Showing posts with label Nguyễn Đức Dân. Show all posts
Showing posts with label Nguyễn Đức Dân. Show all posts

Sunday 11 July 2021

Dấu vết chiến tranh trong tiếng Việt (Nguyễn Đức Dân - Ngôn Ngữ Việt)

 



Thích chơi kiểu “đánh”, “đá”
 Nhà báo viết “Thế trận của Chelsea rất chặt chẽ, hàng phòng ngự luôn vô hiệu hóa được các mũi nhọn tấn công của đối phương. Các pháo thủ Arsenal  tổ chức tấn công, ra sức bắn phá khung thành Chelsea, nhưng người  chiến thắng lại là đội quân của ông Ancelotti…” Đó là cách viết theo một ẩn dụ đời thường “trận đấu bóng đá là chiến tranh.
Khái quát hơn, có ẩn dụ thi đấu thể thao là  chiến tranh. Chính vì vậy, chúng ta mới dùng từ trận cho những cuộc đấu thể thao: trận bóng đá, trận bóng bàn, trận bóng chuyền, trận vật, trận cầu lông, …
Cờ tướng không là ngoại lệ. Trong bài thơ Học đánh cờ của chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những câu thơ phản ánh ẩn dụ cuộc cờ là chiến tranh:
Tấn công, phòng thủ không sơ hở
              Kiên quyết không ngừng thế tiến công
Nhưng tiếng Việt đặc biệt  nhiều từ ngữ chiến tranh.

Bức tranh xã hội  qua ngôn từ. Từ ngữ phản ánh xã hội và dấu vết xã hội  đọng lại trong từ ngữ.

Có những từ ngữ lâu đời, đã một thời ít dùng, có những kiểu quan hệ xã hội  tưởng như đã lùi vào dĩ vãng,  nay xuất hiện trở lại và bùng nổ khiến lớp từ này có  số lượng từ ngữ mới và số lượt từ ngữ dùng nhiều tới mức đáng kinh ngạc. Bạn có thể kiểm nghiệm qua  ba  từ cò, tặc và chạy. Nếu như trước đây trong tiếng Việt chỉ có đạo tặc, gian tặc, nghịch tặc, phản tặc thì nay có thêm hải tặc,  lâm tặc, đinh tặc; cáp tặc, đất tặc, nghêu  tặc, tin tặc; vàng tặc Khi những hiện tượng xã hội  đặc biệt xuất hiện thì lại xuất hiện  những từ ngữ đặc biệt. Liên quan đến câu chuyện giao thông, từ đinh tặc  kể ra đã là mới thì nay trong dân gian lại xuất hiện Đinh tặc!  
Chiến tranh cả trong chuyện chăn gối[2] Từ khi dựng nước, dân tộc Việt  phải liên miên đối phó với giặc ngoại xâm phương Bắc và  giặc giã quấy nhiễu ở phương Nam. Kết quả là những từ ngữ quân sự từ xa xưa đã đi vào lời nói  đời thường, lúc nhiều lúc ít
Trận, đánh  và quân là những  từ chiến tranh điển hình trong tiếng Việt.
Những sự kiện xảy ra kéo dài và gây hại liền được gọi là “trận: trận bão, trận lụt, trận cuồng phong,  trận gió, trận ốm, trận ho, trận đòn, trận roi, trận mưa…Thậm chí “Thúc Sinh quen thói bốc trời  Trăm nghìn đổ một trận cười  như không” (Kiều)

