Sunday 2 January 2022

Những giả thuyết về nguồn gốc tên gọi Cochinchine (Huỳnh K. Nho & Trần Thanh Ái - Nghiên Cứu Lịch Sử)

 

Đối với rất nhiều người Việt, cái tên Cochinchine(1) hoàn toàn xa lạ, vì nó là thuật ngữ địa lý mà người phương Tây áp đặt cho nước ta, còn nhiều độc giả trí thức thì thường nghĩ ngay rằng tên gọi này được người Pháp dùng để chỉ Nam kỳ thời Pháp thuộc. Thực ra vấn đề này không hề đơn giản như vậy, vì tên gọi ấy đã xuất hiện trước khi người Pháp đến Việt Nam hơn 300 năm: nhiều tác giả thế kỷ XVI đã từng gọi nước Đại Việt bằng cái tên ấy, như F. Xavier (1549), G. B. Ramusio (Ý, 1550), J. Barros (Bồ Đào Nha, 1552), F.L. Castanheda (Bồ Đào Nha, 1553), A. Thevet (Pháp, 1575), F. Belle-Forest (Pháp, 1575), Richarde Willes (Anh, 1577), G. Mendoҫa (Tây Ban Nha, 1585), H. Linschoten (Hà Lan, 1596). Nhưng mãi đến năm 1866, Legrand de la Liraye mới biết là Joao Barros đã dùng chữ Cauchy-china để chỉ vùng đất nằm trên lộ trình đi Trung Hoa của các sứ giả Bồ Đào Nha sau khi đã chiếm được Malacca năm 1511. Sau đó, trong các tài liệu của các nhà truyền giáo châu Âu vào đầu thế kỷ XVII như C. Borri, A. de Rhodes, chữ này chỉ được dùng để chỉ xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn. Nhưng thế rồi từ 1861 chữ này chỉ còn dùng để chỉ Nam Kỳ lục tỉnh mà thôi. Chính vì thế mà nó cũng gây ra không ít ngộ nhận khi người đọc phải tiếp xúc với tài liệu phương Tây, nhất là các tài liệu liên quan đến các thế kỷ XVI-XVII.

Tuy nhiên, sự ngộ nhận ấy chỉ xuất hiện khi người đọc không lưu ý đến năm phát hành tài liệu, còn nguồn gốc chữ Cochinchine lại là một nghi vấn từ hơn một thế kỷ nay, đến tận bây giờ vẫn còn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Có lẽ người Việt Nam đầu tiên đề cập đến nguồn gốc tên gọi Cochinchine là Nguyễn Văn Tố trong bài viết “Quốc hiệu nước ta” đăng trên Tri Tân Tạp chí số 1 năm 1941, tuy nhiên ông cũng chỉ nêu vấn đề mà thôi. Còn ở phương Tây thì ngay từ thế kỷ XVII đã có nhiều người đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau với mức độ thuyết phục khác nhau. Trong bài viết này chúng tôi sẽ tổng hợp các cách lý giải về nguồn gốc chữ Cochinchine, kể cả những cách ngây ngô, mà người ta gọi là từ nguyên học dân gian (folk etymology), để độc giả có cái nhìn toàn diện. Chúng tôi gọi tất cả những ý kiến đó là giả thuyết, kể cả những ý kiến đã được chứng minh một cách thuyết phục và ngày càng được củng cố bởi nhiều dữ liệu mới được phát hiện. Để độc giả tiện theo dõi, chúng tôi sẽ điểm lại các giả thuyết theo thứ tự thời gian xuất hiện của chúng.

Cũng cần nhắc lại là tên Đại Việt của nước ta đã có từ thế kỷ XI, nhưng trong ngôn ngữ đời thường, người ta thường gọi là nước Nam, hoặc An Nam, như A. de Rhodes đã ghi nhận trong từ điển của ông. Điều này cho thấy là chữ Cochinchine do người nước ngoài tạo ra để gọi nước ta, chứ không phải là kết quả của sự phiên chuyển từ cách gọi của người Việt.

Giả thuyết 1: Gọi theo sách địa lý cổ đại châu Âu

Tài liệu được biên soạn sớm nhất có đề cập đến nguồn gốc của chữ Cochinchine có lẽ là quyển Declaraçam de Malaca e India meridional com o Cathay do Godinho de Eredia viết vào năm 1613, nhưng mãi đến năm 1882 mới được biết đến qua bản dịch tiếng Pháp. Godinho de Eredia sinh ra và lớn lên ở Malacca, theo học ở trường dòng tên ở đây và sau đó được gởi đi học tiếp ở Goa (Ấn Độ). Có lẽ vì thế mà ông tiếp nhận được cả hai mảng kiến thức địa lý của Tây phương và Đông phương, nên ông có cái nhìn đối chiếu giữa kiến thức địa lý cổ đại châu Âu và thực tế phương Đông. Trong phần giới thiệu Trung Hoa, ông luôn liên hệ kiến thức địa lý mà hai nhà nghiên cứu Pline và Ptolémée đã để lại. Khi nói đến phần lãnh thổ Đại Việt, ông hé lộ thông tin liên quan đến nước ta ngày ấy như sau:

“Nước Trung Hoa ngày xưa được các nhà địa lý cổ đại [châu Âu] phân chia thành ba tỉnh: thứ nhất là Sim hoặc Chim, thứ hai là Mansim hoặc Machim, còn được gọi là Đại Trung Hoa, thứ ba là Coc Sim hay Cochim, còn được gọi là Tiểu Trung Hoa.” (Godinho de Eredia 1882, tr. 75)

Và ở chương sau đó Godinho de Eredia cung cấp thêm thông tin: “Người ta đã gán cái tên Coc Sim nghĩa là Tiểu Trung Hoa cho nước Coc Sim tức Cochim china, là thuộc quốc của Nam Kinh, mặc dù nó có vẻ lệ thuộc vào nước Sim” (tr. 79). Qua trình bày của Godinho de Eredia người đọc hiểu rằng tên gọi Cochim china xuất phát từ chữ Coc Sim mà ông cho là đã được ghi trong sách địa lý của Ptolémée. Vì Godinho de Eredia không nêu rõ chi tiết các trích dẫn nên chúng tôi chưa thể kiểm chứng được giả thuyết này.

Giả thuyết 2: Người Bồ Đào Nha gọi theo người Nhật

Có lẽ giáo sĩ C. Borri là người được biết đến sớm nhất về việc giải thích nguồn gốc của tên gọi Cocincina(2): năm 1631 trong quyển Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Giesù al Regno della Cocincina xuất bản tại Roma, ông cho rằng chữ Cocincina là cách mà người Bồ Đào Nha gọi theo người Nhật:

“Xứ Cocincina, như người Bồ Đào Nha gọi, có tên bằng tiếng bản địa là An nam, nghĩa là vương quốc này nằm ở phía tây(3) so với Trung Hoa. Người Nhật cũng gọi xứ này là Coci, trong ngôn ngữ của họ cũng có nghĩa là An Nam như trong ngôn ngữ của người Cocincina. Nhưng khi người Bồ Đào Nha vào đây buôn bán, họ ghép chữ Coci với chữ Cina để tạo thành chữ Cocincina để gọi xứ này, như thể muốn nói là Cocin của Cina, để phân biệt với Cocin là một đô thị của Ấn Độ, là nơi mà người Bồ Đào Nha cũng thường tới lui.” (Borri C. 1631, tr. 5-6)

Có lẽ Borri nghe người Nhật phát âm chữ 交阯 hay 交趾 (Giao Chỉ) mà người Trung Hoa thường dùng để gọi nước ta, vì thời bấy giờ người Nhật còn chịu ảnh hưởng nặng nề của nền học thuật Trung Hoa như các nước đồng văn khác. Thật vậy, đến đầu thế kỷ XVII người Nhật vẫn còn gọi nước ta là Kochi (4)mà ngày nay chúng ta vẫn còn tìm thấy trên nhiều chứng cứ lịch sử. Về việc có nhiều cách viết khác nhau trên các tài liệu, Borri cũng giải thích như sau:

