Showing posts with label địa danh. Show all posts
Showing posts with label địa danh. Show all posts

Tuesday 15 October 2019

Đặc điểm địa danh A Lưới (Trần Nguyễn Khánh Phong - Viện Nghiên Cứu Văn Hóa)

Đặc điểm địa danh A Lưới

14/04/2016
Trần Nguyễn Khánh Phong*


   I. Đặt vấn đề
   Vùng phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế với địa hình vùng gò đồi, thung lũng, núi cao đã được cộng đồng người Tà Ôi, Pacô, Pahy, Cơ Tu và Bru - Vân Kiều chọn làm địa bàn cư trú lâu đời. Khởi thủy của vùng đất A Lưới nói riêng và vùng núi Thừa Thiên - Huế nói chung vốn là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa thời tiền sử và sơ sử. Trên địa bàn huyện A Lưới qua các phát hiện về khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những chiếc rìu đá, bôn đá ở các thôn La Ngà (xã Hồng Thủy), ở núi Mèo (xã Hồng Vân) và ở các xã Bắc Sơn, Hồng Bắc và Hồng Hạ([1]).
   Những di tích, di chỉ khảo cổ học này đã cho chúng ta biết được rằng nơi đây đã từng là địa vực cư trú của tầng lớp cư dân cổ và đã tạo nên lớp văn hóa cổ. Đã có nhận định cho rằng “…những phát hiện rải rác các loại rìu, bôn đá ở Huế, Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền và A Lưới cho phép đặt ra một giả thiết đầy triển vọng về khả năng phát hiện các di tích thời đại đồ đá ở Thừa Thiên -Huế”([2]). Điều này chứng tỏ ở A Lưới đã, đang và sẽ là cái nôi văn hóa quan trọng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đóng góp một phần quan trọng vào sự hội nhập với văn hóa Huế hiện nay.
   Từ trước đến nay việc nghiên cứu địa danh ở Thừa Thiên - Huế chỉ dừng lại ở cấp độ phân loại như sau: Nhóm địa danh tiếng Việt, Nhóm địa danh hành chính - cư trú, Nhóm địa danh công trình xây dựng, Nhóm địa danh chỉ đối tượng địa hình tự nhiên. Địa bàn nghiên cứu địa danh ở đây chỉ dừng lại ở đối tượng là người Việt và phạm vi chủ yếu ở đồng bằng thể hiện qua một số công trình địa chí, địa danh hoặc từ điển lịch sử([3]). Riêng đối với địa danh vùng núi hoặc nhóm địa danh dân tộc thiểu số (có 485 địa danh tiêu biểu) thì mới được manh nha([4]). Nghiên cứu địa danh ở Thừa Thiên - Huế cần theo hướng tiếp cận liên ngành ngôn ngữ - văn hóa học về một vùng địa lí hội tụ nhiều lớp, nhiều tầng văn hóa có sự giao thoa, tiếp biến giữa các dân tộc chung sống trên địa bàn. Chúng tôi xin nêu ra những điều lí giải thú vị về đặc điểm địa danh huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế để bổ sung những thông tin về địa danh học thuộc nhóm địa danh dân tộc thiểu số ở địa bàn Thừa Thiên - Huế mà bấy lâu nay đang thiếu trong các công trình địa chí, địa danh nơi đây.
   II. Sơ lược về lịch sử hình thành vùng đất A Lưới
   Vào buổi bình minh của lịch sử dân tộc, vùng đất A Lưới thuộc phần đất của bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang thời Hùng Vương, sau thuộc châu Ô, châu Lý của vương quốc Chămpa cổ.
   Đến đầu thế kỷ XIV thuộc về vùng đất Đại Việt và dân chúng quần tụ ngày càng nhiều hình thành nên những cộng đồng dân cư có nguồn gốc cư trú lâu đời.
   Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân ở các địa phương được thành lập. Tiếp theo là 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp nhất là sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, vùng Nam Đông nằm trong khu dinh điền của Ngô Đình Cẩn, vùng A Lưới cùng vùng Ba Lòng (Quảng Trị) tạm thời bị o ép bởi lực lượng ly khai nhà đương cục Sài Gòn lúc bấy giờ.
   Tháng 5 năm 1958, Bộ trưởng Nội vụ chính quyền Sài Gòn dưới thời Ngô Đình Diệm ra Nghị định cải biến huyện thành quận hành chính, đặt thêm một số quận mới của tỉnh Thừa Thiên: Nha Thượng Du đổi thành quận Thượng Du sau đổi lại thành quận Nam Hòa. Lúc này đây, vùng đất A Lưới thuộc vùng núi quận Phong Điền. Quận Phong Điền gồm có các xã: Phong An, Phong Bình, Phong Hiền (Phong Nhiêu), Phong Hòa, Phong Lộc, Phong Nguyên, Phong Sơn, quận lỵ đặt tại Phong Nguyên([5]).
   Năm 1967 huyện miền núi A Lưới và một phần đất của huyện Nam Đông (Nam Hòa) thuộc vùng giải phóng chiến khu cách mạng, được chia làm 3 quận gồm: Quận 1, Quận 3 và Quận 4.
   Quận 1 gồm các xã: Bắc Sơn, Tây Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, A Ngo, A Đớt, A Roàng, Nhâm.
   Quận 3 gồm các xã: Hồng Quảng, Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Hạ, Hồng Trung, Hồng Tiến, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Nam, Hồng Bắc (1/2 diện tích), Hồng Kim.
   Quận 4 gồm các xã: Hồng Bắc (1/2 diện tích còn lại), Hương Sơn, Hương Nguyên, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Lộ, Hương Lâm([6]).
Sau Hiệp định Paris thì bỏ quận 4 chuyển thành quận 2 đều trực thuộc Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho đến ngày giải phóng tháng 3 năm 1975([7]).
   Tháng 3 năm 1973, Thường vụ Tỉnh ủy họp, ra Nghị quyết về xây dựng căn địa miền núi. Lúc này, miền núi Thừa Thiên - Huế có 3 quận, 27 xã, 138 thôn, dân số khoảng 150.000 người, với diện tích vùng giải phóng khoảng 4000km2 (gần ¾ diện tích toàn tỉnh). Cũng thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng bộ các quận đã đưa dân về Đằm xây dựng thôn xóm, chuyển hướng sản xuất, xây dựng cuộc sống mới và nơi ở mới hình thành nên vùng đất A Lưới ngày nay.
