Hoạt động sách phong, triều cống trong quan hệ bang giao giữa triều Mạc (Việt Nam) và triều Minh (Trung Quốc) - Hệ quả và thực chất | |||||||||||||||
Vượt ra khỏi những thiên kiến lịch sử vốn tồn tại từ rất lâu, hơn một phần tư thế kỷ qua, bằng những nguồn tư liệu mới, với quan điểm và phương pháp nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã không ngừng đưa ra những đánh giá khách quan và toàn diện hơn về triều Mạc, dần đưa triều Mạc trở về đúng vị trí của nó với tư cách là một “vương triều phong kiến” nằm trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Và tất nhiên, cũng như các vương triều phong kiến khác, trước và sau đó, để bảo vệ và duy trì sự tồn tại trong “hòa bình”, triều Mạc ngay từ đầu đã đặt lên hàng đầu mối quan hệ bang giao với đại đế quốc phong kiến Trung Hoa láng giềng để cốt giữ mối quan hê “hòa hiếu”, “bang giao hảo thoại” mà các triều đại trước đó đã làm được. Trong đó, hoạt động sách phong và triều cống cũng tiếp tục được triều Mạc xem như là 2 nội dung chính yếu để xây dựng nên mối quan hệ ấy. Chúng ta có thể coi đây là "một kiểu quan hệ đặc biệt, kinh nghiệm trên thế giới chỉ thấy có trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng mà Việt Nam thường được xem là một thí dụ điển hình, với tất cả tính chất phức tạp, nhiều mặt của nó"(1) và triều Mạc cũng không là ngoại lệ.
1. Hoạt động sách phong trong quan hệ bang giao giữa triều Mạc và triều Minh
* Nguyên nhân của hoạt động sách phong
Có thể nói, cũng như các triều đại phong kiến khác ở Việt Nam, các vị vua triều Mạc sau khi lên ngôi đều có mong muốn xin sách phong với hoàng đế Trung Hoa. Cái lý buộc các vua phong kiến Việt Nam xin sách phong là vì thực tế: Việt Nam là một nước nhỏ, nằm cạnh ngay quốc gia phong kiến Trung Hoa lớn gấp nhiều lần, lại thường xuyên có mưu đồ thôn tính. Vì thế, để đảm bảo an ninh, duy trì quan hệ hoà hiếu với nước láng giềng khổng lồ ấy, các vua Việt phải có đường lối đối ngoại "mềm dẻo", "lấy nhu, thắng cương", giả danh "thần phục", xin sách phong Trung Quốc. Đặc biệt dưới triều Mạc, khi mà nguy cơ xâm lược của phong kiến Trung Quốc luôn thường trực, thường xuyên đe dọa đến an nguy của đất nước(2) và sự cầm quyền của vương triều thì đường lối ngoại giao mềm dẻo ấy lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Hơn thế nữa, khi xin Trung Quốc sách phong, bên cạnh lợi ích dân tộc, các vị vua triều Mạc còn tính đến cả lợi ích giai cấp dòng họ, bởi ngay từ đầu nó đã nhận thấy sự cần thiết phải khẳng định tính chính thống, hợp pháp hoá sự tồn tại của triều đại mình – vốn lên nắm quyền trên cơ sở tiêu diệt vương triều Lê sơ – một vương triều đã chiếm được cảm tình của nhân dân và có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng đất nước. Do vậy, để ổn định "nhân tâm" và cũng là để làm chỗ dựa hậu thuẫn bảo vệ cho quyền lợi lâu dài của dòng họ, hơn ai hết triều Mạc hiểu rằng: điều này đồng nghĩa với việc họ phải sớm được "thiên triều" Trung Quốc sách phong.
Không những thế, cũng như các vị vua khác dưới thời phong kiến, những người đứng đầu triều Mạc luôn nhận thức được rằng: chỉ khi có sự sách phong của “Thiên triều” thì mới khẳng định được vai trò của mình với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, bản thân Trung Quốc cũng sẵn lòng chấp nhận việc sách phong của những người đứng đầu các triều đại phong kiến ở Việt Nam vì một mặt nó là phương tiện giao hảo nhằm duy trì không để quan hệ Trung Quốc - Việt Nam bị cắt đứt, mặt khác cốt giữ lấy cái quan hệ giữa "thiên triều" Trung Quốc với "phiên thần" Việt Nam như là một nhu cầu thiết thân về cả lợi ích chính trị lẫn kinh tế. Bởi vậy, trên thực tế, Trung Quốc không bao giờ muốn để quan hệ với các nước xung quoanh bị cắt đứt, ngay cả đối với Việt Nam lúc bấy giờ, một nước tưởng như bị Trung Quốc “cột chặt” nhất trong hệ thống các nước “chư hầu”(3).
