Friday 20 June 2014

CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC THỜI NGUYỄN: TIẾP CẬN TỪ DANH HIỆU PHÓ BẢNG (Đỗ Thị Hương Thảo - Khoa Lịch Sử Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Hà Nội)

CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC THỜI NGUYỄN: TIẾP CẬN TỪ DANH HIỆU PHÓ BẢNG (THS ĐỖ THỊ HƯƠNG THẢO)
THỨ HAI, 21 THÁNG 10 2013 01:26



Đỗ Thị Hương Thảo
Trong lịch sử giáo dục khoa cử của Việt Nam thời cổ trung đại, Phó bảng là danh hiệu duy nhất chỉ xuất hiện dưới thời Nguyễn - giai đoạn cuối cùng của nền giáo dục Nho học Việt Nam. Trong kỳ thi Hội, Phó bảng là học vị dành cho những người có kết quả thi thấp hơn Tiến sĩ[1] và thông thường được bổ nhiệm chức vụ thấp hơn những người đỗ Tiến sĩ. Bài viết này chọn danh hiệu Phó bảng dưới thời Nguyễn làm đối tượng nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhà Nguyễn đặt thêm danh hiệu Phó bảng. Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu những thay đổi trong cách thức tuyển lựa, ban ân điển và việc bổ dụng Phó bảng giữ các vị trí trong bộ máy chính quyền, bài viết sẽ lý giải phần nào quan điểm, chính sách giáo dục của nhà Nguyễn, đặc biệt là giai đoạn từ nửa cuối nhà Nguyễn trở đi. Một cái nhìn hệ thống về học vị Phó bảng trong suốt gần một thế kỷ (từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) sẽ làm rõ hơn chính sách “nới lỏng” trong khoa cử của nhà Nguyễn để đáp ứng nhu cầu tuyển lựa và sử dụng nhân sự của bộ máy chính quyền trải dài trên toàn lãnh thổ từ Bắc đến Nam.
Phó bảng – Sự ra đời và những tiền đề của nó
Sau khi thành lập, triều Nguyễn đối mặt với nhu cầu cấp thiết nhanh chóng xây dựng đất nước thống nhất và một trong nhiều biện pháp nhằm xây dựng và củng cố đất nước mà nhà Nguyễn thực hiện là phát triển giáo dục Nho học, tuyển lựa nhân tài bổ sung cho bộ máy của triều đình.
Nhận thấy việc khoa cử tuyển chọn nhân tài là cần thiết nên chỉ 5 năm sau khi lên ngôi, năm 1807, Gia Long đã cho tổ chức khoa thi Hương đầu tiên để tuyển lựa nhân tài, nhưng kỳ thi này mới chỉ tổ chức cho các trường thi từ Nghệ An trở ra Bắc. Vì là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, phải dồn nhiều tâm sức cho việc xây dựng đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng…, nên dưới thời vua Gia Long các hoạt động liên quan đến giáo dục diễn ra còn rời rạc, khoảng cách giữa các kỳ thi Hương là 6 năm một lần và chưa có kỳ thi Hội nào được tổ chức.
Thời Minh Mạng, khoa cử trở nên quy củ hơn. Định lệ thi Hương được quy chuẩn thành 3 năm 1 lần, cứ năm trước thi Hương[2] thì năm sau thi Hội[3] và được duy trì trong suốt lịch sử khoa cử thời Nguyễn. Năm 1822, Minh Mạng năm thứ 3, khoa thi Hội và thi Đình đầu tiên của nhà Nguyễn được tổ chức, lấy đỗ 8 người.
Từ năm 1829, để mở rộng thêm lượng người lấy đỗ, bên cạnh danh hiệu Tiến sĩ, vua Minh Mạng đã lấy thêm danh hiệu Phó bảng cho những người đỗ thi Hội[4]. Phê chuẩn lấy danh hiệu Phó bảng của Minh Mạng dựa trên đề nghị của bộ Lễ cho rằng “ngoài những quyển trúng cách, thể văn quyển nào đầy đủ, tuy không bằng người có tên trong chính bảng, nhưng cũng có thực học thì xin vào Phó bảng” để “không để sót nhân tài”.[5] Vì vậy, trong lịch sử khoa cử thời Nguyễn, năm 1829 là khoa thi đầu tiên nhà Nguyễn lấy Phó bảng.  Bên cạnh 9 Tiến sĩ, khoa này lấy thêm 5 Phó bảng[6] đưa tổng số người đỗ của khoa thi này lên đến 14 người.
Để hiểu rõ hơn về danh hiệu Phó bảng của thời Nguyễn, chúng ta cần xem xét thêm về danh hiệu này ở Trung Quốc, nơi mà nền giáo dục khoa cử Nho học của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Theo A.B. Woodside, ở Trung Quốc, Phụ bảng là danh hiệu có từ thời Thanh, được triều đình áp dụng đối với những trường thi Hương hoặc những địa phương mà có số lượng sĩ tử dự thi lớn, có nhiều sĩ tử giỏi, có năng lực, vượt quá giải ngạch lấy đỗ mà triều đình cho phép đối với những trường thi hoặc địa phương đó. Những sĩ tử này sẽ được nhận danh hiệu thấp hơn so với học vị Cử nhân, đó là Phụ bảng. Tại các trường thi Hương ở Trung Quốc, cứ 5 Cử nhân thì lại có 1 người được chọn vào danh sách Phụ bảng. Các Phụ bảng của các trường thi Hương này sẽ đến Bắc Kinh để thi kiểm tra kiến thức. Năm 1726, theo quy định của nhà Thanh, những người đã 2 lần đỗ Phụ bảng thì sẽ được chuyển thành Cử nhân. Và sau đó, họ được tham dự kỳ thi Hội.[7] 
Như vậy, việc nhà Nguyễn đặt danh hiệu Phó bảng cho những người đỗ kỳ thi Hội nhưng ít điểm hơn so với những người chính bảng ít nhiều có tương đồng với Trung Quốc nhưng cách áp dụng thì hoàn toàn khác, theo một kiểu riêng. Nếu ở Trung Quốc, Phụ bảng thấp hơn danh hiệu Cử nhân thì ở Việt Nam, Phó bảng thấp hơn danh hiệu Tiến sĩ nhưng lại cao hơn Cử nhân. Thời Nguyễn, trong tổng số 544 người đỗ trúng cách thì có 303 người trúng Chánh bảng và 241 người đỗ Phó bảng[8]. Theo số liệu này, số người đỗ Phó bảng chiếm 44.3% tổng số những người đỗ thi Hội và thi Đình, gần một nửa tổng số người đỗ đại khoa dưới thời Nguyễn. Số liệu thống kê từQuốc triều khoa bảng lục của Cao Xuân Dục cho thấy số lượng người đỗ Phó bảng dưới thời Nguyễn ngày càng tăng dần. Trong vòng 18 năm của thời Minh Mạng và Thiệu Trị có 51 người đỗ Phó bảng; trong 36 năm của thời Tự Đức có 100 Phó bảng và trong 30 năm cuối cùng của triều Nguyễn có 90 người đỗ Phó bảng[9]. Đặt giả thiết, nếu nhà Nguyễn không đặt thêm học vị này, số những người đỗ đại khoa của nhà Nguyễn sẽ giảm một nửa so với con số thực tế đã có trong lịch sử, điều này đồng nghĩa với việc số nhân sự nhà Nguyễn có thể tuyển chọn vào bộ máy nhà nước cũng sẽ giảm tương tự.
Có những lý do và tiền đề nhất định khiến nhà Nguyễn thực hiện tối đa các biện pháp nhằm không bỏ sót những người thi đỗ trong đó có việc định thêm học vị Phó bảng.
Sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn đứng trước nhu cầu cần phải xây dựng đội ngũ quan lại để quản lý đất nước từ trung ương đến địa phương trên một lãnh thổ rộng nhất từ trước đến nay. Vì thế phát triển giáo dục Nho học, tìm kiếm nhân lực bộ máy chính quyền là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục của nhà Nguyễn cũng gặp phải những khó khăn hiện tại và những vấn đề do lịch sử để lại.