Đi tiên phong trong việc chuyển dân từ phía sau ra phía trước([8]) là chính quyền và nhân dân của các xã quận 3 như sau: Hồng Kim về A Tia, Hồng Bắc về A Ninh, Hồng Trung về Đụt, Hồng Nam về A Rum, Hồng Thuỷ về sông Tà Rụt, Hồng Vân về Hồng Bắc, Hồng Hạ về đường 12, Hồng Thượng về Tà Pát, Căn Tôm, Hồng Quảng về Pi Đu và Hồng Thái về A Rí. Đồng bào Hương Lâm về chỗ cũ và Hương Nguyên về A Rí. Ra quân sớm nhất toàn huyện là xã Hương Lâm. Chỉ trong 3 ngày 100% dân đã được di chuyển về phía trước([9]).
Sau khi đã ổn định dân cư và địa hình từ thung lũng A Lưới đến thung lũng A So cũng là lúc huyện A Lưới chính thức được thành lập vào tháng 3 năm 1976 gồm có 22 xã: Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Kim, Hồng Bắc, Hồng Nam, A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Thượng, Phú Vinh, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn, A Roàng, A Đớt, Hồng Hạ, Hương Nguyên và Hồng Tiến([10]).
   Tháng 4 năm 1976, tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất gồm tỉnh Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh (ở miền Bắc) và tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên (ở miền Nam). Tỉnh Bình Trị Thiên gồm có 20 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố, trong đó có huyện A Lưới.
   Tháng 3 năm 1979, Hội đồng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Bình Trị Thiên phân vạch địa giới hành chính của một số xã và phường ở các huyện A Lưới, Bố Trạch, Bến Hải và thành phố Huế. Tháng 5 năm 1981, theo đề nghị của tỉnh Bình Trị Thiên, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 187 - CP chấp thuận về điều chỉnh địa giới một số xã của các huyện Bến Hải, Hướng Hóa, Triệu Hải, Hương Điền, Hương Phú, Phú Lộc, A Lưới và thị xã Đông Hà.
   Từ ngày 01/07/1989, tỉnh Thừa Thiên - Huế được tái lập, các đơn vị hành chính cũng được thay đổi. Sau một quá trình dài chia tách, đơn vị hành chính toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được ổn định. Tính đến ngày 30/04/2005, toàn tỉnh có 8 huyện và 1 thành phố, đến ngày 30/04/2010 toàn tỉnh có 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện. Trong đó huyện A Lưới có 20 xã và 1 thị trấn, với 131 thôn, làng, dân số 43609 người, 9998 hộ, 2541 lao động([11]).
   Như vậy qua nhiều lần diên cách giữa các đơn vị hành chính cấp huyện trở lên từ quận Phong Điền, quận 1, quận 3 và quận 4 đến huyện A Lưới ngày nay cơ bản vẫn giữ nguyên thành phần dân cư là cộng đồng dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pacô, Pahy, Cơ Tu và Bru - Vân Kiều. Chính những cư dân này đã lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của mình trong đó tên gọi và nguồn gốc các địa danh đã gắn liền với phương diện văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc học của họ.
   III. Đặc điểm địa danh huyện A Lưới
   Theo sự hiểu biết của chúng tôi, đã có các công trình nghiên cứu địa danh học Việt Nam, trong đó địa danh A Lưới được nhắc đến trong các công trình này dù ít dù nhiều cũng đã nói lên được vai trò về vị trí địa lí của A Lưới trong hệ thống địa danh Việt Nam.
   Tác giả Đinh Xuân Vịnh (1996) trong công trình của mình có 7 mục từ liên quan đến địa danh ở A Lưới: A Bia, A Lưới (thung lũng), A Lưới (huyện), A Phia (núi), A Sáp (sông), A Sầu (thung lũng), A So([12]). Trong đó tác giả đã có sự nhầm lẫn về địa danh, thực tế thì A Bia và A Phia chỉ là một tên gọi, và phổ biến nhất là A Bia, A Sầu và A So chỉ là một tên gọi và phổ biến nhất là A So.
   Tác giả Nguyễn Văn Tân (1998) trong công trình nghiên cứu đồ sộ của mình đã đưa vào 7 mục từ về các địa danh liên quan đến A Lưới: A Bia (vùng rừng núi hiểm trở), A Lưới (điểm du lịch), A Lưới (huyện), A Phia (ngọn núi ở biên giới Việt - Lào ở thung lũng A Sầu), A Sầu (thung lũng), A Bia (vùng hiểm trở), A So([13]). Những địa danh này với cách giải thích tương tự như Đinh Xuân Vịnh và cũng lặp lại cái nhầm lẫn về tên gọi như trên.
   Tập thể các tác giả ở Huế trong công trình của mình đã đưa vào sách 23 mục từ liên quan đến địa danh A Lưới gồm: A Đớt (xã), A Lưới (huyện), A Ngo (xã), A So (trận địa), Bắc Sơn (xã), Bắc Sơn (di tích thời đá mới), Hồng Bắc (xã), Hồng Hạ (di tích đá mới), Hồng Hạ (xã), Hồng Kim (xã), Hồng Nam (xã), Hồng Quảng (xã), Hồng Thủy (di tích đá mới), Hồng Thượng (xã), Hồng Trung (xã), Hồng Vân (di tích đá mới), Hồng Vân (xã), Hương Lâm (xã), Hương Nguyên (xã), Tà Pát([14]).
   So với hai công trình địa danh trên thì công trình này đã thống kê khá nhiều địa danh ở A Lưới dưới các khía cạnh lịch sử, khảo cổ học, văn hóa và cách mạng. Đồng thời, tránh được sự trùng lặp hoặc thiếu sót ở những người đi trước.
   Điểm qua ba công trình địa danh học tiêu biểu, cho chúng ta thấy được rằng các địa danh ở A Lưới có phương diện riêng của nó. Đây là cơ sở để chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm địa danh của huyện khi mà địa bàn lại là chủ nhân đồng bào các dân tộc thiểu số.
   Địa danh huyện A Lưới thuộc đặc điểm địa danh nhóm các dân tộc thiểu số cho nên mỗi tên địa danh đều gắn liền với phong tục tập quán, truyện cổ tích, hoa văn trang trí, tên động thực vật tạo nên một mảng văn hóa liên hoàn khó một nơi nào có được.
   1. Địa danh theo tên gọi hệ thống thực vật
   Khi nghiên cứu thực vật học dân tộc Tà Ôi, chúng ta đã bắt gặp được các chủ đề, chủ điểm về lĩnh vực này như: Hệ thống thực vật dùng để làm các loại nhà cửa, phương tiện cư trú, trang trí kiến trúc, Hệ thống thực vật dùng làm thức ăn, thức uống và Hệ thống thực vật để làm dược liệu chữa bệnh. Vậy, không chỉ có trong truyện cổ, trong hoa văn trang trí trên vải dzèng([15]), mà ngay cả tên các địa danh ở A Lưới cũng mang tên các loài thực vật. Cụ thể như:
 
