Showing posts with label thuật ngữ ngôn ngữ học. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ ngôn ngữ học. Show all posts

Friday 11 April 2014

Sao phỏng ngữ nghĩa là gì?

Sao phỏng ngữ nghĩa là việc người phiên dịch (phải dịch cụm từ film cochon của tiếng Pháp chẳng hạn) gán thêm ý nghĩa của từ ngữ trong ngôn ngữ gốc (nghĩa dâm tà bẩn thỉu của từ cochon trong tiếng Pháp) vào từ ngữ có sẵn trong ngôn ngữ đích (từ con heo của tiếng Việt) . Việc gán nghĩa này xảy ra trên cơ sở là từ ngữ gốc (cochon của tiếng Pháp) và từ ngữ đích (con heo của tiếng Việt ) đều có cùng ý nghĩa định danh trực tiếp (cùng chỉ con vật nuôi, móng guốc, ăn tạp thuộc họ Lợn). Kết quả của việc sao phỏng ngữ nghĩa này là cụm từ phim con heo (chỉ thể loại phim khiêu dâm bẩn thỉu).

Thursday 10 April 2014

Từ nguyên dân gian có ích lợi gì không?


Từ nguyên dân gian cung cấp hiểu biết sai lệch về nguồn gốc từ ngữ, thường bị chê là rất có hại cho em cháu. Nhà nghiên cứu lịch sử từ vựng chê như vậy là xác đáng. Nhưng ở một số phương diện khác, từ nguyên dân gian lại là những cứ liệu hữu ích:
Ba, bốn mươi năm về trước hầu như ai cũng biết ven là một từ mượn âm tiếng Pháp (veine), có nghĩa là tĩnh mạch. Dân ngành y thì khỏi nói: Đại Học Y Khoa Sài Gòn vẫn dùng tiếng Pháp để giảng bài cho đến đầu những năm 60; về sau tiếng Việt được dùng làm ngôn ngữ giảng dạy và học tập nhưng tiếng Pháp vẫn là sinh ngữ quan trọng vì nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu là sách vở tiếng Pháp. Người không học y nhưng có chút đỉnh chữ nghĩa cũng biết ven là từ gốc Pháp. Người ít học không biết từ veine nhưng nếu đã chích ven một lần cũng dễ quy cho ven là tiếng Tây như nhiều từ ngữ khác thông dụng ở nhà thương: côm rết, đốc tờ, gạc, lô bích kê...
Bây giờ có những bác sĩ U60 nghĩ ven là từ mượn âm tiếng Anh. Mười người học qua phổ thông thì hơn chín người nghĩ ven là từ thuần Việt, dùng để tránh từ Hán Việt tĩnh mạch. Với người nghiên cứu tiếp xúc ngôn ngữ, đặc biệt là tiếp xúc ngôn ngữ Việt – Pháp, đó là những dấu chỉ rất có ý nghĩa. Tiếng Pháp ngày nay đã hết thời, mười người đi học, chín người thôi.
Kiểu định nghĩa cà phê là một loại cà uống vào rất phê có thể khiến nhiều người không nhịn được cười: Dốt gì mà dốt quá! Nhưng với người nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, đó lại là một dẫn chứng quý cho quan điểm cho rằng tiếng đơn âm (âm tiết) chính là từ. Do áp lực của hệ thống (mỗi tiếng đơn âm đều phải có nghĩa), từ nguyên dân gian buộc phải cấp cho phê những ý nghĩa mà chúng vốn không có, nhưng hoàn toàn thỏa đáng đối với người không rành ngoại ngữ và/hoặc không có hiểu biết gì về ngôn ngữ và/hoặc không có hiểu biết gì về lịch sử. Các ví dụ loại này nhiều vô kể: cây chốt được gọi là cây ắc vì khí nó gãy thì xe kêu “ặc ặc” ; bãi cônglàm reo vì người bãi công thường phải reo hò,  lính ma tà là thứ lính cầm cây ma trắc, Bến Tre là cái bến có nhiều tre...
Trong nhiều trường hợp, cái nghĩa bâng quơ của từ nguyên dân gian lại trở thành ý nghĩa được công nhận, đẩy lùi hoàn toàn nghĩa từ nguyên chân chính. Tre của Bến Tre không còn liên quan gì đến cá nữa mà chỉ khiến người ta liên tưởng đến cây tre, cây trúc nên trước năm 1975 mới có tên gọi là Trúc Giang. Bây giờ mấy ai còn dùng cứu cánh với nghĩa là cuối cùng? Nếu không muốn bị hiểu lầm và cũng không muốn bị chê là dốt chữ, người biết rõ nghĩa từ nguyên và nghĩa từ điển của cứu cánh chỉ có một cách là tránh nó, dùng một từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa như mục đích, mục tiêu...

