Saturday, 1 February 2014
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (Phạm Văn Đồng)
Giữ gìn sự trong sáng của một ngôn ngữ, chuẩn hóa nó, phát triển nó - đây là một chủ đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, cho nên trước hết cần thiết phải có cái nhìn rộng và sâu về vai trò của ngôn ngữ đối với xã hội, đối với con người, đối với sự phát triển của các dân tộc theo hướng đi lên.
I. Tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với lịch sử loài người và lịch sử các dân tộc.
Nhìn vào quá trình phát triển lịch sử của loài người, chúng ta thấy rất rõ vai trò và tác dụng của ngôn ngữ. Trước hết là lao động, sau đó đồng thời với lao động và ngôn ngữ - đó là hai động lực chủ yếu trong sự phát triển của loài người nguyên thủy. Cùng với sự phát triển của tư duy, của ý thức, ngôn ngữ đã góp phần hoàn thiện con người, phân biệt con người với con vật. Dần dần, loài người xây dựng nên các cộng đồng chung về ngôn ngữ từ thấp lên cao về mặt tổ chức xã hội như thị tộc, bộ lạc, dân tộc. Về sau này, khi đã xuất hiện quốc gia, thì ý thức về một quốc gia thống nhất bao giờ cũng gắn bó với ý thức về một ngôn ngữ quốc gia chung. Lịch sử dân tộc Việt Nam ta, kể từ thời dựng nước được thế giới biết đến qua nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ với hiện vật tiêu biểu trống đồng, trải qua hàng năm cho đến ngày nay, nếu xét riêng về mặt ngôi ngữ thì có thể nói rằng đó là lịch sử người Việt Nam, cùng nhau xây dựng, thống nhất và phổ biến tiếng Việt trong cương vị ngôn ngữ dùng chung trên toàn lãnh thổ đất nước ta.
Khi nhận diện một dân tộc, ngôn ngữ thường được coi là một trong những tiêu chuẩn chính (bên cạnh các tiêu chuẩn khác như tính cộng đồng lãnh thổ, ý thức tự giác dân tộc, các đặc điểm chung về tâm lý, văn hóa, kinh tế...) Ngôn ngữ góp phần làm nên bản sắc của một dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trong suốt lịch sử lâu dài đấu tranh vì chủ quyền dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước, chúng ta có thể hình dung dân tộc Việt Nam ta đã phấn đấu gian khổ như thế nào để thoát được hiểm họa diệt chủng về ngôn ngữ và văn hóa, để bảo vệ và phát triển được tiếng Việt, như Bác Hồ nói, "Thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc".
Trong các mặt đời sống của một dân tộc, của một đất nước thì ngôn ngữ gắn bó mật thiết hơn cả với văn hóa. Ngôn ngữ là một trong những nhân tố hợp thành quan trọng, góp phần làm nên cái nền tảng về giá trị, bản sắc, tinh hoa của nền văn hóa dân tộc; bởi lẽ nó liên quan đến ý thức xã hội, ứng xử và giao tiếp xã hội, cũng như các kết quả hoạt động vật chất và tinh thần của con người trong xã hội. Chính tiếng Việt, ở mặt nội dung ý nghĩa của nó, là nơi ghi lại, nơi phản ánh chủ yếu những tri thức, kinh nghiệm, những suy nghĩ, quan niệm v.v... từ ngàn đời của cha ông ta về mọi mặt của đời sống dân tộc, về tự nhiên và xã hội, về vũ trụ và con người. Cùng với quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tiếng Việt cũng hình thành và phát triển, ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ giàu và đẹp, phong phú và độc đáo; đó là một công cụ rất có hiệu lực trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta có ý thức sâu sắc về sự giàu đẹp của tiếng Việt, có tình cảm của người Việt Nam ta biết yêu và quý tiếng nói của dân tộc, nói rộng ra thì đó là ý thức và tình cảm đối với văn hóa dân tộc mình, đối với đất nước mình, nhân dân mình.
