Friday 15 April 2022

Chơi chữ tài tình trong Procès de la colonisation française

 

Tiếng Pháp có từ chinoiserie, vốn dùng để chỉ những thứ có mùi Tàu. Từ này dùng ở số nhiều (chinoiseries) chỉ hàng mỹ nghệ của Trung Quốc nói chung: magasin de chinoiseries (cửa hàng mỹ nghệ Trung Hoa), cũng có thể dùng để chỉ những chuyện rất ư là phiền toái, rắc rối, không giống ai... vì người Pháp vẫn nghĩ “Tàu là thế”.
Dựa vào từ chinoiserie Nguyễn Ái Quốc đã tạo ra từ indochinoiserie để chỉ một sự hết sức vớ vẩn chỉ có ở Đông Dương:
Vous diriez peut­être que c'est une vaste indochinoiserie que de faire gouverner un pays par un homme qui n'y entend rien.
Bản dịch của nhà xuất bản Sự Thật (1975):
Có lẽ các bạn cho rằng đưa một người không hiểu gì về Đông Dương đến nắm vận mệnh Đông Dương thì thật là một trò hề lớn kiểu Đông Dương chứ gì.

Thursday 14 April 2022

Công sứ Darles chưa bao giờ bán cháo

 

Bản án chế độ thực dân Pháp có ít nhất hai lần gọi công sứ Darles là anh hàng cháo:

Cái ông Đáclơ ấy quả là một nhà cai trị có tài. Khoa cai trị của ông ta, ông ta đã học được ở khu phố latinh khi ông còn là một anh hàng cháo.
(Ce M. Darles est un administrateur de valeur. Il a acquis sa science politique au Quartier latin, où il fut marchand de soupe.)
...
Chễm chệ đứng đầu một tỉnh có hàng vạn dân, và được giao cho quyền hành tuyệt đối, ông ta vừa là tỉnh trưởng, vừa là thị trưởng, vừa là quan toà, vừa là mõ toà, vừa là người đốc thuế; tóm lại, ông ta nắm trong tay tất cả mọi quyền hành: Toà án, thuế khoá, điền thổ, tính mạng và tài sản của người bản xứ, quyền lợi của viên chức, việc bầu cử lý trưởng và chánh tổng, tức là vận mạng của cả một tỉnh được đặt vào tay cái anh hàng cháo ngày xưa ấy.
(Confortablement mis à la tête d'une province de plusieurs milliers d'habitants et investi d'un pouvoir sans contrôle, il est préfet, maire, juge, huissier, garnisaire, en un mot, il cumule tous les pouvoirs. Justice, impôt, propriété, vies et biens, des indigènes, droits des fonctionnaires, élections des maires et chefs de canton, c'est­à­dire la destinée d'une province entière est confiée aux mains de cet ancien popotier.)
Bản dịch này có chỗ không ổn.
Trước hết, cháothức ăn lỏng nấu bằng gạo hay bằng bột (Văn Tân, 1994:144) và thường thì nói tới cháo là người Việt nghĩ ngay tới gạo (Lê Văn Đức et al., 1970a:264). Nhưng người Việt thường dùng gạo để nấu thành cơm, ít khi nấu cháo. Bữa ăn trong tiếng Việt còn được gọi là bữa cơm. Ăn cháo là chuyện vạn bất đắc dĩ. Người Việt không ăn cháo nếu không đau ốm hoặc không quá túng thiếu.
Nhưng ở Pháp người ta không mấy khi ăn cơm. Bây giờ vẫn thế. Cách đây một thế kỷ chỉ nhà giàu mới rùng rẻng bạc tiền đi ăn cơm Tàu. Ăn được một bát cháo ở trời Tây còn khó hơn. Làm chủ hàng cháo ở khu phố La Tinh đại khái cũng giống như mở nhà hàng 5 sao giữa thành phố Hồ Chí Minh bây giờ.
Các từ marchand de soupepopotier trong bản gốc chỉ nhấn mạnh xuất thân hạ tiện của công sứ Darles, nguyên là một tay bán hàng ăn bình dân. Không việc gì phải đoán xem soupecháo hay xúp, món nào sang trọng (hay hèn kém) hơn món nào. Xúp là một món chủ lực của người Pháp nên từ soupe cũng có nghĩa là bữa ăn, không khác gì người Việt gọi bữa ănbữa cơm.
Theo cùng nguyên tắc này, người Công Giáo Việt Nam không xin bánh mì khi đọc kinh Lạy Cha:
Xin Cha cho con lương thực hàng ngày dùng đủ.
Pain trong tiếng Pháp (Donnez-nous aujourd'hui notre pain quotidien) panis trong tiếng La Tinh (Panem nostrum supersubstantialem da nobis hodie) có thể là miếng bánh đối với Tây, nhưng là bát cơm của ta. Nó là lương thực, là cái ăn trong mọi trường hợp.

