Showing posts with label văn dĩ tải đạo. Show all posts
Showing posts with label văn dĩ tải đạo. Show all posts

Saturday 8 March 2014

Sáng tác về đề tài lịch sử không được xuyên tạc lịch sử! (Việt Quang - Nhân Dân


Bình luận - phê phán
Thứ năm, 06/03/2014 - 10:21 PM (GMT+7)

Sáng tác về đề tài lịch sử không phải là vấn đề mới mẻ của văn học Việt Nam. Nhìn lại chặng đường phát triển văn học có thể nhận thấy các nỗ lực của nhiều tác giả đem lại sức sống cho các tác phẩm viết về đề tài này. Nhưng gần đây, đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng đề tài này để xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử...
Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sự đa dạng và phong phú của sự kiện - con người trong nhiều giai đoạn của lịch sử đã trở thành cảm hứng sáng tác của nhà văn. Một số lối viết có tính thể nghiệm, một số thủ pháp mới đã được các tác giả vận dụng trong sáng tác, thái độ trân trọng lịch sử cũng thể hiện rất rõ trong một số tác phẩm qua nguồn tư liệu nhà văn dày công sưu tầm, tham khảo. Một số sáng tác được độc giả yêu mến, trân trọng, nhận được sự tán thưởng - ở mức độ khác nhau, của nhà nghiên cứu, phê bình văn học.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, nỗ lực thử nghiệm, cố gắng đổi mới không đồng nghĩa với hứa hẹn thành công, vì một số tiểu thuyết lịch sử có độ dày lớn, được viết công phu, nhưng như bị sa vào một lối viết mô phỏng, phục dựng, viết thêm từ tài liệu lịch sử có sẵn mà không tạo nét riêng, thiếu dấu ấn với tính cách là sáng tạo của tác giả. Nhân vật lịch sử trong các tác phẩm này chưa được tô đậm để trở thành điểm sáng, mà chỉ là cái bóng mờ nhạt.
Ngược lại một số nhà văn, vì quá mải mê sáng tạo nhân vật lịch sử mà bỏ qua tính hợp lý trong quan hệ giữa nhân vật và bối cảnh lịch sử, văn hóa. Như có tác giả "khoe" trong tiểu thuyết của mình có chuyện Lý Thường Kiệt... đồng tính và mối tình đồng giới với Vua Nhân Tông (!); rồi quan hệ tình ái phức tạp giữa Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ với Lê Thái Tông (!), cháu trai của Nguyễn Trãi có võ công thâm hậu (!)... "Phát hiện" đó liệu có gì khác "chuyện lá cải" mà một vài nhà báo vẫn soi mói, dựng lên quanh người nổi tiếng? Bởi người viết quên rằng một số chi tiết họ đưa vào tác phẩm vốn chỉ là giả thuyết do người nghiên cứu lịch sử hiện đại đặt ra, không có ý nghĩa là chỉ dấu cho sáng tác văn học. Sử dụng các giả thuyết đó một cách sống sượng chỉ làm cho câu chuyện, tình tiết trở nên phản cảm, không thuyết phục người đọc. Trong một số trường hợp, có lẽ vì mải mê mô tả, "vẽ thêm" chi tiết hiện đại cho nhân vật lịch sử nhằm "hoàn chỉnh" bức chân dung của danh nhân thời trước, mà vô tình nhà văn lại làm hỏng cả bức chân dung. Ðể rồi quảng cáo quá đà của giới xuất bản, truyền thông đã đưa người đọc đi từ háo hức đến... thất vọng!
Một xu hướng khác là tiểu thuyết, truyện ngôn tình về đề tài lịch sử theo lối bình dân hóa. Nói thế nào thì tiểu thuyết võ hiệp, truyện ngôn tình về đề tài lịch sử vẫn chỉ là sản phẩm giải trí của một bộ phận người đọc, nhưng được một vài nhà phê bình ca ngợi là khuynh hướng "ngoại biên" trong văn học Việt Nam. Mà khó có thể tin các nhà phê bình ấy lại không biết tại sao tiểu thuyết võ hiệp, truyện ngôn tình về đề tài lịch sử ít được đánh giá cao, bởi tính giải trí của tác phẩm loại này thường lấn át các phương diện quan trọng khác của văn học như tính thẩm mỹ, tính giáo dục. Tất nhiên, không nên xem nhẹ tính giải trí của tác phẩm văn học trong xã hội hiện đại, và không nên phê phán nếu cuốn sách không chứa đựng yếu tố chệch hướng với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, không thể hiện một chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi, nhưng không thể tùy tiện ca ngợi, gán cho tác phẩm những giá trị mà bản thân không có, khiến người đọc có thể nhầm lẫn về năng lực cảm thụ thẩm mỹ. Nhưng không thể chấp nhận việc lợi dụng đặc trưng tưởng tượng, hư cấu trong văn chương để xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật. Có người trong số họ tự nhận mình "nhân danh những người khác, nhân danh tự do và quyền con người", nhưng thực chất những gì họ viết không khác gì dày xéo lên quá khứ, dày xéo lên công lao của những người đã hy sinh rồi than vãn đó là "oan hồn" họ "mắc nợ"!
Gần đây, một cây bút từng được biết tới với tư cách tác giả của một số truyện ngắn về đề tài chiến tranh kể trên blog cá nhân việc tiểu thuyết của mình vì sao bị cấm xuất bản tại Việt Nam, vì... "những vấn đề của cuộc sống và thời đại hiện tại đang được phản ánh mãnh liệt, da diết trong đó"! Tuy nhiên, đọc cuốn sách này lại thấy tràn ngập luận điệu xuyên tạc quá khứ, phóng đại lịch sử theo xu hướng tiêu cực. Liệu có thể coi là một con dân nước Việt khi tác giả này viết về truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ như sau: "Khi xuống biển, năm mươi người mọc vẩy. Người dẫn đầu thì mọc sừng. Khi lên núi, năm mươi người mọc lông. Người dẫn đầu biến thành một con vượn. Con vượn hú khóc mỗi chiều tà. Và hai tay vuốt lấy vuốt để dọc bầu vú, dồn những giọt sữa trong vắt cho đàn con bú. Những người trên núi thì chệnh choạng đi về phía biển, còn những người dưới biển thì chệnh choạng đi về phía núi. Chẳng mấy khi gặp nhau vì hễ gặp thì họ lại đánh nhau. Cung nỏ và gậy gộc, ném đá, ném lao. Khi đánh nhau thì họ cười, sứt đầu mẻ trán thì khóc. Những xác chết rải rác. Người đi lượm xác khi thì là người có sừng, khi là con vượn. Ðôi khi, họ không nhận ra đâu là con của họ"?
