Friday 30 December 2011

Màu đô là màu gì?


Màu đô là màu đỏ của rượu chát boóc-đô (Bordeaux), tức là màu đỏ tươi pha thêm chút xanh hoặc chút tím; mã RGB là (128, 0, 0). Màu đỏ boóc đô, màu đỏ đô, màu boóc đô, màu đô và màu rượu chát là một. Thông dụng nhất là màu đỏ đô.

Thursday 29 December 2011

Bông tu là cái gì?

Trong ngành ô tô - xe máy, bông tu là cây kim của bộ chế hòa khí (bình xăng con). Khi đầu cao su của bông tu bị chai, bông tu đóng không kín thì xe bị chảy xăng. Bông tu này là từ gốc Pháp (pointeau de carburateur). Nó còn hai dạng khác trong tiếng Việt là poăng tupông tu

 Thanh thép nhọn dùng để lấy dấu trên chi tiết cơ khí cũng được một số thợ lớn tuổi gọi là bông tu / pông tu / poăng tu. 

Tuesday 27 December 2011

Sa thải hay xa thải?

Sa thải là một từ Hán Việt (), vốn có nghĩa là đãi cát (sa nghĩa là cát), lấy nghĩa bóng là bỏ cái xấu, giữ cái tốt và do đó thích dụng cho các trường hợp đuổi việc (Đào Duy Anh, 2005:662). Như vậy viết xa thải là sai chính tả.
Khó có thể quy lỗi chính tả xa thải cho phát âm không phân biệt x/s. Trước hết, chữ viết không nhất thiết phải tương ứng 1-1 với âm thanh. Không ai có thể bắt người Bắc phải phát âm xa khác với sa cũng như không ai bắt được người Nam đọc thải khác với thãi. Sau nữa, trong Nam ngoài Bắc đều có người viết đúng, kẻ viết sai, chẳng miền nào hơn miền nào hay kém miền nào.
Nguyên nhân gây ra lỗi chính tả khi viết sa thải thành xa thải là mối quan hệ giữa nghĩa gốc và nghĩa hiện tại bị gián đoạn. Một số người đủ vốn liếng từ Hán Việt để hiểu sa là gì, thải là gì nhưng không nhìn thấy mối liên hệ giữa việc đãi cát với việc đuổi người, do đó không hiểu được tại sao sa của sa thải phải viết với s. Đó là chưa kể phần đông người Việt hiện nay không biết sacát.

Monday 26 December 2011

Bẻ ghi là làm gì?


Ghi trong ngành đường sắt là một từ gốc Pháp (aiguille) chỉ thiết bị chuyển đoàn tàu từ đường ray này sang đường ray khác. Trước đây công việc này hoàn toàn dựa vào sức người bẻ ghi. Hiện nay việc chuyển đường tàu đã được tự động hóa. Nhưng người ta vẫn nói là bẻ ghi mặc dù không thấy ai ra sức bẻ cái gì cả.

Saturday 24 December 2011

Lễ mi xa là lễ gì?


Lễ mi xa là lễ dâng thánh thể Chúa Giê-su để cứu rỗi nhân loại. Khi thánh lễ kết thúc, chủ tế tuyên bố "Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an". Khi hành lễ bằng tiếng La Tinh, câu này là Ite, missa est. Từ missa trong câu đó trở thành tên lễ (trong tiếng La Tinh). Tiếng Bồ Đào Nha gọi là misa. Không biết người Việt mượn âm mi xa từ nguồn nào.

Wednesday 21 December 2011

Vì sao Hội Hồng Thập Tự được đổi tên thành Hội Chữ Thập Đỏ?


Hồng Thập Tự là một từ mượn của tiếng Hán (红十字会 Hồng Thập Tự Hội, tương ứng với tên tiếng Pháp của tổ chức này là Société de la Croix-Rouge). Từ này vào tiếng Việt từ  đầu thế kỷ 20. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:248) cắt nghĩa hồng thập tựchữ thập đỏ, biểu hiệu của cuộc y tế trong quân đội.
Hội Hồng Thập Tự Việt Nam được thành lập tháng 11 năm 1946 và được hợp pháp hóa bằng quyết định số 77-NV/NĐ (ngày 31 tháng 5 năm 1947) của Bộ Nội Vụ. Cũng chính bộ này ra quyết định 15-NV (ngày 24 tháng 1 năm 1966) đổi tên Hội Hồng Thập Tự thành Hội Chữ Thập Đỏ. Căn cứ của việc thay đổi tên hội là quyết nghị nhất trí của đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hồng Thập Tự Việt Nam lần thứ ba (ngày 15 tháng 12 năm 1965). Không phải tự nhiên mà Hội thấy cần phải tổ chức đại hội để thông qua một quyết định có tính lịch sử như vậy.
Do thấy trong một bài báo của Người, Bác viết “Hội Chữ thập đỏ”, báo Nhân dân thấy rất hay liền chữa lại trên một bản tin gửi đến đăng báo. “Hội Hồng thập tự Việt Nam” thành “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Ngay buổi sáng báo ra, một cán bộ ở văn phòng hội này đến gặp và phàn nàn với Ban thư ký biên tập. Anh ấy nói đại ý: “Các anh làm thế này gây cho chúng tôi không biết bao khó khăn: phải làm lại biển treo ở trụ sở hội, phải bỏ đi và in lại tất cả giấy thư, phong bì và các giấy in sẵn khác, tốn kém rất nhiều! Được phép Ban biên tập, cán bộ Ban thư ký biên tập nói rõ báo Nhân dân làm theo Bác Hồ và thấy như vậy là rất hay, rất đúng văn phong của ta. Anh cán bộ của hội bèn “bớt giận”, rồi tỏ vẻ đồng tình và cảm ơn, ra về!
Tuy nhiên tên gọi Hội Hồng Thập Tự vẫn được lưu hành trong vùng giải phóng ở miền Nam Có thể chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam muốn tránh mọi liên tưởng bất lợi cho vị thế chính trị của mình. Cũng có thể tình thế cách mạng miền Nam chưa đến lúc thuận tiện để gây xáo trộn trong sinh hoạt ngôn ngữ. Hội Hồng Thập Tự Giải Phóng được thành lập từ tháng 10/1962 tiếp tục tồn tại cho đến cuộc hội nghị 31/7/1976 mới bị giải thể và hợp nhất với Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Từ đó chỉ còn một danh xưng thống nhất là Hội Chữ Thập Đỏ. Từ Hồng Thập Tự hiện nay được các từ điển đánh dấu là từ cũ. (Hoàng Phê, 2006:463)

Tuesday 20 December 2011

Màu ghi là màu gì?

