Ngôn ngữ học có thể đóng góp gì vào việc tìm hiểu tư duy và văn hoá Việt Nam? |
Giữa tiếng nói của một dân tộc với nền văn hoá của dân tộc ấy chắc chắn phải có một mới quan hệ nhất định. Vì ngôn ngữ trực tiếp phản ánh các tri giác và tư duy thế giới của cộng đồng dân tộc, mà văn hoá dân tộc không thể không liên quan đến cách tri giác và tư duy ấy. Đó là một sự thật không còn có thể đặt thành vấn đề gì nữa. Cái có thể đặt thành vấn đề là thực chất của mối quan hệ này ra sao, và trong chừng mực nào các dữ kiện ngôn ngữ có thể được sử dụng làm căn cứ kinh nghiệm để từ đấy rút ra những nhận định đáng tin cậy về những đặc trưng văn hoá của những người nói thứ tiếng ấy như tiếng mẹ đẻ của họ, và sử dụng như thế nào. Ta đã từng biết quá nhiều những nhận định vội vàng và dễ dãi về những đức tính ưu tú của dân tộc Việt, trường hợp được diễn dịch ra từ những sự kiện ngôn ngữ học như trật tự trước sau của cụm từ vợ chồng mà có người coi là một bằng chứng chắc chắn của truyền thống trọng nữ cổ truyền của nhân dân ta. Những cách diễn dịch như thế không có được bao nhiêu giá trị khoa học, nhưng không mấy ai thấy cần bàn lại, vì nhiều khi mục đích của những công trình nghiên cứu dân tộc học hình như không phải là tìm hiểu bản sắc đích thực của dân tộc, mà là phát hiện ra cho thật nhiều đức tính cao quý của dân mình, không chú ý lắm đến việc kiểm nghiệm xem những đức tính ấy có có thật hay không. Về vấn đề quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, chân lý hình như nằm ở một vùng nào đó giữa hai thái cực: một bên là tương đối luận của Whorf, chủ trương rằng ngôn ngữ là một cái lăng kính mà qua đó người bản ngữ tri giác thế giới, và do đó quy định cách tư duy của họ về hiện thực; thành thử có thể nói rằng mỗi ngôn ngữ cầm tù cái dân tộc sử dụng nó trong một thế giới riêng; và một bên là phổ quát luận của Chomsky, chủ trương rằng mấy nghìn thứ tiếng được các cộng đồng ngôn ngữ sử dụng trên thế giới chẳng qua là những dị bản địa phương của một hệ thống ngôn ngữ duy nhất thể hiện những nguyên lý phổ quát chi phối cách khái niệm hoá thế giới của chúng ta. Trong khi đó, dù ta có thừa nhận rằng mỗi ngôn ngữ là một hệ thống ký mã hành chức theo những quy luật riêng của bản thân nó, thì cũng vẫn rất khó có thể tin rằng những điều kiện sinh hoạt và phát triển khác nhau đến vô cùng tận trong đó các dân tộc rải rác khắp địa cầu đang tồn tại và giao tiếp với nhau lại không chứa đựng những nhân tố ngôn ngữ chi ngoại khác nhau có ảnh hưởng quan yếu đến cách hoạt động và diễn tiến của các ngôn ngữ. Trong số các nhân tố ngôn ngữ chi ngoại đó, dĩ nhiên, có những nhân tố thuộc lĩnh vực văn hoá, nghĩa là có liên quan đến cách các tộc người tổ chức cuộc sống vật chất và tinh thần của họ để ứng phó với những điều kiện trong đó họ tồn tại. Những ảnh hưởng của các nhân tố văn hoá đối với cấu trúc của một ngôn ngữ là điều khó có thể hồ nghi, tuy vậy không phải bao giờ cũng dễ chứng minh. Và do đó, ít ra cũng có thể tìm thấy những sự kiện ngôn ngữ nào đó có thể cắt nghĩa được bằng những sự kiện thuộc bản sắc văn hoá của khối cộng đồng nói thứ tiếng hữu quan, và đến lượt nó, các sự kiện ngôn ngữ lại có thể gợi cho ta những điều hữu ích về cách cảm nghĩ của người bản ngữ và từ đấy về nền văn hoá của họ. Các ngôn ngữ khác nhau có thể giống nhau một cách kỳ lạ về những khái niệm và ý nghĩa mà nó cần phân biệt và diễn đạt. Nhưng các ngôn ngữ lại có thể khác nhau một cách kỳ lạ không kém