Wednesday 23 January 2013

Từ nguyên dân gian là gì?


Khi nói từ này là nguồn gốc của từ kia trong khi thật ra cả hai chẳng có liên quan gì với nhau mặc dù cách giải thích nghe có vẻ rất hợp lý thì đó chính là từ nguyên dân gian. Chẳng hạn như có người đã từng giải thích cái tên thành phố Đà Lạt được tạo thành từ các chữ cái đầu từ trong câu tiếng La Tinh DAT ALLIS LAETITUM ALLIIS TEMPERRIEM  (Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành). Nghe có vẻ rất phù hợp với một thành phố được xây dựng để phục vụ cho việc nghỉ dưỡng nhưng thật ra thì không phải thế. Đà Lạt vốn là Đaq Lạch. Đaq là nước, suối, sông. Lạch là tên của một bộ tộc thiểu số sống tại chỗ. Ông Cunhac - viên Công sứ đầu tiên của thành phố Đà Lạt cũng hiểu như vậy. Khi trả lời phỏng vấn về cái tên Đà Lạt, ông đã nói:  A la place du lac coulait le petit ruisseau de la tribu des Lat et qu'on appelait "Dalat" (Da ou Dak: eau en moï)", nghĩa là Ở chỗ hồ nước có con suối nhỏ của bộ tộc Lat, gọi là "Đà Lạt" (theo tiếng Thượng, Da hay Dak nghĩa là nước) (“Naissance de Dalat” của Baudrit, Revue Indochine số 180 vào tháng 2 năm 1944)

Monday 11 June 2012

Ngôn ngữ học thống kê và thống kê ngôn ngữ học có gì khác nhau?