Dấu vết chiến tranh hiện hữu trên khắp đất nước. Từ lô cốt  từng đi vào thơ ca:
“Chiều xuân nắng mịn lá khoai lang,/ Hoa bí bò leo nở cánh vàng./ Lô cốt bên đường rêu phủ khắp, /Bầy em thi chạy tiếng cười vang.” (Huy Cận, Chiều xuân bên đường).
Nay lại thấy ‘lô cốt” giao thông.  Người bảo thủ , khó từ bỏ nếp suy nghĩ  cũ liền được phong danh ông “lô cốt”.
      So sánh với tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Nga, từ đánh của tiếng Việt là một đặc thù. Trong các từ điển tiếng Việt,  có khoảng 130 cụm từ “đánh + X”. Đành rằng có ẩn dụ thi đấu thể thao là chiến tranh, nhưng thể thao trước hết là trò chơi. Môn thể thao nào cũng được người Việt, người Anh, người Pháp hay người Nga gọi là CHƠI (to play;  jouer; igrat’): chơi bài,  chơi bóng bàn, chơi cờ, chơi quần vợt…Ấy thế nhưng với người Việt, thể thao còn là đánh và đá. Chơi  gọi là đánh (nếu dùng tay) và đá (nếu dùng chân). Nếu dịch đánh bạc, đánh bi, đánh bốc, đánh đáo, đánh khăng, đánh vật… sang những thứ tiếng khác, vẫn chỉ dùng từ chơi.
      Dấu vết chiến tranh cũng đọng lại trong từ quân.
Những cách dùng sau cũng không thấy ở nhiều tiếng khác: Một tập hợp người cùng  hành động, cùng một thuộc tính  liền được gọi là “quân”.  Những người không có việc làm  sẽ sung vào đội quân  thất nghiệp. Chúng ta gặp khái niệm “quân xanh” trong đấu thầu dự án, trong  việc tìm vận động viên cầu lông, cờ vua  có trình độ luyện tập với Nguyễn Tiến Minh, Lê Quang Liêm…
Quản lý người dưới quyền thì gọi là  quản quân: “Tuy nhiên với lực lượng hùng hậu, phong độ ổn định của các cầu thủ và tài quản quân của huấn luyện viên, B.B.D, đã thắng chính họ.” (NLĐ, 01.8.2007). Số lượng các thành viên của một đơn vị hành chính, văn hóa nghệ thuật cũng  được gọi là  “quân số”. Đi làm  nhiệm vụ được gọi là xuất kích, ra quân. “Hà Nội ra quân chống ùn tắc giao thông”; “Hà Nội ra quân kiểm tra hoạt động taxi” (VTV1, 10.4.2012).  Thực hiện những nhiệm vụ khó khăn được gọi là đột phá, xung kích. Một chương trình hành động có nhiều người tham gia, dù không hề đánh nhau, vẫn được gọi là “chiến dịch”: chiến dịch mùa hè xanh; chiến dịch thanh niên tình nguyện. “Chính quyền, các cơ quan chủ quản đã cử người đóng chốttrực chiến tại những điểm nhiều nguy cơ  lũ tràn về” (VTV1, 18.10.2011)
Người Việt dùng nhiều từ ngữ chiến tranh để tạo ẩn dụ và tiếng lóng. Vũ khí, súng, đạn,  buông  súng, cướp cò… là những từ ngữ bác sĩ thường dùng trên báo chí để giải thích  những điều liên quan tới quan hệ chăn gối. Họ hàng xa được gọi là có quan hệ  “đại bác tầm xa”.
(http://ngonnguviet.blogspot.com/2013/04/dau-vet-chien-tranh-trong-tieng-viet.html)

Wednesday 13 June 2012

Những từ thời thượng (Nguyễn Đức Dân)