Trước hết là vấn đề do lịch sử để lại. Theo chúng tôi, có hai vấn đề nổi bật cần lưu ý. Thứ nhất, nhà Nguyễn phát triển giáo dục Nho học trong hoàn cảnh phải kế thừa một nền giáo dục đã suy giảm do sự khủng hoảng của Nho giáo Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII. Thời kỳ này, xã hội Đại Việt thời Lê Trung hưng chứng kiến nhiều hiện tượng yếu kém, tiêu cực diễn ra trong khoa cử như: học trò đi thi mua những bài làm sẵn, học thuộc lòng, giấu đem vào trường; quan trường nhận hối lộ, chấm thi máy móc cứ theo văn mà lấy đỗ nên người đỗ không có thực tài... Sự suy giảm của giáo dục khoa cử đã trở thành một “nguy cơ, một lực tác động làm suy yếu Nho giáo, làm tha hóa Nho phong sĩ khí”[10] thời Lê Trung hưng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc nhà Nguyễn ý thức rõ ràng rằng Nho giáo, Nho học và Nho sĩ là chỗ dựa tư tưởng, xã hội của Nhà nước mà triều đình muốn chấn chỉnh, phát huy.
Thứ hai, sau khi lên ngôi, nhà Nguyễn muốn xây dựng một đội ngũ quan lại thông qua giáo dục khoa cử để phục vụ bộ máy nhà nước trong việc quản lý, xây dựng và phát triển đất nước. Mặc dù việc sử dụng quan lại vào bộ máy chính quyền thông qua tiến cử hoặc bảo cử vẫn được sử dụng nhưng rõ ràng khoa cử vẫn là cách thức chủ động, thường xuyên và mang tính “khách quan” hơn mà nhà Nguyễn muốn sử dụng. Tuy nhiên, ở miền Bắc, nhà Nguyễn đứng trước thực tế là giới sĩ phu Bắc Hà ít chịu quy phục, tư tưởng “hoài Lê” vẫn còn in dấu khá đậm trong tâm tưởng của người dân Bắc Hà.[11] Ngay sau khi lên cầm quyền, trong năm 1802, Gia Long liên tiếp ra các chiếu dụ đối với cựu thần nhà Lê và các hào mục Bắc Hà để kêu gọi họ tham gia vào bộ máy quản lý của triều đình. Kết quả là mặc dù đã có một số Nho sĩ Bắc Hà hưởng ứng lời kêu gọi, một số quan lại cựu triều xuất thân từ khoa bảng đã gia nhập vào hàng ngũ quan lại của nhà Nguyễn, nhưng số lượng rất hạn chế. Việc các Nho sĩ Bắc Hà không hưởng ứng mạnh mẽ vào bộ máy quan lại của nhà Nguyễn khiến vua Minh Mạng khi ra Bắc đã từng nói với quan cận thần rằng:
“Từ sông Linh trở về Bắc, vốn là đất văn học, năm ngoái xuống chiếu cầu hiền, mà đến nay chưa có ai ra ứng cử… Nay Trẫm dừng chân ở Bắc Thành đã hàng tháng, mà sao vắng lặng không thấy gì, có phải tự tờ chiếu đưa xuống cử người hiền tài, mà không ai dám đương với cái danh từ ấy chăng?”. [12]
Tiếp tục sử dụng các Nho sĩ Bắc Hà đã thông qua đào tạo và khoa cử là biện pháp thiết thực và hiệu quả, nhưng trên thực tế số lượng này không đủ để đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội (và cũng không dễ huy động). Vì vậy, mặc dù đã có một số lượng nhất định Nho sĩ Bắc Hà tham gia vào đội ngũ quan lại ở buổi đầu triều Nguyễn, nhưng nhà Nguyễn vẫn muốn dùng những người do triều đại mình đào tạo vào làm việc cho chính quyền mới.[13]
Ngoài khó khăn do lịch sử để lại như đã nói ở trên, nhà Nguyễn còn phải đối mặt với vấn đề hiện tại là việc thiếu nguồn nhân lực trí thức Nho học ở phía Nam và người Nam bộ vốn từ lâu đã ít quan tâm đến giáo dục khoa cử.
Sống ở lưu vực sông Mekong, người Nam Bộ được hưởng sự ưu đãi hơn cả từ thiên nhiên so với người miền Bắc và miền Trung. Khác với cư dân hai miền Bắc và Trung, người Nam Bộ không phải đối mặt với những khắc nghiệt của thiên tai, đất đai màu mỡ, sinh sống dễ dàng, “dùng sức ít mà lợi nhiều”[14]…. Chính nhờ những ưu đãi từ thiên nhiên hay nói cách khác là điều kiện kinh tế thuận lợi của người Nam bộ khiến cho cư dân nơi đây không chọn cách thức “học để làm quan” làm mục đích sống. Choi Byung Wook đã nhận xét: “Nhiều cơ hội mở ra cho thanh niên Nam bộ để họ có một cuộc sống an nhàn bằng các nghề kinh doanh thay vì phải cúc cung tận tụy phục vụ triều chính”. [15] Do vậy, số lượng sĩ tử và số lượng những người đỗ đạt từ khoa cử ở Nam Bộ chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Theo A. B. Woodside dưới thời Minh Mạng, triều đình thực sự mong muốn “tăng thêm số lượng quan chức trong bộ máy quan liêu”[16], nhưng do thực tế nhà Nguyễn đứng chân ở vùng đất Thuận Hóa là vùng ngoại vi, ít chịu ảnh hưởng chính sách “Nho giáo hóa” của Lê Thánh Tông và mặc dù nhà Nguyễn “sử dụng hệ thống thi cử Nho học như là phương tiện để tuyển chọn quan lại, thì hệ thống này không bao giờ có thể so sánh với hệ thống thi cử đã từng tồn tại ở Bắc bộ”.[17] Chính vì vậy, ngay trong kỳ thi Hương đầu tiên dưới thời vua Gia Long, tổ chức năm 1807, “không có trường thi Hương nào ở phía Nam được tổ chức”[18]. Năm 1826, sau khi xem xét kết quả kỳ thi Hội với 9 người đỗ đều là người Bắc, vua Minh Mạng đã nói rằng:
 “Nay thiên hạ một nhà, Nam Bắc đều là tôi con của trẫm, cho nên Nam hiền thì dùng Nam, Bắc hiền thì dùng Bắc, không phải có thiên tư. Vả lại học trò Nam Bắc đều là người ở trong giáo dục, học lực tưởng cũng không hơn kém nhau, thế mà nay 9 quyển đỗ đều là người Bắc là sao thế? Nên lựa lấy 1, 2 người từ Thừa Thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong mới phải”[19].
Từ dụ này của Minh Mạng với ý định bổ sung người đỗ đạt ở phía Nam, Phan Thanh Giản vị Tiến sĩ khai khoa của vùng đất Nam Bộ đã được “đỗ vớt” trong kỳ thi này. Tình hình này đến thời Tự Đức cũng không thay đổi nhiều lắm. Bản thân vua Tự Đức cũng nhận sự yếu và thiếu truyền thống khoa cử ở phía Nam. Trong bản Dụ của mình viết năm 1853, nhà vua cho rằng: “Gần đây trong Chế khoa, Hội khoa từ Quảng Bình trở về nam, ít người trúng bảng. Trong đó từ Phú Yên đến Hà Tiên lại càng thưa thớt”.[20]
Rõ ràng rằng việc mở rộng lãnh thổ quốc gia về phía Nam không tỷ lệ thuận với việc gia tăng số lượng người đỗ đạt ở miền Nam. Hơn nữa, tuyển lựa, bổ sung người vào các vị trí quản lý bộ máy đất nước ở trung ương và địa phương là nhu cầu thực tế mà nhà nhà Nguyễn cần đáp ứng. Đứng trước những thách thức đó, nhà Nguyễn đã có những chính sách riêng cho phù hợp mà trong đó định thêm học vị Phó bảng là một trong những chính sách đó. Trong phần tiếp theo, chúng tôi tập trung đi sâu phân tích, so sánh để làm rõ cách thức nhà Nguyễn tăng thêm số lượng quan chức của bộ máy nhà nước thông qua việc « nới lỏng » các điều kiện tuyển chọn và « gia tăng » các chức vụ bổ nhiệm cho Phó bảng.
