Alexandre de Rhodes có phải là cha đẻ của chữ Quốc ngữ?01-12-2010 | ||
| ||
Có một thời gian ông bị người Việt Nam chúng ta nhìn bằng con mắt nghi kỵ, cho rằng ông thuộc hạng giáo sĩ thừa sai “Phúc âm đi trước, đoàn quân xâm lược theo sau”. Nhưng từ một hai thập niên gần đây, sự nghi kỵ ấy không còn nữa. Kể từ năm 1991, mọi người lại nhắc đến tên ông, tỏ lòng biết ơn ông và cho xuất bản quyển Tự vị Việt - Bồ - La cùng với mấy quyển Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Hành trình truyền giáo. Đồng thời cũng có nhiều bài tham luận, nhiều bài báo ca tụng công lao của ông làm ra chữ Quốc ngữ như bài: Chúng ta hãy lấy lại sự công bằng cho Alexandre de Rhodes của nhà báo Minh Hiển đăng trên Viet Nam Social Sciences (năm 1994, từ trang 88 đến 89).
Ông Hoàng Tiến, một nhà nghiên cứu ở Hà Nội cũng có viết như sau: “Những giáo sĩ sang Việt Nam như các cha cố Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa đều là người Bồ Đào Nha, sau một thời gian đã làm được Từ vị Bồ Đào Nha - Annam và Từ vị Annam - Bồ Đào Nha và nhất là cha cố người Pháp Alexandre de Rhodes là một nhà bác học rất giỏi về khoa ngôn ngữ đã tới Việt Nam, học tiếng Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt… Tất nhiên việc này (việc khai sinh ra chữ Quốc ngữ) có công sức đóng góp của nhiều người nhưng ông là đại diện và giữ công đầu (Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ XXcủa Hoàng Tiến).
Tuy nhiên, mới đây tôi đã đọc được một quyển sách của tác giả Roland Jacques có nhan đề là “L’oeuvre de quelques pionniers portugais vans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’eu/1650” (Công trình của mấy nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ Việt Nam cho đến năm 1650). Quyển này vốn là bản luận văn mà ông Roland Jacques đã đệ trình hồi tháng 11 năm 1995 tại Viện Quốc gia về các ngôn ngữ và nền văn minh Đông Phương (Institut National des langues et Civilisations Orientales) ở Paris để lấy bằng Tiến sĩ đệ tam cấp.
Trong sách, Roland Jacques có nhắc đến lai lịch gia đình và thân thế của Alexandre de Rhodes. Theo Roland Jacques thì trong lai lịch gia đình và thân thế ấy có những yếu tố huyền thoại và thực tế lẫn lộn vào nhau. Alexandre de Rhodes sinh ra ở tỉnh Avignon bên Pháp nhưng lại không phải là thần tử của vua nước Pháp mà là con dân của Đức Giáo Hoàng. Ông học nhiều năm ở Roma (Ý). Hồi ông định sang Á đông thì Giáo hội Thiên chúa của Pháp chưa có ảnh hưởng và chân đứng nào ở vùng đất xa xôi này cả. Ông phải tuyên thệ trung thành với vua Bồ Đào Nha, tự xem mình là công dân Bồ Đào Nha để được có tên trong bản danh sách các giáo sĩ Bồ Đào Nha đang sắp sửa xuống tàu đi Đàng Trong.
Sau này, vào năm 1640 khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đánh nhau, rồi vua Bồ Đào Nha, vào tháng 6/1641, phải kí một hiệp ước liên minh với vua Pháp thì Alexandre de Rhodes quay buồm theo ngọn gió thuận, lấy cớ mình là người ở tỉnh Avignon để tự xưng là thần dân của vua nước Pháp. Năm 1651, khi Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài được xuất bản ở Lyon, ông có dâng tặng cho vua Pháp một quyển với câu đề tặng như sau “Các quyền và các bổn phận của hạ thần bắt buộc hạ thần phải dâng lên cho Bệ hạ một quả ngon vừa chín tới của vùng đất Đàng Ngoài” và ông kí tên là “một thần dân rất hèn mọn, rất biết vâng lời và rất trung thành với Bệ hạ là Alexandre de Rhodes thuộc Hội dòng Giesu”.
