Thursday 8 December 2022

Có quá đáng không?

Một độc giả Kiến Thức Ngày Nay số 129 (15-01-1994) than phiền với Huệ Thiên:

Chẳng lẽ tiếng Việt không có từ nào để thay thế cho từ “lô-gích”? Ta có 4000 năm văn hiến mà vẫn bị “hổng” khi đụng lô-gích nên đành “bỏ trống” hay sao? Vậy tiếng của ta để làm gì?

 

Huệ Thiên biểu đồng tình:

Ông cho biết mình ở Sài Gòn 40 năm nhưng trước năm 1975 chưa từng nghe người Việt Nam nào nói tiếng Việt mà lại xen vào hai tiếng lô-gích. Có lẽ ông đã nói không quá đáng. (An Chi (2006-1:172))

 

Thật ra lô-dích đã xuất hiện trên sách báo những năm ba mươi của thế kỷ trước.

* Đây là chưa bàn đến ý-nghĩa của lời thơ còn chỗ vụng, mà hẵng nói về thể-tài của thơ, thì cách lập-luận như thế không phải là phép tam-đoạn-luận trong lô-dích (logique) là gì. Nam Phong Tạp Chí số 196 (1934:341, Hải-hạc)

* Ông không có « lô-dích » tí nào cả. Phong Hóa Tuần Báo số 79 (1933:9)

* Hiểu lô-dích chưa ? Phong Hóa Tuần Báo số 79 (1933:9)

* 2. Dịch câu ấy không đủ lô-dích và đã « sa lạc vào chỗ sai lầm » (« tùng bê » dans l’erreur). Phong Hóa Tuần Báo số 108 (1934:2, Tứ-Ly)


Sau Hiệp Định Giơ-ne-vơ, sách vở miền Bắc lưu hành đồng thời nhiều dạng: lô dích,[i] gic,[ii] lô gíc,[iii] lô gich,[iv] lô gích.[v] Các dạng này cũng xuất hiện trong sách vở in ấn ở miền Nam trước 1975.
* Họ không hiểu rằng chế-độ thực-dân trong bản-chất của nó, là bạo-động và bất-nhân, và những người đi thực-dân phải bạo-động bất-nhân theo một « lô-gíc » nội-tại của dự-phóng thực-dân. Nguyễn Văn Trung (1963:30)

* Mà ông lại muốn đem cái lô-gích khả kính của phương Tây ra để truất cái thú duy nhất, cái quyền duy nhất đó của họ ư ? Nguyễn Hiến Lê (1974:73)
 

Từ điển của Châu Văn Cán (1963:558) lô-dích.

 

Lên báo kêu rằng chưa từng nghe hay chưa từng thấy thì cũng hơi quá đáng. Có gì để mà kêu ca?

 



[i] * Việc nghiên cứu những vấn đề căn bản về biện chứng pháp , về lô-dích biện chứng (logique dialectique), về nhận thức luận và một số vấn đề giáo dục cộng sản của nhân dân lao động, chưa làm cho mọi người thỏa mãn. Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 19 (1956:70, Nguyễn Lương Bích)

* Chẳng qua là vì chúng ta thiếu cái "lô-dích" về đạo đức trong sự chiến thắng. Hồ Linh (1998:271)

CVC (1963:558), NQT (1992:235), LNT (1993:611)

[ii] * Cách đây hơn 2.000 năm, nhà toán học Hy-lạp Ơclít đã có gắng đặt một cơ sở lôgic chặt chẽ cho hình học đó, bằng cách xây dựng nên một hệ tiên đề rồi dùng suy diễn lôgic chứng minh các định lý. Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 2 (1960:19, Nguyễn-Cảnh-Toàn)

* Mưu mô ấy bắt đầu ngay từ « nghệ thuật Lun-li » của thời đại trung cổ ; sau đó những khối óc như Lép-nít và La-pơ-lát-xơ đã tìm cách sáng tạo một toán thuật tuyệt đối trong toán học và lôgic học mà ông nói là có thể dùng để giải bất cứ bài toán nào ; trong mấy chục năm gần đây, những người nghiên cứu nhận thức luận ngữ nghĩa như Các-náp, Mô-rít, Cô-rơ-gíp-ski, cũng như các nhà lôgic học Ba-lan Tarski và Lu-ca-xe-vit tìm cách đặt ra « những bảng khoa học », phổ dụng và các thứ hệ thống « Siêu lôgic học », « Siêu ngôn ngữ học » và « Siêu ngữ pháp học ». Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 2 (1960:58)