Không chỉ viết về lịch sử một cách xuyên tạc, tác giả còn khiến sản phẩm của mình trở thành văn bản chứa đầy sự hằn học với thứ ngôn từ "bẩn", tục tĩu, trần trụi. Cũng cần nói rằng, trước đó, một nhà văn tham gia chương trình đầu tư sáng tác văn học về đề tài sử thi lại viết một tác phẩm mà không có nhà xuất bản nào nhận in, cuối cùng, cuốn sách ra đời ở nước ngoài! Bằng thủ pháp "cào bằng lịch sử", nhà văn này đã công khai đặt ngang hàng giá trị cao cả của những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ thời Lý Thường Kiệt đến nay với sự trả thù phi nghĩa của nhà Nguyễn, với hành động thảo khấu của các toán cướp. Chứng cứ là tác giả để nhân vật thổ phỉ ngang nhiên nói rằng: "Chúng mày vì nghèo khổ mà đi làm cách mạng. Chúng tao vì nghèo khổ mà đi ăn cướp. Thế là giống nhau"! Và lập tức một số kẻ lưu vong đã lợi dụng cuốn tiểu thuyết để tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam, suy diễn thành ý thức hệ lịch sử rằng... bản chất thuần túy, chân thật nhất của dân tộc là phỉ(?).
Bước vào thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, trước yêu cầu của sự phát triển, từ đòi hỏi của tiến trình văn học, các nhà văn được tạo điều kiện để khai thác mọi góc khuất của cuộc sống, từ quá khứ đến hiện tại, để tôn vinh các giá trị cao đẹp trong phẩm chất của con người Việt Nam, cũng như phê phán các yếu tố tiêu cực. Ðối với các tác phẩm về đề tài lịch sử, văn học Việt Nam đã có những thành công cần ghi nhận như các tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải),... Một số tác phẩm cho thấy người Việt Nam không bao giờ ngủ quên sau chiến thắng của các cuộc chiến tranh, mà nhìn thẳng vào sự thật để nhận thức khó khăn còn tồn tại, nhắc nhở phải biết vượt qua mọi nỗi đau số phận, khắc phục hạn chế, để phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, với đề tài lịch sử, nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật không có nghĩa là chìm đắm trong nỗi đau, không có nghĩa trượt ngã để đánh mất bản thân, tự cho mình quyền đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc. Cần lên án hơn là khi nhà văn bóp méo sự thật lịch sử, phóng đại sự thật lịch sử theo hướng tiêu cực, xây dựng nhân vật như là nạn nhân của lịch sử, lấy tác phẩm làm lý do "bảo vệ nạn nhân lịch sử" để chỉ trích nhà nước. Không phân biệt các giá trị cơ bản có tính nhân văn để phân biệt đúng - sai, không đủ độ lượng đánh giá quá khứ, người viết không thể tri ân với người mà họ thấy "còn mắc nợ". Và nếu "trả nợ" từ nhận thức lệch lạc, lợi dụng việc này để xuyên tạc sự thật thì sản phẩm họ làm ra chỉ phù hợp với mấy kẻ vong thân, vong bản không chịu chấp nhận thất bại, vẫn nuôi mối hận thù, vẫn cố tình thực hiện hành vi chống phá đất nước. Ðối với những người này, sự thật hay nghệ thuật đều vô nghĩa, mà văn chương chỉ để họ chuyển tải "thông điệp chính trị" hòng kích động, gây hấn, thù địch với dân tộc, đất nước. Họ nhằm nhà văn nào ở trong nước còn chưa vững bản lĩnh chính trị để tán dương, bảo trợ, làm cho nhà văn đó tự huyễn hoặc rồi làm ra loại sản phẩm có nội dung, nghệ thuật thấp kém, mà họ thừa biết giá trị đích thực của loại tác phẩm này đến mức độ nào. Cho nên, có điều gì đó không bình thường khi có nhà văn lại tỏ ra hãnh diện vì "có tác phẩm xuất bản ở nước ngoài" mà không biết nơi xuất bản sách của họ chỉ là cơ sở vô danh ở chính nước sở tại, mỗi năm in vài ba đầu sách mà vẫn ế ẩm. Với thứ mạo danh văn chương, giả danh lịch sử, dù có tự định vị là văn chương "ngoại biên" thì cũng chỉ là thủ đoạn né tránh tiếng đời chứ không phải là "xu thế tất yếu" của văn chương Việt Nam như họ khoe khoang, tâng bốc lẫn nhau trên RFA, RFI, hay vài ba website, diễn đàn của những kẻ đỡ đầu.
Sáng tác văn học về đề tài lịch sử là nguồn cảm hứng hấp dẫn song cũng là thách thức lớn đối với nhà văn. Ðặc biệt, khi sáng tác về đề tài lịch sử, nhà văn không chỉ phải có trách nhiệm với độc giả đương đại và tương lai, mà cần có trách nhiệm với quá khứ. Ðề tài lịch sử trong văn học không đòi hỏi người viết đi tìm sự chân xác như trong khoa học lịch sử, tuy nhiên lại đòi hỏi người viết phải là người yêu lịch sử, tôn trọng lịch sử, tự hào với những trang sử vẻ vang của dân tộc, biết chia sẻ với những trang sử bi thương khi đất nước bị kẻ thù xâm lược, chia rẽ, con người rơi vào hoàn cảnh bi thương, không được làm chủ số phận... Chỉ có như vậy diễn ngôn lịch sử trong sáng tác mới có thể tồn tại lâu bền trong người đọc.
VIỆT QUANG