Ngôn ngữ nào cũng có hai chức năng chủ yếu, là phương tiện quan trọng nhất trong sự giao thiệp giữa người với người và là phương tiện, là công cụ của tư duy. Trên thế giới, có nhà ngôn ngữ học đã ví ngôn ngữ như là một thứ chất kết dính hết sức đặc biệt, hết sức quan trọng, vì ở đâu cũng thấy có mặt nó, trong kinh tế, trong văn hóa, trong xã hội, trong mọi mặt vật chất, tinh thần của cuộc sống con người, bình thường và quen thuộc như nước ta uống, như không khí ta thở vậy. Vì thế, muốn xây dựng và phát triển con người, xây dựng và phát triển xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không thể không phát triển tiếng Việt, công cụ giao tiếp, công cụ tư duy, công cụ phát triển của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Tại Hội nghị khoa học "Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ" họp ngày 29-10-1979 ở Hà Nội, tôi đã nhấn mạnh vai trò và tác dụng của công việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chuẩn hóa nó, để phục vụ sự phát triển trí tuệ con người Việt Nam, sự phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Tôi nghĩ rằng đó chính là lý do sâu xa vì sao chúng ta cần phải có sự quan tâm đầy đủ đến tiếng Việt, đặc biệt là hiện nay, ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Tôi dừng lại ở đây là chỗ thích hợp nhất để trình bày một quan điểm rất quan trọng về quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ. Chúng ta còn nhớ Các Mác và Ph.Ăng-ghen, sau khi phác họa học thuyết vĩ đại của mình là duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, đã có một câu nói mà tôi cần trích nguyên văn: "Khi hiện thực đã được trình bày như đích thực nó như vậy (bởi các khoa học, và các khoa học ấy chứng minh duy vật biện chứng lịch sử), thì triết học không còn chỗ nào để tồn tại nữa". Ăng-ghen nói rõ thêm: "Khi khoa học tự nhiên và khoa học lịch sử đã thấm nhuần biện chứng thì tất cả các món hàng triết học cũ trở thành đồ thừa, trừ lý luận về tư duy (tức là duy vật biện chứng lịch sử - P.V.Đ)".
ở đây chúng ta phải thấy một cách sâu sắc nhất và phong phú nhất sự liên quan mật thiết giữa ngôn ngữ và tư duy hoặc ngược lại giữa tư duy và ngôn ngữ, bởi cái này là nhân tố của cái kia hoặc ngược lại. Đó là hai cái đòn xeo quý báu không ngừng nâng cao hiểu biết của con người trong quá trình đi lên giải quyết các vấn đề của cuộc sống trên mọi lĩnh vực, từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ đời này đến đời khác. Trong thời đại ngày nay, thời đại của sự phát triển như vũ bão của các ngành khoa học: khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội, sự phát triển tư duy có liên quan đến sự phát triển của toàn cầu hóa cuộc sống mọi con người, mọi dân tộc, thì chúng ta càng thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ và tư duy. Chỉ có đặt vấn đề như vậy thì đề tài của bàI viết này mới có đầy đủ tầm vóc, chiều sâu và chiều rộng của nó, xứng đáng với giá trị của nó. ở đây tôi chỉ gợi mở quan điểm để mở rộng chân trời của vấn đề, từ đó có thể có sự nhận thức mới, gắn liền với tìm tòi mới, hiểu biết mới của biết bao người trong lĩnh vực ngôn ngữ và tư duy của Việt Nam.
II. ý nghĩa và nội dung của công việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt.
Ngôn ngữ phát sinh và phát triển cùng với xã hội loài người, nhưng không phải theo một con đường thẳng tuột, mà trải qua những khúc khuỷu, quanh co. Sự phát triển của các ngôn ngữ trên thế giới đều có tính quy luật chung là từ từ, liên tục, không bùng nổ, không nhảy vọt. Những biến đổi của ngôn ngữ thường diễn ra khi nhanh khi chậm và không đều ở các mặt ngữ âm, từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp, trong đó năng động, mạnh mẽ nhất là bộ phận từ ngữ. Ngày nay công nghệ tin học có khả năng xử lý văn bản, dịch máy, phân tích và tổng hợp lời nói, nhận dạng tiếng nói và chữ viết... càng góp phần thúc đẩy ngôn ngữ phát triển.
Trong quá trình phát triển lâu dài, không có một ngôn ngữ nào trên thế giới lại không có sự tiếp xúc, vay mượn với ngôn ngữ khác, cho dù đó là những ngôn ngữ rất lâu đời, rất phát triển như những thứ tiếng của các nước lớn ở châu Âu, châu á, châu Mỹ và khi vay mượn thì bên cạnh cái đúng, cái cần thiết, không tránh khỏi có những cái không hợp lý, thiếu cân nhắc, đôi khi sống sượng... Vì thế, mọi ngôn ngữ đều cần có sự tác động tích cực của con người, của xã hội, của Nhà nước, để bảo vệ và phát huy sự trong sáng vốn có cũa ngôn ngữ đó, trước những hiện tượng vay mượn ồ ạt ngôn ngữ nước ngoài. Tiếng Việt cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy.
