Tuesday 30 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Đến Chợ Giai - Thư Trì (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 23

 

ĐẾN CHỢ GIAI – THƯ TRÌ.

          Chợ Giai trước đó chỉ là một phố Chợ Nhỏ của làng Thanh Trai với hơn chục cửa hàng thực phẩm, hiệu tạp hóa, tiệm cà phê … Với vị trí ở sâu trong huyện, nên từ ngày kháng chiến, huyện lỵ của Thư Trì ở bến phà Tân Đệ cũ, đã di chuyển về đây cho an toàn hơn. Chợ Giai tự nhiên trở thành khu vực đầu não của huyện Thư Trì.

          Hồi này, ông Nguyễn Hữu Quyến, Hội phó Hội Văn hóa Thư Trì (Hội trưởng là ông Ấm Thái, con trưởng Cụ Nghè Thăng Bách Tính mà ta đã biết trong chuyện Ông Nghè vinh quy bái tổ của sách này), được huyện cử làm Hiệu trưởng  Trường Trung học Văn hóa huyện. Ông Quyến đến Chợ Giai làm nhiệm vụ, gặp và quen biết với ông Kiểm Lư, quê làng Thanh Trai. Ông Lư là một tư sản mới, mới trở thành giàu có ít lâu. Ông là một tay lái buôn trâu bò cự phách. Hằng ngày, mỗi buổi sáng, ông chỉ việc cưỡi ngựa đến chợ Trâu Bò là CHỢ THÔNG, cũng thuộc Thư Trì, nhưng cách Chợ Giai đến hơn 10 km, để mua bán trâu bò một lúc rồi xế chiều lại cưỡi ngựa trở về nhà với gia đình. Ông đã cao hứng mời ông Quyến làm gia sư cho gia đình ông. Ông Quyến đã nhận lời, nhưng dĩ nhiên là không thể hoàn thành nhiệm vụ được. Ông Quyến đã giới thiệu tôi tới để thay ông làm gia sư cho các con ông Lư ở đây, với ý định để tôi cũng có việc làm và nhất là có thể gần ông, có hoàn cảnh để tôi tiếp tục việc học bị dở dang vì thời cuộc.

          Đám trẻ, con cháu ông Lư có sáu bảy tên đang học những năm cuối của tiểu học, mình tôi không đủ sức đảm nhiệm. Tôi bèn nghĩ đến Quất, Tiên, Toại là những bạn trong ban nhạc Quần Hiền lúc trước, và cả Giá em tôi nữa. Chúng tôi đề nghị với ông Lư là cần có thêm bạn để phụ tá mới có thể đảm nhiệm được việc này. Chúng tôi cũng nói rõ với ông Lư là chúng tôi có thể thu xếp để tự túc được, ông không cần phải lo thêm. Ông Lư đồng ý, và đang lúc phát tài, lại vốn sẵn tiền bạc, ông còn làm thêm một căn nhà gỗ nhỏ ba gian để chúng tôi ở và hành nghề gia sư. Thế là chúng tôi ở tập thể với nhau một thời gian dài ở Chợ Giai gần hai năm. Lúc đầu, chỉ có tôi và Quất đến trước. Tôi và Quát phân công làm gia sư cho bọn trẻ. Tôi phụ trách những môn học thuộc về VĂN, SỬ và ĐỊA LÝ … còn Quất phụ trách những môn TOÁN và KHOA HỌC THƯỜNG THỨC … Tiên đến sau, được miễn. Toại và Giá, nhỏ tuổi hơn, không phải làm gia sư, được phân công đi chợ nấu ăn cho xôm trò, chứ hằng ngày, bữa ăn của chúng tôi chỉ gồm có Cơm, Muối vừng, Rau muống luộc chấm tương và NƯỚC LUỘC RAU thay cho canh. Lâu lâu chúng tôi lại đảo về nhà để lấy tiếp tế, có khi được thêm chút tiền còm để bồi dưỡng. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng ra tiệm cà phê ngoài chợ, kiếm vài điếu thuốc lá COTAB, anh em hút chung với nhau kiểu xoay vòng. Chủ nhà thấy chúng tôi sống quá đạm bạc, một đôi khi cũng có tiếp tế thức ăn cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không hoan nghênh việc này, rồi sau dần cũng thôi luôn.

Sunday 28 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Hội nghị văn hóa Thư Trì (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 22

 

HỘI NGHỊ VĂN HÓA THƯ TRÌ.