“Còn về việc trên các bản đồ thế giới Cocincina thường được ghi là Caucincina hay Caucina hoặc những chữ giống như vậy, đó chẳng qua là do hiện tượng phát âm sai lệch của danh từ riêng này, hoặc là vì các tác giả bản đồ ấy muốn nói là vương quốc này là cửa ngõ và là nơi bắt đầu của Trung Hoa.” (Borri C., tr. 6)

Gần hai thế kỷ sau, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng như Malte-Brun cũng tán thành giả thuyết này, góp phần truyền bá rộng rãi cách giải thích này trên thế giới: “Người Nhật gọi xứ sở nằm ở phía Tây Trung Hoa là Cotchin-Djina, và thế là người châu Âu gọi theo họ.” (Malte-Brun 1827, tr. 282)

A. de Rhôdes cũng cho rằng chữ Cochinchine được người Bồ Đào Nha sáng tạo ra khi tiếp xúc với người Nhật, nhưng lại cho rằng thành tố Cochin- xuất phát từ tên kinh đô nước An Nam mà ông gọi là Che ce, có lẽ ông muốn nói đến tên Kẻ Chợ:

“Vì tên của kinh đô nước An Nam là Che ce, và các thương nhân người Nhật đã từng buôn bán ở đó gọi chệch nó là Coci nên những người Bồ Đào Nha buôn bán với họ đã tạo ra chữ Cocinchine [sic] để phân biệt Coci với Cocin gần Goa của Ấn Độ, như thể muốn nói Cocin gần Trung Hoa. Và tên gọi này không phải quá mới, vì xứ này đã được gọi như thế từ một thế kỷ qua.” (de Rhodes A., 1651, tr. 3)

Ngày nay người ta nhận ra ngay lập tức sự sai lệch về niên đại của giả thuyết này, nhờ nhiều tài liệu mới được công bố: ngay từ khi chưa đặt chân lên vùng Viễn Đông, người Bồ Đào Nha đã gọi nước ta là Chinacochim (bản đồ Cantino năm 1502), hoặc năm 1512-1515 Tomé Pires đã gọi nước ta là Cochin China, hay D. Barbosa gọi là Conchin Chinan lúc ấy họ chưa tiếp xúc với người Nhật. Hơn nữa, người đọc sẽ không khỏi thắc mắc: tại sao người Bồ Đào Nha vay mượn ở người Nhật chớ không phải là người Trung Hoa, vì ngay khi chiếm Malacca năm 1511, một số thương nhân người Trung Hoa đã liên lạc ngay với họ, thậm chí chở họ đi Xiêm và Quảng Đông? Những chi tiết ấy cho phép chúng ta bác bỏ giả thuyết này.

1

Bản đồ Cantino (1502) phóng to vùng Đồng bằng sông Hồng với ghi chú Chanocochim và bốn hàng chữ bằng tiếng Bồ Đào Nha giới thiệu nơi chốn và sản vật địa phương: “Chinacochim nằm ở [vị trí] 10 ngón tay (pulgadas), ở đây có trầm hương, gỗ huyết mộc và gỗ đàn hương, cánh kiến trắng, an tức hương, đại hoàng và hồng ngọc.” (dịch theo bản tiếng Pháp của P.-Y. Manguin 1972). Xem bản đồ gốc tại địa chỉ: https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Cantino_planisphere_(1502).jpg

Giả thuyết 3: Người Bồ Đào Nha gọi theo tên Kẻ Chợ

M .Ferreira trong quyển Noticias summarias das perseguições da missam de Cochinchina xuất bản tại Lisboa năm 1700, cho rằng khi đến kinh đô nước Đại Việt mà tên gọi thông dụng lúc ấy là Kẻ Chợ, họ nhận thấy dân chúng tại đây giống với người Trung Hoa bèn gọi nước ta là Cochinchina: “Khi nghe gọi kinh đô của vương quốc này là Kecho, và nhận thấy rằng người bản xứ rất giống với người Trung Hoa, người Bồ Đào Nha đã kết hợp hai chữ Kecho và China thành chữ Cochinchina với cách phát âm lệch lạc” (Ferreira M. 1700, tr. 4).

Năm 1523 Toàn quyền Malacca đã cử một phái đoàn do Duarte Coelho dẫn đầu đi Đại Việt để thiết lập bang giao. Nhưng lúc ấy tình hình trong nước rối ren, nhà Mạc tiếm ngôi, vua Lê Chiêu Tông đã bị Trịnh Tuy đưa về Thanh Hóa, nên phái đoàn không dám đến gần, chỉ dừng chân ở Cù Lao Chàm. Tranh chấp Nam triều – Bắc triều giữa nhà Mạc và nhà Lê chỉ kết thúc vào năm 1592 khi Trịnh Tùng chiếm lại được Đông Đô. Theo Manguin (1972), mãi đến năm 1626 người Bồ Đào Nha mới đến kinh đô Thăng Long, thế mà như nói ở trên, từ năm 1502 họ đã có chữ để gọi tên nước ta, và tên gọi này cùng các biến thể đã được sách vở các nước châu Âu nhắc đến ngày càng nhiều trong nửa sau thế kỷ XVI. Thật vậy, ngoài những bản thảo được phát hiện và phổ biến vào các thế kỷ sau như của Tomé Pires, D. Barbosa, A. Pigafetta, F.G. Pinto…, vào thời ấy đã có nhiều sách xuất bản có nhắc đến nước Đại Việt như đã nói bên trên. Vì thế giả thuyết này không phù hợp với các dữ liệu lịch sử đã được kiểm chứng.

Giả thuyết 4: Người Bồ Đào Nha gọi theo tên của vùng Cochim (Ấn Độ)

Giả thuyết này được giám mục Isauropolis (tức Jean-Louis Taberd) nêu ra đầu tiên vào năm 1837 trong bài viết đăng trên tạp chí Journal of the Asiatic Society of Bengal. Theo giả thuyết này, một số nhà du hành Bồ Đào Nha thấy bờ biển nước ta giống với vùng đất Kuchin của Ấn Độ (người Bồ Đào Nha gọi là Cochim, người Anh gọi là Kochi, người Pháp gọi là Cochin) nơi mà người Bồ Đào Nha đã đặt thương điếm sau khi đặt chân đến bờ biển Malabar năm 1503.

“Nguồn gốc của tên gọi Cochin China(5)nằm ở hai chữ ChinaCochin. Người Bồ Đào Nha đến vùng Ấn Độ đầu tiên vì tưởng tượng ra những nét giống nhau giữa bờ biển An Nam và bờ biển Cochin ở vùng Malabar của Ấn Độ, và kết hợp nó với vị trí lân cận với China bèn đặt tên cho nó bằng chữ ghép Cochin China, có nghĩa là Cochin thuộc China” (Taberd J.-L., 1837, tr. 738)

Giả thuyết này được một số tác giả người Pháp ủng hộ, có lẽ vì chỉ có người Pháp mới viết tên vùng đất này là Cochin. Thế nhưng không thấy có tác giả nào cho biết hai vùng giống nhau như thế nào, và cũng không nêu ra tên tài liệu nào nói về nhà du hành Bồ Đào Nha nào nhận ra sự giống nhau này. Có lẽ đây cũng chỉ là sự suy đoán nhất thời khi thấy trong chữ Cochinchine có chữ Cochin mà thôi.  

Giả thuyết 5: người Bồ Đào Nha gọi theo người Mã Lai

Năm 1856, J. Crawfurd đã viết trong quyển từ điển A Descriptive Dictionary of Indian Islands & Adjacent Countries, rằng tên gọi Cochin-China do người Bồ Đào Nha đặt ra và có lẽ xuất phát từ chữ Kuchi mà người Mã Lai dùng để chỉ nước ta thời ấy. Ông viết: “Tên này do người Bồ Đào Nha đặt, và có lẽ nó được tạo ra từ chữ Kuchi, tên mà người Mã Lai dùng để chỉ xứ này”. Tuy nhiên, ông còn đi xa hơn khi nêu ra giả thuyết về nguồn gốc tên gọi xứ Kuchi:

“…rất có thể đó cũng là tên mà người An Nam dùng để chỉ kinh đô xứ Đàng Ngoài, tức là Kechao hay Kachao. Tuy nhiên, người Mã Lai gọi là Kuchi, mà người Bồ Đào Nha viết ra thành Cochin như tên một thành phố Ấn Độ trên bờ biển Coromandel, và để phân biệt với xứ ở Ấn Độ, họ thêm vào chữ China hoặc Chinese.” (Crawfurd J. 1856, tr.105)

Năm 1886, hai tác giả Yule H & Burnell A.C. trong quyển Hobson-Jobson… cũng công nhận rằng người Mã Lai gọi nước ta là Kuchi và chỉ ra bằng chứng là trong biên niên sử Mã Lai Sijara Malayu có dùng chữ này để gọi nước ta (Braddell T. 1851, tr. 729).

