Đi tìm nguồn gốc địa danh Tư Nghĩa |
TƯ NGHĨA, CHƯƠNG NGHĨA, TƯ NGÃI
Địa danh Tư Nghĩa xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng
Tư 思 là nghĩ, suy nghĩ; nghĩ đến, lo liệu; mến nhớ[1]; Nghĩa (Ngãi) 義: nghĩa khí. Đặt tên Tư Nghĩa cho vùng đất nầy, người xưa muốn nhắc mình và hậu thế, rằng chữ “Nghĩa” là điều phải hằng nhớ đến, bằng cả lý trí và trái tim, trong ứng xử với trời đất và tha nhân.
Tuy nhiên, các địa danh Tư và Nghĩa đã xuất hiện ngay từ đầu thế kỷ XV, cụ thể là vào năm Nhâm Ngọ - 1402 (niên hiệu Thiệu Thành thứ 2, đời Hồ Hán Thương), khi nhà Hồ thực hiện quyền cai quản vùng đất Chiêm động và Cổ Lũy động; chia đất ấy thành 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; đặt lộ Thăng Hoa thống hạt 4 châu, lập trấn Tân Ninh ở vùng đầu nguồn, cử quan lại cai trị đưa dân Việt vào khai khẩn, lại cấp cho trâu để cày bừa [2].
Chiêm động và Cổ Lũy động của người Chăm hay lộ Thăng Hoa của người Việt, chính là vùng đất về cơ bản thuộc tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Lộ Thăng Hoa có 4 châu:Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, trong đó châu Tư và châu Nghĩa về sau là đất Quảng Nghĩa/ Ngãi.
Thời Lê Trung hưng, xuất hiện địa danh Chương Nghĩa. Đây là một huyện nằm trong địa bàn phủ Tư Nghĩa, bao gồm huyện Tư Nghĩa và phần đất nằm phía tây bắc sông Vệ của huyện Nghĩa Hành.
Chương 彰 : là sáng rỡ, rực rỡ; rõ rệt, rõ ràng. Chương Nghĩa mang hàm ý về nghĩa khí sáng ngời của những con người sống trên mảnh đất ấy.
Năm 1890 (Thành Thái năm thứ 2), huyện Chương Nghĩa đổi thành phủ Tư Nghĩa, đồng thời vùng đất phía tây bắc sông Vệ hình thành châu Nghĩa Hành (chữ Nghĩa trong địa danh Nghĩa Hành chính là lấy từ chữ Tư Nghĩa). Phủ Tư Nghĩa lúc này có 5 tổng với 67 xã thôn, bao gồm cả vùng đất ngày nay là thành phố Quảng Ngãi.
Cách đây chừng 3, 4 thập kỷ trở về trước, nhiều bậc cao niên thường gọi huyện Tư Nghĩa ngày nay là huyện Chương Nghĩa, vì quen theo cách gọi đã có lịch sử mấy trăm năm, tính đến thời điểm 1890.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong một thời gian ngắn phủ Tư Nghĩa đổi tên là phủ Nguyễn Thuỵ , tên nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội ở Quảng Ngãi. Đầu 1946, cấp tổng được bãi bỏ, các làng xã cũ hợp thành xã mới, phủ đổi thành huyện. Huyện Tư Nghĩa lúc này có 12 xã đều lấy chữ Nghĩa làm đầu: Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Điền, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lộ, Nghĩa Trang, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Dõng, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà.
Sau khi tiếp quản tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền Sài Gòn đổi đặt các xã trong huyện Tư Nghĩa, lấy chữ Tư làm đầu thay cho chữ Nghĩa. Thị xã Quảng Ngãi đổi là xã Cẩm Thành (gồm 4 ấp: Bắc Môn,
Cuối năm 1975, huyện Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi hợp nhất thành thị xã Quảng Nghĩa, trực thuộc tỉnh Nghĩa Bình. Đến cuối năm 1981, thị xã Quảng Nghĩa lại tách thành 2 đơn vị huyện, thị xã như cũ, có điều chỉnh về địa giới: xã Nghĩa Dõng (sau tách thành 2 xã Nghĩa Dõng và Nghĩa Dũng) và một phần xã Nghĩa Điền (nay là xã Quảng Phú) giao về thị xã Quảng Ngãi. Các xã mới dần dần hình thành và đến 2005 huyện Tư Nghĩa có 2 thị trấn, 16 xã[3].