          Thời gian này, Hội Khuyến Nhạc Quần Hiền chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động, thường xuyên tập dượt. So với lúc mới thành lập đã có một sự tiến bộ rõ rệt. Chúng tôi đã tạo được một tiếng vang trong huyện là một Hội Khuyến Nhạc tên tuổi. Hội Văn Hóa huyện đã rất tín nhiệm ban nhạc Quần Hiền.

          Một lần, hội Văn hóa Thư Trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn huyện với tính cách quy mô, chương trình to tát. Trong chương trình hội nghị, có những mục báo cáo về Bình Dân Học Vụ, bàn luận về Văn học, Thi ca, Kịch nghệ, Âm nhạc … Ban nhạc Quần Hiền được mời đến giúp vui hội nghị như những lần trước. Lần này, đến nơi rồi chúng tôi mới được biết Ban Tổ Chức đã ghi vào chương trình hội nghị mục phát biểu, nói chuyện về âm nhạc, do Hội Khuyến Nhạc Quần Hiền phụ trách. Chúng tôi ngỡ ngàng và quá bất ngờ, chưa biết xử trí ra sao, vì từ trước đến giờ chúng tôi chỉ là những người ưa thích âm nhạc, thường tập hợp với nhau để hòa nhạc mà thôi, hoàn toàn là những kẻ vô danh, chẳng có bao giờ nghĩ đến chuyện phải phát biểu, trình bày về vấn đề âm nhạc trong hội nghị bao giờ. Ban nhạc Quần Hiền đã trót bị nổi tiếng và bị tín nhiệm ở trên huyện . Chúng tôi, nửa muốn nhận lời, nửa muốn từ chối. Tại sao vậy ? Muốn nhận lời vì thực ra Huyện đã tín nhiệm, muốn khuyến khích và muốn dành cho ban nhạc Quần Hiền chúng tôi một vinh dự. Còn như từ chối không nhận lời, thì vì việc này quá sức của chúng tôi lúc đó. Cuối cùng, mọi người đều thấy không thể từ chối hảo ý của huyện, đành phải nhận lời. Nhưng nhận lời rồi, phải làm sao đây ? Anh em đã hội họp, thảo luận và nhất trí đề cử tôi đảm trách việc này. Bây giờ đến lượt tôi lại thấy khó mà từ chối được thiện chí của anh em, cũng như anh em đã không thể từ chối đối với huyện. Lúc đầu tôi do dự, vì thấy là một việc quá lớn đối với một người còn quá trẻ như tôi (18 tuổi). Lát sau nghĩ lại : « Hồi mới 12 tuổi, ta đã từng đại diện cho họ giáo Hội Kê để dự « Ngắm Nhân Tài » ở nhà thờ xứ Gia Lạc, có lẽ còn khó hơn. Vậy việc này ta cứ thử xem sao ? Thêm nữa, lúc đó tôi đã nhớ tới câu danh ngôn của ai đó ngày trước mà ông thày cũ người Pháp đã giảng cho tôi trong lớp hồi còn đi học thời Pháp thuộc : « De l’audace, toujours de l’audace, et encore de l’audace », nghĩa là « phải táo bạo, luôn táo bạo, và còn táo bạo mãi », cũng giống như ý trong câu tục ngữ, ca dao Việt Nam là « Một liều ba bảy cũng liều. Cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây ». Những ý tưởng này đã giúp tôi phấn khởi hẳn lên và rồi hăng hái nhận lời. Anh em đã hoan nghênh nhưng chưa hết băn khoăn, đã cùng nhau, ngay tại chỗ, thảo luận rôm rả về đề tài này giúp tôi. Rất may, lúc đó có anh Hòe là người lớn tuổi nhất trong bọn và cũng là người có kiến thức hơn cả, đã góp ý với tôi khá nhiều, và còn ghi thành dàn bài chi tiết trên giấy cho tôi  đọc đi đọc lại cho khỏi quên.

          Rất may, vừa đúng lúc chuyển mục, đến phần phát biểu của Hội Khuyến Nhạc Quần Hiền. Tôi ung dung, tự tin, khoan thai bước lên diễn đàn hội nghị. Sau những câu mở đầu thường lệ theo thủ tục « Thưa … Thưa … và Thưa … » trước một loạt các vị lãnh đạo, thân hào, nhân sĩ trong huyện và cả đại diện lãnh đạo của tỉnh nữa, tôi vào đế ngay ÂM NHẠC LÀ GÌ ? Không hiểu sao hôm đó, tự nhiên tôi lại như người được dùng thuốc DOPING[1] hay có THẦN ĐỒNG PHỤ NHĨ[2], trở nên bạo dạn, nói năng lưu loát và còn văn vẻ nữa, gần như một nhà hùng biện hay diễn giả nhà nghề. Tôi đã mở đầu bài nói chuyện về âm nhạc như sau :