2. Đến đây chúng ta trở lại với những sự việc đã xảy ra từ 27 năm về trước, tức là năm 1624. Năm đó Alexandre de Rhodes đặt chân lên đất Hội An và ở lại đấy để làm việc với Francisco de Pina, giáo sĩ Bồ Đào Nha cai quản Giáo phận Hội An với một số những giáo sĩ khác gồm có Francisco Buzomi người Ý; Antonio Dias, Manuel Fernandez và Antonio Fernandez- người Bồ Đào Nha; José Tsuchimochi người Nhật; Domingos Mendes K’ieu người Hoa. Trong số ấy cũng có cả Cristoforo Borri người Ý, tác giả quyển Tường trình về những chuyến đi truyền giáo của những giáo sĩ thuộc hội dòng Giesu in ở Roma năm 1631. Nhưng khoảng một năm trước khi Alexandre de Rhodes đến Hội An thì Cristoforo Borri đã được gọi về Macao nên hai người không gặp nhau.
Trong trận tấn công của các tàu chiến Hà Lan vào vùng đất Macao ngày 22/6/1622 Cristoforo Borri đã dũng cảm tham dự trận đánh và có những chiến công oanh liệt. Ngoài ra, ông cũng đã đóng góp khá nhiều trong công việc làm ra chữ Quốc ngữ.
Khi quyển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum được xuất bản ở Roma năm 1651 trong “Lời ngỏ với người đọc”, Alexandre de Rhodes đã viết:
“… Tuy nhiên trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính những người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Côsin và Đông Kinh thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha thuộc hội dòng Giesu rất nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu thuyết giảng bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng công trình của nhiều cha khác cùng một hội dòng, nhất là của cha Gaspar do Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một quyển từ điển: Ông trước bắt đầu bằng tiếng Annam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm”.
(Bản dịch Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính trong Tự điển Việt - Bồ - La in năm 1991).
Nếu Alexandre de Rhodes có dùng những công trình của hai cha Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa thì có lẽ ông cũng có dùng những công trình nghiên cứu tiếng Đông Kinh của Francisco de Pina. Do đó, ông Roland Jacques đã nảy ra ý thăm dò, tìm kiếm và cuối cùng khi đến Thư viện quốc gia Ajuda ở thủ đô Lisbonne ở Bồ Đào Nha đã phát hiện trong đống bản chép tay Jesuitas jia Asia do giáo sĩ Bồ Đào Nha José Montanha cho mang từ Macao về Lisbonne năm 1742, một bức thư và một bản thảo của Francisco de Pina.
Hai tài liệu mà Roland Jacques phát hiện được là hai bài chép lại từ các tài liệu và giấy tờ do Francisco de Pina để lại nhưng chép thật đúng, thật chính xác so với nguyên bản, từ dấu chấm dấu phẩy cho đến những lỗi viết sơ sót nhỏ.
Bức thư viết dở dang nên Francisco de Pina không gửi đi Macao nhưng trong đó, ông có đoạn nói về công việc nghiên cứu và Latinh hóa tiếng Đông Kinh và về chuyện thành lập một ban nghiên cứu gồm các giáo sĩ thông thạo tiếng Đông Kinh đang truyền giáo tại Hội An. Riêng bản nháp nghiên cứu tiếng Đông Kinh của Francisco de Pina thì khá hoàn tất và có nhan đề là Manuductio ad Linguam Tunckinensem nghĩa là Phương pháp học tiếng Đông Kinh.
Khi Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong năm 1624, được Francisco de Pina dạy cho tiếng Đông Kinh, được xem là thành viên trong ban nghiên cứu tiếng Đông Kinh thì hẳn đã được đọc tài liệu Manuductio ad Linguam Tunckinensem của người thầy dạy mình.
Phần đông các giáo sĩ đã cùng Francisco de Pina học hỏi nghiên cứu tiếng Đông Kinh đều là người Bồ Đào Nha nên chữ Quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn mang nhiều dấu vết của các quy luật ngôn ngữ học Bồ Đào Nha. Những dấu như dấu ngã đều mượn của Bồ Đào Nha cả (thí dụ não mateis có nghĩa là anh chớ giết, dấu ngã trên não mateis đã hóa thành dấu ngã tiếng Việt ngày nay).
Ngoài ra, Từ điển Việt - Bồ - La còn được Alexandre de Rhodes thêm vào ở phần phụ lục một bài nghiên cứu về tiếng Annam và Đông Kinh dày 31 trang với nhau là “Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis Seclaratio” trong đó có nhiều chỗ rất giống với Manuductio ad Linguam Tunckinensem. Chẳng hạn trong chương II là chương nói về chữ và vần. Về chữ đ trong Manuductio ad Linguam Tunckinensem của Francisco de Pina viết:
“Alterum đ notatur eo signo, quia est omnino diversù à nostro et pronunciatur attollendo extremum linguae ad palatum oris illamque statim amovendo absque eo, quod ullo modo dentes attingat, ùt đa đa: perdrix. Et haec littera est valde in usu in principio dictionis”
Thì về chữ đ Linguae annamitica seu tunchinens is của Alexandre de Rhodes cũng viết gần như giống hệt.
