Wednesday 10 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Nguồn gốc họ Nguyễn Hữu (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 4

 

NGUỒN GỐC HỌ NGUYỄN HỮU.

          Như trên đã nói, hai chữ HỘI KÊ hay CỐI KÊ còn hàm một ý nghĩa rất sâu xa, chỉ con cháu dòng họ NGUYỄN HỮU mới được nhắc nhở và hiểu rõ ý nghĩa, vì thế nên đề cập đến Hội Kê mà không nói rõ nguồn gốc họ này ở đó thì quả là chưa đủ.

          Nguồn gốc họ NGUYỄN HỮU – HỘI KÊ được bắt đầu từ Cụ Nguyễn Hữu Vinh. Cụ Vinh quê quán tại Hưng Yên. Thời đó nhà Nguyễn mới thống nhất đất nước chưa được bao lâu. Trước kia nước Việt Nam bị phân chia làm hai miền BẮC HÀ và NAM HÀ hay hai xứ ĐÀNG TRONG và ĐÀNG NGOÀI, sống biệt lập như hai nước khác nhau. Khi Gia Long mang quân ra Bắc Hà để diệt Tây Sơn, có tuyên bố là sẽ khôi phục lại nhà LÊ để được dân chúng Bắc Hà hợp tác. Nhưng sau khi Gia Long thành công đã quên ngay lời hứa hẹn trên và tự lập làm vua cả hai miền Nam Bắc. Vì vậy dân chúng Bắc Hà bất phục, nhiều nơi nổi lên chống đối với danh nghĩa khôi phục nhà Lê, vì nhà Lê đã có công rất lớn với đất nước, với dân tộc, nhất là vua Lê Thái Tổ và sau này là vua Lê Thánh Tông. Phần nữa, nhiều người còn cho rằng nhà Nguyễn là bầy tôi của nhà Lê. Phong trào khôi phục nhà Lê kéo dài từ đời Gia Long cho tới đời Tự Đức, mãi tới khi quân Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ.

          Hưng Yên là một nơi có rất nhiều dân hưởng ứng theo phe khởi nghĩa, nên khi đê Văn Giang bị vỡ làm lụt lội Hưng Yên, nhà Nguyễn không sốt sắng trong việc đắp lại đê với thâm ý để cho dân tình đói khổ để dễ bề đàn áp. Bởi vậy nên đê Văn Giang bị vỡ 18 năm liền, dân chúng lại càng căm thù nhà Nguyễn hơn nữa.

          Cụ Nguyễn Hữu Vinh ở vào một làng có tinh thần chống đối cao, có thể là căn cứ của  nhóm khởi nghĩa. Khi quân của triều đình đến đánh dẹp, dân chúng nơi đó phải bỏ làng trốn chạy. Vì không dám kết đoàn đi trốn nên anh em cụ Nguyễn Hữu Vinh mang gia quyến, mỗi người chạy một ngả.

          Cụ Nguyễn Hữu Vinh là con thứ hai, dẫn một người cháu gọi bằng chú ruột xuôi theo tả ngạn sông Hồng, chạy đến làng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà. Một người em cụ chạy đến làng Gia Lạp (không phài là Gia Lạc) cũng thuộc huyện Duyên Hà, cách Thượng Hộ độ 25 cây số. Một người em khác chạy ra mãi Thủy Nguyên thuộc tỉnh Quảng Yên (bây giờ là huyện Thủy Nguyên thuộc Quảng Ninh), giữa Quảng Ninh và Hải Phòng. Người anh cả chạy đi đâu không rõ, nhưng về sau theo lời con cháu họ Nguyễn ở Gia Lạp kể lại, thì đã trở về làng cũ ở Hưng Yên.

          Trong khi chạy trốn, mọi người tìm  nơi ẩn náu an toàn nên không còn có liên lạc với nhau. Mãi đến đời sau, con cháu họ Nguyễn ở Thượng Hộ mới tìm ra con cháu họ Nguyễn ở Gia Lạp.

          Cụ Nguyễn Hữu Vinh chạy đến ẩn náu ở làng Thượng Hộ. Vì nơi đây là bãi đất mới ở ngoại đê bị bỏ hoang, cỏ sậy, lau lách mọc dày, làng thành lập chưa được bao lâu nên dễ dung nạp những người đến cư ngụ. Ngoài ra, ở Thượng Hộ có một xóm người theo đạo Công giáo, khi đó cũng đang bị triều đình để ý. Người Công giáo lúc đó trông cậy vào Hoàng tử Cảnh sẽ lên nối ngôi vua Gia Long. Khi hoàng tử Cảnh chết, họ lại đặt hy vọng vào con của Cảnh. Đây là một trong những lý do ác cảm của Minh Mạng với người Công giáo.

No comments:

Post a Comment