Showing posts with label lịch sử cận đại. Show all posts
Showing posts with label lịch sử cận đại. Show all posts

Tuesday 25 February 2020

Sao lại đi chữa lợn què bằng cách lắp thêm chân cho lợn?



Trong tiếng Anh wifeconcubine có địa vị pháp lý cao thấp khác nhau, giống như tiếng Việt phân biệt thêthiếp. Thê thiếp là từ ghép đẳng lập chỉ chung cái ha-rem của người đàn ông. Cả Hoàng Anh Tuấn và Brian Wu đều thấy thê không phải là vợ nên mới bảo rằng vợ thì bị xử thế này còn thê (và thiếp) thì bị xử thế kia.

Brian Wu dịch capital offencestrọng tội. Tiếng Anh capital offences, tiếng Pháp là crimes capitaux, phải được hiểu là những tội đáng chết. Tội đáng chết là một loại trọng tội nhưng không phải trọng tội nào cũng bị tử hình. Thời Pháp thuộc phạt dưới năm năm tù là khinh tội (tội nhẹ), từ năm năm lên đến tử hình là trọng tội
. Luật hình sự bây giờ phân biệt tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trong đó tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt được quy định từ mười lăm năm tù đến tử hình. Capital offences của tiếng Anh chính là tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là tử hình, nói nôm na là tội đáng chết.

Sunday 23 February 2020

Chuột chù hôi hay khỉ hôi?


Muốn biết ông Borri nói gì thì tìm bản tiếng Anh hay tiếng Pháp mà đọc cho nó lành nhé. Cả bốn bản tiếng Việt của Nguyễn Nghị, Thanh Thư, Thuận Hóa và Brian Wu đều không dùng được (xem ảnh chụp màn hình).


Gospel / Evangile là Phúc Âm. Kinh Thánh là chữ khác (Bible).

Sodomy gồm có kê gian, nhưng không chỉ là kê gian.


Première grâce de l'Evangileân sủng đầu tiên của Phúc âm. Đó chính là ơn thông hiểu (sự thật / chân lý  / vérité ). Hai ân sủng kia là lòng thương xót (miséricorde) và niềm vui (joie). Xem thêm bản tiếng Việt của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở đây.

Ông Borri đơn giản chỉ muốn nói rằng các kiểu loại loạn dâm là trở ngại lớn khiến người ta không thể "giác ngộ" / thông hiểu Phúc Âm nhưng người Đàng Trong, may quá, lại không mắc các tội ấy, không như dân các xứ khác ở phương Đông. Chuyện họ không còn phạm sai lầm là chuyện do Brian Wu nghĩ ra chứ ông Borri không có nói.

Cũng chỉ mỗi Brian Wu thấy hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp khác nhau. Nhưng Brian Wu lại không thấy cả bốn bản tiếng Việt, trong đó có bản của Brian Wu rất giống nhau: cả bốn vị đều nói những chuyện mà ông Borri không nói và không nói những chuyện ông Borri muốn nói.

Nghề dịch cũng có ba ân sủng, trong đó ân sủng đầu tiên chính là ơn thông hiểu. Hai ơn còn lại cũng là ơn thương xót và niềm vui. Xem mấy cái ảnh chụp kèm theo đây có thấy thương xót, có cười nôn ruột được không?

 

Saturday 23 November 2019

Alexandre de Rhodes có nói như thế không (Trần Thanh Ái - Văn Hóa Học)

Alexandre de Rhodes không hề viết câu “Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú” trong các tác phẩm của ông. Sự nhầm lẫn tai hại này bắt đầu từ A. Thomazi khi ông đã biến một suy luận của người đời sau thành phát biểu của Alexandre de Rhodes.


