Showing posts with label Mao Trạch Đông. Show all posts
Showing posts with label Mao Trạch Đông. Show all posts

Wednesday 9 June 2021

Quyển sách nào được in nhiều nhất thế giới ?

 



Hồng Bảo Thư, tức Mao chủ tịch ngữ lục, là tác phẩm có số lượng in lớn nhất nhì thế giới, khoảng 1,02 đến 1,09 tỉ bản (Leese, 2014:23), có lẽ chỉ đứng sau Kinh Thánh.

Ấn bản đầu tiên của Mao chủ tịch ngữ lục (tháng 5-1964) sưu tập 355 lời trích dẫn Mao chủ tịch đã từng được đăng trên Giải Phóng Quân Nhật Báo. Lâm Bưu cho in 4,2 triệu bản để bảo đảm mỗi tiểu đội đều có tài liệu học tập. Sách không bán ra ngoài, nhưng do trong nhân dân có nhu cầu cao, Giải Phóng Quân Xuất Bản Xã đáp ứng không xuể, phải cung cấp khuôn in cho các nhà xuất bản ngoài quân đội để giảm tải. Tính đến tháng 8-1965, đã in được hơn mười hai triệu Mao chủ tịch ngữ lục, gấp ba lần kế hoạch ban đầu (Leese, 2014:30).

Ấn bản tháng 8-1965 sưu tập 427 lời trích dẫn (bổ sung ba chương) là ấn bản có hình thức đặc trưng của Mao chủ tịch ngữ lục  (Leese, 2014:30). Bìa mềm màu trắng được thay bằng bìa nhựa đỏ cho bền hơn. Vì vậy sách được gọi là Hồng Bảo Thư. Sách được in khổ bỏ túi để tiện sử dụng.

Các cơ quan trung ương hối hả vào cuộc cạnh tranh. Bộ Tuyên Truyền (thuộc trung ương Đảng) phối hợp với Bộ Văn Hóa, được Đặng Tiểu Bình và Bành Chân ủng hộ, đưa ra một bản với 646 lời trích dẫn Mao chủ tịch. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ còn chờ cấp trên chấp thuận là đem đi in nhưng Trần Bá Đạt, thư ký riêng của Mao chủ tịch không hài lòng. Ông cho rằng bản thảo của Bộ Tuyên Truyền không thể hiện đầy đủ hệ thống lý luận của tư tưởng Mao Trạch Đông nên ông ra lệnh Hồng Kỳ Tạp Chí soạn một bản khác, dài ba mươi vạn từ, gấp ba lần bản Giải Phóng Quân (Leese, 2014:30).

Đầu năm 1966 cả ba bản (Giải Phóng Quân, Tuyên Truyền Bộ và Hồng Kỳ Tạp Chí) được đệ trình cho Ban Bí Thư và các tỉnh ủy duyệt xét. Bản của Tuyên Truyền Bộ, sau khi sửa chữa, cùng với một bản rút gọn (100 trích dẫn) cũng của Tuyên Truyền Bộ, được sự ủng hộ mạnh mẽ của Ban Bí Thư (phe Đặng Tiểu Bình) nên thắng thế. Kế hoạch in ấn, phát hành đã sẵn sàng nhưng thời thế đổi thay trong nháy mắt. Tháng 5-1966 hầu hết cán bộ lãnh đạo và cơ quan có liên quan đến bản ngữ lục của Tuyên Truyền Bộ đều bị thanh trừng. Ngày 15-12-1966 Giang Thanh quyết định cho tái bản Hồng Bảo Thư của quân đội (Leese, 2014:33).

Tháng 3-1966 Hồng Bảo Thư Giải Phóng Quân đã ra được 28 triệu bản ; giấy mực, máy móc, nhân lực đã được phân bổ để chuẩn bị in thêm 51 triệu bản nữa (Leese, 2014:30). Sách quý hiếm, không cần quảng cáo ồn ào, không cần thông báo, không cần giới thiệu, không bán cho người ngoại quốc. Chỉ một vài nhà sách được phân phối với số lượng hạn chế. Bộ Ngoại Giao còn ra chỉ thị thu hồi sách đã bán cho người ngoại quốc với lý do là sách không thể hiện toàn diện tư tưởng Mao Trạch Đông và chỉ dùng làm tài liệu học tập nội bộ. Rồi thấy chỉ thị này coi bộ bất khả thi, ngày 20-4-1966 Bộ Tuyên Truyền nới lỏng lệnh cấm, chỉ cho phép chuyên gia ngoại quốc và lưu học sinh được mua mỗi người một bản tại đơn vị công tác, học tập, nếu có đơn xin  (Leese, 2014:35).

