguyễn Phú Khai là chủ bút tờ báo “Tribune Indigene” (Diễn đàn bản xứ). Trước kia ông tốt nghiệp kỹ sư ở Pháp và mở nhà máy xay lúa ở Mỹ Tho cạnh tranh với người Hoa. Ông Khai chủ trương Việt Nam phải canh tân, tiến bộ, thoát khỏi nghèo khó, có sức mạnh về kinh tế. Ông Khai có tư tưởng cũng giống như ông Phan Chu Trinh, đấu tranh chống Pháp ôn hòa đem lại quyền lợi cho người bản xứ, vận động để Việt nam được quy chế lập hiến. Ông Nguyễn Phú Khai và các ông Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long,.. sau này lập ra đảng chính trị đầu tiên ở Nam Kỳ vào năm 1923, Đảng Lập Hiến (Parti Constitutionaliste).
Đường Catinat gần phía bến Bạch Đằng vẫn còn nhiều cửa tiệm người Hoa. Cửa tiệm người Hoa nhiều hơn các cửa tiệm kinh doanh của người Pháp và Ấn.

hinh-5
Hình 5: Các thương gia người Hoa ở đường Catinat (Collection Poujade de Ladevèze)
Ta hãy xem niên giám Đông Dương 1908, trên đường Catinat có rất nhiều tiệm của người Hoa (phụ lục 1). Trong số 143 địa chỉ thì 43 là cơ sở doanh nghiệp người Hoa, chiếm 30% số lượng các cơ sở trên đường Catinat. Và rất nhiều các tiệm Hoa kiều chung quanh đường Catinat, ở trên các đường rue Turc, Vannier, d’Ormay trải dài từ công trường Rigault de Genouilly (công trường Mê Linh ngày nay) đến đại lộ Charner, rue d’Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay) và khu vực Chợ Cũ.
Bà Louise Bourbonnaud (7), trong quyển sách về chuyến đi Ấn Độ và Viễn đông của minh (1889), có ghé Saigon ở một thời gian trong khách sạn “Hotel de l’Univers” gần đường Catinat, bà đã mua đồ ở các tiệm người Hoa và có tả một số tiệm người Hoa như sau (17):
Ở bên kia đường, có tiệm may và tiệm sửa giày của người Hoa, ngoài ra còn có tiệm giặt (blanchisserie). Những người Hoa này làm việc siêng năng đáng ngạc nhiên. Người thợ may có máy may và may từ sáng đến nửa đêm không ngừng. Tôi không còn ngạc nhiên nữa khi nghe nói là những thợ thủ công và các nhà thương mại nhỏ người Âu sẽ không bao giờ biết cách cạnh tranh được với các người Hoa cùng nghề.
Người ta biết rằng trong hơn một thành phố lớn ở  nước Mỹ, chính những người “da vàng” (“hommes jaunes”) là chiếm độc quyền nghề giặt ủi. Thì ở đây cũng như vậy”
Người Ấn có một số cửa hàng tạp hóa và đổi tiền trên đường Catinat (xem phụ lục 2), rue d’Ormay và nhiều cửa hàng (escompteurs) quanh Chợ Cũ, tập trung nhiều nhất là ở đường rue d’Adran, rue d’Ohier. Đường Ohier (trước kia là đường “rue de l’Église” (8) và ngày nay là Tôn Thất Thiệp) có thể được coi như là “Tiểu Ấn Độ” (Little India) như thường được gọi nơi mà cộng đồng của họ có các khu tương tự trong các thành phố khác ở Đông Nam Á như Singapore, Kulua Lumpur. Trên đường Ohier có ngôi đền Ấn Giáo lớn nhất Việt Nam. Và trên đường Amiral Dupré (cắt ngang đường Catinat) là ngôi đền thờ Hồi giáo của người Ấn.

Nguyễn Đức Hiệp


(Còn tiếp)


Chú thích:


(1) Catinat là tên một tướng Pháp thời Louis XIV, sau này là tên một chiến hạm (la corvette Catinat) tham dự trong trận đánh cảng Đà Nẵng (1856) và Saigon (1859) của hải quân Pháp. Toàn quyền Nam kỳ, đề đốc De la Grandière năm 1865, đổi tên đường “Rue no. 6” thành đường Catinat dựa theo tên của chiến hạm này.