alexandre de rhodes
Từ một câu trích dẫn không rõ ràng…
Năm 1993, Vương Đình Chữ có bài viết “Một ngộ nhận về Alexandre de Rhodes”, đăng trên Công Giáo và Dân tộc số 901 ngày 4/4/1993, (trang 18-19) và năm 2006 Nguyễn Đình Đầu có bài báo “Dân ta phải biết sử ta”, đăng trên Công giáo và Dân tộc, số 1582 ngày 9/11/2006, (trang 35) đề cập đến một câu trích sau đây:
“Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú”
Câu trích này được tìm thấy ở trang 304 quyển Lịch sử Việt Nam, tập 1, do Ủy ban KHXH Việt Nam xuất bản tại Hà nội năm 1971, với ghi chú là trích từ quyển Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653, tr. 109-110. Câu trích dẫn và nhất là thông tin trong ghi chú trên đây đã khiến nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng Alexandre de Rhodes có ý đồ thực dân. Để làm sáng tỏ vấn đề, Nguyễn Đình Đầu đã tìm đọc hai trang 109-110 của tài liệu trên và cả bản tiếng Việt Hành trình và truyền đạo do Hồng Nhuệ dịch[1], và đi đến kết luận là “không hề thấy câu nói sặc mùi đế quốc thực dân ấy, ngoại trừ những lời lẽ và thái độ quý mến dân tộc và trọng kính chính quyền cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của xứ ta đương thời”. Từ đó đến nay chưa thấy bài viết nào làm sáng tỏ nguồn gốc câu trích dẫn trên đây. Gần đây, khi có được các bản tiếng Pháp in lần đầu năm 1653, lần thứ hai năm 1666 và cả bản in năm 1854 của quyển sách nói trên, chúng tôi cũng đã bỏ công tìm tòi đối chiếu, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra một dòng nào có ý tương tự như câu trích dẫn bên trên.
Vậy từ đâu mà có câu trích dẫn đó? Có phải câu đó là của Alexandre de Rhodes không? Nếu phải thì nó nằm ở tài liệu nào? Còn nếu không phải của Alexandre de Rhodes thì nó được trích dẫn từ đâu?
Đến những suy luận võ đoán
Roland J. cho rằng đoạn “được gọi là trích dẫn đó” chỉ là một sự sáng tạo (invention) của Thomazi mà thôi (1998, tr.42), hay nói khác hơn, đó là một sự bịa đặt! Nếu chấp nhận cách diễn giải của Roland J. thì vô hình trung cho rằng tác giả này đã cố tình vu khống Alexandre de Rhodes ! Đó là điều vô cùng tồi tệ đối với các nhà khoa học ! Vì không thể dễ dãi đồng tình với Roland J., chúng tôi nghĩ rằng cần phải làm sáng tỏ nguồn gốc của câu trích dẫn trên.
Năm 2012, trong một tham luận trình bày tại hội thảo khoa học Côn Đảo – 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triển (1862-2012), có đoạn sau đây:
“Hơn 25 năm sống ở nước ta, lúc vào Nam, lúc ra Bắc, ông [A. de Rhodes] đã mang về Pháp một tấm bản đồ đầu tiên về xứ này và cho in tại Lyon cuốn Từ điển Việt – Bồ – LaHành trình truyền đạo và lịch sử xứ Đàng Ngoài, trong đó ông đã nhận định: « Ở đây, có một chỗ cần chiếm lấy và đặt cơ sở tại đó, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú tiền lời và của cải » [5]. « Chỗ cần chiếm lấy » ấy chính là Côn Đảo.” (Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân, 2012, tr.125).
Chú thích [5] của hai tác giả trên đây cho ta biết là đoạn văn đứng trước được trích từ trang 7 của một tư liệu mang ký hiệu VT 306 ABC, do Khoa Lịch sử trường Đại học KHXH&NV biên dịch, có tên là Cuộc chinh phục xứ Đông Dương, của tác giả A. Thomazi. Đó là bản dịch của quyển La conquête de l’Indochine của A. Thomazi, do Payot xuất bản lần đầu tại Paris năm 1934. Nguyên văn của câu trên như sau: “Il y a là, écrivait-il, une place à prendre, et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pourraient y trouver une source féconde de profits et de richesse.”
Để làm sáng tỏ ngữ cảnh của câu trên, chúng tôi chép lại cả đoạn văn gồm câu đứng trước và câu đứng sau :
En Annam comme au Siam, les premiers Français que l’on vit furent des missionnaires. Le Père Alexandre de Rhodes aborda en Cochinchine en 1624, passa vingt-cinq ans dans ce pays et au Tonkin ; il en rapporta la première carte du pays, un dictionnaire annamite – latin – portugais, une histoire du Tonkin, et signala les possibilités qui s’offraient au commerce. « Il y a là, écrivait-il, une place à prendre, et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pourraient y trouver une source féconde de profits et de richesse. » De nombreux prêtres, puis des agents de la Compagnie des Indes, confirmèrent ses dires. (Thomazi A., 1934, tr.13)
Nghĩa của đoạn văn này như sau:
Ở An Nam cũng như ở Xiêm [ngày nay là Thái Lan], những người Pháp đầu tiên mà người ta gặp là các nhà truyền giáo. Cha Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong năm 1624, sống 25 năm ở đó và ở Đàng Ngoài; từ đây ông đã mang về [Pháp] tấm bản đồ đầu tiên của nước này, một từ điển Việt – La tinh – Bồ Đào Nha[2], một quyển lịch sử xứ Đàng Ngoài, và đã lưu ý đến những khả năng mở ra cho việc thương mãi. “Ở đó, ông viết, có một chỗ cần chiếm, và khi đặt cơ sở tại đó, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú gồm lợi nhuận và tài nguyên.” Nhiều linh mục và kế đến là các đại diện của Công ty Đông Ấn đều khẳng định nhận xét của ông.
Trong ngữ cảnh trên, với cụm từ “écrivait-il” (“ông viết”) được đặt chen vào câu trích dẫn trong ngoặc kép “…”, và nhất là hai từ “ses dires” (“lời nói, câu nói của ông”) thì người đọc hiểu là Thomazi thông báo rằng lời nói trực tiếp này là của Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên tác giả không hề ghi chú câu trên được trích dẫn từ tài liệu nào, trang nào[3]. Roland J. thì cho biết rằng Thomazi có ghi chú đoạn trên đây được trích từ quyển Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient kèm theo số trang (tr.42, ghi chú 77)
Đâu là sự thật ?
Truy tìm các tài liệu xuất bản trước năm 1934 (năm Thomazi xuất bản quyển La conquête de l’Indochine), chúng tôi bắt gặp đoạn văn sau đây trong quyển Les commencements de l’Indo-Chine française của A. Septans xuất bản năm 1887 (Nxb Challamel Ainé):
« En parlant du Tong-Kin, le P. Alexandre de Rhodes traite longuement du commerce. Pour lui, le Tong-Kin, par sa situation, son voisinage avec la Chine, se prête merveilleusement aux entreprises et peut devenir le siège de transactions importantes. Les Chinois y venaient en grand nombre, ils y apportaient des porcelaines, des toiles peintes et en tiraient des soieries et du bois d’aloès. Les Japonais s’y livraient autrefois à un trafic considérable, mais depuis vingt-cinq ans, ils avaient cessé de paraître dans le pays, il y avait ainsi une place à prendre et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pouvaient y trouver une source féconde de profits et de richesses (2). » (tr.48)
(Khi nói về xứ Đàng Ngoài, cha Alexandre de Rhodes đề cập nhiều đến thương mãi. Đối với ông, xứ Đàng Ngoài vô cùng thuận lợi cho việc kinh doanh và có thể trở thành địa điểm giao dịch quan trọng. Đông đảo người Trung Hoa đến đó, họ mang đến đồ gốm sứ, vải hoa và mua tơ lụa và gỗ trầm hương. Trước kia, người Nhật đến đây buôn bán rất lớn, nhưng từ 25 năm, họ đã ngừng đến xứ này, vì thế có một chỗ cần chiếm lấy và, khi đã đặt chân đến đây, các thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn phong phú gồm lợi nhuận và tài nguyên)
Đoạn văn này được Septans ghi ở phần chú thích số 2 (trang 48) là idem., bên dưới chú thích 1 là “Castonnet-Desfossés, déjà cité”, tức là muốn nói đến tài liệu “Les relations de la France avec le Tong-kin et la Cochinchine” (Quan hệ của Pháp với xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong) của Castonnet-Desfossés đăng trong Bulletin de la société académique indochinoise de France, số 2, 1883.
Trong bài viết của Castonnet-Desfossés, đoạn văn trên đây nằm ở trang 81. Đó không phải là trích dẫn của Alexandre de Rhodes, mà là của chính tác giả. Sau khi đã tóm tắt ý chính của chương XVI có tựa là “Du Traffiq, & des Marchandises des Tunquìnois” (từ trang 56-58) của quyển Histoire du Royavme de Tvnqvin của Alexandre de Rhodes, là phần nói về việc thương mãi của xứ Đàng ngoài vào những năm 1627-1646, Castonnet-Desfossés đã đi đến suy luận đó là “một chỗ cần chiếm lấy”. Cũng theo chiều hướng suy luận ấy, độc giả còn đọc được một câu tương tự của Castonnet-Desfossés khi nói về các bản tường trình của linh mục Tissanier[4] sau khi đã lưu trú tại xứ Đàng Ngoài 3 năm, từ 1658 đến 1660 :
“Pour le P. Tissanier, le Tong-Kin est un pays d’avenir et doit, tôt ou tard, attirer l’attention des Européens. La fertilité de son sol, les cours d’eau qui l’arrosent et facilitent les communications, le voisinage de la Chine annonçaient que cette contrée serait un jour des plus florissantes et deviendrait dans la suite le siège d’un commerce actif. Si l’on s’en rapporte au P. Tissanier, l’établissement des Européens dans ce pays n’était qu’une affaire de temps” (tr.82).
“Đối với cha Tissanier, xứ Đàng Ngoài là một xứ sở của tương lai, và sớm hay muộn, sẽ thu hút sự chú ý của người châu Âu. Đất đai phì nhiêu, sông ngòi thuận tiện cho việc lưu thông, vị trí gần gũi với Trung Hoa báo trước rằng tương lai vùng này sẽ là một vùng trù phú và sẽ trở thành một trung tâm thương mại nhộn nhịp. Nếu ta tin lời cha Tissanier, việc người châu Âu đặt chân đến xứ này chỉ là vấn đề thời gian” (tr.82).
Như vậy “sự cố trích dẫn” này xuất phát từ Thomazi : ông đã nhầm lẫn khi đọc được trong quyển Les commencements de l’Indo-Chine française (Paris, Nxb Challamel Ainé) của A. Septans một trích dẫn từ bài viết của Castonnet-Desfossés, rồi vội gán cho Alexandre de Rhodes bằng cách thêm vào các chữ “écrivait-il” và “ses dires”. Sự nhầm lẫn này cũng còn bắt nguồn từ cách trình bày kém rõ ràng của Septans : sau khi viết câu “Son Histoire du Tonkin a été publiée en latin à Lyon en 1652” (Quyển Lịch sử xứ Đàng Ngoài [của Alexandre de Rhodes] đã được xuất bản bằng tiếng la tinh ở Lyon năm 1652), Septans liền ghi câu trích của Castonnet-Desfossés khiến người đọc dễ nhầm lẫn đó là của Alexandre de Rhodes !
Cũng cần nói thêm là quyển Lịch sử xứ Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes không hề đề cập đến Côn Đảo như hai tác giả Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân đã suy luận .“Chỗ cần chiếm lấy ấy chính là Côn Đảo” như trong tham luận đã nói bên trên. Như đã giới thiệu bên trên, chẳng những đoạn trích dẫn đang bàn không phải do Alexandre De Rhodes viết, mà nó cũng không có liên quan đến Côn Đảo, tên Poulo Condore hay Pulo Condor không hề xuất hiện trong bất cứ quyển sách nào của de Rhodes, và quyển Histoire dv Royavme de Tvnqvin chỉ nói về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo của Đàng Ngoài mà thôi.
Tóm lại, Alexandre de Rhodes không hề viết câu “Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú” trong các tác phẩm của ông. Sự nhầm lẫn tai hại này bắt đầu từ A. Thomazi khi ông đã biến một suy luận của người đời sau thành phát biểu của Alexandre de Rhodes. Nguy hiểm hơn nữa, từ sự nhầm lẫn này mà đã có người suy diễn đến việc Pháp chiếm Côn Đảo hai trăm năm sau.
Tài liệu tham khảo
1. Castonnet-Desfossés H., 1883: Les relations de la France avec le Tong-kin et la Cochinchine, d’après les documents inédits des Archives du ministère de la Marine et des Colonies et des Archives du Dépôt des cartes et plans de la marine, trong Bulletin de la société académique indo-chinoise de France, số 2, 1882-1883.
2. Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân, 2012. Về nhận thức của người Pháp đối với Côn Đảo trước năm 1862, trong Côn Đảo 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triểm (1862 – 2012) (Kỷ yếu hội thảo khoa học. Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia – Sự Thật.
3. De Rhodes A. 1651. Histoire dv Royavme de Tvnqvin, bản dịch tiếng Pháp của Henry Albi. Lyon, Chez Iean Baptiste Devenet.
4. Roland J. 1998. Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne. Faut-il réécrire l’histoire? đăng trong tạp chí Revue française d’histoire d’outre-mer, quyển 85, số 318, quý 1 năm 1998.
5. Septans A. 1887. Les commencements de l’Indo-Chine française. Paris, Nxb Challamel Ainé.
6. Thomazi A. 1934. La conquête de l’Indochine. Paris: Payot.
Chú thích:
[1] Bản tiếng Việt do Hồng Nhuệ dịch quyển Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp Hồ Chí Minh xuất bản, 1994.
[2] Thomazi viết sai: tên từ điển bằng tiếng la-tinh là Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm, xuất bản tại La Mã năm 1651. Tài liệu bằng tiếng Việt thường gọi là Từ điển Việt – Bồ – La.
[3] Quyển La conquête de l’Indochine của Thomazi mà chúng tôi tham khảo do Nhà xuất bản Payot (Paris) xuất bản năm 1934 không có ghi chú nào về tài liệu được trích dẫn.
[4] Relation du voyage du P. Joseph Tissanier, Edme Martin  xuất bản năm 1663.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 5 năm 2019

Tuesday 19 November 2019

PGS.TS Hoàng Dũng: Không thể tùy tiện lên án người xưa như thế (Hoàng Dũng - Tuổi Trẻ)



TTO - PGS.TS Hoàng Dũng đã thể hiện quan điểm riêng của mình như thế, quanh bản kiến nghị loại bỏ tên hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes ra khỏi danh sách đặt tên đường, trường học ở Đà Nẵng.



