Saturday 10 December 2022

Cái ba thồ là cái gì?

Là cái yên thồ chất trên lưng lừa ngựa. Do tiếng Pháp bât.

* Nhưng ba thồ lênh khênh vẫn lặc lè trên lưng chúng. Nguyễn Huy Tưởng (2006tp:777)

Thursday 8 December 2022

Có quá đáng không?

Một độc giả Kiến Thức Ngày Nay số 129 (15-01-1994) than phiền với Huệ Thiên:

Chẳng lẽ tiếng Việt không có từ nào để thay thế cho từ “lô-gích”? Ta có 4000 năm văn hiến mà vẫn bị “hổng” khi đụng lô-gích nên đành “bỏ trống” hay sao? Vậy tiếng của ta để làm gì?

 

Huệ Thiên biểu đồng tình:

Ông cho biết mình ở Sài Gòn 40 năm nhưng trước năm 1975 chưa từng nghe người Việt Nam nào nói tiếng Việt mà lại xen vào hai tiếng lô-gích. Có lẽ ông đã nói không quá đáng. (An Chi (2006-1:172))

 

Thật ra lô-dích đã xuất hiện trên sách báo những năm ba mươi của thế kỷ trước.

* Đây là chưa bàn đến ý-nghĩa của lời thơ còn chỗ vụng, mà hẵng nói về thể-tài của thơ, thì cách lập-luận như thế không phải là phép tam-đoạn-luận trong lô-dích (logique) là gì. Nam Phong Tạp Chí số 196 (1934:341, Hải-hạc)

* Ông không có « lô-dích » tí nào cả. Phong Hóa Tuần Báo số 79 (1933:9)

* Hiểu lô-dích chưa ? Phong Hóa Tuần Báo số 79 (1933:9)

* 2. Dịch câu ấy không đủ lô-dích và đã « sa lạc vào chỗ sai lầm » (« tùng bê » dans l’erreur). Phong Hóa Tuần Báo số 108 (1934:2, Tứ-Ly)


Sau Hiệp Định Giơ-ne-vơ, sách vở miền Bắc lưu hành đồng thời nhiều dạng: lô dích,[i] gic,[ii] lô gíc,[iii] lô gich,[iv] lô gích.[v] Các dạng này cũng xuất hiện trong sách vở in ấn ở miền Nam trước 1975.
* Họ không hiểu rằng chế-độ thực-dân trong bản-chất của nó, là bạo-động và bất-nhân, và những người đi thực-dân phải bạo-động bất-nhân theo một « lô-gíc » nội-tại của dự-phóng thực-dân. Nguyễn Văn Trung (1963:30)

* Mà ông lại muốn đem cái lô-gích khả kính của phương Tây ra để truất cái thú duy nhất, cái quyền duy nhất đó của họ ư ? Nguyễn Hiến Lê (1974:73)
 

Từ điển của Châu Văn Cán (1963:558) lô-dích.

 

Lên báo kêu rằng chưa từng nghe hay chưa từng thấy thì cũng hơi quá đáng. Có gì để mà kêu ca?

 



[i] * Việc nghiên cứu những vấn đề căn bản về biện chứng pháp , về lô-dích biện chứng (logique dialectique), về nhận thức luận và một số vấn đề giáo dục cộng sản của nhân dân lao động, chưa làm cho mọi người thỏa mãn. Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 19 (1956:70, Nguyễn Lương Bích)

* Chẳng qua là vì chúng ta thiếu cái "lô-dích" về đạo đức trong sự chiến thắng. Hồ Linh (1998:271)

CVC (1963:558), NQT (1992:235), LNT (1993:611)

[ii] * Cách đây hơn 2.000 năm, nhà toán học Hy-lạp Ơclít đã có gắng đặt một cơ sở lôgic chặt chẽ cho hình học đó, bằng cách xây dựng nên một hệ tiên đề rồi dùng suy diễn lôgic chứng minh các định lý. Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 2 (1960:19, Nguyễn-Cảnh-Toàn)

* Mưu mô ấy bắt đầu ngay từ « nghệ thuật Lun-li » của thời đại trung cổ ; sau đó những khối óc như Lép-nít và La-pơ-lát-xơ đã tìm cách sáng tạo một toán thuật tuyệt đối trong toán học và lôgic học mà ông nói là có thể dùng để giải bất cứ bài toán nào ; trong mấy chục năm gần đây, những người nghiên cứu nhận thức luận ngữ nghĩa như Các-náp, Mô-rít, Cô-rơ-gíp-ski, cũng như các nhà lôgic học Ba-lan Tarski và Lu-ca-xe-vit tìm cách đặt ra « những bảng khoa học », phổ dụng và các thứ hệ thống « Siêu lôgic học », « Siêu ngôn ngữ học » và « Siêu ngữ pháp học ». Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 2 (1960:58)

