Đừng chỉ nhìn Đại tướng chỉ là một vị tướng...13/10/2013 18:15(TNO) Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo từ thời kỳ chiến dịch Điện Biên Phủ, là người có thời gian gắn bó đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được biết đến nhiều ở vai trò, nhưng có lẽ ít người biết ông từng là Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc bộ từ những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám (1945).
Đã 92 tuổi, vóc người gầy gò, sức khỏe cũng đã suy giảm nhiều vì bệnh phổi nhưng ông vẫn tỏ ra rất minh mẫn và sắc sảo. Thậm chí những ý kiến của ông có thể khiến nhiều người ngạc nhiên về sự cập nhật thời cuộc với những góc nhìn khác biệt. Điều ấy có lẽ cũng dễ hiểu bởi công việc tình báo đã buộc ông luôn phải nắm bắt, phân tích thông tin.
Tài năng của ông bộc lộ từ rất sớm. Giai đoạn Cách mạng Tháng Tám (1945), khi mới 24 tuổi, ông đã là đại diện của cách mạng tham gia hàng loạt các cuộc thương thuyết quan trọng với Khâm sai Phan Kế Toại, Thủ tướng Chính phủ Trần Trọng Kim và tướng Tsuchihashi, Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật, ngay tại Tổng hành dinh quân đội Nhật… góp phần quan trọng và trực tiếp làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi và không xảy ra đổ máu.
Từ năm 1946, ông được phân công làm Chánh văn phòng Bộ Tổng tư lệnh, giúp việc cho Đại tướng. Ông có nhiều kỷ niệm gắn bó với “anh Văn” suốt từ thời gian ấy đến chiến dịch Biên giới (1950), qua chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)...
Trong suốt hơn hai mươi năm, từ 1946 - 1968, ông được coi là người trợ tá đắc lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi những biến động thời cuộc ngăn cách hai người.
Khi chúng tôi nhắc đến cuộc đời ông với những thăng trầm suốt mấy mươi năm, ánh mắt ông thoáng xa vắng. Không rõ lúc ấy ông nghĩ gì.
Nhưng rồi ông quay lại rất nhanh với câu chuyện về Đại tướng, về người anh Cả của quân đội mà ông đã gắn bó từ những ngày đầu của cuộc đời cách mạng. Đó là điều ông muốn tâm sự và chia sẻ nhiều hơn lúc này.
“Có những chuyện về Đại tướng rồi sẽ phải nói, nhất là về thời gian ông gặp nhiều thử thách thế nào. Ông ấy đã giữ nhẫn như thế nào, giữ đạo đức, tác phong thế nào...”, đại tá Nghĩa khẳng định.
Đại tá Nghĩa nói: “Từ trước đến nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn được ca ngợi như một thiên tài quân sự, một trong vị tướng tài năng nhất của thế kỷ 20. Không chỉ trong nước mà trên thế giới cũng đánh giá ông rất cao trên góc độ ấy. Sự đánh giá ấy là đúng. Ông là một danh tướng mà thế giới và lịch sử phải ghi nhận. Nhưng nếu chỉ nhìn nhận ông theo hướng đó thôi thì lại có thể là một sự thiếu sót rất lớn.
Tôi muốn bổ sung thêm một góc nhìn như thế này. Ông không chỉ là một vị tướng có công lao to lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc mà ông còn là một nhân vật lớn có ảnh hưởng và ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành, xây dựng nên một nước Việt Nam độc lập và chế độ dân chủ cộng hòa.
Cuộc đời ông, qua những thăng trầm, đã thể hiện ông là người đi theo một cách đúng đắn, rõ ràng nhất quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh. Không phải người ta vẫn coi ông là người học trò xuất sắc, tiêu biểu nhất của Bác Hồ đấy hay sao?Tư tưởng của Bác Hồ là gì? Không thể nói chung chung được. Một là độc lập dân tộc. Hai là tự do dân chủ. Ba là đoàn kết toàn dân. Chính cái chữ “đoàn kết toàn dân” này làm cho Hồ Chí Minh khác với những người theo quan niệm mác-xít khác. Cũng là cách mạng giải phóng theo quan niệm mác-xít nhưng những ông khác là đấu tranh giai cấp, với Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là Dân tộc.
Việc Đại tướng ra đi trong lúc này là và phải là một tiếng chuông nhắc nhở. Nhắc nhở lại cho chúng tôi, cho quân đội và cho cả nhân dân về con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lựa chọn. Đại tướng được coi là người anh Cả của quân đội, không phải là quân đội chung chung nào mà là quân đội nhân dân. Quân đội của nhân dân, vì nhân dân. Điều đó quan trọng lắm, nó thể hiện sự tư tưởng của Hồ Chí Minh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã hiện thực hóa, xây dựng nên. Chúng ta hãy nhìn vào những gì đã xảy ra ở Trung Đông, Bắc Phi thời gian qua để thấy bài học về chuyện quân đội đứng về và phục vụ nhân dân như thế nào.
Nói đến Bác Hồ, nói đến Đại tướng, cũng phải nói đến chuyện giữ đoàn kết, mà ở Đại tướng được thể hiện qua chữ “nhẫn” của ông. Trong cuộc đời có nhiều thăng trầm, có những lúc không chỉ bản thân mà cả những người thân thiết của ông gặp hoạn nạn nhưng ông vẫn giữ chữ “nhẫn” ấy. Tôi đã đọc nhiều điều người ta viết sai về ông.
Ví dụ Bùi Tín nói tại sao ông Giáp không cứu chúng tôi trong thời gian hoạn nạn ấy. Nói thế là không hiểu gì cả. Ai cứu ai lúc ấy? Phải hiểu rằng Đại tướng đã chấp nhận sự thiệt thòi, gian khó về mình để giữ được đoàn kết. Cái ý nghĩa của “đoàn kết toàn dân” là ở chỗ đó. Hiểu chữ “nhẫn” hay chữ “đoàn kết” gắn với Đại tướng là ở chỗ ấy”...
Ng.Phong
|
No comments:
Post a Comment