(2) Xem phụ lục 4 về quảng cáo một số cơ sở thương mại người Việt. Báo “Lục Tỉnh Tân Văn” mà Trần Chánh Chiếu chủ biên có trụ sở ở 6 rue Krantz (đường Hàm Nghi ngày nay) do ông F. H. Schneider đứng tên. Kế bên tòa soạn là khách sạn “Nam Trung”, cơ sở gặp gỡ và kinh tài của phong trào Minh Tân. Niên giám Đông Dương (1910, 1911, 1912) ghi “4-6 F.H Schneider, aubergiste” và Niên giám 1907, 1908, 1909 ghi “8. Mme Lachal, proprietaire café de la gare”. Khách sạn “Nam Trung” là số 4, kế bên bưu điện số “2. Postes et Telegraphes”, gần ga xe lửa ngay cạnh bến Bạch Đằng. Đường Krantz trước kia là đại lộ Quảng Đông “boulevard de Canton” vì ở đây có rất nhiều người Hoa gốc Quảng Đông buôn bán trên đường dọc bờ kênh rạch. Đến năm 1897 thì chia ra làm hai đường một chiều ở hai bên, mà chính giữa là  hàng cây, đường Krantz và đường Duperré. Đường xe lửa bắt đầu từ đầu đường Krantz đến ga Saigon gần chợ Bến Thành. Năm 1920 hai đường Krantz và Duperré nhập lại thành Boulevard de la Somme (nay là Hàm Nghi). Theo Niên giám Đông Dương 1906 có ghi một người ở số 11 rue d’Adran (đường Hồ Tùng Mậu ngày nay) gần Chợ Cũ tên là “Tran-Chieu, aubergiste”, có thể địa chỉ này cũng là một khách sạn của Gilbert Trần Chánh Chiếu.
(3) Các ảnh “cartes postales” do các nhà tư nhân sưu tập thỉnh thoảng xuất hiện (đôi khi có dấu ngày tháng trên tem) và được bán đấu giá trên mạng như trên www.delcampe.net. Đây cũng là một nguồn ảnh tư liệu tốt cho ta nhiều thông tin.
(4) Năm 1920, hàng loạt các đường và địa danh  được đổi tên thành tên các địa danh hay nhân vật trong Thế chiến thứ nhất, như Boulevard de la Somme, rue d’Alsace Lorraine, rue d’Ypres, rue Général Lizé, rue Dixmude, rue Champagne, Boulevard Kitchener, Place Marechal Joffre. Rue Verdun và “quai de la Marne” (bến Vân Đồn) được đổi từ 1917 (9).
(5) Chợ Mới (bến Thành) là do công ty Brossard & Mopin xây, Công ty Brossard & Mopin xây cất rất nhiều công trình ở Đông Dương và các nơi khác ở Viễn Đông, và có văn phòng ở Saigon, Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải, Thiên Tân, Vladivostock. Ông Jean Brossard có một người con ngoài hôn thú với một phụ nữ Việt năm 1905. Sau này vào năm 1946 người con này và gia đình đã đệ đơn xin chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa trở lại quốc tịch Việt Nam (23).
(6) Vannier là tên của một sĩ quan Pháp đã giúp vua Gia Long chống Tây Sơn vào đầu thế kỷ 19 và làm quan cho nhà Nguyễn một thời gian ở Huế, trước khi gia đình (vợ là người Việt nam) hồi hương về Pháp dưới thời Minh Mạng.
(7) Bà quả phụ Bourbonnaud là phụ nữ can đảm, gan dạ đi nhiều nơi trên thế giới một mình (Bắc, Trung và Nam Mỹ, Ấn Độ, Borneo, Sumatra, Việt Nam, Nhật, Trung Quốc, Phi Châu,..), ghi lại các sự kiện, sinh hoạt, phong tục các nơi trong các sách bà xuất bản. Vào thế kỷ 19, phụ nữ đi các nơi xa lạ, bất trắc, là một sự khác thường. Bà là hội viên hội “Société de Géographie de Paris” và lập ra giải “Prix Lousie Bourbonnaud” cho các tác phẩm du ký. Chồng bà là nhà doanh nghiệp, xây dựng đường xá ở Paris, và là bạn của ông Haussmann, người thay đổi bộ mặt kiến trúc và đường xá Paris thành các đại lộ lớn trong thập niên 1860. Bà hay giúp đỡ các người nghèo ở Paris và các nơi bà đi qua. Louise Bourbonnaud cũng là hội viên sáng lập “Société de secours aux Blessés des Armées de terre et de mer”, sau này trở thành Hội chữ Thập đỏ (Croix-Rouge).
(8) Đường “Rue de l’Église” đi ngang qua nhà thờ đầu tiên ở Saigon (1863). Nhà thờ này xây bằng gỗ ở vị trí sau này là Tòa Hòa giải (Justice de Paix) và ngày nay là tòa nhà Sun Wah, góc đường Nguyễn Huệ và Tôn Thất Thiệp.

Tham khảo


(1) Annuaire général de l’Indo-Chine française [“puis” de l’Indochine], Publisher: F.-H. Schneider (Hanoi) 1906, 1907, 1908, 1909, 1910, 1911, 1912, 1914, 1922, 1925
(2) L. Lacroix-Sommé, R. J. Dickson et A. J. Burtschy, Annuaire complet (européen et indigène) de toute l’Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières…: Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934, A. Portail (Saigon), 1933
(3) Guide pratique, renseignements et adresses. Saïgon, J. Aspar (24 rue Catinat Saïgon), 1934.
