Lịch sử | |
Địa danh Khánh Hòa thời mở đất | |
ĐỊA DANH KHÁNH HÒA THỜI MỞ ĐẤT QUA MỘT BẢN LỘ ĐỒ THỜI LÊ
VỀ TÁC GIẢ VÀ NIÊN ĐẠI CỦA “GIÁP NGỌ NIÊN BÌNH NAM ĐỒ” (GNNBNĐ)
Năm 1962, Viện Khảo Cổ Sài Gòn có phiên dịch và xuất bản một tập bản đồ cổ trong kho sách Hán Nôm Việt Nam có tên là “Hồng Đức Bản Đồ ”(HĐBĐ)(1). Theo lời giới thiệu của nhóm biên dịch, sách này được in lại từ vi ảnh mang ký hiệu 100891 mà nguyên bản tàng trữ tại Đông Dương Văn Khố ở Tokyo, Nhật Bản. Nội dung sách này gồm 6 tư liệu khác nhau viết ở những thời điểm khác nhau nhưng đều nói về địa lý Việt Nam từ đời Gia Long trở về trước. Hiện nay trong thư viện của Viện Hán Nôm (Hà Nội) cũng có lưu trữ một bản chép tay sách HĐBĐ ký hiệu A.2499. Qua so sánh, đối chiếu với bản của Đông Dương Văn Khố, chúng tôi thấy nội dung và thứ tự trình bày ở hai bản này hoàn toàn giống nhau (2).
Phần thứ tư của sách HĐBĐ là một tập bản đồ cổ có tên là “Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ” (tạm dịch: Bản đồ dẹp yên miền Nam năm Giáp Ngọ). Trên trang đầu, sau nhan đề có ghi thêm dòng chữ: Đốc suất Đoan Quận công hoạ tiến (tạm dịch: Quan đốc suất Đoan Quận công vẽ xong dâng lên). Vậy Đoan Quận Công là ai? Lần giở các trang lịch sử trong giai đoạn này, ta thấy ngay một trường hợp đáng chú ý: Đoan Quận Công là tước của Nguyễn Hoàng do vua Lê phong cho trước khi vào trấn nhậm đất Thuận Hóa (1558). Vậy phải chăng Nguyễn Hoàng là tác giả của GNNBNĐ? Nguyễn Hoàng mất vào năm 1613. Nếu quả thật Nguyễn Hoàng là tác giả của GNNBNĐ thì những bản đồ này phải được vẽ trước năm ông mất. Nhưng nếu xem kỹ, ta sẽ thấy trong GNNBNĐ có những địa danh mà thời điểm xuất hiện muộn hơn nhiều.
Tra cứu các sử liệu thời Lê hoặc viết về thời Lê như “Đại Việt Sử Ký Tục Biên”, “Phủ Biên Tạp Lục”, “Lê Quý Dật Sử”, “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí”, chúng tôi phát hiện rằng nhân vật Đoan Quận Công trong trường hợp này chính là Bùi Thế Đạt, người được chúa Trịnh Sâm phong chức Kiêm Đốc suất Bình Nam Đại tướng quân, đặc phái cùng Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc đem quân vào đánh chúa Nguyễn ở Thuận Hóa và Quảng Nam năm Giáp Ngọ (1774). Đoạn văn trong sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết về sự kiện này như sau: “Năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774), Giáp Ngọ, tháng 5, trấn thủ Nghệ An là Đoan Quận công Bùi Thế Đạt khải đệ lên tờ báo cáo của Trà Vũ Bá là tướng đồn Bố Chính đại khái nói về tình hình rối loạn ở Quảng Nam. Bấy giờ triều đình đã dẹp yên Hưng Hóa, đánh được Trấn Ninh, thế nước rất thịnh. Chúa Thượng đã biết rõ họ Nguyễn suy yếu, có cơ hội lấy được, thấy tờ khải của Đoan Quận Công, đang đêm cho gọi Chưởng phủ Đại tư đồ quốc lão Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc và Tham tụng Đại tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm vào bàn, đều nói rằng nên đánh. Bèn quyết kế đi đánh. Tức thì sai Việp Quận công Hòang Ngũ Phúc làm Thống suất Bình Nam thượng tướng quân, Đoan Quận công Bùi Thế Đạt làm Kiêm Đốc suất Bình Nam đại tướng quân đi kinh lược trước”(3). Vậy phải chăng Bùi Thế Đạt chính là tác giả của GNNBNĐ, và năm Giáp Ngọ 1774 cũng chính là niên đại thực hiện bản đồ này?
