Showing posts with label thuật ngữ kinh tế & tài chính & ngân hàng. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ kinh tế & tài chính & ngân hàng. Show all posts

Friday 24 October 2014

Tại sao người làm nghề buôn bán được gọi là thương nhân?

Thương nhân là từ mượn tiếng Hán , vốn nghĩa là người nước Thương. Dưới thời nhà Thương, hoạt động kinh tế đã khá phát triển, nhu cầu trao đổi sản phẩm làm nảy sinh một bộ phận dân cư sống bằng nghề buôn bán. Khi nhà Thương bị mất về tay nhà Chu, quý tộc cũ của nhà Thương bị tước đoạt đất đai, không còn cơ sở bảo đảm quyền lực kinh tế và chính trị. Thương nhân, tức người nước Thương, khi ấy chỉ có thể làm nghề buôn bán để nuôi thân. Về sau, người đi buôn không chỉ có người nước Thương nhưng từ thương nhân vẫn được dùng để chỉ hạng người này.

Friday 16 November 2012

Ai là người đầu tiên dùng thuật ngữ chỉ tệ với nghĩa là đồng tiền, không nhất thiết phải là tiền giấy?

Không rõ vì lý do gì một số trang Web bằng tiếng Việt ở hải ngoại thường dùng chỉ tệ để dịch từ currency của tiếng Anh. Một trong dấu vết sớm nhất của từ này trên Internet là một bài viết ở trang Vietcatholic vào tháng 2/2003.

Thursday 15 November 2012

Thấy gì qua luật về chỉ tệ Trung Hoa?

Cuối năm 2011 Thượng Viện Mỹ thông qua một dự luật nhằm gây sức ép Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ (renminbi). Tên tiếng Mỹ của luật đó là  Yuan Bill, báo chí Việt dịch là luật về nhân dân tệ. Cùng lúc đó một hotboy của thế giới ảo nằng nặc đổi tên cái luật đó thành luật về chỉ tệ Trung Hoa. Theo cái lô-gích ấy, đồng phơ-răng dù in bằng giấy hay đúc bằng kim loại nhất định phải là chỉ tệ (Pháp, Bỉ hay Thụy Sĩ thì chưa thể xác định được), đồng đô la cũng phải là chỉ tệ (tùy theo trường hợp sẽ là chỉ tệ Mỹ, Hồng Kông, Úc..), đồng ơ-rô chắc là chỉ tệ Âu châu... 

Wednesday 14 November 2012

Chỉ tệ là gì?


Chỉ Hán Việt () nghĩa là giấy. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (2005:158) cắt nghĩa chỉ tệ Các tiền giấy được lưu-hành được Chính-phủ chuẩn-hứa (monnaie de papier). Chỉ tệ được ghi trong các từ điển xuất bản ở miền Nam trước 1975 (Lê Văn Đức, 1970a:289; Vũ Văn Mẫu, 1970:611; Ban Tu Thư Khai Trí, 1971:194) và tiếp tục được định nghĩa trong một số từ điển xuất bản gần đây:
Tiền giấy được lưu hành thay tiền thật được chính phủ chuẩn y (Nguyễn Như Ý, 1999:351)
Nhưng hiện nay nói tiền giấy dễ hiểu hơn chỉ tệ. Thỉnh thoảng có người vác chỉ tệ ra xài, nhưng dường như không có ý định nói về tiền giấy mà cũng chẳng rõ là định nói về cái gì.

Sunday 1 January 2012

Băng ghế và nhà băng có gì liên quan với nhau?


Nhà băng (ngân hàng) xuất hiện ở nước ta cùng với sự thiết lập chế độ thực dân Pháp.
Quan Thuộc địa Thượng thư Sarraut có viết giấy xin phép cho các phái viên Nam Bắc kỳ vào xem một nhà “băng” lớn ở Paris, là nhà Crédit Lyonnais. (Phạm Quỳnh, 2004:198)
Nhà băng của tiếng Việt vốn là maison de banque của tiếng Pháp. Maison được dịch ra là nhà. Người Việt nghe từ banque của tiếng Pháp, không giữ được phụ âm /k/ ở cuối âm tiết, phiên thành băng. Đây là một trong mươi từ mượn âm Pháp được vào từ điển tiếng Việt sớm nhất (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:35)
Băng của băng ghế cũng là một từ gốc Pháp (banc).
Phương, áo cổ vuông màu cánh dán, tóc buộc cao vống, người gầy, thấp bé, chiếm một chiếc ghế băng để sát chỗ Hồng, đọc “Tuyển tập kịch Sếch-xpia”. (Dương Thị Xuân Quý, 2007:238)
Trong tiếng Pháp bancbanque là hai từ đồng âm, vào tiếng Việt thành hai từ vừa đồng âm (phát âm giống nhau) vừa đồng tự (viết cũng giống nhau).

Tuesday 18 October 2011

Síp là gì?


Síp là từ mượn tiếng Anh (ship, có nghĩa là gửi hàng): síp hàng miễn phí (free shipping), dịch vụ síp hàng, phí síp hàng (shipping fees)... Trong tất cả các ví dụ trên hoàn toàn có thể sử dụng từ gửi thay vì síp. Nhưng dùng síp mà không dùng gửi chính là có ý muốn lồng vào văn bản một dấu chỉ về căn cước của người viết/nói và thời đại của mình.