Sunday 7 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 2

 

Những ai đã từng dùng đường thủy, đi tàu từ Hànội về Namđịnh, hay Hảiphòng về Namđịnh và ngược lại, hẳn còn nhớ khúc sông mà ngày xưa người ta gọi là Ngã Ba Tuần Vường.

          Những tàu chạy trên sông hồi ấy thường có mấy chiếc, một là tàu Bắc Kinh, một là Long Môn và một là Giang Môn, chuyên chở khách và hàng hóa đường Namđịnh-Hànội. Còn một cái nữa chạy đường Namđịnh-Hảiphòng, chỉ chuyên chở hàng hóa, có tên gọi là tàu “Guồng Hậu”. Gọi như vậy vì tàu này đằng sau lái có một bánh xe guồng lớn, gồm nhiều tấm mặt bằng quay dưới nước để đẩy tàu đi.

          Ngay từ lúc còn nhỏ, hồi 7-8 tuổi, tôi đã được nghe người lớn nói “Mười hai cửa bể, phải nể Tuần Vường”. Với suy nghĩ của tôi hồi đó, tôi đã hiểu rằng : Phải nể Tuần Vường, vì chỗ ấy gần cửa Tuần Vường, nơi có vạn chài ĐỨC THÔNG  ở thượng nguồn, cách đó chừng 2km, một vạn chài nổi tiếng ngỗ nghịch, thường hay tổ chức đánh cướp những thuyền buôn trên sông để lấy tiền ăn chơi. Có khi không gặp thuyền buôn, lại kéo lên những làng bên bờ để hành nghề. Bọn này rất tàn ác, đánh và giết người như chơi, nên hễ ai nghe đến hai chữ ĐỨC THÔNG là lớn bé, già trẻ trong làng đều sợ đến xanh mặt, mặc dù làng Hội Kê cũng có một vạn chài đông đảo, võ nghệ cao cường, cũng anh hùng nhất khoảnh chẳng kém gì. Cảm tưởng đó, giờ đây nhớ lại, tôi vẫn còn thấy sợ và buồn cười. Còn một câu nữa cũng nói đến Tuần Vường, nhưng là một câu nói về phong thủy, hình như là của Thánh địa lý Tả Ao. Câu đó là “Đầu đội núi ĐỌI, chân rọi Tuần Vường, đích huyệt Đế vương”. Núi Đọi là một núi thấp và nhỏ ở làng CẦU KHÔNG  thuộc tỉnh Hà Nam, còn Tuần Vường là nơi làng quê tôi cũng gần đó, qua bao năm tháng đổi thay với những cái tên như làng Hội Kê, xã Quần Hiền, liên xã Tam Tỉnh cho đến ngày nay là xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Người ta cho rằng huyệt đế vương này ở vùng Tức Mạc, ngoại thành của thị xã Namđịnh, là quê hương của nhà TRẦN (và cũng là quê hương của cô TƯ HỒNG sau này nữa). Chính nhà Trần được phát mả đế vương là vì hài cốt của tiên tổ đã được an táng vào đúng chỗ huyệt đó. Chẳng biết có đúng thế không, nhưng cụ Tả Ao có nói rằng “Tiên tích đức, hậu tầm long”, nghĩa là người nào muốn được đất thì trước hết gia đình phải có nhiều phúc đức đã, rồi sau mới đi tìm long mạch thì mới có kết quả được. Cũng có người  nói rằng khi người Pháp đến cai trị vùng này, cũng tin tưởng rằng vùng này có huyệt đế vương thật, nên mới nhân dịp cải tạo giao thông, đã cho đào lấp lại khúc Ngã Ba Tuẩn Vường này để cho “đoạn thương long mạch”, tránh được việc rắc rối sau này. Chỗ này chính là NGÃ BA TUẦN VƯỜNG, ngày nay gọi là TẮC GIANG là sông bị lấp. Liền đó có một cái chợ cũng gọi là CHỢ BẾN TẮC GIANG. Thực ra, chỗ Ngã Ba Tuần Vường có những đợt sóng dữ và xoáy nước rất nguy hiểm cho tàu bè qua lại. Thường vào những chiều mùa hạ, khi trời lộng gió, mặt sông nổi lên những đợt sóng trắng xóa xô đuổi nhau nên dân chúng gọi là sóng bạc đầu hay sóng thần. Hai bên bờ sông có đền thờ vua Thủy Tề cho các thuyền bè qua lại có chỗ cúng vái và cầu bình an khi qua khúc sông này. Thế rồi, có một lần, một canô chở khách từ Namđịnh đi Hànội, gặp lúc gió to nước xoáy, bị đắm ngay chỗ ngã ba sông này. Trong số hành khách hôm đó có một đại úy người Pháp bị chết đuối. Mấy ngày sau, vạn chài trên ngã ba sông này mới tìm được xác. Đúng lúc vạn chài này cũng đã quá ngán cái cảnh sông nước, sống trong lo sợ ở khúc sông này, nên đã họp nhau làm đơn xin viên Công sứ Thái Bình trả công vì đã vất vả mới tìm được xác của nạn nhân, bằng cách xin cắt cho một dẻo đất ở cuối làng Hội Kê để lập thành một làng mới. Viên Công sứ cũng muốn trả ơn nên thuận cho. Thế là làng Mỹ Cơ được thành lập, và đó là làng Mỹ Cơ ngày nay. Mỹ Cơ có nghĩa là cơ hội tốt đẹp, có lẽ cũng vì thế mà làng này nay cũng đã trở nên trù phú chăng ?