Tiến sỹ nho học Lê Ngải (Ngại) trong cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ có tên “Quảng Ngãi nhất thống chí” thì chép tên huyện Tư Nghĩa là “Tư Ngãi”.
Lê Ngải sinh năm Mậu Thìn – 1868, người xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, thi đỗ cử nhân khoa thi hương năm Tân Mão (Thành Thái năm thứ 3 – 1891) tại trường thi Bình Định, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Năm Tân Sửu (Thành Thái thứ 13 – 1901). Ông từng giữ chức huấn đạo huyện Mộ Đức, chưa rõ mất vào năm nào, phần mộ hiện tọa lạc tại thị trấn Đức Phổ.
“Quảng Ngãi nhất thống chí” (bản chép tay) do Lê Ngải biên soạn, đến nay vẫn chưa có nhiều người được tiếp cận, nhưng là một tác phẩm biên khảo cung cấp nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, quá trình diên cách, văn hóa và nhân vật vùng đất Quảng Ngãi, Tư Nghĩa.
Là người tinh thông cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ, từng có thời gian giữ trách vụ đứng đầu việc giáo dục ở một huyện lớn của tỉnh Quảng Ngãi, nên những ghi chép của tiến sỹ Lê Ngải là thông tin nghiêm túc, đáng tin cậy. Rất có khả năng thời bấy giờ giới quan lại, viên chức đọc tên huyện Tư Nghĩa là Tư Ngãi.
NGHĨA VÀ NGÃI
Nghĩa và Ngãi thực ra là hai cách đọc (phát âm) theo lối hán Việt của cùng một con chữ nói trên.
Nghĩa biến thành Ngãi ( Quảng Nghĩa thành Quảng Ngãi, Tư Nghĩa thành Tư Ngãi) là do kiêng âm tên thuỵ chúa Nguyễn Phúc Thái (1849 – 1691), con trai Dũng Triết Vương Nguyễn Phúc Tần. Nguyễn Phúc Thái nổi tiếng là nhà chúa khoan hòa, trọng dụng người tài, giảm miễn sưu dịch cho dân, cải bỏ nhiều tập tục hủ lậu của người Đàng Trong. Thời nhà Nguyễn, ông được truy tôn miếu hiệu là Anh Tông, thụy là Thiệu Hư Toản Nghiệp Khoan Hồng Bác Hậu Ôn Huệ Từ Tường Hiếu Nghĩa hoàng đế, tên thường gặp trong sử sách là Hoằng Nghĩa Vương hay Nghĩa Vương.
Có một hiện tượng khá đặc biệt về kỵ huý trong lịch sử nước ta làLệ kiêng âm tên huý và tên thuỵ của các chúa theo đường truyền khẩu mà không ban chính lệnh. Mặc dù tìm mọi cách thoát khỏi chính quyền trung ương (do họ Trịnh thao túng, vua Lê chỉ làm vì), nhưng các chúa Nguyễn chưa bao giờ chối bỏ vai trò chính thống của họ Lê, kể cả khi Nguyễn Phúc Khoát đã xưng vương (1744). Đã thừa nhận vua Lê (dù chỉ trên danh nghĩa) thì việc ban chính lệnh để kỵ huý cho dòng họ mình là điều không hợp lý. Nhưng mặt khác, các chúa Nguyễn lại có quá trình lập nghiệp lâu đời ở Đàng Trong và là người thực tế giữ quyền uy cao nhất của vùng này. Dù thế nào, họ cũng có công đáng kể trong việc khai phá phương
Lệ kiêng âm tên huý và tên thuỵ một biểu hiện của sự tôn kính bắt đầu từ trong phủ chúa, lan dần ra giới quan lại, rồi trở nên phổ biến trong dân gian, bám chặt vào ngôn ngữ đời thường và cùng những nét riêng khác về ngữ âm, từ vựng,... tạo nên sắc thái riêng của ngôn ngữ phương Nam
Quảng Nghĩa đọc thành Quảng Ngãi; Tư Nghĩa đọc thành TưNgãi; nhân nghĩa đọc thành nhơn ngãi...