* Ở Mác-bua ông đã thu hoạch những kiến thức vững vàng về toán, triết học, lôgic, vật lý, hóa học ; trong các môn khoa học tự nhiên ông nắm chắc khoáng học, thực vật và động vật học ; trong các ngành ứng dụng ông đã có kinh nghiệm thực tiễn về cơ khí, luyện kim ; ông lại biết khá nhiều về các nghề thủy tinh, đồ gốm, đồ sứ, làm muối, hàng hải, thiên văn và địa lý. Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 10 (1961:1, Tạ Quang Bửu)

PVB (1986:146)

* “Lô gic” nó thế! Huỳnh Dũng Nhân (2012:112)

* Thế mấy thằng ăn cắp cốp xe lúc nãy? Huỳnh Dũng Nhân (2012:112)

* “Lô gic” của nó thế, anh ạ. Huỳnh Dũng Nhân (2012:112)

* Nói một các “lô gic” – bọn em sống khổ lắm. Huỳnh Dũng Nhân (2012:113)

* “Lô gic” ở chỗ ấy đấy! Huỳnh Dũng Nhân (2012:113)

* “Lô gic” nó thế! Huỳnh Dũng Nhân (2012:112)

[iii] * Ở đây, chúng ta hãy nói vắn tắt về cái gọi là « tiêu chuẩn lô gíc của chân lý ». Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 2 (1960:58)

* Hình ảnh đó thật là hoàn chỉnh, khi ấy, tôi nghĩ người Việt Nam thật là đẹp, dũng cảm và không lô gíc. Nguyễn Bá Cộng (1979:599)

* Ông nghiên cứu lô gíc toán tại trường ĐHTH Cambridge Tạp Chí Thông Tin Toán Học tập 3 số 2 (1999:10, Ngô Việt Trung)

* Công việc tìm diệt tổ mối đáng căm hờn này, công việc bảo vệ đê, chống loài thuỷ tặc yêu quái này cung cấp cho con những dữ kiện để con xây dựng lô-gíc tư tưởng, lô-gic sống cho con: với cái xấu xa, đê hèn, cái cao cả phải biết mở đường, vượt qua, không có lý gì mà lại trở thành kẻ hèn hạ, trái lại phải hiên ngang, hiên ngang như những con đê. Ma Văn Kháng (2003III:130)

* Nó dựa vào nghĩa của từ điển, nhưng nhiều khi nó không giữ lại nguyên nghĩa ban đầu; thậm chí nhiều sắc thái nghĩa mới của nó không còn mang khái niệm lô-gíc để ta có thể định nghĩa nó một cách dễ dàng. Ngôn Ngữ & Đời Sống số 72 (2001:5, Nguyễn Lai)

[iv] * Xuất phát từ lý luận và khái niệm hiện có, qua suy diễn lô-gich hay suy dẫn toán học, qua sự tiếp xúc của các lý luận và khái niệm, người ta có thể thu được lý luận mới, dự kiến được sự thực mới. Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 7 (1960:50, Nguyễn Đăng Khê)

* Khi cái siêu hình đã hàm chứa cái lô-gich thì lại không còn là siêu hình nữa. Chu Lai (2009:251)

[v] * Và thành lập nhóm học tập về « lô-gích-toán », nhóm này đã bắt đầu hoạt động với sự tham gia của 10 cán bộ trường bạn. Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 5 (1960:36)

* Bởi vậy, từ địa vị giám đốc trường Cao đẳng quốc phòng ngụy, Vĩnh Lộc quay sang chân giữ vườn cho trường Cao đẳng Cơ đốc Mỹ, là đúng con đường « việt gian hóa... kiếp » rồi, là lô gích. Nguyễn Khắc & Lê Kim (1976:162)

* Nhưng bắt đền người nhà thì kém “lô gích” lắm. Nguyễn Công Hoan (2005k107)

* Và con quyết sống theo lôgích của con! Ma Văn Kháng (2003III:490)

* Vậy phải thay lô-gích bằng “từ Việt” nào thì chúng tôi thấy rất khó. An Chi (2006-1:173)

* Một thực tế dữ dội dẫn đến một ý thơ quyết liệt là điều phù hợp với lô-gích của nghệ thuật: Huỳnh Như Phương (2008:35)

* Cái lô gích sách lược này làm đầu tôi dịu đi được một ít. Trần Đĩnh (2014-1:259)

KMA (1977b:528), NQT (1992:235), LNT (1993:611), LPT (2001:689), HHT (2002:325), NKT (2005:968), HP (2006:580), TTA (2009:74)