Cuộc chiến Việt-Trung trong "Xe lên xe xuống" - tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương (Thụy Khê - RFI)


Cuộc chiến Việt-Trung trong "Xe lên xe xuống" - tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương

Bìa tiểu thuyết Xe lên xe xuống của Nguyễn Bình Phương
Bìa tiểu thuyết Xe lên xe xuống của Nguyễn Bình Phương
Người Việt

Thụy Khuê
Sự giáo dục chiến thắng chỉ tạo nên những thánh nhân nhưng "không một bà mẹ nào muốn con là thánh". Hệ thống mây ngũ sắc chụp lên toàn lãnh thổ khiến con người không thể thoát khỏi vòng phong toả để tìm đến một chân trời khác. Thế hệ thanh niên ngụp lặn trong vùng đất thánh, gây tội ác, bị rình rập, rượt bắt, chạy lên đỉnh, bị sập lưới. Họ chưa từng ý thức được thế nào là tội ác, trước khi lìa đời.

Trong tiểu thuyết Người đi vắng, Nguyễn Bình Phương kể chuyện một đứa nhỏ mỗi lần nghe thấy tiếng rao của ông thiến lợn là nó hoảng sợ, hai chân chụm lại giấu chim, nhắm mắt tự hỏi:ai là người đẻ ra những ông thiến lợn? Một giọng ôn tồn bảo: khi người ta tìm ra mẹ của kẻ thù thì kẻ thù mất sức mạnh. Câu nói bí ẩn, dĩ nhiên thằng nhỏ chẳng hiểu gì, bởi đó là bí quyết tồn tại của nhà văn trong một xã hội niêm phong: muốn yên thân thì chớ có loay hoay điều tra ai làmẹ của những ông thiến lợn. Tìm đến cội rễ của ung thư, đào mả các đại trùng hiển nhiên là hiểm nguy có thể kề tính mệnh. 
Tiểu thuyết Xe lên xe xuống của Nguyễn Bình Phương (do Diễn Đàn Thế Kỷ phát hành, địa chỉ:diendantheky.net) dẫn ta vào cái xã hội niêm phong đó, đường đi hiểm trở như đường vào hang Văn Dú, nhưng Thế Lữ có hai người Thổ dẫn đường. Lối vào tác phẩm mới nhất của Bình Phương cũng kỳ quặc huyễn hoặc trong trận đồ bát quái, là một thử thách cho những kẻ mạo hiểm, dù lọt được vào vẫn có khả năng bị tẩu hoả nhập ma bởi những phù phép yểm trong chữ nghĩa, để ám kẻ nào tìm ra rường mối của chiến tranh, rường mối của bạo lực, rường mối của một xã hội mà con người đã bị thiến tư tưởng. 
Xe lên xe xuống là một cạm bẫy kiểu Vàng và Máu như thế trên mạn ngược, ở Việt Bắc, biên giới Việt-Hoa.
Chìa khoá mở vào không gian niêm phong này nằm trong mấy trang đầu, nếu tìm thấy mã số của chữ nghiã, bạn có thể đi suốt tác phẩm, bởi Bình Phương là một đạo diễn rất hiện đại (hoặc nói theo thời thượng: rất hậu hiện đại), cho máy quay hai kịch bản song song rồi chiếu cùng một lúc lên màn ảnh. Nội dung hai kịch bản này cũng lại bị cắt thành từng khúc, những mẩu đời đứt đoạn, những suy tư chặt đôi, đảo lộn trật tự, chắp lại thành một chuỗi liên tục những sự kiện không liên tục, hệt như con đường mòn nổi tiếng ở miền Trung đã bị bom đạn phá tan nát, được đắp bằng những mảnh xác không tên, và nó tồn tại như một lịch sử vĩ đại anh hùng. Bình Phương dẫn ta vào những trang sử anh hùng ấy, nhưng không đi xe ca máy lạnh trên đại lộ như du khách ngoại quốc, Việt kiều, mà đi chân đất xuống địa đạo, xuyên vào lớp xi măng và các chất liệu đã được nghiền nát trộn trạo để làm đường, xem trong có gì. Sau một chuyến đi như vậy, không ai có thể toàn vẹn.

Sự thực là hai chuyến đi, được kể bằng hai thoại của hai anh em đã chết. Thoại một, của người em, chia làm hai trường đoạn: phần in nghiêng, xẩy ra sau khi chết. Phần in đứng, xẩy ra trước khi chết. Thoại hai, của người anh, sau trận Tám Tư,bị điên và chết thuật lại cho em về các trận đánh trong nhật ký. Hai thoại cũng là hai chuyến đi: một về tương lai và một về quá khứ, cùng phát xuất ở đỉnh Tà Vần, mồ chôn hai anh em và cũng là mộ phần của tất cả những đỉnh cao loài người, bởi đỉnh đi cùng với vực như Mai Thảo đã kinh qua trong bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời.