(4) Huỳnh Ngọc Tráng, Trương Ngọc Tường, Phạm Thiếu Hương, Nguyễn Đại Phúc, Đỗ Văn Anh, Saigon-Gia Định xưa, Tư liệu & Hình Ảnh, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1996.
(5) Annuaire de Cochinchine Française pour l’ année 1887, Saigon, Imprimerie Coloniale 1887.
(6) L’Ère Nouvelle, 28/8/1926, 11/01/1927, 28/2/1928
(7) Arthur Delteil, Un an de séjour en Cochinchine: guide du voyageur à Saïgon, Challamel aîné (Paris), 1887.
(8) L. I., Saïgon-Souvenir, petit guide saigonnais à l’usage des passagers des débutants dans la colonie, Coudurier et Montégout (Saïgon), 1906.
(9) Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saïgon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. de l’Union (Saïgon), 1917
(10) Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, 1992, Nxb Trẻ.
(11) Các hình ảnh từ belleindochine.free.fr, http://www.delcampe.nethttp://www.flickr.com/photos/13476480@N07/sets/
(12) Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ nhơn vật diễn ca, quyển 1: www.archive.org/details/NamKyPhongTucNhonVatDienCa và quyển 2: http://www.archive.org/details/NamKyPhongTucNhonVatDienCa2
(13) Christopher Goscha, ‘The modern barbarian’: Nguyen Van Vinh and the complexity of colonial modernity in Vietnam, European J. of East Asian Studies, 2004, Vol. 3, no. 1, pp. 135-169.
(14) Joseph Ferrière, Georges Garros, Alfred Meynard, Alfred Raquez, L’ Indo-Chine 1906, publíé sous les auspices du Gouvernement général de l’Indo-Chine, 1906.
(15) Annuaire de l’Indo-Chine française, première partie: Cochinchine, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1897.
(16) Emile Jottrand, Saigon et Cholen, opinions et souvenirs, La Vie coloniale: revue de la colonisation, du commerce et de l’industrie, No. 78 1/3/1909, pp. 47-48, No. 79, 1/4/1909 pp. 65-66.
(17) Louise Bourbonnaud , Les Indes et l’Extrême-Orient, impressions de voyage d’une Parisienne, Paris, 1889, http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5684832m/f178.tableDesMatieres
(18) Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1876 (1879, 1880, 1881, 1885, 1887), Imprimerie du Gouvernement (Coloniale), Saigon, 1876 (1879, 1880, 1881, 1885, 1887).
(19) Xavier Guillaume, La Terre du Dragon Tome 1, Publibook, Paris, 2004.
(20) Antoine Brébion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine française, publié après la mort de l’auteur par Antoine Cabaton, 1935.
(21) Vương Hồng Sển, Saigon Tạp Pín Lù, Nxb Văn Hóa-Thông Tin, 1997.
(22) Horace Fabiani, Souvenirs d’Algérie et d’Orient, E. Dentu (Paris), 1878.
(23) Christina Firpo, personal communication.

Friday 2 November 2018

Đại lộ Bonard cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 – Phần 2 (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Đại lộ Bonard cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 – Phần 2

Bên cạnh tiệm nhiếp ảnh Khánh Kỳ ở số 56 Boulevard Bonard là cửa hàng của công ty người Việt, Hãng Hão Vĩnh, bán các loại rượu nhập như Cognac. Đặc biệt Hãng Hão Vĩnh bán hai loại xà bông được ưa chuộng là xà bông (savon) trắng hiệu măt trời mọc (le Soleil) và savon đen hiệu con rồng (le Hydra).
Số 60-62 ngày nay là nhà sách Fahasa (trước 1975 là nhà sách Khai Trí).
Số 66 Boulevard Bonard là cửa hàng bán thuốc lá của công ty “Société des Tabacs de l’Indochine “, có quảng cáo trên báo Tiếng Vọng An Nam (Écho Annamite) ngày 10/11/1921 như sau
Thước lá Con Gà của Société des Tabacs de l’Indochine, 66 Boulevard Bonnard, Saigon
Hởi người An Nam ! Sao để tiền bạc ra khỏi xứ mình ? Hãy dùng thuốc hút hiệu CON GÀ thuốc chưa vấn và thuốc vấn rồi
Vì thuốc này ngon hơn hết.
Đã thơm tho lại giá rẻ hơn các thứ khác
Thuốc CON GÀ trồng tỉa tại xứ Đông-Dương. Nên giup hội Société des Tabacs de l’Indochine, 66 Boulevard Bonnard, Saigon hầu giúp muôn ngàn người An Nam.
 bonard10
bonard11
Hình 10 – Saigon trong thập niên 1960, đại lộ Lê Lợi nhìn về chợ bến Thành. Bên trái là tòa nhà trước kia là khách sạn “Phong Cảnh Khách Lầu” ở góc Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực. Lúc này ở tầng trệt là nhà hàng Kim Sơn và trên sân thượng là nhà hàng Bồng Lai.