Monday 5 December 2022

Sao gọi là "công tử bột"? (Lê Minh Quốc - Người Lao Động)

28-11-2021 - 07:19 | Văn nghệ
(https://nld.com.vn/van-nghe/sao-goi-la-cong-tu-bot-20211127192813731.htm)

Kho tàng thành ngữ tiếng Việt có câu: "Công tử bột". "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ" của Viện Ngôn ngữ học (NXB Khoa học Xã hội - 1999) giải thích: "Công tử bột là ai mà hễ chàng nào ít am hiểu xã hội, vẻ béo tốt, trắng trẻo, ăn mặc sạch sẽ cứ ngơ ngơ ngác ngác trước cuộc sống, vụng về trong công việc, thích ăn chơi, lười biếng hoặc yếu ớt trong lao động đều bị liệt vào hạng người này" (tr.104).

Tại sao thành ngữ này xuất hiện? Cũng theo "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ": 1. "Chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp. Thuở ấy các quan chức này thường ăn diện quần áo trắng, bảnh bao, chạy như cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn"; 2. "Và từ bột là cách đọc chệch âm từ poste trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép)" (tr. 105).

Tuy nhiên, theo "Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp" của Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân (Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM - 1992): "Chữ poste nếu có phiên sang tiếng Việt thì cũng đọc là "bót", bốt" chứ không ai đọc là "bột" cả"; và cho rằng: "Có thể "công tử bột" chỉ được dùng để chế nhạo các anh chàng nhà giàu làm dáng cũng thoa phấn lên mặt. Phấn được làm bằng một thứ bột mịn. Thế thì chữ "bột" ở đây chỉ là một danh từ chung nên người ta mới đem "công tử bột" để đối với "tiểu thư vôi" (tr. 85).

Trước hết, xin nói ngay 2 điều:

1. Nếu "các anh chàng nhà giàu làm dáng cũng đem phấn thoa lên mặt" ắt phải gọi "công tử phấn". Vì phấn là phấn; bột là bột. Phấn và bột không thể hoán đổi cho nhau, nhất là khi nó gắn với từ mặt. "Biết thân chạy chẳng khỏi trời/Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh" (Truyện Kiều); "Cô kia đen thủi đen thui/Phấn đánh vô hồi, đen vẫn hoàn đen"; Mặt hoa da phấn; Má phấn môi son... Không thể đổi phấn qua bột trong ngữ cảnh này - cho dù phấn trong chừng mực nào đó cũng là loại bột dùng trang điểm nhưng người ta vẫn gọi đánh phấn, phấn trang điểm chứ chẳng thể nào nói bột!

2. Nếu nói so sánh với "tiểu thư vôi", người ta không dùng "công tử bột" mà phải là "công tử vỏ". Ta hãy đọc lại câu văn trên báo chí thập niên 1930 do nhà nghiên cứu Trần Đức Anh sưu tập: "Không những thế, chúng ta lại còn vẽ vời đi đền kia phủ nọ, nói rằng năm mới đi lễ cầu phúc cầu tài; nhưng xem ra số người thành tâm đi lễ thì ít, còn phần đông là bọn công tử vỏ, tiểu thư vôi giả dạng đi lễ cầu lộc cầu tài mà kỳ thực chỉ để khoe giòn, khoe đẹp" ("Bàn về chơi xuân trên báo xưa", Báo Ngày Nay ra ngày 26-2-2012). Rõ ràng, đã công tử vỏ ắt "sánh duyên" tiểu thư vôi. Vỏ và vôi hàm nghĩa giả dạng hình thức, chưng diện, tô phết cái mã bề ngoài - nói như Tú Mỡ là "Để che đậy cái sơ sài bên trong".

Nói tóm lại, sự ra đời của thành ngữ "công tử bột" không liên quan gì đến những cách giải thích vừa nêu.

Căn cứ vào "Hát bội Théâtre traditionnel du Viet Nam" (NXB Nam Chi tùng thư - 1970) của Huỳnh Khắc Dụng, "Bến Nghé xưa" của Sơn Nam (NXB Văn Nghệ - 1981), ta biết cụm từ này gắn liền với hát bội. Trước đó nữa, trong bài khảo cứu "Hát bội" in trong Tạp chí Phổ Thông số 35 (15-6-1960), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Quý cho biết trong hát bội có điệu hát tên gọi là "Bài thằng Bột": "Dân gian thường gọi con quan ở trong triều là công tử bột, học hành chẳng ra hình, ở không nên nết, tụ năm tụ ba, hiếp kẻ cô đơn, nịnh người quyền thế, có một tài chim gái mà thôi, không giúp ích cho gia đình, chẳng làm lợi cho xã hội. Sân khấu cổ truyền trình diễn những nhân vật đó làm trò cười cho khán giả, cho nói giọng trọ trẹ, đầu bịt khăn gò, mặt cho giồi phấn mốc, mắt mang kiếng giọng vàng, chơn đi giày Tàu, tay cầm quạt lông, mình mặc áo gấm, ra vẻ sang trọng, có nét ăn chơi, ăn nói ngược ngạo láo xấc".