Tháng 8/1999 tôi ra bảo vệ luận án cấp nhà nước (từ ngữ cũ là bảo vệ chính thức). Một trong hai câu hỏi của thầy Đào Thản (phản biện 1) từ Hà Nội gửi vào  là:
Luận án này, theo tác giả, có nhất thiết phải thuộc chuyên ngành mã số là ngôn ngữ học so sánh không? Tại sao không thể thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học thống kê, ngôn ngữ học ứng dụng,  ngôn ngữ học toán học...?
Câu hỏi có vẻ hiền lành. Nhưng tôi thi ngành này thì không thể nộp bài của ngành khác được.
Tôi chọn cách trả lời là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê. Vừa nói đến đó thì thầy Trần Ngọc Thêm, thư ký hội đồng,  lập tức giễu:
-Anh ấy và thẩy của anh ấy là giáo sư Nguyễn Đức Dân viết chung hai quyển sách về ngôn ngữ học thống kê thế mà bây giờ lại bảo là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê.
Hội đồng và cử tọa cười ồ vui vẻ rồi chuyển sang tiết mục khác.
Nhưng quyển sách in ở nhà xuất bản Giáo Dục có tựa là Thống kê ngôn ngữ học. Tập 1 là Nhập môn in năm 1998. Tập 2 là Một số ứng dụng in năm 1999. Không phải ngôn ngữ học thống kê.
Năm 1984 thầy Dân ra quyển Ngôn ngữ học thống kê ở nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp. Thuật ngữ ngôn ngữ học thống kê đã được giới chuyên môn chấp nhận mấy chục năm rồi. Thầy Dân dạy ngôn ngữ học thống kê ở đại học Tổng Hợp Hà Nội từ đầu những năm 70. Tôi thay thầy dạy môn này ở đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994. Tên môn học trong chương trình vẫn là ngôn ngữ học thống kê. Bảo là không có ngôn ngữ học thống kê, người ta thấy buồn cười là phải.
Năm 1996 tôi sang Pháp học, thấy người ta bảo rằng thuật ngữ linguistique statistique (tiếng Việt là ngôn ngữ học thống kê) có chỗ không ổn. Việc áp dụng phương pháp thống kê trong nghiên cứu ngôn ngữ không thể là lý do duy nhất để hình thành một chuyên ngành hẹp trong ngôn ngữ học. Ngay cả một số người làm ngôn ngữ học thống kê cũng không gọi các nghiên cứu của mình là linguistique statistique. Họ thích được công nhận là một nhà ngôn ngữ học chân chính, hay là thành viên của một chuyên ngành nào đó đã có uy tín. Charles Muller, tiên sư của ngôn ngữ học thống kê ở Pháp, là một ví dụ. Sách của thầy Dân in năm 1984 trên căn bản dựa vào quyển sách kinh điển của Muller (Larousse xuất bản năm 1968) có tựa là Initiation à la statistique linguistique (Nhập môn thống kê ngôn ngữ học).
Khi nhà xuất bản Giáo Dục đề nghị viết lại quyển sách năm 1984, tôi bàn với thầy Dân đổi cái tựa cũ (Ngôn ngữ học thống kê) thành Thống kê ngôn ngữ học. Thầy vui vẻ chấp nhận sự thay đổi đó. Nhưng xem ra với giới chuyên môn, đây chỉ là một sự lạm phát từ ngữ. Để cho các bên cùng vui vẻ, có lẽ nói thế này thì ổn hơn: Ngôn ngữ học thống kê là một chuyên ngành sử dụng thống kê ngôn ngữ học. Có điều những người bác bỏ tư cách chuyên ngành hẹp của ngôn ngữ học thống kê không khi nào chấp nhận định nghĩa đó.
Ngành của tôi còn vài chục cặp thuật ngữ như vậy: xã hội-ngôn ngữ học / ngôn ngữ học xã hội, thần kinh ngôn ngữ học / ngôn ngữ học thần kinh... Nghe mà phát thần kinh luôn. Nhưng đó là câu chuyện khác ở một dịp khác.

Saturday 12 May 2012

Trật tự từ điển học là cái gì?


Trật tự từ điển học (tiếng Pháp: ordre lexicographique) là cách sắp xếp bảng từ của từ điển. Tiếng Việt sử dụng bộ chữ La Tinh nên trật tự từ điển học tiếng Việt về căn bản là thứ tự ABC (tiếng Pháp: ordre alphabétique), có khác chút đỉnh với thứ tự ABC ở các từ điển tiếng Pháp, tiếng Anh vì tiếng Việt sử dụng một số ký tự có dấu như Ă, Â, Ô, Ơ, Ư... Hiện nay nhiều từ điển tách A, Ă, Â thành ba chương nên sau AĂ, sau Ă Â rồi mới đến B. Nhưng cũng có từ điển gộp cả A, Ă, Â làm một và sau đó là B (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931). Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) cũng gom O, Ô, Ơ làm một còn N, NGNH lại thành ba chương riêng trước khi đến chương dành cho PH (không có P). Đây cũng là cách sắp xếp của Lê Văn Đức (1970) nhưng Lê Văn Đức (1970) lại tách A, Ă, Â thành ba chương. Nguyễn Kim Thản (2005) gộp A, Ă, Â làm một, N, NG, NH làm một. Trong Nguyễn Kim Thản (2005) chỉ có chương K nên kịp, kiếp, kín... đứng sau khi  còn Lê Văn Đức (1970a) thì có một chương cho K và một chương cho KH nên kịp, kiếp, kín... đứng trước khi. Trong Nguyễn Kim Thản (2005) có một chương cho I và một chương cho Y khi  còn Lê Văn Đức (1970) thì gộp cả IY thành ra yêu đứng trước khi.
Có thể thấy là trật tự từ điển học tiếng Việt hoàn toàn tùy thuộc vào quan niệm của người soạn từ điển. Không phải như tiến sĩ tin học Quách Tuấn Ngọc vẫn tưởng là chỉ có một cách duy nhất đúng. Cũng không hề có chuyện đối xử bất công như tiến sĩ giáo dục Lê Vinh Quốc đã thấy. 