Khi nói đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt thì trước hết cần thấy rằng đó là một công việc bình thường, tự nhiên và thường xuyên, lâu dài trong suốt cả quá trình phát triển của tiếng Việt từ trước tới nay và từ nay về sau, nhằm bảo vệ và phát huy cái bản sắc, cái tinh hoa của tiếng Việt, không để cho mất đi một cái gì vô cùng quý báu khiến cho tiếng Việt là tiếng Việt.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy ngôn ngữ nào cũng trải qua những thời kỳ nổi bật lên nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của nó. Như ở Nga, sau Cách mạng Tháng mười vĩ đại, Lê-nin đã kêu gọi mọi người không được "làm hỏng tiếng Nga", "tuyên chiến với việc dùng những từ nước ngoài không cần thiết".
ở ta, từ những năm 50, trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, Bác Hồ đã nói đến các thứ "bệnh" ngôn ngữ mà chúng ta thường hay nhắc như: bệnh "sáo", nghĩa là nói và viết theo một cái khuôn mẫu hoàn toàn như nhau bất kể về việc gì, ở cấp nào, cơ quan nào; bệnh "ba hoa", "nói dài, nói dại, nói dai", còn nội dung thì rỗng tuyếch, "ba voi không được bát nước xáo"; bệnh "vẽ rắn thêm chân"; bệnh "nói chữ". Sau này Bác cũng nhiều lần nhấn mạnh "Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều, và nhiều khi dùng không đúng". Bác thường xuyên nhắc nhở "Tiếng nào sẵn có thì dùng tiếng ta" và đồng thời chỉ rõ "Có những chữ ta không sẵn có và khó dịch đúng thì cần phải mượn chữ nước ngoài".
Năm 1966, tại cuộc họp mặt về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (ngày 7 và 10.2), tôi đã nêu ra ba khâu cần phải làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giữ gìn sự giàu đẹp của nó, và hơn thế nữa làm cho nó ngày càng thêm giàu và đẹp. Đó là: giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta; nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta; giữ gìn bản sắc, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn học, chính trị, khoa học, kỹ thuật...); đồng thời phải có những đổi mới, phát triển, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta.
Nếu giữ gìn sự trong sáng của một ngôn ngữ là một yêu cầu lâu dài, thì từng giai đoạn lại có yêu cầu phải chuẩn hóa nó, tức là xác định cái đúng và những quy tắc vồ phát âm, chính tả, dùng từ, đặt câu v.v... của ngôn ngữ đó, được xã hội chấp nhận.
Hiện nay, tiếng Việt của chúng ta đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phản ánh những thay đổi to lớn của đất nước trong sự nghiệp đổi mới mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là về phượng diện khoa học và công nghệ; vì thế chuẩn hóa nó là một nhiệm vụ quan trọng và bức xúc để tiếng Việt có thể phục vụ tốt hơn nữa công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ là phức tạp; một mặt, đời sống của nó gắn với xã hội, nhưng mặt khác, nó cũng sống đời sống bên trong riêng của nó.
Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triển khi mà càng ngày có càng mở rộng và phân biệt các phong cách ngôn ngữ khác nhau (như phong cách khoa học, phong cách chính luận, phong cách hành chính sự vụ, phong cách nghệ thuật v.v...) cũng như các chức năng giao tiếp khác nhau trong các phạm vi sử dụng như: trong gia đình, làng xóm; trong các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ; trong hệ thống giáo dục; trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong hành chính Nhà nước; trong quan hệ ngoại giao v.v... Đặc biệt là ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện để ngôn ngữ có bước phát triển mới về chất và làm cho ngôn ngữ có những năng lực mới chưa từng có trước đây.
Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triển khi nó ngày càng có tính chất trí tuệ hóa và quốc tế hóa. Điều này rất quan trọng khi ta đặt tiếng Việt trong bối cảnh thời đại ngày nay: thời đại của thông tin, của trí tuệ; thời đại của hội nhập khu vực, hội nhập toàn cầu, và do đó, tiếng Việt phải có những chuẩn bị, những thay đổi, để có đủ thế và lực giao lưu, tiếp xúc với các ngôn ngữ khác trên thế giới mà khưng sợ bị tổn thương đến giá trị, bản sắc, đến sự giàu đẹp của nó.