- “Mọi âm thanh trong vũ trụ, gió lộng ngoài khơi, thác đổ trên ngàn,  thông reo vi vút, chim kêu vượn hót trong rừng … đó là những bản hùng ca thiên nhiên, và còn nhiều, nhiều nữa. Trong phạm vi bài nói chuyện hôm nay, thời gian có hạn, không cho phép tôi được khai triển thêm, mà chỉ thu gọn trong vấn đề âm nhạc hiện hữu của con người đã sáng tác ra, và có ảnh hưởng đến nhân sinh xã hội mà thôi.

- Bây giờ tôi xin nói về âm nhạc là gì ? Âm nhạc là những âm thanh trầm bổng mà ta cảm nhận thấy bằng thính giác trong không gian gần. Những âm thanh trầm bổng ấy kết hợp lại với nhau, lúc khoan lúc nhặt theo một tiết tấu, tạo thành một khúc nhạc, diễn tả tâm tình khi buồn khi vui của con người, tựu trung nó gồm có ba tính chất sau đây :

          1.- Âm nhạc là một ngôn ngữ.

          2.- Âm nhạc là một khoa học.

          3.- Âm nhạc là một nghệ thuật.

Sau khi diễn giảng ba tính chất của âm nhạc nói trên với những thí dụ cụ thể, thính giả có vẻ chú ý ngồi lắng nghe, tôi thêm phấn khởi, rồi vội sang phần kết luận cho chóng xong, vì phần nói về ba tính chất của âm nhạc đã hơi dài.

- Còn âm nhạc đã ảnh hưởng đến nhân sinh xã hội, và nhất là đã ảnh hưởng đến cuộc kháng chiến dành độc lập của chúng ta hiện nay như thế nào ? Quý vị hẳn còn nhớ thời HÁN SỞ TRANH HÙNG xưa giữa Lưu Bang và Hạng Võ. Quân chủ lực của Hạng Võ đều là người nước Sở. Trương Lương đã bầy kế giúp Lưu Bang, dùng âm nhạc làm tâm-lý-chiến, cho người dùng những tiêu, sáo, địch cử những bài quê hương nước Sở trên sông Ô Giang về đêm khuya và hát những bài dân ca Sở, làm cho quân sĩ của Hạng Võ động lòng hoài hương, thương cha mẹ, nhớ vợ con, nên suy giảm tinh thần chiến đấu, dẫn đến bỏ hàng  ngũ  trốn  về. Trận này,  Hạng Võ  đã  thất  bại  lớn vì  « Tiếng địch sông Ô » của Trương Lương ! Rồi gần đây, trong trận TRUNG NHẬT CHIẾN TRANH, Trung Hoa đã tung ra bài « Hà Nhật Quân Tái Lai »[3] để ca hát địch vận. giọng điệu thiết tha, u buồn. hoài niệm, cốt để những chàng chiến binh Nhật xa nhà nhớ đến quê hương. Để đối phó, phía Nhật cũng làm ra bài TRUNG HOA DẠ KHÚC[4] nhịp điệu vui tươi, nhộn nhịp, kích thích những du khách nào đã từng đến Trung Hoa cũng phải lưu luyến và mong được ở lại nơi đây.

- Tôi xin nói thêm là, tình hình ở Việt Nam ta hiện giờ, như quý vị đã thấy : Những bài « Tiến quân ca » (Văn Cao), « Chiến sĩ Việt Nam » (Văn Cao), « Diệt phát-xít » (Nguyễn Đình Thi), « Đoàn quân đi » (Lê Quý Hiệp), « Xuất quân » (Phạm Duy), « Tiếng gọi lên đường » (Hùng Lân) và « Đời sống mới » (Nguyễn Đức Toàn) … cùng nhiều bài khác nữa, đang thịnh hành trên khắp nước trong cuộc TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN này, là những bản hùng ca cách mạng đã nâng cao, hun đúc tâm hồn thanh thiếu niên,

đóng góp rất nhiều cho việc khêu gợi lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc.

          Kính thưa quý vị, trên đây là một số thiển ý tôi vừa trình bày cũng đã tạm đủ để thấy được ảnh hưởng tích cực của âm nhạc đến xã hội nhân sinh như thế nào. Vậy xin phép được kết thúc bài nói chuyện nơi đây. Chân thành cảm ơn quý vị đã dành thì giờ lắng nghe Kính chúc hội nghị gặt hái được những thành công tốt đẹp. Xin kính chào quý vị.