Lại nói thêm về Cửa Tuần Vường hay Ngã Ba Tuần Vường, cũng cùng là một chỗ, một địa điểm. Khi người Pháp chưa đến đặt nền cai trị ở Việt Nam, thì nơi đây là một ngã ba sông, chỗ tiếp giáp giữa sông Hồng Hà và sông Hoàng Giang. Sông Hoàng Giang bắt nguồn từ dãy núi đá vôi chảy từ Phủ Lý (thị xã Hà Nam) qua CẦU KHÔNG, rồi đổ vào sông Hồng Hà. Quãng sông từ Phủ Lý đến Ngã Ba Tuần Vường là sông HOÀNG GIANG, nên một làng tại ngã ba sông này lấy tên là làng Đại Hoàng, ỡ hữu ngạn sông Hồng. Đây là quê hương của Bà chánh thất cụ Nguyễn Hữu Hân. Mộ chí của Bà hiện còn tại nghĩa trang Hội Kê, ngay trước cửa đình làng. Đây cũng chính là làng Vũ Đại hư cấu, quê hương của Chí Phèo và Bá Kiến trong tác phẩm cùng tên CHÍ PHÈO của nhà văn Nam Cao. Hiện nay mộ phần và nhà từ đường của nhà văn này ở chính ngay trên nền đất cũ của nhà ông, đã được nhà nước công nhận là một di tích lịch sử, khá khang trang và đẹp đẽ. Chỗ này hiện nay không còn dấu vết gì của ngã ba sông nữa, vì người Pháp đã cho lấp chỗ cửa sông này, và được gọi với cái tên mới là “BẾN TẮC GIANG’, và một cái chợ nhỏ ở chỗ này, đầu đường dẫn vào làng Đại Hoàng được gọi là CHỢ BẾN TẮC GIANG hay CHỢ BẾN TẢO MÔN. Làng Tảo Môn này, chỗ giáp ranh với làng Phương Trà có một bến “màn xế” tàu thủy, là chỗ giống như trạm dừng của xe buýt để trả hoặc lấy thêm khách ở bến sông.

          Như trên đã nói, thế thì hai danh xưng Hội Kê và Tuần Vường có phải là cùng một chỗ hay là hai nơi khác nhau ? Thực ra thì có làng Hội Kê và làng Phú Hậu bên cạnh chứ không có làng Tuần Vường. Nếu ta lưu ý một chút, thì thấy Hội Kê là một làng quê nằm trên tả ngạn sông Hồng thuộc lãnh thổ của tỉnh Thái Bình, còn Tuần Vường là chỗ ngã ba sông, nơi tiếp giáp với ba tỉnh HÀ NAM, NAM ĐỊNH (bên hữu ngạn) và THÁI BÌNH (bên tả ngạn). Chính vì lý do này mà nơi đây – trong đó có làng Hội Kê – về sau mới có tên là TAM TỈNH (sẽ nói rõ ở phần sau).

---o0o---

No comments:

Post a Comment