Showing posts with label chiến tranh Đông Dương lần 1. Show all posts
Showing posts with label chiến tranh Đông Dương lần 1. Show all posts

Friday 24 May 2019

Sự kiện nhà văn Lan Khai mất tích (Lan Phương - Tạp Chí Sông Hương số 307)

15:29 | 18/09/2014
“Lịch sử không bao giờ lầm lẫn, nhà văn Lan Khai là người có công với nước”. Câu nói đó của Thiếu tướng Hoàng Mai đã khẳng định những cống hiến của Lan Khai đối với cách mạng và nền văn học nước nhà. Từ thành tựu sáng tác cho đến nhận định của các nhà văn, nhà báo tiền bối (Trần Huy Liệu, Hải Triều, Vũ Ngọc Phan...) về Lan Khai, chúng ta càng thấy tự hào về một con người, một nhà văn đáng kính đã làm trọn thiên chức của mình đối với dân tộc...
Sự kiện nhà văn Lan Khai mất tích
Ông Lan Phương, người con duy nhất còn lại của nhà văn Lan Khai
... Văn chương của Lan Khai thể hiện lòng yêu thiên nhiên, tinh thần dũng cảm chống đế quốc, phong kiến, lòng yêu thương đồng bào, tinh thần đoàn kết dân tộc... Tất cả làm nên bức chân dung rõ nét về một nhà văn yêu nước. Nhưng một thời gian dài di sản của ông bị khuất lấp, đến nay mọi điều đã sáng tỏ, Lan Khai lại hoàn nguyên. Tên tuổi của ông là niềm tự hào của quê hương Tuyên Quang và của nền văn học Việt Nam hiện đại”. 
                             (Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)



LAN PHƯƠNG

Sự kiện mờ ám làm nhà văn Lan Khai bỗng dưng mất tích trong năm 1945, bản thân gia đình chúng tôi cùng những người dân lương thiện, giới văn sĩ Bắc Hà, những nhà cách mạng chân chính không ai ngờ tới! Trước khi dẫn vào câu chuyện tôi xin lược thuật đôi điều liên quan đến vận mệnh của ông từ trước đó.

Năm 1940, bọn phát xít Nhật vào Đông Dương để hất cẳng thực dân Pháp đang cai trị dân ta, hòng lập nên một nền thống trị mới lâu dài ở nước ta và cả xứ Đông Dương. Trong nước, cả hai bọn Nhật, Pháp vào hùa với nhau bóc lột, dân ta sống trong cảnh “một cổ hai tròng”. Nhật cho lực lượng triển khai đi chiếm nhiều nơi, mãi sau mới chiếm đóng hẳn thị xã Tuyên Quang. Tuyên Quang là nơi có chiến khu bí mật của lực lượng cách mạng Việt Minh. Cha tôi ngày đó bị thực dân Phát xít bắt giam vì tội cho in cuốnLầm than, chúng gọi là “truyền đơn cộng sản”. Trong tù cha tôi đã viết bài Dòng huyết lệ gửi mẹ tôi mang cho chú Trần Huyền Trân báo cho anh em “Vũng Lương Sơn bạc” biết: Lan Khai còn sống! Trong đó có câu: “Tam Khuyển hoành hành nát giang san. Ý nói: ba con chó cướp bóc tàn phá Tổ quốc Việt Nam (Pháp, Nhật, bọn tay sai). Bọn cai thầu chủ mỏ ở Tuyên Quang rất thâm thù cha tôi, bởi cuốn sách Lầm than đã vạch rõ những tội ác và thủ đoạn bóc lột của chúng, bởi vậy đây cũng là lực lượng luôn tìm dịp để trả thù. Khi cuốn sách in ra, lão cai thầu đã tìm đến tận nhà đe dọa ông nội tôi: “Tôi nói cho gia đình ông biết: Không ai đảm bảo cho tính mệnh tên Nguyễn Đình Khải khi trở về đất Tuyên Quang này!”.

Trước năm 1930, cha tôi đã từng tham gia Quốc dân Đảng của ông Nguyễn Thái Học, là đồng chí của cả Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống, Khái Hưng và Trần Huy Liệu nữa... Nói như ông Tướng Hoàng Mai: “Đây là những người Quốc dân Đảng yêu nước chân chính khác hẳn với bọn Việt Quốc Việt Cách mang danh Quốc dân Đảng năm 1945”. Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo nhằm chống giặc Pháp. Tuyệt nhiên không phải là bọn giả danh Quốc dân Đảng Ôn Như Hầu năm 1946 sau này. Năm 1930 khi tổ chức Quốc dân Đảng bị bại lộ, Thực dân Pháp giăng lưới lùng sục khắp nơi để bắt các đảng viên của Đảng, trong đó chủ yếu là Phạm Tuấn Tài và Lan Khai ở khu vực Tuyên Quang. Thời ấy, có kẻ cho những người bị lùng bắt là “quân bạo loạn”. Năm 1945 - 1954, chúng tôi thấy ở Tuyên Quang một số ông Việt Minh vẫn gọi những người trong Quốc dân Đảng xưa là “Bọn Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài, Xứ Nhu”. Sau kháng chiến chống Pháp trở đi mới thấy họ phân biệt thế nào là Quốc dân Đảng và Việt Quốc, Việt Cách. Nhiều người trước đây không hiểu biết đã oán trách đến các vị cách mạng chân chính xưa. Mặt khác nữa, trước đó, có một số quan lại người Việt làm tay sai cho thực dân Pháp, chúng biết tiếng cha tôi là người có trình độ học thức khá, giỏi cả tiếng Pháp lẫn Hán văn nên đã gián tiếp cho người đến vận động dụ dỗ thậm chí còn đe dọa nhà văn, nhà giáo Lan Khai để ông ra làm việc cho chúng. Nhưng lần nào cha tôi cũng khôn khéo tìm mọi cách từ chối. Trong thâm tâm của ông rất căm thù bọn Pháp Nhật và Tàu ô vì chúng bóc lột, giết hại đồng bào mình. Mẹ tôi kể: Thời đó có kẻ đã tìm cách vận động hai bà mẹ tôi bảo cha tôi ra làm việc cho Tây, Nhật, đại để những câu như: “Có học vấn như ông Lan Khai, sao các bà lại không để chồng ra làm quan, mà lại lam lũ vất vả kiếm ăn ở cái xó chợ Xuân Hòa này mãi!”. Mẹ tôi đều trả lời: “Ông Lan khai nhà tôi yếu đau bệnh tật chỉ biết viết văn, dạy học, vẽ vời kiếm sống thôi! Các ông hãy đi tìm chỗ khác”. Cha tôi cũng luôn tìm cách lánh mặt, từ chối những ông chánh, ông Lý tới nhà vận động làm quan. Đồng thời cha tôi cũng tìm mọi cách cho anh em chúng tôi trốn tránh quân dịch của bọn Pháp Nhật. Cho nên khi anh em tôi Lan Hương 19 tuổi, Lan Phương 18 tuổi mà vẫn thoát khỏi việc bắt lính của Tây và Nhật. Thoát khỏi nhà tù, cách mạng bùng nổ, cha tôi nói: Tất cả gia đình ta phải tham gia đuổi thực dân phát xít và tay sai! Tùy theo sức lực mỗi người trong gia đình chúng tôi đều hưởng ứng khởi nghĩa; anh cả tôi cầm mã tấu lên chiến lũy, hai người mẹ tôi đun nước nấu cơm tiếp tế cho tự vệ; cha tôi tham gia vào chính quyền mới.

Trước đó, tôi từng chứng kiến có lần bọn tay sai lần mò đến gạ gẫm, rồi dọa nạt cha tôi yêu cầu ông ra làm việc cho chúng, chúng sẽ chu cấp cho nào là đủ tiền, gạo và gái đẹp v.v. Ông bình tĩnh đáp: Tôi chỉ có một nghề cầm bút viết văn, bàn tay trói gà không chặt thì làm sao đủ sức, đủ tài ra làm quan như các ông, gánh cái việc trị dân ấy được! Xin các ông cho được sống yên ổn. Theo những kẻ cơ hội thời bấy giờ: Ông Lan Khai tuy có tài năng học vấn nhưng là người “dại dột”, “kém thức thời”?! Kiên trì dụ dỗ, ve vãn, dọa nạt mãi không được nên chúng tỏ ra thù ghét ông. Hai bà mẹ tôi còn kể lại: có kẻ lên tiếng phỉ báng: “Người ta đến mời làm quan lại không làm, ông này có nhiều chữ nghĩa mà dại dột!” Nhưng khi cách mạng bùng nổ, Nhật bị bao vây, đầu hàng thì chính mấy tên này lại hung hăng cầm mã tấu hô hét xông vào đòi chém hàng binh mà những anh tự vệ chính hiệu lại phải can chúng lại. Duy cha tôi thì biết mặt từng tên. Do vậy chúng luôn né tránh cha tôi trước công chúng và tìm cách hại ông. Mẹ và cô tôi kể: trong số chúng, có kẻ trước thì theo Pháp, khi Nhật tới thì theo Nhật, cách mạng nổi lên thể Pháp Nhật suy yếu lại chạy sang lực lượng những người cách mạng. Bọn chúng khéo léo ngụy trang, tạo vỏ bọc, che đậy lai lịch, nguồn gốc để chui luồn vào hàng ngũ Việt Minh. Lúc bây giờ, ở Tuyên Quang, những người kiểu như vậy không phải ít. Cha tôi lại là người biết những kẻ nào là Việt gian cơ hội, nên khi cách mạng thành công rồi, chúng rất sợ cha tôi phát giác. Việc tàng trữ và phát hành báo cấm (Cứu quốc, Cờ giải phóng) của Lan Khai, chắc không thể qua mắt bọn Việt gian cơ hội đó. Về phía kẻ thù thì cuốn Lầm than năm 1938 đã làm cho cả bọn Pháp và tay sai người Việt một phen đau đầu, hoảng loạn. Ngoài việc bỏ tù ông, đó còn là cái cái cớ để chúng thúc ép ông, dọa nạt ông, nhưng chúng đều thất bại. Theo tôi nghĩ, bây giờ và mãi mãi về sau, bọn cơ hội ở đâu cũng có. Những người trung lương, tâm huyết với đất nước, với dân tộc đều biết cả, nhưng ít ai dám vạch mặt chỉ tên bọn chúng cho bàn dân thiên hạ biết. Bởi bản thân chỉ là một thường dân, bên mình bao thế mạnh khác khôn lường được. Ngày đó giữ cho thân mình an toàn đã khó lắm rồi! Sự thực bấy giờ, trong những người tham gia vào lực lượng cách mạng phần đông là những người chân chính, sống có lí tưởng và hành động cao đẹp vì quốc gia dân tộc, nhưng trong đó cũng không thiếu kẻ cơ hội tà tâm.

Từ khi Nhật khởi chiến đến lúc hạ thành, thực dân Pháp phải đầu hàng chỉ mất khoảng nửa tháng. Cơ hội cho bọn tiểu nhân trả thù, hãm hại cha tôi đã đến (lúc này đã có một số tên Việt gian nằm trong hàng ngũ Việt Minh). Chúng diễn rất khéo vài cơ hội của mình trên sân khấu chính trị. Khi cần thì miệng cũng hô đả đảo phát xít, nhưng khi phát xít mạnh lại dẫn lối đưa đường cho phát xít hại người mình. Cha tôi khi đó biết rất rõ ai làm tay chân cho Tây Nhật, lúc nào “thay áo” cầm mã tấu quay sang lực lượng Việt Minh. Trước đó, có kẻ đã rình mò, đánh hơi thấy trong quán sách Lan Đình của cha tôi có tàng trữ báo của Việt Minh (Báo Cứu Quốc, Cờ Giải phóng  Việt Nam độc lập do Hội Văn hoá Cứu Quốc giao nhiệm vụ từ 1943) mới dẫn đến thảm kịch bọn Nhật ập vào khám nhà và bắt giam ông. Kể cả ngay sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, cha mẹ tôi từng điểm mặt ai là những con rắn lục. Nên việc diệt trừ đầu mối là việc làm cần thiết đối với bọn lưu manh chính trị, núp sau danh nghĩa quần chúng hay vào vai tự vệ cách mạng.

Sau đây tôi sẽ kể lại những sự kiện chính về những ngày tiền khởi nghĩa và cái chết mờ ám, oan khuất của cha tôi:

Chuyện xảy ra trong một đêm đầu mùa hè, năm 1945. Sau khi đã cơm nước xong, vào khoảng 7 giờ tối, cả nhà vẫn còn ngồi chuyện trò hóng mát, chưa một ai đi ngủ bởi quá nóng bức. Tôi ngồi mải đọc cuốn truyện kiếm hiệp Long hình quái khách vì sáng mai phải trả, mãi tận khuya mới cùng cả nhà đi ngủ. Vào khoảng quá nửa đêm, không gian tĩnh mịch, mọi người đang mơ mơ màng màng, nửa ngủ nửa thức, thì đột nhiên, tiếng đập cửa đánh rầm một cái, nghe thật chát chúa, khác hẳn những tiếng gõ cửa bình thường. Thấy lạ, cả nhà tỉnh giấc, nằm im trên giường nghe ngóng, chờ đợi... Linh tính báo tôi biết sẽ có một tai họa chẳng lành giáng xuống đầu gia đình mình đây!

Được một lát sau, cả nhà tôi chưa ai dám lên tiếng thì lại tiếp một cú đập nữa, mạnh hơn, dữ dội hơn lần trước, làm cả nhà bật dậy. Chúng tôi nghe một tiếng quát thật to: Nhượng Tống đây, mở cửa! Nghe xưng danh là vậy nhưng giọng nói lại không phải. Tôi vội đặt câu hỏi trong óc: Đêm hôm khuya khoắt thế này, sao ông ta lại ở đây làm gì? Trong nhà tôi chưa một ai kịp định thần đáp lại, thì bất thình lình lại nghe một tiếng rầm nữa thật to, làm rung chuyển cả nhà cửa, tức thì cánh cửa bật mở tung ra. Thì ra, bọn hiến binh Nhật đã nổi xung, dùng báng súng đập phá cửa, không cần chờ đợi người nhà tôi ra mở. Liền đó là một toán lính, chừng ba tên, tay lăm lăm cầm súng cắm lưỡi lê sáng loáng, lầm lì, im lặng ùa vào nhà. Tiếp đó, một tốp khác gồm bốn tên cũng cầm súng cắm lưỡi lê sáng quắc, trông thật rợn cả người, theo chân tốp trước hùng hổ xông vào nhà. Trong tốp này, tôi trông thấy một tên hạ sĩ quan, mắt nó đeo kính trắng.