PGS.TS Hoàng Dũng: Không thể tùy tiện lên án người xưa như thế - Ảnh 1.
Đường Alexandre De Rhodes tại quận Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
PGS.TS Hoàng Dũng có bài viết gửi cho Tuổi Trẻ.
Công lao đã được khẳng định
Bản kiến nghị mà 11 người gửi có nêu ba lý do: Alexandre De Rhodes không phải là người chế tác chữ quốc ngữ; Alexandre De Rhodes công kích Nho, Lão, Phật và Alexandre De Rhodes "âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta". Tôi sẽ lần lượt bàn về cả ba lý do đó.
Với lý do thứ nhất, ngày nay giới nghiên cứu dễ dàng đồng ý với nhau rằng chữ quốc ngữ không phải là sản phẩm của Alexandre De Rhodes và Từ điển Việt Bồ La của ông đã thừa hưởng công lao của những giáo sĩ đi trước. Nhưng không có nhà nghiên cứu hiểu biết nào lại sổ toẹt công lao của Alexandre De Rhodes đối với chữ quốc ngữ. Từ điển Việt Bồ La đã ghi một cái mốc quan trọng trong lịch sử chữ quốc ngữ, nhất là trong điều kiện hai cuốn từ điển Việt Bồ của Gaspar De Amaral và Bồ Việt của Antonio Barbosa đã thất truyền. Đó là sự thực mà chỉ những ai cố tình nhắm mắt trước lịch sử mới có thể phủ nhận.
Còn về lý do thứ hai mà các vị trên viện dẫn, tôi đồng ý rằng quả nhiên Alexandre De Rhodes có chê bai nặng lời các tôn giáo khác. Nhưng đó là hạn chế khó tránh không phải chỉ riêng Alexandre De Rhodes. Cần nhớ ông sống cách đây 400 năm và đừng đứng trên quan điểm của thế kỷ 21 để gò người xưa vào khuôn khổ tư tưởng ngày nay. Có lẽ nào chúng ta không cần biết ơn một người do họ có hạn chế về tư tưởng?
Dịch sai, hiểu sai!
Về lý do thứ ba, các tác giả bản kiến nghị dẫn một đoạn viết của Alexandre De Rhodes trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653 với lời dịch của giáo sư Hoàng Tuệ: "Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ", từ đó khẳng định: "Alexandre De Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông" là sai.
Với câu trích đề cập trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu từng dịch: "Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các giáo hội này" (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). Ông Nguyễn Ðình Ðầu nói thêm: "Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn "chinh phục toàn phương Ðông" là để cho "nước Cha trị đến", chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. "Chinh phục" hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị.
Còn theo Hồng Nhuệ (trong cuốn Hành trình và truyền giáo do Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP.HCM xuất bản năm 1994, ở trang 263, 289) thì đoạn trích phải được dịch: "Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về quy phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn". Và Hồng Nhuệ chú thích từ chiến sĩ ở đây: "Nói chiến sĩ Phúc Âm tức là các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng".
Do đó, tôi cho rằng 11 người ký tên không thể tùy tiện dựa vào cách hiểu của mình lên án người xưa như thế.
Tóm lại, tất nhiên các vị giáo sĩ chế tác ra chữ quốc ngữ chỉ để truyền giáo, nhưng lẽ nào người Việt được hưởng ích lợi của chữ quốc ngữ lại tỏ ra vô ơn sao?

PGS.TS HOÀNG DŨNG (ĐH Sư phạm TP.HCM)

Sunday 17 November 2019

Chữ "Plusieurs Soldats" Thời A.D. Rhodes (Lý Đương Nhiên - Sách Hiếm)

Chữ "Plusieurs Soldats" Thời A.D. Rhodes
Lý Đương Nhiên
14 tháng 3, 2009
LTS: Nhiều nhà nghiên cứu các sản phẩm văn hóa của những nhà truyền giáo đã đi đến kết luận là những sản phẩm này có những đặc tính như sau: - ngôn ngữ mơ hồ, - giải thích nhập nhằng, - đánh tráo sự kiện, - thiếu chứng cớ, - thiếu minh bạch, - và sau cùng là trơ trẽn. Nói chung, "gian và dối" là những đặc tính họ cần phải tập luyện hàng ngày để chống đỡ khi chạm mặt đối đầu với những sự kiện, luồn lách để né tránh các vấn đề của lịch sử. Một chữ "plusieurs soldats" thôi cũng đã được các "ngài" dùng hết mọi mánh khóe kể trên để có thể "bảo vệ" cho tên gián điệp A.D. Rhodes đứng lên vị trí "cai trị" dân thuộc địa trong môi trường "văn hóa". Bài viết sau đây nhắc lại và cô đọng những minh chứng cụ thể mà nhiều nhà nghiên cứu trước đây cũng đã lên án rải rác đó đây trong nhiều bài viết. Một chi tiết nhỏ đã trở nên rất quan trọng, xin những vị đang nắm giữ các chức vụ quan trọng bảo vệ tổ quốc và dân tộc quan tâm chú ý trong việc nhận định ai là Giặc và ai là Cha. (sachhiem.net)


