Sunday 21 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Vụ đói năm Ất Dậu (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 15

 

VỤ ĐÓI NĂM ẤT DẬU.

          Cũng trong năm này, một việc nữa đã xảy ra, vô cùng kinh khủng. Một việc mà trong Sử Việt Nam cũng như trong sách sử thế giới chưa hề bao giờ có. Đó là vụ NGƯỜI CHẾT ĐÓI NĂM 1945. Trong cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II, thế giới được chia thành 2 phe đối nghịch : Một bên là phe TRỤC gồm các nước Nhật - Đức  - Ý, cả ba đều là phát xít, và bên kia là phe ĐỒNG MINH gồm các nước Mỹ - Anh – Pháp – Nga – Hoa. Do nhu cầu tình thế, quân đội Nhật đã đổ bộ lên Đông Dương. Để dễ bề thao túng ở đây, phát xít Nhật đã hất cẳng thực dân Pháp. Chúng đã bắt dân VN phải phá bỏ hoa màu là lúa, ngô, khoai đang xanh tốt sắp được thu hoạch, thay vào đó là trồng đay để lấy đay tơ chế tạo thuốc súng, và làm bao tải để vận chuyển hàng hóa, khí giới mà chúng đang cần cho chiến tranh. Đây là nguyên nhân chính của vụ chết đói 2 triệu người năm 1945 ở đồng bằng Bắc bộ. Ngoài ra, phát xít Nhật và thực dân Pháp còn gây thêm tội ác như là không muốn ngăn chặn nạn đói này. Hồi đó máy bay Mỹ thường bay đi bắn phá những xe cộ, tàu thuyền di chuyển trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong khi ở miền Bắc, dân chết đói hàng loạt vì không có lương thực, thì ở Sàigòn, thực dân Pháp đã lấy thóc trong kho thay cho than đốt, để chạy máy Nhà máy đèn Chợ Quán trong một thời gian dài mà không hề nghĩ đến việc gửi thóc gạo ra miền Bắc để cứu đói, dù chỉ là một phần nhỏ, với mục đích để dễ bề cai trị.. Kết quả có vẻ như là phát xít Nhật và thực dân Pháp đã về hùa với nhau để tạo ra vụ chết đói hàng loạt này !

          Namđịnh và Thái Bình là hai tỉnh miền Bắc có người chết đói nhiều nhất, khoảng 2 triệu người trong vòng chỉ hơn một tháng. Hồi đó, cứ sáng dậy mở cửa ra đường là đã thấy có một xác người chết  nằm còng queo ngay trước cửa nhà. Gọi là xác người, chứ thực ra chỉ còn là một bộ xương bọc da khô đét, xám xịt, nhìn kỹ một lúc lâu mới nhận ra được đó là người quen, thật là thương tâm !

          Việc tạo hậu quả 2 triệu người chết đói, vụ phá bỏ hoa màu để trồng đay của người Nhật còn làm cho môi trường của vùng nông thôn những tỉnh này bị ô  nhiễm nặng. Sự ngâm vỏ cây đay tươi trong nước ao hồ tù đọng, tiết ra chất nhựa cây làm cho cá tôm và cả những sinh vật trong đó chết hàng loạt. Nước ao hồ bị ô nhiễm bốc lên một mùi hôi khó tả trong khắp vùng. Những người đang đói, hít phải hơi độc hại này, chỉ trong một thời gian ngắn là thấy ngay hậu quả, đã đi đến cái chết mau lẹ hơn. Trong vụ đói năm Ất Dậu (1945) này, tôi đã được chứng kiến một ngưòi bố giành được củ khoai luộc, ngồi ăn một cách ngon lành, thản nhiên bên cạnh một đứa con đang thoi thóp sắp chết vì đói ! Có những nơi người ta đã phải mang đi chôn tập thể những người chết đói cùng một huyệt. Nấm mồ tập thể này hình như ngày nay vẫn còn, ở ngay trong khuôn viên gần Tòa án Nhân dân Hànội. Nấm mồ này tuy ở Hànội, nhưng những người nằm trong đây phần lớn lại là dân Namđịnh, Thái Bình, có lẽ cả dân Hưng Yên và Hải Dương nữa, di tản lên thành phố Hànội để kiếm sống. Chuyện vụ đói năm Ất Dậu đã quá quen thuộc với người dân miền Bắc, nhất là ở hai tỉnh Namđịnh và Thái Bình nên cũng chẳng cần phải nói nhiều. Nhưng có điều là, sau vụ đói này, dân ta còn bị thêm một nạn nữa : đó là nạn CHẾT NO. Số là sau khi bị nhịn đói một thời gian khá dài chừng 3-4 tháng, đến lúc lúa, ngô, khoai được trồng lại và cho hoa màu, những người đã từng nhịn đói bây giờ thấy cần phải ăn nhiều, để bù đắp lại những ngày tháng phải nhịn đói lúc trước, nên lại phát sinh ra bệnh ăn quá no, và rồi cuối cùng cũng đã đi đến cái chết, nhưng là CHẾT NO, chứ không phải CHẾT ĐÓI.

          Số người chết no, tuy không nhiều lắm, nhưng cũng vẫn là một con số đáng kể !

No comments:

Post a Comment