Stt
Tên                địa danh
Đặc điểm
Thuộc xã
Ý nghĩa của                 địa danh
1
A Roh
Thôn
Xã A Đớt
Lá tơi
2
A Ho
Thôn
Xã A Đớt
Cây trúc
3
La Ngà
Thôn
Xã Hồng Thủy
Cây tre vàng
4
A Ngo
Thôn, xã
Xã A Ngo
Cây thông
5
A Sam
Thôn
Xã Đông Sơn
Cây rau dền
6
Ta Vi
Núi
Xã Hồng Bắc
Cây giang (họ tre)
7
A Túc
Núi
Xã Hồng Kim
Cây gỗ trường
8
Cruôih
Cầu, suối
Xã Phú Vinh
Cây chôm chôm
9
Ta Lo
Thôn
Xã Hồng Vân
Cây cọ
10
Y Ri
Thôn
Xã Hồng Thái
Cây đa
11
A Năm
Thôn
Xã Hồng Vân
Cây rong rêu ở suối
12
A Min
Thôn
Xã A Roàng
Cây mây dại
13
Tâm Mù
Thôn
Xã Hồng Quảng
Cây đào rừng
14
A Bung
Thôn
Xã Nhâm
Cây tre
15
A Chét
Núi
Xã Hồng Thái
Cây tranh
16
Priêng
Thôn
Xã Hồng Quảng
Cây ổi
17
A Đâng
Thôn
Xã Hồng Thái
Cây rau cải rừng
18
A Xôm
Suối
Xã Hồng Thái
Cây A Xôm
19
Tà Rá
Thôn
Xã Hương Nguyên
Cây đa
20
A Pát
Đồi
Xã Hồng Vân
Cây cỏ
   Theo cách lí giải của người dân nơi đây, thì ngày trước khi còn sống ở vùng phía sau, địa bàn cư trú của mỗi dòng họ hoặc mỗi vel (làng) đều tập trung ở một khu vực cố định và theo tập quán họ dùng tên gọi các loài cây quanh vùng để đặt tên cho mỗi vel theo đặc trưng của mình. Cho nên, trong quá trình trao đổi buôn bán với làng khác, khi nghe gọi tên vel thì sẽ biết người đó ở vùng có những cây gì đặc trưng, đặc biệt và đặc sản của cộng đồng.
   Hoặc giữa người Tà Ôi và người Pacô tùy theo không gian cư trú mà người Pacô có cách gọi riêng cho mình theo công thức:
Tên tộc người + tên địa danh = Pacô Târ Renh, Pacô Đắckrông, Pacô Paxieng.
Tên tộc người + tên sản vật = Pacô Alôong, Pacô Ale.
Trong đó, Tà Rình là tên con sông chảy từ đỉnh núi Đông Ngải về nhập vào sông A Sáp, sông Tà Rình chảy qua các xã có người Pacô cư trú. Alôong là tên loài hoa đỗ quyên mọc ven sông Tà Rình cùng các hệ suối nhỏ khác. Ale là loại tre nhỏ bằng cán chổi mọc ven sông suối Tà Rình, Đăckrông. Đăckrông là con sông bắt nguồn từ phía Tây Trường Sơn hướng A Lưới, chảy qua địa phận các xã Hồng Thủy, A Bung, A Ngo, Tà Rụt và A Vao. Pacô Paxieng thuộc các xã Ta Lo, A Hố (huyện Tù Muội, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào)([16]).
Chính vì có nét đặc biệt trong không gian cư trú nên địa danh ở A Lưới cũng mang dấu ấn gắn liền với tên gọi thực vật, vừa là thứ sản vật không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, vừa là nét văn hóa đặc trưng.
2. Địa danh theo tên gọi hệ thống động vật
Cũng giống như trên, người Tà Ôi, Pacô lấy đề tài động vật làm chủ thể sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình ở kiến trúc nhà cộng đồng, nhà ở, cột lễ đâm trâu, hoa văn trang trí trên vải dzèng, trên đồ đan, trên đồ gỗ và động vật còn xuất hiện trong các câu truyện cổ, câu dân ca, ca dao, câu đố với tần số lớn.
Một điều đặc biệt là, tín ngưỡng tôtem giáo của người dân nơi đây mang đậm dấu ấn nguyên thủy rõ nét được thể hiện ngay trong tên gọi các địa danh:
 