Các điều kiện chọn Phó bảng và xu hướng giảm bớt điều kiện quyết định học vị Phó bảng trong giai đoạn nửa sau của triều Nguyễn
Trước khi bàn đến xu hướng giảm bớt điều kiện quyết định học vị Phó bảng chúng ta cần xem xét các Phó bảng được chọn theo tiêu chuẩn nào. Theo quy định thi cử của thời Nguyễn, việc đánh giá kết quả bài thi Hội dựa theo phân số. Triều đình quy định những người đủ điểm thi theo những phân số nhất định gọi là trúng cách, những người có số điểm ít hơn so với những người trúng cách nhưng đạt số điểm chuẩn nhất định nào đó mà triều đình đưa ra thì gọi là thứ trúng cách (hay phó trúng cách). Phó bảng là những người đỗ thứ trúng cách.
Dưới đây là những quy định, cách thức chọn Phó bảng của nhà Nguyễn qua các thời kỳ.
Từ năm 1832 trở đi, vua Minh Mạng đổi từ phép thi tứ trường (4 kỳ) sang phép thi tam trường (3 kỳ), gồm bài thi Chế nghĩa 8 vế[21] ở trường thứ nhất; bài thi thơ, phú ở trường thứ hai[22], và bài thi văn sách ở trường thứ ba. Cách tính điểm như sau: bài thi nào văn lý “3 kỳ được 30 phân trở xuống và 10 phân trở lên được xếp vào hạng chánh trúng cách; 1 kỳ không được phân nào mà 2 kỳ tính suốt được 10 phân trở lên và 3 kỳ tính suốt không đủ 10 phân mà văn thể đầy đủ, tính suốt được 3 – 4 phân trở lên đến 9 phân thì lấy làm Phó bảng”[23].
Năm Thiệu Trị thứ 2, 1842, các bài thi Hội đủ 10 phân hoặc 9 phân trở lên là chánh bảng, 8 phân trở xuống là Phó bảng.[24] Đến năm Thiệu Trị thứ 4, 1844, triều đình đổi sang quy định nếu bài thi nào văn lý 3 kỳ tính suốt được 10 phân trở lên xếp vào hạng trúng cách; ba kỳ tính suốt được 4 phân trở lên đến 9 phân và 1 kỳ không được 1 phân mà 2 kỳ tính suốt được 10 phân trở lên mới được lấy làm Phó bảng.
Có thể thấy, dưới thời Minh Mệnh và Thiệu Trị, Phó bảng là những người có điểm số (hoặc phân số điểm) ít hơn những người đỗ chánh trúng cách và dừng lại ở kỳ thi Hội, chỉ có những người đỗ hạng trúng cách mới tiếp tục dự kỳ thi Đình để phân định thành các hạng Đệ nhất, Đệ nhị và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Từ đời vua Tự Đức (1847- 1884) trở đi, quy định chọn Phó bảng đã thay đổi cả về quy định phân số điểm lẫn cách thức dự thi thể hiện mong muốn tìm kiếm thêm nhân tài của triều đình. Trong giai đoạn này, những người trúng thi Hội được xếp thành 2 hạng: chánh trúng cách và phó trúng cách, đều được dự thi Đình (tuy nhiên những quy định liên quan đến việc Phó bảng được tham dự kỳ thi Điện cùng với các Tiến sĩ là không liên tục) và Phó bảng được xác định học vị dựa trên kết quả của kỳ thi Đình. 
Năm 1851, Tự Đức năm thứ 4, sau gần 20 năm thực hiện phép thi tam trường, việc tổ chức thi Hương và thi Hội lại quay về phép thi tứ trường, gồm: kỳ đệ nhất thi Ngũ Kinh và Tứ thư; kỳ đệ nhị thi một bài đạo sách vấn để kiểm tra kiến thức; kỳ đệ tam thi chế, chiếu, biểu mỗi thứ 1 bài và kỳ đệ tứ thi thơ, phú mỗi thứ 1 bài.[25] Với 4 kỳ thi này, những người có bài thi Hội 4 kỳ đều đỗ cả từ 8 phân trở lên là hạng trúng cách; 3 kỳ được 9 phân trở lên chuẩn cho cùng với những người trúng cách đều vào thi Điện. Ngày thi Điện, nhà vua quyết định học vị Tiến sĩ cho những quyển thi trên 4 điểm, và học vị Phó bảng cho những quyển thi từ 3 điểm trở xuống.[26]
Vào những năm tiếp theo, những quy định lấy đỗ dành cho Phó bảng trong kỳ thi Đình nhiều lần được Tự Đức điều chỉnh theo xu hướng giảm phân số điểm. Năm 1858, những người được 3 điểm trở lên trong kỳ thi Đình được ban danh hiệu Tiến sĩ, 2 điểm trở xuống được ban danh hiệu Phó bảng.[27] Năm 1865, theo tinh thần “khoa nào số trúng cách ít sẽ lấy thêm Phó bảng vào thi Đình”[28] của Tự Đức, trường hợp khoa nào có số người đỗ ít, có thể lấy thêm Phó bảng bằng cách cho thilại nếu được từ 3 phân trở lên cho vào hàng chánh bảng, còn từ 1 đến 2 phân “truất” làm Phó bảng.[29] Tháng 5 của cùng năm này, Tự Đức đưa ra quy định mới đối với Phó bảng. Những người thi đỗ 4 kỳ có phân số điểm từ 7 phân đến 4 phân và 3 kỳ được 10 phân là thứ trúng cách, cũng viết chung một bảng và đều cho vào thi Đình. Trong lúc dự thi Đình thì không gọi là Phó bảng, đợi sau khi thi Đình xong mới định Chánh và Phó bảng.[30]
Đến đây chúng ta có thể thấy, trước đây Phó bảng được định ngay từ khi thi Hội, không vào dự thi Đình, nhưng từ nửa sau của thế kỷ XIX, Phó bảng cùng với những người trúng 4 kỳ thi Hội cùng vào dự thi Đình. Rõ ràng cho đến thời điểm này, nhà Nguyễn đã có chính sách nới lỏng trong điều kiện tham dự kỳ thi cuối cùng. Thi Đình trở thành kỳ thi chung cho cả Tiến sĩ và Phó bảng.
Tuy nhiên, việc nới lỏng điều kiện tham dự kỳ thi Đình của Tự Đức cũng không làm thay đổi cơ bản việc tuyển chọn thêm nhân tài vào giai đoạn cuối của thế kỷ XIX, khi mà Nho học đã đi vào chiều hướng suy giảm. Năm 1874, chính Tự Đức đã phải sắc cho bộ Lễ rằng:
Quốc triều ta về khoa thi Tiến sĩ năm trước mỗi khoa lấy đỗ nhiều thì hơn 10 người, ít cũng 7 - 8 người; thế mà gần đây người đỗ ít, thậm chí có khoa chỉ có 3 - 4 người, có lẽ học nghiệp không bằng trước, hay là câu nệ về mực thước quá mà thế chăng ? Không thế thì trước kia Phó bảng theo lệ không được phúc thí [thi Điện], mà người đỗ cao sao lại thế ; gần đây, chuẩn cho Phó bảng cũng được phúc thí, sao lấy đỗ lại ngày kém đi”[31]
và đề nghị bộ Lễ bàn định lại phép thi. Theo đó, quy định mới những người thi 4 kỳ được 8 phân được xếp vào hạng trúng cách, thi Đình không phải truất nữa và 4 kỳ được 4 phân đến 7 phân và 3 kỳ được 10 phân là Phó bảng.[32] Nhưng trên thực tế, kỳ thi phúc hạch Cử nhân trúng cách năm 1875 vì số trúng cách ít nên các quyển thi 4 kỳ 4 phân trở lên và 3 kỳ 7 phân đều được xếp vào thứ trúng cách và cho vào thi Đình.[33] Nếu so sánh quy định này với những quy định trước đó thì điểm khác biệt có thể nhận thấy là phân số điểm để trở thành thứ trúng cách trong kỳ thi Hội giảm đáng kể từ 10 phân, xuống 9, 8 phân và cho đến năm 1875 xuống còn có 7 phân.