Một nhà Đông phương học khác là P. Pelliot cũng tìm thấy nguồn gốc Mã Lai trong tên gọi Cochinchine, tuy nhiên, ông không do dự như J. Crawfurd về từ nguyên của thành tố Cochin- mà quả quyết rằng nó chính là cách người Mã Lai phát âm tên chữ Hán 交阯 (Giao Chỉ):

“Tôi không hề nghi ngờ rằng Cauchi tương ứng với chữ Kutchi của người Mã Lai. […]. Về từ nguyên của chữ Kutchi, khác với suy nghĩ của Terrien de Lacouperie cho rằng nó xuất phát từ 九真 Kieou-tchen [Cửu Chân], đối với tôi gần như chắc chắn rằng đó là chữ 交阯 Kiao-tche [Giao Chỉ] được dùng để chỉ nước An Nam ít nhất là đến cuối thế kỷ XIII.” (Pelliot P. 1903, tr. 299)

Giả thuyết này được Aurousseau bổ sung và phát triển vào năm 1924, ông cho thấy tên gọi Cochinchine là kết quả của một mạng lưới giao tiếp liên văn hóa Á-rập – Mã Lai – Trung Hoa, và đã tìm ra nhiều bằng chứng thuyết phục (xem thêm ở đoạn sau).

Sau đó, năm 1947, GS. Boxer phát hiện một bản chép tay được cho là thực hiện vào năm 1595, và hiện được lưu giữ tại Lilly Library of the University of Indiana (thường được gọi là Boxer Codex) trong đó có hình một người đàn ông và một phụ nữ, với dòng chữ ghi trên đầu trang bằng chữ Hán 交趾 [Giao Chỉ] và chữ phiên chuyển sang tiếng Tây Ban Nha Caupchy như hình dưới đây. Điều đó cho thấy rằng người phương Tây gọi nước ta dựa theo cách gọi của người Trung Hoa và các nước khác trong khu vực.

2

Nguồn tài liệu:

http://webapp1.dlib.indiana.edu/metsnav/common/navigate.do?pn=323&size=screen&oid=VAB8326

Giả thuyết 6: người Bồ Đào Nha gọi theo tên quận Cửu Chân của Đại Việt

Hai tác giả Yule H. & Burnell A.C. trong tài liệu nói bên trên (1886) cũng giới thiệu một ý tưởng trong bản thảo của nhà Đông phương học Terrien de Lacouperie nói về nguồn gốc chữ Cochin-China: ông này cho rằng Kuchi chính là chữ Kuu-chӧn [Cửu Chân], tuy nhiên ông không cung cấp bằng chứng nào ngoài việc lưu ý là người Quảng Đông phát âm chữ này là Kau-chen và người Bắc Kinh là Kiu-ching. (Yule H. & Burnell A.C. 1886, tr. 226)

Năm 2007, Vu Dinh Dinh phát triển ý tưởng của Terrien de Lacouperie bằng cách đưa ra nhiều minh chứng bằng bản đồ do người châu Âu vẽ trong khoảng thời gian 1502-1653, nhưng lập luận không vững chắc và nhất là các bằng chứng đưa ra không có sức thuyết phục(6).

Giả thuyết 7: người Bồ Đào Nha gọi theo người Trung Hoa

Cho rằng dựa vào sự giống nhau về hình thể bờ biển là không thuyết phục, E. Luro trong quyển Le Pays d’Annam (1878) nêu giả thuyết là:

“…chữ Cochinchine bắt nguồn từ các chữ Hán mà một hoa tiêu người Quảng Đông đã cho người châu Âu biết khi đi ngang qua bờ biển Chiêm Thành: Co Cheng Ching có nghĩa là Ancien Ciampa (Cổ Chiêm Thành). Vì Cheng Ching thường được dùng trong tiếng Hán để gọi nước Chiêm Thành vào những thế kỷ đầu công nguyên nằm dọc theo bờ biển từ xứ Đàng Ngoài đến Nam kỳ. Các nhà truyền giáo gọi phần lãnh thổ đã bị người An Nam sáp nhập là Cochinchine, nhưng vẫn gọi phần đất còn giữ được độc lập của vương quốc cổ này là Ciampa.” (Luro E. 1878, tr. 21)

E. Aymonier trong một bài báo đăng trên tạp chí The Imperial and Asiatic Quarterly Review năm 1893 cũng nói là Cochinchine có nguồn gốc từ chữ Cổ Chiêm Thành: “Người miền Nam Trung Hoa cũng gọi Tchampa là Tchen Tching, hay Co-Tchen Tching, và người châu Âu biến thành Cochin China; và họ dùng tên này để gọi Tchampa trong một thời gian dài” (tr. 141). Năm 1903, Aymonier cũng nhắc lại quan điểm này trong một bài báo đăng trên tạp chí Journal Asiatique và nêu nghi vấn là chữ Co– trong Co-tchen-tching có nghĩa là Cổ (tr. 113).

A. Schreiner, tác giả quyển Abrégé de l’histoire d’Annam xuất bản năm 1906 tán thành giả thuyết của E. Luro, và cho biết thêm đó cũng là ý kiến của Trương Minh Ký :

“Ý kiến của Luro có nhiều điểm gần với thực tế hơn, nhất là khi ta đọc những lời giải thích sau đây của Trương-Minh Ký(7): Cổ Chiêm Thành có nghĩa là Ciampa cổ mà cũng có nghĩa là dân cư xưa của Ciampa. Thế mà theo phương ngữ Bắc Kinh, Chiêm Thành được đọc là Tchin-Sh’ềng và phương ngữ Quảng Đông đọc là Tchiêm-Shềng; kết hợp với chữ Cổ nó cho ra cách đọc giống như là Cochinchine.”  (Schreiner A. 1906, tr. 66)

Tài liệu lịch sử cho chúng ta biết rằng người Bồ Đào Nha đầu tiên tháp tùng cùng thuyền buôn người Trung Hoa đi Quảng Châu vào năm 1513 tên là Jorge Alvares.  Nhưng cũng giống như một số giả thuyết đã được giới thiệu bên trên, Luro đã không hề biết đến chữ Cochinchine xuất hiện trước khi người Bồ Đào Nha gặp người Trung Hoa (dưới dạng chính tả Chinacochim), và nhất là chữ này ban đầu được dùng để chỉ cả nước Đại Việt đầu thế kỷ XVI chứ không phải chỉ riêng vùng đất được sáp nhập từ Chiêm Thành. Vả lại, không có chứng cứ nào cho thấy Alvares tiếp nhận chữ Cochinchine từ hoa tiêu người Trung Hoa cả. Hơn nữa, những tài liệu Bồ Đào Nha ghi chép về chuyến đi này gọi nước ta là Canchimchyna, Cocam china, Cauchij China… Vì thế, chúng ta có thể nhận ra ngay rằng giả thuyết này đơn thuần chỉ dựa vào sự đồng dạng về âm thanh của chữ Cổ Chiêm Thành với chữ tiếng Pháp Cochinchine, chứ không đồng dạng với những chữ mà người Bồ Đào Nha đã dùng để chỉ nước ta vào thời ấy. Điều này có nghĩa rằng chỉ có người Pháp mới tìm thấy sự gần gũi giữa Cổ Chiêm Thành và tên mà họ dùng để gọi nước Đại Việt để nêu ra giả thuyết này mà thôi.