Chính là trong tinh thần đó mà tôi đã nhiều lần chỉ ra sự cần thiết phải nhìn thấy khả năng phát triển phong phú của tiếng Việt, nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn sự trong sáng và cả yêu cầu phát triển, nhìn về tương lai. Cho nên, ở thời điểm hiện nay, trước thềm thế kỷ XXI, cần có nhận thức phù hợp về nội dung của công việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là: giữ gìn cho tiếng Việt luôn luôn trong sáng trong quá trình phát triển mạnh mẽ của nó.
III. Thực trạng hiện nay và những giải pháp
Thực tế hơn nửa thế kỷ qua, từ 1945 đến nay, đã cho thấy, về cơ bản, sự phát triển của tiếng Việt là lành mạnh, đúng hướng, phù hợp với những biến đổi của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa của đất nước.
Những năm gần đây, đặc biệt từ sau 1975, trong tiếng Việt, bên cạnh những điều mới mẻ và tốt đẹp, có thể thấy không ít những hiện tượng thiếu trong sáng, thiếu chuẩn mực, biểu hiện tập trung ở những mặt sau đây:
a. Trong nhà trường, học sinh, sinh viên nói, viết tiếng Việt còn sai nhiều về chính tả, về cách dùng từ ngữ, về ngữ pháp. Đây là một điều mà chúng ta không thể chấp nhận được, bởi vì việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của chúng ta cốt yếu là nhằm vào trường học, phải làm sao cho học sinh, sinh viên nói tốt và viết tốt tiếng Việt. Tôi muốn lưu ý rằng không phải chỉ có con em người Việt (Kinh), mà cả con em đồng bào các dân tộc thiểu số cũng phải được dạy và học tiếng Việt một cách nghiêm chỉnh để các em có thể nói, viết tiếng Việt cho đúng chuẩn của nó.
b. Trong đời sống xã hội, có thể nhận định chung rằng: một mặt, khá phổ biến là tình trạng chính tả chữ viết (như viết "i" ngắn "y" dài, viết hoa các danh từ riêng) không thống nhất, cách dùng từ ngữ sai. Mặt khác, đáng lo ngại hơn là tình trạng sử dụng từ ngữ nước ngoài pha vào tiếng Việt hiện nay rất tùy tiện và lạm dụng đến mức báo động. Tôi muốn nhấn mạnh đây là một thói hư, tật xấu đang ngang nhiên lan tràn ở nước ta, đã thành một xu thế dùng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, thay cho tiếng Việt, gây biết bao chê trách mà ai nấy đều phê phán lúc nói chuyện hay lúc viết trên báo chí về nguy cơ này. Một điều tôi cần nói ở đây là: báo chí tuy đã có người viết bài không tiếc những lời phẫn nộ đích đáng đối với xu thế hư hỏng này, nhưng sau đó có người viết bài khác lại theo ngay cái vết mòn hầu như dễ làm cho người ta sa ngã ấy. Cũng cần phải lên án một cách nghiêm khắc hiện tượng xấu ở các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, bộ mặt của cả nước, cho phép các loại quảng cáo, các biển hiệu cửa hàng, công ty, khách sạn... bằng chữ nước ngoài, thậm chí không cần chữ Việt. Phải chăng là không có ai làm chủ để chăm lo cho bộ mặt cực kỳ quan trọng của thành phố; hay là do ý thức, do trách nhiệm, do trình độ của những người quản lý nó?
Bây giờ tôi nói mấy điểm về biện pháp để bảo vệ và phát triển tiếng Việt. Trước khi nói đến biện pháp, tôi nghĩ phải thấy được nguyên nhân từ phía chúng ta, vì nói đến giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ, chuẩn hóa nó, phát triển nó - là nói đến tác động tích cực của con người vào quá trình phát triển của ngôn ngữ.
Nói đến con người ở đây, trước hết là mỗi người Việt Nam chúng ta, những người dùng tiếng Việt; các nhà giáo, các nhà văn, nhà báo, các nhà ngôn ngữ học, và rất quan trọng là vai trò lãnh đạo, hoạch định các chính sách về ngôn ngữ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong tiếng Việt bây giờ có những biểu hiện không tốt, thiếu trong sáng, sai chuẩn mực, trước hết là do chúng đã coi nhẹ, thậm chí buông lỏng, thả nổi công việc quan trọng này. Chúng ta đã không đầu tư thích đáng trí tuệ, công sức và tiền của để nghiên cứu lý luận và điều tra thực tế về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt. Việc tổ chức thực hiện nhìn chung cũng chưa tốt. Nhưng ở đây quan trọng nhất vẫn là nhận thức, là tình yêu, là lòng quý trọng và thái độ đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ và phát huy sự trong sáng của nó, không thể tùy tiện, càng không thể để mất gốc, để tiếng Việt bị hoen ố, ô nhiễm.
