Friday 27 July 2018

LỄ CÁC ĐẲNG (Stêphanô Huỳnh Trụ - Công Giáo)


LỄ CÁC ĐẲNG

9/5/2011 4:44:24 PM 
(http://conggiao.info/le-cac-dang-d-1814) 

Lễ ngày 2 tháng 11 có nhiều cách gọi. Cuốn “Những ngày lễ Công Giáo” chính thức của giáo phận ghi là: “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”, người ta thường gọi là “Lễ các đẳng linh hồn”, hay vắn tắt hơn thì gọi là “Lễ các đẳng”.

Một lần nọ, trước ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, cha sở thông báo: “Ngày mai là lễ các đẳng, chúng ta nhớ cầu nguyện cho các đẳng”. Thế rồi, công an xã mời cha đến xã làm việc một tuần lễ, với lý do là “Chúng ta chỉ có một đảng, sao linh mục kêu gọi cầu nguyện cho các đảng?” [1]!
Lễ ngày 2 tháng 11 có nhiều cách gọi. Cuốn “Những ngày lễ Công Giáo” chính thức của giáo phận ghi là: “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”, người ta thường gọi là “Lễ các đẳng linh hồn”, hay vắn tắt hơn thì gọi là “Lễ các đẳng”.
Nguồn gốc.

Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).
Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này. Thánh Ôđilô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma. Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết. Công Đồng Vaticanô II cũng dạy: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh..." (GH 50), về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng dạy: "Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa... các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha..." (GH 49). Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện. Ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời liên quan đến niềm tin về luyện ngục và các thánh thông công.
Thuật từ tiếng Latin.

Lễ này tiếng Latin là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, tiếng Anh gọi là “Commemoration of all the Faithful Departed”, có khi cũng gọi là All Souls’ Day (Lễ các linh hồn) hay Defuncts’ Day (Lễ các người đã qua đời). Uỷ Ban Phụng Tự dịch là “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là đúng, nhưng bình dân vẫn gọi là “Lễ các đẳng”. Vậy chúng ta tìm hiểu từ vựng này.
Nghĩa của các, đẳng.

Các
: Có chín chữ Hán, ở đây là chữ各, nghĩa là (đại từ). (1) Mỗi một: Các bất tương đồng (không ai giống ai). (tt). (2) Khác: Các biệt. (3) Tất cả, hết thảy: Các vị (quý vị).
Đẳng
: có hai chữ Hán, ở đây là chữ等, nghĩa là (dt.) (1) Thứ bậc: Thượng đẳng (bực trên nhất); Trung đẳng (bực giữa); Hạ đẳng (bực dưới nhất, hạng bét). (2) Phức số: Ngã đẳng (Nhóm chúng tôi). (3) Bậc thang: Thổ giai tam đẳng (Cầu thang đất có ba bậc). (đt.) (4) Ðợi chờ: Đẳng đãi (Chờ đợi). (5) Bằng nhau, đều: Đại tiểu bất đẳng (Lớn nhỏ không đều). (6) Cân lường. (tt.) (7) Hạng: Nhĩ thị hà đẳng nhân (Anh là hạng người nào). (pht.) (8) Vân vân: Đẳng đẳng.
Nghĩa của từ “các đẳng”.

