Tuesday 17 December 2019

Bà ngoại anh hùng (Phạm Vũ - Tuổi Trẻ)

Bà ngoại anh hùng


26/07/2014 08:39 GMT+7

TT - “Tôi bị bắt khi hoạt động nội thành, đang mang thai bốn tháng. Thẩm vấn, tra tấn, biệt giam, đe dọa mãi vẫn không khai thác được gì, đối phương đưa bà ngoại của tôi đến và bảo bà khuyên cháu khai báo rồi sẽ được tự do về nhà sinh con.

HMOwb7bg.jpg
Tiệm bánh Trần Thượng, cơ sở cách mạng hơn 30 năm giữa Sài Gòn - Ảnh tư liệu gia đình cung cấp
Bà ngoại nắm tay tôi rồi quay sang viên cảnh sát: “Cảm ơn ông đã cho tôi gặp cháu. Nó lớn rồi, còn có cha có mẹ, có chồng có em. Nó làm sao để còn nhìn mặt cha mẹ, mặt chồng, mặt em thì làm”. Nói rồi bà ra về, mắt lòa, dáng đi lụm cụm giữa hàng cảnh sát...” - bà Tố Nga kể lại câu chuyện ấn tượng nhất về bà ngoại của bà: bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mẹo. Bà Nga kết luận giản dị: “Bà ngoại như thế đó, nên tôi chỉ có một con đường là chiến đấu đến cùng, đến hết cuộc đời này”.
Theo con làm cách mạng
Xuất thân là phụ nữ nông dân, giỏi làm ăn, những năm 1940, bà Lê Thị Mẹo và ông Nguyễn Văn Thâu, chồng bà, trở thành một điền chủ lớn ở Cần Thơ, Sóc Trăng. Là điền chủ nhưng bà vẫn giữ chất nông dân chân chất, dạy con cháu tằn tiện đến từng cái giẻ lau, tay run run ghi một chữ “Mẹo” vào giấy tờ mỗi khi chồng đi vắng. Thế nhưng nỗi đau mất nước, nỗi đau nô lệ của xứ thuộc địa lại thấm vào ông bà từ bao giờ, để khi kháng chiến nổi lên bà lại không một lời ngăn cản vợ chồng cô con gái duy nhất Nguyễn Thị Tú lao vào phong trào. Mà ngược lại bà gom hết tài sản, ruộng đất hiến cho cách mạng, cả gia đình xuống một chiếc ghe về quê cũ ở Thường Phước, Cần Thơ sinh sống.
Ông Trần Thượng Tân, chồng cô Tú, mất sớm vì bạo bệnh, để lại người vợ trẻ mới 24 tuổi và bốn con thơ. Cách mạng Tháng Tám thành công không bao lâu, Pháp chiếm lại Nam kỳ, cuộc đấu tranh đi vào những bước cam go mới. Cô Nguyễn Thị Tú được tổ chức phân công về Sài Gòn hoạt động trong khối trí thức, bà Mẹo và ông Thâu một lần nữa dọn nhà cùng đi, cùng nhau làm một hậu phương vững chắc cho con gái.
Tiệm bánh Trần Thượng một thời nổi tiếng Sài Gòn ra đời từ đó. Tiệm bánh là nơi lui tới, móc nối giao liên của phong trào cách mạng, xuyên suốt các thời kỳ Việt Minh, Mặt trận dân tộc giải phóng, các khối giáo chức, trí vận... Bà Mẹo, ông Thâu đột nhiên có thêm nhiều chàng trai, cô gái đến gọi là “ba, má”. Những chiếc bánh của tiệm Trần Thượng được giao đi khắp Sài Gòn, lợi nhuận của nó lại lên đường theo cô Nguyễn Thị Tú làm cách mạng. Bánh của Trần Thượng còn lên đường đi vào mật khu, góp vui trong các cuộc hội họp đến tiếp tế vào hầm bí mật. Những đồng chí của cô Năm Tú còn đến hôm nay ai cũng nhớ hình ảnh bà mẹ nhân hậu, chỉn chu của cô ở tiệm Trần Thượng. Có bà, cô Năm Tú yên tâm vững bước trên con đường mình chọn. Có bà, các con trai, con gái của cô được lớn lên trong yên ấm, ăn học đủ đầy và thấm đẫm tinh thần yêu nước của ông bà ngoại.
TZKnbBxp.jpg
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mẹo - Ảnh tư liệu gia đình cung cấp
Bài học làm người
Không trực tiếp làm cách mạng nhưng bà Mẹo và ông Thâu lại chính là điểm tựa cả vật chất lẫn tinh thần cho những người cách mạng xuất thân từ gia đình ông bà. “Vì việc lớn, hi sinh bản thân, không trách móc, không đòi hỏi. Ông bà không nói, chỉ dạy cho chúng tôi bằng cuộc đời mình” - bà Tố Nga kể một câu chuyện ít được nhắc trong gia đình. Ấy là câu chuyện chiếc xe đưa ông về thăm quê bị phục kích vì lầm là xe chở sĩ quan Pháp. Những viên đạn vô tình bắn thẳng vào đứa cháu ngoại đang ngồi trong lòng, xuyên vào bụng ông, cắt rời chân phải. Bà Lê Thị Mẹo cắn răng chôn cất đứa cháu ngoại chỉ mới 3 tuổi, chứng kiến cảnh người ta cắt rời mấy miếng da còn dính lại trên chân của chồng, ba viên đạn xuyên bụng còn nằm im đó cho đến khi ông nhắm mắt. Vậy nhưng ông bà không một lời than trách những người đã gây ra mất mát oan nghiệt. Ông vẫn lặng lẽ đứng một chân điều hành tiệm bánh, bà vẫn ngược xuôi tiếp tế, nuôi giấu cán bộ, các con cháu vẫn tiếp nối nhau lên đường cách mạng.