Mẹ tôi hoảng quá, từ trên giường nhảy đại ngay xuống đất, định chạy ra khỏi nhà nhưng bị ngay một tên trong toán đầu, lấy báng súng gạt bà ngã sóng xoài ra đất và nó quát to gọi tên cha tôi: Lan Khai đâu? Cũng ngay lúc đó, cả hai tên còn lại trong tốp ấy, đã chạy thẳng đến bên cái giường mà chúng nghi có cha tôi nằm đó. Chúng lấy báng súng gạt hai cánh màn lên, thấy ông, thế là chúng hè nhau kéo ông ngồi thẳng dậy, đẩy ông xuống đất rồi trói nghiến hai tay ông lại và giải ông đi ngay cùng với tên lúc trước quát gọi tên cha tôi. Tôi nằm tại giường bên nên kịp thời quan sát, theo dõi kĩ mọi hành vi, cử chỉ điên cuồng, dã man của bọn chúng và đã nhận ra là, trong số lính của cả hai tốp, thì đa phần là người Việt đi theo nhưng vận quân phục lính Nhật, chỉ có hai tên và tên sĩ quan trong cả bọn mới là lính Nhật thực sự mà thôi.

Sau khi ba tên tốp đầu đã giải cha tôi đi khỏi nhà rồi, thì số bốn tên còn lại, theo sự chỉ huy của tên hạ sĩ quan, đi lục lọi khắp nhà, bới tung lộn tùng phèo mọi thứ để tìm tang vật. Chúng liên mồm quát lác vừa đấm đá vừa doạ nạt mọi người: Sách báo Việt Minh đâu? Báo cấm giấu ở đâu? Nhanh khai ngay không chúng tao giết hết, đốt nhà bây giờ! Hơn một tiếng đồng hồ sau, không thấy gì nghi vấn nữa, chúng xì xồ bảo nhau kéo ra khỏi nhà để lại gia đình tôi một nỗi kinh hoảng, ngơ ngác, chẳng ai hiểu mô tê gì!

Sau vụ kinh hoàng ấy, chừng ba ngày sau, bỗng nhiên bọn chúng lại kéo đến nhà tôi một tốp gồm ba tên, trông có vẻ ít dữ dằn hơn những toán đến trước (trong tốp này, tôi vẫn trông thấy tên hạ sĩ quan đợt trước) còn hai tên trong bọn là người Việt, tất cả cũng đều mặc quân phục lính Nhật. Hai tên người Việt đi theo cùng khênh một túi gạo, ước khoảng 70 kilô gì đó. Chúng mang thẳng vào nhà tôi. Khi đã vào trong nhà cả rồi, tên hạ sĩ quan mới xổ ra một tràng tiếng Nhật. Tiếp luôn, một trong hai tên đi theo làm thông ngôn, dịch lại câu nói của tên sĩ quan, đại để thế này: Bà nhà không phải sợ hãi gì cả, nước đại Nhật Bản chúng tôi không bao giờ làm hại ai vô cớ khi người ấy không hề có tội! Nay chúng tôi cần phải giữ ông nhà ít bữa để xét hỏi ít chuyện, khi xong công việc mà thấy ông không có tội gì, chúng tôi sẽ lại thả ông về nhà ngay! Vậy bà và gia đình yên tâm chờ đợi, không được hoang mang gì cả. Nghe chưa! Phiên dịch xong câu nói đó là cả bọn lẳng lặng đặt cái túi gạo ấy lại rồi kéo nhau ra khỏi nhà tôi, đi thẳng, chẳng hề nói thêm câu nào nữa.

Đứng trước một sự thật bất ngờ quá sức tưởng tượng, trong lúc ông nội tôi tuổi già, lại đang bệnh tật, hai mẹ con tôi, phận đàn bà chân yếu tay mềm, còn mấy anh em, người thì mới qua tuổi vị thành niên, người còn nhỏ dại, thật không còn đường nào khác hơn là đành phải im lặng, nhẫn nhịn, cúi đầu trước cái việc bạo tàn xảy ra ngay trước mắt đó! Nay, đã trở về già, đủ khả năng để suy ngẫm, tôi nghĩ đi nghĩ lại về việc ấy (Sao mình không đánh lại chúng? Nếu đánh chúng ngay có khi sẽ bị hại cả nhà?), mới nhận thấy thái độ của mình lúc đó là hèn yếu, nhưng sự thực cũng không thể làm gì được...

Còn nói về cái túi gạo kia xuất hiện bất ngờ trong cảnh tượng ngoài đường nhiều người đang chết đói. Có đứa trẻ ngậm nhai vú người mẹ đã chết nằm đắp chiếu manh. Nguồn sống gia đình cạn kiệt. Túi gạo thật hấp dẫn, khi gia đình tôi lúc đó: ông nội bệnh tật, lại phải thiếu nhịn lâu ngày, chúng tôi bữa đói bữa khát thất thường, củ khoai, củ sắn trong nhà cũng hết, cọng rau ngoài vườn cũng chẳng còn, trong nhà không còn một đồng xu... Mặc dù vậy, nhưng mấy ngày liền không ai dám sờ mó gì vào túi gạo. Đúng lúc gia đình hết mọi cái ăn, chồng bị bắt bớ đày đọa, không biết sống chết ra sao? Mãi tuần sau, thương cha chồng, thương con, mẹ tôi đánh liều lấy gạo đó thổi cơm cho cả nhà ăn.

Có thể, cũng bởi cái sự kiện bất đắc dĩ ấy cùng với sự cạn nghĩ của mẹ tôi mà sau đó làm cho một số kẻ dòm ngó, ác khẩu đặt điều, cả gia đình tôi phải điêu đứng về sau này... Cả nhà tôi luôn hi vọng, ngày một, ngày hai là bọn Nhật sẽ thả cha tôi về, nhưng rốt cục là chúng tôi hi vọng hão.

Bọn phát xít Nhật tìm mọi cách vừa tra tấn vừa mua chuộc cha tôi không được nên chúng đem giam giữ, cùm kẹp ông, ngày đêm canh gác, đe dọa hòng lung lạc chí khí của ông. Cha tôi suốt mấy tháng liền bị cùm trong trại Nhật, chúng không khai thác được gì, mãi tới ngày phát xít đầu hàng đồng minh, trước tổng khởi nghĩa tháng Tám chừng nửa tháng gì đó, tưởng cha tôi chết chúng mới kéo cha tôi vứt ra ngoài trại, đúng lúc lực lượng Việt Minh đang ráo riết chuẩn bị khí tài, chờ thời cơ để công đồn, cưóp chính quyền.

Như tôi thường kể, cha tôi vốn dĩ người nho nhã, thư sinh, lại có bệnh suyễn mãn tính lâu năm luôn hành hạ nên làm gì có sức đế mà chống chọi với ngục tù. Vì vậy, sau mấy tháng bị giam, khi được thả ra trông ông tiều tụy vô cùng. Mặt mày thâm tím, sưng vù, quần áo rách bươm, máu và phân, nước tiểu rây ra khắp mình. Gia đình tôi và những người tốt bụng đã kịp đưa tấm thân tàn của cha tôi ngoài cổng trại giam về nhà. Ông lê từng bước khó nhọc. Đôi mắt của ông rực lửa căm hờn. Tôi nghĩ mà xót thương cho cha và cứ vẩn vơ trong đầu câu hỏi: Cớ sao loài người cứ phải độc ác với nhau như vậy? Ai đến thăm cũng lắc đầu: ông Lan Khai chắc không thể nào qua khỏi. Ai cũng nói: chắc chắn có kẻ chỉ điểm làm cái việc bất lương kia, chúng không còn có tính người! Gia đình tôi, những công dân lương thiện, chuyên làm nghề nhân đức, không gây thù chuốc oán với ai, vậy mà bỗng dưng bị hãm hại?! Nhớ lại, cái hình ảnh của cha tôi ngày ấy, thể như cây sắt nung đỏ luồn sâu vào tâm khảm của tôi một ấn tượng đau đớn, hãi hùng theo suốt cuộc đời, lòng căm thù vô hạn đối với bọn bất lương! Số phận cha tôi cũng như bao người trung lương, kiên trinh khác, đều phải trả giá như vậy trước bàn tay của bọn thực dân Phát xít và tay sai.

Những ngày sau khi quân Nhật thả cha tôi ra, ông quá yếu, làm cho ông nội tôi đang ốm nhưng buộc phải vào cuộc vì cái việc cực chẳng đã xảy ra với người con trai yêu quý duy nhất của cuộc đời cụ. Ông tôi đã thuốc thang chăm sóc, chạy chữa cho cha tôi nhanh chóng hồi phục. Cả nhà tiếp tục phải dè xẻn, tiết kiệm hơn nữa tiền của, mong sao cho cha tôi mau chóng khỏe lại. Bởi cha tôi mà có mệnh hệ gì thì cả gia đình biết trông cậy vào ai lúc này. Ông là trụ cột của gia đình. Mãi gần nửa tháng sau, sức khỏe cha tôi mới khá lên được một tí. Cả nhà tạm thời an tâm. Cha tôi mới bình tĩnh kể lại thật tỉ mỉ về những ngày tháng ông bị giam cầm, bị hành hạ, đánh đập trong đồn binh Nhật như thế nào... Cứ mỗi lần đi đánh Việt Minh bị thua trận là y như rằng, khi về, chúng lôi đám tù nhân vô tội ra tra khảo, đánh đập thả sức cho hả bớt cơn tức giận, theo lối giận cá chém thớt. Bọn Nhật đóng quân ngay ở đồn binh Pháp trước đây. Nơi này, xưa là thành Nhà Mạc, được xây dựng rất kiên cố, tường bằng đá ong cao 4 m, chiều dày của tường trên 1 m, xung quanh có hào sâu bao bọc, trong chính giữa tòa thành cổ có một quả núi đất, gọi là núi Thô Sơn. Cha tôi bị chúng giam tại đây. Bọn Nhật tưởng có thể nuốt trôi khu căn cứ cách mạng của ta ở Tân Trào nhưng không ngờ lực lượng Việt Minh đánh cho thất bại. Chúng tức khí nên đánh tù nhân, trong đó có cha tôi. Ông là tù nhân đầu tiên bị chúng hành hạ dã man hơn cả, bởi cái tội: không chịu khai ra nguồn báo cấm, không chịu khuất phục, không đồng ý họp tác với Nhật, chống lại mọi âm mưu mua chuộc, dụ dỗ của chúng.

Ông kể, có một lần quân Nhật, về tới trại, chúng liền lôi ông và các tù nhân ra đánh đập. Khắp người ông, máu me loang lổ. Sau đó, chúng còn lấy dây thừng đem trói chặt hai cổ tay lại với nhau, rồi mang phơi nắng cho sợi dây săn lại. Chúng lại dội nước cho sợi dây nở ra. Bị dây thắt chặt, hai bàn tay tụ máu, xưng vù, hai cổ tay ông trông như sắp đứt rời ra. Chúng phơi nắng ông suốt cả ngày, tới gần tối mới lôi ông vào nhà giam. Buổi trưa hôm đó, ông phải cắn vỡ chiếc nhẫn đen bằng hạt huyền (kỉ niệm quý của ông) vì ngón tay xưng to quá như quả chuối mắn. Đau đớn quá mức, không chịu nổi, ông đã cố lê đến miệng cống nước thải, định dìm đầu mình xuống cho tắt thở, chết đi để khỏi phải chịu nỗi đau đớn quá sức này. Suy nghĩ lao lung mãi, khi bình tâm trở lại, ông đã gạt bỏ suy nghĩ mà ông cho là hèn nhát ấy. Cuối cùng, ông nghĩ cần phải sống, có thời cơ rồi sẽ có ngày ra khỏi nơi địa ngục trần gian này. Tự tử là sự hi sinh vô nghĩa trong lúc này! Ông sẽ làm cho cha già, vợ con thêm đau khổ. Song giả sử, ngày ấy cha tôi bị tra tấn mà chết trong trại giam thì có lẽ lại được tiếng khen là: chết oanh liệt! 

Cùng thời gian bị bọn Nhật giam giữ trong trại tù, ông đã ra tay làm một hành động nghĩa hiệp. Theo phương ngôn xưa của tiền nhân dạy: Thương người như thể thương thân nhưng chính ông lại rơi vào cảnh: Thương người thì hại đến thân! Cha tôi đã vận dụng kiến thức và mưu trí để cứu giúp hai cán bộ Việt Minh đang bị giam giữ cùng buồng với ông. Bản thân ông không hề quen biết hai người ấy bao giờ. Ông đã cứu họ thoát khỏi trại giam của phát xít Nhật vào trước ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 để họ tiếp tục tham gia đấu tranh cách mạng. Vì tế nhị và cẩn tắc, cha tôi không hỏi han lai lịch gia cảnh, quê hương của họ (vì cha tôi đã có kinh nghiệm đi hoạt động từ trước 1930). Nhưng biết chắc họ là hai cán bộ Việt Minh qua cử chỉ họ đã tiết lộ cho cha tôi biết: Họ đang làm công việc đánh Tây đuổi Nhật. Sự kiện ông Lan Khai cứu hai tù nhân Việt Minh về sau nhiều người còn nhớ, nhưng chúng tôi không biết rõ hai tù nhân vượt ngục đó tên là gì, còn sống hay đã mất. Nếu họ còn sống, họ có bao giờ nghĩ đến ông, người đã liều mạng ra tay giúp họ? Sự việc cha tôi cứu hai người Việt Minh nọ, có lẽ cũng liên quan đến sự thác oan của cha tôi. Xin lưu ý với quý vị: Nơi bọn Nhật giam giữ tù nhân, trước kia vốn là trại lính lê dương của Pháp, nó được thiết kế để dùng làm chỗ ở cho binh lính, chứ không phải để giam tù nên các chấn song cửa sổ đều làm bằng gỗ lim đen bóng trông như sắt. Đến lúc Nhật thắng Pháp, chiếm giữ được đồn rồi cũng lại lấy đây làm nơi cho bọn lính của chúng ở. Khi bắt người của ta trong những trận càn quét về, chúng lấy mấy căn buồng ấy làm chỗ giam giữ tù nhân. Cha tôi kể: “Trước lúc giam giữ, do vội vã nên bọn Nhật không kiểm tra kĩ, vì thế không phát hiện được chấn song làm bằng gỗ. Lợi dụng điểm này, tôi nghĩ ra kế sách vượt ngục cho mình. Nhưng xét kỹ: Nếu mình thoát được thì hai anh Việt Minh sẽ bị giết và cả nhà ta sẽ bị trả thù ngay lập tức!”. Sau suy nghĩ lại, cha tôi chuyển hướng kế hoạch chỉ giải thoát cho hai người Việt Minh. Trước thời điểm diễn ra phi vụ ấy, thường ngày cha tôi đều đứng ở gần cửa sổ, để tâm quan sát xung quanh hiện trường, nghiên cứu quy luật của bọn lính canh. Những hôm mẹ tôi được phép vào thăm, mang cơm nước cho ông, ông dặn mẹ tôi lưu ý, thì phải nhớ kĩ lấy một lưỡi dao nhỏ bằng thép thật mỏng, thật sắc, rồi cho vào trong nắm cơm, ngụy trang cho cẩn thận để ông lấy đó làm công cụ cho việc cắt chấn song. Công việc này, mẹ tôi làm đúng như lời ông dặn. Bà làm được cả thảy hai lần trót lọt. Vậy là, trong tay cha tôi đã có hai lưỡi dao thép sắc bén. Cắt được chấn song, khi ra ngoài sẽ theo đường cống thải để thoát thân (lỗ cống cái ở ngay trong trại, có lần cha tôi đã định nhờ nó mà tự sát). Ông bàn bạc với hai người ngay trong buồng giam về hoàn cảnh gia đình, vợ con và cha già của mình, cả ấn tượng tốt đẹp của mình đối với hai người cùng ý đồ giúp họ trốn thoát ra ngoài nhanh đế tiếp tục hoạt động. Còn ông không thể ra đi cùng họ được vì ông trốn được bọn chúng sẽ không tha những người thân ở cách trại giam chưa đầy một cây số.

