Friday, 27 September 2013
KHÁI QUÁT LỊCH SỬ TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY (1976-2011)
Lịch sử phát triển
KHÁI QUÁT LỊCH SỬ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
(1976-2011)
Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy ra đời, trưởng thành và phát
triển gắn liền với nhiệm vụ cách mạng của Đảng và lực lượng Công an
nhân dân, đã trải qua các giai đoạn lịch sử sau đây:
I. THỜI KỲ TIỀN THÂN CỦA TRƯỜNG HẠ SỸ QUAN CẢNH SÁT
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
(4/1957-9/1976)
1. CÁC LỚP PHÒNG HỎA, CỨU HỎA ĐẦU TIÊN
(4/1957-9/1963)
Ngày 7-5-1954 Miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Tháng 12-1954 Bộ Công
an Quyết định thành lập Đại đội Cứu hoả thuộc Ban Trị an dân cảnh - Sở
Công an Hà Nội gồm 60 cán bộ, chiến sĩ và 7 xe cứu hoả.
Ngày 17-3-1957 Bộ Công an có Công văn số 274/TA-TP gửi các Sở, Ty
Công an về việc cử cán bộ đi học bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng hoả, cứu
hoả. Địa điểm mở tại thành phố Hải Phòng.
- Lớp đầu tiên khai giảng vào ngày 16-4-1957, gồm 84 học viên;
- Lớp thứ hai khai giảng vào ngày 11-6-1957, gồm 107 học viên.
Tổng số 2 lớp có 191 học viên. Thời gian học 6 tháng.
2. TỔ GIÁO DỤC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
(9/1963-12/1965)
Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 53/LCT công bố
“Pháp lệnh Quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác phòng
cháy, chữa cháy ”. (Bác Hồ đã sửa lại cụm từ “Phòng hoả, cứu hoả” trước
đây thành cụm từ “Phòng cháy, chữa cháy” cho đúng với nghĩa của tiếng
Việt).
Tháng 9-1963 Bộ Công an đã ký Quyết định số 1226/CA-QĐ thành lập
Tổ giáo dục Phòng cháy, chữa cháy.
Tổ Giáo dục PCCC là đơn vị trực thuộc Khoa Cảnh sát (Khoa Nghiệp vụ
II) thuộc trường Công an Trung ương. Nay là Học viện An ninh nhân dân.
Tổ Giáo dục PCCC có chức năng, nhiệm vụ: “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp
vụ PCCC cho cán bộ cảnh sát PCCC đang công tác ở các đơn vị địa
phương”.
Tổ Giáo dục PCCC có 4 đồng chí. Tổ trưởng là đồng chí Đinh Mười, 2
đồng chí giáo viên tốt nghiệp trung cấp PCCC ở Lê-Nin-Grát (Liên Xô) về
và 1 lái xe).
Ngày 2-12-1963, Trường Công an Trung ương chiêu sinh 1 lớp nghiệp vụ
kỹ thuật PCCC gồm 60 học viên là cán bộ Công an các tỉnh phía Bắc cử
đi học, lớp có phiên hiệu C156. Thời gian học 18 tháng.
3. KHOA CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
(12/1965- 7/1971).
Ngày 30-12-1965, Bộ Công an ký Quyết định số 154/CA-QĐ về việc tách
Khoa Nghiệp vụ II (Khoa Cảnh sát) và thành lập Phân hiệu Cảnh sát nhân
dân, trực thuộc trường Công an Trung ương. Tổ chức, bộ máy của Phân
hiệu Cảnh sát nhân dân gồm 4 Khoa và 4 Tổ, trong đó có Khoa Cảnh sát
Phòng cháy, chữa cháy (phiên hiệu là Khoa 56).
Khoa Cảnh sát PCCC có chức năng, nhiệm vụ: “Đào tạo và bổ túc nghiệp
vụ PCCC cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC; nghiên cứu góp
phần vào việc tổng kết và xây dựng lý luận nghiệp vụ PCCC cho ngành
Công an”.