Sau kỳ thi Hội tổ chức vào tháng 3 năm 1877, vì số trúng cách quá ít, quan trường đề nghị nhà vua chấp nhận cho những ai đạt 6 phân trở lên là trúng cách, 5 phân trở xuống là thứ trúng cách, tất cả đều được phúc thí và nếu đạt 3 phân trở lên thì xếp hạng Tiến sĩ, 2 phân trở xuống là xếp hạng Phó bảng.[34]
Năm 1879, quy định cho Phó bảng vào dự thi Đình đã bị bãi vì lý do vì trước đây do số trúng ít nên cho Phó bảng vào thi Đình vì không muốn bỏ sót nhân tài nhưng “lấy nhiều không thể không lạm”[35]. Đến năm 1880, quy định này được nêu rõ thêm: “hạng trúng cách được thi phúc hạch ở điện, Phó bảng thì miễn thi phúc hạch”.[36] Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, do năm ấy, cả số người trúng cách và Phó bảng là 13 người, vua Tự Đức cho là ít nên “đều cho tất cả vào thi Đình”[37].
Thời vua Kiến Phúc, 1884, quy định Phó bảng không được dự kỳ thi Đình vẫn tiếp tục duy trì và những người có kết quả thi 4 kỳ thông tính được 5, 6 phân và 3 kỳ thông tính được 7 phân được công nhận Phó bảng.[38] Trường hợp Phó bảng không dự kỳ thi Đình thì tên tuổi của họ sẽ được quan trường yết bảng sau khi thi đỗ. Việc đưa Phó bảng trở lại tham dự kỳ thi Đình được thực hiện dưới thời vua Hàm Nghi. Năm 1885, 13 người trúng cách và thứ trúng cách của kỳ thi Hội đều tham dự kỳ thi Đình, sau đó nhà vua mới định chánh bảng và Phó bảng.[39] Quy định này được tiếp tục duy trì tới thời vua Thành Thái.[40]
Những gì đã trình bày ở trên cho thấy nhà Nguyễn có xu hướng giảm các điều kiện trong việc lựa chọn Phó bảng. Tuy nhiên, số liệu thống kê về số người đỗ Tiến sĩ và Phó bảng và so sánh tương quan thì có thể thấy rõ từ sau thời Tự Đức trở đi số người lấy Phó bảng lại tăng lên.
Bảng 1. Các khoa thi có số Phó bảng bằng số Tiến sĩ
Khoa thi
Tiến sĩ
Phó bảng
1838
10
10
1849
12
12
1851
10
10
1880
5
5
Nguồn: Cao Xuân Dục (2001), Quốc triều khoa bảng lục, Nxb. Văn học, Hà Nội
Bảng 2. Các khoa thi có số Phó bảng lấy nhiều hơn Tiến sĩ
Khoa thi
Tiến sĩ
Phó bảng
1844
10
15
1848
8
14
1865
3
13
1868
4
12
1871
3
5
1884
3
4
1895
8
12
1898
8
9
1901
9
13
1910
4
19
1919
7
16
Nguồn: Cao Xuân Dục ((2001), Quốc triều khoa bảng lục, Nxb. Văn học, Hà Nội
Hai bảng trên cho thấy có 4 khoa thi (vào các năm 1838, 1849, 1851 và 1880) triều đình lấy số Phó bảng và Tiến sĩ là tương đương nhau; 11 khoa thi có số Phó bảng nhiều hơn số Tiến sĩ, như các khoa thi năm 1844 lấy đỗ 15 Phó bảng trong khi chỉ lấy có 10 Tiến sĩ (tỷ lệ Phó bảng – Tiến sĩ là 15 – 10), khoa thi 1848 tỷ lệ này là 14 – 8,  riêng khoa thi năm 1865 và 1868 số Phó bảng được chọn gấp 3 lần hoặc gần 3 lần số Tiến sĩ theo tỷ lệ: 13 – 3 và 12 – 4, thậm chí năm 1910 số Phó bảng gấp gần 5 lần số Tiến sĩ với tỷ lệ 19 Phó bảng và 4 Tiến sĩ. Mặc dù có 2 khoa thi là 1889 và 1892 nhà Nguyễn không lấy một vị Phó bảng nào cả nhưng số liệu cho thấy từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị đã có những trường hợp số người đỗ thứ trúng cách nhiều bằng số người đỗ trúng cách, và sang đến thời Tự Đức trở đi thì có tới gần 1/3 số khoa thi (10/34 khoa thi) có số Phó bảng nhiều hơn số Tiến sĩ.
Như vậy, từ nửa sau thời Nguyễn trở đi chúng ta bắt gặp thực tế là số lượng Phó bảng được triều đình lựa chọn tăng lên trong khi điều kiện chọn Phó bảng có xu hướng giảm đi. Có lẽ nhằm củng cố hơn vị trí, vai trò của Phó bảng, nhà Nguyễn không dừng lại ở việc giảm điều kiện, tăng số lượng lấy đỗ mà còn gia tăng thêm ân điển dành cho những người đỗ Phó bảng mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần tiếp theo.
Ân điển và quan chức dành cho Phó bảng ngày càng gia tăng
Thông thường, các ân điển mà triều đình dành cho người thi đỗ Tiến sĩ nói chung gồm có ghi tên trên bảng vàng, khắc tên trên bia Tiến sĩ, ăn yến, thăm vườn thượng uyển, vinh quy bái tổ và ban cho chức tước, bổng lộc… Ân điển của triều Nguyễn đối với Phó bảng ban đầu có những khác biệt nhất định nhưng theo thời gian, những ân điển này ngày càng có xu hướng gần giống với ân điển dành cho Tiến sĩ.
Sự phân biệt ân điển giữa những người đỗ Tiến sĩ và Phó bảng trước hết thể hiện ở ngày truyền lô và vị trí treo bảng. Những người đỗ Tiến sĩ được ghi tên vào danh sách Hoàng bảng, viết trên giấy long đằng hoặc long tiên; những người đỗ Phó bảng được ghi tên vào danh sách Phó bảng, viết trên giấy hồng điều. Ngày truyền lô, bảng ghi tên người đỗ Tiến sĩ (Hoàng bảng) được đặt ở điện Thái Hòa, và bảng ghi tên người đỗ Phó bảng đặt ở Tả Đãi Lậu Viện. Sau khi truyền lô, Hoàng bảng được treo ở Phu Văn Lâu, Phó bảng được đưa từ Tả Đãi Lậu Viện ra theo cửa tả của cửa Ngọ Môn theo Hoàng bảng đến Phu Văn Lâu nhưng treo ở gian hữu.[41] Có thể hiểu là Tiến sĩ được ghi tên ở bàng màu vàng và Phó bảng được đề tên ở bảng màu đỏ, cùng treo trên Phu Văn Lâu trước cửa Ngọ Môn[42] nhưng khác một chút về vị trí.
Càng ở giai đoạn sau của triều Nguyễn, Phó bảng càng dành được sự quan tâm, tôn vinh nhất định của triều đình. Năm Tự Đức thứ 1, 1848, Phó bảng được chovinh quy bái tổ giống như những vị đỗ Tiến sĩ.[43] Đến năm Tự Đức thứ 4, 1851, những người đỗ Phó bảng đều được dự thi Chế khoa và người đỗ được gọi là Bác học hoành từ đệ nhất (đệ nhị hay đệ tam) giáp cát sĩ cập đệ hay xuất thân. Mũ áo của Cát sĩ so với Tiến sĩ đều gia lên một bậc. Kết quả của khoa thi này, Phó bảng Vũ Duy Thanh đỗ Bác học hoành từ đệ nhất giáp Cát sĩ cập đệ đệ nhị danh và Phó bảng Nguyễn Thái đỗ Đệ nhị giáp Cát sĩ cập đệ đệ nhị danh. [44] Năm Thành Thái thứ 13 (1901), Phó bảng cũng được cấp mũ áo (gồm 1 mũ Đông Pha, 1 áo giao lãnh, 1 quần xanh cùng hốt khăn và giày tất) và ngựa trạm vinh quy.[45] Càng về sau, ân điển của triều đình dành cho Phó bảng càng gần giống với Tiến sĩ.
