Tuesday 8 October 2019

Nguyễn Tri Phương và tấm bản đồ chiến sự lòng dân (Tấn Vũ - Tuổi Trẻ)


TTO - Ngày 28-9, tại TP Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng và Huế đã tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858 - 1860”.

Tại hội thảo này, lần đầu tiên tấm bản đồ chiến sự năm 1858 tại Đà Nẵng được công bố.
12mvMhAX.jpg
Thế trận từ tấm bản đồ chiến sự năm 1858 - Ảnh do nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú sưu tầm .
Thành phố chiến lũy
Mở đầu hội thảo, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, TS Bùi Văn Tiếng cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân Đà Nẵng dành cho vị danh tướng này những sự tôn kính nhất định trên quê hương mình. Đà Nẵng 2 lần lấy tên Nguyễn Tri Phương đặt tên đường, dựng tượng ông ngay thành Điện Hải trung tâm của thành phố. Mới đây nhất cây cầu đẹp bắc qua sông Cẩm Lệ cũng tự hào mang tên vị danh tướng triều Nguyễn này. Cuộc đời xông pha trận mạc của ông trải dài khắp đất nước, từ việc chỉ huy chiến đấu bảo vệ Sài Gòn năm 1860 - 1861, chỉ huy chiến đấu bảo vệ Hà Nội 1873…
Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử có mặt tại hội nghị hết sức ngỡ ngàng khi nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú công bố tấm bản đồ chiến sự tại Đà Nẵng 1858 do ông sưu tầm được từ thư khố Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, một tấm bản đồ với tên tiếng Pháp là “Positions de Tourane”, tức “Vị trí Đà Nẵng”, với dòng chú thích bằng tiếng Pháp nghĩa là “Bản đồ Đà Nẵng tìm được trong nhà một ông quan ngày 15-9-1859”.
Cũng theo giải thích của nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú thì điểm đặc biệt quý giá của tấm bản đồ này là qua đó hình dung được thế trận quân và dân Đà Nẵng chống lại quân xâm lược, các chiến hào, công sự, thành, đồn... đã được đánh dấu và mô tả khá rõ.
Điểm đặc biệt quan trọng là bản đồ giúp nhận ra các địa danh Đà Nẵng xưa. Có hơn 100 chú thích nhưng gần 80% số đó là chú thích vị trí các đồn, thành, trạm, lũy, điếm canh, vọng lâu, hào, nhà tù, công quán, tuần binh... tức các vị trí quân sự. Hầu như toàn bộ Đà Nẵng xưa là thành lũy, chiến hào chiến đấu.
Ở phần trung tâm của tấm bản đồ chiến sự đã được cắt gọn vào khu vực nội thành Đà Nẵng này thấy rõ 3 phòng tuyến được dựng lên và tất cả đều hướng về phía cửa biển, phía quân địch tiến vào.
y05ugEOd.jpg
Tượng đài Nguyễn Tri Phương trong thành Điện Hải – trung tâm TP Đà Nẵng – được người dân luôn tôn kính - Ảnh: Tấn Vũ
vBxTccNI.jpg
Ông Nguyễn Tri Việt (trái) - hậu duệ đời thứ 5 của danh tướng Nguyễn Tri Phương - nhận hoa tại hội thảo - Ảnh: Tấn Vũ
…Thế trận lòng dân
Tấm bản đồ lập tức thu hút sự chú ý của các học giả tại buổi hội thảo về Nguyễn Tri Phương.
Ông Lưu Anh Rô, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, cho rằng không phải ngẫu nhiên mà tướng Nguyễn Tri Phương đánh bại đội quân viễn chinh hùng mạnh của Pháp - Tây Ban Nha thời đó.
Ngoài vị trí địa lý quân sự lý tưởng thì sức dân, sự đồng thuận chống ngoại xâm là điều đáng chú ý. Tất cả thể hiện rõ trên bản đồ, bởi từng thành lũy trong tấm bản đồ được thể hiện rõ, nếu không bằng sức dân chắc chắn không ai và lực lượng nào có thể dựng thành lũy, chiến hào chóng vánh như vậy.
“Không những người dân Đà Nẵng mà cả Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng tham gia trận chiến này. Tre từ La Qua (Vĩnh Điện) mang ra xây chiến hào. Tướng Phạm Văn Nghị từ Nghệ An cũng vào đây tiếp sức. Không dễ gì huy động sức mạnh lòng dân hùng hậu như vậy…” - ông Rô nhận định.
Nhà nghiên cứu Trương Duy Hy cho rằng việc quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng để đi tấn công nơi khác cho thấy sự tài tình của Nguyễn Tri Phương và thế trận lòng dân trong trận chiến này.
“Đánh Đà Nẵng 2 năm Pháp thua, trong khi đó đánh Gia Định 3 ngày thì thắng, chiếm Đông Nam bộ chỉ 13 tháng, thành Hà Nội 1 buổi và chiếm Bắc bộ chỉ trong vòng 5 ngày. Rõ ràng vai trò dân quân trong cuộc chiến này không thể không nói đến” – nhà nghiên cứu Trương Duy Hy chia sẻ.
Đúc kết buổi hội thảo, ông Lưu Anh Rô cho rằng: “Từ tấm bản đồ cho ta thấy bài học lịch sử rằng bất kỳ thời kỳ nào lòng dân không thuận, triều đình không nghiêm thì kẻ thù dù yếu đến mấy cũng làm cho chúng ta đại bại. Khi quyền lợi triều đình gắn với lòng dân thì chúng ta đã thắng”.
TẤN VŨ