về những phương tiện được dùng để truyền đạt các khái niệm và các ý nghĩa ấy. Cùng một ý nghĩa thôi, mà trong ngôn ngữ này có thể được biểu đạt bằng những phương tiện từ vựng, còn trong ngôn ngữ kia lại phải biểu đạt bằng phương tiện ngữ pháp, và điều này dẫn đến một sự kiện kỳ lạ là có những ngôn ngữ bắt buộc người nói phải biểu đạt những điều không hề có chút giá trị thông tin nào. Chỉ cần đơn cử một thí dụ thôi: trong các ngôn ngữ châu Âu, người nói bị bắt buộc phải đánh dấu mọi sự việc diễn ra trước thời điểm phát ngôn bằng một hình thái riêng của vị từ gọi là “thì quá khứ” (past tense), ngay cả khi người nghe thừa biết rằng sự việc ấy diễn ra trong thời quá khứ, nhờ có tình huống đối thoại, nhờ văn cảnh hay nhờ trong câu có những trạngngữ thời gian như yesterday ‘hôm qua’ hay once upon a time ‘ngày xửa ngày xưa’. Một trong những cách thoái thác việc giải quyết những vấn đề nan giải như vậy là viện đến Saussure mà nói rằng mối quan hệ giữa năng biểu và sở biểu, xét về nguyên tắc, là võ đoán (arbitraire), nghĩa là không có nguyên do. Luận đề của Saussure quả có hiệu lực đối với phần lớn các trường hợp, những trường hợp còn lại cũng vẫn còn phải giải quyết, và những kết quả thu được sau những cố gắng đã thực hiện trong thời gian gần đây theo hướng này ít nhất cũng đã đủ để cho thấy rằng những cố gắng ấy không phải là vô bổ: những kết quả ấy ít nhất cũng đã gieo được ít nhiều ánh sáng vào công cuộc tìm hiểu cơ chế của ngôn ngữ và của quá trình thức nhận (cognition) của con người nói chung. Ta đã có thể tin chắc rằng mình không đi lạc đường khi chờ đợi ở các công trình nghiên cứu ngôn ngữ học những cứ liệu có thể góp phần giúp cho ta hiểu thêm nền văn hoá của khối cộng đồng nói thứ tiếng hữu quan. Tuy nhiên vẫn còn có những khó khăn nghiêm trọng làm cho những kì vọng của chúng ta chưa đủ căn cứ đáng tin cậy, nhất là khi thử tìm hiểu văn hoá Việt Nam qua thứ tiếng việt như nó đang được miêu tả trong các sách vở viết về tiếng Việt. Tiếng Việt được hầu hết mọi người công nhận là một trong những ngôn ngữ đơn lập điển hình nhất (nếu chưa phải chính là ngôn ngữ phân lập điển hình nhất). Tính phân tích của nó lên đến mức tối đa. Nó đại diện cho cực đối lập với tính tổng hợp của các ngôn ngữ biến hình hoà đúc ở châu Âu. Thế nhưng, ngữ pháp của nó lại quen được miêu tả nhưmột ngôn ngữ châu Âu điển hình, trừ tính biến hình (mà không phải ngôn ngữ châu Âu nào cũng còn giữ nguyên) và tính đơn tiết (mà người ta công nhận là một thuộc tính của “một số” hình vị, nhưng lại không công nhận là một thuộc tính của từ), nếu không kể một vài chi tiết vụn vặt, thì nội dung các sách “ngữ pháp tiếng Việt” dùng ở trường trung học hay đại học thường không cho biết cách phân tích các câu và các kết cấu ngữ pháp của tiếng Việt đúng như nó được nói và viết trong đời sống hàng ngày, mà chỉ cho biết kết cấu ngữ pháp của những câu, những kết cấu tiếng Pháp, tiếng Nga hay tiếng Anh có thể dùng để dịch những câu, những kết cấu tiếng Việt ấy mà thôi. Điều nà có thể thấy rõ không những trong các sách vở do những tác giả ngoại quốc soạn, mà ngay cả trong những sách vở do chính người Việt viết ra: trong đó, ta rất ít khi thấy tác giả phân tích và miêu tả những câu mà chính họ vẫn dùng hàng ngày, nếu nó không hoàn toàn khớp với những kiểu câu tiếng Âu châu. Và nếu có ai mách cho họ thấy có hàng ngàn kiểu câu không giống tiếng Âu châu mà họ chưa phân tích, thì họ lập tức tìm cách cắt xén hay