Về biện pháp thì hiện nay có hai phạm vi quan trọng nhất là nhà trường và xã hội. ở đây cần có những biện pháp đồng bộ, thiết thực. Cụ thể là cần phải:
Chấn chỉnh việc dạy và học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông và đại học; cũng như việc sử dụng tiếng Việt trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử;
Tăng cường việc biên soạn các sách công cụ về tiếng Việt, nhất là sách Ngữ pháp và Từ điển;
Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về chuẩn hóa, về phát triển ngôn ngữ;
Tập trung điều tra khảo sát đời sống ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, nhất là chiều hướng phát triển từ 1975 đến nay.
Riêng đối với Nhà nước thì cần có càng sớm càng tốt một Hội đồng quốc gia về ngôn ngữ, để chăm lo về tiếngViệt, các tiếng dân tộc thiểu số, cũng như về công việc giảng dạy và sử dụng tiếng nước ngoài trên đất nước ta.
Trên đây, tôi đã nêu ra một số suy nghĩ về những vấn đề theo tôi là quan trọng, cần được chú trọng công việc giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt. Để kết thúc một cách có ý nghĩa bài viết "Trở lại vấn đề: Vì sự trong sáng và phát triển của tiếngViệt", tôi muốn liên hệ nó với tình hình hiện nay của nước ta. Tiếng Việt của chúng ta có hai đặc tính rất quý là giàu và đẹp, tự bản thân nó là trong sáng; tiếng Việt sẽ gàu và đẹp hơn nữa nếu chúng ta cố gắng làm tốt việc giữ gìn nó, sử dụng nó và phát triển nó. Với giá trị bản sắc, tinh hoa của nó, tiếng Việt sẽ góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến lên xây dựng từng bước chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, chính công cuộc đổi mới toàn diện mà chúng ta đang tiến hành, nói rộng ra là toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, sẽ tác động trở lại, làm cho tiếng Việt ngày càng phát triển hơn, vậy nghĩa là có mối quan hệ rất khăng khít giữa sự trong sáng của tiếng việt, giữa vai trò và tác dụng của nó trong đời sống xã hội với sự tiến lên của đất nước ta trong thế kỷ tới. Chúng ta cần thấy rõ điều đó để phấn đấu thực hiện cho được một nhiệm vụ cao quý và thiêng liêng là bảo vệ sự trong sáng và phát triển tiếng nói của dân tộc Việt Nam ta.
1. Về các từ "đế chế" và "đế quốc"
Có người dùng những từ ngữ "nước đế quốc", "Chủ nghĩa đế quốc" thay cho từ "đế chế La Mã"; Thí dụ: "Đế quốc La Mã" thay cho từ "đế chế La Mã". Tất nhiên, những từ này đều có chung gốc ngôn ngữ là chữ "đế", nhưng nếu đi sâu vào tìm hiểu về thời điểm lịch sử của chúng, về sự hình thành của chúng, về tính chất và tác dụng của chúng. Thì rất dễ thấy những khác nhau cực kỳ to lớn và sâu xa, không thể nhầm lẫn được. Phải nói là: "đế chế Lã Mã", "đế chế ốttôman", "đế chế Nga", "đế chế Trung Hoa". Có nước như nước Anh vừa là đế chế, vừa là đế quốc.
2. Về các từ "đảng viên" và "quần chúng"
Trước đây khá thông thường bây giờ có ít hơn nhưng vẫn còn nhiều người nói và viết như sau: A là đảng viên; còn B, C, Đ là quần chúng, ý muốn nói rằng người nào không phải đảng viên thì là quần chúng. Tuy nhiên nói như thế có nghĩa là coi quần chúng là dưới đảng viên, hạ thấp vị trí chính trị, ý nghĩa và tác dụng của quần chúng là đông người, nói một người là quần chúng thì không đúng. Phải nói: A là đảng viên; còn B, C, Đ là người ngoài Đảng.