Monday 7 October 2019

Những cánh thư xưa mang dấu ấn KBC (Nguyễn Ngọc Chính - Hồi Ức Một Đời Người)

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019


Những cánh thư xưa mang dấu ấn KBC

KBC là chữ viết tắt của "Khu Bưu Chính". Đây là một đơn vị quân bưu, chuyên về nhận và chuyển phát thư từ, điện tín của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Mỗi KBC gồm có 3 chữ cái viết hoa, tiếp theo là 4 con số. KBC của QLVNCH được bắt đầu bằng số: 3, 4, 6 và 7.

KBC mang số nhỏ nhất: KBC 3001 (Tiểu đoàn 51 Pháo Binh). KBC mang số lớn nhất: KBC 7889 (Tiểu đoàn 475 Địa phương quân - Long Xuyên).
KBC của các đơn bị Bộ binh và Không quân không được thiết lập theo nguyên tắc nào cả. Riêng quân chủng Hải quân khi mới thành lập thì tất cả đều mang số 33 đầu và các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến cũng mang số 33 vì TQLC lúc đó thuộc về Hải quân. Cho đến năm 1972-1973 các đơn vị tân lập của Hải quân và TQLC mới mang KBC giống bên Bộ binh.
Thông thường thì một KBC là 1 đơn vị quân đội. Nhưng có khi KBC lại có thêm chữ A hay B như trường hợp Trung tâm huấn luyện Quang Trung KBC 4091. Trung Tâm này được chia làm 2 là Liên Đoàn A và Liên Đoàn B. Bởi vậy, Quang Trung có 3 KBC: KBC 4091 là Bộ chỉ huy trung tâm, KBC 4091/A là Liên đoàn A và KBC 4091/B là Liên đoàn B.

Lại có trường hợp như Nha Quân Pháp (trực thuộc Bộ quốc Phòng), KBC 4386. Còn KBC 4386/A lại là Toà án Quân sự Sài Gòn. Cả 2 KBC trên đều ở cùng 1 doanh trại tại số 3A Bến Bạch Đằng, Quận 1 (sát cạnh với Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo).