Tiểu thuyết bắt đầu bằng những dòng in nghiêng, trên chiếc xe gồm có một phụ nữ tên Trang,một người lái xe và "đám người mặt lạnh đanh". Đám mặt lạnh đanh này chính xác có ba: một người cầm bộ đàm, một người cao lớn và một người thấp bé; lái xe chính xác là phó công an tỉnh. Đó là những kẻ thực thụ hiện diện, những kẻ đang sống, đang cầm cân "công lý".

Trong xe còn chở một thế giới thứ nhì, thế giới những người đã chết, đại diện là kẻ xưng mình(sau sẽ biết tên là Hiếu), là người kể chuyện, là bồ của Trang, hắn có người anh là lính đánh nhau với Tàu trong hai trận Bẩy Chín, Tám Tư, chết vì điên loạn. Câu chuyện hắn kể rút trong nhật ký của người anh.

Nguyễn Bình Phương nén các dữ kiện trong một số chữ tối thiểu giống như cái máy ép rác: nếu ta bỏ vào đó lổn nhổn tất cả rác rưởi cuộc đời thải ra hàng ngày, nó chỉ ép một phút là dẹp cứng thành vài mi-li-mét. Vậy chỉ cần đọc vài dòng Xe lên xe xuống thì mọi sự sẽ được bình phươnglên thành vài chục trang tiểu thuyết.

Lời kể của mình nhân vật chính trong truyện, đi cùng với lời kể của anh, anh ruột mình và lời nhiều nhân vật khác: như lời cậu, cậu ruột của mình; lời hắn, bạn học cũ và guide dẫn mìnhđến Tà Vần, lãnh địa bí mật, cạm bẫy cuộc chiến Bẩy Chín của ta với khựa (Tàu) và cũng là hãm địa con người trong thời điểm cú vọ hôm nay... Lối viết này, thuật ngữ phê bình gọi là đa âm.

Lời của những kẻ không tên cất lên về những nhân vật thần kỳ của các đội ngũ anh hùng, thổ phỉ; về những cuộc săn (người) đêm trên đỉnh Lũng Tẩu; về những vụ bán cao bành trướng ăn vào người phình lên như quả bóng; về vụ bà phó chủ tịch huyện anh hùng Tám Tư ăn thịt người chết để mong trẻ mãi; về hai cuộc chiến Bẩy Chín, Tám Tư giữa hai nước anh em hữu nghị -nuốt chửng không biết bao nhiêu nhân mạng- đã bị lịch sử chôn sống, không ma chay, không bát âm, không điếu văn, không giỗ chạp.

Những kẻ không tên được chỉ định bằng những: mình, anh, cậu, chú, hắn... (riêng mình, nếu để ý lắm, mới nghe thấy có người gọi là Hiếu) bên cạnh mấy người có tên như Trang, Thu, Hằng, Vân Ly, ... tạo ra một thế giới mà người nữ hình như có chút ưu đãi, nghiã là có tên; họ có chút địa vị cá nhân hơn người nam chăng? Chưa chắc, bởi những người có tên như bọn thằng Quých, thằng Hiệp, thằng Thuỷ... cũng chỉ là bọn tép riu, tòng phạm, hoặc chết lãng nhách như thằng Quých, hoặc chết oan như Vân Ly. Tóm lại đàn bà con gái trong cái xã hội này cũng chỉ là cây kiểng, tên để trưng; thực sự nữ cũng như nam, không ai có một địa vị cá nhân nào.

Sự các nhân vật không có tên, có phải là do trường phái tiểu thuyết mới của Alain Robbe-Grillet chăng? Tôi đồ rằng không. Ở đây không hề có cái lo lắng cách tân cách điệu, trường môn, trường phái gì cả, mà chỉ là để thể hiện một xã hội tập thể, con người đã mất hết danh vị cá nhân, đã thuần thục trong đời sống đội ngũ như: đội ngũ nhà văn, đội ngũ giáo sư, đội ngũ thổ phỉ, đội ngũ bác sĩ, đội ngũ công an, đội ngũ ma tuý, đội ngũ buôn lậu,... tất cả đều đã được phân loại rõ ràng. Tính chất binh bị thấm vào ngôn ngữ, phản ánh toàn bộ tổ chức xã hội mà chiến tranh là lẽ sống, mà cá nhân con người đã trở thành phi danh tánh, như con giun con dế, một mặt nó giúp cho những anh, những mình, những hắn kia, khó bị lộ diện trong những trận phục kích hay buôn lậu; một mặt, nó giúp cho đám người có phận sự rượt bắt họ không bị lộ danh tánh hình tích. Xã hội, trở thành nặc danh, thả dàn cho những tội ác, ở cả bên này và bên kia công lý.

Với bút pháp trinh thám đầy mật mã, tác giả thám hiểm nhiều cuộc đời, nhiều lớp thời gian, trùng lấp, chồng chất lên nhau, vẽ nên nhiều chân dung độc đáo trong cảnh kháng chiến đánh phỉ, cảnh chiến tranh Bẩy Chín-Tám Tư, cảnh làm tình, cảnh thanh toán, buôn lậu, ma tuý, cảnh lùng bắt, cú vọ... Nhiều mặt trận, nhiều thực tại được giấu sâu trong lòng đất, ở những địa đạo, dưới những nấm mồ, không ai dám nhắc đến trong "sử sách" vì tính chất "tiêu cực" của nó. Qua những mật mã, chúng đội mồ hiện lên như những bóng ma người người lớp lớp lũ lượt chồng chéo lên nhau như một định mệnh, một nhân quả về tội ác, không phân biệt ranh giới âm dương.