A. Launay trong quyển Histoire ancienne et moderne de l’Annam (1884) cũng có ý kiến tương tự, nhưng lại diễn giải khác hơn:

“Chữ Cochinchine bắt nguồn từ chữ Chen-chin [tức Chiêm Thành], là tên mà người Trung Hoa dùng để gọi nước Ciampa, và sau này có lẽ họ thêm vào chữ Cao, là chữ viết tắt của từ Cao-tchi (Giao-chỉ). Từ chữ Cao-chen-chin, người châu Âu biến thành Cochinchine (Launay A. 1884, tr. 3).

Cách giải thích này ngày nay không còn sức thuyết phục, vì có nhiều điều không còn phù hợp với sự hiểu biết ngày nay. Khi giải thích như thế, chắc hẳn là A. Launay đã không biết rằng trong suốt thế kỷ XVI nhiều tác giả châu Âu (đã liệt kê bên trên) đã dùng chữ này và các biến thể của nó để chỉ nước Đại Việt, lúc ấy chủ yếu vẫn là vùng Bắc bộ. Vì vậy tên gọi Cochinchine thời ấy không hề có liên quan gì đến Chiêm Thành. Chỉ từ năm 1615, khi nước ta đã hình thành hai xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong, thì Cochinchine mới được nhiều người phương Tây dùng để chỉ riêng xứ Đàng Trong (L. Aurousseau 1924). Hơn nữa, chưa bao giờ người Trung Hoa lại gọi phần lãnh thổ của nước Chiêm Thành bị sáp nhập vào Đại Việt là Giao Chiêm Thành cả.

Giả thuyết 8: Kochi có nghĩa là đầm lầy

I. Taylor trong quyển Names and their histories alphabetically arranged as a handbook of historical geography and topographical nomenclature xuất bản tại London năm 1896 cho rằng Cochin là một địa danh trên sông Cửu Long, được người Bồ Đào Nha gọi chệch thành Cochin-China để phân biệt với Cochin trên bờ biển Malabar (Ấn Độ). Theo tác giả, chữ này xuất phát từ chữ kochi, có nghĩa là ‘marsh’ (đầm lầy) (Taylor 1896, tr. 95). Nếu tác giả này biết rằng trong suốt thế kỷ XVI các tài liệu châu Âu dùng chữ Cochinchine để chỉ nước Đại Việt lúc ấy chủ yếu nằm ở phía Bắc sông Gianh, thì ông sẽ không nêu ra cách giải thích như thế, vì nó chỉ phù hợp với Nam kỳ lục tỉnh mà thôi.

Năm 1904, C. Gosselin cũng có cách giải thích tương tự như vậy:

“Đây là ý kiến của chúng tôi, cũng phù hợp với ý kiến của một số nhà thông thái An Nam chuyên nghiên cứu về lịch sử và từ nguyên, thì chữ Cochinchine có nguồn gốc như sau: khi người Bồ Đào Nha đến xây dựng cơ ngơi ở bờ biển Malabar (Ấn Độ), một trong những cơ sở của họ mang tên Cochin; sau này khi các nhà hàng hải gan dạ của họ đi đến vùng cửa sông Cửu Long, bờ biển có dáng vẻ giống như bên Cochin, và vì nó ở gần Trung Hoa nên họ đặt tên cho vùng đất mới này là “Cochin de Chine” hay “Cochinchina”, “Cochinchine” (Gosselin C. 1904, tr. 6)

Giả thuyết 9: từ tuyến giao thương Á-rập – Mã Lai – Trung Hoa

Giả thuyết này được L. Aurousseau phát triển trong bài viết “Sur le nom de Cochinchine” đăng trên tạp chí BEFEO năm 1924. Chẳng những tán thành ý kiến của Crawfurd về nguồn gốc Mã Lai của thành tố Cochin-, Aurousseau còn đi xa hơn nữa, khi hé lộ tuyến giao thương hàng hải giữa các dân tộc Á-rập, Mã Lai và Trung Hoa từ nhiều thế kỷ trước; nên khi tiếp xúc với tuyến giao thương này, người Bồ Đào Nha cũng học được tên của nước ta. Lập luận này có cơ sở vững chắc khi ta đối chiếu với các dữ liệu lịch sử: thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ XV, người Bồ Đào Nha đã chuẩn bị mọi thứ có thể cho việc chinh phục đại dương, trong đó phải kể đến việc tiếp nhận kiến thức địa lý về phương Đông mà người Á-rập đã tích lũy được từ nhiều thế kỷ, như người dịch và giới thiệu nhật ký của Vasco de Gama đã viết:

“Việc khám phá ra đường biển đi về Ấn Độ không phải là kết quả của sự ngẩu nhiên như người ta thường nghĩ vì thiếu hiểu biết hoặc vì có ý dèm pha, mà là một kế hoạch dài hơi, được kiên trì theo đuổi suốt 80 năm, và hoàn thành với sự soi sáng của thế kỷ mà nghệ thuật hải hành đã có nhiều tiến bộ quan trọng, nhất là ở Bồ Đào Nha. Ngay từ năm 1415, hoàng tử Henri đã thành lập ở Sagres một học viện để dạy những kiến thức địa lý của người Á-rập, và là nơi người ta học cách sử dụng các dụng cụ hàng hải để tính toán thời gian và xác định vị trí tàu thuyền so với cực của trái đất.” (Morelet A. 1864, tr. iv-v)

Giả thuyết 10: Gọi theo người Tây Ban Nha và Ý

Trong quyển Việt sử tân biên (quyển 3, 1959), Phạm Văn Sơn viết như sau:

Cochinchine là do chữ Caunchi-china của Tây Ban Nha và chữ Caoci-china chữ Ý mà ra, bắt nguồn từ chữ Kiaoche (Giao-chỉ) rồi thêm vào chữ China để khỏi lầm với Cochin ở Ấn Độ. Chữ Cochinchine được người Pháp dùng để chỉ xứ Nam kỳ. Bắt đầu từ thế kỷ XVII người Ấn đã dùng chữ này để chỉ các tỉnh từ Linh-Giang trở vào thuộc quyền chúa Nguyễn. Chữ Tonkin hoặc Tonquin (Đông kinh) dùng để chỉ đất thuộc quyền chúa Trịnh. Sau này chúa Nguyễn lấy được đất Chân Lạp là lục tỉnh Nam Việt ngày nay. Pháp gọi miền này là Basse-cochinchine.” (tr.188)

Ngoài chi tiết Kiaoche và China được nhiều người đề cập đến như là nguồn gốc của chữ Cochinchine, trong đoạn văn trên đây tác giả đã gán ghép nhiều chi tiết với nhau một cách ngẩu hứng, lại không ghi tài liệu tham khảo nào cả. Có tác giả nào cho rằng người Tây Ban Nha là những người đầu tiên đặt tên cho nước ta không, khi mà người Bồ Đào Nha lại là người đầu tiên đặt chân đến vùng Viễn Đông, trước Tây Ban Nha mười năm? Còn nước Ý thì không có chút liên quan gì với Đại Việt thời ấy cả, thì làm sao có thể đặt tên cho vùng đất này? Nhưng nếu thông tin của tác giả Phạm Văn Sơn là đúng sự thật, thì làm sao Tây Ban Nha và Ý lại có thể áp đặt cách gọi của họ đối với người Bồ Đào Nha, rồi Pháp, Anh, Hà Lan? Chưa hết, tại sao lại liên quan đến người Ấn trong tên gọi này? Từ Linh Giang trở vào là vùng đất cai quản của Nguyễn Hoàng từ năm 1558, trong khi chữ Cochinchine đã có trước đó hơn 50 năm. Những chệch choạc trên đây cho thấy giả thuyết này không thể đứng vững khi đối chiếu với các dữ kiện lịch sử đã được kiểm chứng.