Ở góc đường Bonnard và Filippini, số 68 là tiệm vải lụa của ông Đỗ Văn Mười, có quảng cáo trong tờ báo Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam năm 1925) như sau
Magasin de Soieries Đo Van Muoi
Magasin de Soieries
Đo – Van – Muoi
à l’angle du Bd. Bonnard & rue Filippini
Saigon
Quí bà quí cô !!
Muốn cần món hàng lụa chi tốt, hãy vui lòng đến Bổn hiệu là nơi có bán đủ các mặt hàng : Tố-Tây, satin J. Bonnet, Cẩm nhung trơn, bông thêu, bông dệt, bông kiểu lạ có đủ thứ màu rất xinh đẹp
Có bán đủ thứ hàng trắng để may đồ   
Bán giá thật rẻ hơn các nơi.
Đo-Van-Muoi
à l’angle du Bd. Bonnard & rue Filippini
Vài năm sau, nơi đây là tiệm nữ trang bán kim cương (magasin de diamants) của ông François Sự có đăng quảng cáo trên báo Écho Annamite (29/12/1928). Cửa hàng vải lụa của ông Đỗ Văn Mười được chuyển đến địa điểm ngang hông chợ Bến Thành ở số 29 rue Sabourain (Lưu Văn Lang ngày nay) như trong quảng cáo trên Nhật Tân báo (L’Ère Nouvelle 28/9/1926)
bonard12
Ngay tại nơi này, góc đường Filippini và đại lộ Bonard vào đầu thập niên 1920 là khách sạn “Phong Cảnh khách lầu” hay Hôtel de l’Ouest do ông Nguyễn Phong Cảnh làm chủ. Ngoài Phong Cảnh khách lầu, ông Nguyễn Phong Cảnh cũng là chủ nhân của nhà hàng và nhà trọ nổi tiếng Cửu Long Giang (Hôtel de Mekong, sô 164 rue d’Espagne nay là đường Lê Thánh Tôn) đồi diện với chợ Bến Thành ở góc đường Filippini (sau đổi là Aviator Roland Garros và ngày nay là Nguyễn Trung Trực) và rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn).
Nhà hàng khách sạn Cửu Long Giang cũng là nơi thường lui tới của các nhà báo, văn sĩ, nhân sĩ như Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn An Khương, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh và tại đây có ca nhạc tài tử, ca ra bộ của của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) diễn xuất giúp vui. Ngoài cô Ba Đắc ca hát còn có cô Hai Nhiễu, con của ông Tư Triều, vừa hát và cũng vừa chơi đàn tranh.
Không lâu sau dó, từ năm 1920 đến 1925 các ban cải lương được thành lập khắp Nam kỳ lục tỉnh. Nghệ thuật sân khấu cải lương phát triển nhanh chóng thay thế sân khấu hát bội. Đặc biệt ban của ông André Thận lúc đầu chủ yếu là gánh xiếc nhưng sau đó thêm vào cải lương, cải lương (théâtre moderne), nhạc tài tử và vũ ballet.
bonard13
Hình 11 – Quảng cáo xiếc, cải lương (théâtre moderne), nhạc tài tử, vũ ballet của ông André Thận trên báo Écho Annamite (Tiếng Vọng An Nam) ngày 23/2/1922
Trên lầu 1 của Phong Cảnh khách lầu là nơi có cuộc họp đầu tiên của An Nam Cộng sản đảng do ông Châu Văn Liêm tổ chức vào ngày 7 tháng 8 năm 1929. Ngày nay nơi này bên trong vẫn giống như xưa và được Ủy ban nhân dân thành phố quận 1 coi là một di tích lịch sử. Nhưng hiện nay bên trong tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng.
Trên báo “L’Ère Nouvelle” (Nhật Tân báo) năm 1928 đã có đăng quảng cáo “Phong cảnh khách lầu” như sau:
“Phong Canh Khach lau
Angle des boulevard Bonnard et rue Filippini
Chambres confortablement meublée, propres aérées, 2e et 8e étages.
Ascenseur, Douche et W.C. dans tous les chambres. Personnel discipliné.
Nguyen.phong-CANH, Propriétaire”
(Phong Cảnh Khách lầu
Góc các đại lộ Bonnard và Filippini
Phòng trang bị tiện nghi, thoáng khí sạch sẽ, ở tầng 2 và tầng 8.
Có thang máy, có buồng tắm và WC trong mỗi phòng. Nhân viên lễ độ.
