Bàn về chuyện tự học
Trước hết, cần phải nói rằng, tự học là một chuyện vạn bất đắc dĩ,
vì ai cũng biết câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”. Một câu hoàn
toàn đúng, đúng hơn là người ta tưởng rất nhiều.
Có lẽ không ai lại không muốn có thầy khi cần học một nghề gì, hay dù
chỉ là một trò hay một mẹo vặt nào cũng vậy. Và dù không có thầy “chính
danh” thì vẫn có thể học từ những người mình quen biết. Đôi khi những
người này, chính nhờ cái số đông và tính đa dạng của họ, còn có thể dạy
cho mình nhiều hơn và một cách có hiệu quả hơn cả thầy nữa. Học thầy
không tày học bạn kia mà!
Viết đến đây tôi sực nhớ đến lời một nhà văn Pháp mà tôi không nhớ
tên, nói rằng xưa nay chưa có và không thể có người nào thực sự tự học
cả. Và chỉ có những kẻ cực kỳ hợm hĩnh và vô ân mới có thể nói khoác
rằng mình là người tự học.
Quả đúng như vậy: ai mà chẳng học của người khác? Làm gì có ai không
nhờ người khác mà biết được phần lớn những gì mình biết? Trước tiên,
người ta học mẹ mình, rồi đến bố mình, rồi đến những người sống quanh.
Và nếu không nhớ điều đó mà nói rằng tự mình tìm biết lấy mọi sự thì
đúng là cực kỳ ngu dại, hợm hĩnh và vô ân.
Cho nên, phải hiểu hai chữ “tự học” theo một nghĩa hẹp hơn rất nhiều,
kể cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Và nếu có ai không được một người thầy
trực tiếp dạy bảo cho một cái gì đấy, thì cũng có những người thầy gián
tiếp dạy mình bằng tấm gương của cách sống và cách hành động của họ. Tấm
gương ấy có thể tích cực hay tiêu cực: những hành vi xấu xa hay đáng
ghét mà ta chứng kiến và thể nghiệm từ người khác cũng bổ ích cho ta
không kém gì những hành vi tốt đẹp, nếu ta nhờ cái “tính bản thiện” vốn
có của con người mà biết ghét cái xấu và yêu cái tốt.
Sau khi đã hạn định khái niệm “tự học” như vậy, ta hãy trở về với hai
chữ tự học đúng như số đông thường quan niệm. Người tự học là một danh
từ (hay danh ngữ) có ít nhiều sắc thái “xấu nghĩa” trong nhiều thứ tiếng
khác nhau. Cho nên ngay cả những người vốn tự hào rằng mình tự học mà
thành tài cũng thấy khó chịu khi có ai giới thiệu mình bằng danh từ này.
Vì, trong ý thức của phần đông, khó lòng có ai “tự học” mà thành tài
thực sự, và chính những người “tự học” cũng có phần nào chia sẻ cái ý
thức ấy, dù những người tự học có tự hào đến đâu về những nhân tố chủ
quan và khách quan đã cho phép họ gây dựng lấy sự nghiệp của mình.
Cách đây bốn mươi năm, một người bạn học cũ, khi thấy tôi ngồi mỗi
ngày mười tiếng trong Thư viện Khoa học ở phố Lý Thường Kiệt để đọc cho
bằng hết các sách ngôn ngữ học, tri thức luận và logic học trong đó, có
khuyên tôi thôi làm cái việc dã tràng xe cát ấy đi, vì nếu muốn học giỏi
bằng một anh phó tiến sĩ của Nga, một người Việt Nam tự học phải thông
minh gấp ba và đọc gấp mười mới được. Lòng tràn đầy tự ái, tôi đáp: “Sao
anh biết tôi không thông minh gấp ba và sẽ đọc nhiều gấp mười nó?”
Thật ra, càng về sau, tôi càng hiểu là câu nói của bạn tôi hoàn toàn đúng.
Cố giáo sư Hoàng Tuệ có kể lại cho tôi và nhiều người khác nghe rằng,
vào những năm 70, khi ông nhắc đến tên một nhà ngữ học Việt Nam có
tiếng trong khi nói chuyện với A.G.Haudricourt, nhà ngữ học Pháp lừng
danh này đã thốt lên một câu làm cho ông chột dạ: “Cái anh chàng tự học
ấy sẽ không làm được gì nên thân đâu!”