Lợi dụng một đêm mưa to, gió lớn, ngoài trời tối hơn thường ngày, cha tôi đã nhẹ nhàng, khéo léo, lấy lưỡi dao, cẩn thận cắt tiện từng tí một những chiếc chấn song trong khi mọi tù nhân khác đang say sưa ngủ vì có cơn mưa mát mẻ. Vừa cắt tiện, ông vừa lắng tai nghe mọi động tĩnh trong, ngoài. Cứ thế, lần lượt ông cắt được hai, ba chiếc, vừa đủ thân người chui lọt. Xong việc, ông phi tang cả hai lưỡi dao và các mảnh gỗ vụn ra ngoài trời mưa cho nước chảy trôi đi. Mãi tới khi trời tờ mờ sáng thì mọi dự định mới được xong xuôi như mong muốn. Rất may không bị lộ. Liền ngay sau đó, ông khẽ khàng lay tỉnh hai người Việt Minh kia dậy, rồi thì thầm vào tai họ nhũng chi tiết của kế hoạch vượt ngục. Mặc dù bữa trước đã bàn và nhất trí với nhau rồi. Nhưng mãi tới lúc bấy giờ, họ mới thực sự hiểu rõ mọi sự trù tính của cha tôi mà không khỏi lắc đầu thán phục về mưu trí và lòng nhân ái của ông. Họ xúc động và rủ ông cùng trốn thoát ngay đêm ấy. Tiếc rằng, sức khỏe của cha tôi suy kiệt bởi những trận đòn tra tấn dã man, lại còn số phận của gia đình nữa. Trời sắp sáng đến nơi, sợ bọn Nhật phát hiện bắt lại thì sẽ liên lụy đến cả họ, cái kế hoạch vượt ngục kia đã mất bao công lao ngày đêm suy tính sẽ công toi. Vả lại nếu ông có trốn thoát được thì bọn Nhật sẽ trả thù gia đình, nơi có cha già và vợ con ông. Vì ông mà người thân sẽ khổ. Vậy là, ông từ chối đề nghị của hai người cán bộ Việt Minh và giục họ đi cho kịp trước khi chúng phát hiện ra còn mình ở lại chịu hậu quả về sau... Hai người còn ghé tai cha tôi dặn kĩ: Khi nào chúng tôi thoát đi xa rồi, ông nhớ kêu to: “Tù trốn! Tù trốn!”. Nếu không khi chúng biết, chúng sẽ xả súng bắn hàng loạt vì cho tù đồng mưu giải thoát như ở một số căn trước đó.

Cảm phục tấm lòng hi sinh của cha tôi, cả hai người xúc động nhìn cha tôi rồi cúi đầu bái biệt ra đi dưới trời mưa to, sấm chớp.

Cha tôi ngồi nhẩm tính thời gian và biết chắc là hai người kia đã chui qua cống ra tới bờ sông Lô đi xa rồi. Lúc ấy, ông mới vờ như người vừa chợt tỉnh giấc và phát hiện ra có tù xổng, ông giả đò kêu: “Tù trốn!” cho bọn lính canh biết là có tù bỏ trốn. Nếu không nhanh trí như vậy mà để đến sáng bạch ra bọn chúng biết có tù trốn mà trong phòng giam không ai biết, thì lập tức, chúng sẽ đem bắn sạch tù nhân ngay.

Nghe tiếng có tù xổng, và khi biết đó lại là hai người cán bộ Việt Minh quan trọng làm cho bọn lính hoảng sợ, vì quan trên sẽ trừng phạt. Chúng nháo nhác truy lùng khắp nơi, trong và ngoài trại. Lẽ tất nhiên, chúng không thể tìm thấy vì họ đã vượt quá xa sang bên kia bờ sông, nơi đắc địa của Việt Minh rồi.

Chúng lùng sục chán chê không thấy đâm ra hậm hực, điên cuồng. Thế là đám tù nhân vô tội ở trong cái buồng giam ấy (gần hai chục sinh mạng) đều bị lôi ra ngoài hứng chịu một trận đòn thù vô cùng khủng khiếp, dã man, tàn bạo chưa từng thấy. Cha tôi cũng bị đánh ngất đi trong số tù nhân đó. Đó là câu chuyện cứu tù của cha tôi kể lại, sau những ngày đang hồi phục và mẹ tôi cũng là nhân vật tham gia hỗ trợ gián tiếp vào cuộc vượt ngục táo bạo này. (Về quá trình thâm nhập vào trại giam Nhật, mẹ tôi sẽ kể sau). Một cảnh tượng đau thương và xúc động, hơn nửa thế kỷ qua thường xuyên sống lại trong tôi. Khi nghe tin cha bị hành hạ có lẽ không qua khỏi, mẹ tôi và mấy anh em tìm cách vào thăm ông. Qua song cửa nhà tù thấy một tấm thân bết máu chỉ còn da bọc xương, cha tôi cố lết lại chấn song thì thầm vào tai mấy anh em: “Bằng mọi cách không cho chúng bắt vào binh dịch. Dù trong hoàn cảnh nào, các con nhớ: Hãy một lòng trung lương với nước như cha ông mình đã sống!”. Hai hốc mắt người như xói vào trái tim tôi hơn 60 năm qua nhiều đêm chợt giấc tôi vẫn gặp. Rất tiếc, cha tôi đã bị bọn nặc danh hãm hại, giờ đây nếu còn sống, tôi tin chắc ông sẽ viết những tập tiểu thuyết dày kể về tội ác của bọn phát xít, việt gian phản động, bọn quỷ đội lốt người!

Có một nguyên nhân nữa, mà là nguyên nhân chính liên quan đến cái chết oan khuất của cha tôi. Sau khi tra khảo, đánh đập và dụ dỗ cha tôi không được, bọn Nhật buộc phải thả ông ra. Mặt khác do đội quân Quan Đông thiện chiến của chúng dồn dập bị thất bại và đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. Nhân cơ hội ngàn năm có một này, lực lượng quân cách mạng do Việt Minh lãnh đạo đã chớp thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tình thế cấp bách và vô kế khả thi, cực chẳng đã, bọn Nhật buộc phải thả tất cả các tù nhân chúng giam giữ ra khỏi trại, chứ không phải thiện ý gì. May sao, trong số đó có cha tôi còn sống sót.

Như trên tôi đã kể: Nhân dân khu vực gần gia đình tôi đều biết rất rõ về cha tôi. Ông không những là một nhà văn nổi tiếng, một nhà giáo, một trí thức nhân hậu, khiêm nhường, luôn đồng cảm với nỗi đau khổ, vất vả, cực nhọc, nghèo túng của lớp người lao động lương thiện. Cha tôi có thói quen sống thân thiện, hay giúp đỡ người nghèo, coi trọng những phẩm chất tốt đẹp ở họ, chống lại áp bức bất công. Tất cả nhân dân trong vùng rất kính nể ông, nhiều người vẫn gọi cha tôi là Thầy. Khi chính quyền về tay nhân dân, họ đồng loạt đề cử ông làm người đại diện cho chính quyền sở tại khu phố Xuân Hòa cũ (làm Chủ tịch Ủy ban Lâm thời). Cha tôi hồn nhiên nhận nhiệm vụ của chính quyền và ủy ban lâm thời trao. Trong buổi họp ở đình Xuân Lôi, cha tôi ra sức kêu gọi mọi người “nhường cơm sẻ áo, phòng gian bảo mật, giúp đỡ chính quyền xây đời mới; đề phòng quân Tàu ô sắp kéo vào thị xã v.v”... Phải chăng đây cũng là một tai họa cho người trí thức trong buổi đầu cách mạng còn non trẻ. Dưới con mắt của bọn Việt gian đội lốt cách mạng đây lại là mối họa của chúng. Nên không hiếm kẻ một mặt xum xoe nịnh bợ một mặt ngấm ngầm tìm cách hãm hại cha tôi, mà vị chủ tịch khu phố Xuân Hòa tỉnh lị Tuyên Quang không lường hết được! Cách mạng là đổi thay tất cả, trong đó có con người. Người xấu sẽ chuyến hóa thành ngươi tốt! Đó là “bệnh thật thà” trong suy nghĩ của những người tri thức bấy giờ.

Chính vào cái giờ phút mà cả tôi và ông ngộ nhận, tưởng như đấy là cái vinh hạnh được mang sức tài, tâm huyết để phục vụ bà con nay vừa tới. Gia đình tôi có ngờ đâu, đó là khởi đầu cho nhũng tai bay vạ gió đang từ từ chờ thời là chụp xuống đầu ông. Tôi có linh cảm như vậy nhờ xâu chuỗi tất cả các sự kiện xảy ra đối với cha tôi! Đó cũng là cái bi hài kịch, tôi đọc thấy một nhà văn Pháp đã nói: “Khổ vì có trí tuệ”!

Cái công việc tưởng là vinh hạnh ấy của cha tôi bỗng dưng biến thành trò ảo thuật, làm cha tôi mất tích, không còn để lại dấu vết gì từ bấy đến nay. Ngay trong thời gian ấy, chúng tôi, những thân tín của ông chỉ toàn nghe thấy những lời đồn thổi thật ghê sợ, theo kiểu dã man thời trung cổ. Nào là: nhà văn đã bị một bọn côn đồ nào đó giấu mặt, bắt cóc ông rồi mang vào rừng sâu khảo tra, đánh đập cho tới lúc chết và vùi xác đâu đó trong bạt ngàn lau lách cho mất tung mất tích đi. Nào là: ông bị bọn nặc danh đảng phái nào đó bắt cóc rồi đưa ông vào giọ, buộc đá lăn xuống sông như tên vua Ngọa Triều đã từng làm với nhân dân thời xưa mà sinh thời cha tôi đã viết trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Cái hột mận. Thì nay, thời đại văn minh, chính nhà văn lại bị rơi vào cái bi kịch dã man!... Thôi thì, lắm lời đồn thổi thật là ghê sợ. Nhiều lời đồn lắm, chúng tôi chẳng biết tin vào đâu! Đến chú Ngọc Giao khi quá xúc động, nghe mẹ tôi kể lại trong cơn hoảng loạn cũng nghe lầm chuyện đó??? Câu chuyện về một người bị bắt bỏ giọ trôi sông, tuy không phải cha tôi nhưng cũng là điều có thực mà mẹ tôi đã thấy ở một trường hợp khác.

Dù thể nào thì tất cả những lời đồn thổi ấy chẳng có gì là chứng cứ xác thực cả. Bất ngờ vào mấy tháng, sau khi sự kiện xảy ra, cả nhà tôi được tin ông qua một lá thư bí mật của ông gửi từ nơi rừng sâu Việt Bắc về. Ông gửi được hai lần, mỗi lần cách nhau hơn một tháng gì đó. Về sau, và mãi mãi chúng tôi không còn được nhận thư của ông nữa. Ông đã vĩnh biệt ngàn thu! (Mãi gần đây, vào năm 2003, gia đình tôi mới may mắn gặp được một người tin cậy, vốn là một vị sĩ quan cao cấp trong ngành an ninh cho biết: Tôi đã từng quen biết nhà văn Lan Khai từ thời tiền khởi nghĩa. Mặc dù ông ấy không phải là đảng viên cộng sản, nhưng tán thành chủ trương đánh Pháp đuổi Nhật của mặt trận Việt Minh. Tôi còn biết rất rõ Lan Khai bị Tây bỏ tù vì viết cuốn Lầm than. Khi đến An toàn khu làm nhiệm vụ, tôi được tin nhà văn Lan Khai bị một tên côn đồ nào đó ám sát (bắn bằng súng lục) chứ không phải là Việt Minh giết hại. Mặt trận Việt Minh không hề có chủ trương giết hại Lan Khai! Đây là tin của quần chúng báo cho cơ quan an ninh quốc gia lúc bây giờ, khi cơ quan của chúng tôi đóng ở bản Lũng Cò, xã Minh Thanh thuộc huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Còn về chính trị ông cho biết: Trong hồ sơ lưu trữ ở Bộ Công an, do tôi theo dõi, ông Lan Khai không hề tham gia vào bất cứ tổ chức phản động nào dù là Quốc dân đảng (bọn Việt Quốc, Việt Cách) hay đảng của Pháp, của Nhật). Không có một tài liệu nào, cá nhân nào nói ông Lan Khai tham gia vào tổ chức phản động suốt từ đầu kháng chiến chống Pháp đên sau này. Các tin tức từ trong nhân dân cũng như thế. Đây là điều chắc chắn! Một thông tin quan trọng nữa, ông cho biết: Thời kỳ tiền khởi nghĩa, theo yêu cầu của thượng cấp Mặt trận Việt Minh, có lần tôi cùng ông Lê Quang Đạo tới nhà ông Lan Khai (khi đó ở gần khu phố Cửa Nam, Hà Nội) để mời ông tham gia vào Hội Văn hóa cứu quốc của Việt Minh nhưng hôm ấy không gặp vì Lan Khai đi vắng, nhưng bà vợ ông ở nhà, chúng tôi gửi bức thư hẹn gặp lại và mấy ngày sau đã gặp được ông... Khi kết nạp Lan Khai vào Hội Văn hóa cứu quốc, ông Lê Quang Đạo đã giao nhiệm vụ cho ông Lan Khai phát hành báo chí bí mật và tuyên truyền cho Việt Minh. Ông Lan Khai đã nhiệt tình nhận nhiệm vụ này và trực tiếp phát hành báo chí bí mật của Việt Minh. Ít lâu sau, ông lại về Tuyên Quang và từ đấy là tôi không có dịp được gặp mặt nhà văn nữa, nhưng vẫn gián tiếp liên hệ với nhau cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp; cơ sở bên trong vẫn cho biết tin tức hoạt động tuyên truyền cách mạng tích cực của ông.