Tổng số cán bộ, chiến sĩ có 9 đồng chí (trong đó: 4 cán bộ, 3 giáo viên, 2
nhân viên). Lãnh đạo Khoa có 3 đồng chí: Trưởng khoa là đồng chí Đinh
Mười; 2 Phó trưởng Khoa là đồng chí Nguyễn Thành Lâm và đồng chí
Nguyễn Khải. Trình độ: 3 đồng chí trung cấp PCCC (2 đồng chí tốt
nghiệp ở Liên Xô về; 1 đồng chí trong nước).
- Tháng 8-1965 nhà trường chiêu sinh lớp C256 gồm 56 học viên;
- Tháng 12-1970 nhà trường chiêu sinh lớp C356 gồm 53 học viên;
- Tháng 12-1971 nhà trường chiêu sinh lớp C456 gồm 53 học viên.
Tổng số 3 lớp có 162 học viên. Thời gian học 18 tháng. Chương trình đào
tạo về nghiệp vụ kỹ thuật PCCC.
4. PHÂN HIỆU CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
(7/1971- 9/1976).
Ngày 20-7-1971, Bộ Công an ký Quyết định số 1099/CA-QĐ về việc tách
Khoa Cảnh sát PCCC và thành lập Phân hiệu Cảnh sát Phòng cháy, chữa
cháy (Phân hiệu II), trực thuộc trường Cảnh sát nhân dân. Địa điểm đặt tại
xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Phân hiệu Cảnh sát PCCC có chức năng, nhiệm vụ: “Đào tạo chuyên
ngành kỹ thuật an toàn PCCC và Điều lệnh chiến đấu cho sĩ quan, hạ sĩ
quan thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC - Bộ Công an”.
Tổ chức, bộ máy Phân hiệu Cảnh sát PCCC gồm 3 Ban: Ban Chính trị;
Ban Giáo dục; Ban Hành chính quản trị.
Tổng số cán bộ, chiến sĩ có 25 đồng chí. Lãnh đạo Phân hiệu 3 đồng chí
(Đồng chí Lục Văn Giỏi - Phân Hiệu trưởng, 2 Phân Hiệu phó là đồng chí
Lê Cừ và đồng chí Nguyễn Thành Lâm), 14 cán bộ, 8 giáo viên. Trình độ:
1 Đại học, 5 trung cấp PCCC đào tạo ở Liên Xô và Cộng hòa dân chủ
Đức về, số còn lại là sơ cấp.
- Tháng 12-1972 nhà trường chiêu sinh lớp C556 gồm 75 học viên;
- Tháng 3-1974 nhà trường chiêu sinh lớp C656 gồm 45 học viên;
- Tháng 2-1975 nhà trường chiêu sinh lớp C756 gồm 57 học viên.
Tổng số 3 lớp có 177 học viên. Thời gian học 18 tháng. Chuyên ngành
nghiệp vụ kỹ thuật PCCC.
Đầu tháng 3-1975, Phân hiệu được giao nhiệm vụ huấn luyện 250 cán bộ,
chiến sĩ PCCC bổ sung cùng với lực lượng An ninh và Cảnh sát vào miền
nam, tham gia tiếp quản các vùng mới giải phóng.
Từ năm 1963 - 1975, Phân hiệu Cảnh sát PCCC đã đào tạo 7 khóa với
tổng số 373 cán bộ có trình độ sơ cấp PCCC.
II. TRƯỜNG HẠ SỸ QUAN CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY CHỮA
CHÁY
(9/1976-11/1984).
Ngày 2-9-1976, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn ký Quyết định số
5062-NV/QĐ tách Phân hiệu Cảnh sát PCCC ra khỏi trường Cảnh sát
nhân dân và thành lập trường Hạ sĩ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy,
giao Cục Cảnh sát PCCC giúp Bộ trưởng trực tiếp quản lý.
Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát PCCC có chức năng, nhiệm vụ: “Đào tạo,
bồi dưỡng, bổ túc sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy
của lực lượng Công an nhân dân”.
Quy mô đào tạo 600 học viên. Địa điểm đặt tại xã Nhân Chính, huyện Từ
Liêm, thành phố Hà Nội.