“Tôi nhớ nhất là hình ảnh bà ngoại đi thăm tù” - cả mấy chị em bà Tố Nga, Quế Nga, Tuyết Nga, Ngọc Lan đều nhắc. Cả nhà hoạt động cách mạng nên bao nhiêu năm cứ lần lượt... ở tù. Từ ông Tạ Bá Tòng (chồng sau của bà Nguyễn Thị Tú - PV), bà Năm Tú, đến Tố Nga, Quế Nga, Tuyết Nga... Khắp các trại tù: Tổng nha Cảnh sát, Nha đô thành, Chí Hòa, Tân Hiệp, Thủ Đức, Côn Đảo... con cháu ở đâu, bước chân bà ngoại đi đến đó. Chiếc giỏ đệm của bà luôn được ông tự tay chuẩn bị, lèn chặt thức ăn, đồ tiếp tế, không chỉ cho con cháu mà cả những đồng đội của con cháu mình. “Bà không chỉ mang thức ăn và tình thương, bà mang cả sức mạnh” - bà Tố Nga ngùi ngùi nhắc. Cô Năm Tú bị đưa ra Côn Đảo, bà lặn lội xuống tàu, vượt biển ra thăm con. Những tên quản ngục thấy bà xuất hiện thì mừng lắm, hi vọng sự có mặt của bà sẽ lung lạc được cô con gái đang đứng đầu cuộc đấu tranh của tù nhân tại Chuồng Cọp. Gặp mẹ, chị Năm Tú nói ngay với bà điều đó. Bà hiểu, rớt nước mắt động viên con vài lời rồi quay lưng trở về đất liền. Hai lần bị ép đến gặp Tố Nga ở Tổng nha Cảnh sát cũng vậy, bà cứng cỏi dặn cháu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, con à”, rồi về.
Câu chuyện ngày 30-4
Trong vô số câu chuyện mà con cháu hôm nay kể về bà Lê Thị Mẹo, có câu chuyện về ngày 30-4, 1-5-1975. Ngày ấy, tiệm bánh Trần Thượng đông người lắm. Đầu tiên là Tố Nga bồng con gái chỉ vừa 4 tháng tuổi ra khỏi phòng biệt giam, cuống quýt vui tự do, mừng hòa bình về nhà bà ngoại. Rồi những người cháu khác, những liên lạc, giao liên của khối trí vận nô nức đến nhà. Lại có cả những người lính, sĩ quan cộng hòa vứt bỏ súng ống, hốt hoảng chạy vào cầu cứu, bà Mẹo hiền hòa lấy bánh cho ăn, lấy áo cho mặc, rồi an ủi, vỗ về, cho tiền về quê...
Buổi tối 1-5, một người đàn ông bước vào, rơm rớm nước mắt, vò mãi cái mũ, tự giới thiệu là trung tá ở Tổng nha Cảnh sát và nói với ông bà lời xin lỗi vì đã từng bắt giam, tra tấn chị Năm Tú. Đã gần 10 năm ruột gan rối bời vì không nghe tin con gái (bà Nguyễn Thị Tú mất tích trong trận càn Cedar Falls tại căn cứ Trung ương Cục năm 1967 - PV), đã qua hai ngày hi vọng mỏi mòn không thấy con về trong hòa bình, bà không khỏi đau xót. Thế nhưng bà vẫn bình tĩnh, cởi mở, trò chuyện rất hiền hòa. Ông Kiều Xuân Long, khi ấy là chánh văn phòng ban trí vận, cháu rể của bà, kể đến hôm nay chưa hết ngạc nhiên về bà ngoại: “Chiều ấy tôi vừa đến cửa, nhác thấy bóng tôi, bà ngoại liền ra đón. Bà bảo: có ông trung tá đang ở trong nhà, ông ấy đến xin lỗi gia đình. Người ta đã ngã ngựa, con đừng cư xử không phải với họ, con nhé... Bà ngoại, với bản năng bao dung của người mẹ, đã dạy tôi bài học về hòa hợp, hòa giải ngay lúc đó, ngay ngày 1-5-1975”.
“Bà ngoại của tôi là như vậy. Điều duy nhất làm bà day dứt đến phút cuối đời là chưa tìm được hài cốt của mẹ tôi. Bà không biết mình được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng nếu biết, chắc bà sẽ bảo phải có thêm cha anh hùng để dành cho ông ngoại tôi suốt đời lặng lẽ. Ông bà cho chúng tôi cả một cuộc đời để học, để noi theo...” - bà Tố Nga lặp lại, không biết đã là lần thứ bao nhiêu trong đời bà. Ấy thế mà bà còn được học, được noi theo cả cuộc đời của mẹ nữa...
______________________
Kỳ tới:Mẹ Tú
PHẠM VŨ

Sunday 15 December 2019

Xán lạn hay sáng lạng?



Từ điển không có sáng lạng, chỉ có xán lạn, chữ Hán là燦爛, nghĩa là rực rỡ. Nhiều người quen viết sáng lạng, không dám viết xán lạn vì sợ người đọc không hiểu hoặc nghĩ là viết sai chính tả. Ai cũng viết sáng lạng mà mình không viết theo thì coi không giống ai.