Vì những lí do ấy, dưới triều Mạc, hoạt động sách phong luôn được đặc biệt xem trọng.
* Biểu hiện của hoạt động sách phong
Năm 1527, sau khi lật đổ được triều Lê đã suy yếu, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua, mở ra một triều đại mới trong lịch sử phong kiến dân tộc: vương triều Mạc. Vốn là một con người mà ¾ cuộc đời gắn bó với triều Lê, hành động cướp ngôi ấy của Mạc Đăng Dung ngay từ đầu đã vấp phải sự phản kháng của nhân dân, đặc biệt của cựu thần triều Lê và của cả “thiên triều” Trung Hoa. Bởi thể mà trong suốt thời gian từ khi mới lên ngôi đến trước năm 1540, triều Minh chưa thừa nhận sự tồn tại chính thức của vương triều này trên đất Việt và bản thân Mạc Đăng Dung cũng như triều đình Mạc luôn vấp phải những hành động chống đối (cả dụ dỗ lẫn đe dọa quân sự) của vua quan Minh triều. Đến 23 năm sau kể từ ngày lên nắm quyền (năm 1540), Mạc Đăng Dung mới sai cháu là Văn Minh và bọn tiểu đầu mục là Hứa Tam Tỉnh gồm 28 người, mang hàng biểu sang Yên Kinh cầu phong. Lời biểu đã nói rằng:
“Thần là tiểu dân ở xa, trí thức chưa được mở mang. Nhưng mỗi khi núp ở phương Nam, trông về phương Bắc, thấy trời quang đất tĩnh, biển lặng sông trong, biết là Trung Quốc đã có thánh nhân. Huống chi oai hùng của nhà vua đã vang vọng khắp thiên hạ và lòng nhân huệ của nhà vua lại như khí hòa mùa xuân, tấc lòng vừa mừng vừa sợ, không thể nói lên hết được. Thần nghĩ: Dòng họ Lê là quốc vương của thần trước, vận nước đã suy, ngày càng chìm đắm. Đến khi quan trị lên nối ngôi, coi việc nước chưa được mấy ngày, thì lại bị bệnh chết. Trong khi thảng thốt, tạm theo tục rợ, giao phó việc nước cho thần. Thần lại giao cho con là Đăng Doanh. Chưa kịp thỉnh mệnh tâu lên, thực đã tự chuyện phạm tội. Tuy cửa khuyết cách xa muôn dặm khôn nỗi tỏ bày, nhưng tội lớn tày trời, thế nào giấu nổi.
Năm Gia Tĩnh thứ 7 (1538), cha con thần đã sai bọn Nguyễn Văn Thái dâng biểu xin hàng và xin xét xử, thực do tấm lòng trung thành, không dám man trá. Nhưng lòng thành chưa tỏ được nên không động được thánh tâm. Vì vậy thần rất lấy làm lo sợ, không lúc nào yên. Ngày 25 tháng 8 năm Gia Tĩnh thứ 19, chẳng may Đăng Doanh bị bệnh chết, người trong nước theo thói quen, muốn đem Phúc Hải là con trưởng Đăng Doanh lên thay quyền trông coi dân chúng. Thần sợ cái lối tự tiện truyền ngôi trước đây là trái nghĩa, nay nếu lại theo lời xin của dân chúng thì tội càng thêm nặng, gỡ sao khỏi được? Vì vậy, thần và Phúc Hải một lòng cung kính, đợi mệnh triều đình.
