Thursday, 11 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Lịch sử làng Thượng Hộ (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 5

 

LỊCH  SỬ LÀNG THƯỢNG HỘ.-

          Làng Thượng Hộ trước đó có tên là làng Hạ Diên. Một hôm, ông Lý Bôn tức Lý Bí (vua Tiền Lý Nam đế sau này) quê vùng LONG HƯNG, bây giờ là huyện Thụy Anh, thuộc tỉnh Thái Bình có việc qua đó, ngủ lại ở đây và được dân ở đây cho biết là phía trên đầu nguồn có làng Diên Hà và sau này là làng PHÚ HIẾU (quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn) gần tiếp giáp với Thượng Hộ khi đó, nên làng mới lấy tên là Hạ Diên, nghĩa là ở phía dưới làng Diên Hà. Trong lúc vui chuyện, Lý Bôn mới đề nghị là tại sao làng lại không lấy tên là Thượng Hộ, vì đây chính là phía trên của đầu sông Trà Lý. Sông Trà Lý ngày nay cửa sông ở giữa hai làng Phú Nha và Thượng Hộ, chứ lúc đó là cửa sông Muội Hương ở chỗ làng Mỹ Cơ, cuối làng Hội Kê, chảy vòng qua cuối làng Hội Kê, qua Gia Lạc, chỗ Chợ Mố (ngày nay tên là chợ Hàng, vì ở đó một thời đã trên bến dưới thuyền hàng hóa ra vào rất sầm uất), rồi qua làng Yên Điện, sau đó mới đến làng Đồng Đại bây giờ. Tổng Thượng Hộ có 11 xã, gồm năm xã thuộc nội đê (nằm bên trong quan đê) và sáu xã ngoại đê. Về sau người Pháp nắn lại khúc sông này nên mới đào cửa sông Trà Lý như ngày nay và trên bản đồ ghi là Cửa Trà Lý. Như thế, tổng Thượng Hộ được tách ra làm hai phần, một phần gồm năm xã nội đê là các làng Phú Nha, Thâm Động, Tịnh Xuyên, Tịnh Thủy và Cổ Lễ hay Đồng Nổ. Còn lại sáu xã ngoại đê là những làng Thượng Hộ, Gia Lạc, Hội Kê, Phú Hậu, Duyên Mỹ và Phú Hữu. Di tích còn lại của sáu làng này thời đó là đoạn “đê sáu xã”, chỗ cuối làng Hội Kê nối liền sang làng Phú Chử và Thanh Bản. Con đê này ngày nay không còn dùng làm đê giữ nước nữa, mà chỉ là con đường giao thông qua lại giữa các làng Hội Kê, Phú Chử và Thanh Bản. Đến đây ta hiểu được tại sao làng Thượng Hộ và Gia Lạc lại có thành hoàng là ông LÝ BÔN (tức Tiền Lý Nam đế) và con đường lớn nhất, hoành tráng nhất của thành phố Thái Bình hiện nay là đườmg LÝ BÔN. Còn thành hoàng làng Hội Kê thì có truyền thuyết như sau :

          Một ngày nọ, hồi làng Hội Kê mới thành lập, có một ông già không biết từ đâu tới làng, đến tối xin vào ngủ trọ ở “đồn binh” tại đây (tức là nhà cụ giáo Tứ hay trạm y tế Hội Kê sau này). Người lữ khách này không được “đồn binh” chấp thuận nên đã phải ra ngủ trọ ở bên ngoài, không biết là nhà ai hay ở đâu, chỉ biết sáng hôm sau người ta thấy ông già này chết còng queo bên vệ đường, bên cạnh có đôi dép (không rõ là dép gì) và một chiếc bị cói, trong đó có những đồ nhật dụng và một tờ giấy có những chữ đọc được như sau đây : HỘI KÊ ĐẮC ĐỊA, BÁCH TÍNH HƯNG AN (Tư liệu do ông Nguyễn Minh Chính cung cấp). Sau khi người lữ khách này được chôn cất, thì thấy mộ ông, đất dần dần trồi lên thành một gò đống lớn, tức là một tổ mối khá to, nên dân làng đều cho rằng hẳn ông này phải là một nhân vật thần linh đến để báo cho dân làng một tin mừng. Xong việc thì ông lại trở về trời. Tiếp theo đó, dân làng quyết định lấy địa điểm này để lập miếu thần linh và thành lập đình làng Hội Kê. Đình làng Hội Kê sau này đã được mượn để làm trường học TỔNG SƯ của tổng Thượng Hộ, và thành hoàng của làng Hội Kê chính là ông lữ khách vô danh này. Việc này đã giải thích được nhiều điều về cái địa điểm không bình thường của ngôi miếu và đình chùa của làng Hội Kê[1], cũng như địa điểm không bình thường của ngôi trường Tổng Sư[2] của Thượng Hộ..

          Thượng Hộ, cụ Nguyễn Hữu Vinh nương náu trong Xóm đạo. Cụ vì  muốn phục Lê mà chống nhà Nguyễn, người Công giáo vì ủng hộ Hoàng tử Cảnh nên ngấm ngầm bất phục Minh  Mạng. Giáo dân Thượng Hộ chứa chấp, che chở cho gia đình cụ Vinh với danh nghĩa “thày đồ”, vì hai bên cùng chung cảnh ngộ bất mãn với triều đình nhà Nguyễn. Giáo dân Thượng Hộ còn được biết khá nhiều về thái độ và hành động của Minh Mạng đối với chị dâu (tức mẹ của Hoàng tử Cảnh) và cháu, nên lại càng bất mãn nhiều hơn.

          Khi sống trong xóm đạo, vốn gốc Phật giáo, cụ lần hồi hiểu rõ giáo lý Công giáo, nhất là sự giúp đỡ chân thành với đầy lòng bác ái của giáo dân, cụ bèn tình nguyện xin theo đạo Công giáo và về sau trở thành một giáo hữu nhiệt tình.



[1] Làng Hội Kê có hai khu cách biệt. Nửa làng trên ở phía Bắc là khu Công giáo. Nửa làng dưới ở phía Nam  là khu Phật giáo. Địa điểm không bình thường ở đây là MIẾU, ĐÌNH CHÙA là của Phật giáo, lẽ ra phải ở nửa làng dưới, lại tọa lạc ở khu nửa làng trên , chung quanh đều là Công giáo.

[2] Ngôi trường Tổng Sư của Thượng Hộ cũng vậy. Vì tổng chưa có trường công, phải mượn tạm đình làng Hội Kê để làm trường. Ngôi trường này không ở trung tâm, mà lại ở phần Cực Nam của tổng là làng Hội Kê. Có nhiều người cho rằng đây là điều không bình thường, có sự thiên vị nào chăng ?

No comments:

Post a Comment