Thứ Ba, 28/09/2010 - 8:15 PM | ||
Mục đích của bài này là đánh tan sự hiểu nhầm đó để trả cái công của Alexandre de Rhodes về đúng chỗ của nó: Giáo hội Công giáo La Mã. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định một cách khách quan và nghiêm chỉnh rằng Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Dưới đây là lời phi lộ của Việt Nam khảo cổ tập san, số 2-1961, ra mắt nhân "Tam bách chu-niên húy-nhật giáo-sĩ Đắc-Lộ" do Trương Bửu Lâm chấp bút: "(...) Giáo-sĩ Đắc-Lộ (tức Alexandre de Rhodes - AC) thật ra không phải là ông tổ và cũng không phải là ông tổ duy nhất (Chúng tôi nhấn mạnh - AC) của chữ quốc ngữ. Trước ông, đã có nhiều người đã cố gắng tìm cách phiên âm tiếng nói của dân Việt bằng vần La Tinh và chính ông cũng đã bao lần trong những tác phẩm của ông nói đến nhiều sách vở được viết ra trước ông bằng tiếng Việt (...). Và đồng thời với giáo sĩ Đắc-Lộ, chắc chắn cũng có nhiều giáo sĩ khác quan tâm đến vấn đề phiên âm: đó là lẽ dĩ nhiên vì công cuộc phiên âm là một lợi khí rất lớn cho việc truyền giáo. Vậy thì không còn ai có thể bào chữa thuyết cho rằng giáo sĩ Đắc-Lộ là ông tổ và ông tổ duy-nhất của chữ quốc ngữ" (Sđd, tr.11). Và sau đây là lời của linh mục Đỗ Quang Chính: "Đắc-Lộ không phải là người Âu châu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải người đầu tiên sáng tác chữ quốc ngữ, hơn nữa, vào năm 1636 Đắc-Lộ cũng không phải là người ghi chữ quốc ngữ đúng được như một số Linh mục Dòng tên Bồ Đào Nha ở Việt Nam thời đó (Chúng tôi nhấn mạnh - AC). Thật ra, trong giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ, Đắc-Lộ chỉ góp một phần trong công việc quan trọng này, mà rõ rệt nhất là soạn sách chữ quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên". (Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn, 1972, tr.78). Còn sau đây là lời của Đỗ Hữu Nghiêm: "Đắc Lộ đã tiếp thu, thừa kế, sắp đặt lại cho hoàn chỉnh tất cả các thành tựu của các nhà truyền giáo tiền phong hay đồng thời, dựa trên những trợ giúp quý giá, không thể thiếu được của các tín đồ người Việt tiếp xúc gần gũi với ông, chia sẻ chí hướng của ông (...). Thực sự công trình sáng tạo chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh là một công trình tổng hợp có tính chất tập thể quốc tế, trong đó Đắc Lộ là người đã có một vị trí cốt yếu khi sử dụng rộng rãi thứ chữ mới này trong các tác phẩm in trình bày những kiến thức sâu rộng. Các bậc thức giả như Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều khẳng định chữ quốc ngữ là một công cuộc chung của nhiều người." ("Đắc Lộ trong lịch sử hình thành chữ quốc ngữ", Công giáo và dân tộc, số 798,17/3/1991,tr.14). Nhưng hùng hồn và đáng tin hơn cả phải là lời của chính đương sự. A. de Rhodes đã viết như sau: "Tuy nhiên trong công cuộc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh (tức Đàng Trong và Đàng Ngoài - AC), thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa (Chúng tôi nhấn mạnh - AC), cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tức là từ điển Việt-Bồ - AC), ông sau bằng tiếng Bồ-Đào (tức là từ điển Bồ-Việt - AC), nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La Tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn...". (Từ điển Annam-Lusitan-Latinh, tức Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb KHXH, 1991, phần phiên dịch, tr.3). Vậy rõ ràng A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Chẳng những thế, ông ta cũng không phải là người châu Âu đầu tiên soạn từ điển về tiếng Việt vì trước ông ta đã có hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là G. de Amaral và A. Barbosa. Ông ta chỉ thừa hưởng công trình của hai cố đạo kia rồi thêm tiếng La Tinh vào theo lệnh của Tòa thánh La Mã mà thôi. Chính vì những điều trên đây mà ở trong Nam, trước 1975, linh mục Thanh Lãng đã khẳng định: "Giáo sĩ Đắc Lộ không những không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ mà cũng không phải là một trong các ông tổ của chữ quốc ngữ". Và "Sở dĩ Đắc Lộ về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ quốc ngữ cho bằng ông đã để lại hai quyển sách (tức Từ điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày - AC) được coi như tài liệu duy nhất (có hệ thống - AC) về chữ quốc ngữ". (Dẫn theo Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, t.II, TPHCM, 1988, tr.136-137). Đến đầu thế kỷ XXI, một người phương Tây đã khảng khái và khách quan đặt lại vấn đề về vai trò của A. de Rhodes. Đó là Roland Jacques, người đã học xong chương trình Ban cử nhân và tiền tiến sĩ về Việt học và Viễn Đông học tại INALCO (Học viện quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông), chuyên gia về Giáo luật Công giáo, Tiến sĩ Luật học tại Đại học Paris XI và Tiến sĩ Giáo luật tại Học