*

Sự kiện bí mật về việc cha tôi bỗng dưng mất tích xảy ra vào một buổi trưa cuối thu năm 1945. Sau giờ làm việc thường nhật ở Ủy ban Lâm thời khu phố Xuân Hòa, cha tôi về nhà nghỉ để dùng bữa như thường lệ. Lúc đó là 11 giờ 30 gì đó (lâu quá rồi, tôi không nhớ rõ), tôi vừa mới pha một ấm trà cho ông uống và lấy nước để ông rửa mặt, chuẩn bị ăn cơm trưa. Ông vừa mới kịp rửa mặt và uống một chén trà. Tôi định quay vào bưng mâm cơm lên cho cha ăn, thì bất chợt có hai người khách lạ bỗng dưng ở đâu tới nhà, hỏi thăm tên cha tôi và nói cần gặp ông gấp (cả nhà không ai biết mặt hai người này bao giờ). Nghe hai người nói xong, tôi bảo với họ vui lòng chờ một lát để tôi vào mời cha tôi ra. Tôi vào thông báo cho cha hay, quay ra đã thấy hai vị khách lạ mặt bước theo chân vào nhà. Khi chủ và khách cùng an tọa bên bàn nước cũng là lúc tôi phải lui vào gian bên (cha tôi có cái thông lệ: mỗi khi có khách dù lạ hay quen, người trong nhà làm nhiệm vụ pha trà mời khách xong, là phải lui vào chỗ khác ngay, không được quanh quẩn chỗ cha tôi tiếp khách, bất kể là ai trong chúng tôi đều vậy. Ai vi phạm là sau khi khách ra, về sẽ bị trách phạt ngay).

Lần này, vì tò mò, không biết ma xui quỷ ám thế nào mà tôi lại trái lệnh của cha (có lẽ vì hai người trông lạ hoắc lại ăn vận cũng khác người làm tôi để ý). Tôi ngồi nghe lén câu chuyện giữa cha tôi và hai người lạ mặt kia (chả là các vách ngăn nhà tôi làm bằng phên nứa sơ sài nên gian nọ gian kia nghe rất rõ). Thế là, tôi đứng im sau liếp để quan sát và xem họ nói những gì với cha.

Nói về hình thức thì đó là hai người có dáng tầm thước, người đậm, mặc đồng phục bằng vải ka ki màu vàng nhạt, đầu đội mũ lưỡi trai, chân quấn sà cạp và đi giày vải đồng màu, hệt như những tên lính Trung Hoa - Tàu Tưởng thường vận. Sau này, tôi mới biết đó là kiểu quần áo Tôn Trung Sơn. Còn về diện mạo, thì thật tiếc, họ ngồi quay lưng về phía tôi nên không trông thật kĩ chi tiết từng nét mặt. Tôi chỉ được nhìn qua khi họ mới đến và lúc ra về. Còn cuộc đàm thoại ngắn ngủi diễn ra thế này:

Cha tôi nói:

- Xin lỗi, tôi chưa hề hân hạnh được quen biết hai ông!

- Vâng, quả là đúng ạ! Nhưng xin thú thật và xin lỗi tôn ông, chỉ là hai chúng tôi vừa mới ở Trung Hoa tới!

- Xin lỗi, vậy mục đích cuộc gặp này của các ông?

- Một lần nữa xin lỗi tôn ông. Chúng tôi không những được nghe tên tuổi văn chương của tôn ông mà tôn ông còn là một nhà yêu nước... Ngài đã hai lần bị Pháp bỏ tù vì dính vào quốc sự. Vừa qua ngài lại bị phát xít Nhật bắt giam. Nay ngài đang làm Chủ tịch phố Xuân Hòa...

- Xin lỗi! Vì sao các ông nói vừa chân ướt chân ráo về nước mà lại biết được những chuyện riêng của tôi? Vậy ý hai ông muốn nói gì?

Cả hai vị khách không mời mà đến này bật cười to: “Cám ơn tôn ông, rồi ông sẽ hiểu chúng tôi!” Rất ngạc nhiên về thái độ của hai khách lạ, cha tôi nghiêm sắc mặt nói:

- Tôi không hiểu hai ông cười cái gì? Đây là việc tôi xin hỏi nghiêm túc!

- Dạ thưa tôn ông, có gì mà khó hiểu: Chúng tôi muốn mời ông hợp tác.

Nghe đến đây, cha tôi tỏ ra phẫn nộ nhìn thẳng vào hai vị khách nói:

- Sao có chuyện lạ thế? Không đâu! Có lẽ là các ông nhầm cửa mất rồi? Từ năm 1930 về trước tôi có tham gia vào một số phong trào ái quốc, nhưng tuổi trẻ bồng bột, sức khỏe yếu đau tôi không làm chính trị nữa mà chỉ chuyên chú viết văn và dạy học thôi. Giữa lúc này, nhân dân cần cách mạng cần thì tôi ra giúp vì có chút văn hóa, chứ chẳng màng lợi danh gì. Xong đây tôi lại lui về dạy học viết văn thôi!...

Sau câu nói mạnh mẽ đó, cha tôi nói:

- Xin mời các ông lên trụ sở Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh làm việc với thượng cấp Việt Minh! Nay tôi có việc bận bên trụ sở lâm thời khu phố. Tôi xin phép không thể tiếp các ông ở đây được. Mong các ông hiểu cho!

Cha tôi liền đứng phắt lên, rồi lên tiếng gọi tôi đưa tiễn khách ra về... Khi hai ông khách lạ phải bước ra, tôi gặp luôn một người nữa trong bọn họ đứng chờ ngay lối ra vào công. Tôi chào ba người lạ mặt đó ra về, rồi quay vào nhà ngay để báo cáo với cha.

Chính sự kiện này là một mắt xích quan trọng trong cái màn kịch mưu hại cha tôi. Và những kẻ xấu xa đơm điều đặt tiếng cũng nhắm thời cơ lúc đó để vu oan giá họa. Khi đó tôi đã là một thanh niên 18 tuổi có học hành, nhưng già dặn về suy nghĩ hơn lứa tuổi các cháu bây giờ, từng chứng kiến tấm lòng trinh bạch của cha mình trong những tình huống rối ren đó. Nhưng tôi vẫn chôn chặt nó trong lòng từ ấy, chỉ thổ lộ với mẹ và các em cùng những người thân thuộc gia đình thôi. Còn hai người khách lạ mặt ấy, nếu còn sống tới ngày nay, thời thế đổi thay rồi, hãy nói ra sự thật đi! Các người là Việt quốc, Việt cách, hay Việt gian giả danh Việt quốc để hại người yêu nước!?

Cho tới bây giờ tôi mới kể lại cái câu chuyện kì bí này để làm tư liệu sống cho con cháu, vì lâu nay có người đã nhân đó mà đang tay bóp méo sự thực lịch sử, làm cho trắng đen lẫn lộn. Có lẽ, người ta luôn nghĩ rằng: Người chết rồi thì làm sao cãi lại được với người đang sống như ông Tướng Hoàng Mai đã trả lời ông Trần Mạnh Tiến. Trên cái cõi đời trần gian phàm tục này, mọi cái, mọi thứ, mọi sự đều rất có thể xảy ra lắm chứ?

Tôi cần nói ra câu chuyện bí ẩn này để cung cấp cho lịch sử văn học Việt Nam những thông tin xác thực về nhân cách một nhà văn trong hoàn cảnh hiểm nghèo, cho cả những nhà biên soạn, khảo cứu có trách nhiệm hơn khi cầm bút. Kẻ vu oan giá hoạ cho con người đều đáng lên án, nhưng vu oan giá họa cho người bằng cây bút là “độc ác và nhẫn tâm” hơn tất cả. Lịch sử là khách quan dù có một thời nào, ai đó cố tình làm sai sự thật, thì thời gian, trước sau vẫn phanh phui ra tất cả. Tôi biết ngày nay khoa ngoại cảm tâm linh đã góp sức tìm ra nhiều chân lý!

Tôi xin kể tiếp câu chuyện trên:

Sau khi ba người khách lạ ra về, tôi nhận thấy tâm trạng cha tôi lúc ấy không vui như mọi bận, nhưng chỉ thoảng qua, rồi sau đó ông sai tôi đi dọn cơm (lúc này đã quá Ngọ) để ông dùng bữa xong còn nghỉ ngơi giây lát lấy sức đi làm buổi chiều. Thế rồi, mâm cơm vừa bưng ra để nguyên trên bàn, ông chưa kịp ăn, thì... lại tiếp luôn một chuyện bất ngờ nữa. Như một dự báo, linh tính tôi mách bảo, sắp có sự chẳng lành, số là, cha tôi đột nhiên nhận được một mảnh giấy nhỏ, cỡ bàn tay, do một người cũng lạ hoắc, từ đâu bước tới đưa tận tay cha tôi ngay sau khi hai người lạ mặt trước vừa ra khỏi cửa nhà tôi chưa đầy hai phút. Nội dung: Thượng cấp mời ông lên bàn việc gấp (khẩn). Nhận được mảnh giấy không rõ của ai, đọc xong, tôi thấy nét mặt cha tôi cau lại, nhưng chắc ông nhận ra chữ của ai rồi. Chưa kịp nói gì, ngay lập tức, cái người vừa mang mảnh giấy ấy tới, đã vội vã giục cha tôi, theo họ đi ngay. Thế là, ông không kịp ăn cơm, nghỉ trưa gì nữa, cũng không còn kịp đề phòng cảnh giác, hỏi han cái người lạ kia điều gì, mà cứ thế ông đi theo chân người vừa đến đó, ông chỉ kịp dặn ngoái lại cho mẹ con, anh em chúng tôi một câu: “Tôi có việc cần đi gấp ngay, cả nhà cứ việc ăn cơm, không phải để phần, có lẽ tôi không ăn đâu!”. Cái câu nói của cha dặn ngoái lại này, cùng cái lời trăng trối của ông nội tôi lúc lâm chung. Cụ luôn lặp đi lặp lại gọi tên cha tôi ngày ấy, làm cho tôi, suốt hơn sáu thập kỷ qua, nó vẫn luôn vang âm trong đầu tôi, không làm sao quên được!

Và thế là, kể từ cái giờ phút oan nghiệt đó xảy ra, thì cha tôi đã ra đi, ra đi biền biệt ngàn thu! Đến nay tôi chỉ còn lưu trong kí ức về cái thời điểm lúc ấy, đâu khoảng chừng là quá Ngọ, của một ngày gần cuối thu. Về ngày tháng cụ thể, quá lâu rồi, nên tôi chỉ còn nhớ vào khoảng mấy ngày đầu tháng chín năm 1945.

Một lát sau, khi cha tôi và cái người lạ mặt ấy ra khỏi nhà, vì quá vội đi ngay nên cả hai người đã vô tình bỏ quên cái mảnh giấy đó ở trên mặt bàn, cạnh ngay mâm cơm. Mà hình như nó được xé ra từ trong một cuốn sổ tay nào đấy để viết. Thấy vậy, tôi lại đâm tò mò đọc xem nội dung trong đó họ viết những gì quan trọng đến nỗi làm cha tôi phải vội vã đi ngay như thế, đến bỏ cả bữa ăn đã dọn sẵn và cả giấc ngủ trưa. Xưa nay, ông không thế bao giờ.

Và đây, cái mảnh giấy chết tiệt đó, đã gây ra mối oan nghiệt cho cha tôi và gia đình tôi suốt cả chặng đường sáu mươi năm chỉ vì mấy dòng chữ trông nguệch ngoạc, như chữ của người mới thoát nạn mù chữ, chưa qua được vỡ lòng.

Bức thư viết như thế này:

Gửi ông Lan Khai

Thượng cấp mời ông lên bàn việc gấp.

(Khẩn)

Đấy, bức thư nặc danh vẻn vẹn có mấy chữ thế thôi mà nó đã làm thác oan mất một nhân vật của lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, và đặc biệt khu phố Xuân Hòa mất đi người lãnh đạo mà nhân dân kì vọng. Gia đình họ tộc Nguyễn Đình mất đi một con người yêu thương nhất. Hàng trăm học trò bị mất Thầy dạy chữ...

Cũng may, cái sự vô tình lãng ý của cha tôi và người lạ mặt nọ đã bỏ quên mảnh giấy gửi cha tôi ấy, mà tôi được biết thêm một chi tiết quan trọng nữa. Sau cái sự kiện về câu chuyện hai người khách lạ hoắc vừa mô tả ở trên. Và cũng nhờ đó mà sau đấy mấy ngày, mẹ tôi đã đến tận Ủy ban Lâm thời Tỉnh để cãi lí với ông thượng cấp, qua bằng chứng bức thư nọ. Rồi bà đã tìm mọi cách về Hà Nội nhằm khiếu nại với thượng cấp Trung ương.

Khi đọc xong mảnh giấy kì lạ ấy và biết nội dung trong đó rồi thì mẹ tôi cùng cả nhà mới hơi yên tâm, bớt lo đi một chút. Chúng tôi đều nghĩ rằng: Chắc là ông đi chốc lát, xong việc rồi thì sẽ về... Nào ai có ngờ rằng, phải đợi hết cả chiều ngày hôm đó, đợi mãi... đợi hoài đợi đến 54 năm vợ không gặp chồng, đợi đến 58 năm con chẳng gặp cha là thế đấy!? Thế là mọi người trong nhà lại phỏng đoán: có lẽ do công việc phải bàn nhiều nên chưa xong, như mọi khi, có lúc cũng thế. Khi đó cha tôi bận bịu đêm ngày trăm công ngàn việc, lo sao cho cuộc sống dân phố được bình yên: Nào là lo chôn người chết, nào là lo chống đói, Tàu Tưởng sắp kéo vào thị xã. Chúng tôi trấn an nhau yên tâm chờ đợi.

Đêm xuống, vẫn không thấy cha về. Thế là, trừ ông nội tôi yếu đau, già cả, còn tất cả nhà chia nhau tỏa đi mỗi người mỗi nơi để tìm cha tôi. Tìm khắp những nơi mà chúng tôi nghĩ cha tôi có thể đến, nhưng vô vọng. Lúc này ở thị xã Tuyên Quang thì nhốn nháo đủ các loại người, các đảng phái. Nào là Việt quốc, Việt cách, Tân Việt, Tàu trắng, Tàu đen, Ba Viên, mật thám, Việt Minh đầy đường đầy phố, nơi thì chạy cướp ngày, nơi thì kêu khóc bởi cướp đêm... Dân thì sợ hãi, đóng cửa im ỉm trong nhà, bởi đầy sự nguy hiểm. Thực tế như vậy làm sao chúng tôi có thể yên tâm được? Cả nhà tìm cả ngày hôm sau cũng không thấy, rồi hôm sau nữa. Chúng tôi nhờ cả bạn hữu, người quen nhưng không ai tìm thấy ông.

Cuộc tìm kiếm kéo dài chừng một tuần lễ nhưng không có kết quả. Lúc này, mẹ tôi mới sực nhớ ra tờ giấy quái ác kia, bà liền mang nó lên thẳng Thượng cấp đế hỏi cho ra nhẽ. Xin lưu ý, ở Tuyên Quang bấy giờ có hai loại thượng cấp: Thượng cấp tối cao tức Trung ương trú tại mãi khu ATK, thuộc huyện Sơn Dương, nơi này canh phòng cẩn mật, dân thường không ai có thể lai vãng ra vào được. Còn một Thượng cấp nữa là của Ủy ban Lâm thời Tỉnh, thì từ bên này thị xã qua sông sang bến đò Nông Tiến, vào gần tới Đạo Viện, nó là vòng ngoài để bảo vệ cho Trung ương nhưng cũng không kém phần cẩn mật, kín đáo, khó vào...