Stt
Tên                       địa danh
Đặc điểm
Thuộc xã
Ý nghĩa của                   địa danh
1
Vien
Cầu
Xã Hồng Vân
Con chó
2
Thôn
Xã Hồng Vân
Con sóc
3
A Har
Núi
Xã Hồng Vân
Con ếch
4
A Ling
Sông
Xã Hồng Trung
Con kiến
5
Hu
Thôn, khe
Xã Hồng Vân
Con lợn (đầu lợn chân chó)
6
Pling
Suối
Xã Hồng Vân
Chim phượng
7
Ka Leng
Thôn
Xã Nhâm
Chim thiên nga
8
Cà Xình
Khe
Xã Hồng Trung
Con rắn
9
A Hươr
Thôn
Xã Nhâm
Con ếch ộp
10
A Rur
Núi
Xã Nhâm
Cá trắm
11
A Bia
Núi
Xã Hồng Bắc
Con sóc
12
La Lay
Núi
Xã Hồng Thủy
Con sóc
13
A Ạ
Suối
Suối xã Hồng Vân
Con quạ
14
A Đớt
Thôn, xã
Xã A Đớt
Con khỉ
15
A Lim
Sông
Xã Hồng Vân
Con châu chấu
16
Ki Kaal
Núi
Xã Hồng Vân
Con rắn không có nọc độc
17
A Ka
Thôn
Xã A Roàng
Cá chép
 
Hệ thống địa danh mang yếu tố động vật này hiện đang hiện hữu trên bản đồ A Lưới là những chi tiết đã từng được nhắc đến trong kho tàng truyện cổ của người Tà Ôi - Pacô như: Ya Vien, Ya Kê, Ya La Lay, Ya Hu, Chàng Aleng Noi, Sự tích các loài rắn ở núi Kikaal.
Qua đặc điểm địa danh động vật này, một lần nữa cho chúng ta thấy, người Tà Ôi, Pacô rất sáng tạo trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống, là một sự hóa thân vào địa danh để lưu lại dấu ấn tô tem giáo cổ truyền.
3. Địa danh mang yếu tố tự nhiên
Là loại hình địa danh mang ý nghĩa là tên các khe, suối, núi, ao, hồ. Hệ thống địa danh này chiếm một tỷ lệ lớn trong địa danh ở A Lưới. Gồm:
 
Stt
Tên địa danh
Đặc điểm
Thuộc xã
Ý nghĩa của                   địa danh
1
Tà Roi
Thôn
Xã A Ngo
Suối Tà Roi
2
Pâr Nghi
Thôn
Xã A Ngo
Suối Pâr Nghi
3
Câr Mai
Thôn
Xã A Ngo
Suối Câr Mai
4
Ân Sao
Thôn
Xã A Ngo
Suối Ân Sao
5
Pa Hy
Thôn
Xã Hồng Hạ
Làng Pa Hy
6
Ka Lô
Thôn
Xã A Roàng
Suối Ka Lô
7
Tà Renh
Sông
Xã Hồng Trung
Sông Tà Renh
8
A Rưm
Thôn
Xã Hồng Nam (cũ)
Suối A Rưm
9
Ca Cú
Thôn
Xã Hồng Vân
Suối Ca Cú
10
A Tát
Hồ
Xã Hồng Quảng
Hồ A Tát
 
4. Địa danh thuộc nhóm dòng họ và những kiêng cữ
Ngoài tên địa danh mang yếu tố tôtem giáo mà chúng tôi đã nêu ra ở phần địa danh động vật. Thì ở đây, có hệ thống địa danh mang ý nghĩa kỉ niệm nơi mình cư trú lâu năm nên họ đã lấy tên địa danh để đặt cho tên dòng họ:
 
Stt
Tên            địa danh
Đặc điểm
Thuộc xã
Ý nghĩa của                    địa danh
1
Cân Sâm
Thôn
Xã Hồng Hạ,
Xã Hồng Thượng
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
2
Cân Tôm
Thôn
Xã Hồng Hạ
Xã Hồng Thượng
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
3
Pê Tru
Thôn
Xã Hồng Thủy
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
4
A Pi
Thôn
Xã Hồng Thủy
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
5
A Deeng
Thôn
Xã Bắc Sơn
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
6
Pe A Cơ
Thôn
Xã Hồng Thủy
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
7
Pe Kêr
Thôn
Xã Hồng Thủy
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
8
Pi Ker
Thôn
Xã Hồng Thủy
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
9
Pa Lor
Thôn
Xã Hồng Thủy
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
10
Cân Te
Thôn
Xã Hồng Thượng
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
11
A Hố
Thôn
Xã Hồng Vân
Tên dòng họ kiêng làm cối giã gạo
12
Vean
Khe
Xã Hồng Vân
Tên dòng họ kiêng ăn thịt chó
13
Pa ring
Sông
Xã Hồng Trung
Tên dòng họ kiêng ăn thịt con sóc
14
Kêr
Thôn
Xã Hồng Thủy
Xã Hồng Vân
Tên dòng họ kiêng ăn thịt con bìm bịp
15
Pi âi
Suối
Xã Hồng Quảng
Tên dòng họ kiêng ăn thịt chó
16
I Reo
Thôn
Xã Hồng Quảng
Xã Hồng Thái
Tên dòng họ kiêng ăn thịt con bìm bịp
17
Ta
Thôn
Xã Hồng Trung
Tên dòng họ kiêng làm tấm ván thưng vách nhà
18
Pi Re
Thôn
Xã Hồng Thủy
Tên dòng họ kiêng làm cối giã gạo
19
Tu Vay
Thôn
Xã Hồng Thái
Tên dòng họ kiêng chặt cây mây nước
 
5. Địa danh có trong truyện cổ tích
Trong kho tàng truyện cổ Tà Ôi, Pacô có những câu chuyện kể về sự tích các địa danh gắn liền với những mối tình hết sức lí tưởng như Truyền thuyết sông Đắckrông, Dốc tình yêu bất tử, Sự tích sông A Sáp, Sự tích hồ A Co, Kooh Seam Sai, San Lai. Và nhiều câu chuyện thắm đượm tính nhân văn khác mà người dân nơi đây đã gửi gắm.
Ngày nay, với sự hiện diện của hệ thống các địa danh nói trên đã cho chúng ta thấy được rằng “Mỗi địa danh đều được hình thành bằng những kết quả của mối tình trai gái, mối quan hệ cha mẹ với con cái, mối quan hệ anh em với nhau nhưng chung quy lại đều thể hiện sự đùm bọc, yêu thương và nguyện sống chết với nhau”([17]).
 