Khoa Học Xã Hội,
38 Hàng Chuối, Hà Nội
Hà Nội, Việt Nam

Kính gửi Viện Sử Học

Trong bài viết “Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau” của Giáo sư Chương Thâu đăng trong tạp chí Công giáo và Dân tộc (http://htx.dongtak.net/ spip.php?article194) số ngày 15-3-1996 có đoạn như sau:
... Trong cuốn sách Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo) của linh mục Alexandre de Rhodes do Cramoisy xuất bản tại Paris năm 1653 ở đoạn cuối chương 19 của phần thứ 3, có một câu nguyên văn: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout L’orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises. Je suis sorti de Rome à ce dessein Le 11e Septembre de l’année 1652 après avois baisé les pieds du Pape.” ....
Và câu này được Hồng Nhuệ dịch ra Việt ngữ trong cuốn "Hành trình và truyền giáo" do Ủy ban đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1994, ở trang 263 như sau: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Dương đưa về quy phục chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và Thày chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Roma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tôi hôn chân Đức Giáo hoàng.” (Người dịch chú thích từ chiến sĩ ở đây: nói chiến sĩ Phúc Âm tức là nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xăm lăng – trang 289)
Chú ý : plusieurs soldats (chứ không phải là quelques soldats) là "nhiều chiến sĩ", Hồng Nhuệ lại dịch là "mấy chiến sĩ".
Trong bài tham luận đọc tại Hội nghị Quốc tế về Nghiên cứu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam ngày 3, 4, và 5 tháng 12 năm 1992, ông Nguyễn Đình Đầu đã dịch plusieurs soldats trong câu văn của Alexandre de Rhodes và cho rằng chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai.
Đến ngày tưởng niệm 400 năm ngày sinh của A. de Rhodes, Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm đã dịch thẳng câu chữ plusieurs soldats là “chiến sĩ truyền giáo” không phải e dè gì nữa vì ý kiến của ông là ý kiến quyết định. A. de Rhodes là tên gián điệp đội lốt tôn giáo đã trở thành danh nhân Việt Nam được đặt bia ở Thư viện Quốc gia Hà Nội và tên đường ở Sài Gòn.
Thời Alexandre de Rhodes đến năm 1898 là năm ông ông Pétrus Ký qua đời, chữ Soldat chỉ có nghĩa là binh lính chưa có thêm nghĩa là chiến sĩ - combattant.
Theo Tự Điển Từ Nguyên (Dictionaire Étymologique) về từ Soldat: mượn từ tiếng Ý, Soldato (từ Soldare, Solde); được biến đổi từ chữ Soudart từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 thành Soldat, có nghĩa là người đi bắn thuê, giết thuê - Tiré de Soudoyer "Dictionaire Étymologique, par Albert Dauzat (à l'école pratique des hautes Études) librarie Larousse - Paris 6, 1938, các trang 671, 672."
Sống trong cùng một nền văn hóa Kitô, có hai tác giả Tây phương đã dịch đoạn văn trên sang Anh ngữ:
1. Solange Hertz dịch: “…I thought that France, as the most pious kingdom of the world, could furnish me many soldiers for the conquest of all the Orient in order to subject it to Jesus Christ and especially that I could find there some way of getting bishops for our Fathers and masters in those Churches. I left to Rome for this purpose on the eleventh of September of the year 1652, after kissing the Pope’s feet…”  (Divers Voyages & ..., Solange Herts, Newman Press, Westminter, Maryland 1966, trang 237)
(Tôi nghĩ rằng nước Pháp, một vương quốc ngoan đạo nhất thế giới, có thể cung cấp cho tôi nhiều binh lính hơn để chinh phục toàn thể Đông Phương để dâng lên cho Chúa và đặc biệt là tôi có thể tìm ra phương cách đưa ra các giám mục, là bậc cha bậc thầy của chúng ta vào trong những nhà thờ. Tôi rời La Mã với mục đích đó vào ngày 11 tháng 9 năm 1652, sau khi hôn chân Giáo Hoàng.)
2. Helen B. Lamb: “Alexandre de Rhodes held to his dream that France should play the key role in colonizing Vietnam: “I believe that France, as the most pious of all kingdoms, would furnish me with soldiers who would undertake the conquest of the whole Orient, and that I would find the means for obtaining bishops and priests who were Frenchmen to man the new churches. I went to Rome with this plan in mind on September 11, 1652. ” (Vietnam’s Will to Live, Helen B. Lamb, N.Y. 1972, trang 38, 39. )
(Đắc Lộ ôm mộng nước Pháp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chiếm Việt Nam làm thuộc địa: "Tôi tin rằng vì nước Pháp ngoan đạo nhất trong tất cả các vương quốc nên sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh lính để đi chinh phục toàn thể Đông Pương và tôi sẽ tìm ra phương cách để thu dụng nhiều giám mục và linh mục người Pháp cai quản các nhà thờ mới này. Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó.")
Cả hai tác giả này dịch Soldats sang Anh ngữ là Soldiers không có dịch sang là chiến sĩ truyền giáo (the missionary soldier) như các ông Hồng Nhuệ, Đinh Xuân Lâm ...
Trong bài viết “Ai làm ra chữ quốc ngữ?” đăng trong báo Tuổi Trẻ ngày 31-1-1993, Giáo sư Hoàng Tuệ đã dịch (đúng nguyên nghĩa mà từ ngữ này xuất hiện và tồn tại,  với trọn vẹn ngữ cảnh đơn giản được xử dụng thời đó) plusieurs soldats là binh lính như sau: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”.
Thế nhưng, Giáo sư Nguyễn Khắc Xuyên đã viết bài “Gửi GS Hoàng Tuệ bàn về chữ Quốc ngữ trên tờ Tuổi Trẻ” đăng trên báo Ngày Nay số 277 ngày 1-7-1993 ở Houston, Texas, trong đó ông GS Xuyên đã mạt sát GS Tuệ là "ngu xuẩn", "ngu dốt", "thật là dốt lại thích nói chữ"... GS Xuyên đem cái nhược điểm (dùng tự điển của thời nay để dịch chữ ngày xưa) của chính ông mà chê trách cái ưu điểm của GS Tuệ và chất vấn như sau: “Từ điển Pháp Việt của Trương Vĩnh Ký dịch soldat là ‘lính, binh lính, lính tráng’. Từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh dịch soldat là ‘lính, bộ đội, chiến sĩ ...”Như vậy GS Tuệ lùi lại hơn nửa thế kỷ khi chỉ dịch theo Trương Vĩnh Ký mà không theo từ điển mới nhất 1981. GS chủ ý chụp mũ cho Đắc Lộ về Âu châu mộ lính”.
Theo thời gian, có chữ thêm nghĩa hoặc thay đổi nghĩa, ví dụ như chữ Jésuite thời linh mục A. de Rhodes có một nghĩa là giáo sĩ Dòng Tên. Sau này giở từ điển ra tìm chữ Jésuite thấy có thêm nghĩa là “người giả nhân nghĩa, đạo đức giả, xảo trá, tráo trở”. Nước ta trước đây có đạo Gia tô sau đổi là đạo Thiên chúa, đạo Kitô, rồi sau cùng là Công giáo. Khi Gs Ngô Đức Thọ dịch quyển sách Hán văn ở thế kỷ 18 là quyển Tây dương Gia tô bí lục thì ông không dịch là Tây dương Công giáo bí lục được.
Cuối thế kỷ 19, tức vào thời ông Trương Vĩnh Ký, chữ soldat chưa có thêm nghĩa là chiến sĩ. Như vậy thời của A. de Rhodes chữ soldat chỉ có nghĩa là “lính, binh lính, lính tráng” mà thôi. Cho nên khi dịch chữ soldats do linh mục A. de Rhodes viết ra chỉ có nghĩa là binh lính, lính tráng mà thôi. Đọc cả đoạn văn bằng Pháp văn ở trên chẳng có chỗ nào là nghĩa bóng cả.