Wednesday 13 April 2022

Bà Rôm là ai?



Lê Đức Dục và Phạm Xuân Dũng giải thích nguồn gốc địa danh đồn điền Bà Rôm / Mụ Rôm như sau:

Đường 9 hoàn thành, công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp cũng đã được cấp thời tiến hành với hàng loạt đồn điền mọc lên dọc đường 9 như đồn điền cà phê của một bà đầm người Pháp tên Camerom mà dân quen gọi là đồn điền “Bà Rôm” (nay thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa), các đồn điền mang tên các ông chủ Tây như Poilan, Lavan, Pecada, Alain, Auperi...

(Đường 9 - dâu bể trăm năm - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

Xem giấy tờ của Phòng Nông Phố Trung Kỳ (Chambre Mixte d’Agriculture et de Commer de l’Annam) thấy Bà Rôm chính là Mme Rome. Tên đầy đủ của bà là Marie Rome. Có tên ông Rome, thường là bên trên tên bà, trong các danh sách của Phòng Nông Phố Trung Kỳ.

Tạp chí Journal d’Agriculture et de Botanique Appliquée (Nông Nghiệp và Thực Vật Học Ứng Dụng) năm 1935, số 167 và số 168 có đăng bài “Aperçu sur la culture du caféier en Indochine française”, trong đó tác giả A. Rome có nhắc đến đồn điền của mình ở vùng cao Quảng Trị (số 168, tr.612: Sur notre plantation du Haut Quang Tri – le Borer se comporte de même au Kontum et dans tout le Sud-Annam – nous avons remarqué que la galerie du Borer avant de s’enfoncer dans l’intérieur de la tige décrivait une ou plusieurs spires presque en surface du tronc sous l’écore). Nhiều khả năng ông A. Rome này chính là chồng của bà Rome.

Monday 11 April 2022

Chris Hedges là ai?

 Hôm 10-04 đại tá Lê Thế Mẫu lên FB trân trọng giới thiệu kênh Tin Tức 24H:

Tham khảo bài luận trên kênh TIN TỨC 24H

Nhà báo người Mỹ từng đoạt giải Pulitzer Chris Hedges vừa có bài luận hùng hồn tố cáo bản chất của chính trị gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, khi họ quy kết tội lỗi cho Tổng thống Nga Putin. Ông Pulitzer Chris cho rằng, việc ông Joe Biden đang “quỷ hoá ông Putin” trong khi chính ông Biden là người cổ súy (sic) cho cuộc chiến tranh xâm lược Liên bang Nam Tư năm 1999 và chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003. Điều đó từng chứng tỏ tư tưởng đạo đức giả của ông Biden. Chris Hedges so sánh, nếu người Ukraine được ông Biden ca ngợi là "những chiến binh kháng chiến anh dũng" thì những người Iraq và Afghanistan đã chiến đấu anh dũng và kiên cường chống lại ngoại bang xâm lược thì sao? Tại sao Mỹ không bị lên án và bị trừng phạt khi họ xâm lược nhiều nước trên thế giới?

 

Vào kênh Tin Tức 24H thì nghe được một đoạn như đại tá đã chép. Đoạn rất dài phía sau, nhảm nhí không kém đoạn phía trước, có vẻ do chính nhà đài sáng tác chứ không phải là ý kiến của Chris Hedges. Tin Tức 24 H không dẫn nguồn.

(https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=S8FgxJh9B8E&feature=youtu.be&fbclid=IwAR0LSsYQz6WcVDLXXv1UfzEJoEpg33hm3J6riNrpTA5hA5gmZTiaclM11rA)

 

Trong số các bài viết của Chris Hedges về chiến cuộc ở Ukraina, bài sau đây gần giống nhất với nội dung được Tin Tức 24H dẫn:

The branding of Vladimir Putin as a war criminal by Joe Biden, who lobbied for the Iraq war and staunchly supported the 20 years of carnage in the Middle East, is one more example of the hypocritical moral posturing sweeping across the United States. It is unclear how anyone would try Putin for war crimes since Russia, like the United States, does not recognize the jurisdiction of the International Criminal Court in The Hague. But justice is not the point. Politicians like Biden, who do not accept responsibility for our well-documented war crimes, bolster their moral credentials by demonizing their adversaries. They know the chance of Putin facing justice is zero. And they know their chance of facing justice is the same.