Tổ chức, bộ máy của trường Hạ sĩ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy
gồm 9 đơn vị (6 Khoa, 3 Phòng).
Tổng số cán bộ, chiến sĩ có 46 đồng chí. Ban Giám hiệu 3 đồng chí (Hiệu
trưởng là đồng chí Nguyễn Thành Lâm, 2 Phó Hiệu trưởng gồm các đồng
chí Nguyễn Khải và đồng chí Đinh Trung); lãnh đạo các đơn vị 9 đồng
chí, cán bộ 22 đồng chí, giáo viên 14 đồng chí, công nhân viên 10 đồng
chí. Trình độ: 10 Đại học, 9 trung cấp, số còn lại là sơ cấp và chưa qua
đào tạo.
Ngày 25-9-1976, nhà trường đã tổ chức chiêu sinh đào tạo hệ trung cấp
Cảnh sát PCCC khóa I. Tổng số 144 học viên (ký hiệu khóa K1).
Từ năm 1976-1984 nhà trường đã đào tạo 5 khóa trung cấp PCCC (620
học viên), mở 2 lớp chuyên khoa sĩ quan PCCC do trường Cảnh sát
chuyển đến (75 học viên). Ngoài ra nhà trường còn mở 2 lớp ngoại ngữ
tiếng Nga, 2 lớp bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ điều tra, xử lý nguyên
nhân vụ cháy cho cán bộ kiểm tra an toàn PCCC các địa phương, 1 lớp
thông tin liên lạc 70 học viên.
III. TRƯỜNG CAO ĐẲNG PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
(11/1984-10/1999).
Ngày 19-6-1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 90
QĐ/HĐBT, thành lập 9 trường cao đẳng trực thuộc Bộ Nội vụ, trong đó
có Trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy.
Ngày 25-9-1984, nhà trường đã tổ chức tuyển sinh đào tạo hệ Cao đẳng
PCCC đầu tiên, gồm 27 học viên. Khóa học có phiên hiệu D1. Thời gian
học 4 năm. Tốt nghiệp ra trường cấp bằng Kỹ sư an toàn PCCC
Ngày 6-11-1984, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng ký Quyết định số
2825/QĐ-BNV “Về việc nâng Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát Phòng cháy
chữa cháy thành trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy”. Giao Tổng cục
Cảnh sát nhân dân giúp Bộ trưởng trực tiếp quản lý.
Chức năng, nhiệm vụ: “Trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy làm
nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học và trung cấp phòng cháy,
chữa cháy cho lực lượng Công an nhân dân; là cơ sở nghiên cứu khoa học
kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy”. Quy mô đào tạo 800 học viên. Thời
gian đào tạo 4 năm.
Tổ chức, bộ máy của Trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy có 8 đơn
vị (5 Bộ môn, 3 Phòng).
Tổng số cán bộ, chiến sĩ có 122 đồng chí. Ban Giám hiệu 4 đồng chí
(Hiệu trưởng là đồng chí Bùi Danh Ý; 3 Phó Hiệu trưởng gồm các đồng
chí Nguyễn Khải, đồng chí Đinh Trung và đồng chí Lê Văn Chử). Lãnh
đạo các đơn vị có 14 đồng chí, cán bộ 61 đồng chí, giáo viên 40 đồng
chí, công nhân viên 21 đồng chí. Trình độ: Đại học, cao đẳng 60 đồng
chí, 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, số còn lại là trung cấp và chưa qua đào tạo.
Tháng 12-1988 đồng chí Bùi Danh Ý nghỉ hưu, đồng chí Trần Văn Thảo
được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.
Tháng 7-1990 đồng chí Trần Văn Thảo được Bộ điều động đến nhận công
tác tại Cục Cảnh sát PCCC và giữ chức vụ Cục trưởng, đồng chí Đặng
Từng được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.
Ngày 31-5-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Nghị định số 57/HĐBT
“Về hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp
của lực lượng Công an nhân dân”.
Theo đó, giải thể 8 trường Cao đẳng thuộc Bộ Nội vụ, chỉ giữ lại trường
Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy.