đảo ngược đảo xuôi những câu “không chỉnh” sao cho nó thật “chuẩn” (tức thật giống các kiểu câu tiếng Âu châu). Ở tiểu học và trung học, người ta không dạy những câu “không chuẩn” ấy, tuy có dạy những kiệt tác của văn học Việt Nam, trong đó những câu “không chuẩn” phải chiếm ít nhất là 70% văn bản. Vì vậy, ta không nên lấy làm lạ nếu mười hai năm học “tiếng Việt” không làm cho người bước vào đại học việt đúng tiếng mẹ đẻ. Cội nguồn của tình hình này là những định kiến “dĩ Âu vi trung”, khiến người ta yên trí rằng ngữ pháp Âu châu là phổ quát, hoặc ít nhất cũng là thứ ngữ pháp văn minh nhất, và từ đó cố hết sức uốn nắn sao cho ngữ pháp tiếng việt thật giống ngữ pháp tiếng Âu châu. Sự kiện có thể minh hoạ rõ nhất cho tình hình này có lẽ là cái tập quán gán ý nghĩa “thì” (tense) cho ba chữ đã, đang và sẽ. Ít nhất là từ thế kỷ thứ XIV cho đến tận ngày hôm nay, ba từ này bao giờ cũng đánh dấu ý nghĩa “thể” và “thức”. Thế nhưng, từ thế kỷ XVII cho đến nay, sách nào cũng đã viết là “đã đánh dấu thì quá khứ, đang đánh dấu thì hiện tại, sẽ đánh dấu thì tương lai”. Trong thư tịch cổ kim có thể tìm ra hàng trăm triệu thí dụ cho thấy rằng ba từ này được dùng cho cả ba thời gian “quá khứ”, “hiện tại” và “tương lai”. Nhưng không ai quan tâm đến điều đó. Quan trọng hơn nhiều là phải tìm cho ra ba từ có thể nói là “chỉ quá khứ”, “chỉ hiện tại” và “chỉ tương lai”: ba từ ấy “dĩ nhiên” phải có, vì tiếng Âu châu có ba hình thái “thì”. Và khi đã tìm ra được rồi, thì ta đã có được một chân lý thiêng liêng cao hơn mọi tri thức, mọi sự thật của tiếng mẹ đẻ. Năm 1998, sau khi một tác giả thuộc xu hướng ngữ pháp chức năng chứng minh rằng tiếng Việt không có “thì”[1], hầu hết các nhà Việt ngữ học vẫn cứ tin rằng đã chỉ quá khứ, đang chỉ hiện tại, sẽ chỉ tương lai. Đức tin không gì lay chuyển nổi với những “chân lý” này, vốn không hề có chút chỗ dựa nào trong tiếng Việt, quả là vững chãi. Một thí dụ khác là những cố gắng kiên trì và anh dũng của các tác giả trong việc chứng minh sự tồn tại của những từ “đa tiết” trong tiếng Việt, mà mục đích chủ yếu là đi đến kết luận rằng tiếng Việt cũng “văn minh” như tiếng Tây. Để đạt đến kết luận ấy cho bằng được, có tác giả còn dùng đến những cách nguỵ biện lộ liễu như nói rằng xe đạp không phải là một thứ xe: chữ xe trong xe đạp tuyệt nhiên không liên quan gì đến xe trong xe bò hay trong đạp xe: chẳng qua đây là những trường hợp đồng âm ngẫu nhiên mà thôi. Thật ra, những tác giả ấy biết chắc từ lâu (từ trước khi làm ngôn ngữ học) rằng xe đạp “dĩ nhiên” chỉ có thể là một từ, vì trong tiếng Pháp, đó chắc chắn là một từ. Tình hình này còn lặp lại trong cách xử lý các danh thừ chính danh được coi là hư từ chỉ vì không thể dịch bằng một danh từ trong tiếng Pháp hay tiếng Nga. Nhưng vì không thể công khai thú nhận lý do này, người ta lấy cớ là những từ như cái, con, tấm, bức là “loại từ” , tức một thứ hư từ, chứ không phải là danh từ vì “không dùng độc lập”, quên mất rằng hàng trăm từ “không độc lập” như giọt, cặp, lần, bên, phía, đã được chính họ công nhận là danh từ chỉ vì có thể dịch ra tiếng Pháp bằng những danh từ. Thật ra, những luận chứng mà họ đưa ra bao giờ cũng được phát minh ra “tại chỗ” (ad hoc) để làm cho những nhận định của mình có dáng dấp khoa học, trong khi cơ sở duy nhất làm kim chỉ nam cho họ là ngữ pháp tiếng Âu châu. Một tình hình như vậy trong ngôn ngữ học khó lòng có thể làm cho việc sử dụng những dữ kiện ngôn ngữ làm cứ liệu