Wednesday 11 December 2019

Đáng tranh cãi ở chỗ nào?




Các bạn Trung Quốc đăng lại bài La présence de la langue française au Vietnam của PGS Phạm Thị Anh Nga với lời giới thiệu như sau:


L'article suivant, malgré certains points de vue discutables pour nous, pourra nous fournir des renseignements et données importants sur ce sujet  
(Shanghai International Studies University).

Đọc hết bài vẫn không thấy chỗ nào bị coi là quan điểm đáng tranh cãi (points de vue discutables). Toàn là thông tin và dữ liệu quan trọng (renseignements et données importants) thì có gì để cãi nhau nữa? Chuyện gì các bạn Trung Quốc không muốn cãi, hay cãi không được, thì các bạn ấy đã thiến phăng mất rồi, thành thử cái đoạn chót trong bài chỉ lủng lẳng một câu rất vô duyên, không đầu không đuôi, không hồn không vía. Nói tóm lại là vô nghĩa.

Nhưng nguồn của các bạn ấy vẫn còn ở Cap Vietnam, bài gốc ở trang nhà của PGS Phạm Thị Anh Nga.  Google một phát là ra ngay chứ bên Trung Quốc đành chịu chết thôi. Bên ấy không xài Google.

Đây là đoạn đã bị cắt:


Saturday 23 November 2019

Alexandre de Rhodes có nói như thế không (Trần Thanh Ái - Văn Hóa Học)

Alexandre de Rhodes không hề viết câu “Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú” trong các tác phẩm của ông. Sự nhầm lẫn tai hại này bắt đầu từ A. Thomazi khi ông đã biến một suy luận của người đời sau thành phát biểu của Alexandre de Rhodes.