Ông kể thêm rằng lúc bấy giờ, ông nghĩ bụng: “Chắc Haudricourt tưởng
tôi là dân “chính quy”, tốt nghiệp đâu ở Liên Xô hay ở Mỹ về, mới nói
như thế” (vì ông hiểu câu trên có hiệu lực đối với tất cả những người tự
học). Ông quên mất rằng chính Haudricourt cũng là người tự học. Nhà ngữ
học nổi tiếng này vốn là một kỹ sư Nông học, chưa hề được đào tạo chính
quy về ngữ học bao giờ, nhưng đã viết nhiều sách và bài vở về ngành
này, nhất là về ngữ học lịch sử. Và ngay sau khi chứng minh được nguồn
gốc Môn-Khmer của tiếng Việt năm 1954, 1959 thông qua sự chuyển biến của
các phụ âm thành thanh điệu, ông đã được toàn giới đồng nghiệp trên thế
giới coi là một nhà ngữ học lớn, mặc dầu mãi đến năm 1984, nghĩa là khi
đã thành một cụ già bảy mươi mấy, ông mới có bằng tiến sĩ.
Kinh nghiệm ấy của Haudricourt và của một số nhà bác học khác cho
thấy rằng người tự học không phải bao giờ cũng kém cỏi. Và nếu đem số
người tự học mà thành tài so với số người có bằng cấp hẳn hoi mà dốt
nát, chưa chắc bên nào đông hơn. Nhưng cái định kiến làm cho hai chữ tự
học có sắc thái coi thường tuyệt nhien không phải là vô căn cứ. Nói gì
thì nói, chứ những khó khăn mà người tự học chắc chắn là lớn gấp bội so
với những khó khăn của người được đào tạo chính quy.
Trên con đường học vấn của người tự học nhan nhản những cạm bẫy cực
kỳ nguy hiểm khiến cho tri thức của họ có nguy cơ lệch lạc hoặc chứa
những lỗ hổng rất lớn mà bản thân họ không hay biết. Tôi và các bạn đồng
nghiệp đã từng nhiều lần giật mình toát mồ hôi lạnh mỗi khi nhận ra một
lỗ hổng to tướng nằm trong vốn tri thức của mình, trong khi đang làm
nhiệm vụ của người dẫn đường cho cả một lớp thanh niên đi theo với một
lòng tin tuyệt đối.
Cố bộ trưởng Tạ Quang Bửu có một bài viết rất hay về giai đoạn khủng
hoảng tinh thần mà một số nhà phát minh lớn trong lịch sử nhân loại đã
trải qua, khi họ giật mình nhận thấy điều họ mới phát minh bác bỏ các
bậc tiền bối của họ một cách quá phũ phàng. Vì lòng ngưỡng mộ và sùng
kính sâu xa đối với những người mà xưa nay họ vẫn coi là thầy, họ thấy
mình quá táo tợn và hỗn xược. Một câu hỏi khủng khiếp hiện lên trong tâm
trí họ: “Chẳng lẽ những con người từng làm loé lên trong tâm trí mình
cái tia sáng làm nên tất cả những gì giá trị nhất trong tri thức của
mình, chẳng lẽ những con người ấy sai? Hay chính vì còn quá dốt mà mình
nghĩ ra cái điều mới mẻ này, cái phát minh mà mình tưởng đã đủ để phủ
định họ?”
Thế là các nhà cách tân bắt đầu soát lại từ đầu những luận điểm của
mình để tìm cho ra cái chỗ sơ hở nào đó đã dẫn tới chỗ phủ định các bậc
thầy. Cái việc đó làm thành một cơn vật vã kéo dài suốt một thời gian
dài lao tâm lao lực. Hầu hết các nhà khoa học lớn, trước khi dám công
khai phủ nhận những lời phàn truyền có tính chất Thánh kinh mà họ đã học
thuộc lòng từ thuở bé từ những bậc tiền bối mà họ vẫn hằng sùng kính,
đều phải trải qua cơn vật vã ấy.