Thời ấy, mọi người thường gọi cấp trên theo danh từ Hán tự là Thượng cấp, mà Thượng cấp đối với cha tôi lúc ấy là Ủy ban Lâm thời Tỉnh, nó tương đương như Ủy ban Nhân dân Tỉnh bây giờ, đại diện là ông Nguyễn Công Bình (tức Chì) đứng đầu cơ quan ấy. Không hiểu bằng cách nào mà mẹ tôi lọt được vào chỗ ông Bình, nghĩa là đã tới Ủy ban Lâm thời Tỉnh (cấp trên của cha tôi lúc đó), bà mới chất vấn hỏi người ta là làm sao mời chồng bà lên họp bàn mà mãi tới nay không thấy ông về?

Bà hỏi đi hỏi lại chán chê ra nhưng, những người làm việc trong ủy ban đều từ chối, bảo là họ không hề biết gì về việc này cả... Vòng vo đôi hồi mãi cũng vẫn không ăn thua. Thế là mẹ tôi quá uất, kêu khóc om xòm, một mực đòi trả lại tự do cho chồng bà ngay. Mọi người của Ủy ban Lâm thời không ngờ tình huống lại diễn biến như vậy. Còn về phần bà, quả là nước mắt người phụ nữ thông minh nhiều khi được việc. Cực chẳng đã, không thể giấu mình được, ông Bình ở nhà trong lúc đó mới xuất hiện. Mẹ tôi phải đấu lí với ông ta một thôi nữa nhưng lúc đầu ông ta vẫn tỏ ra cứng rắn. Cuối cùng, mẹ tôi hét toáng lên gọi tên chồng, kêu trời và xì cái mảnh giấy viết mấy dòng chữ Thượng cấp mời ra. Thật không ngờ, cái giấy ấy có chữ của ông ta nên vừa thoạt trông thấy nó, thì ông ta sững người lại và đổi ngay nét mặt, rồi liền đấu dịu với bà. Ông ta nói: “Ôi thôi! Bà bình tĩnh. Vậy, quả thực là Ủy ban Lâm thời có cho người đem giấy mời tới nhà, để mời ông nhà lên đây bàn một số công việc gấp, chuẩn bị cho ngày Tổng tuyển cử chính thức và bầu Ủy ban Lâm thời trước mắt. Nhưng công việc bàn luận đã xong từ lâu rồi, ngay buổi chiều hôm ấy ông nhà đã ra về rồi mà!..”. Mẹ tôi nói: Nếu các ông để chồng tôi mất, các ông phải chịu tội với tôi và gia đình tôi!...”. Trước lúc mẹ tôi quay ra về (vì bà không còn biết xử lí thế nào nữa), thì không hiểu sao, ông ta lại giật giọng gọi bà quay lại và hứa: “Thôi bà về đi, chúng tôi sẽ cho nguời tìm ông nhà giúp bà!”

Lúc mẹ tôi bước qua ngưỡng cửa ra ngoài hẳn, ông ta lại gặng nói một câu nữa: “Bà phải hết sức lưu ý cẩn thận đấy, hiện giờ trong thị xã ta có đủ loại người của các đảng phái khác nhau, kẻ xấu, người tốt lẫn lộn không phân định được... Có lẽ, chưa biết chừng là ông nhà ta đột nhiên bị mất tích, hẳn là do những kẻ ấy bắt cóc ông và thủ tiêu ông đi chăng? Dẫu sao thì chúng tôi cũng nhận với bà là Ủy ban phải có trách nhiệm trong việc này. Bà cứ yên tâm mà ra về, còn chúng tôi sẽ cử người đi tìm cho bằng được ông nhà về cho bà và gia đình”.

Mãi về sau, mẹ con chúng tôi mới nhận ra cái sự dối trá của lòng người! Những lời ông Bình hứa chỉ là mị muội suông cho mẹ tôi an lòng mà về, để mẹ tôi khỏi làm om xòm lên ở đấy mà thôi, chứ thực ra làm gì có chuyện ông ta cử người đi tìm cha tôi. Tôi biết được thông tin quan trọng này, sau hai sự kiện đã kể trên là khi tôi đã lớn khôn, trưởng thành có đầy đủ cả lí trí, biết phân tích, không còn bồng bột, ngây thơ nữa. Mẹ tôi tin tưởng tôi kể lại tỉ mỉ, chi tiết, phòng sau này có lúc nào cần đến để giãi bày, minh tỏ cho cha, cho gia đình và cho cả lịch sử nữa, để người sau không ngộ nhận như đầu lưỡi kẻ gian, đúng với người đã khuất. Theo mẹ tôi phỏng đoán và cả tôi cũng nhận ra rằng: Sự kiện cha tôi mất tích là do một số người ít học, hồ đồ gây ra. Người phải chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Công Bình (tức Chì) chứ sự kiện này tuyệt nhiên không có gì dính líu tới Trung ương. Ngày ấy, ông Trần Huy Liệu cũng khẳng định ngay như vậy, khi nhận được bức thư cuối cùng của cha tôi gửi tới ông. Về sau này khi ông Liệu gặp ông Bình, lúc bị chất vấn, ông Bình mới nói với ông Trần Huy Liệu: “Thưa đồng chí thượng cấp! Trường hợp ông Lan Khai, thật đáng tiếc, không may bị mất tích!”. Khi sự việc đã đi quá xa, họ sợ tai tiếng với nhân dân và sợ cấp trên khiển trách, cả sự sĩ diện nữa. Vì thế, họ diễn tiếp cái kịch bản đã trót sai lầm kia bằng cái trò dựng lên xung quanh sự kiện đó một màn che bí mật, vu khống cho cha tôi thế này thế khác nào là “thành phần giai cấp tiểu tư sản, nào là đi hát cô đầu”, nào là “tham gia đảng bạo loạn của bọn Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài”, nào là “đối tượng tri thức đáng lẽ ra phải đào tận gốc trốc tận rễ từ lâu rồi”, nào là “thân Nhật”, ngay đúng lúc hỗn quân, hỗn quan, náo loạn, không phân biệt được thật giả, trắng đen khi ấy và cả giai đoạn về sau nữa... Đó thực chất là thứ hỏa mù của kẻ thiếu lương tâm!

Sự kiện diễn ra sau đó đã xác minh cho sự phỏng đoán chính xác của mẹ tôi và tôi cảm nhận. Mãi gần sáu mươi năm qua đi, chúng tôi mới có được những thông tin xác đáng từ một vị quan chức cấp cao của Bộ Công an.

Lại thêm một chi tiết đáng buồn, đáng xấu hổ nữa cho bọn họ là sau khi lừa gạt, rồi thủ tiêu cha tôi, họ lại phong tỏa cả gia đình tôi bằng mạng lưới các thông tin bịa đặt. Họ cho người theo dõi gia đình tôi cả ngày lẫn đêm, coi gia đình tôi như một đối thủ nguy hiểm suốt ba mươi năm liền từ khi chúng tôi ở thị xã Tuyên Quang đến khi lên thị xã Hà Giang, xung quanh vụ án đen tối đó để lại nhiều câu chuyện đau lòng và nực cười về cách ứng xử với con người... Sở dĩ, biết được điều này do có một lần vào nửa đêm tôi và chú em Lan Diệp vô tình ra ngoài đi tiểu đã bắt gặp có người nấp rình nghe chuyện trong nhà và một lần khác, cũng vô tình, chú em tôi hất cả chậu nước tiểu ra vườn vô tình trúng ngay vào kẻ đang nấp, rình xem gia đình chúng tôi bàn bạc những gì (ngày đó chưa có điện sáng nên trời tối là không nhìn thấy gì). Họ ngấm ngầm dựng chuyện, phao tin cho rằng gia đình tôi là “gia đình phản động” nên phải cảnh giác, phải theo dõi... mà chẳng có bằng chứng gì. Lạ nữa, không hiểu tại sao một số người trong Ủy ban Lâm thời gặp anh em chúng tôi nơm nớp né xa, rồi buộc cho gia đình tôi cái tội tày trời đó, miệng truyền miệng mơ hồ và độc địa. Ngồi nghĩ lại ngày ấy: Cân não những người trong gia đình nhà văn Lan Khai không vững vàng, không có bản lĩnh, có lẽ chỉ uất mà đã chết! Bởi có kẻ nhân danh cấp trên đã tung tin như vậy, chúng tôi biết kêu ai nỗi oan này? Kì dị thay, những năm 60 của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này, còn có kẻ đưa tin lên một số nhà lãnh đạo địa phương: “Ông Lan Khai mắc vào tội Nhân văn Giai phẩm và là kẻ ra tù vào tội!”.

Ôi! Rõ là mỉa mai thay cái từ “phản động” trên đầu lưỡi của một số kẻ tiểu nhân, nhân danh cách mạng mà vô học! Để che đi tội ác hại người, họ mới vu cho gia đình tôi cái tội quái ác như vậy nhằm đánh lạc dư luận. Nhưng họ có biết đâu một lời cửa miệng của kẻ cầm quyền đã làm cho cả một dòng họ đau đớn tinh thần suốt sáu mươi năm! Sáu mươi năm chịu nỗi oan, sáu mươi năm chịu sự kì thị, sáu mươi năm nuốt nước mắt vào lòng, sáu mươi năm nhân dân và bạn đọc, học sinh trong nhà trường bị mắc lừa? Một nhà văn một chiến sĩ yêu nước, một nhà giáo tâm huyết bị chôn vùi danh dự; một gia đình chìm đắm trong nước mắt...

Vậy là cho tới một ngày kia dù cho họ có đặt mạng lưới vô hình hay trăm tai, ngàn mắt bí mật theo dõi, ngăn cản gia đình chúng tôi liên hệ với Trung ương, nhưng thật kì lạ, không hiểu bằng cách nào mà mẹ tôi đã bí mật rời khỏi thị xã Tuyên Quang (sau ngày cha tôi biệt tích ít lâu) đi thẳng về Hà Nội. Bà đi đường Đại Từ, Thái Nguyên qua ga Trung Dã về Hà Nội một cách trót lọt, để tới Bắc Bộ phủ khiếu nại, kêu oan. Phụ trách Ủy ban Bắc bộ phủ thời gian này là ông Nguyễn Xiển, ông làm Chủ nhiệm văn phòng đó. Ông vốn là một trí thức khoa học, là Tổng Thư kí Đảng Dân chủ ở nước ta, trước đó cha tôi đã quen biết ông bởi cùng trí thức với nhau cả. Nhiều bè bạn của ông Xiển cũng là bè bạn của cha tôi.

Thoạt gặp bà, ông tỏ vẻ ngỡ ngàng giây lát, qua giới thiệu, ông biết tính danh của bà là người vợ của bạn mình đã phải lặn lội từ Tuyên Quang Việt Bắc về kêu oan cho chồng. Sau khi nghe xong mẹ tôi thuật lại cái chuyện kì quái không tưởng kia đã làm ông xúc động, ngậm ngùi giống như ông Trần Huy Liệu cũng đã phải nhỏ lệ xót thương khi biết tin về cha tôi. Ông Xiến tỏ ra bất bình với cách hành xử của một nhóm người Tuyên Quang đối với cha tôi. Sự đã rồi, ông không biết làm sao nữa. Ông hứa với mẹ tôi: nhất định một ngày gần nhất ông sẽ đích thân lên tận Tuyên Quang đế kiểm tra và giải quyết sự vụ đó xem hư thực thế nào. Trước khi mẹ tôi ra về, ông đã nói cho bà nghe nhận định của ông về sự kiện này, cũng tương tự như sự phỏng đoán của bà: “Đúng! Rất có thể như bà nghĩ, đây có lẽ là một sự manh động, ấu trĩ, tả khuynh của một số người có quyền nhưng thiển cận đã gây ra chăng? Thực ra, Trung ương không có chủ trương hành động sai trái như vậy và cũng không nghe ai báo cáo về việc này bao giờ. Nay là lần đầu, tôi được nghe từ bà. Thôi thì vì quốc gia đại sự, đằng nào thì việc cũng xảy ra như thế rồi làm sao được nữa. Rất tiếc là việc ấy lại xảy ra với ông nhà, người bạn mà tôi hằng quý trọng... Tôi xin chia sẻ nỗi khổ tâm cực nhọc của bà và gia đình ta! Bà cứ yên tâm ra về, nay mai tôi sẽ trực tiếp lên đó kiểm tra xem thế nào, rồi tôi sẽ nói lại để bà cùng gia đình biết”.

Khi mẹ tôi về nhà, chúng tôi liền xúm lại hỏi han bà, bà chỉ im lặng. Lát sau, bà mới từ từ bảo anh em chúng tôi: “Các con hãy yên tâm, không phải lo, nay mai thế nào rồi cha của các con sẽ về. Bây giờ phải ngoan và nghe lời mẹ, để yên cho mẹ còn phải lo chăm nom ông, lo công việc kiếm ăn cho cả nhà nữa. Tiền gạo hết cả rồi, tập trung vào lo việc sống của mình đã. Các con hiểu không?”

Nghe mẹ nói vậy, chúng tôi đành yên lòng mà chờ đợi, nghe ngóng tin cha.

Và rồi, đúng như lời đã hứa, khoảng gần một tháng sau (tôi không nhớ rõ ngày), ông Nguyễn Xiển đã đích thân lên Tuyên Quang. Ông đến thẳng chỗ cơ quan ông Nguyễn Công Bình (lúc này đã ra công khai chính thức là Chủ tịch của Ủy ban Lâm thời). Ông đã thông báo lại cho ông Bình biết tất cả câu chuyện mẹ tôi đã phải thân gái dặm trường lặn lội về Trung ương khiếu nại cho chồng. Ông yêu cầu ông Bình: “Nếu quả, Tuyên Quang có nhầm lẫn mà giữ nhà văn Lan Khai ở đâu thì phải thả ông ra ngay lập tức, chứ việc này mà vỡ lở ra thì không ổn đâu! Cơ sở bên trong của ta cho biết: “Ông Lan Khai là người trung kiên, không được nghi ngờ lẫn lộn Quốc dân này với Quốc dân kia”!

Lúc bấy giờ, vị Chủ tịch Tuyên Quang Nguyễn Công Bình (tức Chì) ấy mới ngớ người ra, không hiểu bằng cách nào mà mẹ tôi lại về được tận Trung ương trót lọt trong khi mạng lưới mật gài sẵn khắp nơi trong thị xã nhắm trông chừng bà. Ông ta giật mình về cái sự mưu trí và lòng can đảm của mẹ tôi. Và ông ta không ngờ những vị lãnh đạo Việt Minh cấp trên lại hiểu rõ tường tận về cha tôi như thế... Trước yêu cầu của ông Nguyễn Xiển, ông Bình báo cáo trực tiếp bằng lời như sau:

Thưa thượng cấp đại diện Trung ương! Chúng tôi ở đây nhận có cho người đến tận nhà mời ông Lan Khai tới và lưu giữ ở đây trong một thời gian thực.