viện Công giáo Paris, hiện là Khoa trưởng Phân khoa Giáo luật tại Đại học Saint-Paul, Ottawa, Canada. Trong quyển Les missionnaires portugais et les débuts de l' Église catholique au Viet-nam (Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam), in song ngữ Pháp - Việt, T.1 (Định Hướng Tùng Thư, 2004), R. Jacques viết: "Đến khi chữ quốc ngữ đã bắt đầu được sử dụng chính thức tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, người ta cố truy tìm lịch sử của nó, bấy giờ tên tuổi Alexandre de Rhodes đã sớm được công nhận như là người khai sinh ra việc chuyển vần Latinh vào tiếng Việt. Rồi từ đó ông được nâng lên tận mây xanh như một ngôi sao đứng một mình, soi sáng cho đêm tối của quá khứ xa xưa (...) Chính quyền thực dân và Giáo hội đều đã ca ngợi thiên tài truyền giáo và ngữ học có một không hai của vị tu sĩ dòng Tên, tán dương những lợi ích đem lại cho Việt Nam trong thời đại mới (...) Nhưng có những sự việc thường được xem là hiển nhiên mà thực sự lại sai... (Chúng tôi nhấn mạnh - AC)." (Sđd, tr.27). Vậy đã đến lúc ta nên chấm dứt câu chuyện cổ tích về sự sáng chế chữ quốc ngữ của A. de Rhodes. Còn mục đích của cố đạo này thì đã được chính ông ta xác định như sau: "(...) ước gì các Ngài trở nên những người truyền bá nhiều phương ngữ, để không những các nước lân cận và quen biết từ xưa được nghe những sự kỳ diệu của Thiên Chúa mà cả mọi miền dưới bầu trời và những vương quốc rất xa xôi ở cực Đông từ nhiều thế kỷ qua chưa được nghe, thì bây giờ những nước ấy cũng phải được nghe và rao truyền danh Chúa huyền diệu biết bao trên khắp trái đất (...). Mà lại để Lời Thiên Chúa thâm nhập dễ dàng hơn tới tận cùng Hoàn cầu, nơi người Đông- kinh và Cô-sinh, tức là tất cả mọi người An Nam đang chiếm cư, thì bây giờ lòng đại lượng bao la của quý vị cũng truyền lệnh thực hiện quyển từ điển của dân tộc An Nam, một quyển từ điển giúp ích cho những người làm công tác Tông đồ được chỉ định cho phần vườn nho này của Chúa, hầu họ hiểu biết phương ngữ xa lạ của người An Nam, tức là để những mầu nhiệm Thiên Chúa được giãi bày cho người An Nam, đồng thời cũng để người An Nam vừa làm quen với chính Đức Tin Rô-ma và Tông đồ, vừa làm quen với phương ngữ Rô-ma và La-tinh. Ai mà không thấy việc đó trong tương lai có lợi là chừng nào cho công cuộc truyền bá đức tin của Chúa Ki-tô được rộng rãi và chắc chắn hơn" (Sđd, phần đã dẫn, tr.1). Lời lẽ của chính đương sự rõ như ban ngày: A. de Rhodes làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người Đại Việt cả. Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ, mà một số cố đạo đã đặt ra, với sự góp sức của một số con chiên người Đại Việt, để làm lợi khí cho việc giảng đạo, thành lợi khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc, để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Đây chẳng qua là chuyện “gậy ông đập lưng ông” mà thôi. Để đòi cho bằng được người Việt Nam ta phải tôn sùng ông cố đạo của mình, có người còn so sánh A. de Rhodes với Sĩ Nhiếp và việc Sĩ Nhiếp được tôn làm Sĩ Vương và Nam Giao Học Tổ. Nhưng so sánh thế nào được? Một là việc Sĩ Nhiếp được tôn sùng đâu đã phải là chuyện được mọi sử gia nhất trí, kể cả một vài sử gia thời phong kiến. Hai, và rất quan trọng, là việc truyền đạo của A. de Rhodes đối với một số giáo dân Đại Việt tại những nơi ông ta đã đến và ở lại làm sao có thể so sánh với công lao (nếu quả đây thực sự là công lao) của Sĩ Nhiếp đối với toàn dân Giao Châu? Ba là Sĩ Nhiếp có công phổ biến chữ Hán và Nho học chứ ông cố đạo nhà ta thì có công gì? Vâng, thì có đấy, nhưng đó chỉ là đối với Thánh bộ Truyền bá Đức tin và Giáo hội Công giáo La Mã mà thôi. Cái tâm lý đòi dân ta phải mang ơn A. de Rhodes chẳng qua là hậu quả của sự nhồi sọ mà bọn thực dân Pháp đã thực hiện trong thời kỳ chúng còn cai trị dân ta, nước ta. Ngoài ra, còn có thể có cả những nguyên nhân khác thuộc về tâm thức riêng, và cả... tín ngưỡng riêng nữa. Người ta thì làm cuốn từ điển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền đạo của người ta mà mình thì cứ nằng nặc đòi người Việt Nam phải ghi công ông cố đạo Alexandre de Rhodes, thậm chí có người mà lòng biết ơn cụ cố còn nặng đến những 43 tấn. Trên một số phương tiện truyền thông, người ta còn in cả bức ảnh một nhà lãnh đạo, một nhà sử học và một nhà điêu khắc ngồi với nhau mà bàn về việc tạc tượng ông cố đạo kia nữa. Chẳng khôi hài ư? Không quái đản à? Thậm chí có người còn muốn tôn vinh ông ta trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì thật không còn biết phải trái là gì nữa. A. de Rhodes mà lại đủ tư cách để ăn theo Lý Thái Tổ ư? Xin chớ để cho bóng dáng ông cố đạo kia len lỏi vào mà làm giảm mất cái không khí long trọng của cuộc đại lễ ngàn năm có một này |
No comments:
Post a Comment