Vừa rồi đại tướng sang đánh, khi quân tới bờ cõi nước thần thì thần như con lợn trong chuồng, đâu đủ sức chống lại. May được xem tờ hịch hỏi tội ở trước quân môn, mới biết lòng nhân từ thực không bờ bến, khiến phải vuốt ngực rõ nước mắt. Thần trộm nghĩ, riêng thần là kẻ có tội, còn nhân dân thì có tội gì? Bệ hạ không nỡ lấy tội của một tôi hèn mà giết hại dân chúng; thần cũng may nhờ được dân chúng mà giữ được hơi tàn. Thần tuy ở trong nước, nhưng vẫn hướng về phương Bắc mà tung hô, nên ngày 3 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 19 (1540) thần đem bọn tiểu mục Nguyễn Thạch Quế, Nguyễn Thế Khanh, bọn kì lão Lê Thuyên, Nguyễn Tổng và bọn sĩ nhân Nguyễn Kinh Tế, Dương Huy Nhất, Bùi Chí Vĩnh, kính đợi ở cửa Nam Quan, tự trói mà ra ngoài cõi, đến doanh đại tướng cúi đầu tỏ lòng trung để xin hàng.
Thần Đăng Dung vốn muốn thân đến kinh để chầu và chịu tội, nhưng vì tuổi già lại ốm, không thể khúm núm đi được. Cháu trưởng thần là Phúc Hải lại đương có tang. Vậy xin sai cháu ruột là Mạc Văn Minh thay thần sang chầu, cúi đầu đợi tội, để tỏ lòng cha con thần khi trước sai bọn Nguyễn Văn Thái dâng biểu xin hàng là do sợ oai mến đức, không dám có lòng man trá. Cúi mong rộng lòng tha tội cho thần được tự sửa.
Còn như đất đai và nhân dân đều là của thiên triều, chỉ xin thể lòng dân rợ, để được tiện sự khu xử. Cho thần được nội thuộc xưng phiên, hàng năm lĩnh lịch nhất thống để ban bố cho trong nước theo chính sóc, thực là đại hạnh phúc cho thần. Tuy rằng nước thần trước đây, từ đời họ Đinh, họ Trần, họ Lê, theo nhau xưng vương đặt niên hiệu, sau khi ăn năn tự biết là không nên, thần đã từng nghiêm khắc khuyên răn người trong nước từ bỏ niên hiệu để đợi mệnh, đâu dám noi theo thói cũ để gấp mang tội trời tru.
Còn việc quan thú Khâm Châu thuộc Quảng Đông tâu rằng bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Nhu Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu, Quảng Đông, nếu quả thực như lời ấy, thì đó là cái lỗi mạo nhận của họ Lê trước, nay thần xin giao trả lại, để thuộc về Khâm Châu.
Còn như người mà Trịnh Duy Liêu xưng là Lê Ninh, thì theo như người trong nước thần nói với nhau, người ta cho là con Nguyễn Kiim. Dòng dõi họ Lê quả không còn ai, cho nên quốc đô thần đã đặt nơi hương hỏa để giữ tế tự cho họ Lê.
Nay tỉnh Vân Nam lại cho Lê Ninh là con cháu họ Lê, hiện ở Lão Qua, mà tâu lên bệ hạ, thì thần đâu dám biện bạch. Chỉ xin đem 7 châu Quảng Lăng và các trại Hồng y cùng một vài nơi phụ quận để cắt cho làm đất quản hạt, thuộc về Vân Nam. Kính xin phái một vài viên sứ thần sang bản xứ hỏi khắp các dân kì cựu, nếu còn có ai là con cháu họ Lê thì thần sẽ đem nhân dân đón về và trả tất cả đất đai, không những chỉ cắt giao những địa phương nói trên mà thôi. Nếu quả thực nhu lời truyền của người nước thần thì cũng xin thương đến sinh linh, cho được có nơi thống thuộc.
Còn như các cống phẩm năm trước còn thiếu phải kể ra để bổ sung, và cống phẩm năm sau phải cống thì thần không dám nói đến, vì còn đương ở trong vòng tội, chỉ mong khỏi tội, còn sợ không được. Thần lại muốn chiếu theo việc cũ của triều trước, đúc người vàng bạc thế thân, muốn dâng lên ngay, lại sợ đường đột. Chỉ xin đem tình thực lên xin hoàng để chờ xem xét, và xin được tạm dùng ấn tín của triều đình đã ban bản quốc từ trước. Ấn tín này thần vẫn giữ cẩn thận, không dám tự tiện đem dùng. Nhưng nếu không có nó thì không lấy gì làm bằng chứng. Kính mong rủ lòng xét cho”(4).