Chủ Nhơn, Nguyễn Phong Cảnh)
Cầu thang và lan can bằng sắt với trang trí kiểu cách phổ thông vào đầu thế kỷ 20 vần còn như xưa, chỉ có thang máy vì không được bảo trì đã biến mất. Trong nhữg năm của thập niên 1920 thì ở Saigon rất ít nơi có thang máy, thang máy ở đây cũng tương tự như thang máy vẫn còn hoạt động được ở nhà của ông Hui Bon Hoa (chú Hỏa), nay là Viện Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, ở đường rue d’Alsace-Lorraine (nay là Phó Đức Chính).
bonard14
Hình 12 – Cầu thang cạnh bên thang máy (bên trái) dãn lên lầu các phòng trọ trong đó có phòng ở lầu 1 là nơi mà các đại biểu đến họp thành lập An Nam Công Sản (Ảnh tác giả)
bonard15
Hình 13 – Cầu thang ở lầu 1 của Phong Cảnh Khách Lầu nhìn xuống đường Nguyễn Trung Trực (rue Filippini). (Ảnh tác giả)
bonard16
Hình 14 – Bên trái là phòng họp thành lập An Nam Cộng Sản Đảng năm 1929. (Ảnh tác giả)
Số 68 ngày nay là tiệm nữ trang vàng bạc đá quí (trước 1975 là nhà hàng Kim Sơn, trên sân thường là nhà hàng ca nhạc Bồng Lai).
bonard17
Hình 15 – Saigon 1968, Georges Menager, Paris Match – Góc Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực (trái) và Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phải). Địa điểm Nhà sách-nhà in Vĩnh Bảo trong hình thì xưa kia là của hàng bán thuốc lá “Con gà” của hảng “Société des Tabacs de l’Indochine “
bonard18
Số 78 Boulevard Bonnard là tiệm nữ trang, Bijoux FIX, của ông H. Humbert bán nữ trang, bán dĩa hát cho máy phonographe, đồng hồ đeo tay các loại đàn ông và đàn bà
Kế bên là tiệm may mặt đồ tây Công – Tính – Thành, số 80 Boulevard Bonnard. Chủ tiệm may là người Bắc làm ăn rất thành công ở Saigon
Công – Tính – Thành
Grand tailleur Tonkinois
Vêtements faits absolument sur mesures exactes
Grands choix de cravats
Theo quảng cáo trên Nhật Tân báo (L’Ère nouvelle 28/9/1926) thì tiệm Công Tính Thành là tiệm may lớn nhất ở Saigon có trên 30 thợ may.
bonard19
Cạnh tiệm may Công Tính Thành là tiệm vải “Au tisseur Nguyen Anh, 82 Boulevard Bonnard”. Sau này nơi đây là cửa tiệm vải lụa nổi tiếng của ông Nguyễn Khắc Trương có quảng cáo như sau trong tờ báo Écho Annamite (15/3/1925)
“AU TISSEUR”
Magasin Moderne de Soierie
98, Bd Bonnard, 82
SAIGON
Chers compatriotes,
J’ai l’honneur de vous faire connaitre que je viens de créer un PONGÉE pour la confection des chemises et pyjamas, áo mát, quần mát, etc.
Ce tissu, qui est dénommé « LỤA LÈO », remplace très avantageusement les tissus similaires provenant de Chine, du Japon, de Bombay. La qualité est d’une robustesse telle que, d’après mes calculs, ce tissu durer des années résistant même à de très fortes lessives.
Je vous serais très reconnaissant de faire de la propagande autour de vous pour vulgariser l’emploi de ce tissu «LỤA LÈO”, qui est d’un prix de revient tout à fait inférieur à n’importe quel lụa de son genre.
Je termine en faisant appel à votre patriotisme pour favoriser un commerce annamite né d’une industrie annamite.
En espérant recevoir bientôt vos ordres, veuilles agréer, Messieurs et chers compatriotes, l’assurance de mes sentiments sentiments meilleurs.
NGUYËN-KHAC-TRUONG
Diplomé de l’Ecole de Tissage et de Broderie de Lyon
Fondateur du Tissage Le phat-Vinh de Caukho.
  1. B. – Dépositaire des Biscuit Quấc-nữ: La boite 0$50
Envoi contre remboursement
Như vậy là vãi “Lụa Lèo” do ông Nguyễn Khắc Trương chế và sản xuất từ nhà máy dệt lụa nổi tiếng ở Saigon (khu Cầu Kho) do ông sáng lập và ông Lê Phát Vĩnh làm chủ. Ông Lê Phát Vĩnh là con của ông huyện sĩ Lê Phát Đạt, một người giàu có nhất thời đó như trong câu nói tương truyền “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”.
Húa Hoành (Giai thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh) nói về ông Lê Phát Vĩnh như sau
“Lê Phát Vĩnh là người có tánh hào hiệp, lịch duyệt, cư xử với mọi người (công nhân, tá điền) rất được lòng, khi chết nhiều người còn nhớ. Ngoài mấy ngàn mẫu đất ở miền Tây, giáp ranh với “điền ông Kho Gressier”, ông Vĩnh còn đồn điền trà, đồn điền cao su ở Cầu Đất (Đà Lạt) và miền Đông. Năm 1920, ông Vĩnh lập hãng dệt the, lấy tên Lê Phát (Manufacture de Tissage Le Phat) ở Cầu Kho (Quân l), sử dụng 50 công nhân, ông lại cho trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ để cung cấp cho nhà máy, khỏi lệ thuộc nguyên liệu vào nước ngoài.”
bonard20
Hình 16 – Quảng cáo xưởng dệt của ông Lê Phát Vĩnh trên báo Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam) (23/2/1922)
Thi hào Ấn độ Rabindranath Tagore khi viếng Saigon năm 1929 đã có mua y phục truyền thống Việt Nam khăn đóng áo dài vải lụa dệt từ nhà máy dệt Le Phát Vĩnh ở Cầu Kho, thể hiện lý tưởng tìm về gốc truyền thống Á châu và công nghệ bản sứ tự lực trong thời đại mới.