Ở đây có thể có hai khả năng. Một là người làm khoa học, sau những cố
gắng kiểm nghiệm lại, thấy rõ mình nhầm ở một cái khâu nào đó, bèn từ
bỏ giả thuyết đã đề ra, trở lại điểm xuất phát và bắt đầu lại quá trình
khảo sát. Hai là anh ta cảm thấy mình không nhầm, ngay cả khi nghe những
lời phản biện của các bạn và các thầy, vì anh có được những lý lẽ căn
cứ trên những dữ liệu đủ chắc chắn để bác bỏ những lời phản biện đó và
xác nhận lý thuyết của mình như một bước cách tân thực sự. Dù kết quả
của cuộc kiểm nghiệm ấy có đau xót ra sao, thì anh ta cũng trưởng thành
lên một bước rất dài. Miễn sao anh trung thực với chính mình và với các
sự kiện có liên đến vấn đề, để chấp nhận một kết luận đúng, dù nó có làm
tổn thương đến lòng tự ái của anh đến đâu đi chăng nữa.
Với người tự học, khả năng vẫn nhầm lẫn ngay cả sau khi trải qua cuộc
khủng hoảng ấy lớn hơn rất nhiều so với người được đào tạo chính quy.
Vì sự phản biện trong cảnh cô đơn là việc cực kỳ khó khăn. Ở đây có một
vực thẳm không đáy chờ sẵn người tự học: đó là thảm cảnh của chứng vĩ
cuồng, mà tôi đã có dịp bàn ở một chỗ khác. Lâm vào thảm cảnh này, người
tự học sẽ trở thành kẻ điên rồ không phương cứu chữa, một phế nhân
không có lấy được niềm an ủi tối thiểu của các phế nhân là lòng thương
xót của đồng loại: không ai có thể xót thương một kẻ giương giương tự
đắc, tự cho phép mình khinh miệt mọi người chỉ vì mình học không đến nơi
đến chốn.
Người trí thức chân chính không hẳn là người biết nhiều. Điều quan
trọng hơn là họ biết rõ mình biết cái gì, và không biết cái gì. Biết rõ
mình không biết cái gì khó gấp ngàn lần biết rõ mình biết cái gì. Và
điều đó chính là thước đo chính xác nhất của cái gọi là “trình độ văn
hoá”.
Người có học vấn thực sự, nhờ đã trải qua những bước đường gian nan,
cực nhọc để có được những tri thức mà trước kia mình tưởng rất dễ, biết
rằng những điều mình học được chỉ như hạt muối bỏ bể so với những điều
mình chưa học. Và bao giờ cũng phải có học một cái gì đã, rồi mới bắt
đầu biết là mình không biết cái gì. Cho nên người có học không bao giờ
nghĩ rằng có những ngành nghề mà mình không cần giờ học nào cũng có thể
bàn đến được, càng không bao giờ nghĩ rằng mình đủ sức viết hàng ngàn
trang sách về những môn ấy để dạy mọi người.
Đáng tiếc là khá nhiều người đã thành công rực rỡ trong một lĩnh vực
nào đó rất dễ có ảo giác là người lỗi lạc như mình học gì cũng giỏi và
thậm chí không học cũng biết. Ngay từ cái giây phút mà ở người trí thức
sinh ra cái ảo giác này, thì anh ta lập tức không còn là người trí thức
nữa và trở thành con người lố bịch và ngu muội nhất thế gian: một kẻ vĩ
cuồng. Đối với người tự học, cái hiểm hoạ này dễ trở thành hiện thực hơn
đối với người học chính quy rất nhiều.
Cho nên, người tự học không nên tự ti, chỉ nên cảnh giác đối với bản
thân. Không có một người thầy để kiểm tra mình, để thường xuyên nhắc nhở
cho mình nhớ rằng mình chưa trở thành vĩ nhân trong lĩnh vực của mình
và không biết gì trong các lĩnh vực khác, thì chính mình phải thường
xuyên làm việc đó thay cho người thầy.
Nhưng trong thực tế, nhất là ở nước ta, số người có năng khiếu mà
được học chính quy xưa nay cực hiếm, cho nên việc tự học cần phải được
khuyến khích và giúp đỡ bằng mọi phương tiện. Ở các nước tiên tiến, nơi
mà điều kiện để học chính quy rất thuận lợi , những loại sách tự học vẫn
được xuất bản rất nhiều, và cho rất nhiều ngành nghề khác nhau, trong
khi ở ta loại sách này rất hiếm (trừ sách học tiếng Anh).