Nguyên nhân việc phải câu lưu nhà văn trong lúc này là để cảnh giác nhằm bảo vệ cách mạng non trẻ của chúng ta. Hơn nữa cũng là đế bảo vệ cho cả chính ông Lan Khai nữa, vì ông là một nhà văn, một nhân sĩ đang làm trong Ủy ban Lâm thời khu phố, là cấp dưới của chúng tôi, lại đích thực là thành phần trí thức nữa. Bởi có một hiện tượng làm chúng tôi phải chú ý là nhà văn đã tự ý tiếp hai kẻ lạ mặt từ hải ngoại tại nhà riêng, cách đây mấy tháng, tức là sau ngày tổng khởi nghĩa ít ngày. Có người đã báo lại cho hay như vậy. Nhưng cũng xin báo cáo lại với Trung ương rằng: không rõ làm thế nào mà ông Lan Khai đã tìm được cách để bỏ trốn đi cùng với hai người khác nữa, từ cách đây những mấy tháng rồi. Từ bấy đến nay chúng tôi đã phải bỏ công cho người đi lùng sục, tìm kiếm ông và cả hai người kia, đều không thấy tăm hơi họ đâu cả!?

Ông Xiển liền vặn lại: Vậy thì, họ trốn đi đâu, trong khi ở ATK của chúng ta bổ trí canh phòng cẩn mật, núi rừng, địa thế lại rất hiểm trở như thế. Nội bất xuất ngoại bất nhập, ốm yếu như ông Lan Khai trói gà không chặt, vừa thoát khỏi nhà giam của Nhật làm sao lại có thể trốn đi được?

Khi được ông Nguyễn Xiển hỏi như vậy thì ông Bình trả lời:

- Không biết, chúng tôi không rõ!

Trước vị Thượng cấp của mình mà ông Bình (tức Chì) đã trả lời như thế, thực khó hiểu? Hẳn phải có vấn đề “bí mật” đằng sau chuyện đó!? Xin lưu ý mọi người, ngày đó mẹ tôi cho biết: văn phong ông Bình rất kém cỏi, bà nhận xét: “Ông Chì chỉ thạo mua bán gia súc lớn, nên chữ nghĩa không nhiều. Rất nhiều giấy tờ ông phải đến nhờ cha các con viết hộ để đọc và báo cáo cho cấp này cấp nọ đấy!”. Biết văn hóa của ông ta như vậy, nhưng cha tôi luôn vui vẻ sẵn sàng viết giúp ông và sửa chữa chính tả cho ông nhiều bài viết và công văn, giấy tờ...

Nghe xong người đứng đầu Ủy ban Lâm thời Tỉnh báo cáo, trả lời vậy, vị đại diện Trung ương chả còn biết lí giải thực hư trong chuyện này ra sao nữa, ông đành bỏ cuộc mà ra về, rồi đích thân tới tận gia đình tôi thông báo lại mọi sự diễn biến cho hai người mẹ của tôi theo như lời báo cáo của ông Bình. Không biết giải quyết bằng cách nào cho hai người mẹ tôi an lòng, ông Xiển đành úy lạo, an ủi các bà để nguôi ngoai: “Bà và các cháu trong gia đình ta nên kiên tâm, nhẫn nại đợi chờ, hy vọng vào thời cuộc và tin tưởng vào tương lai. Theo tôi, sự việc này thật phức tạp và nghiêm trọng lắm. Với tôi, thật là khó nói! Như lời báo cáo lại của địa phương thì rất có thể là ông nhà đã lánh tạm ở đâu đó trong lúc hỗn độn, rối ren này. Tôi biết ông Lan Khai là người tốt, lại trung thực và tâm huyết với đất nước xưa nay, ắt là ông không thể làm điều gì có hại cho thanh danh của bản thân và gia đình mình đâu. Có lẽ ông cố thoát ra để chờ thời cơ ổn định mới lộ diện, bởi ông là người sống thác với sự nghiệp văn học với nhân dân và được nhân dân kính trọng tất sẽ không có điều gì không hay đâu. Tôi tin sẽ có một ngày, khi tình hình đất nước lắng dịu mọi sự trở lại bình thường, chắc chắn ông nhà sẽ trở về. Bà và gia đình hãy yên tâm và tin tưởng! Tôi đã thay mặt cấp trên đề nghị ông Bình và Ủy ban chú ý quan tâm đến gia đình nhà văn Lan Khai. Ông Bình đã hứa với tôi rồi! Hiện chúng tôi cũng đang cần người, muốn mời ông Lan Khai về Hà Nội lo một số công việc văn hóa bộ”. Rồi ông đưa cho hai bà mẹ tôi xem tờ giấy ông đi xác minh việc Ủy ban lưu giữ nhà văn Lan Khai.

Nghe những lời thông báo và úy lạo chân tình đó của vị đại diện Trung ương, lại là người quen biết chồng mình thì mẹ tôi cũng đành biết vậy nhưng trong lòng vẫn không yên. Bà mang một mối hồ nghi nhưng không nói nên lời. Cái tia hi vọng một ngày kia cha tôi sẽ trở về thật mong manh! Sau này, hai người mẹ tôi đã kể lại chi tiết chuyện này cho con cháu hay để khi cần thì có các tư liệu sống,

Thế là kể từ lúc mẹ tôi quyết làm cho ra lẽ ấy, thì đích thân ông Bình (tức Chì) đã không làm khó dễ cho bà và gia đình tôi như trước kia nữa. Không những vậy mà ông còn cho người đến nhà mời mẹ tôi lên cơ quan để vỗ về, an ủi và cấp cho bà một khoản vốn nho nhỏ làm kế sinh nhai, đặng có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu cha tôi - nhà văn Lan Khai là người có tội thì sao lại được hưởng “ân huệ” đó! Hay là mưu lược để làm dịu tình hình với cấp trên đang phản ứng về câu chuyện mờ ám kia của một số người chức trách? Mẹ tôi cho biết thời gian đó một số học trò của cha tôi giúp việc trong ủy ban đã bí mật liên hệ và ngầm báo với mẹ tôi: “Có hàng trăm bức thư của nhân dân và các nhà giáo nhà văn bạn bè của cha tôi phỏng vấn và kiến nghị về chuyện nhà văn Lan Khai vì sao mất tích, nhưng có người đã hướng dẫn giấu đi?” Sự thật là như vậy! Trong hàng ngũ những người cán bộ và nhân viên tỉnh thời đó cũng có nhiều người có nhân tâm đạo lý và tình nghĩa, là những người cách mạng chân chính chứ không phải cá mè một lứa cả đâu! Nhưng thế và lực của họ không đủ sức phanh phui sự thật. Cũng kể từ khi đó, việc nhà tôi trước đấy luôn bị mạng lưới bí mật nào đó theo dõi thì có vẻ như đỡ sít sao hơn.

Và rồi qua cái việc ông Bình đích thân gặp gỡ vỗ về, đấu dịu mẹ tôi lúc ấy, nó đã làm tiền đề cho cái việc mẹ tôi cùng với bà Lê Thị Sói sẽ cùng nhau hoạt động cho tổ chức ở Tuyên Quang một thời gian, cả khi lên Hà Giang cũng vậy. Bà Lê Thị Sói chính là người mà “họ” khéo léo, dàn dựng “giao nhiệm vụ” trong toàn bộ cái kịch bản kia nhằm ngầm theo dõi trực tiếp mẹ tôi cho đến cùng. Việc này, ngay từ khi được mẹ tôi kể lại thì tôi đã cảm nhận như vậy qua linh tính của mình. Trong quá trình ngược xuôi lặn lội, có đôi lần bà Sói bị đau mệt, mẹ tôi gần gũi săn sóc, thấy mẹ tôi là người sống có tình có nghĩa, thật thà, bà Sói đã dần dần tiết lộ cho mẹ tôi rằng: “Mình được giao nhiệm vụ đó, nhưng có đời thủa nhà ai lại đi theo dõi người lương thiện. Chị thật là người có nhân có đức. Chẳng may vận số chồng mình thế thì mình phải chịu. Đời tôi cũng trải nhiều cay đắng như ông Lan Khai rồi, tôi hiểu! Tôi được biết anh Lan Khai là người vô tội, chết oan! Chị yên tâm giữ kín chuyện này! Con người tốt phải sống tốt với nhau đã. Việc họ làm kệ họ. Tôi có lối nghĩ của tôi. Chị khuyên các cháu nên kiềm chế. Tôi tin chắc chính sách của cụ Hồ sẽ giải oan cho anh ấy thôi”. Tôi còn dự cảm cả cái việc ông Bình báo cáo cấp trên cũng như việc ông ta cấp vốn cho mẹ tôi chỉ là những ảo thuật để ông ta thực hiện việc che đi một sự đã rồi!

Xin lại kể tiếp, đúng như những gì tôi dự cảm, vào cuối năm 1945, trong lúc cả nhà tôi đang mải mê vật lộn để tìm kế sinh nhai, chẳng còn thời gian, sức lực để theo đuổi cái tia hi vọng mơ hồ là cha tôi sẽ trở về, thì đùng một cái có sự việc bất ngờ xảy ra: Vào một buổi chiều cuối đông, bỗng dưng có một người dân tộc Cao Lan lạ mặt tới nhà (sao mà lắm khách không mời đến nhà là vậy, lại tai hoạ gì chăng? Tôi nghĩ vậy). Tôi đã quan sát ông ta ngay từ khi mới xuất hiện. Tôi thấy, thái độ của ông ta có vẻ lo lắng, bồn chồn, sợ sệt một cái gì đó vô hình nhưng rất ghê sợ thì phải. Vì thế, ông ta lấm lét nhìn quanh, rồi vội lẻn nhanh vào trong nhà, đúng lúc mẹ tôi đang ở đấy. Khi đã lọt hẳn vào trong nhà tôi rồi, ông ta mới khẽ lên tiếng: Đây có phải nhà ông Lan Khai không? Giọng nói nghe còn hơi ngường ngượng, chưa thật sõi tiếng Kinh (phát âm Lan thành Lang). Nghe hỏi vậy, mẹ tôi lấy làm lạ. Bà hỏi lại: Vâng, phải nhưng ông là ai? Ông muốn hỏi gì nhà tôi? Mà hình như chúng tôi chưa hề quen biết ông bao giờ?

Nghe vậy, ông ta liền đảo mắt nhìn chúng tôi.

Mẹ tôi hiểu ý và bảo nhẹ chúng tôi: Các con ra chỗ khác, mẹ có khách lạ cần nói chuyện!

Câu chuyện ấy, sau này mẹ tôi mới kể lại cho chúng tôi biết: ông ta là một người tốt. Tuy lạ lẫm nhưng là người nhân hậu, trung thực. Ông ta mãi từ trong rừng sâu, nơi mà cha tôi đang bị giam giữ. Ông ta có công việc phải ra thị xã, nhân tiện ghé tới thăm nhà tôi để báo tin cha còn sống và mang thư của cha tôi gửi về. Nhiệm vụ của ông ta là canh gác những người nào bị tình nghi, trong số ấy có cha tôi. Ông ta nói là không hiểu vì sao mà cha tôi bị giam lỏng ở đó. Ông chỉ biết rằng: cha tôi là một người rất tốt, hiền lành, tài giỏi lắm, biết dạy chữ, dịch tiếng Tây ra tiếng ta cho Việt Minh, nói thạo tiếng Tày, Cao Lan, Quần Trắng, Đeo Tiền, nhưng người thì yếu ớt, gầy còm. Cha tôi đã dạy cho ông ta học chữ Quốc ngữ, cho đến nay đã đọc và viết được rồi. Cha tôi còn giúp bảo ban nhiều người điều hay, lẽ phải như cách cộng trừ nhân chia, phòng chống sốt rét, ỉa chảy và cần tránh những điều ác hại người...

Cảm cái ơn đó và đặc biệt là quý mến tấm lòng nhân hậu của cha tôi, vốn quen thạo đường rừng nên ông đã mạo hiểm làm cái việc có thể chết người này. Ông tự nguyện làm liên lạc mật giúp cha tôi báo tin và đưa thư, đồng thời xem hoàn cảnh hiện nay của gia đình tôi thế nào về nói lại cho cha tôi. Ngoài việc phải làm là canh chừng cha tôi, ông còn giúp cha tôi cơm nước, giặt giũ quần áo và những việc sinh hoạt hàng ngày khi cha tôi cần. Tuy thế, nhưng thường là cha tôi làm lấy, chỉ trừ những lúc ốm đau, thật yếu mệt, cha tôi mới cậy nhờ tới sự giúp đỡ. Chính vì thế lại càng làm cho ông ta thêm kính trọng cha tôi hơn. Ông ta đã kể lại như vậy.

Còn về bức thư đầu tiên gửi về nhà (kể từ khi cha tôi mất tích), cha tôi viết đại để như thế này (tôi được đọc đi đọc lại nhiều lần nên nhớ kỹ các ý).

Kính thưa Thầy và mẹ nó cùng các con yêu quý, nhớ thương!

Tôi không may đã bị người ta nghi ngờ nên hiểu lầm, về cái chuyện có lần tôi vô tình tiếp hai người khách lạ không mời mà đến, họ vận quần áo Tàu tìm đến nhà ta để gặp tôi. Hiện giờ họ đang câu lưu tôi trong này nhưng được biệt đãi hơn nhũng người khác, nghĩa là được đi lại tự do trong một phạm vi định sẵn, không phải giam cầm như các trường hợp khác. Tôi được ở riêng biệt hẳn một túp nhà sàn nhỏ trong rừng sâu, không được tự ý đi ra đi vào ngoài khu vực của bản họ đã quy định cho tôi. Họ luôn có người canh chừng sợ tôi bỏ trốn, ông này là người phục vụ tôi cơm nước và các việc vặt hàng ngày.

Về nhiệm vụ của tôi trong này là hàng ngày dạy học cho họ, có chia ra các buổi, các lớp tùy theo từng trình độ của họ, đồng thời kiêm cả chân thư kí khi họ có yêu cầu. Chẳng hạn: giúp thảo vài ba công văn, viết vài bài báo, dịch một số tài liệu theo yêu cầu của Việt Minh...

Ở nhà, Thầy và mẹ nó cùng các con cứ yên tâm, không phải lo lắng cho tôi. Tôi tự thấy rằng mình chẳng làm gì hại cho ai, cũng như cho thanh danh tôi và cả gia đình mình cũng như dòng họ nhà ta nên chẳng e ngại gì cả!