Số 90 là tiệm bán thời trang quần áo, giày, nón của ông Tăng Khánh Long và quảng cáo trên Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam (1925) như sau
Tiệm thời trang Tang-Khanh-Long, 90 Bonnard Saigon
Feutres des Dernieres Nouveautes et Chaussures de Luxe
Gravure Artistique
Số 92 Bonard là tiệm may, nón, vải lụa, giầy An Thanh như trong quảng cáo ở Nhật Tân báo (L’Ère nouvelle 28/9/1926)
Số 94-96 là Maison Nguyen Van Tran, tiệm bán xe đạp tập chơi cho trẻ nhỏ, có đăng quảng cáo như sau trên báo Écho Annamite (29/12/1928)
Pour le 1″ Jour de l’An
La Maison Nguyên-van- Trân.
,94-96, Boulevard Bonnard, Saigon
Téléphone n. 178
a fait venir exprès pour le 1er Jour de l’An plusieurs modèle de Tricycles pour Enfants ; le tricycle transformable en bicyclette est le plus apprécié de tous.
Prix défiant toute concurrence !

Số 120-124 sau cùng đại lộ Bonard, cạnh chợ Bến Thành Saigon, sau này là tiệm thuốc tây Grande Pharmacie de Saigon của dược sĩ Nguyễn Văn Cao.
bonard21
Hình 17 – Saigon 1965, hình Bruce Baumler – Góc Lê Lợi và Phan Bội Châu, chợ Bến Thành ở phía trái hình.
Bên kia đường ở gần cuối đại lộ Bonard là số 121 là cinema Bonard sau này là rạp chiếu phim Vĩnh Lợi.
bonard22
Hình 18 – Saigon trong thập niên 1960, không rõ tác giả – Bên trái là nhà hàng Kim SơnBồng Lai, trước mặt là nhà hàng Olympia, rạp Vĩnh Lợi và bên cạnh cuối đường là Bệnh viện Saigon.
Cuối đường Bonard là bệnh viện đa khoa Saigon (Polyclinique de boulevard Bonard). Đây là tòa nhà gắn liền với lịch sử ngành y tế Saigon, tòa nhà có biểu tượng không kém các tòa nhà cổ hay kiến trúc đặc sắc khác ở Saigon như khách sạn Continental, Nhà hát thành phố, tòa thị sảnh thành phố, chợ Bến Thành, tòa nhà hỏa xa. Chung quanh quảng trường Cuniac (Quách Thị Trang ngày nay), thì chợ Bến thành, tòa nhà hỏa xa và bệnh viện Saigon là các hình ảnh gắn gủi của con người Saigon. Mắc dầu ít người biết nhưng bệnh viện Saigon có bề dày lịch sử rất đáng kể và phong phú.
bonard23
Hình 19 – Bệnh viện Saigon năm 1949.
Lịch sử bệnh viện Saigon bắt đầu từ bác sĩ Theodose Dejean de la Bâtie. Ông sinh năm 1865, đến Saigon làm việc ở bệnh viện Chợ Quán. Đây là bệnh viện công duy nhất (ngoài bệnh viện của các nhà dòng từ thiện) cho các người Việt không có đủ tài chánh hay không là nhân viên trong chính quyền. Những người Pháp hay người giàu có thì có bệnh viện trước kia dành cho quân sự như Bệnh viện Hải quân (Hôpital marine) ở góc đường Lagrandière (Lý Tứ Trọng) và rue de l’Hôpital (Thái Văn Lung). Ở Chợ Lớn thì đã có bệnh viện thành phố và bệnh viện phụ sản từ năm 1902 do ông thị trưởng Chợ Lớn là F. Drouhet thành lập Hội “‘Association maternelle de Cholon” và xây dựng lên bệnh viện với sự đóng góp của cộng đồng người Hoa giàu có.
