Showing posts with label Hoàng Tuấn Công. Show all posts
Showing posts with label Hoàng Tuấn Công. Show all posts

Friday 28 October 2022

Son/xon nào là son/xon nào ?

Anh HoàngTuấn Công có hỏi cho vài dẫn chứng về sự ghi nhận cách viết "xon", "xi" trong từ điển từ xưa tới nay, và sách dạy tiếng Việt hiện được dùng giảng dạy trong nhà trường. Tôi không có trong tay các sách dạy về tiếng Việt hiện được dùng giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên các tư liệu trên văn bản và trên từ điển cho thấy tình trạng như sau:

son 1  sol. dây ~  corde de sol. [i]

son 2 casserole.[ii]

son 3  solde.[iii]

xon 1 (CHIMIE) -sol. ~ hữu cơ organosol ; ~ khí công nghiệp aérosol industriel ; ~ khí phóng xạ aérosol radioactif ; ~ nước hydrosol.[iv]

xon 2 (MUSIQUE) sol. chìa ~ clé de sol.[v]

xon 3 solde.[vi]

Ở đây chưa kể sônxôn. Sixi để nay mai.


[i] Sợi dây “son” của một chiếc đàn ghi-ta nào đó sau khi được dung làm hung khí siết cổ các nạn nhân, chúng quẳng lại dưới gầm cầu thang như cố tình thách thức cơ quan điều tra. Võ Duy Linh (2006:99)

HP (1988:891), HP (2003:862), NQT (1992:386), HHT (2002:332)

[ii] ** Hay là triều đình Annam tâu cùng Đức Kim Hoàng-thượng xin ngài lập một hội Hàn-Lâm (Académie) đễ làm quyển sách ấy, hoặc thêm tiếng mới vô, như : sà-bong, nhà ga, cái son, cái tách, ô-tô, còn như king-đô các nước, các tánh danh thì đừng âm theo chữ Tàu, âm cho gần chữ gốc như : Ơ-rốp, Phơ-răng-xơ, Ba-ri, Ăn-lê, Ben-gít, Bon-ca-rê, Cờ-rít-tốp cô-lôm, Na-bô-lê-ông, Sa-rô v. v. Hồ Văn Lang (1924:166)

* Son, nồi, chén, dĩa... như đã “biến” mất, có lẽ, anh để nó dưới bàn trên có khảm phủ kín lại. Tri Tân Tạp Chí số 81-82 (1943:27, Lê-Văn-Ngôn)

* Chà ! quên “son chè”!!!. Tạp Chí Tuổi Hoa số 57(1966:20, Đặng Trần Giáng Tiên)

* Em mở tủ kệ, lại có thêm nồi son chảo và các vật dụng khác. Vấn Đề số 4 (1967:70, Kiệt Tấn)

* Cái son nhỏ được phát họ dùng để nấu trà. Nguyễn Mộng Giác (2003:191)

* Ban đầu chị bán bún bắt một cái chảo nhỏ hay cái son (casserole) lên lò lửa. Vương Hồng Sển (2012a:241)

[iii]  * Dù nhiều ít, mua dùm cho là quý,

Hàng bán « son » ăn lãi tí ti thôi. Phong Hóa Tuần Báo số 39 (1933:??, Tú Mỡ)

* Vậy mà bây giờ chúng bị người ta bày ra “bán son” rồi đấy! Tri Tân Tạp Chí số 123 (1943:2, Hoa-Bằng)

LVH (1957:119), NQT (1992:386)

[iv] LKK (2001b:1145)

[v] KMA (1977b:331), NQT (1992:490), LKK (2001b:1145), TTA (2009:131)

[vi] * Gái có chồng như hàng bán  « xon » (solde). Phổ Thông Bán Nguyệt San số 17 (1938:27, Thanh Châu)

** Những tiếng đọc sai nguyên-âm

xoong casserole

xon solde

cồn alcool

lốp enveloppe

rượu vang vin

phó-mát fromage

bồi boy Tri Tân Tạp Chí số 5 (1941:23, Đào Duy Anh)

NQT (1992:490), LKK (2001b:1145), CBT (2006:278)

Thursday 27 October 2022

Tại sao tôi không đồng ý với một số ý kiến của Hoàng Tuấn Công về chính tả các từ mượn âm tiếng Pháp

Hoàng Tuấn Công đăng lại trên Facebook một bài phê bình Nguyễn Văn Khang đã đăng trước đây ở  Tuấn Công Thư Phòng và  Kinh Tế & Đô Thị.