Màu ghi là màu xám. Gốc tiếng Pháp gris nghĩa là màu xám.
Đồng Văn Tình ngồi ở ghế bành, đầu chải gôm xanh mượt, râu ria cạo nhẵn, áo sơ mi trắng cài măng séc và caravát màu xanh nhạt, quần gabardine ghi, giầy bottine đánh xi thật bóng. (Tô Đức Chiêu, 2008:45)
Nhưng không phải ai cũng biết màu ghi là màu gì. Vì vậy người ta ghép song song ghi với xám thành ghi xám để giải thích từ mới bằng một từ sẵn có trong tiếng Việt:
Chiếc áo đỏ rực mà Mỏ Neo ép Miên phải thay thế cho màu be và ghi xám nổi bật trên nên vàng rực rỡ. (Nhiều Tác Giả, 2010tn:202, Di Li)
Các từ ghép chính phụ ghi bạc, ghi chì, ghi sáng... là kết quả dịch sao phỏng từ tiếng Pháp gris argent, gris plomb, gris clair...

Sunday 18 December 2011

Do đâu có học vị phó tiến sĩ?


Tháng 1 năm 1934, theo quyết định của Hội Đồng Dân Ủy Liên Xô, một học vị mới xuất hiện trong hệ thống giáo dục với chất lượng tương đương văn bằng Ph.D của các nước nói tiếng Anh. Người được cấp học vị này được gọi là кандидат наук. Sau năm 1950 Trung Hoa lục địa áp dụng hệ thống giáo dục kiểu Liên Xô, chuyển dịch văn bằng này là 副博士學位 (phó bác sĩ học vị). Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sao chép cả hệ thống giáo dục của Liên Xô và thuật ngữ của Trung Quốc nhưng đảo trật tự chút đỉnh thành học vị phó bác sĩ, về sau đổi lại là học vị phó tiến sĩ để phân biệt tiến sĩ với bác sĩ chữa bệnh.
Lúc mới Giải Phóng, người miền Nam nghe phó tiến sĩ cảm thấy rất lạ tai và cho rằng đó là một kết cấu sai quấy. Lý do là người Nam quen nghe phó giám đốc, phó tổng thống, phó thủ tướng... với phó đi cùng các từ chỉ chức vụ. Lúc đó chưa ai biết đó chỉ là một trong nghìn vạn dấu ấn mà ngôn ngữ Trung Quốc mới đóng lên tiếng Việt trong vòng hai mươi năm đất nước bị chia cắt.

Vì sao hoa tu líp có nhiều tên thế?


Người Pháp đem hoa tu líp vào Việt Nam. Tên hoa này tiếng Pháp là tulipe.
Hồi đầu thế kỷ 20 từ điển Đào Duy Anh (1950:1835) dịch tên hoa này bằng một từ mượn của tiếng Trung Quốc là uất kim hương (鬱金香). Từ uất kim hương thông dụng ở miền Nam Việt Nam  cho đến năm 1975. Bản dịch quyển La Tulipe Noire của Alexandre Dumas ra mắt bạn đọc Việt Nam dưới nhan đề là Hoa Uất Kim Hương Đen.
Trong khi đó ở miền Bắc, trong một nỗ lực thanh lọc từ Hán Việt khỏi ngôn ngữ và đời sống, Lê Khả Kế (1978:181) dịch tulipehoa vành khăn. Cái tên này rất thích hợp với hình dạng của hoa. Bản thân từ tulipe (xuất hiện năm 1611 trong tiếng Pháp) vốn là hậu thân của từ tulipan (xuất hiện năm 1600) mà từ tulipan này lại có nguồn gốc là một từ Thổ Nhĩ Kỳ tülbend, nghĩa là cái khăn đội đầu.
Một số người biết tiếng Pháp gọi tên hoa là tuy líp. Cái tên này sau một thời gian thử thách cũng vào được từ điển (Alikanôp, 1977:472; Nguyễn Như Ý, 1999:1751; Hoàng Phê, 2006:1066). Một dạng khác là tu líp có thể xem là mượn âm Pháp hay đọc tiếng Anh (tulip) theo kiểu Việt Nam đều được. Dạng này cũng đã vào từ điển (Hoàng Phê, 2006:1063). Gần đây lại xuất hiện tiu líp, chắc chắn là mượn âm tiếng Anh, chưa vào được từ điển nhưng có thế mạnh riêng của nó.
Năm cái tên cho một loài hoa chỉ là hệ quả của những sức mạnh chi phối lịch sử nước nhà trong mấy mươi năm qua.

Friday 16 December 2011

Răm li là cái gì?

Dân xây dựng gọi vạt gỗ đóng trần là răm li. Đó là một từ gốc Pháp (lambris de  plafond). Khi từ này vào tiếng Việt, đã xảy ra hiện tượng lẫn lộn /r/ và /l/. Hai âm này đều âm lỏng. 

Thursday 15 December 2011

Đèn măng xông là đèn gì?