          Một tràng pháo tay khen thưởng vang dội hội trường. Tôi cúi đầu chào và bước xuống khỏi diễn đàn, rồi khoan thai trở về chỗ ngồi cùng các bạn trong ban nhạc, cùng nhau hòa tấu luôn hai bài « Tiếng gọi lên đường » và « Đời sống mới » như là để minh họa cho bài nói chuyện vừa qua.



[1] DOPING : một loại thuốc kích thích thể lực, thường dùng cho ngựa đua hay cho những vận động viên thể thao rước khi vào trường đua.

[2] THẦN ĐỒNG PHỤ NHĨ : Vị thần linh theo sát bên mình, nhắc nhở bên tai những điều phải nói và đôi khi những việc phải làm.

[3] « Hà nhật quân tái lai » đọc theo giọng Tàu là « Hò duỵch quắn chỏi lùi » nghĩa là « Ngày nào thì chàng trở lại » tức bài Tango Chinois chúng ta thường nghe.

[4] « Trung Hoa dạ khúc » tức bài NUIT CHINOISE,  « Khúc nhạc Đêm Trung Hoa »  vui tươi mà chúng ta cũng vẫn thường nghe ở vũ trường.

Saturday 27 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Hồi cư về Tam Tỉnh (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 21

 

HỒI CƯ VỀ TAM TỈNH.

          Hồi này, chiến cuộc có phần lắng dịu, vì có lẽ cả hai đối phương trong cuộc chiến đều cần dừng lại để dưỡng sức. Pháp thì cần chấn chỉnh lại những vùng vừa chiếm được. Phía Việt Nam cũng cần nghỉ dưỡng sức một thời gian để củng cố lực lượng kháng chiến lâu dài. Dân Tam Tỉnh, nhiều gia đình đã lác đác hồi cư. Gia đình tôi sau cùng cũng hồi cư về quê nhà. Về quê nhà chưa được bao lâu thì gặp lúc Nhà nước đưa ra chính sách diệt giặc. Có ba thứ giặc : giặc NGOẠI XÂM, giặc DỐT và giặc ĐÓI. Giặc đói thì đã diệt xong. Chỉ còn hai thứ giặc là giặc NGOẠI XÂM và giặc DỐT. Giặc ngoại xâm được đặt trong chính sách TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN, còn giặc Dốt thì đặt trong chính sách BÌNH DÂN HỌC VỤ. Phong trào Bình Dân Học Vụ lên cao hơn bao giờ hết. Ở Tam Tỉnh, xóm nào cũng có lớp Bình Dân học vụ. Tôi đã xung phong trở thành một giáo viên Bình Dân học vụ trong làng. Học viên của các lớp BDHV này, đa số là các bà lớn tuổi hoặc sồn sồn, có cả các cô nữa. Đây là những người, trước đây chưa có dịp đến trường để học, nên còn mù chữ. Tôi còn nhớ những bài giảng khi đó như sau : Chữ I và chữ T đều giống nhau, cả hai đều có móc, được đặt thành vè cho dễ nhớ là : I, TỜ giống móc cả hai. « I » ngắn có chấm, « Tờ » dài có ngang và « O » tròn như quả trứng gà, « Ô » thời đội mũ, « Ơ » là thêm râu. Vui đáo để !

Rồi còn  có những câu ca cổ động như là :

          «  Ai về chợ huyện Thanh Vân

          Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa ?

          Đánh vần năm ngoái năm xưa

          Năm nay quên hết nên chưa biết gì ! »

          Ngoài ra, để thúc đẩy việc XÓA NẠN MÙ CHỮ, ở Thư Trì người ta còn lập ra những trạm kiểm soát trên những đường Liên xã hay trên đường làng để khảo chữ những người qua đường. Bất cứ ai đi qua cũng phải trả lời, đọc được những chữ mà kiểm soát viên đưa ra hỏi, hay ít ra cũng phải đánh vần được, thì mới được cho đi qua. Người nào không đọc được  hay chưa đánh vần được thì phải lộn trở về. Ai được đi tiếp thì qua một cái cổng có kết hoa lá và những lời chào thắm thiết, còn những người phải trở về thì phải qua một cái cổng xập xệ với những lời lẽ chê bai. Nhờ vậy mà phong trào Bình Dân Học Vụ diệt giặc DỐT, chỉ sau ít tháng đã đạt được kết quả tốt.