alexandre de rhodes
Từ một câu trích dẫn không rõ ràng…
Năm 1993, Vương Đình Chữ có bài viết “Một ngộ nhận về Alexandre de Rhodes”, đăng trên Công Giáo và Dân tộc số 901 ngày 4/4/1993, (trang 18-19) và năm 2006 Nguyễn Đình Đầu có bài báo “Dân ta phải biết sử ta”, đăng trên Công giáo và Dân tộc, số 1582 ngày 9/11/2006, (trang 35) đề cập đến một câu trích sau đây:
“Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú”
Câu trích này được tìm thấy ở trang 304 quyển Lịch sử Việt Nam, tập 1, do Ủy ban KHXH Việt Nam xuất bản tại Hà nội năm 1971, với ghi chú là trích từ quyển Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653, tr. 109-110. Câu trích dẫn và nhất là thông tin trong ghi chú trên đây đã khiến nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng Alexandre de Rhodes có ý đồ thực dân. Để làm sáng tỏ vấn đề, Nguyễn Đình Đầu đã tìm đọc hai trang 109-110 của tài liệu trên và cả bản tiếng Việt Hành trình và truyền đạo do Hồng Nhuệ dịch[1], và đi đến kết luận là “không hề thấy câu nói sặc mùi đế quốc thực dân ấy, ngoại trừ những lời lẽ và thái độ quý mến dân tộc và trọng kính chính quyền cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của xứ ta đương thời”. Từ đó đến nay chưa thấy bài viết nào làm sáng tỏ nguồn gốc câu trích dẫn trên đây. Gần đây, khi có được các bản tiếng Pháp in lần đầu năm 1653, lần thứ hai năm 1666 và cả bản in năm 1854 của quyển sách nói trên, chúng tôi cũng đã bỏ công tìm tòi đối chiếu, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra một dòng nào có ý tương tự như câu trích dẫn bên trên.
Vậy từ đâu mà có câu trích dẫn đó? Có phải câu đó là của Alexandre de Rhodes không? Nếu phải thì nó nằm ở tài liệu nào? Còn nếu không phải của Alexandre de Rhodes thì nó được trích dẫn từ đâu?
Đến những suy luận võ đoán
Roland J. cho rằng đoạn “được gọi là trích dẫn đó” chỉ là một sự sáng tạo (invention) của Thomazi mà thôi (1998, tr.42), hay nói khác hơn, đó là một sự bịa đặt! Nếu chấp nhận cách diễn giải của Roland J. thì vô hình trung cho rằng tác giả này đã cố tình vu khống Alexandre de Rhodes ! Đó là điều vô cùng tồi tệ đối với các nhà khoa học ! Vì không thể dễ dãi đồng tình với Roland J., chúng tôi nghĩ rằng cần phải làm sáng tỏ nguồn gốc của câu trích dẫn trên.
Năm 2012, trong một tham luận trình bày tại hội thảo khoa học Côn Đảo – 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triển (1862-2012), có đoạn sau đây:
“Hơn 25 năm sống ở nước ta, lúc vào Nam, lúc ra Bắc, ông [A. de Rhodes] đã mang về Pháp một tấm bản đồ đầu tiên về xứ này và cho in tại Lyon cuốn Từ điển Việt – Bồ – LaHành trình truyền đạo và lịch sử xứ Đàng Ngoài, trong đó ông đã nhận định: « Ở đây, có một chỗ cần chiếm lấy và đặt cơ sở tại đó, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú tiền lời và của cải » [5]. « Chỗ cần chiếm lấy » ấy chính là Côn Đảo.” (Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân, 2012, tr.125).
Chú thích [5] của hai tác giả trên đây cho ta biết là đoạn văn đứng trước được trích từ trang 7 của một tư liệu mang ký hiệu VT 306 ABC, do Khoa Lịch sử trường Đại học KHXH&NV biên dịch, có tên là Cuộc chinh phục xứ Đông Dương, của tác giả A. Thomazi. Đó là bản dịch của quyển La conquête de l’Indochine của A. Thomazi, do Payot xuất bản lần đầu tại Paris năm 1934. Nguyên văn của câu trên như sau: “Il y a là, écrivait-il, une place à prendre, et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pourraient y trouver une source féconde de profits et de richesse.”
Để làm sáng tỏ ngữ cảnh của câu trên, chúng tôi chép lại cả đoạn văn gồm câu đứng trước và câu đứng sau :
En Annam comme au Siam, les premiers Français que l’on vit furent des missionnaires. Le Père Alexandre de Rhodes aborda en Cochinchine en 1624, passa vingt-cinq ans dans ce pays et au Tonkin ; il en rapporta la première carte du pays, un dictionnaire annamite – latin – portugais, une histoire du Tonkin, et signala les possibilités qui s’offraient au commerce. « Il y a là, écrivait-il, une place à prendre, et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pourraient y trouver une source féconde de profits et de richesse. » De nombreux prêtres, puis des agents de la Compagnie des Indes, confirmèrent ses dires. (Thomazi A., 1934, tr.13)
Nghĩa của đoạn văn này như sau:
Ở An Nam cũng như ở Xiêm [ngày nay là Thái Lan], những người Pháp đầu tiên mà người ta gặp là các nhà truyền giáo. Cha Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong năm 1624, sống 25 năm ở đó và ở Đàng Ngoài; từ đây ông đã mang về [Pháp] tấm bản đồ đầu tiên của nước này, một từ điển Việt – La tinh – Bồ Đào Nha[2], một quyển lịch sử xứ Đàng Ngoài, và đã lưu ý đến những khả năng mở ra cho việc thương mãi. “Ở đó, ông viết, có một chỗ cần chiếm, và khi đặt cơ sở tại đó, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú gồm lợi nhuận và tài nguyên.” Nhiều linh mục và kế đến là các đại diện của Công ty Đông Ấn đều khẳng định nhận xét của ông.
Trong ngữ cảnh trên, với cụm từ “écrivait-il” (“ông viết”) được đặt chen vào câu trích dẫn trong ngoặc kép “…”, và nhất là hai từ “ses dires” (“lời nói, câu nói của ông”) thì người đọc hiểu là Thomazi thông báo rằng lời nói trực tiếp này là của Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên tác giả không hề ghi chú câu trên được trích dẫn từ tài liệu nào, trang nào[3]. Roland J. thì cho biết rằng Thomazi có ghi chú đoạn trên đây được trích từ quyển Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient kèm theo số trang (tr.42, ghi chú 77)
Đâu là sự thật ?
Truy tìm các tài liệu xuất bản trước năm 1934 (năm Thomazi xuất bản quyển La conquête de l’Indochine), chúng tôi bắt gặp đoạn văn sau đây trong quyển Les commencements de l’Indo-Chine française của A. Septans xuất bản năm 1887 (Nxb Challamel Ainé):
« En parlant du Tong-Kin, le P. Alexandre de Rhodes traite longuement du commerce. Pour lui, le Tong-Kin, par sa situation, son voisinage avec la Chine, se prête merveilleusement aux entreprises et peut devenir le siège de transactions importantes. Les Chinois y venaient en grand nombre, ils y apportaient des porcelaines, des toiles peintes et en tiraient des soieries et du bois d’aloès. Les Japonais s’y livraient autrefois à un trafic considérable, mais depuis vingt-cinq ans, ils avaient cessé de paraître dans le pays, il y avait ainsi une place à prendre et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pouvaient y trouver une source féconde de profits et de richesses (2). » (tr.48)