Từ điển không có măng xông, chỉ có măng sông (Lê Văn Đức, 1970b:893; Nguyên Tử Lực Cuộc, 1970:221; Nguyễn Như Ý, 1999:1101; Nguyễn Kim Thản, 2005:1031). Trên thực tế xưa nay, trong Nam cũng như ngoài Bắc, từ trong nước ra đến hải ngoại, người ta dùng cả măng xôngmăng sông, không coi dạng nào là sai:
* Tường nhà quét vôi xanh, gạch chỉ xanh, lại được ngọn đèn măng sông ánh sáng cũng xanh xanh. (Nguyễn Công Hoan, 2005:44)
* Tại một khúc vắng bên kia sông như thế, trong một căn chòi kín đáo có rất nhiều dừa nước bao quanh, Út Thêm và Hoàng đang ngồi cạnh nhau trong ánh sáng mờ mờ của một chiếc đèn măng sông treo ở ngoài hiên. (Chu Lai, 2008:159)
* Ngọn đèn măng sông treo lơ lửng ở trần nhà, gian giữa của ngôi trường ba gian, từng đàn mối bay vèo vèo quanh điểm sáng, rớt lả tả trên những cái ly, những đĩa kẹo và thuốc lá bày biện gọn ghẽ trên hai dãy bàn dài. (Nguyễn Ngọc Ngạn, 1994:154)
* Lấy cái đèn măng xông buồng bên mang sang đây đi, em! (Vũ Trọng Phụng, 2006s:561)
* Tuy chợ nhóm suốt đêm nhưng thắp sáng chủ yếu bằng đèn dầu, ngoại trừ một số sạp lớn thì có đèn măng-xông. (Võ Đắc Danh, 2008t:61)
* Người cầm đèn măng-xông trả lời gọn lỏn. (Nguyễn Tường Thiết, 2008:49)
Măng sông / măng xông là từ gốc Pháp (manchon). Đèn măng sông tiếng Pháp là lampe à manchon. Măng sông là tấm lưới dùng để bao quanh ngọn lửa đèn, chẳng những không bị cháy mà còn có tác dụng làm tăng độ sáng. Thứ lưới đặc biệt này được dệt bằng sợi gai, sợi bông hoặc sợi tơ nhân tạo visco, tẩm muối ni-trát tho-ri và ni-trát xê-ri.
Măng sông / măng xông là từ mượn âm cho nên viết cách nào tiện cho mình là được chứ cần gì phải bắt chước thật giống tiếng Pháp? Vả lại có ghi cách nào đúng được với âm gốc? Còn vì sao các nhà làm từ điển chọn măng sông mà không chọn măng xông thì đó lại là một chuyện khác.

Ca ve sao không biết nhảy?


Từ cavalier của tiếng Pháp có nhiều nghĩa, nhưng chỉ có một nghĩa vào tiếng Việt qua đường mượn âm và chỉ ở dạng giống cái (cavalière): bạn nhảy nữ

Hồi đầu thế kỷ 20 do quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân, hầu như không có phụ nữ Việt Nam chịu khiêu vũ nên bạn nhảy nữ đều là chuyên nghiệp.


Trong Kỹ Nghệ Lấy Tây ta thấy Vũ Trọng Phụng gọi họ là ca-va-li-e:

Nghe đâu bây giờ có một cô ả trong bọn ấy sang một tiệm nhảy ở Đáp Cầu xin vào làm ca-va-li-e).

Trong Truyện bốn người đăng trên báo Ngày nay số 87, Khái Hưng & Thạch Lam &  Hoàng Đạo & Thế Lữ (1937:1010) gọi là kỵ nữ (vì cavalierkỵ sĩ):
Ai nấy chỉ nghĩ tới một việc, theo đuổi một mục đích : mời được, kéo được ra sân khiêu vũ một cô kỵ nữ).


Các cô cũng được gọi là vũ nữ:
Nhưng chàng thề với chàng rằng thế nào cũng tìm dịp gây sự để tặng cho kẻ tình địch một cái tát ở ngay trước mặt cô vũ nữ đáng ghét. (Khái Hưng & Thạch Lam &  Hoàng Đạo & Thế Lữ, 1937:1010)

Vũ nữ Hán Việt (làm việc ở vũ trường) nghe sang trọng hơn gái nhảy (làm việc ở tiệm nhảy).


Sau năm 1954 vũ trường biến mất ở miền Bắc nhưng thịnh dần ở miền Nam, từ ca-va-li-e biến mất, xuất hiện các từ ca veca nhe, lấy âm tiết đầu và âm tiết cuối của từ gốc mà phát âm theo kiểu miền Nam. Thời này ca ve vẫn còn biết nhảy, làm việc chủ yếu ở vũ trường. Nếu có làm gì thêm ở đâu khác thì đó không phải là đặc điểm nghề nghiệp của họ.
Các em gái bán bar trước bẩy nhăm, những thôn nữ làm gái nhẩy ở vũ trường bây giờ đều chính danh là ca ve, có thẻ đóng dấu và được phép hành nghề. (Nguyễn Việt Hà, 2007:34)

Cuối những năm 80, khi các vũ trường xuất hiện trở lại, làm bạn nhảy vẫn là công việc chính của các cô vũ nữ. Từ điển Hoàng Phê (2006:97) chỉ ghi nghĩa này. Việc ra ngoài chơi với khách vẫn nằm ngoài phạm vi công việc của ca ve. Ai đi như thế chỉ có thể là nhảy dù / đi dù. Từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:194) mở ngoặc đơn là có khi, theo nghĩa xấu, còn bí mật kiêm hành nghề mại dâm.Ca ve thời này nhảy đầm không lương, chỉ có tiền bo tùy tâm của khách nhảy (nếu tranh được khách) mà không nhảy dù thì làm sao sống? Dần dần cái việc kiêm thêm lại thành việc duy nhất mà các cô ca ve biết làm. Bây giờ bất cứ cô gái nào đi khách cũng có thể được gọi là ca ve, không cần phải biết mặt mũi cái sàn nhảy ra sao.
Bác sĩ đi găng dày cộp, sợ bị nhiễm khuẩn cave. (Nhiều Tác Giả, 2010:130 - Võ Thị Xuân Hà)
Tùy theo địa bàn hoạt động của họ mà có ca ve đứng đường, ca ve mạng, ca ve vũ trường... Theo đẳng cấp thì có ca ve ngoại hạng, ca ve cao cấp, ca ve hạng sang, ca ve hạng bét lốp lét... Theo mức độ thành thục, có ca ve mới vào nghề và ca ve lành nghề. Theo cường độ hành nghề, có ca ve chuyên nghiệp, ca ve bán chuyên, ca ve bán chính thức. Trong số ca ve bán chuyên lại có ca ve chân dài, ca ve văn phòng, ca ve sinh viên... Tất cả các ca ve ấy khi dịch trở lại tiếng Pháp phải dùng từ pute, không dùng từ cavalière được.