(https://scheerpost.com/2022/03/21/hedges-the-lie-of-american-innocence/)

 

Nhưng mà Hedges là ai?

Cách đây hai mươi năm ông ta có chân trong một ê-kíp phóng viên New York Times (trong đó có Hedges) đoạt giải Pulitzer cho thể loại tin giờ chót (Pulitzer Prize for Breaking News Reporting in 2002). Đại tá Mẫu thừa biết đơn vị được phong anh hùng không có nghĩa là mọi chiến sĩ trong đơn vị đó đều có quyền dùng danh hiệu anh hùng. Đại tá Mẫu nhập nhằng thành tích của Hedges vì mục đích gì?

 

Nếu đại tá Mẫu và anh em lực lượng 47 ở Việt Nam thích Hedges đến thế, không có gì là lạ khi Nga lân la tiếp cận dư luận viên có profile hết sức lý tưởng này. Năm 2005 ông xin nghỉ việc sau khi bị New York Times kỷ luật khiển trách. Năm 2020 ông bị Truthdig cho thôi việc sau mười bốn năm liên tục công tác. Đi dạy, đi làm mục sư được một thời gian đến năm 2006 thì ông trở thành người dẫn chương trình On Contact cho đài Russian Today (RT America). Ngày 3 tháng 3 vừa qua RT America bị ngưng hoạt động. Toàn bộ dữ liệu YouTube của chương trình On Contact bị xóa. Ông hết sức bất mãn:

This censorship is about supporting what, as I.F Stone reminded us, governments always do – lie. Challenge the official lie, as I often did, and you will soon become a nonperson on digital media.

(https://scheerpost.com/2022/03/28/hedges-on-being-disappeared/)

Theo Hedges, tự do báo chí rất quan trọng:

“The moment we no longer have a free press, anything can happen,” Hannah Arendt warned. What makes it possible for a totalitarian or any other dictatorship to rule is that people are not informed; how can you have an opinion if you are not informed? If everybody always lies to you, the consequence is not that you believe the lies, but rather that nobody believes anything any longer. This is because lies, by their very nature, have to be changed, and a lying government has constantly to rewrite its own history. On the receiving end you get not only one lie—a lie which you could go on for the rest of your days—but you get a great number of lies, depending on how the political wind blows. And a people that no longer can believe anything cannot make up its mind. It is deprived not only of its capacity to act but also of its capacity to think and to judge. And with such a people you can then do what you please.” 

(https://scheerpost.com/2022/03/28/hedges-on-being-disappeared/)

Có phải Hedges đang nói về nước Nga không? Không. Có vẻ như ông Hedges không biết gì về tự do báo chí ở Nga. Có lẽ ông Hedges cũng chẳng biết gì về tự do báo chí ở Mỹ nên không buồn thắc mắc tại sao bài viết của ông về tự do báo chí lên mạng được.

Thursday 7 April 2022

Lê nin nói chuyện học, học nữa, học mãi trong hoàn cảnh nào?

Ngày 2 tháng 9 năm 1792 Danton ứng khẩu diễn thuyết ở Quốc Hội Lập Pháp trong bối cảnh chiến sự hết sức bi đát. Trước khi kết thúc ông kêu gọi nhân dân và các nghị sĩ cần táo bạo, táo bạo hơn nữa, táo bạo mọi nơi mọi lúc thì mới cứu được nước Pháp (Il nous faut de l’audace, encore de l’audace, toujours de l’audace, et la France est sauvée). Câu nói nổi tiếng của Danton về sau chỉ còn De l’audace, encore de l’audace, toujours de l’audace (dịch sang tiếng Việt là Táo bạo, táo bạo [hơn] nữa, táo bạo mãi) để dùng cho mọi trường hợp cần đến sự táo bạo. Mệnh lệnh thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa của tướng Giáp ngày 7 tháng 4 năm 1975 là một trường hợp như vậy. Có hay không có nữa, có hay không có mãi, đều là phải táo bạo, miễn là có nhắc lại từ táo bạo.