“Aliud đ notatur eo signo quia est omnino diuersuon à nostro et pronunciatur attollendo extremum linguae ad palatum oris, illamque statim amovendo, absque eo quod vllo modo dentes attingat vt đa đa: perdrix: et haec litera est valde in vsu in principio dictionis”.
Các ông Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính đã dịch đoạn tiếng Latinh đó ra như sau:
“Một chữ khác được ghi bằng dấu hiệu này, đ, thì hoàn toàn khác chữ của chúng ta và khi phát âm phải nâng chóp lưỡi lên tới cửa miệng rồi đẩy lưỡi ra tức thì, mà không được chạm răng bằng bất cứ cách nào, thí dụ, đa đa, perdrix (chim đa đa) và chữ này rất thông dụng ở đầu các tiếng”.
Còn nhiều chỗ khác cũng giống hệt như thế nhưng tôi không chép ra đây hết được. Như thế không biết có nên bảo rằng Alexandre de Rhodes đã vay mượn rất nhiều trong Manuductio ad Linguam Tunckinensem của Francisco de Pina để làm thành Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis Declaratio của mình hay không?
3. Còn nữa! Alexandre de Rhodes là người Pháp thì tại sao không biên soạn Từ điển Việt - Pháp - La mà lại làm Từ điển Việt - Bồ - La? Đây có phải chăng là một công trình tổng hợp từ hai quyển từ điển của Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa không? Chúng ta chỉ nêu nghi vấn chớ không dám khẳng định và kết luận. Cũng như Roland Jacques chưa dám hoàn toàn phủ nhận công đầu của Alexandre de Rhodes mà chỉ nói:
“Nhiều yếu tố khác nhau của lịch sử đã góp phần vào việc tôn vinh vai trò của Alexandre de Rhodes và làm lu mờ vai trò của những nhà nghiên cứu ngôn ngữ khác vốn đã từng nghiên cứu trước khi ông đến và sau này đã cộng tác với ông trong việc Latinh hóa tiếng Việt.
Ngay từ nửa sau thế kỷ XVII, giữa các Hội Truyền giáo của các nước phương Tây đã có sự cạnh tranh và xung đột với nhau, và vì những lí do này, lí do nọ mà các giáo sĩ trong Hội Truyền giáo nước ngoài ở Paris có lẽ đã tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của những công trình mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha của Hội dòng Giesu đã làm được, trước khi giáo sĩ của Hội Truyền giáo Paris đặt chân đến Annam năm 1666. Còn về chính quyền thuộc địa Pháp (ở Đông Dương) thì họ thấy rất là có lợi cho họ khi họ đề cao một cách đơn phương tính cách lâu đời và giá trị của phần đóng góp của nước Pháp vào nền văn hóa Việt Nam. Vả lại, nếu xem xét một cách khách quan và không thiên kiến thì thấy rằng rõ ràng là chữ Quốc ngữ không phải là kết quả của sự gặp gỡ giữa văn hóa Việt Nam lâu đời đến hàng mấy ngàn năm với văn hóa Pháp được tiêu biểu qua Alexandre de Rhodes…
Có một việc cần làm là nên xác định rõ hơn công trình của cá nhân Alexandre de Rhodes giữa một công trình tập thể mà trong đó Alexandre de Rhodes chỉ là một trong mấy người tiếp tay thực hiện mà thôi. Chính các giáo sĩ Bồ Đào Nha và những người Annam đang muốn tranh tài với họ trong công việc Latinh hóa tiếng Annam mới là những người đã đóng một vai trò quan trọng hàng đầu. (Trích trong “Công trình của mấy nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ học Việt Nam tính đến năm 1650”, tr. 211 và 212 của Roland Jacques).
Roland Jacques không chịu nói rõ hơn nhưng chúng ta đã hiểu ông định nói gì rồi.
Cuối bài cũng nên thêm rằng, giá như giáo sĩ Francisco de Pina mà không bị chết đuối ngày 15/12/1625 trong khi chèo thuyền ra khơi để cứu một chiếc tàu bị bão trên cửa biển Đà Nẵng thì có lẽ riêng ông đã có cơ hội đạt được hoài bão lớn nhất trong đời ông là tặng cho chúng ta một thứ chữ viết rất hoàn chỉnh và rất khoa học.
|
No comments:
Post a Comment