Monday 12 December 2011

Màu be là màu gì?

Màu be là màu len tự nhiên, giữa màu trắng nhờ nhờ và màu nâu sáng. Be là từ mượn âm tiếng Pháp (beige).

Sunday 11 December 2011

Giẻ đáng gì mà ăn?


Hiện nay giẻ được hiểu là các thứ vải vụn hoặc quần áo rách phế thải dùng làm nùi giẻ, giẻ chùi, giẻ lau... (Lê Văn Đức, 1970a:562). Hiểu theo nghĩa đó thì câu tục ngữ Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ đâm ra ngớ ngẩn. Nhưng không ai hiểu sai ý nghĩa của câu tục ngữ đó: thợ nghề nào cũng kiếm chác được của khách hàng trên khoản vật liệu dùng cho nghề ấy (cho nên câu tục ngữ trên mới có cái phiên bản nối dài với thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc). Với nghề thợ may ngày xưa, khoản kiếm chác đáng kể là tơ lụa. Trong câu tục ngữ nói trên giẻ là một từ cổ có nghĩa là tơ lụa (Vương Lộc, 2001:70). Nghĩa này hiện nay đã mất trong ngôn ngữ phổ thông, khiến cho thợ may ăn giẻ có vẻ không ăn nhập mấy với phần còn lại của câu tục ngữ và với ý nghĩa chung của cả câu. Để cho phù hợp với cái nghĩa hiện nay của giẻ, đoạn sau của câu tục ngữ mới được cải biên một lần nữa thành thợ hàn ăn... cứt sắt.
Tục ngữ cũng có câu Mua áo thì rẻ, mua giẻ thì mắt (đắt). Giẻ ở đây vẫn là tơ lụa, không phải giẻ lau, giẻ rách nên mua mới đắt.

Saturday 10 December 2011

Mì chính là mì gì?


Mì chính (người Nam gọi là bột ngọt) có công thức hóa học là NaC5NO5H8 (glu-ta-mát na-tri). Tiếng Anh là monosodium glutamate, thường được viết tắt là MSG. Liên Hiệp Châu Âu đặt cho mì chính một mã số là E 621 (chất phụ gia thực phẩm số 621). Nhìn trên bao bì thực phẩm mà thấy ký hiệu này (E621) là biết ngay nó đó.
Mì chính là một chất hóa học, không phải thức ăn làm từ bột mì và cũng chẳng có thứ mì nào tên là mì phụ. Mì chính chỉ là âm Quảng Đông của味精; âm Hán Việt vị tinh (Lê Ngọc Trụ, 1993:635), nghĩa là chất điều vị (tiếng Anh là flavour enhancer).
Trung Quốc bắt đầu sản xuất được mì chính năm 1920. Một vài thợ nấu miền Bắc đã biết sử dụng mì chính từ thời ấy nhưng đa số người dân không biết đến sự tồn tại của nó. Từ mì chính chỉ trở nên phổ biến từ năm 1957, thời điểm khởi công khu công nghiệp Việt Trì, trong đó có một nhà máy mì chính do Trung Quốc xây dựng viện trợ cho Việt Nam.

Friday 9 December 2011

Chích ven là chích vào đâu?

Ven là tĩnh mạch. Gốc của ven (có khi được ghi là vênh) là từ veine của tiếng Pháp.
Ngữ liệu:

* Năm năm sau vẫn còn cảm thấy đau khổ, mỗi lần người ta lách kim vào thái dương, vào trán, vào hai cổ chân tìm ven của con. (Lê Lựu, 2006:313)
* Cháu bé thế này ven mạch ở đâu mà cắm kim, lại còn chằng buộc thế nào để giữ yên tay nó mấy tiếng đồng hồ ? (Bùi Ngọc Tấn, 2008:356)

Tuesday 6 December 2011

Cần sa là gì?

Cần sa vừa là tên cây (ruộng cần sa, trồng cần sa, ) vừa là tên gọi chất ma túy thu được từ cây đó (hút cần sa, mua bán cần sa...).
Cây cần sa còn có tên khác là cây gai dầu, cây lanh mèo, cây lanh mán, cây gai mèo, cây đại ma, cây hỏa ma, cây bồ đà. Tên khoa học (tiếng La Tinh) là Cannabis sativa L. Cần sa là kết quả ghép các âm tiết đầu của hai từ La Tinh. Cần sa theo chân quân Mỹ vào miền Nam trước năm 1975. Từ cần sa được ghi nhận trong từ điển Lê Văn Đức (1970b:186)
Cần sa còn được gọi là tài mà.. Đó chính là âm Quảng Đông của đại ma (大麻). Đại ma là từ ngữ sách vở, xuất hiện trong tiếng Việt đã lâu (Đào Duy Anh, 2005:21). Tài mà chỉ phổ biến ở phía Bắc. Nó là bằng chứng cho thấy một tuyến vận chuyển và một địa bàn tiêu thụ cần sa mới hình thành những năm gần đây.

Monday 5 December 2011

Vì sao đàn ông (Việt Nam) ngày nay ngoại tình nhiều hơn xưa?


Câu trả lời là vì đàn ông nước ta ngày xưa không biết ngoại tình là gì.

Ngoại tình là từ Việt mượn Hán (外情). Génibrel (1898:527) dịch sang tiếng Pháp là adultère, tội ngoại tìnhcrime d’adultère và con ngoại tình là enfant adultérin. Không thể tìm được cách dịch chuẩn xác hơn, nhưng sự thật là adultère của Pháp và ngoại tình của Việt Nam có chỗ không giống nhau.