Không dừng lại ở đó, để thay đổi được định kiến của triều Minh dành cho mình và nhận được tước hiệu của “thiên triều” Trung Hoa, một lần nữa triều Mạc lại “nhún nhường” sai bọn tiểu mục Nguyễn Như Quế, kì nhân Lê Thuyên, sĩ nhân Nguyễn Kinh Tế dâng tờ biểu tâu vua Minh rằng:
“Bọn thần tuy ở cõi xa, nhưng thực nhờ ơn che chở, mới được cùng nhau sinh sống; song cách trời xa quá, trong nước thường gặp khó khăn. Tự năm Chính – Đức (1506), Gia Tĩnh (1522) đến nay, bọn nghịch thần Trần Cao, Trần Thăng, Trịnh Tuy, Đỗ Ôn Nhuận, thay nhau nổi loạn, lấn áp quốc vương, Lê Chu (Tương Dực đê) bị giết, Lê Huệ (Chiêu Tông) phải dời bỏ kinh đô. Dòng dõi họ Lê gần hết, chỉ còn một mình Lê Khoáng (Cung hoàng), nhưng lên cầm quyền chưa được bao lâu cũng bị bệnh chết, khiến địa phương rối loạn, sinh dân lầm than, rất là khổ cực. Đầu mục Mạc Đăng Dung dẹp yên được bọn nghịch thần, vốn có công lao. Nhưng vì đất đai và nhân dân đều thuộc thiên triều mà Khoáng đem giao cho Đăng Dung, Đăng Dung lại giao riêng cho con, chưa kịp thỉnh mệnh, thế là đắc tội, còn nói gì được. Nhân dân nước thần thì sau khi loạn lạc lưu ly, lại sợ có kẻ bất đắc chí, noi theo vết xe cũ của bọn Trần Cảo thì tai họa không dứt, nên vội vàng tìm kế cầu sinh, tự chọn lấy người để suy tôn lên làm chủ, thực không hiểu biết gì, tội cũng giống như Đăng Dung. Sau lại vì đường sá cách trở, cửa ải nghiêm cấm, cho nên tuy bọn thần thường có lời cầu khẩn, nhưng không làm thế nào đạt lên được, tội càng nặng thêm. Đến nỗi uy trời nổi giận, sai tướng đem quân sang đánh. Bài hịch truyền ở quân môn năm trước, cha con Đăng Dung phải sợ hãi không yên, kính cẩn dâng biểu xin hàng, nhưng chưa được đội ơn chuẩn y. Nay bệ hạ lại sai đại tướng thống lĩnh đại binh, uy như sấm sét, tiếng động núi non. Tự nghĩ thân phận sẽ tan nát cả, không còn mống nào. Không ngờ nhờ được ơn trên thương tình, cho được đem lòng thành quy phục, sai người đến tận nơi tuyên dụ, khiến nhân dân cả nước cùng nhau khóc mừng, già trẻ dắt nhau đến trước quân môn xin cùng Đăng Dung trói mình hàng phục. Nay được khỏi chết, thực là ơn như cha mẹ và đức tựa trời đất, lòng cảm kích vui mừng không biết chừng nào. Bọn thần trộm nghĩ, dân không thể tự trị được, mà việc nước trước phải chính danh, danh nghĩa không chính thì việc không thống nhiếp vào đâu; việc không chỗ thống nhiếp thì dân sẽ kéo bè họp đảng tranh nhau mà thành chia lìa tan vỡ, không thể cấm được. Như vậy mà muốn tránh khỏi loạn vong, có thể được không? Nay bệ hạ đã cho Đăng Dung và nhân dân nước thần được tái sinh, nếu để cho loạn lạc mãi, chắc lòng bệ hạ có chỗ không đành. Vì vậy, bọn thần khẩn khoản tâu bày làm rờm tai bệ hạ, cốt để tìm cái chỗ trước sau được sống vẹn toàn. Đăng Dung từ khi được nhận việc đến nay không làm điều gì bạo ngược, đối đãi với dân tử tế, dân đều cảm ơn đức. Nay lại sợ oai hối lỗi, cùng cháu trưởng là Phúc Hải đợi mệnh triều đình, không dám noi theo lệ cũ tự tiện nắm quyền, và đã nghiêm sức thần dân không được theo danh hiệu xưng càn như trước. Thiết nghĩ ông cháu Đăng Dung là kẻ đầu mục có tội, đâu dám trông mong ơn to. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, họ Mạc tuy mang tội nặng, song thực được lòng dân, nếu không trông nhờ ơn thánh thì lấy gì ước thúc được người nước cho khỏi làm loạn. Cúi trông bệ hạ thương đến dân chúng phương xa, rộng theo tục mọi, ban cho lệnh mới, chiếu theo lệ cũ đời trước, hoặc làm Tổng quản hoặc làm Đô hộ, để được quản nhiếp việc nước, đời đời làm phiên thần. Bọn thần cũng được bảo toàn sự sống sắp tàn, đời đời làm dân phiên bang. Được như vậy thì ơn tái tạo của bệ hạ cùng với trời đất không bao giờ hết được”(5).