Bệnh viện Chợ Quán là bệnh viện lâu đời nhất Saigon nhưng ngân sách và phương tiện thiếu thốn nhiều. Ngoài các bệnh nhân và các bà mẹ sinh con, bệnh viện cũng nhận tất cả mọi người trong xã hội kể cả các cô gái ăn sương có bệnh truyền nhiễm hoa liễu. Bác sĩ Dejean de la Bâtie đã làm việc cật lực bỏ ra nhiều công sức dưới sự điều hành của Bác sĩ giám đốc Mouget và chứng kiến được sự đau khổ của những người bệnh nghèo khó. Sau này ông trở thành giám đốc bệnh viện Chợ Quán và năm 1900 được bầu vào Hội đồng Quản hạt. Trong thời gian làm đại biểu Hội đồng Quản hạt, ông đã vận động để tăng số bác sĩ làm việc giúp các bệnh nhân người Việt, tăng trợ cấp cho bệnh viện Chợ Quán và trợ cấp các bác sĩ đang làm việc như bác sĩ René Montel để chăm nom các bà mẹ và trẻ sơ sinh, chích ngừa phong đòn gánh cho các trẻ sơ sinh. Gần đến 50% các trẻ sơ sinh chết vì phong đòn gánh (tetanos) năm 1905. Hội đồng Quản hạt đã trợ cấp 1000 piastre năm 1905 và 2000 piastre năm 1906 cho dịch vụ sản phụ (Conseil colonial, 31 octobre 1906, Rapport au conseil colonial, 30. — Renouvellement de la subvention à M. le docteur Dejean de la Bâtie).
Ông cũng đã tự bỏ tiền ra để lập phòng chữa bệnh miễn phí (tháng 4 1903) cho dân chúng Saigon-Gia Định ở đường rue d’Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay) đằng sau Tòa nhà Hòa giãi (Justice de Paix). Trong năm đầu, đã có 3151 bệnh nhân đủ mọi quốc tịch đến chữa bệnh trong tổng số 15717 lần khám. Được sự trợ giúp của bác sĩ Flandin, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã thực hiện 166 cuộc giãi phẩu bằng thuốc mê chloroform, 86 giãi phẩu dùng thuốc đỡ đau cocaine và 21 giãi phẩu dùng hóa chất chlorure d’éthyle. Ở phòng y khoa này, hai ông bác sĩ được sự trợ giúp của một nữ tu người Âu, một nữ tu người Việt, một y tá người Việt và một thông dịch viên. Chi phí cho mỗi nhân sự như vậy, mỗi tháng là 100 đồng Đông Dương (piaster), không nhiều nhưng nhờ vào sự phụng sự tận tụy hết lòng của nhân viên, ngân sách tối thiểu như vậy đã cho phép giúp đỡ số lượng bệnh nhân rất đông đến khám và được săn sóc với chi phí rất rẽ là 0$14 mỗi ngày.
Sau hai năm hoạt động, với chi phí không đủ sức trang trãi, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã kêu gọi sự giúp đỡ từ chính quyền thành phố và hội đồng thành phố Saigon đã trợ cấp 1200 đồng piastres cho phòng y khoa của bác sĩ Dejean de la Bâtie, đồng thời tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Gia Định sát cạnh thành phố Saigon cũng đã trợ cấp 300 đồng mỗi tỉnh cho phòng y khoa này (Annuaire général de l’Indochine). Năm 1906, để dưỡng sức nghĩ ngơi trong một thời gian sau nhiều năm phục vụ không nghỉ, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã nhờ đồng nghiệp của mình, bác sĩ René Montel, từ Tây Ninh về làm việc thay thế cho ông ở phòng y khoa đường D’Adran. Sau khi trở lại làm việc, Dejean de la Bâtie đã giữ bác sĩ Montel lại làm phụ tá coi phòng y khoa ở Saigon vì tầm quan trọng của cơ sở này thay vì để bác sĩ Montel trở lại làm việc ở Tây Ninh.
Tháng 4 năm 1912, bác sĩ Dejean de la Bâtie được tái đắc cử trong Hội đồng Quản hạt với số phiếu cao nhất (Dejean de la Bâtie 810 phiếu trước ông Canavaggio thứ nhì với số phiếu 773, theo báo Les Annales coloniales, 10 avril 1912). Nhưng chỉ vài tháng sau ông mất thình lình khi còn rất trẻ, tuổi thọ chỉ có 47 tuổi.
Sau khi ông mất, bác sĩ Montel thay thế ông điều hành cơ sở y khoa ở đường rue d’Adran. Hai năm sau, năm 1914, thành phố đã đồng ý dời phòng y khoa nhỏ ở đường rue D’Adran đến một chổ thoáng và lớn hơn ở đại lộ Bonard và được gọi là “Polyclinique du boulevard Bonard” hay còn gọi là “Polyclinique du Marché”. (gọi như vậy vì gần chợ Bến Thành)
Trong nhiều năm đã có nhiều tiếng nói và đề nghị xây phòng y khoa ở đại lộ Bonard thành một bệnh viện lớn của thành phố do số bệnh nhân đến càng ngày càng đông. Năm 1919, ông Trương Văn Bền đã đề nghị Hội đồng Quản hạt xây dựng bệnh viện thành phố ở đại lộ Bonard (11). Từ năm 1922 đến năm 1926, số bệnh nhân tăng vọt từ 28982 đến 45161. Nhà cầm quyền đã buộc phải mở thêm các phòng y khoa khác ở Tân Định (1925) và Khánh Hội (1930).