(Khi nói về xứ Đàng Ngoài, cha Alexandre de Rhodes đề cập nhiều đến thương mãi. Đối với ông, xứ Đàng Ngoài vô cùng thuận lợi cho việc kinh doanh và có thể trở thành địa điểm giao dịch quan trọng. Đông đảo người Trung Hoa đến đó, họ mang đến đồ gốm sứ, vải hoa và mua tơ lụa và gỗ trầm hương. Trước kia, người Nhật đến đây buôn bán rất lớn, nhưng từ 25 năm, họ đã ngừng đến xứ này, vì thế có một chỗ cần chiếm lấy và, khi đã đặt chân đến đây, các thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn phong phú gồm lợi nhuận và tài nguyên)
Đoạn văn này được Septans ghi ở phần chú thích số 2 (trang 48) là idem., bên dưới chú thích 1 là “Castonnet-Desfossés, déjà cité”, tức là muốn nói đến tài liệu “Les relations de la France avec le Tong-kin et la Cochinchine” (Quan hệ của Pháp với xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong) của Castonnet-Desfossés đăng trong Bulletin de la société académique indochinoise de France, số 2, 1883.
Trong bài viết của Castonnet-Desfossés, đoạn văn trên đây nằm ở trang 81. Đó không phải là trích dẫn của Alexandre de Rhodes, mà là của chính tác giả. Sau khi đã tóm tắt ý chính của chương XVI có tựa là “Du Traffiq, & des Marchandises des Tunquìnois” (từ trang 56-58) của quyển Histoire du Royavme de Tvnqvin của Alexandre de Rhodes, là phần nói về việc thương mãi của xứ Đàng ngoài vào những năm 1627-1646, Castonnet-Desfossés đã đi đến suy luận đó là “một chỗ cần chiếm lấy”. Cũng theo chiều hướng suy luận ấy, độc giả còn đọc được một câu tương tự của Castonnet-Desfossés khi nói về các bản tường trình của linh mục Tissanier[4] sau khi đã lưu trú tại xứ Đàng Ngoài 3 năm, từ 1658 đến 1660 :
“Pour le P. Tissanier, le Tong-Kin est un pays d’avenir et doit, tôt ou tard, attirer l’attention des Européens. La fertilité de son sol, les cours d’eau qui l’arrosent et facilitent les communications, le voisinage de la Chine annonçaient que cette contrée serait un jour des plus florissantes et deviendrait dans la suite le siège d’un commerce actif. Si l’on s’en rapporte au P. Tissanier, l’établissement des Européens dans ce pays n’était qu’une affaire de temps” (tr.82).
“Đối với cha Tissanier, xứ Đàng Ngoài là một xứ sở của tương lai, và sớm hay muộn, sẽ thu hút sự chú ý của người châu Âu. Đất đai phì nhiêu, sông ngòi thuận tiện cho việc lưu thông, vị trí gần gũi với Trung Hoa báo trước rằng tương lai vùng này sẽ là một vùng trù phú và sẽ trở thành một trung tâm thương mại nhộn nhịp. Nếu ta tin lời cha Tissanier, việc người châu Âu đặt chân đến xứ này chỉ là vấn đề thời gian” (tr.82).
Như vậy “sự cố trích dẫn” này xuất phát từ Thomazi : ông đã nhầm lẫn khi đọc được trong quyển Les commencements de l’Indo-Chine française (Paris, Nxb Challamel Ainé) của A. Septans một trích dẫn từ bài viết của Castonnet-Desfossés, rồi vội gán cho Alexandre de Rhodes bằng cách thêm vào các chữ “écrivait-il” và “ses dires”. Sự nhầm lẫn này cũng còn bắt nguồn từ cách trình bày kém rõ ràng của Septans : sau khi viết câu “Son Histoire du Tonkin a été publiée en latin à Lyon en 1652” (Quyển Lịch sử xứ Đàng Ngoài [của Alexandre de Rhodes] đã được xuất bản bằng tiếng la tinh ở Lyon năm 1652), Septans liền ghi câu trích của Castonnet-Desfossés khiến người đọc dễ nhầm lẫn đó là của Alexandre de Rhodes !
Cũng cần nói thêm là quyển Lịch sử xứ Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes không hề đề cập đến Côn Đảo như hai tác giả Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân đã suy luận .“Chỗ cần chiếm lấy ấy chính là Côn Đảo” như trong tham luận đã nói bên trên. Như đã giới thiệu bên trên, chẳng những đoạn trích dẫn đang bàn không phải do Alexandre De Rhodes viết, mà nó cũng không có liên quan đến Côn Đảo, tên Poulo Condore hay Pulo Condor không hề xuất hiện trong bất cứ quyển sách nào của de Rhodes, và quyển Histoire dv Royavme de Tvnqvin chỉ nói về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo của Đàng Ngoài mà thôi.
Tóm lại, Alexandre de Rhodes không hề viết câu “Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú” trong các tác phẩm của ông. Sự nhầm lẫn tai hại này bắt đầu từ A. Thomazi khi ông đã biến một suy luận của người đời sau thành phát biểu của Alexandre de Rhodes. Nguy hiểm hơn nữa, từ sự nhầm lẫn này mà đã có người suy diễn đến việc Pháp chiếm Côn Đảo hai trăm năm sau.
Tài liệu tham khảo
1. Castonnet-Desfossés H., 1883: Les relations de la France avec le Tong-kin et la Cochinchine, d’après les documents inédits des Archives du ministère de la Marine et des Colonies et des Archives du Dépôt des cartes et plans de la marine, trong Bulletin de la société académique indo-chinoise de France, số 2, 1882-1883.
2. Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân, 2012. Về nhận thức của người Pháp đối với Côn Đảo trước năm 1862, trong Côn Đảo 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triểm (1862 – 2012) (Kỷ yếu hội thảo khoa học. Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia – Sự Thật.
3. De Rhodes A. 1651. Histoire dv Royavme de Tvnqvin, bản dịch tiếng Pháp của Henry Albi. Lyon, Chez Iean Baptiste Devenet.
4. Roland J. 1998. Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne. Faut-il réécrire l’histoire? đăng trong tạp chí Revue française d’histoire d’outre-mer, quyển 85, số 318, quý 1 năm 1998.
5. Septans A. 1887. Les commencements de l’Indo-Chine française. Paris, Nxb Challamel Ainé.
6. Thomazi A. 1934. La conquête de l’Indochine. Paris: Payot.
Chú thích:
[1] Bản tiếng Việt do Hồng Nhuệ dịch quyển Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp Hồ Chí Minh xuất bản, 1994.
[2] Thomazi viết sai: tên từ điển bằng tiếng la-tinh là Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm, xuất bản tại La Mã năm 1651. Tài liệu bằng tiếng Việt thường gọi là Từ điển Việt – Bồ – La.
[3] Quyển La conquête de l’Indochine của Thomazi mà chúng tôi tham khảo do Nhà xuất bản Payot (Paris) xuất bản năm 1934 không có ghi chú nào về tài liệu được trích dẫn.
[4] Relation du voyage du P. Joseph Tissanier, Edme Martin  xuất bản năm 1663.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 5 năm 2019