Giả thuyết 11: Người Pháp gọi theo người Kampuchea

Lê Hương trong quyển Việt kiều ở Kampuchea (1971) có ghi lại một cách giải thích nguồn gốc chữ Cochinchine được lưu hành trên báo chí Kampuchea sau khi quốc vương Sihanouk bị đảo chánh năm 1970: “Tài liệu Cao Mên cho rằng Công Chúa Ngọc Vạn tên CÔ CHÍNH XINH nên vị Quốc Vương ấy mới đặt cho miền Nam và Pháp gọi là Cochinchine” (tr.10). Tác giả không cho biết “tài liệu Cao Mên” là tài liệu nào, nhưng chúng ta có thể phát hiện ngay lập tức là nó không phù hợp với những sự kiện lịch sử. Theo A. Leclère (1914, tr. 339), cuộc hôn nhân xảy ra vào năm 1620, còn cái tên Chinacochim hay Cochinchina xuất hiện từ đầu thế kỷ XVI, và đến năm 1575, học giả người Pháp A. Thevet là người đầu tiên chuyển sang tiếng Pháp là Cochinchine, lúc ấy được dùng để chỉ cả nước Đại Việt. Chỉ từ năm 1861 người Pháp mới dùng chữ Cochinchine để chỉ sáu tỉnh Nam kỳ. Vì vậy chúng ta có thể phán đoán mà không sợ nhầm lẫn đó là những lời truyền miệng được ai đó ghi lại, một loại từ nguyên học dân gian chỉ dựa trên sự gần giống nhau của tên gọi thuộc hai ngôn ngữ khác nhau, để gán bừa cho nguồn gốc của một từ ngữ nào đó.

Giả thuyết 12: gọi theo tên cửa sông Cổ Chiên

Trên Wikipedia có mục từ “Nam Kỳ”(8) đề cập đến nguồn gốc chữ Cochinchine, có trích dẫn một tài liệu của Lý Đăng Thạnh tên là Lịch sử Đông Dương tập 7 – Nước Việt thời Nam – Bắc phân tranh ghi là xuất bản năm 1994. Mục từ này không cung cấp thêm chi tiết nào nữa về tài liệu trích dẫn này, và trên Google thì cũng không có bất cứ thông tin nào có liên quan đến sách này. Điều này có nghĩa là quyển sách nói trên chưa hề được nhà xuất bản nào công bố chính thức trong cộng đồng; có thể đó chỉ là tài liệu do cá nhân tự in ấn và phổ biến cho bạn bè mà thôi. Tuy nhiên, vì bài viết có nêu ra một giả thuyết mới về nguồn gốc chữ Cochinchine, nên chúng tôi vẫn cứ liệt kê ra đây để độc giả tham khảo, mà không câu nệ về nguồn gốc không rõ ràng của quyển sách nói trên.

“Theo Lý Đăng Thạnh, trong ‘Lịch sử Đông Dương tập 7 – Nước Việt thời Nam – Bắc phân tranh’ (1994), thì tên gọi Cochinchine bao gồm hai từ tố là ‘Cochin’ và ‘Chine’. Trong đó, ‘Cochin’ có nguồn gốc từ tên gọi sông Koh Chin (កោះជីន), là một đoạn sông của Thủy Chân Lạp thuộc hệ thống sông Mekong (sông Cửu Long), chảy qua nhiều cù lao (đảo nhỏ trong châu thổ) từ địa phận thành phố Vĩnh Long ngày nay, qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, rồi đổ ra biển Đông tại Cửa Koh Chin. Các nhà thám hiểm hàng hải châu Âu vào thế kỷ XV [sic!] khi đến vùng đất đồng bằng sông Cửu Long để mua nước ngọt và lương thực, thực phẩm, có thể đã lấy tên cửa sông Koh Chin và sông Koh Chin của dải đất có cư dân đông đúc nhất đồng bằng sông Cửu Long thời ấy để gọi tên chung cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long là: Vùng Cochin. Do sợ nhầm với thành phố cảng Ấn Độ Cochin, nên người phương Tây thêm hậu tố chine vào thành Cochinchine.”

Khi xây dựng giả thuyết này, chắc chắn là tác giả không hề biết rằng đầu tiên tên gọi Cochinchine đã được dùng không phải để chỉ vùng đồng bằng sông Cửu Long như đã nói bên trên. Hơn nữa, chẳng những tác giả không đưa ra chứng cứ nào để chứng minh Cochin chính là Koh Chin, mà còn suy diễn bất chấp tài liệu lịch sử: ngay từ thế kỷ XVI, nhiều tài liệu cho biết rằng người phương Tây gọi sông Cửu Long là sông Mecon (J. Barros 1563, F. Belle-Forest, A. Thevet 1575) hoặc sông Mecom (L. Camões 1572), hoặc sông Camboja (Linschoten 1595). Các bản đồ trong thế kỷ XVI như của Giacomo Gastaldi vẽ năm 1561 hay Gérard de Jode năm 1578 ghi tại vị trí Biển Hồ là Lago Camboja (Hồ Camboja), tại vùng cửa sông là Capo de Camboia (mũi Camboia). Các bản đồ thế kỷ XVIII như của Covens & Mortier (1760), R. Bonne (1770), Laurie Whittle (1802) vẫn còn ghi Riv. de Camboja (sông Camboja) hoặc Camboge. Qua thế kỷ XIX, bản đồ của Ambroise Tardieu năm 1819 vẫn còn ghi Bouches du fleuve de Camboge (các cửa sông Camboge), với 7 cửa nhưng chỉ ghi tên 2 cửa là Bassak và Canal d’Orient (kênh Đông). Còn bản đồ của John Walker tên Map of the Kingdoms of Siam and Cochin China vẽ năm 1828 nhằm minh họa cho quyển Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China của Crawfurd mới có tên khá đầy đủ các cửa sông Cửu Long (từ dưới lên): Cua Bassac, Cua tchavan, Cua Cotchiene, Cua Milong eu Bay Ngau, Cua Baray, tương ứng với các tên Cửa Ba Thắc, Cửa Cha Vang, Cửa Cổ Chiên, Bãi Ngao, Ba Ray trong An Nam họa đồ của Taberd vẽ năm 1838.

Kết luận

Việc có nhiều giả thuyết về một vấn đề chưa sáng tỏ là chuyện bình thường, vì trong hành trình tìm kiếm sự thật, loài người luôn cố gắng dựa vào những manh mối dù nhỏ nhất để phát hiện những điều còn ẩn chứa bên trong. Nhưng chỉ có giả thuyết nào đứng vững được qua nhiều lần kiểm chứng, đối chiếu trên nhiều khía cạnh thì mới trở thành chân lý, còn những giả thuyết tùy tiện sẽ nhanh chóng bị thải loại. Như chúng tôi đã trình bày bên trên, đa số các giả thuyết về nguồn gốc tên gọi Cochinchine chỉ đưa ra ý kiến cá nhân cùng với lý lẽ sơ sài mang tính chất phỏng đoán chứ không có minh chứng để lập luận của mình được vững chắc. Thậm chí có những ý kiến mang tính chất “từ nguyên bình dân” cố gán ghép giữa hai từ ngữ có hình dạng gần nhau để giải thích nguồn gốc địa danh như ta thường thấy. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến được xây dựng chặt chẽ, dựa trên nhiều bằng chứng đa dạng, phong phú, được các nhà nghiên cứu chuyên sâu tán thành, nhưng vẫn chưa thuyết phục được công chúng rộng rãi. Đó là trường hợp của giả thuyết Aurousseau, mà chúng tôi sẽ đề cập tỉ mỉ hơn trong bài viết sắp tới.

(Bài đã đăng trong tạp chí Xưa & Nay số tháng 11 năm 2021)


Tài liệu trích dẫn

Aurousseau L. 1924. Sur le nom de Cochinchine. Trong tạp chí Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, số 24.

Aymonier E. 1893. The History of Tchampa. Trong tạp chí The Imperial and Asiatic Quarterly Review, Số 6 tháng 7 & 10 năm 1893.

Borri C. 1631. Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Giesù al Regno della Cocincina. Roma.

Braddell T. 1851. Abstract of the Sijara Malayu, or Malayan Annals, with notes. Trong tạp chí The Journal of the Indian Archipelago and Eastern Asia, tập 5. Singapore.

Crawfurd J., 1856. A Descriptive Dictionary of Indian Islands & Adjacent Countries. London: Bradbury & Evans.

Ferreira M. 1700. Noticias summarias das perseguições da missam de Cochinchina. Lisboa: Migvel Manescal.