KBC 4002 là Bộ tổng tham mưu/QLVNCH. Nhưng Bộ chỉ huy Quân Cảnh cũng nằm trong cùng doanh trại với Bộ TTM nên mang KBC 4002/QC một thời gian dài. Sau mới được cấp KBC riêng là KBC 4258.
Lại có trường hợp thường thấy ở các đơn vị tác chiến lưu động. Thí dụ, Tiểu đoàn 1 TQLC, KBC 3333. Tiểu đoàn đang đi ‘’hành quân’’ thì trên bì thư được ghi là KBC 3333/HQ.
Sau đây là KBC của một số Tiểu đoàn trừ bị nổi tiếng của QLVNCH. Các Tiểu đoàn Nhảy Dù có:

– Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù KBC 4563
– Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù KBC 4247
– Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù KBC 4794
– Tiểu đoản 4 Nhảy Dù (không thành lập)
– Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù KBC 4709
– Tiểu đoàn 6 Nhảu Dù KBC 4143
– Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù KBC 4919
– Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù KBC 3119
– Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù KBC 4804
– Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù KBC 3727

Các Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến có:

– Bộ tư lệnh TQLC KBC 3331
– Tiểu đoàn 1 TQLC KBC 3333
– Tiểu đoàn 2 TQLC KBC 3335
– Tiểu đoàn 3 TQLC KBC 3337
– Tiểu đoàn 4 TQLC KBC 3339
– Tiểu đoàn 5 TQLC KBC 3357
– Tiểu đoàn 6 TQLC KBC 3300
– Tiểu đoàn 7 TQLC KBC 3340
– Tiểu đoàn 8 TQLC KBC 6618
– Tiểu đoàn 9 TQLC KBC 6626

Về binh chủng Biệt Động Quân ngoài các đơn vị BĐQ biên phòng thì còn lại cũng là những Tiểu đoàn trừ bị. Sau này các đơn vị BĐQ biên phòng đổi thành Tiểu đoàn. BĐQ gồm có 17 Liên đoàn, mỗi liên đoàn có 3 Tiểu đoàn. Như vậy binh chủng BĐQ có trên 50 Tiểu đoàn. Sau đây là KBC của một số đơn vị BĐQ:

– Bộ chỉ huy BĐQ KBC 4205
– Tiểu đoàn 33 BĐQ KBC 3446 Sài Gòn
– Tiểu đoàn 32 BĐQ KBC 3447 Phong Dinh
– Tiểu đoàn 51 BĐQ KBC 3505 Sài Gòn
– Tiểu đoàn 52 BĐQ KBC 3506 Biên Hòa
– Tiểu đoàn 37 BĐQ KBC 3507 Đà Nẵng
– Tiểu đoàn 38 BĐQ KBC 3508 Sài Gòn
– Tiểu đoàn 39 BĐQ KBC 3509 Đà Nẵng
– Tiểu đoàn 43 BĐQ KBC 3516 Vĩnh Long
– Tiểu đoàn 44 BĐQ KBC 3517 Cần Thơ
– Tiểu đoàn 34 BĐQ KBC 4013 Sài Gòn
– Tiểu đơàn 31 BĐQ KBC 4272 Biên Hòa
– Tiểu đoàn 35 BĐQ KBC 4400 Biên Hòa
– Tiểu đoàn 36 BĐQ KBC 4454 Biên Hòa
– Tiểu đoàn 42 BĐQ KBC 4533 Cần Thơ
– Tiểu đoàn 60 BĐQ KBC 7508 Đà Nẵng
– Tiểu đoàn 61 BĐQ KBC 7509 Đà Nẵng
– Tiểu đoàn 62 BĐQ KBC 7510 Kontum
– Tiểu đoàn 63 BĐQ KBC 7511 Pleiku
– Tiểu đoàn 64 BĐQ KBC 7512 Hậu Nghĩa
– Tiểu đoàn 65 BĐQ KBC 7513 Tây Ninh
– Tiểu đơàn 85 BĐQ KBC 7553 Chi Lăng
– Tiểu đoàn 86 BĐQ KBC 7554 Kiến Tường
– Tiểu đoàn 88 BĐQ KBC 7560 Kontum
– Tiểu đoàn 89 BĐQ KBC 7561 Quảng Đức
– Tiểu đoàn 90 BĐQ KBC 7562 Kontum
– Tiểu đoàn 91 BĐQ KBC 7563 Tây Ninh
– Tiểu đoàn 92 BĐQ KBC 7564 Phước Long
Ngoài các binh chủng trên còn có các đơn vị khác, tuy cùng màu áo nhưng là các đơn vị không trực tiếp tác chiến như tiếp vận, hành chánh, yểm trợ, pháo binh, quân y… Hoặc cấp cao hơn Tiểu đoàn là Liên đoàn, Lữ đoàn hay Chiến đoàn… tất cả đều có KBC riêng.
Dưới đây là một số KBC của binh chủng Hải Quân:

– Bộ tư lệnh Hải Quân KBC 3317
– Bộ tư lệnh hạm đội KBC 3328
– Trung tâm Huấn luyện HQ Nha Trang KBC 3318
– Trung tâm Huấn luyện HQ Cam Ranh KBC 3319
– Giang đoàn 25 Xung phong KBC 3303 Cần Thơ
– Giang đoàn 28 Xung phong KBC 3305 Long Xuyên
– Giang đoàn 21 Xung phong KBC 3321 Mỹ Tho
– Giang đoàn 51 Tuần thám KBC 3332 Cát Lái
Tại Quân khu 3 và Biệt khu thủ đô nếu thanh niên nhập ngũ thường được tập trung ở Trung tâm 3 Tuyển mộ và Nhập ngũ (Quang Trung) KBC 4113. Đài phát thanh quân đội được mang KBC 3168. Các quân nhân chuẩn bị du học, đa số là quân nhân của quân chủng Không quân và Hải quân thì hầu hết phải qua cánh cổng của Trường Sinh ngữ Quân đội ở Gò Vấp, KBC 3095.
Sau đây là KBC của một số trường và trung tân huấn luyện:

– Trung tâm huấn luyện Quang Trung KBC 4091
– Trường Bộ Binh Thủ Đức KBC 4100
– Trường Võ bị Đà Lạt KBC 4027
– Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế (Nha Trang) KBC 4311
– Trường Quân cảnh (Vũng Tàu) KBC 3042
– Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp (Bà Rịa) KBC 4432
– Trường Quân khuyển (Gò Vấp) KBC 4941
– Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn (Dục Mỹ) KBC 4926
– Trường Thiếu sinh quân (Vũng Tàu) KBC 4437

Các quân nhân thuộc Quân khu 3 và Biệt khu Thủ đô được biệt phái ngoại ngạch (như các công chức, giáo sư, chuyên viên…) hoặc chờ thuyên chuyển sau khi xuất viện (bị thương, bệnh…) hoặc chở giải ngũ thì quân số thuộc về Trung tâm Quản trị Trung ương KBC 4204.


Sau đây là một số KBC của quân chủng Không quân:

– Bộ tư lệnh Không quân KBC 3011 (Tân Sơn Nhứt)
– Đại đội Tổng hành dinh Không quân KBC 3009 (Tân Sơn Nhứt)
– Sư đoàn 1 Không quân KBC 3198 (Đà Nẵng)
– Sư đoàn 2 Không quân KBC 3126 (Nha Trang)
– Sư đoàn 3 Không Quân KBC 3004 (Biên Hòa)
– Sư đoàn 4 Không quân KBC 4652 (Phong Dinh)
– Sư đoàn 5 Không quân KBC 4324 (Tân Sơn Nhứt)
– Sư đoàn 6 Không quân KBC 3533 (Phù Cát)

***
Chỉ cần 3 chữ KBC mọi người sẽ có một nhịp cầu nối giữa quân nhân và người thân. Việc gửi thư của lính cũng hưởng nhiều ưu đãi của Bưu Điện, như cước phí gửi thư chỉ bằng phân nửa giá gửi thư thường của dân sự.
Quân đội cũng phát hành một số tem đặc biệt dành cho quân nhân, những con tem này không có giá tiền trên tem nhưng có giá trị gửi một lá thư đi. Ngoài ra, quân đội còn in thêm một số bao thư in sẵn tem trên đó để tiện lợi cho các chiến sĩ đang hành quân. Bao thư và tem được phát miễn phí cho các quân nhân hay gia đình của họ.
Những ai yêu thích nhạc vàng của VNCH một thời xưa cũ hẳn không lạ gì bài hát "Viết từ KBC", sáng tác bởi Hoàng Minh và Mạc Phong Linh:
"Từ KBC giá lạnh rừng sâu,
Anh gởi lời thăm người em yêu dấu
Qua bao ngày chúng mình xa nhau,
Chắc em để phấn son nhạt màu
Và buồn trong cả giấc chiêm bao...."
***






