GS Hoàng Tuệ dịch là “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ” là dịch đúng vào thời điểm A. de Rhodes viết ra chữ soldats. Tôi đã lớn tuổi, có đọc sách hiểu rằng chữ “chiến sĩ” đứng một mình có nghĩa chỉ về quân đội. Chữ “chiến sĩ” muốn có thêm nghĩa bóng hoặc văn vẻ thì phải thêm chữ bổ nghĩa vào đằng sau, như: chiến sĩ văn hoá (le soldat de la civilization), chiến sĩ tự do (le soldat de la liberté), ... Thời của A. de Rhodes muốn chỉ các nhà truyền giáo thì có chữ missionnaire, mà A. de Rhodes muốn xin các nhà truyền giáo thì ông đương nhiên hiểu thẩm quyền nào có quyền cấp cho ông, như:
1. Toà thánh Vatican,
2. Ngày 4-5-1493, Giáo hoàng Alexandre 6 chia đôi thế giới, một nửa cho Bồ Đào Nha, một nửa cho Tây Ban Nha được phép đi chinh phục thế giới và truyền đạo. Linh mục A. de Rhodes đi sang Á châu qua ngả Bồ Đào Nha. Khi A. de Rhodes về Pháp sang Vatican vận động với Giáo hoàng cho Giáo hội Pháp được thành lập Giáo đoàn Pháp quốc Hải ngoại, Giáo hội Bồ Đào Nha phản đối và không cho A. de Rhodes sang Á châu. Giáo hoàng phải cử ông sang Ba Tư, sau đó phong ông lên làm Giám mục. Sau khi ông chết, Toà thánh mới cho phép Giáo hội Pháp thành lập Giáo đoàn Pháp quốc Hải ngoại vào năm 1661.
Như vậy, A. de Rhodes muốn xin các giáo sĩ thì chỉ được phép xin với Vatican hay Giáo hội Bồ Đào Nha mà thôi. Thời đó cả Á châu chưa có súng, chỉ một ít quân có súng đã chiếm được Macao để lập căn cứ truyền đạo. A. de Rhodes sang Việt Nam phải trốn, lẩn và bị trục xuất. Ông đã vẽ bản đồ Việt Nam và viết báo cáo về việc truyền giáo của ông ở Việt Nam . Vì chưa có đường hàng không mà chỉ có đường biển, nên các nhà truyền giáo hiểu rằng muốn xâm nhập vào Đông Nam Á thì Việt Nam là cửa ngõ cần phải chiếm để lập căn cứ. Nước Bồ quá nhỏ, ít quân, không đủ khả năng nên A. de Rhodes đã xin với chính phủ Pháp soldatss là xin quân lính sang chiếm nước ta.
Chứng minh tham vọng của các nhà truyền giáo như sau:
1. Không phải chỉ người Việt Nam mà cả người Pháp cũng ngạc nhiên và lo sợ lối hành binh của Tây Sơn. Ngày 11-8-1788, trong một lá thư gửi cho ông Letoudal, giáo sĩ (Giám mục) La Bertete có viết: "Tôi không rõ cuộc viễn chinh của người Pháp khi nào sẽ xảy ra, nhưng tôi sợ rằng quân Pháp của chúng ta vì khinh thường bọn này (Tây Sơn) và không am hiểu tường tận về cách hành binh của họ và sẽ không đủ sức mạnh thì có thể trở thành nạn nhân bi thảm” (tài liệu Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris. Cochinchin, tập 102 trang 176). ( Đỗ Bảng – Những Khám phá về Hoàng Đế Quang Trung, tr 209) – Vua Quang Trung đang khỏe mạnh lăng đùng ra chết, có dư luận cho rằng vua Quang Trung có thể đã bị nhà truyên giáo tây phương thuê người đầu độc là có cơ sở lắm?
2. Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) dẫn Hoàng tử Cảnh sang Pháp xin với vua Louis 16 (1754-1789) đem quân sang giúp Nguyễn Ánh.
Pigneau_de_Behaine
3. Năm 1857, Giám mục Pellerin, Hồng y Bonnechose, Linh mục Legrand de Liraye, Linh mục Huc vận động Pháp hoàng Napoléon đệ Tam qua ngả Hoàng hậu Eugenie Marie Montijo, được Pháp hoàng chấp thuận. Năm 1858, Đô đốc Rigault de Genouilly  đem quân qua đánh chiếm nước ta.
Như vậy, A. de Rhodes xin các nhà truyền giáo với Giáo hội Pháp không được và xin với chính phủ Pháp cũng không được luôn vì không phải thẩm quyền của họ. A. de Rhodes xin chính quyền Pháp soldats là xin binh lính. Giáo sĩ đi trước binh lính theo sau, đó là sách lược của các nước Âu châu đi chiếm thuộc địa vào các thế kỷ trước đây. Thời của linh mục A. de Rhodes, chữ soldat chưa có thêm nghĩa “chiến sĩ” mà dịch plusieurs soldats là “chiến sĩ truyền giáo” chỉ là ngụy biện. Mà ngụy biện thường đi với ngoan cố rất là khắng khít.
Giai thoại sau đây được kể ra để chứng minh ông De Rhodes đã tâu với Pháp hoàng xin "nhiều binh lính" chứ không thể xin "vài nhà truyền giáo". Ở Việt Nam vào thập niên 1950, tòa thánh Vatican bổ nhiệm Giám mục Nguyễn văn Hiền về cai quản giáo phận Saigon. Chính quyền Việt Nam của Tổng Thống Diệm không hài lòng vì muốn Tổng Giám mục Ngô Đình Thục về đó. Tòa thánh Vatican đã sửa lại, chuyển giám mục Hiền về coi giáo phận Đà Lạt và cử Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình về coi giáo phận Sài gòn. Thật là tréo ngoe! Sau đó độ hai năm tòa thánh Vatican lại bổ nhiệm Tổng giám mục Ngô Đình Thục về giáo phận Huế.
Như vậy Tổng thống Diệm không có quyền bổ nhậm các giáo sĩ. Đó là chuyện thế kỷ 20, lúc mà Giáo Hội La Mã đã bị suy thoái sau Cách Mạng Pháp vào thế kỷ 18. Ai cũng biết thế lực của Giáo Hội La Mã vào thế kỷ 16 thật là ghê gớm. Ngay từ năm 1075 (tức thế kỷ thứ 11) Giáo hoàng Gregory 7 đã ban hành Tuyên Cáo "Dictatus Papae" gồm 27 điều trong đó có điều số 3 "Chỉ có Giáo Hoàng mới có quyền bổ nhậm hay bãi chức các Giám Mục (1). Các Vua Âu Châu đều phải được Giáo Hoàng "xức dầu" mới được làm Vua. Thế thì Pháp hoàng lúc đó làm sao có quyền bổ nhậm các giáo sĩ? Vậy Alexandre de Rhodes xin với nhà vua Pháp "plusieurs soldats" là xin nhiều binh lính chứ làm gì có chuyện xin các giáo sĩ? Thế mà các ông Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Đình Đầu, Chương Thâu nhập nhằng đòi cưỡng dịch "plusieurs soldats" là "chiến sĩ truyền giáo" thì thật là hết sức bố láo!
Còn về chữ Quốc ngữ, các nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên người Bồ sang Việt Nam có nhu cầu truyền đạo nên họ phải phiên âm học tiếng Việt để giảng đạo, đó là do nhu cầu của họ. Họ sáng chế ra chữ Quốc ngữ mục đích không phải cho dân tộc Việt Nam. Ông Charlie Nguyễn (một nhà trí thức khoa bảng đạo dòng nhiều đời từ thế kỷ 16) đã viết: “Tên cướp xông vào nhà mình bị chủ nhà phản công phải bỏ chạy để quên con dao. Chủ nhà nhặt lên thấy dao sắc thì dùng để thái thịt, đâu có chạy theo tên cướp để cám ơn.
”(http://sachhiem.net/CHARLIE/CN_TTDTG/Alexandre.php)
Người Nhật, người Tàu, người Đại Hàn họ vẫn dùng chữ của họ mà nước Nhật là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, nước Tàu đứng thứ tư thế giới, và Đại Hàn cũng đang trở thành cường quốc về kinh tế. Cách đây gần năm, tờ Newsweek có bài viết cho biết trước đây sinh viên Mỹ học thêm ngoại ngữ như Nga, Tây Ban Nha, Đức và Pháp ngữ. Nhưng nay sinh viên Mỹ một số đã chuyển sang học chữ Tàu. Nếu Việt Nam vẫn sử dụng chữ Hán như ông cha trước đây biết đâu lại có lợi cho ngày hôm nay?
Thị trường chữ quốc ngữ hạn hẹp, chỉ có 84 triệu người so với thị trường chữ Hán hơn tỷ người. Mới đây, linh mục Trần văn Kiệm tác giả tự điển Hán Nôm có lên đài truyền hình ở California khuyên đồng bào Việt Nam nên học chữ Hán vì đó là chữ quốc tế, và cụ cho biết rất dễ học không khó đâu. Bao nhiêu tài liệu về chữ Hán ở Tòa Thánh chưa có người nào khai thác, cụ cho biết như vậy.
Để kết luận ngắn gọn, vũ khí hay chiến lợi phẩm tịch thu của địch để làm vũ khí của ta là nguyên lý sơ đẳng trong bất cứ cuộc chiến nào trong lịch sử nhân loại. Đây là qui luật chiến tranh. Chẳng thể nào người Việt nước ta không biết qui luật này hay sao, lại lầm lẫn đi nhận giặc làm cha?
Lý Đương Nhiên