Tác phẩm là thiên điều tra về tội ác và trừng phạt, tìm đến mẹ của bạo lực để giải mã tại sao dân tộc ta đạt "kết quả" như ngày nay: Bạo lực cổ đại từ thời Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu (tháng 1/1075), sắp đầu người thành đống, mỗi đống 100 đầu, cả thảy 580 đống. Bạo lực trung đại với Tây Sơn-Nguyễn Ánh. Bạo lực kháng chiến với Thổ Phỉ-Cách Mạng. Bạo lực hiện đại với Bẩy Chín-Tám Tư. Bạo lực hậu hiện đại với Ma Tuý-Buôn lậu-Sex, trong một xã hội tập thể, mà mỗi người đều có ám vọng muốn nhìn xem bên trong của kẻ khác chứa những gì.

 Bạo lực nguyên thuỷ được trình bầy qua động tác chặt; dụng cụ thớt; sản phẩm đầu người.
"Phỉ nó chặt...
Mình nghĩ nếu xét thuần về mặt hành động thì phỉ là loại chạm tới cái cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất của con người. Vì phỉ hay dùng hình thức chặt, thứ hình thức mang lại khoái cảm và uy quyền. Phỉ chặt đầu, chặt tay, chặt chân, chặt ngang người. Các loài khác không biết chặt, chỉ cắn, xé, móc. Giết một con gà mà không vang lên tiếng chặt nào thì chỉ là giết một con giun. Vào quán thịt chó mà không nghe tiếng chặt côm cốp thì dứt khoát chỉ có cảm giác ăn đậu phụ. Tiếng chặt tạo ra sự hưng phấn ghê ghớm. Dọc theo lịch sử dằng dặc của đường biên này luôn luôn là những tiếng băm chặt nhau chí chát. Khi triệt hạ thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt đã cho chặt đầu tất cả những kẻ trong thành rồi xếp thành năm trăm tám mươi đống, mỗi đống một trăm cái đầu. Tiếng chặt đầu côm cốp của Thái uý vẫn còn làm cho họ run rẩy, đau đớn đến tận bây giờ. Năm một tám tám sáu, khi phái đoàn phân định biên giới Hoa-Pháp bắt tay vào việc, toàn bộ gia quyến của viên quan được triều đình Nguyễn bổ nhiệm để cai quản và thu thuế vùng Bạch Long đã bị phỉ giết chết, hàng chục sinh mạng, không phân biệt trẻ con, người già, đều bị chặt nhỏ (...) Phỉ đặt người ta lên phiến đá và nhẩn nha chặt như chặt thịt lợn. Có người bị chặt đứt phăng hai tay, hai chân mà vẫn còn sống, mồm miệng loe máu kêu gào. Mình nhớ không nhầm thì chùa Trăm tháp ở Bình Định còn giữ lại tảng đá lớn mà Nguyễn Ánh dùng làm thớt chặt hàng nghìn người thuộc phe Tây Sơn thất trận. Tất nhiên, Nguyễn Ánh làm thế vì trước đó ông ta đã chứng kiến tận mắt cảnh bố mình bị anh em nhà Tậy Sơn chặt đôi người".

Có lần Trùm phỉ Chu Chồ Sền bảo Chu Văn Tấn: "Chúng mày vì nghèo khổ mà đi làm cách mạng. Chúng tao vì nghèo khổ mà đi ăn cướp. Thế là giống nhau".
Ông ngoại của mình cũng là trùm phỉ. Vậy Phỉ là người Việt nguyên thủy nhất, thành thật nhất, có gì nói thẳng, chưa hề biết giữ mồm giữ miệng, chưa hề biết các sự nhạy cảm, chưa hề biết phân biệt tiêu cực và tích cực.

Văn hoá chặt nằm trong văn hoá ẩm thực của ta từ thời nào, những nhà nghiên cứu nên chú ý khai quật, có điều chắc chắn đó là văn hoá phỉ, là cỗi rễ Việt được phỉ giữ lại và bảo tồn đến chết. Đó cũng là yếu tố đặc thù của dân Việt (ta học được của Tàu rồi Việt hoá đi như tất cả những thứ khác) bởi vì cơm Tây, cơm Mỹ chẳng có món nào chặt như món gà luộc hay thịt chó của người mình.

Khi Lỗ Tấn nói người Trung Hoa ăn thịt người, thiên hạ đã rần rần phản đối, có thể vì cái vụ đó mà Lỗ Tấn một dạo cũng bị đem vào tủ lạnh, may nhờ lý lịch A.Q xuất thân bần cố, đã cứu và đưa Lỗ trở lại văn đàn như một chiến sĩ vô sản trăm phần trăm.

Nguyễn sinh sau đẻ muộn mà lại có mòi thâm thúy hơn Lỗ: không ăn nói hồ đồ, vô bằng chứng, mà lấy ngón trỏ chỉ thẳng vào mâm cơm bảo đấy cái dân tộc tính của mình đấy: rặt các món chém chặt. Đố ai chối được.
Từ nguồn văn hóa chém chặt, sinh ra bọn trẻ ngày nay, không chặt mà đốt như Trang, Quých, Hiệp ... Và mình bề ngoài có vẻ hiền lành, bên trong hồn nhiên là trùm phỉ hậu hiện đại.