Tôi chỉ chép lại một số điểm tôi quan tâm.

9-“giơ: Trục bánh xe bị giơ (= rơ) // ăn giơ. → không viết: dơ, rơ”.
          Mục này mắc hai lỗi chính tả + hai chỉ dẫn sai:
Nếu muốn nói các bộ phận, chi tiết không còn ăn khớp với nhau, thì phải viết “RƠ” (bị rơ), không viết “GIƠ”. Hoàng Phê (Vietlex): “ [Fr: jeu] t. [bộ phận trong máy móc] không còn khớp chặt với chi tiết khác nữa. trục xe bị rơ ~ bánh xe rơ”. [K]
Nếu “ăn giơ” với nghĩa “ăn bẩn” (“ăn dơ, ở bẩn”), thì phải viết “dơ” (ăn dơ).
Nếu “ăn giơ” với nghĩa “thoả thuận ngầm với nhau, hoặc “hợp ý nhau, phối hợp ăn ý với nhau, thì phải viết “rơ” (ăn rơ; Pháp: jeu = trò chơi). Hoàng Phê: “ăn rơ đg. (kng.). Có ý định hợp với nhau, tạo ra sự nhất trí trong hành động; ăn ý. Các cầu thủ chơi rất ăn rơ”. Hoàng Phê (Vietlex) chú gốc Pháp: “ăn rơ • [Fr: jeu] đg. [kng] thoả thuận ngầm với nhau, đi đến sự nhất trí trong hành động [thường dùng với nghĩa xấu]. kế toán ăn rơ với giám đốc để rút tiền công quỹ • t.[kng] hợp ý nhau, tạo ra sự phối hợp ăn ý trong hành động, lời nói. hai người diễn rất ăn rơ với nhau. Đn: ăn ý”.

          Tóm lại, dù thế nào thì cũng “không có cửa” cho “bị giơ” và “ăn giơ”.

26-“si: nguyên si. → không viết: xi”.
          Viết “xi” mới đúng. Vì “xi” [cire] gốc Pháp, có nghĩa như Hoàng Phê giảng: xi d. Chất làm bằng cánh kiến pha lẫn tinh dầu, dùng để niêm phong bao, túi, gắn kín nút chai lọ, v.v. Xi gắn nút chai. ~ Đóng dấu xi”. Khi ta nói còn “nguyên xi”, tức còn nguyên dấu gắn xi, chưa mở ra, với nghĩa rộng như Hoàng Phê giảng: “nguyên xi t. (kng.). 1 Còn nguyên như mới, như hoàn toàn chưa dùng đến. Chiếc đồng hồ còn mới nguyên xi. Số tiền còn nguyên xi, chưa tiêu đồng nào. 2 Y như vốn có, không có sự thay đổi, thêm bớt. Giữ nguyên xi bản thảo. Bắt chước nguyên xi.”.[K].

 



Về 9.1 và 9.3 cả giơ / rơ / dơ / jơ đều là những cách phiên âm khác nhau của jeu tiếng Pháp.


Ngoài ra, tại sao "ăn" trong "ăn giơ" mới là đúng chính tả ? Trong tổ hợp đó "ăn" không liên quan gì đến ăn uống, chỉ là một dạng phiên âm của "en" trong "en jeu". Và vì là phiên âm nên người ta viết cả "ăn" và "ăng" (xem Lê Ngọc Trụ).