Việc câu lưu tự ý là việc của họ, muốn làm sao là do lương tâm họ cả, tôi không quan tâm... Trong này tôi chỉ cần nhất là sách báo, là tin tức về sức khỏe của Thầy và cuộc sống của cả nhà cùng một ít thuốc men chữa bệnh thông thường, nhất là căn bệnh suyễn kinh niên của tôi. Tìm cách gửi cho tôi chiếc áo len dài tay, màu tím than tôi vẫn thường mặc hồi nọ và một ít thuốc giảm cơn xuyễn vì đang vào mùa đông tháng giá. Ở rừng hồi này lạnh lắm!

Kính lạy Thầy, thương nhớ cả nhà!

(Bức thư không đề ngày tháng và không có chữ kí mà chỉ có hai chữ L.K viết tắt bằng chữ in hoa. Ở phía dưới bức thư có viết thêm vài dòng tái bút: Người mang thư này là người tốt, có thể tin cậy được. Khi ông ta đến nhà thì mẹ nó và các con cần niềm nở đón tiếp sao cho chu đáo nhưng phải giữ thật kín, cẩn thận nếu để lỡ hở ra thì ông ta có thể chết).

Sau ngày mẹ con tôi nhận được tin và thư cha tôi gửi về, dù là thế nào thì chúng tôi cũng vô cùng xúc động và cũng lại yên tâm hi vọng phần nào về cái ngày cha tôi sẽ trở về.

Đúng như những gì tôi đã dự cảm trước đây về lời nói của ông Bình là không thật. Riêng với tôi, qua trực giác và cảm nhận thì vẫn bán tín bán nghi và ngờ rằng: rất có thể là bức thư kia chưa hẳn đã phải là của cha tôi viết, tuy nhiên với mẫu tự, trông có vẻ hơi giống chữ ông nhưng cách hành văn thì không đúng lắm. Đây có lẽ là họ đọc cho ông viết chăng? Và hình như những lời lẽ này là ý của họ thì đúng hơn?

Tôi nhận thấy một sự vô lí ở trong cái sự kiện không hề mong đợi này là làm sao lại có người tốt bụng như thế chứ (buông lỏng cho cha tôi tự do đi lại, còn cắt cử người ra để chăm nom, phục vụ cho ông nữa) như cha tôi viết và cả người đưa thư cũng kể như thế trong khi họ câu lưu giam lỏng mình. Nhưng sáu mươi năm sau gia đình tôi gặp lại nhân chứng sống, thì những thông tin về việc cha tôi bị giam lỏng đó là sự thật!

Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn để bụng xem cái sự thật giả sẽ diễn ra như thế nào? Còn ông nội tôi, thì hỡi ôi! Cụ đâu có biết rằng sẽ có tin và thư của người con trai duy nhất của mình để mà chờ đợi, mà vui mừng. Cụ đã ra đi vĩnh biệt mọi người, bỏ lại những đứa con dâu nết na, hiền thảo và đàn cháu nội yêu quý bỗng dưng phải côi cút cha ông của mình.

Về phần cha tôi cũng vậy, ông đâu được biết về sự thế diễn ra với người cha vô vàn kính yêu, thương nhớ của mình, đã vì uất đời đen bạc mà phải giã từ những con người mà cụ thương yêu, quý mến nhất trên đời.

Hỡi ôi! Thật tội nghiệp và đau xót cho cả hai người!

Xin quý vị lưu ý cho: về cái tình tiết sự việc cha tôi còn sống và đang bị người ta lưu giữ mãi trong rừng sâu ATK Việt Bắc là một sự thật hiển nhiên, chứ không phải do tôi tưởng tượng. Bởi tôi có một người bạn vong niên rất thân, anh là người dân tộc Tày ở Cao Bằng, ở Hà Giang từ lúc còn thanh niên. Sau ngày đảo chính cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, anh đã tham gia công tác ở nhiều cơ quan khác nhau, một dạo anh chuyển sang làm phóng viên nhiếp ảnh ở Ty Thông tin - Văn hóa Hà Giang. Tôi làm quen với anh. Anh tên là Toán Văn Báo, nghỉ hưu được chừng 20 năm. Hồi chưa tham gia công tác, anh thường đi đây đi đó du ngoạn. Một lần đúng lúc tổng khởi nghĩa thì anh qua địa phận thị xã Tuyên Quang và không may cho anh, lớ ngớ thế nào mà cũng bị người ta nghi ngờ, rồi bị tóm mang vào giam nơi rừng sâu ATK cùng chỗ với cha tôi. Khi chúng tôi quen và thân nhau rồi, trong một lần tâm sự ngẫu nhiên, thế nào anh lại nói cho tôi biết là anh cũng đã từng bị giam ở Tuyên Quang, trong rừng sâu và may mắn được biết một người rất hiền hậu, tài hoa học rộng, thường kể nhiều chuyện cho anh nghe. Anh rất yêu quý và kính phục ông ấy, tên ông là Lan Khai. Ông Lan Khai cho biết: “Tôi cũng vô tình bị bắt oan vào đây. Hàng ngày họ giao cho tôi dạy học, soạn giấy tờ”. Anh Báo nói: “Tôi thoát được là do quen luồn rừng của một người sinh ra ở núi, đặc biệt biết chọn đúng thời cơ và thời gian. Có một lần tôi đã mạnh dạn rủ ông Lan Khai: Trốn quách về nhà đi! Thà chết còn hơn bị cầm hãm ở đây! Nhưng ông ấy không định trốn, ông Lan Khai thật thà lại tin: Không có tội họ sẽ tha. Đêm đó tôi lần theo dấu chân hổ, để tự vệ không biết được, khéo léo luồn rừng thoát khỏi ATK, nên được sống”. Mãi sau anh Báo mới biết ông ấy chính là nhà văn Lan Khai, người cha của chúng tôi. Anh Báo mới qua đời cách đây vài năm, hưởng thọ 78 tuổi. Hiện gia đình anh vẫn cư trú cùng phường Trần Phú với gia đình tôi...

Thế rồi, từ cái lần gia đình, mẹ con tôi nhận được tin và thư của cha tôi gửi về, không hiểu có ma lực gì mà ai cũng nuôi hi vọng (trừ tôi) và luôn mong ngóng người Cao Lan nhân hậu nọ. Nhưng dù mọi người chúng tôi có mong hoài, mong mãi thì vẫn bặt bóng chim tăm cá. Đến khi cả nhà vô vọng thì... đột nhiên, thật bất ngờ, cái ông người Cao Lan lần nọ bỗng đâu lại xuất hiện, như thể trong mơ!

Khi ông hiện diện, cả nhà mừng quýnh lên, ai nấy đều đứng ngồi không yên. Nhận rõ tình cảnh vậy, ông ta liền lắc đầu, chép miệng và không nén nổi sự xúc động trong lòng, ái ngại bật lên tiếng: Khổ thân cho bà và các cậu quá! Mọi người phải hết sức bình tâm thì tôi mới có thể kể lại về ông nhà cho nghe. Vừa nói, ông vừa rưng rưng muốn khóc. Cảm thấy như có chuyện chẳng lành xảy ra với cha tôi, mẹ tôi mới nghiêm nét mặt, nén sự xúc động đang dâng trào trong lòng bà và ra hiệu cho chúng tôi yên lặng để nghe ông ta nói. Phút xúc động và hồi hộp của chúng tôi tạm thời lắng xuống. Cả nhà tôi khi ấy như nín thở, người căng lên để chờ đợi nghe những điều ông ta sắp nói.

Nhận rõ lúc này cả nhà tôi đã chế ngự được cơn xúc động, ông ta mới từ tốn, chậm rãi, mở nắp cái túi vải chàm bạc màu mà ông ta vẫn đeo bên hông từ lúc vào nhà đến giờ. Ông lần lượt lấy từng thứ từ trong cặp ra, đặt lên mặt bàn: thoạt tiên là chiếc đồng hồ quả quýt, nhãn hiệu Oméga, vỏ bằng đồng đen, quà tặng của chú Côn Sinh năm xưa cho cha tôi (hồi ở Hà thành), sau đó là chiếc bút máy loại to quá khổ, nhãn hiệu Parker, có thể đổ mực vào hàng tuần mới phải bơm mực lại, đó là quà của chú Đỗ Thúc Trâm tặng cha tôi khi còn làm việc ở tòa soạn Tân Dân Hà Nội và cuối cùng là một phong thư (đây là bức thư thứ hai và là bức thư cuối cùng). Lúc đầu, chúng tôi nhìn thấy cái cử chỉ lạ lùng, từ tốn ấy của ông dân tộc Cao Lan nọ, thì đều nhìn chằm chằm vào tay ông ta và sau khi đã trông rõ từng thứ vật dùng (như đã nói ở trên) mà trước khi đi cha tôi mang theo, được đặt lên bàn thì chúng tôi giật thót người lên và cảm nhận được cái sự chẳng lành đã xảy ra với cha tôi. Thế là, cả nhà chẳng ai bảo ai, nhất loạt òa lên khóc nức nở, vì đoán chắc rằng, cha tôi không còn nữa! (Cũng vì thế mà bức thư thứ hai của cha tôi gửi về, tôi chẳng còn bụng dạ nào mà đọc nữa. Vì vậy nội dung bức thư thế nào, tôi không được rõ.)

Để cho mẹ con chúng tôi khóc chán chê, tất cả đều đã ngấm mệt, lúc này ông người dân tộc Cao Lan, giọng ngùi ngùi xúc động mới thuật kể về chuyện của cha tôi. Ông nói: Bà nhà và các cậu bình tâm nghe đây. Ông nhà gửi tôi bức thư thứ hai này đã cách đây hơn một tháng (lần trước biết tin nhà, ông phấn chấn hẳn lên, riêng việc ông cụ thân sinh ông mất, tôi vẫn phải giấu, không dám cho ông biết) nhưng vì không tiện dịp mang ra (do chưa có việc gì để lấy cớ ra ngoài tỉnh), mặt khác nữa là, hình như tôi cũng bị nghi ngờ, nên đang bị người ta theo dõi thì phải.

Đến nay, ông nhà ta đã thực sự qua đời rồi, trước khi sắp qua đời, ông nhà gọi tên cụ và nhắc đến bà, đến các chú, nhất là tên chú út Diệp, rồi trào hai dòng nước mắt ra... còn những thứ này (ông ta chỉ vào những thứ để trên mặt bàn lúc trước) mà nói rằng: ông để lại cho tôi làm vật lưu niệm những ngày tháng tôi sống bên ông, phục vụ ông. Nhưng thưa bà và các cậu, tôi không dám dùng chúng, bởi dẫu sao thì đây vẫn là những vật cuối cùng của người đã khuất, cần phải mang ra nhà trả lại cho thân nhân của ông, cho dù trong lòng tôi có yêu thích chúng. Hôm nay, có dịp ra thị xã, tôi mang theo đến nhà để hoàn lại bà và các cậu làm kỉ niệm. Bà và các cậu là người cần giữ những vật này!

Nghe ông ta nói vừa dứt đoạn, mẹ tôi và tất cả chúng tôi lại òa lên khóc nức nở một hồi lâu. Thật đau đớn vô cùng! Cái tin sét đánh đến, làm chúng tôi sững sờ, không thể tin được! Thế là hi vọng cha tôi trở về đã tan tành mây khói!

Trong lúc cả nhà tôi, ai nấy đều đau đớn khóc than trước cái chết oan nghiệt, đầy bi kịch của cha tôi làm cho mọi người đều thấm mệt rồi, thì mẹ tôi, tạm bình tâm trở lại, bà ngẩng đầu lên gặng hỏi ông người Cao Lan nọ về sự thể cái chết của cha tôi. Bà gặng hỏi mãi, hỏi mãi thế nào thì ông ta cũng nhất định không chịu hé răng nói lấy nửa lời về sự thực cái chết diễn ra như thế nào của cha tôi, nhà văn Lan Khai. Ông ta im lặng, thở dài não nuột. Một lát sau, ông từ từ đứng dậy hướng vào mẹ con tôi mà nói lời chào từ biệt. Sau đó, ông ta lặng lẽ ra khỏi nhà tôi, cúi đầu lê bước.

Từ sau sự kiện ấy cho tới mãi đến tận bây giờ, chúng tôi không bao giờ còn gặp lại cái bóng dáng của hai người khách lạ vận quần áo Tàu hồi nọ và cả cái người đã mang mảnh giấy mời chết tiệt ấy đến nhà tôi. Người dân tộc Cao Lan nhân hậu ấy cũng không thấy đâu nữa?

Tất cả họ có khi đã đi vào cõi thiên thu như thể một giấc mơ kinh hoàng làm nhức nhối đau thương, đến là ghê sợ, hãi hùng.

Lại nói thêm một tư liệu nữa, vào khoảng năm 95 - 96, bà mẹ tôi nhắn tìm anh Trần Mạnh Tiến để nói một chuyện riêng mà mẹ giấu chúng tôi. Đó là một bức thư có nội dung sám hối của một người có tuổi ở ATK nhờ một người mang đến cho mẹ tôi: “Kính gửi bà Lan Khay! Hồi đảo chính Nhật, tôi nghe thượng cấp tỉnh bắt mang ông Lan Khay đi chết. Sau đấy họ cũng cấm tôi ra tỉnh, nếu nói ra chuvện chết của ông Lan Khay sẽ bị đưa đi lũng như ông Khay. Đến nay hơn 50 năm rồi tôi không đêm nào ngủ được yên. Nhắm mắt vào lại thấy nó ngồi bên cạnh giường. Người già bảo: đây là con ma của người chết oan. Nhà tôi mấy năm người cứ chết dần, gà lợn nuôi chẳng ở, con cái làm hại nhau. Lúa ngô năm nào cũng kém. Tôi đã đến chỗ nó bị chết cúng mấy lần nhưng nó không nghe vẫn cứ ở nhà tôi. Thầy bảo phải tìm vợ con người chết oan họ cúng cho mới khỏi. Đêm qua, vừa chợp mắt, ông Khay nó cũng về bảo thế. Tôi xin lạy van bà nếu bà còn sống bà cúng bảo nó tha tội cho con cháu tôi, để tôi chết thay cũng được. Con cháu tôi được sống, tôi sẽ đền bà. Tôi là người họ Lương..., bà giúp ơn giấu tên cho tôi với mọi người.” Nhận được bức thư ấy mẹ tôi xúc động khóc giấu cháu con, rồi lặng lẽ làm lễ cầu vong cho gia đình ông Tích ở khu ATK được sống bình yên. Tôi cảm thấy ngờ ngợ, dần dà mẹ tôi mới nói thực cho tôi: “Mẹ rất thương những người lầm lỗi, tội không sinh ra từ họ, đó là kẻ thừa hành thôi. Nói ra sợ con cháu không kìm nổi lại khoét sâu nỗi đau buồn, tủi hận đã quá lâu rồi. Cho Tiến và Lan xem kỹ bức thư ấy, làm lễ cầu vong xong, đêm ấy mẹ đốt rồi!”. Nghe bà kể “bức thư ấy chữ nguệch ngoạc chẳng thành câu cú hàng lối gì cả. Thật tội nghiệp!” 