Những từ thời thượng


GS TS Nguyễn Đức Dân

Xã hội luôn luôn vận động, xuất hiện những khái niệm mới, nổi lên những vấn đề mới là trung tâm chú ý của dư luận. Do vậy hàng loạt từ mới xuất hiện. Có những từ mang hơi thở của thời cuộc.
Tâm lý chuộng lạ và khuynh hướng làm sang trí tuệ
Trong giao tiếp, lời nói có vai trò quan trọng, mỗi người đều có nhu cầu ‘học ăn học nói’… Ngôn ngữ là một phương tiện thể hiện phẩm chất trí tuệ con người. Muốn khẳng định mình qua ngôn từ không ít người thích dùng những từ mới lạ để ít nhất cũng không thua kém người khác. Bởi vậy không tránh khỏi những khuynh hướng lạm dụng từ ngữ mới. Bắt đầu có từ được dùng theo cách rất lạ. Người khác thấy hay, thấy ngồ ngộ, mới lạ bèn đua nhau dùng theo, đua nhau “trưng diện” từ này trong lời nói và bài viết.  Họ sử dụng chúng như là những “mốt” nói mới nhằm tô điểm cho trí tuệ.
Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, ở Liên Xô (cũ) trên các phương tiện truyền thông đầy rẫy và ra rả từ perestrojka (sự cải tổ). Tiếp đó danh từ “pljuralism” (chủ nghĩa đa nguyên), một danh từ mới nhập từ tiếng Anh (pluralism), tiếng Pháp (pluralisme) thời cải tổ, xuất Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, ở Liên Xô (cũ) trên các phương tiện truyền thông đầy rẫy và ra rả từ perestrojka (sự cải tổ). Tiếp đó danh từ “pljuralism” (chủ nghĩa đa nguyên), một danh từ mới nhập từ tiếng Anh (pluralism), tiếng Pháp (pluralisme) thời cải tổ, xuất hiện rất nhiều. Chứng cứ cho điều này là trong quyển Từ điển tiếng nga nổi tiếng, bản in năm 1982, của S.I. Ozhegov hoặc trong Từ điển cấu tạo từ tiếng Nga, xuất bản năm 1978 của A.N. Tikhonov đều còn chưa có danh từ pljuralism.
Sau Đại hội IV của Đảng cộng sản Việt Nam, xuất hiện cụm từ “làm chủ tập thể”. Từng có lúc , trên các trang báo nhan nhản những “làm chủ tập thể”. Sau Đại hội VI, “làm chủ tập thể” được dùng ít dần đi; thay vào đó là “đổi mới tư duy” và ‘những việc cần làm ngay’. Ở thập kỷ 70 nếu trong bài viết hoặc đăng đàn diễn giảng ai không nói làm chủ tập thể là “trình độ lý luận còn thấp”. Nửa cuối thập kỷ 80, ở đâu cũng “đổi mới tư duy”. Không nhắc tới cụm từ này là người ta chưa yên tâm, chưa chứng tỏ mình nhạy bén và có năng lực. Bàn về những điều đã thành chuẩn mực cũng cứ cần có chữ đổi mới tư duy.
Nhiều kết hợp lạ là những đặc sản xã hội, gây bất ngờ trong nhận thức và nhanh chóng thành cụm từ mới lạ. Chẳng hạn, từ “khiêm tốn” biểu thị thái độ con người. Có ai đó dùng nó để biểu thị thuộc tính. NQT viết trên báo PN “Tôi là một người có chiều cao hơi khiêm tốn”. Thấy một kết hợp lạ hay hay. Ấy thế là thành ra cái mốt “khiêm tốn”: “đồng lương khiêm tốn”, “bộ quần áo khiêm tốn”, “ngôi nhà khiêm tốn”; số con cháu tôi cũng ‘khiêm tốn”, chỉ 20 đứa…Trong chuyện thường ngày trên TT, ngày 24.9.98 Bút Bi viết: Nhớ hồi quận 3 bắt đầu dọn dẹp bia ôm, con đường kề bên uỷ ban quận này chỉ có một “nhà hàng đặc sản”. Bây giờ con đường này có vô số nhà hàng đặc sản karaoke máy lạnh, tha hồ cho các đấng mày râu đến dự thi … “bàn tay vàng”. Đọc đến đoạn này, sinh viên trường V cười nghiêng ngả. Tôi nghĩ đó là ngày sinh chính thức trên báo chí của “bàn tay vàng”. (Ai biết nó sinh sớm hơn xin chỉ giùm!). Lập tức sau đó trên các trang báo thành phố rộ lên cụm từ châm biếm “bàn tay vàng”.

Xã hội luôn luôn có khuynh hướng vay mượn từ nước ngoài, mặc dù vẫn có những từ ngữ đồng nghĩa. Vay mượn phần vì khuynh hướng chuộng lạ, có yếu tố kích thích, bắt mắt, nhưng còn vì những từ ngữ vay mượn này phản ánh được những sắc thái mới. Trong tiếng Nga đã có từ korennoj (thuộc về gốc rễ, nền tảng) nhưng tiếng Nga vẫn nhập từ radical của tiếng Anh và Pháp để thành tính từ radical’nyj đồng nghĩa với korennoj. Và radical’nyj còn thêm nghĩa cấp tiến mà korennoj không có.
Người Việt cũng vậy. Báo chí Thành phố HCM thời nay dẫn đầu cả nước khuynh hướng “Anh hóa” nhiều từ vay mượn đã được phiên âm. Chúng ta đã từng phiên âm an-bom ( “-Anh ngồi đây, xem quyển an-bom này mà chờ tôi” (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ); chạy sô, sô diễn, sôlô (“Vẫn múa, em tham gia hầu hết các điệu múa và nhiều tiết mục em chọn sôlô hoặc đuy-ô từng đoạn” (NDCN, 04/10/1990)), đăng-xinh, xì-tốp …(“Bỗng Maika la lên: -Xì-tốp! Dừng, mình lại xem trên cây cầu này có chuyện gì mà con người bu đông như con kiến” (TT Cười, 6/1991). Hiện nay người ta thích dùng nguyên ngữ album, solo, show, live show, stop, dancing. Thậm chí “Anh hóa” cả các từ vay mượn đã được Việt hóa: Nói hàng giảm giá, hạ giá… nghe “giảm giá trị” đi. Nói bán xôn, bán xon ( mượn tiếng Pháp solde) cũng xưa rồi. Phải là sale, on sale, sale off mới sang và sành điệu!