Từ 1984 -1999 nhà trường đã đào tạo 15 khóa cao đẳng (727 học viên), 17
khóa trung học (955 học viên), 2 khóa cao đẳng tại chức (148 học viên),
đào tạo cho Bộ Nội vụ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào 4 khóa (34
học viên).
IV. TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
(10/1999-10/2011).
Ngày 14-10-1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 203/1999/QĐ-
TTG về việc thành lập Trường Đại học PCCC trên cơ sở Trường Cao
đẳng PCCC.
Ngày 25-2-2000, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương ký Quyết định số
171/2000/QĐ-BCA(X13) “Quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức
bộ máy của trường Đại học Phòng cháy chữa cháy”. Giao Tổng cục Xây
dựng lực lượng Công an nhân dân giúp Bộ trưởng trực tiếp quản lý.
Chức năng, nhiệm vụ: “Đào tạo cán bộ phòng cháy, chữa cháy có trình
độ đại học và các trình độ thấp hơn; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về
phòng cháy, chữa cháy; nghiên cứu khoa học về phòng cháy, chữa cháy
phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Trường Đại
học Phòng cháy chữa cháy trực thuộc bộ công an. Quy mô đào tạo là
1000 học viên. Thời gian đào tạo 5 năm”.
Tổ chức bộ máy của trường Đại học Phòng cháy chữa cháy có 12 đơn vị (
6 bộ môn, 5 phòng và 1 trung tâm)
Tổng số cán bộ, chiến sĩ có 140 đồng chí. Ban Giám hiệu 5 đồng chí
(Hiệu trưởng là đồng chí Đặng Từng, 4 Phó Hiệu trưởng gồm các đồng
chí Ngô Văn Xiêm, Đỗ Ngọc Cẩn, Phạm Văn Cố, Nguyễn Mạnh Hà).
Lãnh đạo đơn vị 24 đồng chí, cán bộ 74 đồng chí, giáo viên 54 đồng chí,
công nhân viên 12 đồng chí. Trình độ: Đại học- Cao đẳng 64 đồng chí, 17
thạc sĩ, 4 tiến sĩ.
Tháng 12-2006 đồng chí Đặng Từng nghỉ hưu, đồng chí Đỗ Ngọc Cẩn
được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.
Ngày 25-12-2006 Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh ký Quyết định số
2009/2006/QĐ-BCA(X13) “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và tổ chức bộ máy của trường Đại học Phòng cháy chữa cháy”.
* Quyết định này thay thế Quyết định số 171/2000/QĐ-BCA ngày 25-2-
2000.
Tổ chức, bộ máy của trường Đại học PCCC (theo Quyết định số
2009/2006/QĐ-BCA (X13) do Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh ký
ngày 25-12-2006) gồm 15 đơn vị (4 Bộ môn, 3 Khoa, 7 Phòng, 1 Trung
tâm).
Ngày 14-1-2010, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh ký Quyết định số
188/QĐ-BCA "Về việc thành lập và tách một số đơn vị trực thuộc trường
Đại học Phòng cháy chữa cháy".
* Quyết định này sửa đổi, bổ sung điều 3 trong Quyết định số
2009/2006/QĐ-BCA (X13) ngày 25-12-2006.
Tổ chức, bộ máy của trường Đại học PCCC (Theo Quyết định bổ sung
số 188/ QĐ-BCA ngày 14-1-2010) gồm 20 đơn vị (5 Bộ môn, 4 Khoa, 7
Phòng, 3 Trung tâm và Tạp chí PCCC).
Ngoài ra do yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo, nhà trường còn thành lập
thêm Ban Quản lý dự án (ký hiệu BQLDA) để thực thi nhiệm vụ xây dựng
trung tâm huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại
Lương Sơn - Hoà Bình.
Ngày 15-8-2011, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 3307/QĐ-BCA
“Về việc tách Bộ môn Khoa học cơ bản và Ngoại ngữ thành Bộ môn
Khoa học cơ bản và Bộ môn Ngoại ngữ”.