Trong tiếng Pháp thời bấy giờ không chung thủy với vợ hay chồng (violement de la foi conjugale) đều là adultère (Dictonnaire de l’Académie, 5e édition (1789) và 7e édition (1935)). Các từ điển tiếng Pháp hiện nay (Petit Robert 2007) tránh cách định nghĩa mang màu sắc tôn giáo (foi = đức tin / niềm tin), nói rõ là rapport sexuel volontaire d'une personne mariée avec une personne autre que son conjoint (quan hệ tình dục tự nguyện giữa một người đã kết hôn với người không phải là người phối ngẫu của mình).

Ngoại tình trong từ điển của Huình Tịnh Của (1868b:98) được cắt nghĩa là có tình ý riêng với trai, tội hòa gian. Cho đến đầu thế kỷ 20 người ngoại tình vẫn cứ là người đàn bà có chồng mà còn có tình riêng với người khác (Đào Duy Anh, 2005:538), người đàn bà có chồng mà dan díu vụng trộm với người ngoài (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:389). Với định nghĩa như vậy, không có chuyện đàn ông ngoại tình.

Định nghĩa ngoại tình từ giữa thế kỷ 20 có phần công bằng hơn cho phụ nữ. Lê Văn Đức (1970b:1024) coi ngoại tình là trai gái với người khác (khi đã có vợ hay có chồng). Như vậy từ giữa thế kỷ 20, tỷ lệ đàn ông ngoại tình đang ở số không tuyệt đối tăng vọt đột biến: ông nào đã có vợ mà nuôi bồ nhí cũng là ngoại tình rồi chứ không cần phải dính đến phụ nữ đã có chồng.

Các định nghĩa lỏng lẻo hiện nay lại càng bất lợi hơn cho đàn ông. Chỉ cần có quan hệ yêu đương bất chính khi đã có vợ hay có chồng (Nguyễn Như Ý, 1999:1202; Hoàng Phê, 2006:684) cũng có thể bị xem là ngoại tình. Khi đã có vợ mà còn lên mạng chát, hẹn hò với em, thư qua điện thoại lại... thì hãy coi chừng vì tất cả những trò ấy đều là quan hệ yêu đương bất chính. Đàn ông Việt Nam bây giờ lại khổ hơn đàn ông Pháp.

Sunday 4 December 2011

Ma lanh là con ma gì?


Ma lanh không phải là ma nhanh hay ma chậm gì hết. Ma lanh là một từ gốc Pháp (malin) vào tiếng Việt với nghĩa là láu lỉnh, láu cá.
Từ ngô nghê Quách Tĩnh đến hào sảng Tiêu Phong, từ lưỡng lự Dương Quá đến ma lanh Lệnh Hồ Xung, tất thẩy đều quay cuồng trong mớ lẫn lộn giá trị làm họ vô cùng hoang mang chẳng biết đâu là xuôi đâu là ngược. (Nguyễn Việt Hà, 2007:246-247)
Thanh Nghị (1967:869) có lẽ là quyển từ điển ghi nhận ma lanh sớm nhất.


Ma lanh còn một người anh em nữa là ma le.

Bà Từ Dụ sinh con gái, bà Trương Đăng Quế sinh con trai, nên ông Quế đã ma le đút tiền cho các cung nhân để tráo vào cho con mình sau này làm vua. (Lý Nhân Phan Thứ Lang, 2006:35)

Vì sao người đàn ông chăn dắt gái mại dâm không phải là ma cậu mà là ma cô?


Ma cô không phải là ma bà cũng chẳng phải ma ông. Ma cô là một từ gốc Pháp (maquereau) vào tiếng Việt với nghĩa là kẻ hành nghề dắt gái:
* Mấy phút sau, hai gã ma cô bảo kê cho mấy cô gái phóng xe đến đập cửa. (Tiêu Dao Bảo Cự , 2004:134)
Từ ma cô vào tiếng Việt từ những năm 30 của thế kỷ trước (Gustave Hue, 1937:540, Đào Duy Anh, 1950:1012) và ở yên trong từ điển từ ấy đến nay bất kể mọi đổi thay chế độ, thời cuộc. (Thanh Nghị, 1967:869;, Lê Văn Đức, 1970b:874; Nguyễn Như Ý, 1999:1079; Nguyễn Kim Thản, 2005:1007; Chu Bích Thu, 2006:150; Hoàng Phê, 2006 :603). Ma cô nhập tịch Việt lâu rồi, không mấy ai nhớ đến nguồn gốc của nó nữa, nghĩ đã là ma ắt phải xấu xa. Nhiều khi những kẻ trông hung ác, côn đồ cũng bị gọi là ma cô mặc dù không hành nghề chăn dắt gái.
* Trông tướng ông ấy ma cô lắm, dì cẩn thận đấy. (Huệ Ninh, 2008:22)

Từ maquereau còn được phiên âm thành mặt rô. (Chu Bích Thu, 2006:150) hoặc mặc rô. Cũng như người anh của nó là ma cô, từ mặt rô ngoài nghĩa kẻ chăn dắt gái mại dâm phát triển thêm một nghĩa không có liên quan gì đến nghề tú ông:
Các chiêm tinh gia không khoái chuyện tiên tri này và thay vì trả lời sự thách thức của Gosh đã cho gọi bọn “mặt rô” (bouncers) đến tống tiễn ông vào bệnh viện. (Dương Ngọc Dũng, 2008:61)

Nguyễn Như Ý (1999:1083) có ghi nhận một dạng khác phiên âm từ maquereaumạc cờ rô và giải nghĩa là như ma cô. Có vẻ như mạc cờ rô không được phổ biến bằng ma cômặt rô. Có thể mạc cờ rô (ma cô) vừa bị xung đột đồng âm với mạc cờ rô (macro) của dân chụp ảnh vừa xung đột đồng nghĩa với ma cô / mặt rô nên không bứt lên nổi trong cuộc cạnh tranh.

Friday 2 December 2011

Ma mút có xấu không?