Qua tờ biểu mang sang Yên Kinh cầu phong của Mạc Đăng Dung và tờ biểu trần tình của bọn tiểu mục Nguyễn Như Quế dưới sự chỉ đạo của triều Mạc, chúng ta thấy toát lên từ đầu đến cuối những lời lẽ rất nhún nhường và mềm dẻo, có phần “hạ thấp” mình và đề cao oai phong cũng như công lao của Thiên triều. Đặc biệt trong biểu, nhà Mạc đã xưng là phiên thần và xin triều Minh phong cho mình chức Tổng Quản hoặc Đô hộ. Nếu đem so sánh với những lần xin phong vương (tức vua của một nước) của các triều đại trước đó như triều Lý, Trần, Lê sơ thì rõ ràng đây là một bước lùi. Và điều này cũng giúp chúng ta dễ hiểu vì sao từ trước đến nay rất nhiều người đã cực lực lên án hành động xin sách phong của vương triều Mạc và cho rằng đó là hành động làm nhục quốc thể. Nhất là khi triều Mạc lại nhún nhường đến mức xin trả lại vùng đất biên giới mà các triều Lý, Trần, Lê đã tốn bao nhiêu công sức ngoại giao để bảo vệ và lại còn xin đem châu Quảng Lăng cắt trả về Vân Nam. Qủa thật, chúng ta không thể phủ nhận được rằng: những hành động ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến biên giới Tổ quốc và sự nhún nhường ấy là điều “hiếm thấy” trong lịch sử bang giao của dân tộc. Nhưng liệu có nên cho rằng: tất cả những động thái trên của triều Mạc đều là sự phản bội Tổ Quốc và chỉ vì lợi ích của dòng họ? Nên chăng chúng ta cần xem xét lại hoàn cảnh lịch sử “đặc biệt” của những quyết sách “hiếm thấy” đó để có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về vấn đề này.
Như đã nói ở trên, là một vương triều được xác lập trên cơ sở tiêu diệt triều Lê sơ – một triều đại vốn có nhiều công lao trong công cuộc bảo vệ, giải phóng Tổ quốc nên tất nhiên trong hoàn cảnh ra đời như vậy, triều Mạc bị rơi vào vị thế bất lợi về phương diện tâm lý, không được nhiều thiện cảm và sự ủng hộ của nhân dân ngay từ đầu cũng là điều dễ hiểu. Hơn thế, ở trong nước, triều Mạc ngay khi thành lập còn vấp phải sự chống đối quyết liệt của các cựu thần triều Lê. Ở bên ngoài thì triều Mạc từ đầu đã không được sự thừa nhận chính thức của Minh triều và đặc biệt còn liên tiếp bị quan quân nhà Minh dụ dỗ, uy hiếp, đe dọa bằng quân sự. Trong bối cảnh khi mà sự tồn tại còn quá ngắn của vương triều này chưa đủ sức gây dựng được chỗ đứng trong lòng dân chúng cũng như chưa tìm được một chỗ dựa nào để có thể “dũng cảm” đương đầu, chống chọi với tất cả những khó khăn, sức ép nói trên thì triều Mạc đã “buộc” phải chọn sự “nhún nhường” “nhân nhượng” nêu trên như một phương cách để mong “Thiên triều” Trung Hoa thừa nhận, phong tước hiệu cho, từ đó mà khẳng định được tính chính thống, tạo dựng được uy tín cho triều đại mình – điều mà ngay khi thành lập, triều Mạc đã không có được. Kết quả là: Minh Thế Tông đã hạ chiếu tha tội cho cha con Mạc Đăng Dung, cho Đăng Dung làm Đô thống sứ, ấn bạc nha môn tong nhị phẩm, ấn khắc chữ: An Nam Đô thống sứ ty(6). Nếu đặt trong bối cảnh đầy gian nguy, thử thách bấy giờ, triều Mạc không chọn giải pháp nhún nhường, thỏa mãn một số lợi ích nhất định của “Thiên triều” Trung Hoa như vậy thì liệu có những giải pháp nào đây để triều Mạc có thể thay đổi thái độ chống đối của Minh triều dành cho mình: từ chỗ không thừa nhận đến chỗ thừa nhận và duy trì mối quan hệ hòa hiếu với nước láng giềng khổng lồ này? Qủa thật, hành động dâng biểu cầu hàng để xin sách phong là hành động làm tổn hại đến quốc thể, là hành động “hiếm gặp” xưa nay trong lịch sử dân tộc nhưng cái “khó” trong việc tìm ra phương án tối ưu để thoát khỏi sự đe dọa từ nhiều phía của vương triều Mạc lúc bấy giờ cũng là điều mà chúng ta không thể nào phủ nhận.