Sau khi thi đỗ, Phó bảng được triều đình bổ dụng vào bộ máy quan chức nhà nước. Xét về thứ bậc chức vụ, phẩm hàm, Phó bảng luôn đứng sau người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân một cấp tính từ xuất phát điểm đầu tiên. Ví dụ, theo quy định năm 1865, mặc dù đỗ cùng khoa thi, trong khi Phó bảng được bổ nhiệm chức Biên tu (tương đương phẩm hàm 7a) thì những người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân được bổ nhiệm chức Tu soạn (tương đương phẩm hàm 6a).[46] Nếu như ở phần trên chúng ta thấy các điều kiện xét chọn Phó bảng ngày càng giảm dần theo thời gian, đặc biệt là từ nửa cuối thời Nguyễn trở đi, thì trong phần này, qua các phân tích về việc bổ nhiệm Phó bảng và so sánh phẩm hàm, chúng tôi cố gắng làm rõ chính sách gia tăng ân điển của nhà Nguyễn trong việc bổ dụng quan lại với Phó bảng qua các thời kỳ.
Ở thời kỳ đầu, theo quy định của Minh Mạng, năm 1829, những người đỗ Phó bảng được bổ làm Hàn lâm viện Kiểm thảo[47], tương đương tòng thất phẩm (7b) và trở thành lệ vĩnh viễn[48].  Tuy nhiên, trên thực tế, theo quan sát của chúng tôi, lệ này “không trở thành vĩnh viễn” và càng về sau Phó bảng đã được bổ nhiệm những chức vụ và phẩm hàm cao hơn. Và có những trường hợp, từ xuất phát ban đầu là Phó bảng, nhiều người đã dần dần thăng tiến theo thời gian và nắm giữ nhiều chức vụ trọng trách trong triều đình.
Điểm đầu tiên dễ nhận thấy là chỉ 9 năm sau quy định Phó bảng được bổ Hàn lâm viện kiểm thảo, từ năm 1838, những người đỗ Phó bảng được bổ lên tới đồng Tri phủ, tương đương tòng ngũ phẩm (5b) và lệ này được duy trì cho đến năm Thiệu Trị thứ 2, 1842. Năm 1836, các Phó bảng là Vũ Ngọc Giá và Đinh Văn Minh đã được bổ từ Kiểm thảo lên tới Đồng Tri phủ[49]. Đến năm Thiệu Trị thứ 4, 1844, các chức Học chính (trật tòng tứ phẩm 4b), Giáo thụ (trật tòng ngũ phẩm 5b) đều lấy Phó bảng xuất thân bổ vào.[50] Đến tháng 9 cùng năm, Thiệu Trị lại cho định lại lệ bổ thụ Phó bảng. Nếu như trước kia Phó bảng đã giữ các chức Kiểm thảo sẽ được thăng đồng Tri phủ hoặc thự đồng Tri phủ thì đến đây sự phân bổ được rõ ràng hơn: Phó bảng thăng bổ Tri huyện, coi như thự đồng Tri phủ bổ ngay Tri huyện hàng đầu[51] tức là tương đương chánh lục phẩm (6a). Ví dụ cho định lệ này là trường hợp Phó bảng Lê Đăng Trạc, từ chỗ là Hàn lâm viện Kiểm thảo, đồng Tri phủ, ông được thăng bổ Hàn lâm viện Tu soạn, quyền Tri huyện huyện Quảng Điền[52] tức là thăng từ hàm tòng thất phẩm (7b) lên tòng lục phẩm (6b).
Đến năm Tự Đức thứ 1, 1848, những địa phương khuyết chức Đốc học (chánh ngũ phẩm 5a) thì có thể lấy Phó bảng bổ vào.[53] Năm 1850, Tôn sinh dự trúng Phó bảng bắt đầu cho hàm Hàn lâm viện Biên tu (7a), gặp khi có khuyết chức Tri phủ thì sẽ bổ thụ Chủ sự thăng quyền Tri phủ (5b)[54]. Năm Tự Đức năm thứ 8, 1855, các Phó bảng, nếu trước kia được bổ thự đồng Tri phủ hoặc Tri huyện thì đều thống nhất bổ đồng Tri huyện (6a).[55] Năm 1856, nhà Nguyễn định lệ cấp lương cho Tiến sĩ và Phó bảng trong đó, Phó bảng bổ Kiểm thảo và Tiến sĩ đệ tam giáp bổ Biên tu đều được cấp mỗi viên 3 quan 5 tiền, 3 cân dầu đốt đèn.[56]
Từ năm Tự Đức thứ 15, 1862, Phó bảng bắt đầu được trao hàm Tu soạn (6b) trong khi trúng Tam giáp thì bắt đầu trao cho hàm Trước tác (6a), đỗ Đệ nhị giáp trao cho hàm Thừa chỉ (5b).[57] Ba năm sau, 1865, Tự Đức định lại lệ bổ quan, theo đó người đỗ Phó bảng thụ hàm Kiểm thảo (7b), đầy 1 năm thăng Tri huyện (6b), thự Đồng Tri phủ hoặc thự Đồng tri phủ lĩnh huyện đứng đầu trong tỉnh (6a).[58] Tháng 5 của năm này, Tự Đức lại định lệ, những người đỗ Phó bảng bắt đầu cho thụ hàm Biên tu (7a).
Mặc dù sau nhiều lần thay đổi quy định trong việc bổ nhiệm vị trí quan chức cho Phó bảng theo xu hướng tăng lên, thì đến gần cuối thời Tự Đức, Phó bảng lại quay trở về nhận hàm Biên tu (7a) cho xuất phát điểm đầu tiên nhưng vẫn cao hơn quy định thời Minh Mạng chỉ tương đương phẩm hàm 7b.
Và xét ở vị trí bổ nhiệm quan chức, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù càng về sau, điều kiện lấy đỗ Phó bảng càng giảm nhưng vị trí chức vụ mà các Phó bảng nhận được ngày càng cao hơn. Bảng thống kê các chức quan mà triều Nguyễn bổ nhiệm cho các Phó bảng dưới đây cho thấy có lẽ Phó bảng không phải là “rào cản” để những người đỗ đạt nắm các vị trí cao trong triều đình (xem bảng 3)[59].
 Bảng 3. Phẩm hàm và chức vụ mà các Phó bảng thời Nguyễn từng nắm giữ


Phẩm hàm
Chức vụ
Số lượng
Chánh nhị phẩm (2a)
Hàm Hiệp biện đại học sĩ
02
Thượng thư, hàm Thượng thư, truy phong Thượng thư
07 + 01 + 01
Tổng đốc
11
Ngự sử
08
Tòng nhị phẩm (2b)
Hàm Thái tử Thiếu bảo
01
Tham tri
08
Tuần phủ và (hàm) Tuần phủ
15
Phó Đô ngự sử
01
Chánh tam phẩm (3a)
Thị lang
09
Phủ Doãn (phủ Thừa Thiên)
03
Bố chánh
16
Tòng tam phẩm (3b)
(Hàm) Quang lộc
01
Án sát
17
Chánh tứ phẩm (4a)
Tế tửu
04
Lang trung
05
(Hàm) Thị độc học sĩ
01
Phủ thừa Phủ Thừa Thiên
02
Tòng tứ phẩm (4b)
(Hàm) Quang lộc tự thiếu khanh
02
Chưởng ấn
03
Tư nghiệp
04
Quản đạo
01
Thị giảng học sĩ
02
Chánh ngũ phẩm (5a)
 Hồng lô và (hàm) Hồng lô
01 + 02
(Hàm) Thị độc
02
Viên ngoại lang
01
Đốc học
20
Phó Quản đạo
01
Tòng ngũ phẩm (5b)
Tri phủ
16
(Hàm) Thừa chỉ
01
(Hàm) Thị giảng
01
Chánh lục phẩm (6a)
(Hàm) Trước tác
08
Chủ sự (bộ Hình, bộ Lại)
02
Đồng Tri phủ
09
Tòng lục phẩm (6b)
Tu soạn và (hàm) Tu soạn
02 + 01
Tri huyện
21
Chánh thất phẩm (7a)
Giáo thụ
06
Kinh lịch
01
Tòng thất phẩm (7b)
Kiểm thảo và (hàm) Kiểm thảo
03 + 01
Chánh bát phẩm (8a)
Huấn đạo
03
Nguồn: Cao Xuân Dục (2001), Quốc triều khoa bảng lục, Nxb. Văn học, Hà Nội.