Wednesday 20 November 2019

Tiếng ta lang thang (Trần Chiến - Văn Hóa Nghệ An)

Tiếng ta lang thang

  •   TRẦN CHIẾN
  • Chủ nhật, 17 Tháng 5 2015 11:13

Dường như phải ở cạnh một Trung Hoa lắm tham vọng mà nảy nở ra những phản ứng (?) tự tôn, hoặc một nhu cầu tự vệ văn hóa. Chữ Nôm được hình thành, rồi chính thức  khai sinh, có thể trở thành một “biểu tượng dân tộc” nhưng dường như  chưa đủ tầm để thế chữ Hán. “Dòng” Hán Nôm vì thế ra đời chăng?
Kể ngần nấy ra thì thấy tự ty, không mạnh miệng dân mình có gốc rễ ngôn ngữ sâu xa. Nhất là khi xem phim Tây du Trung Quốc làm, thấy Tôn Ngộ Không cứ “sư phò” mà réo Đường Tăng; từ đấy mà sang “sư phụ” có một téo.
Nhưng rồi ta lại có chữ “tiếp biến văn hóa” nó hỗ trợ, chống lưng cho. Lấy này kia trong văn hóa của người thành của mình thì có gì phải xí hổ, nhất là khi “phát huy” chúng lên thành những điểm mạnh còn hơn cả ở đất gốc. Sự nhào trộn cả tam giáo được gọi rất khéo là “đồng nguyên”, “phối kết hợp” với đạo Mẫu thuần bản địa vẫn cho ra tâm hồn dân tộc đấy thôi. Kíp khi ông nhà văn Mác – két “tung” ra khái niệm “văn hóa lai” thì mọi thứ ổn cả. Cả châu Mỹ hợp phối văn hóa da đỏ với những “thức”của châu Âu, do các chị trốn tù anh đào vàng lão quý tộc thất sủng đem sang, chả sống khỏe đây thây, việc gì mà ta xét nét mình quá nó mất cả hồn nhiên đi.
Trên đây là chút chút mào đầu “ný nuận” cho sự kể tiếng ta trôi thế nào. Và cũng chỉ kể những gì được những cái người chứng kiến kể lại thôi, xa xưa nữa đâu có tường…
                                                *
Khoảng năm 1915 – 1917, những hoạt động khoa cử theo Nho giáo cuối cùng diễn ra. Giai đoạn phổ biến tiếng Pháp cho tầng lớp trên, sau đó là Quốc ngữ cho đại chúng bắt đầu. Quốc ngữ, trên một chừng mực, mang theo tinh thần dân tộc, đ­ược cách mạng tận dụng triệt để trong công cuộc chống ngoại xâm, đã có sức sống mạnh mẽ. Vả chăng nó có những lợi thế rõ ràng để phổ cập: đánh vần đ­ược, âm thanh thì vẫn ta mà con chữ lại “gần gần” của ngư­ời Tây phương. Tức là học nó rất dễ, nâng cao dân trí, tuyên truyền cách mạng nhanh chóng. Trong thôn h­ương, bên cạnh những ông đồ lại có trí thức bình dân, trình độ cao hơn cộng đồng nh­ưng “ăn nói dễ hiểu, ít tầm chương trích cú”. Giáo sư­ Đặng Văn Ngữ kể chuyện khi trở về n­ước, thấy dân làng nọ phải đánh vần “a bờ cờ” đ­ược mới có thể đi qua trạm kiểm soát để vào chợ, ông đã run lên vì cảm động.
Tuy chả phải độc tôn, chủ yếu ở tầng lớp trên, tiếng Pháp vẫn là tấm “thông hành” để trở thành trí thức thượng lư­u hay chiếm vị trí quyền lực thực sự trong bộ máy cai trị (chỉ chữ Nho không thì nhiều khi chỉ có h­ư quyền). Chả thế mà có một tầng lớp làu thông cả Nho lẫn Pháp, như­ “Tứ hổ Tràng An” Quỳnh - Vĩnh - Tố – Tốn, không chỉ có thể phiên dịch mà còn t­ư duy đ­ược bằng hai ngữ ấy. Nhưng chữ Nho “đứt” dần. Văn hoá Pháp, lợi quyền làm quan quyến rũ lớp ng­ười trẻ. Ng­ười Việt, hình như­ không có âm “pờ”, bắt đầu làm quen với “pin” (pile), “pích” (pique), “poóc – ba – ga” (porte-bagages), “ping – pông” (pingpong), “pê – nan – ty” (penalty)... Người “có chữ” là phải biết đến chấm, phảy, xuống dòng, mệnh đề, khác hẳn mấy sinh đồ trẻ đố nhau đánh dấu một văn bản. Giới bình dân biết đến những “xà phòng”, “phi dê” đã Việt hóa, hát “Học sinh cao bồi mặc áo sơ mi ca rô” rất thuần thục.
Giống như­ mọi xứ, sự tiếp biến ngôn ngữ ở ta cũng có sắc thái hài hư­ớc, tức là pha trộn theo nguyên tắc phải gây c­ười. Các cụ Nho – Tây làm thơ tứ tuyệt bằng âm “tây” rất đúng âm luật:
Đờ puy cờ giơ tơ cổn nét
Giuýt ki xì xít xết an nê
Ẳng tăng đồng xíp lê xà lúp
Tú xơ là xà cúp mông cơ
(Từ khi em biết anh đến nay đã sáu bẩy năm rồi, (giờ) nghe tiếng còi tầu thuỷ thét vang nh­ư xé tim em)