Hơn thế, nếu đọc kĩ 2 tờ biểu dâng lên cho hoàng đế Trung Hoa ở trên, chúng ta cũng có thể bắt gặp không ít những luận giải của triều Mạc xuất phát từ lợi ích của nhân dân:
“…Thần trộm nghĩ, riêng thần là kẻ có tội, còn nhân dân thì có tội gì? Bệ hạ không nỡ lấy tội của một tôi hèn mà giết hại dân chúng…”
“…dân không thể tự trị được, mà việc nước trước phải chính danh, danh nghĩa không chính thì việc không thống nhiếp vào đâu; việc không chỗ thống nhiếp thì dân sẽ kéo bè họp đảng tranh nhau mà thành chia lìa tan vỡ, không thể cấm được…”
“…Nay bệ hạ đã cho Đăng Dung và nhân dân nước thần được tái sinh, nếu để cho loạn lạc mãi, chắc lòng bệ hạ có chỗ không đành…”
Hay hàng loạt những hành động, chính sách cụ thể mà vương triều Mạc thực hiện sau đó nhằm tạo ra môi trường chính trị, kinh tế, xã hội ổn định của đất nước, không thể không khiến cho chúng ta nghĩ đến phương cách “nhún nhường” nêu trên của triều Mạc phải chăng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm duy trì sự cầm quyền và khẳng định tính chính thống của dòng họ, từ đó hướng đến mục tiêu lâu dài: trị quốc, an dân sau những biến loạn của đất nước cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI?
2. Hoạt động triều cống trong quan hệ bang giao giữa triều Mạc (Việt Nam) và triều Minh (Trung Quốc)
Dưới triều Mạc, dù chịu tác động của bối cảnh lịch sử đầy thử thách, song cũng như các triều đại phong kiến trước đây, vấn đề "triều cống" vẫn là một trong hai cơ sở chủ yếu (bên cạnh hoạt động “sách phong”) để xây dựng mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo như các từ điển của Trung Quốc, thì cống là "bên dưới hiến dâng trên" (Hạ phong thương viết cống). Cũng theo Thiên Vũ Cống trong sách "Thượng thư"(7) thì chế độ triều cống này có nguồn gốc từ chế độ cống nạp của thời kỳ công xã nguyên thủy. Đến thời quân chủ, Trung Quốc lại áp dụng chế độ triều cống này để buộc các nước có quan hệ chịu thụ phong ở Trung Quốc phải thực hiện. Các nước phiên thuộc sẽ phải nộp những vật phẩm quý cho “Thiên triều” theo quy định thoả thuận giữa hai bên, mang tính chất bắt buộc(8).Chính vì triều cống là quy định mang tính bắt buộc như vậy trong quan hệ giữa “Thiên triều” và “chư hầu” xưa nay, nên ngay sau khi ban tước hiệu cho Mạc Đăng Dung, vua Minh lập tức ra sắc dụ “nhắc nhở” triều Mạc phải tiến cống theo lệ thường: “Ngươi phải hết lòng trung thành, giữ lễ chức cống, vỗ về dân chúng cho địa phương được yên, vâng theo cái ý cưu mang các nước, yên vỗ người xa của triều đình…và được hưởng phúc lâu dài”(9). Cũng từ đây, chúng ta được chứng kiến hoạt động triều cống diễn ra khá đều đặn từ thời Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp:
Bảng thống kê số lần triều cống “thiên triều” Trung Hoa
dưới triều Mạc
(Theo: Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch. Nxb Sử học, Hà Nội, 1961 và Lê Qúy Đôn: Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1978)
Theo bảng thống kê trên, chúng ta nhận thấy, mặc dù chịu sự chi phối không nhỏ của hoàn cảnh lịch sử, nhưng về cơ bản hoạt động triều cống được duy trì đều đặn dưới vương triều Mạc. Điều này thể hiện sự kính trọng của nước ta với nước lớn Trung Hoa, mong muốn giữ mối quan hệ hoà hiếu giữa 2 bên. Mặt khác qua đó, những người đứng đầu triều Mạc cũng muốn đảm bảo giá trị của sự sách phong mà hoàng đế Thiên triều ban cho.