***

Sunday 6 October 2019

Cái gì khớp với cái gì?


Nguyên bản của Sir Chapman viết bằng tiếng Anh:

I was informed it was a square and that the other sides correspond with the one we entered at.


Brian Wu dịch sang tiếng Việt thành:

Tôi được cho biết tòa thành này hình vuông và các mặt (thành) khác khớp với mặt Đông mà chúng tôi đã (đi) vào.


Google dịch thành:

Tôi được thông báo đó là một hình vuông và các mặt khác tương ứng với hình mà chúng tôi đã nhập vào.


Ganh tỵ quá.Người ta chỉ học thế thôi mà dịch một phát là được ngay như Google.

Tôi dịch:

Tôi được cho biết là tòa thành này có hình vuông và các mặt bên kia cũng giống như bên chúng tôi đi vào.




Saturday 5 October 2019

Nghĩa của từ XẨU trong XƯƠNG XÂU (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công thư phòng)

17 thg 8, 2019

NGHĨA CỦA “XẨU” TRONG TỪ “XƯƠNG XẨU”

Phở gánh Hà Nội
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN CÔNG

Có lẽ, các nhà biên soạn từ điển cho rằng, “xẩu” chỉ là yếu tố láy âm của “xương”, nên đã xếp “xương xẩu” vào diện “từ láy” và giải nghĩa như sau:
Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên): XƯƠNG XẨU I. dt. Phần xương (nói khái quát); thường dùng để ví với cái khó làm, khó ăn. Trâu bò gầy, xương xẩu nhô cả ra. Phải nhận phần đất xương xẩu nhất. II. Gầy đến mức nhô cả xương ra. Người gầy gò, xương xẩu”.

-"Từ điển từ láy dành cho học sinh" (Th.S. Bùi Thanh Tùng - Ngô Thu Phương - Nguyễn Huy Hoàn): "Xương xảu d. tt. id. Như xương xẩu"; "xương xẩu 1. dt. Xương (nói khái quát), thường dùng để ví với cái khó làm, khó ăn. 2. tt. Gầy đến mức nhô cả xương ra".
-"Từ điển tiếng Việt thông dụng" (Có chú thông tin từ láy - Vietlex): "xương xẩu (láy) d.t.; d. 1 xương của thú vật hoặc phần xương còn lại sau khi đã ăn hết thịt [nói khái quát]: con bò gầy xương xẩu nhô ra. 2 ví cái người khác đã vứt bỏ, chẳng mang lại lợi lộc bao nhiêu: ruộng ngon đã chia hết, chỉ còn toàn xương xẩu; t. gầy đến nhô xương, nổi xương lên: khuôn mặt xương xẩu".
Vậy, có phải “xẩu” láy âm của “xương” không?
Trong hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt (kể cả từ điển phương ngữ) chúng tôi có trong tay, duy nhất “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) thu thập và dành cho “xẩu” riêng một mục từ: “xẩu • dt. Như Xương <> Những xương cùng xẩu”. Câu “Những xương cùng xẩu” mà cuốn từ điển này lấy làm ví dụ, chính là trích dẫn từ bài đồng dao “Rồng rắn lên mây”: Những xương cùng xẩu”/“Những máu cùng me”.
Trong thực tế, không hẳn “xẩu” cũng giống như xương”, hoặc chính là “xương”, mà còn có nghĩa rộng hơn, được dùng để chỉ các loại “phụ phẩm” của gia súc, trâu bò sau khi mổ thịt, như xương vụn, gân thịt vụn lẫn với da, hoặc chút lòng, lá sách… bán theo mớ, nấu chung thành một món. Ví dụ món "xẩu bò nấu khế" chẳng hạn.
Xương phở
Ảnh: ST