Dựa vào sự hiện diện của các địa danh “Thái Khang phủ”, “Diên Ninh phủ” (được lập năm 1653, nay là tỉnh Khánh Hòa) và địa danh “Chính phủ” (lập năm 1687 ở xã Phú Xuân, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong) là những dữ liệu muộn nhất được ghi lại trên bản đồ, chúng tôi cho rằng thời điểm thực hiện GNNBNĐ nằm đâu đó trong khoảng từ năm 1687 (là năm chúa Nguyễn Phúc Thái lập Chính Phủ ở Phú Xuân) đến trước năm 1690 (là năm phủ Thái Khang sẽ được đổi tên thành phủ Bình Khang).
Sau khi xác định niên đại của GNNBNĐ, ta lại thấy rằng niên đại này dường như mâu thuẫn với chính cái tên của nó, bởi vì năm Giáp Ngọ, như đã xác minh, là năm 1774, cách thời gian bản đồ này được thực hiện gần cả thế kỷ. Chúng tôi nghĩ rằng có thể lý giải điều này như sau: GNNBNĐ đúng là bản đồ do quan Đốc suất Đoan Quận công Bùi Thế Đạt dâng lên chúa Trịnh trong cuộc hành quân vào Nam năm 1774, nhưng có lẽ trong quá trình thám sát, ông đã không trực tiếp vẽ bản đồ vùng đất này vào cùng năm đó (vì nếu thế thì trên bản đồ phải có những địa danh cùng thời xuất hiện), mà chỉ sao chép lại một bản đồ của Đàng Trong đã có từ trước vào cuối thế kỷ XVII. Bản đồ này có thể họ Bùi đã thu thập được từ sổ sách, văn thư của chính quyền chúa Nguyễn đã bỏ lại khi chạy vào Nam.
CÓ MỘT BẢN ĐỒ KHÁNH HÒA THỜI MỞ ĐẤT
Năm 1653, sau khi đánh bại vua Chiêm là Bà Tấm, chúa Nguyễn Phúc Tần lấy đất từ phía đông sông Phan Rang đến đầu địa giới Phú Yên đặt làm 2 phủ là Thái Khang (gồm 2 huyện Quảng Phúc và Tân Định) và Diên Ninh (gồm 3 huyện Phúc Điền, Hoa Châu và Vĩnh Xương), tức là địa phận tỉnh Khánh Hòa hiện nay(4). Nếu chúng ta nhận rằng thời điểm vẽ GNNBNĐ nằm đâu đó trong khoảng từ 1687 đến trước 1690 tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVII, mặt khác, những sử liệu có đề cập đến vùng đất này như “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn cũng chỉ được viết sau thời điểm ra đời của bản đồ này cả thế kỷ, thì GNNBNĐ chính là một trong những nguồn tư liệu sớm nhất, phản ánh chân xác và kịp thời bộ mặt địa lý-lịch sử của vùng đất Khánh Hòa ở buổi đầu hình thành và phát triển. GNNBNĐ là một bản lộ đồ ghi vẽ lại khá chi tiết sông núi, đường xá, dinh sở, thành lũy, nhà trạm, kho tàng, cầu, chợ, bến đò, cửa biển, hải đảo... kèm theo những lời chỉ dẫn về lộ trình từ Đồng Hới đến biên giới Cao Miên, tức là vùng đất phía nam của Tổ Quốc, giang sơn của các chúa Nguyễn mà thời bấy giờ gọi là xứ Đàng Trong hay Nam Hà. Dưới đây là ảnh chụp trích đoạn GNNBNĐ (phần vẽ 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh, tức vùng đất Khánh Hòa hiện nay) và bảng phiên âm các địa danh (bằng chữ Hán và chữ Nôm) trên bản đồ. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi tạm phân chia bản đồ thành từng ô có đánh số.