Nhưng bao giờ nói đi rồi cũng phải nói lại: người được học chính quy
không phải bao giờ cũng thành tài, cũng trở thành người có học thức. Bên
cạnh cái định kiến cho rằng người tự học không bao giờ học đến nơi đến
chốn, lại có cái định kiến cho rằng chỉ cần tốt nghiệp từ một trường
lớn, có một người thầy danh tiếng lừng lẫy, là đủ bảo đảm một vốn học
thức uyên thâm.
Đến đây, lại phải nói ra một điều mà thoạt nghe có vẻ ngược đời. Đó
là dù có học trường gì, thầy nào nổi tiếng đến đâu chăng nữa, thì nhân
tố quan trọng nhất, quyết định kết quả mỹ mãn của quá trình đào tạo vẫn
là cái công tự học của người học trò. Tự học ở đây chỉ cái phần tích
cực, chủ động, quyết đoán của người học. Vai trò quyết định sự thành
công hay thất bại của quá trình học tập là vai trò của người học, tuy
vai trò của người dạy không phải không quan trọng.
Ở nhà trường, dù chỉ nói đến môn học chính, người đi học chỉ học một
tuần mươi giờ là cùng. Thì giờ còn dư dùng để tự học (tự quan sát thêm
sự kiện, tự tìm dẫn chứng, tự kiểm nghiệm thêm các giả thuyết, tự đọc
thêm sách vở, tự liên hệ thêm với thực tế . ) nhiều gấp mấy 2-5 lần so
với thì giờ trên lớp. Cho nên ngay đối với người học chính quy, việc tự
học vẫn là chính, kể cả khi lên lớp nghe giảng hay hoạt động trong những
buổi thảo luận
Người thầy giỏi có thể lầm cho một số học trò trở thành một người say
mê môn học mà vốn mình không thích thú gì. Nhưng với một người thầy
không giỏi, người học trò ham học cũng có thể tìm thấy hứng thú như khi
đọc một cuốn sách hay. Còn với một người học trò không ham học chút nào
thì dù thầy có gíảng hay đến bao nhiêu cũng không gây được men say trong
lòng người ấy. Và dĩ nhiên họ không hơi đâu mà tìm sách đọc thêm.
Vả chăng, ở đây cũng còn phải tính đến nhiều nhân tố khác nữa: gia đình, môi trường xã hội
Người lấy danh vọng của trường và của thầy làm niềm tự hào của mình
cũng không khác bao nhiêu so với người lấy tấm bằng làm mục đích của đời
mình. Đó là những người lấy danh vọng và địa vị làm mục đích, chứ không
phải là những người ham học. Họ cũng giống những người lấy danh vọng tổ
tiên làm niềm tự hào cho đời mình. “Ông nội tớ đỗ trạng nguyên, thì tớ
đủ hơn mọi người trong tỉnh rồi, còn gì phải học nữa?”
Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của di truyền. Cái gen tài năng rất
có thể là một nhân tố không thể thiếu được trong sự nghiệp của một nghệ
sĩ hay một nhà bác học. Nhưng xưa nay ai cũng biết không phải 100% con
cháu dòng giống đều là những người tài năng. Như rất nhiều bậc thiên tài
khác đã khẳng định, nhân tố di truyền chỉ cho ta điều kiện tiên quyết
mà thôi. Là con nhà nòi, ta có đúng 10% khả năng trở thành nhân tài. Còn
90% nữa là do sức lao động bỏ ra trong ba bốn chục năm đèn sách. Con
nhà nòi, dù có năng khiếu bẩm sinh đến đâu chăng nữa mà không dày công
học hỏi, nghiên cứu và thực nghiệm, thì mãi mãi chỉ là kẻ thất học mà
thôi.
Nói tóm lại, tự học là một cách học như mọi cách học khác, nhưng
người không được học chính quy gặp khó khăn hơn nhiều, cho nên dễ nhầm
lẫn hơn. Người đó cần hiểu hết những sự thiệt thòi mà mình phải chịu, và
cố gắng lấp kín những kẽ hở có thể rất nhiều do không có người hướng
dẫn.
Mặt khác, người được đào tạo chính quy cũng không thể không tự học,
nghĩa là giữ vai trò chủ động trong việc tiếp thụ tri thức và bổ sung,
chỉnh lí những tri thức đã được học từ những người thầy, trong đó không
phải chỉ có những người thầy chính thức trực tiếp dạy mình, mà còn cả
những người bạn và những người học trò của mình nữa.
Cao Xuân Hạo, Kiến thức ngày nay, số 396, năm 2001
No comments:
Post a Comment