Nguyễn Kim Thản (2005:1008) chỉ có ma mút nghĩa là giống voi hóa thạch khổng lồ sống ở kỷ đệ tứ.
Hoàng Phê (2006) là tác giả duy nhất phân biệt ma-mút X. mammuth, với nghĩa là voi không lồ hóa thạch, kỉ đệ tứ (Hoàng Phê, 2006:607) với ma mút dùng trong khẩu ngữ, nghĩa là con ma mặt mũi rất khó coi, thường dùng để ví người mặt mũi xấu xí quá. Xấu như ma mút (Hoàng Phê  2006:602).


Từ ma mút vào tiếng Việt đã lâu, cách đây ít nhất là 90 năm:

Như các nhà bác-học đã phát-minh được một giống voi cổ gọi là “ma-mút” (mammouth), giống này may tìm được nguyên cả xác lấp trong bãi nước-đá đất Sibérie, không thối-nát gì cả, xét ra thời đã khác đời trước và gần giống con voi ta bây giờ . (Nam Phong Tạp Chí số 51, 1921:462, Hồng Nhân)


Danh từ khoa học của Đào Văn Tiến (1945:58) có lẽ là quyển từ điển đầu tiên ghi nhận từ ma-mút. Con vật to lớn dềnh dàng này còn được gọi là cổ tượng (Nam Phong Tạp Chí số 119, 1927:27,  Thượng-Chi) hay khổng tượng (Thanh Nghị, 1967 :776). Các từ điển tiếng Việt phổ thông từ Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) đến Thanh Nghị (1967b), Lê Văn Đức (1970), Ban Tu Thư Khai Trí (1971) đều không có mục từ nào về/nhắc đến ma mút.

Ngay từ lúc mới nhập tịch Việt Nam, ma mút đã được dùng để chỉ những người có ngoại hình xấu xí:
* Bởi vì cái nguyên-nhân chủ-quan thì cứ xét về phần trọng-yếu riêng, nên những sự-vật đẹp và những hình-thức đẹp của giống người dã-man cho làm đẹp, tự người văn-minh xem ra thì xấu như ma-mút. (Nam Phong Tạp Chí số 117, 1927:462,  Đông-Châu)
* Thế chả nhẽ anh lấy một người như ma mút thì mới vừa lòng em ư? (Lê Lựu, 2006:244)
Không phải người Việt nào cũng biết ma trong ma mút thuần túy chỉ là âm tiết đầu của từ mammouth tiếng Pháp. Vì vậy người ta có khuynh hướng quy nó về ma của ma quỷ, ma da, ma xó... và của các thành ngữ xấu như ma, xấu ma chê quỷ hờn... Nhưng nếu ma mút là ma thì nó mút cái gì?

Thursday 1 December 2011

Ngoại tịch quân đoàn là gì?



Ngoại tịch quân đoàn là một trong nghìn vạn từ ngữ mới xuất hiện gần đây trong tiếng Việt qua kênh dịch thuật Trung-Việt. Một số dịch giả lười tra từ điển, chọn cách chuyển âm Hán Việt cho nhanh, chẳng hạn外籍軍團 được phiên thành ngoại tịch quân đoàn còn ngoại tịch quân đoàn là gì thì người dịch để cho người đọc tùy nghi.

Thật ra外籍軍團chính là một lực lượng nằm trong tổ chức của quân đội Pháp mà người Việt đã quen gọi là quân lê dương. Tên tiếng Pháp của nó là légion étrangère, dịch sát nghĩa là binh đoàn ngoại tịch. Lực lượng này được thành lập năm 1831, tuyển mộ mọi phần tử bất hảo, không phân biệt quốc tịch, đưa sang An-giê-ri làm nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thuộc địa của Pháp tại đây. Người đăng lính muốn khai tên gì cũng được (công dân Pháp hiện nay vẫn có thể tòng quân bằng tên giả và quốc tịch ma). Một tên tội phạm đã gia nhập quân lê dương thì không còn cảnh sát xứ nào có thể mò ra hay với tới hắn ta được nữa.  Sau một năm phục vụ, người lính có thể lấy lại tên thật. Sau ba năm, người lính có thể xin vào quốc tịch Pháp với điều kiện là phải dùng tên thật, không còn vấn đề gì với pháp luật và đã phục vụ trong binh chủng với đầy đủ danh dự và lòng trung thành. Nếu không đủ niên hạn nhưng đã bị thương cũng có thể xin vào quốc tịch theo một điều luật quy định bất cứ ai đã đổ máu vì nước Pháp đều là người Pháp  (Français par le sang versé). Do những quyền lợi đặc biệt đó, lực lượng lê dương là một địa chỉ khá hấp dẫn cho những ai muốn làm lại cuộc đời. Cũng do những đặc điểm đó, lính lê dương nổi tiếng là dữ dằn, thiện chiến. Nghe đến lính lê dương là thấy ớn rồi chứ ngoại tịch quân đoàn là gì... khó cảm nhận quá. 

Monday 28 November 2011

Hiện tượng lẫn lộn l-n có xảy ra với từ vay mượn không?

Từ cinéma của tiếng Pháp vào tiếng Việt thành xi nê ma (phát âm gần với từ gốc) và xi la ma (lẫn lộn l-n). Cả hai dạng cùng tồn tại trong thực tế cho đến ngày nay:
Nó là một thứ quá độ để văn nhân rụt dè (sic) thò chân sang xi nê ma (Nguyễn Việt Hà, 2007:106)
Ngày ấy phim còn câm và chưa gọi là xem phim, mà là xem xi-la-ma, xem chớp bóng, chớp ảnh và trên báo viết nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật màn ảnh, màn ảnh, kịch bóng. (Tô Hoài, 2010c:54).
Xi la ma còn có mặt trong thành ngữ nhậy như xi la ma, nghĩa là nhanh như chớp:
Bà Hương bán con gái để chuộc nhà, nên cưới xin mới làm nhậy như xi la ma (Tô Hoài, 2007:196)
Nhưng chỉ có xi nê ma được đưa vào từ điển (Nguyễn Như Ý, 1999:1860)


Hiện tượng lẫn từ l sang n cũng xảy ra ở từ ngữ gốc nước ngoài chẳng hạn như cá hắc mô ly bị gọi thành cá héc-mô-nimũ ca lô trở thành mũ ca nô.