Sáo ngữ: những lối mòn
Cái gì quá lạm dụng rồi cũng trở thành bình thường, nhiều quá hóa nhàm, và kết quả là lượng thông tin của từ bị giảm đi, nghĩa bị mòn đi. Những từ mới lạ trở thành sáo ngữ. Khi trung tâm chú ý của xã hội thay đổi thì sáo ngữ cũng nhanh chóng thay đổi. Rồi những từ ngữ mới khác lại xuất hiện.
Cùng thời với “đổi mới tư duy”, trong đường lối hoạch định chính sách rộ lên những từ kinh tế vĩ mô, vi mô; hộp đen, đầu vào, đầu ra, … Không hiểu bản chất của một khái niệm nhưng thấy thiên hạ dùng nhiều thì cũng cố mà dùng cho cỏ vẻ “trình độ”, “thức thời”. “Nói như lời ông Trần Đình Hoan là […] không còn qui hoạch cán bộ theo kiểu “chiếc hộp đen” như trước nữa mà thay bằng “sân chơi bình đẳng”.[…] Ai đá hay thì đoạt quả bóng vàng chứ không chấm trước ai chắc chắn sẽ làm bí thư tỉnh uỷ hay bộ trưởng cả” (TTCN, 01.6.03) GS Hoàng Tuỵ đã phê phán sự lạm dụng từ ngữ này. Từ hộp đen trên báo chí ít hẳn đi, nó được trả lại đúng vị trí trong những bài viết về lí thuyết thông tin.
Lớp từ thời thượng sau Đại hội VII là kinh tế thị trường, kinh tế trang trại , cổ phần hoá… rồi những phần mềm, internet, thị trường chứng khoán, nền kinh tế tri thức … Những từ này nay trở thành bình thường. Mặc dầu từ điện tử đã xuất hiện từ lâu, nhưng từ năm 2002, mới nở rộ lên những “chính phủ điện tử”, “Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn điện tử”, “công dân điện tử” với một “thẻ căn cước thông minh”, “cử tri điện tử” rồi Nghị viện điện tử cho toàn cầu, Quốc hội điện tử...

Mấy từ thời thượng hiện thời
Hiện nay buôn bán phát triển nên “thương hiệu” trở thành mốt. Cái gì cũng “thương hiệu”. Từ này đang bị lạm dụng, đang lan sang nhiều ngành mà ở đó không có chuyện kinh doanh buôn bán gì cả: “Bà đã giúp làm tăng thương hiệu Sarkozy”; ông đã làm nên một ‘thương hiệu Putin”. Những chính khách, những nguyên thủ quốc gia có buôn bán gì đâu (ngoại trừ buôn bán chính trị) mà thương hiệu? Trở thành những con người nổi tiếng, sao không nói “làm tăng tên tuổi Sarkozy”, làm nên ‘tên tuổi Putin”? Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy. Người ta quyết tâm “xây dựng thương hiệu ‘Khoa Báo chí và Truyền thông’, “xây dựng thương hiệu trường chuyên X”... Nhà trường, sao phải xây dựng thương hiệu mà không là xây dựng học hiệu? Không rõ thiên hạ có dùng thương hiệu Havard, Oxford, Cambridge không? Người Việt sao thích thương hiệu quá vậy?
Gần đây nhất là những từ tầm nhìn, tái cơ cấu... Người ta hoạch định những đề án, những công trình, những chiến lược với tầm nhìn 30 năm, 40 năm,…Phải có tầm nhìn 50 năm để làm đường sắt cao tốc. Rồi sách “Việt Nam tầm nhìn 2050”. Tầm nhìn nào cho khu đô thị Trung Yên Hà Nội mới xây hiện đại kiểu Pháp, sau trận mưa lớn (2008) đã biến thành sông hồ? Tầm nhìn nào cho những công trình giao thông vừa bàn giao đã xuất hiện nhiều chục “hố tử thần”?
Chúng ta đang tái cơ cấu Vinashin. Nay mai liệu có ‘tái cơ cấu EVN’ khi Tập đoàn điện lực Việt Nam đang đứng ở “chân tường” (TT, 11.01.2011)? Và còn tái cơ cấu những gì nữa?