Trường hợp 26 (xi / si) và 47 (khóa sol, nốt sol) cũng dễ gây tranh cãi. Nếu bảo son được mà xon không được, xi được mà si không được thì bà sơ được hay bà xơ được? Giày săng đá đúng hay giày xăng đá đúng? Phải viết sờ nặng hay sờ nhẹ trong trường hợp muống dùng từ mượn âm secours với nghĩa là dự phòng ? Nên viết là sốt cà chua hay xốt cà chua ?  Su chiêng đúng hay xu chiêng đúng? Nếu xu chiêng đúng thì tại sao xu cheng không đúng? Nếu hơn ba mươi dạng khác nhau của soutien-gorge trong tiếng Việt (xú chiên, xú chen...) không ai buồn moi móc thì ba dạng khác nhau của jeu sao lại thành ra vấn đề?

Nói tóm lại, khó đề ra một nguyên tắc nhất quán để xác định thế nào là được, thế nào là không được trong các trường hợp vừa đề cập. Còn ai có uy quyền hơn ai để bảo cái này đúng, cái kia sai thì lại là chuyện khác.

Sạc hay xạc là nạp điện? Và sạc hay xạc là la mắng? Chẳng lẽ chỉ người thạo tiếng Pháp có quyền bảo sạcnạp điện, còn xạcla mắng? Nhưng tại sao người viết tiếng Việt phải tìm cách viết sao để khi đọc lên thành ra tiếng Pháp? Và đọc lên theo giọng nào? Giọng Bắc hay giọng Nam? Và nếu là giọng Bắc thì giọng Bắc của ai mới chuẩn?

Saturday 5 August 2017

LẦN ĐẦU ĐỌC SÁCH CỦA GS VŨ KHIÊU (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)

(http://tuancongthuphong.blogspot.com.au/2017/04/lan-au-oc-sach-cua-gs-vu-khieu.html#more)

 


Sách do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành
Ảnh: HTC
HOÀNG TUẤN CÔNG

Hôm qua đi nhà sách, tôi thấy cuốn “Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” của GS Vũ Khiêu (NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2004). Được biết, GS Vũ Khiêu có cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định tìm đọc (tôi cũng chưa từng đọc bất cứ cuốn sách nào của ông).

Với cuốn Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam”, dù chưa đọc, nhưng tôi đã mường tượng nội dung cuốn sách viết gì. Định bỏ qua, vì ngó vào những cuốn thế này chỉ tổ mất thời gian. Tuy nhiên, nhớ lại mới đây Thanh Hoá đã sử dụng toàn bộ nội dung hoành phi câu đối do GS Vũ Khiêu biên soạn, xào xáo (mà trước đây tôi có viết mấy bài phê phán) để đưa vào thờ trong Đền thờ bà mẹ Việt Nam và các anh hùng liệt sĩ Hàm Rồng, nên tự nhủ đọc lướt cuốn sách này xem thế nào.



Quả nhiên, nội dung sách toàn là những điều quen thuộc, đã được người ta phân tích, nói đi nói lại hàng chục năm trước, giờ đến GS Vũ Khiêu “xào lại”. Ví dụ “Phần I - Hồ Chí Minh qua cuộc hành trình tìm đường cứu nước”; “Phần II - Hồ Chí Minh với vấn đề đạo đức”; “Phần IV - Hồ Chí Minh với các vấn đề nghệ thuật và tôn giáo”; “Phần V - Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ”,v.v…

Duy có mục “Văn bia, hoành phi, câu đối, bài minh tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ” (thuộc phần V) là mang dấu ấn riêng của GS Vũ Khiêu. Ví dụ, “bài minh” trên quả chuông ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn:

Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi  chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.

Hình như ở đây có lỗi chế bản, “triêu mộ” in thành “chiêu mộ”. Tôi nghĩ thầm như vậy. Tuy nhiên, đọc thêm vài dòng nữa, thấy GS Vũ Khiêu giảng rõ ràng như sau: “Ba hồi chiêu mộ nói lên ba hồi chuông vào buổi sáng và buổi chiều (chiêu là buổi sáng, mộ là buổi chiều)”.