Friday 30 March 2012

Ấn tượng Hán Việt là gì?


Ấn tượng Hán Việt là mức độ đậm nhạt của nguồn gốc Hán của một từ ngữ Việt trong nhận thức của người Việt.  Khái niệm và thuật ngữ ấn tượng Hán Việt được nhóm nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của ông Bùi Khánh Thế sử dụng lần đầu trong công trình Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001). Nhóm này (Nguyễn Hoài Thu Ba & Trần Thị Kim Anh, sđd. tr. 151-175) tiến hành điều tra trên 285 sinh viên năm thứ hai khoa Ngữ Văn Anh (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh, sau đây sẽ gọi là “nhóm sinh viên”) và 167 học sinh lớp 10 trường Phổ Thông Trung Học Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, sau đây sẽ gọi là “nhóm học sinh trung học”) thì thấy:
- 52% học sinh trung học và 74,2% sinh viên cho rằng xa lộ là một từ Hán Việt. Trong danh sách 15 từ ghép được đưa ra khảo sát, xa lộ là từ tạo được ấn tượng Hán Việt cao nhất ở cả hai nhóm. Đồng hạng 2 ở cả hai nhóm là ngôn ngữ (48% học sinh trung học và 74% sinh viên).
-Thường xuyên là một từ Hán Việt chân chính nhưng số người chọn câu trả lời đúng không nhiều: 17,9% học sinh trung học (xếp hạng 13/15) và 29,8% (?) sinh viên (xếp hạng 9/15).
-Hiện naybắt đầu được xếp hạng giống nhau ở cả hai nhóm. Chỉ 5,3 % học sinh trung học và 8,7% sinh viên cho rằng hiện nay là từ Hán Việt (đồng hạng 14/15). Trong khi đó 3% học sinh trung học và 4% sinh viên thấy bắt đầu là một từ Hán Việt (đồng hạng 15/15).
Nói chung, các từ được xếp hạng giống nhau khá nhiều: thủ môn (đồng hạng 4), chương trình truyền hình (đồng hạng 10), lý do (đồng hạng 11), yêu thương (đồng hạng 12). Sự chênh lệch, nếu có, thường không đáng kể: tiêu dùng xếp hạng 6 ở nhóm học sinh và hạng 5 ở nhóm sinh viên; vận động viên hạng 5 ở nhóm học sinh xuống hạng 6 ở nhóm sinh viên; điểm yếu hạng 7 ở nhóm học sinh nhưng xuống hạng 8 ở nhóm sinh viên.
- Có 12,5%  học sinh trung học nghĩ rằng tham gia là một từ Hán Việt (xếp hạng 8) trong khi chỉ 9,8% sinh viên đồng ý với điều này (hạng 13/15). Chênh lệch hạng cũng đáng chú ý ở từ nguyên nhân (hạng 3 ở nhóm học sinh trung học và hạng 7 ở nhóm sinh viên), thế giới (hạng 9 ở nhóm học sinh trung học và hạng 3 ở nhóm sinh viên).

Wednesday 28 March 2012

Từ Hán Việt chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong vốn từ tiếng Việt?


