Showing posts with label thuật ngữ dân tộc học. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ dân tộc học. Show all posts

Friday 25 October 2019

Ngon sao không đi sửa tiếng Mỹ đi?


Ông nọ mắc bệnh chữ lỏng, không chịu nổi lũ dốt đặc bên Việt Nam:
Và mình thấy hình như ở Việt Nam, người ta dùng từ "dân tộc" để chỉ cho dân tộc Việt lẫn dân tộc Kinh gì đấy, mình rất kinh ngạc, vì hóa ra là các Giáo Sư Tiến Sĩ Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam, học hành ra làm sao, mà dùng cả từ dân tộc để chỉ cho tộc người và quốc gia, có cả vụ dân tộc Việt và dân tộc Kinh và dân tộc Hoa nữa cơ đấy. Ôi chao, dạy như thế, thì mình xin từ, có con sau này, mình cấm chúng nó đi theo họ học hành tiếng Việt.

Thấy vọng quá, ông
bèn sang Mỹ. Ở Mỹ bốn chục năm, ông được đọc blog Từ Nguyên Học và đọc đến dòng này mới kinh ngạc, vì hóa ra là các Giáo Sư Tiến Sĩ Mỹ học hành ra làm sao mà tiếng Mỹ chỉ có một từ language để dịch cả từ langue và từ langage của tiếng Pháp. Ấn độ đen thui là Indian Mỹ da đỏ cũng là Indian nốt.  Bản thân ông là một chuyên gia hàng đầu trong ngành dân tộc học (cùng nhiều ngành khác như sử học, ngôn ngữ học, Hán Nôm học... lung tung và lung tung) mà ông đành bất lực, thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy vấn đề gì ở đó.

Thất vọng quá, ông bèn sang Pháp. Nhưng rồi ông lại tiếp tục thất vọng. Bên xứ này các Giáo Sư Tiến Sĩ Pháp học hành ra làm sao từ điển chỉ có một từ riz để chỉ cả lúa, thóc, gạo, cơm... của Việt Nam. Từ cơm của Việt Nam rất gọn nhưng người Pháp lại phải diễn đạt rất dài dòng là riz cuit à l'eau, sang tiếng Mỹ thành plain boiled rice rồi người Việt chữ lỏng ở Mỹ dịch thành cơm đun sôi mộc mạc. Họ bảo dịch như vậy để con cái họ khỏi phải học thứ tiếng Việt người ta đang dùng ở Việt Nam.

Đem, đeo, mang, vác, cõng, khiêng, bưng, bê, gùi, ẵm, bồng, bế... gì cũng thành porter bên tiếng Pháp. Mặc cũng porter mà đội cũng porter. Sao không thấy người Việt nào đi chửi các giáo sư tiến sĩ Pháp không đặt đủ từ cho đủ các kiểu porter ?

Nói chung người Việt không có rảnh để đi dòm qua tiếng Pháp, tiếng Mỹ mà bắt bẻ tại sao tiếng người ta thiếu cái này, dư cái kia. Người Mỹ, người Pháp mà gặp chuyện gì khó hiểu bên tiếng Việt thì họ học, họ hỏi cho đến khi họ biết. Những đứa Việt không ra Việt, Mỹ không ra Mỹ thì hành xử kiểu khác.

Sunday 3 June 2012

Vật tổ và tô-tem (Năng Lượng Mới số 93 , 10-2-2012, An Chi)