Godinho de Eredia M., 1882. Malaca, l’Inde méridionale et le Cathay (do L. Janssen dịch sang tiếng Pháp). Bruxelles: Librairie Muquardt.

Gosselin C. 1904. L’Empire d’Annam. Paris: Librairie Académique Didier.

Launay A. 1884. Histoire ancienne et moderne de l’Annam. Paris: Challamel Aîné Libraire-Editeur.

Lê Hương, 1971. Việt kiều ở Kampuchea. Sài Gòn: Trí Đăng.

Leclère A., 1914. Histoire du Cambodge. Paris: Librairie Paul Geuthner.

Luro E. 1878. Le Pays d’Annam: Etude sur l’organisation politique et sociale des Annamites. Paris: Ernest Leroux Editeur.

Malte-Brun 1827. Universal Geography or a Description of all the parts of the World, Vol. 2. Philadelphia: Anthony Finley.

Morelet A. 1864 (dịch và giới thiệu). Journal de Gasco da Gama. Lyon: Imprimerie de Louis Perrin.

Pelliot P. 1903. Le Fou-nan. Trong tạp chí Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, số 3.

Phạm Văn Sơn, 1959. Việt sử tân biên, Quyển 3. Sài Gòn: Cơ sở xuất bản Đại Nam.

Rhodes A. de, 1651. Histoire dv Royavme de Tvnqvin. Lyon: Chez Iean Baptiste Devenet.

Schreiner A. 1906. Abrégé de l’histoire d’Annam. Saigon: Chez l’auteur.

Taberd J.-L., 1837. Note on the Geography of Cochin China. Trong tạp chí Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI. Calcutta.

Taylor I., 1896. Names and their histories alphabetically arranged as a handbook of historical geography and topographical nomenclature. London: Rivington, Percival & Co.

Yule H. & Burnell A.C. 1886. Hobson-Jobson: A glossary of colloquial Anglo-Indian words and phrases, and of kindred terms, etymological, historical, geographical and discursive. London: J. Murray.

Chú thích:

(1) Các tài liệu tiếng Anh ngày nay thường viết Cochin-China, Cochin China, hoặc Cochinchina, còn các dạng chính tả sơ khai ban đầu thì rất nhiều. Để bài viết không rườm rà, khi không cần phải đi sâu vào chi tiết, chúng tôi sẽ chỉ viết Cochinchine hoặc Cochinchina thay vì liệt kê tất cả các dạng chính tả khác.

(2) Khi dịch từ nguyên văn tiếng Ý sang tiếng Pháp, linh mục Antoine de la Croix chuyển thành Cochinchine.

(3) Nhiều người phương Tây thời ấy nhầm lẫn ở chi tiết này, ngay cả những người biết chữ An Nam có nghĩa là “phương Nam an bình”. Nguyên nhân là nước An Nam nằm ở phía Nam so với nước Trung Hoa, nhưng lại ở phía Tây – Tây Nam so với Quảng Đông, Macao, là trung tâm giao lưu quốc tế thời bấy giờ.

(4) Như trong tên gọi của bức tranh 朱印船交趾渡航図巻 Shuin-sen Kochi toko zukan (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển) hoặc 交趾国貿易渡海図 Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của 茶屋新六 Chaya Shinroku.

(5) Theo chú thích của ban biên tập, bài viết bằng tiếng Pháp gây khó khăn không ít cho việc in ấn, nên đã dịch sang tiếng Anh để thuận tiện hơn.

(6) Chúng tôi đã có bài viết trong Xưa & Nay tháng 10/2021 chỉ ra nhiều khiếm khuyết trong lập luận của Vu Dinh Dinh.

(7) Chúng tôi chưa tìm ra Trương Minh Ký đã nói như thế trong tài liệu nào.

(8) Bài viết tại địa chỉ https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_K%E1%BB%B3, tham khảo lần cuối cùng ngày 26/5/2021.

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2021/12/08/nhung-gia-thuyet-ve-nguon-goc-ten-goi-cochinchine/


Wednesday 15 December 2021

Tây viết hay Việt viết?

 


Báo chí bây giờ thượng vàng hạ cám. Đây là cám:

Người đàn ông đã bị kéo khỏi xe bởi những người đi đường và đưa đến bệnh viện với vết thương nhẹ ở chân và đầu, Seven News đưa tin.
(Adelaide Tuần Báo số 972 ra ngày 25 tháng 3 năm 2021, trang 14)

Còn đây mới là vàng:
Người đàn ông được những người đi đường kéo ra khỏi xe. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện với vết thương nhẹ ở đầu và chân (Seven News).

 

Muốn viết báo phải học cách viết câu trước đã.

 



 

Tuesday 14 December 2021

'Vụ án gián điệp' 35 năm trước: Cụ già 101 tuổi kêu oan (Phạm Xuân Dũng & Trần Tuấn - Tiền Phong)

 

'Vụ án gián điệp' 35 năm trước: Cụ già 101 tuổi kêu oan

Ông Nguyễn Thúc Tuân.
Ông Nguyễn Thúc Tuân.
TP - Ông Nguyễn Thúc Tuân (sinh năm 1914, hiện sống ở thành phố Huế) đã kêu oan suốt mấy mươi năm nhưng hầu như vô vọng. Tội danh “gián điệp” CIA của Mỹ “chui sâu, leo cao” nặng như đá núi đeo đẳng ông Tuân cùng với cả gia đình qua bao nhiêu năm tháng.

Bài 1: Phiên tòa không nhân chứng

Ngày 11/12/1980, tại hội trường Ba Đình, trong phiên họp toàn thể của Quốc hội, các đại biểu được nghe báo cáo về một vụ án gián điệp gây rúng động cả nước, mà tội phạm là một đại biểu Quốc hội, một đảng viên, cán bộ cách mạng lâu năm, Trưởng ty Thể dục Thể thao tỉnh Bình Trị Thiên. Người đó tên là Nguyễn Thúc Tuân, “can tội gián điệp, đã bị tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên kết án 18 năm tù. Vì vậy, đương nhiên Nguyễn Thúc Tuân mất tư cách đại biểu Quốc hội” (theo biên bản ngày 11/12/1980, tài liệu lưu trữ của Quốc hội khóa 6, kỳ họp thứ VII).

Từ đó đến nay đã hơn 35 năm, ông Nguyễn Thúc Tuân vẫn nhất mực kêu oan.

'Vụ án gián điệp' 35 năm trước: Cụ già 101 tuổi kêu oan ảnh 1 Bức thư ông Tư Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế , cấp trên ông Tuân, đề nghị minh oan cho ông Tuân.

Kể sao hết cay đắng cuộc đời

Theo bản án ngày 22/1/1980 về vụ án “Nguyễn Thúc can tội gián điệp” của phiên tòa sơ thẩm TAND tỉnh Bình Trị Thiên: Bị cáo sinh năm 1914, quê quán thôn Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Bình Trị Thiên, trú quán TP Huế. Nguyễn Thúc Tuân vốn là cán bộ Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp, sau 1954 tiếp tục hoạt động bí mật trong vùng hậu địch ở địa bàn Thừa Thiên-Huế. 

Năm 1958 chế độ Ngô Đình Diệm mở đợt bắt bớ nhằm ngăn chặn phong trào cách mạng, trong đó có những người kháng chiến cũ từng tham gia Việt Minh trước 1954. Nguyễn Thúc Tuân bị cảnh sát chế độ Ngô Đình Diệm bắt giam. Bản án nói rằng dù chưa bị tra tấn nhưng Nguyễn Thúc Tuân đã  khai báo và hợp tác với địch trở thành nội gián trong hàng ngũ cách mạng, làm điệp viên nhị trùng, chui sâu leo cao, đánh phá cách mạng.