Các đẳng là tất cả thứ bậc
. Thuật từ “Các đẳng linh hồn” để chỉ tất cả các linh hồn người quá cố trong luyện ngục [2] (thuộc thành phần Hội thánh đau khổ), phân biệt với “Các thánh nam nữ” là các phúc nhân trên thiên đàng (Hội Thánh vinh quang). [3] Có người cho rằng quan niệm về “linh hồn mồ côi” và “các đẳng linh hồn” v.v. chịu ảnh hưởng tư tưởng “cô hồn các đẳng” của ngoại giáo. Như Phật Giáo chia địa ngục ít nhất có 18 tầng và quỷ cũng có nhiều cấp bậc. Trong “Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh” [4] có rất nhiều thứ quỷ: quỷ đau đầu, quỷ mặc áo rách, quỷ ngủ bờ ngủ bụi, quỷ đói, quỷ nam căn [5] bị thối rửa… Hay trong xã hội loài người cũng chia làm nhiều giai cấp, tức là thứ bậc khác nhau trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh... Trong tác phẩm “Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn” [6] đề cập đến 10 hạng “cô hồn”: Thiền tăng, nho sĩ, đạo sĩ, thiên văn địa lý, lương y, quan liêu, tướng quân, hoa nương, thương cổ đãng tử. Trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” [7] cũng nói đến 10 loại: Vua chúa, tể thần, đại tướng, kẻ ham giàu, kẻ ham danh, thương nhân, binh lính, quý nữ, kỹ nữ, bần nhân gặp nạn chết oan... Con số 10 chỉ là số phiếm chỉ cho tất cả các loại cô hồn tồn tại trong “lục đạo” [8] mà thôi. Phải chăng, chính những hoàn cảnh này đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chúng ta?
Thực ra, trong xã hội trần gian bao giờ cũng có nhiều thứ bậc, đẳng cấp, giai tầng... Khi lìa trần, người ta không thể mang theo mình bất cứ của cải vật chất nào. Mọi thứ bậc, đẳng cấp, địa vị của con người ở trên đời không có ý nghĩa gì trước Tòa Phán Xét. Thiên Chúa xét xử con người theo “công trạng” [9] nó đã làm ra. Chúa không hỏi chúng ta là ai, thuộc giai cấp nào trên thế gian, nhưng Chúa sẽ hỏi chúng ta về “nén bạc” (ân sủng và tình yêu) mà Chúa giao phó đã được sinh lợi thế nào. Như Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Nên nhớ Người sẽ không khiển trách họ về hạnh kiểm, tội lỗi hay lời báng bổ; mà chỉ vì không ích lợi gì cho ai. Như kẻ đã chôn nén của bạc mình, đời sống y không có gì khiển trách, nhưng y không làm ích gì cho ai khác.” [10]
Vì vậy, khi nói “các đẳng linh hồn”, chúng ta nghĩ tới tất cả các linh hồn của mọi hạng người trên đời này đã quá cố và đang còn phải thanh luyện trong luyện ngục. Họ có thể là ông bà, tổ tiên, thân nhân, bạn hữu của chúng ta hay là những người xa lạ. Khi còn ở đời này, có thể họ là người giàu sang quyền quý hay nghèo khó mọn hèn. Họ có thể là những Kitô hữu hữu danh hoặc “Kitô hữu vô danh”. [11] Tất cả họ đều là chi thể của Chúa Kitô, giờ đây đang thuộc về Giáo Hội đau khổ và cần đến lời cầu nguyện của chúng ta.
“Các đẳng linh hồn” không có nghĩa là trong luyện ngục các linh hồn vẫn có sự phân chia đẳng cấp, điạ vị như khi còn ở thế gian hay trong Luyện Ngục có bao nhiêu đẳng cấp, thứ hạng linh hồn. Trong Luyện Ngục, tình trạng thanh luyện của họ có thể khác nhau, nhưng được “phân cấp” như thế nào thì chúng ta không biết.
Khi nói “linh hồn mồ côi”, chúng ta nghĩ tới linh hồn của hạng người phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin khi còn ở trên đời. “Đơn độc”, “cô quả”, “mồ côi”.... hiểu theo nghĩa đời thường là không có người thân thích, bạn bè, không có ai đồng hành để được quan tâm, nâng đỡ đời sống đức tin. Họ có thể là những tín hữu cô nhi, quả phụ hay kẻ cơ bần sống đời đơn chiếc. Họ cũng có thể là những tín hữu giàu sang, con đàn cháu đống, bạn hữu tứ phương mà thực ra những người quen biết xung quanh họ không ai có niềm tin Công Giáo như họ để xin lễ hay cầu nguyện cho họ. Và nay, những linh hồn đó đang ở trong Luyện Ngục, đang cần đến lời cầu nguyện từ Giáo Hội chiến đấu [12].
“Linh hồn mồ côi” không phải là linh hồn không được Chúa đoái trông chăm sóc, ít được Chúa yêu thương hay bị Ngài lãng quên. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Mọi linh hồn đều được Thiên Chúa tạo dựng. Mọi người đều được Chúa yêu thương bằng một tình yêu riêng biệt, không ai giống ai, Ngàivẫn không ngừng gọi chúng ta bằng chính tên riêng của từng người: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho” (Is 62,2) và tình yêu đó luôn luôn đầy tràn: “Ơn của Ta đủ cho ngươi” (2Cr 12,9).
Bản văn Công Giáo đầu tiên sử dụng từ “các đẳng” mà chúng tôi được biết là “Văn Tế Các Đẳng Linh Hồn” của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874): “Nhớ các đẳng xưa: Tay Chúa dựng hình, tính thiêng gởi xác. Di luân tài mạng chịu thiên tư, lý dục thị phi đầy địa bộ...”. Cụm từ “các đẳng”, “các đẳng linh hồn” đã được sử dụng từ lâu trong Giáo hội tại Việt Nam để chỉ các tín hữu đã qua đời đang còn thanh luyện chờ ngày hưởng phúc thanh nhàn bất diệt. Lịch phụng vụ của Roma xưa nay ghi lễ ngày 02/11 là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”. Lịch phụng vụ ởViệt Nam thì dịch là: “Lễ Các Linh Hồn” [13], “Lễ Linh Hồn” [14], “Lễ Cầu Cho Mọi Tín Hữu Qua Đời” [15], sau này dịch là “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Thiết nghĩ cách dịch “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” thì sát nghĩa với nguyên bản, nhưng nên hiểu đó vẫn là nói tắt, vì đầy đủ phải là Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời Đang Còn Thanh Luyện (hay đang ở luyện ngục). Cách nói “Lễ các đẳng” cũng là cách nói tắt, mang âm hưởng văn hóa bản địa về “cả thảy vong linh” thuộc “thập loại chúng sinh” gồm cả “cô hồn các đẳng”! Phải chăng các tiền nhân của chúng ta đã hội nhập văn hóa trong khi tạo ra cụm từ này để phiên dịch?
Trường hợp những ngày lễ Feria V in Cena Domini, Feria VI in Passione Domini, chúng ta dịch là Lễ Tiệc Ly (Thứ Năm Tuần Thánh), Lễ Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa (Thứ Sáu Tuần Thánh), nhưng người bình dân vẫn quen gọi là “Lễ Rửa Chân”, “Lễ Hôn Chân”... vừa đơn giản, tượng hình lại dễ nhớ. Tất nhiên không đủ nghĩa, không nên sử dụng nữa.
Kết luận.

Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen xin lễ cho các linh hồn tổ tiên nội hay ngoại, linh hồn thân nhân, linh hồn mồ côi, linh hồn ngoại đạo, thai nhi, linh hồn người chết vì tai nạn… và trong Thánh lễ hàng ngày, Hội Thánh luôn cầu nguyện cho mọi người đã qua đời. Đó là những thực hành rất tốt để tưởng nhớ người đã qua đời, thực thi bổn phận “hợp thông cùng các thánh”.
Ngày “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, chính xác là ngày “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Còn “Lễ Các Đẳng” là cách nói vắn tắt, hiểu theo giáo lý Công Giáo như đã trình bày, thì không đúng cho lắm, những nếu đặt trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thì việc tiếp tục sử dụng nó cũng không có gì ngăn trở.
_______________________________________________
Ghi chú:[1] Trong văn nói, một số người Nam bộ phát âm “các đẳng” thành “các đảng”, cũng như “cô hồn” thành “cu hồn”, nên “cúng cô hồn các đẳng” thì nói là: “cúng cu hồn các đảng”.
[2] Lưu ý là luyện ngục không phải là một hoả ngục ngắn hạn, luyện ngục hoàn toàn khác xa hoả ngục và sự thanh luyện được hiểu về trạng thái hơn là một ‘nơi chốn’, lại càng không thể nói ‘thời gian’ bao lâu (x. GLCG số 1030-1032).
[3] Thời xưa chưa có mục từ “tất cả”. Các danh từ chỉ tổng lượng thời xưa là: Cả, cả và, cả thảy, hết cả, hết thảy.
[4] Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh, gồm 17 chuyện, theo truyền thuyết thì do An Thế Cao dịch, nhưng được ghi nhận là thất dịch, thuộc đời lưỡng Tấn.
[5] Tức bộ phận sinh dục.
[6] Còn gọi là “Phật kinh thập giới”, không rõ tác giả, viết dưới thời vua Lê Thánh Tôn (1442-1497), là áng văn viết bằng chữ Nôm cổ theo thể biền ngẫu.
[7] Tác phẩm của Nguyễn Du (1765-1820), được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm. Theo Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hàng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn cầu siêu để giải thoát cho hàng triệu linh hồn.
[8] Theo giáo lý Phật Giáo, con người chúng ta do lực của nghiệp và phiền não của chính bản thân mà cứ mãi luân hồi chuyển sinh trong 6 chủng loại thế giới sinh tồn đầy những khổ đau, gọi là lục đạo đó là: thiên, a-tu-la, nhân, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
[9] Xem BGCN, Số 07/2010, tr. 106.
[10] Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng XX sách Công Vụ tông đồ (Jean Comby, Để đọc lịch sử Giáo Hội, q.I, tr.115).
[11] Có những người vì lý do nào đó mà không lãnh nhận bí tích Rửa Tội được, nên không trở thành Kitô hữu. Nhưng nếu họ sống theo những giá trị của Phúc Âm thì, nói theo từ ngữ của nhà thần học Karl Rahner, họ cũng là những “Kitô hữu vô danh” (Chrétien anonyme).
[12] Công đồng Florence (1431) đã định tín: Có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình để rút ngắn thời gian thanh luyện. Vì thế mà Giáo hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội.
[13] Niên Giám 1964, tr.11.
[14] Địa phận Hà Nội, Sách Lễ, Nxb Hiện Tại, 1967.
[15] Sách Lễ Giáo Dân, 1971, tr. xxix và tr. 1572. Cách dịch này rất dễ hiểu lầm là: Lễ cầu cho mọi tín hữu chết hết (!)
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Thursday 26 July 2018

Chăm hay Chàm đúng? (Inrasara Phú Trạm - Báo Đà Nẵng)

Trao đổi: Chăm hay Chàm đúng?

Thứ Hai, 23/08/2010, 07:16 [GMT+7]
.(http://www.baodanang.vn/channel/5433/201008/trao-doi-cham-hay-cham-dung-1999374/)
 
Từ Chăm chính thức được Nhà nước quy định gọi tên dân tộc Cham từ năm 1979. Từ quần chúng đến nhà nghiên cứu, từ nghệ sĩ cho đến giới khoa bảng đều sử dụng tên gọi này trong sinh hoạt, bài viết, thơ văn hay công trình khoa học của mình. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có người dùng từ “Chàm”. Bởi hiện tại từ “Chàm” vẫn còn hiện hữu ở rất nhiều địa danh, tên gọi, danh từ riêng. Vân vân… Không hiếm người dùng nó. Rồi cũng không ít người cho như thế là không phải phép, nặng hơn - miệt thị dân tộc này.
Sự thể là như thế nào? Vậy, Chăm hay Chàm, là đúng?
Xưa nay, dân tộc [Cham] này được người Kinh (Việt) gọi bằng Hời, Người đàng thổ (khác với Người đàng quê là người Việt), Chàm hay Chà, chứ tuyệt đối chưa có từ Chăm. Có lẽ vấn đề xuất phát từ bài viết và suy diễn “hợp lý” của một nhà nghiên cứu chưa hiểu thấu đáo vấn đề, nên mới ra nông nỗi!
[Biết thêm: Một vị giáo sư trong một bài viết trên tạp chí Dân tộc học (?) cũng đã rất sai khi cho rằng gọi Rađê là miệt thị người Êđê. Có thế đâu chứ! Người Chăm từ lâu lắm gọi dân tộc này đầy tôn trọng là Rađaiy (phát âm Ra-đe); người Pháp khi đến vùng này cũng đã dùng từ đó: Rhade. Có miệt thị ai đâu].
Có mấy điểm cần minh định lại:
- Cham (hay Cam) là một dân tộc trong cộng đồng dân tộc thuộc vương quốc Champa (hay Campa) cổ. Campa đọc là “cham-pa”. Có nhà viết sử phiên âm Campa là Chiêm Bà. Chúng ta đặc biệt chú ý âm “bà” này.
- CHÀM là do người Việt phiên âm chữ CHAM (hay CAM). CAM trong akhar thrah (chữ truyền thống Cham viết không có dấu âm pauh thơk, đọc là “cham”. Cả người Thái, người Lào hay Khmer cũng đọc là “cham”. Nhưng do đặc trưng giọng nói của người Cham vùng Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận) phát âm nặng hơn nên CHAM biến thành CHĂM. Do chi tiết này nên từ ba hay bốn thập kỷ qua, một số người Cham viết thêm pauh thơk vào chữ truyền thống. Từ đó, có nhà nghiên cứu phiên âm thành “chămpa”. Việc phát âm trong mỗi phương ngôn xảy ra chuyện nặng nhẹ, dài ngắn không là vấn đề. Suy diễn sai lệch mới thành ra chuyện.
- Trước 1979, trong vốn từ Việt suốt miền Trung, không có CHĂM mà chỉ có CHÀM là vậy: Tháp Chàm, Cù lao Chàm, giếng Chàm (hay giếng Hời), vàng Chàm,… Ngay cả nơi người CHAM sống hiện nay cũng có mặt cả khối địa danh liên quan đến CHÀM: Phan Lí Chàm, Ma Lâm Chàm, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm
- Nhất là trước 1975 người CHAM bản xứ vẫn dùng thuật ngữ này trong mọi lĩnh vực: Trung tâm văn hóa Chàm, Nội san Panrang, tiếng nói của cộng đồng sắc tộc Chàm - Ninh Thuận (do học giả Cham là Thiên Sanh Cảnh chủ bút), Từ điển Chàm - Việt - Pháp, Dân tộc Chàm lược sử (của 2 tác giả Cham Dohamide - Dorohiêm). Nguyễn Khắc Ngữ viết công trình dân tộc học có tên Mẫu hệ Chàm. Học giả Thiên Sanh Cảnh có loạt bài nghiên cứu nổi tiếng: “Đám ma Chàm”. Còn tất cả công dân Cham đều được ghi trên thẻ căn cước là Người Việt gốc Chàm. Không ai bảo như thế là phân biệt đối xử gì gì cả!!!
Người viết bài này (Inrasara) năm 1994 vẫn có một tiểu luận đăng trên tạp chí Văn học: “Ca dao - dân ca, tiếng nói trữ tình của dân tộc Chàm” hay có bài thơ có tên là “Apsara, vũ nữ Chàm” (Tháp nắng, 1996). Tôi phân biệt đối xử với chính tôi à? Cạnh đó, một nhà thơ mang hai dòng máu Việt Cham đất Tây Ninh còn lấy cả bút danh: Khaly Chàm.
Từ Chiêm cũng thế: lúa Chiêm, “Chiêm nhân” là bút danh của một nhà thơ Cham, rồi “Hỡi em chiêm nữ em ơi, nhìn chi chân trời…” (lời ca khúc Đàng Năng Quạ). Vân vân.
Câu chuyện đủ cho ta thấy, một hiểu biết sai lệch, nhưng khi người phát ngôn là nhân vật có học hàm và chức vị thì nó thành ra có trọng lượng. Từ có trọng lượng chuyển sang ban hành quyết định cách nhau không xa. Từ đó “quần chúng” nghe theo chẳng có chi lạ.
Qua dẫn chứng trên, Chàm hay Chiêm có khi còn nguyên bản, còn truyền thống hơn, nên chính xác hơn Chăm nữa. Dù sao, quy định của Nhà nước vẫn phải được tuân thủ. Tuân thủ, nhưng nếu có ai dùng từ “Chàm” trong bài viết, nhất là khi có người viết đúng các tên gọi cũ như Trung tâm văn hóa Chàm, Ma Lâm Chàm chẳng hạn, ta phải chấp nhận mà không biên tập. Bởi sự thể không có gì sai hay miệt thị người Cham cả.
Sài Gòn, 26-7-2010