Học trò trường Bưởi mang băng tang đen trên cánh tay kéo nhau ra khỏi trường đi dự lễ truy điệu ở một số chùa ngoại thành. Tôi còn nhớ là mình đã cùng bạn bè hô to khẩu hiệu của Danton thời Cách mạng Pháp: “Táo bạo! Táo bạo nữa! Táo bạo mãi!”.
(https://rosetta.vn/short/2018/10/04/su-hoc-cua-hai-ong-do-xu-nghe-nguyen-xien-va-hoang-xuan-han/)


Lenin đã đánh giá cao khẩu hiệu của đại cách mạng Pháp và muốn cuộc cách mạng vô sản Tháng Mười Nga áp dụng khẩu hiệu đó: Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa.
(https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/sang-tao-va-tan-dung-thoi-co-dua-cuoc-tong-khoi-nghia-toan-dan-den-thang-loi-470795/)

Tiếng Nga có ít nhất ba bản dịch câu nói của Danton:

— нужно дерзать, и еще раз дерзать, дерзать всегда — и Франция будет спасена!
— нужна смелость, смелость и еще раз смелость, и Франция будет спасена !
— нужна смелость, еще смелость, всегда смелость, и Франция будет спасена !

(https://ru.wikiquote.org/wiki/%D0%96%D0%BE%D1%80%D0%B6_%D0%96%D0%B0%D0%BA_%D0%94%D0%B0%D0%BD%D1%82%D0%BE%D0%BD)

Người Nga và người Việt đều không gặp vấn đề gì khi dịch câu nói của Danton .

 

Ngày 06-04-2022 thầy Thiên Lương treo trên tường Facebook của thầy như sau:

Mấy hôm nay có chuyện ồn ào với câu khẩu hiệu "Học, học nữa, học mãi" của Lê Nin. Thầy muốn nói đôi lời thế này.

Thứ nhất là bản dịch tiếng Việt này không chuẩn lắm. Câu của cụ là: учиться, учиться и учиться - dịch nghĩa đen là: học, học và học. Thế thôi chứ cụ không có bảo học nữa học mãi đi. Đương nhiên bản dịch không tệ và không hẳn là sai nhưng không đúng. Câu gốc chỉ muốn nói đến một hành động kéo dài.

Thứ hai là ngay các nhà giáo dục Nga cũng lạm dụng câu này của Lê Nin. Cụ dùng nó trong ngữ cảnh khác. Cụ thể là trong một bài báo năm 1899, cụ viết đại ý là:

"Vào thời kỳ mà giới có học vấn đang đánh mất sự quan tâm đến văn chương trung thực bất hợp pháp thì giữa giai cấp công nhân lại phát triển khát vọng với tri thức và chủ nghĩa xã hội, giữa giai cấp công nhân lại nổi lên những anh hùng thực sự, những người bất chấp hoàn cảnh tệ hại của đời mình, bất chấp công việc khổ sai ngu muội ở nhà máy, vẫn tìm được trong mình biết bao ý chí và sức mạnh tinh thần để học, học và học..."

Vậy nên ý cụ Năm không phải hô khẩu hiệu mà dùng lặp từ ba lần chỉ để nhấn mạnh một hành động thôi. Câu dịch tiếng Việt coi như bị làm sai hai lần. Chính người Nga cũng cố tình tách câu của cụ ra khỏi ngữ cảnh để làm khẩu hiệu.

Dĩ nhiên về bản chất thì câu đó đúng, nhưng không phải vì nó đúng mà bỏ qua bối cảnh được

 

 

Thầy Thiên Lương nói đúng ở chỗ về bản chất thì câu đó đúng, nhưng không phải vì nó đúng mà bỏ qua bối cảnh được, nhưng thầy xác định sai bối cảnh của câu đó. Bối cảnh của câu đó  tác phẩm Thà ít mà tốt của chính Lê-nin, được giới thiệu ngắn gọn ở đây:

 

Tác phẩm Thà ít mà tốt có ý nghĩa thực tiễn cực kỳ quan trọng. Nó trang bị cho những người cộng sản lý luận về xây dựng nhà nước Xô viết đứng vững và phát triển. Thà ít mà tốt là một cống hiến lý luận của Lênin về xây dựng Nhà nước. Nội dung của tác phẩm được Người đọc cho thư ký ghi lại trong nhiều ngày và hoàn thành vào ngày 2-3-1923, công bố trên báo Sự thật số 49 ngày 4-3-1923. 

 

(https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/v-i-lenin/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/tha-it-ma-tot-3154)


Khi
bàn về yêu cầu và điều kiện cải tiến bộ máy Xô Viết, Lê nin viết:

Phải đổi mới thành phần của bộ máy ấy bằng những lực lượng ưu tú của Đảng trong giai cấp công nhân và giới tri thức. Vì thế, để đổi mùi  (sic) bộ máy nhà nước, theo Lênin cần phải: “Một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa...”. 