Sunday 27 November 2011

Đã gọi là liệt sao còn nhúc nhích được?


Trong tiếng Việt hiện nay liệt có nghĩa là không có khả năng cử động được (Nguyễn Kim Thản, 2005:948; Hoàng Phê, 2006:569). Người mắc chứng liệt dương là người mà dương vật không làm ăn gì được nữa. Người bệnh nằm liệt giường không thể bò dậy đi đâu.
Liệt xưa nghĩa là ốm đau (Huình Tịnh Paulus Của, 1896:567; Vương Lộc, 2001:99); Génibrel (1898:401) dịch ra tiếng Pháp là être malade, infirme. Nhà liệt thời xưa là bệnh xá hay y xá thời nay (Vương Lộc, 2001:119); Génibrel (1898:401) dịch là infirmerie.
Kẻ liệt với nghĩa là kẻ đau ốm, bệnh hoạn chỉ được ghi nhận trong các từ điển xưa (Huình Tịnh Paulus Của, 1896a:567;  Génibrel, 1898:401), hiện nay chỉ được sử dụng trong nội bộ Công giáo: dầu kẻ liệt là dầu thánh được ban cho người bệnh nặng với mong ước Chúa ra ơn trợ giúp người bệnh (tiếng Pháp là huile des malades, tiếng La Tinh là oleum infirmorum). Một số người tìm cách thay dầu kẻ liệt bằng dầu bệnh nhân để tránh sự lệch pha giữa ngôn ngữ của đạo và ngôn ngữ đời thường nhưng xem ra cố gắng này chưa có kết quả mấy. Bởi vậy dịch dầu kẻ liệt hay dầu bệnh nhân sang tiếng Pháp thì dễ nhưng dịch huile des malades sang tiếng Việt là cả một vấn đề nhức đầu.

Saturday 26 November 2011

Dương mai hay giang mai?

Sách báo hiện nay đều dùng từ giang mai để gọi chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục do thủ phạm là con vi trùng trê-pô-nem (Treponema pallidum).
Các từ điển cũ không có giang mai., chỉ có dương mai và định nghĩa là bệnh tim la (Huình Tịnh Của, 1868a:253);  Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:162; Lê Văn Đức, 1970a:392; Đào Duy Anh, 2005:212).

Hai là khuếch-trương nghề mãi-dâm, các nơi thành-trấn chỗ nào đông người đều cho mở nhà điếm người Nhật, người Triều-tiên, không có hạn-chế gì cả, đều được miễn thuế doanh-nghiệp để tỏ ý khuyến-khích, làm cho lan mãi nọc độc dương-mai ra. (Nam Phong Tạp Chí số 207, 1934:212)

Tiếng Trung Quốc là 梅毒 (âm Hán Việt: mai độc) nhưng dân gian hay gọi là 楊梅瘡. (âm Hán Việt: dương mai sang). Sang nghĩa là bệnh nhọt. Cây dương mai là một giống cây nhỡ, quả có hình dáng và màu sắc giống quả dâu; tiếng Pháp gọi là arbousier hay arbre à fraises. Tên bệnh như thế là do người bệnh phát nhọt màu đỏ trông như quả dương mai (梅毒所發之瘡,, 色紅, 似楊梅 mai độc sở phát chi sang, sắc hồng, tự dương mai).
Do trong tiếng Việt sự chuyển đổi ương-ang khá phổ biến (đương / đang, lên đường / lên đàng, an khương / an khang, cương thường / cang thường...), dương mai cũng có thể được nói là dang mai (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:162). Nói thì như thế nhưng viết lại là giang mai. Đến đây thì tên gọi mất đi sự liên hệ với ý nghĩa ban đầu.
Các từ điển hiện nay đều xem dương mai là từ cũ, giang mai mới là từ chính thức được lưu hành. Dương mai được quy về giang mai và chỉ giang mai mới có định nghĩa (Nguyễn Như Ý, 1999:564), Nguyễn Kim Thản, 2005:490; Hoàng Phê, 2006:272).

Friday 25 November 2011

Dông tố hay giông tố?

Các từ điển xưa chỉ có dông với nghĩa là gió lớn trong lúc chuyển mưa (Huình Tịnh Của, 1896a: 243; Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:156; Lê Văn Đức, 1970a:377). Một số từ điển hiện nay cũng coi dông là dạng duy nhất đúng chính tả (Nguyễn Như Ý, 1999:548). Tuy nhiên cũng có một số từ điển hiện nay chấp nhận cả dônggiông, xem như hai biến thể của cùng một từ (Nguyễn Kim Thản, 2005: 474 và 689; Hoàng Phê, 2006: 263 và 403). Trên thực tế tần số của giông tố đè bẹp khả năng xuất hiện của dông tố. Cỗ máy tìm kiểm Google cũng khuyến cáo người dùng nên tìm kiếm giông tố thay vì dông tố.

Có vẻ như dạng sai chính tả bắt đầu ngoi lên kể từ khi Vũ Trọng Phụng cho xuất bản quyển tiểu thuyết  lấy nhan đề là Giông tố vào năm 1937. Tác phẩm như Giông tố và nhà văn tầm cỡ Vũ Trọng Phụng nhất định phải có vai trò quan trọng trong việc phổ biến cách viết sai. Tuy nhiên cái lỗi chính tả đó cũng phải phù hợp với cảm thức của người Việt nên nó mới dễ dàng được chấp nhận như ta thấy hiện nay.

Thursday 24 November 2011

Mắt hay mắc?