Và rồi, cho đến tận hôm nay, sau sáu mươi năm đã qua, có nhiều sự biến động thăng trầm đến với đất nước, làm cho cả dân tộc anh hùng chúng ta phải chịu bao mất mát, đớn đau để bảo vệ thành quả cách mạng, để giành lại cuộc sống độc lập tự do từ tay các kẻ thù xâm lược. Trong những thành quả đã đạt được của dân tộc có cả sự đóng góp của gia đình chúng tôi tuy là nhỏ bé. Đặc biệt sự đóng góp của cha tôi, một nhân vật lịch sử của nền văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn đường rừng, nhà văn của phu mỏ than! Vậy mà cái chết oan khuất đầy bí ẩn của cha tôi vẫn chưa một lần được ai lí giải, chưa một lần được một cơ quan nào làm sáng tỏ! Không một cá nhân tổ chức nào thông báo công khai nhận trách nhiệm về sự thật cái chết của nhà văn Lan Khai?

Cái chết của cha tôi diễn ra một cách bí ẩn, âm thầm và đầy sự khuất tất còn nói chi đến tiếng kèn, tiếng trống, đến nén nhang tưởng niệm, đến tiếng khóc xót thương... Cái chết của ông giống hệt những cái chết li kì, rùng rợn, ông đã miêu tả trong những cuốn tiểu thuyết như số phận của mình vậy. Đó là số phận hay đó là sự ghen ghét, đố kị, hằn thù của những kẻ vô học, bất lương đối với người lương thiện?

Một nhà văn, một con người, ngay từ thời tiền chiến, nước Việt Nam còn đang trong vòng nô lệ bởi thực dân Pháp, ông đã nổi tiếng trên văn đàn, được đông đảo độc giả xa gần mến mộ. Một con người đã hết lòng vì dân, vì nước, vì sự phát triển của nền văn học nước nhà, đã không mệt mỏi làm đẹp cho non sông bằng tấm lòng, bằng những trang văn thấm đẫm tình người, tình đời của mình.

Cái “việc tày đình ấy” (chữ của ông Trần Huy Liệu nói với gia đình tôi và các nhà văn) mà người đời vẫn tưởng là bình thường ấy lại bị một số kẻ cố tình giấu kín, muốn ém vào sự bí ẩn mãi chăng và nhờ vào thời gian để xóa mờ vết tích? Theo tôi, nếu sự thể diễn ra đúng như dự cảm thì có lẽ, chỉ có ông hiện đang dưới mồ và những người trong cuộc là biết được tường tận từ đầu chí cuối cái việc diễn ra mà thôi. Song, cha tôi thì đã đi xa mãi mãi còn những người trong cuộc kia, chắc gì đến nay họ vẫn còn sống, để mà xác minh, mà làm chứng!

Riêng về phần tôi, chỉ biết những gì thuộc tư liệu có thực liên quan đến sự kiện cái chết của cha tôi, mà lúc sinh thời mẹ tôi kể lại cho nghe và những gì anh em tôi chứng kiến. Dầu sao thì Bông Lan rừng yêu kính của chúng tôi và của cả những độc giả mến mộ Lan Khai, vẫn thực sự lan tỏa cái hương thơm quyến rũ đến với mọi người trong suốt bao năm qua. Đó là sự thực không ai ngăn cản nổi, để chiến thắng mọi thế lực bạo tàn như lời của người xưa đã từng dạy: Thật thà là cha quỷ quái và Lênin vĩ đại cũng từng nói: Sức mạnh của chúng ta là ở trong sự thật. Này, những người sống quen bằng dối trá, có nghĩ chăng khi con cái của mình cầm trên tay cuốn sách dạy làm người: Sự thực là gì? Vì sao cần sự thực? Khi còn sống, Lan Khai đã từng nói: “Diễn tả cho đúng hệt con người, nghệ thuật văn chương đã đạt được mục đích và, do đấy, có thể trở nên thứ nghệ thuật văn chương muôn đời vậy”. (Bàn qua về nghệ thuật - Tao Đàn số 6/1939). Thế ra sự thực là chân lý của đời người và nghệ thuật. Thiếu tướng Hoàng Mai cũng khẳng định: “Lịch sử không bao giờ lầm lẫn, nhà văn Lan Khai là người có công với nước”.

L.P
(SH307/09-14)

Saturday 2 March 2019

Chiến hạm nổ tung và tổ điệp báo huyền thoại (Nhân Dân)

Chiến hạm nổ tung và tổ điệp báo huyền thoại

Thứ Bảy, 25/07/2015, 13:53:33
(http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/26979402-chien-ham-no-tung-va-to-diep-bao-huyen-thoai.html)
Công tác điệp báo là một trong bốn công tác nghiệp vụ cụ thể của lực lượng An ninh nhân dân. Điệp báo mang đầy đủ tính chất của ngành An ninh nhưng là hoạt động trong lòng địch, nên gay go, ác liệt, nguy hiểm lâu dài.
Chiến hạm nổ tung và tổ điệp báo huyền thoại
Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng Đạo (người thứ ba từ trái sang), con trai Trưởng nhóm điệp báo A13 - Hoàng Đạo với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa dưới Tượng đài nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi.
Ngay từ thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược, công tác điệp báo - tình báo đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Lực lượng Công an nhân dân phải đương đầu các cơ quan tình báo, gián điệp nhà nghề của địch. Chúng không chỉ giàu kinh nghiệm, có tiềm lực mạnh hơn ta nhiều lần, mà còn được sự hậu thuẫn của lực lượng quân sự hùng hậu và nhiều thế lực phản động. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, lực lượng điệp báo - tình báo Công an nhân dân qua các thời kỳ đã đóng góp không nhỏ vào thành tích và truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có chiến công xuất sắc của Tổ Điệp báo mang bí số A13, đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin của Pháp trên biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Cuối năm 1947, bị thất bại thảm hại trong cuộc "hành quân Thu - Đông" trên chiến khu Việt Bắc, thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược quân sự, đồng thời tính đến việc sử dụng quân bài Bảo Đại, lập một Chính phủ bù nhìn theo "lý tưởng quốc gia", trao trả độc lập giả hiệu cho Việt Nam. Ngày 5-6-1948, Hiệp ước Pháp - Việt (Bảo Đại) được ký kết. Thực dân Pháp ra sức mua chuộc, lôi kéo các thế lực phản động ủng hộ Chính phủ của Bảo Đại. Cơ quan tình báo chiến lược Pháp (SEH) ra sức tìm kiếm, mua chuộc những cán bộ kháng chiến "ly khai" về hợp tác "Chính phủ quốc gia bù nhìn". Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương "tương kế tựu kế" lần lượt đưa các điệp báo viên: Kim Sơn (bí số A14), Hoàng Đạo (bí số A13) vào hoạt động trong lòng địch. Tổ Điệp báo mang bí số A13 do đồng chí Hoàng Đạo làm tổ trưởng có nhiệm vụ đi sâu leo cao trong hàng ngũ địch, thu thập những tin tức chiến lược quan trọng về quân sự và chính trị..., gây được nhiều tín nhiệm rất cao trong hàng ngũ chỉ huy cao cấp cơ quan tình báo quân sự, tình báo chiến lược, Bộ tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, bọn cầm đầu Chính phủ bù nhìn, bọn cầm đầu các đảng phái phản động, bọn cầm đầu phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa. Các đảng phái phản động tranh giành ảnh hưởng, đảng nào cũng muốn lôi kéo A13 và những người "ly khai kháng chiến" về mình; đồng ý "hợp tác chặt chẽ với A13" thủ lĩnh của "tổ chức ly khai kháng chiến" gọi là "Phục Việt cách mạng đảng", gọi tắt là "đảng Phục Việt", một đảng "ma" không có trong thực tế.
Với uy tín đã tạo được, A13, A14 lần lượt tiếp xúc, hội đàm bí mật với hầu hết chỉ huy cao cấp của cơ quan quân sự, tình báo Pháp, bọn cầm đầu Chính phủ bù nhìn Bảo Đại và các đảng phái phản động. Để tạo thêm sự tin cậy cho tổ chức điệp báo A13, Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương đã bố trí một "chiến khu" giả tại vùng rừng núi thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và mở một đại hội "đảng Phục Việt" giả tại "chiến khu" để mời một số tên cầm đầu Việt gian ra thăm. Đinh Xuân Cầu, Ủy viên Trung ương Đại Việt quốc dân đảng đã cùng đi với A13, A14 ra "chiến khu" dự đại hội đảng Phục Việt. Khi trở về, Cầu viết một báo cáo tường trình lên Bảo Đại và quan thầy Pháp. Báo cáo này được đánh giá cao, do đó Pháp và Bảo Đại càng tin tưởng và đặt nhiều hy vọng vào "đảng Phục Việt". Bảo Đại đã phong cho A13 chức "Quốc vụ khanh" và A14 là đại úy "võ phòng Ngự lâm quân".
Mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh từ lâu nhưng chưa có điều kiện thực hiện, nay có "chiến khu quốc gia" của "đảng Phục Việt", thực dân Pháp liền chớp lấy thời cơ. Trong "hội đàm" giữa Trung tướng A-lếch-xăng-đơ-ri và Hoàng Đạo (A13) và về việc "giải phóng khu IV", thực dân Pháp thỏa thuận sẽ cung cấp đầy đủ vũ khí, tiền bạc cho "chiến khu quốc gia" để đảng Phục Việt "đảm nhiệm công cuộc giải phóng khu IV" và Pháp sẽ có vai trò hỗ trợ.
Trước tình hình hết sức phức tạp và nhạy cảm đó, Trung ương chỉ đạo: Không nên gây cho Pháp ảo tưởng trong vùng hậu phương của ta lại có một lực lượng ly khai chống lại kháng chiến, không có lợi về chính trị, ảnh hưởng đoàn kết dân tộc tập trung đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Do đó phải kết thúc sớm chuyên án này. Thực hiện chỉ đạo, Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương chỉ đạo Tổ Điệp báo A13 đánh một đòn mạnh vào thực dân Pháp và tay sai, kết thúc chuyên án.
Trước nhiệm vụ vinh quang, Nguyễn Thị Lợi đã chủ động nói với đồng chí Hoàng Đạo: "Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của trận đánh này, tôi xin nộp cho tổ chức một bức thư tình nguyện cảm tử, mong tổ chức chấp nhận lời đề nghị của tôi". Trong thư, bà viết: "Tôi Nguyễn Thị Lợi quê Phú Châu - Châu Đốc. Chiến sĩ tình báo xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà...".
Ngày 26-9-1950, Tổ Điệp báo A13 điều được ba tên cầm đầu phản động là Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hưởng (Trung ương Đại Việt) và Nguyễn Quang Minh (Trung ương Quốc dân đảng) ra vùng tự do Thanh Hóa để bắt, khai thác tin tức. Đồng thời, quyết định tổ chức đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin của Pháp đang neo đậu ở biển Sầm Sơn, chuẩn bị chở vũ khí, đạn dược và nhiều phương tiện hậu cần tiếp viện cho chiến trường Bắc Bộ. Các phương án, như sử dụng chất nổ, mìn hẹn giờ, kíp mìn, va-li ngụy trang sao cho khéo léo, che mắt địch khi lên tàu, nhất là phải tìm được người đóng vai "Phu nhân Quốc trưởng" "xách va-li" lên tàu ra Hà Nội, tất cả đều được A13 tiên liệu trước. Khoảng 3 giờ sáng 27-9-1950, Công an Thanh Hóa sử dụng năm thanh niên dân quân khỏe mạnh của xã Quảng Tiến, Sầm Sơn giỏi nghề đi biển, chèo thuyền đưa tổ điệp báo gồm Hoàng Đạo (A13), Kim Sơn (A14), Nguyễn Thị Lợi (A16) đóng vai "vợ Quốc vụ khanh Hoàng Đạo" và đồng chí Hải (A15) mang va-li có chứa 30 kg thuốc nổ ra khơi, lên Thông báo hạm A-miô-đanh-vin để ra Hà Nội. Sau khi bố trí xong va-li thuốc nổ và chia tay tạm biệt, 7 giờ sáng cùng ngày, Hoàng Đạo, Kim Sơn và đồng chí Hải đi thuyền trở về, chị Lợi với tư cách là "khách quý" ở lại Thông báo hạm A-miô-đanh-vin tiếp tục hành trình ra Hà Nội.
Sau 30 phút, một cột khói đen bốc cao, Thông báo hạm A-miô-đanh-vin nổ tung, 200 lính và sĩ quan Pháp (trong đó có một trung tá, hai đại úy, tám trung úy) cùng hàng tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm xuống đáy biển Sầm Sơn. Chị Nguyễn Thị Lợi, chiến sĩ Công an Hà Nội anh dũng hy sinh. Chị đã được Chính phủ truy tặng Huân chương Quân công hạng ba. Năm 1995, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho chị Nguyễn Thị Lợi, vì đã lập công đặc biệt xuất sắc, trực tiếp đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin.
Chiến công vang dội, đánh đắm Thông báo hạm A - miô - đanh - vin tại biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, trên đường ra Bắc Bộ, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đập tan âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cùng bọn tay sai hòng đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, mà còn phá âm mưu đen tối của địch định lôi kéo mua chuộc những người kháng chiến "ly khai" thành lập "chiến khu quốc gia" chống lại kháng chiến, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo nên thắng lợi của chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950. Hoạt động của Tổ Điệp báo A13 trong lòng địch đánh dấu một trình độ nghiệp vụ sắc sảo của công tác điệp báo CAND Việt Nam...
Đại tá, Tiến sĩ PHAN THANH LONG
Tôi còn nhớ ông Nguyễn Hữu Sen, sống ở phố Thân Thiện, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, một trong năm người tham gia chèo thuyền đưa tổ điệp báo lên tàu. Năm 2011, ông kể lại với tôi: "Hôm đó, trời se lạnh, chị Lợi mặc áo sáng mầu, trông khá trẻ và xinh đẹp, dễ mến. Vì nhiệm vụ quan trọng nên chúng tôi không dám hỏi gì, chị ấy cũng vậy, chỉ ngồi trên thuyền nhìn ra biển xa. Lúc đến hạm, chúng tôi, người neo dây thuyền, người cùng với anh Hoàng Đạo đỡ chị Lợi lên tàu. Sau khi xong việc, chúng tôi về nhà. Đến khoảng gần 5 giờ sáng, một ánh chớp sáng lòe lóe lên giữa bầu trời, rồi cột khói cao ngất trùm biển khơi, kèo theo đó là tiếng nổ dữ dội. Chúng tôi cùng nhân dân đi xem, ai cũng vui mừng, vì đoán chắc tàu của Pháp bị nổ. Chúng tôi cũng không hề biết rằng, chị Lợi đã dũng cảm hy sinh". Hai ngày sau khi Thông báo hạm A-miô-đanh-vin bị đắm, ông Sen đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vì lập thành tích xuất sắc. Hiện ông đã 90 tuổi, mắt đã lòa, nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn, sống cùng con gái.
(Nhà báo Phương Thủy, Báo Công an nhân dân)