Nguyên văn trong sách của GS Vũ Khiêu
Ảnh: HTC

Đây là lời giảng sai hoàn toàn. Vì nói về hồi chuông sớm chiều, phải là “triêu mộ” [朝暮triêu = sớm; mộ = chiều]; còn “chiêu mộ” [招募chiêu = tuyển mộ; mộ = tìm kiếm, tập hợp] lại có nghĩa là tuyển mộ; như “chiêu” [] trong “chiêu binh mãi mã”, “chiêu sinh”; “chiêu tập”; “mộ” [] trong “mộ lính”; “mộ dân”, v.v…

Như vậy, GS Vũ Khiêu đã viết sai chính tả, “triêu” thành “chiêu”; hoặc ông cứ ngỡ “chiêu”, mới có nghĩa là “buổi sáng”.[*]

Căn cứ chữ nghĩa của GS Vũ Khiêu, thì câu “Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí”, không thể có nghĩa là “ba hồi chuông vào buổi sáng và buổi chiều”, như ông giảng, mà buộc phải hiểu thành “Ba hồi 'tuyển mộ' rung tâm trí”, mới đúng(!). Các anh hùng liệt sĩ đã yên giấc ngàn thu, không rõ GS Vũ Khiêu còn “chiêu mộ” vào việc gì nữa?

Điều đáng chú ý là cách giảng sai của GS Vũ Khiêu giống hệt cái sai của GS Nguyễn Lân trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (cuốn sách do chính GS Vũ Khiêu viết lời giới thiệu và ca ngợi là “một tác phẩm có giá trị mà cả xã hội mong đợi”). GS Nguyễn Lân giảng như sau: “chiêu mộ • dt. (H. chiêu: sáng; mộ: buổi chiều) Sáng và chiều <> Ba hồi chiêu mộ, chuông gầm sóng (HXHương). • đgt. (H. chiêu: vời tới; mộ: cầu tìm) Tuyển người làm một việc gì <> Thực dân chiêu mộ người đi làm đồn điền cao-su”.

Có lẽ chính GS Vũ Khiêu đã tham khảo và đặt niềm tin tuyệt đối vào “cuốn từ điển sống” Nguyễn Lân (chữ của GS Vũ Khiêu dành cho tác giả “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”), khi cho rằng “chiêu mộ” vừa có nghĩa là “sáng và chiều”, vừa có nghĩa là “tuyển người làm một việc gì”(!)

Chuyện viết sai chính tả không hiếm trên sách báo. Tuy nhiên, một “bài minh” viết sai chính tả, dùng từ sai hoàn toàn như vậy mà vẫn được khắc trên chuông đồng, thì có lẽ là trường hợp hiếm có!

 Rồi “dĩ hư truyền hư”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, cứ thế cho in, báo chí cứ thế chép lại. Bài “Âm vang Trường Sơn” (và hầu hết các bài viết về nghĩa trang Trường Sơn) chép lại nguyên văn “Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí” của GS Vũ Khiêu, rồi tán: “Khi tôi vừa bước đến chân đồi nghĩa trang, tiếng chuông đã thỉnh lên như lời đánh thức hương hồn các liệt sĩ chào đón những người thân lên thăm. Đó là cuộc gặp gỡ của những người thân trở về thường ngày. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu được khắc lên thành chuông: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ. Dạt dào Đông Hải khí anh linh. Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí. Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”. Đúng là tiếng chuông ngân bát ngát Trường Sơn”. (Lương Sử - báo Công an nhân dân/8/8/2015).

Lật giở thêm mấy trang nữa, thấy mục “Hoành phi câu đối tại nhà thờ bà Hoàng Thị Loan”. GS Vũ Khiêu giới thiệu bức hoành bốn chữ: “Quốc mẫu uy nghi”, và chú thích như sau:

Về bức hoành phi QUỐC MẪU UY NGHI có nghĩa là: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cao nhất của dân tộc ta. Cụ bà thân sinh ra Người xứng đáng là người mẹ chung của Tổ quốc Việt Nam, cho nên dùng chữ Quốc mẫu. Uy nghi là nói về hình dáng uy nghiêm và trang trọng của người”.