Tháng 5-1966 nổ ra Văn Cách. Các quan chức từng cấm mua, cấm bán sách quý đều bị buộc tội ngăn trở việc phổ biến tư tưởng Mao Trạch Đông. Họ còn bị buộc thêm một tội rất to nữa là cả năm 1962 chỉ dùng 70 tấn giấy để in tác phẩm của Mao chủ tịch nhưng lại dùng đến 7.500 tấn giấy in Hồng Lâu MộngTam Quốc Chí  (Leese, 2014:35).

Các quan hãi quá, ra sức chuộc tội: từ 1966 đến 1970 dùng đến 650.000 tấn giấy chỉ để in những gì Mao chủ tịch nói và viết, nhiều hơn tất cả những gì đã in từ năm 1949 đến 1965 ở Trung Quốc (Leese, 2014:36). Cuối tháng 6-1966, các ngành in ấn, xuất bản xem như không in ấn, không xuất bản gì cả ngoài trước tác của Mao Chủ Tịch. Sách giáo khoa cũng kệ, miễn sao hoàn thành chỉ tiêu hai năm 1966-1967 là 200 triệu Hồng Bảo Thư. Người người thi đua, ngành ngành thi đua. Vật tư, giấy mực in Hồng Bảo Thư được miễn thuế. Miễn phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm. Miễn phí bao bì. Miễn phí phân phối. Cơ quan, xí nghiệp phục vụ in ấn, phát hành Hồng Bảo Thư được ngân hàng cho vay vốn không tính lãi suất. Nhờ vậy giá thành cực hạ. Năm 1968 tính trung bình mỗi người dân Trung Quốc có một Hồng Bảo Thư trong túi khi ra đường (Leese, 2014:36).

Tầm quan trọng của Hồng Bảo Thư suy giảm sau Đại Hội Đảng lần thứ 9 (tháng 4-1969). Cơ cấu quyền lực đã ổn định. Mao không cần huy động lực lượng bên ngoài bộ máy nữa. Kể từ ngày 1-5-1969 bưu điện ngưng miễn phí vận chuyển các tác phẩm của Mao chủ tịch. Một năm sau đến phiên ngành đường sắt. Thống kê tháng 3-1970 cho thấy 123,44 triệu bản Hồng Bảo Thư  vẫn nằm yên trong kho (Leese, 2014:39). Ngành in giảm dần số lượng và đến năm 1971 thì ngừng hẳn việc in Hồng Bảo Thư (Leese, 2014:39).

Sau khi Lâm Bưu bỏ trốn (tháng 9-1971), việc biên soạn và phổ biến Hồng Bảo Thư bị coi là một trong những tội to của y. Người ta vội vã xóa tên hoặc xé bỏ trang sách có tên Lâm Bưu nhưng quên nhau làm sao được? Chừng nào còn Hồng Bảo Thư là còn nhiều điều, nhiều người vẫn nhớ, dù muốn dù không. Khi Đặng Tiểu Bình trở lại vũ đài chính trị cuối những năm 70, ông ta thừa biết không thể công khai thẳng thừng dẹp bỏ ảnh hưởng của Mao Trạch Đông. Muốn phi Mao hóa chỉ có thể dựa vào Mao.

Ngày 12-2-1979, Bộ Tuyên Truyền ra chỉ thị thu hồi Mao chủ tịch ngữ lục với lý do là sách đã bóp méo tư tưởng Mao Trạch Đông, gây ảnh hưởng tai hại trong quần chúng nhân dân. Người nước ngoài được đề nghị mua Mao tuyển thay vì Mao chủ tịch ngữ lục mặc dù các nhà sách ngoại văn vẫn tiếp tục bán Mao chủ tịch ngữ lục cho đến khi hết hàng. Hơn một trăm triệu bản Mao chủ tịch ngữ lục Trung văn tồn kho bị đem đi nghiền làm bột giấy (Leese, 2014:39). Ngày nay Mao chủ tịch ngữ lục Trung Văn đã thật sự trở thành hàng hiếm.