Và điều đáng nói, trên thực tế thì số lượng cống phẩm mà triều Mạc tiến cống cho Trung Hoa là không hề nhỏ. Qua Lịch triều hiến chương loại chí hay Đại Việt thông sử, chúng ta có thể minh chứng rõ nét điều này. Sau đây lễ cống phẩm năm 1542 của vương triều Mạc:
- 4 lò hương và bình cắm hoa bằng vàng nặng 190 lạng
- 1 con rùa bằng vàng nặng 19 lạng
- 2 lò hương và bình cắm hoa bằng bạc nặng 151 lạng
- 12 mâm bạc nặng 641 lạng
- 60 cân trầm hương
- 148 cân tốc hương
- 30 cây giáng châu hương
- 20 sừng tê giác
- 30 cái ngà voi(11)
Rõ ràng, số lượng cống phẩm, tặng vật mà nước ta sang triều cống Trung Quốc lúc này không đơn thuần mang ý nghĩa tượng trưng nữa. Trên thực tế, Trung Quốc đã thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ việc này. Như vậy, xét từ phương diện ngữ nghĩa cũng như nội dung thực tế của hoạt động triều cống thì bấy giờ“trước hết và chủ yếu cống là “thuế” mà chủ nghĩa phong kiến Trung Quốc thời trung thế kỷ đã duy trì(12)” nhằm thu nguồn lợi kinh tế không ít từ các nước nhỏ yếu hơn trong khu vực. Và trong cái thế muốn giữ được độc lập chủ quyền một cách hòa bình thì Việt Nam cũng như nhiều nước “chư hầu” khác của Trung Quốc bấy giờ “buộc” phải tiến hành quan hệ bang giao hình thức triều cống này.
Như vậy, về danh nghĩa, hoạt động triều cống này biểu thị thái độ nước nhỏ phải kính trọng nước lớn. Về thực chất, nó chinhs là cái giá phải trả cho quyền độc lập, tự do, thứ mà triều Mạc cũng như mỗi người dân Việt Nam không bao giờ muốn mất.
* *
*
Có thể nói, dưới ảnh hưởng của tư tưởng triết học Trung Hoa mà chủ yếu là Nho giáo, những người đứng đầu vương triều Mạc đều đã tự đặt quyền lực “trời” ban cho mình dưới quyền lực của “Thiên triều” Trung Hoa, xem đó như là một điều hợp lẽ trời trong quan hệ giữa nước lớn với nước nhỏ. Và cũng như các triều đại phong kiến trước và sau nó, cùng với việc sách phong, triều Mạc đặc biệt coi trọng hoạt động triều cống theo lệ với “Thiên triều” và xem đó như là phương tiện giao tiếp không thể thiếu trong việc duy trì quan hệ hòa hiếu giữa “chư hầu” và “thượng quốc” thời bấy giờ.
Nếu nhìn bề ngoài thì quả thật rất dễ cho rằng: sự nhún nhường trong hoạt động xin sách phong và triều cống của vương triều Mạc là biểu hiện cho sự “phụ thuộc” của “chư hầu” Việt Nam trong quan hệ với “Thiên triều” Trung Hoa. Song thực chất của những hoạt động này lúc bấy giờ ra sao?