Chức vụ cao nhất mà những người xuất thân từ Phó bảng đã từng nắm giữ trong bộ máy triều đình thời Nguyễn là Thượng thư, hàm chánh nhị phẩm (2a). Đỗ Đăng Đệ (đỗ khoa 1842), Lê Bá Thận (đỗ khoa 1848), Đoàn Văn Bình (1848), Đặng Đức Địch (đỗ khoa 1849), Bùi Văn Dị (đỗ khoa 1865), Hà Văn Quan (đỗ khoa 1865), Nguyễn Thuật (đỗ khoa 1868) là 7 người giữ chức Thượng thư các bộ (bộ Lễ, bộ Lại, bộ Công, bộ Binh) và Cao Xuân Tiếu (đỗ khoa 1895) là người được nhận hàm Thượng thư. Đó là chưa kể tới Lâm Chuẩn, đỗ khoa thi năm 1868, là Tham tri bộ Công, sung Hải phòng sứ cửa bể Thuận An tuẫn tiết, được truy phong Thượng thư[60]. Xét về khoa thi thì cả 9 vị giữ chức, hàm Thượng thư hay truy phong Thượng thư đều là những người đỗ Phó bảng từ thời Tự Đức trở đi. Điều này cho phép chúng ta nghĩ tới giả thiết trước đó, thời Thiệu Trị và Minh Mạng, Phó bảng chưa được bổ nhiệm đến hàm chánh nhị phẩm. Bên cạnh Thượng thư, số lượng các Phó bảng giữ chức Tổng đốc, Ngự sử, Tham tri, Tuần phủ… thuộc hàm nhị phẩm cũng lên tới xấp xỉ trên 50 lượt. Ngoài ra từ hàm chánh bát phẩm đến chánh tam phẩm, hầu như ở chức vụ nào cũng có người đỗ Phó bảng được nhà Nguyễn tin tưởng giao cho chức vụ. Trong đó Tri phủ, Đồng Tri phủ, Tri huyện, Đốc học là các vị trí được nhiều Phó bảng nắm giữ nhất.
Nhìn chung, khi xem xét chế độ bổ dụng quan lại cho bộ máy chính quyền nhà nước của thời Nguyễn chúng ta có thể thấy một điều: theo thời gian, cụ thể hơn, từ thời Tự Đức trở đi, trong khi điều kiện quyết định học vị Phó bảng ngày càng giảm thì số Phó bảng được bổ nhiệm các chức vụ cao trong triều đình ngày một gia tăng.
Thay cho lời kết
Chọn Phó bảng thời Nguyễn làm đối tượng nghiên cứu, chúng tôi muốn thông qua một khía cạnh của khoa cử để hiểu rõ hơn nữa về tình hình kinh tế, xã hội, lịch sử của thời Nguyễn thông qua hoạt động giáo dục, khoa cử.
Có những tiền đề nhất định cho sự ra đời của một danh hiệu mới trong khoa cử thời Nguyễn - học vị Phó bảng. Sự ra đời của danh hiệu Phó bảng đã phần nào đáp ứng được yêu cầu nhân sự cho bộ máy chính quyền để có thể quản lý, điều hành hiệu quả đất nước sau khi thống nhất với diện tích lãnh thổ rộng hơn nhiều so với các triều đại trước. Mượn hình thức lựa chọn Phụ bảng trong thi Hương của Trung Quốc nhưng triều Nguyễn đã sử dụng và áp dụng theo cách riêng của mình, cho phù hợp với tình hình thực tế của xã hội Việt Nam từ thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX. Sự xuất hiện của học vị Phó bảng  thể hiện những trăn trở của các vua Nguyễn trong việc tìm ra những chính sách, sách lược điều chỉnh giáo dục khoa cử cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đương thời. Càng về sau các điều kiện quyết định học vị Phó bảng ngày càng giảm bởi nhà Nguyễn vẫn còn nhu cầu gia tăng số lượng người thi đỗ bởi trên thực tế số người đáp ứng được yêu cầu của khoa cử là không nhiều, đặc biệt là những người thuộc vùng Nam bộ. Để tăng thêm sức hút đối với khoa cử, những người đỗ Phó bảng ngày càng được tin tưởng, bổ nhiệm chức vụ cao trong triều đình. Đối với người đi thi, Phó bảng là vị trí không quá khó để vượt qua, từ bước xuất phát điểm đó quan lại có thể dần dần leo lên các chức vụ cao hơn trong bộ máy nhà nước. Nói cách khác, nhờ vào việc lấy thêm danh hiệu Phó bảng, nhà Nguyễn đã tăng gần gấp đôi số người đỗ đại khoa, tương ứng với nó số lượng người thông qua khoa cử được bổ dụng vào bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương cũng trở nên rộng rãi và hiệu quả hơn.
Nhìn một cách tổng thể, Phó bảng là danh hiệu chỉ có trong giáo dục khoa cử của triều Nguyễn nhưng những đóng góp của trên 240 vị Phó bảng đối với các vấn đề lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam thời Nguyễn là không nhỏ và là vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu.



Chú thích
[1] Bắt đầu từ thời Trần và được hoàn bị hơn vào thời Lê, những người sau khi đỗ thi Hội, tiếp tục tham dự kỳ thi Đình được chia thành các hạng: Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), Đệ nhị giáp Tiến sĩ cập đệ (còn gọi là Hoàng giáp) và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân và đều được gọi chung là Tiến sĩ.
[2] Thi Hương vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu.
[3] Thi Hội vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên xuất bản, 1974,  tập 5, tr.87.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Sđd, 1974, tập 5, tr.87.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., 2004, tập 2, tr.828.
[7] Woodside A.B, Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Nguyen and Ching Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century, Cambridge, Mas.: Harvard University Press, 1988, tr.173.
[8] Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001.
[9] Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001.
[10] Phan Đại Doãn, Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, Sđd, 1998, tr.55.
[11] Trần Thị Vinh, “Thể chế chính trị thời Nguyễn (dưới triều Gia Long và Minh Mạng)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (2002), tr.3
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mạng chính yếu, Tủ sách cổ văn Ủy ban dịch thuật, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1972, tập 1, tr.170.
[13] Trần Thị Vinh, “Thể chế chính trị thời Nguyễn (dưới triều Gia Long và Minh Mạng)”, Bài đã dẫn, tr.5
[14] Dẫn theo: Nguyễn Hải Kế, “Nét Việt Nam bộ trong văn hoá Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Qua ghi chép của Đại Nam nhất thống chí)”in trong: Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam bộ đến cuối thế kỷ XIX, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb. Thế giới, H., 2009, tr.286.
[15] Choi Byung Wook, Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb. Thế giới, H., 2010, tr.181.
[16] Woodside, A.B, “Chính quyền trung ương triều Nguyễn và nhà Thanh – Cơ cấu quyền lực và quá trình giao tiếp”, in trong:Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Bán Nguyệt san Xưa và Nay, Nxb. Trẻ, 2002, tr.204.
[17] Cooke, Nola, « 19th Century Vietnam Confucianization in Historial Perspective Evidence from Palace Examination 1463-1883 », Journal of Southeast Asian Studies, vol.25, No.2 (Sept.), 1994, tr.282.
[18] Cooke, Nola, « 19th Century Vietnam Confucianization in Historial Perspective Evidence from Palace Examination 1463-1883 », Bài đã dẫn, tr.307.
[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, 2004, tập 2, tr. 489.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tục biên), Nxb. KHXH, H., 2007, tập 6, tr.32.
[21] Bài thi Chế nghĩa 8 vế được thay cho bài thi Kinh Nghĩa ở trường thứ nhất theo phép thi cũ trước đây.
[22] Bài thi thơ, phú được thay cho bài thi Tứ lục ở trường thứ hai theo phép thi cũ trước đây.
[23] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., 2007, tập 6, tr.700-701.
[24] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 6, tr.356-357.
[25] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., 2004, tập 7, tr.213
[26] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, 2007,  tập 7, tr.212
    Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, Nxb. KHXH, H., 2007, tập 6, tr.113.
[27] Cao Xuân Dục, Quốc triều Hương khoa lục, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM., 1993, tr.54-55.
[28] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.451.
[29] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 7, tr.909.
[30] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 7, tr.924.
[31] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., 2007, tập 8, tr.74.