Các từ điển trước đây chỉ có mắt (Paulus Huình Tịnh Của, 1896b:22; Génibrel, 1898:443 Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:307, Thanh Nghị, 1967:885; Lê Văn Đức, 1970b:895), không có mắc với nghĩa là đắt. Viết mắc là sai chính tả. Phải viết mắt mỏ (tương ứng với đắt đỏ), buôn may bán mắt (ứng với buôn may bán đắt), mắt tiền (ứng với đắt tiền)...
Sau năm 1975 từ ngữ miền Nam với dạng sai chính tả là mắc lan tràn ra khắp cả nước. Các từ điển hiện nay chấp nhận cả mắcmắt và chú thích rằng cả hai chỉ là biến thể phương ngữ (Nguyễn Kim Thản, 2005:1028 và 1031; Hoàng Phê, 2006:617 và 619). Trên thực tế không còn ai viết mắt mỏ, mắt tiền, mua rẻ bán mắt...

Wednesday 23 November 2011

Lẩu là cái gì?



Lẩu mắm, lẩu gà, lẩu dê, lẩu lươn, lẩu thập cẩm, lẩu hải sản... là những món ăn quen thuộc đối với người Việt hiện nay. Lẩu được cho là âm Quảng Đông (Lê Ngọc Trụ, 1991:606) hoặc âm Triều Châu (An Chi, Người Đô Thị số 74, 2010) của . Âm Hán Việt của từ này là . Nghĩa của nó là cái lò. Trước đây muốn ăn lẩu người ta bày ra giữa bàn một cái lò than, trên có một cái nồi (gọi là lồng lẩu) đựng thức ăn đã nấu sẵn hoặc nước sôi để nhúng nguyên vật liệu cho chín. Hiện nay lẩu cồn, lẩu điện, lẩu ga và lầu từ đã thay thế lẩu than truyền thống. Hình dạng của các kiểu lẩu mới khiến ta khó hình dung mối liên hệ giữa món ăn với dụng cụ để nấu ra nó.

Món lẩu còn có tên là món cù lao (Thanh Nghị, 1967:257; Lê Văn Đức, 1970a:793). Quả thật hình dáng của cái lẩu truyền thống với cái ống ở giữa nồi nước rất giống một cái cù lao, tức là một hòn đất to nổi giữa sông, giữa biển (Lê Văn Đức, 1970a:229).
Ăn thịt sống nhúng nước sôi trên lò lửa thì đó là sán lẩu nếu gọi theo âm Quảng Đông, tức là sanh lô/sinh lô theo âm Hán Việt. Do đó kiểu ăn này còn được gọi là lẩu sống.
Trên các thực đơn hiện nay từ lẩu với nghĩa là món ăn được chế biến bằng cách thả vật liệu (thịt, cá, tôm, rau, mì... tùy món) tươi sống hoặc đã chín vào nồi nước dùng đun sôi (Nguyễn Như Ý, 1999:1000; Nguyễn Kim Thản, 2005:927) được dịch ra tiếng Anh là Chinese hot pot, tiếng Pháp là fondue chinoise, tiếng Trung Quốc là火鍋  (âm Hán Việt là hỏa oa, nghĩa là nồi lửa), tiếng Quảng Đông là 打邊爐  (âm Hán Việt đả biên lô/lư, dịch sát nghĩa là đánh bên lò, phiên âm Quảng Đông qua tiếng Việt là tả pín lù / tả bín lù / tạp pí lù...).
Người ta không biết đích xác nguồn gốc của lẩu. Có giả thuyết cho rằng những người du mục Mông Cổ là những người đầu tiên chế ra món ăn này. Một bài phú của Tả Tư (đời Tây Tấn) đã ghi chép về món lẩu Trùng Khánh nên có thể cho rằng lẩu đã xuất hiện trên đất Trung Hoa muộn nhất là khoảng 1700 năm trước. Đến đời nhà Đường (thế kỷ thứ 7) món lẩu đã phổ biến ở miền bắc Trung Hoa. Đến đời nhà Thanh thì khắp nước Trung Hoa chỗ nào cũng có lẩu. Mỗi miền có một biến tấu riêng trong cách sử dụng nguyên vật liệu.

Tuesday 22 November 2011

Cầm tài là cầm cái gì?

Theo Lê Văn Đức (1970b:1337), tài là bánh lái. Vậy cầm tài là cầm lái. Gốc của từ này là 舵.. Âm Hán Việt là đà. Âm Quảng Đông là tài. Vẫn theo Lê Văn Đức (1970b:1337), ta còn tìm thấy từ tài này trong tài công (đà công 舵工), nghĩa là người lái thuyền, và tài xế (đà xa 舵車), nghĩa là lái xe.
Trước đó tài công đã được Huình Tịnh Của (1896a:328) ghi chú là đà công, nghĩa là lái phụ, kẻ coi chèo bánh. Với trường hợp tài xế thì ngoài Lê Văn Đức (1970b:1337) không thấy sách nào khác quy tài về đàNguyễn Ngọc San (2003:207) cho rằng tài xế tương đương với từ Hán Việt tải xa.

Sunday 20 November 2011

Hạm đội Đông Dương ăn gì?



Từ điển có hạm với nghĩa là hổ lớn, hổ dữ (Vương Lộc, 2001:74). Ăn như hạm chính là ăn như hổ dữ. Nhưng ngày nay nhiều người không biết hạm là con gì, lại hiểu hạmtàu do loạt từ ngữ Hán Việt chiến hạm (tàu chiến), soái hạm (tàu chỉ huy), khu trục hạm (tàu khu trục), tuần dương hạm (tàu tuần dương)... Hạm tàu ăn gì thì không ai biết nhưng hạm đội gồm nhiều hạm tàu ắt phải ăn nhiều hơn một hạm. Do đó mà có thành ngữ ăn như hạm đội, sau phát triển thành ăn như hạm đội Đông Dương. Và không chỉ có ăn như hạm mà bây giờ còn có cả yêu như hạm với nghĩa là yêu luông tuồng, yêu lung tung, yêu bừa bãi. Hổ dữ ăn ra sao thì ai cũng biết chứ đã ai biết nó yêu thế nào mà đổ cho nó cái tội sinh hoạt bừa bãi?