để xây dựng những giả thiết có liên quan đến diện mạo văn hoácủa dân tộc Việt Nam. Dù người nghiên cứu có thận trọngđến đâu, thì trước sau cái gọi làngữ pháp tiếng Việt kia may mắn lắm cũng chỉ phản ánh cách nhận thức và tư duy về thế giới của người Âu châu mà thôi. Trong khi đó, hình như không phải là không thể diễn dịch từ các sự kiện của tiếng Việt ra một số giả thiết về những đặc trưng văn hoá của dân tộc Việt Nam, miễn sao các sự kiện ngôn ngữ ấy không bị bóp méo và thay thế bằng những sự kiện chỉ thấy có trong các ngôn ngữ Âu châu. Những công cuộc nghiên cứu về ngữ pháp chức năng của tiếng Việt đang được tiến hành tích cực ở Việt Nam, trong đó, tôi có thể kể đến những công trình của Tiểu ban Tiếng Việt thuộc Hội Ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh, đang đem lại cho chúng tacái khả năng hy vọng rằng trong một tương lai không xa các dữ liệu ngôn ngữ, được trình bày trong một cái khung lý thuyết thoát khỏi mọi định kiến dĩ Âu vi trung, sẽ góp phần vào việc tìm hiểu tư duy Việt Nam và văn hoá Việt Nam. Sau đây là một số vấn đề hay hệ vấn đề mà khi đã được giải quyết thích đáng có thể hứa hẹn một hướng đi dẫn tới những cuộc tìm tòi tiến xa hơn: 1. Sự vắng mặt của một chủ ngữ ngữ pháp và vai trò chủ đạo của chủ đề và khung đề (hai chức năng cú pháp – logic trong câu tiếng Việt có thể được phân bố bất cứ vai nghĩa nào trong sự tình do câu biểu hiện) có thể cho phép ta hiểu gì thêm về cách tư duy, cách nhìn nhận hiện thực và cách lập luận của người Việt? 2. Trong khi cấu trúc cú pháp của câu trong các thứ tiếng châu Âu có thể không tương ứng với cấu trúc logic của mệnh đề thì trong các thứ tiếng đề - thuyết như tiếng Việt cấu trúc cú pháp của câu lại trùng khớp với cấu trúc logic của mệnh đề: điều đó có ý nghĩa gì đối với cách tư duy trong hai loại hình ngôn ngữ nói trên? 3. Tại sao đại đa số các danh từ trong tiếng Việt, trong đó có cả những danh từ dùng cho đồ vật, lại có thái độ cú pháp của những danh từ khối? ngoài tính phân tích mà danh ngữ tiếng Việt trình diễn, có thể kết luận gì thêm về cách từ vựng hoá của tiếng Việt và về cách khái niệm hoá của người Việt? 4. Nội dung nghĩa của các “loại từ” và vai trò ngữ pháp của nó trong danh ngữ là gì? Hiện tượng này có phải là một phổ niệm ngôn ngữ học không? 5. Sự vắng mặt của phạm trù ngữ pháp “thì” trong tiếng Việt có cho thấy một đặc trưng nào trong cách tri giác thời gian của người Việt hay không? 6. Hệ thống lượng từ (quantifiers) -bao gồm cả số từ- và cách dùng các từ nàycó htể cho biết gì về cách tư duy của người Việt? Những con số “ma thuật” phản ánh những gì? Tại sao những “quán từ” như các, những, thường đánh dấu số phức, không dùng cho những danh từ chỉ bộ phận cơ thể (các DT này được lượng hoá bằng những DT chỉ tập hợp như đôi, cặp, hay bằng những số từ như hai, mười)? 7. Tại sao, và từ bao giờ, các thuật ngữ chỉ quan hệ thân thuộc được dùng thay cho các đại từ nhân xưng, các đại từ nhân xưng và hồi chỉ chính danh trở thành vô lễ, và rốt cuộc trong tiếng Việt không còn có đại từ nào (kể cả đại từ hồi chỉ) có tính trung hòa (không mang sắc thái hữu trưng về phương diện lễ độ) nữa? Hệ thống đại từ này có ảnh hưởng như thế nào đối với các quan hệ giữa người và người trong xã hội Việt Nam? Tham luận đọc tại Hội nghị Quốc Tế về Các giá trị văn hoá phương Đông, Hà Nội 1999. [trích CXH, Tiếng Việt Văn Việt Người Việt Nxb. Trẻ, Sài gòn, 2001, tr. 287-295]
|
No comments:
Post a Comment