Mỗi chúng ta đều biết rằng, trong tâm thức của cả dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay thì khái niệm “độc lập” luôn được hiểu là đất nước hòa bình, không có ngoại xâm, phương Nam và phương Bắc cương giới phân định rõ ràng, còn “lệ thuộc” được hiểu là bị mất độc lập, bị ngoại bang xâm chiếm và bị đè nén, áp bức trên tất cả mọi lĩnh vực. Nếu chúng ta đối chiếu cách hiểu trên với hoạt động sách phong, triều cống bấy giờ thì xét về cơ bản chúng không hoàn toàn xâm phạm vào nguyên tắc “độc lập”, tức là không bị “lệ thuộc” theo cách hiểu như trên. Điều dễ nhận thấy là, tuy chỉ được hoàng đế Trung Hoa phong chức Đô thống sứ (tức là chức quan cai quản một vùng) song trên thực tế, từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp đều là vua đứng đầu một dân tộc đang “độc lập”, tự chủ, không bị thế lực bên ngoài đè nén, áp bức. Hơn thế, tuy danh nghĩa là “Thiên tử” đứng đầu “Thiên hạ” song thực tế thì Trung Quốc không được biết gì nhiều về những công việc nội trị của Việt Nam lúc này, ngoài những thông báo mang tính nghi lễ ngoại giao như: việc vua này lên ngôi, vua khác băng hà…Bởi vậy mà triều Mạc trong suốt những năm cầm quyền đã “tự quyết định” đường hướng và các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội để phát triển đất nước mà không cần có sự cho phép hay đồng ý của “Thiên triều”. Từ đây, triều Mạc đã khơi dậy được những tiềm năng, nhân tố phát triển mới nhằm xây dựng tiềm lực mạnh đương đầu với thế lực Nam triều, ngăn chặn hiểm họa từ phương Bắc, cho muôn dân được no đủ (13), thực hiện trách nhiệm lớn nhất của đạo trị quốc là an dân.
Với tất cả những điều nói trên, thiết nghĩ một cái nhìn khách quan, công bằng và toàn diện hơn về những hoạt động bang giao giữa triều Mạc với triều Minh thời bấy giờ quả là một sự cần thiết!
CHÚ THÍCH:
(1). Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV - dầu thế kỷ XVI, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.49.
(2). Triều Minh nghe tin Mạc Đăng Dung lên ngôi, sai Mao Bá Ôn đem quân sang lấy tiếng phù Lê diệt Mạc để tập hợp đông đảo quan lại đi theo, nhưng thực bụng là cướp nước ta. Mao Bá Ôn đã dùng thủ đoạn quen thuộc của Thiên triều là: một mặt dùng người Việt giết người Việt, dụ dỗ ban thưởng cho những người Việt nào nổi dậy giết được cha con Mạc Đăng Dung hay dâng đất đai cho chúng, mặt khac uy hiếp đem quân sang tàn phá giết người, đánh mạnh vào lòng người.
(3). Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV - dầu thế kỷ XVI,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.64.
(4). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch. Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.147 – 148.
(5). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.148.
(6). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.148.
(7). Thượng thư , tức Kinh thư, cũng gọi là Chu thư.
(8). Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV - dầu thế kỷ XVI,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.70 - 72.
(9). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.148 hoặc Lê Qúy Đôn, Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.149 – 150.
(10). Lí Quang Bí sang thì bị người Minh giữ lại ở Nam Kinh, đến năm 1563 mới được lên Bắc Kinh. Lê Quang Bí phải ở lại Trung Quốc 18 năm mới trở về nước. Khi về tới Đông Kinh, ông được Phúc Nguyên phong cho tước Tô quận công. Theo: Lê Qúy Đôn, Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1978.
(11). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.172 hoặc Lê Qúy Đôn, Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1978, tr.160.
(12). Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.81.
(13). Xem thêm: Trần Thị Vinh, Nhận thức về nhà Mạc trong một phần tư thế kỷ qua. Hội thảo khoa học: Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa: Những vấn đề lý luận và phương pháp tiếp cận, Hà Nội, 3/2011.
|
No comments:
Post a Comment