Stt
Tên địa danh
Đặc điểm
Thuộc xã
Tên truyện cổ
1
Kooh Seam Sai
Núi
Xã Hồng Kim
Kooh Seam Sai
2
Ông Nai
Núi
Xã Hồng Kim
Kooh Seam Sai
3
A Túc
Núi
Xã Hồng Kim
Tiếng sáo hạnh phúc
4
A Liêng
Suối
Xã Hồng Trung
Tiếng sáo hạnh phúc
5
Đắckrông
Sông
Xã Hồng Thủy
Truyền thuyết sông Đắckrông
6
Parsee
Núi
Xã Nhâm
Dốc Parsee
7
Ntrool
Khe
Xã Nhâm
Chàng Nơơâi
8
Trôn
Khe
Xã Nhâm
Chàng Nơơâi
9
Nhâm
Thôn
Xã Nhâm
Chàng Nơơâi
10
Mút
Sông
Xã Nhâm
Chàng Phuật Nà
11
Ca Dương
Suối
Xã Hồng Trung
Châu chấu và dế
12
A Roàng
Thôn
Xã A Roàng
Chàng Côn Tưi nhanh trí
13
A Sáp
Sông
Xã A Đớt
Truyền thuyết sông A Sáp
14
Ki kaal
Suối
Xã Hồng Vân
Sự tích các loài rắn ở núi Ki kaal
6. Địa danh theo tên người
 
Stt
Tên địa danh
Đặc điểm
Thuộc xã
Ý nghĩa của địa danh
1
Prók
Đồi
Xã A Đớt
Nhân vật huyền thoại của cộng đồng người Tà Ôi riêng ở xã A Đớt qua những lời kể của già làng Quỳnh Hiêm.
2
Quỳnh Trên
(Kooh Trên)
Núi
Thị trấn A Lưới
(xã Hồng Nam cũ)
Tên nhà cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND huyện A Lưới
3
A Nôr
Thác
Xã Hồng Kim
Tên nhân vật trong sử thi Tà Ôi
4
A Lưới
Thôn
Xã Hồng Quảng
Tên nhân vật trong sử thi Tà Ôi
5
Cân Nông
Thôn
Xã Hồng Quảng
Tên nhân vật trong truyện cổ Pacô
6
Kăn Rơn
Đồi
Xã Hồng Thượng
Tên nữ dân công Pacô
7
Quỳnh Trên
Khe
Thị trấn A Lưới
(xã Hồng Nam cũ)
Tên nhà cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND huyện A Lưới
7. Địa danh thuộc nhóm thuần Việt/Hán Việt
Bên cạnh địa danh thuộc nhóm dân tộc thiểu số chúng tôi tiến hành nghiên cứu một bộ phận quan trọng góp phần hình thành nên đặc điểm địa danh huyện A Lưới, đó là nhóm địa danh thuần Việt. Nguồn gốc hình thành do các đặc điểm sau:
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa bàn huyện A Lưới là căn cứ địa cách mạng của toàn tỉnh và Quân khu Trị Thiên. Nơi đây, cán bộ chiến sĩ người Kinh lên hoạt động bí mật, nằm vùng nên đã mang theo yếu tố Việt để đặt tên cho các xã ở nơi đây theo kiểu:
+ Tính từ: chợ Bốt Đỏ, đồn Bốt Đỏ, hồ Lâm Ly.
+ Số từ: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, tổ 1, cụm 6, Đường 71, Đường 72 - 14B, Đường 73…
+ Phương hướng: Hồng Bắc, Hồng Nam, Hồng Trung, Hồng Thượng, Hồng Hạ, Tây Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn.
+ Yếu tố tự nhiên: Hồng Thủy, Hồng Vân, Bình Sơn, Hồng Kim.
Sau năm 1975, vùng đất A Lưới lại đón nhận bộ phận dân cư ở đồng bằng đi kinh tế mới. Làn sóng này lại một lần nữa tạo nên đặc điểm mới cho các địa danh ở A Lưới. Cụ thể:
+ Kết hợp địa danh nơi đi và nơi đến của bộ phận dân cư chủ yếu trong vùng để tạo thành địa danh mới trên quê hương mới: thôn Quảng Mai (Quảng Điền và làng Câr Mai), thôn Hợp Thành, Hợp Thượng, Hồng Hợp, Phú Thượng (Phú Vinh và Hồng Thượng), thôn Liên Hiệp (xã Hương Lâm)([18]).
+ Lấy nguyên địa danh gốc nơi đi để đặt cho nơi đến: Thôn Quảng Ngạn, Quảng Phú, Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng Lộc, Quảng Hợp (xã Sơn Thủy), Phú Thành, Phú Tân, Phú Xuân (xã Phú Vinh), Hương Thịnh, Hương Phú (xã Hương Phong).
+ Lấy nguyên địa danh và tên danh nhân nơi đi để đặt cho nơi đến: Xã Hương Phong (Hương Thủy và anh hùng liệt sĩ của quê hương là Nguyễn Viết Phong).
IV. Kết luận
Qua việc tìm hiểu đặc điểm địa danh huyện A Lưới chúng tôi thấy địa danh nơi đây phản ánh nhiều khía cạnh địa lí, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, kinh tế, phong tục, tín ngưỡng từ khi nó hình thành cho đến ngày nay. Song một thực tế hiện nay cho thấy, nhiều địa danh ở A Lưới đang bị dần mất đi gốc tích của nó bởi các lí do sau:
+ Không thống nhất chuẩn từ tên gọi thôn, làng, xã. Lối viết và phát âm một cách tùy tiện giữa cán bộ và nhân dân, giữa nói và viết: A Deeng thành A Đềng, A Đền thành A đền, A Năm thành A Nam, A 5, Năm… Vậy nên chăng các nhà ngôn ngữ học văn hóa phối hợp cùng với địa phương thống nhất chuẩn từ trong giao tiếp hành chính cho người dân nơi đây.
+ Sự gán ép các số thứ tự cho các đơn vị hành chính cấp thôn vô tình làm quên mất tên gốc vốn có từ ngàn xưa. Xã A Ngo với tên các thôn truyền thống rất hay như Ân Sao, Tà Roi, Pâr Nghi, A Ziel… nay được thay bằng số thứ tự từ thôn 1 đến thôn 10. Các xã khác như Bắc Sơn, Hồng Thủy, Hồng Quảng, Hồng Kim, thị trấn A Lưới cũng rơi vào trường hợp tương tự.
+ Sự hiện hữu các công trình giao thông (cầu, cống, đường, ngầm), các công trình công cộng (công viên, chợ) đã vô tình gắn lên đó những tên vừa mới lạ, vừa sai nghĩa, sai lỗi chính tả như: cầu Cruôih (xã Phú Vinh), cầu Ta Ho (thị trấn A Lưới), cầu ông Dự (xã Hồng Thượng - Quốc lộ 49), cầu BTCT (bê tông cốt thép), dốc Nấu Nhựa (xã A Ngo).
Đặc điểm địa danh huyện A Lưới cũng chính là địa danh Tà Ôi nằm trong miền địa danh Nam Á, khu địa danh Môn - Khơme và thuộc vùng địa danh Ba Na - Tà Ôi([19]). Qua việc nghiên cứu địa danh ở đây chúng tôi thấy cần có sự hội nhập giữa bản địa với đồng bằng, giữa văn hóa Việt với văn hóa Tà Ôi, Pacô, giữa cũ và mới. Những sự giao thoa và tiếp xúc này đã làm nên diện mạo văn hóa của một vùng đất mà cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây cũng đã giàu trí tưởng tượng khai sinh cho những vùng đất có bề dày văn hóa tên gọi.
Chính vì thế, việc nghiên cứu địa danh vùng A Lưới nói riêng và vùng dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế nói chung cần có sự phối hợp với nhiều ban ngành, nhiều đối tượng để trả lại sự trong sáng cho tên gọi các địa danh vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của những người già - chủ nhân đã khai sinh ra những địa danh, vì nghiên cứu địa danh chúng ta nên hiểu:“Với tư cách là một lĩnh vực của ngôn ngữ học, địa danh học phải nghiên cứu địa danh theo quan điểm của ngôn ngữ học, nghĩa là phải nghiên cứu cả đặc điểm cấu tạo của địa danh, các phương thức đặt địa danh lẫn ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh. Có nghiên cứu một cách toàn diện như thế, địa danh học mới thực sự là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hấp dẫn, thú vị, đem lại nhiều lợi ích thiết thực đối với nhiều ngành khoa học khác”([20]).
 