[32] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 8, tr.125
[33] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 8, tr.125
[34] Lê Nguyễn Lưu, “Bia đề tên Tiến sĩ triều Nguyễn”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 90, tháng 11-12 (2008), tr.59
[35] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., 2007, tập 8, tr.342.
    Trên thực tế, khoa thi năm này và các năm 1889, 1892 đều không lấy một vị Phó bảng nào cả.
[36] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 8, tr.414.
[37] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 8, tr.414.
[38] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, H., 2007, tập 9, tr.66-67.
[39] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 9, tr.317.
[40] Lê Nguyễn Lưu, “Bia đề tên Tiến sĩ triều Nguyễn”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 98, tháng 3 – 4 (2010), tr.87
[41] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, Sđd, tập 6, tr.113.
[42] Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb. Văn học, H., 2001, tr.16.
[43] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 7, tr.70.
[44] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 7, tr.202.
[45] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, Tp.HCM, 2011, tr.372-373.
[46] Từ đây, để dễ hơn trong việc theo dõi và so sánh, chúng tôi đã quy chức vụ được bổ nhiệm sang phẩm hàm và đặt trong ngoặc đơn. Ví dụ: chánh nhị phẩm (2a), tòng nhị phẩm (2b).
[47] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005,  tập 2, tr.210.
[48] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tập 8, tr.153.
[49] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, tập 2, tr.170.
[50] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 6, tr.595
[51] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 6, tr.645-646
[52] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, tập 2, tr.210.
[53] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 7, tr.112.
[54] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, tập 2, tr.212.
[55] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 7, tr.373.
    Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Sđd, tr.404.
[56] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 7, tr.462
[57] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 7, tr.755.
[58] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd,  tập 7, tr.905.
[59] Các phẩm hàm và chức vụ được thống kê trong bảng 3, dựa trên ghi chép của Cao Xuân Dục trong Quốc triều khoa bảng lục, có thể là các công việc, chức vụ mà các Phó bảng được triều đình bổ nhiệm ngay từ đầu hoặc là sau này được triều đình tặng, thăng hay giáng chức sau thời gian công tác nhất định. Cơ sở xếp chức vụ tương ứng với phẩm hàm, chúng tôi tham khảo: Phan Đại Doãn, Nguyễn Minh Tường, Hoàng Phương, Lê Thành Lân, Nguyễn Ngọc Quỳnh (1998), Một số vấn đề về quan chế triều Nguyễn, Nxb.Thuận Hóa, Huế.
[60] Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001, tr.180.

Thursday 19 June 2014

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HỌC THUYẾT TAM QUYỀN PHÂN LẬP VÀ Ý NGHĨA TRONG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY (Nguyễn Thị Thanh Nhàn)



                                            Nguyễn Thị Thanh Nhàn
                                            Trường Chính Trị Thanh Hóa                                                         
                                     
Trước chế độ dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa, mọi quyền lực nhà nước đều tập trung trong tay một cá nhân. Đây chính là căn nguyên của sự độc tài, chuyên chế trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Để chấm dứt chế độ này và đặt nền móng cho sự hình thành các thể chế tự do, dân chủ, một học thuyết của nhiều học giả tư sản đã được nêu ra, đó là thuyết tam quyền phân lập. Theo học thuyết này, quyền lực nhà nước không phải là một thể thống nhất, mà phân chia thành 3 quyền: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau.
Tư tưởng phân quyền được các nhà triết học đặt ra từ thời La Mã cổ đại, với đại diện tiêu biểu là nhà bác học vĩ đại Aristote (384 - 322 tr.CN). Ông đã chia hoạt động của nhà nước thành ba thành tố: nghị luận, chấp hành và xét xử. Tuy nhiên, tư tưởng của ông mới chỉ dừng ở việc phân biệt các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, chứ chưa chỉ rõ phương thức vận hành cũng như mối quan hệ bên trong giữa các thành tố đó. Tư tưởng về phân quyền chỉ trở thành một lý thuyết toàn diện và độc lập trong thời kỳ Khai sáng. Người khai sinh ra học thuyết này là triết gia người Anh, John Loke (1632-1704) và người có đóng góp lớn nhất trong việc phát triển nó một cách hoàn chỉnh là nhà luật học người Pháp S. Montesquieu (1689-1755).
Nội dung cốt lõi của học thuyết này cho rằng, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực sẽ xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực mà phân chia nó ra. Muốn hạn chế quyền lực nhà nước thì trước hết phải phân quyền và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật. Montesquieu đã lập luận tinh tế và chặt chẽ tính tất yếu của việc tách bạch các nhánh quyền lực và khẳng định: “Trong mỗi quốc gia đều có ba thứ quyền lực: Quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều trong luật dân sự.[1]Montesquieu chủ trương phân quyền để chống lại chế độ chuyên chế, thanh toán lạm quyền, để chính quyền không thể gây trở ngại cho người bị trị và đảm bảo quyền tự do cho nhân dân. Ông viết: “Khi mà quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viên Nguyên Lão, thì sẽ không có gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hoặc viện ấy chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu như quyền tư pháp không tách rời quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân; quan toà sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan toà sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng, nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết.[2]
          Theo học thuyết tam quyền phân lập, quyền lực nhà nước phân chia thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, không chỉ để chuyên môn hoá các quyền mà quan trọng hơn là để giữa các quyền có sự giám sát, chế ước lẫn nhau, tạo nên sự cân bằng về quyền lực giữa các cơ quan công quyền. Mỗi cơ quan được quyền hoạt động trong lĩnh vực của mình, không có quyền trong lĩnh vực khác, nhưng có quyền ngăn chặn cơ quan khác. Quyền lực ngăn chặn quyền lực chính là điểm cốt yếu trong chủ trương phân chia quyền lực. Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” Montesquieu cho rằng “Cơ quan lập pháp có hai bộ phận ràng buộc nhau bằng chức năng ngăn cản bên này đối với bên kia. Cả hai bộ phận đều bị ràng buộc bởi quyền hành pháp, mà quyền hành pháp thì cũng bị ràng buộc bởi quyền lập pháp[3]. Theo ông, cơ quan hành pháp không có quyền thông qua luật. Nhưng có quyền ngăn chặn lập pháp biểu quyết những đạo luật có hại cho quốc gia... Ngược lại cơ quan lập pháp có quyền kiểm soát cơ quan hành pháp và khi luật lệ ban hành không được áp dụng thì cơ quan lập pháp truy tố các cộng sự của nhà vua. Cơ chế kiềm chế và đối trọng mà học thuyết tam quyền phân lập đưa ra nhằm mục đích giám sát và ngăn chặn lạm dụng quyền lực. Trong đó mỗi tổ chức sử dụng quyền lực nhà nước đều có sự độc lập cần thiết, đồng thời có quyền và phương tiện tương xứng để giám sát hoạt động của các cơ quan khác, tạo thế cân bằng về quyền lực giữa các cơ quan. Đây chính là cơ sở lý luận để hình thành nguyên tắc kiềm chế đối trọng trong tổ chức và hoạt động của nhà nước được xác định trong hiến pháp tư sản. Cả Jonh Locke và Montesquieu đều mong muốn một xã hội tốt đẹp, trong đó quyền tự do của con người được đề cao, xã hội không phải gánh chịu những lộng hành của Nhà nước. Và họ chủ yếu kỳ vọng vào sự kiểm soát quyền lực nhà nước ngay trong hệ thống quyền lực. Là nhà nước mang đậm nét phân quyền như Mỹ, Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Quốc Hội là cơ quan độc quyền lập pháp, Tổng thống chỉ có thể đề nghị mà không có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, nghĩa là không có sáng quyền lập pháp, nhưng Tổng thống có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết một dự luật đã thông qua theo một trình tự và giới hạn do luật định, nhằm kiềm chế bớt sự lạm quyền của Quốc hội. Pháp viện tối cao Hoa Kỳ có quyền tuyên bố một đạo luật là vô hiệu nếu trái ngược với Hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng không có quyền thay đổi hoặc huỷ bỏ đạo luật đó. Đây chính là giới hạn quyền lực được đặt ra nhằm kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền.