Bản án còn nói thêm: “Ngoài việc khai cho địch những bí mật của cách mạng, bị cáo Tuân đã giúp cho chúng tìm cách đối phó, y còn thường xuyên theo dõi, thu thập, cung cấp nhiều tin tức tình báo về những hoạt động chính trị của những cá nhân, tổ chức xã hội đối lập với Mỹ-ngụy như học sinh, sinh viên, hướng đạo sinh, Phật giáov.v… đã cho chúng tìm cách đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng yêu nước… 

Trong quá trình khai báo cũng như tại phiên tòa hôm nay, Nguyễn Thúc Tuân có những điểm nhìn biện bạch cho mình. Y thừa nhận có đầu hàng, khai báo, nhận một số nhiệm vụ do địch giao giai đoạn đầu, còn về sau thì không liên hệ với chúng nữa và đã thực sự trở về với đội ngũ cách mạng… và nói chung y tự cho mình là người có công nhiều hơn có tội”.

Phiên tòa không hề có nhân chứng các bên, không có những người từng là cấp trên hoặc đồng chí đồng đội của ông Tuân (đã được cơ quan chức năng liên hệ làm việc để làm rõ nội dung liên quan đến vụ án này). Ông Tuân cũng không có luật sư bào chữa.

“Mẹ tôi kiên cường sống qua những năm tháng khổ đau, tồi tệ nhất. Còn chúng tôi thì không kể hết những cay đắng cuộc đời khi ba tôi lâm vào vòng lao lý”.  Nguyễn Thị Tầm Dương, con gái ông Tuân nói.

Kết thúc, phiên tòa sơ thẩm tuyên Nguyễn Thúc Tuân phạm tội “gián điệp” và phạt 18 năm tù giam. Sáu năm sau, ngày 16/11/1986, ông Tuân được ra khỏi trại cải tạo. Đến ngày 29/11/2001, Chánh án TAND Thừa Thiên-Huế ra quyết định (số 02/QĐ/XA) “xóa án” cho ông Nguyễn Thúc Tuân. Đây là hình thức xóa án tích của tòa án, căn cứ Điều 63, 65 Bộ luật hình sự (1999), và Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự.  

Đến nhà ông Nguyễn Thúc Tuân những ngày này, sẽ thấy một ông lão nhỏ nhắn đã ngoài trăm tuổi, người bị buộc tội làm gián điệp CIA, phản bội cách mạng. Ông còn khá minh mẫn, nói trong đau xót: “Tôi bị oan, hãy giúp tôi minh oan”.  Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thuyền, một cơ sở cách mạng trung kiên, cựu tù chính trị Côn Đảo đang dưỡng bệnh. Trên bàn thờ, di ảnh con trai ông, liệt sĩ Nguyễn Thúc Lư như đang nhìn xuống những người đang sống. 

Chưa kể em ruột, cháu ruột, cháu dâu của ông đều tham gia cách mạng, có người là liệt sĩ. Bà Nguyễn Thị Tầm Dương, con gái ông Tuân nói trong tiếng thở dài: “Mẹ tôi kiên cường sống qua những năm tháng khổ đau, tồi tệ nhất. Còn chúng tôi thì không kể hết những cay đắng cuộc đời khi ba tôi lâm vào vòng lao lý”.

'Vụ án gián điệp' 35 năm trước: Cụ già 101 tuổi kêu oan ảnh 2 Vợ ông Tuân, bà Nguyễn Thị Thuyền - cựu tù chính trị Côn Đảo, dù bệnh tật vẫn gắng chờ ngày chồng được giải tiếng oan.

Không phải người của địch

Tường trình với cơ quan điều tra, ông Nguyễn Thúc Tuân khẳng định việc ông viết cam kết làm việc cho địch chỉ là một thủ tục để sớm thoát ra khỏi nhà tù của địch mà thôi. Sau khi ra tù, ông đã trở lại hoạt động cách mạng và được tổ chức móc nối với phong trào đô thị Huế, vào năm 1965. Ông làm nhiệm vụ giao liên đưa đón cán bộ lãnh đạo ra vào hoạt động nội thành, tham gia khuôn hội Phật giáo… 

Lãnh đạo trực tiếp của ông Tuân giai đoạn này là ông Nguyễn Hữu Hường (thường gọi là Hường Thọ), cán bộ Thành ủy Huế. Ông Tuân cam đoan chưa hề làm điều gì có hại cho cách mạng và nhân dân. Trong đơn kêu oan, ông nói rằng có thể kiểm chứng điều này từ những người từng là cấp trên hoặc đồng chí, đồng đội biết rõ ông như ông Lê Minh, ông Hường Thọ, ông Lê Phương Thảo, ông Nguyễn Đắc Xuân… Những điều này ông cũng đã nói rõ trước tòa.

Ông Lê Minh (còn có tên Lê Tư Minh), người lãnh đạo trực tiếp của ông Tuân trong nhiều năm, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên thời kỳ 1945-1950, Bí thư Thành ủy Huế 1954-1973; sau ngày thống nhất, ông là Phó trưởng ban Nông nghiệp trung ương cho đến khi nghỉ hưu 1978. Ông Minh đã viết tờ xác nhận ông Tuân là cơ sở cách mạng, không phải là nội gián của địch. 

Trong lá thư ngày 19/10/1988 gửi cho ông Tuân, ông Tư Minh cũng nói rõ: “Tôi đã nhận được thư anh do anh Hường chuyển, nói về việc kêu oan về vụ án của anh. Theo tôi thấy thì anh nên viết tờ trình kiện lên Tỉnh ủy, Quốc hội và Viện kiểm sát tỉnh, gởi cho tất cả những nơi cần gởi. Tôi hứa với anh là một trong những người làm chứng anh không phải là người của địch mà là của ta. Chú ý trong tờ trình anh viết, có thể viết cả tên tôi và anh Hường Thọ là người biết sự việc. Mọi công việc anh làm trong tờ trình phải nói rất thật, kể cả việc anh đã hứa với địch mà không làm cho nó, mục đích chỉ để thoát khỏi nhà lao”.

Monday 13 December 2021

Vạch trần “những con cờ đen”: Bắt tên nội gián Nguyễn Thúc Tuân (Khổng Hà - Công An Nhân Dân)

 

Vạch trần “những con cờ đen”: Bắt tên nội gián Nguyễn Thúc Tuân

14:15 28/08/2015
Từ kết quả phong trào quần chúng Bảo vệ an ninh Tổ quốc, đầu năm 1977, Công an Bình Trị Thiên nhận được một số thông tin về hoạt động mờ ám của một cán bộ đầu ngành trong tỉnh - một người từng hoạt động Cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V, trở thành kẻ đầu hàng, phản bội, làm tay sai cho địch. Đó là Nguyễn Thúc Tuân (từ đây gọi tắt là T.), vào thời điểm đó đang giữ chức vụ Trưởng ty Thể dục Thể thao, đại biểu Quốc hội khóa IV.

Khẩn trương khai thác hồ sơ địch để lại và số đối tượng bị bắt kết hợp với công tác trinh sát nghiệp vụ, các đơn vị chức năng tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), mà chủ yếu là lực lượng Công an, đã từng bước làm rõ về kẻ phản bội, tên nội gián nguy hiểm này.

Từ năm 1955, ngay sau khi thiết lập tổ chức mang tên Đoàn công tác đặc biệt miền Trung (ĐCTĐBMT), Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương sử dụng một số cán bộ của ta bị bắt nhằm âm mưu tiếp tục chống phá Cách mạng. Trong số đầu hàng phản bội có Lê Văn Tu, tức Hoàng Nguyên, đã khai báo chi tiết về T., cán bộ hoạt động tình báo Liên khu V trong phong trào hướng đạo tại Thừa Thiên Huế. ĐCTĐBMT đã cho nhận diện và bố trí giám sát mọi quan hệ, hoạt động của T..

Ngày 2//958, chúng đã bố trí bắt T. tại nhà thuốc Ngọc Diệp trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế. Trưởng Cơ quan Đặc biệt Huế Lê Văn Dư cùng hai phụ tá là Lê Khắc Lự và Lê Phước Thưởng (đều là cán bộ Cách mạng đã đầu hàng, phản bội) liên tục thẩm vấn T.. T. đã khai báo hoạt động của mình và nhận công tác với địch chống lại Cách mạng.