Nhà báo Eugène de la Bâtie, năm 1928 làm chủ nhiệm và chủ bút tờ Écho Annamite thay cho ông Nguyễn Phan Long đã có viết bài báo nói về sự tận tụy và ký ức của người Saigon với bác sĩ Dejean de la Bâtie. Ông Eugène Dejean de la Bâtie sinh ra ở Hà Nội, ông là con của nhà ngoại giao Maurice DeJean de la Bâtie (anh của bác sĩ Theodose DeJean de la Bâtie) và bà Đặng Thị Khai. Trong bài đăng trên báo Écho Annamite ngày 8/7/1930, ông Eugène Dejean de la Bâtie có kể chuyện một người cùng thời với chú của ông đã đến gặp ông phàn nàn về việc bác sĩ Montel trong diễn văn khánh thành phòng y khoa ở Khánh Hội đã không nói nhiều về công lao của tiền nhiệm ông Montel mà đề cập đến công lao khó khăn của mình nhiều hơn sau này và người này cho rằng như vậy là không công bằng.
Năm 1935, Thống đốc Nam Kỳ, ông Pierre Pagès chấp thuận cho phép xây lại phòng đa khoa “Polyclinique du boulevard Bonard“ thành bệnh viện thành phố. Chính quyền thành phố đã bỏ tiền và sau đó ông Hui Bon Hua (chú Hỏa) cũng đóng góp tiền thêm xây dựng bệnh viện lớn ở đại lộ Bonard thay cho phòng y khoa nhỏ. Bệnh viện được xây theo từng giai đoạn từ năm 1937 đến năm 1939 thì hoàn tất với tổng chi phí là 185000 piastres. Trong đó ông Hui-Bon-Hoa đã đóng góp 38000 piastres, một số tiền lớn thời bấy giờ.
Để nhớ ơn một vị bác sĩ tận tụy và công đức với người nghèo khổ, bệnh viện này được đặt tên là bệnh viện Dejean de la Bâtie, tức bệnh viện Saigon ngày nay. Theo báo Le Nouvelliste d’Indochine (27/2/1938) thì ở buổi họp đầu năm của Hội đồng thành phố, có xem xét một đề nghị từ Thống đốc Nam Kỳ đề nghị đặt tên cho bệnh viện vừa mới xây là Bệnh viện Montel, nhưng Hội đồng thành phố cho rằng mặc dầu bác sĩ Montel đã tận tụy bỏ ra nhiều công sức điều hành trong nhiều năm qua nhưng tiền nhiệm của ông là bác sĩ Dejean de la Bâtie thật ra mới là linh hồn và là người mẫu mực đáng nhớ đã tạo ra ý tưởng bệnh viện công phục vụ cho tất cả mọi người. Hội đồng thành phố đã quyết định đặt tên bệnh viện thành phố ở đại lộ Bonard là Bệnh viện Dejean de la Bâtie và tòa nhà mới xây phía trái được có tên là tòa nhà Montel. Tòa nhà phía phải (phía chợ Saigon) có tên của người bỏ tiền rất nhiều để xây bệnh viện là tòa nhà Hui Bon Hoa.

Tham Khảo
  1. Annuaire complet (européen et indigène) de toute l’Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières… : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934, éditeurs L. Lacroix-Sommé, R. J. Dickson et A. J. Burtschy, impr. A. Portail (Saigon), 1933.
  2. L’Information d’Indochine. économique et financière, Saigon, 1935, 1936, 1940.
  3. Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saigon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. de l’Union (Saigon), 1917
  4. Annuaire général de l’Indo-Chine française, 1901, Part 2, 1905, 1906, 1908.
  5. Annuaire de l’Indo-Chine, 1890, T1, pp. 198-199, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1890.
  6. Annuaire de l’Indo-Chine, 1897, T1, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1897.
  7. Annuaire de la Cochinchine française pour l’année 1870, Imprimerie du Governemnt, Saigon 1869.
  8. Écho Annamite, 10/11/1921, 13/5/1925, 13/6/1925, 29/12/1928.
  9. Bulletin officiel de l’Indochine française, A1908 N12, p. 1112-1113
  10. Tim Doling, Old Saigon building of the week: 128 Nguyen Thi Minh Khai, http://www.historicvietnam.com/128-nguyen-thi-minh-khai/
  11. Tim Doling, Date with the wrecking ball: Saigon hospital, http://www.historicvietnam.com/saigon-hospital/
  12. Bulletin économique de l’Indo-Chine, 1898/07/01 (A1,N1)-1898/12/01 (A1,N6), pp. 142, Imprimerie commerciale Rey, Saigon.
  13. Húa Hoành, Giai thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh,
  14. Claudius Madrolle, Guide aux Ruines Khmères, Vers Angkor. Saïgon. Phnom-Penh, Hachette (Paris), 1925.
  15. Tim Doling, Icons of Old Saigon: The Casino de Saigon, http://saigoneer.com/saigon-buildings/3726-icons-of-old-saigon-the-casino-de-saigon
(https://hiepblog.wordpress.com/2015/10/05/dai-lo-bonard-cuoi-the-ky-19-den-giua-the-ky-20-phan-2/)