 

* Giáo viên Trường THPT A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
1. Đỗ Bang (Chủ biên), Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 534, 612, 613 và 615.
2. Phạm Xuân Phượng, Nguyễn Thị Hảo, Khảo cổ học Thừa Thiên - Huế, thành tựu 15 năm hợp tác nghiên cứu. Bản tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, 2005, số 3, trang 10.
1. Xem thêm: a. Đỗ Bang (Chủ biên), Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000; b. Trần Thanh Tâm, Huỳnh Đình Kết, Địa danh thành phố Huế. Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2011; c. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Địa chí Thừa Thiên - Huế. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005; d. Triều Nguyên (Chủ biên), Địa chí Hương Thủy. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998; đ. UBND huyện Phong Điền, Địa chí Phong Điền. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
2. Trần Văn Sáng, Các phương diện văn hóa của địa danh ở Thừa Thiên - Huế. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, số 1 (78), 2010, trang 95 - 96.
1. Dương Phước Thu, Qua sông nhìn lại bến bờ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 146.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới, Lịch sử Đảng bộ huyện A Lưới, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, trang 104.
3. Dương Phước Thu, Qua sông nhìn lại bến bờ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 146.
1. Ở vùng A Lưới, cư dân Tà Ôi, Pacô cho rằng thủy tổ của họ là ở vùng mạn phía Tây dãy Trường Sơn. Sau này do chiến tranh và định canh định cư nên họ di chuyển qua Trường Sơn Đông nên được gọi là phía trước. Ngày nay đại bộ phận cư dân Tà Ôi vẫn về phía sau để canh tác nương rẫy và thăm họ hàng.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới, Lịch sử Đảng bộ huyện A Lưới, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, trang 132.
3. Trần Nguyễn Khánh Phong, Địa danh huyện A Lưới, Bản thảo đánh máy vi tính, khổ A4, trang 215. Theo đó đến năm 1995 xã Hồng Tiến được cắt về cho huyện Hương Trà và năm 1996 xã Hồng Nam được thành lập thành thị trấn A Lưới.
1. UBND huyện A Lưới, Phòng LĐ, TB&XH, Tình hình dân số, lao động, tỷ lệ hộ nghèo phân theo thành phần dân tộc năm 2010, 2010, trang 1.
1. Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1996, trang 15, 16.
2. Nguyễn Văn Tân, Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, trang 35, 36, 37.
3. Đỗ Bang (Chủ biên), Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 497, 498, 499, 534, 546, 582,  612, 613, 614, 615, 616, 617, 627, 628, 762.
([15]) Trong truyện cổ Tà Ôi có các dòng họ mang yếu tố thực vật như: Ya Aviét, Ya Piriu, Ya Riêh. Trong phức hệ hoa văn trang trí trên vải dzèng thì những nghệ nhân Tà Ôi đã thể hiện trên đó 20 hoa văn mang đề tài thực vật, điều này chứng tỏ thực vật có ảnh hưởng to lớn đến đời sống văn hóa của cư dân Tà Ôi.
([16]) Trần Nguyễn Khánh Phong, “Vài ý kiến về vấn đề xác định thành phần dân tộc Tà Ôi, Pacô ở Thừa Thiên - Huế. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, 2008, số 5 (70), trang 35.
1. Trần Nguyễn Khánh Phong, Bước đầu tìm hiểu truyện cổ Tà Ôi. Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên - Huế, tháng 12/2005, trang 58 - 71.
1. Trần Nguyễn Khánh Phong, Có một Quảng Điền trên A Lưới, Báo Thừa Thiên Huế, số 2517, ra ngày 30/12/2002, trang 2.
1. Nguyễn Văn Âu, Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 43, 44, 46.
2. Hoàng Tất Thắng, Địa danh học và việc nghiên cứu địa danh các tỉnh Trung Trung Bộ, Tạp chí Sông Hương, số 3(121), 1999, trang 59.

(Theo: Thông báo văn hóa 2010, Nhiều tác giả, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011).

Saturday 12 October 2019

Những thanh niên cảm tử mở đường qua Mã Pì Lèng (Viết Tuân - VnExpress)