Nghĩa riêng của “xẩu” được thể hiện rõ nhất là khi chỉ phần xương bao gồm nhiều loại, đang còn dính chút thịt, bạc nhạc, gân, da...mà người ta thường hầm để lấy nước dùng. Sau đó, phần “xẩu” đã hầm nhừ lại trở thành món gặm riêng. 
  Trong bài “Phở”, Nguyễn Tuân đã ngạc nhiên khi nhận ra “xẩu” không phải là “tiếng đệm” (tức láy âm) của “xương”. Ông viết: “Vì hay la cà với phở, mà tiếng nói của tôi được chính xác và giầu có thêm lên. Trước kia tôi cứ tưởng chữ “xương xẩu” là một tiếng đôi, và chữ “xẩu” chỉ là một tiếng đệm. Ông hàng phở đã làm cho từ ngữ tôi hôm ấy thêm lên một danh từ: xẩu khác với xương, dùng để chỉ những cái đầu xương phở có dính thịt và gân róc chưa hết. Tôi đã thấy những người phu xe kéo vào hiệu phở gọi một chén rượu với một bát “xẩu”...”
Dân nhậu hoặc những người khoái món “xẩu” (phụ phẩm của nồi nước dùng) còn đặt thêm cho nó những cái tên nghe thật kinh khủng: "hài cốt", “bốc mả”!
Nhiều cuốn từ điển thu thập và giải nghĩa “xương xẩu” phần nào cho thấy tính chất hợp nghĩa của “xương” và “xẩu”:
-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “xương xẩu • dt. (đ) Tiếng gọi chung bộ xương: Xương-xảu gì nhỏ quá. • tt. Cứng rắn, rắn-rỏi: Vẻ mặt xương-xảu”.
-Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “xương xẩu • t. 1 Có nhiều xương <> Cá này xương xảu lắm. 2 Gầy gò quá <> Người xương xảu. 3 Đem lại quá ít quyền lợi, khó khai thác <> Mảnh đất xương xảu”.
-Từ điển tiếng Việt (Vietlex): xương xẩu I d. 1 xương của thú vật hoặc phần xương còn lại sau khi đã ăn hết thịt [nói khái quát]: con bò gầy, xương xẩu nhô ra ~ xương xẩu vãi đầy ra chiếu. Đn: xương xóc. 2 ví cái người khác đã vứt bỏ, chẳng mang lại lợi lộc bao nhiêu: ruộng ngon đã chia hết, chỉ còn toàn xương xẩu.II t. gầy đến nhô xương, nổi xương lên: “Mắt Nghĩa tối sầm lại khi nhìn kỹ vào gương mặt ông Xung quắt lại xương xẩu.” (Dương Hướng).
-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “xương xẩu • I dt. Xương của thú vật hoặc xương vứt bỏ lại sau khi ăn nói chung: Con bò gầy quá, chỉ toàn xương xẩu <> vứt xương xẩu ra hố rác. • II tt. 1 Gầy guộc, dường như giơ hết xương ra: người xương xẩu gầy gò. 2 Thuộc loại vứt bỏ, không mang lại lợi lộc gì: Những việc xương xẩu mới đến lượt mình <> Người ta chỉ bỏ lại những mảnh ruộng xương xẩu thôi”.
Như vậy, trong từ “xương xẩu”, thì “xương” nghĩa là phần cứng làm khung, cốt cho da thịt, thân thể, vật thể…; “xẩu” cũng có nghĩa là xương, hoặc là những bộ phận cứng, dai, “khó nhằn” giống như xương nói chung. Theo đó, “xương xẩu” không phải là từ láy, mà là từ ghép đẳng lập, được hợp nghĩa bởi hai từ “xương” và “xẩu”.

                                                            HTC/8/2019