 

Tiếng Pháp như thế này:

Pour rénover notre appareil d'Etat, nous devons à tout prix nous assigner la tâche que voici : premièrement, nous instruire ; deuxièmement, nous instruire encore ; troisièmement, nous instruire toujours.
(https://www.marxists.org/francais/lenin/works/1923/03/vil19230304.htm)

 

Các cán bộ tuyên truyền cô đặc ý của chính chủ Lê-nin trong Thà ít mà tốt thành учиться, учиться и учиться. Trong bản chính lẫn bản cô đặc đều không có nữa mãi, nhưng người đọc có vốn văn hóa rộng và người dịch có tay nghề vững đều cảm nhận được hiện tượng đa thanh ở câu đó. Chỉ người dịch theo trường phái Google 2022 mới hì hục dịch thành học, học và học rồi hí hửng, hớn hở và hồ hởi. Chỉ giỏi huênh hoang, huênh hoang nữa, huênh hoang mãi.


Không cóp được nguồn, chụp ảnh để lưu.

 

 



 

 

 


(https://forum.wordreference.com/threads/all-slavic-learn-learn-learn.3423886/)

Saturday 15 January 2022

Hồ Thị Kỷ đã hy sinh trong hoàn cảnh nào?

Thượng tướng Trần Văn Trà viết về chiến công của Hồ Thị Kỷ:

Ở thị xã Cà Mau, Hồ Thị Kỷ chỉ huy đội biệt động giấu mìn trong giỏ xách làm nổ tung 3 xe đầy giặc và hy sinh anh dũng.

Quách Thu Nguyệt (2021-1:138)

Căn bản tướng Trà tóm tắt câu chuyện in trong sách Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – tập 2:

Sáng ngày 3 tháng 4 năm 1970, Hồ Thị Kỷ dẫn tổ vào gần mục tiêu thì bọn cảnh sát đang tập trung để hành quân. Trước tình hình địch có sự thay đổi, xét thấy thời cơ diệt địch rất tốt, đồng chí quyết định cho tổ lùi lại, còn mình ôm mìn lao thẳng vào đội hình địch. Mìn nổ, 27 tên cảnh sát khét tiếng gian ác bị tiêu diệt, 3 xe quân sự bị cháy. Hồ Thị Kỷ anh dũng hy sinh. Tinh thần vì nước quên mình của chị đã để lại cho đồng bào, đồng chí sự khâm phục và kính trọng.

Nội dung câu chuyện đó có thể tìm thấy ở nhiều chỗ khác, như ở đây:

Sáng 3/4/1970, chị mang 10kg mìn vào đánh Ty cảnh sát nhưng tình huống diễn ra không như dự định vì địch tập trung ở trước cổng để chuẩn bị hành quân, càn quét. Trước tình huống bất ngờ, các đồng chí chuyển ngay phương án đánh địch trước khi đi chúng gây tội ác.

   Đồng chí Hồ Thị Kỷ xách giỏ có mìn tiến thẳng đến đoàn xe của địch giả bộ làm quen và bất ngờ ấn kíp cho nổ mìn tiêu diệt 18 tên địch, trong đó có một sĩ quan Mỹ, một trung úy và một thiếu úy ngụy; bị thương một đại úy và 9 tên lính khác, phá hủy một xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập một lô cốt, hỏng một mảng tường rào và một góc phòng quân cảnh.

(http://trianlietsi.vn/portal/trang-vang-liet-si/bien-minh-thanh-thuoc-no-quyet-tieu-diet-quan-thu)

Trang này dẫn nguồn là Báo Cà Mau. Nhưng trên Báo Cà Mau không thể tìm được câu chuyện như vậy. Chỉ có một version rất khác được kể hai lần trong cùng dịp kỷ niệm ngày Hồ Thị Kỷ hy sinh:


Người trực tiếp chỉ huy trận đánh là Ðội trưởng Ðội Biệt động Tạ Minh Nghiệp (Tư Bình), người chứng kiến những ngày luyện tập của các chị là chị Hồ Thị Sao, em gái của chị Hồ Thị Kỷ, (hiện đang sinh sống tại phường 7, TP Cà Mau), kể lại: "Trận đánh được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ. Ðội Biệt động nắm được kế hoạch hành quân của lực lượng cảnh sát, phối hợp với lực lượng của quân đội nguỵ, Ðội lập phương án và lựa chọn các chiến sĩ vào các vị trí đánh địch. Ðể trận đánh chắc thắng, đội tổ chức 2 mũi tấn công, mũi chính là mũi của chị Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và Hồ Thuý Nghiêm, đánh từ phía phải (nhìn từ ngoài vào); mũi thứ hai do Tư Tâm, Tư Hoa ( chị ruột của Hồ Thị Kỷ) đi từ phía Rạch Rập, đặt mìn từ phía Chùa Bà đánh qua".