Inrasara

Wednesday 25 July 2018

Chợ Lớn Lịch sử địa lý, kinh tế và văn hóa Phần 3 (Nguyễn Đức Hiệp - Lê Quý Đôn Khung Trời Kỷ Niệm)

Chợ LớnLịch sử địa lý, kinh tế và văn hóaPhần 3



Nguyễn Đức Hiệp



Bến Chương Dương, Hàm Tử, Bình Tây, Bình Đông

Ngoài sông Saigon thì con đường thuỷ quan trọng thứ nhì vùng Sài Gòn - Chợ Lớn là Kinh Tàu Hủ (người Pháp gọi chung rạch bến Nghé và kinh Tàu Hủ là Arroyo Chinois). Sau này có thêm một kinh chạy song song với Kênh Tàu Hủ, nối với kinh Tẻ và rạch Bến Nghé ra sông Saigon gọi là Kinh Đôi.


Theo Vương Hồng Sển (4) thì :


“ Khảo ra vì Rạch Chợ Lớn cạn hẹp, (cũng vì thế nên sau Pháp lấp bỏ) nên để có một con kinh rộng lớn hơn, năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), Vua hạ lịnh cho đào Kinh Tàu Hủ. Phó Tổng Trấn Gia Định Thành là Huỳnh Công Lý (cha vợ Vua Minh Mạng), được phong làm Khâm Sai, hiệp với ông Tổng Thanh Tra Gia Định, điều khiển mười một ngàn bốn trăm sáu chục nhơn công (11.460), chia làm ba tốp, mỗi dân công có lãnh một số tiền và một khẩu phần, khởi công ngày 23 tháng giêng, đến ngày 23 tháng tư năm Kỷ Mão (1819) là hoàn thành, đúng ba tháng. Con kinh này bắt đầu từ Cầu Đề Thông (nôm gọi là Cầu Bà Thuông) chạy đến ngã tư sông Rạch Cát. Sách nói kinh dài 2.129 tầm và 1 bộ, bằng chín dặm rưỡi, (mỗi dặm 576 thước tây = 576 x 9,5 = 5.472 m). Bề ngang rộng mười lăm tầm (mỗi tầm 8 xích, tính ra 0,32 x 8 x 15 = 36m90). Bề sâu được 9 bộ (mỗi bộ 6 xích = 0,32 x 6 x 9 = 17m28). Mỗi bên kinh có chừa một bờ đất rộng 8 tầm, bờ kinh ấy thông liền với đường sứ rộng sáu tầm. Đào rồi, Vua Gia Long đặt tên khúc kinh ấy là An Thông Hạ.


Nay ráp với đoạn Chợ Quán và Cầu Ông Lãnh, gọi chung là Kinh Tàu Hủ (Tài liệu rút trong Phổ Thông số 15 ngày 15-7-1959, bài của ông Lê Ngọc Trụ viết). Theo bộ Gia Định Thông Chí của ông Trịnh Hoài Đức, thì vốn là lạch nhỏ cũ đào rộng ra, nhưng xét qua địa đồ xưa của ông Trần Văn Học vẽ về tỉnh Gia Định trước năm 1815 thì không thấy có con rạch nhỏ ấy.”


Cho tới các năm gần đây, dọc theo kinh Tàu Hủ là các bến tàu vẫn còn hoạt động : bến Chương Dương (Quai de Belgique), bến Hàm Tử (Quai Le Marne), bến Lê Quang Liêm (Quai de My Tho). Từ khi khởi công xây đại lộ Đông Tây, các bến này dần biến mất và không còn tàu ghé đến nữa. Các bến và cảnh quan chung quanh đã hầu như nhanh chóng thay đổi toàn diện qua sự cải tiến về hạ tầng cơ sở lưu thông đường bộ tương phản với sự thu hẹp mất dần giao thông đường thủy và một số khu nhà ổ chuột dọc bên kênh. Nhà cửa ở các khu phố dọc bến và bên trong cũng thi nhau biến dạng qua những kiến trúc tầng lầu tân thời, cao thấp, rộng hẹp mỗi nhà một vẻ.