Hình 1: Bản đồ 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh trong GNNBNĐ
Hình 2: Bảng phiên âm các địa danh và ghi chú trên bản đồ GNNBNĐ (Phần vẽ hai phủ Thái Khang và Diên Ninh)
CHÚ THÍCH:
(1) Hồng Đức bản đồ, Viện Khảo cổ Sài Gòn phiên dịch và xuất bản, 1962.
(2) Xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, NXB Văn Hóa, Hà Nội 1984, tập 1, tr.345 và Bùi Thiết, Thêm một số bản đồ thời Lê, Tạp chí Khảo cổ học số 1/1982, tr.68.
(3) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, tr.72
(4) Đại Nam thực lục tiền biên, NXB Sử học, Hà Nội 1962, tập 1, tr.83.
(5) Đèo Hổ Dương: Sách Lịch triều hiến chương loại chí - phần Dư địa chí của Phan Huy Chú (1782-1840) chép: “Đầu đời Thịnh Đức Hiếu Triết Hoàng đế (Nguyễn Phúc Tần) sai quân đi đánh Chiêm Thành, qua núi Thạch Bi, đỉnh Hổ Dương đi đến trại vua Bà Tấm phóng lửa đốt phá, Chiêm Thành phải xin hàng”. Núi Thạch Bi tức là núi Đá Bia (nằm giữa địa giới hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa). Vậy đèo Hổ Dương chính là đèo Cả hiện nay
(6) Tô Hà: Sách Đại Nam nhất thống chí - Tỉnh Khánh Hòa (ĐNNTC) chép: “Núi Tô Hà: Ở phía tây bắc huyện Quảng Phước 59 dặm, trước tên là Hoa Sơn. Sông Tô phát nguyên ở đây cho nên có tên là núi Tô Hà. Gió nam thường từ núi này thổi lại, cho nên có ngạn ngữ: “gió Tô Hà”. Vùng đất phía bắc huyện Vạn Ninh (hiện nay gồm 5 xã Đại Lãnh, Vạn Thọ, Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Khánh) trước kia gọi là Tu Bông, phải chăng bắt nguồn từ tên sông Tô (Tô/Tu), núi Hoa (Hoa=Bông) ghép lại?
(7) Hoa Đằng Sơn: còn có tên là Phước Hà Sơn, tức núi Hòn Hèo (huyện Ninh Hòa). Sách ĐNNTC chép: “Núi Phước Hà: Ở phía đông nam huyện Quảng Phước 5 dặm. Núi này có nhiều cây mây hoa cho nên cũng gọi là núi Hoa Đằng. Sườn núi cao lớn, bao quanh vài mươi dặm, phía đông bắc gối bờ biển, phía tây nam chận ngăn cửa biển Nha Phu”.
(8) Nha Tù hải môn: tức cửa biển Nha Phu (huyện Ninh Hòa). Sách Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) đổi tên tấn sở Nha Tù ở tỉnh Khánh Hòa là Nha Phu”.
(9) Các sách Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí đều chép phủ Thái Khang gồm 2 huyện là Quảng Phước và Tân Định, nhưng trong GNNBNĐ lại có thêm tên một huyện thứ ba là Tân Khang. Xin chép lại đây để tồn nghi.
(10) Chúa Ngọc tháp: Bà Chúa Ngọc là cách gọi tôn kính của cả người Chăm lẫn người Việt đối với nữ thần Pô Na-ga hay còn gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu, nay vẫn được thờ phụng tại di tích Tháp Bà trên núi Cù Lao bên cửa sông Cái, Nha Trang.
(11) Nha Trang hải môn: cửa biển Nha Trang.
(12) Cam Linh môn: cửa biển Cam Ranh.
| |
Nguyễn Man Nhiên |
No comments:
Post a Comment