Từ năm 1999-2006 nhà trường đã đào tạo 2 khóa đại học chính quy (168
học viên), 4 khóa đại học tại chức (235 học viên), 3 khóa hoàn chỉnh kiến
thức (146 học viên), 7 khóa trung học (531 học viên). Đào tạo cho ngành
ngoài 299 học viên, mở các lớp hoàn chỉnh kiến thức cho số cán bộ đã tốt
nghiệp cao đẳng PCCC trước đây.
Từ năm 2006- 2011 đào tạo đại học chính quy: 510 học viên; tại chức 411
học viên; liên thông Cao đẳng lên đại học 469 học viên. Trung cấp hệ
chính quy: 1141 học viên; liên thông trung cấp lên đại học 36 học viên.
Hiện nay (Tính đến 6-2012) nhà trường có 22 đơn vị với tổng số trên 350
cán bộ, chiến sĩ. Ban Giám hiệu có 5 đồng chí (Hiệu trưởng là đồng chí
Đỗ Ngọc Cẩn, 4 Phó Hiệu trưởng gồm các đồng chí Ngô Văn Xiêm,
Nguyễn Mạnh Hà, Đoàn Việt Mạnh, Vũ Văn Bình). Cán bộ 144 đồng chí,
giáo viên 126 đồng chí, số còn lại là hợp đồng và công nhân viên Công an.
Trình độ: Đại học-Cao đẳng hàng trăm đồng chí, 02 Phó giáo sư, 19 tiến
sĩ, 59 thạc sĩ.
THÀNH TÍCH 35 NĂM CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC PCCC
(1976- 2011)
I. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO
* Hệ chính quy Công an.
- Đại học: 13 khoá;
- Cao đẳng: 15 khoá;
- Trung cấp: 35 khóa;
- Liên thông từ Trung cấp lên Đại học: 3 khoá;
- Liên thông từ Cao đẳng lên Đại học: 11 khoá.
* Hệ vừa làm vừa học Công an.
- Đại học: 15 khoá;
- Liên thông từ Cao đẳng lên Đại học: 2 khoá;
- Trung cấp: 7 khóa.
* Đào tạo cán bộ PCCC dân sự.
- Hàng ngàn học viên
* Đào tạo cán bộ PCCC cho Bộ An ninh CHDCND Lào.
- Đại học PCCC: 4 khoá (28 học viên);
- Cao đẳng PCCC: 4 khoá (34 học viên);
- Trung cấp PCCC mở tại Lào: 58 học viên;
- Bồi dưỡng Nghiệp vụ PCCC mở tại Lào: 200 học viên.
* Đào tạo cán bộ PCCC cho Bộ Nội vụ Căm-Pu-Chia.
- Bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC mở tại trường: 30 học viên;
- Bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC mở tại nước bạn: 54 học viên.
II. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học viên tham gia nghiên cứu hàng trăm đề
tài, chuyên đề khoa học. Biên soạn và biên dịch hàng trăm cuốn tài liệu,
giáo trình, và tập bài giảng. Hướng dẫn hàng trăm học viên làm đồ án tốt
nghiệp và đồ án môn học.
III. KHEN THƯỞNG
- 428 lượt tập, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an tặng thưởng
Huân chương, Huy chương các loại;
- 12 đơn vị được Bộ Công an tặng “Cờ thi đua xuất sắc” (trong đó nhà
trường được 5 lần);
- 198 lượt tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các
Bộ, Ngành khác tặng Bằng khen;
- 73 lượt tập thể được công nhận danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”;
- 227 lượt tập thể được công nhận danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”;
- 263 lượt cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Trong đó có 1 đồng chí “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng”;
- 2698 lượt cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”;
- 126 lượt giáo viên được công nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”. trong
đó có 5 đồng chí đạt “Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ”;
- 12 đồng chí được công nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”; 2 đồng chí
Phó Giáo sư; 19 đồng chí Tiến sĩ; 59 đồng chí Thạc sĩ ./.
Chắc mấy anh rành cách sử dụng bình chữa cháy lắm nhỉ
ReplyDelete