Trở lại cách đây đúng 150 năm, ta hãy đọc những gì Leopold Pallu, một sĩ quan Pháp, đã tả quang cảnh chung quanh bờ từ rạch Bến Nghé đến kênh Tàu Hủ vào năm 1861 trên đường vào Chợ Lớn như sau (17) :


“ Rạch Bến Nghé - Kênh Tàu Hủ (Arroyo chinois), mà ta vẫn thường nghe khi nói về Sài Gòn, rất có thể là rạch được đào hay ít nhất cũng là do tay người cải tiến thành kênh cho tàu bè thông thương. Kênh tách ra theo một hướng thẳng góc với sông Sài Gòn, mặt nước phẳng đều, rộng khoảng 100m, ăn sâu vào phía trong vùng xứ sở. Rạch Bến Nghé - Kênh Tàu Hủ nối với kênh Bà Bèo (Arroyo commercial, sau này gọi là kênh Tháp Mười nối sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền, là kênh buôn bán thương mại chính giữa Sài Gòn - Chợ Lớn với miền Tây. Từ kênh Tàu Hủ còn phải qua kênh Ruột Ngựa đến sông Rạch Cát hay sông Chợ Đệm đến sông Vàm Cỏ trước khi đến kênh Bà Bèo để đi qua sông Tiền, ghi chú người dịch) và họp với các kênh rạch khác tạo thành một đường giao thống huyết mạch, đổ vào sông Cambodge (tức Tiền Giang, ghi chú người dịch) mà tất cả thương mại ở miền Tây (basse Cochinchine) dựa vào.


Đi từ Saigon vào rạch, dọc hai bờ vương lên nhiều chòm cây mãng cầu, cây mít, cây hoa lài thơm ngát, cây lô hội và lau sậy. Cây cối bên bờ trái che khuất các ruộng lúa mênh mông đến tận chân trời. Hàng cây bên bờ phải thỉnh thoảng ở các khoảng cách hé lộ ra cho ta thấy được một miếu thờ nhỏ, được dựng lên để thờ một vị thần quen thuộc của vùng, nhưng thường hơn là những nhà xinh đẹp dễ chịu của người An Nam, các nhà này lợp ngói, có các cây xương rồng làm hàng rào bao quanh kho xuyên qua được.


Một con đường lớn được bảo trì khá tốt, rộng như một tỉnh lộ ở Pháp, được các cây xinh đẹp che làm bóng mát, chạy song song dọc với rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ, chỉ cách bờ rạch khoảng 200m.Đó là một đoạn của con đường từ Sài Gòn đi Mỹ Tho. Rời Sài Gòn vào rạch, ở phía bên phải, là các chùa đã biến thành các đồn Barbé, đồn Ô Ma (des Mares, tức đền Hiển Trung vị trí ở sở nuôi ngựa và thành Ô Ma hay thành Cộng Hòa, trụ sở Công An sau này, ghi chú của người dịch), đồn Kiểng Phước (Clochetons), và đồn Cây Mai. Cũng về bờ bên phải, xa khỏi con đường, địa thế cao dần lên với cánh đồng trãi đến chân trời. Những cây cau, cây xanh được thay thế bởi những bụi cây cằn cỗi, các loại cỏ vàng. Quang cảnh trông rất cằn cỗi và buồn bã, bị nung đốt bởi mặt trời. Những nấm mồ, các mộ sáng chiếu và được sơn phết, duy nhất làm ta để ý. Cánh đồng người chết khổng lồ này là cánh đồng Kỳ Hòa. Xa hơn nữa là phòng tuyến của người An Nam, với địa hình mờ nhạt hòa vào với màu đất, chỉ có thể nhận ra bởi các kỵ binh và chòi canh gác trên đó.


Thành phố người Hoa, được biết với tên là Chợ Lớn, một từ tiếng Hoa, trải dài hai cây số dọc hai bên bờ rạch. Thành phố trông náo nhiệt bởi sự di chuyển rất đông của các cu li người Hoa và An Nam, không ngừng khiêng tải lên xuống các bao gạo, tiền đồng, dê con và cá khô. Những mái nhà ngói đỏ trông như tách rời một cách thôn dã giữa những bụi cây cau, mà thân cây thẳng và có khía rảnh trông giống các cột theo kiểu Corinthian (một loại kiến trúc cột Hy Lạp, chú thích người dịch) ”.


Sau này, Charles Lemire (18) vào năm 1884 cho biết đã có các tàu chở khách từ Sài Gòn vào Chợ Lớn theo rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ rất thường, cứ mỗi nửa tiếng là có với giá 0,25 Fr. Quang cảnh đi tàu từ Sài Gòn đến Chợ Lớn rất đẹp mắt. Dọc theo bờ kênh và các bờ rạch trong Chợ Lớn, Lemire đã mô tả như sau (tr. 162) :




Hình 1 : Bến Chương Dương đầu thế kỉ 20.

“ Cuối cùng thẳng hàng dọc theo bờ, là những tòa nhà thương mại lớn của người Hoa, các kho chứa gạo, đường, cây chàm, sáp ong, lụa, gốm men, gốm đất, da trâu, bò, da rắn, da cọp, chim, cá khô, đậu phọng, vân vân. Vào trong các kho ta sẽ thấy đủ loại cân đo với kích thước khác nhau, các bao hàng, các mẫu hàng giữa rất nhiều các nhân viên, các cu-li hay công nhân khuân vác.


Rạch Lò Gốm và đủ loại các kênh rạch khác trong Chợ Lớn cho phép các ghe tàu đến tận chân các kho này và cho phép các tàu đi lại trong khắp thành phố. Những ghe của người An Nam, xuồng, tàu đánh cá, ghe của người Cam Bốt đi qua lại và đậu san sát trong những kênh rạch này. Những ghe xuồng giống như những hành lang nổi, dài, hình chữ nhật, làm bằng gỗ, độn tre bên ngoài. Những tàu khác có khoang cá mà người An Nam dùng để chứa cá tươi mà họ mang ra chợ bán...


Không có gì náo nhiệt hơn là quang cảnh mà người ta có thể thấy khi đứng từ trên cao ở cầu Jaccareo nhìn xuống (rạch Jaccareo bây giờ đã lấp thành đường Tản Đà, chú thích người dịch). Các ghe, tàu, xuồng tụ họp mà phía đằng sau là một màn cây xanh đối diện với đồn Cây Ma, những bến tàu mà người ta thấy tàu đậu san sát, các cu li luôn hoạt động, các nhân viên kho hàng, các tiểu thương, tất cả tạo thành một tập hợp rất lý thú và làm cho những người còn hoài nghi về tương lai của Nam Kỳ phải suy nghĩ lại.








