Friday, 18 May 2012

Bản chất của loạn phiên âm hiện nay là gì?


Có vẻ như tình trạng phiên âm tên riêng (nhân danh và địa danh) trên sách báo hiện nay đã loạn đến mức các nhà ngôn ngữ học cảm thấy cần phải lên tiếng can thiệp. Có hai quan điểm chính:
-          Một là không nên phiên âm. Cụ thể hơn, có người đề nghị phải giữ nguyên ngữ nếu đó là ngôn ngữ dùng hệ chữ cái La Tinh; với các ngôn ngữ không dùng chữ La Tinh thi áp dụng biện pháp chuyển tự sang hệ chữ La Tinh.
-          Nếu phải phiên âm thì cần thống nhất cách phiên âm theo hướng khoa học và hiện đại hóa. Cụ thể hơn, phải có cơ quan có thẩm quyền đứng ra chủ trì công việc này, có sự bàn bạc dân chủ với các chuyên gia đầu ngành (tức là thường dân ngoại đạo xin tránh xa ra).

Cả hai quan điểm đều không có gì mới mẻ.
Người chủ trương quy tất cả về bộ chữ La Tinh thừa biết đó không thể là giải pháp hoàn hảo, chưa bao giờ được chính thức xem là một giải pháp khả dĩ và chắc chắn là sẽ không có cơ hội được chấp nhận trong hoàn cảnh hiện nay. Với các từ gốc Anh, Pháp dĩ nhiên không vấn đề gì, nhưng thế giới ta đang sống không chỉ có hai nước Anh và Pháp. Viên đại tá mới bị lật đổ cách đây không lâu bên Li-bi có tên được ghi bằng cả chục cách trên sách báo Anh, Pháp: Kadhafi, Gaddafi, Qaḏḏāfī, Qadhāfy... Biết chọn cách ghi nào đây? Đã chẳng giải quyết được loạn phiên âm trong nước, ông Việt nào có can đảm đứng ra làm công việc san định cách phiên âm, chuyển tự của các ông Tây?
Chuyện dựng lên một cơ quan có thẩm quyền chủ trì công việc phiên âm cũng lại là một ước mơ không tưởng khác, ngắc ngoải suốt mấy mươi năm qua cùng với huyền thoại về sự trong sáng của tiếng Việt, lâu lâu lại trỗi dậy để nhắc nhở rằng không có chính quyền ra tay là không xong. Nhà văn, nhà báo, thầy cô giáo, sinh viên, học sinh... hãy đợi các chuyên gia đầu ngành chọn ra cách phiên âm tốt nhất rồi nhà nước sẽ ra pháp lệnh cho quý vị sử dụng. Bóng ma của cung cách hoạch định chính sách ngôn ngữ học thời Xta-lin vẫn còn vất vưởng đâu đây. Hãi quá.

Loạn phiên âm về bản chất là nội loạn xã hội và chính trị. Không có một trung tâm quyền lực nào đủ mạnh để áp đặt quan điểm của mình lên toàn bộ xã hội. Nhưng cũng không nhóm lợi ích nào chịu nhượng bộ.
Người ta dễ đạt được đồng thuận với những từ ngữ kêu boong boong như thống nhất, khoa học, hiện đại, dân tộc, trong sáng, chuẩn hóa... Không thể nói khác. Nói khác là nó đập mình chết tươi. Nhưng hiểu khác thì không sao. Có anh hiểu hiện đại là sao chép nguyên ngữ, nhưng không tiện nói trắng ra là sao chép tiếng Anh. Mấy ông cốp cả đời gắn bó với Nga, với Tiệp... sẽ không vừa ý  Vì vậy anh chỉ nên nói là hệ chữ La Tinh cho nó lành. Bao giờ toàn xã hội đồng loạt quy phục Mỹ, tự khắc sẽ viết theo Mỹ cả, khỏi phải nói nhiều. Còn nếu chẳng may Trung Quốc nó sang, cũng khỏi phải nói tương lai sẽ ra sao.
Bây giờ các ông đầu ngành có ngồi lại với nhau cũng không thể giải quyết được việc gì vì các ông chỉ có thể đại diện cho một số nhóm lợi ích / quyền lực nào đó mà thôi, không thể nói thay cho các nhóm lợi ích khác. Có người đại diện cho ý muốn của đảng cầm quyền hoặc một phe nhóm nào đó trong đảng. Có người không thích Liên Xô / Mỹ / Trung Quốc/ bần cố nông / đại gia mới phất..... Có người từ trước đến nay chỉ quen tư duy theo kiểu chuẩn là tốt, lệch chuẩn là không tốt. Có người lại nghĩ rằng trừ khi dí súng vào đầu hay cắt sổ gạo, sổ dầu, không ai có thể bắt người ta nói/viết như mình muốn được. Triệu triệu tên người, tên đất chờ được các vị thống nhất xong cách phiên âm có lẽ đã trở thành lịch sử mất rồi, như tên ông Gà bên nước Li-bi là một bằng chứng.

Dẹp loạn phiên âm giống như gãi ngứa ngoài da. Làm cách nào cũng chỉ là trị bệnh ở ngọn, không đụng gì tới gốc. Xã hội càng ngày càng phân hóa sâu sắc, phân cực gay gắt: giàu/nghèo, sang/hèn, kẻ mạnh người yếu không thể có chung tiếng nói. Cần tìm ra thuốc chữa được căn bệnh đó trước đã.  

No comments:

Post a Comment