Nếu bạo lực cổ điển có danh nghiã tốt đẹp bảo vệ xứ sở, thống nhất đất nước, những chân lý tuyệt đối không ai cãi được, thì bây giờ bọn trẻ không thèm đếm xỉa đến những khẩu hiệu lẩm cẩm quá đát ấy nữa, bạo lực hậu hiện đại coi việc đốt người như chuyện vặt, như uống coca, như làm tình, và dường như họ cũng không ý thức được tay mình có máu, bởi có chém chặt gì đâu, chỉ cần bình xăng và một que diêm là xong trong nháy mắt, tay không bẩn, quần áo vẫn lượt là láng coóng.

Hai chuyến đi song song diễn ra trước mắt người đọc, như hai cuộc vận chuyển thời gian ngược chiều, như hai thời đại gặp nhau ở đỉnh Tà Vần, trong cùng một huyệt tại vùng địa đầu biên giới có cái tên huyền thoại Việt Bắc.
Bọn trẻ đã hiểu: làm gì có lý tưởng, làm gì có tình hữu nghị anh em, cậu ơi, làm chó gì có sự tử tế giữa hai quốc gia, toàn thổ phỉ cả, mà trần trụi chỉ là chém và chặt, là ác giả ác báo, là hận thù xuyên nòi giống, là sự rình rập, giam hãm, giăng bẫy, báo thù. Từ một quá khứ hiển vinh như thế làm gì chúng không can trường phóng xe vào ma tuý, sex và tội ác. Từ đời cha đến đời con, tất cả đều đã nhập tiệc thịt người, bà phó chủ tịch xã nói: nếu ăn thịt người chết thì sẽ trẻ mải mãi. Bà là vị nữ anh hùng trong cuộc chiến với khựa.

Những đám mây ngũ sắc giống chiếc nơm úp thẳng xuống bí mật phong toả, càng làm nặng ký chính sách niêm phong, cấm địa, chôn vùi lịch sử, dìm tội ác xuống vùng sâu, để tạo một huyền thoại anh hùng không bao giờ hiện hữu.

Trong suốt cuộc hành hương của mình, Hiếu luôn luôn tìm cách chụp hình những đám mây với ảo giác chụp được nội dung và hình thức sự phong toả con người.
Trong suốt hành trình ngược chiều quá khứ và phóng về tương lai, Hiếu gặp toàn một loạt cỏ cây, đồi núi, con người, đã bị các vết chém chặt bằm nát.

Núi Bạc tốn máu như núi Đất. Pháo của họ đã nã nát nhừ ngọn núi không lấy gì làm cao ấy, đào xới tung nó lên đến cả nửa ngày trời, sau đó mới cho bộ binh dùng súng phun lửa và hơi cay lao lên. Núi bạc không có những trận giáp lá cà kinh hoàng đến mức những ai còn sống sót sau trận ấy, dù ta hay họ đều hoá điên như ở Núi Đất, nhưng lại đầy rẫy những huyền thoại về các linh hồn.
Sông ngòi cũng một mầu: Sông Nho Quế lại đỏ, sông Bằng đỏ máu... Từ anh hùng đến thổ phỉ, từ ta đến Tàu, ở hai bờ sông chia ranh, cùng một tiếng gọi đòi thủ cấp.

Cách đây hơn 20 năm, Bảo Ninh mô tả chiến tranh như một bộ máy nghiền nát tất cả, trừ tình yêu.
Nguyễn Bình Phương tiến thêm một bậc: chiến tranh nghiền nát cả tình yêu chỉ để lại tội ác, không cho con người một hy vọng nào. Bình Phương chiếu ống kính vào tội ác của một dân tộc được giáo huấn thường trực trong các bài học chiến thắng và anh hùng, mà bản chất sâu xa chỉ là thổ phỉ. Chiếu vào hậu quả của các chiến thắng từ thời Lý, thời Tây Sơn-Gia Long, đến thời Cách Mạng-Thổ Phỉ, cuộc chiến Việt-Trung... Văn hoá chặt đã thấm vào máu, nằm trong mâm cơm: dân ta mải chặt mà quên sống. Vùng đất biên giới anh hùng nằm trên những xác người, chỉ tạo nên những hệ gia đình thui chột như gia đình Hiếu: Ông ngoại trùm phỉ bị chặt đầu; mẹ buôn lậu vào tù; chú ngớ ngẩn; anh chiến sĩ đánh Tàu, chết vì điên, bị chuột gặm mắt và hai cánh mũi; em trùm phỉ hiện đại, bị phục kích chết ở đỉnh Tà Vần...

Sự giáo dục chiến thắng chỉ tạo nên những thánh, nhưng "không một bà mẹ nào muốn con là thánh".Nền tảng đầu tiên của con người là gia đình đã bị hủy diệt. Hệ thống mây ngũ sắc chụp lên toàn lãnh thổ, khiến con người không thoát ra được vòng phong toả để tìm đến một chân trời mới. Thế hệ thanh niên, ngụp lặn trong vùng đất thánh, gây tội ác, bị rình rập, chạy lên đỉnh, bị sập lưới, đẩy xuống vực sâu. Họ chưa từng ý thức được thế nào là tội ác, trước khi lìa đời.