Hình 2 : Bến Chương Dương ngày nay vẫn còn sót lại một số nhà cổ người Hoa dọc đại lộ Đông Tây

Đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, qua chính sách thâu mua lúa gạo của nhà nước cộng với sự phát triển và hiệu quả kinh tế của đường bộ từ Sài Gòn và các tỉnh đến Miền Tây và ngược lại đã đưa đến sự cạnh tranh và qua đó giảm đi tầm quan trọng của sư chuyên chở nông sản, hàng hóa qua đường sông và kênh rạch phân phối đến Sài Gòn và các tỉnh miền Đông. Vì thế vị trí trung tâm trung chuyển của Chợ Lớn với miền Tây đã lần lần mất đi, kéo theo vai trò chủ lực kinh tế của Chợ Lớn. Mặc đầu vậy, cho đến trước khi Đại lộ Đông Tây được khởi xây và quyết định của chính quyền thành phố không cho phép ghe thuyền đậu ở các bến trên Kênh Tàu Hủ, hàng hóa tiêu dùng sản xuất từ Chợ Lớn hay phân phối từ các nơi khác và sản phẩm miền Tây vẫn còn được vận chuyển đến Chợ Lớn và từ Chợ Lớn đi các nơi khác. Ngoài ra, hiện nay một số chợ buôn bán nông và hải sản trong Chợ Lớn cũng phải di chuyển ra ngoài đến khu chợ mới được xây ở Bình Điền và hoàn thành vào năm 2010.


Các bến tàu dọc theo kênh Tàu Hủ và gần trung tâm Chợ Lớn không còn là kho và nguồn hàng hóa nữa cho Sài Gòn-Chợ Lớn và các nơi khác, và thực sự chấm dứt hoạt động khi Đại Lộ Đông Tây được xây dựng.




Hình 3 : Khu phố cổ còn lại của người Hoa ở bến Chương Dương. Bến Hàm Tử thì hoàn toàn không còn sót lại các nhà cổ có kiến trúc của người Hoa thời Pháp thuộc như ở bến Chương Dương.





Sự thay đổi cơ bản về kinh tế ở Chợ Lớn là khuynh hướng chung ở nhiều nơi trong thời kỳ có nhiều biến chuyển về chính sách và tốc độ phát triển kinh tế của toàn khu vực. Điều này đòi hỏi sự thích ứng của Chợ Lớn vào môi trường kinh tế mới, không những phát triển kỷ nghệ mới nhưng cũng tận dụng và phát huy những di sản cơ sở vật chất sẵn có với những ưu điểm và tìm năng đặc thù của nó để tìm thị trường và nguồn thu hút mới như nhiều thành phố khác đã làm với các qui hoạch có tầm nhình xa của họ.


Ngày nay bộ mặt của bến Chương Dương, Hàm Tử, Lê Quang Liêm đã thay đổi rất nhiều, nhất là từ khi đại lộ Đông Tây xây dọc theo bờ bên phải kênh Tàu Hủ từ bến Chương Dương đến bến Lê Quang Liêm (Trần Văn Kiểu). Tất cả các bến này đã biến mất. Hiện nay chỉ còn một vài dãy nhà phố cổ ở dọc bến Chương Dương từ khi đại lộ Đông Tây được xây dựng. Riêng bến Hàm Tử thì hoàn toàn không còn các khu dãy nhà cổ, thay vào đó là các nhà kiến trúc tân thời không đồng bộ, rất nhếch nhác về cảnh quan.


Ngay ở cửa vào rạch Bến Nghé từ sông Sài Gòn vào Chợ Lớn, nơi xưa kia các tòa nhà lớn như Ngân hàng Đông Dương (Banque de L’ Indochine), Phòng Thương Mại (Chambre de Commerce, do ông Vương Thái xây, có thời được dùng làm trụ sở của thị trưởng và Hội đồng quản hạt thành phố Sài Gòn trước khi Tòa thị sảnh được xây, sau này là Thượng nghị Viện chính quyền Sài Gòn và nay là Phòng Giao dịch Chứng khoáng) ngự trị, đã biến đổi với các tòa nhà này chìm trong các kiến trúc cao tầng thiếu trật tự khác.


   


Hình 4 (trái) : Kênh Tàu Hủ - Bến Hàm Tử - Lê Quang Liêm đầu thế kỷ 20
Hình 5 (phải) : Quai My Tho - Bến Lê Quang Liêm (Trần Văn Kiểu ngày nay) - Chợ Lớn



Đối diện bên kia kênh là các bến Vân Đồn, Phạm Thế Hiển, Bến Bình Đông. Các bến này vẫn còn nhưng cũng như bến Chương Dương và Hàm Tử đã biến dạng rất nhiều. Nhất là bến Bình Đông, nhiều nhà, chùa cổ đã biến mất. Nơi đây xưa kia là các nhà máy xay lúa gạo nơi lúa gạo từ miền Tây đổ về, và từ đây được xuất cảng đi nhiều nước.






Hình 6 : Rạch Bãi Sậy - Bình Tây

Từ bến Lê Quang Liêm (thời Pháp gọi là “Quai My Tho” vì là bến nơi tàu, ghe từ Mỹ Tho và miền Tây đổ về đây), hàng hóa nông phẩm, trái cây được đưa đến chợ Bình Tây và các chợ khác khắp Sài Gòn và hàng sản xuất từ Chợ Lớn được đưa xuống trở lại miền Tây. Vì thế Chợ Lớn là trung tâm thương mại ở miền Nam. Ngày nay tất cả các bến Chương Dương – Hàm Tử - Trần Văn Kiểu đều không còn hoạt động thay thế bằng đại lộ Đông Tây. Bến Bình Đông và bến Mễ Cốc bên kia kênh hầu như cũng không còn hoạt động, duy chỉ có những ngày gần Tết, một số thuyền bè từ miền Tây được phép mang cây kiểng, bonsai, hoa mai… lên đoạn cuối bến Bình Đông gần bến Mễ Cốc bán cho các nhà buôn cây kiểng dọc bến.