Rất khó giải thích vì sao dân gian lại gọi con cái hư đốn của nhà quan là bột? Theo nhà văn Sơn Nam, Hoa Bột, Ba Bột là tên riêng của nhân vật trong tuồng hát xưa. "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) cũng ghi rõ: "Hoa Bột, Ba Bột - tên riêng. Người không biết điều mà hay nói phách, hay ỷ thị cũng gọi thằng bột".
(https://nld.com.vn/van-nghe/sao-goi-la-cong-tu-bot-20211127192813731.htm)

Sunday 4 December 2022

Ét nào là ét nào ?

 


 

Người phụ xe, tiếng Pháp là aide-chauffeur, trong tiếng Việt còn được gọi là ét ô tô / ét tài xế / ét xe hơi. Aide tiếng Pháp chuyển sang tiếng Việt thành ét.

Aide
tiếng Pháp còn có nghĩa là trợ lý. chuyển sang tiếng Việt thành ét. Nghĩa này cũng được bảo lưu trong từ ét của tiếng Việt.

Tổ lái xe lửa chạy than ngày xưa có hai người. Một người làm công việc lái tàu (tiếng Pháp là conducteur), một người làm công việc xúc than (tiếng Pháp là chauffeur). Người Việt cũng gọi người xúc than là ét.

 

ét  Œ aide / assistant. [i]   (CHEMIN DE FER) chauffeur.[ii]

ô tô aide-chauffeur.[iii]

tài xế aide-chauffeur.[iv]

xe hơi aide-chauffeur.[v]



[i] * Cậu làm « ét » cho tớ. Nhiều Tác Giả (1964:54, Đại Đồng)

* Lãi kia là đứa vô danh, mình là người có danh lại nhào tới xin làm ét cho nó. Nguyễn Khải (1999:54)

* Cậu là “ét” cho tớ. Nguyễn Huy (2004:61, Chiến Sĩ Điện Biên)

ĐVT (1950:253), NQT (1992:171), LPT (2001:451)

[ii] *  Người « ét » cười ra vẻ không tin, lấy sẻng súc than cho vào lò, còn tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ đăm đăm nhìn thẳng trước mặt. Khái Hưng & Nhất Linh (1958:36, Nhất Linh)

* Tôi gọi người « ét » nhưng bác ta làm bộ không nghe thấy, cứ cắm đầu xúc than cho vào lò. Khái Hưng & Nhất Linh (1958:37, Nhất Linh)

* Người « ét »  của tôi, vội bỏ cái xẻng xúc than, níu lấy tôi nói: Nhất Linh (1973:60)

[iii] * Sốp phơ lại cao hứng vừa cầm lái vừa nói truyện với tên  « ét », nhiều lúc chực đưa cả người lẫn xe xuống ruộng. Phong Hóa Tuần Báo số 99 (1934:9, Lêta)

* Tôi nhận thấy vậy, có đùa anh « ét »  (aide) xếp chỗ: Tri Tân Tạp Chí số 58 (1942:13, Nhật-Nham)

* Bữa trước, đã có một chuyến xe lên đèo ban đêm cũng gặp ổng rồi, ổng rượt theo xe, vồ một thằng « ét » ngồi phía sau. Nguyễn Vỹ (1970a:291)

* Bữa trước, đã có một chuyến xe lên đèo ban đêm cũng gặp ổng rồi, ổng rượt theo xe, vồ một thằng “ét” ngồi phía sau. Nguyễn Vỹ (2006:267)

LPT (2001:451)

[iv] * Tài, ét thay phiên nhau quay quay ma-ni-ven.  Duyên Anh (1970t:167)

* Xe lướt ngang, anh ét lẳng lơ vẫy tay, điểm nụ cười.  Duyên Anh (1970t:167)

[v] * Anh ét cằn nhằn biểu hai ông nằm trên bao bố trải trên mấy thùng đựng nước mắm. Nguyễn Vỹ (1957c:32)

* Mới hăm mốt, làm ét xe hơi, anh mê một cô hàng xén rất xinh ở An Khê, quyết lấy cho được. Phan Tứ (2007m:955)