Cũng có ý kiến cho rằng việc đọc chệch Nghĩa thành Ngãi là do kỵ húy tên bà Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức, một người có gốc gác Quảng Ngãi. Thuyết nầy cho rằng bà Từ Dụ tên là Nguyễn Thị Ái Nghĩa. Trong một bài viết cách đây khá lâu, chúng tôi (LHK) đã chứng minh điều nầy là không đúng, vì tên thật của đức Từ Dụ là Phạm Thị Hằng
Đại
Đại
Có vài ý kiến khác, cho rằng Nghĩa viết thành Ngãi là do người Pháp đọc chệch mà ra.
Suốt 87 năm đô hộ nước ta (1858 – 1945) đặc biệt là sau hiệp ước Patenotre (1884) người Pháp chẳng hề cải tên một tỉnh, thậm chí một huyện nào ở Trung kỳ, vùng đất trên danh nghĩa thuộc vua nước Đại Nam. Quảng Ngãi không nằm ngoài sự thật đó. Còn như nói rằng cải tên như thế cho dễ đọc thì lại càng lầm! Cả Nghĩa lẫn Ngãi đều rất khó phát âm đối với người Pháp; thậm chí tự dạng AI của chữ Ngãi rất dễ khiến họ đọc nhầm thành âm [E].
Để làm rõ hơn, chúng ta thử xem người phương Tây ký âm chữ Ngãi như thế nào trong ngôn ngữ của họ. Điều nầy quả thật khó khăn, nhưng rất may là trong cuốn sách du ký, có tên là “Xứ Đàng Trong năm 1621” nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha Cristopho Borri (1583 – 1632), đã kể ra 5 đơn vị hành chính – quản lý lãnh thổ của xứ Đàng Trong, theo thứ tự từ bắc vào nam mà ông ta đã đến là: Thuận Hóa, Cacciam (Quảng Nam), Quamguia (Quảng Ngãi, LHK nhấn mạnh) và Quingnim (Qui Nhơn).[5] Tiếng Bồ mà Cristopho Borri sử dụng trong cuốn sách của ông ta không phải là tiếng Pháp, nhưng đó là những ngôn ngữ cùng hệ và rất gần nhau, cả về ngữ âm, ngữ pháp và chữ viết.
Vậy đó, sự biến đổi từ Nghĩa sang Ngãi là chuyện của người Việt
Bến Hà Nhai, mùa thu năm Tân Mão - 2011
Lê Hồng Khánh
[1] Nguyễn Văn Khôn; Hán Việt từ điển; Khai Trí; Sài Gòn 1960; Phần chữ Hán trong bài viết, chúng tôi theo cuốn từ điển nầy.
[2] Ngô Sĩ Liên và nhiều người khác – Đại Việt sử ký toàn thư - bản dịch Cao Huy Giu – NXB Khoa học xã hội – HN – 1968, t. III – tr 232 – 235.
[3] UBND tỉnh Quảng Ngãi; Địa chí Quảng ngãi; NXB Từ điển bách khoa. HN; 2008, trang 841 - 842
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại
[5] Cristophoro Borri Xứ Đàng Trong năm 1821. Hồng Duệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Đình Nghi dịch và chú thích; NXB TP HCM 1998; trang 13.
|
No comments:
Post a Comment