          Có thể nói, ưu điểm quan trọng nhất của học thuyết tam quyền phân lập là tránh được sự chuyên quyền, độc tài trong thực hiện quyền lực nhà nước. Đánh dấu sự chuyển biến từ việc sử dụng “quyền lực dã man” trong các xã hội chuyên chế sang việc thực thi quyền lực văn minh trong xã hội dân chủ. Loại bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài - mảnh đất tốt cho sự lộng quyền, bức rào cản của dân chủ và phát triển xã hội. Sự hình thành và phát triển của lý thuyết này gắn liền với quá trình đấu tranh cho bình đẳng, tự do và tiến bộ xã hội. Lấy pháp luât làm tối thượng, lấy bảo đảm các quyền tự do công dân làm mục đích cuối cùng. Không chỉ vậy, với cơ chế kiềm chế và đối trọng, kiểm tra và chế ước lẫn nhau giữa ba nhánh quyền lực đã loại trừ được nguy cơ tập trung tất cả quyền lực nhà nước vào tay một cá nhân, nhóm người hay một cơ quan quyền lực duy nhất nào đó - nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tha hoá trong quá trình thực thi quyền lực. Nhờ cơ chế này mà không cơ quan nhà nước nào có thể chi phối hoặc lấn át hoàn toàn hoạt động của cơ quan khác. Đồng thời không cơ quan nào, tổ chức nào đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật; nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát từ phía cơ quan nhà nước khác. Như vậy, sự phân chia rành mạch về chức năng và nhân sự cùng với cơ chế kìm chế, đối trọng có tác dụng vừa hạn chế khả năng lạm quyền, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát giác sự lạm quyền, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân.
          Mặc dù thực tiễn chính trị đã thay đổi nhiều so với thời kỳ học thuyết phân quyền ra đời và cho dù tinh thần của học thuyết còn những hạn chế nhất định nhưng học thuyết này vẫn còn nguyên sức sống. Những giá trị mang tính phổ quát của nó vẫn đang được khai thác và nhân rộng trong tổ chức quyền lực của nhiều nước, không phân biệt điều kiện kinh tế, văn hoá và chế độ chính trị. Trong khuôn khổ lý thuyết phân quyền, thực tiễn đã hình thành những chính thể khác nhau phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và truyền thống văn hoá của mỗi nước. Ở các nước tư bản, các nhánh quyền lực nhà nước được thể chế hoá cao độ. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được chuyên nghiệp hoá rất cao. Cơ chế kiểm soát quyền lực tỏ rõ tính hiệu quả trong việc hạn chế tình trạng lạm quyền, chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Có thể thấy, cho đến nay, học thuyết phân quyền đã thể hiện và khẳng định những giá trị tiến bộ của nó. Những giá trị này đã được kiểm chứng trong thực tiễn chính trị hàng trăm năm ở các nước tư bản phát triển. Đúng như đánh giá của Ph. Ăngghen: “Phân quyền được xem như là nguyên tắc thiêng liêng và không thể xâm phạm trên thực tế, về thực chất nó không có gì khác là sự phân công công việc lao động được áp dụng đối với bộ máy nhà nước nhằm đơn giản hoá và để kiểm tra[4]
          Tổ chức và phân công quyền lực nhà nước ở nước ta trước đổi mới theo nguyên tắc tập quyền. Trong tư duy chính trị pháp lý và trong các văn kiện chính thức của Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ, không hề tìm thấy các thuật ngữ “phân công, phân nhiệm một cách rạch ròi ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Dưới ánh sáng đổi mới, một mặt Đảng và nhà nước ta khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng mặt khác có sự kế thừa những nhân tố tiến bộ trong tổ chức và phân công quyền lực của nhân loại. Đặc biệt là những hạt nhân hợp lý, những giá trị tích cực trong học thuyết tam quyền phân lập. Nghị quyết Đại Hội Đảng X khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp[5]. Quan điểm này cũng được quy định tại Điều 2, Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001). Quyền lực nhà nước là thống nhất không có nghĩa là quyền lực chỉ do một số người nào đó nắm giữ mà đó là sự tập trung, thống nhất quyền lực trong tay nhân dân thông qua người đại diện của họ, nhằm đảm bảo tính thống nhất, nhất quán trong tổ chức cũng như sử dụng quyền lực. Sự tập trung không những không đối lập với việc phân công, phân nhiệm, mà ngược lại đòi hỏi phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy thực hiện quyền lực. Sự phân định càng thiếu rõ ràng thì việc kiểm soát quyền lực càng kém cả về hiệu lực lẫn hiệu quả.
Có thể nói, việc thừa nhận phân công và phân nhiệm trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước là một bước tiến về nhận thức lý luận. Cả lý luận và thực tiễn đều đặt ra yêu cầu tất yếu rằng, giữa các cơ quan nhà nước cần có sự phân công chuyên môn hoá lao động quyền lực, đảm bảo sự độc lập trong tổ chức của các cơ quan và sự phối hợp giữa chúng, nhưng đồng thời giữa các cơ quan cần có sự kiểm soát, kiềm chế, giám sát lẫn nhau. Nắm vững nguyên tắc này có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động thực tiễn về tổ chức và phân công quyền lực nhà nước trong bộ máy nhà nước.
          Đảng và nhà nước ta đã chủ trương phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền. Điều đó có nghĩa là trong quá trình cải cách và xây dựng bộ máy nhà nước phải coi trọng việc xác định rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của các cơ quan trong việc thực hiện ba quyền này để hạn chế sự lạm quyền, lộng quyền, chồng chéo và cản trở công việc của nhau. Tuy nhiên không phải vì phân công, phân nhiệm rạch ròi mà các cơ quan nhà nước quay lưng lại với nhau, không phối hợp với nhau, chống đối nhau. Chính nhờ vào quan điểm này mà bộ máy nhà nước ta qua cải cách và đổi mới ngày càng được củng cố và hoàn thiện hơn về tổ chức và hoạt động quyền lực, tránh được tình trạng như: lẫn lộn chức năng và quyền hạn giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; dựa dẫm và ỷ lại nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước; nể nang, xuê xoa trong giám sát, kiểm sát, thanh tra việc thực hiện chức năng và quyền hạn của mỗi bên.
          Tuy nhiên có thể thấy rằng, những hạt nhân hợp lý của học thuyết tam quyền phân lập vẫn chưa được chúng ta khai thác đầy đủ. Việc phân công quyền lực giữa các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập. Chính sự phân công không rõ ràng về thẩm quyền đã dẫn đến sự chồng chéo giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc thực thi quyền lực. Làm cho cơ cấu quyền lực không phát huy được hết hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa kế thừa và thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu ngay trong bộ máy nhà nước, mà đó mới được coi là nội dung cốt lõi của học thuyết tam quyền phân lập.
          Do vậy, việc vận dụng học thuyết tam quyền phân lập trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước ta cần tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
- Tiến hành sự phân công, phân nhiệm rạch ròi về mặt chức năng, thẩm quyền giữa các nhánh quyền lực và thể chế hoá cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp nhằm tạo ra sự ổn định trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Cần cầu thị học tập cơ chế kiểm soát quyền lực mà học thuyết tam quyền phân lập đã đưa ra và vận dụng sáng tạo trong điều kiện một đảng lãnh đạo, nhằm thiết lập các ràng buộc bên trong đối với quyền lực.
- Nhân sự phải được chuyên môn hoá cao độ mà trước hết là hạn chế tối đa sự kiêm nhiệm ở các bộ phận quyền lực khác nhau.
Có thể khẳng định rằng, cho đến nay việc nghiên cứu học thuyết tam quyền phân lập, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của học thuyết này vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình đổi mới hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước ta theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Khai thác nhân tố hợp lý của học thuyết này đòi hỏi phải làm rõ tính độc lập, chuyên nghiệp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quyền lực nhà nước là thống nhất, đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước cơ quan quyền lực của nhân dân. Đó chính là những vấn đề thuộc về bản chất của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng.


[1] Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Đại học KHXH và NV, Hà Nội, tr.100.
[2] Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Đại học KHXH và NV, Hà Nội, tr.100,101.
[3] Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Đại học KHXH và NV, Hà Nội, tr.110.
[4] C.Mác - Ph.Ăngghen (1981), Tuyển tập, Tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.405.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.45.
Last update : 10/09/2013