Một trang trong sách của GS Vũ Khiêu

Ta thử xem danh xưng “quốc mẫu” được các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt giảng nghĩa là gì:

1. “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “quốc mẫu國母 d. [cũ, trtr] hoàng thái hậu [coi là mẹ của thần dân]”.
2. “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “quốc mẫu • dt. Mẹ vua (được xem như mẹ của toàn-thể dân-chúng một nước)”.
3. “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “quốc-mẫu • dt. (xưa) Mẹ vua”.
Từ điển Tàu (Hán điển) giảng như sau: quốc mẫu: cổ đại xưng thiên tử đích mẫu thân” [國母: 古代稱天子的母親], nghĩa là: “thời cổ đại gọi mẹ vua [thiên tử] là quốc mẫu”.

Như vậy, cứ theo nghĩa của từ điển Ta và từ điển Tàu giảng hai chữ “quốc mẫu”, thì GS Vũ Khiêu đã đẩy lùi lịch sử Việt Nam lại hàng trăm năm. Ông coi Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng khác nào thiên tử, nên gọi thân mẫu cụ Hồ là “quốc mẫu”. Chỉ khác là thời cổ đại, danh xưng “quốc mẫu” do thiên tử phong cho mẹ mình, còn nay tôn xưng này do chính GS Vũ Khiêu phong tặng; xưa kia “quốc mẫu” chỉ có nghĩa là “mẹ của thần dân”, thì nay GS Vũ Khiêu phong hẳn thành “mẹ chung của Tổ quốc Việt Nam”(!).

GS Vũ Khiêu chỉ giảng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cao nhất của dân tộc ta”, nhưng danh xưng “Cha già dân tộc” vẫn còn đó. Mà như thế, GS Vũ Khiêu gọi thân mẫu của cụ Hồ là “mẹ chung của Tổ quốc Việt Nam” sao đặng? Ấy là chưa nói đến chuyện, bà Hoàng Thị Loan được gọi là "quốc mẫu",  thì ai sẽ được GS phong là "quốc phụ"?

Lật thêm vài trang nữa thấy GS Vũ Khiêu giới thiệu đôi câu đối tại “đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An” như sau:

“Tới cổng nơi này, hoa cỏ như còn lưu dấu Bác;
Vào đền trong đó, khói hương gợi chút dãi lòng dân”.

Không biết “chút dãi lòng dân” ở đây là cái gì?
Lật thêm vài trang nữa…
Nhưng thôi!
Chữ nghĩa, sách vở của GS Vũ Khiêu là thế!

Tiếc rằng không ít người vẫn còn mê muội, sùng bái, xin bằng được “lời vàng ý ngọc” của GS Vũ Khiêu đem về khắc trên đá, khắc trên đồng, sơn son thếp vàng, treo cao khắp các đền đài trong nước, in ấn, phát hành bừa phứa mà không cần biết đúng sai thế nào, hay dở ra sao.

HTC/4/2017

[*] - Bạn đọc có thể kiểm chứng bằng cách tham khảo một số cuốn từ điển sau đây giảng về “triêu mộ” và “chiêu mộ” để thấy sự khác nhau của hai từ này như thế nào:
1.TRIÊU MỘ
-        “Việt Nam tự điển” (Hội khai trí): “triêu-mộ • Buổi sớm, buổi tối <>Tiếng chuông triêu mộ”.
-          “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “triêu mộ • tt. Sớm và chiều: Tiếng chuông triêu-mộ”.
2. CHIÊU MỘ:
- “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “chiêu mộ • 招募 đg. [cũ] tìm người ở khắp nơi và tập hợp lại để làm việc gì [nói khái quát] chiêu mộ binh sĩ ~ “Treo bảng văn chiêu mộ dân binh, Chứa lương thực đợi ngày cử sự.” (Hoàng Tăng Bí); chiêu tập, mộ”.
- “Tự điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “chiêu mộ • Tuyển mộ (binh lính hay phu phen)”.

- “Từ điển tiếng Việt” (Lê Văn Đức): “chiêu mộ • đt. Mộ, tuyển người: Chiêu-mộ dân-quân, chiêu mộ dân phu”.