Saturday 21 September 2013

Sáng tạo nhiều tác phẩm xứng đáng với dân tộc, đất nước, nhân dân (*) (Nguyễn Phú Trọng - Nam Định)


Cập nhật lúc05:40, Thứ Sáu, 25/10/2013 (GMT+7)
LTS: Ngày 21-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Hội Văn học - Nghệ thuật ở Trung ương. Báo Nam Định trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc này.
Thưa các bác, các anh, các chị cùng toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, tôi và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành rất vui mừng đến thăm và làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương; được gặp gỡ các đồng chí, những người hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực tinh tế và đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đất nước ta. Trước hết, tôi xin gửi tới các bác, các anh, các chị và các đồng chí lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.
Mới đây, nhân kỷ niệm trọng thể 65 năm Ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam ngày nay, tôi đã cùng một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước tham dự buổi lễ và gửi lời chúc mừng nồng nhiệt về chặng đường vẻ vang; những thành tựu to lớn mà Liên hiệp Hội cũng như các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ cả nước đã đạt được trong mấy chục năm qua.
Hôm nay, được nghe Báo cáo của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam do đồng chí Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trình bày, và nghe ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của các bác, các đồng chí, tôi càng hiểu thêm về tình hình văn học, nghệ thuật nước ta và công tác của Đảng đoàn. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh những nỗ lực lớn lao, những sáng tạo bền bỉ, những kết quả nổi bật của các đồng chí và xin chia sẻ, thông cảm với những khó khăn, thách thức và cả những hạn chế, bất cập mà Đảng đoàn cùng cán bộ, hội viên và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ nước ta đã và đang trải qua.
Qua thực tiễn hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về lĩnh vực công tác này, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước ta tiếp tục có bước phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Các hoạt động văn học, nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền, đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nguồn kinh phí còn hạn hẹp, đời sống của đa số anh chị em văn nghệ sĩ còn khó khăn, nhưng với lòng say mê, tâm huyết sáng tạo, đã có nhiều tác phẩm đáng trân trọng. Nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhiều tiết mục sân khấu, điện ảnh, công trình nghiên cứu lý luận, văn hóa, văn nghệ... thu hút được người xem, người đọc. Quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của văn nghệ sĩ được bảo đảm và cải thiện; tiềm năng và cảm hứng sáng tạo được khơi dậy. Văn học, nghệ thuật nước ta tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị bền vững của dân tộc được hun đúc, chắt lọc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn; là bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là trọng trách xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống, tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam.
Thiếu nhi hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Internet
Thiếu nhi hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Internet
Các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, phần lớn trong số đó có nội dung lành mạnh, tích cực; hình thức thể hiện có nhiều đổi mới. Đề tài lịch sử hào hùng của đất nước; những trang sử vẻ vang chống các kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục thu hút các văn nghệ sĩ, cả cao niên và trẻ tuổi tham gia. Đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân anh hùng cũng được anh chị em văn nghệ sĩ trân trọng và có những thành công trong tác phẩm của mình. Văn học, nghệ thuật tích cực phát hiện, cổ vũ cái mới, cái tốt đẹp, tiến bộ; biểu dương, nêu gương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, rèn luyện, phấn đấu; phê phán thói hư, tật xấu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội. Lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng có những chuyển biến rõ nét, góp phần tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, đặc biệt là định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong công cuộc CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Đã củng cố, xây dựng được đội ngũ các cây bút trẻ trong lý luận, phê bình; tham gia đấu tranh phản bác các khuynh hướng, hành vi sai trái, cực đoan, bảo vệ và phát triển đường lối văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng.
Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các Hội thành viên đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên và đông đảo văn nghệ sĩ nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, trách nhiệm công dân, sáng tác, quảng bá nhiều tác phẩm có giá trị. Đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng; Nghị quyết của Trung ương Đảng; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 70 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam, 70 năm tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ; 55 năm Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ và giới văn nghệ nước nhà; động viên văn nghệ sĩ tham gia các Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... Liên hiệp Hội và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và các địa phương đã tổ chức nhiều trại sáng tác, hội diễn, liên hoan, triển lãm, tọa đàm, gặp gỡ, giao lưu trong nước và quốc tế, trao thưởng, quảng bá các tác phẩm xuất sắc. Nhiều đơn vị, nhiều văn nghệ sĩ được Đảng, Nhà nước trao các loại huân chương bậc cao, trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Công tác đối ngoại của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên có nhiều khởi sắc; tích cực, chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo, liên hoan quốc tế về văn hóa, văn nghệ. Sự phối hợp công tác giữa Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành ở Trung ương với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, phải thừa nhận rằng, lĩnh vực văn học, nghệ thuật nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, chưa phản ánh sâu sắc, sinh động những hiện thực lớn lao của đất nước trong những giai đoạn lịch sử quan trọng, nhất là trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập quốc tế. Điều đáng lưu ý là, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, đã và đang xuất hiện xu hướng "thương mại hoá" cùng những biểu hiện "bắt chước, lai căng"... trên nhiều phương diện, làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật, ảnh hưởng đến việc giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ trong công chúng người đọc, người xem; không động viên, khuyến khích được những văn nghệ sĩ tâm huyết với nghề, gắn bó với những giá trị văn học, nghệ thuật chân chính.
Hoạt động lý luận phê bình nhìn chung còn thụ động, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng. Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan ở Trung ương, các địa phương, lãnh đạo Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành có lúc, có việc còn thiếu quán xuyến và sâu sát. Việc tham mưu để thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác lãnh đạo, quản lý ở một số Hội còn nhiều bất cập, còn thiếu cán bộ lãnh đạo văn nghệ có năng lực, uy tín, khả năng tập hợp, đoàn kết hội viên. Việc phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ, gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh số đông văn nghệ sĩ gắn bó máu thịt và cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung, cũng có những người phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của nhân dân. Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí cực đoan, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi của dân tộc. Cá biệt, có người còn lên tiếng đòi "hạ bệ", "giải thiêng", "bôi đen" các giá trị to lớn, thiêng liêng của đất nước, của chế độ.