Sinh ngày 1//914 tại Thừa Thiên Huế, T. xuất thân trong một gia đình quan lại Nam Triều (cũ), tham gia Cách mạng và được vào Đảng Cộng sản. Từ tháng 8/1945, hoạt động trong cơ quan tình báo Liên khu V tại Huế. Đã được Cách mạng cho dự học các lớp chính trị, nghiệp vụ. Nội dung thể hiện trong các tài liệu lưu trữ cho thấy T. đã khai chi tiết toàn bộ hệ thống tổ chức của Ủy ban Kháng chiến Liên khu V, số lượng và tình hình đảng viên trong chi bộ, cấp ủy và các cơ quan khác mà y biết. Đặc biệt nghiêm trọng là T. đã khai toàn bộ kế hoạch tình báo của Liên khu V giao cho y thực hiện, gồm nhiệm vụ, ý đồ chiến lược, thời gian tiến hành và nội dung, phương châm, phương pháp hoạt động trong lòng địch.

T. khai báo tỉ mỉ về các đường dây, cán bộ làm giao liên trong tổ chức và các cơ sở nội tuyến của ta ở Huế. Trong đó có đồng chí Phan Mạnh Lương, cán bộ tình báo được phái từ Hà Nội vào hoạt động tại Huế từ năm 1954 và đang làm việc tại Liên vụ Thông tin Hoa Kỳ (USIS). T. còn chỉ điểm cho địch biết một số cán bộ của ta được phái vào hoạt động tình báo ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang…

Từ tin tức khai báo và qua một số thử thách ban đầu, địch đã kết luận: T. "thành khẩn và chuyển hướng tốt", đủ khả năng để chúng thực hiện ý đồ chiến lược "đánh" vào nội bộ "Cộng sản". Theo đó, T. được ĐCTĐBMT xác lập hồ sơ theo đúng thủ tục một mật báo viên quan trọng.

Tháng 2/1958, T. nhận nhiệm vụ của địch và rời trại giam Tòa khâm dưới hình thức "phóng thích", trở lại bình phong hành nghề tại hiệu thuốc Ngọc Diệp và hoạt động trong phong trào hướng đạo của Huế. Mọi hoạt động của T. đều đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của các tên Dư, Thưởng, Lự. Do tạo được vỏ bọc hợp pháp và với kinh nghiệm nghề nghiệp đã được trang bị nên T. nhanh chóng gây được ảnh hưởng và uy tín đối với cán bộ cấp trên cũng như trong phong trào của quần chúng Cách mạng.

Cảnh giác với âm mưu của địch và do chủ trương sách lược của ta trong giai đoạn đó nên việc T. tự tìm bắt liên lạc với cán bộ cơ sở của ta đang hoạt động nội thành không thực hiện được. Vì vậy, một mặt T. phải trường kỳ mai phục, chờ thời cơ, đồng thời thực hiện chỉ đạo của địch đi sâu vào tổ chức hướng đạo Huế nắm tình hình các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, nắm xu hướng và tư tưởng của một số trí thức có tên tuổi. T. coi đây là một thử thách nên đã hăng hái hoạt động và đã cung cấp cho địch nhiều tin tức quan trọng để chúng sử dụng đàn áp phong trào Cách mạng, lùng bắt cán bộ, gây nhiều tổn thất cho ta. Mặt khác chúng còn chú ý tạo điều kiện để T. được tiếp xúc với nhiều sĩ quan Mỹ, ngụy để học tập và củng cố tư tưởng chống phá Cách mạng.

Cuối năm 1965, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh và sự mất cảnh giác của ta, T. đã móc nối được với đường dây liên lạc của tổ chức Đảng tại thành nội Huế và trở thành cán bộ của đường dây này. Ngay lập tức, T. thông báo cho Lê Văn Trốn (mới được địch bố trí trực tiếp điều khiển T.) và báo công luôn bằng một số tin tức ban đầu về tình hình đường dây này mà y nắm được. Cũng từ đó, một số chủ trương và chỉ đạo kế hoạch đấu tranh của phong trào Cách mạng đã gặp nhiều khó khăn, có lúc bị tổn thất nặng.

Các chiến sĩ An ninh đang thu thập tài liệu của địch tại chi khu quân sự Gio Linh - Quảng trị, năm 1972. Ảnh: Tư liệu.

Tháng 6/1967, Cố vấn Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Hayes từ Sài Gòn ra Thừa Thiên Huế chỉ đạo Ty Cảnh sát Quốc gia nhanh chóng thành lập toán tình báo đặc biệt, lấy bí số là T115, do Trốn làm trưởng toán và T. trở thành một trong 10 đầu mối tình báo viên của toán này. T. được giao nhiệm vụ xâm nhập nội bộ các tổ chức Cách mạng dưới sự điều khiển trực tiếp của cố vấn Mỹ và Trốn, có quy ước liên lạc riêng. Kể từ đây, T. vừa làm việc cho CIA (thông qua T115), vừa làm việc cho cơ quan Cảnh sát Đặc biệt ngụy.

Tuy vậy, ĐCTĐBMT vẫn nuôi ý đồ tình báo chiến lược là đưa T. chui vào đơn vị hoạt động bí mật của ta. Năm 1968, T. được đưa ra khu căn cứ Cách mạng để tham gia thành viên của liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ Huế. Kẻ địch xác định đây là cơ hội để T. trở thành con bài dự trữ nằm trong các ý đồ hậu chiến của chúng sau này. Tháng 9/1968, khi đã được ra Bắc an dưỡng và học tập, T. vẫn tìm mọi cách để ngấm ngầm tạo dựng vỏ bọc kín đáo hơn chờ cơ hội leo cao, chui sâu.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, T. trở lại Huế và được giao chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân Cách mạng kiêm Trưởng phòng Thể dục Thể thao Thừa Thiên. Ở cương vị công tác mới, T. càng có điều kiện "đánh bóng" mình, tạo uy tín để củng cố địa vị.

Khi chính thức trở thành đại biểu Quốc hội thống nhất (Khóa VI) và được giao chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng ty và Phó bí thư Chi bộ Ty Thể dục Thể thao (thời đó đảng viên còn ít, nhiều cơ quan cấp sở, ty chưa đủ yếu tố thành lập Đảng bộ), T. đã lợi dụng quyền hành để thực hiện một số hoạt động che giấu tội ác quá khứ của bản thân và âm mưu lôi kéo tụ tập tay chân bằng cách chứng nhận lý lịch "có hoạt động Cách mạng" cho một số phần tử địch trước đây để đưa chúng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể Cách mạng…

Sau khi dựng lại quá trình phản bội của T. thông qua các nguồn tài liệu và thẩm tra các đầu mối T. đang củng cố, Cơ quan an ninh đã tập hợp báo cáo kịp thời lên Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 31/8/1978, Công an Bình Trị Thiên (cũ) thực hiện chỉ đạo của Bộ đã thi hành Quyết định số 312/NQ/QH6 ngày 25/8/1978 của Quốc hội, bắt khẩn cấp Nguyễn Thúc T. và công khai mở cuộc điều tra.

Trước những chứng cứ, tài liệu xác đáng, T. đã phải khai báo toàn bộ quá trình làm tay sai cho địch. Ngày 27/4/1980, tại Huế, Tòa án nhân dân mở phiên tòa công khai xét xử Nguyễn Thúc T. can tội làm gián điệp cho Mỹ - ngụy, và phạm tội gián điệp (Điều 5 pháp lệnh trừng trị các tội phản Cách mạng). Trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân, Tòa tuyên phạt T. mức án 18 năm tù giam. Đồng bọn của y cũng lần lượt bị bắt và bị xử phạt thích đáng.

Khám phá, triệt tiêu đầu mối nội gián Nguyễn Thúc T. đã góp phần vô hiệu hóa một mũi trong kế hoạch tình báo chiến lược sau chiến tranh của địch. Đó là một chiến công lớn của quân và dân Bình Trị Thiên mà Lực lượng Công an là nòng cốt. Sự kiện trên cũng là bài học xương máu về tinh thần cảnh giác cách mạng trong mọi tình huống - thời chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước. Nếu không, sẽ khó tránh khỏi hậu quả khôn lường.

* Theo lời kể của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Bảy - tự Bảy Khiêm

Khổng Hà
https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Bai-cuoi-Bat-ten-noi-gian-Nguyen-Truc-Tuan-i362394/