Dọc bến, có nhiều nhà kho, nhà ở đã có từ lâu đời với kiến trúc kết hợp đông và tây. Các nhà này giống như kiến trúc nhà cổ ở Singapore, Malacca, Quảng Châu vì xưa kia các thương gia, nhà thầu gốc Hoa từ những thành phố này đã có mặt nơi đây. Họ cùng các thương gia Chợ Lớn xây dựng các cơ sở vật chất, nhà cửa, kho hàng…


   


Hình 7 : Từ cầu Chà Và ở bến Hàm Tử - Trần Văn Kiểu (Quai Mytho) nhìn sang bến Bình Thông ngày nay
Hình 8 : Bến Bình Đông đang thay đổi
Hiện nay các khu phố cổ Chinatown và Clark Quay ở Singapore được bảo tồn và trở thành nơi du lịch có giá trị văn hóa nổi tiếng ở xứ này. Khu Clark Quay kế bờ sông, xưa kia là nơi buôn bán, có nhiều nhà kho chứa hàng và nhà ở san sát từ các tàu buôn (giống như bến Lê Quang Liêm, bến Bình Đông dọc kênh Tàu Hủ), ngày nay là khu thanh lịch có nhiều nhà cổ đầy cá tính đặc biệt của kiến trúc đầu thế kỷ 20 và được người dân và du khách đông đảo ưa chuộng viếng thăm. Tiếc thay ở Chợ Lớn, chúng ta đã chưa làm được như vậy, mà ngược lại nhiều nhà cổ, và ngay cả đình đã biến mất.


   


Hình 9 : Một khu phố cổ ở bến Bình Đông vẫn còn nhưng xuống cấp vì không bảo trì
Hình 10 : Bến Bình Đông - bến Mễ Cốc nhìn sang đoạn cuối của bến Trần Văn Kiểu, nay có cầu của đại lộ
Đông Tây bắc qua giao điểm của rạch Lò Gốm (chảy ra phía trái) và kênh Tàu Hủ
   


Hình 11 : Các nhà kho dọc bến Bình Đông lần lượt biến mất
Hình 12 : Ghe từ Bến Tre mang cây kiểng đến bến Bình Đông những ngày giáp tết 2011

   
   
Hình 13 : Bến Bình Đông với cây kiểng từ miền Tây mang lên trong dịp sắp tết
Hình 14 : Một ngôi chùa ở bến Bình Đông
Xưa nay gạo là nguồn hàng nông sản thương mại chính của Chợ Lớn. Gạo từ các nhà máy xay lúa dọc kênh Tàu Hủ được phân phối đi các tỉnh thành miền Nam, Trung Bắc và xuất ra nước ngoài (như Singapore, Hong Kong). Chợ gạo, đường Trần Chánh Chiếu gần bến xe Chợ Lớn, là đầu mối bán sỉ gạo và từ đây các thương gia mua hàng dùng xe tải mang gạo đến các chợ và các nơi khác. Gần đây (2008), “chợ gạo” Trần Chánh Chiếu (thật ra là các dãy nhà của các hộ gia đình tiểu thương) không còn phép hoạt động, phải dời đi đến chợ đầu mối nông sản Bình Điền. Cộng với các nhà máy xay lúa không còn ở Chợ Lớn và các thương gia, xe hàng ngày nay đi đường bộ đến thẳng miền Tây và các nhà máy xay lúa ở đó, vai trò của Chợ Lớn là đầu vựa của nông sản gạo không còn như xưa nữa.





Tổng luận về Chợ Lớn và tương lai phát triển




Ngày nay tốc độ phát triển đô thị ở Sài Gòn - Chợ Lớn rất là nhanh chóng, bộ mặt thành phố đổi thay rất nhiều. Điều quan trọng là các di sản, kiến trúc văn hóa lịch sử, nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa nên được bảo tồn, gìn giữ để chúng trở thành cảnh quan có giá trị tinh thần vô giá cho thành phố và các thế hệ sau nối tiếp. Hiện nay trong vùng Chợ Lớn, các di tích được quan tâm, bảo tồn là những chùa, đình, hội quán đã được xếp hạng thuộc diện di tích lịch sử cấp quốc gia do Bộ Văn hóa công nhận. Tuy nhiên những khu phố có cảnh quan đặc biệt, các dãy nhà hay các nhà cổ có những kiến trúc đặc thù tiêu biểu cho một thời trong các thế kỷ trước thì hoàn toàn không có quy định gì liên quan đến phát triển, bảo tồn mà hoàn toàn tùy thuộc vào địa phương quản lý. Chính quyền thành phố vì thế đóng một vai trò rất quan trọng trong qui hoạch bảo tồn di sản cảnh quan văn hóa tạo ra cá tính đặc thù của thành phố mình.


Như đã đề cập, vị trí trung chuyển và cơ cấu kiến trúc kinh tế ở Chợ Lớn đã thay đổi qua sự biến mất của các bến tàu, kho hàng. Vì thế phải chuyển cơ bản kinh tế Chợ Lớn từ cung cấp, phân phối hàng hóa đến kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ. Dựa vào các di sản văn hóa của người Hoa duy trì cho đến nay và các cơ sở vật chất để lại do lịch sử Chợ Lớn bắt nguồn từ kinh tế qua sông rạch, một trong những dịch vụ có tìm năng cao là du lịch và phục vụ khách thăm viếng. Điều này đòi hỏi cảnh quan có giá trị văn hóa lịch sử phải được bảo tồn và đầu tư phát triển mà chỉ có chính quyền thành phố Hồ Chí Minh mới có thể làm được qua quy hoạch, khuyến khích đầu tư và hợp tác với cộng đồng địa phương. Tôi tin rằng người dân Chợ Lớn với truyền thống tinh thần mở đường, gan dạ và can trường trong thương mại của họ có từ lâu đời sẽ biến Chợ Lớn thành một thành phố xứng đáng với tìm năng của nó như Singapore và Hồng Kông trong lãnh vực kinh tế và du lịch.