Chú thích:
(1) tài liệu trong "The Human Record - Sources of Global Story" Vol I, Andrea-Overfield, University of Vermont, tr. 225-226, có đăng trong báo Giao Điểm số 28 tháng 12 năm 1997, tr. 37-38

Cùng tác giả:

  • Nguyễn Trường Tộ Là Danh Nhân Việt Nam ?
  • Chữ "Plusieurs Soldats" Thời A.D. Rhodes


  • Và những bài đọc thêm:
    - Chương 13 "Đạo Lý Được Thể Hiện Trong Văn Phẩm Qua Ngôn Từ và Văn Phong", quyển Hai "Thực Chất Của Giáo Hội La Mã" của Nguyễn Mạnh Quang xuất bản năm 1999.

    Monday 28 October 2019

    Cuộc tiếp xúc đầu tiên với các chiến sĩ dân chủ trong quân đội Lê dương Pháp (Trần Quốc Hương - Xưa và Nay)

    Cuộc tiếp xúc đầu tiên với các chiến sĩ dân chủ trong quân đội Lê dương Pháp

    Tôi sinh ra và lớn lên ở Phủ Lý trong một gia đình khá giả. Khi còn học ở trường tiểu học, cha tôi đã thuê gia sư để kèm cặp anh em chúng tôi học tiếng Pháp. Đó là thầy Đào Đinh Luống, mà sau này tôi mới biết lúc đó ông đã là bí thư Ban cán sự đảng (ngang với bí thư tỉnh ủy) tỉnh Hà Nam. Chính thầy là người dìu giắt tôi hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ ở Phủ Lý (về sau ông lấy tên là Nguyễn Đức Quỳ).
    Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thi hành chính sách khủng bố, nhiều cơ sở Đảng bị tan vỡ, trong nhóm chúng tôi ở Phủ Lý có người phải đăng lính để tránh sự bắt bớ của mật thám. Có người bảo tôi nên chuyển lên Hà Nội để dễ hoạt động, nhưng thầy Luống bảo: “Gia đình nó khá, thế nào cũng được cho lên Hà Nội học, cứ để nó đi một cách tự nhiên, sau này dễ hoạt động”. Quả nhiên, lên đến cấp trung học, tôi được gia đình cho lên Hà Nội.
    Lên Hà Nội tôi sống trong popote (một kiểu nhà trọ tự lập, tự tổ chức việc ăn uống, chỉ phải trả tiền nhà) trên gác nhà số 6bis phố Công sứ Miribel (nay là phố Trần Nhân Tông), do mấy anh công chức nghèo, học sinh, sinh viên đứng ra tổ chức. Trong popote có khoảng 10 người. Tôi ghi tên vào học trường Puginier (nằm trên đường Quang Trung ngày nay), một trường do các tu sĩ Công giáo tổ chức, dành cho con nhà khá giả. Mấy năm ở trường tôi tham gia đoàn Hướng đạo và hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ.
    Tại đây tôi đã gặp và kết bạn với anh Nguyễn Văn Giới (tức Thôi Hữu) và Phạm Triều. Cả hai anh đều tham gia phong trào Thanh niên Dân chủ và bãi khóa ở trường Kỹ nghệ thực hành Huế cho nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội làm ăn để liên lạc với cách mạng. Popote này trở thành một cơ sở liên lạc của các chiến sĩ cộng sản, nhưng do một tên phản bội khai báo nên bị mật thám Pháp để ý theo dõi.
    Những người bạn kháng chiến Đức với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam ở Việt Bắc. Từ trái sang: Dương Bạch Mai, Frey (Nguyễn Dân), Trường Chinh, Lê Văn Lương, Wachter (Hồ Chí Thọ), Schroder (Lê Đức Nhân). Ảnh: Tư liệu.
    Cuối năm 1942, chúng tôi tổ chức treo cờ búa liềm và rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Hồng quân Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 25 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Tôi tham gia nhóm treo cờ búa liềm. Một người thuộc nhóm rải truyền đơn bị địch bắt. Do bị đánh đập dã man không chịu được, người này đã khai với mật thám bắt tôi ở nhà trọ cùng một số người khác. Theo giấy khai sinh thì lúc đó tôi chưa đến tuổi thành niên, thế nhưng tôi vẫn bị đưa ra xử tại tòa án binh Hà Nội. Nhờ anh tôi là một nhà thầu khoán quen biết rộng, bỏ tiền ra lo lót khắp nơi, cho nên tôi chỉ bị giam có hơn một năm.
    Sau khi ra tù tôi có ý tìm anh Thôi Hữu ngay nhưng chưa gặp, vì từ cuối năm 1941 anh đã lên làm thợ điện ở Sơn Tây, nơi có căn cứ quân sự của Pháp ở Tông. Tại đây anh đã lân la làm quen một số lính Lê dương. Sau một thời gian điều tra anh biết trong số lính Tây này có một số người Đức, Áo và Tây Ban Nha là những người chống phát xít, vì sợ bị trả thù mà phải sung vào đội quân này. Lê dương là một đội quân gồm những người lính đánh thuê cho quân đội Pháp thuộc nhiều quốc tịch. Nguyên tắc của tổ chức này là bất cứ người nào, nếu tự nguyện gia nhập thì sẽ được bảo đảm không bị tố giác về những hành vi sai trái mà họ đã phạm phải trước khi vào lính. Một trong những điều cấm kỵ đối với lính Lê dương là không được ai hỏi về quá khứ của nhau, vi phạm điều này có thể đưa đến án mạng. Vì vậy đội quân Lê dương gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau, có những người vì lý do chính trị, thì cũng có không ít những tên tội phạm hình sự bị truy nã mà phải lánh vào đây. Chỉ huy các đơn vị Lê dương là những sĩ quan Pháp có nhiều kinh nghiệm cầm quân, nên đã biến những người ô hợp này thành một đội quân thiện chiến, có kỷ luật chiến đấu cao.
    Một số người lính mà Thôi Hữu tiếp xúc nguyên là những người chống phát xít đã chạy khỏi Đức và Áo để sang Pháp từ sau năm 1933 sau khi Hitler lên cầm quyền. Họ là những người có học, có người là sinh viên, phần lớn đều có tư tưởng mác xít. Khi chiến tranh thế giới bùng nổ, từ tháng 9-1939 những người Đức trong số đó bị nhà cầm quyền Pháp đưa vào trại tập trung. Để thoát khỏi cảnh bị giam giữ, họ đã tình nguyện gia nhập đội quân Lê dương. Đến tháng 6-1940, Pháp thất trận, bộ chỉ huy quân chiếm đóng Đức yêu cầu phía Pháp phải trao trả tất cả những người Đức (kể cả người Áo vì đã bị sáp nhập vào lãnh thổ Đức) trong đội Lê dương, lúc này đã được điều sang đóng ở Bắc Phi. Tuy nhiên, viên tướng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Phi là Maxime Weygand lại muốn cứu những người Đức Áo trong đội quân Lê dương, vì biết rằng nếu đưa họ về nước thì sẽ bị trừng trị. Năm 1941, có khoảng 100 lính Lê dương được điều sang thuộc địa Đông Dương, trong đó có cả số người Đức và Áo.
    Anh Thôi Hữu báo cáo tình hình lính Lê dương với các anh Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ và được giao tiếp tục điều tra thêm, tìm mọi cách để tiếp xúc với họ. Vấn đề binh vận lúc này rất được quan tâm, các nghị quyết của Đảng luôn luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công việc này. Đầu năm 1942, anh Thôi Hữu bị bắt nên không còn ai liên hệ với nhóm lính Lê dương ở Tông.
    Tại ATK Việt Bắc (từ trái sang: 1. Lưu Văn Lợi; 4. Borchers; 6. Frey; 7. Schroder; 8. Võ Nguyên Giáp; 9. Đặng Bích Hà). Ảnh: Tư liệu.
    Bên phía Việt Trì còn có một nhóm Lê dương khác mà anh Trường Chinh phái anh Công đến tiếp xúc, về sau giao cho tôi vì tôi cũng biết đôi chút tiếng Pháp. Anh Công là một thanh niên học sinh Hà Nội, đã có bằng tú tài bản xứ, mới được tổ chức vào Việt Minh, chưa phải đảng viên. Người đầu tiên anh Công tiếp xúc là Erwin Borchers. Anh sinh năm 1906, đi dạy học và hoạt động trong một câu lạc bộ xã hội chủ nghĩa. Khi Hitler lên cầm quyền, anh tham gia một nhóm bí mật chống phát xít, bị mật vụ bắt thẩm vấn, anh phải trốn sang Pháp, tiếp tục học đại học và tốt nghiệp văn học Đức năm 1936. Là người Đức nên anh không được dạy học ở Pháp, rồi đến năm 1939 cũng bị đưa vào trại tập trung như những người Đức khác. Borchers đến Sài Gòn ngày 3-9-1941. Qua anh Công, anh Trường Chinh biết được rằng trong Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn bộ binh Lê dương số 5 (5e REI) đã hình thành một nhóm chiến sĩ chống phát xít mà nòng cốt gồm có Erwin Borchers, Ernst Frey và một người Tiệp là Gotwald.
    Tháng 9-1943 tôi được phái đi gặp nhóm Lê dương chống phát xít. Người đầu tiên tôi tiếp xúc là Ernst Frey. Anh sinh năm 1915 trong một gia đình trí thức Do Thái ở Áo. Năm 1934 gia nhập Liên đoàn Thanh niên cộng sản, đã bị bắt và cấm không được theo học các trường đại học ở Áo. Ngày 15-3-1938 quân Đức tiến vào Áo, Frey phải trốn sang Pháp, sau đó đăng lính Lê dương, đến Sài Gòn ngày 1-7-1941.
    Frey cao to, để râu quai nón, nước da đỏ au. Hồi đó, nhiều người, kể cả mật thám và tay sai Pháp, khi gặp lính Lê dương ngoài đường đều phải kiềng mặt, ngay cả bọn Nhật cũng ít để ý tới. Vì vậy việc tiếp xúc của tôi có phần dễ dàng, lúc thì gặp nhau trên cánh đồng vắng ở ngoại thành, khi thì ngồi uống bia với nhau trong một khách sạn gần ga Hàng Cỏ. Nhưng do Frey là viên đội (sergent) có thể bị để ý, nên anh ta giới thiệu Borchers để liên lạc với tôi. Borchers là người hiền lành, có dáng một nông dân. Anh giả bị bệnh đường ruột để được điều trị dài hạn tại nhà thương Đồn Thủy (bệnh viện de Lanessan) là bệnh viện của quân đội Pháp (nay là Viện quân y 108), do đó có điều kiện gặp chúng tôi luôn. Anh cho tôi biết là nhóm của anh đang tìm cách liên lạc với những người Pháp thuộc phái de Gaulle chủ trương chống Nhật và tiếp xúc với đảng Cộng sản Đông Dương để có hành động chung.
    Một hôm Borchers vui vẻ cho tôi biết là nhóm của anh đã kết nạp thêm một thanh niên trí thức Đức là Schroder. Anh sinh năm 1911, học đại học chuyên ngành xã hội học và văn học Đức, từng tham gia tổ chức cộng sản của sinh viên. Anh phải lánh sang Paris tiếp tục học đại học, sau đó cũng bị đưa vào trại tập trung. Schroder đến Sài Gòn ngày 3-9-1941. Là những chiến sĩ dân chủ, nên cả ba người này rất bất mãn với chính sách đàn áp thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, nhất là thái độ đầu hàng trước quân phiệt Nhật.