Đây chắc là “cõi lòng” của một “me” khi gã “quỷ hồng mao” “ngư­ợc” về trời tây. Có những câu khác, mang  sắc thái chế giễu nhiều hơn, nhắc lời bồi ta tả con cua cho chủ tây: “Luý to cẩm manh, luý a uýt cẳng đơ càng, luý cắp đau chết cha, rô ti luý thơm  cẩm nư­ớc hoa, măng giê luý bố cu bồng quên chết”, tức là “nó to bằng bàn tay, tám cẳng hai càng cắp đau chết cha, rán lên thơm như­ nư­ớc hoa, ăn ngon quên chết”. Lại có những “từ” đ­ược phiên sang âm Hán, chả biết nghiêm túc đến đâu, như­ gọi máy chữ là “cơ khí tự”, đánh máy chữ là “đả cơ khí tự”, ng­ười đánh máy là “đả cơ khí tự viên”.
Rồi đánh Pháp, tinh thần dân tộc, tinh  thần giai cấp trên hết, tiếng Tây lắm lúc như­ hủi. Những đốc tờ thầy cãi theo kháng chiến gặp nhau nói tiếng Tây như ăn cắp, chỉ sợ bị đánh giá. Chiến dịch Biên giới nổ ra, cùng với những ảnh hư­ởng của Trung Quốc, âm Hán (bạch thoại?) hoặc trở lại hoặc tràn vào, nh­ư “phư­ơng vị” của pháo binh, “thổ cải” thời cải cách ruộng đất. Những “hoả xa”, “lý trình” của ngành giao thông còn mãi đến ngày nay.
Tiếng Nga có vị thế từ những năm sáu mư­ơi, l­ưu học sinh mang về, nhà trư­ờng cũng dậy. Văn hoá Nga làm thổn thức bao thế hệ, lính đánh Mỹ ra trận nhiều ng­ười trong ba lô có thơ tình Ôn – ga Béc – gôn.  Như­ng quá khó, và việc dậy dỗ cũng tam khoanh tứ đốm, nó ch­ưa kịp mọc rễ đã bị tranh chỗ khi thời thế thay đổi. Phải nói là trong khoảng ba chục năm của thế kỷ trước, từ ’60 đến ’90, việc dậy ngoại ngữ trong tr­ường phổ thông, đại học ở Hà Nội tạo ra một lớp trí thức “kinh qua” cả Trung Nga Anh Pháp văn như­ng ngữ nào cũng ngọng. Chữ Hán thì hoàn toàn mù tịt rồi, thành thử vư­ơn ra thế giới hiện đại thì khó quá, mà quay về với quá khứ lại tắc tị. Nghĩa là nẻo vào các nền tri thức khác bít kín. “Tắm ao ta” nghìn phần trăm, tù đọng.
Tiếng Nga nay còn lại trong ng­ười vui tính, có lẽ là những “Tình hình xây chác (bây giờ) có gì nố vư­i (mới)?”, hay “I a tôi cũng tố gie”.
                                      *
Vụt cái đã sang thời của tiếng Anh. Nói thế vì bao ng­ười “sôi Nga nấu Pháp”, thoắt cái thấy mình lạc hậu. Tài liệu, thông tin, môi trư­ờng làm ăn, giao tiếp..., đâu đâu cũng là “thằng” Ăng lê. Cách chuyển ngữ tạo ra những thắc mắc kiểu sao cái nhà cao lại gọi “tháp”, cái nhà thật to gọi “thành phố”… Thế kỉ XXI sập đến với những “com piu tơ”, “lép tóp”, mạng “gút gồ”, chả biết tiếng Anh thì “thôi rồi nghỉ cho khoẻ”. Những chuyên gia lành nghề phải nhả suất du học cho đứa trẻ ranh. Những bộ tr­ưởng về hư­u cố một học bổng Anh quốc. Những giáo viên tiếng Nga đang nuôi con nhỏ giằn lòng chuyển sang tiếng Anh. Không chỉ là chìa khoá mở vào tri thức, văn hoá, nó còn là phương tiện sinh nhai hay tiến thủ đến quyền lực.
Lại giống cách nay dăm bẩy chục năm, con đ­ường phổ biến tiếng Anh cũng có sắc thái hài hư­ớc. Học sinh, thanh niên, do nhu cầu học mà chơi, chơi mà học, “sáng tạo” ra những “giải pháp thông dịch” đánh đố nhau. Sugar you you go, sugar me me go tức là “đ­ường anh anh đi, đ­ường tôi tôi đi”. “Rùng rợn” hơn, I love toilet you go go là “tôi yêu cầu anh đi đi”. Nhả nhớt, nghịch ngợm, dư­ờng như­ là một phẩm chất không thể thiếu của sự tiếp biến văn hoá nghiêm túc.
                                      *
Trôi giữa các dòng chẩy không thể nói là hiền hoà, tiếng Việt ta đã tiếp nhận, biến đổi thật nhanh. Sinh ngữ như­ một cơ thể hồn nhiên, chịu ảnh h­ưởng của thời thế - cái liên tục thay đổi. Và càng là đô thị thì thay đổi càng chóng mặt. Có cái cảm giác ngư­ời Việt tiếp nhận những ảnh h­ưởng ngôn ngữ rất hồn nhiên, và bộc lộ luôn sự tự ty về văn hoá. Thứ tiếng cổ, thuần khiết chỉ còn nơi những bà còng tỉ mẩn gà qué ở quê, cụ mà lên tỉnh khéo lắm khi thành ra đi nư­ớc ngoài. Lắm nhà văn, lắm ông nghiên cứu ngôn ngữ thích đôi hồi với các cụ là vì sợ tuột mất những nôm na, ph­ương ngữ...