Những ngày chuẩn bị đánh, phải mang giỏ mìn nặng hàng chục ký, cộng với trái cây phủ lên nghi trang, cho nên chị Kỷ đã phải tập xách để nếu nhìn  thì không thấy việc xách chiếc giỏ nặng. Ðịa điểm tập là ở vườn sau nhà Bí thư Chi bộ ấp Cây Khô Châu Văn Trương.

Phương án đánh chính là chị Liên (tổ trưởng) bồng con nhỏ Hồ Thuý Nghiêm cùng đi với chị Kỷ, nếu địch có hỏi thì nói là đi chợ rồi ghé thăm người nhà làm tại Ty Cảnh sát, sau khi đặt giỏ “trái cây” đã hẹn giờ vào vị trí thì trở ra.   

Nhưng vào trận thì tình huống cụ thể đã phát sinh ngoài dự kiến. Khi đến cổng Ty Cảnh sát thì địch đã lên xe, xe đã nổ máy chuẩn bị hành quân. Chị Liên và chị Kỷ đưa mắt cho nhau, như thống nhất hành động. Nhanh như cắt, chị Kỷ điểm hoả quả mìn trong giỏ đệm, một tay đu lên cửa chiếc xe chở đầy lính. Quả mìn hàng chục ký phát nổ. Chị đã hy sinh anh dũng, thi thể của chị chỉ còn lại một chút phần chân. Chị Liên và cháu Nghiêm cũng hy sinh tại chỗ, cách chiếc xe vài mét…

Nguyễn Thế Cường, "Viết tiếp về chiến công của các nữ anh hùng”, Báo Cà Mau Online ngày 2 tháng 4 năm 2015

(https://www.baocamau.com.vn/nam-thang-khong-quen/viet-tiep-ve-chien-cong-cua-cac-nu-anh-hung-36080.html)


Chiến công lẫy lừng của Ðội Biệt động Thị xã Cà Mau diễn ra vào ngày 3/4/1970, người trực tiếp tổ chức trận đánh là Tạ Minh Nghiệp (Tư Bình), Chính trị viên Ðội Biệt động. Ông kể lại việc chuẩn bị như sau: “Từ khu vườn nhà ông Châu Văn Trương, Bí thư Chi bộ ấp Cây Khô, xã Tân Lợi, nay là xã Hồ Thị Kỷ, Hồ Thị Kỷ và đồng đội của mình tập dượt sao cho khi bước đi, tay cầm giỏ xách để mìn nặng mấy ký lô vẫn có thể giữ thăng bằng như người đi chợ bình thường. Tham gia trận đánh vào Ty Cảnh sát của địch lần này, ngoài Hồ Thị Kỷ còn có các chị Sáu Liên (Huỳnh Thị Kim Liên), Tư Tâm, Bảy Hoa và Thanh Hùng (Hùng mới 16 tuổi).

Ðể nguỵ trang che mắt địch, Tạ Minh Nghiệp đề nghị chị Sáu Liên bồng theo đứa con gái thứ 9, mới lên 3 tuổi của chị là Hồ Thị Thuý Nghiêm. Khi đến nơi, chị Liên bồng con vào trước như người đi chợ, nếu thấy thời cơ thuận lợi, ra ám hiệu để Hồ Thị Kỷ xách mìn vào. Ðây là mũi chính, đánh phía tay trái Ty Cảnh sát (từ trong nhìn ra). Mũi thứ hai do Tư Tâm, Bảy Hoa, đi từ hướng Rạch Rập lên, đặt mìn phía chùa Bà Mã Châu đánh qua”.

Thanh Hùng cho biết: Anh là người trực tiếp liên lạc giữa hai tổ đặt mìn của chị Kỷ và chị Tâm. Khi gặp chị Kỷ tại trận địa và trao đổi xong khẩu, ám, tín hiệu (tình hình ổn), thực hiện phương án I, Hùng vừa đi qua tổ của chị Tâm và chị Hoa thì nghe mìn nổ. Anh chạy trở lại, thấy khói lửa nghi ngút, địch la hét, tán loạn, nhốn nháo, báo động… Tổ của chị Tâm lập tức rút lui qua phía Rạch Rập, trong khi đó Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và cháu Hồ Thị Thuý Nghiêm đều hy sinh. Ðịch rú còi inh ỏi, kéo dây chì gai giăng kín cửa ra vào.