    Borchers cũng đã làm quen được với một vài gia đình trí thức Pháp ở Hà Nội, đồng thời liên hệ được với một kỹ sư người Áo làm việc trong phòng thí nghiệm của Sở Mỏ Pháp (nay là trụ sở Tổng cục Địa chất ở đường Phạm Ngũ Lão). Anh kỹ sư này vốn là đảng viên Đảng Xã hội-Dân chủ Áo, do đó mà có quan hệ với Louis Caput, bí thư đảng bộ Đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương (SFIO). Louis Caput đã từng làm thanh tra học chính và là người có nhiều liên hệ với các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Khi Nhật vào Đông Dương, ông bị chính quyền Decoux bắt giam ở Đà Lạt vì cho là thuộc phái de Gaulle. Khi thế lực của de Gaulle lên mạnh, Decoux trả lại tự do cho Louis Caput. Ông ta xin nghỉ việc, nhưng vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với tướng Mordant, vốn là tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, đã được de Gaulle cử làm đại diện Chính phủ lâm thời nước Pháp tự do (nhưng đến cuối tháng 10-1944, toàn quyền Decoux phát hiện Mordant là thủ lĩnh phe de Gaulle nên đã giáng ông xuống làm Tổng thanh tra quân đội Pháp ở Đông Dương). Nhà riêng của Louis Caput ở số 35 Đại lộ Jauraguiberry (nay là phố Quang Trung) là nơi lui tới của những người Pháp phe de Gaulle như thiếu tá quân y Seyberlich, làm ở bệnh viên de Lanessan, thiếu tá Auriol, sĩ quan hậu cần gần gũi với tướng Mordant.
    Các bạn Đức cùng các đồng chí lãnh đạo quân đội Việt Nam.
    Từ trái sang: Ulbrich (Hồ Chí Long), Wachter (Hồ Chí Thọ), Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu.
    Borchers thường hỏi tôi về đường lối và chính sách của Việt Minh mà anh biết là có quan hệ với Đảng Cộng sản. Nhưng do trình độ tiếng Pháp của tôi có hạn, nên việc giải thích của tôi không được bao nhiêu. Vì vậy anh ngỏ ý muốn gặp đại diện cấp cao của Việt Minh để tìm hiểu cho rõ hơn.
    Tôi ra ATK (an toàn khu) báo cáo sự việc với anh Trường Chinh. Anh bảo tôi bố trí cho anh gặp Borchers. Lúc đầu tôi định tổ chức gặp ở cánh đồng Thủ Lệ, nhưng sau lại dời đến khu lăng mộ họ Phạm ở cánh đồng làng Vẽ, thuộc ATK ngoại thành Hà Nội (trong họ Phạm có một số người là cơ sở của Việt Minh). Đó là vào giữa năm 1943.
    Borchers mượn được một bộ quần áo kaki, trông như một anh cai lục lộ, cùng tôi đạp xe đạp ra ngoại thành, theo đường đồng đến phía sau làng Vẽ. Anh Trường Chinh mặc bộ đồ xanh như một công nhân, đi bộ từ trong làng ra. Hai người gặp nhau giữa cánh đồng, chủ khách ngồi ngay trên gò cạnh ngôi mộ mới xây. Cuộc gặp diễn ra suốt từ 9 đến 11 giờ, lúc đó Borchers vẫn chưa biết người gặp mình là Tổng bí thư Đảng cộng sản.
    Anh Trường Chinh lắng nghe Borchers trình bày về hoạt động của nhóm chiến sĩ chống phát xít. Anh động viên Borchers và các bạn hãy tranh thủ thời gian củng cố và phát triển tổ chức, đẩy mạnh tuyên truyền trong hàng ngũ sĩ quan và binh lính Lê dương, mở rộng ra cả những người Pháp yêu nước. Anh còn tranh luận với Borchers về các vấn đề nóng hổi của thời sự quốc tế, phân tích tình hình xã hội chính trị ở Đông Dương, cho thấy thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và sự thất bại không thể tránh khỏi của bọn quân phiệt Nhật và thực dân Pháp. Một tuần sau cuộc gặp đó, Borchers nói lại với tôi: “Cuộc trò chuyện với đại diện cấp cao của Việt Minh thật tuyệt vời, để lại cho tôi một ấn tượng hết sức sâu sắc và hết sức thuyết phục. Tôi đã được nói chuyện cởi mở với một người cộng sản Việt Nam đích thực (un vrai communiste), thông minh, có uy tín và cừ khôi nhất”.
    Buổi gặp đã có tác động đến nhóm Lê dương của Borchers và các bạn bè Pháp của họ. Borchers có ý muốn tổ chức một nhóm Xã hội-cộng sản (social-communiste), anh Trường Chinh cũng tán thành việc tổ chức đó và muốn thông qua họ để có hành động chung. Anh Trường Chinh đã thông qua Borchers để gửi “thông điệp miệng” tới những người Pháp phe de Gaulle rằng Việt Minh sẵn sàng gặp họ càng sớm càng tốt để bàn việc liên minh chống phát xít Nhật.
    Tổng bộ Việt Minh đã quyết định tổ chức cuộc gặp giữa đại diện của mình với đại biểu một số người xã hội mác xít trong đội quân Lê dương Pháp, đại biểu phái tả xã hội Pháp và một đại biểu thuộc phe de Gaulle ở Đông Dương. Anh Trường Chinh cũng quyết định sẽ đích thân vào Hà Nội tham dự cuộc gặp và giao cho tôi phối hợp với Borchers chuẩn bị việc này.
    Lúc đó địch vừa xử bắn anh Hoàng Văn Thụ, còn anh Trường Chinh cũng bị địch kết án tử hình vắng mặt nên tôi rất lo. Đây là một cuộc họp với Tây ngay trong lòng Hà Nội. Không thể họp ở một nhà cơ sở cách mạng, ngay giữa phố phường tấp nập người qua lại. Bốn năm người Tây cùng bốn năm người ta cùng vào một nơi thì không thể kín đáo được. Tôi đã nghĩ đến khả năng thuê thuyền đi trên sông Hồng, nhưng có trở ngại là ta chưa nắm được hương lý các làng dọc sông, nhỡ chúng quá hăng hái khám xét thì sao. Tôi đành nhờ Borchers tìm giúp địa điểm.
    Borchers cho tôi biết Seyberlich là một trí thức thành thật, có thể tin được, Theo ý của Seyberlich thì ở nhà thương Đồn Thủy ông ta có một phòng khám X quang ở trên gác, không ai vào được. Tôi đến xem thì thấy có điều bất tiện, vì phải đi qua nhiều phòng làm việc, ở sâu trong bệnh viện, xung quanh toàn Tây là Tây, nếu có gì bất trắc thì khó đảm bảo an toàn. Seyberlich còn đưa ra một nơi khác là phòng thí nghiệm trong trường Đại học Y Dược khoa mà ông ta hay lui tới. Tại đây tôi cũng có quen một anh làm préparateur cho khoa dược, giữ chìa khoá phòng thí nghiệm. Nhưng địa điểm này cũng bất tiện vì họp ban đêm bật đèn dễ bị lộ, chỉ có thể họp trong giờ làm việc mà thôi. Cả Borchers lẫn Seyberlich và tôi đều băn khoăn, chưa tìm ra được giải pháp thích hợp.
    Cuối cùng Seyberlich đưa ra một đề nghị khá bất ngờ. Nguyên có một ngôi nhà ở 16 phố Delorme (nay là Trần Bình Trọng), vốn là một hộp đêm của các sĩ quan Pháp, có ít người biết. Nếu bao cả tối theo đúng “lịch” đã xếp cho Seyberlich thì coi như an toàn, có thể họp ngay tại đấy. Tôi và Borchers đến tận nơi quan sát. Ngoài tầng trệt, các phòng ở hai lầu trên đều không thấy bày biện đồ đạc gì, ngoài mấy tấm đệm rải trên sàn. Gần đấy là các biệt thự sang trọng của bọn sĩ quan cao cấp Nhật ở phố Halais (nay là Nguyễn Du), cách Sở Liêm phóng Đông Dương không xa (nay là Bộ Công an). Một vài ngôi nhà kế cận là của các giáo sư trường Albert Sarraut. Đây là nơi ở của Tây và Nhật nên cảnh binh không bén mảng đến, ít người để ý. Tôi thấy địa điểm như vậy là được. Sau khi báo cáo lại, được anh Trường Chinh đồng ý, chúng tôi bắt tay chuẩn bị cho chuyến đột nhập thành phố của Tổng bí thư.
    Chuyến đi của anh Trường Chinh phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, không thể để xảy ra bất cứ một sơ suất nhỏ nào. Cuối tháng 12-1944, trời rét đậm. Tôi kiểm tra kỹ chiếc xe đạp thật tốt, đạp lên Nhật Tân đón anh Trường Chinh từ ATK về. Anh cải trang làm một lái buôn bè gỗ, ngồi sau xe tôi, đi về thẳng nhà cô em gái tôi ở Bến Nứa (nơi đây chưa có tổ chức Việt Minh), nói là bạn của tôi.
    Sau đó tôi đến nhà anh Phan Hiền ở 54 Hàng Ngang. Anh Phan Hiền là sinh viên năm thứ ba trường Luật, đã được anh Trường Chinh chọn cùng đi gặp những người Pháp. Trước đó một tuần, anh Trường Chinh đã bảo tôi đến gặp anh Phan Hiền. Anh căn dặn tôi và anh Phan Hiền hãy đọc kỹ mấy bài báo của anh viết về chính sách của Đảng ta đối những người Pháp thuộc phe de Gaulle ở Đông Dương, đăng trên báo Cờ Giải phóng. Đó là những quan điểm cơ bản mà anh Trường Chinh sẽ nêu trong cuộc họp. Tôi còn đến nhà Louis Caput, gặp anh Đào Văn Mỹ là người do ta bố trí làm bồi cho Caput từ trước để nắm thêm thông tin (anh Mỹ về sau phụ trách công tác chính trị Trường Đại học Sư phạm Vinh). Khi trở lại nhà cô em gái, tôi báo cáo lại những việc đã làm, anh Trường Chinh đánh giá là tốt.
    Khi Hà Nội mới lên đèn, tôi và anh Phan Hiền cùng đi với anh Trường Chinh đến nhà số 16 Delorme. Đúng hẹn, Ernst Frey và Erwin Borchers đã có mặt ở đó mươi phút để đón. Thiếu tá quân y Seyberlich ra tận cửa đón chúng tôi. Ngồi trên lầu hai được một lúc thì Louis Caput và thiếu tá hậu cần Auriol cùng tới. Còn có một sĩ quan nữa đại diện cho Mordant.
    Louis Caput đã biết anh Trường Chinh khi anh còn làm báo thời Mặt trận Dân chủ. Vì vậy vừa gặp ông ta đã thốt lên ngạc nhiên: “Đại diện Tổng bộ Việt Minh lại chính là cộng sản à?”
    Anh Trường Chinh tươi cười đáp: “Vào giờ phút này, Mặt trận Việt Minh đã lớn mạnh rồi, tập hợp trong hàng ngũ mình tất cả những người Việt Nam yêu nước, trong đó có cả cộng sản. Và Việt Minh đang đứng cùng trận tuyến với các nước Đồng minh chiến đấu chống phát xít Nhật để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc mình.”
    Tất cả ngồi xuống sàn nhà. Mọi người nhất trí, thời gian họp không nên kéo dài, chỉ trong vài giờ thôi. Và khi bắt đầu họp thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Mọi người đều tán thành. Anh Trường Chinh được mời phát biểu trước.