Thưa các bác, các đồng chí,
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH theo tư tưởng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, nhằm mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến giữa thế kỷ này trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một sự nghiệp to lớn, vĩ đại. Bên cạnh thuận lợi cơ bản, đất nước ta cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức lớn. Tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện thực phong phú, sôi động của đất nước đang mở ra chân trời rộng lớn cho sự sáng tạo, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lớn và mới mà những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật thông qua những tác phẩm sáng tạo của mình phải cắt nghĩa, trả lời và định hướng đi lên cho xã hội. Phải làm sao sáng tạo ra những tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tương xứng với tầm vóc của dân tộc và đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân chờ đợi, hy vọng ở những người hoạt động văn học, nghệ thuật, và biết rằng các đồng chí cũng rất day dứt và đầy khát vọng về điều này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Người lưu ý: "văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Đó cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đối với văn hóa, văn học, nghệ thuật. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII khẳng định: "Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng". Thực tế những năm qua, lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, trong đó có cuộc đấu tranh quyết liệt về tư tưởng, văn hóa. Đó là cuộc đấu tranh giữa chân, thiện, mỹ với cái giả dối, cái ác, cái xấu xa; giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu.
Nhận rõ vị trí, vai trò, đóng góp to lớn của văn hóa, văn học, nghệ thuật, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác xây dựng, bổ sung hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, cố gắng tạo điều kiện để anh chị em văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng. Định hướng đúng đắn cho văn học, nghệ thuật phát triển phù hợp với con đường đi lên của dân tộc; đề ra chính sách đầu tư, bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa; đồng thời chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ làm việc; chú ý bồi dưỡng, đào tạo lớp văn nghệ sĩ trẻ...
Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2010/NĐ-CP; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định "Hỗ trợ cho các công trình văn học, nghệ thuật và báo chí giai đoạn 2011-2015". Nguồn kinh phí tuy chưa nhiều (khoảng 80 tỷ đồng/năm) nhưng đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các Hội văn học, nghệ thuật cả nước. Ngày 9-4-2013, Ban Bí thư ra Kết luận số 59-KL/TW về việc tạm thời thực hiện việc hỗ trợ cho một số nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu có khó khăn trong cuộc sống. Chính phủ tiếp tục phê duyệt "Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam". Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về đại hội các hội văn học - nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ sắp tới...
Nhưng dẫu sao, đó vẫn chỉ là những yếu tố khách quan. Với văn học, nghệ thuật thì không gì có thể thay thế được tài năng và tâm hồn chủ thể những người trực tiếp sáng tạo, tức là các văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ là những người có năng khiếu đặc biệt, lại có khả năng thu nhận tri thức, tiếp cận thực tiễn cuộc sống, trau dồi bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, là người sáng tạo ra tác phẩm. Sự nghiệp sáng tạo văn học, nghệ thuật đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học.
Nhân đây, tôi có đôi điều muốn trao đổi tâm tình thêm với anh chị em văn nghệ sĩ trẻ. Chúng ta đều đã biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào, viết như thế nào? Nhiều người thường bảo văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, rút những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa. Bài học đó là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường. Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người.
Văn học, nghệ thuật vốn có chức năng cao quý là khám phá, sáng tạo, phản ánh chân thực, sinh động, hấp dẫn hiện thực cuộc sống - hiện thực vĩ đại của dân tộc; phản ánh hiện thực có chiều sâu, từ trong bản chất của nó. "Nhà văn là kỹ sư tâm hồn", "là người thư ký của thời đại" (Ban-dắc). Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của họ phản ánh chân thực cuộc sống, làm sao cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy "mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da" (Ka-li-nin).
Với tài năng và tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ, chúng ta tin là sẽ có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, ngợi ca cái tốt, cái thiện, cái tích cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với cái ác, cái xấu, những tư tưởng sai trái đi ngược lại truyền thống đạo lý và lợi ích của Tổ quốc và dân tộc, những thói tệ nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế. Nghiên cứu lý luận, phê bình cần phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, tinh tế, góp phần định hướng, giới thiệu cho công chúng tiếp nhận những giá trị văn hóa trong và ngoài nước, loại trừ những cái phi văn hóa, phản văn hóa; chống xu hướng "lai căng", thương mại hóa hoặc chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học, nghệ thuật, nâng cao trình độ nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân.
Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, các Hội văn nghệ cần giúp Đảng đoàn kết, tập hợp đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để anh chị em làm tốt thiên chức sáng tạo của mình. Đồng thời cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, công tác chuyên môn ở Liên hiệp Hội và các Hội thành viên từ Trung ương đến các địa phương. Đặc biệt là công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ các cấp Hội; chăm lo việc nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho anh chị em văn nghệ sĩ. Đoàn kết, cổ vũ, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ bám sát cuộc sống, đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, có thêm nhiều tác phẩm hay, có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực của đất nước ta, nhân dân ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Tôi đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành có mặt hôm nay, trên cơ sở ý kiến góp ý và kiến nghị của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và lãnh đạo các Hội văn học, nghệ thuật thành viên, ghi nhận đầy đủ, quan tâm sâu sắc, tập trung tháo gỡ các khó khăn, các bất cập về chính sách, cơ chế, điều kiện hoạt động cho Liên hiệp Hội, các Hội chuyên ngành và của anh chị em văn nghệ sĩ.
Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành sẽ cùng Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật và anh chị em văn nghệ sĩ có thêm điều kiện hoạt động, sáng tạo, có nhiều tác phẩm xứng đáng với dân tộc, đất nước, nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trân trọng cảm ơn!
----------------
(*) Đầu đề của Báo Nam Định