Cái chết của những người con gái rạch Cây Khô, xã Tân Lợi làm cho quân thù khiếp vía. Dù nếm trải đau thương nhưng không một ai nao núng. Mọi người đều hứa hẹn tại lễ truy điệu Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và cháu Hồ Thị Thuý Nghiêm: “Quyết biến đau thương thành hành động để trả thù cho đồng đội”. Sau đó, Ðội Biệt động thị xã Cà Mau được mang tên Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ.

Trường Sơn, “Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ anh hùng”, Báo Cà Mau Online ngày 10 tháng 4 năm 2015

(https://www.baocamau.com.vn/nam-thang-khong-quen/%C3%B0oi-biet-dong-ho-thi-ky-anh-hung-36161.html)

Nhiều khả năng là mìn phát nổ bất thình lình và cháu bé ba tuổi Hồ Thị Thúy Nghiêm chết oan.

Ngày 19 tháng 5 năm 1972 Hồ Thị Kỷ được phong anh hùng lực lượng vũ trang căn cứ câu chuyện đầu tiên về chiến công của Hồ Thị Kỷ (không kể mẹ con Huỳnh Thị Kim Liên và Hồ Thị Thúy Nghiêm). Mãi đến ngày 31 tháng 11 năm 2011 Huỳnh Thị Kim Liên mới được phong anh hùng vì phiên bản mới của huyền thoại Hồ Thị Kỷ kể rằng Chị Liên và chị Kỷ đưa mắt cho nhau, như thống nhất hành động.

May quá, có ông Lâm Anh Lữ, chỉ huy đội biệt động, xác nhận Hồ Thị Kỷ vào trận với tinh thần quyết tử.

Ông Lữ diễn giải tiếp: “Còn chỗ đánh Ty Cảnh sát, mình bố trí 2 mũi, Hồ Thị Kỷ đánh trước vô, 1 mũi đánh từ Chùa Bà ốp qua. Huỳnh Thị Kim Liên cùng tổ Hồ Thị Kỷ, bồng con theo để nguỵ trang, nói là vào ty thăm người quen, nhưng chủ yếu là để quan sát, ra ám hiệu cho Hồ Thị Kỷ đặt mìn”. 

Giọng ông trầm xuống: “Trước trận này, Hồ Thị Kỷ có hỏi tôi, nếu muốn cho nổ liền tay thì sao? Tôi dần dừ rồi bảo: Hỏi làm chi? Kỷ nói: Để phòng, trường hợp kẹt quá cũng cho nổ. Tôi hướng dẫn: Chỉ cần nhấn mạnh nút xuống thì a xít sẽ ăn thủng giấy tới “mắt ngỗng”, gây nổ. Ai ngờ…”./.

Trận đánh Ty Cảnh sát diễn ra ngày 3/4/1970. Theo kế hoạch, Hồ Thị Kỷ đem giỏ xách nguỵ trang (có mìn) đặt ngay trung tâm Ty Cảnh sát. Nhưng tình huống hôm ấy diễn biến trái với dự kiến, bọn địch tập trung ra đường chuẩn bị cho trận càn. Nhanh trí, Hồ Thị Kỷ ra ám hiệu thay đổi kế hoạch với đồng đội và xách giỏ mìn tiến đến đoàn xe địch, mời thuốc bọn giặc hút rồi nhanh tay ấn kíp mìn. Trận đánh làm thương vong nhiều tên địch, phá huỷ 1 xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập 1 lô cốt, bẻ gãy hoàn toàn kế hoạch hành quân, khủng bố của địch.

Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và bé Hồ Thuý Nghiêm hy sinh.

Trang Thăm, “Ðội biệt động thị xã Cà Mau gặp người trong cuộc sau hơn 40 năm – Bài 1: Chuyện ‘đánh trong lòng địch’”, Báo Cà Mau Online ngày 13 tháng 1 năm 2020

 

(https://www.baocamau.com.vn/phong-su-ky-su/doi-biet-dong-thi-xa-ca-mau-gap-nguoi-trong-cuoc-sau-hon-40-nam-bai-1-chuyen-danh-trong-long-dich-64127.html)

Và ở một chỗ khác:

Theo ông Lữ kể, khi ấy có 2 mũi đánh, mũi Hồ Thị Kỷ phụ trách đánh ty cảnh sát. Trước khi đi, Hồ Thị Kỷ có hỏi ông về cách làm sao để cho nổ mìn trong tình huống khẩn cấp. Nói tới đây, ông rơm rớm nước mắt: “Chính tôi chỉ cách cho Kỷ ấn kíp nổ mìn”. Trận đánh làm thiệt hại nặng cho giặc: 18 tên đền tội, 9 bị thương, phá huỷ 1 xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập một lô cốt, hỏng một mảng tường rào và một góc phòng quân cảnh. Trận đánh cũng làm tê liệt hoàn toàn kế hoạch hành quân càn quét của địch. Nhưng nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ, nữ Anh hùng Huỳnh Thị Kim Liên và bé Hồ Thuý Nghiêm (con ruột của đồng chí Huỳnh Thị Kim Liên, khi đó mới 3 tuổi) cũng anh dũng hy sinh.

Hỏi ông Lữ, sau trận đánh của Hồ Thị Kỷ, tâm trạng ông khi ấy ra sao, ông chậm rãi: “Trong mọi tình huống, là người chỉ huy, phải bình tĩnh, dù lòng rất đau”. Nhưng từ trận đánh này, ông đã ngẫm ra một điều: “Nhân dân Cà Mau anh hùng, những người con gái xuân sắc như Kỷ dám hy sinh cuộc đời vì lý tưởng cao đẹp, một bà mẹ ôm con mình vào trận đánh, một cháu bé 3 tuổi cũng góp phần diệt giặc, thì cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi”. Hồ Thị Kỷ đã chọn một cuộc đời vinh quang, thay vì lẽ sống thường tình.

Phạm Quốc Rin, “Người chỉ huy biệt động thành Cà Mau”, Báo Cà Mau Online 18 tháng 2 năm 2021

(https://www.baocamau.com.vn/nam-thang-khong-quen/nguoi-chi-huy-biet-dong-thanh-ca-mau-67763.html)

Hồ Thị Sao, em gái Hồ Thị Kỷ, cũng xác nhận là Hồ Thị Kỷ chấp nhận hy sinh khi lâm trận:

Đêm trước lúc đi, hai chị em thức gần trắng đêm tâm sự. Chị nói, cỡ nào chị cũng không để chúng bắt và lấy trái nổ. Vì trái của mình quý lắm, tốn nhiều tiền của, công sức mới có được. Chị thà chết mà giết được chúng chớ không để bị chúng lấy trái nổ, uổng phí lắm. Thêm nữa, anh em đồng đội mình ở Khám Lớn nhiều lắm, để nó bắt, nó đánh đập sợ mình đau rồi không giữ được khí tiết, khai lung tung thì nguy hiểm tới anh em. Thà mình hy sinh. Học theo gương chị Võ Thị Sáu, phải sống hiên ngang...

Chị nói, 8 giờ tới 9 giờ hôm sau là chị về. Hoặc 11-12 giờ. Chậm lắm cũng cỡ 3 giờ chiều là chị về tới. Nếu 3 giờ mà không thấy chị về là coi như chị hy sinh...

Chị em tâm sự tới 12 giờ đêm, chị quay sang chuẩn bị và nói chuyện, chia tay với mấy anh bộ đội. Tới 1 giờ 30 là chị xuống xuồng đi ra Cà Mau làm nhiệm vụ. Lúc đó chị đi cùng chị Huỳnh Thị Kim Liên, bồng theo bé Hồ Thuý Nghiêm. Hai chị em xuống xuồng chèo đi. Bấy giờ là mùa hạn, nước sông cạn, xuồng chèo cứ nghe ọt ẹt…”.

Trang Thăm, “Ðội biệt động thị xã Cà Mau gặp người trong cuộc sau hơn 40 năm – Bài 2: Chuyện ít biết về Hồ Thị Kỷ và gia đình”, Báo Cà Mau Online ngày 14 tháng 1 năm 2020

(https://www.baocamau.com.vn/phong-su-ky-su/doi-biet-dong-thi-xa-ca-mau-gap-nguoi-trong-cuoc-sau-hon-40-nam-bai-2-chuyen-it-biet-ve-ho-thi-ky-va-gia-dinh-64154.html)

Không ai nhận xét gì về tinh thần quyết tử của Huỳnh Thị Kim Liên. Người phụ nữ này không giữ một vai trò nào trong phiên bản gốc của huyền thoại Hồ Thị Kỷ. Bốn mươi mốt năm sau, cái chết của  Huỳnh Thị Kim Liên mới được xem là một cái chết anh hùng.