    Với một giọng điềm đạm mà sôi nổi, anh Trường Chinh chào mừng những người Pháp phe de Gaulle, các chiến binh Lê dương chống phát xít, trong giờ phút nghiêm trọng này đã ý thức được sự cần thiết phải gặp đại diện Việt Minh để trao đổi nhận định về tình hình Đông Dương hiện nay, tiến tới tạo dựng được một sự liên minh để cùng nhau phối hợp chống phát xít Nhật. Sau khi phân tích tình hình quan hệ giữa Pháp và Nhật, anh Trường Chinh vạch rõ sự hợp tác đó không thể kéo dài mãi, một khi quân Đồng minh thắng lớn. Đã từ lâu, Mặt trận Việt Minh chủ trương “bắt tay có điều kiện” với những người Pháp thuộc phái de Gaulle để cùng nhau lập một mặt trận dân chủ chống phát xít Nhật. Các chiến sĩ Việt Minh đã kiên quyết đứng về phía các nước Đồng minh, chiến đấu chống lại quân đội phát xít Nhật đang đàn áp và chiếm đóng đất nước Việt Nam.
    Thiếu tá Auriol đặt câu hỏi: “Nếu bắt tay liên minh với những người Pháp phe de Gaulle, các ông đặt ra những điều kiện gì?”
    Anh Trường Chinh trả lời: “Những người Pháp phe de Gaulle cần lợi dụng địa vị của mình trong bộ máy cai trị Đông Dương, thực hiện mấy việc sau đây:
    – Một là, vận động đình chỉ hoặc giảm bớt việc thu “thóc tạ”.
    – Hai là, vận động thả tù chính trị ở Đông Dương.
    – Ba là, tìm cách giao một số vũ khí cho Việt Minh để đánh Nhật.”
    Đến lượt Caput phát biểu. Ông hoan nghênh Việt Minh đã có thái độ thân thiện và muốn hợp tác với những người Pháp phe de Gaulle đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Tiếp đó ông ca ngợi tướng de Gaulle, nhắc đến bản tuyên ngôn Brazzaville, hứa hẹn Pháp sẽ có nhiều cải cách, dành nhiều quyền lợi cho các nước thuộc địa cũ.
    Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi. Anh Trường Chinh khẳng định: Việt Minh có thiện chí, và các anh cũng muốn góp phần giải phóng Đông Dương khỏi sự chiếm đóng của Nhật. Khẩu hiệu độc lập đối với nhân dân Việt Nam thì không thể bỏ, vì nếu hạ thấp thì nhân dân sẽ không tin. Nhưng trước mắt cần trao đổi là có hay không một sự “bắt tay” giữa những người Pháp phe de Gaulle với Việt Minh.
    Tôi quan sát thấy hai người Lê dương gật gù vẻ tán đồng. Thấy vấn đề hơi căng, hai bên đồng ý nghỉ một lát. Lúc đó vào khoảng 9 giờ tối. Chợt Caput nói với tôi rằng có việc muốn ra ngoài 15 phút. Tôi bảo nên hỏi thẳng anh Trường Chinh. Sau khi trao đổi với Seyberlich và Borchers, anh Trường Chinh đồng ý để cho Caput và thiếu tá Auriol đi ra ngoài. Chúng tôi đoán là họ đi xin chỉ thị của cấp trên. Đúng là những giây phút căng thẳng. Tôi đứng trên ban công theo dõi, không thấy có ai đón ở ngoài, thấy họ đi về phía hồ chứ không phải đi về phía ty Liêm phóng. Đúng hẹn, hai người quay trở lại.
    Cuộc họp tiếp tục. Caput thay mặt những người Pháp de Gaulle nói rằng vấn đề đưa ra quá lớn, họ chưa thể quyết định được, cần phải hỏi lại cấp trên, chủ yếu là tướng Mordant, người đứng đầu phe Pháp de Gaulle, đại diện Chính phủ lâm thời nước Pháp tự do ở Đông Dương.
    Anh Trường Chinh nhắc lại ba đề nghị, cố gắng làm được đến đâu hay đến đó. Đó là sự thể hiện hành động chung. Caput có hỏi anh Trường Chinh: Tù chính trị là những ai? Anh Trường Chinh bảo: Ví như đồng chí Bùi Lâm. Vì Bùi Lâm công khai là đảng viên đảng Xã hội, nên anh dùng chữ “đồng chí” (camarade) với Caput cũng là đảng viên Xã hội. Caput nói cuộc họp nên dừng lại ở đây, họ sẽ xem xét các yêu cầu của Việt Minh sau. Lúc đó là 11 giờ đêm. Frey và Borchers tỏ ra xúc động trước khi chia tay. Chắc chắn cuộc họp đã gây ấn tượng mạnh đối với hai chiến sĩ thanh niên chống phát xít mang quốc tịch Áo và Đức ấy.
    Tôi đưa anh Trường Chinh đi về phía hồ Halais, đến trước nhà Vi Văn Định thì gọi xe kéo cho anh về. Anh dặn tôi tiếp tục giữ mối quan hệ với những người lính Lê dương, chiều mai sẽ gặp nhau lại ở ATK.
    Một tháng sau cuộc họp, với bút danh CGP, anh Trường Chinh đã viết bài “Phải coi chừng cái bả Đờ Gôn” đăng trên báo Cờ Giải phóng số ra ngày 28-1-1945, nội dung có đoạn:
    Vì quyền lợi đế quốc, bọn Pháp Đờ Gôn không thừa nhận quyền dân tộc độc lập của ta. Vì sợ tù tội, những phần tử Pháp Đờ Gôn ở Đông Dương không dám công nhiên chống Nhật và bọn Pháp gian phản quốc. Trái lại, chúng lẩn lút trong bộ máy thống trị của bọn Đờcu đặng áp bức bóc lột dân ta và cam chịu làm tay sai cho phát xít Nhật, Pháp. Gần đây chúng thúc đẩy bọn Đờcu thi hành một vài phương pháp cải cách vụn vặt hòng mua chuộc lòng dân và tưởng rằng như thế chúng có thể thoát khỏi hai gọng kìm: một bên là nhân dân cách mạng Đông Dương, một bên là phát xít quân phiệt Nhật.
    *
    *      *
    Những dự đoán của Trung ương Đảng đã tỏ ra chính xác. Ngày 9 tháng 3-1945, Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Quân Pháp trên toàn cõi Đông Dương chịu đầu hàng không điều kiện. Binh lính Pháp ở miền bắc tìm mọi cách chạy trốn sang Trung Quốc hòng duy trì lực lượng. Nhưng đại bộ phận đã bị quân Nhật cầm tù và tập trung về một số nơi, cùng với các quan chức và thường dân Pháp. Đơn vị Lê dương ở Việt Trì cũng chung một số phận, bị giữ tại một nhà giam gần Hòa Bình. Chúng tôi đã mất liên lạc với những người bạn Đức và Áo có tư tưởng xã hội dân chủ.
    Nhưng các chiến sĩ dân chủ trong đội Lê dương vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Sau khi Nhật đầu hàng và Cách mạng tháng Tám thành công, binh lính Pháp được ra khỏi các trại giam của  Nhật. Những người bạn Đức và Áo lại tìm cách liên lạc với Việt Minh.
    Ngày 16-9-1945, ba anh Borchers, Schroder và Frey tìm đến trụ sở phát hành tạm thời của báo Cờ Giải phóng gần hồ Hoàn Kiếm, vốn là Văn phòng kiến trúc sư Võ Đức Diên. Tôi đã đón tiếp ba chiến sĩ quốc tế chống phát xít, đưa các anh về cơ sở của Việt Minh ở kho Nhà Đoan, số 8 phố Balny (nay là Trần Nguyên Hãn). Borchers nói với tôi: “Những người cộng sản Việt Nam thật sáng suốt, thấy trước được diễn biến của thời cuộc. Bây giờ lại nắm được chính quyền. Thật kỳ diệu!” Ba anh ngỏ ý muốn tiếp tục cộng tác, phục vụ công cuộc giành độc lập của Việt Nam. Tôi báo cáo với anh Trường Chinh.
    Anh Trường Chinh đã đến kho Nhà Đoan tiếp ba anh, hoan nghênh tinh thần dứt khoát đi với cách mạng Việt Nam của họ, rồi phân công họ chủ yếu là làm công việc tuyên truyền, địch vận. Anh Trường Chinh chỉ đạo đưa ba người về báo La République với anh Lưu Văn Lợi, đồng thời chỉ thị cho anh Lợi phải thu xếp chu đáo chỗ ăn ở cho bạn. Sau đó mỗi người được phân công tùy theo khả năng hoàn cảnh của mình. Borchers lấy tên là Chiến Sĩ, được điều về làm báo địch vận, đến năm 1951 phụ trách giáo dục tù binh Đức. Schroder lấy tên là Lê Đức Nhân về làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành bình luận viên quốc tế. Còn Frey trở thành Nguyễn Dân được giao việc huấn luyện quân sự, trở thành người cộng sự gần gũi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến năm 1950. Sau ngày tuyên  bố độc lập 2-9-1945, theo sự chỉ đạo của anh Trường Chinh, ta tổ chức một cuộc gặp mặt các văn nghệ sĩ, trí thức có danh tiếng ở nhà Khai trí Tiến đức cạnh hồ Hoàn Kiếm. Buổi đó ta có mời cả Louis Caput. Ông ta đến chào anh Trường Chinh và  tỏ ý rằng ông ta đã thành thật trong buổi gặp ở nhà số 16 phố Delorme.
    Theo chỉ thị của anh Trường Chinh, tôi tham gia cùng nhóm các anh Bùi Lâm, Phan Tử Nghĩa, Lưu Văn Lợi và vài người nữa, làm công tác vận động Pháp kiều. Sau đó Louis Caput vào Sài gòn, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với ông ta và cả ông Lemerre làm việc trong bưu điện của Pháp ở phía nam. Qua đường dây bưu điện này, chúng tôi chuyển báo La République, tài liệu và cả tiền Đông Dương, vàng cho Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ. Chúng tôi biết Louis Caput có gửi nhiều thư về cho Chính phủ Pháp, trong đó có một thư ông đề nghị Chính phủ Pháp làm việc trực tiếp với chính phủ Hồ Chí Minh để giải quyết vấn đề Việt Nam, không nên dùng Bảo Đại.
    Do có công lao trong những năm tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp, các chiến sĩ dân chủ nói trên đã được Nhà nước ta tặng thưởng nhiều huân chương cao quí. Cuộc tiếp xúc của tôi với các chiến sĩ dân chủ trong đội quân Lê dương Pháp chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, và không phải liên tục. Tuy nhiên, các lần tiếp xúc đó đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng khó quên. Nó thể hiện tinh thần quốc tế cao cả mà Đảng ta luôn luôn nêu cao. Cũng qua các cuộc tiếp xúc đó mà tôi có dịp gần gũi, học tập cách làm việc của anh Trường Chinh, được anh kèm cặp và rèn luyện để trưởng thành trong công tác sau này.
    ĐÀO HÙNG thực hiện
    Ghi theo lời kể của ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư BCHTƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính TƯ, ngày 17-9-2006 tại thành phố Hồ Chí Minh. Có tham khảo thêm các hồi ký trong sách Trường Chinh, một nhân cách lớn, Nxb CTQG, 2002 và các bài viết trên tạp chí Xưa & Nay số 207, tháng 3-2004, viết về “Những người Đức tham gia kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Việt Nam”.