Monday 11 June 2012

Ngôn ngữ học thống kê và thống kê ngôn ngữ học có gì khác nhau?


Tháng 8/1999 tôi ra bảo vệ luận án cấp nhà nước (từ ngữ cũ là bảo vệ chính thức). Một trong hai câu hỏi của thầy Đào Thản (phản biện 1) từ Hà Nội gửi vào  là:
Luận án này, theo tác giả, có nhất thiết phải thuộc chuyên ngành mã số là ngôn ngữ học so sánh không? Tại sao không thể thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học thống kê, ngôn ngữ học ứng dụng,  ngôn ngữ học toán học...?
Câu hỏi có vẻ hiền lành. Nhưng tôi thi ngành này thì không thể nộp bài của ngành khác được.
Tôi chọn cách trả lời là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê. Vừa nói đến đó thì thầy Trần Ngọc Thêm, thư ký hội đồng,  lập tức giễu:
-Anh ấy và thẩy của anh ấy là giáo sư Nguyễn Đức Dân viết chung hai quyển sách về ngôn ngữ học thống kê thế mà bây giờ lại bảo là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê.
Hội đồng và cử tọa cười ồ vui vẻ rồi chuyển sang tiết mục khác.
Nhưng quyển sách in ở nhà xuất bản Giáo Dục có tựa là Thống kê ngôn ngữ học. Tập 1 là Nhập môn in năm 1998. Tập 2 là Một số ứng dụng in năm 1999. Không phải ngôn ngữ học thống kê.
Năm 1984 thầy Dân ra quyển Ngôn ngữ học thống kê ở nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp. Thuật ngữ ngôn ngữ học thống kê đã được giới chuyên môn chấp nhận mấy chục năm rồi. Thầy Dân dạy ngôn ngữ học thống kê ở đại học Tổng Hợp Hà Nội từ đầu những năm 70. Tôi thay thầy dạy môn này ở đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994. Tên môn học trong chương trình vẫn là ngôn ngữ học thống kê. Bảo là không có ngôn ngữ học thống kê, người ta thấy buồn cười là phải.
Năm 1996 tôi sang Pháp học, thấy người ta bảo rằng thuật ngữ linguistique statistique (tiếng Việt là ngôn ngữ học thống kê) có chỗ không ổn. Việc áp dụng phương pháp thống kê trong nghiên cứu ngôn ngữ không thể là lý do duy nhất để hình thành một chuyên ngành hẹp trong ngôn ngữ học. Ngay cả một số người làm ngôn ngữ học thống kê cũng không gọi các nghiên cứu của mình là linguistique statistique. Họ thích được công nhận là một nhà ngôn ngữ học chân chính, hay là thành viên của một chuyên ngành nào đó đã có uy tín. Charles Muller, tiên sư của ngôn ngữ học thống kê ở Pháp, là một ví dụ. Sách của thầy Dân in năm 1984 trên căn bản dựa vào quyển sách kinh điển của Muller (Larousse xuất bản năm 1968) có tựa là Initiation à la statistique linguistique (Nhập môn thống kê ngôn ngữ học).
Khi nhà xuất bản Giáo Dục đề nghị viết lại quyển sách năm 1984, tôi bàn với thầy Dân đổi cái tựa cũ (Ngôn ngữ học thống kê) thành Thống kê ngôn ngữ học. Thầy vui vẻ chấp nhận sự thay đổi đó. Nhưng xem ra với giới chuyên môn, đây chỉ là một sự lạm phát từ ngữ. Để cho các bên cùng vui vẻ, có lẽ nói thế này thì ổn hơn: Ngôn ngữ học thống kê là một chuyên ngành sử dụng thống kê ngôn ngữ học. Có điều những người bác bỏ tư cách chuyên ngành hẹp của ngôn ngữ học thống kê không khi nào chấp nhận định nghĩa đó.
Ngành của tôi còn vài chục cặp thuật ngữ như vậy: xã hội-ngôn ngữ học / ngôn ngữ học xã hội, thần kinh ngôn ngữ học / ngôn ngữ học thần kinh... Nghe mà phát thần kinh luôn. Nhưng đó là câu chuyện khác ở một dịp khác.