Những thanh niên cảm tử mở đường qua Mã Pì Lèng 

Hà Giang

Mỗi sáng, trước khi ra công trường 20 người trong đội cảm tử được làm lễ truy điệu sống và 11 chiếc quan tài đóng sẵn.
Ở trung tâm TP Hà Giang có một khu phố tập trung khá nhiều gia đình gốc gác Nam Định, Hải Dương. Họ chính là những cựu thanh niên xung phong từng tham gia mở đường Hạnh Phúc nối liền Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Sau khi con đường hoàn thành, nhiều người vì yêu mến mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc đã ở lại sinh cơ, lập nghiệp, gắn bó với Hà Giang. 
Ông Nguyễn Mạnh Thuỳ. Ảnh: VT. 
Ông Nguyễn Mạnh Thuỳ. Ảnh: VT. 
Trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Phú, nhắc lại chuyện mở đường Hạnh Phúc cách đây hơn 50 năm, ông Nguyễn Mạnh Thuỳ (80 tuổi), Chủ tịch hội cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang vẫn không giấu được xúc động, nghẹn ngào. Ông bảo, mỗi lần nghe ông nói về những năm tháng gian khổ và hào hùng ấy, con cháu ông đều bảo đó là chuyện "thần thoại".
Đầu năm 1963, khi tuyến đường Hạnh Phúc từ Hà Giang đến Đồng Văn sắp khai thông, Tỉnh uỷ Hà Giang quyết định mở tiếp đoạn từ Đồng Văn đến Mèo Vạc. "Đường Đồng Văn - Mèo Vạc dài 22km nhưng việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Toàn tuyến đường thì chỉ có 10km ở hai đầu là đất hoặc đất xít, còn lại là toàn đá xanh", tờ trình về đoạn qua đèo Mã Pì Lèng của Công trường Đồng Văn tháng 3/1964 viết. Vì vậy, công trường đề nghị tỉnh và khu tự trị Việt Bắc tuyển thêm nhân lực để mở đoạn đường này. 
Trung ương Đoàn đã huy động 300 thanh niên xung phong từ Nam Định và Hải Dương bổ sung cho công trường. 
Hưởng ứng lời kêu gọi, bất chấp sự phản đối của gia đình, ông Thuỳ đăng ký đi mở đường. "Lúc đó, tôi vẫn còn là học sinh nhưng hăng hái lắm, vừa muốn biết đất nước mình dài rộng đến đâu, vừa muốn cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc nên dù khó khăn đến mấy tôi cũng quyết tâm lên đường", ông nhớ lại một thời hừng hực khí thế.
Để mở đoạn đường 2 km qua những vách đá trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, công trường Đồng Văn quyết định thành lập đội thanh niên cảm tử (đội cơ dũng). Trong tờ trình của công trường ghi: "Đội dũng cảm nhận nhiệm vụ khai thông đường công vụ rộng từ 1 m đến 1,2 m từ bên này sang bên kia Mã Pì Lèng làm cơ sở cho chủ lực mở đường. Vì phải leo cao gặp toàn nguy hiểm đội thanh niên này được kiểm tra sức khỏe mọi mặt và gồm những người có nghị lực chiến đấu. Toàn thể anh em đã kinh qua và thành thạo công tác mở đường".
Ông Thuỳ nhớ rất rõ, ngay khi lãnh đạo công trường phát động đã có hơn 100 người tình nguyện đăng ký tham gia đội cảm tử nhưng chỉ có 20 người khoẻ mạnh nhất được chọn. Công trường chuẩn bị 2 tấn dây thừng để những thanh niên này treo mình trên vách núi Mã Pì Lèng, đục đá, gài mìn, mở đường.
Trước khi đội cảm tử bắt đầu đục đá mở đường, ban chỉ huy công trường đã chuẩn bị sẵn 20 cỗ quan tài, để phòng khi xảy ra điều không may. Nhưng vì thời gian gấp gáp nên mới có 11 chiếc được hoàn thành, cất giấu ở lán nhỏ cách Mã Pì Lèng 2 km. 
Mỗi ngày, những thanh niên cảm tử phải treo mình trên vách núi làm việc suốt 8 giờ. Đến bữa trưa, cấp dưỡng sẽ dùng dây thừng chuyển cơm, nước uống cho họ. Đội cảm tử được ưu tiên hơn những người khác khác là có một nắm cơm không độn ngô, sắn và có mấy con cá khô. Vì không có chè, cấp dưỡng dùng cơm cháy đun trong nước, phát cho mỗi người một bi đông, uống để hạn chế ra mồ hôi, tránh mất sức. 
Đội thanh niên cảm tử làm việc cần mẫn như những con mối bám mình vào vách đá Mã Pì Lèng để đục từng lỗ, cậy từng viên đá, mở từng cm đường.
Đội thanh niên cảm tử treo mình trên vách núi mở đường qua Mã Pì Lèng. Ảnh tư liệu 
Đội thanh niên cảm tử treo mình trên vách núi mở đường qua Mã Pì Lèng. Ảnh tư liệu 
"Mỗi sáng, trước khi cầm cuốc, choòng đi làm, chúng tôi làm lễ chào cờ và truy điệu sống những thanh niên trong đội cơ dũng", ông Thuỳ nhớ lại và đọc hai câu thơ ông làm để nhớ về những ngày tháng ấy: "Về đến Hà Giang mới biết là mình còn sống/ Mới biết là mình chưa chết đó thôi".
Ông Phạm Văn Cấn, đồng hương với ông Nguyễn Mạnh Thuỳ cũng không giấu được sự xúc động khi nhớ về những ngày tháng cách đây 50 năm. Khi đó, ông Cấn đang học cấp hai thì được ông Thuỳ rủ đi tình nguyện làm đường ở Đồng Văn. Ông bí mật đi đăng ký, đến tận ngày lên đường mới báo cho bố mẹ biết, để mẹ ông khóc không nên lời. 
"Ngày đó, Mã Pì Lèng chỉ là đường ngựa thồ, bên cạnh là vực sông Nho Quế, mỗi lần nhìn xuống là sợ lắm. Anh em cơ dũng phải treo mình dây thừng thả người xuống lưng chừng núi. Mỗi người tay cầm một chiếc choòng dài chừng 30 cm, tay kia cầm chiếc búa nhỏ. Lưng đeo bình tông nước. Khi đục lỗ để gài mìn thì ai cũng chỉ đứng được một chân", ông kể.
Mỗi ngày, mỗi thanh niên cảm tử chỉ đục được khoảng 80 - 100 cm lỗ choòng để gài mìn. Đến chiều, khi đục xong thì tự tay họ châm ngòi dây cháy chậm rồi leo ngược lên theo dây thừng để thoát thân. "Công việc vô cùng nguy hiểm và nhọc nhằn", ông Cấn bồi hồi nhớ lại.
Để đục thông 2 km đá trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, nhiều thanh niên đã hi sinh.
Đến giờ, sau 50 năm, ông Nguyễn Đức Thiện, cựu thanh niên xung phong mở đường ở Mã Pì Lèng vẫn nhớ mãi hình ảnh hai người đồng đội, người bạn thân đã ngã xuống trên cung đường này. 
Hồi đó, ông Thiện ở cùng với người bạn Nam Định là Vũ Cao Vân. Hai người thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Ban ngày họ đi làm cùng nhau, đêm về ngủ chung chiếc giường nhỏ, đắp chung chiếc chăn chiên của đơn vị phát, trong lán trại bằng cây sậy, ngô tạm bợ. 
Sáng 1/3/1964, được đơn vị cho nghỉ, ông và Vũ Cao Vân ra chợ Đồng Văn chơi. Ông mua đôi giày vải trắng để đi làm, còn bạn mua cân khoai lang luộc. Sáng hôm sau, trước khi ăn cơm sáng, Vân mang khoai chia cho từng người trong tiểu đội và nhắc mọi người nhớ ăn. Rồi tất cả ra công trường làm việc. 
"7h30, Vân mang đôi giày trắng tôi mới mua đi kiểm tra, nhắc anh em làm việc dưới chân núi. Tôi càu nhàu thì cậu ấy bảo: "Tớ không chết đâu mà lo. Nếu hỏng tớ mua đôi khác đẹp hơn trả cậu". Vân vừa dứt lời thì một vỉa đá lớn đổ xuống mặt đường, đúng chỗ cậu ấy đứng", ông Thiện nhớ lại. Lúc đó, ông Thiện làm cách chỗ bạn 10 m. Hôm sau, đồng đội mới tìm được thi thể của Vân. Nhưng nỗi đau chưa dừng lại ở đó. Một năm sau cái chết của người bạn thân, ông Thiện phải chứng kiến một đồng đội khác nằm lại với Mã Pì Lèng. 
Đầu tháng 3/1965, đoạn đường vách đá Mã Pì Lèng đã được những thanh niên cảm tử khai thông, có thể đi bộ qua lại. Đại đội ông Thiện được cử đến hỗ trợ dọn dẹp, khuân đá, mở rộng mặt đường. Sáng 4/3, mọi người đang miệt mài làm việc thì một tảng đá lớn từ trên cao lăn xuống mặt đường. Ai nấy đều tránh được. Nhưng có hai bố con người H'Mông vừa đi đến đó, vì quá hốt hoảng, nên suýt sa chân xuống vực. Thấy vậy, tiểu đội trưởng Đào Ngọc Phẩm lao tới, nắm cổ tay hai bố con, kéo lên. Nhưng chàng thanh niên Phẩm không may ngã xuống vực sông Nho Quế. 
"Sự hi sinh của anh Phẩm khiến mọi người quá bàng hoàng và đau buồn. Bởi khi đó, con đường khó khăn nhất qua đỉnh đèo Mã Pì Lèng đã sắp hoàn thiện", ông Thiện nhớ về đồng đội, giọng trầm buồn. 
Đường Hạnh phúc ngày nay. Ảnh: Giang Huy. 
Đường Hạnh phúc ngày nay. Ảnh: Giang Huy.
Không chỉ phải chịu cực nhọc, hi sinh trên công trường mà những thanh niên xung phong làm đường Hạnh Phúc còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt.  
Sau mấy chục năm, ông Nguyễn Mạnh Thuỳ vẫn không quên cảm giác thèm nước hơn bất cứ thứ gì. Khi đó nước ở công trường rất hiếm, nên mỗi ngày các đại đội phải cử hàng chục người đi gánh nước từ xa về. Vì phải dùng thùng sắt tây, nên về đến nơi chỉ còn một phần. "Gạo thịt chúng tôi có thể để ngoài, nhưng mỗi khi có nước về thì phải mang vào kho khoá lại cẩn thận. Mỗi sáng, mỗi người chỉ được phát một ca nước vừa đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân. Nước dùng rồi được tận dụng mang ra đục lỗ chòong hoặc tưới rau tăng gia", ông nói. 
Không chỉ ăn uống kham khổ, những công nhân mở đường còn phải căng sức chống chọi với bệnh sốt rét hoành hành. Trên công trường chỉ có loại thuốc ký ninh vàng để chống sốt rét nên không thấm vào đâu với muỗi, vắt rừng đốt mỗi đêm. Không ít người phải nằm lại với con đường vì sốt rét ác tính. 
Bù đắp lại những gian khổ ấy là tình cảm nồng ấm của đồng bào các dân tộc dọc tuyến đường dành cho những thanh niên mở đường. Theo ông Thuỳ, mỗi khi người dân thịt con gà cũng đều nhớ mang cho thanh niên xung phong một đùi. "Có lần bà con trong bản thịt con bò, rồi gánh hẳn một đùi mang cho chúng tôi", ông nói. 
Tháng 3/1965, lễ khai thông con đường từ Hà Giang đến huyện Mèo Vạc dài 185 km, được tổ chưc tại sân vận động huyện Mèo Vạc. Hàng nghìn người dân từ các bản làng nô nức mang cờ, hoa kéo ra dọc đường để lần đầu tận mắt nhìn thấy từng đoàn ô tô nối đuôi nhau đi trên đường Hạnh Phúc. "Tôi thấy nhiều cụ già đã già, vẫn nhờ con cháu cõng ra đứng bên đường. Nhiều người mừng rơi nước mắt cùng chúng tôi", cựu thanh niên xung phong Nguyễn Mạnh Thuỳ nghẹn ngào. 
Ngày 10/9/1959, tỉnh Hà Giang khởi công xây dựng con đường từ cầu Gạc Đì lên cao nguyên đá Đồng Văn. Bốn năm sau, con đường được khai thông, dài 164 km. Tiếp sau đó, tuyến đường nối liền Đồng Văn với Mèo Vạc được khởi công và hoàn thành tháng 3/1965. Toàn tuyến Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc dài 185 km được thông xe. 
Để hoàn thành con đường lịch sử này, thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đóng góp 2,2 triệu ngày công; đào đắp 2,8 triệu m3 đất, đá; làm 42 cây cầu, 400 cống.
Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hà Giang. Khi nghe đồng bào chia sẻ, đường mở đến đâu thì mang ánh sáng văn minh và ấm no cho đồng bào các dân tộc đến đó, Bác hỏi vậy sao không gọi tên là đường Hạnh Phúc. Từ đó con đường mang tên Hạnh Phúc.
Viết Tuân