Câu hỏi nhảm, nên chỉ có thể trả lời nhảm thôi: Ai đếm được, ta xin gọi là thầy.
Vấn đề đặt ra trên đây có liên quan đến vài vấn đề con nan giải:
1)      Từ là gì? Anh hùng là một từ hay hai từ? Chủngtrong Hợp Chủng Quốc có phải là chủng của chủng tộc không, hay phải đếm chung nó với chúng của quần chúng, chúng mày, chúng nó?  Nếu công nhận tiếng Việt có từ ghép thì thống kếthống kê sẽ được gom chung vào một từ vị hay sẽ được tính như hai đơn vị riêng biệt? Nói tóm lại là tùy quan niệm của người nghiên cứu, kết quả đếm được sẽ rất khác nhau, dẫn đến những phân số khác nhau.
2)      Từ Hán Việt là gì? Có người hiểu đơn giản là “từ Việt gốc Hán”. Có người hiểu hẹp hơn là “từ Việt gốc Hán trên cơ sở Đường âm”. Trong nhiều trường hợp, xác định gốc Hán cho một từ Việt không phải chuyện dễ; khẳng định đó là âm Hán thượng cổ, trung cổ, hậu Hán Việt... càng phức tạp hơn.
3)      Tiếng Việt là tiếng Việt nào? Người ta thường hiểu ngầm là tiếng Việt hiện đại, không phải tiếng Việt của Nguyễn Trãi hay Quang Trung. Nhưng tiếng Việt hiện đại bắt đầu từ năm nào? Gia Định Báo hay Nông Cổ Mín Đàm có được xem là thuộc về giai đoạn hiện đại không? Tiếng Việt của bọn phản động có được tính đếm không? Nếu chỉ tính xuất bản phẩm dưới một chế độ chính trị nhất định, trong một quãng thời gian nhất định thì có gom tất cả các thể loại không hay chỉ giới hạn ở một phong cách nào đó (thơ, truyện ngắn, truyện dài, luận án...)?
4)      Vốn từ là gì? Chỉ là tập hợp tất cả các đơn vị từ vựng nhận diện được trên văn bản thực (giả sử vấn đề con số 1 đã được giải quyết) hay kể luôn cả những đơn vị có khả năng xuất hiện nhưng ta chưa gặp? Không có cái bộ phận tiềm tàng ấy thì sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là “từ mới”, nhưng làm thế nào đo đếm hay ước lượng cái phần chìm của tảng băng?
5)      Ta có sống đủ lâu để nhìn thấy cách giải quyết các vấn đề con đã nêu không?

Sino Vietnamese language là cái gì?


Tất cả các từ điển ngôn ngữ học đều không có một thuật ngữ nào như vậy.
Một người viết blog nổi tiếng là Trương Thái Du tra Google tìm thấy hơn hai trăm ngàn kết quả với  cụm “Sino Vietnamese language, nhưng kết quả này thật ra bao gồm cả những trang viết về “Sino Vietnamese language contact”, bàn về tiếp xúc ngôn ngữ (giữa) Việt (và) Hán. Số còn lại là những trang của Trương Thái Du và những trang Web sao chép lại Trương Thái Du, không kể số trang có tính cách phiếm đàm thoải mái. Không một trang Web nào có uy tín học thuật dùng thuật ngữ “Sino Vietnamese language”.
Cụm từ “Sino Vietnamese language” có lẽ là do ai đó đã dịch sai thuật ngữ “tiếng Hán Việt”. Trong tiếng Việt (Việt ngữ), tùy theo trường hợp, tiếng được hiểu theo nhiều cách khác nhau:
-Có khi tiếng được hiểu là ngôn ngữ (như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Trung..., ứng với language của tiếng Anh ).
-Có khi tiếng được hiểu là từ  (ứng với word trong tiếng Anh), tức đơn vị có chức năng ngữ pháp trong câu.Ví dụ: Câu “Em học toán” có đúng ba tiếng, trong đó họctoán là hai tiếng Hán Việt).
-Có khi tiếng được hiểu là âm tiết (ứng với syllable trong tiếng Anh), nếu xét về phương diện âm thanh. Ví dụ: Câu  “Em học toán” có ba từ, được phát thành ba tiếng rời nhau.
Thuật ngữ “tiếng Hán Việt” chỉ có một thuật ngữ tiếng Anh tương đương là Sino-Vietnamese word (tiếngtừ).

Tiếng Hán Việt là gì?


Tiếng Hán Việt là thuật ngữ dùng để chỉ những từ đơn âm trong Việt ngữ có nguồn gốc Hán ngữ, được đọc bằng âm Hán Việt. Cách đọc này phản ánh ngữ âm tiếng Hán đời nhà Đường được dạy ở Giao Châu từ thế kỷ thứ 8, biến đổi dần sau thế kỷ thứ 10 (kỷ nguyên độc lập tự chủ). Mùi (trong mùi thơm, mùi thối...), vị (trong vị tinh, hương vị...), (trong mì chính) đều có cùng gốc Hán là , nhưng chỉ có vị được xem là một tiếng Hán Việt, theo định nghĩa đã nêu ở trên.