* Ở Mác-bua ông đã thu hoạch những kiến thức vững vàng về toán, triết học, lôgic, vật lý, hóa học ; trong các môn khoa học tự nhiên ông nắm chắc khoáng học, thực vật và động vật học ; trong các ngành ứng dụng ông đã có kinh nghiệm thực tiễn về cơ khí, luyện kim ; ông lại biết khá nhiều về các nghề thủy tinh, đồ gốm, đồ sứ, làm muối, hàng hải, thiên văn và địa lý. Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 10 (1961:1, Tạ Quang Bửu)

PVB (1986:146)

* “Lô gic” nó thế! Huỳnh Dũng Nhân (2012:112)

* Thế mấy thằng ăn cắp cốp xe lúc nãy? Huỳnh Dũng Nhân (2012:112)

* “Lô gic” của nó thế, anh ạ. Huỳnh Dũng Nhân (2012:112)

* Nói một các “lô gic” – bọn em sống khổ lắm. Huỳnh Dũng Nhân (2012:113)

* “Lô gic” ở chỗ ấy đấy! Huỳnh Dũng Nhân (2012:113)

* “Lô gic” nó thế! Huỳnh Dũng Nhân (2012:112)

[iii] * Ở đây, chúng ta hãy nói vắn tắt về cái gọi là « tiêu chuẩn lô gíc của chân lý ». Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 2 (1960:58)

* Hình ảnh đó thật là hoàn chỉnh, khi ấy, tôi nghĩ người Việt Nam thật là đẹp, dũng cảm và không lô gíc. Nguyễn Bá Cộng (1979:599)

* Ông nghiên cứu lô gíc toán tại trường ĐHTH Cambridge Tạp Chí Thông Tin Toán Học tập 3 số 2 (1999:10, Ngô Việt Trung)

* Công việc tìm diệt tổ mối đáng căm hờn này, công việc bảo vệ đê, chống loài thuỷ tặc yêu quái này cung cấp cho con những dữ kiện để con xây dựng lô-gíc tư tưởng, lô-gic sống cho con: với cái xấu xa, đê hèn, cái cao cả phải biết mở đường, vượt qua, không có lý gì mà lại trở thành kẻ hèn hạ, trái lại phải hiên ngang, hiên ngang như những con đê. Ma Văn Kháng (2003III:130)

* Nó dựa vào nghĩa của từ điển, nhưng nhiều khi nó không giữ lại nguyên nghĩa ban đầu; thậm chí nhiều sắc thái nghĩa mới của nó không còn mang khái niệm lô-gíc để ta có thể định nghĩa nó một cách dễ dàng. Ngôn Ngữ & Đời Sống số 72 (2001:5, Nguyễn Lai)

[iv] * Xuất phát từ lý luận và khái niệm hiện có, qua suy diễn lô-gich hay suy dẫn toán học, qua sự tiếp xúc của các lý luận và khái niệm, người ta có thể thu được lý luận mới, dự kiến được sự thực mới. Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 7 (1960:50, Nguyễn Đăng Khê)

* Khi cái siêu hình đã hàm chứa cái lô-gich thì lại không còn là siêu hình nữa. Chu Lai (2009:251)

[v] * Và thành lập nhóm học tập về « lô-gích-toán », nhóm này đã bắt đầu hoạt động với sự tham gia của 10 cán bộ trường bạn. Tin Tức Hoạt Động Khoa Học số 5 (1960:36)

* Bởi vậy, từ địa vị giám đốc trường Cao đẳng quốc phòng ngụy, Vĩnh Lộc quay sang chân giữ vườn cho trường Cao đẳng Cơ đốc Mỹ, là đúng con đường « việt gian hóa... kiếp » rồi, là lô gích. Nguyễn Khắc & Lê Kim (1976:162)

* Nhưng bắt đền người nhà thì kém “lô gích” lắm. Nguyễn Công Hoan (2005k107)

* Và con quyết sống theo lôgích của con! Ma Văn Kháng (2003III:490)

* Vậy phải thay lô-gích bằng “từ Việt” nào thì chúng tôi thấy rất khó. An Chi (2006-1:173)

* Một thực tế dữ dội dẫn đến một ý thơ quyết liệt là điều phù hợp với lô-gích của nghệ thuật: Huỳnh Như Phương (2008:35)

* Cái lô gích sách lược này làm đầu tôi dịu đi được một ít. Trần Đĩnh (2014-1:259)

KMA (1977b:528), NQT (1992:235), LNT (1993:611), LPT (2001:689), HHT (2002:325), NKT (2005:968), HP (2006:580), TTA (2009:74)

No comments:

Post a Comment