3. Về từ "tên"
Trước đây nhiều người hay dùng, nay có ít hơn, nhưng vẫn còn người dùng từ này với ý nghĩa miệt thị, đặt trước tên riêng của các nhân vật phản động, đối tượng của cách mạng hay những kẻ làm việc xấu xa; thí dụ: tên Hitle. Đáng lẽ chỉ nên gọi Hitle là "Hitle", mà như thế nó vẫn cứ là Hitle với tất cả tội ác của nó trong lịch sử nước Đức và lịch sử của loài người. Lúc tôi viết những cuốn sách đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối viết tên Bác mà không kèm theo chức danh cao quý gì (cũng như chúng ta từ lâu đã quen dùng cách xưng gọi "Các Mác", "Ăng-ghen", "Lê-nin") thì có những đồng chí bày tỏ với tôi tâm trạng nghẹn ngào, khó chịu. Đến ngày nay, nếu nói: Hồ Chí Minh là một vĩ nhân trong lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, thì cũng còn có người chưa yên tâm, chưa thoải mái lắm.
4. Về từ "chính xác"
Về từ này người ta không nói và viết một cách không hợp lý, không biết đâu là chuẩn mực, hằng ngày ở đâu cũng nghe từ này với ý nghĩa cơ bản là "đúng", "trúng"... Vừa qua, nhân sinh nhật bác sĩ Phạm Ngọc Thạch do Bộ Y tế tổ chức, trong bài viết của mình tôi có kể lại lối tiếp xúc người bệnh của Phạm Ngọc Thạch. Khi vào Viện lao khám bệnh, Phạm Ngọc Thạch áp tai mình vào ngực người bệnh để nghe chứ không dùng ống nghe, và tôi có viết rằng Phạm Ngọc Thạch làm như vậy để nghe được "thực" hơn. ở đây chữ "thực" tôi dùng có ý nghĩa là trong trường hợp nào đó và trong chừng mực nào đó thì máy móc không "thực" bằng tai của người thầy thuốc. Đối với người thầy thuốc thì "thực" là quan trọng. Nhưng sau đó người ta sửa từ "thực" thay bằng từ "chính xác". Tôi có biết điều này, tuy nhiên tôi không đề nghị đổi lại, mà để hôm nay mới nói; tôi nghĩ viết và nói cho đúng, cho sáng không phải chuyện dễ dàng.
5. Về các từ "lớn" và "vĩ đại"
Nhiều người nói và viết một cách lẫn lộn, không có sự phân biệt hai từ này. Người ta có thể nói và viết: "nhà văn lớn", "nhà khoa học lớn"; bởi lẽ những người đó có trình độ và có cống hiến quan trọng trong nghề nghiệp của mình. Nhưng ở đây nếu dùng từ "vĩ đại" để đánh giá thì không đúng, không phù hợp, vì từ "vĩ đại" chỉ dùng cho một số ít người có cuộc đời và đức độ rất cao đẹp, có trí tuệ, tài năng và những cống hiến có giá trị và tầm cỡ to lớn, đáng kính phục.
6. Về cách ghép từ
Đây là một hướng làm giàu cho vốn từ tiếng Việt mà theo ý tôi nó rất thú vị như: "nuôi trồng", "xây lắp", "truy quét", "sao chụp"... Tuy nhiên không thể tùy tiện muốn ghép thế nào cũng được. Ví dụ: tiếng ta có các từ ngữ "y sĩ", "bác sĩ", "khám bệnh", "chữa bệnh"; nhưng có người lại muốn gán ghép thành: "y, bác sĩ", "khám, chữa bệnh" (hoặc trong các lĩnh vực khác như "chiến thuật", "kỹ thuật"), "kỹ thuật" thành "chiến, kỹ thuật". Mọi người có thể kể ra nhiều ví dụ khác về cách nói, cách viết rất sai như thế. điều này thường gây khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt; lúc gặp những từ ngữ ghép lại như vừa nói họ phải tra từ điển, nhưng không có cuốn từ điển nào về tiếng Việt có những từ ngữ như vậy.
Tóm lại, ở đây tôi muốn đề cập một vấn đề chung là từ ngữ, hoặc một số từ ngữ nào đó có cách dùng thông thường của nó, cách dùng đúng chuẩn của nó, gắn với lịch sử của nó, với bối cảnh xã hội của nó, không thể tùy tiện vượt qua theo ý riêng của mình.
No comments:
Post a Comment