Hội đồng thành phố và thị trưởng (được dân bầu ở các nước dân chủ) hay Ủy ban nhân dân và bí thư thành ủy có quyền hoạch định chính sách, đưa ra quy định về tiêu chuẩn phát triển khu dân cư, thương mại, bảo tồn kiến trúc, cảnh quan có giá trị văn hóa lịch sử và thực thi trong công tác quản lý trong phạm vi thành phố.


Để có thể thực hiện được sự hài hòa trong phát triển và bảo tồn cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái. cơ chế quản lý và hoạch định đô thị phải được tuân thủ dựa theo các nguyên lý cơ bản và các kinh nghiệm đã thâu lượm được trong nhiều năm qua trong vấn đề quản lý sự phát triển bền vững và hoạch định đô thị trên thế giới :


- Trong suốt trong quá trình hoạch định và quản lý


- Sự tham dự của các thành phần liên quan (stakeholders) trong đó có cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp, các tổ chức phi chính phủ (chính quyền không thể có tai mắt ở khắp mọi nơi)


- Nguyên lý cẩn trọng (precaution principle) : nếu hệ quả do con người tác động không xác định được chính xác nhưng nếu xảy ra sẽ to lớn thì chúng ta không nên làm. Liên quan đến nguyên lý cẩn trọng là trong đề án phát triển và bảo tồn lúc nào cũng phải có bài toán xác định rủi ro (risk assesment).


- Phù hợp với luật môi trường (như đa dạng sinh học,..), luật bảo tồn văn hóa và các qui định, điều lệ về cảnh quan đô thị.


Chúng ta nên học hỏi và áp dụng các bài học và kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới. Tất cả đều cho thấy rằng 


- Giao thông bền vững (sustainable transport) sẽ đưa lại các hệ quả kinh tế cao, lợi ích an sinh và sức khỏe rất to lớn. Xây thêm, nới rộng đường không phải là giải pháp lâu dài cho xe cộ. Xây dựng hệ thống di chuyển khối lựợng (mass transit) có hiệu quả (như hệ thống xe điện) mới chính là giải pháp bền vững cho giao thông, nhất là trong tình trạng quá tải hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh.


- Chỉ số phát triển GDP (Gross Domestic Product) chỉ tập trung vào kinh tế không còn hợp với trào lưu phát triển bền vững hiện thời. Chỉ số mới trong đó tiêu chuẩn sống như môi trường, y tế, giáo dục được mang vào trong hoạch định phát triển con người và xã hội. Bảo tồn cảnh quan văn hóa và môi trường sống của thành phố sẽ nâng cao giá trị và tiêu chuẩn đời sống văn hóa an sinh xã hội trong cộng đồng và cho cả mỗi thành viên.


Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm Sài Gòn - Chợ Lớn) cần có quy định hay ít nhất có kế hoạch rõ về các khu phố, các nhà có giá trị văn hóa cần được giữ lại nét đặc thù, đặc trưng cho khu vực và sự cần thiết tăng nhanh chóng diện tích cây xanh cho khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ nhiều năm nay, trong khu vực Chợ Lớn và phụ cận, nhiều kênh rạch bị lấp hay thu hẹp, mật độ đường xá và các khu dân cư mới tăng nhanh, cộng với thiếu diện tích cây xanh đã làm khả năng rút nước trên mặt và ngầm dưới đất suy giảm nhiều, đưa đến tình trạng dễ lụt trong mùa mưa, nhất là khu vực thấp gần chung quanh rạch Bến Nghé  - kênh Tàu Hủ. Giải quyết các vấn đề trên là tiên quyết cho sự phát triển bền vững Sài Gòn - Chợ Lớn. Không phải là dễ nhưng không phải là không làm được, với sự kiên trì trong mục tiêu, sự trong suốt và sự tham dự với cộng đồng công dân của thành phố.


Nguyễn Đức Hiệp




Tham khảo

(1) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Đồng Nai, 


(2) Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs, conférence faite au collège des interprètes par M. P. Truong Vinh Ky, Éditeur : Impr. coloniale (Saïgon), 1885.


(3) Les colonies françaises : notices illustrées / publ. par ordre du sous-secrétaire d'état des colonies sous la dir. de M. Louis Henrique, Quantin (Paris), 1889-1890.


(4) Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, 1992, Nxb Trẻ.


(5) Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp, De Batavia à Sài Gòn : notes de voyage d’ un marchand chinois (1890), Archipel, 1994, Vol. 47, pp. 155-191.


(6) Hình ảnh, tư liệu : Belle Indochine 


(7) Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.


(8) Eugène Bonhoure, Indo-Chine, Challamel (Paris), 1900.


(9) Lê Văn Lưu, Pagodes chinoises et annamites de Cholon (orné de 26 photogravures), Imprimerie Tonkinoise, Hanoi,1931.


(10) Séance du 2 mars 1893, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1893, pp. 63, 1893, Société des études indochinoises (Saïgon).


(11) Pierre Passerat de la Chapelle, L’industrie du decorticage du rizBulletin de la Société des études indochinoises, année 1901, 1901/1 (no. 41)-1901/6, pp. 53, Société des études indochinoises (Saïgon).


(12) Louis Finot, Les papiers de LandesBulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient,1903, Vol. 3, No. 3, pp. 657-660.


(13) Antoine Brébion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l'Indochine française, publié après la mort de l'auteur par Antoine Cabaton, 1935, Contributeur: Cabaton, Antoine (1863-1942). Éditeur scientifique, 




(15) Choi Chi-Cheung, Cheung Ah-Lum, A biographical note, Journal of the Hong Kong. Branch of the Royal Asiatic Society, v. 24 (1984), pp. 282-7. ().


(16) Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saïgon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. de l'Union (157 rue Catinat, Saïgon), 1917.


(17) Léopold Pallu de la Barrière, Histoire de l’Expedition de Cochinchine en 1861, Berger-Levrault et Cie, Paris 5 Rue des Beaux-Arts, 1888.


(18) Charles Lemire, L'Indo-Chine. Cochinchine française, royaume de Cambodge, royaume d'Annam et Tonkin ; 3e edition, Challamel aîné (Paris), 1884.
(http://thaolqd.blogspot.com/2015/09/cho-lon-lich-su-ia-ly-kinh-te-va-van_10.html)