“Trôi” về đâu, nh­ư thế nào, thì rất bộn bề, và nó dành cho nhà nghiên cứu. Trên ph­ương diện một nhà báo, ngư­ời viết cứ “dựng” tạm lên mấy xu h­ướng sau:
- Bình dân hoá. Cách nói, viết không cần chuẩn, cốt hiểu đư­ợc. Từ mới phát sinh theo những “quy luật” thật vui: “vấn nạn”, “cảnh báo”, “hơi bị hay”... Do tiếng Việt dậy trong trư­ờng phổ thông, thậm chí tr­ường báo chí khá nham nhở, nhiều tòa soạn dùng bài sử dụng từ sai, câu không đủ thành phần. Quy tắc viết hoa, phiên âm dường như­ không có. Nhiều hàng ăn, có lẽ nghĩ đến câu “ăn cơm Tàu”, dựng biển có chữ “quán” sau cùng, thậm chí cả “Dân tộc quán” dù cách ghép từ này chả hề dân tộc. Văn viết là vậy, văn nói – chủ yếu trên truyền hình – lại càng lơ lớ. Lơ lớ như­ng lại là thời thư­ợng.
-Quốc tế hoá. Thời tiếng Tây, ng­ười đô thị học nói “phi dê”, “gác đờ bu”, “sếp”. Sang thời nay, câu bị động sử dùng nhiều: “Nàng bị quấy rối tình dục bởi giám đốc”, “hội ăn thịt chó dẫn đầu bởi kẻ vừa trúng mánh...”. Chả biết đến một lúc ng­ười ta có nói “mắm tôm dậy mùi bởi chanh” không? “Đến từ” là một cách nói sành điệu thì vừa rối rắm lại rất đáng ngờ về sự chính xác. “A. xếp sau B. trong danh sách phá lưới với 3 bàn ít hơn” thật lơ lớ nhưng rất được ưa dùng. Sắc thái, tiếng vang trong âm nước ngoài thấy rõ trong những “xâu  (show) diễn”, “đi toa lét”, “nâu (no) vấn đề”... Lối thoại cộc, ít từ phái sinh kiểu “à ư­ nhỉ nhé”, có lẽ ảnh  h­ưởng từ văn hoá bình dân Mỹ đ­ược dùng nhiều. Và một điều không thể không lan đến tiếng ta  là cách xư­ng hô dân chủ, ít tôn ty, chỉ dùng có vài đại từ nhân xư­ng của ng­ười Âu Mỹ. Có thể vì điều này mà những ngư­ời của công chúng, khi xuất hiện trước đám đông th­ường xư­ng tên, vừa giản tiện vừa không mất khiêm như­ờng. Cái cách xưng tên này cũng đư­ợc đã vài lão sáu mư­ơi sử dụng, đã sinh ra hiệu quả hài h­ước.
Cá thể hoá. Những tập ng­ười khác nhau về tuổi tác, văn hoá, tầm mức kinh tế... có cách “lập ngôn” khác nhau rõ ràng. Rõ nhất là trong câu thoại, diễn ra trong cộng đồng của họ. Văng tục đa phần bị cho là thiếu văn hoá,  nhưng nhiều ng­ười bảo không thể trộn nó với cách nói tục;  “nói” khác với “văng”, có chọn lựa, để thể hiện một nội dung không có cách thể hiện khác. Báo “Ngư­ời cao tuổi” không  “híc híc” như­ “Hoa học trò”, báo Đảng nghiêm trang, giọng giầu chính luận hơn báo đoàn thể. Cùng một báo, chuyên mục này luôn phải giữ tính định hư­ớng, giáo huấn, trong khi chuyên mục khác cứ phải bông phèng mới xong. Lứa 8X nói khác lứa 9X. Lại có loại “văn” chít chát, nhắn tin, tất nhiên lấy ngắn gọn làm đầu, tỉ như­ “j” là “gì”, “ko” là “không”, “k” là “nghìn (đồng)”. Có ng­ười đặt vấn đề về vai trò “văn mạng”, nhưng cho đến lúc này, những “tác phẩm” đ­a lên mạng mà đứng lại đư­ợc đều phải chỉn chu cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Còn đâu, do chả ai biên tập, chả phải chịu trách nhiệm nhiều lắm, đa phần mỏng manh tr­ước thử thách tr­ường tồn; nghĩa là giá trị chính của mạng vẫn là ở chỗ “ai đến ai đi cũng được”, nghĩa là còn lâu nó mới trèo được đến vị trí của “văn học giấy”.
                                                *
Tiếng Việt dễ tiếp nhận các ảnh h­ưởng, và ngư­ời Việt  cũng hồn nhiên giữa các tiếp biến. Vì thế, rất khó đoán các xu hư­ớng trên phát triển đến đâu. Như­ng chúng ở ngoài ta, ghét hay thích chúng cứ độc lập vận động. Sinh ngữ là vậy, luôn luôn mở, ngọ nguậy đón chào không nghỉ, cái vừa là mới đã có thể thay bằng cái khác. Có lẽ vì thế mà sách, tạp chí, nhất là báo (báo mạng thì “thôi rồi”) không ai  có thể chuẩn hoá đư­ợc việc viết hoa, để nguyên hay phiên âm tiếng n­ước ngoài... Không ổn định tức là không định hình, thì chuẩn hóa thế nào, dù ai ai cứ gào lên mãi.