  Bạn đọc : Xin ông cho biết vật tổ là gì và có khác với totem không. Trên Kiến Thức Ngày Nay Xuân Nhâm Thìn (2012), trong bài “Năm rồng nhắc chuyện Con Rồng Cháu Tiên” (tr. 30-32 & 110), tác giả Nguyễn Công Thuần đã viết tại cước chú số 4: “Vật tổ của Trung Quốc là Rồng, Hoa Kỳ là Chim Ưng, Anh là Sư Tử, Ấn Độ là Voi, Pháp là Gà Trống, còn Việt Nam là phức thể «Con Rồng cháu Tiên».” Xin cho biết có đúng như thế không.
                                                   (Tô Thạnh & Đặng Thị Tuyết Ánh, 6/1 Cách mạng Tháng Tám, Q.1, TPHCM)
        An Chi : Vật tổ là một khái niệm mà ta dịch từ tiếng Pháp hoặc tiếng Anh totem, có khi cũng phiên âm thành tô tem, có khi để nguyên (totem); còn Tàu thì phiên âm sang tiếng Hán thành đồ đằng 圖騰(âm Bắc Kinh là túténg). Xin chú ý rằng vật tổ ở đây là một danh ngữ đặt theo cú pháp tiếng Việt, trong đó vật là danh từ trung tâm và tổ là thành phần bổ nghĩa; còn trong tiếng Hán thì vật tổ 物祖 có nghĩa là tổ của muôn loài, trong đó vật là định ngữ và tổ mới là trung tâm (bị định ngữ).
Totem là một thuật ngữ mà tiếng Anh đã mượn từ một ngôn ngữ của người bản địa Châu Mỹ. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia  do Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thuỵ, Nguyễn Đức Dương biên soạn (Nxb Văn hoá Sài Gòn, 2005) giảng totem là “động vật, cây cỏ , đồ vật hoặc hiện tượng tự nhiên mà tộc người nguyên thuỷ coi là biểu tượng thiêng liêng của bộ tộc mình và tin rằng những thứ đó có mối liên hệ siêu tự nhiên, và có sự gần gũi máu thịt”. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) cũng giảng tô tem là: “Động vật hay thực vât người nguyên thuỷ sùng bái, coi là tổ tiên của thị tộc: Tô tem của người Việt nguyên thuỷ là con cá sấu.” Trang mạng http://vi.oldict.com đã dùng từ tô-tem một cách chính xác khi khẳng định rằng “Tô-tem của người Việt nguyên thuỷ là con cá sấu.” Còn tác giả Nguyễn Công Thuần thì đã nhầm lẫn nên mới đánh đồng biểu tượng (thông thường) với totem, tức vật tổ. Những thứ mà ông Thuần đưa ra, từ Chim Ưng (Hoa Kỳ), Sư Tử (Anh), Voi (Ấn Độ), Gà Trống (Pháp) cho đến cái phức thể “Con Rồng cháu Tiên” đều không phải là vật tổ.
        Con gà trống, chẳng hạn, chỉ là biểu tượng quốc gia (symbole national) của nước Pháp chứ không phải vật tổ của người Pháp, nhưng cũng không chính thức như trường hợp Chim Ưng đối với Hoa Kỳ. Vả lại, người ta cũng không nói “con gà trống” mà phải nói đầy đủ là “con gà trống Gô-loa” (coq gaulois). Dĩ nhiên là trong một ngữ cảnh xác định thì người ta có thể tỉnh lược “Gô-loa”, chẳng hạn trong câu mà Allain Jules chửi Nicolas Sarkozy trên blog của mình: “Ôi, như thường lệ, hai chân vẫn đứng trên bãi phân của mình, con gà trống gáy như một tên tay sai của Washington.   ” (“Syrie – Bachar 1 Sarkozy 0 : Paris a-t-il un satellite à Damas ?”, allainjules.com, 29-12-2011).
Việc lấy con gà trống Gô-loa làm biểu tượng có bao hàm một sự chơi chữ ý nhị ở trong đó. Biểu tượng này cũng chỉ ra đời từ thời Trung đại rồi mới trở nên đắc dụng từ thời Phục Hưng, đặc biệt là vào thời Cách mạng Pháp 1789. Còn vật tổ thì …có tuổi thọ cao hơn nhiều. Tổ tiên của người Pháp là người Gô-loa (Gaulois). Người Gô-loa, tiếng La Tinh gọi là Gallus. Danh từ riêng  Gallus trong tiếng La Tinh lại có một từ đồng âm tuyệt đối là danh từ chung gallus, có nghĩa là gà trống. Thế là cái vỏ ngữ âm galluscủa tiếng La Tinh vừa biểu hiện khái niệm “người Gô-loa” lại vừa biểu hiện khái niệm “gà trống”. Vậy cứ theo ngôn ngữ này, người ta có thể chơi chữ bằng hình thức calembour (song quan) mà hiểu rằng: Người Gô-loa (Gallus) = con gà trống (gallus).
Đó là lý do tại sao người Pháp lại lấy con gà trống Gô-loa làm biểu tượng của dân tộc mình. Nếu ta biết rằng tiếng Pháp hiện đại là do tiếng La Tinh thông tục (latin populaire) mà ra thì ta cũng sẽ không lấy làm lạ tại sao người Pháp lại căn cứ vào tiếng La Tinh để chọn biểu tượng cho quốc gia, dân tộc của mình như thế.
Đến như cái con chim ưng mà lại bảo là vật tổ của dân Hoa Kỳ thì chẳng oan cho cả con dã cầm đó lẫn cái quốc gia này hay sao? Vật tổ là một khái niệm về xã hội và tâm linh từ thời đại thị tộc mà nếu tính từ ngày tuyên bố độc lập là 4-7-1776 thì Hợp Chúng Quốc Châu Mỹ cũng chỉ mới “hưởng dương” được 236 năm. Moi ở đâu ra vật tổ? Còn ngày nay thì nó là một melting-pot – mà ta có thể dịch đùa là “món hổ lốn” – với đủ các màu da và các nền văn hoá. Thế thì nó có lắm vật tổ chăng? Nói cho khách quan, nghĩa là cho hoàn toàn đúng với sự thật lịch sử, thì “vật tổ” của nó chỉ là bọn thực dân Tây Âu sang đó ăn cướp vàng bạc, của cải và dĩ nhiên là cả đất đai của người da đỏ để lập quốc.
        Còn “Con Rồng cháu Tiên” mà lại là vật tổ của Việt Nam ư? Thật là loạn ngôn mất rồi! Nếu quả thật có cái gì đó dính dáng đến khái niệm “vật tổ” trong cái thành ngữ bốn tiếng này thì đó chỉ là Rồng và Tiên mà thôi. Còn con Rồng cháu Tiên thì chính là chúng ta ngày nay đấy! Ông Nguyễn Công Thuần muốn biến tất cả chúng ta thành vật tổ thì chẳng phải là xấc xược lắm ru?