Thursday 10 October 2019

Dấu xưa Tuy Phong (Phan Chính - Văn Chương Việt)

            Qua ngữ liệu, nguồn gốc địa danh của một vùng đất người ta có thể hình dung được một phần nào quá trình hình thành và những dấu tích có giá trị lịch sử mà thời gian đã dần dần đánh mất. Tuy Phong ngày nay được biết đến là một nơi địa đầu của tỉnh Bình Thuận, khắc nghiệt của nắng gió nhưng được thiên nhiên bù đắp lại bằng nhiều di tích, danh thắng luôn là những dấu ấn vừa lôi cuốn vừa lạ lùng.Thời gian từ phủ nâng thành tỉnh Bình Thuận vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), chia làm hai phủ Ninh Thuận và phủ Hàm Thuận, cùng lúc lập thêm 2 huyện Tuy Phong và Tuy Định (theo tổ chức hành chánh bấy giờ huyện trực thuộc phủ). Năm 1836, phủ Ninh Thuận (thuộc tỉnh Bình Thuận) có 2 huyện An Phước, Tuy Phong. Huyện Tuy Phong có 4 tổng Bình An, Nghĩa Lập,Tuy Tịnh và tổng đảo Phú Quý (Thuận Tĩnh) gồm 10 đảo lớn nhỏ.
           Theo địa chí tỉnh Bình Thuận, năm đầu Đồng Khánh(1886) trích 2 tổng Truy Tĩnh và La Bá cho thuộc Hòa Đa Thổ huyện và sau đó tách 7 xã cũ Tuy Phong đưa vào phủ Ninh Thuận và sáp nhập vào tỉnh Khánh Hòa. Huyện Tuy Phong lúc này còn hai tổng Bình Thạnh, Tuy Tịnh thuộc về phủ Hàm Thuận (Bình Thuận). Từ năm 1910, tổ chức hành chánh Phủ và Huyện ngang nhau, tỉnh Bình Thuận có 2 phủ Hàm Thuận và Phan Lý (Chăm) và các huyện Hòa Đa (Kinh), Tuy Lý (Chăm), Tánh Linh và Tuy Phong (gồm tổng Bình Thạnh và Phú Quý)… Sự thay đổi về địa giới, sáp nhập đối với Tuy Phong trong quá trình lịch sử hình thành vùng đất cũng là cơ hội để hội tụ được những giá trị hòa hợp, làm nên bản sắc văn hóa của địa phương.  
          Trong “Bài vè thủy trình từ Huế vô Sài Gòn” (tập san Sử-Địa, Saigon 1970), đoạn qua vùng biển Tuy Phong với lời lẽ thô mộc, dọc dài các địa danh mà chính xác như một bức hải đồ: “Qua Mũi Dinh cho liền chín vại/ Tắt mặt trời xách lái ra đi/ Nhắm chừng bãi Lưới đã qua/ Tây phương chỉ mũi lái đà gác đông/ An Hòa lẳng lặng muôn phần/ Bãi Tiên đã khỏi khu Ông lại gần/ Lau Cau, Cà Ná là đây/ Lòng Sông mũi Chọ thẳng ngay La Gàn/ Ngó vô thuyền đậu nghênh  ngang/ Gành Son, Trại Lưới xênh xang làm nghề/ Cửa Duồng nay đã gần kề/ Lạch kia Phan Rí ghe nghề xôn xao…”. Với chiều dài bờ biển 50 km từ địa giới tỉnh Ninh Thuận đến bờ sông Sông Lũy- Phan Rí Cửa, theo sách xưa đó là vũng La Loan rồi kế tiếp là vũng La Xa nhưng theo tư liệu Trung Hoa thì thường gọi tắt tên cũ nguyên là chữ Hán phiên âm từ gốc tiếng Chăm.
            Thời xưa, giao thông bắc- nam chỉ theo đường biển và đường quan lộ. Đường biển bằng ghe bầu, giương buồm nương mùa gió mà đi. Bài vè để cho các lái (tài công) dựa theo các địa danh ven bờ ghé vào lấy nước ngọt, thực phẩm hay mua bán và tránh xa những mũi đá, rạn ngầm hiểm nguy bằng bài vè ngâm nga cho dễ nhớ, dễ đọc. Từ bắc vào nam có bài vè từ Huế ra Nam Định gồm 150 câu và từ Huế vào Sài Gòn có 182 câu. Trong đó, nguồn tư liệu bài vè này có sự góp phần rất lớn của ông Lê Văn Tho, một nhà hàm hộ nổi tiếng ở Phan Thiết. Tuy nhiên trong ghi chép, chữ viết, phát âm của ngư dân địa phương có nhiều địa danh khác nhau nhưng vẫn có thể suy luận được.Bờ biển Bình Thuận kéo dài 192 km, trong đó Tuy Phong có 50 km mà gần 10 địa danh được nhắc đến, nhưng do quá trình phát triển cư dân đã làm biến mất và được thay thế bằng những địa danh hành chánh mới.
          Trong các địa danh có nguồn gốc từ xa xưa, thì La Gàn ngày nay có một lai lịch khá đặc biệt. Theo đó mũi La Càn, La Xa đều phiên âm Latin từ chữ Hán La Càn, Lagan. Đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825) đổi thành La Hàn. Qua bản đồ của giám mục Taberd, một nhà truyền giáo, từ năm 1838 đã lập ra bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” ghi chép khá đầy đủ về biển đảo Việt Nam bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lưu trữ tại thư viện Đại học Yale. Địa danh La Gàn, xuất xứ do phiên âm từ chữ Hán là La Càn và trên bản đồ ghi mũi “Lagan”, nên chuyển qua chữ Việt trở thành địa danh La Gàn. Trường hợp này cũng tương tự địa danh Khê Gà/ Khe Gà (Hàm Thuận Nam) khi trên bản đồ của người Pháp là Kéga- phát âm thành Kê Gà hay mũi Vị Nê viết là Viné, đọc tắt thành Mũi Né cho đến sau này.
          Một địa danh nữa được nhắc tới mà hiện nay cũng có nhiều cách viết, cách giải thích khác nhau, đó là Cù lao Câu (Hòn Cau). Tên gọi từ rất xưa với hòn đảo thơ mộng này là Tân Lang Dữ (dữ là đảo, hòn) do chuyển từ tên Nôm ra Cù Lao Cau, không phải như nhiều người nghĩ Cù Lao Câu ở đây là nơi thu hút ngư dân làm nghề câu vì tập trung có nhiều cá biển. Thực ra Tân Lang có nghĩa là cây cau (aréquier), tức cùng nghĩa là người mới cưới vợ. Trên bản đồ phủ Ninh Thuận trong “Thông quốc diên cách hải chử” cũng có ghi Tân Lang Dữ. Các bản đồ về tuyến đường biển đông Ấn Độ từ năm 1618 hoặc bản đồ Taberd cũng ghi “Cù Lao Cau”. Như vậy, đúng nghĩa phải là Cù Lao Cau (hòn Tân Lang/ Tân Lang Dữ) nhưng do bị chệch âm của người bản địa từ Cau thành Câu. Hòn đảo này cách bờ xã Phước Thể gần 7 hải lý, cảnh quan đã đẹp về tên gọi nhưng còn có giá trị tiềm năng thiên nhiên với khoảng 234 loài san hô, 34 loài thủy sinh vật biển quý hiếm…
           Trên bản đồ Đại Nam nhất thống chí dưới triều Nguyễn (1838) có mô tả một động cát màu đỏ chạy dài từ thôn Lương Sơn đến thành cũ. Ghe thuyền di chuyển ngang qua vùng biển La Gàn đều nhìn thấy động cát đỏ này. Động cát có tên gọi chữ Hán là Xích Thổ Cương (Cương là sống đất) tức Gò Đất Đỏ. Dưới chân động có giếng nước Long Hạm, mạch nước ngọt trong veo. Thời Tự Đức thứ 12 (1859) có lập một đồn binh đặt tên đồn Xích Thổ, khoảng gần cầu sông Đồng. Trước năm 1975,tại đây có một đồn lính VNCH trú đóng với tên đồn Xích Thố, dù có sự lẫn lộn nhưng trở thành quen thuộc của người dân địa phương về một địa danh, bởi cho rằng “xích thố” là con ngựa chiến có bộ lông màu đỏ của đồn binh ngày xưa. Thực ra nghĩa của chữ Thố không phải là ngựa và cũng không mang ý nghĩa gì với địa hình dải đồi đất đỏ nổi lên giữa vùng cát trắng mênh mông ở đây.
           Quá trình phát triển cư dân có xu hướng từ bắc vào nam, thì Tuy Phong có nhiều ưu thế là cửa ngõ Bình Thuận, nhưng từ Cá Ná vào chỉ là vùng đất cát hoang hóa, lùm bụi và thú dữ hoành hành cho nên dân cư chỉ dồn về phần đất dọc biển phía nam. Theo tư liệu trong “Việt Nam những sự kiện lịch sử” thì ngày 18.2.1916, toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Phan Rí (Bình Thuận), tức cách đây 100 năm và chỉ sau năm thành lập thị xã Phan Thiết (1898) không xa. Lần theo những địa danh xưa nay không còn trong hệ thống hành chánh nhưng có thể hình dung được sức sống tiềm ẩn của vùng đất đầy nắng gió, khô hạn quanh năm và một thời bị băm nát bởi chiến tranh.Vậy mà, những địa danh cũ, mới lại đầy sức sinh động vươn mình với nghề khai thác hải sản truyền thống như Phan Rí Cửa, Phước Thể, bãi Dẻ, bãi Đá Chẹt, bãi Đầm, bãi Trọ, La Gàn… Tuy Phong có lợi thế một bãi biển được thiên nhiên ưu đãi giàu cảnh sắc tuyệt vời trong không gian biển trời lãng mạn. Đó là Gành Son, Đồi Dương, Bình Thạnh và các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng như chùa Cổ Thạch, Tháp Chăm, đình Bình An, đồi Cát Bay, lăng Ông Nam Hải… gắn liền với những huyền thoại, những câu chuyện có giá trị nhân văn. Cù Lao Câu, bãi đá bảy màu ở bãi biển Bình Thạnh đã trở thành “đặc sản” thu hút ngày càng nhiều đối với khách du lịch từ các nơi.Với đường sắt song hành cùng quốc lộ lA tuyến bắc- nam,Tuy Phong có nhiều thuận lợi về giao thương, kết nối với các vùng miền trong phát triển kinh tế.
            Tính từ năm 1832,Tuy Phong được thành lập huyện đến nay đã đi qua chặng đường lịch sử 174 năm hình thành và phát triển với bao nỗi thăng trầm. Địa giới Bình Thuận với Ninh Thuận từ cột mốc là rặng núi đá Cà Ná hoang sơ chạy dài, trườn mình ra biển trở thành bức bình phong che chắn và làm nên vùng đất biển Tuy Phong êm ả, sóng nước hiền hòa.Từ khi làn sóng lưu dân các tỉnh miền Trung và một bộ phận người Chăm xuôi nam đã chọn nơi này mở đất lập làng, quần tụ cư dân qua những địa danh mang dấu tích xa xưa. Những địa danh đó đã gợi lên hình tượng cứng cỏi, bản lĩnh trước sóng gió mà rất đỗi tự hào đứng vững trên mảnh đất thiêng liêng. Không phải tự dưng Gành Son, Xích Thổ Cương nhuộm mình sắc đỏ, bãi đá màu Bình Thạnh lung linh dưới nắng trời, tiếng chuông chùa Cổ Thạch, Bảo Sơn tự vẫn rưng rưng …bởi phải thấm đẫm máu, nước mắt của các thế hệ nối tiếp nhau để có điều kỳ diệu trên quê hương Tuy Phong hôm nay.


Số lần đọc: 1181
Ngày đăng: 21.10.2016